IXẮC LÊVITAN
Đôi tay gầy của họa sĩ Xavraxốp(1) lẩy bẩy. Ông không thể uống một ly trà mà không làm tung tóe nước lên chiếc khăn bàn bằng vải thô bẩn thỉu. Từ bộ râu bơ phờ của họa sĩ xông lên mùi bánh mì và mùi rượu vốtka.
(1) Xavraxốp A. K, họa sĩ danh tiếng của nước Nga thế kỉ XIX (1830-1897).
Sương tháng ba trải trên thành Maxcơva một làn khói xanh xám. Trời bắt đầu tối. Băng ở các máng nước bằng sắt tây đang tan dần. Băng rơi ầm ầm xuống vỉa hè và vỡ ra, để lại những đống thủy tinh màu xanh da trời nhạt. Thủy tinh kêu lạo xạo dưới những đôi ủng bẩn thỉu và lập tức biến thành bùn.
Tiếng chuông quyền quý rầu rĩ vang trên những nhà kho bằng gỗ và những ngõ cụt của Maxcơva cổ - Maxcơva trong những năm thứ tám mươi của thế kỷ trước.
Họa sĩ Xavraxốp uống rượu vốtka bằng cái ly nhỏ, xám xịt và đã cũ. Học trò của Xavraxốp là Leevitan (2) - thằng bé còm nhom mặc véttông, kẻ ô vuông dã vá, chiếc quần xám ngắn cũn cỡn - ngồi trước bàn và nghe Xavraxốp.
(2) Họa sĩ danh tiếng của nước Nga thế kỉ XIX (1861-1900).
- Nước Nga chúng ta không có kẻ thể hiện nó - Xavraxốp nói Chúng ta còn phải xấu hổ với đất nước chúng ta như khi còn thơ ấu ta đã phải xấu hổ vì bà của ta đi ăn xin. Bà lão ít nói, đôi mắt nhỏ bé và đỏ hoe của bà cứ hấp háy luôn. Khi bà lão chết, bà cho ta ảnh thánh Xergây Rađône Giơxki. Bà trối lại: "Đấy cháu của ta, cháu hãy học vẽ thế nào để cho cả tâm hồn ta phải khóc vì cái đẹp của đất trời". Trên bức ảnh có vẽ cỏ và hoa - những bông hoa bình thường nhất ở nước ta, vẫn thường mọc ở các con đường hoang, và một cái hồ đầy hoàn diệp liễu. Bà lão mới tinh làm sao! Hồi đó ta đang vẽ tranh thuốc nước để bán cho các chàng công tử giẻ rách ở phố Truba. Nhớ lại những bức vẽ ấy mà ta ngượng mặt. Những lâu đài hoa hoét với những gác chuông, những hồ nước với lũ thiên nga màu hồng. Rặt những thứ ba lăng nhăng và nhục nhã. Từ trẻ đến già ta toàn phải vẽ những cái mà lòng ta không hề muốn.
Thằng bé rụt rè im lặng. Xavraxốp thắp ngọn đèn dầu hỏa. Con chim kim tước bên phòng bác thợ thuộc da hàng xóm kêu quẹt quẹt và lên tiếng hót.
Xavraxốp ngập ngừng đẩy ly rượu cạn ra xa.
- Ta đã vẽ nhiều phong cảnh Pêtergốp và Oranienbaum đến nỗi không thể nào đếm xuể. Chúng ta, lũ ăn mày, cúi đầu kính cẩn trước cái tráng lệ đó. Mơ ước của những người tạo ra những lâu đài và những khu vườn đó làm cho ta rùng mình. Sau tất cả những cái đó chúng ta còn có thể nào nhận ra và yêu mến được những cánh đồng ướt át, những túp nhà xiêu vẹo, những mảng rừng thưa và bầu trời thấp lè tè!
Xavraxốp khoát tay và rót vốtka vào ly. Ông xoay ly rượu rất lâu trong những ngón tay khô xác. Rượu trong ly rùng mình vì tiếng ầm ầm của chiếc xe tang bánh sắt chạy ngang ngoài phố. Xavraxốp vụng trộm nốc cạn ly rượu.
- Ở nước Pháp có một họa sĩ đại tài tên là Côrô(3). - Xavraxốp nói vàho sặc sụa - Ông ta tìm được cả cái đẹp trong những đám sương mùvà những bầu trời xám, trong những vùng nước mênh mông. Mà cáiđẹp ấy nào có thường! Còn chúng ta ấy à... Chúng ta không mù mà mắt chúng ta lại không biết vui mừng trước ánh sáng. Chúng ta là những con cú, những con cú đêm...
(3) Camin côrô, họa sĩ danh tiếng Pháp chuyên vẽ phong cảnh (1796- 1875).
- Ông giận dữ nói và đứng lên - Quáng gà, vô tích sự và nhục nhã!
Lêvitan hiểu rằng đã đến lúc nên về. Cậu bé thèm ăn nhưng Xavraxốp nửa tỉnh nửa say quá mải chuyện đã quên khuấy không cho học trò mình bữa trà.
Lêvitan ra. Những người đánh xe ngựa tải đồ văng tục, họ đi bên những chiếc xe, làm lộn tuyết với nước. Ở những đại lộ, tuyết chùm bám chặt lấy những cành cây trần trụi. Hơi nước ở các quán rượu phả vào mặt người như ở các tiệm giặt là.
Lêvitan tìm thấy trong túi ba mươi kôpếch - quà của các bạn cùng trường hội họa và điêu khắc thỉnh thoảng lại góp nhau giúp cậu - và bước vào quán rượu. Chiếc máy hát rung nhạc leng keng và chơi bài "Trên đường cũ Kalusơxkôiê". Anh hầu bàn quần áo luộm thuộm chạy bên các bàn ăn, nhe răng ra và lớn tiếng nói với chú:
- Cho thằng nhóc Do- thái một xúc xích bột lọc.
Lêvitan - thằng bé nghèo khổ và đói khát, cháu của một ravin(4) ở thị trấn Kibarta thuộc tỉnh lỵ Kôvenxkô - ngồi gập người xuống bàn ăn trong quán rượu Maxcơva và nhớ đến những bức tranh của Côrô. Những người mặc quần áo bẩn thỉu ồn ào chung quanh, than vãn hát những bài ca đầy nước mắt, phun khói Makhorka(5) hăng xè và xì xụp húp nước sôi màu vàng trong những chiếc đĩa con đã được liếm sạch. Tuyết ướt bám vào những khung kính đen và những quả chuông đổ hồi miễn cưỡng.
(4) Một chức sắc trong cộng đồng những người do Thái chuyên trách về đời sống tinh thần, phong tục tập quán của những người này.
(5) Một thứ thuốc lá rất nặng.
Lêvitan ngồi lâu trong quán rượu - cậu chả vội đi đâu. Cậu ngủ trong những phòng học lạnh lẽo của trường cậu ở phố Miatnitxkaia, trốn con mắt lão gác cổng mang biệt hiệu "Con ma". Cậu chỉ có một người ruột thịt là chị gái của cậu. Cô sống nhờ người khác, thỉnh thoảng cho cậu ăn và mạng chiếc áo vét- tông cũ cho cậu. Tại sao cha cậu lại bỏ thị trấn ra Maxcơva, vì lẽ gì mà cả cha cả mẹ cậu chết sớm như thế, để lại Lêvitan và chị gái ngoài đường phố, cậu không hiểu. Sống ở Maxcơva thật khó khăn, thật cô đơn, nhất là đối với cậu, một tên Do- thái.
- Cho thằng bé Do- thái một suất bột lọc nữa.
- Anh hầu bàn có đôi chân đểnh đoảng như chân gà sống nói với chủ. - Rõ là Đức Chúa Trời của bọn Do- thái nuôi thằng bé kém quá.
Lêvitan cúi thấp xuống. Cậu thèm ngủ và muốn khóc. Ấm áp làm đôi chân đau dữ. Còn đêm thì cứ đắp mãi, đắp mãi những mảng tuyết tháng ba ướt đẫm lên trên cửa kính.
Năm 1879, cảnh sát đuổi Lêvitan ra khỏi Maxcơva, tới vùng
Xantưkốpka ở ngoại thành(6). Nhà vua vừa ra một đạo dụ cấm người Do- thái sống trong "trong thủ đô chính thống của nước Nga". Lúc đó Lêvitan mười tám tuổi.
(6) Nguyên văn: Vùng biệt thự.
Sau này Lêvitan nhớ lại mùa hè ở Xantưkốpka như một mùa hè khó khăn nhất trong đời. Trời nóng hầm hập. Hầu như ngày nào dông bão cũng phủ kín trời, sấm nổ rền, cỏ dại dưới cửa sổ xào xạc trong gió, nhưng không có lấy một giọt mưa rơi.
Những khi trời chập choạng tối mới đặc biệt khó chịu. Ở trên ban công bên biệt thự hàng xóm người ta đốt đèn. Những con bướm đêm kéo đến như những đám mây, đập mình vào kính đèn. Trong sân quần(7) bóng đập chan chát. Các cậu học trò trung học và các cô gái đùa cợt, cãi vã cho đến hết ván, và rồi tới khuya một giọng nữ hát ngoài vườn một bản tình ca buồn rượi.
(7) Một lối chơi quần vợt gọi là crôket.
Giọng em đối với anh vừa âu yếm vừa uể oải...
Lúc đó là lúc những bài thơ của Pôlônxki, Maikốp và Apukhơtin(8) còn nổi tiếng hơn là những âm điệu giản dị của Puskin, đến nỗi Lêvitan cũng chẳng biết lời bản tình ca là của Puskin.
(8) Những nhà thơ đương thời với Lêvitan.
Tối tối từ bên này hàng rào chàng nghe giọng hát của thiếu phụ không quen biết, chàng nhớ thêm một bản tình ca nữa, bài hát nói về chuyện "tình yêu nức nở" như thế nào.
Chàng muốn được thấy thiếu phụ, người có giọng hát sao mà buồn và thánh thót, muốn được thấy các cô gái chơi quần và các cậu học trò trung học vẫn thường dồn những quả bóng gỗ đến tận nền đường sắt với tiếng reo hò chiến thắng. Chàng muốn được uống trà trong những ly sạch trên ban công, lấy chiếc thìa con động vào lát chanh, đợi một lúc lâu cho mứt mơ từ cái thìa con ấy chảy xuống thành một sợi chỉ trong suốt. Chàng muốn cười phá lên và cợt nhả, chơi trò "Cháy đi"(9) hát cho tới nửa đêm, chạy thật nhanh với những bước khổng lồ và nghe tiếng thì thào cảm động của những cậu học trò trung học về nhà văn Garsin, người viết truyện ngắn "Bốn ngày" bị sở kiểm duyệt cấm. Chàng muốn được nhìn vào đôi mắt của thiếu phụ đang hát nọ: mắt của những người đang hát bao giờ cũng chỉ hé mở và tràn ngập nỗi buồn tuyệt đẹp.
(9) Một trò chơi, trong đó người đứng đằng trước theo hiệu lệnh của những người tham gia khác, bắt mọi người chạy từng đôi ra khỏi hàng. Trong khi người ta hát "Cháy đi, cháy cho sáng, kẻo tắt bây giờ!"
Nhưng Lêvitan nghèo, chàng gần như một người hành khất. Chiếc áo vét- tông kẻ ô vuông cuối cùng đã rách tan. Chàng đã lớn vượt ra ngoài chiếc áo đó. Đôi tay lem nhem sơn dầu thò ra ngoài ống tay áo như chân một con chim. Suốt mùa hè Lêvitan đi đất. Trong bộ y phục như thế làm sao chàng có thể đến trước mặt những người vui tươi đi nghỉ ở biệt thự kia được.
Và Lêvitan lẩn tránh. Chàng lấy một chiếc thuyền và ra bãi sậy trên hồ làm phác thảo: trên thuyền không ai ngăn trở chàng.
Vẽ phác thảo trong rừng hoặc trên những cánh đồng thì nguy hiểm hơn. Ở đó chàng có thể chạm trán với chiếc dù màu tươi của một bà quý phái đang đọc tác phẩm của Anbốp trong bóng bạch dương hoặc một bà gia sư đang cục ta cục tác đưa lũ trẻ đi dạo. Mà không có ai tài khinh khi sự nghèo túng bằng các bà gia sư.
Lêvitan trốn những người đi nghỉ mát, nhớ thiếu phụ hát đêm và vẽ phác thảo. Chàng quên bẵng đi mất rằng ở trường chuyên nghiệp hội họa và điêu khắc, Xavraxốp đã tiên đoán cho chàng danh tiếng của Côrô, còn các bạn chàng - anh em Kôrôvin và Nicôlai Tsêkhốp - lần nào xem tranh chàng cũng cãi vã về cái đẹp của phong cảnh thực sự ở nước Nga. Cái danh tiếng tương lai của Côrô ấy chìm nghỉm trong những cơn hờn giận cuộc đời, đôi khuỷu tay áo rách và những đế giày vẹt gót.
Mùa hè năm ấy Lêvitan vẽ rất nhiều ở ngoài trời. Xavraxốp dặn chàng làm như vậy. Một lần vào mùa thu Xavraxốp say rượu đến xưởng họa ở phố Miatnitxkaia, giận dữ đập tan tấm kính cửa bụi bặm và bị thương ở tay.
- Các anh vẽ cái gì vậy? - Ông hét lên bằng một giọng đầy nước mắt, lấy chiếc khăn tay bẩn lau máu. - Khói thuốc lá? Phân bón? Hay là cháo xám?
Bên ngoài cánh cửa bị đập vỡ, những đám mây bay vùn vụt, nắng trải trên mái vòm những vệt nóng và bông bồ công anh bay khắp trời vào khoảng thời gian đó bồ công anh mọc lên rất nhiều trong các sân nhà ở Maxcơva.
- Các anh hãy dồn nắng lên khung vải. - Xavraxốp hét lên và người gác già "Con ma" nhìn vào cửa bằng một con mắt khó chịu. - Các anh đã bỏ qua tiết trời ấm áp mùa xuân! Tuyết tan biến thành nước lạnh chảy ở các khe - tại sao tôi không thấy cái đó trên những phác thảo của các anh? Đoạn đã nở hoa, những cơn mưa đẹp như thể không phải nước lã nữa mà là bạc chảy từ trên trời xuống - những cái đó đâu rồi trên khung vải của các anh? Vô tích sự và nhục nhã.
Sau lần bị mắng nhiếc tàn tệ ấy, Lêvitan bắt đầu làm việc ngoài trời. Lúc đầu chàng khó quen với cảm xúc mới về màu sắc. Những gì trong các phòng đầy khói thuốc lá tưởng là trong sáng thì ở ngoài trời không hiểu vì sao đã mờ hẳn đi, bị phủ một màng đục.
Lêvitan cố vẽ sao cho trong tranh của chàng có thể cảm thấy được không khí đang lấy cái trong vắt của nó mà ôm ấp từng ngọn cỏ, từng chiếc lá và từng đống cỏ khô. Mọi vật chung quanh hình như bị ngập trong một cái gì bình thản, lấp lánh và xanh biếc. Lêvitan gọi cái gì đó là không khí. Nhưng đó không phải là cái không khí mà chúng ta thấy. Chúng ta thở hít nó, chúng ta cảm thấy hương của nó, cái lạnh hay ấm của nó. Còn Lêvitan thì cảm thấy không khí là một môi trường vô tận của thứ vật chất trong suốt, nó mang tới cho những bức tranh của chàng chất dịu mát làm ta phải mê say.
Mùa hè hết. Giọng hát của thiếu phụ không quen biết vắng dần. Một hôm, vào lúc chiều tối, Lêvitan gặp ở cổng nhà mình một thiếu phụ trẻ. Đôi tay nhỏ nhắn của nàng trắng lên dưới lần ren khâu ở cô tay. Mây đen mềm mại phủ kín trời. Mưa lác đác. Ở các mảnh vườn con trước cửa, hoa xông lên mùi đắng. Các mũi tên hiệu đường sắt đã lên đèn.
Thiếu phụ không quen biết đứng ở cửa và cố giương chiếc ô nhỏ nhưng không sao mở được. Cuối cùng chiếc ô xòe ra và mưa bắt đầu reo trên mặt lụa. Thiếu phụ chậm bước đi ra ga. Lêvitan không nhìn thấy mặt nàng chiếc ô che khuất. Nàng cũng không nhìn thấy mặt Lêvitan mà chỉ thấy đôi chân không giày bẩn thỉu của chàng và nhấc ô lên để khỏi vướng vào chàng. Trong ánh sáng mờ mờ chàng nhìn thấy một khuôn mặt nhợt nhạt. Chàng cảm thấy khuôn mặt ấy quen quen và xinh đẹp.
Lêvitan trở về căn phòng nhỏ của chàng và nằm xuống. Ngọn nến bốc khói, mưa rú rít, những người say rượu nức nở ngoài ga. Nỗi buồn nhớ tình yêu của mẹ, của chị, của đàn bà đã bước vào tim chàng từ đó và không rời bỏ chàng cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời chàng.
Đúng vào mùa thu năm ấy Lêvitan vẽ bức: "Một ngày thu ở Xôkônniki". Đó là bức tranh đầu tiên của chàng, trong đó mùa thu xám và vàng, buồn như cuộc sống nước Nga thời bấy giờ, như cuộc sống của bản thân Lêvitan, thở hơi ấm nhẹ nhàng từ nền vải làm người xem đau nhói nơi tim.
Trên con đường nhỏ trong công viên Xôkônniki một thiếu phụ trẻ mặc đồ đen đi trên những đám lá rụng - thiếu phụ mà giọng hát của nàng Lêvitan không thể nào quên. "giọng em đối với anh vừa âu yếm vừa uể oải..." Nàng đi một mình giữa rừng thu, và cái cô độc ấy vây lấy nàng bằng một cảm xúc buồn rầu và tư lự.
"Một ngày thu ở Xôkônniki" là bức phong cảnh duy nhất của Lêvitan trong đó có con người mà cũng lại là do Nikôlai Tsêkhôp vẽ thêm vào.
Sau đó, trong tranh của Lêvitan không bao giờ có người nữa. Người đã được thay thế bằng những khu rừng, những đồng cỏ, những dòng nước lũ mù sương và những túp lều nghèo đói của nước Nga, những túp lều câm lặng và cô độc như con người câm lặng và cô độc thời bấy giờ.
Những năm học ở trường chuyên nghiệp hội họa và điêu khắc đã hết: Lêvitan vẽ bức cuối cùng, bức tranh lấy bằng tốt nghiệp: một ngày có mây, cánh đồng, những lượm lúa mì bó chặt.
Xavraxốp liếc qua bức tranh và lấy phấn viết vào mặt trái: "Huy chương bạc lớn".
Các thày giáo ở trường vẫn gờm Xavraxốp. Lúc nào cũng say rượu, hay sinh sự, ông đối xử với học trò như những người ngang hàng, còn mỗi khi rượu vào là lại xổ toẹt tất cả, la hét ầm ầm về sự bất tài của các họa sĩ được mọi người công nhận và đòi trên nền vải phải có không khí, có khoảng rộng bao la.
Các thày giáo trút mọi ác cảm đối với Xavraxốp lên đầu học trò yêu của ông ta là Lêvitan. Ngoài ra, thằng bé Do- thái tài năng nọ còn làm một thày giáo khác bực bội. Theo ý họ, người Do- thái không được đụng đến phong cảnh Nga - đó là việc của những họa sĩ gốc Nga. Bức tranh của Lêvitan bị coi là không đáng thưởng huy chương. Lêvitan không được lĩnh danh hiệu họa sĩ, người ta cấp cho chàng tấm bằng thày giáo dạy môn viết tập.
Cùng với mảnh bằng thảm hại đó đã bước vào đời một trong những họa sĩ tinh tế nhất thời đó, người bạn sau này của Tsêkhôp, người ca ngợi đầu tiên và hãy còn rụt rè của thiên nhiên Nga.
Ở gian nhà chứa đồ trong làng Macximốpka, nơi Lêvitan sống mùa hè, anh em Tsêkhôp treo một cái biển: "Quỹ cho vay của thương gia Ixắx Lêvitan".
Mơ ước về một cuộc sống vô tư cuối cùng đã được thực hiện. Lêvitan đánh bạn với họa sĩ Nikôlai Tsêkhôp, với gia đình Tsêkhôp và đã sống cùng họ ba mùa hè. Vào khoảng thời gian đó, nhà Tsêkhôp năm nào cũng về nghỉ hè ở làng Bapkin gần Tân Giêruxalem.
Gia đình Tsêkhôp là một gia đình gồm những người tài năng, ồn ào và hay giễu cợt. Trong nhà họ không bao giờ ngớt những câu nói đùa. Mỗi chuyện cỏn con, cả đến cuộc đi câu cá giếc hoặc một chuyến đi dạo trong rừng hái nấm cũng biến thành một sự kiện vui vẻ. Từ sáng, những câu chuyện bịa, những tiếng cười ha hả đã bắt đầu quanh bàn trà. Tiếng cười không lúc nào lặng đi cho đến khuya. Mỗi nét ngộ nghĩnh của con người hoặc một chữ tức cười lập tức được mọi người hưởng ứng và làm cớ cho những câu nói đùa, những chuyện bỡn cợt.
Lêvitan là người bị làm tình làm tội nhiều nhất. Ông thường xuyên bị lên án trong bất cứ tội pha trò nào và cuối cùng mọi người tổ chức tòa án để xử ông. Antôn Tsêkhôp(10) hóa trang làm công tố viên để đọc lời buộc tội. Thính giả cười bò ra. Nikôlai Tsêkhôp giả làm một nhân chứng ngốc nghếch. Ông đưa ra những lời khai lộn xộn, lẫn lộn cái nọ với cái kia, sợ hãi và trông ông giống như anh chàng nông dân của Antôn Tsêkhôp trong truyện ngắn "Tên bất lương" - cái anh chàng tháo êcu ở đường sắt làm quả cân. Alêchxanđrơ Tsêkhôp - trạng sư - lên giọng ngâm nga một bài diễn văn khoa trương như một diễn viên.
(10) Nhà văn lớn của nước Nga thế kỉ XIX-XX (1860- 1904).
Đặc biệt riêng khuôn mặt Ả rập đẹp trai của Lêvitan làm tội ông
nhiều hơn cả. Trong các thư từ gửi đi, Tsêkhôp thường nhắc đến sắc đẹp của Lêvitan. "Tôi sẽ đến với anh, đẹp như Lêvitan", - ông viết - "anh ta uể oải như Lêvitan". Nhưng tên của Lêvitan không phải chỉ là hình tượng của sắc đẹp nam giới, mà còn là của cái đẹp đặc biệt của phong cảnh Nga. Tsêkhôp tạo ra tính từ "lêvitan" và dùng nó rất đạt.
"Phong cảnh ở đây còn "lêvitan" hơn ở chỗ các anh" - ông viết trong một bức thư. Cả tranh của Lêvitan cũng khác nhau nữa - những bức này "lêvitan" hơn những bức kia.
Lúc đầu cái đó tưởng như chỉ là một câu nói đùa, nhưng càng về sau càng thấy rõ trong cái chữ bông đùa đó có một ý chính xác - chữ đó biểu hiện được cái duyên dáng của phong cảnh miền trung nước Nga mà trong tất cả các họa sĩ thời bấy giờ chỉ có mỗi một mình Lêvitan là đưa được lên nền vải.
Thỉnh thoảng trên cánh đồng cỏ gần nhà Bapkin lại xảy ra những chuyện kỳ lạ. Lúc hoàng hôn xuống, Lêvitan cưỡi con lừa già đi ra đồng cỏ, mặc giả như một người du mục Ả Rập. Ông xuống lừa, ngồi xổm và bắt đầu quay về hướng đông cầu nguyện. Ông giơ tay lên hát một cách thảm thiết và cúi đầu về phía Mêkka mà lạy. Đó là buổi cầu kinh của người Hồi giáo.
Antôn Tsêkhôp ngồi trong bụi rậm với khẩu súng trường cũ kỹ, đạn nhồi bằng giấy và giẻ rách. Ông dữ tợn nhằm Lêvitan và bóp cò. Những đám khói mù mịt lan tỏa trên cánh đồng. Ngoài sông, ếch nhái kêu chuộc chuộc một cách tuyệt vọng. Lêvitan thét lên ngã vật xuống đất, giả chết. Mọi người đặt ông lên cáng, luồn tay ông vào một đôi ủng cũ bằng da và khiêng ông đi quanh công viên. Đội đồng ca nhà Tsêkhôp hát những bài lâm khốc não nùng bằng đủ mọi lời vớ vẩn mà họ nghĩ ra. Lêvitan cười rũ rượi, rồi không chịu được nữa, ông nhảy xuống và chạy biến vào nhà.
Sáng sớm Lêvitan và Antôn Paplôvich Tsêkhôp đi câu cá ở sông Ixtra. Họ chọn chỗ câu ở những bờ dốc đứng đầy bụi cây rậm rạp, những vực sâu êm ả nơi có hoa súng nở và những con cá vây đỏ kéo đi từng đàn trong nước ấm. Lêvitan thì thầm đọc thơ Tiutsếp(11), Tsêkhôp trợn mắt lên dọa nạt và cũng thì thầm như thể ông mắng bạn - cá đang cắn câu của ông mà thơ lại làm cho con cá nhút nhát sợ hãi.
(11) Fêđo Ivanôvích Tiutsếp (1803- 1873), nhà thơ và triết gia. Thơ trữ tình của ông thấm đượm sự lo âu, cảm giác về tính chất bi thảm trong cuộc sống.
Những gì Lêvitan mơ ước khi còn ở Xamtưkốpka đã thành sự thật: những cuộc chơi "Cháy đi" trong những buổi chập choạng tối, lúc trăng lưỡi liềm mỏng dính treo trên những bụi rậm của khu vườn quê, những nụ cười và vẻ bối rối của thiếu phụ trẻ, giọng nói dịu dàng của họ, những cuộc cãi lộn đáng yêu, những vì sao run rẩy trên những cánh rừng thưa, tiếng chim kêu, tiếng kẽo kẹt của những chiếc xe trên những cánh đồng đêm, sự gần gũi những người bạn tài năng, gần gũi với vinh quang xứng đáng, cảm giác nhẹ nhàng trong thân thể và tâm hồn.
Mặc dầu cuộc sống tràn đầy vẻ đẹp mùa hè, Lêvitan vẫn làm việc rất nhiều. Tường trong nhà kho của ông - trước kia là chuồng gà - treo đầy phác thảo suốt từ trên xuống dưới. Mới thoạt nhìn người ta cũng chẳng thấy gì mới trong những phác thảo ấy - vẫn những con đường uốn khúc quen thuộc biến mất sau những ngọn núi nghiêng nghiêng, những cánh rừng, những chân trời xa, trăng sáng bên trên những hàng rào thôn dã, những con đường mòn đầy dấu giầy đan giữa đồng, những đám mây và những con sông lười biếng.
Cái thế giới quen thuộc hiện lên trên nền vải, nhưng trong nó vẫn có một cái gì riêng của nó mà những danh từ nghèo nàn của con người không diễn đạt nổi. Những bức tranh của Lêvitan gợi lên trong con người cái đau như là những hồi ức về những ngày xa lắc xa lơ nhưng bao giờ cũng vẫn cứ làm ta mê mẩn.
Lêvitan là họa sĩ của phong cảnh buồn. Phong cảnh bao giờ cũng buồn khi con người buồn. Nền văn học và hội họa Nga đã nói đến trong hàng thế kỷ những bầu trời đáng ngán, những cánh đồng xơ xác, những mái nhà tranh đen đủi của người, những bài ca ngân trong gió của người đối với ta khác nào những giọt lệ của mối tình đầu.
Từ thế hệ này qua thế hệ khác con người nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt đục mờ vì đói. Thiên nhiên đối với con người cũng cay đắng chẳng khác gì số phận của y, chẳng khác gì một mẩu bánh mì sũng nước. Đối với người đó thì bầu trời nhiệt đới xán lạn cũng trở nên khắc nghiệt.
Món thuốc độc thần hiệu của sự chán nản thành hình như thế đấy.
Nó đè lên tất cả, làm mất đi mọi màu sắc của ánh sáng, trò chơi và vẻ thanh lịch của chúng. Thiên nhiên dịu dàng và phong phú của nước Nga đã bị xuyên tạc trong hàng thế kỷ, bị coi là ảm đạm và đầy nước mắt. Các họa sĩ và các nhà văn xuyên tạc nó mà không hề biết mình đã làm chuyện đó.
*
Lêvitan xuất thân từ trong đám người Do- thái(12) không có quyền trước luật pháp và không có tương lai, là kẻ sinh ra ở miền Tây xứ sở của những thị trấn nhỏ, của những người thợ thủ công lao phổi, của những nhà thờ Do- thái đen đủi, của chật chội và nghèo túng.
(12) Nguyên văn: Từ trong xóm người Do Thái.
Tình trạng không có quyền trước luật pháp theo đuổi Lêvitan cho đến trọn đời. Năm 1892 ông lại bị đuổi khỏi Maxcơva lần thứ hai mặc dầu lúc đó ông đã là một họa sĩ danh tiếng trong toàn cõi Nga. Ông buộc lòng phải ẩn dật tại trấn Vlađimiaxkôiê cho đến khi bạn bè ông xin được cho ông khỏi bị trục xuất.
Lêvitan buồn như lịch sử của dân tộc ông, của ông cha ông. Ở Bapkin ông đùa cợt, say sưa với các cô gái và màu sắc, nhưng ý nghĩ rằng ông là một tên nô lệ, một kẻ khốn cùng, đứa con của một nòi giống luôn luôn bị sự dèm pha rẻ rúng đeo đuổi, vẫn còn tồn tại ở một nơi nào đó sâu thẳm trong tâm hồn.
Đôi khi ý nghĩ đó hoàn toàn xâm chiếm tâm hồn ông. Và lúc ấy những cơn u sầu bệnh hoạn lại nổi lên. Sự không hài lòng với những tác phẩm của mình, sự hiểu biết rằng bàn tay không đủ súc truyền đạt bằng màu những gì đã thành hình trong trí tưởng tượng khoáng đạt của mình làm nỗi buồn phiền càng tăng.
Khi nào nỗi buồn chợt đến, Lêvitan chạy trốn mọi người. Lúc đó ông thấy họ như những kẻ thù. Ông trở nên lỗ mãng, ngông ngược không tài nào chịu nổi. Ông giận dữ cạo hết sơn trong những bức tranh của mình, lẩn trốn mọi người, bỏ đi săn cùng con chó Vexta, nhưng lại không săn gì hết mà chỉ lang thang vô định trong các khu rừng. Trong những ngày như thế chỉ có một mình thiên nhiên thay thế cho người thân đối với ông: thiên nhiên an ủi ông, lấy gió vuốt ve trán ông như bàn tay mẹ hiền. Ban đêm, những cánh đồng im tiếng: những đêm như thế Lêvitan được nghỉ ngơi, không bị tính ngu ngốc và tò mò của con người quấy nhiễu.
Hai lần trong khi nỗi buồn dậy lên, Lêvitan dùng súng lục tự tử, nhưng không chết. Cả hai lần Tsêkhôp đã cứu sống ông.
Nỗi buồn dần qua, Lêvitan dần trở về với người, ông lại vẽ, lại yêu, lại tin, lại lạc vào trong cái rối rắm của những quan hệ giữa người với người cho đến khi nỗi buồn lại giáng cho ông một đòn mới.
Tsêkhôp cho rằng nỗi buồn của Lêvitan là sự bắt đầu của một bệnh tinh thần. Nhưng đó là chứng bệnh không thể nào chữa khỏi của những con người vĩ đại, con người đòi hỏi nghiêm khắc đối với bản thân và với cuộc đời.
Tất cả những gì đã vẽ, hình như đều bất lực. Đàng sau những màu sắc đặt trên nền vải, Lêvitan nhìn thấy những màu khác, những màu trong sạch hơn và đậm nét hơn. Từ những màu ấy chứ không phải từ son, côban và cadmium do xưởng máy chế tạo. Lêvitan muốn dựng nên phong cảnh nước Nga. Phong cảnh đó phải trong suốt như khi trời tháng chín, huy hoàng như một cánh rừng vào mùa lá rụng.
Nhưng nỗi buồn trong tâm hồn giữ lấy tay ông trong lúc ông làm việc. Lêvitan không thể vẽ, không biết vẽ thế nào cho trong sáng, trong một thời gian dài. Một thứ ánh sáng mờ đục phủ lên trên nền vải, màu sắc nhăn nhó. Lêvitan không tài nào bắt được chúng mỉm cười.
*
Năm 1886, lần đầu tiên Lêvitan rời Maxcơva đi về miền Nam, tơi Krưm.
Ở Maxcơva suốt mùa đông ông vẽ cảnh cho nhà hát kịch và công việc đó đối với ông không phải là không có ích. Lêvitan bắt đầu mạnh bạo hơn trong việc sử dụng màu sắc. Nét bút cũng trở nên khoáng đạt hơn. Những dấu hiệu đầu tiên của một tính cách đặc biệt của những nghệ sĩ chân chính xuất hiện - dấu hiệu của sự ngông ngược trong việc sử dụng màu sắc. Đặc tính đó cần thiết đối với tất cả những ai tìm tòi cách thể hiện ý nghĩ và hình tượng của mình. Nhà văn nhất thiết phải can đảm trong việc sử dụng từ và vốn quan sát của mình, nhà điêu khắc đối với đất sét và cẩm thạch, họa sĩ - đối với màu sắc và đường nét.
Cái quý nhất mà Lêvitan tìm thấy ở miền Nam là những màu trong sạch. Thời gian ở Krưm đối với ông giống như một buổi sáng bất tận, khi không khí lắng xuống sau một đêm, giống như nước trong những hồ khổng lồ ở các thung lũng trên núi, trong sạch đến nỗi từ xa ta có thể trông thấy những giọt sương rơi từ những chiếc lá và xa ngoài chục dặm trắng lên màu bọt sóng đi vào những bờ biển đầy đá.
Những khoảng rộng mênh mông của không khí trải dài trên đất đai phương Nam làm cho màu sắc trở nên phân minh và nổi bật hẳn lên.
Ở miền Nam Lêvitan cảm thấy một điều hết sức rõ rệt rằng chỉ có ánh ắng mới là kẻ ngự trị trên mọi màu sắc. Sức mạnh vĩ đại của hội họa ở trong ánh nắng mặt trời và tất cả các màu xám của thiên nhiên Nga sở dĩ đẹp chỉ là do nó cũng là cái ánh sáng mặt trời ấy, nhưng là cái ánh sáng đã dịu bớt khi đi qua những tầng khí ẩm ướt và những màng mây mỏng.
Ánh nắng và màu đen không thể nào hòa hợp với nhau. Màu đen không phải là màu mà là xác chết của màu. Lêvitan hiểu ra điều đó và sau chuyến đi Krưm ông quyết định gạt bỏ khỏi tranh mình những sắc tối. Nói cho đúng không phải là bao giờ ông cũng thực hiện được việc đó.
Cuộc đấu tranh dai dẳng nhiều năm giành ánh sáng bắt đầu là thế.
Vào khoảng thời gian đó ở Pháp họa sĩ Van- Gốc(13) nghiên cứu việc truyền đạt trên nền vải ngọn lửa của mặt trời, ngọn lửa biến những vườn nho ở Aren thành ra vàng thắm. Cũng vào khoảng thời gian tương đương, Mônê (14) đã nghiên cứu ánh sáng mặt trời trên những bức tường nhà thờ Rem. Ông lấy làm ngạc nhiên khi thấy màn sương mù mỏng manh của áng sáng làm cho trọng lượng nặng nề của nhà thờ trở thành nhẹ bỗng. Tưởng như nhà thờ nọ không xây bằng đá, mà bằng những khối không khí khác nhau và quét bằng một lượt màu mờ nhạt.
(13) Vanhxăng Van Gốc: Họa sĩ danh tiếng Hà Lan, thế kỉ XIX (1853- 1890).
(14) Clôd Mônê: Họa sĩ danh tiếng Pháp (1840- 1926).
Muốn trở về với thực tế ta phải đến sát nó và sờ lên đá.
Lêvitan làm việc còn rụt rè. Các họa sĩ Pháp, họ làm việc bạo dạn và kiên trì. Cảm giác về tự do cá nhân, truyền thống văn hóa, môi trường các bè bạn thông minh giúp họ làm việc. Lêvitan không có những cái đó. Ông không hề biết cảm giác tự do cá nhân. Ông chỉ có thể mơ ước nó, nhưng mơ ước một cách bất lực, với nỗi căm giận cái đần độn và buồn nản của cuộc sống nước Nga lúc ấy. Không có cả một môi trường các bè bạn thông minh.
Từ sau chuyến đi về phương Nam, cộng với nỗi u sầu quen thuộc, còn thêm nỗi nhớ thường xuyên những màu khô và rõ nét, ánh nắng, cái ánh nắng biến mỗi ngày không có gì đặc sắc của đời người thanh một ngày hội.
Ở Maxcơva không có nắng, Lêvitan sống trong những phòng trọ của khách sạn "Anh quốc" ở phố Tvenxkaia. Thành phố, suốt đêm bị sương mù lạnh buốt bao phủ dày đặc đến nỗi không kịp sáng lại trong một ngày đông ngắn ngủi. Ngọn đèn dầu hỏa cháy trong phòng. Ánh sáng màu vàng lẫn lộn với bóng tối của một ngày ẩm ướt và phủ những vết xạm lên mặt người cùng những bức tranh mới bắt đầu vẽ.
Thiếu thốn lại trở lại, tuy giờ đây không còn kéo dài. Lêvitan phải trả tiền phòng cho bà chủ khách sạn không phải bằng tiền giấy mà bằng phác thảo.
Lêvitan cực kỳ hổ thẹn mỗi khi bà chủ đeo kính vào và xem đi xem lại những "cái tranh" để chọn lấy cái dễ bán nhất. Đáng ngạc nhiên hơn cả là những lời càu nhàu của bà chủ khách sạn thường trùng hợp với những bài viết của các nhà phê bình trên các báo:
- Mơxiơ Lêvitan, - Bà ta nói - sao không vẽ trên cánh đồng này một con bò giống, còn dưới cây đoạn kia ông không đặt thêm vào một đôi tình nhân? Như thế có vui mắt hơn không?
Các nhà phê bình viết cũng đại khái như vậy. Họ yêu cầu Lêvitan làm cho phong cảnh sinh động lên bằng ngỗng, bằng ngựa, những người chăn bò và con gái.
Các nhà phê bình đòi phải có ngỗng, còn Lêvitan thì lại nghĩ đến ánh nắng huy hoàng, cái ánh nắng sớm hay muộn sẽ làm ngập chìm cả nước Nga trên tranh ông và làm cho mỗi cây bạch dương trở thành có trọng lượng và ánh lấp lánh của kim loại quý.
*
Sau Krưm, sông Vonga đã bước vào cuộc sống của Lêvitan một cách vững chãi và lâu dài.
Chuyến đi Vonga đầu tiên không mang lại kết quả. Những cơn mưa bụi, nước Vonga đục ngầu. Gió dồn đuổi trên mặt sông những con sóng ngắn buồn tẻ. Trên cửa kính ngôi nhà gỗ nhỏ trong một làng bên bờ sông Vonga, nơi Lêvitan đến ở, nước chảy lã chã vì những cơn mưa đáng ngán. Những chân trời mù mịt hơi sương và một màu xám xịt nuốt hết cảnh vật chung quanh.
Lêvitan đau khổ vì rét, vì đất sét trơn trên bờ sông Vonga, vì không thể vẽ ngoài trời.
Những cơn mất ngủ bắt đầu. Bà lão chủ nhà ngáy bên kia vách và Lêvitan ghen với bà. Ông viết về cái ghen đó cho Tsêkhôp. Mưa rơi lộp độp trên mái và cứ nửa giờ Lêvitan lại đánh diêm một lần xem đồng hồ.
Bình minh chìm lẫn trong những hoang vắng đen kịt màu đêm, nơi ngự trị một thứ gió lãnh đạm. Lêvitan sợ hãi. Ông có cảm giác đêm sẽ kéo dài hàng tuần lễ, rằng ông đã bị đày ra cái làng nhỏ bé bẩn thỉu này và suốt đời buộc phải nghe tiếng những cành bạch dương ướt đẫm đập vào vách gỗ.
Đôi khi, đang đêm ông ra ngoài và cành cây đập vào mặt vào tay ông làm ông đau. Lêvitan giận dữ, châm thuốc hút nhưng rồi ông lại quăng điếu thuốc đi ngay: khói thuốc lá chua loét làm ông sái quai hàm.
Trên sông Vonga nghe rõ tiếng chân vịt tàu thủy đập một cách kiên nhẫn và cam chịu. Đó là con tàu dắt nhấp nháy đèn vàng đang kéo những xà lan hôi hám ngược Rưbinxkơ.
Lêvitan có cảm giác như dòng sông vĩ đại ấy là ngưỡng cửa dẫn tới địa ngục ảm đạm. Bình minh không mang lại thanh thản trong lòng.
Những đám mây đen chen chúc nhau đuểnh đoảng phóng từ Tây bắc đến, kéo lê trên mặt đất những gấu áo đẫm nước của những cơn mưa. Gió rú trong những khung cửa sổ cong queo và làm tay đỏ ửng. Những con gián chạy tán loạn từ trong hộp đựng màu.
Lêvitan không có sức chịu đựng về mặt tinh thần. Ông tuyệt vọng vì thấy cái mà ông chờ đợi và cái mà ông thấy trong thực tế chẳng phù hợp với nhau. Ông muốn có mặt trời thì mặt trời lại chẳng ló ra. Lêvitan bị mù đi vì tức giận trong thời gian đầu, đến nỗi ông cũng chẳng nhận ra những trung độ tuyệt đẹp của màu xám xanh đặc biệt của những buổi xấu trời.
Nhưng cuối cùng thì con người họa sĩ trong ông đã thắng con người mắc bệnh suy nhược thần kinh. Lêvitan đã nhìn thấy vẻ tuyệt kỳ của cơn mưa và tạo ra những "tác phẩm trời mưa" lừng lẫy của ông: bức "Sau trận mưa" và "Trên sự yên tĩnh đời đời".
Bức "Sau trận mưa" Lêvitan vẽ mất bốn tiếng đồng hồ. Những đám mây đen và nước sông Vonga màu thiếc tạo thành một thứ ánh sáng êm dịu. Nó có thể mất ngay trong từng phút. Lêvitan vẽ vội vã.
Những bức tranh của Lêvitan đòi hỏi ta phải ngắm nghía chậm chạp và kỹ càng. Chúng không làm ta hoa mắt. Chúng bình dị và chính xác như những truyện ngắn của Tsêkhôp, nhưng càng ngắm kỹ, ta càng thấy nhiều thêm vẻ đáng yêu của cái im lặng những thị trấn tỉnh lỵ, những dòng sông quen thuộc và những con đường làng.
Trong bức "Sau trận mưa" có cả vẻ tuyệt kỳ của những chiều sẩm tối mưa rơi trong một tỉnh lỵ bên bờ Vonga. Những vũng nước lấp lánh. Những đám mây trôi về bên kia sông như một làn khói thấp. Hơi nước bay ra từ những ống khói tàu thủy đang hạ xuống mặt nước. Những chiếc xà lan bên bờ đen sẫm lại vì ẩm ướt.
Trong những buổi hoàng hôn mùa hạ như vậy thực dễ chịu biết bao khi ta được bước vào những mái nhà khô, vào những căn phòng thấp với những ván sàn vừa được cọ rửa, nơi những ngọn đèn cháy sáng và bên ngoài cửa sổ khu vườn hoang xào xạc tiếng mưa rơi và đưa hương hoang dại. Nghe cung đàn chơi trên chiếc phong cầm cũ là cả một sự thú vị. Những cây đàn yếu ớt khẽ reo lên như tiếng ghita. Một cây vả tối sẫm trong chiếc thùng đặt bên cạnh cây đàn. Cô nữ sinh trung học ngồi trong ghế bành, chân co lại, đọc Turghêniép. Con mèo già tha thẩn trong các phòng, tai nóng nảy đụng đậy: nó nghe xem trong bếp có tiếng dao thớt hay không.
Từ ngoài phố xông lên mùi chiếu gai. Ngày mai phiên chợ, những chiếc xe bò sẽ đổ dồn cả về bãi nhà thờ. Tàu thủy xuôi dòng, đuổi theo đám mây đen của ngày mưa phủ kín nửa trời. Cô nữ sinh nhìn theo con tàu, mắt cô mở to và mờ đi. Con tàu đang đi tới những thành phố vùng hạ lưu, nơi có những rạp hát, những cuốn sách và những cuộc gặp gỡ đầy quyến rũ.
Chung quanh tỉnh lỵ là những cánh đồng lúa mạch đen tơi tả ướt đẫm ngày đêm.
Trong bức "Trên sự yên tĩnh đời đời", chất thơ mộng của một ngày xấu trời được biểu hiện bằng một sức mạnh còn lớn hơn nữa. Bức tranh đó Lêvitan vẽ trên bờ hồ Uđômli thuộc huyện Tverxkaia.
Từ trên sườn đồi dốc, nơi những cây bạch dương sẫm màu rạp mình trước những đợt gió giật từng cơn và ngôi nhà thờ gỗ mục nát đứng giữa những cây dương ấy, mở ra phương trời xa của một dòng sông im lặng, những cánh đồng tối sầm lại vì trời xấu, bầu trời mênh mông đầy mây, treo lơ lửng trên mặt đất. Những màn mưa xiên khoai che lấp những khoảng rộng.
Trong giới họa sĩ trước Lêvitan chưa một ai truyền đạt được những phương trời xa tít tắp của một ngày xấu ở nước Nga bằng một sức mạnh u buồn như vậy. Ngày xấu trời ấy bình thản và trang trọng đến nỗi ta có cảm giác nó là một cái gì thật hùng vĩ.
*
Chuyến đi Vonga lần thứ hai thành công hơn chuyến thứ nhất. Lêvitan không đi một mình mà đi cùng nữ họa sĩ Kupsinnikôva. Người thiếu phụ thơ ngây yêu Lêvitan tha thiết ấy đã được Tsêkhôp tả trong truyện ngắn "Một bà hay nhảy". Lêvitan rất giận Tsêkhôp vì truyện ngắn đó. Tình bạn giữa hai người tan vỡ và sự hòa giải diễn ra đau đớn và chậm chạp. Đến chết Lêvitan cũng không tha lỗi cho Tsêkhôp vì truyện ngắn đó.
Lêvitan cùng Kupsinnikôva đáp tàu tới Riadan, từ đó họ xuống tàu thủy xuôi dòng Ôka đến trấn Tsunkôvô. Ông quyết định dừng lại ở trấn này.
Mặt trời xuống trên những cánh đồng làng sau vườn đồi đất sét. Những đứa bé đuổi những con chim bồ câu đỏ màu hoàng hôn. Trên đồng cỏ bờ sông có những đống lửa cháy, trong các đầm lầy những con vạc kêu rầu rĩ.
Ở Tsunkôvô có tất cả những gì làm cho dòng Ôka trở thành nổi tiếng - tất cả vẻ đẹp kỳ diệu của dòng sông này, "con sông tràn đầy nước lũ mùa mưa với đôi bờ là những cánh rừng sồi rậm rạp và trong khoảng rộng mênh mông của những bãi cát ở Murômxkơ nó chảy nhịp nhàng đường bệ, lấp lánh giữa đôi bờ uy nghi". Không gì có thể truyền đạt vẻ đẹp của dòng Ôka lười biếng hơn là những vần thơ của Iadưkôva(15).
(15) Thi sĩ Nga, chủ đề của ông là thơ trữ tình ca ngợi tình yêu, tình bạn và tự do (1803- 1847).
Ở bến Tsunkôvô, một ông lão thấp bé chột mắt đến gần Lêvitan. Ông lão nóng nảy nắm lấy ống tay áo đũi của Lêvitan, kéo lại gần và lấy những ngón tay xù xì mân mê hồi lâu.
Vải của ông. - Ông lão nói và ợ một cái.
Lão muốn ngắm vải của ông thôi. Nó kêu xào xạo như tóc đàn bà vậy. Còn bà kia là ai, xin Chúa tha tội, có phải vợ ông không? - Ông lão chỉ Kupsinnikôva, đôi mắt bỗng trở nên dữ tợn.
Cuộc gặp gỡ không báo trước điều gì tốt lành.
Sáng sau, khi Lêvitan cùng Kupsinnikôva ngồi xuống sườn đồi, vừa mới mở hộp màu ra thì trong làng bắt đầu nhốn nháo. Những mụ đàn bà te tái từ nhà nọ sang nhà kia. Những người đàn ông cau có, đầu tóc dính đầy rơm, cởi thắt lưng ra, từ từ xúm quanh ụ đất, ngồi lại ở đàng xa, lặng lẽ nhìn hai họa sĩ. Lũ trẻ thở hổn hển sau lưng, xô đẩy nhau và chửi bới ầm ỹ.
Một mụ đàn bà răng đã rụng sạch tiến lại gần, nhìn Lêvitan chằm chằm, rồi bất thình lình tru tréo.
Những người đàn ông bắt đầu xôn xao. Lêvitan ngồi, mặt tái đi, nhưng vẫn giữ bình tĩnh và cố tình pha trò cho qua chuyện.
- Quân gian tà! - Lão kêu lên khe khẽ. - Không hiểu chúng nó đang làm gì. Đi họa đồ đất đai nhà thánh. Không tránh khỏi hỏa hoạn đâu làng nước ơi! Rồi đến chai(16) họa thôi.
(16) Tai họa. Lão thầy tu nói ngọng.
- Cút đi ngay! - Ông lão chột mắt quát lên.
- Ở đây không có cái thói ngồi vẽ tranh với đàn bà đâu! Cút! Đành phải xếp hộp màu lại và ra đi.
Cũng ngày hôm đó Lêvitan và Kupsinnikôva rời khỏi trấn. Khi họ tới gần bến tàu, bên nhà thờ còn nghe thấy tiếng "cút đi!" lộn xộn và tiếng kêu the thé của lão thày tu.
- Quân gian đấy. Quân vô đạo. Đàn bà mà để đầu trần thế kia à. Kupsinnikôva chẳng đội mũ, cũng chẳng chít khăn.
Lêvitan xuôi sông Ôka đến Nigiơni. Ở đó ông chuyển sang tàu thủy đi Rưbinxkơ. Suốt ngày này sang ngày khác, ông cùng Kupsinnikôva ngồi trên boong nhìn lên bờ tìm cảnh vẽ phác thảo.
Nhưng không có chỗ nào vừa ý. Lêvitan cau có và luôn kêu mệt. Hai bờ sông từ từ trôi đơn điệu, không thấy đâu những xóm làng nên thơ và những khúc ngoặt nhịp nhàng tư lự làm vui con mắt.
Cuối cùng ở Plexơ; từ trên boong Lêvitan nhìn thấy một ngôi nhà thờ dựng bằng những cột thông. Nó đen ngòm trên nền trời xanh nhạt. Ngôi sao sớm lấp lánh, óng ả bên trên.
Trong nhà thờ ấy, trong cái tịch mịch của chiều hôm, trong giọng nói như ru của những người đàn bà bán sữa trên bến sông, Lêvitan cảm thấy biết bao yên tĩnh và vì thế ông đã quyết định ở lại Plexơ ngay.
Từ đó bắt đầu một khoảng thời gian trong sáng của đời ông.
Tỉnh lỵ nhỏ bé vắng người và tịch mịch. Chỉ có tiếng chuông nhà thờ và tiếng mõ điểm canh trong đêm. Trên các ụ đất và bên các khe ngoài phố ngưu bàng nở hoa và cỏ hoang đã mọc. Trong các nhà, trên bậc cửa sổ người ta hong khô hoa đoạn đàng sau những riềm lụa mỏng tang.
Những ngày đượm nắng khô hanh nối tiếp nhau. Mùa hè ở Nga cũng gần sang tiết thu càng nhuốm màu quả chín. Ngay ở trong tháng tám lá cây trong các vườn táo đã ngả màu hồng, đồng ruộng lấp lánh ánh bạc và chiều đến, những đám mây phủ ngoài một màu đỏ rực đậu trên sông Vonga.
Cơn ưu phiền bệnh hoạn đã qua. Chỉ nói lại nó cũng đủ xấu hổ. Ngày ngày mang lại những chuyện bất ngờ cảm động. Khi thì một bà lão lòa ngỡ Lêvitan là kẻ hành khất, đặt lên nắp hộp màu của họa sĩ một đồng năm xu mòn nhẵn, khi thì bày trẻ xúm lại, đứa nọ thúc vào lưng đứa kia xin ông vẽ cho một bức, rồi cười ầm lên và bỏ chạy toán loạn. Khi thì người đàn bà hàng xóm trẻ tuổi, một tín đồ cựu giáo lén lút chạy sang và than vãn bằng một giọng êm như ru về thân phận cực nhọc của mình. Lêvitan gọi chị là Katêrina trong vở kịch "Dông tố" của Ôxtrốpxki(17). Ông quyết định cùng Kupsinnikôva giúp cho chị chạy trốn khỏi Plexơ, thoát khỏi cái gia đình ngán ngẩm kia. Cuộc chạy trốn được bàn bạc trong khu rừng ngoài thành phố. Kupsinnikôva bàn bạc với Katêrina, còn Lêvitan nằm ở lề rừng báo tin nguy hiểm cho những người đàn bà bằng một tiếng huýt sáo nhẹ. Katêrina đã chạy thoát.
(17) Ôxtrốpxki A. N: Nhà biên kịch vĩ đại Nga thế kỉ XIX (1823- 1866). Vở "Dông tố" của ông dựng năm 1859, xuất bản năm 1860.
Trước chuyến đi Plexơ, Lêvitan chỉ yêu có phong cảnh Nga, còn nhân dân sống trên đất nước lớn lao này ông không hiểu nổi. Ông đã biết những ai? Lão gác cổng vũ phu trong trường học mang biệt hiệu "Con ma", những tên hầu bàn trong các quán rượu, những tên bồi láo xược trong phòng cho thuê, những nông phu man rợ ở Tsunkôvô. Ông luôn nhìn thấy cảnh hung bạo, bẩn thỉu, sự cam chịu đần độn và lòng khinh rẻ đối với ông, một người Do- thái.
Trước những ngày ở Plexơ ông không tin ở tâm hồn hiền hậu của nhân dân, trí tuệ của họ, cũng như khả năng hiểu nhiều biết rộng của họ. Sau Plexơ, Lêvitan cảm thấy sự gắn bó của mình không chỉ riêng với phong cảnh Nga mà cả với nhân dân đất nước ấy - một dân tộc tài hoa đau khổ, một dân tộc hình như đang lặng đi, không biết trước một tai họa mới hay trước một cuộc giải phóng vĩ đại.
Trong chuyến đi Vonga lần thứ hai này Lêvitan vẽ được nhiều. Về bức tranh ấy Tsêkhôp đã nói với ông: "Trên tranh của anh đã thấy có nụ cười".
Ánh sáng và ánh lấp lánh lần đầu tiên đã hiện lên trên những tác phẩm "miền Vonga" của ông - trong bức "Plexơ vàng" "Gió mới" và "Chuông chiều".
Hầu như mỗi người trong chúng ta đều giữ lại từ thuở còn thơ hình ảnh của những bãi cỏ trong khu rừng phủ đầy lá rụng, những mảnh đất lộng lẫy và u sầu nơi quê hương, những mảnh đất rực rỡ bên dưới một mặt trời không nóng bỏng trên nền trời xanh thẳm, trong cái yên tĩnh của những vùng nước lặng gió, trong tiếng kêu chiêm chiếp của những con chim lang bạt.
Đến tuổi thành niên những kỷ niệm ấy lại dậy lên trong lòng ta một sức mạnh kỳ lạ bởi những nguyên do nhỏ nhặt nhất - chẳng hạn như cái phong cảnh thoáng qua ngoài cửa sổ toa tàu kia - và những kỷ niệm ấy gây ra trong lòng ta nỗi bồi hồi và cảm xúc về hạnh phúc mà chính ta cũng không hiểu, làm ta muốn dứt bỏ tất cả; những thành phố, những ưu tư, những người đã trở thành nhàm để đi về nơi hẻo lánh kia, về những bờ hồ xa lạ, những con đường rừng mà ở đó, mỗi âm thanh đều ngân dài và rõ ràng như ở trên đỉnh núi, giống như một tiếng còi tàu hay tiếng hót của những con chim bay nhảy trong những bụi thanh lương trà.
Tình cảm đối với những vùng thân yêu ta đã gặp từ thuở xa xăm ấy, từ những bức tranh "miền Vonga" và tranh "thu" của Lêvitan sẽ còn mãi mãi với ta.
Đời của Lêvitan nghèo sự kiện. Ông ít đi đây đi đó. Ông chỉ yêu vùng trung du nước Nga. Đi đâu ông cũng coi là phí thời gian. Đối với những chuyến đi ra ngoại quốc ông cũng nghĩ như vậy.
Ông đã qua Phần Lan, Pháp, Thụy Sĩ và Ý.
Đá hoa cương Phần Lan, nước sông màu đen, bầu trời lạnh giá và biển cả ảm đạm ở đó làm ông chán ngán "Tôi lại lên cơn buồn chết người rồi đây - Từ Phần Lan Lêvitan viết thư cho Tsêkhôp. - Ở đây không có thiên nhiên".
Ở Thụy Sĩ, dãy Anpơ làm ông kinh ngạc, nhưng hình dáng của dãy núi này đối với Lêvitan cũng không khác hình thù của những hình núi giả bằng bìa cứng phết phẩm lòe loẹt.
Ở Ý ông chỉ ưa có Vơnidơ. Không khí ở đây chứa đầy những màu bạc do những bờ vịnh tối gây nên.
Ở Pari, Lêvitan đã thấy những bức tranh của Mônê nhưng ông không nhớ những bức tranh ấy. Mãi đến trước ngày chết ông mới coi trọng nền hội họa của những người theo trường phái ấn tượng chủ nghĩa và hiểu ra rằng một phần nào ông đã là bậc tiền bối của họ ở Nga và lần đầu tiên ông công nhận tên tuổi họ.
Trong những năm cuối cùng của đời ông, Lêvitan đã ở lâu trong vùng gần Vưsni- Vôlôtsốc bên bờ hồ Uđômli. Ở đó, trong gia đình nhà điền chủ Panafiđinưi ông lại rơi vào những quan hệ rôi ren giữa người và người, ông dùng súng tự sát, nhưng người ta đã cứu sống ông.
*
Càng về già ý nghĩ của Lêvitan càng dừng lại nhiều hơn ở mùa thu.
Thực ra, Lêvitan cũng có sáng tác mấy bức họa tuyệt diệu về mùa xuân, nhưng hầu như bao giờ đó cũng là những mùa xuân giống nhau.
Trong bức "Nước dâng", cánh rừng bị nước lũ tràn ngập đứng trần trụi y như lúc cuối thu và cũng không thấy đâu màng khói xanh nhạt bao ngoài của lá đầu mùa. Trong bức "Xuân sớm", dòng sông đen đứng chết lặng giữa những miệng hố còn chất đầy tuyết xốp và riêng có bức "Tháng ba" mới truyền đạt được cái sáng sủa thực sự là xuân của nền trời trên những đống tuyết đang tan, ánh nắng vàng và ánh lấp lánh thủy tinh của nước tuyết từ các mái nhà lát ván mỏng nhỏ giọt.
Các nhà thơ, nhà văn và các họa sĩ Nga đã sáng tác những bài thơ, những trang sách và những bức họa dịu dành nhất và cảm động nhất về mùa thu.
Lêvitan cũng như Puskin, Tiutisếp và nhiều người khác ngóng chờ mùa thu tới như một mùa quý giá nhất và qua mau nhất trong một năm.
Mùa thu giải thoát những khu rừng, đồng ruộng và toàn thể thiên nhiên khỏi những màu đậm đặc, lấy mưa rửa sạch cỏ cây. Những cánh rừng trở nên thoáng đãng. Những màu tối của mùa hè được thay bằng màu vàng rụt rè, màu đỏ thắm và màu bạc. Không những chỉ màu đất mà cả không khí cũng thay đổi. Nó trong sạch hơn, lạnh hơn và những chân trời xa nom như sâu hơn hẳn trong mùa hè. Cũng hệt như ở các bậc thầy của văn học và hội họa, cái hào nhoáng trẻ trung của màu sắc và cái lộng lẫy của ngôn ngữ đến tuổi trưởng thành sẽ được thay thế bởi tính chất nghiêm trang và cao thượng.
Mùa thu trên những tác phẩm của Lêvitan muôn hình muôn vẻ.
Không thể nào kể hết tất cả những ngày thu mà ông đã đưa lên nền vải. Lêvitan để lại gần một trăm bức "Thu" không kể những phác thảo.
Trên những bức tranh ấy họa sĩ mô tả những vật ta quen từ nhỏ: đống cỏ đen lại vì ẩm ướt; những dòng sông nhỏ xoay tròn những đống lá rụng trong những xoáy nước chậm rãi, những cây bạch dương vàng óng, cô đơn, chưa bị gió đánh trụi; bầu trời giống như một lớp băng mỏng: những trận mưa tơi tả trên cánh rừng vừa đốn. Nhưng trong tất cả những bức tranh ấy, dù Lêvitan có vẽ gì chăng nữa, điều truyền cảm mạnh mẽ hơn cả vẫn là nỗi buồn của những ngày ly biệt, những chiếc lá rụng lả tả, cỏ úa, tiếng đàn ong bay vo vo trước khi trời trở lạnh và mặt trời cuối thu đang nhẹ nhàng sưởi ấm mặt đất.
*
Dần dà, năm này qua năm khác, bệnh đau tim nặng phát triển trong người Lêvitan mà cả ông, cả những người gần gũi ông, đều không hề biết tới, cho tới khi nó phát ra dữ dội lần đầu.
Lêvitan không chữa bệnh. Ông ngại gặp bác sĩ, sợ phải nghe một bản án tử hình. Các bác sĩ dĩ nhiên sẽ cấm Lêvitan không được giao tiếp với thiên nhiên, mà điều đó đối với ông cũng chẳng khác gì cái chết.
Lêvitan càng buồn hơn so với những năm ông còn trẻ. Ông bỏ vào rừng luôn - mùa hè trước khi ông qua đời, Lêvitan ở gần Zvenigôrốt và ở đó nhiều lần người ta bắt gặp ông bối rối và đang khóc. Ông biết rằng không có gì, cả các ông thầy thuốc, cả cuộc sống yên tĩnh, cả thiên nhiên mà ông yêu mến đến điên cuồng kia, cũng không thể xua đuổi cái đoạn kết đang tới gần.
Mùa đông năm 1899 các bác sĩ gửi Lêvitan đi Ianta. Hồi đó Tsêkhôp cũng đang ở Ianta. Hai người bạn cũ gặp nhau, họ đều già đi và xa lạ. Lêvitan đi lại phải chống gậy, thở không được và gặp ai cũng nói về cái chết sắp đến. Ông sợ chết và không giấu giếm điều đó. Trái tim gần như đau mãi không ngừng.
Tsêkhôp buồn nhớ Maxcơva, nhớ miền Bắc. Mặc dù biển rất "lớn" theo lời ông, nó thu hẹp cuộc đời lại. Ngoài biển và thành phố Ianta lặng lẽ giữa tiết đông, hầu như không còn lại một cái gì khác trong cuộc đời. Ở một nơi nào đó rất xa bên kia Kharkốp, Kurxkơ và Ôriôn có tuyết phủ, có những ánh lửa của những xóm làng xơ xác nhấp nháy mò mẫm trong cơn bão tuyết bạc trắng. Cơn bão tuyết có một cái gì gần gụi và tha thiết đối với con tim, gần hơn cả những cây trắc bá bêklin và không khí ngột ngạt vùng ven biển. Cái không khí ấy thường làm ta nhức đầu. Tất cả đều như rất đáng yêu: cả những cánh rừng, cả những con ngòi, cả những làng Pêkhorki và Véctusinki nào đó, những đống cỏ trên những cánh đồng hoang vắng chiều hôm, những đống cỏ cô đơn dưới trăng mờ, tưởng như đã bị con người bỏ quên vĩnh viễn.
Lêvitan lúc bấy giờ đang ốm, xin Tsêkhốp một mảnh bìa cứng và trong nửa giờ ông vẽ bằng sơn màu cảnh ruộng đồng chiều hôm với những đụn cỏ đánh đống. Bức phác thảo ấy Tsêkhốp đặt lên bệ lò sưởi bên cạnh bàn viết và ông hay ngắm nó trong khi làm việc.
Mùa đông ở Ianta khô và có nắng, gió ấm từ biển thổi vào bờ. Lêvitan nhớ lại chuyến đi Krưm lần đầu và ông thèm lên núi. Hồi ức về chuyến đi, khi đứng trên đỉnh núi Ai- Pêtri nhìn bầu trời mây dưới chân mình, luôn theo đuổi ông. Trên đỉnh đầu là mặt trời - ở đây tưởng như nó gần mặt đất hơn, ánh nắng vàng của nó tỏa xuống những hình bóng gọn nét. Mảng trời mây ở dưới kia, trên miệng vực, tỏa khói và từ từ bò tới chân Lêvitan, che phủ những rừng thông.
Bầu trời chuyển động từ phía dưới lên và cái đó làm cho Lêvitan sợ cũng như ông sợ cái im lặng chưa từng nghe nói tới của núi. Chỉ đôi lúc, tiếng đá lăn trên núi mới phá vỡ cái im lặng ấy. Đá đen lăn từ sườn núi xuống và lay động những đám cỏ gai khô.
Lêvitan muốn được lên núi. Ông đòi người ta đưa ông lên núi AiPêtri nhưng người ta đã từ chối. Không khí loãng trên núi có thể nguy hiểm cho tính mạng ông.
Ianta không làm ông khỏi bệnh. Lêvitan trở về Maxcơva. Ông hầu như không ra khỏi nhà ông ở ngõ Tritortorxviatitenxki nữa.
Ngày hai mươi hai tháng bảy năm 1900 ông mất. Lúc đó trời vừa tối, ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên trời Maxcơva vòi vọi và những vòm lá cây đã ngập trong lớp bụi vàng và trong ánh phản chiếu của mặt trời đang tắt.
Mùa hè năm ấy rất dài. Đến tháng bảy hoa tử đinh hương còn chưa nở hết. Những khóm hoa mọc đầy mảnh vườn bên nhà. Mùi lá cây, mùi tử đinh hương, mùi sơn dầu đọng lại trong xưởng họa, nơi Lêvitan đang hấp hối, hương vị đã đeo đuổi họa sĩ suốt cuộc đời và truyền đạt trên nền vải nỗi buồn của thiên nhiên Nga thiên nhiên ấy, cũng giống con người, tưởng như đã chờ đợi những ngày vui tươi khác hẳn.
Những ngày ấy đã đến rất mau sau khi Lêvitan mất, và những đồ đệ của ông đã được thấy điều mà thày học họ không được thấy: họ đã thấy một đất nước mới với những phong cảnh trở nên khác hẳn bởi vì con người đã trở nên khác hẳn: họ đã thấy mặt trời hào phóng của chúng ta, đất đai bao la quê hương, bầu trời trong sáng và ánh lấp lánh của những màu sắc hội hè mà trước đây Lêvitan không hề quen thuộc.
Lêvitan đã không thấy điều đó vì phong cảnh tươi vui khi con người được tự do và sung sướng.
Lêvitan muốn cười, nhưng ông đã không đưa được lên nền vải cả đến một nụ cười yếu ớt.
Ông quá trung thực đến nỗi không thể không nhận thấy nỗi đau khổ của nhân dân. Ông trở thành người ca ngợi một đất nước bao la và nghèo đói, trở thành người ca ngợi thiên nhiên đất nước ấy. Ông nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt của một dân tộc đau khổ, - sức mạnh nghệ thuật của ông chính là ở chỗ đó và trong đó một phần nào ẩn kín cái bí quyết của riêng ông.
1937
KIM ÂN và MỘNG QUỲNH dịch
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro