SUỐI CÁ HƯƠNG
Số mệnh của một vị thống chế thời Napôlêông - ta hãy chẳng nhắc đến tên riêng của người đó làm gì để các nhà sử học và những con người khắt khe khỏi phải giận dữ đáng đem ra đây để kể cho những ai thường phàn nàn về sự nghèo nàn của tình cảm con người.
Thống chế còn trẻ. Mái tóc phơn phớt điểm bạc và vết sẹo hằn trên má làm cho mặt ông thêm vẻ hấp dẫn. Bộ mặt xạm đen vì những nỗi gian truân và các cuộc viễn chinh.
Những người lính yêu mến thống chế: ông đã chia sẻ với họ nỗi gian lao của chiến tranh. Ông thường ngủ đêm bên đống lửa ngoài cánh đồng, cuộn mình trong chiếc áo mưa và tỉnh giấc khi nghe tiếng kèn khàn khàn vang lên. Ông cùng uống chung với binh sĩ một bi đông nước và mang một bộ quân phục đã nhàu nát, bám đầy bụi.
Ông chẳng nhìn thấy, cũng chẳng hề biết gì hơn ngoài những cuộc chuyển quân mệt nhọc và các trận giao chiến. Ông chưa bao giờ nghĩ ra chuyện nghiêng mình xuống từ trên yên ngựa để giản đơn hỏi người nông dân tên của loại cỏ mà ngựa ông xéo giày là gì hay tìm hiểu những thành phố mà lính ông đã chiếm được cho vinh quang nước Pháp vì đâu nổi tiếng. Chiến tranh không ngừng tay đã dạy ông trầm lặng và lãng quên đời riêng.
Một lần vào mùa đông, đoàn kỵ binh của thống chế đóng ở Lombarđi nhận được mệnh lệnh phải tức tốc tiến sang Đức để sát nhập vào Tổng hành dinh.
Ngày thứ mười hai, đoàn quân dừng lại trú đêm tại một thành phố nhỏ nước Đức. Những dãy núi tuyết phủ trắng lóa trong đêm. Những rừng dẻ gai mọc khắp chung quanh và trong cảnh tĩnh mịch mênh mông này chỉ có những ngôi sao trời lấp lánh.
Thống chế nghỉ lại trong khách sạn. Sau bữa ăn tối thanh đạm ông ngồi bên lò sưởi trong một gian phòng nhỏ và giải phóng các tùy tùng.
Ông mệt nhọc và muốn được cô đơn. Sự lặng lẽ của thành phố tuyết ngập đến mang tai này gợi nhớ cho ông không hẳn ra tuổi thơ, không hẳn một giấc mơ nào mới thoáng qua mà có thể cũng chẳng có nữa: Thống chế biết rằng, sắp tới đây hoàng đế sẽ mở một trận giao chiến quyết liệt và ông tự nhủ mình rằng sự thèm muốn yên tĩnh không quen thuộc này là cần thiết cho ông, một thống chế, cũng như cuộc nghỉ ngơi lần chót trước dòng thác lũ của cuộc tấn công.
Lửa cháy thường làm cho con người đi vào triền miên. Thống chế không rời mắt nhìn những thanh củi cháy trong lò và không nhận ra một người khách lạ đứng tuổi mặt gầy như mặt chim vừa bước vào phòng. Người lạ mặt mặc chiếc áo dài lam đã có vết mạng. Người ấy đến bên lò sưởi và hơ đôi bàn tay giá lạnh.
Tôi là nhạc sĩ Baumvay - Người lạ mặt trả lời - Tôi vào đây thận trọng như vậy vì trong đêm đông này tự nhiên muốn đi lại không một tiếng động nào.
Vẻ mặt và giọng nói của người nhạc sĩ có sức hấp dẫn đầy thiện cảm và viên thống chế tư lự nói:
- Ông hãy ngồi xuống bên lửa. Thú thực đời tôi hiếm có được những buổi tối êm ả như thế này lắm, tôi vui lòng trò chuyện cùng ông.
- Xin cảm ơn ngài - người nghệ sĩ trả lời nhưng nếu ngài cho phép tôi được ngồi xuống bên chiếc đàn dương cầm và dạo chơi thì quí hóa biết chừng nào. Đã hai giờ liền tôi bị một đề tài âm nhạc thôi thúc. Tôi phải giải thoát nó. Trên phòng tôi ở lại không có dương cầm.
Baumvay ngồi xuống bên đàn, khoai thai dạo nhạc. Thống chế tưởng rằng chung quanh thành phố âm vang tiếng những bông tuyết nhẹ từ tầng cao thăm thẳm đang rơi lả tả, mùa đông đang ca hát. Những cành dẻ gai trĩu tuyết đang ca hát, và cả lửa trong lò cũng gõ nhịp. Thống chế cau mày, nhìn những thanh củi và nhận ra nhịp đập không phải là ở đám lửa mà là tiếng gót thúc ngựa ở đôi ủng kỵ binh của mình.
Baumvay trả lời và ngừng tay đàn:
- Không, tôi thường chơi ở các đám cưới và ngày lễ ở các nhà tiểu hầu tước và các điền chủ.
Bên thềm nhà bỗng nghe thấy tiếng càng xe ngựa lướt trên tuyết rin rít. Những con ngựa kêu hý lên.
- Ông đi đâu? - Thống chế hỏi.
Thống chế bèn đứng dậy - Quân đội của tôi - ông nói, - sáng mai sẽ xuất phát khỏi nơi này. Ông xem chỗ chúng tôi có gì là khiếm nhã không, nếu tôi định nhập cuộc cùng ông và dự buổi vui đêm nay ở nhà người coi rừng?
- Nhưng - viên thống chế nói, - Xin đừng nói với ai một lời nào về điều đó cả. Tôi sẽ qua lối hành lang kín và ngồi trên chiếc xani (1) bên bờ giếng.
(1) Xe trượt tuyết
- Xin tùy ngài, - Baumvay trả lời và cúi đầu một lần nữa, bước ra.
Thống chế bật cười. Buổi tối nay ông không uống rượu, nhưng một sự say sưa vô tư đã choán lấy người ông với một sức mạnh lạ thường. Vào mùa đông! - Ông tự nói với mình - Mặc hết, vào rừng, vào nơi sơn dã ban đêm! Tuyệt!
Ông mặc áo khoác ngoài và lẳng lặng rời khách sạn qua lối vườn. Xe xani đứng sẵn ở gần bờ giếng. Baumvay đã chờ thống chế. Những con ngựa hí lên lướt qua điếm canh ở cổng làng. Người lính canh theo thói quen, tuy đã chậm trễ, bồng súng chào thống chế.
Anh ta nghe mãi tiếng nhạc ngựa rung rinh, mỗi lúc một xa dần xa lắc.
- Đêm mới huyền ảo làm sao! Chà giá được một hớp vang nóng.
Những con ngựa lướt trên mặt đất dát bạc. Tuyết chảy trên những mõm ngựa nóng hổi. Những dây trường xuân đen kịt quấn quanh thân mình những cây dẻ gai, hầu như muốn sưởi ấm nhựa sống trong mình chúng.
Bỗng nhiên những con ngựa dừng lại bên bờ suối. Dòng suối không đóng băng. Nó rì rào sôi nổi chảy trên các mỏm đá, lướt tới từ những hang núi, từ rừng cây rậm rạp bị bão làm gãy và những lớp lá mục. Những con ngựa vục xuống uống nước suối. Một cái gì lướt qua dưới chân chúng như một dòng bạc chảy. Chúng giật lùi quăng mình lao lên nhảy bước một trên con đường chật hẹp.
- Cá hương! - Người xà ích nói. - Một loại cá vui tính!
Viên thống chế mỉm cười. Sự say sưa vẫn chưa qua. Nó vẫn chưa qua hẳn khi những con ngựa kéo chiếc xani ra ngoài cánh đồng về phía núi, tới ngôi nhà cổ xưa có vòm mái cao.
Các cửa sổ tỏa sáng. Người xà ích nhảy xuống và kéo tấm thảm phủ chân.
Cánh cửa rộng mở. Viên thống chế khoác tay Baumvay bước vào
gian phòng chật hẹp thắp đầy nến, bỏ áo khoác ngoài rồi dừng lại bên ngưỡng cửa. Trong phòng có mấy người phụ nữ trang phục thanh lịch và vài người đàn ông.
Một người trong đám phụ nữ đứng dậy. Thống chế nhìn nàng và đoán ra đó là Maria Tsernưi.
- Hãy tha lỗi cho tôi. - Viên thống chế nói và mặt hơi đỏ lên, - xin lỗi về sự xâm nhập đường đột này. Nhưng nhà binh chúng tôi chẳng hề biết gì là gia đình, lễ tết và yên vui cả. Hãy cho phép tôi được sưởi ấm bên ngọn lửa của nàng.
Người coi rừng có tuổi cúi chào thống chế còn Maria Tsernưi bước vội lại gần, nhìn vào mắt ông, đưa tay. Thống chế hôn tay nàng và ông cảm thấy bàn tay mát lạnh như một mảnh băng. Mọi người im lặng.
Maria Tsernưi thận trọng sờ vào má viên thống chế, ngón tay nàng lần vuốt vết sẹo sâu và hỏi:
- Vết thương chắc đau đớn lắm?
- Phải - thống chế lúng túng trả lời, - đó là một đòn kiếm chắc tay.
Khi đó nàng bèn cầm tay ông và dẫn lại gần các vị khách. Nàng giới thiệu ông với mọi người và nét mặt rạng ngời e lệ như giới thiệu vị hôn phu của mình. Tiếng xì xào lạ lùng lan trong đám khách.
Tôi không biết có phải tả nhan sắc, hình dung của Maria Tsernưi cho anh không, bạn đọc của tôi? Nếu bạn cũng như tôi cùng thời với nàng thì chắc hẳn phải nghe nói đến cái sắc đẹp thanh tú của người phụ nữ này, nghe nói đến dáng đi thanh thoát, tính tình kiêu kỳ nhưng đầy quyến rũ của nàng. Không một người đàn ông nào dám hy vọng ở tình yêu của Maria Tsernưi. Họa chăng chỉ có những người như Sile(2) mới xứng đáng tình yêu của nàng.
(2) Schiller, nhà thơ, nhà soạn kịch Đức vĩ đại
Rồi sau câu chuyện ra sao nữa? Viên thống chế ở nhà người coi rừng hai ngày trời. Ta sẽ không nói đến tình yêu vì đến nay ta vẫn chưa biết thế nào là tình yêu. Có thể đó là tuyết đầy trút xuống thâu đêm, hay những suối mùa đông nơi những con cá hương vùng vẫy. Có thể đó là tiếng cười, giọng hát và mùi hương phấn thông già trước buổi bình minh, khi những cây nến cháy rụi và những ngôi sao trên trời dán mình vào khung kính của nó để sáng ngời lên trong ánh mắt của Maria Tsernưi. Ai biết được? Có thể đó là cánh tay trần đặt kề trên lon vai quân phục cứng nhắc, những ngón tay vuốt ve mái tóc mát lạnh và tấm áo lễ đã mạng của Baumvay.
Đó là những giọt lệ của đàn ông về điều mà trái tim không bao giờ ngờ trước, về sự dịu hiền, sự âu yếm, về tiếng thì thầm không dây mối giữa đêm rừng tịch mịch. Có thể, đó là trở lại của tuổi thơ! Ai biết được? Có thể đó là sự tuyệt vọng trước giờ ly biệt, khi trái tim rơi xuống và Maria Tsernưi tay run rẩy sờ soạng những mặt bàn, những riềm vải bịt tường và cánh cửa của gian phòng đã trở nên kẻ chứng kiến tình yêu của nàng. Và có thể cuối cùng đó là tiếng kêu và sự bất tỉnh của người thiếu nữ, khi ngoài cửa sổ trong khói mù của đuốc cháy, trong tiếng quát gay gắt của chỉ huy, những lính sen đầm của Napôlêông nhảy xuống yên ngựa vào nhà để bắt thống chế theo mệnh lệnh riêng của hoàng đế.
Có những câu chuyện thoáng qua rồi biến vụt đi như cánh chim bay nhưng mãi mãi còn lại trong trí nhớ những ai đã vô tình trở thành người chứng kiến nó.
Cảnh cũ vẫn còn lại như xưa. Rừng vẫn rì rào trong gió nổi và suối vẫn cuốn trôi trong thác nước những đám lá sẫm màu. Tiếng búa bổ vang lên trong núi và trong thành phố nhỏ, những người đàn bà vẫn nói chuyện phiếm bên bờ giếng.
Nhưng vì một lẽ nào đó cảnh rừng này với mưa tuyết rơi chậm rãi, và ánh bạc cá hương lướt trên dòng suối đã bắt Baumvay phải rút chiếc khăn tay đã cũ nhưng trắng nuột áp vào mắt và lẩm bẩm những lời lẽ buồn rầu không đầu đuôi về tình yêu ngắn ngủi của Maria Tsernưi và về điều rằng đôi khi cuộc sống bỗng nhiên trở nên giống như âm nhạc trong phút chốc. Nhưng thì thầm như vậy, Baumvay không nghĩ tới sự đau đớn trong con tim, ông sung sướng vì ông đã là người chứng kiến của thiên tình ái này và ông đã trải qua cơn xúc động rất ít khi rơi vào số phận của một người đệm đàn khiêu vũ già nua và nghèo nàn.
1939
MỘNG QUỲNH dịch
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro