#12
_ Kiều An, là cô phải không? – Một giọng nam cắt ngang suy nghĩ của tôi, tôi quay sang, nhận ra là Tùng Minh, cậu hộ lý tôi quen ở Tà Nùng.
_ Tùng Minh, lâu rồi không gặp!
_ Ừa, cô bị bệnh hả?
_ À, không có...- Tôi hơi chần chờ. – Tôi đến tìm bác sĩ Trường có chút việc.
_ Vậy vô đi, đến khu A bấm thang máy lên tầng 4, bảo người ta chỉ cho phòng làm việc của bác sĩ Trường.
_ Thôi, tôi cũng đang định về nè, nghe Quang Anh nói bác sĩ Trường sáng nay nghỉ.
_ Đâu có! Nghỉ đâu mà nghỉ. – Tùng Minh huơ tay. – Tối qua bác sĩ Quang Anh về nhà nên không biết á. Tình hình bệnh nhân nội trú của bác sĩ Trường không ổn, trực xong anh ấy ngủ lại bệnh viện luôn. Sáng nay sáu giờ anh ấy đi kiểm tra thấy ổn rồi, định đi về, ai ngờ vừa ra tới cổng thì bệnh nhân chuyển biến xấu, đến bảy giờ thì phải vào phẫu thuật luôn rồi.
_ Hả? Phải không vậy? Sao cậu biết?
_ Thì sáng nay lúc anh ấy định đi về, là tôi gọi anh ấy quay lại chứ ai.
_ Vậy hiện tại bác sĩ Trường sao rồi? Bệnh nhân đó thế nào?
Tùng Minh bảo tôi đi theo cậu ấy, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, sắc mặt cậu ấy có vẻ không tốt.
_ Đang phẫu thuật, nhưng có vẻ không khả quan lắm. Trước đó bác sĩ Trường với trưởng khoa còn cãi nhau một chập. Nghe trưởng khoa nói phẫu thuật cơ hội thành công không cao, hơn nữa ca phẫu thuật này rất phức tạp, phải kéo dài mấy tiếng, không khác gì hành hạ bệnh nhân. Trưởng khoa muốn bác sĩ Trường thuyết phục người nhà bệnh nhân bỏ cuộc, không nên khiến bệnh nhân chịu đau đớn hơn nữa, nhưng bác sĩ Trường lại phản đối.
Chúng tôi đi tới thang máy, tôi chăm chú lắng nghe, tim đập thình thịch, trong đầu đã hiện ra ánh mắt kiên định của bác sĩ Trường.
_ Nếu có cơ hội, tất nhiên phải thử một lần rồi. Tại sao trưởng khoa lại nói vậy? – Tôi hỏi.
_ Gia đình bệnh nhân rất nghèo, anh ta còn có hai đứa con gái đang đi học, người vợ bình thường chỉ ở nhà nội trợ, từ khi ngã bệnh tiền viện phí dường như là một gánh nặng lớn với gia đình họ. Ca phẫu thuật này chi phí rất cao, mà tỉ lệ thành công chỉ có 20%, khả năng hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật...
Ting một tiếng, thang máy mở ra, bên trong không có ai, tôi và Tùng Minh cùng nhau bước vào, ấn tầng số 4, sau đó cậu ấy tiếc nuối nói tiếp:
_ Là không có khả năng.
_ Không thể hồi phục? – Tôi tròn mắt. – Nghĩa là sao?
_ Nói nôm na là cho dù phẫu thuật thành công thì cũng chỉ giữ anh ta còn sống, đời sống thực vật.
Tôi trầm mặc, trong lòng như bị đè nặng bởi một cục đá khổng lồ.
Gánh nặng kinh tế lẫn gánh nặng tinh thần lớn như thế, một người phụ nữ và hai bé gái làm sao có thể chịu nổi? Nhưng nếu so sánh với nỗi đau mất chồng, nỗi đau mất cha thì sao? Tôi biết với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn một chút, họ hoàn toàn có thể cắn răng chi một số tiền lớn, sau đó dù cuộc sống có khó khăn, họ vẫn có thể chăm chỉ làm lụng để trang trải. Nhưng còn với những gia đình ba bữa đủ ăn, loay hoay chật vật kiếm sống qua ngày, còn có những khoản nợ ứ đọng, việc trụ cột gia đình sụp đổ hoàn toàn có thể đẩy cả gia đình đến hố sâu tuyệt vọng.
_ Gia đình bệnh nhân chọn thế nào? Bác sĩ Trường có nói với họ về khả năng thất bại không?
_ Có, và họ chọn phẫu thuật. Có thể họ đã vay được tiền.
Lòng tôi nóng như lửa đốt. Nếu phẫu thuật thành công, người vợ vẫn có thể chăm sóc cho chồng mình, hai đứa bé vẫn còn cha, nhưng đổi lại cả gia đình phải đối mặt với cảnh thiếu thốn chật vật. Nhưng nếu phẫu thuật thất bại, họ phải chấp nhận với lựa chọn của mình, đối mặt với cảnh túng quẫn, và không có người chồng người cha bên cạnh.
_ Phẫu thuật hình như vẫn chưa xong, cô vào phòng đợi không? – Tùng Minh nhìn đồng hồ. – Đã hơn 2 tiếng rồi, chắc cũng sắp kết thúc rồi. - Tôi nhìn vào phòng làm việc không thấy ai, đành lắc đầu.
_ Phòng phẫu thuật ở đâu? Tôi tự đi đến đó, cậu có bận gì thì cứ làm đi.
Tôi theo lời Tùng Minh lần mò đến khu phẫu thuật, buổi sáng bệnh viện rất đông, người qua kẻ lại như con thoi. Khác với các khu thăm-khám nội khoa, không khí ở khu vực phẫu thuật có vẻ trầm lặng hơn hẳn, sàn nhà lạnh ngắt, chỉ có tiếng người chạy qua chạy lại, tiếng y tá bác sĩ nói chuyện với nhau. Cửa vào khu phẫu thuật đóng im lìm, sáng choang, lạnh lẽo. Ở khu vực bệnh nhân có nhiều người ngồi, nhưng tôi nhanh chóng biết được gia đình bệnh nhân tôi đang tìm kiếm. Một người phụ nữ tầm bốn mươi tuổi dáng người hơi tròn, lúc này đang ôm mặt khóc đến tê tâm liệt phế, hai bên là hai bé gái một lớn một nhỏ cũng ôm lấy mẹ khóc. Những người xung quanh cố tránh nhìn họ, nhưng cũng có người tò mò ngoảnh đầu sang nhìn, không ai nói gì.
Tiếng khóc xé ruột xé gan.
Tôi chạy đến bàn hướng dẫn ở cách đó không xa, hỏi cô gái bên trong quầy:
_ Xin lỗi, tôi có hẹn với bác sĩ Trường nhưng nghe nói anh ấy có ca phẫu thuật. Bao giờ bác sĩ Trường phẫu thuật xong vậy ạ?
_ Bác sĩ Quang Trường khoa ngoại thần kinh à?
Tôi gật đầu.
_ Phẫu thuật vừa kết thúc rồi, cô có thể đến phòng làm việc của bác sĩ ở khu...
_ Cảm ơn.
Tôi chạy ngược về hướng phòng làm việc của bác sĩ Trường. Nhưng lúc băng qua hành lang, tôi chợt nghĩ, nếu bác sĩ Trường quay lại phòng làm việc, trên đường tới đây tôi phải gặp anh mới phải. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ hành lang, nhớ tới lần gặp anh ở nhà kho hút thuốc, tôi liền chạy về phía nhà kho ở ngoài sân bệnh viện.
Trong lòng tôi rối loạn, hốc mắt tôi khô rát. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, tôi nhớ đến ngày trước khi Quang Anh lần đầu tiên chứng kiến bệnh nhân chết trên bàn mổ. Tôi và Trúc Anh đều không dám nói gì tới chuyện đó, tinh thần Quang Anh sa sút thấy rõ. Ba đứa đi ăn tối, bỗng dưng Quang Anh ôm đầu khóc lớn. Thằng nhóc lớn tướng thường hay gây gổ với tôi đó, đột nhiên lại khóc, sau đó nói:
_ Biết là sống chết có số, cũng chuẩn bị trước phải nhìn thấy rồi, nhưng vẫn không chịu nổi. Thật sự...rất đau lòng...Tại sao nhỉ? Em thấy hận mình lắm, hận mình kém cỏi, hận mình không thể cứu sống người đó. Hận mình làm bác sĩ mà lại đứng nhìn bệnh nhân chết. Người đó... người đó trước khi chết còn mỉm cười nhìn em nói "Bác sĩ, cảm ơn cậu, cảm ơn cậu"... vậy mà đã đi rồi...
Tôi chạy thật nhanh trên hành lang. Bác sĩ Trường không phải là bác sĩ thực tập, đây không phải là lần đầu tiên anh ấy phải để bệnh nhân rời đi. Nhưng mà tôi tin, cảm giác đau khổ đó, cảm giác bất lực đến mức gục ngã đó, cho dù là lần đầu tiên hay lần thứ một trăm, một ngàn, thì chỉ có thể tăng chứ không thể giảm bớt. Chỉ là nếu họ đã phải đối mặt nhiều lần, họ sẽ tìm cách để che giấu nỗi dằn vặt của mình, không để người khác nhìn thấy mà thôi.
Tôi thở hồng hồng đứng trước mặt bác sĩ Trường, anh đang dựa lưng vào tường hút thuốc. Lần này anh không vì sợ tôi hút thuốc lá thụ động mà dập điếu thuốc đi nữa. Ánh mắt anh mờ mịt vô định, tầm nhìn không hề đổi dời, chăm chăm nhìn về phía trước. Mặc dù đã chạy đến đây bằng tất cả sức lực, nhưng lúc này tôi lại không biết phải nói gì. Tôi lặng lẽ đứng bên cạnh bác sĩ Trường, cũng học theo anh nhìn về phía trước. Mùi thuốc lá khiến mũi tôi khó chịu, nhưng tôi cố nhịn không để anh phát giác, lại chịu đựng cảm giác nóng ran trong lòng, đứng im lặng.
Nắng vàng ươm phủ lên một góc sân cỏ, tôi thẫn thờ như nghe được tiếng khóc của gia đình kia, và nhiều gia đình khác, không may khi phải chịu cảnh chia ly. Bệnh viện vốn dĩ là một nơi như thế, ở bên kia hành lang có thể là những giọt nước mắt hạnh phúc đón chào một sinh linh mới chào đời, nhưng ở một dãy hành lang khác lại có những người phải nói lời tạm biệt với người họ yêu thương. Bác sĩ cũng là những người phải chịu đựng tất cả những cảm xúc mãnh liệt nhất của người khác, là sự hạnh phúc vỡ òa khi ca phẫu thuật thành công, nhưng cũng là sự tuyệt vọng nẫu nề khi thất bại. Một ngày của họ có thể đầy ắp những niềm vui, nhưng rồi cũng có thể phải gánh vác biết bao nỗi niềm thương tiếc.
Bác sĩ Trường đứng ở góc khuất, được nhà kho che mất, cho nên bệnh nhân đi ngang chỉ thấy mình tôi đứng ngẩn ngơ. Có vài cô y tá đi ngang cũng nhìn tôi, tôi mỉm cười. Có lẽ họ có thấy khói thuốc lá tỏa ra xung quanh người tôi rồi tưởng là tôi đang đứng hút thuốc nên không ai lại gần.
Chúng tôi cứ đứng như vậy một lúc không biết là bao lâu, có lẽ là mười lăm phút trôi qua, bác sĩ Trường đột ngột lên tiếng:
_ Cô cầm cái gì vậy?
Tôi đang ngổn ngang suy nghĩ, lục tìm lời thoại để có thể lên tiếng an ủi bác sĩ Trường cho nên bị giật mình khi anh lên tiếng. Giọng bác sĩ Trường khản đặc.
_ Bánh cuốn. – Tôi lí nhí đáp.
_ A... - Bác sĩ Trường vừa gói điếu thuốc đã hết vào khăn giấy vừa nói. – Sáng nay tôi bận quá, không nhắn tin báo cô được. Cô đi ăn một mình hả?
_ Dạ, em đi ăn xong mua về cho bác sĩ nè. Giờ chắc bánh tôm nó cũng bị yểu rồi, nhưng ăn vẫn ngon lắm. – Tôi lắc lắc bịch bánh cuốn, cười gượng gạo.
_ Cô chạy tới đây đứng ngẩn ngơ, chắc là biết chuyện gì rồi. Bắt cô đứng im lặng một lúc lâu như vậy chắc khó chịu lắm.
_ Đâu có. Sân bệnh viện này nổi tiếng nhất thành phố đó ạ, hiếm khi em có dịp đứng ngắm vào buổi sáng... - Tôi biện bạch.
Bác sĩ Trường nhìn tôi, đột nhiên anh cười mỏi mệt:
_ Cô đi xe tới đây à?
_ Dạ, đúng rồi.
_ Chở tôi về nhé. Mệt quá. Chắc không chạy xe nổi.
Thế là tôi và bác sĩ Trường cùng nhau đến bãi giữ xe. Chiếc Vision bình thường một mình tôi đi, có khi chở thêm Trúc Anh, nhìn vẫn rất vừa vặn, nhưng bây giờ chở bác sĩ Trường, anh ngồi ở sau cao vút to lớn, trông chiếc xe nhỏ bé biết bao. Tôi luôn để một cái nón bảo hiểm màu hồng ở trong cốp xe để mấy hôm ghé đón Trúc Anh, nhưng bác sĩ Trường không chịu đội, chỉ nón trên đầu tôi:
_ Cô đội nón hồng, tôi đội nón này.
Nón bảo hiểm của tôi màu vàng nhạt, còn gắn thêm một cái chong chóng tre xoay xoay dạo gần đây đang rất thịnh hành. Tôi nhìn qua gương chiếu hậu, nhịn cười khi thấy bác sĩ Trường đội nón bảo hiểm có chong chóng tre xoay xoay theo gió.
_ Cô thích thì cứ cười, không cần nín.
_ Em có cười gì đâu?
_ Vai cô run bần bật đây này.
_ Em run vì gió lạnh thôi.
Trời nắng chang chang, lưng tôi thậm chí còn đang vã mồ hôi vì nắng nóng.
Bác sĩ Trường không nói gì, tôi nhìn qua kính chiếu hậu thấy mắt anh nhắm nghiền.
_ Bác sĩ Trường, đừng có ngủ. Về nhà rồi ngủ. Anh mà ngủ là bật ngửa ra sau đó!
_ Biết rồi, mỏi mắt quá nên tôi nhắm lại thôi. Cô tập trung chạy xe đi.
Tôi không biết nhà bác sĩ Trường ở đâu nên vừa chạy vừa nghe anh bảo quẹo ở đâu thì cứ quẹo ở đó. Nhưng càng đi tôi càng cảm thấy hình như khu này quen quen.
_ Bác sĩ Trường, gần đây có chung cư Livalive,chị em Quang Anh ở đó đó, hèn gì em thấy đường này quen quen.
_ Cô biết đường tới đó không?
_ Biết, quẹo qua đây chút là tới rồi nè. Em tới vài lần rồi.
_ Vậy chạy tới đó đi. Tôi cũng ở đó.
_ Hả? Thật hả? Hai người ở cùng chung cư ạ?
_ Gần bệnh viện, tiện. Có nhiều người khác cũng ở đây.
Tôi há hốc mồm:
_ Bác sĩ Trường ở tầng mấy?
_ Tầng 5.
Quang Anh ở tầng bốn. Tôi cảm thán trong lòng, hèn gì Quang Anh lúc nào cũng than thở tiền nhà ở đây quá đắt, với mức lương bèo bọt ít ỏi của một bác sĩ thực tập còn đang phải đóng tiền học năm cuối ở trường Y thì chỉ phụ được một phần, còn lại tiền nhà đều là do Trúc Anh trả nhưng Quang Anh vẫn nằng nặc đòi chuyển tới đây. Không biết thằng nhóc này thật sự vì muốn ở gần bệnh viện để ngày đêm cống hiến cho công việc hay là đu đeo idol của nó đây nữa.
Tôi dừng ở trước cửa chung cư, cầm hộp bánh cuốn lên định đưa cho bác sĩ Trường, nhưng anh vẫn còn ngồi ở phía sau.
_ Cô về à? Có việc bận gì không?
_ Không ạ, hôm nay em được nghỉ cả ngày mà. Bác sĩ Trường tranh thủ lên nghỉ ngơi nhé.
_ Nghỉ thì lên chung đi. Buổi trưa cùng đi ăn đi.
_ Bác sĩ Trường! Anh tưởng mình là sắt thép đấy à? Từ hôm qua tới giờ anh ngủ chưa vậy? Phải nghỉ ngơi chứ...
_ Tôi ngủ mấy tiếng rồi mà. Với lại...bây giờ không thể ngủ được đâu...
Giọng bác sĩ Trường bỗng dưng trầm xuống, tôi bỗng nhớ đến ánh mắt trống rỗng của anh.
_ Lên nhà ngồi chơi đi. Đợi tôi tắm xong thì xuống đi ăn trưa với Quang Anh luôn. Thằng nhóc đó chắc cũng đang ngủ khò khò tới trưa mới dậy.
Nghĩ lại lần trước ở Mường Thanh vì chần chờ khiến bác sĩ Trường nghĩ tôi nghi ngờ đạo đức của anh ấy, lần này tôi nhanh chóng gật đầu đồng ý. Tôi chở bác sĩ Trường xuống hầm gửi xe, sau đó theo anh đứng đợi thang máy lên tầng. Bác bảo vệ ở bãi gửi xe chào hỏi bác sĩ Trường, không quên nhìn qua tôi cười hỏi tôi là ai. Bác sĩ Trường nhanh chóng đáp:
_ Là bạn của cháu.
_ Ồ vậy hả? Hiếm thấy bác sĩ dẫn bạn về chơi nha.
Tôi nhìn thấy ý cười hí hửng hiện ra trong mắt bác bảo vệ giống hệt ánh mắt của mấy chị em đồng nghiệp trong công ty mỗi lần buôn chuyện tình ái của người này người kia. Bác sĩ Trường từ chối cho ý kiến, tôi cũng đành cười hi hi cho qua.
Mặc dù nhà của bác sĩ Trường có bố cục giống nhà của Quang Anh ở lầu dưới, nhưng được bày trí theo một phong cách khác hẳn. Từ khi mở cửa ra đã cảm nhận được sự ấm áp bởi tông màu be chủ đạo, tôi hơi ngạc nhiên trước không khí gia đình này. Tủ giày màu trắng, bên trên có hai cái ô nhỏ xếp gọn, một cái khay gỗ đựng chìa khóa xe, thẻ quét thang máy và cả thẻ nhân viên của bệnh viện. Bác sĩ Trường lấy ra một đôi dép đi trong nhà màu xám, đặt trước mặt tôi:
_ Dành cho khách.
Tôi lí nhí cảm ơn, cởi giày của mình, lóng ngóng để gọn vào lối ra. Bác sĩ Trường cất giày của anh vào tủ, sau đó cũng cất luôn giày của tôi vào một ngăn tủ khác.
Phòng khách đầy ánh sáng mặt trời, rèm cửa màu nâu hạt dẻ mở rộng, ngoài ban công trồng hai cây nguyệt quế tươi tốt. Trong phòng khách đặt một chiếc ghế gỗ dài cùng bộ với chiếc bàn trà nhỏ hình vuông, bên dưới lót thảm cùng màu với rèm cửa, trên tường treo ba bức tranh canvas nền vàng, ở giữa là một đóa hoa trà trắng.
Tôi không nhịn được đi loanh quanh trong khi bác sĩ Trường lại tiến thẳng về phía phòng ngủ để chuẩn bị đi tắm. Bởi vì từng tới nhà Quang Anh nên tôi biết nhà này có có 1 phòng khách, nhà bếp và 2 phòng ngủ. Ở nhà Quang Anh thì hai chị em mỗi người một phòng ngủ, còn nhà bác sĩ Trường lại dùng một phòng ngủ trống bày trí thành phòng làm việc. Bàn làm việc để ngay giữa phòng, ba bức tường trừ bức có cửa sổ ra thì đều là kệ sách cao chạm nóc, và tất nhiên là phủ đầy sách là sách. Phòng làm việc lại không được gọn gàng như phòng khách, bàn làm việc ngổn ngang tài liệu chất chồng, màn hình máy tính dán đầy giấy nhớ, kế bên bàn làm việc còn có hẳn một chiếc bàn thấp hơn để đầy tài liệu.
_ Kiều An. – Tôi đang đứng ngay cửa phòng làm việc ngó ngang ngó dọc, hít hà mùi trí thức ngập tràn thì bác sĩ Trường gọi, tôi đành phải quay đầu lại nhìn.
Bác sĩ Trường cầm quần áo và khăn tắm, nói tôi:
_ Tôi đi tắm. Cô làm gì làm đi, nếu có mắc vệ sinh thì dùng toilet trong phòng đó, có 1 cái.
Tôi gật đầu, cười tít mắt hỏi:
_ Bác sĩ Trường, em đi ngó nghiêng tham quan xíu được không? Anh có cố kị gì không?
_ Không, muốn xem gì thì xem. – Bác sĩ Trường định đi thì chợt nhớ ra gì đó. – À, nhưng mà đừng đụng vào tài liệu này kia trong phòng làm việc của tôi. Nhìn để lung tung vậy thôi chứ có thứ tự của nó hết, cô đừng di chuyển cái gì cả.
_ OK, đã rõ ạ! – Tôi cười tít mắt cam đoan.
Bác sĩ Trường lại quay lưng vào phòng, chợt tôi không muốn để anh cứ vậy mà vào phòng tắm, trong lòng cứ cảm thấy nhất định phải nói gì đó với anh, lên tiếng:
_ Bác sĩ Trường!
Anh quay lại, nhìn tôi.
Bốn mắt nhìn nhau, tôi lại thấy ngập ngừng khó nói. Bác sĩ Trường không vì vậy mà mất kiên nhẫn, anh vẫn bình thản nhìn vào mắt tôi, như đang chờ đợi.
_ Hôm nay...em...có thể bác sĩ cũng biết...ý em là..
Tôi rối loạn vò đầu gãi tai. Vậy mà bác sĩ Trường vẫn im lặng, đôi mắt nâu đẹp đẽ vẫn nhìn tôi không một tia thúc giục, khiến tôi bình tâm hơn hẳn. Tôi không đảo mắt vì hồi hộp nữa, chân thành nhìn anh:
_ Anh đã cố gắng hết sức rồi. Em tin rằng, người đó cũng biết điều đó. Anh ấy chắc chắn sẽ biết được anh đã nỗ lực như thế nào.
Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Thật ra trong đầu tôi đã vụt qua hàng nghìn câu để nói với bác sĩ Trường, tôi hi vọng anh đừng tổn thương, tôi hi vọng anh đừng tự trách bản thân mình, nhưng cuối cùng tôi chỉ nói như vậy. Tôi muốn anh biết có người cảm nhận được sự cố gắng của anh, có người tin vào hi vọng của anh, có người công nhận quyết định của anh, cho dù kết quả không được như những gì chúng ta mong đợi.
Tôi nhìn thấy có điều gì đó xẹt qua trong mắt anh. Điều gì đó thật buồn.
Trong một giây đó tôi đã muốn chạy lại ôm anh, bằng tất cả sự chân thành của mình, để có thể cùng anh san sẻ sự bi thương này.
Chúng tôi chỉ đứng lặng nhìn nhau. Nhưng rồi tôi cảm nhận được anh đều đã nghe được những gì trong lòng tôi muốn nói, thậm chí còn biết được tôi muốn ôm anh đến dường nào. Anh mỉm cười, một nụ cười buồn, nhưng cũng thật nhẹ nhõm và thanh thản:
_ Phải, tôi đã cố gắng hết sức rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro