BỨC ĐIỆN
Hiếm có tháng mười mà trời lại lạnh và mưa nhiều đến thế. Những mái nhà lợp ván mỏng đen hẳn lại.
Trong vườn, cỏ rối vào nhau, nằm rạp xuống. Chỉ có một bông hướng dương nhỏ ở bên hàng rào là cứ nở mãi mà không sao nở hết để tàn đi cho được.
Những đám mây đen xốp còn cố bám lấy những cây liễu trụi lá, từ ngoài sông kéo vào lê lết trên những đồng cỏ. Từ những đám mây ấy mưa trút xuống một cách khó chịu.
Đường lầy đến nỗi không thể đi bộ, mà cũng chẳng có thể đi xe được và những người chăn súc vật cũng thôi không lùa đàn vào đồng cỏ.
Tiếng tù và mục đồng im bặt cho tới tận mùa xuân. Bà Katêrina Pêtrôpna càng thấy khó trở dậy vào buổi sáng để nhìn vào những vật ấy: Những căn phòng có mùi đắng của những chiếc lò sưởi không bao giờ đốt đến, tập báo "Tin châu Âu" bụi bặm đầy, những chiếc chén đã ngả màu vàng trên bàn, ấm xamôva từ lâu chưa lau rửa và những bức tranh trên tường. Có thể vì trong các phòng tối quá mà mắt bà thì đã kém, cũng có thể vì những bức tranh bị thời gian làm bạc màu, nhưng nhìn chúng bà không thể nào hiểu nổi đó là tranh gì. Bà Katêrina chỉ căn cứ vào trí nhớ mà biết đây là chân dung của cha mình, còn bức tranh nhỏ trong khung mạ vàng kia là quà của họa sĩ Kramxkôi; phác thảo bức "Người con gái không quen biết mặc áo choàng nhung" của ông.
Bà Katêrina sống nốt những ngày tàn trong ngôi nhà cũ kỹ do cha bà - một họa sĩ danh tiếng - dựng nên.
Khi đã có tuổi, họa sĩ từ Pêterburg về làng cũ, sống yên tĩnh và chăm lo vườn tược. Ông không còn vẽ được nữa, tay đã run và thị giác cũng yếu, mắt ông bị đau luôn.
Theo lời bà Katêrina thì ngôi nhà của bà là nhà "lưu niệm". Viện bảo tàng địa phương quản lý ngôi nhà này. Nhưng rồi nó sẽ ra sao khi bà người cuối cùng trong ngôi nhà này - chết đi, bà cũng không biết nữa.
Còn trong làng Zabôriê thì chẳng ai là người có thể nói chuyện với bà về những bức tranh, về cuộc sống ở Pêterburg, về mùa hè ở Pari khi cô Katêrina còn sống bên cha và được chứng kiến đám ma Victo Huygô.
Cũng chẳng có thể kể chuyện đó cho Manhuska, con gái bác hàng xóm thợ giày của nông trường. Manhuska hàng ngày chạy sang lấy nước giếng, quét sàn và đặt ấm trà cho bà.
Bà Katêrina thưởng cho Manhuska một đôi tất tay đã nhăn nhúm, những chiếc lông đà điểu, một cái mũ đen gắn hạt cườm.
Manhuska khịt mũi và hỏi bà lão bằng giọng khàn khàn:
- Bà cho cháu làm gì? Cháu có phải là đứa nhặt giẻ rách đâu.
- Cháu đem bán đi. - Bà Katêrina thều thào. Đã một năm nay bà yếu hẳn đi và không còn nói to được nữa. - Cháu đem bán đi.
- Cháu sẽ bỏ vào kho đồ cũ.
Manhuska kết luận và nhặt lấy, bỏ đi.
Thỉnh thoảng ông lão coi kho cứu hỏa - lão Tikhôn gầy gò, tóc hung - lại rẽ vào chơi. Lão vẫn còn nhớ việc cụ thân sinh ra bà Katêrina từ Pêterburg về làng, xây nhà, dựng nên cơ ngơi này.
Lúc đó lão Tikhôn còn là một đứa trẻ, nhưng lòng tôn kính họa sĩ già lão giữ đến trọn đời. Nhìn những bức tranh của họa sĩ, lão thở dài thườn thượt:
- Những bức tranh mới tự nhiên làm sao!
Lão Tikhôn thường săn sóc bà một cách vô tư không tính toán, vì lòng thương đối với bà, kể ra lão cũng vẫn giúp được việc vặt trong nhà: lão chặt những cây khô trong vườn, cưa ra và chẻ thành củi. Và lần nào cũng vậy, khi ra về, lão cũng dừng lại ở cửa và hỏi:
- Thế nào, bà Katêrina, Naxtia có viết gì về không?
Bà Katêrina nhỏ bé, lưng gù, lặng lẽ ngồi trên chiếc đi-văng và cứ lần giở mãi giấy má gì không biết trong chiếc ví da nhỏ màu đỏ hung. Lão Tikhôn hỉ mũi một lúc lâu, quanh quẩn bên ngưỡng cửa.
- Ờ, thôi! - Lão nói, không đợi câu trả lời. -Tôi đi đây, bà Katêrina ạ!
Bà Katêrina thều thào:
- Ờ, đi đi Tisa(1)! Đi đi, Trời phù hộ cho lão.
(1) Tên gọi thân mật của Tikhôn
Ông lão bước ra, nhẹ nhàng khép cửa và bà Katêrina bắt đầu sụt sịt. Gió rít ngoài cửa sổ, trên những cành trơ trụi, vặt đi những chiếc lá cuối cùng. Ngọn đèn đêm run rẩy trên bàn. Nó như một sinh vật độc nhất trong ngôi nhà bỏ hoang này. Không có ánh lửa yếu ớt ấy bà Katêrina không biết làm thế nào mà sống được đến sáng.
Đêm dài và nặng nề như những cơn mất ngủ. Những buổi bình minh ngày càng chậm chạp thêm, ngày càng đến muộn hơn và bất đắc dĩ lắm chúng mới le lói qua những cửa kính lâu ngày không cọ rửa. Ở giữa những khung cửa(2) từ năm ngoái vẫn còn lại trên lần bông những chiếc lá trước kia là lá thu vàng nhưng bây giờ thì đã bắt đầu mục và đen hẳn lại.
(2) Ở xứ lạnh cửa kính thường làm hai cánh trong và ngoài. Và đến mùa đông người ta lấy bông bịt kín cách khe hở cho gió khỏi lọt vào
Naxtia, con gái bà lão và là người ruột thịt duy nhất của bà thì ở xa, mãi tận Lêningrát. Ba năm trước, nàng trở về nhà lần cuối.
Bà Katêrina biết Naxtia giờ đây chẳng còn bụng dạ nào mà nghĩ đến bà. Bọn trẻ có công chuyện của họ, có những thú vui khó hiểu của họ, hạnh phúc của họ. Tốt hơn hết là đừng ngăn trở họ. Vì thế, chỉ họa hoằn bà mới viết thư cho Naxtia, nhưng ngày nào bà cũng ngồi trên mép chiếc đi-văng đã võng xuống mà nghĩ đến nàng. Bà ngồi yên, lặng lẽ đến nỗi con chuột nhắt cũng bị mắc lừa vì cái yên lặng ấy. Nó bò ra khỏi lò sưởi, cất hai chân trước lên, đưa mũi quay đi quay lại hít hít cái không khí tù hãm của căn phòng.
Naxtia cũng không viết thư về, nhưng cứ hai ba tháng một lần, anh đưa thư trẻ tuổi và vui tính Vaxili lại mang đến cho bà hai trăm rúp gửi bằng thư chuyển tiền. Anh thận trọng giữ tay bà khi bà ký nhận kẻo bà lại ký không đúng chỗ.
Vaxili ra về còn bà Katêrina thì ngồi bần thần cầm số tiền trong tay. Rồi bà đeo kính vào và đọc đi đọc lại mấy chữ viết trên giấy. Lần nào cũng vẫn những chữ ấy: nhiều việc quá, đến nỗi không có thì giờ để viết một bức thư cho ra thư chứ đừng nói chi đến việc về nhà.
Bà Katêrina thận trọng lần giở từng tờ giấy bạc mềm và xốp. Tuổi tác làm cho bà lão quên khuấy rằng tiền ấy đâu có phải tiền Naxtia đã giữ trong tay, nên bà lão cứ cảm thấy như những tờ giấy bạc ấy thoang thoảng mùi nước hoa của nàng.
Một đêm, vào cuối tháng Mười, có ai đó gõ rất lâu vào cái cửa chốt chặt đã mấy năm ở cuối vườn.
Bà Katêrina bối rối, mãi mới quấn được chiếc khăn len lên đầu, khoác chiếc áo choàng rộng và lần đầu tiên trong năm ấy, bà bước ra khỏi nhà. Bà đi chậm, rờ rẫm. Không khí lạnh làm bà nhức đầu. Những ngôi sao bị quên lãng chòng chọc nhìn xuống đất. Những chiếc lá rơi cản bước đi.
Đứng bên cửa, bà Katêrina hỏi khẽ:
- Ai gọi cửa đấy?
Nhưng bên ngoài hàng rào không có tiếng trả lời.
- Chắc là ta lầm tưởng thế thôi.
Bà Katêrina nói và lần bước trở lại. Bà nghẹn thở, dừng lại bên một gốc cây già, đưa tay nắm lấy một cành ướt lạnh và nhận ra đó là cây phong. Bà trồng nó đã lâu lắm, từ khi bà còn là một cô gái hay cười, bây giờ nó đã trụi lá, đã chết cóng, nó không biết trốn đâu cho khỏi cái đêm gió rét không nhà này.
Bà lão thương cây phong, đưa tay sờ soạng cái thân xác xơ của nó rồi lần vào nhà và ngay đêm ấy, bà viết cho Naxtia một lá thư.
Bà viết:
"Con gái yêu dấu của mẹ. Mẹ không sống qua được mùa đông này đâu. Con hãy trở về lấy một ngày thôi cũng được. Cho mẹ được nhìn con, được cầm lấy tay con. Mẹ già rồi và yếu đến nỗi chẳng nói chi đi, đến ngồi và nằm thôi cũng thấy nhọc nhằn. Chắc thần chết quên mất lối nên mới chưa đến đây đấy thôi. Vườn nhà ta khô héo, chẳng còn như trước, mẹ cũng chẳng ngó ngàng gì đến nó nữa. Năm nay mùa thu xấu. Cực quá, cả một đời người tưởng cũng chẳng dài bằng một mùa thu này".
Manhuska khịt mũi mang bức thư đến trạm bưu điện, ngập ngừng mãi mới nhét vào thùng thư và ngó nghiêng nhìn vào trong xem có gì không? Nhưng ở trong đó nó không nhìn thấy gì hết, chỉ có một khoảng rộng bằng sắt tây.
*
Naxtia làm thư ký trong Hội nghệ sĩ Mỹ thuật. Công việc rất nhiều. Tổ chức các cuộc triển lãm, các cuộc thi sáng tác, nhất nhất đều qua tay Naxtia.
Naxtia nhận được thư của mẹ trong giờ làm việc. Nàng bỏ thư vào ví, định bụng để đấy việc xong sẽ đọc. Những bức thư của bà Katêrina làm nàng thở ra nhẹ nhõm! Bà cụ viết thư, thế nghĩa là bà cụ còn sống. Nhưng đồng thời nàng cũng băn khoăn, như thể mỗi lá thư là một lời trách móc âm thầm.
Sau giờ làm việc, Naxtia phải đi tới xưởng điêu khắc của nghệ sĩ trẻ Timôfêép xem anh ta sống ra sao để còn báo cáo lên ban lãnh đạo hội. Timôfêep thường kêu ca trong xưởng lạnh, và nói chung, hay phàn nàn rằng người ta làm anh lu mờ và chèn ép không cho anh nổi lên được.
Lên đến đầu cầu thang gác, Naxtia lấy ra chiếc gương nhỏ, nàng đánh phấn và mỉm cười. Lúc này nàng hài lòng về sắc đẹp của chính mình. Các họa sĩ gọi nàng là Xonvai vì nàng có mái tóc màu hạt dẻ sáng với đôi mắt mở to và lạnh lùng.
Timôfêép , con người nhỏ nhắn, quyết liệt và dữ tợn thân ra mở cửa
cho Naxtia. Anh ta mặc áo ba-đờ-xuy, có quấn chiếc khăn lớn và Naxtia thấy chân anh cũng đi ủng dạ đàn bà.
Timôfêép lầu nhầu:
- Chị đừng cởi áo. Cứ để nguyên áo choàng kẻo chết cóng đấy. Mời chị.
Anh dẫn Naxtia đi theo một hành lang tối, bước lên mấy bậc và mở cánh cửa hẹp dẫn vào xưởng.
Từ trong xưởng bay ra mùi khói khét. Trên sân, bên cạnh chiếc thùng đựng đất sét ẩm, một ngọn đèn dầu hỏa đang cháy. Những bức tượng phủ giẻ ướt đặt trên giá. Bên ngoài khung cửa kính rộng, tuyết bay cheo chéo, phủ một màn sương lên dòng Nêva và tan trong nước tối. Gió rú rít trong khung cửa và lay động những tờ báo cũ trên sàn.
- Trời ơi, lạnh quá! - Naxtia nói và nàng cảm thấy trong xưởng còn lạnh hơn vì những phù điêu trắng bằng cẩm thạch treo bề bộn trên tường.
- Đấy, chị thử ngắm mà xem! -Timôfêép vừa nói vừa đẩy chiếc ghế bành lấm bê bết đất sét về phía Naxtia - Không hiểu vì lẽ gì mà tôi chưa tắt thở trong cái hang gấu này (3). Còn ở xưởng của Pécsin thì có lò sưởi, gió ở đấy bay ra cứ nóng như từ sa mạc Xahara.
(3) Hang gấu đào sâu trong tuyết ở Bắc cực
- Anh không ưa Pécsin ư?
Naxtia thận trọng hỏi.
Timôfêép giận dữ nói:
- Hắn là một thằng chơi trội. Một anh thợ thủ công. Thân tượng của hắn không có vai mà chỉ là cái mắc áo ba-đờ-xuy. Còn cô nông trường viên của hắn là một mụ đàn bà bằng đá đeo tạp dề. Anh công nhân của hắn giống như một người nêăngđéctan(4). Hắn nặn tượng bằng một cái xẻng gỗ. Nhưng mà hắn khôn ngoan bà chị của tôi ạ, hắn khôn ngoan như một Hồng y giáo chủ.
(4) Người thượng cổ dưới hình thù hầu nhân
- Cho tôi xem ông Gôgôn của anh nào?
Naxtia yêu cầu nhà điêu khắc. Nàng muốn chuyển câu chuyện sang hướng khác.
- Chị sang đây! - Nhà điêu khắc cau có nói.
- Ấy không, không phải ở phía ấy! Đây, góc này cơ! Thế!
Nhà điêu khắc gỡ những mảnh giẻ ướt ra khỏi một bức tượng và chăm chú nhìn xoi mói đủ mọi phía rồi ngồi xổm xuống bên cây đèn dầu hỏa, đưa tay ra sưởi và nói:
- Gôgôn đấy! Giờ thì mời chị.
Naxtia rùng mình. Một con người lưng còng, mũi nhọn đang nhìn nàng một cách nhạo báng như người đó nhìn suốt được tâm can nàng. Naxtia trông thấy mạch máu nhỏ bé bị cứng lại trên thái dương ông chạy rần rật.
"Còn bức thư chưa bóc trong ví? - Hình như đôi mắt nhìn thăm thẳm của Gôgôn nói với nàng - Chao ôi, con ác là!".
Timôfêép hỏi:
Tuyệt! - Naxtia phải khó nhọc mới trả lời được - Thực là tuyệt!
Timôfêép cười cay đắng:
- Tuyệt! - Anh ta nhắc lại - Mọi người đều nói: tuyệt! Cả Pécsin, cả Matiasơ, cả một lô một lốc nhà uyên bác ở các thứ hội đồng. Cái đó có ích gì? Ở đây thì tuyệt, nhưng ở kia, nơi quyết định số phận của tôi, số phận một nhà điêu khắc, thì anh chàng Pécsin kia chỉ cần "hừm" một tiếng không rõ ràng là xong tất. Mà Pécsin đã "hừm" thì có nghĩa là hết! Đêm tôi không tài nào chợp mắt - Timôfêép kêu lên và chạy quanh xưởng, dậm đôi ủng đàn bà thình thình -Đất sét ẩm làm tay tôi tê thấp! Ba năm tôi đọc từng lời, từng chữ về Gôgôn. Tôi chỉ mơ thấy toàn những cái mõm lợn.
Timôfêép nhấc đống sách đặt trên ghế lên, lắc lắc chúng trên không rồi ném xuống thật mạnh. Bụi thạch cao trên bàn bay mù lên.
- Đấy, tất cả những gì nói về Gôgôn đấy! -Anh nói và bỗng bình tĩnh lại. -Thế nào? Hình như tôi đã làm bà chị sợ! Xin lỗi bà chị, nhưng nói có trời, tôi sẵn sàng choảng nhau ngay bây giờ.
- Thì đã sao, chúng ta sẽ hợp sức lại mà choảng. Naxtia nói và đứng dậy.
Timôfêép bắt tay nàng thật chặt và Naxtia ra về với ý nghĩ cương quyết là dù sao mặc lòng nàng cũng phải đưa con người tài năng kia ra ngoài ánh sáng.
Naxtia về Hội, gặp ông chủ tịch và nói chuyện với ông rất lâu. Nàng nổi nóng, chứng minh rằng cần phải tổ chức cuộc triển lãm tác phẩm Timôfêép ngay lập tức. Ông chủ tịch Hội gõ gõ cây bút chì trên mặt bàn, lưỡng lự hồi lâu rồi cuối cùng ông đồng ý với Naxtia.
Naxtia trở về nhà, về căn phòng cổ kính, trần đắp hình nổi mạ vàng, ở phố Môika, ở đó nàng mới đọc bức thư của mẹ.
- Đi đâu được bây giờ kia chứ! - Nàng nói và đứng dậy - Giờ thì dứt ra làm sao được?
Nàng nghĩ đến những chuyến tàu chật ních, đến việc phải chuyển từ xe hỏa sang tàu thoi, đến chiếc xe ngựa xóc nảy người, khu vườn khô héo, những giọt nước mắt không thể nào tránh được của mẹ, về cái buồn dai dẳng không có gì tô điểm được của những ngày sống ở làng quê. Rồi nàng bỏ bức thư vào ngăn kéo bàn viết.
Naxtia mất hai tuần lễ vào việc tổ chức triển lãm cho Timôfêép.
Trong hai tuần đó nàng đã cãi lộn rồi lại làm lành mấy lần với nhà điêu khắc trái tính trái nết nọ. Timôfêép gửi tác phẩm đến triển lãm như cách đem chúng đi phá hủy.
- Bà chị thân mến của tôi ơi, việc làm của chị chẳng đem lại cái cóc
khô gì đâu! - Anh ta nói với Naxtia bằng một giọng độc ác hả hê, như thể nàng tổ chức triển lãm cho nàng chứ không phải cho anh ta. - Nói thực đấy, tôi chỉ có mất thì giờ vô ích mà thôi!
Lúc đầu Naxtia tuyệt vọng và giận nhà điêu khắc mãi cho tới khi nàng hiểu ra rằng cái khó tính khó nết của anh chẳng đáng một trinh, rằng nó giả dối và trong thâm tâm, Timôfêép rất sung sướng vì cuộc triển lãm sắp tới của mình.
Triển lãm khai mạc vào buổi tối, Timôfêép nổi giận, nói rằng không thể để người ta xem tượng dưới ánh sáng điện.
- Ánh sáng chết! - Anh ta càu nhàu - Ngán chết người! Thà dùng dầu hỏa còn hơn.
Naxtia phát cáu:
- Vậy thì anh còn cần cái ánh sáng nào nữa, hở con người bất ưng kia?
Timôfêép đau khổ kêu lên :
- Cần nến! Nến! Để Gôgôn dưới ánh điện làm sao được! Phi lý!
*
Các nhà điêu khắc, các họa sĩ đều có mặt trong buổi khai mạc. Nếu chỉ nghe những câu chuyện của các nhà điêu khắc nói với nhau thì người ngoài cuộc không phải lúc nào cũng có thể hiểu được là họ khen hay họ chửi tác phẩm của Timôfêép. Nhưng Timôfêép hiểu rằng cuộc triển lãm đã thành công.
Một họa sĩ đầu bạc, tính khí nóng nảy, đến bên Naxtia và vỗ vào tay nàng:
- Xin cảm ơn chị. Nghe nói chính chị đã đưa Timôfêép ra ánh sáng. Chị làm vậy hay lắm. Ở nước ta, chị biết đấy, có rất nhiều người ưa ba hoa khoác lác về sự quan tâm tới các nghệ sĩ, về sự chăm sóc và thông cảm đối với họ, nhưng khi việc đến tay thì những người ấy lại chẳng động cựa gì hết. Xin cảm ơn chị một lần nữa.
Cuộc thảo luận bắt đầu. Người ta nói nhiều, người ta khen ngợi, nổi nóng và ý nghĩ mà họa sĩ già nói về sự quan tâm đến con người, đến nhà điêu khắc trẻ bị quên lãng một cách bất công, được nhắc đi nhắc lại trong mỗi lời phát biểu.
Timôfêép ngồi ra dáng cau có, nhìn mãi xuống sàn nhà nhưng vẫn cứ liếc những người phát biểu, không biết là đã có thể tin họ được chưa hay tin như thế còn sớm quá.
Cô Đasa, văn thư của Hội - một cô gái tốt bụng và ngốc nghếch hiện ra ở cửa và ra hiệu cho Naxtia. Naxtia ra chỗ Đasa, cô ta cười tủm tỉm một cách ranh mãnh và đưa cho nàng một bức điện.
Naxtia về chỗ, kín đáo bóc ra xem. Nàng đọc xong mà chẳng hiểu gì hết.
"Katia(5) hấp hối. Tikhôn".
(5) Tên gọi thâm mật của Katêrina
"Katia nào? - Naxtia bối rối nghĩ - Tikhôn nào? Chắc không phải điện gửi cho mình".
Nàng nhìn địa chỉ, nhưng không, đó là điện gửi cho nàng. Lúc ấy nàng mới nhìn thấy những chữ in nhỏ trên băng giấy "Zabôriê".
Naxtia vò nát bức điện và cau mày.
Pécsin đang phát biểu.
- Trong thời đại chúng ta, - ông ta nói, tay đỡ cặp kính, người lắc lư, -sự chăm sóc con người đã trở thành một thực tế tốt đẹp, nó giúp chúng ta làm việc và trưởng thành. Tôi lấy làm hạnh phúc mà nhận thấy rằng trong hàng ngũ của chúng ta, trong hàng ngũ những nhà điêu khắc và họa sĩ, đã xuất hiện sự chăm sóc ấy. Tôi muốn nói cuộc triển lãm tác phẩm của đồng chí Timôfêép. Có được cuộc triển lãm này chúng ta phải hoàn toàn hàm ơn - nói như vậy không phải có ý xấu với ban lãnh đạo Hội đâu - một nữ đồng chí trong những người công tác bình thường của Hội ta, đồng chí Naxtia thân yêu của chúng ta.
Pécsin nghiêng mình hướng về phía Naxtia và mọi người đều vỗ tay. Vỗ tay hồi lâu, Naxtia lúng túng, cảm động đến rơi nước mắt.
Có người ở đàng sau khẽ chạm vào tay Naxtia. Đó là ông họa sĩ già nóng tính.
- Gì vậy? - Ông già thì thào hỏi và đưa mắt chỉ bức điện nhầu nát trong tay Naxtia. - Không có chuyện chẳng lành đấy chứ?
- Không! - Naxtia trả lời - Của một người bạn gái.
- Thế à!
Ông già lẩm bẩm và lại bắt đầu nghe Pécsin.
Mọi người đều nhìn Pécsin nhưng Naxtia lúc nào cũng cảm thấy có một đôi mắt nặng nề nhìn mình thấu suốt tâm can và nàng không dám ngẩng đầu lên. "Ai vậy? - Nàng nghĩ - Chẳng lẽ có người đã đoán ra sao? Ngốc chưa! Óc mình lại loạn rồi".
Nàng gắng sức ngước mắt lên nhưng lại phải quay đi ngay. Gôgôn nhìn nàng, mỉm cười. Hình như trên thái dương ông mạch máu cứng khô đang đập một cách nặng nhọc. Naxtia cảm thấy như Gôgôn nói khẽ qua hàm răng nghiến chặt: "Ồ, mày!".
Naxtia đứng ngay dậy, bỏ ra ngoài. Ở tầng dưới, nàng mặc áo vội vã và chạy ra ngoài phố.
Tuyết ướt rơi. Trên nhà thờ Ixaakiep đã thấy có băng bụi xám. Bầu trời ảm đạm cứ hạ thấp mãi xuống thành phố, xuống Naxtia, xuống dòng Nêva.
"Con gái yêu dấu của mẹ! - Naxtia nhớ lại bức thư mới nhận được Con gái yêu dấu!".
Naxtia ngồi xuống chiếc ghế dài ở công viên gần trụ sở bộ Đường thủy và cay đắng khóc. Tuyết tan trên mặt nàng hòa lẫn với nước mắt.
Naxtia rùng mình vì lạnh và bất thần nàng chợt hiểu rằng không có ai yêu nàng như cái bà lão bé nhỏ, già yếu và bị hết thảy mọi người quên lãng kia, trong cái làng Zabôriê đáng ngán ấy.
- Muộn mất rồi! Ta sẽ chẳng còn được nhìn thấy mẹ ta nữa.
Nàng tự nhủ và sực nhớ rằng trong suốt một năm qua lần này là lần đầu tiên nàng nói lên tiếng gọi thân yêu thời thơ ấu: "mẹ".
Nàng bật dậy, bước nhanh . Tuyết rơi ngược, quất vào mặt nàng.
- Sao, mẹ ơi! Sao? - Nàng nghĩ và không còn trông thấy gì hết - Mẹ ơi, sao lại có thể xảy ra chuyện như thế được! Trong đời con, con có còn ai nữa đâu. Không có và sẽ không có ai thân yêu hơn mẹ! Cần phải đi cho kịp, chỉ cần mẹ được trông thấy con, tha tội cho con".
Naxtia ra đại lộ Nepxki và đi đến nhà ga thành phố.
Nàng đến chậm, vé không còn.
Naxtia đứng bên cửa bán vé, môi run run, nàng không nói được và biết trước rằng nếu nói thì chỉ được tiếng đầu tiên là nàng đã khóc òa.
Bà bán vé đứng tuổi, đeo kính trắng, ngó ra ngoài ghi-sê:
- Chị làm sao vậy?
Bà ta nói với giọng khó chịu.
- Không sao! - Naxtia trả lời - Mẹ tôi...
Naxtia quay ngoắt lại và bước nhanh ra cửa.
Bà bán vé gọi:
- Chị đi đâu? Đáng lẽ phải nói ngay cho tôi biết. Đợi đây một chút.
Tối hôm đó Naxtia rời Lêningrát. Suốt dọc đường nàng thấy chuyến tàu "Mũi tên đỏ" (6) chạy chậm rì rì trong khi chính con tàu đang lao băng băng qua rừng đêm, phủ hơi nước lên trên rừng và kêu những tiếng dài báo hiệu.
(6) Tàu tốc hành
*
Lão Tikhôn tới trạm bưu điện, thì thào với anh đưa thư Vaxili, lấy một mảnh giấy viết điện, huơ huơ mấy lần rồi lấy tay áo chùi bộ ria mép và viết mấy chữ ngòng ngoèo lên mảnh giấy. Sau đó lão cẩn thận gấp bức điện lại, nhét vào chiếc mũ lông và lần bước đến nhà bà Katêrina.
Đã mười ngày nay bà Katêrina không dậy. Bà không bị đau gì những cái yếu đuối thường làm bà ngất đi cứ đè nặng lên ngực, lên đầu, lên chân và bà thở rất nặng nhọc.
Sáu ngày đêm Manhuska không rời bà Katêrina. Ban đêm nó cứ mặc nguyên quần áo mà ngủ ngay trên chiếc đi-văng đã lún. Thỉnh thoảng Manhuska cảm thấy như bà Katêrina ngừng thở. Thế là nó sợ, khóc ti tỉ và gọi:
- Bà? Bà ơi? Bà còn sống đấy chứ?
Bà Katêrina động đậy bàn tay dưới lần chăn và Manhuska lại thấy yên tâm.
Ngay từ sáng, bóng tối tháng Mười đã đứng lặng trong mọi góc phòng, nhưng được cái trời ấm. Manhuska nhóm lò lửa. Khi ngọn lửa vui tươi đã soi sáng những bức tường gỗ ghép, bà Katêrina lại khe khẽ thở, bởi vì nhờ ánh lửa, căn phòng trở nên ấm áp hơn, nhiều sinh khí hơn, giống như trước kia, đã lâu lắm rồi, khi Naxtia còn ở nhà. Bà Katêrina nhắm mắt lại và một giọt lệ nhỏ bé, chỉ một giọt thôi, từ trong mắt bà trào ra, lăn trên thái dương vàng xạm và lẫn vào trong những sợi tóc bạc.
Tikhôn đến. Lão ho, hỉ mũi và rõ là lão đang bị xúc động.
- Thế nào, Tisa?
Bà Katêrina hỏi bằng một giọng yếu đuối.
- Trời trở lạnh rồi, bà Katêrina ạ! - Lão Tikhôn nhanh nhảu nói và bối rối nhìn xuống chiếc mũ - Tuyết sắp xuống! Trời sẽ tốt hơn. Đường sẽ có băng và thế là cô ấy đi cũng dễ dàng hơn.
- Ai cơ?
Bà Katêrina mở mắt ra và bàn tay khô héo của bà lẩy bẩy vuốt vuốt tấm chăn.
- Còn ai nữa, ngoài Naxtia - Lão Tikhôn cười một cách gượng gạo và lấy bức điện trong mũ -Còn ai vào đây nữa, nếu không phải là cô ấy.
Bà Katêrina định ngồi dậy nhưng không được, bà lại ngã xuống gối.
- Đây này!
Lão Tikhôn nói, thận trọng giơ bức điện và đưa cho bà Katêrina.
Nhưng bà Katêrina không cầm lấy bức điện mà vẫn cứ trân trân nhìn lão Tikhôn bằng một cái nhìn cầu khẩn.
- Ông đọc đi. - Manhuska nói, giọng rè rè -Bà không đọc được nữa đâu. Mắt bà yếu rồi.
Lão Tikhôn lo sợ nhìn quanh, sửa lại cổ áo, vuốt mấy sợi tóc hung lơ thơ, và bằng một giọng ồm ồm, thiếu tự tin lão đọc: "Mẹ hãy đợi. Con đã đi. Naxtia, con gái yêu mẹ mãi mãi".
- Thôi, Tisa! - Bà Katêrina nói khẽ -Thôi, lão. Trời phù hộ cho lão! Cảm ơn lão đã kiếm lời an ủi ta, đã săn sóc ta.
Bà khó nhọc quay mình lại phía tường và hình như đã ngủ thiếp.
Lão Tikhôn ngồi hút thuốc ở căn phòng ngoài lạnh lẽo, trên chiếc ghế dài, nhổ bọt luôn miệng, đầu cúi xuống và cứ thở dài mãi cho tới khi Manhuska bước ra và làm hiệu cho lão vào phòng.
Lão Tikhôn đi rón rén, lấy cả năm ngón tay chùi mặt. Bà Katêrina nằm yên, người nhợt nhạt, nhỏ bé, như thể bà ngủ thiếp đi một cách bình thản.
- Thế là bà lão đã không đợi được con. - Lão Tikhôn lẩm bẩm - Chao ôi, nỗi khổ của bà thực là cay đắng, thực không tài nào tả xiết! Còn mày, con ngu ngốc kia. - Lão giận dữ nói với Manhuska - Chớ như giống cú vọ, người ta tốt với mình thì mình cũng phải tốt trả lại. Ngồi đây, tao còn phải chạy đến báo cáo Ủy ban xã.
Ông lão đi, còn con Manhuska thì ngồi co cả hai đầu gối lên chiếc ghế đẩu, run rẩy và chằm chằm nhìn bà Katêrina.
*
Ngày hôm sau người ta tổ chức đưa đám bà lão. Trời trở lạnh. Tuyết nhẹ rơi. Ngày trắng ra và bầu trời khô khan, sáng nhưng xám, như có ai căng ở trên đầu một mảnh vải gai giặt sạch, cứng đơ vì băng giá. Bên kia sông, những phương trời xa mang một màu xám phơn phớt xanh. Từ những chân trời xa ấy phảng phất hương tuyết hăng và vui tươi, hương vỏ liễu bị băng đầu mùa che phủ.
Các lão bà và bọn trẻ con tập họp lại đi đưa đám. Lão Tikhôn, anh Vaxili và anh em ông già Maliavin mặc quần áo vải gai y như thể người họ mọc đầy những sơ gai sạch sẽ, khiêng quan tài ra nghĩa trang.
Manhuska và thằng em trai Vôlốtka khiêng nắp quan tàimắt đăm đăm nhìn về phía trước.
Nghĩa trang ở sau làng, trên bờ sông. Trên nghĩa trang có những cây liễu cao, vàng vì rêu mốc.
Trên đường đi, họ gặp cô giáo. Cô giáo mới ở tỉnh lỵ về và ở thôn Zabôriê nàng chưa quen ai.
- Cô giáo kìa! Cô giáo!
Lũ trẻ thì thào. Cô giáo còn trẻ, dáng e thẹn, có đôi mắt xám, trông như một cô bé. Trông thấy đám tang, nàng rụt rè dừng lại, sợ sệt nhìn bà lão nhỏ nhắn nằm trong quan tài. Những bông tuyết nhỏ rơi xuống và không tan đi trên mặt bà lão. Cô giáo còn mẹ ở trên tỉnh. Bà cũng nhỏ nhắn như thế, bà suốt đời chỉ lo lắng cho con và tóc cũng bạc như thế.
Cô giáo dừng lại một lát và chậm chạp theo sau quan tài. Các bà lão nhìn nàng và thì thầm nói với nhau rằng sao mà cô giáo nhu mì đến thế và hẳn cô sẽ phải vất vả với lũ trẻ trong thời gian đầu; ở Zabôriê trẻ nhỏ cứng đầu cứng cổ và nghịch ngợm quá.
Cuối cùng cô giáo đánh bạo hỏi bà lão Matrena trong đám lão bà:
- Chắc bà cụ đây chỉ có một thân một mình?
-Hờ... bà ơi!- Bà lão Matrena lập tức nỉ non(7)- người ta tưởng bà chỉ có một thân một chiếc. Bà tốt bụng biết bao, chân thật biết bao! Bà thường ngồi mãi ở nhà, trên cái đi-văng, chả có ai mà nói với một lời. Tội nghiệp chưa? Bà có một người con gái ở Lêningrát nhưng hẳn cô ta đã bay bổng đâu rồi. Thế là bà mất đi không cả họ hàng, không người thân thích.
(7) Nguyên văn: hát
Ở nghĩa trang, người ta đặt quan tài xuống bên huyệt mới đào. Các bà lão cúi rạp xuống, những bàn tay đen xạm chạm đất, chào bà Katêrina. Cô giáo đến bên quan tài, cúi xuống và hôn lên bàn tay vàng vọt khô xác của bà Katêrina. Rồi nàng ngửng vội lên, quay lại và đi về phía hàng rào gạch đổ nát.
Bên kia hàng rào, trong tuyết bồng bềnh, là quê hương yêu dấu đượm buồn.
Cô giáo nhìm đăm đăm, nghe sau mình tiếng các cụ già nói chuyện, tiếng đất rơi trên nắp quan tài và ở xa, trong các sân, những con gà trống cất những giọng khác nhau báo trước những ngày trong sáng, hơi giá và mùa đông lặng lẽ.
*
Naxtia về tới làng Zabôriê sau đám tang hai ngày. Nàng chỉ còn thấy nấm mồ mới trên nghĩa trang - đất trên mồ đã rắn lại thành cục - và căn phòng lạnh lẽo của bà Katêrina. Tưởng chừng cuộc sống rời bỏ căn phòng này đã lâu lắm.
Trong căn phòng ấy Naxtia đã thức suốt đêm, khóc cho đến lúc ánh bình minh mờ đục và nặng nề bắt đầu xanh lên ngoài cửa sổ.
Naxtia lén lút rời Zabôriê để không ai trông thấy nàng và để họ không thể hỏi nàng chuyện gì. Nàng cảm thấy không có ai, ngoài mẹ nàng, có thể tha thứ cho nàng lỗi lầm không sao chuộc lại được và cũng không ai ngoài mẹ nàng, có thể cất cho nàng cái gánh nặng không sức nào chịu nổi.
1946
KIM ÂN dịch
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro