Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Các khái niệm âm nhạc thường gặp

Các khái niệm thường gặp

Chất liệu

Là những yếu tố đã có sẵn từ môi trường hoặc đã được phát minh, là "vật liệu" để các nhạc sĩ sử dụng trong việc tạo ra tác phẩm. Chẳng hạn: các làn điệu dân ca trên khắp thế giới, các tiết tấu dân vũ, các điệu thức đã được nhận diện, các hợp âm đã được hệ thống hóa, các âm sắc nhạc cụ, các tác phẩm nghệ thuật thuộc bộ môn khác, các phương tiện điện tử hoặc tiếng động môi trường... Có những thứ vô nghĩa với người này lại đáng quý với người khác. Tôi cho rằng khái niệm chất liệu nên được mở rộng hơn cách Hải Long nghĩ: nó không chỉ là tập hợp những gì có thể dùng để diễn đạt cảm xúc, mà là tất cả những gì có thể dùng như một dạng vật chất để làm nên tác phẩm. Nhưng cho rằng "cảm xúc trước cảnh vật thiên nhiên" cũng là chất liệu thì hơi khiên cưỡng. Cảm xúc là điều thúc đẩy người nhạc sĩ phải đi tìm những chất liệu phù hợp để diễn đạt, chứ bản thân cảm xúc không phải là chất liệu.

Thủ pháp

Tôi cố gắng diễn dịch từ "writing" ra thành thủ pháp, hoặc bút pháp. Đó là nghệ thuật và kỹ thuật khai thác, sử dụng chất liệu trong một tác phẩm cụ thể. Chẳng hạn, Hector Villa-Lobos dùng hợp âm 7 giảm (7th diminished) đảo thế nối nhau liên tục thành chuỗi trong etude cho đàn guitar - là một thủ pháp xây dựng giai điệu (và hòa âm). Ở một tác phẩm khác của tác giả này, ông lại dựng sườn tiết tấu đảo phách và nghịch phách như một mô-típ chủ đạo. Dân ca đồng bằng Bắc bộ chẳng hạn, là một chất liệu. Nguyễn Cường khai thác một ít những nhấn nhá đặc trưng của nó cho bài "Cảm hứng Nam Hà", còn Phạm Duy lại lẩy ra vừa tiết tấu vừa nét chuyển hành giai điệu, cả cách chuyển vị âm giai trong loạt dân nhạc cải biên của ông. Frank Zappa dùng nhịp 9/8 trong nhiều ca khúc, thích chọn một cách kết (coda) không ngừng nghỉ, đấy là thủ pháp. Nhiều nhạc sĩ tiền phong thu cả tiếng động môi trường đem vào tác phẩm, là một trong những thủ pháp. Sử dụng quãng 8 trong nhiều giải kết (cadenza) như Quốc Bảo, là một thủ pháp...

Phong cách

Mỗi tác phẩm được dựng nên bởi một số thủ pháp. Có khi những thủ pháp ưa thích được lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm, và nếu đấy là những nỗ lực của bản thân tác giả để "làm khác đi", "làm cái chưa từng có", thì tập hợp thủ pháp kia hình thành phong cách tác giả. Ta nên hiểu rằng, phong cách là chứng chỉ nhận diện (identity) của một tác giả, nó không thể trùng lặp. Người ta có thể sao chép thủ pháp, nhưng không bắt chước được phong cách. Ví dụ ngoài đời, có nhiều người cùng ăn mặc theo lối "casual", quần khakis áo sơ mi vải thô, nhưng có một phong cách ăn mặc mang dấu ấn Trịnh Công Sơn, mà không ai "giống" ông được - kể cả người đóng thế vai trong video-clip "Đóa hoa vô thường"!

Trường phái

Nhiều người cùng chung một quan niệm nghệ thuật, cùng sử dụng một số thủ pháp tương tự, cùng một lối đi, thì lập nên một trường phái. Ta thường quen dịch tiếp vĩ ngữ "ism" thành "trường phái", tôi nghĩ chưa chính xác. Trường phái dịch từ "school", nó nhỏ hơn "ism". Có một trường phái dân ca hiện đại ở Việt Nam gồm Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Lê Minh Sơn và một số tác giả Tây Nguyên, nhưng nó chưa đủ để hình thành một "ism". Các "ism" như expressionism, dada-ism nên được dịch là thuyết biểu hiện, thuyết dada.

Thể loại

Đây lại là một thuật ngữ hay bị dùng sai. Thể loại là sự phân biệt các mảng âm nhạc khác nhau dựa trên những yếu tính thuần kỹ thuật. Ta có thể loại jazz, thể loại world music, thể loại blues, thể loại new age, chứ không phải phong cách jazz, world music...

... và một chút về ngôn ngữ âm nhạc

"Âm nhạc và ngôn ngữ gắn bó chặt chẽ với nhau. Cả hai đều xuất phát từ nhu cầu truyền đạt. Trong khi ngôn ngữ bao gồm các từ và lời nói thì âm nhạc là ngôn ngữ của trái tim. Ngôn ngữ âm nhạc ở đây được hiểu theo ý nghĩa ẩn dụ, như là phương tiện diễn đạt thông qua âm thanh hơn là quan hệ cấu trúc giữa âm nhạc và ngôn ngữ hiểu theo ngôn từ kỹ thuật. Âm nhạc được xem như là sự trình bầy âm thanh theo lối ẩn dụ thay vì là một bộ phận kỹ thuật của ngôn ngữ (như: ký hiệu âm nhạc, tổng phổ ...)".

--------------------

Nguồn : sưu tầm Internet

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: