CHÚ BÉ CHĂN BÒ
Sương xuống nhiều và lạnh, thật đúng là sương tháng chín. Sương từ những bụi cỏ cao vẩy nước vào mặt ta. Sương nhỏ giọt từ cành cây xuống sông và trên mặt nước tối sầm những vòng tròn chậm chạp cứ lan rộng mãi.
Người tôi ướt đẫm thứ sương ấy và tôi phải nhóm lửa sưởi. Khói bay lên trên ngọn những cây thông và những cây tùng lạc diệp. Những cây tùng lạc diệp đã trút hết lá. Lá tùng nhỏ như những sợi tóc ngắn vàng óng, rụng xuống không ngừng, mặc dầu trời lặng gió. Có một con chim nào kêu tanh tách trên những cây tùng bên đống lửa. Thì ra nó là anh thợ cạo của rừng miền này. Chính nó cắt lá, đánh kéo tanh tách, làm lá tùng rơi lả tả xuống đầu tôi, xuống sông và xuống đống lửa.
Tôi vừa hong người cho khô vừa nhìn ra sông. Lá vàng trôi thành những hòn đảo, thỉnh thoảng lại mắc vào những gốc cây và dừng lại. Từ phía sau đã lại ùn tới từng đống lá khác.
Những đống lá chắn ngang dòng sông, bắt đầu từ từ xoay lại, vùng vẫy, cố thoát khỏi những bàn tay xiết chặt của những rễ cây, cuối cùng thoát ra được và trôi đi. Chúng lúc thì sáng chói lên như vàng khi ra chỗ có nắng, lúc thì tắt đi và đen lại khi bóng cây trùm lên.
Trên sông vẫn còn lại những chiếc cầu phao bỏ đi không dùng nữa từ khi ở đây có những trận đánh với quân Đức: đó là những chiếc bè, trên đó lăn và sú mọc đầy. Những chiếc cọc chơ vơ cắm vào những giải cát ngầm làm sủi bọt lên chung quanh.
Những bụi cây bên đống lửa kêu răng rắc. Một cái mõm bò ướt át trong những bụi cây ấy thò ra. Con bò đánh hơi, thở phì một cái thật to và gật cái đầu trắng có chấm đen trên trán chào tôi. Lập tức ở gần đó vang lên tiếng roi vút đánh đét như một tiếng súng và có người nào đó kêu lên.
- Mày đi đâu thế hử, Praxka? Mày chui đi đằng nào rồi, con trời đánh kia?(1)
(1) Nguyên văn: con có bệnh dịch hạch kia
Praxka lao về một bên, xô gẫy những bụi cây và biến mất. Từ trong bụi bước ra một chú bé chăn bò - một chú chăn bò bình thường mà ta có thể gặp trong bất cứ làng nào ở nước ta. Chú người nhỏ nhắn, tóc vàng hoe, đội mũ lưỡi trai rộng, mặc áo bông rách, tay cầm chiếc roi dài. Chú kéo lê chiếc roi theo sau trên cỏ ướt.
Chú chăn bò hỉ mũi, đưa ống tay áo dài sát đất lên quệt ngang, nhìn tôi và nói bằng một giọng rin rít:
- Chào bác! Sương xuống cứ như mưa ấy. Chịu hết nổi, bác ơi!
- Lại đây mà hong, cháu! Tôi đề nghị.
- Được thôi. - Chú chăn bò ưng thuận và lại gần, ngồi xổm bên đống lửa. - Bác đi du lịch đấy à?
- Cũng có thể là du lịch. - Tôi trả lời.
- Còn cháu thì chăn bò. - Chú bé nói, - Tên cháu là AlêchxâyKuđưski. Cháu làm việc thay cha cháu. Cha cháu ở ngoài mặt trận. Nói thật tình, cháu chỉ muốn làm nghề chăn ngựa, nhưng ông chủ tịch không nhận. Ông ấy bảo là cháu chưa đến tuổi, thấp quá. Ông ta nhận thằng Lenca. Chăn ngựa gì nó! Nếu choảng nhau thật sự thì cháu được nó ngay. Nó cao lớn, nhưng sức lực chẳng có gì trơn. Bởi vì sức con người ở đôi vai mà vai nó thì hẹp như vai dê.
Chú lặng thinh một lát rồi đột nhiên hỏi tôi:
- Bác đã trông thấy sông Mitxixipi chưa? Ở Mỹ ấy mà.
- Chưa, chưa trông thấy. Sao?
- Cháu muốn thấy con sông ấy. Người ta bảo nó rộng lắm, rộng hơn cả sông Vonga. Thế bác đã đến Xtalingrát bao giờ chưa?
- Đến rồi.
Chú bé mỉm cười:
- Cha cháu bị thương ở Xtalingrát, được thưởng huân chương đấy. Trước chiến tranh, ở làng, cha cháu cũng chăn bò.
- Sao, cháu biết sông Mitxixipi à?
Tôi hỏi.
- Ở trường dạy cháu. Với lại cha cháu cũng nói chuyện cho cháu nghe về con sông ấy. Cha cháu biết đủ mọi thứ, biết từng ngọn cỏ. Biết người ta gọi nó là gì, nó mọc ở đâu, nó có ích hay có hại. Cha cháu có thể giảng giải được tuốt tuột về nước ta và các nước khác. Có thật là có những núi kim cương, có cái là những trái núi ấy nằm sâu trong lòng đất và phải dùng máy móc đào một trăm năm mới đến nơi, phải không bác?
- Bác không biết. - Tôi trả lời. - Bác cũng chưa nghe ai nói về những trái núi ấy.
- Ấy thế mà cha cháu đã nghe nói đấy! -Chú bé nói. - Cha cháu không phải là người đi du lịch nhưng lại biết hết mọi chuyện đường xa. Thế bác có biết chuyện những cái chai không?
- Những cái chai nào?
- Những cái chai đựng thư ấy.
- Không, bác không biết.
- Để cháu giảng cho bác nghe. - Chú bé nói.
- Thí dụ, có một người du lịch đi trên một con tàu giữa đại dương. Thủy thủ, tất nhiên, nổi loạn. Họ không muốn đi. Ở nhà họ, họ được ăn uống no nê, lò sưởi suốt mùa đông có lửa, họ có bò sữa, có vườn rau, buổi tối tha hồ la cà sang hàng xóm đánh cờ (2). Còn ở trên tàu thì nóng nực và nước mênh mông, ngoài ra chẳng có gì trơn. Thế là họ nổi loạn, họ bỏ người du lịch nọ vào một chiếc thuyền con và thả ông ta một mình giữa đại dương. Rồi họ quay buồm lại và trở về. Nhưng đại dương lại vứt ông khách du lịch lên một hoang đảo. Bác đã thấy những hoang đảo bao giờ chưa?
(2) Nguyên văn: piddavok, một lối chơi cờ, người nào để cho đối thủ ăn hết quân trước là người là người được
- Chưa. - Tôi trả lời.
- Ở con sông làng cháu cũng có những đảo như thế đấy. - Chú bé nói, mắt chú sáng lên và mặt đỏ bừng vì xúc động. - Ở trên một hòn đảo làng cháu có một con rái cá. Ờ, thế rồi sóng vứt người du lịch lên một hoang đảo. Ở đấy chỉ có những cây cọ xào xạc và những con vẹt bay lượn, kêu quàng quạc, và nếu có nước ngọt thì thật là may mắn. Thế là người du lịch nọ lấy ở trong thuyền ra một cái chai viết một mảnh giấy nói vì sao mà ông ta lại bị quẳng lên hòn đảo này rồi đóng nút lại và ném xuống biển. Dòng nước biển cuốn cái chai đi, sau đó, tất nhiên nhiều thủy thủ ở một chiếc tàu nào đó nhặt được và đánh điện đi nói rằng người du lịch kia cần được cấp cứu. Và người ta cứu ông ấy. Sau đó, những tay thủy thủ bị đem ra xử trước tòa án hải quân.
-Vì nổi loạn?
- Vì nổi loạn và vì vô nhân đạo.
- Aliôska (3) - Một giọng đàn bà giận dữ ré lên ở xa. - Mày đâm đầu vào đâu rồi? Con Praxka lại chui vào vườn rau cải rồi kia!
(3) Tên gọi thân mật của Alêchxây
- Con đây! - Chú chăn bò kêu lên. -Con đuổi nó đi ngay bây giờ. Chú đứng lên, khép áo bông lại.
- Con quái ác! Coi cả đàn bò cũng chẳng nhọc bằng chăn một mình con Praxka, bác ạ! Thôi, xin chào bác.
Chú bé chạy vào trong những bụi cây. Từ xa vẳng lại tiếng roi quất đen đét, tiếng kêu: "Đi đâu, đồ quỷ sứ!" và tiếng bò rống bực dọc.
Tôi tắt lửa, đi xuôi theo dòng sông. Cứ mỗi bước đi con sông trước mắt tôi lại càng có thêm vẻ bí ẩn và nên thơ. Lúc thì có những cánh rừng nhỏ toàn liễu hoàn điệp làm thành một bức tường xám trên bờ sông dựng đứng và những dây hốt bố vàng treo lơ lửng trên từng khóm liễu như có ai phơi rải rác đây đó những chiếc chiếu gai mới. Lúc thì một cây liễu thủng lỗ chỗ nằm vắt ngang sông như một cái cầu, và bên cầu, những con cá tung mình lên trên mặt nước. Lúc thì dòng sông oai vệ uốn khúc đi vào những cánh rừng vàng óng và xanh biếc mùa thu.
Ở hai bên bờ sông, nước khi thì chảy thành dòng trên những bãi cát sạch bóng, khi thì tụ lại thành những vực sâu lặng lẽ. Đứng ở bờ vực, ta có thể nhìn thấy loáng thoáng bóng những cây sồi mun lăn lóc dưới đây. Ở một đoạn, trước mặt ta hiện lên con đường dốc, đỏ rực những cây phong, còn sau đám lá phong là một nhà thờ nhỏ cũ kỹ, mái tròn đã han rỉ.
Lúc hoàng hôn xuống, tôi ra khỏi rừng, tới đường làng. Con đường nằm dọc bờ sông. Những chiếc bè cỏ mọc đầy lại hiện lên trên dòng sông. Từ xa trông chúng giống như những hòn đảo. Mặt trời đang lặn và trên một chiếc bè có vật gì lấp lánh một cách khó chịu. Tôi chú ý nhìn kỹ nhưng không sao phân biệt được đó là vật gì đang lấp lánh: một cái hộp sắt tây hay là một mảnh kính.
Tôi cẩn thận bước lên một thanh gỗ vứt lay lắt ở đấy, chuyền sang bè, cúi xuống và trông thấy một chai bia thông thường. Một sợi bìm bìm quấn mấy vòng quanh cổ chai. Tôi nhặt cái chai lên và đưa ra chỗ sáng xem. Nó đã được gắn sáp ong và có vật gì trăng trắng bên trong. Đó là một bức thư gấp thành hình tam giác(4).
(4) Trong thời chiến, bộ đội Liên Xô gửi thư không phong bì, gấp thành hình tam giác và không phải trả tiền tem
Tôi đập gãy cổ chai và moi bức thư ra nhưng không thể nào xem được: chữ viết bằng bút chì rất nhạt và bóng tối sâm sẫm dày đặc quá nhanh chóng làm tôi không sao phân biệt nổi những dòng chữ không thẳng hàng.
Tôi phải đi vội tới ga trước khi trời tối hẳn. Mùi lá lạnh lẽo bay ra từ các bụi rậm. Ánh sáng mờ mờ còn rớt lại trong những cánh rừng thưa. Trên trời cao, một đám mây đỏ rực như lửa đang tắt dần.
Tàu đi Maxcơva tới vào giữa đêm. Sau những cánh rừng hoang vắng, không khí lạnh lẽo và cảnh cô đơn, những toa tàu ồn ào đầy khói thuốc đối với tôi thật ấm cúng. Tôi nằm lên tầng trên, bên cạnh đèn, lấy bức thư ra đọc. Bức thư đã cũ. Căn cứ vào ngày tháng mà không hiểu vì sao người gửi đã viết chữ thật to thì bức thư nọ đã nằm trong chai chừng hai năm.
"Cha ạ! Đây là thư của con trai Alêchxây KuĐưskin gửi cho cha.
Trong khi cha đang đánh nhau ngoài mặt trận, ở nhà ta vẫn bình thường và đang đợi cha về. Mẹ đi chăn bò, còn con thì giúp mẹ. Nhưng con lại muốn làm người chăn ngựa. Bởi vì chăn bò thì cứ phải loay hoay với nó, không được nhìn thấy gì hết. Đi ngựa thì còn có thể có công việc đi nơi này nơi khác, còn chăn mấy con bò sữa thì chỉ biết độc một con đường, quanh đi quẩn lại hết cánh đồng cỏ Gôrêlưi lại cánh rừng Litin. Ở đó chẳng có gì mà xem cho đã mắt. Mà con thì lại muốn xem, muốn biết tất cả mọi thứ. Nếu mẹ mà cho đi thì con xuống ngay bè, bỏ làng ra tận Xtalingrát với cha, nhưng mẹ lại không cho. Người ta bảo không có giấy thông hành thì không được ra mặt trận. Ở đó cha có thể nhận con vào, đi với cha để mang đạn hay làm một công việc gì khác trong đơn vị. Con có thể làm được những việc ấy lắm. Và cha sẽ kể cho con đủ mọi chuyện nếu trong trận đánh có những phút nghỉ. Con gửi thư này trong chai như người khách du lịch đã làm vì gửi bằng bưu điện thì chả còn gì là thú vị. Sông làng ta chảy ra Vônga, còn cái chai sẽ theo dòng sông Vônga mà đến tay cha. Một anh chiến sĩ nào đó sẽ nhặt nó lên, đọc địa chỉ và chuyển đến cho cha nếu cái chai không bị thủy lôi làm chìm hoặc va vào guồng tàu thủy. Bọn trẻ nói rằng Xtalingrát dài đến bốn mươi tám cây số và cứ mỗi bước lại có một trận đánh. À, mà con gửi thư trong chai để mẹ không đọc được. Mẹ thường hay khóc, nhớ cha và rất khó chịu khi con hoặc bà trông thấy nước mắt của mẹ. Nói để cha biết. Ở nhà đợi cha trở về bình yên vô sự và ngày nào cũng nhớ đến cha. Bởi vậy con luôn luôn yêu mến cha. Xin dừng ở đây. Alêchxây.
Anh Pếtca, con ông xay bột đã làm phi công. Người ta bảo anh ấy có bay qua làng ta, nghiêng cánh mấy lần, nhưng con không trông thấy. Ở cái vực bên gốc sồi cụt, cá chép nhiều vô kể, thích lắm, người ta đánh suốt ngày đêm. Còn ở nhà ông thợ săn Pôtapôp, ban đêm có một con cáo ngốc nghếch mò vào lồng cắp đi mất con vịt rơm: nó nhầm. Ông
Pôtapôp chửi rủa nó suốt hai ngày. Cha trả lời cho con nhé!"
Ở Maxcơva tôi cứ loay hoay mãi, không biết nên giải quyết bức thư như thế nào? Địa chỉ của bố Alêchxây tất nhiên là không còn như cũ. Đành phải dùng một kế lừa dối để chú bé Alêchxây khỏi buồn rầu là gửi một bức thư về làng cho chú kèm theo tờ báo tin là thủy thủ tàu Kraxnôvôtxkơ đã thấy cái chai có bức thư trên biển Caxpixkôiê, nhặt lên tàu và gửi trả lại, bởi vì những trận đánh ở Xtalingrát đã kết thúc thắng lợi từ lâu và người nhận thư đã rời Xtalingrát để đi về phía tây, giành những chiến thắng mới.
1944
KIM ÂN dịch
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro