Kì 4: Chàng Deanov trên tàu điện và người sĩ quan trên Tam Đảo mù sương.
TP - Nhà gần Hồ Gươm, từ nhỏ tôi đã hay ra hồ chơi. Năm lớp 8, tôi quen Hùng - một anh xé vé tàu điện, hơn tôi vài tuổi. Hùng đẹp trai, mũi cao, mặt thon, hơi lạnh.
Rung cảm đầu đời.
Trong mắt tôi, khuôn mặt của anh khá giống với chàng Deanov hào hoa trongTrên từng cây số - phim truyền hình nhiều tập của Bulgaria, sản xuất năm 1969.
Vai chính Deanov do Stefan Danailov đảm nhận. Đây là một nhân vật rất đẹp trai, tài hoa, thần tượng của nhiều khán giả nữ Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước.
Phải thừa nhận rằng tôi là đứa không chí thú học hành, mặc dù khá chăm đọc sách đọc truyện và giàu tưởng tượng. Hoàn cảnh xã hội thời ấy, người có học với người ít học sinh sống chẳng khác nhau là bao. Trí thức thì cũng vẫn phải xếp hàng mua gạo mua thịt, còn dân chạy chợ đen có khi nhà lại đủ cả phích nước, đầu máy khâu…
Tôi học hành chểnh mảng dần rồi bỏ dở vào cuối năm lớp 8. Tất nhiên, sự học không được khuyến khích chỉ là một phần nguyên nhân, cái chính là tôi lười và thích đi chơi với Deanov.
Tôi cũng chẳng ở nhà giúp đỡ gia đình, thường xuyên ra la cà bến tàu điện (ga trung tâm ở Bờ Hồ). Bố tôi nổi giận, nện mấy trận. Một lần bị đòn đau quá, tôi bỏ nhà chạy đến chỗ Deanov. Anh khuyên:
- Thôi về đi, ai lại bỏ nhà như thế này?
- Chết em cũng không về. Anh đừng bắt em.
Tôi lang thang theo Deanov cả ngày. Buổi tối, anh dẫn tôi về nhà. Deanov thương tôi, không muốn tôi vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Anh đâu biết tôi bỏ nhà ra đi một phần vì giận bố, một phần vì thích gần anh.
Deanov nhà nghèo nhưng sống rất tình cảm. Anh chỉ tôi, nói với mẹ:
- Bố nó đánh đau lắm, cứ như không phải con ông ấy đẻ ra. Nó bảo không có con, nó sẽ bỏ vào miền Nam.
Mẹ Deanov lắc đầu: “Thôi, để bác nhận mày làm con út”. Bà thương tôi lắm, hay chuyện trò hỏi han, có chút gì ăn cũng để dành.
Nhà Deanov nghèo đến mức chỉ có một cái giường, nhường cho mẹ anh nằm. Hai anh em phải trải chiếu trên nền đất để ngủ. Đêm lạnh, tôi rất thích ôm anh. Anh bảo tôi:
- Ngủ đừng ôm. Mày làm vậy, anh khó ngủ lắm!
Tôi lâng lâng hạnh phúc khi được theo Deanov lên tàu điện đi khắp phố phường Hà Nội. Cả thành phố chỉ có hai ngã tư “đèn xanh đèn đỏ” ở Bờ Hồ và Cửa Nam, và hình như đèn cũng ít được sử dụng.
Tàu điện leng keng đưa chúng tôi qua những con phố dài, hai bên là nhà cửa xam xám với những cửa sổ xanh xanh, cũ kỹ, những góc tường sứt sẹo dính đầy mạng nhện.
Trí óc tôi nhanh chóng ghi nhớ những hình ảnh quen thuộc: Cây bàng lá đỏ thẫm một góc đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), cây đa cổ thụ rợp bóng, những ô vườn rập rờn hoa bướm hồng, hoa mào gà tía ven Hồ Gươm…
Chưa ra tới ngoại thành nhưng hai bên đường đã bạt ngàn ruộng rau muống, duối gai, chuối... Hà Nội ngày ấy nghèo lắm nhưng vẫn đẹp, vẻ đẹp thanh bình và nên thơ trong mắt một thằng nhóc mơ mộng là tôi.
Những năm đó, cuộc sống vất vả, gia cảnh Deanov cũng như nhiều nhà khác rất khó khăn. Lương lậu của anh chẳng được là bao lại phải nuôi mẹ già. Tôi chấp nhận tất cả để được sống gần anh. Nghĩ lại, thời gian ở cùng Deanov là thời gian tôi bắt đầu có những biểu hiện luyến ái đầu tiên. Anh bảo tôi:
- Tính mày như con gái ấy nhỉ? Hay hát, hay cười nhưng một chốc lại dỗi, lại tủi thân. Thôi, cũng vui!
Một lần, anh kể với tôi về một cô gái hay đi tàu điện. Cô rất thích Deanov. Đến buổi tối, hai anh chị hẹn nhau đi chơi. Bởi vậy, Deanov không đi chơi tối với tôi như thường lệ.
- Hay mày đi cùng anh chị cho vui? – Anh hỏi khi thấy tôi tần ngần, mặt xịu ra.
Tôi lắc đầu. Buổi tối nằm chẳng ngủ được, chỉ mong anh về thật nhanh. Hơn mười giờ, Deanov mới về, hỏi chuyện tôi thì ít mà hào hứng kể chuyện anh chị đi chơi công viên thế nào thì nhiều. Tôi hờn dỗi, mặt sưng lên, miệng ngậm hột thị. Thế mà Deanov không hề nhận ra. Vậy là tôi đã “ra rìa”. Lòng tủi thân vô cùng.
Ngay hôm sau, bố phát hiện chỗ ở của tôi. Thì ra mẹ tôi ở nhà nhớ con quá, bắt bố đi tìm. Bố tôi khổ sở mấy tháng trời. Cứ thấy bóng ông là tôi lẩn như chạch. Cuối cùng thì nhờ sự giúp sức của một người quen, bố tôi đã tìm được nhà Deanov. Ông bắt anh hứa không bao giờ chứa chấp tôi nữa. Rồi lẳng lặng kéo tôi về.
May, cả bố và mẹ không ai đánh mắng gì tôi. Hơn thế nữa, lôi được tôi về nhà, bố mẹ còn chiều tôi hơn, như bù lại quãng thời gian tôi sống vất vưởng với Deanov.
Chắc bố cũng sợ đánh đòn đau, ông con lại bỏ nhà đi lần nữa thì hỏng. Mẹ đưa tiền cho bố mua một cái đài JVC - thứ đồ rất có giá trị khi ấy. Rồi bố đưa tôi lên chợ Giời để chọn những băng cải lương yêu thích.
Nhưng chừng ấy cũng không đủ để tôi lấp đi khoảng trống trong lòng. Tôi nhớ Deanov, nhớ tiếng tàu điện leng keng, nhớ mỗi ngày đi cùng anh một vòng quanh Hà Nội. Nghe cải lương, tôi lại càng nhớ thêm. Tôi thấy anh rất giống với kép chính của vở Đêm lạnh chùa hoang. Vở này kể về hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau.
Kép chính có vẻ ngoài lạnh lùng, ngang tàng nhưng rất tình cảm. Cứ mỗi khi nhân vật cất tiếng ca, tôi lại hình dung là Deanov đang hát. Nhiều lần, tôi định chạy ra bến tàu điện tìm anh. Nhưng đều bị ngăn lại.
Mấy tháng sau, tôi biết tin Deanov đang sống cùng một cô gái khác. Họ thương nhau nhưng nghèo quá nên không cưới xin gì. Anh đến nhà tôi, kể chuyện rồi mời qua chơi. Nhưng tôi từ chối.
Deanov dẫn tôi ra Tràng Tiền chơi, xếp hàng chờ ăn kem. Anh tiếp tục hào hứng kể về cô gái nọ, mối tình của họ cùng những dự định cho tương lai: sẽ bán cái nhà ở xóm liều Thanh Nhàn, mua một nhà mới ở Vĩnh Tuy, đưa mẹ già đến ở.
Sẽ làm thêm nghề này, nghề kia kiếm sống- chuốt đũa, đóng chổi, cùng lắm thì xuống Vĩnh Tuy làm mẹt giá đỗ bán ở chợ. Nghe bảo có nơi cần người dán phong bì, thế là có mối rồi. Trong câu chuyện của anh, tôi chẳng xuất hiện lấy một lần.
… Tôi cúi nhặt mảnh vé tàu điện rách ai vứt trên vỉa hè, vò vò nó trong tay rồi vo viên vứt đi. Một làn gió ùa tới, cuốn đi những lá xà cừ vàng thắm cùng bụi đường mờ mịt, làm mắt tôi cay xè. Tôi nghĩ tới cái đám cưới sẽ có trong mơ giữa Deanov và người yêu anh.
Tôi chạy về nhà, leo lên gác, đóng sập cửa lại.
Tối ấy, tôi bật khóc. Những giọt nước mắt sầu muộn đầu tiên vì chuyện tình cảm. Kể từ đó, tôi không đến nhà Deanov nữa. Tôi cũng không bao giờ đi tàu điện nữa. Kể cả cho đến những ngày cuối cùng, khi tàu điện trở thành một biểu tượng của thủ đô Hà Nội xưa.
Những ngày trong quân ngũ
Một phần sự bối rối của tôi bắt đầu từ việc thời đó, xã hội không biết nhiều về khái niệm đồng tính. Sách vở, thông tin về giáo dục giới tính cực kỳ thiếu thốn. Tôi vào cả thư viện đọc sách, nhưng cũng không biết mình cần tìm kiếm cái gì.
Tôi đâu đã biết tới những “từ khóa” như: đồng tính, bóng, pêđê, gay, lesbian… Hầu như chẳng ai đề cập đến chuyện ấy. Và cứ thế, tôi sống với một bí mật khủng khiếp về bản thân...
Mười tám tuổi, tôi phải đi bộ đội. Mẹ tôi thương con nên tìm cách chạy chọt để tôi không phải lên vùng biên giới. Cuối cùng, tôi được vào một trung đoàn thông tin, đóng tại Tam Đảo.
Ngay từ hôm đầu vào bộ đội, tôi đã ấn tượng với trung đội trưởng, chỉ huy trực tiếp của mình. Anh tên là Ngọc, mới ba mươi tuổi, đã có vợ và một con trai. Ngọc râu quai nón, nước da ngăm ngăm và vóc dáng khỏe mạnh.
Điều chết dở là càng ngày, tôi càng thấy mình… thích Ngọc hơn. Thích nhưng sợ bị phát hiện nên cứ phải giấu giếm. Tôi tìm đủ cách hục hặc, chọc tức Ngọc, vừa để che giấu nỗi lòng mình, vừa để gây sự chú ý ở anh. Nhưng Ngọc không hề ghét tôi. Anh bảo với mọi người:
- Nó ngang ngược nhưng nó là người Hà Nội, tao hợp nó. Nó thế thôi nhưng tính hay lắm.
Thời gian trong quân ngũ, tôi chẳng thiếu gì người hâm mộ là các bóng hồng. Ai mà tin được tôi lại đem lòng yêu mến thủ trưởng của mình! Mà lần này thì không phải là mơ mộng nữa rồi.
Lúc nào tôi cũng muốn làm cái gì đó thật hay, thật đáng yêu, hoặc thật đặc biệt, nổi bật trong đám đông để được anh chú ý. Đồng thời, tôi cũng tìm đủ cách cư xử xấu với Ngọc. Tôi muốn làm anh ghét tôi để tôi không còn thích anh được nữa.
Tam Đảo hồi ấy còn hoang sơ, rất đẹp. Rừng núi điệp trùng, xanh ngăn ngắt. Mỗi sáng sớm, cỏ cây mờ sương, giọt giọt đọng long lanh trên lá làm tôi muốn ngây ngất ngắm nhìn. Buổi trưa, nắng lên, sương tan dần, từ trên núi nhìn xuống thấy đồng lúa xanh biếc như ngọc, mây trắng lờ lững trôi như những con cừu bông đang gặm cỏ.
Bản tính mơ mộng trong tôi lại được dịp trỗi dậy. Tôi hay thơ thẩn trong rừng, ngắm hoa bắt bướm, hái lá dương xỉ về ép sổ. Có lần mải chơi về muộn làm Ngọc cuống lên.
Anh quý tôi phần vì tôi là người Hà Nội, phần vì tôi có vẻ mộng mơ hiền lành, lại khéo tay và hay lam hay làm - nấu ăn, trồng cây, trồng hoa, trồng rau cải thiện cho đơn vị. Riêng điều này anh không biết: Tôi chăm chỉ thật, nhưng đó còn là vì tôi muốn làm anh vui lòng.
Một hôm, Ngọc dẫn cu con lên đơn vị chơi. Tôi chẳng ưa gì thằng bé từ phút đầu, dù tôi vốn thích trẻ con. Nó nghịch như quỷ sứ, luôn chân luôn tay, bố quát cũng không sợ. Nhưng ghét nhất là sự có mặt của nó làm Ngọc vui lắm, tươi hơn hớn. Anh chỉ chăm chăm khoe con với mọi người. Lại một lần nữa, tôi “ra rìa” thảm hại.
Lát sau Ngọc có việc phải đi đâu đó, nhờ chú Dũng trông thằng bé hộ một lúc. Đúng là một dịp để tôi hành nó. Ở với thằng bé, tôi không chiều chuộng gì, kệ nó muốn làm gì thì làm. Ngồi mãi một chỗ, chán quá, thằng bé đòi đi chơi. Tôi cực chẳng đã phải dẫn nó đi. Đường núi dốc ngược, thằng bé kêu mỏi chân, tôi gắt ầm:
- Không bế ẵm gì cả, mày tự đi bộ đi.
Trời nắng, mụn nhọt rôm sảy nổi khắp người, thằng bé khóc sụt sịt. Tôi gầm lên:
- Mày đi bộ đi. Tao ghét mày. Biết không? Tao ghét mày.
Tôi vừa tức Ngọc, vừa thấy ghét vợ con anh, đàn bà trẻ con lắm chuyện, rách việc. Tôi nhất định không bế thằng bé, cầm cái roi, vụt vào chân nó mấy phát: “Nín ngay! Không đi này. Khóc hả? Khóc hả?”.
Thằng nhóc sợ quá im bặt. May cho tôi, Ngọc không hề biết chuyện đó. Nếu biết, anh sẽ chẳng hiểu ra thế nào. Chỉ có mình tôi hiểu: Tôi ghen với vợ con anh.
Hết hai năm rưỡi, tôi giải ngũ. Thời gian đầu, tôi bùi ngùi nhớ Ngọc. Rồi công việc và bạn bè cuốn hút, hình ảnh Ngọc mờ nhạt dần. Đã tưởng phôi pha thì bỗng một lần, anh về Hà Nội thăm tôi. Đang nằm đọc truyện trên gác, tôi nghe tiếng Ngọc cười nói dưới nhà với bố. Chất giọng quen thuộc ấy, không bao giờ tôi quên được.
- Thôi, cứ cho em nó ngủ, con với bố nói chuyện với nhau...
Tôi nằm yên, tâm trạng xốn xang. Một niềm vui lâng lâng trong lòng: Đêm nay, Ngọc sẽ ngủ với mình. Thôi, xa nhau mãi rồi, bây giờ chẳng cần ý tứ nữa.
Quả thật, đêm ấy chúng tôi ngủ chung. Tôi ôm Ngọc rồi bắt đầu sờ soạng. Ban đầu, anh gạt tay tôi ra rồi nằm quay sang bên kia. Nhưng không chịu nổi, tôi lại tiếp tục. Lần này Ngọc để yên, nhưng cũng không hưởng ứng.
Ngày ấy, còn thiếu kinh nghiệm, chuyện cũng chỉ dừng tại đó. Sáng hôm sau, ngồi ăn cơm, Ngọc ngượng không dám nhìn vào mặt tôi. Lòng tôi thấy buồn và tiếc khi anh nói sẽ về luôn. Tôi giữ lại không được.
Nhìn lại chuyện với Ngọc, tôi nhận ra mình thích anh nhưng lại lo sợ khi đối mặt với điều ấy. Dường như cảm giác ấy chỉ có ở những người tự thấy mình thấp kém và chỉ có thể đơn phương. Phát hiện ra điều ấy, tôi thấy hoang mang, lo sợ và xấu hổ.
Dần dần, nỗi hoang mang lo sợ biến thành kinh hãi. Tôi làm sao thế này? Sợ lộ chuyện, lúc nào tôi cũng lo lắng tìm cách đối phó với mọi người. Bạn gái của tôi có vài người, nhưng không bao giờ tôi dám tâm sự. Với con trai lại càng khó. Tôi cũng không có bạn là những người đồng tính để chia sẻ.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro