Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bùi Thị Xuân - Nữ đô đốc kiệt xuất nhà Tây Sơn

Thứ Sáu, 12/11/2010, 07:19 CH | Lượt xem: 365

Ai từng đến bảo tàng Quang Trung tại Bình Định, được ngắm nhìn bức tượng người phụ nữ đang ngồi được sơn son thếp vàng với dòng chữ đề: "đô đốc Bùi Thị Xuân" hẳn sẽ thấy đây là một cái tên quen thuộc và không ngần ngại nán lại vài phút để nghe hướng dẫn viên lược sử về cuộc đời người nữ anh hùng thời Tây Sơn này để cảm được rằng tại sao vùng đất Bình Định lại vang danh câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi. Con gái Bình Định múa roi đi quyền”. Và Bùi Thị Xuân cũng chính là vợ của danh tướng Trần Quang Diệu.

Đến chết gương anh dũng vẫn vang, bà là tấm gương dũng liệt không chỉ của triều đại Tây Sơn áo vải, mà còn là một trong những đại diện tiêu biểu cho khí phách nữ kiệt Việt Nam.

Bùi Thị Xuân (? - 1822) chính quê ở thôn Xuân Hào, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà là nữ tướng dan htiếng thơi Tây Sơn, cháu Thái sư Bùi Đắc Tuyên nhà Tây Sơn.

Là phận gái thân bồ liễu nhưng ở bà không chỉ hội tụ đủ yếu tố cần thiết của người phụ nữ thời phong kiến với luân lý Tam tong – Tứ đức, mà những phẩm chất trí, dũng, liệt… của trang nam nhi tuấn kiệt cũng hiện diện nơi bà, đưa bà trở thành một trong những danh tướng huyền thoại thời Tây Sơn, thậm chí là cả sử Việt cổ kim.

Thuở nhỏ thay vì làm bạn với đường kim, mũi chỉ thêu thùa, với cây đàn tỳ bà thánh thót, cô Xuân đi… học võ với thầy Đô thống Ngô Mạnh ở Thuần Truyền. Trong các môn sinh nam nữ, khả năng võ nghệ của Bùi Thị Xuân nổi bật, học đâu hiểu đó, đặc biệt giỏi môn song kiếm, do đó bà được sư phụ cho làm chức trưởng môn. Theo tương truyền, ngoài giỏi võ, Bùi Thị Xuân còn là người có nhan sắc, khéo tay, biết cả chữ thánh hiền, viết chữ rất đẹp.

Nhờ giỏi võ mà có lần bà cùng Trần Quang Diệu giết cả hổ và cũng từ lần tướng ngộ đó hai người nên vợ nên chồng, lại đồng chí hướng phò vua giúp nước, hai vợ chồng đầu quân theo khoiử nghĩa Tây Sơn. Từ đây tài năng võ nghệ đã đưa Bùi Thị Xuân trở thành một nữ võ tướng tiêu biểu dưới triều vua Quang Trung.

Cùng với chồng là tướng quân Trần Quang Diệu và các tướng lĩnh khác, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào nông dân Tây Sơn, góp công đánh bại 29 vạn quân xâm lược Thanh năm 1789 Kỷ Dậu, cùng vua Quang Trung, rồi chiến tranh đối đầu với Nguyễn Ánh. Tài nghệ binh bị, giỏi sử dụng quân, can đảm dũng lược trong chiến đấu, bà góp cong lớn cho sự tạo dựng vương triều Tây Sơn, được Quang Trung phong là Đô đốc. Lực lượng tượng binh nhà Tây Sơn sở dĩ hùng mạnh cũng chính bởi tài giỏi luyện voi chiến của Bùi Thị Xuân. Thời ấy Bùi Thị Xuân là một trong “Tây Sơn ngũ phụng thư”, là một thành viên trong hàng Tứ kiệt dưới triều Nguyễn Huệ cùng Ngô Văn Sở, Võ Văn Phụng, Trần Quang Diệu. Sống với chồng trọn nghĩa phu thê, phò vua trọn đường tôi trung nên bà được chồng yêu, vua Quang Trung tin cẩn.

Cuộc đời bà là một trang sử bi tráng nhưng dũng liệt. Sự oai phong lộ ra cả khi đối mặt với cái chết. Năm 1792, nhà Tây Sơn dưới sự điều khiển của Quang trung đang đi lên thi vị vua áo vải cờ đào đột ngột băng hà, đất nước mất đi vị vua sáng. Quang Toản lên ngôi tức Cảnh Thịnh tài năng không bằng cha để triều đình bị quyền thần Bùi Đắc Tuyên thao túng. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, đấu đá nội bộ phe cánh nổ ra, nhà Tây Sơn dân suy vi. Đô đốc Bùi Thị Xuân vẫn một lòng trung nhưng “một cây làm chẳng nên non”, đến nỗi bà phải chết trong tay kẻ thù. Nguyễn Ánh lúc nhân nhà Tây Sơn lục đục, phát triển thế lực và cho quân tấn công nhiều nơi.

Năm 1800, nhân Tây Sơn đánh Qui Nhơn, Nguyễn Ánh từ Gia Định tập kích Phú Xuân, Cảnh Thịnh chạy về Nghệ An, Phú Xuân rơi vào tay quân Nguyễn Ánh. Tháng 1 năm 1801 tại Quảng Bình, trận đánh nơi chiến lũy Trấn Ninh và Đâu Mâu diễn ra quyết liệt giữa quân đô đốc Bùi Thị Xuân với quân Nguyễn, Bùi Thị Xuân luôn tiên phong hô hào binh sĩ, tự tay đánh trống thúc quân. Thân mình máu đẫm áo bào vẫn hiên ngang diệt giặc. Nhưng vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy tương quan lực lượng bất lợi, lại nghe tin Nguyễn Ánh phá được thủy binh Tây Sơn tại cửa biển Nhật Lệ cho lui quân. Bùi Thị Xuân phải chạy về Nghệ An. Sau bà cùng chồng và con gái bị địch bắt. Triều Tây Sơn cũng suy tàn khi Nguyễn Ánh chiếm được Bắc Hà, lên ngôi Hoàng đế năm 1812.

Nguyễn Ánh vốn biết đô đốc Bùi Thị Xuân là danh tướng làm kinh hồn quân Nguyễn, mỗi khi giáp trận. Nay có bà trong tay như “cá nằm trên thớt” thừa quyền sinh sát, mới cho quân giải bà đến, hỏi với giọng đắc chí:

- Ta với chúa người, ai hơn ai?

Bà cười khảng khái đáp:

- Chúa của ta, tay kiếm, tay cờ mà làm nên sự nghiệp, trong khi nhà ngươi đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, lại bị chúa công ta đánh cho không còn mảnh giáp. Đem so với chúa của ta, nhà ngươi chẳng qua là nước vũng so với ao trời.

Bị chửi thẳng, Nguyễn Ánh tức giận:

- Ngươi có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?

Bà tiếp lời:

- Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh, nhà ngươi khó mà đặt chân được tới Bắc hà.

Từ thế của kẻ bại trận, bà vẫn hiên ngang ngạo nghễ trước mặt kẻ thù trong tư thế của người chiến thắng. Chiến thắng sự kiêu ngạo của Nguyễn Ánh, chiến thắng của lòng trung thành với chủ tướng…

Cùng với 200 tướng lĩnh Tây Sơn khác, đô đốc Bùi Thị Xuân bị xử tội chết tại bãi chém An Hòa – Phú Xuân. Nhưng cái chết của bà thật oanh liệt làm kẻ thù phải khiếp sợ, thán phục, để cái chết mãi góp phần làm nên một phần tô điểm cho lòng kiên trinh, tiết tháo son sắt của người phụ nữ. Sự việc này diễn ra ngày 16 tháng 11 năm 1802. Để gây run sợ cho bà, giặc giết chồng bà, cho voi giày con gái bà, nhưng chúng đâu biết rằng chết cho dân, cho nước bà nào sá chi. Đến lượt Bùi Thị Xuân cũng bị voi giày, nhưng: “Bùi Thị Xuân không biến đổi sắc mặt, tiến đến trớc con voi như chọc tức nó. Mấy võ quan ra lệnh bắt bà quỳ xuống, bà cứ thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại. Lính cầm giáo thọc vào đùi voi, con vật đau xông lên giương vòi quắp lấy bà rồi tung lên trời” (theo ký sự Relation sur de Tonkin et la Cochinchine của Giáo sĩ De la Bissachère).

Đã hai thế kỷ trôi qua, danh thơm của nữ đô đốc họ Bùi vẫn mãi lưu truyền như lời ca ngợi bà trong bài Bùi phu nhân của Nguyễn Trọng Trí:

Nam nhi bất hướng sa trường tử,

Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân.

(Làm trai mà không dám đến sa trường để xả thân

Hát lớn một khúc ca mà xem gương Bùi Thị Xuân)

Bùi Thị Xuân, người nữ đô đốc kiên trung, gan dạ, nữ anh hùng thơm thảo xứ Tây Sơn. Dân tộc biết ơn bà, phụ nữ Việt tự hào khi có bà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro