Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bởi vì ta thuộc về nhau

--------------------------------------------------------------------------------

1

Bạn hỏi về anh chàng đẹp trai có gương mặt vuông vức chữ điền, dáng người cao lớn, và mái tóc cắt ngắn đang đứng ở đường băng số 14 của sân Bowling ấy hả? Anh ta là giám đốc của một công ty chuyên kinh doanh về dược và trang thiết bị y tế, đồng thời bao gồm cả hệ thống bệnh viện và phòng khám tư quy mô bậc nhất Hà Nội và các tỉnh lân cận. Dĩ nhiên, anh ta rất thành đạt, cảm ơn bạn đã quan tâm. Chuyện đó cũng không có gì lạ khi một người có Ba là một quan chức cao cấp của bộ y tế. Người đã phấn đấu không biết mệt mỏi trong hơn một thập kỷ để xây dựng và phát triển công ty của gia đình. Nhưng điều bất thường là chỉ trong vòng ba năm kể từ khi được ba mình giao cho trọng trách điều hành, anh đã giúp công ty tăng giá trị lên gấp hai lần. Một con người thành đạt sớm ở cái tuổi mới 28 của mình. Thế nhưng, mới nhìn bộ dạng của anh, người ta hẳn sẽ liên tưởng tới một tay chơi Bowling chuyên nghiệp. Nhìn đôi giày Bowling "xịn" của hãng Decker mà xem, găng tay trợ lực, và cả loại bóng Storm được đặt riêng để vừa vặn với kích cỡ ngón tay của người chơi nữa. Những thứ đó hẳn đã ngốn của anh khoảng vài ba ngàn USD chứ không ít. Nhưng ai mà thèm quan tâm, Thái Việt đang đặt hết tâm trí vào cú ném mà anh sắp thực hiện. Và rồi, anh vung mạnh cánh tay, quả bóng vẽ lên đường băng một đường cong hoàn hảo. Cú ném hất 10 chai kegel đổ tung toé trên đường băng và cái màn hình 21 inches trên đầu cho biết rằng anh vừa ghi môt cú Strike ngoạn mục. Thái Việt làm bộ cúi mình chào khán giả, đón nhận tiếng vỗ tay nồng nhiệt và tiếng suýt soa của cô gái xinh đẹp ngồi phía sau. Cô ta khá trẻ, chắc chỉ khoảng 20 là cùng. Cô có mái tóc "xoắn mỳ" nhuộm vàng hoe, mặc quần cạp trễ và áo hai dây mỏng tang màu hồng nhạt. Phải nói là cô đẹp, đẹp một cách lộng lẫy và hiện đại, cái vẻ đẹp của những cô gái trẻ trung sớm biết ăn chơi thường được gọi mỉa là "thế hệ 8x quý_sờ_tộc". Thái Việt là khách quen, quen đến nỗi mấy cô phục vụ chẳng thừa hơi đâu mà ngạc nhiên khi thấy cô nàng đi cùng anh lần này lại là một cô hoàn toàn khác. Đó dường như là "thói quen" đặc trưng nhất của Việt. Mỗi tháng, hoặc có thể là mỗi tuần khi tới đây, anh lại đi cùng một cô gái khác nhau. Nếu có một điểm chung giữa các cô gái, thì đó hẳn là cô nào cũng trẻ trung, xinh đẹp, và cô nào cũng rớt đài chỉ sau một thời gian ngắn. Thậm chí các cô phục vụ ở đây còn lập hẳn một cuộc thi mà người thắng cuộc là người đoán ra được cô nào sẽ "tại vị" lâu hơn môt tháng. Hình như, giải thưởng vẫn chưa được trao cho ai cả.

***

Thái Việt đưa mắt nhìn đồng hồ, giờ này chắc Phan đang trực? Ở cái trung tâm tư vấn nhỏ xíu của Phan, liệu lấy đâu ra bệnh nhân nội trú mà trực nhỉ? Chiều nay anh xúi Phan nhờ người trực giùm để đi chơi với anh, nhưng gã gàn ấy không chịu, thật là cứng đầu. "Nếu tớ là lính của cậu, thì ắt hẳn là cậu chẳng lấy làm thích thú gì khi tớ bỏ trực đi chơi, đúng không nào?"

2

Phan đưa tay chỉnh tấm bảng đề tên anh trên bàn làm việc cho ngay ngắn rồi ngồi xuống ghế, anh duỗi thẳng và ghếch hẳn chân lên bàn, đung đưa chiếc ghế theo thói quen. Anh ngửa mặt nhìn lên trần nhà, vui vẻ huýt sáo một bản nhạc mà anh yêu thích, rồi anh rút cuốn sách trong ngăn bàn ra và bắt đầu đọc một cách chăm chú. Phan có gương mặt điển trai kiểu rất thư sinh, cộng với đôi mắt thông minh, quyết đoán ẩn sau cặp kính cận được đeo trên chiếc mũi cao, và nụ cười luôn thường trực trên môi khiến anh luôn dễ dàng lấy được cảm tình của người đối diện. Rồi khi Phan cất cuốn sách vào ngăn bàn, đứng dậy vặn lưng cho đỡ mệt mỏi thì người ta còn dễ dàng nhận ra rằng anh có thân hình dong dỏng cao và khá cân đối. Phan vẫn chưa cởi áo Blouse vì quy định của công việc là vậy. Đây chỉ là một trung tâm tư vấn sức khỏe và HIV trực thuộc một bệnh viện của sở y tế Hà Nội. Thế nên không có bệnh nhân nội trú cũng như không có nhiều ca cấp cứu và vì vậy bác sỹ trực cũng khá nhàn. Nhưng việc trực vẫn phải trực, vì đó là nhiệm vụ và quy định. Phan trực ở phòng làm việc chung, nó khá rộng, sát trên tường là vô số những tập hồ sơ được đặt cẩn thận trên giá, cái nào cũng được gắn biển "mật" và chỉ có nhân viên của trung tâm mới được phép lấy xuống xem. Trên một dãy bàn đươc kê dọc theo chiều dài của phòng, mấy bộ máy tính nằm im lìm say ngủ. Trên tường được treo vài bức tranh y học khổ 0,8 x 1m vẽ các sơ đồ phẫu thuật học. Biển chỉ dẫn trong trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ, hay các biến chứng có thể mắc phải. Thêm vào đó là mấy tấm hình diễn tả sát thực công việc của những người như anh với dòng chữ được ghi chú: "Khi tư vấn, chúng tôi là chuyên gia. Khi trò chuyện, chúng tôi là tri kỷ". Được treo cao hơn và trang trọng giữa trung tâm là bức chân dung Hồ Chủ Tịch. Thấp hơn một chút, ngay phía dưới, là câu tôn chỉ của ngành y: "Lương y phải như từ mẫu". Bên góc phải được ngăn riêng ra mấy phòng nhỏ, chỉ rộng khoảng 9, 10m2, được cách âm cẩn thận, bên trong đặt một chiếc bàn và hai chiếc ghế. Đó là nơi mà những bác sỹ tư vấn như anh sẽ ngồi, lắng nghe người bệnh tâm sự và cho họ lời khuyên.

***

Gập cuốn sách lại và cẩn thận đánh giấu trang mình vừa đọc, Phan uể oải nhìn xuống đồng hồ, đã 22h14 phút, nếu không có gì đặc biệt, thì khoảng 1 phút nữa thôi anh sẽ có điện thoại. Và rồi, tiếng chuông rộn rã vang lên khẳng định lại rằng anh hoàn toàn có lý khi nở một nụ cười hài lòng đến vậy :

- Nào, để anh đoán nhé, lũ Chuột đang mở lễ hội mà không thèm mời em, và chúng nhảy nhót quá ồn ào khiến em không ngủ được?

- Không phải - tiếng Thạch Thảo vang lên trong máy, giọng cô nhẹ nhàng nhưng đầy vẻ nũng nịu.

- Hay lũ Cá Vàng mở cuộc thi thổi bóng nước, và tiếng bóng vỡ làm em khó chịu?

- Cũng không phải, anh đoán dở tệ.

- Bởi vì anh đang nói chuyện với một cô gái bí hiểm như em mà.

- Đừng lấp liếm như vậy nhé, em vừa nói chuyện với con Mèo đốm nhà hàng xóm.

- À ...

- Nó nhắc là em đã quên một điều rất quan trọng, mà hôm nay em chưa nói với anh.

- Điều gì vậy?

- Nó bảo em là em đã quên nói : Em yêu anh.

Phan mỉm cười, đó chắc hẳn phải là nụ cười hạnh phúc nhất mà anh đã từng có ...

***

Mới đầu thu mà đêm Hà Nội đã hơi lạnh, nhất là khi bên ngoài đang có mưa bay lất phất thế kia. Thoang thoảng trong không gian đã bắt đầu có mùi hoa sữa đầu mùa. Hai cây hoa sữa cổ thụ mà anh vẫn gọi là "hai chị già khó tính" đang im lìm mơ màng ngủ bên ngoài cửa sổ. Đôi lúc, những cơn gió trôi qua trong cơn mơ của "hai chị già khó tính" khiến không gian lại ngào ngạt thêm mùi hoa sữa. Phan tiến tới cửa sổ, đóng cánh cửa lại và với tay tìm điều khiển điều hòa. Đêm thu hứa hẹn về khuya sẽ rất lạnh, nhưng tiếng điều hòa chạy ro ro bảo đảm với anh rằng nó sẽ không để nhiệt độ xuống quá mức cho phép. Quá yên tâm, anh nằm lên chiếc giường Inox giành cho bác sỹ trực và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ...

***

Cùng lúc đó, cách viện không xa, Thái Việt lịch sự mở cửa chiếc Lexus 7 chỗ của mình cho cô bạn gái rồi mới phóng vút đi, hướng về phía hồ Hoàn Kiếm. Giờ này, vũ trường "Hồ Gươm xanh" mới bắt đầu nhộn nhịp.

***

Phan thức dậy lúc 6h30 sáng, ngoài kia, con đường Nguyễn Chí Thanh rộng lớn cũng bắt đầu thức dậy dù có vẻ như nó chẳng bao giờ ngủ. Ở thành phố này, giờ nào cũng có người chạy xe trên đường, chẳng có mấy khi ngơi nghỉ, khiến cho con đường lúc bình minh dường như còn rất ngái ngủ. Dù những cây Dừa cảnh đã bắt đầu vươn mình lên cao hơn một chút để đón nắng sớm, dù những đám hoa được xén tỉa cẩn thận và cứ mỗi vài tháng lại được nhổ lên để thay vào bằng một loài hoa khác đang cố gắng trổ ra những bông hoa đẹp nhất trong vòng đời ngắn ngủi của mình. Dù đây đó đã bắt đầu ồn ã tiếng xe cộ, tiếng bấm còi bim bim, tiếng những bà bán "cơm nắm bánh giày" vang lên thánh thót thì con đường dường như vẫn còn chứng tỏ tính ngái ngủ của mình bằng những luồng giao thông thuận tiện và nhanh chóng. Chứ không phải là những tiếng càu nhàu, tiếng lầm bầm đầy bực tức trong những giờ đồng hồ kẹt xe mỗi khi con đường thức dậy hẳn. Và dù muốn dù không thì Phan vẫn phải thú nhận rằng những âm thanh đó khiến cho anh cảm thấy Hà Nội trở nên đáng yêu và quen thuộc hơn bao giờ hết.

***

Phan giao chìa khóa cho ông bảo vệ - một cựu chiến binh già, mái tóc muối tiêu và gương mặt vuông vức, phúc hậu. Ông chúc anh một buổi sáng tốt lành, kèm theo một nụ cười mà anh dám thề rằng nó còn rạng rỡ hơn cả Clip quảng cáo kem đánh răng anh vẫn xem mỗi tối. Anh cũng chào ông và chúc ông một ngày tốt lành rồi bước sang quán cafe bên cạnh viện.

***

Trong quán, cô phục vụ có cặp mắt hơi hiếng và mái tóc rễ tre xoăn tít đang châm nước vào phin Cafe. Nếu cô không lầm, mà cô thì ít khi lầm lẫn lắm, một chút nữa thôi Phan sẽ xuất hiện ở cửa, đi về phía chiếc bàn có hướng nhìn ra đường, và nhấp một ngụm Café rồi khà lên sảng khoái. Ở khu này, chẳng ai nắm rõ lịch trực và thói quen uống cafe buổi sáng của anh bằng cô cả.

***

Quán Cafe "Hà Nội phố" nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh, con đường từng đoạt giải "con đường đẹp nhất Việt Nam". Như để tỏ vẻ tương xứng với con đường mà mình đang tọa lạc ở trên đó, quán được trang hoàng khá cá tính và sang trọng. Như một cô gái thành thị tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống nhưng hoài cổ, thích đội nón quai thao và mặc áo tứ thân. "Hà Nội phố" khoác trên mình một tấm áo trang trí đầy những tranh vẽ Hà Nội cổ với những mái ngói liêu xiêu đặc trưng phong cách của Bùi Xuân Phái. Những chiếc đèn lụa nghe đâu được đặt riêng từ làng lụa cổ Vạn Phúc nổi tiếng, tỏa thứ ánh sáng mờ ảo và mềm mại. Xen kẽ giữa những chiếc ghế bành êm ái, là những dãy Bonsai ngăn cách tạo không gian riêng cho từng bàn. Sàn nhà được trải thảm và đường đi được rải những hòn sỏi trắng. Không gian kết hợp khá hài hòa giữa hiện đại và cổ điển, lại thoáng đãng, rộng rãi, mát mẻ và đồ uống không-đến-nỗi-nào khiến cho quán thu hút được khá đông khách. Thêm nữa, như Phan vẫn thường đùa với cô nàng phục vụ quán, khách hàng vào đây thực sự yên tâm vì họ tin rằng họ đã được đảm bảo bởi một bệnh viện lớn và uy tín tọa lạc ngay kế bên. Nếu có vấn đề gì với khả năng tiêu hóa của họ, thì họ có thể chạy ngay tới đó. Vậy nên, đúng ra thì quán này phải khuyến mãi, thậm chí là miễn phí nước uống cho anh mới phải? "Tôi sẽ cân nhắc điều đó, khi tôi mua lại quán này". Cô phục vụ mỉm cười trả lời anh với vẻ duyên dáng nhất mà mình có thể. Và anh đáp lại một cách khá nghiêm túc rằng cô thật là một người có năng khiếu hài hước xuất sắc.

***

Phan chạy xe về nhà lúc khoảng hơn 10h, Thạch Thảo giờ này chắc đang đi học. Cô là sinh viên năm cuối của ĐH Ngoại Thương. Và cả hai đã cùng sống với nhau được hơn một năm, dù chưa hề cưới xin gì cả. Thời buổi này việc đó cũng không có gì là quá ghê gớm, và Phan vẫn nghĩ rằng khi cô ra trường, ổn định một vài năm sau thì họ sẽ cưới. "Đấy là nếu như lúc đó em vẫn còn dễ bị lừa như lúc này - Thảo vẫn thường đùa với anh như vậy khi cả hai nói với nhau về chuyện cưới xin - Hi vọng là em vẫn cứ là một cô bé ngây thơ cho đến khi em quyết định "vứt" cuộc đời của em vào hai bàn tay anh, anh nhỉ?".

***

Khi Phan bước vào nhà bếp, chào đón anh là chiếc lồng bàn được úp cẩn thận trên bàn ăn. Phía dưới đã bày sẵn mấy cái bánh mỳ và một bát sốt vang đã nguội. Phan lặng lẽ cho cả hai vào lò vi sóng, dù không thật sự thấy đói, nhưng anh thà cố mà hành hạ cái dạ dày của mình phải co bóp, tiêu hóa đống thức ăn này còn hơn là tự mình phải tiêu hóa tiếng cằn nhằn của Thảo khi cô phát hiện ra anh không ăn sáng. "Bà mẹ trẻ" của anh thực sự yêu thích "nghệ thuật" chăm sóc "chồng" của mình. Và anh, phải thú nhận là nhờ được cô chăm sóc mà anh mới có vẻ chỉn chu ra dáng một ông bác sỹ đã ra trường 3 năm nay rồi. Phan giải quyết nhanh gọn "bữa sáng" lúc 11h trưa, và ngắm nghía quanh ngôi nhà hai tầng mà hai đứa thuê. Chúng sạch sẽ một cách hoàn hảo và đáng yêu.

Trên chiếc bàn giữa phòng khách, Thạch Thảo cắm một lọ đầy những hoa Thạch Thảo - loài hoa nở bốn mùa mà anh rất thích - xen lẫn giữa chúng là những bông Hồng tươi rói, kiêu kỳ. Sàn nhà được cọ sạch bong, đồ đạc được xếp gọn gàng và ngăn nắp. Thậm chí là anh chẳng tìm thấy một điểm nào để nhúng tay vào mà tỏ vẻ mình cũng có phần dọn dẹp và làm đẹp chúng. Phan thật sự thất nghiệp trong ngôi nhà của mình. Với tờ tạp chí thể thao mà Thảo để sẵn cho anh trên chiếc bàn kê ở đầu giường, Phan mở ra đọc và thiếp đi lúc nào không biết. Khi anh tỉnh dậy, cô đã trở về và đang chuẩn bị bữa trưa dưới bếp. Hẳn là mùi thơm của thức ăn đã đánh thức anh dậy. Phan đi xuống bếp, cô đang đứng quay lưng về phía anh, thân hình đầy đặn của cô đang lờ mờ ẩn hiện trong bộ đồ mỏng cô thường mặc ở nhà. Anh nhẹ nhàng tiến tới, ôm chặt lấy cô từ phía sau, hai tay luồn vào phía trong áo và lần lên ngực. Cô cười nhẹ buông đôi đũa đang cầm trên tay ra và quay lại, đưa tay gõ nhẹ lên mũi anh, trao cho anh một nụ hôn. Rồi nói như ra lệnh:

- Anh lại kia dọn bát đũa đi, em sắp xong rồi.

- Không, em chưa xong với anh đâu - Phan mỉm cười vẻ tinh quái rồi kéo rịt cô vào lòng mình, đẩy cô về phía bàn ăn - em chưa xong với anh đâu.

- Anh đừng có mà hư như thế chứ, hư quá.

- Ừ! thì anh vốn hư thế này mà...

Buổi trưa trôi qua nhanh trong những tiếng thở gấp gáp... ***

Phan trực tối thứ 6 nên hôm nay và chủ nhật anh được nghỉ và anh quyết định dành cả buổi chiều còn lại để đi chơi. Dù sao thì buổi đi chơi gần đây nhất của hai người cũng đã cách đây hơn một tháng rồi. Anh quá bận rộn với công việc ở viện và làm trợ giảng cho giáo sư Ngọc - trưởng bộ môn hóa sinh của trường Y. Còn cô thì miệt mài với việc học và cộng tác viên cho một vài tờ báo điện tử. Thế nên, việc sắp xếp được lịch đi chơi cùng nhau cuối tuần này, với cả hai đó là một nỗ lực vĩ đại vượt quá mọi mong đợi. Và Phan không muốn bỏ lỡ bất kỳ một giây phút quý giá nào.

***

Hà Nội đang là những ngày đẹp nhất trong năm. Nắng vàng lợt và gió thổi nhẹ. Bầu trời trong xanh không một gợn mây. Thoang thoảng trong không gian đã bắt đầu có mùi hoa sữa, lác đác sót lại vài nhánh Điệp cố khoe nốt chút sắc vàng trên những con đường và đó đây vang lên tiếng rao bán thứ cốm làng Vòng màu xanh ngọc.

***

Thảo cố giải thích cho Phan biết rằng Hà Nội mùa thu ngoài hương hoa Sữa đặc trưng, ngoài những cây Bàng rụng lá đầy vỉa hè. Còn có những hàng Liễu mềm mại phủ xuống như những chiếc mành tuyệt đẹp bên hồ Trúc Bạch, những hàng Xà Cừ cao vút trên đường Hoàng Diệu. Những cây Lộc Vừng trổ những nhánh dài đầy những bông hoa bé xíu bên hồ Hoàn Kiếm, thứ hoa mà những đứa trẻ lớn lên quanh hồ luôn khảm vào ký ức của chúng về những chiếc vương miện bằng hoa Lộc Vừng tuyệt đẹp. Nhưng với Thảo, Hà Nội đặc biệt với cô vì những chiếc hồ, thành phố này nhỏ xíu nhưng có cơ man nào là hồ. Và mỗi chiếc hồ luôn có một vẻ đẹp riêng, một truyền thuyết riêng, khiến cho du khách không thể nào không yêu thích và nhớ mãi về chúng.

- Thế nhưng, em đặc biệt thích hồ Tây - Thạch Thảo nói - không phải là vì nó đẹp, nó rộng lớn, bát ngát hay vì một lý do nào khác, mà em thích vì nó có bến Hàn, có những hồ Sen rộng thênh thang kế bên.

- Dĩ nhiên là chúng ta sẽ tới đó - Phan cười và đưa tay vuốt tóc cô - nhưng trước hết, em còn nhớ chứ? Kế hoạch của chúng ta bây giờ là đi xem phim đã.

Kế hoạch chiều thứ bảy là đi xem phim ở Megastar, rồi ghé xuống tầng năm, nơi họ đốt một đống tiền vào những trò chơi điện tử mà mình hai cùng yêu thích. Và ngày thứ bảy kết thúc ở bữa tối tại quán đặc sản mà anh bạn đồng hương của cả hai đã lên lịch mời từ vài tuần nay.

***

Đã 5h chiều, Thảo cho rằng thời tiết thật lý tưởng cho một cuộc ngắm hoàng hôn ở bến Hàn. Và Phan chẳng có lý do nào để từ chối đề nghị của Thạch Thảo, dù chỉ là vài lời lẩm bẩm lấy lệ. Nhưng rồi Phan nhanh chóng lấy làm vui vì mình đã không phản đối bởi chiều bến Hàn quá đẹp.

Anh dừng xe bên lề đường, vòng tay ôm lấy cô từ phía sau. Gió thổi lồng lộng, đưa những sợi tóc của Thảo mơn man nhẹ nhàng lên má anh nhồn nhột. Trên con đường được gọi là "bến Hàn" này đã có dăm ba đôi kéo nhau ra thưởng thức cảm giác được hoà mình vào thiên nhiên hiếm hoi giữa lòng thành phố. Phan phóng tầm mắt ngắm con đường cụt khá rộng ngăn cách giữa hồ Tây và mấy cái hồ nhỏ hơn trồng đầy sen. Giữa đường, những hoạ sỹ trẻ theo trường phái Grafity vẽ nhằng nhịt lên mặt đường những hình thù kỳ dị có, đẹp đẽ có, thậm chí có mấy hình vẽ mà Phan dám thề rằng nó thực sự gây được ấn tượng. Bên trái, những con sóng hồ Tây đang rì rào vỗ nhẹ vào kè đá. Mặt trời buổi hoàng hôn đang chiếu những vệt màu đỏ ối xuống mặt hồ song song với con đường, tạo thành những mảng màu lung linh nhảy múa. Những mảng màu vừa phóng khoáng, vừa phá cách, nhưng tinh tế, trông như nét vẽ của một chàng hoạ sỹ trẻ phóng bút ngẫu hứng lên tấm voan xanh thẫm màu nước của mình. Bên phải, lẫn trong những tán sen to, là những đài sen còn non nhỏ xíu. Nổi bật trong màu xanh của lá, của đài sen là những bông sen màu hồng nhạt cuối mùa còn sót lại đang cố vươn lên trong gió, toả ra thứ mùi thơm đặc trưng không thể lẫn vào đâu được của mình.

Thảo giang tay, cố hít đầy lồng ngực không khí trong lành và thơm phức của một buổi chiều lãng mạn. Và rồi cô kêu lên nuối tiếc khi Phan báo rằng trời đã tối mịt và họ phải tạm biệt bến Hàn thôi. Hai người còn có một cuộc hẹn quan trọng với quán đặc sản "Lươn Nghệ An" ở đường Ngọc Khánh. Với mấy chú Lươn thì việc cả hai đến trễ một chút cũng không sao cả, nhưng với anh chàng chủ quán đồng hương thì đó lại là cả một vấn đề lớn. Khéo mà anh ta dám dội nước sôi, đặt họ lên thớt, gim đầu họ vào đinh và róc xương họ ra như róc xương Lươn ấy chứ. Cái anh chàng đồng hương Xứ Nghệ nhiệt tình của họ với thân hình "bồ tượng" cao tới hơn 1,8m và nặng gần 85kg nhưng chẳng hề có lấy 1gram cái gọi là "sự vui tính" ấy.

3

Việt đưa tay dụi mắt, ngước nhìn đồng hồ, rồi vội vàng mò dậy. Đã 19h rồi cơ đấy. Công cuộc kháng chiến của cả một hệ tiêu hóa đòi hỏi anh phải bật dậy để tìm cách đàm phán ngừng chiến. Cuộc đi chơi tối qua kết thúc lúc 3h sáng, và anh tự cho phép mình ngủ một giấc dài mà không thèm quan tâm tới việc thường thì giữa trưa, anh bạn dạ dày cần có cái gì đó để nhấm nháp, để còn lấy sức mà ngủ cùng anh. Ấy vậy mà đã gần một ngày trời anh bỏ mặc nó, khiến anh bạn khốn khổ của anh đang kêu réo lên, biểu tình dữ dội. Việt vò đầu, nhìn quanh ngôi nhà bừa bộn như một cái tổ Cú của mình rồi lắc đầu, "thật là ngớ ngẩn khi mình nghĩ trong ngôi nhà này có gì đó để bỏ vào bụng" - anh nghĩ thầm. Việt uể oải đứng dậy, đi vào nhà tắm làm vệ sinh cá nhân rồi vội vàng phóng xe ra đường, đâu đấy gần đây có một nhà hàng cơm văn phòng thì phải? "Cuộc sống của những anh chàng độc thân chưa vợ, quan trọng nhất là phải kiếm được một quán cơm bụi phù hợp và thuận tiện". Không biết ai đó đã nói với Việt như vậy? Và chưa bao giờ anh lại thấy câu nói đó chuẩn xác như lúc này.

4

Phan mở cửa nhà khi chiếc đồng hồ treo tường gõ "boong boong" mười tiếng, và khi hai người bước ra từ phòng tắm, kim đồng hồ đã chỉ tới con số 11h30. Tắm chung gần như là "nghi lễ" hàng ngày trong cuộc sống mà cả hai đều không muốn bỏ lỡ. Vì sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, họ lại dành thời gian đó để ngâm mình thư giãn và truyện trò tâm sự với nhau về những chuyện xảy ra trong ngày. Phan bước vào phòng ngủ, bật đèn đọc sách, còn Thảo, sau khi sấy khô tóc thì tháo chiếc khăn quấn quanh người ra rồi chui vào chăn. Cả hai cùng có chung thói quen thích để mình "thoải mái" nhất khi ngủ. Phan mở cuốn tiểu thuyết đang đọc dở, Thảo nằm gối đầu lên tay Phan, vòng tay qua ngực và ôm lấy anh. Thi thoảng, khi Phan đọc tới những tình tiết thú vị thì Thảo lại khúc khích cười, và rồi cô ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Phan với tay tìm remote điều chỉnh nhiệt độ điều hoà rồi tắt đèn đi ngủ, nhưng chỉ một giây sau (hoặc là anh nghĩ như vậy), tiếng điện thoại vang lên khiến anh thức giấc. Phan làu bàu ngồi dậy, cố nhẹ nhàng không làm Thảo thức giấc, rồi lần ra phòng khách bật đèn và nhấc máy. Giờ này mà còn gọi điện, chắc chỉ có ông bạn vàng Thái Việt chứ không có ai khác. Phan nhấc máy, rồi không đợi bên kia lên tiếng, anh cáu bẳn:

- Tôi đang hân hạnh được tiếp chuyện ai đây?

- Cậu biết thừa là tớ mà. - giọng Việt có vẻ hơi mất bình tĩnh. Cũng đúng thôi, nếu là Phan thì chắc anh sẽ phải áy náy lắm khi đánh thức người khác giữa đêm khuya như vậy. - Tớ xin lỗi, tớ không đánh thức cậu dậy đấy chứ?

- Không, không! Bạn thân mến ạ, KHÔNG! Bây giờ mới ... - Phan ngưng lại một chút để nhìn đồng hồ - giờ mới chỉ hơn 1h30 sáng thôi mà. Ai_mà_dám đi ngủ sớm như vậy được, nhất là khi kẻ đó lại là bạn của cậu.

- Tớ xin lỗi, vì tớ có việc gấp quá, cậu đến nhà tớ ngay nhé.

- Nào nào, bạn thân mến, hãy tưởng tượng - Phan nói với giọng điệu có tiết tấu hơi cao - tưởng tượng mà xem, trong một đêm mưa gió, trời rất lạnh. Cậu đang ngủ trong vòng tay ấm áp của một người mà cậu sẽ rất hân hạnh giới thiệu với bạn bè rằng đó là vợ tương lại của cậu. Và rồi nhiên có một gã "trời ơi đất hỡi" nào đó kêu cậu thức dậy, và bắt cậu phóng như điên trên đường để tới nhà hắn, cậu sẽ làm gì nào?

- Thứ nhất, có lẽ cậu có vấn đề với khả năng dùng từ. Khi cậu nói về tớ, cậu phải dùng những thể loại từ nào dễ thương một chút. Ví dụ như là "cậu bạn thân đáng yêu của tớ" hoặc cái gì đó đại loại, chứ không phải là "một gã trời ơi đất hỡi", được chứ? Thứ hai, nếu là tớ thì tớ sẽ đến, cậu biết mà.

Phan vung nắm tay đấm vào không khí, anh quên mất là Việt không thế nào nhìn thấy được.

- Nhưng tớ không là cậu - Phan gần như hét lên - thế nên, tớ sẽ không đến đâu, "cậu bạn thân đáng yêu của tớ" ạ.

- Cái đó tuỳ cậu thôi.

Việt cúp máy và mỉm cười, nếu có điều gì mà anh có thể tự tin nhất, thì hẳn đó là việc anh hiểu rất rõ về Phan. 15 phút nữa thôi, Phan sẽ có mặt, anh tin vậy.

Phan vừa làu bàu rên rỉ vừa đi tới chỗ móc quần áo, anh mặc vào chiếc áo thun dài tay và chiếc quần Jean màu xanh cổ điển. Khi anh quay trở lại phòng khách để lấy chìa khoá xe, thì Thảo đã đứng ở cửa, tay cầm chiếc áo khoác mỏng. Anh quên mất, lúc nãy anh hét lên như vậy, thì người chết cũng bật dậy chứ đừng nói gì đến Thảo. Anh xin lỗi cô vẻ áy náy, và Thảo cho anh biết vì sao cô lại thức dậy: "Anh mặc vào kẻo đêm mưa lạnh lắm, nhớ đi đứng cẩn thận, anh nhé".

Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều thật nhỏ nhoi.

***

Trời chỉ mưa lâm thâm, nhưng đủ lạnh để khiến Phan rên lên xuýt xoa, và khi anh tới cổng nhà Việt thì chiếc áo khoác bên ngoài đã thấm ướt. Chiếc Lexus vẫn đậu trước cửa nhà, có vẻ như Việt chẳng bận tâm tới việc đưa nó vào Garage.

***

Bên trong, đèn phòng khách vẫn sáng. Việt ở một mình trong căn biệt thự bốn tầng của ông ngoại anh để lại, căn nhà mà chẳng mấy khi anh bước lên đến tầng ba của nó. Mọi việc chăm sóc căn nhà được anh uỷ thác hoàn toàn cho bà hàng xóm kiêm người giúp việc của mình. Việt "không được hợp" với ba anh lắm, vậy nên anh dọn ra ở riêng ngay khi được thừa kế ngôi nhà cùng với 40% cổ phần của công ty gia đình từ ông ngoại mình. Một người ngoài việc là bố vợ, còn từng là đồng nghiệp và là cấp trên của ba anh. Và rồi khi một luật mới ra đời, quy định rằng những quan chức ngành y đang tại vị không được tham gia vào việc điều hành hay mở phòng khám tư, thì ba anh buộc phải trao chức giám đốc điều hành cho đứa con trai duy nhất của mình. Nhưng ông vẫn giữa quyền quyết định bằng việc nắm giữ 60% cổ phần công ty. Thông qua sự đứng tên của mẹ anh, môt hình mẫu người phụ nữ Việt Nam thế hệ cũ tiêu biểu, nhẫn nhục, cam chịu và biết thờ chồng và chăm con.

***

Phan bước tới mở cửa, cả hai có chìa khoá nhà của nhau, như Việt nói, là để thuận tiện mỗi khi cần đến. Và khi anh cố lách được cái đống bừa bộn chắn hết lối đi ở cửa để bước vào trong thì anh thấy Việt ngồi đó, mặt đầy vẻ lo lắng và bối rối. Khi thấy Phan bước vào, anh thấy Việt mỉm cười, nhưng nụ cười trông mới thiểu não làm sao?

- Tớ biết là dù trời có sập thì tớ vẫn có thể tin tưởng vào cậu mà, và tớ chẳng bao giờ lầm lẫn cả.

- Hừ! Nếu trời sập, thì cậu đã "dẹp lép như con Tép", lúc đấy thì chẳng còn gì để mà tin vào ai đâu. Nhưng bây giờ, nếu cậu không cho tớ một lý do thật thoả đáng, để ngăn tớ không đấm vào mõm cậu vì đã thức tớ dậy lúc nửa đêm. Thì tớ thề với cậu là tớ sẽ khiến cậu cảm thấy còn tệ hơn trời sập nhiều.

Việt khẽ nhún vai, cười nửa miệng ra dáng kiểu như cậu-muốn-thế-nào-cũng-được rồi bước vào phòng ngủ. Khi Phan đi theo vào trong, anh thấy trên giường có một cô gái đang nằm, trông cô không quá xinh đẹp nhưng ưa nhìn và phúc hậu. Gương mặt trắng trẻo của cô còn dính những vệt máu, và cô đang ngủ, hoặc dĩ nhiên, là bất tỉnh.

-Cô ta lao vào xe tớ - Việt bắt đầu, không đợi Phan hỏi - tớ không hiểu

lắm lý do, nhưng tớ đoán là cô ta tự tử.

Việt nói là "đoán" nhưng Phan có thể đọc được trong mắt anh, sự khẳng định tuyệt đối. Chẳng ai lại lao vào xe người khác trong đêm khuya vắng vẻ chỉ vì sự bất cẩn cả. Nhất là trông cô gái này chẳng có vẻ gì là có vấn đề về thần kinh. Thậm chí trông cô ta còn có vẻ rất thông minh nữa. Nhưng Phan chưa kịp nói điều gì thì cô gái tỉnh dậy, vẻ mặt ngơ ngác trong 2 giây, đến giây thứ 3 thì ý thức được tình trạng của mình, và ôm mặt khóc. Việt nhìn Phan như thể muốn nói rằng anh đã đoán được điều này sẽ xẩy ra, và vì thế, anh mới phải gọi bạn giữa đêm khuya. Dù sao thì một ông bác sỹ tâm lý (dù chỉ là bác sỹ tâm lý nửa mùa như Phan) vẫn tốt hơn một ông bác sỹ ngoại trong trường hợp này, phải không nào?

Phan ngồi xuống giường, cô gái vẫn đang khóc, bờ vai cô rung lên không ngớt, hai tay cô ôm lấy mặt mình, dáng điệu đau khổ đến cùng cực. Hai người im lặng, cách tốt nhất lúc này là để cô gái tiếp tục khóc. Nhưng mãi rồi Việt không chịu được nữa, nhược điểm lớn nhất của anh (hoặc của mọi gã đàn ông) là sợ con gái khóc. Người mẹ nhu nhược và cam chịu của anh vẫn thường âm thầm khóc một mình trong đêm, những giọt nước mắt đó đã ám ảnh mãi trong tuổi thơ của Việt. Và vì thế, anh sẵn sàng đánh đổi tất cả để cái tiếng sụt sùi não nề kia tắt hẳn trong ngôi nhà của mình. Nhưng anh vừa cất tiếng "này", thì cô đã ngẩng mặt lên, rồi tự nhiên hốt hoảng khi thấy tay mình dính chút máu từ trên mặt. Cô hỏi cả hai, giật giọng:

- Ai đã cứu tôi, hả? Ai đã cứu tôi, không ai bị dây máu của tôi đấy chứ?

- Thưa cô, chẳng ai muốn cứu cô cả - Việt gần như quát lên, hẳn là anh phải kiềm chế lắm mới không quát thẳng vào mặt cô gái - Đấy là cái thằng tôi đây phải tự cứu lấy bản thân mình đấy chứ. Cô có biết vô ý gây tai nạn chết người có thể bị đi tù tới năm năm không? Cô muốn chết? Okie! cứ việc. Có nhiều cách chết, nhưng xin cô đừng chọn cách đâm vào xe của tôi, được chứ?

Việt sổ luôn một tràng không kịp dừng lại để thở. Anh đã khám qua cho cô gái và biết là cô không sao, may mà anh chạy không nhanh và phản xạ dẫm phanh kịp thời. Nhưng bây giờ, khi mà sự lo lắng đã qua và nhanh chóng trở thành nỗi tức giận, trông mặt anh thật khủng khiếp.

"Trông Việt cứ như thể là gã quái thú đang đứng trước người đẹp trong "Người đẹp và quái vật"", Phan hài hước nghĩ thầm.

-Với cả, anh ta còn yêu đời lắm, lại chưa có vợ, và đã... biết gì đâu?

Phan chen ngang, buông một câu đùa mà tự anh cũng biết là vô duyên nhưng cần thiết để cố gắng "hạ nhiệt" trong phòng xuống. Nhưng có lẽ anh đã cố gắng vô ích. Bởi cô gái không mảy may tỏ ra lo sợ, áy náy. Dường như cô sợ hãi một điều gì đó mơ hồ hơn. Cô vẫn nhắc lại câu hỏi của mình một cách đầy kiên nhẫn

-Không ai dính máu của tôi đấy chứ?

Có lẽ sự tức giận đã lấn át mọi giác quan của Việt nên anh không thèm để ý mà trả lời. Nhưng Phan thì khác, anh túm lấy Việt và thẳng tay đẩy anh ra ngoài. Mặc cho Việt ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra? Việt cự nự rằng đây là nhà của anh, chứ không phải nhà của Phan, và hơn nữa, đó chính là phòng ngủ của anh cơ mà? Sao lại vô lý như thế chứ? Phan hứa một cách trang trọng rằng qua đêm nay thôi, anh, à không, cô gái kia sẽ trả lại phòng cho Việt. Vì thế, xin anh đừng có mà hét toáng lên như vậy nữa, anh không hét lên thì hàng xóm cũng đã có đủ ồn ào để thức dậy rồi. Phan bỏ mặc Việt lẫn những câu càu nhàu của anh ở phòng khách rồi trở lại phòng ngủ. Cô gái vẫn ngồi trên giường, cô nhìn thẳng vào mắt Phan khi anh ngồi đối diện với cô trên chiếc gế bành nhỏ. Nước mắt vẫn thấm đẫm trên mặt, và trán vẫn dính một ít máu. Phan bắt đầu, không cần rào đón:

- Vậy, chắc là cô vừa nhận được kết quả xét nghiệm của mình? Nó dương tính, tôi đoán không sai chứ?

- Sao... anh....???

Cô gái hốt hoảng như một kẻ vừa làm điều gì đó thật mờ ám và bị phát giác. Đôi mắt cô dại đi, hàm răng trắng đều cắn chặt vào bờ môi đang run lên. Gương mặt bắt đầu giật giật và tay cô nắm chặt lại, có cảm giác như những chiếc móng tay đang bấm vào tay cô tứa máu...

-Tôi là bác sỹ tư vấn về HIV, tôi đã đoán ra điều đó khi cô tự tố cáo

chính mình bằng cách hỏi xem có ai dính máu của cô không? Và bây giờ thì tôi đã có thể khẳng định, nhưng cô đừng lo, tôi là một bác sỹ, và tôi có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật cho cô.

- Anh là bác sỹ? - Cô gái thốt lên với vẻ lo lắng nhiều hơn là kinh ngạc.

- Có vấn đề gì sao? Cô đừng lo, tôi sẽ giữ bí mật cho cô, đó là bổn phận

và trách nhiệm của một bác sỹ.

- Tôi hiểu điều đó, tôi cũng đã từng thề lời thề Hippocrates mà. - Cô gái thở dài.

- Cô cũng là bác sỹ?

Phan thảng thốt, anh đã nhìn kỹ cô hơn khi anh đoán là cô bị HIV. Nhưng anh đã không tìm ra được một điểm nào để củng cố cho giả thuyết của mình, ngoài sự suy đoán khi cô lo lắng về việc người khác có thể bị dính máu của cô. Nhưng trông cô không có vẻ gì giống một kẻ nghiện ngập, chơi bời, hư hỏng, hay thậm chí, là gái bán hoa. Có thể hơi chủ quan, nhưng đôi môi đỏ tươi, làn da trắng mịn, đôi mắt thông minh, kiên nghị và luôn nhìn thẳng về phía trước dù đang thấm đẫm nước mắt của cô đã chứng tỏ điều đó. Ý của Phan là với dáng vẻ như thế, trông cô giống một công chức có học vấn đàng hoàng và là môt người hiền lành tử tế, hơn là kẻ thuộc về nhóm những người mà anh gọi là "bệnh nhân AIDS tiềm năng".

Vậy thì sao cô lại có thể? Và quan trọng hơn, Phan thường tin vào linh tính và sự đánh giá của mắt mình, dù điều đó đôi khi thật trừu tượng, và khó tin. Nhưng anh tin là cô không giống những người bệnh mà anh đã từng gặp. Dù vậy, anh vẫn thấy một chút thảng thốt, bỡ ngỡ và ngạc nhiên khi biết cô cũng là một bác sỹ. Vậy, rốt cuộc thì điều gì đã xảy ra với cô?

5

Bác sỹ Minh Hạnh, bác sỹ chính của khoa Cai nghiện, viện châm cứu Trung Ương đang nhìn đồng hồ, rồi quay lại với phác đồ điều trị mà cô cầm trên tay. Còn khoảng hơn 1h đồng hồ nữa là bệnh nhân này tới "cữ", và cô cần châm cứu để giúp anh ta cắt cơm thèm thuốc. Rất cẩn thận, cô rút những chiếc kim bạc dùng để châm cứu ra sát trùng, rồi kiểm tra lại máy điện châm. Công việc của cô là giúp cho những kẻ lầm lỡ này thoát khỏi con đường đi tới địa ngục của sự nghiện ngập và trở lại làm người. Những kẻ như chàng trai đang nằm trên giường kia, gương mặt trắng trẻo, thông minh và hiền lành đó không ngờ lại là một kẻ hư hỏng, và nghiện ngập. Cuối cùng thì người khổ cực nhất, lại là những bậc cha mẹ, những người đã sinh ra và nuôi họ lớn khôn.

Cô nhìn người đàn bà đứng tuổi, dáng vẻ phốp pháp, sang trọng nhưng đau khổ và tuyệt vọng đang thủ thỉ khuyên nhủ cậu con với ánh mắt thông cảm và thương xót. Người nhà nào của bệnh nhân mà cô từng gặp cũng mang dáng vẻ đó, nhẫn nhịn và đau khổ, tuyệt vọng. Cô chỉnh lại các nút xung "bổ", "tả" trong máy điện châm để không gây cho bệnh nhân cảm giác đau đớn, vỗ về an ủi người đàn bà khốn khổ một chút rồi bước ra ngoài. Việc điện châm có thể kéo dài khoảng 25 - 30 phút, và cô tế nhị dành căn phòng cho người mẹ với nỗ lực khuyên răn cậu con một cách vô vọng, bằng những thứ đồ đắt tiền mà bà sẽ mua cho cậu nếu cậu chịu cai nghiện một cách tử tế và nghiêm túc.

***

Cậu ta tên là Nhân, cái cậu bệnh nhân ấy, một cái tên gắn biết bao sự kỳ vọng của ba mẹ cậu, nhưng từ khi cậu tới đây, chưa lần nào cô thấy Ba cậu có mặt. Nghe đâu ông là một quan chức cao cấp, vì thế thật dễ hiểu khi ông luôn tránh lộ mặt ở cái phòng được thuê riêng cho cậu con với cái giá mỗi ngày bằng cả tháng lương của Hạnh. Cái chốn chẳng lấy gì làm hay ho đối với danh tiếng và uy tín của ông.

Mọi việc chăm sóc cậu con trai được uỷ quyền cho bà mẹ lo hết. Cũng bình thường như việc ông đi suốt ngày với dự án này, hội nghị kia. Và biết đâu, như bà mẹ từng tâm sự với cô, lại chẳng phải là du lịch với một cô thư ký trẻ tuổi xinh xắn nào đó? Căn biệt thự to đùng, sang trọng lúc nào cũng chỉ còn hai mẹ con với nhau. Và dĩ nhiên, để giải sầu, bà dành hết thời gian cho bói toán, lễ lạt chùa chiền, cho việc tham dự những cuộc tiệc tùng, bài bạc cùng những bà mệnh phụ giống mình. Nghe người ta đồn, bà còn dành tiền "trợ giúp việc học hành" cho một anh sinh viên trẻ tuổi, đẹp trai nhưng nghèo rớt mùng tơi chỉ bằng tuổi con trai mình. Và cuối cùng, sợi dây liên kết còn lại giữa gia đình, là những đồng lương người chồng đưa về cho vợ, là những đồng tiền thoả sức tiêu pha của bà mẹ dành cho con.

***

Nhưng, theo như Hạnh nghĩ, việc đó đối với Nhân là cả một sự thất vọng và bất mãn to lớn. Cái cậu cần, theo như cô hiểu, thì chỉ là sự quan tâm, chia sẻ và mái ấm gia đình, chứ không phải là một đống tiền lạnh lẽo. Cô vừa chuẩn bị thuốc thuỷ châm vừa lắc đầu thở dài, trong phòng vang lên tiếng bà mẹ khóc nức nở, và tiếng Nhân vùng vằng lớn tiếng. Cậu la hét rằng ba mẹ cậu chỉ lo kiếm được thật nhiều tiền, chỉ biết lo cho mình chứ có cần gì tới cậu đâu? Vậy thì việc gì cứ phải ngày đêm vờ lo lắng, chăm sóc cậu? Sao không để cậu chết đi cho rồi?

***

Hạnh đẩy cửa bước vào phòng, bà mẹ đang gục xuống giường và khóc nức nở, cậu con trai vẫn ngồi tựa lưng vào tường, vẻ mặt cau có, tức giận. Cô cố gắng khuyên cả hai bình tĩnh rồi bắt đầu tiêm, hai nhanh một chậm, cô đâm kim thật nhanh, chậm rãi đẩy thuốc và nhanh chóng rút kim ra để không gây đau đớn cho bệnh nhân của mình. Nhân vẫn chưa hết tức giận, hét toáng lên kêu đau rồi giật mạnh tay khi cô rút kim ra. "Phụp" chiếc Syringe rơi xuống và đâm vào chân cô ...

... Bên ngoài, Việt thở dài thương cảm, quên mất là mình đang nghe lén. Mà cũng không phải, đêm khuya yên tĩnh như vậy, tiếng nói chuyện của hai người trong phòng dù nhỏ nhưng cũng khiến cho anh nghe chẳng sót một lời nào.

Chợt Hạnh hạ giọng, cô nấc lên, lẫn trong tiếng nức nở nghẹn ứ trong cổ họng và tiếng an ủi của Phan là tiếng mưa chợt rơi nặng hạt làm Việt không còn nghe thấy cô nói gì nữa. Dường như cô đang kể đến chuyện gì đó khiến cô cảm thấy khổ tâm và khó nói lắm? Rồi căn phòng chợt lặng im, như một khoảng lặng trước cơn bão. Bởi tiếp ngay sau là tiếng quát lớn của Phan, át cả tiếng nghẹn ngào của cô gái lẫn tiếng gào thét của cơn mưa. Phan bỏ về, đúng nghĩa hơn là Phan bỏ mặc Việt với cái rắc rối kỳ lạ mà anh đang phải gánh chịu. Việt nghe Phan to tiếng quát mắng cô gái trong phòng một lúc rồi bỏ ra ngoài, anh không hiểu tại sao Phan lại làm vậy? Với Việt thì quát mắng một cô gái, nhất là khi cô ta đang đau khổ, yếu đuối, là một cái gì đó thật tàn nhẫn và độc ác, một hành động không thể chấp nhận được. Việt bối rối, anh không biết phải làm gì trong tình trạng này, không biết phải nói gì, không biết phải đối xử thế nào với cô gái? Cuối cùng, anh gạt bỏ những suy nghĩ vẩn vơ, gạt bỏ sự bối rối và gạt bỏ cô gái bằng cách với tay tìm kiếm chiếc điều khiển, bấm nút Play cho máy chạy một chiếc đĩa nhạc bất kỳ nào đó ở trong ổ đĩa. Căn phòng tràn ngập giai điệu của Chopin, bản Nocturne cung đô thăng thứ với âm lượng hơi lớn. Nocturne là bản nhạc anh yêu thích, nhưng trong hoàn cảnh này, sao anh chỉ thấy nó nghe thật nhạt nhẽo và vô duyên? Việt thở dài và trở vào phòng, đằng nào thì cũng không tránh được, thà cứ đối mặt còn hơn. Cô gái đã thôi khóc, chỉ còn tiếng sụt sùi trong cổ họng, Việt bối rối.

- Tôi xin lỗi, bạn tôi có lẽ hơi điên, lẽ ra anh ta không nên quát mắng cô như vậy.

- Ồ không - cô gái ngẩng mặt lên, đưa tay nhận lấy tờ khăn giấy Việt vừa đưa và lau nước mắt - Anh ta nói đúng, tôi thật là tệ, nghề nghiệp của tôi là phải chiến đấu không ngừng với thần chết để mang lại niềm vui, sức sống và hạnh phúc cho người khác. Cái công việc có thật nhiều ý nghĩa vì nhờ nó, tôi là niềm hi vọng của biết bao người trong cuộc chiến giành lại sự sống cho họ, vậy mà trong cuộc chiến của chính mình, tôi lại đầu hàng. Anh ta đã giúp tôi tự cân bằng chính mình, tôi nên phải cảm ơn anh ta mới đúng. Tệ thật, anh không dính phải máu của tôi chứ? Rồi cô hơi ngưng lại, thở mạnh như để lấy can đảm và đối diện với sự thật

- Chắc anh đã đoán được, tôi bị nhiễm HIV.

- Ừm ... Việt tính nói một lời an ủi, nhưng anh không biết phải nói thế nào? Việt chửi thầm, gã Phan chết tiệt sao lại quát mắng om sòm rồi bỏ mặc anh với cái đống rắc rối khó xử này chứ? Cuối cùng, anh cũng tìm được một điều gì đó để mà nói.

- Đừng lo về chuyện lây nhiễm, tôi cũng là một bác sỹ mà, tôi tự lo cho mình được.

- Dĩ nhiên - Hạnh tỏ ra bối rối - Tôi đã lo là anh có thể bị dính máu của tôi.

- Thật ra, nếu dính vào da bình thường thì cũng đâu có sao? Chỉ đừng để dính vào niêm mạc hay vết thương hở thôi. Cô biết mà.

- Đúng vậy, nhưng lo lắng vẫn không bao giờ là thừa cả mà.

- Không sao, cô đừng lo, tôi đã mang găng tay khi khám sơ qua cho cô, thật may là trong nhà tôi luôn có sẵn, tôi là một ông bác sỹ luôn ám ảnh bởi những con vi trùng, bệnh nghề nghiệp ấy mà.

Việt mỉm cười và chỉnh cặp kính cận bằng đốt cuối của ngón tay trỏ rồi nhìn thẳng vào mắt cô gái. Đôi mắt cô bây giờ cứ như một mặt hồ lúc hoàng hôn mùa đông, bình lặng một cách đáng sợ. Sự bình lặng có phần gượng ép của một kẻ đang cố chấp nhận sự thực, dù sự thật đó chẳng dễ chấp nhận chút nào. Sự bình lặng giả tạo của mặt hồ, chỉ cần một viên sỏi nhỏ rơi xuống tạo thành những vòng sóng nước, rồi cộng hưởng thành những cơn sóng lớn, dồn dập, dồn dập như một cơn bão. Việt cố đùa cho bớt căng thẳng dù có hơi chút vô duyên:

- Hơn nữa, giờ thì tôi biết tại sao ông bạn tôi có thể mắng kẻ khác xơi xơi mà vẫn kiếm được tiền rồi.

- Phải, bạn anh là một bác sỹ tâm lý cừ - cô bật cười, gương mặt đã đỡ nhợt nhạt hơn khi tinh thần của cô đã khá hơn - và tôi cũng nhớ câu trêu đùa về những người mặc Blouse như chúng ta, "bác sỹ thì nhìn đâu cũng thấy vi trùng". Chắc hai người thân nhau lắm?

- Thân? Tụi tôi nợ lẫn nhau - Việt bắt đầu biết đùa, sau khi những rắc rối đã qua, người ta có lẽ cũng nên tự thưởng cho mình một chút hài hước.

- Tụi tôi nợ lẫn nhau nhiều thứ, nếu như anh ta thiếu nợ cô điều gì, kể cả mạng sống, cứ tới tìm tôi, tôi sẽ trả giúp anh ấy, bất cứ thứ gì.

- Và ...

Việt lại mỉm cười, như một thói quen, mỗi khi nói tới Phan, anh đều mỉm cười. Việt nói to, dõng dạc.

- Và ngược lại.

- Hai người thật may mắn - Cô gái khẽ thở dài, không biết cô ta thở dài vì điều gì? - Thật hạnh phúc khi có người bạn tri kỷ.

- Tôi xin lỗi - Việt chuyển đề tài, thú nhận - tôi đã nghe lén chuyện giữa cô với bạn tôi, cô đừng quá bi quan, dù thế nào đi nữa, cuộc sống của cô có ý nghĩa với rất nhiều người. Rất, rất nhiều người còn cần đến cô.

- Nhưng chẳng có chút ý nghĩa gì với anh ta nữa, anh ta không cần mình. Hạnh lẩm bẩm trong miệng không để cho Việt kịp nghe thấy, rồi cô nhìn Việt, hơi lúng túng.

- Anh có gì ăn không? Tôi đói quá, có cảm tưởng như tôi có thể ăn hết một con Bò to.

Hoá ra nơi xa lạ nhất với Việt lại chính là nhà của mình, bởi anh chỉ về đây để ngủ sau những ngày làm việc mệt nhọc và những cuộc chơi bời tới gần sáng. Anh không muốn về nhà, anh sợ cảm giác cô đơn lủi thủi trong ngôi nhà của chính mình. Công việc chăm sóc ngôi nhà đã có bà giúp việc lo, việc duy nhất anh phải lo, là trả lương đúng hạn cho người chăm sóc nó. Mà việc ấy, thì cũng chả giúp được gì cho anh trong hoàn cảnh này. Bởi sau khi dỡ tung cả phòng bếp, cả hai chẳng kiếm được chút gì để ru ngủ cái dạ dày đang nhảy Hip hop của mình. "Đành vậy, hi vọng giờ này vẫn còn một quán ăn nào đó còn mở cửa" - Việt quyết định, sau khi chợt nhận ra rằng anh cũng trở nên đói cồn cào. Tất cả năng lượng của anh, có lẽ đã tiêu hóa hết vào sự lo lắng rồi.

7

Phan trở về tới nhà thì đã ướt sũng, anh run lên vì lạnh. Nhẹ nhàng mở cửa để khỏi đánh thức Thạch Thảo dậy, anh lau khô người rồi kiếm một chiếc chiếu nhỏ, một cái chăn mỏng và ngủ ngay giữa phòng khách. Giờ này là giờ mà người ta say giấc nhất, và Thảo có thói quen quấn chăn quanh mình. Vì vậy, anh không muốn Thảo bị mất ngủ vì việc anh leo lên giường và chui vào chăn. Phan kéo tấm chăn lên kín đầu và cố giỗ dành giấc ngủ.

8

Chiếc Lexus lại lao vào đêm mưa lạnh lẽo, ánh đèn pha loang loáng chiếu trên mặt đường sũng nước. Đã 3h sáng và chẳng có dấu hiệu nào cho thấy cơn mưa sẽ ngưng bớt cả, mưa vẫn tạt vào kính làm cần gạt nước hoạt động không ngơi nghỉ. Hai bên đường những hàng cây ủ rũ trong cơn mưa đêm trông như những bóng ma cô đơn khốn khổ. Tiếng động cơ xe hòa vào tiếng mưa rơi nghe như một bản nhạc đêm mưa não nùng và sầu thảm. Việt nhấc tay định mở nhạc nhưng rồi anh rụt tay lại khi nhìn sang bên cạnh, gương mặt của Hạnh không bày tỏ một sự biểu cảm nào. "Cứ như tượng đá", Việt nghĩ thầm.

Việt tấp xe vào một quán phục vụ 24/24h của khu đô thị mới dành cho người nước ngoài. Anh đánh thức cậu nhân viên đang gật gù ngủ gục trên bàn làm việc, chịu đựng tiếng cằn nhằn, càm ràm vì bị đánh thức của anh chàng và không hề phàn nàn một tiếng nào về cung cách phục vụ của anh ta. Thái Việt lấy hai suất KFC, kèm theo hai ly Coke to uỵch rồi trở lại xe. Chiếc xe quay đầu trở về nhà Việt, cứ như một cỗ máy được lập trình sẵn, hoàn toàn êm ái và lặng lẽ, lặng lẽ là bởi cả hai chẳng nói với nhau lời nào cho đến khi đã yên vị đối diện nhau trên ghế Sofa cùng với cánh gà rán KFC và nước Coke.

- Sao anh lại đưa tôi đi cùng, và chỉ để tôi ngồi trên xe? Anh sợ phải để tôi ở nhà anh ư? Anh sợ tôi "cầm nhầm" cái gì đó chăng?

- Cô vẫn có thói quen châm chích người khác thay vì nói lời cảm ơn như thế à? Tôi chỉ không muốn sự lạnh lẽo của ngôi nhà khiến cô nghĩ tới một cái đầu xe khác thôi. Đằng nào thì tôi cũng đã chịu khổ vì cô rồi, nếu cô muốn, thì xin cô cứ đâm vào đầu xe tôi là được. Vậy thì đỡ phải có thêm một người khác khổ nữa.

- Tôi đâu có ngu ngốc và cố chấp đến vậy? Anh bạn anh nói đúng, tôi đã giúp người khác chiến đấu để giành lại sự sống, vì thế, tôi không được phép đầu hàng trong cuộc chiến của chính mình. Tôi phải quý mạng sống của mình, vì tôi còn có ích cho nhiều người khác, những người còn cần đến tôi - Cô gằn giọng, mắt hơi ướt, dường như cô đang kìm nén một nỗi đau - những người thực sự còn cần đến tôi, không như anh ta.

Im lặng, cả câu hỏi "anh ta là ai" cũng không được Việt thốt ra. Mãi một lúc sau Việt mới phá vỡ sự im lặng bằng cách nhường cho cô gái chiếc giường có phần luộm thuộm nhưng êm ái của anh trong phòng ngủ. Còn anh, như những anh chàng chủ nhà lịch sự và hiếu khách vẫn thường làm, anh ngủ trên ghế Sofa ở phòng khách.Trong giấc mơ, như một thói quen, Thảo vòng tay qua bên cạnh để ôm lấy Phan, bàn tay cô vòng lên, hẫng vào khoảng không rồi rơi xuống chăn. Cô trở mình.

10

Hạnh khẽ trở mình, cô không ngủ được, có lẽ là do lạ giường lạ chiếu, cũng có thể là do cô đang nghĩ suy về những điều vừa xảy ra. Hạnh nhìn trừng trừng lên trần nhà, ánh sáng từ chiếc đèn ngủ ốp vào tường chiếu mờ mờ qua đám mạng Nhện đang vắt thành một lớp lưới mỏng góc tường tạo thành những hình thù lạ lùng, ma quái. Hạnh trở mình, gác tay lên trán, mọi chuyện cứ như một cơn ác mộng kinh hoàng ập đến nhanh khủng khiếp khiến cô trở tay không kịp. Cô không dám ngủ, cô sợ khi cô nhắm mắt, cơn ác mộng sẽ quay trở lại hành hạ, dày vò cô. Hoặc có thể cô đang lo lắng cho cuộc sống tương lai của mình, cuộc sống mà cô cũng không biết được rồi nó sẽ thế nào? Cô không biết, và cũng thực sự không dám, hoặc không muốn biết. Hạnh thở dài, trở mình liên tục. Bên ngoài, mưa vẫn rơi, rất nặng hạt.

11

Thái Việt giật mình thức dậy bởi tiếng chuông điện thoại reo inh ỏi. Anh làu bàu, chửi rủa mấy ông sản xuất điện thoại sao lại không lắp chế độ rung cho điện thoại bàn cơ chứ? Hoặc là nút tắt máy như điện thoại di động ấy, có phải đỡ cho anh biết bao nhiêu không? Chắc lại là Phan gọi, những người biết số điện thoại nhà anh, chỉ có Ba mẹ anh và Phan mà thôi. Mà Ba Mẹ anh thì chẳng bao giờ gọi anh vào ngày nghỉ cả, vì họ nghĩ những ngày đấy anh mà ở nhà thì chắc là Hà Nội đang có hỏa hoạn, động đất.

- Tớ đoán là tớ vừa đánh thức cậu dậy? Một việc luôn khiến tớ thấy vui mừng. Thế nào? Tối qua ngủ ngon chứ?

- Khỉ! Tớ vừa mới chợp mắt chứ đâu? Và sáng nay khi thức dậy, tớ thấy mình ngủ ở ghế Sofa, vậy là tớ hiểu chuyện tối qua không phải là một giấc mơ.

Việt thả phịch người xuống ghế, nói tiếp:

- Khỉ thật, cậu đã làm thế nào với cô ta thế? Tớ thấy cậu chửi mắng thậm tệ, thế mà cô ta còn tỏ ra rất biết ơn cậu?

- Ha ha, công việc của tớ là lắng nghe, khuyên giải, và khi cần là... chửi mắng người khác mà?

- Ừ! Và vẫn có tiền, tài thật, tớ đã bảo với cô ta về cậu như thế đấy.

- Cậu nói xấu tớ.

- Tớ khen cậu đấy chứ? Nói về cậu như thế vẫn là chưa đủ à? Nào! Bây giờ thì cho tớ lý do về việc cậu thức tớ dậy lúc sáng sớm thế này đi. Để làm gì?

- Sớm à? Cậu có làm sao không đấy, đã hơn 3h chiều rồi, và tớ nhắc cậu là chiều nay cậu có cái hẹn ăn cơm ở nhà tớ. Thảo đang chờ cậu tới để nhặt rau đấy.

- 3h rồi à? - Việt gần như gầm lên - Tớ đã hứa trưa nay dẫn Phương Thuỳ đi mua Laptop. Cậu biết đấy, cô ta chẳng biết gì về công nghệ cả, vậy mà tớ ngủ quên mất, lại tắt di động nữa, chắc cô ta giận tớ lắm?

- Cái cô trợ lý của cậu ấy hả? Cô ta nhìn "ngon cây" đấy. Ái ... anh đùa mà em... Tớ thấy cô ta cũng... được đấy. Cậu có ý định gì không đấy?... Em bảo gì cơ?... À! Thảo nhờ tớ bảo với cậu là cậu nên tìm lấy một người đi, lông bông thế đủ rồi.

- Giá mà tớ có thể cảm ơn Thảo vì điều đó, nhưng mà tớ xin chịu. Cái cô Phương Thuỳ này, cái gì cũng tốt, nhanh nhẹn, khôn khéo, thông minh, và đầy tham vọng. Nói đúng hơn là quá nhanh nhẹn, quá thông minh, quá khôn khéo, và quá tham vọng. Mà cậu biết đấy, cái gì cũng thế, dù tích cực hay tiêu cực, thì "quá" cũng là không tốt.

- Thì cậu cũng quá giàu đấy thôi?

- Ừ! Bởi vậy, nó cũng đâu có tốt? Đó là lý do đầu tiên khiến người ta nhớ đến tớ.

- Cậu quá tự tin chăng?

- Tớ cũng hi vọng là vậy - Thái Việt im lặng, nghe đầu dây bên kia tiếng Thạch Thảo đang đùa giỡn với Phan - Bây giờ tớ đi tắm đã, rồi sẽ tới nhặt rau cho Thảo của cậu ngay đây.

***

Thái Việt đi vào phòng ngủ, tính đánh thức cô gái dậy, nhưng cô ta đã đi mất từ lúc nào. Có lẽ cô ấy đi lúc anh đang say ngủ. Việt ngỡ ngàng nhìn quanh, căn phòng gọn gàng một cách đáng ngạc nhiên, khiến anh cứ ngỡ như đang ở trong phòng ngủ của ai khác. Không thể nào, theo lịch thì mỗi tuần bà giúp việc chỉ tới có một lần vào 5h chiều ngày chủ nhật thôi mà? Bây giờ còn quá sớm, vậy thì chắc là Hạnh đã dọn dẹp nó rồi. Đúng là có bàn tay phụ nữ có khác, trông cái tổ cú của anh sáng láng hẳn lên. Việt đi ra ngoài phòng khách, rèm cửa sổ được buông xuống cẩn thận, chắc hẳn là cô sợ nắng chiếu qua cửa sổ sẽ khiến anh mất ngủ. Trên tủ, mớ loa đài, TV, giàn âm thanh được lau chùi sạch sẽ, bóng bẩy. Đồ đạc, giày dép đã được trả về đúng vị trí mà chúng đáng ra phải được ở. Trên bàn còn cắm một lọ hoa tươi mà anh chẳng biết tên nó là gì? Việt bước xuống bếp, căn phòng gần như bị bỏ hoang này sau khi được lau chùi và chăm sóc trở nên ấm cúng và sạch sẽ hẳn lên. Trên cánh cửa đá của tủ lạnh, Hạnh gắn lên một tờ giấy vàng, có vẻ như là một lời nhắn. "Anh còn tệ hơn cả cậu út nhà tôi, tôi cứ tưởng mình lọt vào một căn nhà hoang chứ? Tôi có mua một chút đồ ăn, hoa quả và đồ nguội. Anh cứ dành để đấy mà ăn dần, dù sao cũng cần có cái mà dùng đến khi cần thiết chứ". Việt mở tủ lạnh, "một chút" của cô là cả một tủ lạnh đầy ắp thức ăn và đồ uống, chắc ăn cả tháng không hết. Việt lắc đầu, có thể cô ta muốn trả ơn mình, một sự sòng phẳng không cần thiết.

***

Thái Việt vừa đóng cửa vừa mỉm cười khoái trá khi nghĩ tới gương mặt ngạc nhiên của bà giúp việc. Chắc hẳn bà ấy phải bất ngờ lắm khi thấy căn nhà trở nên sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp như vậy. Mà biết đâu, bà cụ luôn tin vào những câu chuyện cổ tích kỳ diệu ấy, lại chẳng nghĩ rằng anh vừa kiếm được ở đâu đó một quả thị có chứa cô Tấm cũng nên. Dám mà vậy lắm.

***

"Một ngày đẹp trời đây", Việt tự nhủ khi chạy xe dưới ánh nằng nhẹ màu vàng nhạt. Sau một đêm mưa, bầu trời trở nên trong xanh, không gian dường như được tẩy sạch hết bụi bẩn đã trở nên thoáng đãng và không khí thoang thoảng mùi thơm của hoa Sữa. Hai bên đường, những cây Trứng cá đang khoe một lớp áo nặng trĩu, lúc lỉu những quả chính đỏ chót, những cây Bàng đã bắt đầu thay màu của lá, lấp ló trong những tán lá xanh đã bắt đầu điểm một chút màu vàng, màu đỏ như muốn chứng tỏ với Việt rằng tối qua mùa thu đã chính thức tiếp quản thành phố. "Trời đẹp thật". Việt nói to lên thành tiếng, "Mùa thu Hà Nội mới đáng yêu làm sao?".

12

Đặt đặt chồng bát đũa lên bàn ăn, Việt quay qua bên cạnh, nơi Phan đang chặt dở con gà, thắc mắc.

- Này! Bất cứ một bệnh nhân nào trước khi nhập viện cũng cần được xét nghiệm rất kỹ càng đúng không? Nhất là bệnh nhân nghiện, đưa vào viện để cai nghiện ấy? Tớ nhớ rất rõ mọi quy định, viện của tớ tuy chỉ là viện tư nhân, nhưng vẫn tôn trọng pháp luật lắm.

- Cậu có ý gì?

- Chuyện tối qua, cậu hiểu ý tớ mà.

- Tớ phải giữ kín bí mật của bệnh nhân, cậu cũng hiểu điều đó mà.

- Thế cậu tưởng tối qua tớ và cô ấy ngồi ngắm nhau cả đêm đấy hả? Đừng lo về cái lời thề Hippocrates của cậu, nó sẽ được tôn trọng một cách tối đa. Vấn đề là ở chỗ tớ biết hết cả rồi, và chỉ thắc mắc là làm thế nào một bệnh nhân AIDS lại có thể lọt vào nằm cai nghiện ở bệnh viện được chứ? Gã kỹ thuật viên xét nghiệm của viện bị mù rồi ư?

Phan đưa một đường dao hơi mạnh, khiến chiếc cánh gà vừa bị chặt ra khỏi thân mình rớt xuống miếng báo dùng để lót phía dưới thớt.

- Gã chẳng bị mù chút xíu nào cả, mà gã chỉ bị chói mắt thôi, chói mắt bởi ánh sáng của đồng tiền, bạn thân mến ạ. Tớ đoán là rất nhiều tiền.

- Mẹ kiếp, có phải ý cậu là gã "ngậm miệng ăn tiền" để hô biến kết quả từ dương tính thành âm tính không?

- Cậu lại chửi bậy nhé.

- Vô lý, không thể nào - Thảo thảng thốt chen ngang, thường thì cô chỉ im lặng khi hai người đàn ông tranh cãi, nhưng trong tình huống này, cô không thể ngồi im được - ý em là ai lại làm như thế chứ? Điều đó có ích gì cho họ?

Phan lại vung dao chặt xuống, khiến thịt vụn bay tung tóe ra sàn.

- Họ là ai ấy hả? Họ là ba của cậu bệnh nhân kia chứ ai? Nghĩ xem, nếu em là một ông quan lớn, việc phải muối mặt vì có một đứa con hư đã là quá lắm rồi, giờ lại mang thêm một cú trời giáng nữa là cậu ấm nhà mình bị AIDS, vậy thì danh dự, uy tín và tiền đồ của em sẽ như thế nào? Việc đưa cậu con đi cai nghiện cũng chỉ là một "chiến thuật hi sinh" hòng để cứu vãn sự nghiệp của ông bố, chứ chẳng phải lo lắng gì cho con mình cả. Thế đấy, chỉ là một chiêu bài để hô hào: "Này bà con, tôi biết con tôi nghiện, nhưng tôi thà hi sinh danh dự của mình, chứ quyết nói không với tệ nạn xã hội". Tuyệt không? Một công đôi ba việc nhé, uy tín cứ lên vù vù, vì thế dù bị AIDS thì cũng phải đi cai bằng mọi cách.

- Mẹ kiếp - Việt không kìm chế được, lại văng tục - Vậy là bán rẻ con mình ư? Hèn hạ.

- Tiếc rằng việc đó đang dần là "chuyện thường ngày ở huyện" - Phan chơi chữ trong tiếng thở dài - Quyền và tiền mới chính là "chiếc ghế đỏ" của trò chơi "đuổi quyền lực, bắt tiền bạc" trong cuộc sống. Xã hội bây giờ, đang dần có đầy những người như thế - Phan nén tiếng thở dài.

- Nhưng đấy là con mình mà anh? - vẫn là giọng của Thảo - Hổ dữ còn chẳng nỡ ăn thịt con. Tội nghiệp.

- Bớt tội nghiệp cho cái gia đình đã thối từ gốc rễ ấy đi, đáng lẽ em nên tội nghiệp cho Hạnh, cô ấy vừa chuyển xuống đấy từ khoa nội tháng trước, vậy mà ...

- Cậu nói cái quái gì thế, nếu mới gần một tháng, làm sao đã có kết quả xét nghiệm, tớ tưởng thường thì phải mấy tháng sau cơ mà?

- Cậu đi mà hỏi anh chàng kỹ thuật viên xét nghiệm ấy. Theo tớ biết, thì cô ấy mới bị kim đâm vào người sáng hôm qua thôi.

- Mới hôm qua à? - Việt sửng sốt - vậy sao cô ấy không điều trị dự phòng phơi nhiễm?

- Có chứ, nhưng cô ấy quá tin vào gã kỹ thuật viên xét nghiệm, cho nên mãi đến tối, khi gặp gã và biết được sự thật, cô ấy mới...

- Khốn nạn!

- Cậu biết đấy, thuốc vẫn có thể có hiệu quả trong vòng 72 giờ. Nhưng tốt nhất là nên điều trị trong vòng 2 - 4 tiếng sau khi bị, vì sau đó, hiệu quả có thể sẽ rất thấp.

- Tớ hiểu, tội nghiệp cô ấy. Tớ chỉ không hiểu, nếu tớ là cô ấy, thì tớ sẽ làm gì gã kỹ thuật viên xét ngiệm đó? Chém gã ra thành ba mảnh, hay lột da nấu cao?

- Cậu sẽ chọn giải pháp nào? 50/50, gọi điện thoại cho người thân, hay nhờ sự trợ giúp của khán giả? Tớ thấy tối hôm qua cô ấy đã có sự lựa chọn rồi đấy thôi? Và suýt nữa cậu là kẻ lãnh đủ, kẻ nên được tội nghiệp có lẽ phải là cả cậu và cô ấy mới đúng.

Thảo xoay đi xoay lại chiếc sơ mi Việt Tiến mấy lần vẻ ưng ý rồi đưa cho người bán hàng gập lại cẩn thận. Phan chưa hề than vãn về những chiếc sơ mi của anh, nhưng cá nhân cô cảm thấy cần bổ sung gấp cho anh vài chiếc, chúng đã bắt đầu cũ quá rồi. Thi thoảng cô vẫn ra đây để mua áo cho Phan, thậm chí là cả Việt mỗi khi thấy anh không chịu chăm chút gì tới mình cả. Ở giữa cửa hàng, người chủ kê một hàng móc treo những chiếc áo mẫu, còn hai bên tường, những chiếc kệ chứa đầy áo sơ mi tha hồ cho Thảo chọn lựa. Cô lấy một chiếc màu trắng và một chiếc kẻ sọc.

- Cô thật là người có mắt thẩm mỹ - anh chàng bán hàng tấm tắc khen với vẻ nịnh đầm thấy rõ - màu trắng tôn lên vẻ lịch lãm, còn chiếc sơ mi kẻ sọc này lại khiến cho người mặc nó trông nam tính hơn. Anh trai cô sẽ thích lắm đấy.

- Tôi mua cho chồng tôi.

- Mẹ ơi, vậy là cô tảo hôn à? - Anh chàng đùa dai, nhưng ánh mắt không giấu nổi vẻ tiếc nuối. - Cô mới 16 thôi mà, phải không?

- chính xác là bị ép hôn - Thảo cũng không vừa - nhà tôi nghèo quá, đành bán mình chuộc... tình yêu.

- Bi kịch nhỉ? Nhưng tôi thấy cô giống Thúy Kiều hơn là Chị Dậu.

- Chính xác, vì Chị Dậu đâu có bán mình?

- Thì bán con, đằng mà chả là bán, phải không?

- Anh học Văn giỏi nhỉ?

- Tôi luôn biết thông cảm với những mảnh đời bi thảm.

- Nếu anh giàu lòng thương cảm như vậy, thì tôi có được giảm giá không?

- Coi nào - Anh chàng ré lên - Tôi không dễ bị xỏ mũi thế đâu nhé.

- Tôi vẫn đủ tiền để trả anh - Thảo cười vang - Đừng lo!

Trời trong xanh, thi thoảng mới có một cụm mây trôi lờ lững ...

15

Việt tấp chiếc Acma GS của mình vào vỉa hè, tách xa chỗ để xe của cửa hàng băng đĩa, anh cẩn thận dựng chân chống chiếc xe yêu quý của mình, mỉm cười hãnh diện trước những ánh mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ đang dõi theo từ quán Café sang trọng phía bên kia đường. Chuyện, chiếc Vespa động cơ Widemount được sản xuất tại Ý những năm năm mươi thế kỷ trước của anh chẳng phải đang được xem là loại Acma thể thao hiếm hoi và quý giá nhất hiện nay hay sao? Chiếc xe mà những tay chơi Vespa cổ vẫn hằng thèm thuồng và sẵn sàng đánh đổi cả gia tài để có được nó. Việt mỉm cười thú vị khi nhớ tới một cậu nói của anh chàng "thi sĩ" mê Vespa cổ nào đó. "Một ngày được cưỡi Acma, còn hơn vạn kiếp lê la Dylan". Vậy đấy, bất kỳ tay chơi xe cổ nào cũng biết giá trị của Acma GS, dòng xe này hiếm hoi đến nỗi, dù có xới tung cả xứ Đông Dương này lên cũng chỉ kiếm được số xe đủ để đếm trên mười đầu ngón tay. "Acma GS là hòn ngọc trên vương miện Acma, còn Acma là vương miện của nữ hoàng Vespa" Việt đã đọc được ở đâu đó trên trang Website của hội Vespa cổ những dòng ca tụng có phần khá hài hước và trừu tượng nhưng không hề khập khiễng như vậy.

Việt vỗ nhẹ âu yếm lên yên xe, ngắm nhìn chỗ sườn cong đặc trưng để lướt gió của dòng Acma GS với vẻ hài lòng rồi bước vào cửa hàng băng đĩa. Anh đi thẳng vào cửa chính, vòng vèo qua bốn, năm khúc cua đặt đầy những kệ cao ngất với những album ca nhạc đầy màu sắc và đủ chủng loại từ nhạc trẻ, pop, rock, jazz, techno hay hip hop rồi lách mình tránh một đoạn kệ dài đầy những thể loại nhạc trẻ Việt Nam "mỳ ăn liền" mà anh không thể nào "nhằn" được bất cứ một bài nào cho dù chỉ trong một phút. Đến cuối đường, Việt nghiêng người luồn qua một khoảng không hẹp, chui vào một góc khuất ở cuối cửa hàng, nơi đặt những chiếc đĩa nhạc cổ điển bám đầy bụi nằm im lìm. Anh chỉ đi vào đây ngắm nghía, để thả hồn và đắm mình vào không gian của Chopin, của Bach, của Tchaikovsky, của Beethoven và của nhiều những người mà anh gọi là "những người bạn bác học trong nghệ thuật". Chứ tất cả những gì anh cần đã được cô bán hàng chu đáo gói cẩn thận và để ở quầy thu ngân từ trước khi gọi điện cho anh rồi. Việt mỉm cười hài lòng khi nhìn thấy trên kệ có những dấu vết chỉ cho anh thấy hai chiếc đĩa vừa dời khỏi chỗ nằm bụi bặm quen thuộc, vậy là đã có ai đó vừa mua chúng. Giới trẻ bây giờ, ngoài những sinh viên nhạc viện ra, người có cùng thứ "tôn giáo Chopin" với anh cũng hiếm như chiếc Acma GS của anh đang dựng ngoài kia. Việt khẽ thở dài, chung quy lại thì ai có thể bắt được người khác phải có cùng sở thích với mình nào? Việt đi ra phía quầy thu ngân, cúi nhặt chiếc đĩa không hiểu ai đó đánh rơi xuống đất, đặt lại đúng vị trí của nó ở trên kệ. Anh tần ngần một chút trước những đĩa nhạc mới của tay Sacxophone Trần Mạnh Tuấn, cuối cùng, Việt chọn lấy hai đĩa cùng tên. Nếu trí nhớ vẫn chưa phản bội Việt, thì Trần Mạnh Tuấn là tay kèn mà Phan rất yêu thích. Việt dừng lại ở gần chỗ quầy thu ngân, anh dựa hẳn lưng vào tường, búng búng ngón tay cái, nheo mắt ngắm nhìn một cô gái trông rất quen. Cô gái không quá xinh đẹp nhưng ưa nhìn và phúc hậu. Cô đang chuẩn bị trả tiền cho hai đĩa nhạc Chopin mà cô vừa chọn được, và Việt quyết định thật nhanh:

- Tôi sẽ được phép tặng nó cho cô chứ? Lâu lắm rồi tôi mới gặp một người trẻ tuổi có cùng sở thích như mình.

- Trái đất thật là nhỏ - Hạnh quay người lại, tỏ vẻ ngạc nhiên và bối rối khi nhìn thấy Việt, hẳn là cô đang ngượng ngùng khi nhớ tới cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai người cách đây vài hôm - Sao anh lại ở đây?

- Tôi đi tìm một người bạn cũ tên là Chopin, và tình cờ làm sao lại gặp cô ở đây - Việt nhận lấy chiếc túi đựng đĩa Chopin mới mà cô nàng thu ngân vừa đưa, gật đầu cảm ơn cô rồi rút ví - Cho phép tôi trả thanh toán giúp cô số đĩa mà cô vừa chọn nhé. Coi như là quà gặp lại.

- Sao lại không phải là tôi được thanh toán giúp anh? Coi như một sự cảm ơn.

- Vì cái gì? Vì đã giúp cô tiêu thụ đống bánh kẹo, hoa quả chất đầy tủ lạnh nhà tôi ấy à?

- Anh đã ăn hết chúng chỉ trong ba ngày thôi ư?

- Có thể nói như thế, nếu không kể đến những người hàng xóm trong khu phố nhà tôi - Việt đưa tiền cho cô gái thu ngân - Bây giờ, nếu muốn trả ơn, cô có thể mời tôi đi uống Café, quán ở ngay đối diện thôi. Tôi hứa sẽ không từ chối đâu.

- Anh thật láu cá đấy nhé.

- Không dám, cảm ơn cô đã quá khen.

***

Hai người chọn chiếc bàn ngay cạnh cửa sổ, chỗ có thể nhìn thấy đền Ngọc Sơn ở phía xa xa giữa lòng hồ Hoàn Kiếm. Sương mù đang phủ những vệt mờ lảng vảng trên mặt hồ, và giát những mảng màu xám lên những cành liễu đang bay bay trong gió. Đây đó trên vỉa hè, những đôi trai gái khoác tay đi dạo dưới những tán Phượng khẳng khiu trơ trụi lá. Phía bên kia, chỗ con đường Đinh Tiên Hoàng chạy men theo hồ, kim ngắn của chiếc đồng hồ khổng lồ trên đỉnh tòa nhà bưu điện Hà Nội đang chỉ vào con số 5. Việt vẫn thường ra đây lúc anh còn bé, khi những con đường còn thưa thớt xe cộ và tiếng chuông ngân nga của chiếc đồng hồ cơ - điện lớn, thực chất là tổ hợp của ba chiếc đồng hồ nhỏ đã 30 năm tuổi này với anh là một thứ âm thanh kỳ diệu. Việt gọi cô bé chạy bàn lại, đưa chiếc đĩa mới mua và đề nghị cô mở giúp anh. Việt không đủ kiên nhẫn để đợi cho đến lúc anh về nhà rồi mới thưởng thức nó được. Hạnh mỉm cười:

- Anh nhớ bạn anh quá nhỉ?

- Ông ấy còn hơn là một người bạn, cô biết đấy. Tôi mê mẩn thứ âm nhạc bác học này. Nhưng tôi thích nhất là Nocturne cung đô thăng thứ. - Việt vừa nói vừa chỉ vào chiếc túi đựng đĩa của Hạnh - Và hình như cô cũng thế?

- Sao lại không yêu thứ âm nhạc chặt chẽ, quy tắc nhưng khoáng đạt và tinh tế ấy nhỉ? Có vẻ như anh rất thích những bản dạ khúc? Nhưng tại sao lại là Nocturne cung đô thăng thứ? Trong khi có tới 19 bản Nocturne? Và tại sao lại là Nocturne chứ không phải là Mazurka, Ballades hay một thể loại nào khác?

- Tôi cũng không biết được, đôi khi người ta không thể biết mình yêu ai đó vì lý do gì, phải không?

- Cứ cho là vậy, nhưng tôi đã đọc ở đâu đó nói rằng giọng thứ thường được sử dụng cho những giai điệu buồn và tình cảm, trong khi tôi thấy anh là một người luôn rất lạc quan?

- Cô hơi chủ quan khi đánh giá người khác đấy nhé - Việt vui vẻ - Tôi đoán cô luôn đứng đầu lớp môn âm nhạc? Hoặc cô đã từng học nhạc viện?

- Thật ra hồi tôi học phổ thông còn chưa có môn âm nhạc, hơn nữa khi anh yêu một ai đó, anh sẽ phải tìm hiểu kỹ về người đó, phải không nào?

Việt không trả lời, anh ngồi chống cằm trầm ngâm lắng nghe chăm chú như một nhà hiền triết. Nhưng rồi anh nhanh chóng bực bội và thất vọng khi tiếng nhạc chợt vụt tắt mà không hề báo trước cho dù đoạn phức thứ nhất với giọng đô thứ còn chưa kết thúc. Cô bé chạy bàn xin lỗi cả hai và nói với giọng hết sức hối lỗi rằng những vị khách trẻ tuổi sành điệu đang ngồi dưới tầng một kia không ai biết và ưa thích thứ âm nhạc vừa mở, nên để chiều lòng đa số khách hàng, họ đành phải thay bằng một đĩa nhạc khác. Việt giơ hai tay lên trời và Hạnh nhìn anh đầy thông cảm.

- Anh đành phải đợi đến tối thôi, lúc đó anh sẽ gặp lại ông ấy. Hôm nay anh không đi làm à?

- Tôi tự cho mình được nghỉ phép một hôm. Còn cô, cô cũng không đi làm?

- Tôi tự cho công việc của mình được nghỉ ngơi - Hạnh cười lặng lẽ - hoặc đại loại thế.

- Một cách ví von hay, nhưng tôi không hiểu rõ lắm ý nghĩa??

- Cũng không có gì đâu, - cô cười thật buồn - Tôi còn muốn nói lời cảm ơn anh.

- Vì cái gì vậy?

- Vì đã không kỳ thị hay ít ra là lảng tránh tôi - Giọng cô chùng xuống - anh biết đấy, những người bị AIDS thường bị ...

- Cô đừng nói vậy, tôi hiểu chuyện của cô mà, cô không đáng bị như vậy. Hơn nữa, nếu những người làm ngành y như chúng ta mà còn phân biệt đối xử với những bệnh nhân AIDS, thì họ sẽ ra sao? Không phải tất cả những người mắc AIDS đều đáng trách, họ cần được cảm thông và chia sẻ.

- Cảm ơn anh, dù sao cũng cảm ơn anh.

- Nếu cô còn nói thế nữa, thì tôi sẽ đứng dậy và bỏ về đấy nhé. Chúng ta hãy đổi đề tài, được chứ? Hãy nói về thi sĩ dương cầm của chúng ta đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #education