Tập 1
Tập 1
Khu chợ "đâm hông ngang xương" ấy, thể theo chương trình phát triển đô thị nó hoàn toàn vi phạm luật pháp . Này nhé! Nó "mọc" trắng trợn trên những con đường không phải hải lộ, chưa phải đại lộ, dọc ngang từ đường Đoàn Thị Điểm, Trần Tế Xương, Tăng Bạt Hổ, Phạm Ngũ Lão, "mọc" trước "lỗ mũi" của bao người có trách nhiệm . Yên hùng tồn tại hàng chục năm với cái tên chợ chính thức hẳn hoi "Chợ Tăng Bạt Hổ" .
Mang ơn trên cho "mọc" ra cái chợ, tuy nó làm cản trở lưu thông, thành ổ chứa rác rưởi, tiếng ồn, nhưng nhờ nó, độ trăm hộ dân có cơm ăn ngày 2 bữa ( chưa kể trúng mánh, có xế nổ, nhà lầu như chơi). Và từ cái chợ Tăng Bạt Hổ đó, tôi kể bà con nghe chuyện một "siêu quậy" trưởng thành từ cái chợ với cuộc hành trình dài ... bằng..
Chà chà! Khoan nói . Giờ phải kể từ đầu đến cuối mới được .
Là như ri . Ở đường Đoàn Thị Điểm ( tức là chợ Tăng Bạt Hổ) có hai xóm nhỏ . Một xóm được gọi là xóm Chuối, một xóm có tên là xóm Hồ . Hai cái tên có từ thuở nào chẳng ai buồn tìm hiểu . Duy một điều ai cũng biết, hồ chưa giải phóng, hễ thanh niên đi tới xóm Hồ là thanh niên đàng hoàng, đi tới xóm Chuối là thanh niên không đàng hoàng .
Tại sao ? Chà chà! Điều này thật tế nhị . Tóm lại, chắc bà con hiểu vì sao xóm Chuối toàn thanh niên đến lại bị gọi là không đàng hoàng .
Ty Ty ra đời bởi một thanh niên không đàng hoàng , không lưu lại tuổi tên . Mẹ nó định tống "nó" đi cho khoẻ bụng, ai dè .... giải phóng .
Thế là cô gái "bán hoa" về ở với mẹ . Quen ngủ ngày thức đêm, quen ăn không quen làm, cô Lành với cái tên Mộng Hoa cứ ì ra ngồi nhà, đợi bà mẹ bán khoai lang đem tiền về nuôi chờ ngày sinh nở .
Ngày Ty Ty chào đời, mẹ nó từ giã cuộc đời (vì suốt 9 tháng nằm ườn ăn với ngủ) . Bà Bốn Khoai, ngoại Ty Ty ẵm nó từ nhà thương về, gởi nhờ chị hàng xóm bú đỡ , tất tả thuê xe lam (nhờ tiền lối xóm, kẻ ít người nhiều gom cho) làm xe tang đưa ma con gái .
Ở đời, điều tốt khó học, thói xấu dễ theo, bà Bốn Khoai hiền lành, chất phác, tuy dốt nát nhưng nhân nghĩa hơn người . Cô Lành (tức Mộng Hoa) thì vừa dốt nát lại vừa hư hỏng . Có chút nhan sắc, muốn không làm cũng có ăn, nên con đường vào ... xóm Chuối, Lành đi không chút do dự .
Hồi đó bà Bốn Khoai khóc lóc khuyên con dữ lắm , Lành một mực không nghe, rồi cái uất, cái tức khiến bà Bốn Khoai đánh Lành một trận . Thế là từ gái bao, gái dù con Lành biến thành gái làng chơi sau khi phán với bà mẹ một câu "xanh dờn" .
Thế nhưng con Lành vác bụng về, bà lại ráng bán thêm vài ký khoai buổi chiều để con lành có chút bồi duỡng cái thai . Kết cuộc, nó ra đi trên bàn sinh, trả công lao nuôi dưỡng cho bà , để lại đưa con khóc chào đời ba tiếng rồi ngủ khì .
Từ đó, bà Bốn Khoai làm mẹ lần thứ hai . Bán khoai ngày hai buổi, bà cột Ty Ty sau lưng . Ơn trời, con nhỏ trừ lúc đòi bú là gào lên dậy trời, còn thì chơi, ngủ tì tì, chẳng mè nheo bà ngoại gì ráo . Hồi mới giải phóng, bà Bốn Khoai làm gì mua nổi sữa cho Ty Ty bú . Nó bú toàn nước cháo gạo đổ thêm chút muối, đường, vậy mà cứ lớn tơi tới, căng tròn múp míp, dòm phát mê . Lại còn chơi, cười suốt ngày dù trên lưng bà ngoại hay trong cũi tre khi bà Bốn Khoai nấu chút cơm ăn tối .
Giải phóng về, tệ nạn xóm Chuối chấm hết, cả mấy quán dấm dúi xì ke cũng giải nghệ . Các "em" ở xóm Chuối đưa qua trường xây dựng cuộc sống mới, rồi đi lao động sản xuất . Xóm Chuối mọc lên những mái nhà công dân lương thiện nhưng bà Bốn Khoai cương quyết ở lại xóm Hồ dù mấy chục mét vuông đất ngày xưa của bà Uỷ Ban cho phép cất
nhà .
Xóm Hồ có nhiều hẽm, con hẽm nhỏ nhất, sâu nhất có mái nhà ba miếng tôn là nhà bà Bốn Khoai . Ty Ty lớn lên từ mái tôn ấy , bằng mùi khoai luộc xen mùi khói ướt và từ lúc biết đi, Ty Ty đã cùng dậy với bà (lén thôi, nằm không rục rịch, bà ngoại tưởng Ty Ty ngủ, ai ngờ nó mở mắt láo liên xem trộm ngoại nhen lửa thế nào, bắc nồi lên bếp làm sao) .
Ty Ty nổi tiếng ở xóm Hồ từ lúc 13 tháng, các bạn tin không ? Không tin tôi kể cho nghe .
Năm Ty Ty 13 tháng tuổi, bà ngoại cõng hết nổi . Chèn ơi ! Ăn toàn bột mì , khoai lang, rau, năm thì mười hoạ mới có chút tanh của cá, rứa mà Ty Ty cứ phơn phởn lớn, nở nang, chân tay mình mẩy có khúc có ngấn, đi muốn lún xuống đất xóm Hồ . Bà Bốn Khoai bèn để Ty Ty ở nhà, dặn dò :
- Ty Ty ! Nghe ngoại dặn nè .
Nó đang "đớp" củ sắn chấm muối mè, nuốt vội, tròn xoe mắt, dạ thiệt to.
Bà nói:
- Từ bữa ni, con giữ nhà, đừng cho ai vô . Ngoại bán xong về liền.
Con nhỏ mới mười ba tháng tuổi , nói sõi như ranh:
- Cho Ty đi bán khoai.
- Ty giỏi. Bán xong, ngoại về luộc hột mít con ăn.
Nó có vẻ ngẫm nghĩ rồi dạ thật to. Có cho kẹo bà Bốn Khoai cũng không dè con cháu mười ba tháng tuổi biết ngẫm nghĩ .
Vậy là bà để nó ở nhà, đi vòng quanh xóm bán xong, lần ra sân vận động Chi Lăng.
Ở nhà, Ty Ty ăn hết củ khoai, lúc thức đánh vòng quanh căn nhà ba mét cả chiều ngang lẫn chiều dài, sà vào ca nước bà ngoại để sẵn, nốc một hơi, phởn bụng xong, lăn ra ngủ.
Bà Bốn Khoai khóa ngõ bằng sợi thép cột. Ty Ty mở không được, bèn đàng hoàng nằm xuống bò qua lỗ hổng thép rào, bắt đầu cuộc phiêu lưu như ... Dế Mèn.
Đầu tiên, nó đi ngang qua con đường đất đá lởm chởm, nhà cửa ngoằn ngoèo, mà ngoại nó chưa bao giờ đi là đường xóm Chuối. Nó đi tới con đường cắt ngang, nhìn lên nhìn xuống, tà tà, lum đum băng qua đường đi đến gần chỗ đông người, nhiều xe. Nó mặc cái quần phồng vải bóng xanh, đỏ. Cái yếm lớn hai dây cột. Thấy chỗ quen thuộc lại tà tà qua đường, đi đến sân vận động. Buổi sáng, đường phố tấp nập người đi làm, rứa mà chẳng cặp mắt mô thấy Ty Ty với cuộc phiêu lưu trên đường phố.
Nó vô tuốt sân vận động, đi quanh tìm bà ngoại. Lạ he! Mấy bữa thấy ngoại đưa khoai cho mấy người này, mấy người này đưa ngoại tờ giấy xấu xí, ngoại lại trả mấy miếng sắt tròn tròn (tiền kênh hồi Giải phóng) . Chừ họ ở đây, to đầu còn dành nhau trái tròn tròn, đánh nhau ngã dồn cục, còn ngoại mất tiêu. Ty Ty buồn bã ngồi ở bãi cỏ, chống cằm bằng hai tay, nhìn người ta chạy tới chạy lui la lối. Chừng thấy mệt bèn nằm soài ra cỏ, đánh một giấc, mặc kệ ông mặt trời chói chang.
Khi nó mở mắt, chẳng thấy ai chạy tới chạy lui nữa. Nó nghe khát và con gì cắn bụng.
Theo lối ngoại thường đi, nói ra ngoài, lần theo đường quen thuộc về nhà. Nó băng qua ngã tư Hùng Vương, Ngõ Gia Tự, rẽ Trần Tế Xương vào con hẻm lớn và ngơ ngác khi đông người ùa ra la lớn:
- Nó đây rồi !
- Ty Ty đây !
- Gọi bà Bốn Khoai !
Và nó được ngồi chễm chệ trên vai một anh mập ơi là mập. Ở xóm gọi anh là Chín Mập.
- Ty Ty ! Mày bị bắt cóc hả ? - Anh mập hỏi .
- À ! - Trí tuệ Ty Ty chưa hiểu điều này, nó nói:
- Ty Ty khát nước, bụng kêu ùng ục.
Chín Mập dồn Ty Ty qua xóm Hồ, bà Bốn Khoai và một số người ở xóm đi tìm Ty Ty chưa về. Mọi người ơi ới bảo nhau đi gọi bà Bốn. Có người lăng xăng mở cửa. Chín Mập đưa Ty Ty về nhà. Vừa lúc bà Bốn về, bà ôm cháu ngoại, khóc ồ ồ, khiến Ty Ty ngạc nhiên, lồ
mắt, ngoẻo cổ ngó rồi kêu lên:
- Lêu lêu, ngoại khóc xấu quá.
- Cha mi ! - Bà Bốn nghẹn ngào - Ai đem mi ra ngoài hỉ? Mi đi mô từ sáng chừ?
- Ty Ty đi ... ngoại, không thấy ngoại mô hết.
Mọi người lắc đầu ồ lên. Chín Mập hỏi:
- Răng Ty Ty đi được? Cửa khóa mờ?
Con bé chau mày, cong môi:
- Con vá đi được, Ty Ty đi được.
Hỡi ơi ! Chín Mập ôm đầu, con vá là con chó nhà nó, thường chui qua nhà bà Bốn Khoai nằm ngủ bằng lỗ rào ở cửa. Vậy thủ phạm chính là con vá, nó vẽ đường để Ty Ty chui rào đi... bụi đời làm cả xóm Hồ náo loạn suốt nửa ngày.
Chín Mập cung tay hầm hè đứng dậy. Phải trừng trị con vá về tội vẽ đường cho... hươu chạy.
- Ty Ty đói !
Chín Mập thay mặt con vá xin lỗi bà Bốn bằng nắm khoai ngào đường để trong túi quần xã xệ của nó. Chẳng là mải đi kiếm Ty Ty, Chín Mập quên cả đói, nên mới còn nắm khoai ngào.
Buổi trưa mà, nên cả xóm vây quanh Ty Ty biểu nói kể đi phiêu lưu những đâu, nó vừa nhai nhóc nhách vừa kể:
- Vá bò, Ty Ty bò. Vá đi mất, Ty đi tìm ngoại.
- Ty tìm ở đâu? - Chín Mập hỏi.
Ty Ty nhăn trán, ngẫm nghĩ như bà cụ:
- Chỗ nhiều xe chạy, chỗ đánh lộn dành "tròn" nhiều ghế.
Bà Bốn thổn thức quẹt nước mắt:
- Cha trời ! Nó qua tuốt sân vận động tìm tui.
Ty Ty phụng phịu:
- Ngoại mất tiêu, Ty buồn ngủ một mình.
Cả xóm tặc lưỡi cười ồ. Mỗi con bé trên tay chị Hoa là khóc ngất. Hoa lé, nghề nghiệp chính thức là ở đợ từ năm chín tuổi. Năm nay hai bốn tuổi, nghĩ là chị đi ở đợ thâm niên được mười lăm năm. Sau Giải phóng không ai đi ở đợ, kẻ về quê, người đi kinh tế, không phân biệt giai cấp. Hoa lé không có quê để về, cứ lang thang từ xóm Chuối, qua xóm Hồ, lên xóm Chùa, rồi vạch đến xóm Đường Rầy, tối lên ngủ trong chợ Cồn. Rồi bỗng dưng Hoa lé thành "cháu" của ông Toàn, một cán bộ quân sự về hưu vì thương tật. Thành "chị" con gái ông Toàn, ung dung ăn ở và dọn dẹp nhà cửa, rồi nuôi em Bích, rồi chăm con cho con em Bích. Con em Bích cũng con gái, một tuổi với Ty Ty tên bé Nu. Sở dĩ bé Nu khóc ngất, giẫy đành đạch lên, vì nó thấy Ty Ty ăn mà không cho nó ăn.
Ông anh hàng xóm là Chín Mập biết tỏng, vội quát:
- Bé Nu hư nhỉ. Ăn rồi còn đòi gì nữa?
Bé Nu nói chưa sõi, cứ nẩy ngược ré:
- Cho... oai... đường... cho Nu "choai" đường.
Hoa lé lật đật bồng nó đi. Ty Ty chợt chìa nắm khoai ngào đường:
- Cho mi đó. Đừng khóc... đồ hư.
Con Nu nín khóc liền, đưa cục khoai ngào lên miệng. Còn cả xóm trối trời khi nghe Ty Ty mắng bé Nu đồ hư. Có phải hắn mới mười ba tháng tuổi?
Từ đó, cả xóm Chuối, xóm Hồ gọi Ty Ty là Ty tỷ tỷ. Riêng Chín Mập, khăng khăng đặt tên Ty Ty là "Cún giang hồ". Cũng từ đó, giai thoại Ty tỷ tỷ xóm Hồ ngày một nhiều. Được đem kể nhau nghe để cười rồi lắc đầu với nhau, tặc lưỡi: "Cái con..."
Giai Thoại Ăn:
Càng lớn, Ty Ty càng khoái ăn, nhất là chất ngọt. Có lẽ vì lúc nhỏ thiếu sữa mẹ, nhà có mỗi hũ đường là tài sản đáng giá. Ty Ty thèm lắm, nhưng ngoại nói: "Ăn ngọt nhiều có sạn trong bụng", nên ít cho Ty ăn. Nó mỗi ngày nhìn từng thẻ đường vàng ươm, nước miếng tứa đầy miệng, bèn nghĩ cách... hũ đường biến mất.
Năm đó Ty Ty ba tuổi, có bạn là bé Nu, con cô giáo Bích, bé Mi con cô Nga - nhà hồi xưa bán hàng có cái nhà lầu to nhất bên xóm Hồ. Cả ba sở dĩ quen nhau nhờ Chín Mập. Chín Mập là con thứ chín của bà Hai Cầu Tự, còn là thằng con trai nhất trong chín đứa con, nên nó được cưng chiều lắm. Bà Hai cầu Tự trước G.P. giàu nứt vách, nhưng vì không có con trai nên thường làm phước với xóm giềng, mong trời đấy ngó lại, kẻo mai sau lư hương bát nước lâm cảnh nhang tàn, khói lạnh. Dù gì, ông bà ta có câu "Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô" mà.
Chẳng biết phải trời phật ngó nghĩ không, năm bảy hai, khi ông Chấn bắt đầu chán bầy con gái, đi sớm về trễ, thì bà Hai Gấm, tự là Cầu Tự đẻ được thằng Mập, nhà họ giết bò, mổ heo đãi khắp mấy mấy xóm suốt ba ngày. Hai Gấp tưởng giữ được chồng, té ra hồi G.P. ông Chấn bỏ đi biệt tích, để mình Hai Gấm nuôi chín đứa con. May là con của ăn của để, thêm mấy đứa con đầu lanh lợi khôn ngoan, nên gả đứa rồi vẫn lại qua nhờ cậy được.
Chín Mập mới vô lớp một, tên khai sinh oách lắm: Trần Tử Thiên. Đi học thì thôi , về tới nhà vứt cặp, Chín Mập lè lẹ chạy tới nhà cô Nga, ẵm bé Mi đi chơi, tạt qua nhà cô Bích rủ dì Hoa lé bồng bé Nu. Đi chơi ở đâu? Là tới nhà Ty Ty thôi. Con ranh đó, mới hai tuổi hơn, trò chơi mô cũng rành. Còn học ở đâu, bắt thiệt ngọt kể chuyện trời ơi đất hỡi, chuyện gì cũng hay. Lạ chưa, Ty Ty đợi Chín Mập qua như mọi chiều khác, lúc ngoại bán khoai chưa về. Y chang, Chín Mập cõng bé Mi qua.
- Ty Ty ở nhà buồn không?
- Bé Nu đâu?
- Chút nữa dì Hoa bồng qua.
Chín Mập để Mi xuống bên Ty Ty, lăm lăm mở bao thuốc lòe mắt Ty Ty.
- Chơi tán, Ty Ty.
- Lấy đường cho Ty.
- Ở đâu?
Ty chỉ lên nóc kệ cao. Chín Mập lấy xuống, Ty để ở gần chỗ chơi. Hai đứa chơi tán bao thuốc. Ngay cú tán đầu tiên, Ty không tán bao thuốc lại tán choảng một phát bể hũ đường. Chín Mập la:
- Chết rồi ! Bà ngoại đánh Ty Ty sưng đít cho coi:
Con nhỏ cười híp mắt:
- Đánh nhẹ thôi. Anh Mập, lượm đường cất.
Hồi đó thẩu thủy tinh chẳng quý báu gì, nhưng biểu bà Bốn bỏ tiền mua thẩu lần nữa, chắc còn... lâu. Chín Mập gói đường vô giấy, bỏ lại kệ tủ. Cả hai lại chơi tán. Rồi chơi trốn tìm tới lúc Hoa lé dắt bé Nu qua. Dù mệt rồi, Ty Ty bày trò chơi mới, đánh tù tì, ai thua phải hát. Cả bốn chơi với nhau tới lúc bà Bốn về.
- Ngoại ơi ! Thẩu đường bể rồi.
- Răng bể?
Ty Ty tỉnh bơ:
- Anh Mập thấy kiến đem phơi, làm bể.
Chín Mập trợn mắt, Ty Ty suỵt suỵt, bà Bốn lấy gạo vo, miệng than:
- Cha trời ! Chừ để đường mô đây, chảy nước hết.
Chín Mập hiến kế:
- Mua hũ khác.
- Bốn đồng bạc lận, tiền mô?
- Bỏ bao ni lông, bà Bốn.
- Kiến chui dữ lắm.
Hết cách, Ty Ty thỏ thẻ:
- Nấu chè ăn nhe ngoại, con thèm quá.
Chín Mập, bé Mi, bé Nu đồng vỗ tay, bà Bốn sao nỡ từ chối.
- Ừ, mai mốt rồi nấu.
- Kiến lắm ngoại, nấu bây giờ đi. Mua một lon đậu thôi mà.
Vậy là bà Bốn đi mua đậu, Ty Ty "thó" liền hai miếng đường chia cho bé Mi, bé Nu, thằng Mập. Phần nó nguyên một miếng. Bà ngoại về thấy la, nó nói:
- Một lon đậu mười thẻ đường, ngoại nói mà.
Đúng ý, còn mười thẻ. Hôm đó Ty Ty ăn chè trừ "sắn công cơm". Bữa ăn ngọt "đã" nhất của nó .
Giai Thoại Ngón Cẩu Quyền:
Bạn bè đi học hết, Mi, Nu đến mẫu giáo. Chín Mập học lớp bốn. Mỗi Ty Ty ở nhà... quậy. Bà Bốn là gì có tiền cho Ty Ty đi học, đành đợi vô lớp một thôi.
Trường mẫu giáo Hoa Phượng Đỏ, có chi nhánh trong xóm Hồ, cách nhà Ty Ty con hẻm, nên chiều nào Ty Ty cũng qua đó đợi Nu, Mi học xong đón bạn về.
Cha trời ! Đi học đã thiệt, có cả sân chơi, nào cầu tuột, nào xích đu, ngựa gỗ, v.v... gần tới giờ tan học cổng trường mở tha hồ Ty Ty chơi đủ trò.
Kẻng vang, Ty Ty phóc xuống đón bạn, ngẩn tò te khi thấy Mi khóc, nước mắt nước mũi tùm lum, cô giáo dỗ không nín. Vừa lúc Chín Mập qua (nó có nhiệm vụ thiêng liêng là đón Mi, Nu mỗi chiều).
- Thưa cô, răng Tâm Minh khóc rứa ? - Chín Mập lễ phép hỏi.
Cô giáo kể, vẻ bối rối:
- Bé Hồng cắn nó, cô phạt rồi, nhưng hỏi, cả hai không nói tại sao.
Bé Nu đi ra, rụt rè nói:
- Bạn Hồng xin kẹo, bạn Mi nói để dành cho Ty Ty, bạn Hồng cắn, nói bạn Mi kiết, còn nói con nhà buôn lậu, bạn Mi tức khóc.
Ty Ty trợn mắt:
- Hồng ở xóm Chuối hả?
Mi gật đầu. Ty Ty đùng đùng chạy đi, Chín Mập gọi:
- Ty Ty !
Nó dông tuốt, tới nhà bé Hồng "kênh":
- Răng dám cắn bạn Ty, còn nói buôn lậu?
Người lớn tưởng chuyện con nít, để mặc. Ty Ty chụp bé Hồng, cắn một phát chảy máu, bỏ chạy về, gặp Chín Mập đứng nhà chờ, nó nói:
- Trả thù cho bé Mi rồi.
- Là răng?
- Cắn lại, chảy máu luôn.
Chín Mập kêu trời, dắt Ty ty chạy ù qua hẻm khác:
- Mập làm chi chạy dễ sợ rứa?
- Trời ơi ! Mấy bà xóm Chuối dữ lắm, nhất là bà Cúc, mẹ bé Hồng, không chạy bả giết Ty cho coi.
Ty Ty đứng lại, tỉnh bơ:
- Vậy mình phải triệu tập "quân sĩ" chống lại.
Nó biến mất qua ngách kẹt khác. Chín Mập chạy tìm rồi dành bỏ dở khi nghe bà Hai Cầu Tự mẹ nó cất giọng "thỏ thẻ" cả xóm đều nghe để gọi Chín Mập về ăn cơm.
Mười phút sau, từ trong nhà, Chín Mập nghe rầm rộ, ồn ào ở cả xóm Hồ. Chín Mập hỡi ơi bỏ chén cơm chạy theo qua, để rồi ngơ ngác. Ở khoảng nhà chật hẹp của bà Bốn, đầy đặc con nít tuổi từ năm đến mười, nghĩa là toàn bộ "tinh hoa" của xóm Hồ. Những mầm non tương lai đất nước, trên tay nào là đá, nào gậy, la ó dậy trời, đứng đầu là Ty Ty chống nạnh, vênh váo như gà con vừa nhổ lông đuôi.
- Đả đảo người xóm Chuối, ăn hiếp con nít xóm Hồ.
- Đả đảo ! - Hàng mấy chục cái miệng hô theo Ty Ty .
- Cương quyết đoàn kết một lòng, bảo vệ cư đàn con nít xóm Hồ trước mọi thế lực đen tối.
- Cương quyết !
- Đả đảo thói vu oan, nói xấu của bé Hồng.
- Đả đảo !
- Đả đảo "cẩu quyền" của bé Hồng.
- Đả đảo !
Thanh niên trật tự tới. Sân chơi trường mẫu giáo Hoa Phượng Đỏ thành phiên tòa phán xử. Anh thanh niên phải điều động thêm đồng sự các khu vực khác tới để giữ gìn trật tự. Anh hỏi:
- Ai dám cầm đầu biểu tình đả đảo?
- Ty Ty. - Hàng mấy chục cái miệng hô lên.
Anh thanh niên nhìn Ty Ty nghi ngại. Nó mới lên năm tuổi, anh biết chứ. Răng biết hô đả đảo hè?
- Ty Ty ! Nghe chú hỏi, răng con biết hô đả đảo.
- Dạ, bà ngoại kể. Hồi chống bọn ác ôn, bảo vệ... a... bảo vệ...
- Những người yêu nước, theo C.M.
- Dạ, đúng rứa. Thì nhân dân tập hợp biểu tình hô đả đảo.
Anh thanh niên bậm môi cố nín cười, làm mặt nghiêm nghị:
- Chừ thời C.M. hết bọn ác ôn, ai cho phép con tụ tập... làm loạn.
- Dạ mô có. Là tại người lớn xóm chuối ăn hiếp con nên con nít xóm Hồ "nổi dậy" bảo vệ.
- Đầu đuôi răng nói nghe, chị Cúc.
Cúc kể lể:
- Dạ tui mô biết chi. Tự nhiên cái hắn chạy tới, cắn con Hồng một phát, chảy máu tùm lum, con nhỏ xíu - Chị Cúc xót con chảy nước mắt - Tụi định qua nói phải quấy với bà ngoại hắn...
- Không phải. Cô Cúc kéo cả xóm Chuối qua định "giết" Ty. Bằng chứng ràng ràng - Ty ong óng.
- Con ranh ! - Tức quá, Cúc rủa - Tao có dao búa chi mà giết mi, con tê?
- Là anh Mập nói. Cô sẽ giết Ty, Ty không muốn chết, bỏ bà ngoại mô.
Chín Mập bị kêu ra làm chứng. Hồi nào tới giờ, Chín Mập là tấm gương sáng cho cả cư dân thiếu nhi hai xóm, lời nó nói có trọng lượng lắm.
Trong mười phút, nó trình bày đầu đuôi câu chuyện , cô Nga dắt bé Mi ra, xăn tay áo lên cho bà con thấy vòng băng thù lù, kèm cặp mắt sưng húp, cô nói:
- Không biết ai bày bé Hồng nói bé Mi là giàu mà kiết, buôn lậu, Mi nó có nghe buôn lậu bị tù, nên sợ khóc miết.
Rõ rồi. Dù sao cũng chuyện trẻ con năm tuổi. Anh thanh niên gọi Ty Ty, nghiêm mặt:
- Đả đảo "cẩu quyền" của bé Hồng, sao lại xài "cẩu quyền" với bé Hồng hả ?
- Dạ, để Hồng biết đau mà chừa cắn bậy.
Mấy chú lắc đầu. Một chú nói:
- Thôi, chuyện trẻ con. Bà con giải tán, từ nay cấm tụ tập gây mất an ninh trật tự. Còn bé Hồng, bé Ty, chúng tôi sẽ tới nhà làm việc.
Giai Thoại Làm Bếp:
Có một điều từ lâu, Ty Ty ấm ức mãi mà chưa làm được. Một điều phát xuất từ lòng thương bà nói mà ra. Đó là mỗi buổi sáng, từ bốn giờ, ngoại nó đã dậy luộc khoai. Từ năm biết nói, Ty Ty luôn dậy theo ngoại. Nhìn ngoại nhen lửa, rửa khoai, bắc bếp ra sao mà ngoại nó không hề biết. Đêm qua, nghe ngoại than đau lưng, Ty Ty châm bẩm, sẽ dậy sớm thay ngoại làm tất.
Mới hai giờ sáng, nó bò dậy, rón rén giở mùng chui ra, mò xuống bếp. Đầu tiên là rửa khoai. Dễ ợt. Bê rổ khoai không nổi thì lượm từng bụm bỏ vô thau, lấy bàn chải chù từng củ sạch sẽ. Hà ! Thì ra rửa hết rổ khoai cực thiệt. Mồ hôi túa ra nhiều hơn chơi đánh tán. Hừ! Rồi cũng hết. Xong rồi, tới phần bê nồi lên bếp. Cha! Cái nồi nặng quá. Nó khệ nệ bắc nồi không, làm hệt như bà Bốn, bỏ gạch, úp rá tre, đổ nước vo xấp xỉ tới rá, xong hốt từng củ khoai bỏ dưới, sắn bỏ trên, có lớp có làng hẳn hòi lắm, điều này ngoại thường kể và nó cũng thấy khi ngoại giở nồi cho khoai ra sàn. Xong. Ôi! Bà ngoại ơi! Thì ra ngoại cực khổ tới rứa.
Chễm chệ lấy đòn ngồi, Ty Ty bắt đầu cho củi vô lò, lấy dăm bào rải quanh ở dưới rồi lấy đèn châm lửa. Lạ he! Ngoại nhen lửa , nó cháy hoài, răng mình nhen, nó cháy một tí lại tắt. Ty Ty lại bỏ dăm bào nhen lại. Cháy hết dăm bào, nó lại tắt. Hai ba lần, con nhỏ tức mình đứng lên lấy chai dầu lửa, một tay lem luốc lọ, quẹt mồ hôi, một tay chế dầu vào bếp. Phừng. Lửa bùng cháy rực, cháy cả chỗ chai dầu. Ty Ty hết hồn quăng đại. Cháy sáng rực, len quầng lửa ra khe ván khiến tốp tự vệ đi bên ngoài chú ý:
- Bà Bốn ơi !
Ty Ty không nghe gọi, nó đang bậm môi, trợn mắt, "chiến đấu" với lửa bằng cái bao cát ướt nước hệt như hồi đi xem phòng cháy chữa cháy. Bên ngoài, đám tự vệ leo cửa ngõ, xông vô, đập cửa la lối:
- Bà Bốn ! Bà Bốn ! Cháy nhà kìa !
Cả xóm lao xao thức dậy. Bên trong bà Bốn mở mắt ra nhình hoảng hồn, luýnh quýnh mãi trong mùng không ra được. Bà nổi la làng:
- Cứu ! Cháy nhà !
Ty Ty vẫn đập lửa, bên phải, bên trái, nhảy nhót như khỉ, cái cửa ván ép bung ra trước sức đạp của năm chàng tự vệ. Cả bọn ùa vào. Chỉ năm phút sau, ngọn lửa tắt ngúm. Mười phút tiếp theo, cả xóm rõ ngọn ngành vì sao. Cả xóm lắc đầu nói với bà Bốn:
- Dì Bốn phạt nặng vô, kẻo có ngày cháy nhà, cháy lây cả xóm.
Người người giản tán, bà Bốn ngồi lơ láo trước bếp lửa tanh banh và nồi khoai. Bà không la mắng Ty Ty, chỉ khóc lặng lẽ. Vậy mà con nhỏ sợ khiếp, tự động quỳ gối, khoanh tay, bệu bạo:
- Ty Ty hứa, từ nay không nấu khoai làm cháy nhà nữa.
Bà Bốn ôm cháu, khóc òa:
- Ngoại biết con hiếu thảo, ngoại không trách con, nhưng con còn nhỏ quá, đừng làm ngoại sợ. Hứa đi Ty Ty.
- Con hứa.
Và cho tới lớn, Ty Ty mới được phép làm bếp.
Giai Thoại Siêu Quậy:
Lúc này Ty Ty học lớp sau Kim Đồng rồi, sắp sang lớp bảy, cùng học với Mi và Nu. Chín Mập học lớp mười sắp lên mười một. Chín Mập giờ bớt mập, nhờ đi đá banh hoài, phát triểu chiều cao trông bảnh ra phết. Tụi nó vẫn là bạn thân thiết của nhau. Ty Ty, Tâm Minh (tức Mi), Hồng Diệp (tức bé Nu) toàn là học sinh giỏi đến tiên tiến, dù cóc đi học thêm bất cứ môn học hóc búa nào với thầy cô, vì có ... Chín Mập kèm đủ năm môn chính. Trong ba đứa, Ty Ty học giỏi nhất. Biết sao được. Đi học xong chiều về, đi đổ nước kèm với xấp vé số, có hôm tối thui còn lang thang ở chợ. Chín Mập thương và xót cho Ty Ty lắm, nhưng bé tỉnh bơ, nhơn nhơn hãnh diện vì... có mấy ai đi "làm" kiếm tiền ăn học được như nó.
Vậy đó, và mỗi chiều về Ty Ty đi qua xóm Chuối, hơi dừng bước trước nhà con Hồng ngắm cây ổi nhà nó, nước miếng tứa tràn miệng. Trời ơi ! Giống ổi gì mà ngon quá xá, to bằng cái chén, ngọt lịm giòn rụm. Cây ổi đang thời xung sức, cho đặc trái, lủng lẳng đung đưa trên cành như chọc tức Ty Ty.
Có ba nguyên nhân để Ty Ty tức : Thứ nhất, cây ổi là tài sản của bà nội con Hồng. Bà là chúa thù vặt. Chuyện cẩu quyền gần bảy năm rồi, bà còn ghim trong lòng. Bà ngoại Ty với Ty mua ổi, nhất định không bán. Thứ hai, bà nội con Hồng không có đạo đức, chỉ ham tiền, dân xóm Chuối, xóm Hồ chẳng ai ăn được ổi nhà bà (bán mắc quá mà). Nhà nào có lầu là bà đem tới. Thứ ba, Ty Ty từng được thưởng thức ổi nhà bà do Tâm Minh đem đến lớp. Trời ơi ! Ăn đã luôn. Và bởi vì ngày nào bà nội con Hồng cũng bắc ghế ra cửa ngồi "hát" vì có kẻ nào dám ăn trộm ổi của bà. Thật ra, cả xóm Chuối biết tỏng, chẳng ai dám làm thế, là mấy con dơi thôi. Nhưng đành nghe bà nội on Hồng "cất tiếng ca" một ngày như mọi ngày.
Ty Ty quyết một trận lấy cả vốn lẫn lời khi tay nghe đầy những lời ca mất ổi.
Đêm tháng mười mưa bão, sấm chớp dậy trời, Ty Ty lẳng lặng chui rào "đi thăm xóm Chuối". Chẳng ai biết Ty Ty làm cách gì dỗ được con chó vàng nhà nhỏ Hồng. Chỉ biết, buổi sáng hôm sau, cơn bão đi qua Quảng Nam Đà Nẵng, bầu trời quang đãng. Còn trong nhà nhỏ Hồng nổi cơn bão tố cuồng phong. Bà nội con Hồng khóc gào đến khan tiếng chỉ vì cây ổi không còn một trái dù là bọc lót kỹ càng. Chưa hết, ba nhánh lớn bị gãy tả tơi nằm trên đất.
Trong khi ấy, thiếu niên nhi đồng xóm Chuối, xóm Hồ đi đến trường, cặp đứa nào cũng có ổi. Thật kỳ lạ, miệng chúng nhóp nhép cả ngày. Thế nhưng ai hỏi chuyện cây ổi nhà con Hồng là chúng câm như hến.
Một tháng sau, cây ổi nhà con Hồng chết, chẳng rõ tại sao. Nhà con Hồng một phen chửi bới, khóc lóc. Chín Mập, tức là Thiên, lúc ấy mới mở miệng hỏi Ty Ty :
- Là em hả ?
- Em cái gì ? - Ty lầu bầu nhìn mãi mấy con số trong bài đại số.
- Cây ổi nhà con Hồng.
Tâm Minh, Hồng Diệp len lén nhìn Ty Ty. Tụi nó vì Ty Ty không chịu tới nhà, đành qua nhà Ty Ty để anh Thiên dạy học. Biết sao được, người nghèo tự trọng không dám trèo cao mà.
Ty Ty có thể quậy phá, đánh lộn, duy có một điều không nói dối với anh Mập bao giờ.
- Cây ổi chết đâu phải lỗi tại em.
- Vậy lỗi tại ai ? - Chín Mập gắt khẽ.
- Em hái ổi thôi, liên hoan hai xóm thoát nạn mù chữ tuổi thiếu niên nhi đồng mờ.
- Nó bị gãy...
- Bị thương đâu phải chết.
- Nó chết rồi.
- Một tháng sau mới chết, liên quan gì tới em ?
Chín Mập tức quá, vụt cục phấn ra cửa đứng. Hồng Diệp nháy Ty Ty, nói nhỏ:
- Xin lỗi anh Mập đi. Ảnh không méc đâu.
Ty Ty trợn mắt, Nu nín tịt. Bà Bốn đem đĩa sắn bốc khói để lên bàn, gọi Thiên :
- Chín à ! Ăn khoai cho ấm bụng con.
Thiên "no" lắm rồi, nhưng sợ bà Bốn buồn. Tuổi mười bảy, bà Bốn làm mẹ rồi, năm ba lăm tuổi, có cháu ngoại.Giờ mới bốn sáu mà như ngoài năm mươi. Lam lũ bán khoai, nuôi Ty ăn học, bà Bốn chỉ hy vọng Ty nên người và trông cậy vào Thiên.
Thiên ăn sắn, hỏi bà Bốn :
- Ngoại à ! Sáng sớm ngoại đi mô rứa ?
Bà Bốn khoe :
- Con Tâm ở Mã Tây rủ bà đi bán chợ trời. Mèn ơi ! Mua bán chút xíu lúc tờ mờ, mà bà lời được mười ngàn.
Ty Ty quan tâm ngay :
- Bán giống gì lời lẹ vậy ngoại ?
- Ôi ! Giống gì con Tâm mua thì ngoại mua. Mà phải đi thiệt sớm, mua rồi bán liền tại chỗ, lời liền tay.
Ty Ty phán liền một câu :
- Mai con đi với ngoại.
Thấy Thiên nhăn trán, bà Bốn lắc đầu :
- Lo học cho giỏi đi, chuyện này để ngoại.
Hết buổi học, Thiên về, Ty Ty lò dò đi theo.
Thiên giờ mới rầy :
- Lên lớp bảy rồi, làm đàn chị khối đứa, còn là thiếu niên tiền phong, em đừng quậy nữa được không ?
Khi không có ai, anh Chín Mập la gì Ty Ty cũng làm thinh.
- Hứa với anh đi.
Ty Ty đưa tay lên cao :
- Ty Ty thề từ nay không phá cây ổi nhà con Hồng.
Thiên ngán ngẩm nhìn con bé. Trời ơi ! Mười ba tháng nó biết quậy rồi, chẳng biết khi thành con gái, nó ra sao đây ?
Nhà Ty Ty và một số nhà trong xóm thay đổi vì cái chợ mọc đâm hông có tên Tăng Bạt Hổ. Đầu tiên, Ty Ty vì buồn, lững thững xách ấm trà đá kèm cọc vé số làm một vòng quanh chợ. Xưa nay không bán gần nhà. Một cô gọi giật :
- Nhỏ ! Đổ nước.
Ty lanh lẹ tráng ca nhựa, chế nước, nhận tiền, định thối...
- Khỏi thối, nhỏ. Mi ở mô mà thấy quen ?
- Dạ, con ở xóm Hồ, trong ni. Mời chị mua vé số.
Cô tóc quăn giở chồng số, rút liền cả cặp, đưa tiền, hớp ngụm nước, khen:
- Nước ngon. Mai tới đổ tiếp nghen.
Nó đi một vòng, hết hai ấm nước và cọc vé số. Tối về, nói hỏi bà Bốn :
- Ngoại ơi ! Nếu con học như anh Chín Mập, có được không ?
- Thằng Chín quyết học tới kỹ sư đa, răng con học nổi.
- Có tiền, con học nổi.
Bà Bốn thở ra, bà vẫn ngày hai mẹt khoai.
- Tới đâu hay tới đó.
Ty Ty đâu chịu kiểu an phận của ngoại :
- Ngoại nè ! Xin sạp ở chợ bán ngoại.
- Bán giống gì. Bán khoai à ?
- Cả chiều con xem kỹ rồi, chỉ cần ít vốn, có giấy phép là người ta bỏ hàng thâu tiền từng ngày. Lời ăn vốn trả.
- Mà bán giống gì ? Ngoại đâu biết.
- Không biết rồi cũng biết. Bán đầu mỡ xe hơi, bi cũ, bù loong. Thứ gì bán ráo, lời lắm ngoại.
Ty Ty thúc riết, thêm Hai Tâm hứa mau được hàng đem bán, giới thiệu mối. Bà Bốn rụt rè, đi xin chỗ bán. Chín Mập làm đơn lấy giấy phép kinh doanh hẳn hòi. Độ non tháng, thêm một cư dân xóm Hồ nhập tịch ở chợ trời Tăng Bạt Hổ là bà Bốn Khoai. Với số vốn cố định là cái sạp, ba tấm tôn cũ, vốn lưu động, một mớ tạp nham gồm ốc vít, đinh, bù loong cũ, chai dầu thắng pha chế qua bà lần, mỡ xe (tất cả Ty Ty và bà ngoại đi mua chợ trời sáng).
Bà Bốn ngồi sạp, kèm theo mẹt khoai như thường lệ (thứ này không bị đánh thuế). Dân cư Tăng Bạt Hổ bắt đầu quen mặt ngoại cháu Ty Ty. Đi học về, Ty Ty ra phụ ngoại bán hàng, kèm theo hai ấm trà đá, xấp vé số. Trời thương hay dân cư chợ thương cái nghèo đầy chất phác của bà Bốn, thương gương mặt tròn vạnh lem lém, miệng bằng tay, tay bằng miệng của Ty Ty không biết. Khoai, trà đá, vé số ngày nào cũng hết, dù chưa cư dân nào ở chợ vô được giải hai con.
Ty Ty học rất nhanh, mọi mánh khóe chợ trời, chạy mánh lẹ hơn sao xẹt. Vòng quanh chợ một tháng, chỗ nào bán thứ gì, giá nhẹ hơn chỗ khác bao nhiêu, Ty Ty ghi vào bộ nhớ. Có Ty Ty ngồi sạp, ai hỏi gì, Ty Ty đều nói có, nhiều người biết tỏng con nhỏ chạy mánh, nhưng nhìn nó thương quá, má đỏ au, mồ hôi nhỏ giọt, tóc cụt cỡn, quần xăn lơ lửng, con nhỏ chạy tưng tưng đem hàng về, chỉ ăn chút công đi, ai nỡ không mua ? Còn mối nào mua đồ hiếm, thôi khỏi nói, nó chặt đẹp.
Mới nửa năm, sạp hàng lạc son của bà Bốn khá dần, mua được, bán được, hàng chất có lớp lang, bà Bốn khấm khá hơn, bỗng "nhạy cảm" thêm ra, thứ gì có lãi, đố thoát tay bà. Lại thêm siêng, tờ mờ sáng bà đi chợ rồi, món ngon vơ hết, có khi sang tay đã lời. Hai bà cháu Ty Ty giờ rủng rỉnh đồ mới, với túi tiền kha khá nặng.
o O o
Tăng Bạt Hổ giáp đường Trần Bình Trọng có thằng "ôn thần dịch vật" là thằng Bảy Ngọ, cũng con cầu tự, nhưng Chín Mập tốt bao nhiêu kể không hết, thì nó xấu bao nhiêu kể không hết. Đánh lộn, quậy phá, làm tiền cha mẹ, có khi xách cả dạo rượt ông bà chạy vì tội không đưa tiền nó xài. Công an bắt giáo dục, đưa vô trại cải hóa, ông bà Tốn lại thương, lạy lục xin về. Xong, đâu lại vào đó. Nó tiếp tục hành hung ng, quậy phá v.v...
Bỗng dưng thằng Bảy Ngọ tà tà xuất hiện ngày hai buổi ở khu chợ mọc trước mũi nhà nó, nó ngậm điếu thuốc ở mép môi, mũ lưỡi trai quay ngược, hai tay thọc túi quần, kéo lê đôi giày lính thả dây lòng thòng há họng, đi quanh chợ. Từ hàng đinh bản lề, tới hàng phụ tùng xe đạp, honda vòng về hàng bù loong, ốc vít, đâm qua đám lạc son xe hơi, thẳng hàng bi, dầu, mỡ, đánh luôn một vòng tận Nguyễn Trãi "nghía" mấy hàng ống nước, đồ điện. Cứ thế, nó đi, có khi một mình, có khi thêm vào "ôn con" đệ tử nhếch nhác nhìn mặt tưởng chừng tụi nói vẽ hai chữ du côn ở trán.
Mỗi lần Bảy Ngọ đánh vòng tới đâu, dân chợ ai cũng ngán, bởi nó luôn tìm cơ hội để gây hấn, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Thật ra, nếu đánh lộn, dân chợ trời Tăng Bạt Hổ chẳng thiếu gì kẻ có máu mặt, có điều mục đích chính của họ ở chợ là... kiếm tiền, đánh lộn cũng phải có nơi và có lý do chính đáng chớ. Nên thôi, kệ nó. Một điều nhịn chín điều lành.
Rồi bỗng dưng chợ đâm hông Tăng Bạt Hổ bị dịch, là dịch mất hàng vì có ai đó đập khóa, mở thùng, hốt hàng. Tà tà ngày nào cũng có, khiến ban quản lý khu chợ "đâm hông" rầu thúi ruột. Chớ sao nữa. Dù là chợ mọc ngang xương, nhưng thuế má thứ nào thứ đó đều đóng đủ, cả tiền bảo vệ, tiền mặt bằng, tiền thuế... rác. Nên hàng mất, ban quản lý chợ phải bồi thường, dù bằng đôi khi chỉ bồi thường một phần ba.
Rứa là cả ban quản lý, công an, ủy ban lẫn cư dân chợ Tăng Bạt Hổ đều hạ quyết tâm bắt trộm. Hỡi ơi ! Quyết tâm cả tháng, thế nhưng vẫn tà tà mất hàng mà không bắt được thằng trộm nào, Ty Ty tức lắm, nó không bị mất, cái hàng lạc xoong đinh ốc nhỏ của nó bọn trộm đâu để mắt, có điều bạn hàng ngồi quanh nói cứ bị cạy thùng mất hàng hoài, Ty Ty bèn hạ quyết tâm bắt trộm. Nó gọi Chín Mập hỏi tưng tửng :
- Nếu đi ngủ lang có bị la không ?
Chín Mập trố mắt, hỏi lại :
- Bộ ngoại định đi đâu xa hả ?
Ty Ty nhăn mũi :
- Hỏi thì trả lời đi.
- Anh đang học thi mờ. Đợi hè đi. Nói ngoại rứa, tới hè, ngoại đi, anh sẽ dọn hàng, coi nhà thay cho.
Con nhỏ nguẩy lưng, xì dài :
- Thi học kỳ mà làm như quan trọng.
Nó đi một mạch, cóc nói thêm tiếng nào với Chín Mập, khiến Mập ta phải "giáng lâm" chợ đâm hông hỏi bà ngoại. Bà Bốn lắc đầu liền :
- Đâu có. Ngoại còn ai là bà con ở xa mô.
Mập ta nghĩ hoài không ra, còn Ty Ty lại âm thầm vạch kế hoạch bắt trộm với đám "đệ tử ruột" thuộc hai xóm Chuối, xóm Hồ. Kế hoạch đâu vào đó, đùng một cái, ngay buổi chiều xảy ra chuyện kinh thiên động địa với Ty Ty.
Cũng chẳng liên quan gì đến cô "cún giang hồ" của gã Chín Mập cả, là do Ty Ty thấy gai mắt mới có chuyện thôi. Lúc ấy, bà Bốn về nhà nấu cơm...
Con nhỏ dọn hàng như mọi bận, vừa dọn vừa líu lo, kể chuyện trời ơi đất hỡi chọc dân chợ trời đâm hông cười nôn ruột. Chợt...
- Đ.M. bà già. Tui thấy giữa đường thì lượm. Ai làm chứng nó của bà ?
Bà già đây là bà Hai Quờn, tuổi ngoài sáu mươi, không con cái ở gần, lụm cụm lết chợ bằng ba thứ linh tinh : búa, kìm, đinh, ốc cũ... Còn kể lớn tiếng chửi bà là Bảy Ngọ, trên tay hắn đang cầm khư khư cái búa nhổ đinh cũ xì, nhưng chính hiệu hàng xịn. Cái búa đó của bà Hai Quờn.
Cả khúc chợ độ gần bốn mươi gian hàng 1x1,2m thế nhưng chỉ độ chục "mống" mon men lại gần xem diễn biến (số còn lại "né" Bảy Ngọ quá xá).
Bà Hai Quờn không vừa (đã ra chợ trời đâu có ai vừa), bà chống nạnh, xỉ tay ong óng liền :
- Mi chửi ai, thằng Bảy Ngựa tê ? Tao già bằng tuổi bà nội mi, mà mi vừa ăn cướp vừa la làng đ.m. tao. Không sợ trời đánh na ?
Mặt thằng ôn thần hầm hè, hắn kỵ nhất bị gọi Bảy Ngựa, có lần say rượu, hắn đã xách dao rượt cả ông bà Tốn vì tội đặt tên hắn là Bảy Ngọ, miệng hí, gầm như... ngựa bị đâm.
- Thiếu chi tên đẹp, nào Hùng, Dũng, Oai, Quyền răng không đặt cho tui, lại đặt tên Ngọ hả ? Đồ già ngu.
Bà Hai Quờn động vào điều tối kỵ, khiến hắn tức điên :
- Đ.M. mụ già ! Muốn chết hả ? Ai ăn cướp của mụ ? Cái búa "ông" mới mua chợ trời sáng, định đem bán cho mụ, mụ lại vừa ăn cướp vừa la làng, có muốn "ông" bẻ nanh, từ nay húp cháo không ?
Rứa đó. Từ lượm giữa đường, qua mua chợ trời sáng thiệt lẹ. Rứa mà không ai lên tiếng phản đối cả.
Bảy Ngựa nhơn nhơn nhe nanh :
- Cút mẹ mụ đi. Liệu hồn đó.
Hắn cầm cái búa dứ dứ, mọi n g vội lùi ra. Bà Hai Quờn uất quá, nhào tới kéo áo hắn la làng :
- Bớ người ta ! Bớ công an ! Ăn cướp ! Ăn cướp !
Gã ôn thần quay lại, dùng tay trái "chơi" luôn một đấm vô bụng bà Hai. Bà ngã lăn quay, cả chợ bất bình quá, nhào vô liền, bất kể hắn là Bảy Ngựa. Người nhào tới trước tiên là Ty Ty. Biệt danh "siêu quậy" chợ "đâm hông ". Bằng cây sắt tròn 12 ly, có hai đầu gai cỡ tám tấc, chuyên dùng cho xe xích lô chở thùng xe, Ty Ty như "Gia Lăng nữ sát tinh ", bay vèo ra, chơi luôn cây sắt vào ống quyển Bảy Ngựa. Hắn đau quá, quỵ xuống gầm lên :
- Đ.M. Con ranh ! Dám chơi tao.
Hắn đứng phắt lên, nhào tới. Mọi người nhào ra. Ôi thôi, cả chợ dồn cục, la ó dậy trời. Vì đàn em Bảy Ngựa vừa kịp tới đánh luôn.
Tự vệ, công an xịch tới, thét còi lanh lảnh, anh Tám, anh Liền, công an khu vực còn kịp thấy Ty Ty nhảy choi choi, cầm thanh sắt, đợi đám Bảy Ngựa sơ hở là quất sụm chân.
Kết thúc, cả hai phe bầm mặt, sưng chân, chảy máu, mỗi Ty Ty chẳng sao. Tất cả lại về đồn công an. Bà Bốn Khoai, Chín Mập hay cớ sự tức tốc ra chợ, thấy gã bạn hàng đã dọn hàng khóa lại, giao chìa khóa, nói vẻ khoái chí :
- Đã lắm bác Bốn. Nó "chơi" thằng Bảy Ngựa mấy cây sắt luôn. Đúng là gà mái thắng gà cồ.
Chín Mập xanh mặt, chở bà Bốn chạy lên đồn công an. Ty Ty đang viết biên bản, mặt tỉnh khô nói :
- Ngoại chờ con chút, sắp xong rồi.
Nhưng đến tám giờ tối, tất cả mới được ra về. Cái búa đưa trả cho bà Hai Quờn. Cách đồn công an chỉ mười thước, Bảy Ngựa và đám đàn em ba đứa chỉ mắt Ty Ty nói :
- Con quỷ ù ! Mi chờ đó, tao sẽ cho mi thành quỷ.
Ty Ty vênh mặt kiểu nghé không sợ cọp :
- Dám thì chơi, ta sợ chi mi, đồ Bảy... Ngựa.
Chín Mập kéo Ty Ty lên xe, chạy một mạch về nhà. Tâm Minh, Hồng Diệp ngồi chờ, thấy về, vội hỏi. Con nhỏ nói :
- Chi mà sợ. Một thằng du đãng côn đồ thôi.
Chín Mập kéo tai con nhỏ thật mạnh, nghiến răng :
- Hạng nớ để chính quyền, công an trị, mắc chi em ? Em giỏi lắm răng ? Rủi hắn lén đâm một dao thì răng ?
Ty Ty la oái, nhón chân theo tay Chín Mập, nhưng nó nín tịt, không dám cãi vì mặt Chín Mập ngầu quá, thêm bà ngoại sụt sịt khóc bên nồi cơm.
- Răng... con... cả gan rứa ? Thằng nớ đâm cha, giết chú, có chừa ai ? Mình là con gái, con đứa... Ôi ! Con muốn chết bỏ ngoại hả Ty ?
Mỗi Chín Mập biết Ty Ty sợ nhất nước mắt bà ngoại. Con nhỏ quì thụp, tự kéo tai mình bằng hai tay bắt chéo, nói lia :
- Con thề với ngoại, từ nay không đánh lộn. Ngoại đừng khóc nữa.
- Thề cá trê chui ống rứa na, mà thề chi nữa chớ ? Thằng Bảy Ngựa không tha cho con mô.
Thấy ngoại cứ khóc, Ty Ty luýnh quýnh, quay sang Chín Mập :
- Ngoại đừng lo, anh Mập học võ siêu lắm, không để hắn trả thù con đâu.
Chín Mập ngớ ra, Ty Ty giật tay, Chín Mập nhăn nhó đành nói :
- Ngoại đừng lo. Có con đây.
Êm liền. Hễ Chín Mập mở lời là bà Bốn tin mười mươi, lạ rứa đó.
Nhưng Mập ta chưa có cơ hội dũa cô "cún giang hồ" thì ngay đêm ấy, lại một sự cố nữa xảy ra. Đầu tiên, nửa đêm, Ty Ty lén ra ngoài, với ba gã đệ tự ruột đang núp sau gốc vông đồng ngay ngã tư. Cả bốn chia ba hướng, men theo các thùng hàng, bắt đầu thức canh. Sau hai lượt tự vệ phường, bảo vệ chợ đi quanh, rồi về tụm một chỗ đấu hót tào lao, ba bóng ng từ con hẻm sát chợ lù lù xuất hiện, chúng đi khá nhanh, sau các thùng hàng là Trực, em Tâm Minh nép theo bén gót, nó nghe gã lớn nói :
- Tụi nó co cụm rồi. Làm lẹ thôi nghe, thùng 26 có mấy chục tấn "rin" mới chất lên, cáu lắm.
- Chơi luôn con ranh, anh Bảy.
- Không được. Tụi công an nghi liền. Đợi đã.
Ba tên rẽ ra trái, thằng Trực vẫn men theo thùng hàng. Tới chỗ hàng phụ tùng honda có Ty Ty núp, nó hào hển :
- Là thằng Bảy Ngựa, thằng Quách xóm Mã Tây với thằng Đợi lùn, tụi nói bẻ khóa thùng 26 của anh Nhân tít kê.
Ty Ty phát lệnh liền :
- Em chạy lên đồn công an, thằng Cu Tịt tới gọi đám tự vệ, thằng An gõ cửa ban quản lý.
- Còn chị ? - Cả ba hỏi.
- Chị tới rình hòng làm nhân chứng, phải có nhân chứng, bằng chứng mới bỏ tù tụi nó được.
Tất cả đều kịp lúc, ngay khi Bảy Ngựa hốt hàng cho vô bao. Ba nhóm ụp tới, ba tên ăn trộm ăn được mấy cú đá của nhóm bảo vệ chợ, bị còng tay liền và đưa về đồn công an. Ty Ty và đệ tử chui rào về nhà.
Sáng hôm sau, ra đồn công an, cả chợ vỡ chuyện, la trời con nhỏ Ty Ty gan cóc tía. Nhóm Bảy Ngựa bị còng đưa qua kho đạn.
Ty Ty thở phào. Hú hồn, cũng ớn....thiệt.
Con nhỏ lại bắt đầu ba hoa, tay chuyển hàng vô thùng nhanh nhẹn.
- Bảy Ngựa, chớ bảy chục ngựa, cũng chẳng ăn nhằm với em. Ty tỷ tỷ mà, đã thề trả thù cho bà Hai .
Chín Mập dừng xe đạp ngay hàng, cập gác lên yên, ngồi xuống cùng dọn, lầu bầu:
- Thì ra rủ anh ngủ bụi để săn ăn trộm, răng không nói ?
- Người ta mắc học thi... lên mười hai mờ .
- Hắn răng rồi ? - Chín Mập nói lảng .
- Đi kho đạn rồi . Tội chồng tội .
Chín Mập thở phào, rù rì:
- Từ bữa ni, dọn sớm chút, học bài trước, tám giờ ba mươi tối anh mới dạy được.
- Vì răng?
- Đi học võ thôi - Chín Mập thở ra - Kẻo ngoại lo .
Ty Ty nhìn Chín Mập không nháy mắt . Cha trời ! Vì mình nói, ảnh mới rứa, hay đã quyết từ trước ? Kệ . Tập võ có lợi, đâu có hại . Con nhỏ nhoẻn miệng cười .
- Ty!
Minh Tâm gọi bạn, lúc đó giữa tháng tám, Chín Mập, tức Thiên, đang ngay ngáy chờ giấy báo đậu đại học.
Ty nghe bạn gọi, phớt lờ, giấy hàng thối tiền xong mới quay sang , "lên lớp" em bàng vàng tên nghĩa đen lẫn nghĩa bóng . Bà ngoại Tâm Minh giờ có tới hai tiệm vàng ở đường Hùng Vương với giọng ong óng đặc trưng phe chợ trời, to mồm, tất thắng, Ty Ty "dạy" bạn:
- Tao nói mi hoài, phải gọi Ty Ty, nghe có vẻ Tây, vừa đầy văn chương học thức. Mi gọi một tiếng Ty, có nghe quê không?
Với Tâm Minh, Ty Ty là bạn là bảo vệ , còn là hung thần chị cả . Một lời Ty Ty phán, Tâm Minh xem như lời vàng. Cô bé lí nhí nói:
- Mình biết rồi . Anh Thiên nói gì chưa ?
- Nói gì? - Ty Ty lõ mắt - Anh Mập ít ra đây lắm. Ảnh đậu hay rớt?
- Đậu rồi . Bác Hai mừng quá khóc . Tám bà chị với lố cháu về chật nhà.
Ty Ty lẩm bẩm:
- Cha ơi! Đi chợ ba ngày cho đám tàu há họng nớ đủ nghèo .
Tâm Minh che miệng cười, cô bé ra dáng con gái rồi, Hồng Diệp cũng vậy, mỗi Ty Ty nam nữ bất phân, ra chợ trời Tăng Bạt Hổ, chuyên một loại quần short bành lơ lửng.
- Đi, Ty Ty .
- Đi mô ?
Bà Bốn rầy cháu:
- Đi mừng thằng Chín chớ đi mô . Để đây cho ngoại . Dù gì anh em mười mấy năm trời, nó không dạy bây, bây học được như chừ na .
Mặt Ty Ty sưng lên:
- Ai biểu, hôm con vô Phan Châu Trinh, Mập nói con có mà chó táp nhằm ruồi .
- Nó chọc con thôi . Ngoại thấy nó mừng quá xá. Đi đi con.
Ty Ty với Tâm Minh về nhà. Tâm Minh tóc che rũ lưng ra dáng thanh mảnh dịu dàng. Ty Ty cao hơn bạn cái đầu , bự con, lều khều . Quần "chú thòng" quá gối, tay thọc túi kênh kênh. Đôi bạn khác nhau trời vực . Dọc chiều dài con chợ đám "đâm hông", Ty Ty chuyện trò nhí nhố với đám dân cư của chợ kiểu tưng tửng chết cười .
- Ty Ty! Mi đậu vô Phan Châu Trinh hả - Anh chàng Thạnh sứt bán bi hỏi - Có quay cóp chi không mà đậu ngon lành rứa ?
- Có. Tui hỏi ông thầy coi thì, bì gánh cái xế ống mòn chưa, tui biếu ổng cặp mới hiệu Japan đàng hoàng, rứa là ngon lành tơi tới - Con nhỏ ba hoa vô tội vạ .
Chị Hoa phụ tùng honda, ong óng:
- Ty Ty ơi! Lão Nhậm ống đồng đòi bóp mũi mi, lão nói mối của lão , mi đớp hết.
- Đúng oan Thị Kính. Thấy em con nít, lão được ăn được nói . Chị yên tâm, chiều em tới "thăm" lão .
Đi mấy bước, Kim đinh rỉ với trọng lượng 38 kg cân cá áo quần, một vợ, hai con, thêm bồ nhí như đỉa hút máu, chọc Ty Ty khi tay cho vào bụng gãi sồn sột .
- Ty Ty ! Khi mô hết bận cái quần nớ, để chú Kim đấu giá cho viện bảo tàng nghe .
- Đói cho sạch rách cho thơm, quần tui để chú đấu giá mua được, tui nhảy xuống sông Hàn mò tôm sướng hơn.
- Là răng? - Kim đinh rỉ trố mắt.
- Quần tui nửa ống mà thơm, quần chú nguyên ống mà thúi, hai tháng chưa giặt, một năm chưa tắm, sợ quần tui về với chú tủi thân.
Tâm Minh len lén nhìn bạn, mặt Ty Ty tỉnh khô, cười toe khi Kim đinh rỉ đỏ mặt . Cả chợ cười theo râm ran . Con nhỏ ngộ thiệt, răng hắn biết lão Kim ở dơ nhất nước?
Đi tới ngã tư Tăng Bạt Hổ và Đoàn Thị Điểm. Tâm Minh nói:
- Qua rủ Hồng Điệp đi luôn hỉ .
Ty Ty huơ tay:
- Khỏi . Cô Bích không ưa dân chợ trời như tao . Mi đi, tao qua anh Mập trước.
Ty Ty chưa tới cửa nhà Chín Mập, thấy Mập lù lù phóng cúp ra .
- Đi với anh.
- Đi mô ?
- Đi trốn. Anh hết chịu nổi .
Ty Ty tưng tửng:
- Ở nhà bà Bốn Khoai có nồi chè đậu đỏ, có mấy em học trò chờ tạ ơn... thầy.
Mặt Chín Mập la như khỉ ăn ớt:
- Anh muốn hóng gió.
Ty Ty gạ gẫm:
- Với điều kiện, Ty Ty làm tài xế.
Chín Mập hơi ớn bởi con nhỏ khoái cảm giác mạnh, từng một lần làm Chín Mập teo tim.
- Chạy chậm thôi, hứa đi .
Con nhỏ hứa như cuội, nhưng trừ Chín Mập . Ty Ty vi vu cầm lái quẹo Trần Tế Xương qua Ngô Gia Tự, rẽ Hùng Vương, đâm thẳng Bạch Đằng với tốc độ ba mươi kmh.
- Khi mô Mập đi ?
- Hai lăm tháng tám. Ty Ty nè!
- Chi ?
- Ở nhà ráng học hỉ . Đừng mê kiếm tiền, lăn miết ngoài chợ không hay mô .
- Cha trời! Không mê tiền rứa mê chi ? Mập ráng học vì muốn kiếm tiền danh giá thôi .
- Ở chợ phức tạp, sợ...Ty...
- Hư hỏng na ?
Chín Mập làm thinh một chập:
- Chợ trời...
- Chợ trời na nha Mập? Ở đó chi cũng có.
- Bởi rứa anh lo .
- Lo con khỉ. Ty Ty tốt lành chi còn sợ bôi đen? Con một ả điếm thôi .
- Ty Ty!
Xe qua ủy ban nhân dân . Từ Quang Trung một chiếc cúp 81 bất chấp bảng cấm đường một chiều, rẽ phải, ngược hướng bến phà.
Rầm!
Ty Ty lanh như chớp, ngoặt đầu xe, nhưng bị tán một cú ngang sường. Chín Mập té lăn lòm còm bò dậy và hết hồn khi thấy Ty Ty xoay ngược mũ lưỡi trai, dấu hiệu muốn ăn thua đủ , chụp cổ thằng lớn, chân đạp thằng nhỏ (trạc tuổi Ty Ty đang té duới đất), gầm như sư tử cái .
- Đồ mất dạy! Đồ du côn! Dám tông Ty tỷ tỷ hả?
Tên thanh niên cố gỡ tay Ty Ty khỏi cổ áo, giọng du côn ngang phè:
- Bỏ ra nhỏ. Muốn chết hả con chằn?
Con chằn giật mạnh vạt áo trước hắn toạc dài . Hắn sửng sốt há hốc bị "chơi" luôn hai tát tai trời giáng. Chín Mập hết hồn nhảy ra kéo Ty Ty đứng sau lưng mình.
Con bé xô Chín Mập, chống nạnh vênh váo:
- Cảnh cáo thôi côn đồ. Chứ muốn chi, Ty tỷ tỷ chợ Tăng Bạc Hổ hầu .
Chẳng hiểu vì ba chữ Ty tỷ tỷ hù được gã, hay tiến xe lẫn bóng đồn gục cảnh sát giao thông thấp thoáng, khiến gã ngại . Gã lầm lũi dựng xe quay đầu, nghiến răng:
- Con ranh! Mày giỏi, còn gặp nhau .
Cả hai mất hút. Chín Mập dựng xe, quát:
- Răng em ngu rứa ? Rủi tụi hắn đánh thì răng?
- Thì có anh, họ võ mần chi không "chơi" mấy tên du côn nớ để hắn chừa ?
- Nếu không có anh?
- Thì ngu chi đánh? - Ty Ty lõ mắt vẻ không hiểu nói .
Chín Mập kêu trời không thấu .
- Uống nước dừa, anh Mập - Ty Ty dụ khị .
Chín Mập cười như mếu, gật đầu . Ghế đá bờ sông, Ty Ty thoải mái nằm dài, gối đầu lên tay đếm bông giấy rụng. Chín Mập ngồi kế bên, dưới gốc cây dừa nghiêng nghiêng.
Ly nước dừa cạn sạch, Chín Mập chưa được lời gì bảo ban Ty Ty cả . Bao năm rồi, cùng chơi với nhau, trong ba đứa , Chín Mập thương Ty Ty hơn cả. Nó là đứa bất hạnh, tuổi thơ nghèo khổ còn bị vấy bẩn bởi người mẹ sa đọa . Nó không xấu, không biết buồn thân phận, mặc nhiên chấp nhận, hòa mình. Nhưng có vài phút giây Chín Mập bất chợt gặp nó thường nhìn Nu, Mi với hạnh phúc gia đình bằng ánh mắt thẫn thờ.
Chín Mập chợt hiểu Ty Ty ranh mảnh, quậy phá, Ty Ty dữ dằn ..... Ty Ty cười không biết khóc để che dấu điều thường tình ở con tim bé xíu, chưa từng được thơ ngây . Thương Ty Ty quá.
- Ty Ty ơi!
- 267, 268. Chi rứa ?
- Cái chi 268?
- Bông giấy rụng, 269. Mập nói đi, 270.
- Tuần nữa anh đi rồi, Ty Ty làm ơn đàng hoàng nghe anh nói . Được không? - Đột nhiên Chín Mập gắt.
Con bé trố mắt, nhỏm dậy:
- Răng đó cộc rứa ? Nói Ty Ty nghe mà .
Bộ mặt Chín Mập chắc ngầu lắm, Ty Ty hơi ré, bèn tỏ ra chăm chú lắng nghe . Thật ra là chuyện thường ngày ở nhà, điều Chín Mập nói y khuôn bà ngoại nói mỗi chiều hai bà cháu thường về nấu cơm . Nào là "Lớn rồi phải họ ăn, học nói, họ gói họ mở" . Nào là, phải con nhà, phải làm sao được "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" . Nào là " Cái nết đánh chết cái đẹp" . Nào là "Mai sau làm cử nhân bác sĩ không thể đối xử với bao người kiểu ngoài chợ nhí nha nhí nhố" v.v...
Chín Mập nói tới đâu, Ty Ty gục đầu đến đó , ngoan ngoãn đến mức Chín Mập ngạc nhiên . Trời ơi! Hôm nay nó trúng thuốc gì chăng?
- Ty Ty! Hiểu anh nói gì không?
- Dạ hiểu mà - Ty Ty tỉnh queo - Chuyện anh nói nãy giờ, giống y như bài kinh tụng của bà ngoại .
Chín Mập thở ra, đứng lên:
- Em không nghe thì thôi, mình về.
Ty Ty háy một cái:
- Ai nói Ty Ty không nghe . Nghe đến thuộc nhuyễn như cháo luôn à. Anh cứ yên tâm đi học, Ty Ty ở nhà sẽ yểu điệu thục nữ tới chảy nước luôn.
Chín Mập lắc đầu . Trời ơi! Con gái con đứa, ăn với nói .
Cả hai về nhà trời đã tối mịt. Mi, Nu đang ngồi ngóng ở cửa . Bà Bốn rầy:
- Dữ không. Anh em bây đi đâu để hai đứa chờ?
Ty Ty vô tư:
- Mập chở con qua hóng mát Bạch Đằng, uống nước dừa , nói chuyện trên trời dưới đất.
Lối nói lơ lửng của Ty Ty khiến Mi che miệng cười . Mỗi Nu lên ruột, lòng nghĩ, chuyện trên trời dưới đất sao không nói nhau nghe lại lên tuốt bờ sông hở trời ?
Như mọi cuộc tiễn biệt, Mi đèo Ty Ty trên chiếc chaly , Nu đi chiếc cúp đèn vuông 82 tà tà bên Chín Mập . Đích thân bà Hai Gấm tức là bà Hai Cầu Tự chở "cục cưng" dòng họ trên chiếc Dream II ra ga . Đằng sau là tám bà chị với một lô cháu trai gái, lớn nhỏ, khóc cười náo nhiệt.
Nu dịu dàng nói với Chín Mập:
- Anh Thiên vô tới, nhớ viết thư về kẻo bác Hai trông nghe.
- Chắc anh gọi điện, nhà mới lắp điện thoại .
- Nhà em sắp lắp, có số, Nu bảo anh.
Bà Hai nghe Nu nói chuyện, bụng thương. Ba đứa , nhỏ này đẹp nhất, lại đi đứng chỉnh tề, ăn nói khôn ngoan, đúng là con nhà giáo, không như con Ty Ty . Cha trời! Hồi bà bằng tuổi nó, cha thằng Thiên tỏ rẻ rồi, còn nó cứ tồng ngồn quần đùn áo ba lỗ trèo cây, đánh lộn ngoài chợ , về nhà quậy đám con nít hàng xóm. Nào bắn bi, đán tán, nào ui mọi, cướp cờ... Biết sao được, nòi không đức hạnh mà.
Mi theo lịnh Ty Ty lạng xe qua Chín Mập , con bé ngòn nghèn:
- Mập ơi! Còn sớm, ăn mì Quảng không?
- Thôi . - Chín Mập liếc nháy Ty Ty, cậu chàng biết mẹ ghét ai gọi mình là Mập. Thật ra, Thiên hết mập từ hồi học võ, giờ cao lớn, bảnh trai, thêm lông to phun phún hai bên mép, trông ngon mắt lắm.
Cô nhỏ tỉnh bơ:
- Gì mà thôi ? - Ty Ty đãi .
- Đợi tết anh về ăn bù.
- Mừng quá, đỡ tốn - Ty Ty cười khì, làm mặt xấu .
Bà Hai Gấm bực:
- Nó có thiếu thốn gì chuyện ăn uống đâu con.
Xe quẹo Hoàng Hoa Thám vào ga, bà Hai Gấm nhìn Ty Ty càng bực . Trời ơi! Ai cũng ăn mặc đẹp, con Mi đầm xòe nhí nhảnh. Con Nu đầm dài tha thướt. Mỗi nó quần short "chú thòng" lơ lửng, áo cánh cột vạc ở bụng.
Thấy ánh mắt bà Hai Cầu Tự, Ty Ty hiểu liền, con nhỏ tinh nghịch kéo tay Chín Mập nói:
- Qua em nói cái này .
Cả hai qua một góc, Ty Ty lấy từ túi quần ra một hộp khăn kín .
- Chừng nào nhớ nhà mới mở à nghen. Còn nữa, đồ rách tự vá, Ty Ty có bỏ kim chỉ ở trỏng. Đừng nhờ con gái Sài Gòn nói "chài" luôn, quên lối về quê mẹ.
Chín Mập ngẩn ra, sao hôm nay Ty Ty có vẻ "phụ nữ" vậy ta . Dù gì cũng mừng.
- Ráng học, nhớ thư cho anh.
- Ráng học, nhớ thư cho Ty Ty .
Chín Mập hồn nhiên kéo tay Ty Ty, cụng đầu , nói:
- Bớt quậy đi . Hồi hôm, sao bà Vạn té đến vẹo lưng vậy ? Nghe nói ai quăng vỏ chuối .
- Ai biểu chửi em con đĩ thúi . Em chơi bi, khoét đất ngoài đường, mắc gì tới bả.
- Rủi bả liệt hai chân?
- Làm gì có. Bả đi như voi, cái vỏ chuối nhằm nhò gì? Thôi, Ty Ty trả anh lại cho mọi người . Về trước đây .
- Chơi với anh chút.
Cô bé nhăn mũi:
- Ty Ty không ngu, tạo cơ hội cho mẹ Mập mở cuộc chiến tranh đâu . Chờ đây, em gọi Mi .
Mi cũng gởi quà, hơn Ty chỗ cặp mắt đỏ hoe vì khóc. Cả hai chào ra về trước, Nu ở lại để tiễn anh Thiên một đoạn.
Chiếc Chaly chạy vòng vòng quanh phố, Ty Ty lẩm bẩm lúc rẽ Nguyễn Thị Minh Khai :
- Răng buồn ri hả trời ?
Mi mếu máo:
- Vì anh Thiên đi rồi .
Tự dưng Ty Ty quạu:
- Nín. Nước mắt dư hả ?
Mi nín liền, một lúc hỏi:
- Răng đi ngõ ni ?
- Đi dạo cho bớt buồn.
Ty Ty quẹo qua Quang Trung, đăm thẳng bờ sông, đừng trước sân tennis 30 Bạch Đằng. Gại hai ly nước dừa, cô nhỏ có cuộc nói chuyện kỳ cục chưa từng có.
- Ê Mi ! Hôm trước Mập khen mi răng hè?
- Mi đâu nhớ .
- Ráng nhớ coi .
Mi nhăn trán, mắt liếc Ty Ty e dè:
- Hình như là hồn nhiên con gái, nhân hậu, hòa đồng.
- Chà! Điểm số chín mươi trên một trăm. Còn con Nu ?
- Xinh đẹp, dịu dàng, thông minh, tế nhị .
- Cha mẹ ơi! Một trăm phần trăm luôn à.
Mi chớp mắt buột miệng:
- Nhưng mẹ Mi nói khác.
- Khác cái chi ?
Mi bối rối, bưng ly nước dừa uống hoài:
- Nói đi - Ty Ty gắt.
- Mi không nói mô . Có lẽ mẹ Mi thành kiến thôi . Nghe nói hồi nớ nhà Nu mắng nhà Mi là tư sản.
Ty Ty trề môi::
- Xưa như trái đất còn kể. Nói đi .
- Mẹ Mi nói, Hồng Diệp khôn... ư... ranh, vị kỷ .
- Cha mẹ ơi! Mô đến rứa, Ty Ty nghĩ , bé Nu là mẫu phụ nữa thời đại thôi . Đồng ý chứ?
Cô bé cười khì, gãi gãi đầu khi Tâm Minh gật đầu:
- Tóm lại, gay rồi .
- Gay chi, Ty Ty ?
Nốc một hơi cạnh sạch ly nước dừa, Ty Ty than thở:
- Anh Mập bắt Ty hứa phải nề nếp con nhà. Hỡi ơi! Nghĩ tới nghĩ lui, chắc không được rồi .
- Có chi không được? - Mi nhoẻn cười - Chỉ cần Ty Ty đừng quậy, đừng chọc hàng xóm "mó mấy" là được rồi .
- Rứa buồn chết.
- Gắng lên, Ty Ty . Bớt hơn thua ngoài chợ, cố gắng học, bỏ ngoài tai chuyện bực mình là ổn.
Ty Ty nhìn Mi chòng chọc:
- Ai móc miệng mi hôm qua hà?
- Không . Là mẹ Mi nói .
- Nói chi ?
- Nói Ty Ty tốt, chỉ tại người đời thành kiến biến Ty Ty thành loại ba gai .
Ty Ty trố mắt. Cha mẹ ơi ! Madame Nga suốt ngày nhìn vàng 24K nói toàn "chỉ, cây" răng rành tâm lý dữ?
Dù sao Ty Ty nghe xúc động nao nao . Bỏ . Bỏ hết. Không được nghĩ tới .
- Uống lẹ, về Mi .
- Về chi sớm?
- Về chạy mánh, kiếm tiền nộp trường. Đầu năm tốn dữ à nghe .
Mi buồn xịu . Trời ơi ! Lời anh thiên dạy nó như nước đổ lá môn thôi .
Ty Ty ngẩn tò te nhìn mình qua tấm gương ở chiếc tủ mới mua hôm tuần rồi .
Nhờ ơn trời, lẫn tấm lòng các chư vị chức sắc, lẫn khu vực chợ đâm hông Tăng Bạt Hổ, căn nhà bà Bốn Khoai che ... tường xây, lợp ngó, gác lững hẳn hòi, có tủ bàn mới, thêm cái tivi JVC chễm chệ . Ty Ty có xe đạp mới, thêm hai "bộ cánh" dài tha thướt, ẻo lả dễ sợ .
Chừ đứng trước gương, Ty Ty thấy mình đến phát lạ ra . Ôi ! Bà ngoại ơi ! Lượt thượt thức ni, làm sao quậy nổi .
- Ty Ty ơi ! Đi kẻo trễ .
Giọng Hồng Diệp ngọt trong êm dịu, khiến Ty Ty bừng tỉnh . Cô nhỏ chụp nhanh chiếc cặp, dắt xe ra ngõ . Diệp nhìn nhỏ, che miệng cười khúc khích .
- Cười chi ? -- Ty Ty xụ mặt .
Hồng Diệp lắc đầu :
- Đừng quạu mà . Ty Ty chừ xinh lắm . Đến cuối năm tóc dài, ra dáng thiếu nữ rồi .
À ! Thì ra cười mái tóc cụt lởm chởm của Ty Ty . Cô nhỏ lúng túng kéo vạt áo để lên yên xe . Diệp chìa chiếc cặp nơ màu hồng phấn xinh xắn .
- Tặng Ty Ty . Bạn kẹp lên rồi đi .
Ty Ty vùng vằng nhưng rồi cũng để Minh kẹp giùm . Giờ trông nhỏ diệu dàng hơn .
Cả ba đạp xe đến trường khi trời chiếu từng tia nắng lấp lánh buổi ban mai . Hồng Diệp ra thông báo :
- Nhỏ Hồng xóm Chuối học lớp mình .
- Răng Nu biết ? -- Mi thất thanh .
- Mi sợ chi ? -- Ty Ty gắt .
Mi làm thinh . Đúng là cô nhỏ sợ Hồng đến chết khiếp từ thuở thơ ấu tới giờ . Hồng vừa to lớn, vừa hung dữ, điêu ngoa . Lớp choai choai xóm Chuối, xóm Hồ rét con nhỏ vì tính tọc mạch, xoi mói, ai làm chuyện chi, hắn cũng biết đểu rêu rao . Từ thuở nhỏ, vì Mi, Ty Ty với Hồng thành kẻ thù không đội trời chung ở vòm trời xóm Chuối . Hồng luôn khốn đốn với Ty Ty, ngược lại Ty Ty bị bôi đen khắp phương Hai Châu hai qua miệng lưỡi Hồng .
- Đừng sợ . Có Ty Ty đây .
Buỗi lễ khai giảng ngang thời gian một tiết học . Lớp 10A2 của Ty Ty đón thầy chủ nhiệm bằng vẻ hồi hộp buổi đầu tiên . Lớp được thầy xếp ngồi theo thứ tự ABC, nên Hồng Diệp ngồi trên Hồng một dãy, Mi ngồi bên Ty một dãy phải .
Thầy điểm danh, từng trò đứng lên . Tới tên Nguyễn Thị Ty Ty, cả lớp rúc rích . Cái tên khai sanh ngộ quá mà . Quên phắt, tưởng đang ở chợ, Ty Ty nổ liền :
- Chi mà cười ? Tên tui xấu lắm na ?
Giọng cô bé ong óng khiến thầy chủ nhiệm giật mình . Cả lớp ngỡ ngàng nhìn Ty Ty, im phăng phắc .
Bàn trên, Hồng Diệp ngoái lại nhăn mặt . Minh suỵt . Hồng nguýt dài nanh nọc, giọng kéo dài :
- Bạn Ty nè ! Đây là lớp học, không phải chợ trời mô, cần nhỏ nhẹ, có văn hóa một chút .
Ty Ty ngồi xuống, môi run run . Ông thầy lẫn cả lớp nhìn Ty Ty chăm chú . Buổi học đầu năm cấp ba trôi qua với Ty Ty thật nặng nề .
Đến gần cuối học kỳ I, Ty Ty trở thành "nữ quái siêu quậy", qua lời khuyên miệng của Hồng về mọi thành tích Ty Ty ở xóm Chuối, xóm Hồ lẫn khu chợ trời đâm hông Tăng Bạt Hố và Ty Ty "tô đậm" truyền thuyết mình vào một buổi chiều trong giờ thể dục .
Thầy thể dục lớp lớp 10A2 tuổi hơi cứng, tính nghiêm khắc . Với thầy, châm ngôn đi đầu là "Một trí tuệ minh mẫn trong một thể xác tráng kiện". Vì vậy, giờ thể dục của thầy, học sinh thở luôn miệng và lỗ tai .
Chạy đến vòng thứ ba, Mi muốn xỉu, cô nhỏ đưa tay xin phép thầy không thấy, cứ chạy tiếp . Ty Ty rời vòng đỡ bạn tách ra rồi nói :
- Ráng lên Mi . Hít thở thật mạnh, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng . Rứa . Đi quanh, đừng đứng lại sẽ dễ xỉu .
Hồng gia mắt, con bé vốn là trường ...
(thiếu trang 108-109)
... Ty Ty chạy, mặt im lìm . Hồng châm lửa vào thùng thuốc súng, lúc chạy kề bên .
- Tao sẽ trị mi tới cửa, coi còn giở thói lưu manh, chợ trời không ?
Ty Ty đứng lại, đưa ngang chân, Hồng bất ngờ té xấp . Ty Ty túm mái tóc đuôi ngựa giật mạnh, chận đạp vào ngực Hồng nói qua hàm răng nghiến chặt :
- Nếu mi dám giở trò, tao không ngại "chơi tới bến" .
Đám nam sinh, nữ sinh vây kín vòng tròn, thộn mặt nhìn . Thầy quát lớn, len vào, chết lặng khi thấy Ty ngồi trên bụng Hồng, túm tóc, tát lia lịa vào mặt .
Bấy giờ, đám học sinh bừng tỉnh, nhào tới gỡ ra . Hồng Diệp kéo Ty Ty, cô bé chỉ tay vào Hồng :
- Tao lớn lên từ lề đường, chợ trời, phải dành ăn kiếm sống với bọn lưu manh trộm cắp . Nhưng tao hãnh diện vì không bỉ ổi, đê tiện nói xấu, dám thọc sau lưng người khác như mi . Liệu hồn, đừng đụng tới Diệp và Minh . Cái nhà của mi chỉ một mồi lửa, còn cái mặt mi, chỉ nửa miếng lưỡi lam . Nhớ đó .
Ty Ty đi theo thầy thể dục lên phòng giám thị ...
Cả lớp kéo theo, nháo nhác dậy trời . Mỗi Minh khóc nức.
Hội đồng kỷ luật nhóm họp, đòi đuổi học Ty Ty . Thầy chủ nhiệm phản đối , cô giáo văn phản đối , đòi phải điều tra làm rõ vụ việc . Cả hai nói một ý :
- Ty Ty không thuộc diện học sinh khá nhưng chăm , tính cộc , nhưng luôn bảo vệ bạn . Ở lớp , không hòa đồng vì lời đồn đãi về Ty Ty khiến con bé sống cô lập . Trẻ nhỏ nông nổi vì mặc cảm , cần nâng đỡ giáo dục , không nên theo lý bỏ tình .
Lần lượt học sinh lớp 10A2 bị gọi lên hỏi về Ty Ty . Lớp trưởng là Việt , chắc chắn, thận trọng nói :
- Bạn Ty tính nóng , nói rất to , trừ bạn Minh và bạn Diệp, Ty Ty không chơi với ai, nhưng luôn giúp đỡ mọi người . Về lời đồn đãi là do bạn Hồng .
Bí thư lớp là Hạnh , đoàn viên nòng cốt , nói :
- Bạn Ty chưa phải đoàn viên , mọi công tác lớp giao đều hoàn thành tốt . Đời sống bạn ấy lúc trước nghèo khổ, hiện tại đủ sống . Sau giờ học , bán ở chợ trời, không có mẹ, ở với ngoại . Bạn Hồng kể với lớp, mẹ bạn Ty làm ... làm ... Thưa thầy, lớp sợ bạn Ty qua lời bạn Hồng kể .
Tâm Minh vừa khóc , vừa nói :
- Ty Ty tốt lắm . Tại bạn Hồng luôn "làm nhục" Ty Ty .
Hồng Diệp dịu dàng thong thả nói :
- Thưa thầy . Nghèo , kiếm sống ở lề đường, chợ trời không có tội , nhưng Ty Ty hay mặc cảm . Lăn lộn chợ , Ty Ty quen ... nhiễm thói xấu là lẽ dĩ nhiên, nhưng điểm tốt ở Ty Ty , ta phải thừa nhận . Em làm bạn với Ty Ty vì muốn bạn ấy tốt hơn , vì mong bạn ấy thành một thanh niên có giáo dục . Còn Hồng luôn muốn đẩy Ty Ty xuống bùn nhơ .
Cả Ty Ty , Hồng bị cảnh cáo trước toàn trường , nếu một học kỳ sau không sửa đổi, sẽ bị hạ bực hạnh kiểm , ghi vào học bạ .
Cô giáo văn tới nhà Ty Ty thăm hỏi , trò chuyện một tối . Cô nói gì ,Ty Ty không hé môi với Mi , Nu, nhưng từ đấy Ty Ty dần thay đổi .
o O o
Năm tháng dần trôi, Chín Mập mỗi năm hai lần về nhà nghỉ hè ăn tết . Ba cô bạn nhỏ , học lớp mười , qua mười một , đến mười hai . Thế nhưng Chín Mập chưa một lần thấy ai mặc áo dài cả . Hè về , ba cô nghỉ hè trước , tết về , ba cô nghỉ tết trước . Đi chơi chung thì Mi mặc đầm ngắn, Diệp đầm dài , Ty Ty jean bụi muôn thuở . Chín Mập kêu lên :
- Mặc áo dài anh xem thử .
Cả ba chúm chím , lắc đầu quầy quậy .
Hôm hai lăm tháng chạp ,Chín Mập xuống ga . Bà Hai Gấm đã đón ở cửa , bên bà là Hồng Diệp . Ty Ty , Minh vắng bóng . Chín Mập bồn chồn . Gần bốn năm đi học xa nhà , liên lạc đều đặn bằng thư , điện thoại , hình bóng là Hồng Diệp , Tâm Minh, thỉnh thoảng mỗi Ty Ty là bặt âm, không một lá thư , không một lần trò chuyện , dù bao lần Chín Mập hẹn trước, sẽ gọi ở máy nhà vào lúc nào , mấy giờ .
Mỗi lần Chín về nhăn , Ty Ty tưng tửng :
- Hồng Diệp đại diện được rồi . Em dốt như bò phải ráng cày kẻo rớt , anh gõ đầu .
Ty Ty khác nhiều lắm . Vẫn tưng tửng đùa vui nhưng không còn quậy phá . Ánh mắt dấu kín mọi điều , khiến Chín nhói lòng . Ty Ty , cô em gái nhỏ ngày xưa đâu rồi .
Ôm mẹ, Chín hỏi Diệp :
- Mi với Ty Ty đâu ?
- Ngoại bị té hôn mê mới đưa vào bệnh viện .
Chín Mập tái măt :
- Ngoại có sao không ?
- Em chưa biết . Mới cách đây nửa giờ .
Chín Mập chạy ra bãi xe, giao , dắt xe ra hè :
- Diệp chở mẹ về , con ra bệnh viện .
Mắt Diệp tối lại . Bà Hai Gấm than :
- Cái thằng , thấy mẹ chưa kịp mừng đã chạy .
Diệp mỉm cười :
- Hoàn cảnh bà cháu Ty Ty đơn chiếc , anh Thiên giống bác , tính nhân hậu , lẽ nào làm khác .
Cha trời ! Con nhỏ vừa hiểu biết , vừa khôn ngoan .
- Con đưa bác về, rồi ra luôn, xem giúp Ty Ty được gì .
Lúc ấy Ty Ty đang đi sau xe đẩy đến khu hồi sức nội . Bà Bốn nằm mê man như ngủ . Chai dịch truyền nhỏ giọt , lủng lẳng . Phía sau , Tâm Minh khóc bệu bạo .
Bà Bốn được chuyển qua giường, y tá đuổi Tâm Minh ra . Ty Ty mặc áo choàng hồi hộp hỏi mấy viên bác sĩ đang khám :
- Ngoại con có răng không ?
Viên bác sĩ trẻ nhất hơi cười khi nghe Ty Ty xưng "con" . Nàng cao ngang tai anh, "nhon" không chịu được, lại xưng con ngọt xớt .
- Ngoại em bị tai biến , khá nguy hiểm , chúng tôi sẽ cố gắng . Em ra đây, cần mua thêm ít thuốc .
- Thưa bác sĩ , có nhiều tiền không ?
- Kha khá .
- Con phải chạy về nhà mượn tiền, được không ?
Viên bác sĩ trẻ bất giác sờ túi , vừa lúc Chín Mập đâm bổ vào , ngay khi cô y tá mở khóa cửa .
- Ty Ty !
- Anh Mập !
Thiên như mơ khi thấy Ty Ty ôm chầm anh . Giờ cô khóc được rồi và khóc ngất .
- Mập ơi ! Gọi ngoại dậy cho Ty Ty , ngoại ngủ vậy Ty Ty sợ lắm .
Thiên choáng váng vì lo, vì mùi hương tóc Ty Ty đem lại cho anh cảm giác lạ kỳ . Theo quán tính tự nhiên , anh ôm cô dỗ dành :
- Ty Ty ngoan , đừng khóc . Có anh , ngoại không sao đâu . Anh thề đó .
Cô gạt nước mắt , chìa tay .
- Gì ? - Thiên ngạc nhiên .
- Tiền cho Ty Ty mượn mua thuốc .
Màn trình diễn làm vị bác sĩ trẻ xốn mắt chấm dứt . Ty Ty ngồi với ngoại , Thiêm đâm bổ đi mua thuốc . Hối Minh chạy về nhà , chở ghế bố , bình thủy , quạt máy , mùng mền ... Minh quay ra, có Hồng Diệp đi theo , cả hai nhìn qua cửa kính thấy Thiên bên Ty Ty, vuốt tóc cô , nói gì đó với viên bác sĩ . Hồng Diệp tái mặt . Minh vô tư :
- Hết hồn. May mà có anh Chín . Lạy trời cho bà ngoại tai qua nạn khỏi .
Chín Mập ra , nói nhanh :
- Tết nhứt việc nhà bề bộn phải không ? Hai đứa cứ về , để anh ở đây với Ty Ty được rồi .
Hồng Diệp cắn môi , dịu dàng :
- Anh nên về tắm rửa, ăn tối với nhà . Mai ra không muộn . Đừng để bác buồn .
Tâm Minh khuyên :
- Phải đó anh Chín . Em xin phép mẹ rồi , tối nay ở đây với Ty .
Thiên dặn dò Minh, vù về nhà . Hồng Diệp theo về . Trên đường , Thiên hỏi :
- Chuẩn bị thi đâu chưa Nu ?
Thiên đâu biết từ khi lớn, Diệp ghét tên Nu , nhưng Thiên gọi thì không sao .
- Sang năm anh ra trường , định làm đâu ?
Thiên thờ ra . Anh muốn về đây , nhưng biết khó . Đà Nẵng chưa phát triển, tìm việc phải tốn kém , tiền lương không bao nhiêu .
- Anh chưa biết . Trước mắt thành phố sẵn công việc ăn việc làm ngành điện tử đang hút người .
Hồng Diệp ghìm niềm vui :
- Em thi Sài Gòn , nếu đậu , anh phải chăm sóc cho em à nghen .
Thiên vô tư :
- Dĩ nhiên . Chỉ tội cho Ty Ty mất người bạn .
Thiên đứng trước nhà . Diệp vẫy tay chạy thẳng vô Tăng Bạt Hồ . Thiên tắm rửa , ăn cơm xong , Diệp chạy qua . Bà Gấm thấy Diệp hồn hậu nói cười , khen với con trai :
- Hồng Diệp đẹp nết, đẹp người , ai cưới được nó có phước .
Thiên tròng aó vào người, " đóng thùng " tề chỉnh rồi nói :
- Chuyện em gái con , đứa nào không đẹp người , đẹp nết .
- Ậy ! Sao là em gái . Bạn gái chứ . Con Diệp với con đâu máu mủ gì .
Thiên ngờ ngợ nhìn mẹ . Xưa nay , bà Hai Gấm đâu biết nói lời bóng gió. Gì đây , mẹ Việt Nam ? Đừng có vơ vào , thiệt thân nghe .
- Mẹ đừng quên con ẵm bé Nu hồi nó còn ở truồng nghe . Không anh em là gì ? Con sẽ tìm thằng bạn nào bá chấy gả cho nó .
Mặt Diệp đỏ lên rồi tái nhợt , cô lí nhí :
- Anh hư thiệt . Ăn với nói .
Thiên cười to, cốc đầu Diệp một cái :
- Ngồi chơi với mẹ anh đi . Anh ra bệnh viện đây .
- Mai ra cũng được mà con . Mới về, cần nghỉ ngơi .
- Con khỏe mà . Để mình ngoại Bốn với Ty Ty ngoài đó không được đâu .
Bà Hai Gấm thở ra . Thằng nhỏ nói cũng phải , tội nghiệp nhà dì Bốn đơn chiếc . Có điều ....
- Dọn dẹp nhà cửa ,bàn thờ phần con à nghe .
- Mẹ yên chí .
Thiên vọt lẹ, không kịp chào ai, một mạch ra bệnh viện . Mi về rồi , còn Ty Ty ngồi bên ngoại . Thiên choàng áo đi vào , đặt tay lên vai Ty , hỏi nhỏ :
- Bác sĩ nói sao em ?
Ty Ty buồn rầu nhìn Thiên :
- Bác sĩ nói đang theo dõi , rứa thôi .
- Em ăn gì chưa ?
Ty Ty lắc đầu :
- Em không đói .
Thiên nắm tay cô bé , lòng bồi hồi :
- Ngoan , Ty Ty phải ăn chút gì mới có sức chăm sóc ngoại .
Ty Ty ứa nước mắt , chúi mặt vào Thiên :
- Em sợ lắm . Sợ không có em , ngoại sẽ bỏ đi .
Thiên đứng , Ty Ty ngồi trán cô gục vào ngực Thiên tin cậy . Thiên muốn ôm cô an ủi như hồi bé dại , nhưng anh không dám . Viên bác sĩ trẻ qua hai làn kính cửa nhìn anh đăm đăm .
- Không đâu . Ngoại ngủ thôi . Mình nhờ bác sĩ ngó chừng , anh đưa em đi ăn xong vô liền .
Thói xấu Ty Ty là háu ăn , chẳng hiểu phải vì tháng ngày đói khổ xưa, nhưng Ty Ty có thể rỉ rả ăn suốt ngày , vậy mà trưa tới giờ chưa hột cơm bỏ bụng - Nghe Thiên nhắc, bụng Ty Ty bừng sôi cơn đói . Cô ngoan ngoãn đứng lên rồi ngoại , gặp viên bác sĩ trẻ:
- Thưa bác sĩ . Chú có thể coi chừng ngoại giùm , để con đi ăn không ạ ?
Viên bác sĩ liếc Thiên , đủng đỉnh :
- Một người đi , một người ở .
Thiên năn nỉ :
- Dạ , bác sĩ vui lòng , Ty Ty bướng lắm , không có tôi , cổ không ăn .
- Hai người là anh em à ?
Ty Ty gật đầu . Thiên lắc đầu , chàng bác sĩ chào thua :
- Đi đi . Anh ngó cho .
Họ đi . Chàng ta gọi giật :
- Ty Ty , anh tên Đáng . Gọi anh là Đáng , đừng xưng con nghe ghê quá .
Ty Ty ngẩn ra , vụt bật cười . Phải, anh cỡ anh Mập, lại bảnh trai . Cô nhăn mặt , rụt cổ , lè lưỡi , nói với Thiên lúc ra ngoài :
- Ty Ty tưởng bác sĩ ngầu xí lắm , té ra vừa tốt bụng , vừa hào hoa .
Thiên cười , nheo mắt :
- Bằng anh Mập của em không ?
- Xờ ...i ! Răng bằng được ? Chúng ta sinh tử chi giao mà .
- Vậy hứa với anh, học xong đại học mới có bồ nghe .
Ty Ty ngẩn ra . Có bồ ? Đúng là rỗi mà . Hình như anh Mập không bình thường .
- Bồ lúa thì có . Em ở với ngoại thôi .
Cả hai vào căng tin . Thiên ép lắm , .... Ty Ty mới ăn hết tô bún, ly sữa chỉ uống một nữa, nằng nặc đòi về .
Đến nửa đêm , Thiên mua lần thuốc nữa, chích cho bà Bốn . Bác sĩ khám lại rồi nói :
- Đỡ khá nhiều , hy vọng tiến triển tốt .
Thiên thở phào . Nhìn lại Ty Ty đã ngủ say ở ghế, đầu gối vào nệm giường . Anh lẳng lặng bồng xốc cô ra ngoài , đặt vào ghế bố , cột mùng xong trở vào . Đáng đứng ở hành lang hút thuốc , thấy anh , hỏi :
- Ty Ty ngủ rồi à ?
Lối gọi Ty Ty thân thiết , khiến Thiên khó chịu . Anh lẳng lặng gật đầu, một lúc nói :
- Từ bé Ty Ty đã thế , ham ngủ , ham ăn , ham quậy , suốt ngày chọc lối xóm mắng vốn, thế nhưng chơi với nhau bốn người , tôi chỉ quý Ty Ty .
- Anh thích Ty Ty à ?
Thiên nhìn xoáy vào Đáng , nhún vai :
- Còn anh ?
Đáng không trả lời , hỏi tiếp :
- Anh nói với Ty Ty chưa ?
- Tôi còn đi học .
- Vậy không chừng anh sẽ chúc mừng tôi đó .
Lời Đáng cao ngạo , Thiên cười khẩy :
- Yêu Ty Ty là một lẽ ,chấp nhận được Ty Ty là lẽ khác. Tôi chờ xem .
Thiên vào phòng bệnh , cho tới sáng anh ra vô giữa bà Bốn và Ty Ty . Gần sáng nghe Ty Ty nằm mớ gọi bà ngoại rồi gọi anh Mập , Thiên khẽ lắc đầu , nhưng lòng rộn ràng hơn . Từ bé Ty Ty chưa gọi tên con trai nào ngoài anh . Chín Mập là duy nhất , kể cả trong giấc mơ Ty Ty . Có phải ...
Ty Ty ăn tết với ngoại ngoài bệnh viện . Sáng sớm , cô mở mắt thấy Thiên ngồi bên, khoe liền :
- Tối qua , lúc giao thừa , pháo nổ , ngoại thức dậy . Bác sĩ Đáng chúc tết ngoại trước cả em .
- Sau đó ?
- Ổng lì xì em bao to bự , rồi ngoại ngủ lại . Ổng nói em đi ngủ để ổng canh chừng ngoại . Hồi giao thừa ,anh Mập ở đâu ?
- Anh đón giao thừa với mẹ xong ra đây . Thấy ông bác sĩ đang .... đắp mền cho em .
Ty Ty lõ mắt :
- Sao anh không đắp mà để ổng đắp ?
- Vì anh ra muộn .
- Bác sĩ Đáng tốt thật - Ty Ty kết luận .
Thiên nghe nhói bên ngực trái . Phải không ? Từ bé chỉ Chín Mập chịu nổi Ty Ty . Đi xa , nhớ Ty Ty nhiều nhất , kể cả thói xấu cô thể hiện đột phát . Thiên nhớ có lần hè về, chạy ra chợ thăm Ty Ty , năm cô học hết 11 . Thiên nhớ anh đứng ngẩn ra khi thấy Ty Ty ngồi giữa đám đàn ông , đàn bà, bát nháo kể chuyện tiếu lâm chọc cả đám cười bò . Rồi bà ngoại gọi Ty Ty ra bán hàng , dăm ba câu đối đáp, cô đổ khùng , xỉa xói vào mặt ông khách :
- Tôi chưa thấy ai ngu như ông . Có biết mua không ? Không biết , thì về nhà giặt tả thay vợ đi .
Hôm đó xém xô sát , Ty Ty thật hung dữ chụp cây sắt bự , định chơi luôn vô đầu ông khách . Thiên hoảng hồn bay tới . Về nhà, ngoại rầy Ty Ty dữ quá , cô nhỏ đã không xin lỗi còn nói :
- Con ghét nhất ba thằng ngu , ỷ tí tiền lên mặt làm khôn, nó là thượng đế , chắc dăm ba đồng , đồ rin nói đồ lô con phải dạ răng ?
Thiên nạt :
- Nhưng lối cư xử của em thiếu văn hóa , thiếu gì cách để người ta hiểu ra .
Ty Ty làm thinh, một lúc buông thõng một câu ngang phè :
- Dân chợ trời làm gì có văn hóa ?
Nếu không thấy ánh mắt Ty Ty tối sầm đi, thoáng nét đau đớn kỳ lạ , Thiên đã cho con nhỏ một trận . Và từ đó, anh thấu hiểu , dĩ vãng lại là một vết ố trong con tim bướng bỉnh của cô bạn nhỏ . Còn hiện tại là lưỡi dao cắt từng nhát chậm lên cái mà con bé cho đó là danh dự và lòng kiêu hãnh . Nhưng chưa một lần anh có dịp nói cô nghe chuyện con người, giữa cuộc đời bát nháo này .
Thiên bị đập thật mạnh vào vai, anh giật mình .
- Anh làm chi chết sững rứa - Ty Ty hét .
- À không . Em đi rửa mặt đi , anh ...
- Nhớ nhỏ mô mất hết hồn vía rứa ? Em xong hết rồi , anh không biết ?
Thì ra cô nhỏ làm vệ sinh cá nhân xong rồi , quay vô . Thiên cười gượng :
- Chừ vô mừng tuổi ngoại , xong anh lì xì .
- Phải nhiều hơn anh Đáng em mới chịu .
Cô khựng lại , le lưỡi nhăn nhó làm mặt khỉ với Thiên :
- Không phải em vơ vào mô nghe . Ổng chỉ lớn hơn anh ba tuổi , nên tối qua năn nỉ em gọi bằng anh ... cho trẻ .
Gớm thiệt . Tấn công hệt như quân cách mạng vào mùa xuân 75 . Hãy đợi đấy .
Tỉnh bơ, Thiên nắm tay Ty Ty đi vào phòng hồi sức . Đáng ngồi ở bàn trực , nhìn cố ý vào tay hai người đan vào nhau , như cười mà không ra cười . Ty Ty vô tư :
- Cho Ty Ty với anh Thiên vô mừng tuổi ngoại nghe .
Đáng gật đầu . Cả hai choàng áo đi vô , cô y tá đang đo huyết áp nhìn lên , mỉm cười :
- Bà đỡ nhiều rồi, chúc mừng em .
- Cám ơn chị .
Cả hai ngồi khá lâu , bà Bốn mới hé mắt . Thiên mừng rỡ nắm tay bà , gọi :
- Ngoại ơi ! Thằng Chín Mập đây .
Mơ màng cố định tĩnh , bà Bốn thoáng cười :
- Con về thăm ngoại ... na Chín ?
Đột nhiên , Thiên ứa nước mắt . Tạ ơn trời , ngoại đã tỉnh lại , nếu có bề gì , Ty Ty phải làm sao ?
- Dạ , ngoại ơi! Ngoại ráng lên , bác sĩ nói tốt rồi , con chúc tết ngoại , phước lộc đầy nhà , sống khỏe trăm tuổi .
Bà Bốn tỉnh táo hơn , cười :
- Cha mi ! Bà mới năm ba , sống thêm lâu , thêm cực , dù răng cám ơn con ... nghen Chín .
Bà Bốn khép mắt lại , Ty Ty luýnh quýnh níu tay :
- Ngoại ăn gian . Chưa lì xì con chi hết .
Cô nhỏ nói liền :
- Con chúc ngoại khỏe như ... ư ... voi, sống hoài với con . Ngoại ! Lì xì lẹ lên .
Ty Ty nhoài người lên bà ngoại . Hiểu ý , bà Bốn hơn rướn người , hôn lên má cô cháu cưng . Thiên nhìn hai ngoại cháu hôn nhau thắm thiết , tươi cười . Những lúc như vầy ,Ty Ty trông dịu dàng , đáng yêu lạ .
Thiên đặt bao lì xì vào tay Ty Ty khi cô quay lại , anh cười cười , giữ luôn tay cô .
- Chúc Ty Ty đẹp nết , đẹp người , đậu vô đại học để ngoại và anh vui .
Hơi nghiêng người . Thiên đặt nhanh môi mình lên trán Ty Ty thơm nhẹ , thì thầm :
- Hứa với anh lo học , đừng để chàng mô dụ khị nghe .
Ty Ty bất ngờ và xúc động trước cử chỉ của anh Mập . Cô thấy sung sướng lẫn chút thẹn thùng mà không hiểu tại sao . Nguýt dài anh Mập , cô nói :
- Ty Ty thề vô, thề ra là không để thằng con trai mô "lấn sân", tí toe hết . Không tin thì ngoéo tay nì .
Thiên thầm thở phào . Bên ngoài , Đáng nhìn toàn bộ màn trình diễn xốn mắt , xốn cả con tim chưa lần loạn nhịp . Không lo , hắn sắp đi , ta lợi thế hơn nhiều .
Bà Bốn nhắm mắt sau khi cô y tá thay bình dịch truyền . Thiên đợi Ty Ty đắp mền cho ngoại xong , nắm tay cô ,cùng bước ra ngoài . Ty Ty vừa đi , vừa kể . Thiên nghe chuyện mụ đỡ đẻ Hậu làm bà ngoại mà không có con rể , cô kể hăng đến quên chào Đáng . Thiên nghe chỉ cười , đợi ra ngoài căng tin mới nói :
- Em khoái chí hỉ ? Bằng lần chỉ đường cho bà Hậu đi bắt ghen ông chồng không ?
- Răng anh biết ? - Ty Ty lõ mắt .
- Em ghét nhà bà Hậu hơn cả nhỏ Hồng, cả xóm Hồ ai không biết ?
- Ai biểu nhà mụ thối ình , lại đạo đức giả, khoe mình là thanh cao , nhân đức . Mụ vô hậu lắm , anh không biết mô . Chị Nết nghèo thức nớ , tới y tế khám thai, mụ bày đủ trò, để chị về nhà mụ khám chu cho mụ chặt đẹp .
- Lần nớ, anh nhớ Tâm Minh kêu em xịt con đốm đen nhà anh cắn bà Hậu rượt chạy quanh xóm rồi mờ .
Ty Ty cúi mặt , cười rức rích . Thiên lắc đầu , gọi hai phần bún bò rồi nói :
- Em học Tâm Minh , Hồng Diệp chút đi . Có nhớ hứa gì với anh không .
- Thấy cô xịu mặt , anh cười - Dù sao em thay đổi nhiều rồi . Đi chùa cầu an cho ngoại với anh không ?
***
Tối mùng một , Tâm Minh , Hồng Diệp trực bệnh viện cho Ty Ty về nhà đạp đất . Con nhỏ mới mở cửa , bà Nga mẹ Tâm Minh đã cười toe đi vô, miệng liền chân :
- Bà ngoại bớt rồi hả con ? Nè ! Dì đạp đất cho mi năm ni vô bảng vàng , sắm được vàng , bà ngoại ăn thọ lễ vàng .
Ty Ty cười toe, nhận bao bì lì xì tổ chảng bà Nga dúi vào tay . Nói dăm ba câu , bà Nga te te ra về . Nhưng Ty Ty mô được rảnh . Ối thôi ! Lối xóm tới nườm nượp , thăm hỏi liên miên , chẳng là ba ... ngày tết, ai cũng cữ không dám tới bệnh viện sợ xui mà.
Tối chín giờ kém mới ngớt , Ty Ty thở phào huýt gió một tiếng, con đốm đen nằm gọn ở cửa lon ton chạy vô, vẫy đuôi mừng Ty Ty . Cô nhỏ ra lệnh :
- Gọi anh Mập cho chị .
Đốm đen lon ton chạy liền. Cũng lạ, chó nhà bà hai Cầu Tự, từ con vá đến con vện, con đốm đen , cả ba đời nhà chó, ăn cơm chủ, tối giữ nhà cho Ty Ty, lại thông minh nhất các chú chó quanh xóm Chuối, xóm Hồ. Ty Ty nói gì là hiểu ngay, thi hành răm rắp như quân khuyến, đến Chín Mập cũng không hiểu nổi Ty Ty huấn luyện chó nhà anh kiểu gì.
Chín Mập chạy xe qua, chạy trước vẫn là đốm đen định cằn nhằn Ty Ty tội trễ, Chín Mập vụt khựng lại trố mắt . Cha mẹ ơi ! phải Ty Ty không ? Đúng là Ty Ty trong tà áo trắng học trò thướt tha duyên dáng làm Chín Mập đến choáng váng.
Cô nhỏ đỏ mặt khi Chín Mập há hốc ngó sững . Đồ Mập vô duyên, nhìn chi lắm rứa ?
- Đi chưa ?
Ty Ty vụt quát lên, xăm xăm đi ra cổng . Con đốm đen chạy theo, Chín Mập lật đật dắt xe theo, Ty Ty lại quát :
- Ở nhà đó , đi mô ?
Chín Mập khựng lại, đốm đen lủi thủi cụp tai chạy vô nhà . Chín Mập thở khì, thì ra nộ đốm đen .
Anh nhìn Ty tủm tỉm , cô nhỏ gắt :
- Cười chi ? Vô duyên . Tại ngoại biểu đi chùa phải ăn bận tề chỉnh chớ bộ . Người ta không có bộ mô ra hồn trừ áo dài thôi .
- Nhỏ mặc áo dài đẹp lắm . Là anh ngưỡng mộ đó chứ . Thôi , đi kẻo trễ .
Lần đầu tiên chở cô nhỏ ngồi một bên , vén áo dài e ấp , Chín Mập thích quá, tủm tỉm cười hoài .
Đến chùa , cả hai bỏ giày làm lễ. Ty Ty thành kính lắm , quỳ lạy khấn khứa liên tù tì , xin cầu đủ thứ . Lúc ra , Chín Mập hỏi , cô nhỏ kể một hơi .
- Em xin ngoại lành bệnh , sống đến chín chục tuổi . Xin cho em trúng mánh ... à không, bán đắt , lời nhiều và đậu được đại học cho cả nhà nhỏ Hồng tức chết .
Chín Mập phì cười :
- Vì muốn nhà nhỏ Hồng tức chết , nên em mới định vô đại học na ?
Ty Ty lầm bầm :
- Ai biểu hắn nói xấu em cả trường . Đồ xấu , học dốt còn chưng diện .
Chín Mập cười ngất , đúng là ... Ty Ty , anh chở thẳng Ty Ty vô bệnh viện trước khi đưa về nhà . Vừa chạy xe ,anh vừa ngẫm nghĩ . Quả Ty Ty không có bộ đồ nào ra đường coi được. Cô nhỏ ở ngay ổ bành đồ sida, cứ jean bành , pull bành , không hề quan tâm vẻ bề ngoài của mình . Nếu cô nhỏ diện chừng một phần ba của nhỏ Hồng Diệp hàng trăm chàng trai chết đứng như Từ Hải nếu gặp .
- Ty Ty ! Anh còn món lì xì chưa tặng em .
- Để mô ? Đưa liền đi .
- Trước lúc đi , anh đưa cho .
Khi cả hai vô tới phòng hồi sức, có hai đôi mắt nhìn sững , tim người nào cũng đau loi lói , khó tả . Trời ơi ! Cô nhỏ mặc áo dài trông mê hồn , nhon không chịu nổi . Đáng nghĩ thầm .
Ty Ty vô tình hay cố y khoe vẻ đẹp trời cho trong bộ áo dài với anh Thiên ? Hồng Diệp nghĩ . Mỗi Tâm Minh hồn nhiên reo :
- Anh Thiên ! Thấy Ty Ty mặc áo dài chưa ? Hoa khôi áo dài trường em đó .
Bà Bốn rời phòng hồi sức ra khoa nội . Cả nhóm lần dân xóm thở phào . Dù gì bà mới ngoài năm mươi . Ty Ty còn nhỏ thế kia . Chín Mập quyết định ngập học trễ thêm một tuần , anh đành lòng nào khi Ty Ty năm sáu giờ sáng từ bệnh viện về lo dọn hàng kiếm tiền , đến mười giờ gởi hàng tất tả đi chợ nấu ăn xách vô bệnh viện . Trưa , tất tả quay về đóng hàng , đi học . Tối , ra ở với ngoại cả đêm , mang sách vở theo học bài .
Điều Thiên lên ruột hơn là anh chàng bác sĩ Đáng trẻ tuổi , hào hoa kia , cứ lên "thăm" ngoại Bốn tà tà sáng chiều , còn Ty Ty đối với anh ta ngày một thân thiết hơn .
Rồi bà Bốn cũng xuất viện với lời dặn dò , phải nghỉ ngơi , không thức khuya dậy sớm . Ty Ty từ đó , cứ năm giờ sáng dậy đi chợ trời sớm , mua hàng bán thêm . Thiên chuẩn bị đi Sài Gòn , tối đến anh qua nhà , đưa Ty Ty một gói lớn bọc kín , nói :
- Hè về , mặc cho ai coi thử .
Thiên đi , Đáng tìm tới nhà, và rồi hôm nào cũng ghé , khiến Ty Ty ngạc nhiên :
- Răng anh rảnh rứa ? Đi chơi suốt .
- Anh làm ca , có thời gian nên ghé thăm ngoại .
Ty Ty vô tư trước lòng tốt của Đáng . Hồng Diệp mừng thầm . Tâm Minh thắc mắc , ngẫm nghĩ :
- Ty Ty !
Tâm Minh gọi khi thấy bạn ngồi ngơ ngẩn ở giường nhìn chăm vào tường . Trên tường là bộ áo dài gấm màu hồng phấn , một chiếc váy dài lửng tám mảnh hoa vàng trên nền lam nhạt chen hoa hồng . Tâm Minh trố mắt :
- Chu choa ! Ty Ty may hồi mô rứa ? Đẹp ghê hồn .
Kéo bạn ngồi cạnh , Ty Ty nhăn nhó :
- Quà tốt anh Mập cho ta đó . Ta định không may , té ra ảnh lấy phiếu ở tiệm may , trả tiền hết rồi , chừ may rồi , ta không dám bận .
- Vì răng ?
- Mập nói đợi hè Mập về hày mặc , còn ta lại nghĩ , nếu mặc vô chắc là giống nhỏ Hồng .
Tâm Minh hiền nhất nhóm , nhưng con nhà giàu , nên chuyện ăn diện rành "sáu câu" . Cô nhỏ che miệng cười :
- Ty Ty khờ thiệt . Răng giống được ? Nhỏ Hồng ăn diện chạy theo thời trang rất sặc sỡ, lại quá lố đến nhố nhăng , còn Ty Ty chỉ đẹp và con gái hơn khi mặc vào thôi . Nhưng mà nghe Mi hỏi nè . Vì răng anh Thiên tặng áo cho Ty Ty rứa ?
- Ta đâu biết - Ty Ty tặc lưỡi - Lão Mập nói lì xì đầu năm .
Tâm Minh khúc khích :
- Răng ta với Hồng Diệp không có ? Chết Ty Ty rồi . Coi chừng đó .
- Coi chừng thứ chi ?
- Hôm Ty Ty mặc áo dài , anh Mập nhìn hoài , vẻ lạ lắm , như vậy là ... cảm ...
- Im ! Nói bậy , bà Hai cầu Tự gọt đầu - Ty Ty la lên , mặt lại đỏ nhừ . Hồi tối tới giờ, cô ngơ ngẩn chỉ vì nghĩ vẩn vơ về chuyện đó .
Cô nhỏ đứng phắt dậy, vơ sách vở :
- Học thôi . Ta hứa với ngoại phải đậu đại học .
Tâm Minh giải xong bài toán thì Hồng Diệp qua . Cô dịu dàng chào hỏi bà Bốn , khuyên bà ngủ sớm xong mới ngồi vào học . Vừa lúc Đáng chạy xe vào - Anh vẫn thản nhiên gọi bà Bốn bằng ngoại rồi nói với ba cô :
- Thiên học xa , anh thay Thiên kèm mấy nhỏ nghe .
Tâm Minh hồn nhiên vỗ tay , Hồng Diệp liếc Ty Ty , nói :
- Phải được Ty tỷ tỷ bằng lòng , thưa bác sĩ .
Cô nhỏ cười híp mắt , vô tư :
- Thêm một ông thầy dạy miễn phí , ngu chi từ chối .
Sau buổi dạy đầu tiên , Đáng biết sức học cả ba . Ty Ty kém nhất nhóm ba người . Anh ra nghị quyết kèm riêng cô nhỏ thêm hai buổi .
****
Đáng mở mắt ,đồng hồ đang đánh mười một tiếng , nhoài mình lăn thêm mấy vòng , ngồi lên khoác khăn tắm đi vào toillete . Đáng trở ra , quần short , áo pull mỏng mặc ở nhà , đi thẳng qua phòng ăn .
Bà Tâm nghe tiếng dép, vẫn đều tay khuấy nồi xúp , miệng nói :
- Nắng quá , mẹ nấu xúp ăn trưa luôn, con uống trước hộp sữa tươi đi .
Đáng dạ , mở tủ lạnh , lấy hộp sữa vinamilk, cầm ống hút , vừa hút sữa, vừa đọc báo . Những giây phút thế này , Đáng thấy thảnh thơi , mãn nguyện trong sự êm đềm . Nhà Đáng một mẹ , một con , bà Tâm người gốc Bắc , tính chu đáo , kỷ cương , trọng danh dự , nên dù cha Đáng chết sớm , bà ở vậy nuôi con không tái giá dù không ở chung với mái nhà to lớn bên chồng .
Bà khá giả , giỏi giang lại sống như tiết phụ ngày xưa , nên nhà chồng nể trọng . Một tay bà nuôi Đáng ăn học thành tài, Đáng giỏi và hiếu đễ , bà rất tự hào và mãn nguyện .
Đặt tô xúp truớc mặt con , bà Tâm ngồi đối diện , Đáng để tờ báo xuống , nhìn mẹ :
- Mời mẹ dùng với con .
Bà Tâm lắc đầu :
- Con cứ ăn đi . Mẹ ăn sáng rồi . Hôm nay nhiều bệnh nhân lắm sao mẹ thấy con có vẻ mệt ?
- Dạ , bệnh nhân nhiều .
- Mẹ lại nghi vì trước khi lên ca, con thức khuya, về trễ, ảnh hưởng tới sức khỏe thì đúng hơn .
Đáng chột dạ . Tối kia , anh cùng học với nhóm Ty Ty tới gần nửa đêm mới về nhà , lại thao thức đến sáng vì nghĩ về Ty Ty . Hôm sau lên ca , trực suốt đêm, vừa xuống ca lúc bảy giờ . Mẹ anh thật tinh ý. Biết sao được ? Nhà chỉ hai mẹ con, mẹ lại rất yêu anh , ngay đến thuê người giúp việc, bà cùng không chịu vì lý do ..... họ chăm sóc, giặt giũ, nấu nướng không hợp ý anh, lại không vừa lòng bà.
- Xin lỗi mẹ, lần sau đi chơi, con sẽ về sớm hơn .
Thấy mẹ gật đầu, Đáng thở ra nhè nhẹ, bắt đầu ăn. Bà Tâm nhìn con dò xét. Từ tết tới giờ, con bà thay đổi thấy rõ . Vắng nhà nhiều hơn, thỉnh thoảng ca hát vu vơ một mình. Có khi ngồi ngớ ngẩn thả hồn đi đâu . Bà từng trải lắm, nên biết nó gặp phải chuyện gì. Bà chưa hỏi vì đang suy tính. Thật ra, bà thấy Đáng còn nhỏ dại lắm, mới ra trường hơn năm, bà chạy chọt tốn kém cho Đáng về chỗ làm tốt, mong nó tiến thân nhanh và sớm hôm kề bận bên bà. Thật hãnh diện khi cũng Đáng ra đường nghe bao lời xì xầm ngợi khen: "Hai mẹ con chị Thanh Tâm đó, ngó như hai chị em . Vậy mà thằng Đáng làm bác sĩ rồi ."
Nếu con bà có bạn gái, nó nhất định yêu vợ và chung thủy như bà. Liệu nó có còn thương bà và hiếu để như xưa ?
Ăn hết tô súp, Đáng ngẩng lên :
- Ngon lắm, mẹ à . Nhà hàng so với mẹ chả ăn thua .
Bà Tâm mát dạ lắm, nguýt con :
- Chỉ giỏi tài nịnh mẹ Có phải định đi đâu đó không, ra trông hàng cho mẹ không ?
Đáng cười, nịnh:
- Có cô út mà mẹ . Cô vừa xinh đẹp, vừa giỏi, bán phụ mẹ mới đắt . Con là con trai, lóng ngóng chỉ tổ làm mẹ mất mặt thôi .
Bà Tâm cười mát :
- Nếu con kiếm cớ đi chơi mẹ không cản , chớ cửa hàng mỹ phẩm của mẹ từ ngày có con, mấy cô gái trẻ ghé mua ngày một đông .
Đáng ôm cổ mẹ, cười xòa :
- Mẹ nói ghê quá . Làm như mẹ đang thực hiện "mỹ nam kế" vậy . Cho con xin .
Đáng nói đúng ruột gan mẹ, nhưng đời nào bà Tâm thừa nhận . Bà sắc sảo nhạy bén lắm. Biết con mình bảnh trai lại là bác sĩ, biết đám con gái giờ ưa chuộng vật chất, tôn thờ thần tượng , nên thường bảo Đáng ra phụ bán khi xuống ca . Cái bọn gái giờ vừa ngu, vừa tí toe khoe mẽ xài sang. Ba thằng diễn viên, ca sĩ ưỡn ẹo sao bằng thằng bác sĩ ngon lành, mà chúng còn mê chết bỏ, lẽ nào thằng con vàng ngọc của bà kém sao ?
Bà Tâm liệu chuyện như thần , trước tiên là quý bà lắm tiền, thấy cửa hàng sang trọng liền ghé qua . Thấy bà chủ xinh đẹp quý phái, nói chuyện ngọt ngào, nên tỏ ra ưa thích . Sau đó , nghe Đáng là con ruột, làm bác sĩ bệnh viện lớn, chưa có nơi nào nên chẳng thiếu người từ bạn hàng ra bạn thân. Ôi thôi! Nào cháu, nào con, lần lượt giới thiệu đến và Đáng quen hàng mấy chục cô ở cửa hàng mẹ mình. Đáng vô tư xem như bạn hàng của mẹ, còn khối cô thì tưởng bở, Đáng đang tỏ vẻ "tán" mình, chúa ơi!!! Ai biểu ông bác sĩ bảnh trai, giàu có, còn thêm tính hào hoa nịnh đầm quá thể làm chi khiến người ta hiểu lầm .
Gì thì gì, Đáng ngây thơ vô tội vạ, mỗi bà Tâm được lợi, bởi mỗi lần, cô nào ghé qua đều mua một thứ là ít nhất, mà mỗi thứ của bà Tâm rẻ mạt là trên trăm ngàn. Thế mới biết bà thiệt thông minh , nhạy bén, từ hàng áo quần bỏ sỉ chợ Hàn, bà nhảy sang mỹ phẩm vừa đúng thời cơ .
Ngẫm nghĩ, bà Tâm đứng lên :
- Đi đâu tối phải về nhé. Cô Ngọc tiệm vàng Kim Thịnh hẹn gặp con tám giờ tối có chuyện đấy .
Bà rời nhà ăn, vặn khóa bếp ga cẩn thận , đi phòng riêng, Đáng đi bên mẹ, bà Tâm sực nhớ, nói:
- Con này ! Bạn bè nên lựa mà chơi nhé. Hôm qua, ông nội có nói xa xôi với mẹ, nếu con có bạn gái thì phải biết chọn con nhà danh giá, đạo đức vừa đưa đến ông xem mặt .
Đáng hiếu để lại thông minh :
- Nếu con yêu một người không được như nội yêu cầu thì mẹ có...
- Mẹ chưa nghĩ tới chuyện đó .Con còn trẻ, nên lo công danh, sự nghiệp . Bà Tâm nói thẳng - Thời nay, đàn ông ngoài ba mươi lập gia đình là vừa đủ chín chắn.
- Vâng . Mẹ dạy đúng .
Bà Tám vào phòng.
- Mẹ nghỉ trưa một lát, trước hai giờ điện gọi mẹ dậy giùm .
- Dạ .
Đáng về phòng thay quần áo, chạy xe ra cửa hàng, nghĩ bụng : Mình tới sớm gặp Ty Ty , đến tám giờ về là vừa .
Ty Ty đi mua phở về ngang, thấy anh đứng ở cửa hàng tươi cười trò chuyện với mấy cô son phấn rực rỡ. Ty Ty tròn mắt : "Ối bà ngoại ơi! Anh Đáng là chi của bà Thanh Tâm tiết phụ rứa hè ?"
***
Hồng Diệp đợi bạn kể xong, cười khẽ :
- Rứa anh Đáng là con bà Thanh Tâm rồi, bà nớ làm dâu họ Lê, nhà Lê Sĩ giàu có, gia phong, chọn dâu, kén rễ giao du người ngoài đều kỹ đến độ khe khắc, răng anh Đáng phóng túng rứa hè?
Tâm Minh tròn mắt :
- Bà Thanh Tâm chơi thân với mẹ Mi lắm, răng Mi không nghe đến con trai bà ta là anh Đáng ?
Ty Ty nhăn mũi trêu bạn :
- Họ chỉ nhắc tới khi nhăm nhe Tâm Minh làm dâu thôi .
Tâm Minh đỏ mặt :
- Vô duyên chưa tề . Răng có chuyện dâu con vô đây ?
Ty Ty vuốt má bạn:
- Răng không được ? - Tâm Minh xinh đẹp, vừa hiền ngoan, lại thêm vàng hồi môn cả ... chục ký . Bà Thanh Tâm có mắt chớ lỵ .
Tâm Minh bịt tai :
- Thôi đi, có anh Đáng thiệt là ê mặt .
Hồng Diệp dịu dàng nhìn Ty Ty :
- Nhưng hình như anh Đáng cảm Ty Ty đó nghe . Bà Thanh Tâm độ rày qua mỹ phẩm phất lắm , ảnh con một, ai ưng ảnh sướng cả đời .
Ty Ty cười giòn :
- Tiếng đồn khắp Đà Nẵng bà Thanh Tâm tiết phụ khó mà nghiêm, thêm họ Lê Sĩ bên một thì gia thế hai cô nương đây mới xứng đôi, hạng Ty Ty làm sao tới cửa . Thôi bỏ , nói vui rứa, rủi anh Đáng nghe thì kỳ chết .
Cả ba dự định học bài khoảng một giờ là Đáng tới, ai ngờ, con nhỏ giúp việc nhà Hồng Diệp chạy qua nói :
- Điện thoại anh Thiên gọi cả ba, lẹ lên .
Hồng Diệp chạy trước, Tâm Minh kéo Ty Ty . Cô nhỏ trì tay lại lắc đầu, Tâm Minh gắt :
- Đừng rứa mà . Ty Ty có biết mấy lần trước làm ảnh buồn lắm không ? Ảnh nói với Mi, ảnh buồn tới không muốn đi học đó. Đi mau .
Cả hai chạy qua nhà Hồng Diệp . Thấy mẹ Hồng Diệp, cô Bích đang ngồi nhìn Diệp nói chuyện điện thoại, vẻ mặt vui vẻ liền cúi chào . Cô Bích cười, khoe :
- Không biết hai đứa nói gì mà lâu dữ ?
Diệp đưa ống nghe qua Tâm Minh . Mi nói một lúc, chuyên qua Ty Ty . Cô nhỏ mới cầm đã nghe giọng Thiên :
- Ty Ty hả ? Giờ mới chịu gặp anh à ? Anh gởi thư và sách, em nhận được chưa ?
- Dạ rồi .
- Sao không trả lời thư ?
- Ty Ty bận lắm . Bán hàng một buổi , đi học một buổi .
- Bận vậy sao ? Nghe bác sĩ Đáng nghé thăm em hoài phải không ?
- Ảnh thay anh kèm ba đứa học .
Đầu dây, Thiên làm thinh một lúc :
- Có nhớ hứa gì với anh không ?
- Hứa gì ?
- Cái ngoéo tay bữa tết . Nhớ chưa ?
- Em nhớ . Mập yên chí .
- Ty Ty ! Anh quyết định rồi, sẽ xin việc ở Đà Nẵng sau khi ra trường . Nhưng em đừng cho ai biết chuyện này nghé. Ngoại khỏe không ?
- Dạ khỏe . Mập ơi ! Cúp máy đi, tốn tiền lắm .
- Em ráng học thi cho tốt nghe .
- Ừ ráng .
- Coi chừng ngoại nghe .
- Dĩ nhiên rồi .
- Anh gọi về , nhớ qua nghe, đừng trốn .
- Được .
- Ty Ty ! Anh nhớ em lắm .
Mắt cô cay cay, nói ngập ngừng, nhỏ xíu :
- Ty Ty cũng nhớ anh lắm .
- Vậy ráng nghe lời anh, lời ngoại, ngoan hiền như ...
Cô nhỏ đổ bực :
- Biết rồi , khổ lắm, nói mãi . Bye .
Ty Ty cúp máy ,đi một nước , quên cả chào cô Bích . Tâm Minh bối rối , xin lỗi mẹ bạn, chạy theo . Cô Bích nhìn theo nói mát mẻ :
- Đúng là ... rau nào sâu nấy , quen thói chợ trời .
- Mẹ ! - Hồng Diệp kêu lên .
- Mẹ nói không đúng hả ? Mẹ không biết vì răng con chơi được với hắn, ngữ nớ, chỉ lân la cũng đủ mang tiếng rồi .
Cô Bích nói một hơi mở quạt chạy hết số cho hạ hỏa .
Hồng Diệp điềm tĩnh giải thích với mẹ :
- Lúc nhỏ, vì nó lớn gan, luôn bênh vực con với Mi khi bị ai ăn hiếp, thật ra, nó xấu thói, nhưng bụng dạ tốt lắm mẹ . Vì rứa , anh Thiên mới thương , dạy nó học . Ảnh giỏi lắm , còn mẹ chỉ dạy mỗi môn sinh , con không thân thiết với nó, răng học kèm với anh Thiên được ? Mà lại học không tốn tiền .
Hồng Diệp thở ra :
- Dù chi, nó cũng là bạn tốt bao năm rồi, có điều ....
- Nghe hơi ban nãy, mẹ thấy nó se với thằng Thiên lắm đa, con coi chừng .
Mặt Hồng Diệp đổi sắc :
- Coi chừng chi mẹ ?
- Con không qua mắt mẹ được mô . Thằng Thiên tài năng , gia thế trội nhất xóm Hồ, xóm Chuối, luôn cả phường ni, chưa trai mô qua được, làm sui với bà Hai Gấm , mẹ cũng mát mặt, có điều con ở Sài Gòn mới có hy vọng nắm được thằng Thiên . Liệu đó .
Hồng Diệp tối nớ không qua học, mỗi Tâm Minh và Ty Ty . Đáng tới, chỉ dạy đến tám giờ có việc phải đi . Tâm Minh về nhà kể mẹ nghe chuyện Thiên điện về, bà Nga cười :
- Ty Ty nó không thích cô Bích mới không chịu nghe điện, biểu thằng Thiên gọi về nhà mình là ổn thôi .
Tâm Minh cắn môi :
- Ba năm ni đều gọi bên Hồng Diệp , chừ làm rứa e Diệp hiểu lầm mẹ nợ .
Đến bên bàn phấn , bà Nga lấy hộp kem dưỡng da bắt đầu chấm vào mặt , xoa đều :
- Cũng phải . Hai nhà giáp ranh làm sui mà, bên giàu có , bên danh tiếng .
Tâm Minh thảng thốt :
- Mẹ nói chi rứa mẹ ?
Bà Nga làm thinh, đúng là lỡ miệng , gượng không kịp . Chúng nó còn nhỏ, bận tâm chuyện người lớn không hay ho gì .
- Con ra học đi . Sắp thi tốt nghiệp rồi, rớt là cha mi gõ đầu cho coi .
Tâm Minh ngoan ngoãn đi ra , nhưng điều mẹ nói, cô canh cánh trong lòng từ đêm ấy .
Cả ba đậu tốt nghiệp điểm đều loại khá, mỗi Ty Ty số điểm kém hơn. Đáng được cả ba khao một chầu bánh tráng đập . Đáng vừa ăn vừa chảy nước mắt , cả ba cô cười như nắc nẻ . Thiên gọi về chúc mừng và gởi quà ba đôi giày trắng thật xinh .
Cả ba cắm đầu học thi, nhưng Ty Ty vẫn ra chợ bán luôn ngày với ngoại . Cô đem theo sách vở, học thi ngay chợ trời . Dân chợ Tăng Bạt Hổ ghẹo ơi ới :
- Cô Tú Ty Ty ơi ! Có trường đại họ mô, dạy kinh doanh chợ trời một lời mười không ?
- Có . - Ty Ty tỉnh queo - Trường trại giam Hòa Sơn .
Cả chợ cười rần . Khách hàng tới mua thấy Ty Ty khư khư cuốn sách , nghe có "mánh" , sách cầm tay , phốc lên xe chạy, chạy một lèo lắc. Một người ngồi gần đấy lắc đầu , nói với bà Bốn :
- Con cháu bà giỏi thiệt, nó đậu đại học, còn ra bán chợ trời không ?
- Không bán lấy gì học, lấy gì ăn chú ?
Nhưng tới gần thi, Ty Ty phải ở nhà, không thể tập trung học giữa chốn bát nháo, bán mua, mánh mung rầm trời nớ được . Doanh thu sút liền, cuối tháng bà Bốn chưa có tiền đóng thuế, nhân viên thu thuế mặt lạnh như tiền , nạt nộ đòi tịch thu hàng giam kho .
Chàng Thạnh sứt bán bi, phóng vèo xe vô xóm Hồ, gọi Ty Ty . Cô nhỏ đang quần bành lơ lửng , áo sát nách ( từ hồi hứa với Chín Mập, nề nếp con nhà , Ty Ty không mặc đồ này ra chợ nữa ) . Nghe nói, vứt sách vở, phóng vèo lên xe Thạnh sứt ra chợ .
Bà thu thuế đang ong óng giọng quảng Nam "hù" bà Bốn tới bến :
- Tui hỏi một lần nữa, bà có đóng thuế không ?
- Dạ, chị cho thêm ít bữa , tui còn thiếu tiền .
- Không đợi chờ chi được . Anh Bảy mô , lập biên bản hốt hàng .
Không thấy anh Bảy mô hết , mỗi Ty Ty tóc đuôi gà chổng ngược, quần short lơ lửng, áo sát nách, tay thọc túi quần nghênh ngang bước tới :
- Ai đòi hốt hàng ? - Cô nhỏ kênh kênh .
- Cô là chi bà ni ? Bà không đóng thuế, hàng bị tịch biên chờ xử lý .
Ty Ty trề môi, nhìn bà thu thuế từ chân đến đầu, buông một câu tỉnh bơ :
- Tui thách bà đó , hốt tui coi .
Cả chợ xúm quanh ồ lên nháo nhác . Con nhỏ gan cóc tía, dám thách thức nhân viên thuế . Cả chợ trời , ai cũng nhún giọng khi gặp người thừa hành công vụ, mỗi con nhỏ ... ngang hơn cua . Bà thu thuế lồng lộn, quát gọi người om tỏi . Lạ he ! Cả chục nhân viên thu thuế tủa khắp chợ , nhưng không ai đi tới . Ty Ty cười khẩy :
- Hết cơn chưa bà đầy tớ nhân dân ? Nghe cho rõ nè . Chẳng phải chợ trời ni ai cũng dốt nát, ngu muội không thông hiểu luật pháp như bà tưởng mà bà giở giọng quát nạt làm oai . Đóng thuế là nghĩa vụ của tôi, đóng trễ thì tui nộp phạt theo đúng quy định nhà nước . Cho đến hết thời hạn bao nhiêu tháng, nếu tui không thi hành nghĩ vụ, bà mới có quyền mời cấp thẩm quyền, trình giấy tờ, có anh quản lý chợ đi theo, lập biên bản niêm phong . Đừng tưởng với chức ... nhân viên thu thuế muốn làm trời là làm trời nghe. Bây giờ, bà có hốt hàng không ? Hốt thì làm liền tui coi . Không hốt thì cút xéo cho tui bán kiếm tiền đóng thuế .
Bà thu thuế tái mặt nhìn quanh, một nhân viên thuế vụ lại gần nói kiểu dàn hòa , giải vây :
- Thư thả cho bà Bốn vài ngày, bà chưa khi mô đóng trễ hết . Đi, về thôi .
Họ rẽ đám đông đi ra , cả chợ nghe anh cằn nhằn đồng nghiệp :
- Chị làm chi lạ rứa ? Phải làm đúng luật chớ, tưởng dân họ ngu dốt răng ? Chiều nay họp chị phải kiểm điểm đi .
Cả hai đi rồi, dân chợ cười rần. Từ đó, Ty Ty có thêm biệt danh "Cô tú chợ trời" , theo sau danh gọi "Ty Ty SBC" , hồi vụ bắt Bảy Ngọ ăn trộm .
Tối đó, Đáng tới lúc Hồng Diệp nhắn Ty Ty, biểu cô bạn đối với nhân viên thừa hành công vụ nên mềm dẻo kẻo họ để bụng thù dai không tốt. Dù gì làm dân, luôn thấp cổ bé miệng . Lúc đó , Đáng mới biết là Ty Ty cùng bán lạc son chợ trời theo bà ngoại .
Học xong, đợi Tâm Minh , Hồng Diệp về , Đáng lựa lời khuyên cô nên chú tâm vào đại học, đừng ra chợ để mang tai tiếng ,Ty Ty ngạc nhiên :
- Em không trộm cắp, không làm gì tổn hại danh dự răng mang tiếng ?
Đáng khó nói, trầm ngâm một lúc :
- Nếu em thích buôn bán giúp bà nhàn hạ, hay là mở một cửa hàng ngoài lộ chính .
Ty Ty cười Đáng ngây thơ , cô hỏi :
- Nếu em có tiền, đâu buôn bán chợ trời .
- Anh giúp em .
Ty Ty nhìn Đáng chăm chú :
- Vì răng anh tốt rứa ?
- Đừng hỏi . Chỉ cần biết, anh thật lòng giúp em không vụ lợi .
Ty Ty ngồi bó gối nhìn ra trời đêm :
- Cảm ơn anh . Rất tiếc ,tôi muốn tự nuôi sống mình bằng đôi tay chính mình. Tiền bạc khó trả, ơn nghĩa càng khó trả hơn, tôi không muốn nợ ai, ngoài bà ngoại tôi và ...
- Thiên phải không ? Anh khác gì Thiên , quý em thật lòng .
- Anh không hiểu đâu, khác nhiều lắm đó. Từ thưở tôi chập chững bước đi, anh Mập đã kề cận bên tôi rồi . Khi không có anh , thì con vá anh nuôi lại quấn quýt bên tôi canh giữ, anh ấy sợ tôi đi hoang như hồi mới mười ba tháng tuổi .
- Anh không hiểu chi hết . - Đáng nóng ruột .
Đột nhiên Ty Ty thèm tâm sự , cô chưa một lần tâm sự cùng ai nỗi lòng mình. Nỗi lòng đứa con gái vươn lên từ nhuốc nhơ quá khứ . Nhưng đó không phải điều ai cũng có thể nghe . Cô kể Đáng nghe thời thơ ấu của mình , kể mãi rồi kết thúc câu chuyện .
- Anh học xa , ở nhà, ba đời nhà chó, con vá, con vện, tới con đốm đen đều theo em, hễ em đi khác đường là chúng chạy theo sủa nhặng , ngoại em thương ảnh hơn cả thương em , chơi với nhau lâu vậy , anh giống được răng ?
Đáng điềm đạm :
- Con người mỗi con tim là sức mạnh chứa vô bờ . Tuổi thơ em có Thiên làm bạn , giờ tuổi hoa niên có anh, thêm một người bạn , có gì không tốt ? Chẳng lẽ đời người chỉ một bạn là đủ ?
Ty Ty cười xa vắng :
- Với em, rứa là dư hung rồi . Cả Tâm Minh, Hồng Diệp .
Đáng trầm ngâm , Ty Ty nghèo không phải trở ngại, anh chỉ ngại mẹ anh tỵ hiềm Ty Ty bán chợ trời không danh giá . Từ từ, mình thu xếp ổn thỏa , dù sao mình an tâm vì Ty Ty không tỏ vẻ gì yêu Thiên qua lời kể và Đáng thấy mình thật cao thượng , biết rõ cô đến vậy , nhưng tình yêu anh dành cho cô vẫn nguyên vẹn .
****
Tâm Minh thi kinh tế Đà Nẵng, đại học sư phạm Huế và đại học tổng hợp Sài Gòn . Hồng Diệp thi đại học ngoại ngữ Đà Nẵng, tổng hợp và kinh tế Sài Gòn . Ty Ty thi hết tại Đà Nẵng và cả Bách Khoa ngoại ngữ và cao đẳng sư phạm .
Thi Đà Nẵng xong , Tâm Minh và Hồng Diệp đi máy bay về thành phố Hồ Chí Minh . Thiên đón ở sân bay, đưa về nhà trọ, lo chu đáo từ chuyện ăn ngủ, thi cử . Bạn Thiên đông lắm, tối đến chật nhà, không có chỗ ngồi, một tên gầy nhom, cao khều ba hoa :
- Nghe thằng Thiên có ba cô em gái, thiệt trăm nghe không bằng mắt thấy . Thiên ơi! Cho tao gọi một tiếng anh Hai nghe mậy ?
Thiên cười, nhìn hai cô em gái :
- Em tao vừa học giỏi, vừa xinh đẹp, gả mày uổng lắm . Để coi thằng nào bảnh một chút .
Cả bọn cười ồ . Tâm Minh bẽn lẽn. Hồng Diệp ung dung :
- Anh Thiên lựa cho Mi được rồi . Còn em đã có đối tượng từ lâu .
Cả Thiên cũng bất ngờ, anh nhìn Hồng Diệp rầy yêu :
- Chà ! Cả gan há . Còn đang học hành, không sợ anh méc dì Bích sao ? Ai vậy ? Anh quen không ?
Tâm Minh hoang mang, Hồng Diệp thản nhiên :
- Đợi tin thi đậu xong, em sẽ nói anh nghe .
Nhóm bạn Thiên nhốn nháo nhặng xị hỏi :
- Phải anh không ?
Diệp chỉ cười, cử chỉ thật dịu dàng tao nhã . Vài chàng tấn công Tâm Minh, cô chạy mất .
Cả hai thi xong mỗi môn đều nói làm bài được, Thiên mừng lắm điện liên tục về Đà Nẵng báo tin và nhờ mẹ gọi Ty Ty . Nghe anh hỏi làm bài ra sao, Ty Ty trả lời nhát gừng :
- Tàm tạm . Mi, Nu thi tốt không ?
- Tốt lắm . Đến ngày mốt là xong, cả hai ở chơi với anh vài ngày rồi về . Ráng lên nhé Ty Ty .
- Em đang cố gắng .
- Có ban vừa lúc anh thi xong sẽ về ngay . Đậu anh có quà lớn đó . Ty Ty ! Anh nhớ nhỏ quá .
Cô làm thinh vì bà Hai Gấm đang ngồi đó .
- Anh ráng giữ gìn sức khỏe, em về ôn bài đây .
Đáng theo Ty Ty những ngày thi . Đổi trực liên tục để đưa cô đi thi . Cả xóm đồn dậy Ty Ty có bồ làm bác sĩ bảnh trai, người mừng là ba Hai Gấm và cô Bích . Người ganh tức nhất là nhỏ Hồng . Hồng thi Huế, Đà Nẵng, nhưng khác với Ty Ty không muốn đi học xa vì lo cho ngoại . Hồng biết mình học hành thua xa chuyện ăn chơi, nên chỉ đi thi cho có .
Tất cả hồi hộp chờ tin báo từ Thiên . Hai xóm lại một lần nữa khen dậy bà con nhỏ khi nghe tin báo về hai cô thi Sài Gòn đều đậu . Ty Ty đậu cả hai trường lại rớt cao đẳng sư phạm . Kỳ không ?
Thiên sốt ruột gặp Ty Ty, đi máy bay về . Cô Bích có cớ nhờ anh Thiên dạy dỗ nên cùng Hồng Diệp ra đón theo bà Hai Gấm . Tâm Minh đi một mình vì Ty Ty bận mánh một chuyến hàng quan trọng . Xuống sân bay, Thiên hỏi Ty Ty đâu . Mi kể, Thiên buồn . Đồng tiền trong mắt, trong lòng Ty Ty lớn hơn anh Chín Mập rồi .
Quà các bà mẹ thưởng cho con thi đậu chung với một ý là thưởng một chuyến du lịch Đà Lạt . Hồng Diệp lên Dream II, để chiếc 82 lại cho thằng em . Ơn trời là nhờ ba Diệp làm bên Hải Quan khấm khá chớ cô Bích dạy sinh chẳng bỡ bèn gì , chuyện lương tiền . Tâm Minh lên cúp Tom 92 nguyên thùng, nghe mẹ dặn, xách Chaly chạy qua nói với Ty Ty :
- Mẹ Mi nói, Ty Ty học bách khoa xa quá, lấy xe Mi đi đỡ chân, tiền khi mô có thì trả .
Cô Nga nói đúng . Đi xe đạp không kịp dọn hàng ra vô cho ngoại rồi . Ty Ty thở ra .
- Bao nhiêu ?
Mẹ nói sao, Tâm Minh nói y chang :
- Xe cũ rồi, hồi nớ mẹ mua mười chỉ, chừ bớt Ty Ty hai chỉ .
Ty Ty vốn rành mọi thứ trên thị trường như hiểu lòng mẹ bạn thương mình . Cô nhỏ cười bạn ngây thơ, tưng tửng nói :
- Dì Nga bán cây rưỡi thì tao mua .
Tâm Minh ngơ ngác xách xe về hỏi mẹ . Bà Nga thở ra . Cây đắng sanh trái ngọt . Trong bùn mọc được hoa sen, coi như dì Bốn Khoai có phước . Cầu trời cho dì trăm tuổi, để nhìn Ty Ty thành đạt báo hiếu . Bà Nga gọi thợ thay hết phụ tùng, đổ nguyên nước sơn, dặn con vì biết nó thiệt thà .
- Đừng kể chi cho Ty Ty nghe chuyện mẹ thay đồ mới xịn cho nó nghe chưa ?
Mi hiểu, tới đó Ty Ty chồng tiền, bà Nga làm giấy bán xe đàng hoàng, lại chủ cho Ty Ty một chỉ . Cô nhỏ lắc đầu . Bà Nga rầy :
- Cái lệ là rứa chứ mới hên . Răng con cứng đầu rứa ?
Ty Ty chịu, đem chỉ vàng về giao cho ngoại cất . Vừa lúc Thiên ghé, Đáng cũng đến . Ty Ty khoe :
- Bà ngoại có chiếc Chaly .
Đáng ra vẻ thân thiết :
- Anh thưởng một tuần du lịch Đà Lạt với Diệp và Minh .
Thiên lỏ mắt nhìn Ty Ty, nếu cô chịu, anh sẽ nhận lời đi Đà Lạt do Nu, Mi yêu cầu, nhưng Thiên khó chịu quá .
Ty Ty pha nước mời, từ chối thẳng :
- Một ngày xa nhà cũng không được . Cảm ơn anh Đáng .
Thiên vừa vui, vừa thất vọng :
- Quà thưởng của anh Mập là học phí một năm .
Ty Ty lắc đầu :
- Nhiều quá . Đúng ra, Ty Ty phải tạ ơn hai thầy . Vầy đi, một chầu kem Ty trả . Chiều chủ nhật đi biển, anh Đáng trả, hai vé kịch tối thứ hai, anh Thiên trả .
- Sao là hai vé ? -- Đáng hỏi .
- Anh trực mà .
- Anh đổi phiên rồi . - Đáng nói tỉnh bơ .
- Vậy thì ba vé .
Nhưng thật ra đi đâu cũng năm người, hai ông thầy, ba cô học trò . Trước ngày đi Đà Lạt, nhỏ Mi qua tìm Ty Ty :
- Mẹ nói mời Ty Ty đi Đà Lạt .
- Không đi được .
Thiên cũng không đi, viện cớ về với mẹ không được mấy ngày . Bà Hai Gấm ngầy dữ quá .
- Cô Bích nhờ cậy con coi chừng sấp nhỏ, con không đi khác gì biểu tụi nó đừng đi .
Thiên đành chịu, tối đó qua nhà Ty Ty lúc cô nhỏ sắp đóng cửa . Đốm đen lon ton theo bên chân . Thấy Ty Ty đang đấm bóp cho bà Bốn, Thiên dành . Anh rành chuyện này lắm, bởi muốn xin mẹ gì, thì thuở nhỏ, Thiên đã dùng chiêu này nịnh bà Hai Gấm . Được Thiên đấm bóp, bà Bốn khen dồi .
- Trời ơi ! Ngoại khỏe ghê . Hết nhức mỏi rồi . Thằng Chín giỏi thiệt .
Thiên nói ỡm ờ :
- Nếu ngoại muốn, con sẽ đấm bóp cho ngoại cả đời .
Bà Bốn ngồi lên vấn tóc, cười :
- Cha mi ! Làm tới ông kỹ sư, đi tận mô mô, răng đấm bóp cho ngoại được .
Thiên xa xôi :
- Làm ông chi rồi cũng phải về cội nguồn . Huống chi còn gia đình, còn ngoại với Ty Ty ở đây .
Bà Bốn cảm động, ngậm ngùi . Cái thằng thiệt có nghĩa có tình . Giá chi ... Hỡi ơi ! Cả hai xóm đồn dậy chuyện Hai Gấm rấp ranh làm sui với cô giáo Bích, huống chi, Ty Ty dĩ vãng như chén mật đắng làm đắng lòng người .
Ty Ty vẫn ngồi ở bàn, cắm cúi bao mấy cuốn vở, tóc cô rũ xuống che khuất nửa mặt . Thiên nhìn không rõ vui buồn, nhưng thấy tóc cô đã dài hơn, rậm dầy phủ kín lưng . Anh qua bàn sau khi thả mùng cho bà Bốn .
- Ty Ty !
- Hử ?
- Mai anh đi với Tâm Minh, Hồng Diệu vài hôm .
Cô nhỏ cười, thoáng chút buồn lướt nhanh :
- Hai con nhỏ khoái phải biết . Đi vui vẻ nghe .
Chẳng hiểu vì sao Thiên thấy nặng nề, buồn phiền . Anh nhìn cô, tự hỏi, bao năm bên nhau chia sẻ vui buồn, cô có chút gì nghĩ tới anh ngoài tình cảm anh em thông thường .
Bàn tay Ty Ty thô ráp vì tháng năm lăn lóc kiếm sống ở chợ trời, hờ hững đặt ở cuốn vở . Thiên mạnh dạn bất chợt đưa bàn tay mình nắm chặt đôi tay cô.
Cô nhìn anh không nháy, cũng không rút tay về, không bẽn lẽn hay bối rối, chỉ nhìn như muốn hỏi tại sao . Thế nhưng từ trái tim cô, hơi nóng bàn tay anh ràn rụa, xua đi niềm mặc cảm âm thầm bao năm chôn chặt . Cô nghe hạnh phúc và đau khổ, bởi biết cô và anh khó có ngày mai .
- Nhỏ nhớ hứa gì với anh không ? - Giọng Thiên khàn đi .
- Nhớ . Học xong mới có bồ chớ chi . Đã ngoéo tay, Ty Ty nhất định giữ lời hứa .
- Cảm ơn em . -- Thiên buột miệng .
- Vì răng cảm ơn ? -- Ty Ty cắc cớ .
Thiên một thoáng nhắm mắt . Đáng rất gần Ty Ty .
- Vì anh muốn suốt đời lo cho em .
Mặt cô nhỏ nhợt đi, rút vội bàn tay lại, Thiên ngoảnh nhìn nơi khác .
- Nhưng cả anh và nhỏ mới đi trên con đường tương lai, còn quá trẻ để nghĩ tới chuyện một đời, nên anh chỉ mong nhỏ đặt trọn tâm trí học hành . Sau này, đến tuổi đủ chín chắn, ta sẽ trở lại vấn đề anh vừa nói, nếu em có nghĩ về anh, không còn ai khác .
Ty Ty cúi mặt, lần đầu tiên cô lộ vẻ e thẹn con gái trước anh . Thiên rung động thật sự, hơn cả khi nắm bàn tay cô . Anh đứng lên, nói nhỏ giọng khàn đặc :
- Anh về . Mai đi rồi, ở nhà ngó chừng ngoại, anh có quà về cho .
Đêm ấy, Ty Ty thức trắng . Ở nhà bên, Thiên cũng chẳng hơn gì .
Đà Lạt trong mắt Hồng Diệp, Tâm Minh như một thiên đườngtrong mơ vậy . Với Thiên lại thường . Ba năm đại học, anh có dăm ba lần đi cùngbạn bè, còn hiện tại anh quay quắt nỗi nhớ một người .
Nhưng Thiên làm hướng dẫn viên tận tâm lắm, bởi vìhai cô em gái mà . Suốt ba ngày, ba người rong chơi Đà Lạt, chẳng sót chỗ nào .Tối về, cậu mợ Tâm Minh lo chuyện ăn uống chu đáo, chỉ ăn, tắm rửa rồi ngồi tròchuyện hoặc uống cà phê, dạo phố đêm .
Cậu mợ Tâm Minh giàu có, cũng bán vàng, suốt ngàyngoài hiệu, căn nhà rộng thênh, ngoài người giúp việc, hai thằng con cậu mợ đisuốt, ba người tha hồ ăn ngủ thoải mái .
Tối nay, Tâm Minh nói cả ngày đi khờ người muốn ngủ. Cô về phòng chui vào chăn . Còn mỗi Hồng Diệp và Thiên, cô rủ anh đi dạo bờ hồ. Thiên nói :
- Ở nhà dạo cũng được em, nào hoa, nào lá, để sứcmai đi thác Gougar xa lắm . Mốt về bay liền đi thành phố cho kịp nhập học .
Nhà cậu mợ Tâm Minh ở đường Trần Phú, là ngôi biệtthự đẹp hai tầng, với hàng mimôsa bọc quanh rào, cả hai đi quanh những luốnghoa rồi về ngồi ở xích đu dưới giàn tường vi rộ hoa .
- Em quyết định học kinh tế ư ?
- Dạ, đất nước đang phát triển kinh tế mạnh, em muốnhọc kinh tế để hòa nhập vào tương lai . Tâm Minh học tổng hợp, nó muốn làm côgiáo .
Thiên cười :
- Theo gien di truyền thì em phải học Tổng hợp,còn Minh thì học kinh tế mới đúng .
Hồng Diệp hất mặt, kiêu hãnh :
- Tâm Minh không đi vào sự cạnh tranh kinh tế được.
- Em được ư ?
- Những gì một phụ nữ tài ba, bản lãnh làm được,em làm được .
Thì ra ngoài vẻ dịu dàng, thanh nhã, Hồng Diệp cònlà một cô gái tự tin và tham vọng . Thiên thầm nghĩ và thấy chút gì khác lóe từmắt cô . Dù sao một phụ nữ thời đại phải như Hồng Diệp vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ. Thiên gật đầu, vẻ tán thành :
- Mong em thành đạt trong tương lai .
Mắt cô gái long lanh dưới trời đêm .
- Sự thành đạt của em, có anh bên cạnh mới là ýnghĩa .
Thiên hơi bối rối . Cô nhỏ có ẩn ý gì đây ? Vềcông sức dạy dỗ ở anh ư ? Hình như không phải . Thiên nhìn cô, càng bối rốihơn, mắt cô đẹp lắm, mơ màng say đắm nhìn anh . So về nhan sắc, so bề đầy đức hạnh,Ty Ty thua xa, thế nhưng ... Chết rồi ! Thiên ơi, coi chừng .
- Này, cô nhỏ ! Nói gì vậy ? Tại sao lại có anh ?Phải nói có người con trai nào bảnh trai, tài giỏi làm rung động được em chứ ?Để coi ... Có đó . Thằng Hồng Nhật bạn trai anh năm nay ra trường, hôm rồi thấyem, say như ...
- Em không cần bất cứ ai ngoài ...
Cô mím môi, đứng lên, vụt chạy, vấp vào bồn hoangã lăn .
Thiên chạy lại đỡ lên, nói :
- Em có sao không ?
Mặt Hồng Diệp đầm đìa nước mắt . Cô rên rỉ, ômchân :
- Em đau quá, cho em vào nhà .
Thiên dìu đi, Diệp la oai oái, ngần ngừ một chút,anh bồng xốc cô lên, đi vội vào phòng . Dấu mặt vào vai anh, Diệp vòng tay quacổ, nghe rung động toàn thân . Cô yêu anh quá, yêu đến sẵn lòng vì anh làm tấtcả anh có biết không ? Môi cô gắn chặt lên da thịt anh qua làn vai áo, run lên. Thiên thản nhiên đi nhanh vô phòng ngủ và sực nhớ Tâm Minh thì đã muộn . Tiếngla của Diệp làm Minh tỉnh giấc, cô nhìn qua cửa sổ, thấy hết mọi điều và đứng sữngra bối rối khi Thiên bế Diệp đi vào .
- Diệp té, chân đau . Em lấy dầu dùm anh .
Tâm Minh đưa chai dầu cứ ngẩn ra . Cô thấy bạn lạlắm, cứ như diễn viên trong phim, xuýt xoa, đau đớn, nũng nịu với nam nhân vậtchính, mắt ướt át, long lanh tình tứ . Trời ơi ! Tâm Minh cắn móng tay bần thần,nghe không ổn .
Thiên đánh dầu vào chân Diệp xong, đứng lên nói :
- Nếu mai còn đau, chắc không đi thác Gougar được. Hay là về sớm một ngày .
Diệp lật đật nắm tay Thiên, phụng phịu :
- Anh xoa dầu em đỡ đau rồi, mai nhất định đi được.
- Vậy mai tính . - Thiên đi ra, Diệp gọi giật .
- Không chúc em ngủ ngon sao ?
- Chúc em ngủ ngon .
Thiên hơi mất tự nhiên vì ánh mắt tròn xoe của TâmMinh . Anh vội bước đi . Diệp nhìn theo say đắm, mắt rực sáng, long lanh . TâmMinh ngồi, kéo chăn cho bạn, buột miệng :
- Hai người có chuyện chi rứa ?
Hồng Diệp ôm tay bạn, áp vào má mình, cười tươi :
- Diệp không giấu Minh là Diệp sung sướng quá .Anh ấy ... -- Cô có vẻ thẹn thùng . -- Thật ra, Diệp cũng yêu ảnh lắm, nhưng tacòn trẻ phải không Minh ? Đợi ra trường chưa muộn . Mẹ anh ấy thì nôn lắm .
Tâm Minh nghe như sẩm nổ bên tai . Răng lạ rứa hởtrời ? Tối hôm nớ, thấy anh Thiên nắm tay Ty Ty tình tứ lắm, mình lén chuồn về,răng chừ tới Diệp ? Thiệt là ... Ôi ! Tình yêu rắc rối quá . Dù chi phải nóicho Ty Ty biết .
*
* *
Ty Ty nghe xong, mặt kín như bưng khiến Tâm Minhkhó hiểu . Răng hắn không đau khổ mô rứa hè ? Rứa là răng ?
Lơ đãng cầm trái thông Mi tặng, Ty Ty nhồi nhồitrong tay, hỏi bạn :
- Mua vé đi chưa . Khi mô đi ?
Nhỏ Mi nhăn nhó :
- Chuyện nớ khoan nói, cho Mi biết Ty Ty nghĩ chi?
Ty Ty nhướng mày :
- Nghĩ chi ? Bình thường thôi . Cả hai không bàcon họ hàng gì, yêu nhau lại được hai bên vun vào, tốt quá rồi . Mình chờ ăn cướilà vừa .
- Ty Ty !
Cô nhỏ đứng lên, phủi đít quần, tỉnh khô :
- Mi đừng nói Mi yêu Chín Mập nghe . Nhìn ông bácsĩ Đáng kỹ chút đi, tốt hơn . Đi chợ đây .
Cô đi một nước chẳng buồn khóa cổng . Đốm đen chạytheo, Tâm Minh chạy ù về nhà . Họ mới về, đặt hành lý xuống, cô đã qua Ty Ty,ai dè ... Bà Nga đợi con ở phòng khách, chưa ra tiệm, thấy mặt con, hỏi liền :
- Chuyện chi buồn rứa ? Mới về đã chạy, không lo tắmrửa .
Nhỏ Mi kể hết với mẹ, bà Nga tặc lưỡi :
- Cha trời ! Bà Hai Gấm tốt thiệt, nhưng khoan chọnvợ cho thằng Thiên, con Ty không được mô . Mẹ nói với con rồi, họ hứa làm suilâu hoắc, mỗi con Ty Ty là không biết .
- Nhưng anh Thiên rõ ràng có yêu Ty Ty .
- Thì răng ? Cưới rồi còn bỏ được, huống hồ có cáinắm tay, chuyện mô bò nấy đi con, cứ để Ty Ty tự giải quyết .
Ty Ty chẳng giải quyết chi hết, ngày mô như ngày nấy,dọn hàng, bán hàng, đi chợ nấu ăn, dọn dẹp . Thiên qua, tặng bao nhiêu là quà,cô nhận, mặt tỉnh khô không lộ vẻ gì . Thiên thầm thở phào . Chắc nhỏ Mi khôngđể bụng kể lại .
Hôm sau, nhóm năm người lại họp mặt . Đáng lò dò tớinhập bọn . Ty Ty đãi bún chã cá . Hồng Diệp ngồi bên Thiên luôn miệng :
- Em không ăn hành, anh lấy ra cho em .
- Vắt cho em miếng chanh, anh Thiên .
- Hai người xứng thiệt . -- Đáng đâm hông một câu.
Lúc xúm lại coi hình chụp ở Đà Lạt, nhỏ Mi ngẩnra, răng nhiều hình Diệp với anh Thiên chụp chung rứa hè ?
Cứ tấm nào chụp với Thiên, cô đưa Ty Ty xem :
- Ty ngó đẹp không ? Chỗ ni là thung lũng Tình Yêuđó .
Đáng khen :
- Bên nhau đầy ý nghĩa .
Thiên như kiến bò bụng, không biết nói sao, cứnhìn Ty Ty . Cô nhỏ tỉnh bơ, nắp nóm khen, người cảnh đều đẹp . Xem xong hỏi :
- Mấy giờ bay hả Diệp ?
- Chuyến bảy giờ năm lăm .
- Hai người ráng học nghe . Có anh Thiên trong nớ,Ty Ty yên bụng . Cô ngáp thả cửa trước mọi người .
- Thôi, đi ngủ sớm, mai còn màn tiễn biệt .
Thiên linh cảm nỗi đau đang len lỏi đến gần anh .Ty Ty chưa khi nào gọi anh là Thiên cả, lúc nào cũng anh Mập ơi, anh Mập à .
Đáng đứng dậy chào về, Ty Ty tiễn ra tận cổng, bangười chào về, Ty Ty phẩy tay :
- Nhớ cột cổng dùm . Hẹn gặp lại .
Cô nhỏ chui vô mùng, tắt đèn, mắt ráo hoảnh, thứctrắng . Đã mấy đêm thức trắng rồi Ty Ty ? Buổi sáng, cô nhìn vào gương, tự hỏirồi tự nhủ : Hãy quên đi, chặng đường mi đi đầy chông gai, gặp ghềnh, hạnh phúcvới mi là chiếc bóng mà thôi .
Ở sân bay, mỗi Diệp không thấy mắt Ty Ty thâm quầng. Cô dịu dàng nắm tay Thiên, dặn dò :
- Nhớ vô đúng hẹn, em ra đón .
Nhỏ Mi thương Ty Ty suýt ứa nước mắt . Đáng hớn hở. Thiên bối rối .
Hôm qua, một trong tám bà chị kể chuyện mẹ hứa làmsui với cô Bích . Thiên chỉ biết than thầm, định lựa lời nói với mẹ, nhưng rồithôi, khi bà Hai nói xong sự nghiệp mới nói chuyện khác .
Một tuần sau Thiên đi . Suốt cả tuần anh không códịp nói với cô điều muốn nói . Lúc thì Ty Ty mắc bán hàng, lúc lên trường, lúcbuồn ngủ . Cô xa lánh anh thật hợp lý, tự nhiên, khiến Thiên âm thầm đau khổ .Cho đến hôm đi, Ty Ty như thường lệ ra tiễn, có Đáng đi kèm lần này . Thiên lêntàu, không nhìn lại
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro