Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

#8

Sau khi bố mẹ Bảo đến đón cậu bé ở trạm y tế, cũng nghe chuyện chú của Bảo tới quậy phá KTX đã xin lỗi cả đoàn y tế. Nghe Tùng Minh kể lại, sau khi biết chú của Bảo uống say, họ đã nhắn tin báo là Bảo đã được đoàn y tế chăm sóc nên không cần lo lắng nữa. Ai ngờ đến ba giờ sáng chú Bảo tỉnh rượu dậy uống nước không thấy cháu mình đâu, mơ mơ màng màng chưa tỉnh rượu hẳn đọc tin nhắn chỉ biết là Bảo ở kí túc xá của trường học nên xách xe chạy lên đòi đón về. Thêm men rượu trong người nên anh ta mới quậy phá như vậy. 

Còn về tình trạng của Bảo cũng không có gì nghiêm trọng, sau khi về nhà được bố mẹ chăm sóc mấy ngày liền khỏe hẳn lên. Sau chuyện này, bên phía nhà trường cũng đệ đơn đề nghị lên ban quản lý phát triển đời sống ở xã cho xây lại bờ rào chắc chắn hơn trên triền dốc để việc đi học của các em được đảm bảo an toàn hơn. 

Thời gian cứ thế bay nhảy chảy trôi, chớp mắt cái tôi đã ở đây được một tháng. Tôi bắt đầu quen với việc chơi với bọn trẻ sau giờ học. Nếu hôm đó bọn nhỏ cao hứng rảnh rỗi ở lại đông, tôi sẽ bày trò chơi, vẽ vời, tô màu, gấp giấy với tụi nhỏ, còn nếu hôm đó chẳng đứa nào ở lại, tôi sẽ đi loanh quanh xuống thôn ghé nhà đứa này đứa kia phụ giúp việc này việc nọ. 

Sau một thời gian ngắn bọn nhỏ trong lớp đã quen thân với tôi hơn, thân mật gọi tôi chị An ơi chị An à, không còn ngó lơ tôi như lúc trước. Sau khi quen với nhịp sống ở đây, buổi sáng khi không có việc gì làm tôi đã dành thời gian hoàn thiện tiếp các mẫu thiết kế của mình để khi về thành phố là update ngay lên INSTAGRAM. Tháng 12 là tháng của lễ hội triền miên, cho nên rất nhiều nhãn hàng lớn nhỏ lẫn các cửa hàng quần áo, tiệm ăn sẽ đổi bao bì mới cho dịp Giáng Sinh, thế nên tôi phải nhanh chóng tung những thiết kế của mình lên để khách hàng tham khảo. Nhưng cũng có những hôm chồn chân, tôi chạy luôn xuống thôn đi qua đi lại, xem xem có giúp việc gì cho mọi người trong thôn không. Vài lần như vậy một số gia đình trong thôn, nhất là nhà của những bé lớp tôi, nhớ mặt tôi và cũng chào đón hỏi han mỗi khi thấy tôi quanh quẩn. 

Mối quan hệ của tôi và các đồng nghiệp ở phòng ban khác cũng tốt hơn rất nhiều. Hơn nữa vì sinh hoạt chung một khu kí túc xá nên tôi cũng quen được thêm nhiều người trong đoàn y tế, họ biết tôi là bạn của Quang Anh thì càng quý hơn. Sự sùng bái của tôi đối với bác sĩ Trường chỉ có tăng chứ không giảm, ngày ngày đều nhìn thấy có người dưới thôn mang bánh trái lên biếu đoàn bác sĩ y tá, đặc biệt cảm ơn bác sĩ Trường rất nhiều. Bây giờ mỗi lần nhìn thấy anh đi thăm người bệnh ở trong thôn một mình, tôi đều chạy theo muốn giúp đỡ một tay. Có lúc tôi cùng anh đi thăm khám một hơi ba bốn nhà, có cả nhà của những thôn xung quanh chứ không riêng gì thôn Tà Nùng. Vì thế mối quan hệ cũng xem như là không tệ. 

Buổi tối nghe tôi huyên thuyên kể chuyện ở đây, Trúc Anh phì cười:

_ Mày có vẻ hợp ở trên núi quá nhỉ? Hứng ha hứng hởi vui vẻ quá trời! Thôi ở trên núi luôn đi. 

_ Tao thấy vui, nhưng cũng nhớ nhà chứ mày. Công nhận là lúc đầu đi chẳng phải có ý định cống hiến tốt đẹp gì, nhưng càng ở lâu, càng ra sức giúp đỡ những người ở đây, tao càng thấy chuyến đi này quý giá tuyệt vời quá. Giờ tao mới hiểu sao ai mà đi từ thiện rồi là cứ đi hoài đi hoài. Cảm thấy như mình đã làm được gì đó lớn lao lắm ấy dù thật ra cũng chẳng giúp được người ta nhiều. 

_ Trời ơi, nhìn mày kìa, mắt mày phát sáng lên. Đi một chuyến về mà đạo đức hẳn ra luôn ha. 

Trúc Anh cứ chọc ghẹo tôi, nhưng tôi mặc kệ. Tôi thật lòng biết ơn ngày đó mình đã chọn nhảy vào chuyến đi này mặc dù các anh chị chung phòng ngăn cản nhiệt tình. Ở đây mặc dù điều kiện kém, tín hiệu thì chập chờn lúc có lúc không, ban đêm thì lạnh lẽo ban ngày nắng gắt, nhưng mỗi lần  tôi giúp đỡ được gì đó cho người dân và nghe họ chất phác cảm ơn mình, tôi liền cảm thấy những thiếu thốn vật chất thật ra cũng chẳng phải là vấn đề lớn lao gì. 

Mặc dù chẳng dạy được đứa trẻ nào vẽ tranh, pha màu, chia bố cục, phân biệt mảng sáng mảng tối gì sất nhưng tôi được chơi với chúng, được thấy chúng cười đùa và lạc quan dù cuộc sống còn nhiều vất vả và thiệt thòi. Lúc đi ngang qua nhà của một nhóc học sinh và thấy thằng nhỏ đang cho heo ăn, tôi đứng trân trân nhìn và thấy thương cho những đứa trẻ ở đây quá chừng. Mỗi lần đi học phải đi đường dốc đường núi xa xôi khó khăn, về tới nhà phải làm biết bao công việc phụ giúp bố mẹ, chứ không được thảnh thơi chơi video game, chơi thể thao, đàn hát như học sinh ở thành phố. Tôi đứng tần ngần nhìn thằng nhỏ mà nó trông thấy tôi lúc nào tôi không hay, nó cười toe toét, vẫy tay với tôi:

_ Chị An, đứng đó chi vậy, vô nhà vô nhà nè em hái ổi cho ăn nè! 

Nhìn nụ cười rạng rỡ của thằng nhỏ mà tôi thấy mũi mình cay cay.

Đầu tháng 12, trời bắt đầu lạnh hơn, và kể cả là buổi sáng nắng rực rỡ thì gió vẫn thổi thốc thổi tháo, đi ra ngoài phải mặc hai lớp áo rồi trùm khăn kín cả cổ. Buổi sáng nhân viên đoàn bác sĩ đều đi làm hết, trong KTX chỉ còn nhân viên công ty tôi, nhưng vì trời lạnh nên mọi người cũng chẳng muốn đi đâu. Tôi ngồi trong bàn đá dưới sảnh KTX hí hoáy vẽ tranh. Chiều nay tôi đã hứa sẽ mang tranh vẽ cảnh biển và tàu đánh cá đến cho bọn nhỏ tô màu nên bây giờ đang ngồi cặm cụi vẽ cho xong đủ ba mươi bức tranh. Mấy anh chị đồng nghiệp xuống sảnh mua đồ tạp hóa thấy tôi cặm cụi vẽ cũng lại coi rồi khen tôi tới  tấp vì có tâm quá. Tôi phì cười:

_ Tâm gì đâu chị ơi, em rảnh quá mà không làm gì chắc tay nó nhũn ra hết.

Mặc dù nói vậy nhưng vẽ tới bức thứ hai mươi lăm tay tôi cũng cứng đờ vì mỏi nhừ. Đã hơn mười hai giờ trưa lúc nào không hay. Giờ này mọi người sẽ xuống ăn cơm, những người ở trạm y tế có người cũng về ăn cơm vì cơm ở KTX nấu vừa ngon mà giá lại rất rẻ. Tôi thấy đông đúc nên đã vội vã gom hết giấy bút lại, nhưng làm vội nên giấy vẽ bay tùm lum. Tôi lúi húi nhặt lại, lúc ngước lên đã thấy một xấp giấy đưa tới trước mặt mình:

_ Dạ em cảm ơn.

Lúc ngước mặt lên, nhìn thấy là bác sĩ Trường nên tôi nhanh nhảu nhe rằng cười hồ hởi:

_ Chào bác sĩ Trường. Anh về ăn cơm ạ? - Mặc dù một tháng qua đã tiếp xúc với bác sĩ Trường nhiều hơn, tôi vẫn kính trọng anh nên khi nói chuyện với anh đều giống như học sinh nói với thầy giáo, một mực tôn trọng lễ phép. Tôi còn nhận tranh anh nhặt giùm bằng hai tay.

_ Ừ. - Anh gật đầu, nhìn bảng thực đơn hôm nay treo trên tường. - Cô cứ từ từ dọn. Tôi lấy luôn cho. Sườn chua ngọt đúng không?

_ Dạ đúng. Cảm ơn bác sĩ. 

Do mấy lần tôi chạy theo muốn giúp đỡ bác sĩ ở thôn cho nên chúng tôi ăn cơm với nhau cũng khá nhiều lần, bác sĩ Trường lại thuộc dạng trí nhớ đỉnh cao cho nên gần như đều nhớ được hết thói quen ăn uống của tôi. Hôm nay hai món chính là cá sốt cà và sườn chua ngọt, tôi lại thuộc trường phái không có thịt ăn cơm không ngon nên chắc chắn phải là món sườn chua ngọt. Tôi cũng không xa lạ gì với sự chu đáo của bác sĩ Trường. Sau khi tiếp xúc một thời gian tôi mới nhận ra, mặc dù thái độ của bác sĩ Trường luôn lạnh nhạt hờ hững, nhưng hành động của anh lại khác hoàn toàn. Đối với tất cả mọi người xung quanh anh đều chu đáo săn sóc, từ bệnh nhân, đồng nghiệp đến cả những người lạ, mặc dù sự chu đáo của anh được thể hiện một cách khá hững hờ. 

Cũng vì lí do đó mà dù bác sĩ Trường mang một cái mặt lạnh ngắt vô cảm đi tới đi lui nhưng vẫn được tất cả mọi người quý mến kính trọng. Mỗi khi trò chuyện phiếm với nhân viên đội y tế mà nhắc tới bác sĩ Trường, ai cũng giơ ngón cái tán thưởng lẫn trình độ chuyên môn và tính cách của anh. Không xu nịnh vồ vập, không kiêu ngạo hống hách, không cay nghiệt tính toán, bác sĩ Trường vừa phóng khoáng vừa tốt bụng đúng là xứng đáng để trở thành ngôi sao sáng bừng bừng trong khoa ngoại thần kinh, và cả trong lòng của tất cả mọi người.

Trong lúc tôi còn nhiệt liệt tán thưởng bác sĩ trong lòng thì anh đã quay lại, cầm hai khay cơm, đặt xuống trước mặt tôi một khay cơm với món chính là sườn chua ngọt. Tôi tỏ ý muốn trả tiền cơm lại cho bác sĩ Trường, nhưng anh lạnh nhạt từ chối:

_ Lần sau cô mời. 

_ Được ạ, vậy bữa sau em mời! Bác sĩ ăn ngon miệng.

Bác sĩ Trường có một thói quen khá xấu là vừa ăn cơm vừa đọc tài liệu trên điện thoại. Tôi đã để ý trừ phi ăn cơm ở nhà bệnh nhân vì tỏ sự tôn trọng nên anh ấy không làm vậy, còn lại nếu ăn cơm ở nhà ăn hay ở quán cơm, ngồi cùng với đồng nghiệp hay ngồi một mình, anh đều lấy điện thoại ra đọc tài liệu. Có mấy lần tôi tò mò trồi mắt sang nhìn thì thấy toàn tiếng Anh, và hình như toàn là những nghiên cứu chuyên ngành về thuốc men bệnh tật các thứ. Mặc dù biết bác sĩ phải không ngừng học hỏi và nâng cao tri thức hằng ngày, nhưng không lẽ đến giờ ăn cơm cũng không tập trung ăn được một bữa. Tôi nhìn ngó những bác sĩ xung quanh, họ đều là vừa ăn vừa trò chuyện với đồng nghiệp, có ai như bác sĩ Trường đâu.

Mặc dù bất mãn với thói quen này nhưng tôi cũng không dám ý kiến. Cũng như mọi lần, tôi im lặng vừa ăn vừa bất mãn nhìn bác sĩ Trường, bình thường thì tình trạng này sẽ kéo dài cho hết bữa cơm. Nhưng hôm nay đột nhiên bác sĩ Trường rời mắt khỏi màn hình điện thoại, nhìn tôi, vô tình thấy luôn sự bất mãn của tôi:

_ Cô nhăn nhó gì thế?

_ À, dạ không có gì. - Tôi vùi đầu ăn cơm.

_ Tôi chợt nhớ ra còn một đơn thuốc tôi chưa đưa cho mẹ Lan, hôm nay chắc cũng không có thời gian xuống thôn. Buổi chiều cô đi dạy thì đưa cho Lan hộ tôi nhé.

Tôi chợt nhớ ra ngày mai đoàn y tế sẽ về thành phố, xuất phát lúc 4 giờ sáng. Nghĩ đến việc hai tuần tiếp theo kí túc xá trống trơn, chỉ còn lèo tèo vài người trong công ty mình, tôi buồn chán gật gật đầu, dạ một tiếng nhỏ như mèo kêu.

_ Ăn xong lên phòng tôi đưa cô.

Lần này tôi chẳng buồn dạ, chỉ ăn cơm rồi ngúc nguẩy đầu. 

***

Hai tuần ở lại thôn Tà Nùng trôi qua nhanh chóng. Tuần cuối cùng theo đúng kế hoạch là chuẩn bị cho buổi lễ trao học bổng cho 20 em học sinh, học bổng này được kêu gọi tài trợ từ công ty tôi và thêm 2 công ty khác cùng 1 nhà xuất bản sách ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không nằm trong đội tổ chức sự kiện này nên tuần cuối cùng xem như đã hết nhiệm vụ. Những anh chị ở phòng ban khác cũng rảnh rang giống tôi, cho nên họ bàn nhau dùng xe 16 chỗ của công ty chạy vào Buôn Mê Thuột thăm thú. Đã ở đây được hơn một tháng mà còn chưa biết mặt mũi thành phố nổi tiếng nhất Tây Nguyên trông như thế nào, tôi cũng hứng khởi đòi tham gia. Vì vậy nên mấy buổi sáng liền bọn tôi đều dậy lúc 6h rồi chạy về Buôn Mê Thuột ăn sáng, nhâm nhi cà phê, lê lết một vài tụ điểm tham quan nổi tiếng, ăn thêm những món đặc trưng của địa phương.

Thật lòng mà nói, Buôn Mê Thuột hoàn toàn giống một Đà Lạt thứ hai, với không khí trong lành và tươi mát hơn gấp bội bởi chưa có sự can thiệp sâu của ngành du lịch. Thành phố không quá xinh đẹp và mĩ miều như thành phố hoa Đà Lạt, nhưng đường xá rộng thênh thang và thoáng đãng, từng ngọn cây ngọn cỏ đều mang hơi thở thiên nhiên trong trẻo. Bởi vì thuộc Tây Nguyên đất đỏ nên trên đường có thể thấy sự bám màu của bụi đất, một màu đỏ gạch đặc trưng, vô tình bám chặt lên gót giày của những kẻ du hành từ nơi khác đến.

Một buổi sáng ngày thứ tư nắng trong và gió dịu, tôi quấn chặt cái khăn quàng cổ duy nhất của mình, hai tay nắm lại trong túi áo khoác, cái lạnh những ngày đông ở Tây Nguyên khiến tôi thở ra khói. Hôm nay lại theo chân một anh đồng nghiệp xuống Buôn Mê Thuột, nhưng may cái là anh mượn xe máy của chú quản lý kí túc để đi nên tôi không bị cơn say xe hành hạ như mấy lần trước, sảng khoái đón nhận hơi thở của mùa đông trên thành phố cà phê này.

Anh đồng nghiệp không phải người bản địa nhưng anh đã từng du lịch Tây Nguyên 5,6 lần, thành phố Buôn Mê nhỏ bé này vốn không còn xa lạ gì với anh. Tối qua một vài người bạn nhắn tin nhờ anh mua cà phê về, cho nên anh nói sáng nay muốn đi thành phố để ghé tiệm cà phê quen mà lần nào tới anh cũng mua mang về tặng bạn bè. Những người khác sau mấy lần đi đã chẳng còn hứng thú gì, mà sáng nay trời lại lạnh hơn bình thường khá nhiều nên chẳng ai muốn đi. Còn tôi khi thấy anh xách xe máy đi thì đòi đi ngay. Có trời mới biết tôi đã luôn muốn ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài rõ ràng rành mạch một lần thế nào, bởi vì chỉ cần lên xe hơi là tôi lại phải nhắm mắt nhắm mũi vì chứng say xe nặng của mình.

Trong lúc anh đồng nghiệp đang trò chuyện với anh bạn chủ quán cà phê quen, tôi bảo muốn ra ngoài hóng gió ngắm đường ngắm đất một tí, cho nên bây giờ đang một mình đi loanh quanh. Chợt tôi thấy một người nhìn cực kì quen mắt đang mua cà phê ngay trước mặt, tôi chạy lại, xác nhận ngay không ai khác chính là bác sĩ Trường.

Tôi đang định gọi thì anh đã nhìn qua vì nghe được tiếng chạy cùng tiếng thở hồng hộc của tôi.

Chúng tôi chạm mắt nhau trong vài giây. Thật hiếm hoi khi nhìn thấy anh mặc đồ bình thường, chứ không phải áo blouse cùng quần áo y tế. Anh mặc một chiếc áo thun trắng tay dài, đi cùng quần nỉ dày màu xám xanh trông rất ấm áp, đôi giày Nike màu trắng trơn đã dính lấm chấm màu đất đỏ. Tay trái anh cầm một chiếc áo khoác dáng dài màu xám đậm, tay phải cầm ly cà phê tỏa khói nhẹ nhàng, đôi mắt nâu đẹp đẽ lúc này nhìn thẳng về phía tôi, lấp lánh những vạt nắng nhạt trải lên mái tóc ngắn gọn gàng của anh.

Đẹp trai đến ngây người.

_ Bác sĩ Trường, anh chưa về thành phố ạ? Anh làm gì ở đây thế? - Tôi chạy bước nhỏ đến gần anh. Chúng tôi đang đứng trên một đoạn đường dốc, cho nên anh vốn dĩ đã cao lúc này còn cao hơn, tôi phải ngước đau cả cổ để có thể tiếp tục duy trì tầm mắt với anh. Bác sĩ Trường đáp:

_ Đồng nghiệp của tôi ở đây, anh ấy cần tôi giúp đỡ một vài chuyện. - Bác sĩ Trường chỉ về phía trước, tôi nhìn theo, thì ra là bệnh viện đa khoa Buôn Mê Thuột.

_ Vậy mấy hôm nay anh ở đâu?

_ Khách sạn. Cô uống cà phê không?

_ Dạ thôi ạ. Em vừa uống với đồng nghiệp rồi. Bọn em đi mua cà phê ở quán quen của anh ấy. Bây giờ bác sĩ tới bệnh viện hay sao ạ?

_ Tôi vừa xong việc, bây giờ về khách sạn.

Chúng tôi vừa nói chuyện vừa đi trên đường, tôi cười tít mắt, không hiểu sao gặp bác sĩ Trường lại thấy vui vẻ hân hoan như vậy. Cảm giác lúc này thoải mái biết bao, giống như sau mỗi lần cùng anh đến nhà thăm khám bệnh nhân, đi về trên đường núi tối tăm tĩnh lặng, một mình tôi huyên thuyên nói cái này nói cái kia, còn anh an an tĩnh tĩnh lắng nghe mọi thứ. Lúc này cũng giống vậy, tôi chủ động kể một vài chuyện ở trường, chuyện của mấy đứa nhỏ và các bệnh nhân chúng tôi thường thăm khám.

Bác sĩ Trường đi cùng tôi đến quán cà phê chỗ đồng nghiệp tôi, hai người cũng có biết nhau, nói chuyện đôi câu. Anh đồng nghiệp hỏi:

_ Bác sĩ Trường ở khách sạn nào? Xa không? Hay để tôi chở anh về trước rồi quay lại đón bé An sau.

_ Không cần đâu, tôi muốn đi bộ một chút, sẵn hít thở không khí buổi sáng.

_ Anh từ bệnh viện về à? Vậy tối qua anh làm việc cả đêm hả?

_ Ừ, nên bây giờ thấy người uể oải, đi bộ một chút cũng tốt.

Tôi nhìn quầng thâm dưới mắt bác sĩ Trường, nói:

_ Bác sĩ lại thức cả đêm nữa hả? Vậy phải về nhanh rồi ngủ chứ ạ.

Bác sĩ Trường nhấp một ngụm cà phê, thư thả nói:

_ Bây giờ về cũng không ngủ ngay được. Đi bộ một chút cho người đỡ mệt. Thôi hai người có việc thì về trước đi, tôi đi nhé.

Bác sĩ Trường quả thật chậm rãi đi về phía trước.

Anh đồng nghiệp tấm tắc khen:

_ Này, em nhìn đi, đúng là thần thái khác hẳn, thức một đêm mà nhìn vẫn khí khái ngời ngợi, chẳng bù cho dân thiết kế chúng ta một đêm dằn vặt xong là sáng hôm sau người ngợm như quỷ.

Tôi nhìn theo bác sĩ Trường đang càng lúc càng xa, hỏi anh đồng nghiệp:

_ Anh còn đi đâu không ạ hay giờ về trường?

_ Em muốn về chưa? Bạn anh đang rủ chúng ta đi chợ, nó chỉ một vài chỗ bán đặc sản mang về nè.

_ Vậy anh cứ đi chơi với bạn đi, em muốn hỏi bác sĩ Trường một vài việc. Hôm nay cũng không có việc gì, anh cứ đi thoải mái, khi nào về mình gặp nhau ở đây nha.

Các đồng nghiệp đều biết tôi khá thân thiết với đoàn y tế, cho nên cũng không có gì lạ, anh còn vui vẻ nói:

_ Ờ vậy cũng được. Vậy em đi đi rồi lát ở đâu thì gọi anh chạy tới xong mình về trường luôn.

_ Dạ vậy em đi nha.

Tôi dường như chỉ đợi có vậy, nhanh chóng chạy theo bác sĩ Trường. Bác sĩ Trường đi rất chậm, như đang tận hưởng từng chút một không khí tuyệt vời ở đây, cho nên tôi chạy một lúc đã bắt kịp anh. Tôi thở hồng hộc đi bộ bên cạnh anh:

_ Bác sĩ Trường, em đi bộ với anh nhé.

Anh không có vẻ gì là ngạc nhiên, vẫn tiếp tục đi chậm rãi, hỏi tôi:

_ Nếu tôi bảo không thì sao?

_ Ầy, đi bộ ngắm cảnh một mình nhàm chán lắm ạ. Những lúc như này phải có một người đi cùng trò chuyện. Anh không biết muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi chậm thì đi với bạn ạ?

_ Chúng ta thành bạn rồi đó hả?

_ Em mong là vậy! Một tháng qua em nhiệt tình giúp đỡ như vậy, chẳng lẽ không thể làm bạn với bác sĩ được?

_ Mọi người đều nghĩ cô muốn bái sư học nghệ đấy, cái này mà giống kết bạn à. Bình thường cô kết bạn đều dùng thái độ mười phần tôn kính như thế hả?

_ Haha, đó là tại vì hình tượng bác sĩ trong lòng em quả thật là mười phần tôn kính còn không đủ đó ạ. Em thật sự rất ngưỡng mộ bác sĩ, tài đức vẹn toàn, mười phân vẹn mười!

Bác sĩ Trường không nói gì, nhưng tôi thấy anh cười dịu dàng, tôi càng thích thú cười:

_ Thật ra bác sĩ cũng xem em là bạn mà! Nhớ lúc trước lần đầu khen bác sĩ, bác sĩ còn ngại ngùng đỏ mặt cơ. Bây giờ nhìn xem, quá quen được khen, còn đặc biệt hưởng thụ lời khen của em nữa nha.

_ Ngày nào cô cũng như cún con bên cạnh vẫy đuôi liên hồi, tôi còn ngại được sao.

_ Vậy chúng ta là bạn, phải không?

Bác sĩ Trường không trả lời, nhưng đương nhiên, có những lúc bạn không cần trả lời, câu trả lời đã hiện rõ trên nét mặt của bạn. Tôi cười xán lạn, được nước lấn tới:

_ Không phải bác sĩ nên đổi cách xưng hô với em đi ạ? Tôi cô cô tôi nghe ngượng ngập kinh khủng luôn.

_ Bình thường tôi đều xưng hô với bệnh nhân như thế.

Tôi biết thói quen này của bác sĩ Trường. Ngoại trừ các bệnh nhân nhí anh sẽ xưng hô là bác sĩ với con, thì tất cả mọi lứa tuổi khác anh đều xưng tôi và gọi bệnh nhân bằng tên. Vì tôi từng là bệnh nhân của bác sĩ Trường nên đến giờ anh vẫn một mực gọi như vậy, có mấy lần anh gọi " cô Phạm Kiều An" làm tôi giật bắn cả mình.

_ Nhưng bây giờ em không phải là bệnh nhân của bác sĩ mà. Thôi bác sĩ gọi sao thoải mái thì gọi, nhưng đừng có gọi họ tên em ra như hồi ở bệnh viện kêu em đi xét nghiệm nữa! Nghe giật cả mình.

_ Vậy thì gọi Kiều An. 















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro