CÁC BƯỚC XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
Việc sử dụng máy tính điện tử (MTÐT) để giải quyết một vấn đề nào đó thường được quan niệm một cách không chuẩn xác, đơn giản đó chỉ là việc lập trình thuần túy. Thực ra, đó là cả một quá trình phức tạp bao gồm nhiều giai đoạn phát triển mà lập trình chỉ là một trong các giai đoạn đó (thậm chí chưa chắc đã là phần việc quan trọng nhất). Các bước quan trọng của toàn bộ quá trình được liệt kê dưới đây:
Bước 1. Xác định vấn đề - bài toán.
Bước đầu tiên của bước phân tích hệ thống là nhằm phát biểu chính xác vấn đề - bài toán, làm rõ những yêu cầu mà người sử dụng đòi hỏi. Sau khi nghiên cứu vấn đề được đặt ra, người phân tích viên thiết lập mối phụ thuộc giữa các dữ kiện và kết quả phải tìm. Trên cơ sở có được mô hình vấn đề - bài toán, người phân tích viên sẽ đánh giá, nhận định tính khả thi của vấn đề - bài toán được đặt ra có đáng phải giải quyết không?
Bước 2. Lựa chọn phương pháp giải.
Có thể có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề - bài toán đã thiết lập ở bước 1. Các phương pháp có thể khác nhau về thời gian thực hiện. chi phí lưu trữ dữ liệu, độ chính xác.... Nói chung không có phương pháp tối ưu về mọi phương diện. Tùy theo nhu cầu cụ thể mà lựa chọn phương pháp thích hợp. Việc lựa chọn trên cũng cần căn cứ vào khả năng xử lý tự động mà ta sẽ sử dụng.
Bước 3. Xây dựng thuật toán hoặc thuật giải.
Xây dựng mô hình chặt chẽ, chính xác hơn và chi tiết hóa hơn phương pháp đã lựa chọn. Xác định rõ ràng dữ liệu vào, ra cho các bước thực hiện cơ bản và trật tự thực hiện các bước cơ bản đó. Nên áp dụng phương pháp thiết kế có cấu trúc, từ thiết kế tổng thể tiến hành làm mịn dần từng bước.
Bước 4. Cài đặt chương trình.
Mô tả thuật giải bằng chương trình. Dựa vào thuật giải đã được xây dựng, căn cứ quy tắc của một ngôn ngữ lập trình để soạn thảo ra chương trình thể hiện giải thuật thiết lập ở bước 3.
Bước 5. Hiệu chỉnh chương trình.
Ở bước 4, nói chung chúng ta không tránh khỏi sai sót. Ở bước 5 này chúng ta cho chương trình chạy thử để phát hiện và điều chỉnh các sai sót nếu tìm thấy.
Có hai loại lỗi:
Lỗi cú pháp là lỗi do không tuân thủ đúng các quy tắc viết chương trình trên một ngôn ngữ lập trình cụ thể.
Lỗi ngữ nghĩa là lỗi làm sai lạc ý nghĩa hoặc dẫn đến bế tắc của chương trình. Lỗi cú pháp thường dễ phát hiện và hiệu chỉnh hơn lỗi ngữ nghĩa. Cần phải nói rằng việc hiệu chỉnh chương trình khá phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức. Việc xây dựng tốt, phù hợp, đầy đủ các bộ dữ liệu để kiểm chứng chương trình là hết sức quan trọng, giúp phát hiện ra các lỗi ngữ nghĩa của chương trình cũng như có thể có vấn đề gì đó bị bỏ sót.
Bước 6. Thực hiện chương trình.
Cho MTÐT thực hiện chương trình. Tiến hành phân tích kết quả thu được. Việc phân tích kết quả nhằm khẳng định kết quả đó có phù hợp hay không. Nếu không, cần kiểm tra lại toàn bộ các bước một lần nữa. Nói chung, dù thận trọng đến mức nào đi nữa thì sau mỗi bước thực hiện nêu trên cũng không khẳng định được kết quả thực hiện từng bước là đúng đắn tuyệt đối. Hơn nữa, như ở bước 5, ta chỉ hiệu chỉnh tất cả các lỗi đã được phát hiện. Còn có thể có sai sót khác của chương trình với một bộ dữ liệu nào khác phức tạp hơn mà ta chưa có cơ hội để phát hiện trước đó. Do đó, ta không thể khẳng định được rằng, chương trình đúng tuyệt đối, không còn sai sót nữa. Như vậy, việc giải quyết một vấn đề cụ thể thực hiện qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn quan niệm, gồm các bước phân tích, lựa chọn mô hình, xây dựng thuật giải, cài đặt chương trình. Giai đoạn sau là khai thác và bảo trì chương trình. Trong quá trình sử dụng, nói chung thường có nhu cầu về cải tiến, mở rộng chương trình do các yếu tố của bài toán ban đầu có thể thay đổi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro