kẻ có 'nhà' lang thang
Thưa cha xứ, con biết điều mình làm là sai trái, một hành động điên rồ và đầy tội lỗi, dĩ nhiên, nó không đáng để khoan dung một chút nào. Thế nên, con không mong được rửa sạch hết dơ bẩn vô tận, mà, xin cha hãy cứ trách phạt con, mắng nhiếc con bằng lời lẽ thậm tệ nhất, lăng mạ và khiển trách con thật nhiều, hay thậm chí để quỷ sứ nguyền rủa lấy kẻ mang tội ác đáng chết này, mặc cho con cháy trên ngọn thánh giá, bị ghim chặt da thịt không cách nào thoát khỏi, nhuộm khắp lửa địa ngục bỏng rát cả tâm hồn và thể xác nhơ nhớp. Chúa trời, đức mẹ và những vị thần, kể cả cha, thưa cha, hãy dồn lấy những hình phạt đáng kinh, đáng ghê sợ nhất, đừng để mặc con sống chết mà mang trong mình sự tội lỗi đáng ghê tởm này
Một gã đàn ông nghèo khổ và hèn hạ, ngự dưới mái hiên đen ngòm vì khói bếp lâu năm và từ những năm tháng dầm mưa dãi nắng không được sang sửa đàng hoàng từ khu bếp một gia đình giàu có. Gã ngự ở đấy như một kẻ vô gia cư không chốn dung thân, vừa đáng thương lại vừa đáng khinh. À không, gã có nhà chứ, gã có một căn khá đàng hoàng không đến nỗi là tạm bợ và tồi tàn như bấy giờ. Một căn nhà mục nát chắp từ những mảnh, những thứ gì đấy có thể coi là những vách tường khá kiên cố che được nắng gay gắt vào những ngày hạ, hơi ẩm dột một chút vào những ngày giông gió bất tiện, và cố nhiên buốt đến tận chân răng vào những hôm tuyết phủ trắng trời, trắng cả khuôn mặt gầy gò đáng thương của gã, phủ cả những ngón chân mà tấm nùi không đủ che kín tới buộc phải chìa ra bên ngoài. Một điều đặc biệt nữa, khi những sự khổ sở ập đến cùng một lúc, ta có thể ví dụ là đỉnh điểm vào một đêm cuối năm đúng độ ngày sinh của Chúa Jesus đáng kính, cơn đói và cơn lạnh thấu xương, cùng cái bụng rỗng tuếch kẹp lép, cùng cái tấm nùi rách bươm cố thân từ cái bận mới lọt lòng của mình, mắt gã đã chuyển sang trắng dã và cả thân mình gã cứng đờ chuyển từ bị động sang thành bất động.
Những người qua đường xót xa lại chẳng dám động tới cái xác như vừa chết hẳn, lại còn những hơi phả ra từ ống mũi giữa tiết trời lạnh giá, mắt vẫn trợn tròn, gã đàn ông đắp cái tấm nùi thê thảm không từ ngữ nào có thể diễn tả lại, nằm điềm nhiên như cái xác không hồn chỉ biết giương mắt trắng nhìn đời qua lại.
"Ai đó hãy dọn cái đống này đi, đến sáng mai nó sẽ bốc mùi mất. Cứ tưởng tượng thời tiết thì ẩm ương còn thêm mùi thịt thối đang phân hủy thì các vị biết rồi đấy!"
Một gã béo phệ trỏ tay ra bên ngoài, qua khung cửa sổ mới sơn cũng màu trắng như tuyết, ngó vào có thể thấy con ngỗng quay béo ngậy màu vàng cánh gián, cái nĩa sắp ngay ngắn chưa kịp động tới thì gã thấy cánh cửa sổ bị ai đó gõ động lên mấy tiếng. Khi ra đến nơi xem tình hình thế nào thì 'hung thủ' đã chạy biến sau màn tuyết phủ trắng qua con hẻm nhỏ xíu không chút đèn đường. Ôi kìa, nhìn mà xem! Một tên đàn ông, rách rưới và khốn khổ ngang ngửa một người hành khất, thế nhưng, chẳng có một cái mũ hay cái lon rỉ sắt để mà hứng lấy chút đồng bạc còm của những người qua đường động lòng. Đáng nói hơn là, gã chết rồi. Và những câu sau đó thì ta đã biết rồi đấy. Gã béo chống nạnh nỉ non ra ngoài cửa vài câu, thế nhưng xem xét lại chẳng mấy ai nghe được, nói gì đến là để tâm mấy lời này, những người khác còn đang bận sưởi ấm và thưởng cho mình một cốc ca cao nóng hôi hổi, chùm trong mền ấm. Và rồi, y hậm hực một chút, đóng sập cửa lại, chốt kín cẩn thận, xem chừng dù cho có kẻ sắp chết đang van xin bên ngoài, cứ gõ cửa cửa sổ nhà y một lần nữa mà xem, y cũng cóc thèm bận tâm nữa.
Thế nhưng, lầm rồi! Ngược lại mà rằng, gã vẫn sống đấy thôi, gã còn sống nhăn ra đấy dù cho cái số phận khổ đến thế nào, khổ hơn tất thảy những kẻ lang thang khác, thế mà gã vẫn cứ sống được! Mặc cho năm lần bảy lượt gã cố tự tử bằng mọi cách trên đời, hay vì cố nhịn đói lả đi bằng việc không lết cái thân đi xin ăn, chết rét chết cóng hay hằng hà sa số nguyên do cái chết của một người thiếu điều kiện sống. Và thử hỏi mà xem, ai lại có thể dễ dàng bức chết mình, còn đối với gã, gã trông chờ lên thiên đàng vì một kẻ khác bất ngờ cầm dao xuyên lấy mình hơn. Cái mạng bần hàn của gã tuy là sống khổ sở qua ngày là thế, cơ mà dù thế nào thì gã vẫn chẳng thể lìa đời, gã nhịn ăn nhịn uống, hít khí trời đã hơn một tháng trời, lần cuối gã được ăn no cằng bụng cũng là từ cái bận đó, từ sự giúp đỡ của một người phụ nữ trông khá ăn diện, mang xiêm y từ tơ lụa mềm và khoác trên người áo choàng lông thú, đội mũ vành rộng có lông, cả tài xế riêng nữa.
"Một người đàn bà giàu có!" Gã cảm thán trong đầu ngay từ lúc ngẩng mặt lên xem xét cỗ xe nhả khói đã thắng phanh đối diện "nhà".
"Mi biết phố Great Portland chứ? Có thể đến bất cứ khi nào nếu muốn, căn nhà có mái màu đỏ, cổng mạ bạc và một vườn táo trong sân vườn, số 302 hẻm Walez. Đừng ngờ vực ta, ta chỉ cần có một kẻ làm vườn thôi, và ta thấy mi khá thích hợp với việc đó, lương sẽ không cao đâu, nhưng ta chắc rằng nó sẽ khá khẩm hơn là cứ an phận ở đây. Chúa phù hộ, ăn chút gì đó đi. Parapio, lấy một ít bánh mì và thịt nguội!"
Ừ, thà là chết đi trong thanh thản còn hơn sống một cách dở dở ương ương không bận tâm ngày sau thế nào như này. Nhưng chúa trời vừa bỏ mặc gã vừa khiến gã không thể ra đi thanh thản, thần chết bỏ quên mất kẻ khốn cùng này rồi chăng? Đó là điều mà gã băn khoăn suốt từ lâu rồi, à, gã không già đâu, gã mới đôi mươi thôi, thế nhưng, gã khổ quá, gã quên mất mình còn trẻ, cái khổ đeo bám gã suốt từ khi mới bị mẹ bỏ rơi, lúc vừa mới cắt nhau ra khỏi bụng bà ta cho đến nay, gã quên mất, gã mụ mị rằng mình già lắm rồi, gã tưởng gã đang ở cái tuổi gần đất xa trời.
Gã lưu lạc theo dòng đời, theo cái khổ trôi đẩy đến khắp chốn, thế nhưng, quay đi quẩn lại, gã vẫn trở về đúng nơi này, dưới cái xó chắp lại bởi đủ thứ trên đời, ta có thể lịch sự gọi đó là căn nhà nếu gã không thích cái sự khinh khỉnh mà đám quý tộc xa hoa hay lơ đi cùng vẻ mặt như ngửi mùi trứng thối khi yên vị trên xe ngựa lọc cọc ngang qua.
Hoseok chán, gã chán cái đời mình quá, số phận như màng tơ nhện rối tinh, đục ngầu như sương mù vẫn thường trực khắp nẻo đường nơi đây, vòng luẩn quẩn mơ hồ của kẻ như gã xuôi theo vòng đời tưởng chừng ngắn ngủi mà sao dài đằng đẵng. Ra sao thì ra, đến đâu thì đến, Seok ta nhủ lấy mình như một kẻ bất cần đời và hào phóng tự 'sống dở chết dở' theo cách mình muốn, nghe thì có vẻ hay ho phết thế nhưng nếu đã là ở một phương diện rõ từng sợi lông tơ trên mặt thì gã thấy câu nói này như đang mỉa mai lấy chính mình. Than ôi, đến là đáng khinh, một cuộc hít và thở (vì gã thấy chẳng thể xem như cuộc đời ) khó mà hiểu được là sẽ đi về đâu.
Ở Port Stowe, việc một kẻ như Hoseok hiện diện bê tha một góc phố như thế hẳn sẽ phải được xem là một nỗi ô nhục. Và rồi người dân, từ mắt thấy, chuyển tới tai nghe của ngài cảnh sát trưởng đầy uy dũng, thế là một cuộc bàn bạc diễn ra, hay nói đúng hơn là một cuộc nói rồi gật, một cuộc độc thoại từ một phía của một quý ngài đồng phục phẳng phiu, có đính thếp sao vàng chói trên ngực, khẩu súng gài trên túi nịt quanh thắt lưng, đạn đồng hẳn đã lên ngòi - chỉ chực chờ mời cho những kẻ thích chống đối xơi ngay tức khắc; giữa một người đứng và một kẻ ngồi, kẻ ngồi còn đang gật gù im như hến đang nhoài dưới nền đất, và may mắn cho gã là không phải chịu một lời khiển trách nghiêm túc nào về phép tôn trọng mà người đứng đã bóng gió. Thế nên, Hoseok chính thức bị đuổi khỏi "nhà" và buộc phải tìm một nơi khác với mục đích kia, xin được phép trích lời cảnh sát trưởng từ cuộc độc thoại kia rằng: "nhằm bảo vệ sự mĩ quan và sự tin tưởng của người dân, tôi buộc phải mời cậu tìm một chỗ khác..."
Suốt những tuần rong ruổi trên khắp con phố của vùng ngoại ô, với những bước chân mỏi mệt, Hoseok đã bất đắc dĩ rời khỏi "nhà" để rồi chịu cảnh lang thang như hiện tại. Vào một ngày cuối thu trời trở lạnh, đủ để người ra đường phải choàng cả mấy lớp khăn to sụ và mang áo bành kéo đến kín cổ, gã đã lạc đến một chỗ cách nơi ở cũ không xa mấy, phố Great Portland. Ở đây, cái nơi mà mọi nguồn tội lỗi của gã sau này đã xuất hiện. Nơi có em.
Nhưng việc gã xuất hiện dưới mái hiên bấy giờ lại là một điều khó hiểu, có lẽ quay trở lại tối hôm trước kể từ lúc này sẽ rõ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro