Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 1 - C3


Chương 3

Rất nhanh liền đến tiệc thôi nôi của Nguyễn Thị Huyên, nói náo nhiệt thì cũng không hẳn là náo nhiệt, bởi lão cha nàng thì đã "nghỉ hưu", mà nàng dù có là út ít cũng không phải con trai, ở thời đại này thì tư tưởng "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" vẫn phổ biến. Thay vì náo nhiệt, nàng lại rất hài lòng với bữa tiệc này, mọi người trong nhà, cả các tiểu thiếp của cha cùng các anh chị cùng cha khác mẹ của Nguyễn Thị Huyên, tụ tập lại làm một bữa cơm lớn rồi cùng chơi đùa, đốt pháo bông, cười đùa vui vẻ quên trời đất.

Rượu quá tam tuần, khi mà nàng tưởng bữa tiệc đã kết thúc thì nàng thấy mẹ nàng ra hiệu gì đó cho người hầu. Một nhóm người hầu nhẹ nhàng tiến lên dọn dẹp đống lộn xộn, không hề ảnh hưởng đến đám trẻ con đang chơi đùa bên cạnh, lại nhanh chóng bày biện rất nhiều đồ lên bàn gỗ lớn trải khăn nhung đỏ.

- Đến lúc rồi à? – Cha nàng đã ngà ngà say, giọng nói hơi lớn hỏi Trần Thị.

Mẹ nàng gật gật đầu, mỉm cười.

Thế là Nguyễn Thị Huyên bị lôi tới đặt trên bàn lớn, giữa một đống đồ vật. Nguyễn Thị Huyên trấn định lại, nhìn nhìn một chút, có sách, tơ lụa lấp lánh, có trang sức vàng, bút lông, một thanh kiếm gỗ nhỏ, bảng tính,..., đồ đạc linh tinh lặt vặt chất đầy bàn, thấp thoáng còn có một túi hạt giống đậu. Thì ra là lễ chọn đồ đoán tương lai, làm hại nàng còn lo lắng một hồi. Lễ này là ảnh hưởng từ phương bắc, ở hiện đại không phổ biến lắm, có tổ chức thì cũng chỉ coi là trò chơi, nhưng nhìn biểu cảm của người lớn ngồi xung quanh nàng, có vẻ họ rất để ý xem nàng sẽ lấy cái gì.

Vậy thì nàng lấy đồ hợp với ý họ là được chứ gì, Nguyễn Thị Huyên cười trộm trong lòng.

Sách là tượng trưng của kẻ sĩ, bút thì cũng có ý nghĩa văn hay chữ tốt, thời này con gái giỏi quá cũng khổ. Nhìn tiểu thiếp Nguyễn Thị Lộ của cha là biết, vì giỏi mà bị vua triệu vào cung đàm đạo thơ ca mấy lần, tình ngay lý gian, vô duyên vô cớ thanh danh bị ảnh hưởng. Nói chung là loại, không thể chọn bút sách được.

Khăn lụa thêu hạc vàng thì lóng lánh đấy nhưng cái này một là ý ham thích làm đẹp, mà cha thì ghét loại con gái chỉ son son phấn phấn không có nội hàm, hai là ý khéo tay thêu giỏi, ngược lại với bản tính hậu đậu lười biếng của nàng. Suy ra, loại.

Kiếm gỗ chắc ý chỉ học võ? Con gái học võ vẫn là không được ủng hộ lắm, loại.

Hạt giống chắc là làm nông dân, bảng tính thì là thương nhân, cái nào nàng cũng không hợp, loại.

Thảo dược gì gì đó quá khó ngửi, nàng theo bản năng của trẻ con tránh xa.

Nguyễn Thị Huyên nhìn một lượt, tính một chút, định chọn trâm vàng đính mã não đỏ, nhìn thế nào cũng là phú quý, mẹ nàng hẳn cũng muốn thế nên mới sắp xếp để trâm vàng lấp lành nổi bật giữa một đống đồ không phát sáng như vậy. Đang lúc vươn móng vuốt đến chỗ cây trâm, chợt nàng nhìn thấy một thứ không bắt mắt lắm bị lẫn giữa bàn tính và khăn lụa.

Đó là một miếng ngọc nhỏ cỡ bàn tay nàng, dưới ánh trăng lẳng lặng phát ra ánh sáng xanh lục mát rượi, cùng với đồ vật hỗn loạn xung quanh dường như không cùng một giới, khiến những đồ vật kia trở nên lu mờ, quá 'tục'.

Nàng đột ngột đổi hướng bò khiến mẹ nàng thoáng qua tia lo lắng, nhưng ngoài dự đoán của tất của tất cả mọi người, Nguyễn Thị Huyên quơ quơ hai tay mũm mĩm gạt sạch đồ đạc sạch hai bên, túm lấy mảnh ngọc. Không được, ngọc hơi to, nàng dứt khoát không chống tay nữa, vươn cả hai tay ra ôm lấy miếng ngọc. Vì động tác đó, đứa trẻ một tuổi đang trong tư thế nửa ngồi nửa bò liền mất thắng bằng ngã úp mặt xuống bàn. May mà bàn trải khăn nhung dày, không đau lắm. Trần Thị giật mình đứng dậy, đang định tiến lên đỡ nàng thì cha nàng giơ tay ngăn lại. Sau đó là cảnh Nguyễn Thị Huyên lật người ngồi dậy, hai tay nâng cao miếng ngọc về phía cha nàng, hứng khởi cười như khoe có đồ tốt.

Như Nguyễn Thị Huyên mong đợi, đầu tiên Nguyễn Trãi sửng sốt một chút, sau đó cười lớn. Tiếng cười sảng khoái rất vang, hiển nhiên Nguyễn Trãi rất vừa ý cộng thêm men say chưa tan, ông tiến lên bế nàng, tiếng nói còn lớn hơn lúc nãy:

- Vậy mà vẫn bị tìm thấy, đúng là con gái của ta! Ha ha ha ha

Trong đầu Nguyễn Thị Huyên chợt hiện ra một cái meme rất nổi ở thời hiện đại: người cha già mù một bên mắt trong vai phản diện cười lớn 'khá lắm! đúng là con trai của ta', nghĩ nghĩ như vậy đột nhiên khiến nàng có cảm giác hình như nàng cũng là con nhà phản diện...

Nguyễn Trãi vẫn đắm trong vui vẻ, không hề biết điệu cười của bản thân đã bị con gái so sánh với nhân vật phản diện xã hội đen chuyên buôn bán ma túy, miệng ông còn lẩm bẩm "đắt giá mà không dung tục, sang quý mà không xa vời, trong tối vẫn sáng, thanh khiết tới không thể vấy bẩn, được! Được..."

***

Tiệc thôi nôi Nguyễn Thị Huyên như một khúc đệm nhỏ trong cuộc sống nhạt nhẽo của đứa trẻ một tuổi, rất nhanh một ngày nàng lại trở về quỹ đạo bình thường, gò bó nhàm chán tới cùng cực. Hiển nhiên, nàng đã hoàn toàn ném vấn đề án oan của Nguyễn Trãi ra sau đầu. Có thể do hiện tại nàng quá nhỏ, không tập trung suy cái gì lâu được, cộng thêm sự bảo bọc của Nguyễn Trãi dành cho đứa con út, khiến nàng không cảm nhận được tí nguy cơ gì.

Những cuối cùng thì lịch sử vẫn tiếp diễn, chuyện gì nên tới thì cũng phải tới.

Hôm đó là một ngày trong xanh mát mẻ hiếm hoi giữa mùa hè oi bức, mùi vải chín thoang thoảng thơm ngọt. Nguyễn Thị Huyên nằm trong lòng nhũ mẫu thiêm thiếp ngủ, mẹ nàng ngồi gần đó thêu thùa, người hầu hai bên yên lặng phẩy chiếc quạt đuôi công, một khung cảnh yên bình. Đột nhiên người hầu kẻ hạ vội vã đi đi lại lại nhộn nhịp cả hậu viện, âm thanh ồn ã tới mức đánh thức cả đứa trẻ một tuổi Nguyễn Thị Huyên, nàng ngơ ngác chớp chớp mắt nhìn mẹ, Trần Thị vội vàng sai người ra ngoài nghe ngóng. Nữ hầu nhanh chóng trở lại, nói là hôm nay có khách quý tới thăm, lão gia sai người cấp bách dọn dẹp trang hoàng lại, kì lạ là từ lúc có tin khách quý tới thì bên viện tiểu thiếp Nguyễn Thị Lộ lập tức đóng cửa không ra, lại cáo là bệnh nặng tái phát.

Trần Thị nghe báo cáo, hơi biểu hiện ra thất thố nhưng cũng rất nhanh khôi phục lại. Xem ra vị kia thế mà lại thực sự đến đây. Chỉ là đến đây không biết rốt cuộc là vì thế sự hay là chuyện khác...

Nguyễn Thị Huyên linh tính mách bảo có biến, bản năng quơ quơ tay về phía mẹ đòi bế. Trần Thị tất nhiên không thể từ chối con gái nhỏ, lập tức tiếp nhận đứa nhỏ, lại thuận miệng cưng nựng dặn dò dù nàng mới chỉ hơn một tuổi:

- Huyên ngoan ngoãn, mấy ngày này không được khóc nhớ không, chọc tới vị kia thì cha mẹ cũng không cứu được con đâu!

Nguyễn Thị Huyên bên ngoài thì "a umm" ngoan ngoãn tiếp lời, trong lòng lại suy nghĩ xem rốt cuộc 'vị kia' là ai. Cha nàng là Nguyễn Trãi, dù đã về ở ẩn thì cũng là công thần khai quốc, hồi còn tại chức thì cũng quyền lực số một số hai trong đám quan lại, về ở ẩn thì vẫn còn sức ảnh hưởng, bao nhiêu môn đồ, đệ tử, lại không thiếu bạn bè tri giao, tâm giao còn hoạt động trong triều, nàng là con út một tuổi, dù có đắc tội ai thật thì người đó vuốt mặt cũng phải nể mũi, rốt cuộc là ai mà "cha mẹ nàng" cũng không cứu được? Cha nàng có ảnh hưởng như thế, người thực sự khiến gia đình nàng phải suy nghĩ chỉ có hoàng tộc...

Một suy nghĩ chợt lóe qua đầu Nguyễn Thị Huyên khiến cả người nàng cảm thấy lạnh toát.

"Năm (nào đó không nhớ rõ) , vua đi tuần. đón vua ngự ở, nơi ở của Nguyễn Trãi. Tại đó có , một người thiếp của được vua yêu quý vì có tài văn chương, từng vào hầu bên cạnh vua ở trong cung, còn được phong là Nữ học sĩ. Khi về đến Lệ Chi viên, vua bạo bệnh sốt rét, Nguyễn Thị Lộ vào hầu suốt đêm, sau đó nhà vua mất."

"Lệ Chi viên... vườn vải, bệnh sốt rét... mùa hè..."

Nguyễn Thị Huyên nhận ra một điều: không cần phải là một học sinh hiểu lịch sử, chẳng cần nhớ đó là năm bao nhiêu, vua đang ở Lệ Chi viên, giờ cũng đã là mùa hè, Nguyễn Thị Lộ cũng ở ngay đây, đầy đủ các yếu tố để nàng hiểu đại nạn án oan của nhà nàng sắp tới. Suy nghĩ ập tới càng ngày càng nhiều, đầu Nguyễn Thị Huyên quay cuồng phát đau. Một lần nữa, kí ức nàng thấy lúc chuyển kiếp lại hiện lên: lời buộc tội lạnh lẽo từ mệnh quan tuyên chỉ, tiếng la hét, tiếng khóc, những binh sĩ lạnh lùng giết chết người phản kháng chỉ bằng một nhát kiếm, ngôi nhà quen thuộc của nàng chìm trong biển lửa... Giữa những dòng kí ức hỗn loạn, một lần nữa Nguyễn Thị Huyên mất ý thức ngất đi.

Có lẽ ý nghĩa của việc Nguyễn Thị Huyên chuyển kiếp mà vẫn mang đầy đủ kí ức của kiếp trước không phải là vì ông trời muốn cứu giúp một họ ba đời nhà Nguyễn Trãi.

Nguyễn Thị Huyên rất nhanh đã tỉnh lại, khỏe mạnh, nhưng thần trí lại luôn mơ mơ màng màng không rõ. Đến khi nàng thực sự tỉnh táo thì từ trên xuống dưới nhà nàng đã ngập trong bầu không khí lo lắng. Đức vua đã bị bệnh, trước khi đóng cửa dưỡng bệnh đã tuyên Nguyễn Thị Lộ vào, nói là thị nữ bên cạnh ngu muội không hiểu biết, không thể đàm đạo cùng vua để giảm bớt lo lắng bệnh tật. Nguyễn Thị Huyên một bên nghe lỏm mẹ cùng nhũ mẫu thân cận nói chuyện, một bên đau đầu tính toán xem nàng phải vượt qua kiếp nạn này như thế nào, không thể còn chưa kịp lớn đã chết yểu được.

Lệ Chi Viên là một vụ án phức tạp, dù sau này Nguyễn Trãi có được giải oan thì âm mưu trong đó vẫn sâu không lường được, cho đến tận sau này vẫn có nhiều học giả đặt giả thuyết, tranh cãi nhau sứt đầu mẻ trán. Mà vua Lê Thái Tông, nhân vật chính yểu mệnh trong vụ án này lại là một con người tai tiếng. Nếu Nguyễn Thị Huyên nhớ không nhầm thì vị vua này nổi tiếng ham sắc lại còn cục súc, hậu cung thì nhiều cung tần mỹ mỹ nữ, tai tiếng đến nỗi thành nhân vật được khai thác nhiều nhất trên các kênh giải trí chủ đề thâm cung bí sử. Lần khác, khi Nguyễn Thị Huyên ngồi cạnh xem cha đánh cờ với 'ông bạn già', nàng còn hóng hớt thấy cha nói rằng ngay sau khi lên ngôi, vừa ổn định triều chính một cái là Lê Thái Tông cho giết luôn hai công thần họ Lê, dọn dẹp từ trên xuống dưới đám quan lại, gây lên bao nhiêu bất mãn trong giới quan lại quý tộc, tất nhiên câu chuyện chỉ dừng lại ở đó, dù sao thì bàn luận vua cũng là tội chết.

Thế mà vị vua này vẫn điềm nhiên đi vi hành, thậm chí còn không sử dụng hành cung, tin tức lại không hề kín kẽ chút nào, đến cha nàng – một người đã về hưu – còn biết được, thì mấy vị lão luyện trong triều kia làm sao mà không biết.

-...nhưng mà bẩm phu nhân, nô tỳ nghe được một chuyện lạ lắm. – giọng nói nhanh nhẹn của hầu nữ thân cận kéo Nguyên Huyên ra khỏi suy nghĩ, thu hút sự chú ý của nàng về lại cuộc buôn dưa của mẹ nàng.

- Chuyện gì? – mẹ nàng tiện tay vỗ về nàng hai cái, thuận miệng hỏi lại nữ hầu.

Người hầu nữ liếc liếc xung quanh, xác định cửa đã đóng kín, sau đó mới nhỏ giọng:

- Thưa phu nhân, nô tỳ vô tình nghe được các thầy thuốc bên nhà ngoài nói chuyện, họ nói là vị khách kia rất khỏe mạnh, hoàn toàn không có vấn đề gì...

Hầu nữ còn chưa dứt lời, Trần Thị đã lộ rõ sự ngưng trọng. Tai tiếng của Nguyễn Thị Lộ với nhà vua là bí mật công khai trong giới quan lại quý tộc, bây giờ Nguyễn Trãi đã về ở ẩn rồi mà vua lại đến tận đây chỉ để "đàm đạo". "Đàm đạo"! – Trần Thị Hà tức giận suy nghĩ, ai mà tin nổi chứ?! Thanh danh méo mó của Nguyễn Thị Lộ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình này, sau này lỡ hại con gái bà không lấy được chồng tốt thì phải làm sao?

Trong lúc mọi người không ai ý thức được nguy cơ sắp ập xuống đầu thì ở một thời khắc không ai chú ý đến, nữ hầu dâng trà trong viện khách đã lặng lẽ đổ một gói giấy trắng vào ấm ngọc, rồi quy củ vào phòng, không tiếng động hành lễ, đặt trà lên bàn, lại quy củ lui ra, đóng cửa rời đi.

Một nữ hầu lạ mặt, trên tay đeo dây vàng bện quấn lấy một mảnh bạch ngọc quý giá không phù hợp với thân phận, ở giữa đồ án phức tạp mơ hồ còn có khắc một chữ, đường nét phai nhạt do bị vuốt quá nhiều nhưng nhìn kĩ thì vẫn nhận ra.

"Đặng".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro