Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Kì 2: Gã Trai Quê

TP - Ai đó hỏi tôi: “Hình như người đồng tính yêu và ghen dữ dội hơn người thường?”. Biết nói sao bây giờ, khi mà tình yêu của chúng tôi cũng có đủ sắc thái như các bạn. Cũng quyến rũ, ghen tuông, giận hờn, buồn bã... 

Nhưng, có lẽ chúng tôi ghen dữ dội hơn các bạn thật. Sự ghen tuông đó là hậu quả của những ức chế và tự ti luôn đi kèm. 
Tình yêu không tự đến với giới đồng tính; chúng tôi cứ phải đi tìm, thậm chí rủ rê, dụ dỗ bằng vật chất, qụy lụy về tinh thần... 
Có tình yêu rồi lại phải giữ, phải canh chừng kẻo nó tuột khỏi tay. Nên lúc nào người đồng tính cũng gây ấn tượng là họ ghen tuông một cách bệnh hoạn. 

* * * 

Mẹ tôi bị bệnh không lâu. Người ngoài đồn bà cụ ốm chết vì đau khổ quá. Hai đứa con trai thì một đứa chết non (anh trai tôi bị chết đuối từ nhỏ), một đứa là dân bóng. Con gái cụ thì bà chị kế trên tôi cùng con ruột vướng vào vòng lao lý. Gia đình tan nát, theo quan điểm duy tâm, như thế gọi là “suy”. 


Dịp 30/4-1/5 năm ấy, tôi nằm nhà, trống rỗng, muốn khóc mà không khóc được. Hình như chẳng còn nước mắt nữa. Cả buổi sáng tôi vật vờ, hết bật tivi xem, rồi lại ngáp, lại vớ quyển sách lăn ra giường đọc. Đọc chán lại lờ đờ ngồi dậy, thổi cơm ăn. Đến trưa thì chán không chịu nổi, tôi mò ra phố Hàng Khay, đến thăm một bà chị bán hàng. 


Chị đang tiếp hai thanh niên, một thằng là Quang, làm nghề bán quần áo, thằng kia là bạn, chưa có nghề ngỗng gì. Quang hỏi: “Thằng bạn em là Nhân, dân Nam Định. Chị với anh đây xem có việc gì làm thì giới thiệu cho nó”. Tôi gật gù, ậm ừ cho qua chuyện. 


Ngồi đến ba giờ chiều, không muốn lại phải về nhà, tôi rủ hai đứa đi uống rượu. Cho đến lúc đó, tôi vẫn chưa có ấn tượng gì về họ. Tuy nhiên, khi rượu bắt đầu vào, tôi mới nhận thấy Nhân – cái cậu trai quê Nam Định ấy – có cách nói chuyện rất nhiệt thành của một thanh niên nông thôn. Nhân có một vẻ gì đó rất nồng hậu. 


Càng nói chuyện, tôi càng thấy hắn thú vị hơn, mặt mũi sáng sủa hơn, cuối cùng thì tôi thấy hắn, xét về mặt hình thức, quá được! Nhất là lúc uống rượu nóng, hắn cởi trần ra, tôi ngồi nhìn. Dân lao động có khác, ngực nở, bụng nhỏ, chân tay cơ bắp. Tôi bắt đầu có ý định câu giờ. Phải ngồi cho thật muộn, để hai đứa không thể về nhà được, ít nhất cũng khó mở cửa. Vậy là tôi thúc cả bọn uống tràn cung mây, uống thật lâu, rồi mới thả lời: “Về nhà anh chơi đi”. 


Chúng tôi lếch thếch, liêu xiêu kéo nhau về. Tới nhà, uống nước một lúc, rồi cả ba lên gác xem phim. Chúng tôi nằm lăn ra phản. Tôi đòi nằm giữa hai chàng. Chẳng bao lâu, cơn say rượu, say người bốc lên, tôi bắt đầu quờ quạng. Quang phản ứng: “Anh làm gì thế? Anh không được vớ vẩn nhé!”. Tuy nhiên, hắn cũng chẳng làm gì mà quay luôn mặt vào tường, ngủ, xoay lưng lại phía tôi. Còn anh chàng Nhân thì… thật lạ, hắn không chống cự mà lại cầm lấy tay tôi. 


Phần là men rượu, phần là men tình, tôi gần như vồ lấy hắn. Nắng hạn gặp mưa rào.Nhân mạnh mẽ hơn tôi tưởng. Thật khó hiểu, bởi vì với những người khác, ngay cả những người đam mê, tôi còn phải dỗ dành chán. Tôi tự hỏi hay Nhân cũng là gay như mình, cũng là một MSM (từ mà chúng tôi dùng để gọi nhau, viết tắt của cụm từ tiếng Anh “man seeking man” hoặc “men who have sex with men”, nghĩa là “đàn ông tìm kiếm đàn ông”). 


Nhân kể tôi nghe, hắn làm việc trên một tàu chở than chạy tuyến từ sông Hồng ra Quảng Ninh, do công việc vất vả mà lại bị chửi mắng nhiều nên chán, vừa bỏ. Trên tàu hắn gặp một người đàn ông, ông này thấy hắn trông hay nhất trong cả đám trai sông nước đen đúa, nên có rủ hắn vào cabin, cho xem phim và gạ. Hắn có người yêu rồi nhưng lúc đó đang sẵn chán nên cũng đồng ý, thấy chẳng mất gì. Chuyện chỉ có thế, tôi nghe rồi cũng chưa hiểu Nhân là người bình thường hay đồng tính. 


Trước đó, thằng Quang có kế hoạch hôm sau 1/5 rủ mấy đứa bạn, trong đó có Nhân, đi câu cá. Tôi dỗ Nhân: “Bọn nó đều có đôi rồi, mà đều là dân thành phố, ăn chơi lắm, em không hợp đâu. Ở nhà chơi với anh, thích đi đâu anh chở đi. Này, hay là đi công viên nước Hồ Tây chơi nhé?”. Không hiểu ngây thơ hay thế nào mà Nhân đồng ý ngay. 
Hắn nằm, ngó quanh nhà tôi, rồi bảo: “Em chưa thấy nhà ai đẹp như nhà anh”. Trời đất ạ, đúng là kiểu ăn nói của dân quê, thật thà và có gì đó tội tội. Nhà tôi thì có gì mà đẹp, rất bình thường, cực kỳ bình thường, với đủ thứ đồ cũ kỹ trong một diện tích chật hẹp. Nhưng Nhân nói vậy, bởi vì hắn sinh ra và lớn lên ở quê, một huyện nghèo ở Nam Định. 


Vừa thôi học lập tức lao vào trường đời, lênh đênh trên tàu. Nhân chưa từng sống ở Hà Nội ngày nào, cũng không có người quen. Tóm lại, ở hắn có một cái gì đó thật thà dân dã, đấy là điểm khiến tôi thích thú. Ngoài ra là sự hưởng ứng mạnh mẽ... Cộng cả hai lại, tôi bắt đầu mê Nhân. 

* * * 

- Thằng Quang là bạn mà nó kẹo lắm anh ạ. Lương nó cả triệu bạc, thế mà nó chỉ giúp em có vài chục nghìn về quê. Bao giờ đi làm, có tiền, em trả lại nó cả lãi luôn. 
- Ở trên này với anh, anh kiếm việc cho. Ở lại với anh, nhé? 
- Vâng. Nhưng độ hai, ba tháng anh cho em về quê một lần nhé. 
- Ừ, ừ… 
Bài ca muôn thuở vẫn du dương của tôi là bài ca xin việc làm giúp. Nghi lễ mở màn là đi mua sắm quần áo. Hai áo ba lỗ, một áo phông, một quần bò, một quần ngố, hết nửa triệu bạc, đổi lại được sự phấn khởi của “người đẹp”. Đúng là nghìn vàng mua lấy nụ cười! Nhân thích lắm, diện đồ mới, đứng trước gương hết soi ngược lại soi xuôi: “Đẹp nhỉ? Trông em khác hẳn đi, đúng không anh Dũng?”. Tôi lại đưa hắn đi cắt tóc, gội đầu, thơm tho sạch sẽ hẳn lên. 


Thời gian đó, tôi mở cửa hàng băng đĩa làm ăn khấm khá, chắc một phần do chăm chỉ hơn. Kiếm được tiền, tôi lại càng chiều Nhân, mua cả nhẫn vàng cho đeo. Nhân cũng hài lòng lắm, có điều vẫn sợ Quang biết chuyện. Quang chưa biết Nhân ở nhà tôi. Có lần tôi gặp, mon men hỏi dò: “Quang ơi, bao giờ Nhân lên Hà Nội dẫn nó đến nhà anh chơi nhé?”.  “Quang ơi, nói thật, anh, anh quý thằng Nhân lắm. Nó khổ mà bản chất nó tốt. Quang có đồng ý để nó lên trên này đi làm, ở luôn nhà anh không? Anh không phải người xấu đâu…”. Thằng ranh giãy nảy: “Ở với anh để nó hỏng hết cả người à?”. 


Tôi bực bội, nghĩ bụng ghét Quang vô cùng. Nói vậy nhưng tôi cũng hiểu tình cảnh của Nhân và thái độ của Quang. Hai đứa là bạn học, chơi với nhau từ nhỏ, người cùng làng. Cả hai lại đều là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm ăn, thân cô thế cô. Tôi không muốn vì mình mà Nhân mất bạn. Tốt nhất là phải làm sao cho Nhân thật thoải mái, còn Quang chấp nhận chuyện chúng tôi. 


Muốn thế phải cư xử khéo léo, không gì bằng cách mua chuộc cô Yến người yêu của Quang. Trong tôi có 50% là phụ nữ, nên rành tâm lý của con gái lắm. Tôi dò hỏi địa chỉ của cô ta, rồi ra phố đồ chơi Lương Văn Can, mua một con gấu bông hơn trăm nghìn, rước đến tận nhà nàng hối lộ. Tôi chọn đồ thì khéo lắm, đương nhiên là Yến thích mê. Kể từ đó quan hệ giữa hai “cặp” thân thiết hẳn lên. 


Ở cùng tôi, Nhân vẫn giữ bản chất của một thanh niên nông thôn hay lam hay làm. Hắn kêu không có việc gì, sống như làm cảnh, thiên hạ nhìn vào lại xì xào. Tôi rất thích cái tính tự trọng ấy. Tôi kéo hắn vào làm ở cửa hàng băng đĩa. Công việc cũng nhàn nhã, ngủ trưa đẫy giấc, chỉ có ăn xong thu tiền, thỉnh thoảng làm vài cú alô, alô, đi nhận hàng các nơi. Mới ở cùng tôi một tháng mà trông hắn cơ bắp hẳn lên, môi đỏ chót, da hồng hào, hơi nâu. 


Lúc nào cũng khỏe khoắn, nam tính, tràn trề sinh lực. Một chủ nhật, tôi đưa hắn đi chụp ảnh nghệ thuật ở cửa hàng của thằng bạn, cũng là dân gay. Bạn tôi vừa chụp ảnh vừa tấm tắc: “Con Dũng có quả bồ đẹp quá!”. Nghe thì thích và tự hào, nhưng lại cũng sợ, lo mất Nhân. Không được, không để Nhân đi đâu được. 


Tôi bèn rủ rỉ thuyết phục, nói sẽ cho hắn tiền hàng tháng, đồng thời kể ra những cái dở của việc đi làm thuê để hắn biết mà tự ngán. Nhân nghe tôi nói cũng xuôi xuôi, nhưng trong thâm tâm, chắc hắn vẫn muốn đi làm vì chán cái cảnh ăn không ngồi rồi. 


Tôi hiểu nhà Nhân nghèo quá, bố mẹ già yếu mà hắn thì là con cả, hắn mong muốn làm một cái gì đấy ra tiền đều đặn để giúp đỡ gia đình. Rất có thể vì mong muốn đó mà hắn chấp nhận sống cùng với tôi, nhận tiền của tôi, dù hắn không hoàn toàn là kẻ lợi dụng. 


Đến đây chấm dứt chuỗi ngày êm ả. Mới được có ba tháng thôi. Tôi và Nhân bắt đầu cãi nhau. Một buổi trưa, Nga -  người yêu cũ của Nhân gọi điện vào máy tôi. “Chú ơi, cháu đứng ở ngay đầu phố. Anh Nhân có nhà không?”. Tôi dằn giọng: “Nhân về quê rồi”. Nhân nằm im bên cạnh tôi, cười như khóc. Chờ tôi cúp máy rồi hắn mới dám lí nhí: “Khổ thân nó, nó nhớ tôi quá mới lên trên này tìm tôi. Dũng cho nó đến thăm tôi đi”. “Không được. Có nó thì không có tao!”. 


Thế là bắt đầu cãi nhau kịch liệt. Tôi gào: “Nhân ơi, mày là đồ nhà quê ngu dốt. Tao nuôi mày béo trắng ra để mày đi chơi với gái à?”. Nhân rút cái nhẫn vàng đeo ở tay, ném bộp vào mặt tôi rồi bỏ đi. Tôi đuổi theo: “Nhân, đi vào, đi vào!”. Lại đã có ngay một số khuôn mặt hàng xóm ngó ra. 


Sợ hàng xóm nhìn, Nhân chạy vội vào trong nhà. Điện thoại lại réo. Tôi quát vào tai cô gái ở đầu dây bên kia: “Này, mày đừng có bắt chước mấy cái con kia, chửa hoang ở đâu rồi đến đây đổ vạ nhé. Thằng Nhân là cháu tao đấy”. Nhân tím mặt: “Tao không ở đây nữa, tao về quê lấy vợ”. 


Hắn đùng đùng bỏ ra khỏi nhà. Tôi đuổi theo lẵng nhẵng: “Mày đi đâu, tao theo đấy. Mày về quê, tao cũng về quê. Nào”. Nhân nhảy bừa lên một xe buýt, ra Bờ Hồ. Tôi cũng nhảy lên theo. Ở trên xe, hai đứa tiếp tục cãi vã, xỉ vả nhau, kệ cho thiên hạ nhìn lom lom. 
- Tao về quê lấy vợ. Tao không cần mày nuôi nữa. 
- Ừ, mày về đi. Tao coi như mày chết rồi. Tao cũng không cần mày nữa. 
- Không cần thì tao đi đây. 
- Không. Mày không được đi. Không được đi! – Tôi dậm chân, gào lên như một đứa trẻ. 
Nhân dỗ dành tôi, rằng hắn chỉ muốn mời Nga vào nhà uống nước. “Xong rồi hai đứa mình cùng đưa nó ra bến xe, lúc nào có dịp tôi về thăm nó sau”. Tôi nghe thế, thấy cũng bớt tức. Hai người xuống ôtô về nhà, rồi lấy xe máy của tôi đi tìm cô gái. Khổ nỗi chúng tôi ra khắp các bến xe mà không thấy bóng cô ta đâu cả. Trên đường về, Nhân chỉ rầu rầu nói với tôi đúng một câu mà tôi không sao trả lời được: 
- Chẳng nhẽ tôi phải ở với Dũng mãi thế này à? Sống với pêđê nhục lắm! 


Cho đến tận bây giờ, Nhân vẫn giữ tình cảm với tôi dù đã lấy vợ. Tết hắn vẫn lên nhà tôi, biếu thứ này thứ nọ. Quà của người nghèo thì cũng chẳng có gì lớn, nhưng nó thể hiện cả một tình xưa nghĩa cũ trong đó. Khi mọi chuyện đã qua, có những lúc ngồi vui với nhau, tôi bảo: “Nhân ạ, ngày xưa bọn mình có những tháng ngày tôi không bao giờ quên được, nhưng bây giờ nhớ lại cũng thấy sợ, cứ như cơn ác mộng ấy!”. Nhân cười…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: