Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Lời tựa

Tự Tánh Tự Độ

Bửu Sơn Kỳ Hương đã có mặt trên đất nước Việt Nam hơn một thế kỷ, giáo lý ngày nay vẫn còn được lưu giữ trên giấy mực, trong lòng người, giữa núi rừng, đền tháp thiêng liêng.
Ngoài phần thi kệ và những câu chuyện sống động, thần bí xảy ra vào thời các vị giáo chủ còn tại thế được ghi chép, lưu truyền; bốn quyển Khuyên Người Đời Tu Niệm, Kệ Dân, Sám Giảng, và Giác Mê Tâm Kệ của Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1939 -1947) là giáo lý phổ thông hiện nay trên đất Việt, đặc biệt đối với miền Nam nước Việt nam.
Con đường hoằng hóa của chư Phật qua nhiều giai đoạn, nội dung giáo lý cũng tùy thuận căn tánh chúng sinh nên có cõi nước vị giáo chủ chỉ dạy giáo pháp Đại thừa cho hàng Bồ tát, có cõi dạy thập thiện, có cõi dạy nhân thừa, thiên thừa v.v... gọi là chánh giáo và quyền giáo.
Quyền giáo là giáo lý phương tiện, sử dụng tạm thời tùy thuận theo căn cơ chưa đến được chỗ sâu sắc của đa số thính chúng. Pháp phương tiện này cuối cùng sẽ bị vượt qua để đi đến cái thấy chân thật là chánh giáo. Vì vậy, thời Đức Phật thuyết kinh Pháp Hoa là lúc phá quyền hiển chánh. Đức Phật dạy rõ vì sao Ngài phải tạm dùng pháp phương tiện để hướng dẫn trí tuệ chúng sinh:

"Trí hèn kém biết đâu là bể khổ
Nếu Như Lai dùng trí tuệ, thần thông
Tán dương và khen ngợi pháp thậm thâm
Mười trí lực cùng bốn vô sở úy
Tâm chúng sinh biết đâu là Phật trí
Bởi trong vòng bức não của thế gian
Ta như người có sức mạnh vạn năng
Chẳng dùng được, phải tìm lời khuyến dỗ".[1]
(Phẩm Thí Dụ)

Chánh giáo là pháp viên mãn dạy chúng sinh thành Phật, chỉ cho Nhất Thừa tức Phật thừa:
"Hai thừa còn không có, huống chi ba,
Chín tạng pháp vì chúng sinh tạm nói." [2]
(Phẩm Phương Tiện)
Như vậy, trong toàn bộ giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương, còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, thì dòng kệ nào là quyền giáo, dòng kệ nào là chánh giáo?.
Chúng ta thấy năm 1939, tại miền Nam nước Việt Nam, Đức Huỳnh Giáo chủ viết rõ trong Giác Mê Tâm Kệ, và rãi rác trong ba tập sấm giảng khác:
"Trong sấm giảng nếu ai không hiểu
Tầm kệ này Ta chỉ nẻo đường".
Và:
"Coi Tâm Kệ làm theo mới trúng".

"Kệ này" hoặc "Tâm kệ" chỉ cho Giác Mê Tâm Kệ. Vì sao Ngài lại dạy rằng nếu có ai đã học ba tập Khuyên người đời tu niệm, Kệ dân, và Sấm giảng mà vẫn không hiểu cái Ngài muốn họ hiểu thì hãy tìm những giáo lý trong quyển Giác Mê Tâm Kệ? Chúng ta mở ra liền thấy nhiều đoạn trong Giác Mê Tâm Kệ dạy về Tâm:

"Tâm sáng suốt như đài nguyệt kiến
Tánh trong như nước biếc mùa thu".
"Vô pháp tướng mới là thật tướng".
Đức Huỳnh giáo chủ lại khuyên tín chúng:
"Huyền cơ đạo hạnh hãy gắng tầm
Đời cùng tiên Phật dụng nhân tâm".
"Cảnh Niết Bàn là nơi cứu cánh".
"Nay gặp gốc phải mau tìm gốc."

Gốc này chính là nguồn tâm vậy.
Trong Giác Mê Tâm Kệ, Đức giáo chủ cũng xác định chỗ đứng của pháp phương tiện, mặc dù pháp phương tiện là một pháp cần thiết, nhưng sự cần thiết này chỉ có ý nghĩa tạm thời, đóng vai trò làm bậc thang đưa bước:

"Tạo làm chi những trung với hiếu!
Ấy là người bổn phận phải trau".

Chư Phật luôn nói lời chân thật nên dù là pháp phương tiện, chánh báo và y báo đều thành tựu như kết quả của việc tu hành.

Kinh Pháp Hoa được nhìn là quyển kinh thuyết về Nhất Thừa Viên Giáo, chỉ rõ Phật tức Tâm. Trí Giả Đại Sư (538-597) dùng kinh này như quyển kinh nòng cốt cho Thiên Thai Tông, đại sư thuyết ý nghĩa thâm sâu trong kinh, môn đồ ghi lại thành một trong ba quyển luận quan trọng của tông phái, lấy tựa đề là Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Vì vậy, người đời sau còn gọi là Thiên Thai Tông là Pháp Hoa Tông.

Khi Đức Thích Ca thuyết kinh Pháp Hoa thì năm ngàn người trong thính chúng tự ý bỏ đi ra khỏi pháp hội.

Vì muốn nương kinh để giải kinh, nương trí để thấy trí, tôi xin vẽ ra đồ biểu dưới đây, gọi tên là "Bảng đối chiếu Pháp Hoa Huyền NghĩaBửu Sơn Kỳ Hương Huyền Nghĩa" để trình bày sự tương quan giữa hai đường lối hoằng pháp của Đức Phật Thích Ca và Đức Huỳnh Giáo Chủ, tức Bửu Sơn Kỳ Hương.

Sau cùng, hai mặt giáo lý và thực hành được trình bày song song, áp dụng trực tiếp vào sinh hoạt hằng ngày của hành giả. Những câu kệ dùng văn tự đơn sơ (Kệ Dân, "Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ" [3],) trong bốn tập sách này, nhắm vào đa số quần chúng là cư sĩ tại gia, thực sự chứa đựng kho tàng pháp bảo. Nội dung giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như Phật giáo Hòa Hão hoàn toàn trung thực với Phật pháp, cả Đại thừa lẫn Tiểu thừa, là ngọn đuốc được chư Phật Tổ thắp sáng xưa nay trên toàn thế giới, không khác gì với nội dung những bộ kinh luận đồ sộ của chư Phật và chư Tổ. Đường lối giảng dạy cũng không khác.[4] Tánh Không, Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa, Tứ Tất Đàn, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế, Lục Độ, pháp môn niệm Phật, minh tâm kiến tánh, tự độ, độ tha cho đến những tam muội thâm sâu như Niệm Phật Tam Muội,[5] Phổ Hiện Sắc Thân Tam Muội [6]. Nhẫn nhục ba la mật trong Giác Mê Tam Kệ đi qua lăng kính của một tác phẩm thâm thúy là Vô Tránh Tam Muội của vị Tổ thứ ba Thiên Thai Tông là tôn giả Nam Nhạc Tuệ Tư (tôn sư của người sáng lập nên Thiên Thai Tông là Trí Giả Đại Sư). Pháp môn đốn giác của Lục Tổ Tuệ Năng cũng được nói đến trong tập Giác Mê Tâm Kệ. Tôi chứng minh những điều trên trong từng con số chú giải theo với mỗi câu kệ.

Không có chánh giáo thì không có Phật ra đời. Không có Phật ra đời thì không có chánh giáo. Nói cách khác, chánh giáo là giáo lý dạy chúng sinh biết mình vốn có Phật tánh, trực nhận Phật tánh này, cởi bỏ lớp áo nhuốm bụi đời bên ngoài để lộ nguyên chân tánh. Giáo pháp thậm thâm vi diệu phải là chánh giáo, đó cũng là bản hoài của chư Phật vì đại sự nhân duyên mà ứng hiện cõi này, khai tri kiến Phật vốn sẳn có nơi mỗi mỗi chúng sinh. "Người ngộ được tự tánh, tiến tu theo tự tánh mới gọi là chân tu", [7] ngoài ra thì là duyên tu.

Vì vậy mà nói rằng tự tánh tự độ.

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
Núi Bắc, tháng 5, 2015

...................................................
[1] Trích "Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng" (thi hóa kinh Pháp Hoa), Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm, nxb Phương Đông, 2008.
[2] Nếu có phương pháp nào khác, cũng do Đức Thế Tôn chỉ dạy, thì đều là những phương tiện để hỗ trợ, dẫn phát chân ngôn mà thôi. (Bồ Đề Đạt Ma: Ngộ Tánh Luận. HT Thích Trí Tịnh giảng giải).
[3] Thầy Ba Đạo xướng bài thơ hỏi đạo, Đức Huỳnh giáo chủ họa:
"Bốn chữ xuống phàm chớ ở đâu?".
[4] Đọc Đường Phật Đi (Phật Tổ Đạo Ảnh), và 379 bài kệ của HT Tuyên Hóa, BS Trần văn Nghĩa và Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm dịch, Thư Viện Hoa Sen, 2014.
[5] Niệm Phật Tam Muội: (念佛三昧)
Tam muội quán niệm đức của Phật hoặc xưng niệm danh hiệu Phật, tức là loại thiền định lấy niệm Phật làm nội dung quán tưởng. Niệm Phật tam muội được chia làm 2 loại:
(¹). Nhân hành niệm Phật tam muội: Nhất tâm quán tưởng tướng hảo của Phật, hoặc nhất tâm quán tưởng thực tướng của Pháp thân Phật, cả 2 đều là quán tưởng niệm Phật. Trái lại, nhất tâm xưng niệm danh hiệu của Phật thì gọi là Xưng danh niệm Phật.
(²). Quả thành niệm Phật tam muội: Ba loại nhân hành nói trên được thành tựu, như trong thiền định được thấy thân Phật hiện tiền. Nhân hành niệm Phật tam muội là tu, Quả thành niệm Phật tam muội là phát được. Tự Điển Phật Quang.
Giác Mê Tâm Kệ, Đức Huỳnh giáo chủ:
"Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối
Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà".
"Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà
Phật chẳng chấp, chẳng nài thời khắc".
[6] Phổ Hiện Sắc Thân Tam Muội: (普現色身三昧)
Phổ Hiện Sắc Thân Tam Muội. Cũng gọi Hiện nhất thiết sắc thân tam muội, Phổ hiện tam muội. Tam muội mà chư Phật, Bồ tát thể nhập khi cần thị hiện các sắc thân. Phẩm Diệu âm bồ tát kinh Pháp hoa (Đại 9, 56 trung) ghi: Bồ Tát Hoa Đức bạch đức Phật rằng: Bạch đức Thế tôn! Bồ tát Diệu Âm trụ trong tam muội nào mà có thể hiển hiện độ thoát chúng sinh như vậy? Phật bảo Bồ tát Hoa Đức: Thiện nam tử! Tam muội này gọi là Hiện nhất thiết sắc thân, bồ tát Diệu Âm trụ trong Tam muội này nên mới có năng lực lợi ích vô lượng chúng sinh như thế. Tự Điển Phật Quang.
Kệ Dân, Đức Huỳnh Giáo Chủ:
"Dạy chánh đạo vì thương Nam Việt
Ở Cao Miên vì mến Tần Hoàng
Trở về Nam đặng có sửa sang
Cho thiện tín được rành chân lý".
"Ta là kẻ vô hình, hữu ảnh
Ẩn xác phàm gìn đạo Thích Ca".
"Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ".
Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa, Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư (Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm biên dịch, nxb Phương Đông 2012, p.629, Thư Viện Hoa Sen):
"Giữa lòng đêm hiu hắt
Mưa ướt lạnh hai vai
Ai biết thân đơn bạc
Là Phật thân cõi này".
[7] Lăng Nghiêm Đại Định, HT Thích Huệ Hưng phỏng dịch, Tu viện Huệ Quang, 1979.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro