🪔Chương bảy. Phụ mẫu chi dân (1)
"Tiếng rằng quan là phụ mẫu chi dân
Dân nghèo dân đói, dân mần để nuôi quan
Trót lỡ điều chi thì quan phạt quan giam
Quan đánh quan mắng không đàng kêu ca."
(Ca dao)
Xưa kia Trường Hà vốn chẳng nhộn nhịp như bây giờ. Tuy rằng gần với Đông Kinh nhưng nơi đây lại hoang vu hẻo lánh chẳng có mấy mống người. Đã vậy cái huyện nhỏ này còn bị vây hãm bởi núi đồi hiểm trở, đất đai vô chủ, quanh năm cằn cỗi. Cũng bởi thế mà quan lại được cắt cử về đây nhậm chức không được mấy năm thì kẻ cáo quan, người chuyển đi xứ khác. Không một ai chịu ở lại cái chốn chó ăn đá gà ăn xương để chịu khổ.
Và phải đến hơn mấy mươi năm về trước, khi thám hoa họ Hồ về đây nhậm chức huyện lệnh thì dân Trường Hà mới coi như gặp thời, mới có cơ may thoát khỏi khốn cảnh.
Viên tri huyện năm ấy là người chính trực lại sát phạt quyết đoán, sau một tháng làm quan đã dẹp sạch toán thổ phỉ từ lâu đã xưng vương xưng tướng bá chiếm một vùng. Không những thế, ông ta còn sai nha lệ giúp dân khai hoang, đào đường, thành làng lập ấp. Chỉ bằng hai năm có lẻ vị quan họ Hồ ấy đã khiến Trường Hà quanh năm quạnh quẽ trở nên sung túc, nhộn nhịp.
Trẻ có cơm ngon, già có áo ấm. Trăm hộ gia đình đi ra nghe tiếng nói, bước vào thấy tiếng cười. Dường như phiền muộn trên thế gian này với họ chỉ như gió thoảng mây bay. Vị họ Hồ nọ đã trở thành quan phụ mẫu đức cao vọng trọng trong mắt muôn dân Trường Hà.
Vì tin yêu như thế nên đâu ai muốn viên huyện lệnh chuyển đi xứ khác, dù là thăng quan hay biếm chức thì người ta cũng đều không vui. Ôi chao, phải có biết bao nhiêu ông trạng, thám hoa thì mới có một người như quan huyện Trường Hà? Đoán rằng chuyện đào thấy nhân sâm giữa đồi tam thất còn dễ hơn thế.
Người ta cứ kháo nhau rằng chẳng nay thì mai, ông huyện sớm muộn cũng sẽ về lại kinh đô. Chả có lẽ nào một người tài như quan lại bị giam chân ở cái huyện bé tí con con này cả. Ấy thế mà ngày này nối tiếp tháng nọ, huyện lệnh vẫn ở đây, tận đến khi trút hơi thở cuối cùng ngay giữa nha môn cũng chẳng kịp quay về nhìn cố hương lấy một lần.
Tang ma của quan được ông đề lại đứng ra lo liệu. Đội tang thì có hai cậu học trò thường xuyên theo hầu quan, được quan ưu ái dạy dỗ và cho gọi bằng thầy. Ngoài ra thì dân huyện chẳng còn thấy ai khác nữa. Hỏi ra mới biết, rằng viên quan không vợ không con, là người ăn cơm trăm nhà, uống nước trăm họ mà lớn.
Thấu được điều ấy, dân chúng lại càng thêm xót thương và quý tài huyện lệnh, họ dặn lòng sẽ chăm lo cho hai cậu học trò của quản ăn học thành tài. Song, cái ý nghĩ đấy chỉ vừa kịp nhen nhóm thì hai cậu chàng nọ đã bỏ Trường Hà mà đi, bặt vô âm tín.
Mọi sự cứ thế lỡ làng và trôi dần vào dĩ vãng.
Mà cũng kể từ ấy Trường Hà như gặp vận, mỗi năm tuyển bổ quan lại là thêm một lần dân chúng đón tri huyện mới. Người ta chắc mẩm huyện này là đất dữ, bởi quan lại đến đây chả có mấy ai trụ lại được đến hai năm. Ông nào ông nấy nay không bệnh tật thì mai nhà lại có tai ương, kẻ có tài thì chẳng muốn ở, người vô đức lại càng muốn tránh xa.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, dần dà ở đây người ta cũng chỉ biết có ông huyện là ông huyện, nào còn ai để ý quan mặt ngang mũi dọc nó ra làm sao. Dù gì đi chăng nữa thì cũng đâu có kẻ nào bì nổi với họ Hồ xưa kia.
Nhưng rồi bỗng một ngày nọ, có kẻ loan tin, rằng tri huyện sắp sửa về đây nhậm chức chẳng ai xa lạ lại chính là một trong hai người học trò của viên quan phụ mẫu mà trước đây họ rất mực mến trọng. Ấy thế là cái niềm tin từ lâu đã tàn lụi của lần nữa bừng lên, làm xôn xao dân chúng suốt một tháng ròng.
Dẫu chưa người nào có dịp tận mắt thấy được tri huyện mới, song ai ai cũng thuận miệng bất chấp gán cho ông ta đôi từ "liêm khiết". Với họ mà nói, chỉ cần là học trò của quan thanh liêm thí ắt cũng sẽ là quan thanh liêm, hoặc chí ít sẽ khó làm ra được những trò đê tiện, lừa lọc của tham quan.
Thế rồi ngày ấy cũng tới, ngày mà niềm tin của dân chúng bị phản bội một cách đau đớn ê chề.
Ngô Thăng sau ngót mười hai năm làm chức huyện thừa ở xứ Thanh Hoa xa xôi cuối cùng cũng leo được lên cái ghế huyện lệnh, chẳng hỏi cũng biết quan đắc ý đến nhường nào. Vốn là người sành sỏi, Ngô Thăng rất giỏi lợi dụng lòng tin của dân chúng. Trong những năm đầu, ông ta khoác lên mình một lớp da đạo mạo, tài đức vẹn toàn, chẳng bao giờ làm phật lòng dân.
Song, ở nơi mà không ai biết, "đấng phụ mẫu" đã khôn khéo vét từng đồng bạc lẻ từ tô thuế của trăm họ đất Trường Hà. Chưa thỏa dạ, Ngô Thăng còn âm thầm lưu tâm đến những kẻ buôn muối, bóc quế bán riêng hay mấy gã đầu trộm đuôi cướp. Mặt ngoài quan nhắm mắt vờ như không biết chuyện xấu người làm, mặt trong lại ý tứ nạt bỏ tù từng đứa, hòng bắt chúng nó phải chia đôi phần cho quan.
Những đứa ăn cắp thì ban đầu còn cứng cổ đòi vạch mặt tri huyện, chứ cỡ như cái bọn buôn lậu thì có sừng sỏ đến đâu thì cũng phải sợ quan một phép, răm rắp vâng lời. Vì chúng nó biết, chuyện bán muối, bán quế mà lộ ra thì chỉ có nước làm quỷ không đầu.
[ ... ] Để đọc bản đầy đủ vui lòng truy cập website/ app Waka.
Link đọc: https://sangtac.waka.vn/storybook/detail/que-nay-dai-cat-nv6154
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro