Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 77. Đêm say (Thượng)

Bồ Châu thấy hắn hầm hầm bỏ cũng không yên lòng, nàng lặng lẽ theo hắn ra ngoài, núp sau cửa nhìn lén hắn.

Trái với suy nghĩ của nàng, hắn không chạy ra ngoài nữa mà chỉ đi lòng vòng trong đình viện, dáng vẻ nóng nảy bất an.

Hỏi hắn vài câu về chuyện xưa đơn thuần chỉ xuất phát từ sự quan tâm mà thôi, không ngờ hắn trở mặt, mở miệng là nói lời lạnh nhạt, khiến người ta đau lòng như vậy.

Đúng không thể nào hiểu nổi.

Bồ Châu vốn cũng để ý. Nhưng giờ nhìn dáng vẻ hắn thế này, lại nhớ tới những lời Lạc Bảo vừa nói với mình.

Lạ thật, những gì nàng phải trải qua từ năm tám tuổi đến nay theo lý mà nói thì có phần tương tự hắn, nếm đủ các loại đau khổ, nhưng giờ mỗi khi nhớ lại, ấn tượng rõ nhất trong nàng vẫn là A Cúc và nàng sống nương tựa lẫn nhau, bà bảo hộ của nàng từng li từng tí một, sự chật vật khi phải tìm cách sinh tồn ấy tính ra chẳng là gì so với cảm giác ấm áp mà bà mang lại. Còn hắn năm mười sáu tuổi gặp phải biến loạn, không rõ có phải vì Lạc Bảo kể lại có phần thổi phồng lên hay sao mà chẳng biết thế nào, tổng thể vẫn khiến nàng cảm thấy hắn có chút đáng thương, thậm chí còn đáng thương hơn nhiều so với tình cảnh của nàng năm đó.

Còn nữa, chuyện hắn bị ám tật, lúc trước nàng sợ lạnh nên trong phòng luôn dùng đến chậu than, vậy mà hắn một mực chịu đựng trước nay không hề lên tiếng phản đối, khác nào nàng đang khiến hắn phải chịu thiệt thòi? Sau này cãi nhau, hắn cũng mặc kệ nàng, chỉ bỏ ra gian ngoài ngủ.

Còn nữa, mấy câu hắn nói với nàng bên đống lửa vào đêm xảy ra vụ hành thích dù khiến nàng ngũ vị tạp trần nhưng cẩn thận ngẫm kỹ lại, nó vẫn chẳng thể khiến nàng thực sự tin tưởng. Có thể đó chỉ toàn là những nói suông, nhưng chung quy lại, đây thực sự là những lời thật lòng mà hắn nghĩ đến vào thời khắc ấy.

Và, dù xuất phát từ bất kỳ nguyên do đi nào nữa thì hắn vẫn hứa sẽ tận lực bảo hộ nàng cả đời, trong khi trước đó, hắn đã bị nàng lừa gạt không ít.

Những điều này khiến nàng dù tức giận đến mấy cũng phải bình tĩnh lại.

Thôi thôi, cũng chỉ bị hắn mắng một câu, và cũng không phải lần đầu. Không chấp nhặt với hắn nữa, ai bảo người ta trời sinh đã cao quý.

Phượng hoàng rụng lông thì vẫn là phượng hoàng. Chỉ có những con gà thực sự đang chạy đầy đất mới dám nói nó không bằng gà mà thôi.

Nói thì nói vậy, nhưng nàng cũng không dám chọc hắn, một hán tử đang say.

Nàng trốn phía sau cửa nhìn trộm.

Hắn đi loanh quanh trong đình viện một lúc, đỡ trán, rốt cuộc cũng lảo đảo quay lại. Nàng vội vàng lui về nội thất, dựng thẳng lỗ tai tiếp tục lắng nghe động tĩnh.

Lạc Bảo tựa hồ đỡ hắn vào trong, giúp hắn trải đệm chăn. Lý Huyền Độ say khướt ngủ ở gian ngoài.

Đêm đó, Bồ Châu cũng không lại gần hắn nữa. Hôm sau từ sáng sớm tinh mơ, trời còn chưa sáng hẳn, nàng đã nghe thấy động tĩnh từ gian ngoài. Hình như hắn đã tỉnh.

Hắn muốn đứng dậy, vào trong thay quần áo.

Bồ Châu thoạt đầu vờ ngủ, nàng đợi hồi lâu cũng không nghe thêm được bất kỳ động tĩnh nào, không nhịn nổi hiếu kỳ rón rén xuống giường, ghé vào bức bình phong cao gần bằng trần nhà ngăn cách nội thất và gian ngoài, nhẹ nhàng vén mành, nhìn ra.

Hắn xếp bằng, nhìn về cửa sổ hướng đông đang từ từ bừng sáng, bóng lưng bất động, nhìn có chút uể oải, ngồi ngẩn người. Lúc lâu sau, ngoài hành lang truyền đến tiếng bước chân của nhóm tỳ nữ đi tới đi lui, thân người hắn mới khẽ lung lay, đứng dậy.

Bồ Châu vội vàng chạy lại giường nằm xuống, chờ hắn vào đến, nàng làm bộ như vừa mới tỉnh ngủ, ngồi dậy vươn vai, xuống giường mặc lại xiêm y rồi chủ động nói: "Điện hạ dậy rồi à? Ta giúp chàng thay quần áo."

Lý Huyền Độ nhếch môi, sắc mặt hơi tái nhợt, gương mặt vẫn còn nét mệt sau cơn say, hắn nhìn nàng một lúc, dừng tay trầm giọng nói: "Gọi Lạc Bảo đi."

Quả nhiên, vẫn không chịu để nàng đến gần.

Bồ Châu âm thầm nhếch miệng, thu tay lại, lại chiếu theo ý hắn ra ngoài gọi Lạc Bảo tiến vào, nhìn giường nệm còn chưa kịp gấp.

Lạc Bảo nhanh nhẹn thu dọn nệm giường, sai tỳ nữa bưng nước rửa mặt tới.

Hôm nay là thọ nhật của lão Khuyết vương. Đợi đến khi vợ chồng Tần vương cùng xuất hiện trước mặt thì đã thấy Lý Huyền Độ mặt mày sáng láng nhìn có vẻ rất có tinh thần, chuyện trò thoải mái với mọi người, dường như tâm tình rất vui vẻ.

Năm nay không phải chỉnh thọ [1] của Khuyết vương, hơn nữa vết thương cũ trên người ông lại tái phát nên trừ một số ngoại sự khó giải quyết ra, hầu hết sự vụ thường ngày ở trong nước đều được giao cho trưởng tử Lý Tự Đạo, bản thân ông cơ bản cũng không còn gặp gỡ người ngoài. Vậy nên thọ khánh cũng không được tổ chức một cách rình rang mà chỉ thiết yến tại hoàng cung, chiêu đãi thân bằng [2] cùng quý tộc quan viên Khuyết quốc. Nam tử uống rượu ở yến đường, nữ quyến vương thất quý tộc thì quây quần dự yến ở Khánh Xuân các gần đó. Lúc tiệc vừa diễn ra một lúc, chợt nghe bên kia loáng thoáng truyền đến tiếng reo hò, Ngô thị bèn đuổi một lão bà sang xem náo nhiệt thế nào để về còn học theo. Lát sau, Ngô thị cười nói: "Nghe nói nhóm nam nhân bên kia chơi trò ném thẻ vào bình rượu. Tứ điện hạ mười phát trúng cả mười, ngay cả mấy bình còn rượu cũng không thoát, khiến toàn bộ đều bị phạt mỗi người ba chén."

[1] chỉnh thọ: lễ thọ tròn năm (ví dụ: 70 tuổi, 80 tuổi...)

[2] thân bằng: họ hàng

Đám người vỗ tay cười to, tán thưởng không thôi kỹ năng ném thẻ vào bình cao siêu của Lý Huyền Độ.

Một phụ thân hơi đứng tuổi trong tộc vừa cười vừa nói: "Ta còn nhớ rõ mười năm trước tứ điện hạ cũng từng tới đây chúc thọ lão Vương, cảnh tượng mới như ngày hôm qua. Lúc ấy tứ điện hạ mới mười bốn tuổi, tóc buộc kim quan, thân mang phi y, [3] tọa kỵ bạch ngọc, dung nhan thiếu niên xinh đẹp ấy là lần đầu tiên trong đời ta được gặp. Không những thế Trương hầu đưa bao nhiêu hộc, ném thẻ vào bình rượu hay bắn tên, tứ điện hạ dù tuổi tác còn nhỏ nhưng đều đoạt hạng nhất. Lúc đó ta đã nghĩ, không biết nữ tử nhà ai lại có phúc khí, sau này chiếm được lòng điện hạ, nay nhìn thấy vương phi thì không còn thắc mắc nữa. Quả nhiên, ngài và Tần vương đúng là một đôi bích nhân do trời đất tác thành!"

[3] phi y: đồ lụa màu đỏ

[4] hộc: Một âm khác là cốc. Cái đĩa để tập bắn. Trong cái bia vẽ một cái vòng, bắn vào giữa vòng là trúng, người xưa gọi là chánh hay là cốc . (Nguồn chú thích: Phần mềm Quick Trans)

Những người còn lại cũng nhìn Bồ Châu, đồng loạt tán thưởng.

Nàng là khách, lại đến từ Lý triều, Bồ Châu biết những phụ nhân quý tộc đến từ Khuyết quốc này cùng lắm cũng chỉ là khách sáo mấy câu. Nhưng lúc nhắc đến Lý Huyền Độ, nhóm phụ nhân đứng đây đều như có như không nhìn về Lý Đàn Phương. Loại biểu lộ nho nhỏ này, nàng đã sớm nhìn thấu.

Chắc hẳn trong mắt Khuyết nhân, từ nhiều năm trước tới nay đều luôn nhận định rằng: Lý Đàn Phương sẽ gả cho Lý Huyền Độ

Nàng khẽ mỉm cười, cảm tạ những lời ca tụng mà bọn họ dành cho mình.

Ngô thị cũng tâng bốc nàng là người hiếm có trên đời, sau đó liếc mắt nhìn Lý Đàn Phương đang ngồi cạnh nàng, cười nói: "Không thể cứ mặc nhóm nam nhân kia chơi một mình, chúng ta bên này cũng ném thẻ vào bình rượu làm vui lòng khách quý. Ai ném không trúng mấy thẻ thì tự phạt từng đó chén. Ai giống Tần vương có thể ném trúng toàn bộ thì tất cả mọi người đều chịu phạt."

Ai nấy đều lần lượt khen hay.

Hầu hết nam tử Khuyết quốc đều dũng mãnh, nữ tử dù không đến mức vung dao cưỡi trên lưng ngựa nhưng loại trò chơi ném thẻ vào bình trong các yến hội đương nhiên không lạ lẫm. Người hầu mau chóng đặt ống thẻ giữa sân, những người tham gia dựa theo số thứ tự, lần lượt bước lên thay phiên nhau ném.

Các buổi tiệc trong cung Trường An ở kinh thành thường không thể thiếu trò ném thẻ vào bình làm thú tiêu khiển. Từng sống phóng túng nên mấy trò ăn chơi này có thể nói không có món nào mà Bồ Châu không biết. Chỉ là hôm nay, ngay từ đầu đã bị đám người thi nhau mời rượu, uống được mấy chén thì đã ngà ngà say, hoặc có thể tâm tình dồn nén khiến nàng không còn thấy háo thắng, cảm giác tay cũng thế nên mười thẻ chỉ trúng tám thẻ. Thực ra có thể được chín thẻ nhưng một trong số đó sắp lọt vào thì lại bật ra ngoài.

Trúng tám thẻ dù không phải quá xuất sắc những cũng không tệ. Những người có mặt lại đồng loạt lớn tiếng khen hay, còn nàng thì tự phạt hai chén.

Ngô thị vội ngăn nàng tự phạt, nói nàng là thượng khách hôm nay, chiếu quy củ vẫn có thể được miễn.

Bồ Châu cười sai người rót rượu, sảng khoái uống cạn hai chén đầy ắp trước khi trở lại chỗ ngồi trong tiếng reo hò ủng hộ tại hiện trường.

Sau khi mấy vị phu nhân chơi trò ném thẻ xong thì đến phiên Lý Đàn Phương.

Toàn trường nín thở. Dưới hàng chục con mắt đang nhìn chòng chọc vào mình, nàng bắt đầu ném thẻ vào bình rượu, mười thẻ trúng được bảy. Ném xong nàng ngẩng đầu, thấy tất cả mọi người đều đang nhìn mình thì tỏ vẻ kinh ngạc, cười lắc đầu, tự giễu: "Lâu rồi chưa chơi nên có chút ngượng tay, có thể trúng được bảy đã là tốt lắm rồi." Dứt lời, tự phạt ba chén.

Mọi người nghe nàng giải thích xong cũng buông bỏ, tiếp tục ném thẻ vào bình.

Bồ Châu tò mò nhìn theo cho đến lúc nàng ấy quay về chỗ ngồi. Ngô thị ngồi bên cạnh ghé sát vào tai nàng, nhỏ giọng hỏi gì đó, vẻ mặt nghi hoặc. Nàng cười nhẹ nhàng vung vẩy tay phải vừa chơi trò ném thẻ, đáp lại một câu, nhưng vì chung quanh tiếng cười không ngớt nên Bồ Châu không thể nghe rõ, nhìn vẻ mặt thì hình như nàng ấy đang lặp lại lời giải thích vừa rồi.

Bồ Châu vừa nhìn đã nhận ra ngay.

Ngày thường Lý Đàn Phương đương nhiên rất tinh thông trò ném thẻ vào bình rượu. Ngô thị yêu quý cháu gái, vì để lấy tiếng cho nàng nên mới cố ý an bài trò ném thẻ vào bình. Nhưng nàng chỉ trúng được mỗi bảy, vậy nên Ngô thị mới thắc mắc.

Nàng bảo là không quen tay, nhưng trực giác mách bảo Bồ Châu rằng nàng ấy cố ý bại bởi nàng nên mới cố tình ném trượt một thẻ, giúp nàng không bị mất thể diện trước mặt nhóm phu nhân Khuyết quốc.

Một Lý Đàn Phương vừa rộng lượng vừa tỉ mỉ như thế khiến Bồ Châu không khỏi nhớ đến câu nói kia của Lý Huyền Độ, rằng đến xách giày nàng cũng không xứng, cảm giác tự tin trong lòng càng trở nên nồng đậm.

Bên tai đều là tiếng cười nói náo động, những phụ nhân có mặt đều không ngừng đi về phía nàng mời rượu, nàng cười, không cự tuyệt bất kỳ ai. Tựu lượng vốn thấp, lại thêm nỗi khổ tâm thì làm sao chịu được? Yến hội còn chưa kết thúc, cả người đã choáng váng say, vì sợ thất lễ nên gắng gượng vượt qua, rốt cuộc đợi được đến khi yến tiệc hoàn tất, chung quanh say ngã không biết bao nhiêu người, lúc này nàng mới đứng dậy chào từ biệt Ngô thị rồi dặn Vương lão bà cùng tỳ nữ đỡ về.

Vừa vào phòng nàng đã cảm thấy tức ngực khó thở, vội lao tới trước ống nhổ khom lưng nôn sạch. Toàn bộ những thứ ăn vào, uống vào tối nay đều bị nôn hết ra, ngay cả dịch mật lẫn nước mắt đều trào hết ra ngoài.

Nôn xong, nàng cảm thấy đầu ù lên, huyệt thái dương như bị rút gân, cả người chóng mặt cực kỳ khó chịu. Nàng nhận nước ấm tỳ nữ đưa tới, súc miệng, lau sạch mặt lẫn tay xong thì ngã xuống, đến canh giải rượu cũng không đợi được, cứ thế ngủ say mất.

Thịnh yến ở hoàng cung, Khuyết vương thập phần mừng rỡ khi nhận được hạ lễ của thái hoàng thái hậu Khương thị do Lý Huyền Độ đưa đến, không khỏi nhớ lại hồi ức năm đó khi Khuyết quốc cùng Lý triều kết thành đồng minh kề vai chiến đấu rồi được ban thưởng quốc họ, nhất thời hăng hái bừng bừng, uống không ít rượu. Yến hội kết thúc, người say khướt, được Lý Huyền Độ cùng Lý Tự Nghiệp đưa về nghỉ ngơi.

Thu xếp tốt Khuyết vương, Lý Tự Nghiệp gọi Lý Huyền Độ theo mình vào một gian nội thất bên trong hoàng cung, cho người lui hết ra ngoài, lại lệnh tâm phúc trông giữ kỹ ngoài cửa, lúc này mới cười hỏi: "Thế nào, tối nay có vui không?"

Lý Huyền Độ biết ông có lời muốn nói, thậm chí còn mơ hồ đoán được là vì chuyện gì. Nghĩ đến ngoại tổ phụ của lần gặp cuối cùng cách đây tám năm, trong ký ức của hắn người vẫn là ông lão tiếng nói hào sảng như chuông đồng. Giờ cách biệt tám năm, khi gặp lại người bệnh tật quấn thân, gần đất xa trời, cũng không khỏi nhớ đến tổ mẫu ở cung Bồng Lai tóc bạc đầy đầu, khó nén xuống chua xót trong lòng, nói: " Ngoại tổ và cữu phụ đã bàn bạc xong rồi sao? Cháu nguyện hoàng tổ mẫu thọ cùng trời đất, cam nguyện dùng mệnh của cháu để kéo dài mệnh thọ của người, nhưng sinh lão bệnh tử ở đời là thứ không thể ngăn cản. Hoàng đế từng bước áp bách, sợ không nhẫn nổi một giây."

Năm đó sau khi xảy ra án Lương thái tử, Lý Huyền Độ bị cầm tù, Khuyết quốc cũng bị liên lụy. Khuyết quốc bị xem làm đồng đảng, phải chịu chỉ trích, nếu không phải Khương thị lên tiếng thì cục diện sẽ ra sao thật khó để nói trước được.

Hai năm sau, dù Lý Huyền Độ lấy được đặc xá nhưng với Khuyết quốc mà nói, sự băng hà của Minh Tông vốn có quan hệ mật thiết với Khuyết quốc đã khiến cái bóng của thanh kiếm sắc bén treo trên đầu người Khuyết vẫn còn treo lơ lửng.

Nhất là hai năm trở lại đây, tin tức mà mật thám trình báo khiến lệnh Khuyết vương cảm thấy hết sức âu lo. Lý Huyền Độ biết, ngoại tổ dần có ý nghĩ dời nước, dự định tách tộc nhân thành từng nhóm âm thầm rời về phía tây, trở lại vùng đất sơ khai thuở ban đầu, tránh họa diệt quốc rất có khả năng xảy đến vào một ngày nào đó.

Nếu như kế hoạch được thực hiện, hoàng đế dù muốn phát binh diệt trừ triệt để hậu hoạn thì vẫn phải tìm cách ứng phó đại quân rất có thể sẽ xâm nhập từ Tây Vực cũng như các thế lực đến từ phương Bắc. Tất cả những điều này đều cần đến lương thảo chi viện, đảm bảo tác chiến lâu đài.

Trước mắt Lý triều tuy hùng mạnh nhưng chưa cường đại đến mức có thể cùng lúc chèo chống hai chiến trường quy mô lớn ở cả Tây Vực lẫn phía bắc.

Vậy nên, dời đi là phương án tránh họa có thể cân nhắc tới. Nhưng dời nước về phía Tây, nhân khẩu liên quan lên đến mấy chục vạn, ngoại trừ binh sĩ, trong nước còn có vô số phụ nữ, trẻ em lẫn người già yếu. Đối với nhóm người này việc lặn lội đi đường đích thị là hành trình dài cực kỳ gian nan trắc trở, không ai biết trước giữa chừng sẽ phát sinh thử thách hay khó khăn nào khác.

Huống hồ, năm xưa tổ tiên người Khuyết vì ngưỡng mộ văn hóa Trung Nguyên nên mới đi về hướng đông đến tận đây, giờ muốn bỏ đi mảnh đất quê hương gắn bó máu thịt đã bao đời, bất luận từ tình cảm hay thực tế thì đây vẫn là chuyện trọng đại, không thể cứ quyết là làm được.

Hai năm qua, Khuyết vương chỉ phái người dò xét tuyến đường Tây thiên (*), tìm kiếm thăm lại nhà cũ. Từ đầu đến cuối kế hoạch này vẫn còn chưa hoàn thiện nên luôn được giữ bí mật tuyệt đối. Ngoại trừ một số nhân vật chủ chốt ở Khuyết quốc thì không ai khác được biết.

(*) Tây thiên: Chữ "thiên" là nghĩa là di dời, di chuyển.

Lý Huyền Độ là một trong số những người biết về kế hoạch Tây thiên. Khi thấy cữu phụ dẫn hắn vào trong, hắn liền đoán được ông muốn nói với mình về chuyện này.

Quả nhiên, Lý Tự Nghiệp tới một bức tường, kéo tấm màn che kín vách tường ra, đằng sau là một bức địa đồ treo tường. Ông chỉ vào lộ trình được đánh dấu trên đó, bảo Lý Huyền Độ đến xem.

"Cách đây không lâu đã chọn ra tuyến đường này, cũng là tuyến đường an toàn và nhanh gọn nhất. Chẳng may vạn bất đắc dĩ, có một ngày cả nước phải rời về phía Tây thì chúng ta sẽ đi theo tuyến đường này..."

Lý Tự Nghiệp dừng lại, không khỏi xót xa.

"Tổ tiên Khuyết nhân chúng ta năm xưa đi về phía đông, vượt mọi chông gai tới tận đây, phải vất vả lắm mới xây dựng nên quê hương yên bình mà chúng ta đang đứng, không ngờ hôm nay..."

Hốc mắt Lý Tự Nghiệp phiếm hồng, thanh âm run rẩy, ngừng lại.

Khóe mắt Lý Huyền Độ cũng ửng đỏ: "Tất cả đều là lỗi của cháu, liên lụy ngoại tổ, cữu phụ và cả ngàn vạn Khuyết nhân không được yên bình, nguy hiểm ra nông nỗi này, thậm chí bị ép phải từ bỏ gia viên ——"

Lý Tự Nghiệp lập tức lắc đầu: "Liên quan gì tới cháu? Nếu năm đó không kết minh với Lý triều thì Khuyết nhân ta cũng bị người Địch phía bắc đàn áp, tồn vong thắng bại không ai biết trước được. Nếu không thể tiếp tục ở lại thì Tây thiên cũng tốt, miễn còn người thì nơi nào cũng có thể an cư lạc nghiệp. Còn về căn nguyên tai vạ, một tiểu quốc sẽ luôn phải đấu tranh để sinh tồn giữa các nước lớn, cục hiện này đều là do ý trời. Đế vương bạc tình, cháu sinh ở thiên gia mới là người thiệt thòi nhất, dù là ngoại tổ hay cữu phụ đều chưa từng trách cháu nửa phần."

Ông tự trấn tĩnh, mỉm cười.

"Cữu phụ gọi cháu tới vì biết cháu thiện mưu, có thể bày mưu tính kế. Nếu thực sự có một ngày chúng ta phải Tây thiên, di chuyển mấy chục vạn người chẳng khác nào một trận đại chiến. Sắp xếp từng nhóm ra sao, tiếp tế dọc đường, hộ vệ bảo an thế nào, chưa kể đi dọc biên giới các nước bằng tuyến đường nào cũng cần phải nghiên cữu kỹ lưỡng. Cữu phụ mong cháu có thể góp sức giúp ta..."

Lý Tự Nghiệp nói chưa hết câu ngoài mật thất có tiếng tranh chấp. Ông nhận ra là đệ đệ Lý Tự Đạo đang bị thủ vệ ngăn ở ngoài cửa, lớn tiếng quát tháo.

Lý Tự Nghiệp cau mày, kéo màn che lại rồi mới ra mở cửa.

Tối nay Lý Tự Đạo uống không ít rượu, khuôn mặt đỏ bừng xông vào. Vừa nhìn thấy Lý Huyền Độ, lập tức bước tới, vỗ mạnh một cái vào vai hắn, hùng hổ nói: "Tứ điện hạ, tiểu cữu có câu này đã muốn nói với cháu từ lâu, giờ có cơ hội nên nói thẳng! Hoàng đế Lý triều không còn là hoàng đế lúc trước, bức bách quá đáng, không cho người khác đường sống. Hắn đã nhận định cháu muốn phản thì sao cháu không phản? Chỉ cần cháu lên tiếng, tiểu cữu cữu sẽ nhất nhất nghe lời cháu, mang quân toàn lực ủng hộ cháu chiếm đánh chặt đầu tên cẩu hoàng đế kia, cháu tự làm hoàng đế được!"

Hắn trừng con mắt đỏ bừng nhìn chằm chằm Lý Huyền Độ: "Cháu nói rõ cho cữu cữu biết, thế nào, cháu đến cùng vẫn không phản"

Lý Tự Nghiệp kinh hãi, cả giận nói: "Nhị đệ say rồi! Ngươi đang nói bậy gì đó? Còn không mau im miệng!"

Lý Tự Đạo nhìn quanh một hồi, sải bước đến rước rèm kéo mạnh ra, chỉ vào địa đồ cười một cách khinh miệt: "Vương huynh, đệ biết huynh đang nghĩ gì, sợ đông sợ tây, một lòng muốn rời tộc nhân về phía tây. Nhưng dựa bao đâu mà bắt chúng ta phải dâng lên vùng đất đã gắn bó mấy trăm năm? Hôm nay ở đây, đệ nói rõ để huynh biết, bảo đệ rời đệ không rời! Nếu tứ điện hạ không định phản thì ta tự phản. Cháu sợ nhưng ta thì không, dũng sĩ thủ hạ ta càng không!"

Lý Tự Nghiệp nói: "Ngươi nghĩ tạo phản đơn giản vậy à? Chỉ bằng một tiểu quốc nhỏ bé thì chống lại Lý triều thế nào được? Nếu việc không thành thì kết quả sẽ ra sao? Người bị diệt, tộc cũng mất! Võ sĩ như các ngươi tình nguyện chết, nhưng bách tính ngoài kia thì phải làm sao?"

Lý Tự Đạo đáp: "Từ bỏ quê hương bản quán và chết thì khác quái gì nhau? Ta biết người Khuyết không phải toàn lũ hèn nhát! Đến lúc đó ai muốn chạy trốn thì cứ trốn đi trước, những người không muốn trốn thì ở lại chiến một trận là được!"

Hắn dừng lại, cười lạnh nói tiếp: "Không phải đông Địch đang muốn lôi kéo Khuyết quốc ta sao? Nếu tứ điện hạ thực sự không có ý tạo phản thì chờ đến lúc đó, các ngươi đi rồi ta sẽ liên thủ với đông Địch. Bảo hổ lột da không đáng tiếc. Ta là người Khuyết, người Địch hay người Lý triều thì có gì khác biệt? Cái gọi là quốc họ ta cũng không cần. Hoàng đế Lý triều bất nhân thì đừng trách ta bất nghĩa! Cùng lắm cá chết lưới rách cũng không được để cẩu hoàng đế chiếm tiện nghi!"

Lý Tự Nghiệp cả giận: "Được được được, ta biết ngươi từ lâu đã có dị tâm, nói không chừng còn đang âm thầm qua lại với người đông Địch. Quả nhiên, hôm nay người đã nói ra rồi, muốn liên thủ với đông Địch!"

Dưới cơn thịnh nộ, ông bỗng nhiên rút kiếm.

Lý Huyền Độ bước tới nhanh chóng bắt được bàn tay đang rút kiếm của Lý Tự Nghiệp, loại bỏ thế kiếm, hắn dùng thân thể ngăn giữa hai vị cữu phụ, nói: "Hai vị cữu phụ xin bớt giận. Hai người đều là trưởng bối của cháu, giương cung bạt kiếm cháu ở giữa biết phải làm thế nào?"

Lý Tự Nghiệp lúc này mới buông kiếm, lạnh lùng thốt: "Ngươi có biết không? Trên đường tới đây tứ điện hạ bị người đông Địch ám sát, suýt nữa xảy ra chuyện?"

Lý Tự Đạo ngây ra, nhìn Lý Huyền Độ: "Huynh ấy nói thật sao? Người đông Địch ám sát cháu?"

Lý Huyền Độ gật đầu.

Lý Tự Đạo sắc mặt tái nhợt, sửng sốt một lát, không nói một lời, quay người sải bước rời đi.

Lý Tự Đạo rời đi, trong phòng rốt cuộc cũng được yên tĩnh.

Lý Tự Đạo dũng mãnh thiện chiến, có uy vọng rất lớn trong giới võ sĩ Khuyết nhân. Nếu không phải bị phụ vương đàn áp khi ra mặt phản đối Tây thiên, sợ rằng chính ông cũng không làm gì được người đệ đệ này.

Lý Tự Nghiệp cực kỳ đau đầu, lấy lại bình tĩnh, cười khổ nói với Lý Huyền Độ: "Thôi, cũng không còn sớm, cháu về nghỉ đi. Chuyện Tây thiên phụ vương vẫn chưa chính thức quyết định những đại khái sẽ không thay đổi, quan trọng là khi nào bắt đầu. May mắn thay tình hình hiện tại tuy không ổn nhưng trong vòng một hai năm tới đây, hoàng đế sẽ không đến mức nổi điên nên chuyện này cũng chưa cần gấp. Còn lại để ngày mai từ từ bàn thêm."

Lý Huyền Độ cung kính đáp ứng, bảo Lý Tự Nghiệp cũng nên nghỉ ngơi. Lúc hắn chuẩn bị cất bước thì bỗng nghe thấy Lý Tự Nghiệp gọi mình lại, liền hỏi: "Cữu phụ còn chuyện gì sao?"

Lý Tự Nghiệp trầm ngâm một lúc rồi nói: "Có việc này lần trước ta đến kinh đô chúc thọ thái hoàng thái hậu, gặp được cháu đã muốn đề cập tới. Nhưng khi đó chưa phải lúc nên không nói. Giờ tiện lời, cữu phụ sẽ nói luôn. Liên quan đến hôn sự giữa cháu và Đàn Phương. Không biết giờ cháu thấy thế nào?"

Lý Huyền Độ thoáng trầm mặc.

Nếu không phát sinh chuyện ngoài ý muốn vào năm mười sáu tuổi thì hắn đã sớm làm theo lời phụ hoàng, nạp biểu muội làm trắc phi. Sau này chuyện xảy ra, trước thì vào chiêu ngục, sau thì ngồi tù, đến thủ lăng, đi Tây Hải, mãi đến giờ hắn vẫn chưa lấy lại tự do, càng chưa thoát khỏi giám thị, dù có vài lần liên lạc thưa thớt với cữu phụ nhưng chưa lần nào nghe nhắc đến biểu muội.

Lần này đi Khuyết quốc, biết Đàn Phương chưa gả, lòng hắn liền minh bạch nàng vẫn đang đợi hắn.

Lý Tự Nghiệp lại nói: "Nàng là đứa trẻ bướng bỉnh, dù chưa hề nhắc đến nửa câu trước mắt ta nhưng chẳng nhẽ ta lại không hiểu được. Trước đây hai đứa tình cảm gắn bó, nếu không phải vì cháu không đành lòng thì nàng đã theo cháu đến cung Vô Ưu. Giờ nàng đã đợi cháu nhiều năm, càng không để ý đến hư danh như thân phận này nọ. Cữu phụ giờ phút này nói với cháu mấy lời này không phải để bắt cháu cưới nàng ngay lập tức, trước mắt cũng không phải thời cơ thích hợp. Cữu phụ là đang hy vọng cháu có thể cho nàng một lời hứa, bất luận là bao lâu, mấy năm đều được, chờ đến lúc phù hợp cháu nạp nàng, để nàng phụng dưỡng cháu cùng cháu trai, cháu dâu. Nàng tất an phận, sẽ không gây rắc rối."

Lý Tự Nghiệp thở dài, vẻ mặt lo lắng.

"Điện hạ, giờ đang là thời điểm gian nan khó khăn nhân với Khuyết quốc ta. Ngoại tổ cháu tuổi tác đã cao, thời gian còn lại chỉ sợ không nhiều, cữu phụ ta không có tài trị quốc, tiểu cữu cháu càng không thể thống lĩnh Khuyết nhân. Cữu phụ vô năng, chỉ đành hy vọng vào cháu. Để cháu cưới Đàn Phương không chỉ vì cân nhắc nửa đời sau cho nó mà còn để sau này vạn nhất có biến thì trợ giúp ổn định lòng người. Cháu chớ trách cữu phụ đặt gánh nặng ngàn cân lên vai cháu, ta thật sự không có cách nào khác, trong thân thể cháu cũng chảy một nửa dòng máu người Khuyết giống ta, cữu phụ khẩn cầu điện hạ, hãy nhận lấy trách nhiệm này!"

Lý Tự Nghiệp nói xong liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống hành lễ trước mặt Lý Huyền Độ.

Lý Huyền Độ biến sắc, bước nhanh tới đỡ lấy hai tay Lý Tự Nghiệp, chần chừ một lúc, nói: "Dù sao cũng là việc liên quan đến chuyện chung thân của biểu muội, xin cữu phụ cho cháu hai ngày để suy nghĩ. Sau hai ngày, cháu sẽ cho người câu trả lời chắc chắn."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro