01;
Quang Anh chưa từng mất quá nhiều công sức để đạt được thứ cậu muốn.
Tại cái thị trấn nhỏ một mặt giáp biển này, người dân nơi đây phần thì lênh đênh kiếm sống, người chọn thủ công mỹ nghệ. Quang Anh thì khác, bố mẹ cậu siêu cấp bận rộn, chẳng biết bận rộn của bố mẹ có khiến Quang Anh thiếu thốn gì hay không, duy chỉ có tiền bạc là không.
Nức tiếng làng trên xóm dưới, nhà cậu giàu và Quang Anh biết điều đó. Xuất phát điểm đã hơn nhiều người, Quang Anh chưa từng nghĩ bản thân phải nghiêm túc tìm thấy mục tiêu để phấn đấu trong cuộc đời mình. Bạn bè xung quanh cũng bởi cái nghèo cái khổ, mỗi giờ lên lớp lại rụng mất một hai người; ở thị trấn của cậu, hiếm khi có ai được học hành tử tế.
Cả thị trấn được một thanh niên lên thành phố học hành tử tế đã là chuyện hiếm có khó tìm, còn hơn thế là học hành và có công ăn việc làm ổn định ở thành phố thì mặc định sẽ thành hiện tượng.
Nức tiếng làng trên xóm dưới, cái khu này không một ai là chưa nghe qua "Thằng Đăng Dương làm lính cứu hoả ở Sài Gòn". Nói không ngoa, anh là niềm tự hào của cái thị trấn nghèo nhà san sát vách này. Làm lính cứu hỏa nói ra nghe không hào nhoáng bằng công an, cảnh sát; cũng vì cái chỗ người ta chạy ra đấy thì mình lại chạy vào, nhưng đó là cái nghề quả cảm và thiêng liêng, tận tụy và cao cả.
Ngoài ra, ở thị trấn còn có đôi ba tin đồn truyền qua vách tường, rằng nhà thằng Quang Anh chẳng ưa gì nhà thằng Đăng Dương, chỉ vì họ ghét phải chia nhau cái danh "nức tiếng" nhất vùng. Quang Anh thừa biết nhà cậu phải ôm cái tiếng xấu ác mồm ác miệng đó không phải mới ngày một ngày hai, mà hình như đã ôm tận mười năm, kể từ ngày Đăng Dương lên Sài Gòn học hành và trở thành lính cứu hoả.
Tự dưng thế, Quang Anh có mục tiêu phấn đấu của đời mình, là làm sao dập tắt tin đồn sai sự thật nọ.
Một ngày cuối hạ sắp sang thu, cái mùa nô nức hoặc không, là mùa tựu trường, khắp làng trên xóm dưới ai ai cũng biết Quang Anh vừa đậu vào một ngành truyền thông gì đó nghe tên lạ hoắc của một trường đại học nào đó tại Sài Gòn.
À tại sao ai cũng biết cậu đậu đại học á hả? Vì cái ngày có thông báo nhập học, Quang Anh chạy reo khắp nơi rằng cậu sắp được lên Sài Gòn gặp anh Đăng Dương yêu quý trong lời đồn của mọi người rồi.
Cứ vậy, tin đồn ghen ghét bị dập tan khéo léo và tài tình như lính cứu hoả dập hỏa hoạn. Thay vào đó, tin đồn mới được loan ra nghe còn chấn động rầm rộ hơn, rằng Quang Anh ôm tương tư thương thầm anh Đăng Dương nhà bên.
Cái này thì Quang Anh nhận, dù anh Đăng Dương kia chắc chẳng biết cậu là ai, còn nguồn cơn tin đồn bắt đầu chóng vánh lắm.
"Rồi sẽ có ngày con khiến ảnh yêu con hơn mấy cái bình chữa cháy của ảnh."
Quang Anh dõng dạc nói như vậy khi tụm nhau với mấy dì xem ảnh Đăng Dương chụp cùng đội công tác của anh. Dư luận trong xóm xôn xao không ngớt, có người đùa rằng cậu "love at first sight" với Đăng Dương chỉ qua một tấm ảnh, Quang Anh thì lắc đầu nguầy nguậy, cậu cãi cùn:
"Bậy rồi, lần đầu nhìn vào ảnh con nhìn anh khác cơ, nhưng mà nhìn tới anh Dương thì con mới biết yêu."
Vậy đó, ngày thằng nhóc mười tám tuổi khăn gói lên Sài Gòn học đại học và cả đi tìm anh Đăng Dương hơn nó mười tuổi, mấy dì hay hóng hớt kéo nhau ra ga tiễn Quang Anh đi, ai nấy đều chúc cậu lần sau về quê dắt theo được cả Trần Đăng Dương bao năm nay chẳng thấy mặt mũi về chung.
***
Sài Gòn hoa lệ chưa bao giờ là mục tiêu của Quang Anh. Chắc ai cũng nghe nhan nhản trên báo đài rồi, chuyện một thành phố sẽ trở nên đặc biệt vì một người nào đó.
Tàu chạy dọc bờ biển, băng băng qua hai ba đường hầm, tầm mắt hết tối rồi lại sáng, chỉ có thoang thoảng bên cánh mũi lúc nào cũng lưu hương cái mằn mặn mùi biển. Quang Anh chống tay lên khung cửa ngắm nhìn, thức ráo chẳng chợp mắt. Cậu yêu biển, và yêu những kí ức thuộc về biển nữa.
Nhất là kí ức của nhiều năm trước đây.
Chiều hoàng hôn rám đỏ cam cháy rụi cả một vùng, Quang Anh khoanh chân ngồi bên bờ biển mở tiệc BBQ. Quang Anh ăn một mình, không mấy làm lạ từ khi đôi chân vừa đủ cứng cáp để tự đi đến nơi nào cậu muốn. Bố bận rộn, mẹ cũng bận rộn, còn Quang Anh năm đó mười hai tuổi tự học làm một đứa giỏi chơi một mình.
Bỏ thêm thật nhiều than để đảm bảo có thể nướng chín con tôm hùm đắt đỏ, Quang Anh chẳng tự hào vì món ăn không phải ai cũng có tiền ăn này, cậu tự hào vì cậu là thằng công tử bột biết nhóm lò nung than.
Gió biển chiều lồng lộng, lửa bén lên phừng phừng, chẳng mấy chốc lan ra toàn bộ bếp đến bốc khói, đột ngột và nóng phỏng. Quang Anh giật mình, bắt đầu loay hoay không biết nên bỏ chạy phòng thân, hay nên cứu lấy con tôm hùm đắt đỏ sắp bị nướng thành than trước.
Một giây nào đó, Quang Anh cho rằng nên cứu con tôm hùm thì hơn. Dập lửa thì phải dùng nước, cái kiến thức mà ai cũng đinh ninh là chân lý cho mọi trường hợp đó Quang Anh lại chẳng kịp có thời gian để nhớ, cậu nóng vội chỉ muốn thọc tay vào bốc lấy con tôm hùm lôi ra.
Ào.
Một xô lớn nước lạnh dội xuống từ trên đỉnh đầu Quang Anh, sau đó đổ ập vào dập tắt bếp nướng phừng phừng lửa, cánh tay cậu cũng bị ai đó bắt giữ trên không trung. Kèm theo là tiếng quát giận dữ:
"Em bị đần à? Ai lại cho tay trần vào lửa, nguyên tắc trước tiên là bảo vệ bản thân em cũng không biết sao?"
Tiếng quát uy lực, Quang Anh chỉ biết cúi đầu thật thà:
"Nhưng con tôm hùm đó đắt tiền..."
"Thứ còn lại sau cơn hoả hoạn là chúng ta đều phải sống. Em nói xem, bố mẹ em cần tôm hùm hay cần em?"
Quang Anh đã định trả lời là con tôm hùm. Đứa trẻ khi ấy đương nhiên không hiểu hết được bận rộn của người lớn, và dù có ngoan ngoãn thông cảm cho bố mẹ, Quang Anh vẫn ghét phải ở nhà một mình, ghét cảm giác bố mẹ quan trọng chuyện kiếm tiền hơn là chuyện đưa cậu ra biển để cả gia đình cùng nướng thịt.
Quang Anh cứ cúi đầu không nói, hai mắt đã ươn ướt vì tủi thân nhưng không dám oà khóc. Người kia cao lớn, chợt quỳ một chân xuống cho vừa tầm nhìn; cái khoảnh khắc lần đầu tiên đó, Quang Anh chưa từng quên ánh mắt, và cả những gì anh nói với cậu.
"Những người lính cứu hoả có thể bị ngọn lửa nuốt chửng, nhưng họ vẫn làm, em biết tại sao không? Vì họ chiến đấu cho sinh mệnh con người. Không một thứ của cải vật chất nào đáng quý hơn sinh mệnh con người cả. Em có thể đang nghĩ rằng chẳng có ai quan tâm mình, vậy còn em, em đối với bản thân thì sao, em đã đủ trân quý bản thân mình chưa?"
Năm đó cậu mười hai, còn anh hai mươi hai. Trời chập tối nuốt chửng bóng lưng anh đi về phía bờ xa, vẫn còn đó câu nói cuối cùng anh dặn cậu, con tôm hùm thì đã bị lãng quên từ lâu.
"Đừng bao giờ xem thường sinh mệnh của mình. Ai trong chúng ta cũng đều đáng quý hết, anh cũng vậy, em cũng vậy, nhớ chưa?"
Chiều tàn, nước dội lên người lạnh ngắt nhưng Quang Anh lại thấy ấm; biển cháy rực cũng không ấm nóng bằng nhiệt độ trái tim. Bộ đồ bị ướt dính hết vào người, còn Quang Anh thì dính vào cái gọi là không lối thoát của tình yêu.
Chẳng có ngẫu nhiên nào cả, "love at first sight" cũng là thật, nhưng bắt đầu từ lâu rồi, lâu hơn người ta biết đến nhiều. Năm tháng lớn lên của một đời người là vòng thời gian điên rồ, chỉ từng ấy năm là đủ để một người không còn buồn vì những nỗi cô đơn thường nhật, vừa đủ để một người chán nản với một thứ gì đó.
Vậy mà Quang Anh năm nay mười tám tuổi quyết lên Sài Gòn học cho bằng được, trọn sáu năm nhớ mãi một người chỉ mới gặp duy nhất một lần, còn tự dưng từ đâu đến dội lên người cậu một xô nước lạnh ngắt, rồi quát lên rằng đừng bao giờ xem thường sinh mệnh của bản thân.
Người có kiểu này kiểu nọ, và sẽ thích một người kiểu kia kiểu đấy; nên rồi ai cũng sẽ tìm được người thương mình và người mình thương thôi. Quang Anh lắm lúc lại tự nghĩ cậu bị điên, lại đi thích kiểu người lần đầu tiên gặp đã gầm lên với người khác như vậy.
Những vệt ký ức dần tan ra khi tàu về đến ga. Sài Gòn đây rồi, nơi sẽ cho cậu gặp người muốn gặp. Không về khách sạn, cũng không loay hoay tìm chỗ trú thân, Quang Anh thẳng thắn kéo vali đến cái địa chỉ mà cậu mất rất nhiều ngày dò la từ miệng của mấy cô trong thị trấn.
Căn nhà nhỏ hiện ra sau ba con hẻm ngoằn ngoèo nằm biệt lập một vùng có sân vườn nhỏ xíu, nhìn không đắt đỏ như nhà mặt phố nhưng đủ cho thấy sự siêng năng lao động của người có thể mua nó. Quang Anh lén cười, hai mươi tám tuổi, có nhà, có xe, công việc ổn định; lập gia đình được rồi.
Nhưng mà, căn nhà có hơi cô quạnh và hoang sơ. Quang Anh nghe phong phanh rằng Đăng Dương ở trụ sở công tác cả ngày lẫn đêm không sót buổi nào. Rõ lính cứu hỏa trực một ngày nghỉ một ngày, mỗi tháng được nghỉ hai ngày chủ nhật, vậy mà có tháng Đăng Dương chẳng về nhà được lấy một lần. Nói là nhà bỏ hoang có ma khối người cũng tin.
Quang Anh ngó thấy trước cửa nhà có treo biển cho thuê phòng, còn ghi chú thêm là thuê nguyên căn cũng được. Không chần chừ gọi vào số điện thoại in trên đó, bắt máy lại là giọng nói trẻ con hơn, nghe không giống sẽ là của Đăng Dương chút nào, cuối cùng là ba chữ "Đợi xíu ạ".
Một phút sau có cậu nhóc trông còn tuổi học sinh phi ra khỏi nhà, nó tíu tít coi bộ phấn khích lắm:
"Anh là người đầu tiên dám gọi thuê phòng đó. Em là Duy, cháu của chủ nhà, rất vui được gặp anh."
À, Quang Anh có nghe qua rồi, rằng Đăng Dương sống cùng thằng cháu nghịch ngợm bị bố gửi lên Sài Gòn học cho anh dạy dỗ. Vậy tại sao có tận hai người, nhà cửa vẫn như bỏ hoang?
Chuyện, Đăng Dương không thiết về nhà, thằng Duy thích ở bên nhà người này người kia hơn, nó bảo sống một mình hoài nó cô đơn chết mất. Cứ vậy thằng Duy ăn gan hùm trưng dụng nhà của chú nó làm nơi kiếm chác mà không cho anh biết. Oái oăm là dù nó có đầu óc kinh doanh, treo biển cho thuê phòng được hơn nửa năm nay vẫn không một ai dám bước chân vào thuê.
Quang Anh thì dám, có vào đó sống với những hiện tượng tâm linh như lời đồn cậu cũng dám.
Đến khi đã yên vị gác chân trong phòng khách, tính ra cũng không khó để vào được nhà của Đăng Dương, Quang Anh chỉ cần đóng cho thằng Duy hẳn nửa năm tiền nhà, tiện bo thêm vài trăm nói là cho tiền tiêu vặt. Đơn giản có thế, cửa nhà hai cái, đến cả cái cửa sổ cũng tự động rộng mở chào đón Quang Anh vào nhà làm đại thần.
Sài Gòn với Quang Anh những ngày đầu dễ đến và thuận lợi, giống như trước đây chưa từng có điều gì làm khó được cậu vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro