Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần IV: 5.

Chàng dẫn tôi đến một quán cà phê ba tầng khá lớn cách trường Sư Phạm tầm mười phút chạy xe. Chàng chầm chậm chạy đằng trước. Tôi lóng ngóng đuổi theo sau. Có đôi khi đi chơi chỗ lạ ở Sago cùng lũ bạn, tôi luôn là người theo đuôi, sợ bị bỏ lại, chới với, cố gắng quan sát chăm chú người đi trước để xem liệu họ có bật đèn xi nhan hay không. Chàng dường như hiểu ý, thỉnh thoảng ngó lại xem tôi có chạy kịp hay không, đến các ngã quẹo thì chàng cố ý giảm tốc chậm hơn nữa. Cứ như vậy co dãn như sợi thun cho đến trước cửa quán. Thật ra nói quán có ba tầng là một sự nhận xét không chính xác do thật chất thì quán chỉ chiếm không gian tầng ba: Cầu thang nhỏ hẹp trán bê tông không hề có tay vịn vì đang xây sửa lại dẫn chúng tôi lên trên; Mặt bằng quán lại trái ngược hoàn toàn với cầu thang với sàn gỗ, bàn ghế lịch sự; Đặc biệt là một bức tường bằng kiếng với quầy cao để ngồi, tầm nhìn bao quát Dala. Tôi với chàng ngồi ở góc, chàng tựa vào tường đầy mơ mộng kiểm tra lại những hình ảnh mình đã chụp, còn tôi thì ngồi gõ lộc cộc vào mặt quầy bằng gỗ mà ngó bâng quơ ra đường: Trong cái khó chịu của cơn đói, tôi thấy Dala vào ban trưa chợt hối hả lạ - Người ta cũng sợ nắng nóng. Ngay bên dưới quán là một vòng xoay lớn, xe vào rồi ra, xoáy mãi tận cùng. Những chiếc tải con, những chiếc ô tô gia đình, những chiếc xe máy. Bóng họ hắt đậm xuống mặt đường nhựa, nhưng chỉ là một mẩu do mặt trời khá đứng. Đương lúc ấy chị phục vụ ra hỏi chúng tôi dùng gì bằng giọng miền Tây rặt. Tôi hơi bất ngờ còn chàng lại không ngạc nhiên mà niềm nở gọi món như thể đã thuộc lòng thực đơn ở đây vậy - mà dù gì thì chính chàng đã giới thiệu cho tôi chỗ này mà. Phần tôi tôi nhìn một lượt từ trên xuống dưới thực đơn, thấy "Cơm Sườn" tự nhiên thèm dĩa sườn cơm nóng hổi, nước mắm đậm đà, miếng sườn nướng hơi cháy, thấm gia vị - giống dưới Sago. Tôi gọi món đó kèm ly cà phê sữa đá - Dù gì cũng trưa, lỡ ăn cơm sườn buổi trưa thì mua luôn một phần cà phê sữa đá như thể những trưa tôi ăn cơm văn phòng. Thói quen. Chàng nói mình sẽ gọi đồ uống sau. Âm nhạc từ loa vang những bài nhạc pop được nghe ba đến sáu tháng rồi thôi. Quán tính ra rộng và đông hơn hẳn nhà hàng của bác Tuấn, do đó những sự xao động, tình cảm, cười, sột soạt, lạch cạch, vang lên nhiều và lấn át tiếng nhạc. Chúng tôi lại trở về cái tình trạng ngượng ngùng, bối rối không biết phải nói điều gì, và sau đó buông thả cho nó trôi tuột khỏi tầm tay, tan biến. Cảm giác như mọi mối quan hệ với đồng nghiệp của tôi vậy. Mà có khi vậy lại càng tốt, vì có những mối quan hệ giống như là chất độc, nếu ta không cắt đứt nó thì sẽ dẫn truyền vào trong cơ thể ta, biến đổi ta theo hướng tiêu cực. Tôi đã bị biến đổi và biến chất từ rất lâu rồi, không kể quá trình tự giam hãm bản thân bởi sự yếu đuối này nên tôi biết, tôi không muốn chàng, một sinh thể, một con người như chàng bị kéo xuống ngang hàng với tôi. Có những mối quan hệ là hữu duyên, như việc tôi và chàng va quẹt nhau trên đèo Balo, rồi lại vô tình gặp nhau tại sân trường Sư Phạm, ngay lúc tôi đang mong manh nhất, choáng váng nhất. Rồi sau đó đi cùng nhau để cùng ăn trưa. Số mệnh? Lựa chọn? Không biết nhưng tôi vui về đều đó. Và nếu chúng tôi chia cắt ngay tại đây, ngay lúc này tôi cũng không tiếc. Tôi còn vui cho chàng vì người như tôi đã thôi không còn ảnh hưởng xấu đến chàng nữa. Nhẹ như gió thoảng. Chợt chàng lên tiếng.

"Làm gì mà nhìn mình rồi nhìn ra cửa sổ mà suy nghĩ mông lung thế?" Chàng cười "Còn lấn cấn chuyện ở trường Sư Phạm hả? Không, không sao đâu! Bách không để bụng đâu! Ý kiến mỗi người điều khác nhau, do quan điểm của họ khác nhau, bởi môi trường, kinh nghiệm sống của họ khác nhau. Mình phải tôn trọng ý kiến của họ, vì nhờ đó mình thấy được những quan điểm khác, từ đó nhìn ra mình sai chỗ nào, chưa phù hợp chỗ nào để sửa chữa, để thay đổi, để tiến bộ. Còn nếu không rõ thì mình trao đổi, tranh luận, dùng lí lẽ, logic để làm rõ vấn đề. Vậy thôi. Còn về câu chuyện của Tâm thì... Mình rất buồn khi nghe..." Chợt chàng rũ xuống, kiếm tìm một cái gì đấy trong điện thoại của mình rồi chưng cho tôi xem: hình chàng, trẻ, và buồn, đang cười, gượng. Chàng cất điện thoại rồi nói tiếp, trầm hơn, quay mặt ra đường, "Bách đấy, năm hai mươi. Lạ lắm phải không? Ha ha! Mình biết mà. Trừ khi nào quen thân với Bách mới biết ngày trước Bách xấu chơi như thế nào. Thế giới này chán lắm, vô lí lắm, buồn lắm. Vui chỉ là ảo tưởng của bản thân. Không có gì vượt lên trên những quy luật vật lí, quy tắc toán học trong thế giới lí tính này. Chúng ta quả nhỏ bé cho một kiếp người. Nhưng mà, nhớ mình nói Tâm nghe điều gì không? Quan trọng là thái độ. Cắm mặt làm việc sáu ngày một tuần cho công ty, không kể tăng ca. Tiết kiệm gom góp để trang trải chi phí, dành dụm gom góp để mua đồ, để du lịch, rồi lại trở về cuộc sống thường nhật. Sao lại phải hành xác mình như thế, để rồi ngậm ngùi nhìn lại mình đã sống một cuộc đời bình thường. Nhưng đó là cuộc sống. Nếu cái đỉnh dễ chạm tới thì sẽ không có mình với Tâm ngồi đây mà tám chuyện. Đơn giản ai cũng được phát cho một cục đá, đẩy nó lên dốc để nhìn nó lăn xuống lại. Cho đến chết. Những thứ như mua sắm, đi du lịch, sở thích, gì gì đó khiến mình cảm thấy vui cũng giống như thay vì mình cực nhọc đẩy đá, mình cố tình quên nó đi, đi lòng vòng, bắt chuyện với những người đẩy đá khác, hay tranh thủ chợp mắt, hay ăn, uống, để rồi lại khi quay lại đẩy cục đá lên dốc để rồi nhìn nó rơi xuống ta lại nghiến răng trèo trẹo. Sao lại phải tự hành hạ mình như vậy? Sao không can đảm chấp nhận nó rồi mỉm cười? Thái độ. Nói thật đó là bài học đau đớn nhất từ trước đến giờ mà Bách học. Nhưng ngẫm lại, Tâm biết không, nếu không học bài học đó thì mình không ngồi đây nói chuyện được với Tâm đâu. Năm ấy mình hơn hai mươi. Nhớ bức ảnh ấy không? Mình chụp mình, ngay sau khi sự việc ấy xảy ra. Bách lúc ấy là," Đột nhiên chàng nghẹn lại, nuốt nước bọt khan, ức cổ trồi lên sụt xuống. Cảm giác như thể chàng tìm cách chiết lại toàn bộ tuổi trẻ của mình sao cho gọn ghẽ nhất, dễ nghe nhất, để chia sẽ cho tôi, để chứng minh cho tôi thấy tôi không bước một mình trên con đường tăm tối này, mà là đã có ai đó bước qua, chịu đựng nó, nén chặt sự sợ hãi trong lòng cho đến khi nó thành đá tảng ghì chặt. Măt chàng đỏ hoe, chàng cố gắng kìm nước mắt của mình lại nhưng như con đập tức nước, nước mắt chàng cứ vô tư chảy trên gương mặt hay cười và đầy lạc quan ấy. Tôi nói với chàng hãy bình tĩnh, đùa với chàng rằng chắc chàng đang đói, nên ăn no rồi hãy kể lại, do khi no thì sẽ nhìn đời khác đi - tươi đẹp hơn. Chàng cười, quệt vội nước mắt và xoa xoa tay. Đồ ăn. Chị phục vụ đon đả dọn ra, sau đó đưa hóa đơn. Tôi định đưa tiền thì chàng vội xua tay, nói rằng để chàng trả do chàng mời. Tôi hơi ngần ngừ thì chàng nói rằng nếu tôi không nhận thành ý của chàng thì chàng sẽ phật ý. Thế đành thôi, tôi cảm ơn chị phục vụ rồi bắt đầu thưởng thức phần ăn của mình: Dĩa thì bự mà lượng cơm chỉ cỡ bát con ở mé bên trái, nguội ngắt, mé bên phải là một miếng sườn, ram, trang trí bằng bốn lát dưa leo mỏng như tờ giấy cùng vài lát cà chua. Chén nước mắn nhìn khá đậm nhưng lại loãng - không khác nước mắm mặn thông thường là bao - lềnh bềnh vài mẩu ớt. Cảm giác bực bội, tôi liếc qua suất ăn của chàng để so sánh: Đó là một phần cơm chiên dương châu màu vàng chủ đạo, không, gần như tuyệt đối, màu cam và xanh lá tương đối ít, còn màu đỏ của lạp xưởng phải căng mắt mới thấy. Chén nước chấm của chàng là nước tương với vài mẩu ớt. Chàng vui vẻ, với cái mũi vẫn còn ửng lên, ăn, và xem chừng rất thoải mái. Tôi thấy kì lạ nhưng không nói gì. Có thể tại vì chàng đang ăn chàng nhìn đời từ góc nhìn khác chăng? Còn tôi thì cứ mãi chần chừ, cứ mãi suy nghĩ, mãi gặm nhấm nên chàng đã ăn được vài muỗng còn dĩa cơm của tôi vẫn y nguyên? Như cuộc sống của tôi vốn luôn dậm chân tại chỗ từ năm mười tám đến giờ.

Tôi ăn, cố lờ đi sự bình thường đến phát tệ của dĩa cơm.

Cả hai chúng tôi do mồm luôn hoạt động nên trò chuyện với nhau bằng tiếng chóp chép, cho đến khi cả hai dĩa sạch trơn. Rồi chúng tôi cảm nhận cái dịu dàng và sung sướng của việc no nê. Thật dễ chịu. Sực nhớ ra tôi vẫn chưa biết vì sao chàng lại như thế dâng trào cảm xúc như thế, tôi hỏi lại chàng. Với nụ cười thường trực, lại có phần giãn ra nhờ no, chàng từ tốn bắt đầu.

"Đó là hôm mình nghĩ đến việc tự sát.

Tâm, đừng vội nhìn bằng ánh mắt như thế. Bách biết, Bách biết. Cái gì cũng có đầu đuôi cả. Tâm bình tĩnh nghe này. Lúc ấy Bách hai mươi và Bách muốn bỏ học đại học. Trường đấy Bách đỗ Á khoa. Năm ấy đăng kí chọn trường xong vui lắm, quyết tâm lắm. Mình treo băng rôn khẩu hiệu đủ cả vì cơ bản mình chỉ là một học sinh khá trong lớp thôi, mà trường ấy năm trước lấy điểm đầu vào khá cao, không kể đấy là một trường có tiếng nên thí sinh đông. Nếu so sánh thì khát khao vào đấy giống của Bách giống... ước vọng được vẽ và vào đại học Mĩ Thuật của Tâm. Từ năm lớp mười mình đã có khát khao vào đấy rồi. Học ngày học đêm. Thúc ép bản thân. Tiều tụy đi thấy rõ. Bố mẹ mình gần như ngày nào cũng nài mình đi ngủ trong cái năm mười hai ấy. Mình tự ý thức được học của mình, có đăng kí đi học thầy cô nên năm ngày trong tuần về nhà lúc gần mười giờ tối, ăn nhẹ, tắm rửa, soạn bài ngày mai rồi tranh thủ học tiếp bài đến một hai giờ sáng. Đó là lịch học năm cuối cấp của Bách. Mà đâu chỉ nhiêu đó: Giải hết bài tập trên lớp thì giải bài tập học thêm. Giải hết bài tập học thêm thì tự mò giải bài tập nâng cao, hay xem những bài trong sách tham khảo mình lấy từ thư viện. Xoay xoay như thế. Không còn thời gian cho chúng bạn nữa là. Ngẫm lại lúc đấy chỉ có nhà, trường, lớp học thêm. Nhiều mối quan hệ bị sứt mẻ. Dù sao để đạt được ước mơ mình phải đánh đổi, không cái này thì cái kia. Bách đã đổi một năm đẹp nhất, đáng nhớ nhất đời học sinh cho tham vọng của mình, nhìn nó trôi qua không thể níu được, và khi được hỏi lại thì chẳng biết nói gì về năm mười hai của mình ngoài học học và học. Và cái ngày công bố điểm đến, mình đậu! Hân hoan, sung sướng lắm. Hãnh diện nữa. Mà nào chỉ có mình vui đâu: Bố mẹ mình vui vì công sức mình bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng; bạn bè vui lây vì thấy mình thành công; họ hàng vui vì mình đỗ trường có tiếng; bà con chòm xóm vui vì xóm có đứa học giỏi. Tâm cứ tưởng tượng đi. Cứ như thể mình là số một, là người giỏi nhất vậy. Rồi về trường cấp ba được lãnh học bổng, rồi được tuyên dương và phát biểu. Phải cố gắng lắm mới giữ được cái đầu mình ở mặt đất chứ không bay bổng trên trời! Chưa kể đấy là năm nhất, học xa nhà, một thân một mình trên thành phố lớn và kinh nghiệm sống hạn chế. Tâm biết đấy, càng ở trên cao càng té đau."

Đến đây chàng ngừng lại, thở dài một cái rồi nhấm một ngụm trà atiso. Chợt trên mặt chàng hiện rõ sự già dặn, từng trải. Nụ cười như thể chỉ là lớp trang điểm cho cái sự tổn thương sâu sắc bên trong lúc đấy bị rửa trôi hoàn toàn. Tôi im lặng không nói gì, kiên nhẫn trong im lặng chờ đợi. Một cái giác nhói bắt đầu hừng lên trong tim. Cứ như thể đang nghe câu chuyện của tôi được kể lại theo một chiều hướng khác mà thôi. Một chiều đau khổ hơn, cay đắng hơn, gây ra sự vụn vỡ và rồ dại nhiều hơn. Chợt khát, tôi nhấm một ngụm cà phê. Đắng. cái dịu ngọt của sữa chỉ để xoa dịu cái đắng kia, vì chỉ có đắng mới làm ta tỉnh giấc. Chàng tiếp tục:

"Học đại học nó không như Bách tưởng tượng. Nó...Chán. Về cơ bản nó chỉ là phiên bản tự chủ của học cấp Ba. Ừ thì gặp bạn mới, sống tự chủ, tự sắp xếp thời gian cho mình nhưng nó rất quanh quẩn, loay hoay, lặp lại. Điều quan trọng hơn là Bách đã có một ảo giác hoàn hảo. Một ảnh hảo hoàn chỉnh và toàn vẹn trong tâm trí mình. Đúng, đó chính là ước mơ của Bách. Khát khao được vào đại học để theo đuổi ngành học mình thích để rồi phát hiện ra nó chẳng bao gồm nhưng gì mình tưởng tượng làm mình tỉnh mộng nhanh lắm. Tâm cứ tưởng tượng theo hướng là một thằng nhóc gầy gò, cố gắng hòa đồng với mọi người có một giấc mơ đẹp, có một khát khao đẹp; Khát khao ấy là chìa khóa để nó hòa nhập được với mọi người, là cái phao của nó. Chính về thế nó quý cái phao ấy lắm, nó thờ phụng, nó tôn cái phao ấy lên làm kim chỉ nam trong cuộc sống tội nghiệp của nó. Nó, với trái tim trẻ dại, đinh ninh rằng suốt đời này nó sẽ sử dụng cái phao ấy để cứu nó ra khỏi mọi vấn đề nhưng đã nhầm. Vì cái phao không thật, vì những chất liệu nó được tạo thành là không thật! Cái phao cứu cánh của nó chỉ làm sản phẩm rởm, được cấu thành của một kẻ thiếu kinh nghiệm sống, chưa trải đời, suy nghĩ ngây thơ, non nớt nên ra sóng lớn nó vỡ nhanh lắm, vỡ ra thành từng mảnh, vữa ra như được dán lại bằng hồ, tan ra thành bọt biển. Lạc. Lúc đó mình bị lạc hoàn toàn Tâm ạ. Lạc trôi. Những tình huống mất phương hướng và mục đích như thế này có ba cách giải quyết, mình chọn cách dễ nhất, ấm lòng nhất, gọn gẽ nhất: Mình chìm vào những thứ giúp não mình hoạt động mà không hoạt động. Xem nào, ngoài giờ học đau đớn êm đềm ru mình vào giấc ngủ dễ mà khó chịu trên lớp ra, mình đuổi bắt những cái vui con con. Ngày đó chưa có điện thoại thông minh, lap top và internet cũng quý nên mình ra tiệm nét chơi game. Ban đầu chỉ là chơi nửa buổi chiều hay tối. Rồi một nguyên buổi chiều. Rồi chơi từ chiều đến khi người ta đóng cửa đuổi về. Có những hôm mình không chịu nổi việc phải nằm suy ngẫm một mình trước khi ngù, thế là bị đuổi ở tiệm quen xong kiếm tiệm chơi thâu đêm, để mà lăn ra ngủ trên bàn phím lúc ba bốn giờ sáng gì đấy, tầm bảy giờ người ta dựng dậy đuổi về thì lơ mơ chạy xe mém bị tai nạn vài lần. Xong không ăn uống gì cả lăn ra ngủ tiếp trong phòng trọ. Mà chơi game hoài cũng chán, dù nó vui, và nó khá một mình, thế là khi thoảng mình đổi tông sang nhậu với chơi bi da với mấy đứa trọ chung khác. Nhưng Tâm biết đó, tính ra những món chơi ấy không hề rẻm nhất là tầm tám năm trước. Thực đơn thường ngày từ cơm trắng với đồ ăn nóng sang cơm không chan nước mắm, sang cơm nguội nước mắm, hoặc đôi khi là một gói mì tôm hai ngàn. Có những tháng muốn quên nhiều nên có khi một ngày một gói mì hay một chén cơm mà thôi. Dĩ nhiên chuyện gì đến cũng đến, Tâm biết đấy: Điểm số mình càng lúc càng thấp dần; Yêu cầu gởi tiền càng lúc càng nhiều. Đôi khi về nhà thì mẹ đê ý hỏi tại sao gởi nhiều tiền mà mình lúc nào cũng ốm ròm, và teo tóp dần đều. Mình chỉ ậm ừ giải thích học hành vất vả thôi. Làm gì đủ can đảm nói ra mình đã sai, đã vỡ mộng, đang lạc trôi, đang rối vò trong lòng đâu Tâm. Nó cứ chất chồng như thế từ cuối năm nhất, học kỳ hè, và kéo gần như nguyên năm hai. Lời nói dối nó giống chất độc, ăn mòn gặp nhắm tâm hồn, làm cho ta mục rỗng ra, vữa ra, xơ ra, đụng nhẹ vào là tan thành bụi. Mà Tâm biết cái gì tác động Bách và dẫn Bách đến suy nghĩ tự tử không?"

Tôi lắc đầu, chắm chú lắng nghe.

Chàng thốt khẽ vài ba chữ bị nghẹn ứ trong cổ họng. Tôi yêu cầu chàng lặp lại thì chàng run run, hít vào vài hơi thật sâu để tự trấn tĩnh. Rồi chàng nói:

"Bố mẹ mình bị tai nạn giao thông... Chết... Mà không chết liền mà chết trên đường đến bệnh viện. Lúc đấy mình đang ngồi tiệm nét, khi nghe tin mình tưởng có ai đó nhẫn tâm đến mức đùa trên tính mạng người khác. Nhất là khi đó là người quen của gia đình gọi cho. Ngồi ngay tiệm nét mà chết trân, mấy đứa ngồi chung hỏi han thì mình không nói gì. Đơn giản là chạy ù về phòng trọ, gom tiền lại, bắt xe về ngay trong đêm. Trước cửa nhà khi ấy bà con và hàng xóm đã đến đông đủ. Chị mình lúc đấy đứng lo liệu dàn xếp. Mấy giờ đến ta? Gần nửa đêm. Trả xác về từ bệnh viện lúc chiều thì cho tẩm liệm ngay. Mình về chỉ biết ôm chị rồi khóc, rồi thắp nén nhang, rồi tắm rửa thay đồ mà thức canh, tiếp khách. Sớm hôm sau bắt đầu quỳ cúng, tiếp khách đến trưa xuất quan luôn. Nhà buồn, bốn người đi xa hết hai, mà là hai người quan trọng nhất, hai người mình thương nhất. Ừ thì chị mình cũng thương, nhưng cái thương ấy khác cái thương với bố mẹ. Dù gì họ cũng sinh ra mình, nuôi mình lớn. Họ có thể khắc nghiệt, khó chịu, nhưng từ trong tim mình biết họ không bao giờ phản bội mình. Đến tối thì dọn dẹp. Xong cái đám tang, nhanh gọn lẹ. Mình vẫn còn sốc quá, chẳng biết làm gì, nghỉ học ở nhà. Chị mình vẫn còn công việc, và giờ nặng gánh gấp đôi vì phải nuôi mình. Ờ thì nhà có của ăn đấy, bà con chòm xóm cũng thuơng, nhưng nguồn tiền ổn định duy nhất là từ chị. Tâm biết không, chị mình tội lắm. Hai mươi mấy mà phải đối diện với mọi thứ, còn mình vẫn trốn trong cái vỏ bọc ăn, chơi, học. À, ăn với chơi thôi. Sáng hôm sau chị đi làm từ sớm, để lại mình. Nằm đó, chơ vơ, trơ trọi một mình chống lại những ý nghĩ đen tối. Sống để làm cái gì khi cuộc sống đầy sự phi lý như thế? Tại sao phải tự hành hạ nhau như thế? Đến một lúc nào đó, ta sẽ đủ nhận thức rằng những thứ nho nhỏ đánh lạc hướng ta chỉ là phù phiếm, hoặc ta tiếp tục đánh lạc hướng, tự tạo ra những ảo ảnh và lạc thú, tăng cường độ và tần suất lên, hoặc ta ngưng và đối diện với sự lựa chọn: Tự sát. Mà dù gì về cơ bản đời này chỉ quy một mối là: Cuộc đời này có đáng sống hay không, có đáng đấu tranh, có đáng vật lộn, có đáng để ta nhìn vào gương ngày qua ngày để mà căm phẫn bản thân mình, để lê lết, để chật vật, chịu khốn khổ hay không? Hay chỉ đơn giản là chết phứt đi cho xong mọi chuyện. Tính ra thì lúc đấy mình tự sát thì mọi người khỏe nhất. Dù gì lúc đấy Bách đã tự nhận thức bản thân mình là một đứa thất bại, vỡ mộng đẹp, quay cuồng trong vòng xoáy tự hủy hoại cuộc đời mình. Mình đã mất phương hướng sống, thêm nữa là bố mẹ vừa mất. Con gì đánh vào nhận thức rằng số mệnh của chúng ta mỏng manh quá đáng hơn tai nạn giao thông? Cái chết vô nghĩa nhất của vô nghĩa, ngu ngốc nhất của ngu ngốc. Nếu mình sống, tức mình sẽ chìm vào vòng xoáy buồn muốn quên đời vì không đủ can đảm đi ngược lại bản năng tồn tại của mình. Mình sẽ tiếp tục đi sâu hơn vào vòng quay của ăn và chơi, đá bay hoàn toàn việc học. Mình sẽ là gánh nặng nợ không chỉ cho chị, mà cho những người quan tâm đến mình. Sáng hôm đấy mình suy nghĩ dữ lắm. đắn đo và cân nhắc kĩ lắm. Nghiền ngẫm mãi cho mình cách chết không đau, nhẹ nhàng. Nghĩ cả buổi sáng không ra, có lẽ tại không dám, nên mình theo thói quen lấy mì gói ra ăn. Ăn xong no, không có gì làm, nhưng não bộ khi no thì nó bớt tiêu cực hơn hẳn lúc đói. Tự nhiên mình muốn lục lại album hình cũ của gia đình. Thế là đi lục. Những ảnh của bố mẹ từ hồi mới cưới, phai màu, nằm trong những cuốn album dày trong hộc tủ. Hình lúc bố mẹ đi chơi, trẻ trung, làm vài tư thế trông có vụng về so với tiêu chuẩn bây giờ, nhưng dễ thương, và khiến mình nhận ra họ đã từng giống mình - Trẻ trung, nồng cháy, vụng dại, ngây ngô. Họ có trải qua bi kịch thế này không? Chắc là không. Dù sao mình cũng chưa kịp hỏi. Mình có thể hỏi chị, cơ hỏi chưa chắc chị biết. Lật sang cuốn khác là hình khi mới cưới, rồi hình chị - nhỏ bé, xinh xắn và đỏ hỏn trong vòng tay họ. Nhìn nụ cười ấy chợt nhận ra rằng mình chỉ có thể cảm nhận nó, vuốt ve nó trong những kí ức xa vời mà thôi. Rồi hình gia đình nhỏ tổ chức thôi nôi, đi chơi. Tâm biết đấy, những thứ mà một gia đình hạnh phúc hay làm. Rồi đến mình - nhỏ bé, xinh xắn và đỏ hỏn trong vòng tay bố mẹ, với chị mình chập chững ngó lên. Một gia đình nhỏ, cười nói vui vẻ. Rồi mình và chị lớn lên, đi chỗ này chỗ kia, như là thăm ông bà, ra công viên, đi tắm biển,... Bao thứ ùa về. Mình nhìn hình mình khóc, trong buồng ngủ lạnh hơi người vốn vài ngày trước đây là của bố mẹ! Tất cả đều vô lý, vô lý quá chừng! Tại sao là họ mà không phải tôi?' - Mình tự hỏi - 'Tại sao ông Trời lại ghét tôi? Tại sao không bắt tôi, một kẻ vô dụng bất tài như này đi mà lại bắt đi những con người tốt bụng, yêu thương tôi nhất?'. Cảm giác bất lực lắm, nhỏ bé lắm Tâm. Nó cứ thiêu đốt ruột gan mình, rạch đôi trái tim mình ra. Nó đau khổ hơn tất cả cảm giác đau khổ mình từng biết từ trước đến nay. Mình đã chia tay tình đầu, thi trượt đội tuyển học sinh giỏi, tiễn đưa ông bà nội. Nhưng. Nhưng... Lúc đó những sự mất mát, nỗi thất vọng và đau thương ấy nó chỉ đơn giản là thoáng qua trong tâm hồn non nớt và yêu đời của mình, còn tai nạn của bố mẹ nó khác nhiều lắm: Hai mươi tuổi, lạc lối và lạc lõng, tâm hồn khô cứng không còn bất kì khát khao nào nữa, phần xác vận động còn phần hồn ngủ im - Một căn nhà mục cột, gió thổi là ngã. Nhưng khi mình nhìn qua cái album ảnh gia đình, một cái gì đó nhá lên bên trong mình sau khi mình khóc hết nước mắt: Mình nhỏ bé, chỉ là một con người tầm thường cố gắng bơi trong biển đời rộng lớn. Tâm cũng vậy. Mà bơi trong sóng dữ có bao giờ dễ dàng? Huống hồ chi mình đã bơi với tấm thân trần không áo phao và cơn sóng dữ không tưởng ấy ập đến. Nếu mình không bơi mình sẽ chết chìm đấy. Suy nghĩ như thế, mình hiểu ra rằng tất cả tất cả tùy thuộc ở mình. Mình có tìm được mục đích để bơi tiếp, để sống hay không hoàn toàn do mình cả, Mình bị quăng ra giữa cuộc đời, không có gì để định hướng trừ mình ra. Mình có sự tự do để bơi ngửa, bơi ếch, lặn xuống rồi trồi lên, bơi về phía đảo hay trèo lên con thuyền,... Ở mình hết! Việc bố mẹ Bách ra đi nó để lại một thương lớn trong tim này, nhưng không dồng nghĩa với việc nó có thể giết chết mình - Bách phải trả lời câu hỏi liệu cuộc đời có đáng sống hay không. Và Bách chọn có. Những nụ cười trong những bức hình còn mãi, và họ luôn ở đây, trong tâm trí mình. Đó là thời khắc mình nhận ra nhiếp ảnh có thể giúp mình vì còn gì quyền lực hơn khi ta có ngưng tụ dòng chảy thời gian lên một mặt phẳng, chứa tất cả tình cảm của mình trong giây phút đó. Thế là Bách đứng dậy, vào nhà vệ sinh rửa mặt sạch sẽ, lấy cái máy ảnh cũ của gia đình ra và chụp bức hình mới đưa Tâm xem. Rồi bắt chụp một vòng quanh nhà, xong rồi lau dọn bàn thờ, thắp nhang, và nhận lấy trách nhiệm về phía mình. Mình tự do, nhưng là tự do tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời mình. Không ai định sẵn cho mình cả, họ cùng lắm chỉ gây tác động hay ảnh hưởng mình thôi. Thế giới này lạnh lùng và vô tình lắm Tâm à, cậu phải đứng trên đôi chân mình mà bước. Mình biết Tâm đã phải khổ sở nhiều. Cái khoảng khắc mà mình thấy Tâm đứng trong sân trường ấy, mình nhận ra ngay Tâm đang đứng trước những câu hỏi mà bản thân trốn chạy khỏi câu trả lời vì không đủ dũng cảm. Đó là lí do mình mời Tâm đi ăn, để kể cho Tâm nghe câu truyện của mình. Tính ra thì chúng ta gặp nhau cũng cho thấy vũ trụ này đâu vô tình lắm đâu!"

Chàng dừng.

Rồi chàng cười.

Còn tôi ngậm ngùi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro