Bỏ điện thoại xuống giúp ta sống lâu hơn
Cho đến nay, hầu hết các cuộc tranh luận về tác động của điện thoại thông minh lên cơ thể con người đều tập trung vào dopamine, một chất hoá học có trong não giúp chúng ta hình thành thói quen. Người ta gọi dopamine là "hormone hạnh phúc", vì khi được giải phóng với số lượng lớn, nó giúp bạn có cảm giác thích thú, hưng phấn và tràn đầy cảm hứng. Rõ ràng là smartphone và những ứng dụng đầy màu sắc mà chúng ta tải xuống vốn được thiết kế làm sao để gây nghiện hết mức, khiến ta khó lòng rời mắt được. Nhưng chính cái màn hình cảm ứng hấp dẫn đó khiến nồng độ dopamine trong cơ thể chúng ta tăng lên, đây cũng là lý do vì sao nhiều chuyên gia cho rằng con người ngày càng có biểu hiện nghiện điện thoại. Tính ra, như vậy cũng chẳng khác cái máy... đánh bạc là bao.
Nghiện điện thoại đã là một chuyện không mấy hay ho, nhưng thậm chí ảnh hưởng của nó tới cortisol còn đáng quan ngại hơn. Không nói quá, cortisol thực sự là hormone liên quan đến sự sống còn của chúng ta. Nó có khả năng tăng sức mạnh tạm thời, cải thiện hiệu quả làm việc, tăng tốc độ phản ứng, nâng cao hoạt động của não, làm giảm đau và còn nhiều vai trò khác. Cortisol sản sinh như một cơ quan bảo vệ tự nhiên của cơ thể, giúp ta phản ứng và sống sót trước những mối đe doạ đang xảy đến. Khi hormone cortisol được phóng thích, nó làm tăng huyết áp, đẩy nhanh nhịp tim và nâng cao lượng đường trong máu - tất cả đều là những phản ứng có thể cứu sống chúng ta khi gặp nguy hiểm (ví dụ như khi bị một con bò đực lao tới chẳng hạn). Nhưng không chỉ có vậy, cơ thể chúng ta còn tiết ra cortisol để phản ứng với các yếu tố gây căng thẳng và rối loạn cảm xúc, ví dụ như khi kiểm tra điện thoại để đọc chiếc email đầy áp lực mà sếp bạn vừa gửi - khi ấy thì tăng nhịp tim cũng có tác dụng gì đâu.
Nếu chỉ thỉnh thoảng nồng độ cortisol mới đột ngột tăng thì có lẽ không phải vấn đề gì lớn. Nhưng như bạn biết đấy, sử dụng điện thoại làm tăng lượng cortisol, mà liệu có mấy người chỉ thỉnh thoảng mới sử dụng điện thoại?
Theo một ứng dụng theo dõi có tên Moment, người Mỹ trung bình dành 4 giờ đồng hồ mỗi ngày để nhìn chăm chăm vào điện thoại và luôn mang theo điện thoại mọi lúc mọi nơi. Kết quả là, như trong một bản báo cáo của Google có viết: "thiết bị điện thoại chứa đầy các ứng dụng mạng xã hội, ngập trong email và tin tức", từ đó tạo ra "một cảm giác liên tục bị lệ thuộc, làm phát sinh những căng thẳng ngoài ý muốn".
David Greenfield, Giáo sư Tâm thần học lâm sàng tại Đại học Y khoa Connecticut, đồng thời là người sáng lập Trung tâm Cai nghiện Internet và Công nghệ cho biết: "Khi bạn cầm điện thoại trên tay, để nó trên bàn, nghe thấy âm thanh thông báo hay thậm chí chỉ cần nghĩ về nó thôi, thì lúc ấy cơ thể bạn sẽ sản sinh và nâng cao nồng độ cortisol. Đó là phản ứng do căng thẳng và cảm giác khó chịu gây nên, một phản ứng tự nhiên của cơ thể thúc giục bạn hãy cầm điện thoại lên kiểm tra ngay để giảm bớt sự căng thẳng đó".
Làm như vậy có lẽ sẽ khiến bạn thoả mãn trong một giây một phút, nhưng về lâu dài thì lại mang đến những ảnh hưởng vô cùng xấu. Bởi cứ khi nào mở điện thoại lên xem, bạn sẽ lại bị kích thích bởi một điều gì đó khác: bạn bè trong nhóm chat cãi nhau, thời trang nào đã lỗi mốt, một vụ bê bối, chuyện ai đó mới bị cướp gần đây..., bất cứ điều gì. Mỗi lần như vậy cơ thể lại phát sinh thêm cortisol, và bạn lại muốn tìm hiểu sâu hơn, lướt nhiều hơn để giảm bớt lo lắng. Chu kỳ này lặp đi lặp lại, dẫn đến nồng độ cortisol liên tục tăng cao, đến mức trở thành "bệnh mãn tính".
Nồng độ cortisol cao mãn tính dẫn tới nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ như trầm cảm, béo phì, hội chứng chuyển hoá, tiểu đường, các vấn đề liên quan đến sinh sản, cao huyết áp, đau tim, suy giảm trí nhớ và đột quỵ. Đó là chưa kể nồng độ cortisol huyết thanh tăng cao trong thời gian dài có thể dẫn đến một tình trạng gọi là hội chứng Cushing. Hội chứng này làm giảm khối lượng cơ và yếu cơ, khiến da mỏng và teo mòn, vết thương lâu lành và dễ bị bầm, thậm chí tăng khả năng huyết áp, sỏi thận, loãng xương, không dung nạp glucose, giảm sự đề kháng khi nhiễm trùng và rối loạn tâm thần, v.v...
"Sự căng thẳng có thể khiến mọi căn bệnh mãn tính trở nên trầm trọng hơn, và trong đó có 'công sức' rất lớn của điện thoại thông minh" - Tiến sĩ Robert Lustig, Giảng viên danh dự tại Đại học California, San Francisco nhận định.
Ngoài những hậu quả tiềm ẩn về sức khoẻ lâu dài, căng thẳng do sử dụng điện thoại quá mức còn ngay lập tức đe doạ đến... tính mạng chúng ta.
Lượng cortisol tăng cao làm suy giảm khả năng hoạt động của vỏ não trước trán - một khu vực quan trọng của não bộ trong việc đưa ra quyết định và suy nghĩ hợp lý. Vùng vỏ não trước trán chỉ có ở con người và với vùng đặc quyền này, con người có thể sở hữu những khả năng sinh hoạt bậc cao như cầm nắm đồ vật bằng một tay, suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, nhận thức được vai trò trong gia đình hoặc địa vị của mình ngoài xã hội. "Vỏ não trước trán là vị thần lý trí của não bộ" - Tiến sĩ Lustig nói, "Nó ngăn ta làm những chuyện ngu ngốc."
Vùng não đặc biệt này bị thương tổn hoặc hoạt động yếu kém cũng đồng nghĩa với việc giảm khả năng tự kiểm soát. Kết hợp với nỗi thôi thúc phải làm gì đó để bớt căng thẳng, chúng ta dễ làm ra những chuyện thoả mãn trong phút chốc nhưng có khả năng dẫn đến tử vong, chẳng hạn như... nhắn tin khi đang lái xe.
Nỗi căng thẳng này còn có thể mang đến ảnh hưởng lớn hơn nữa nếu chúng ta thường xuyên lo lắng chuyện gì đó tồi tệ sắp diễn ra - dù là một trận đánh nhau đổ máu hay một bình luận ác ý trên mạng xã hội. Nếu điều tồi tệ ấy có liên quan đến chiếc điện thoại thì nhiều khi sự lo lắng quá mức này còn có biểu hiện của Hội chứng tưởng tượng rung điện thoại (Phantom Vibration Syndrome): bạn cảm thấy điện thoại cứ rung trong túi quần, dù thực tế trong túi còn chẳng có chiếc điện thoại nào.
Tiến sĩ Bruce McEwen, Chuyên gia cấp cao của khoa Nội thần kinh tại Đại học Rockefeller cho biết: "Mọi thứ chúng ta làm, mọi điều ta trải qua, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến sinh lý và thay đổi mạch não, không ít thì nhiều nó cũng tác động tới cách chúng ta đối mặt với áp lực và sự căng thẳng".
McEwen cũng lưu ý rằng chu kỳ tăng giảm nồng độ cortisol đều đặn mỗi 24h của cơ thể sẽ bị đảo lộn hoặc biến mất nếu chúng ta ngủ ít hơn 7 đến 8 tiếng mỗi đêm, mà chuyện này thì quá dễ xảy ra nếu bạn có thói quen xem điện thoại trước khi đi ngủ. Hậu quả là, khả năng đối mặt với căng thẳng bị suy yếu và nguy cơ mắc các vấn đề về sức khoẻ đã được đề cập ở trên thì tăng lên.
Kết luận lại, thời gian dành để chốc chốc mở điện thoại lên xem không những thừa đủ để bạn làm ối việc có ích khác, mà còn có thể đem về cho bạn ti tỉ mầm mống bệnh tật.
Tin tốt là nếu chúng ta phá vỡ cái vòng luẩn quẩn căng thẳng - giải toả bằng điện thoại - tiếp tục căng thẳng này, ta có thể làm giảm nồng độ cortisol, từ đó cải thiện khả năng phán đoán và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến căng thẳng kéo dài. "Theo thời gian, chúng ta còn có thể 'huấn luyện' lại bộ não của mình, để cho dù thấy căng thẳng thì cũng không hơi chút là cầm điện thoại lên xem nữa" - Tiến sĩ McEwen nói.
Để tiến hành cuộc "khởi nghĩa" không còn chấp nhận làm "nô lệ" cho điện thoại, hãy bắt đầu bằng việc tắt hết các thông báo không cần thiết, chỉ để lại thông báo về những gì bạn thật sự quan tâm.
Tiếp theo, hãy chú ý xem mỗi khi dùng một ứng dụng nào đó, bạn thường cảm thấy như thế nào? Bạn mở ứng dụng nào lên vì lo lắng mình sẽ bỏ lỡ gì đó? Ứng dụng nào khiến bạn mệt mỏi và tốn thời gian vì cứ phải chạy theo nội dung của nó? Hãy ẩn tất cả những ứng dụng này khỏi màn hình chính của điện thoại. Hoặc tốt hơn là hãy xoá chúng đi trong một vài ngày và xem cảm giác ra sao.
Đồng thời, trong lúc đang sử dụng điện thoại, hãy để ý xem mỗi ứng dụng có ảnh hưởng thế nào tới chính cơ thể của bạn. Tiến sĩ Judson Brewer tại Đại học Brown nói: "Nếu chúng ta không nhận thức được cảm giác của cơ thể, chúng ta sẽ không thay đổi hành vi của mình". Theo Tiến sĩ Brewer, nỗi lo lắng và sự căng thẳng thường có biểu hiện giống như một cảm giác co thắt ở ngực.
Thường xuyên tắt điện thoại và "nghỉ giải lao" cũng là một cách hiệu quả để cân bằng lại các hoá chất trong cơ thể và lấy lại khả năng kiểm soát bản thân. Cho dù bạn chỉ bắt đầu bằng việc đi ăn trưa mà không cầm theo điện thoại, đó cũng là một bước đi đúng hướng đáng hoan nghênh.
Ngoài ra, hãy cố gắng để ý cảm giác thèm điện thoại do lo lắng là như thế nào - chỉ cần xem não bộ và cơ thể của bạn cảm thấy ra sao là được, không cần phải ngay lập tức chống lại cám dỗ đó.
Như Jack Kornfield, một hướng dẫn viên Phật giáo tại Trung tâm Thiền Spirit Rock ở California từng nói: "Chúng ta không nhất thiết phải bảo sao nghe vậy với cái Hội chứng sợ bỏ lỡ đó". Bởi suy cho cùng, con người mới là chủ nhân của công nghệ, không phải ngược lại.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro