Chương 26
"Nói thẳng ra, học hành là một loại canh bạc mà em biết chắc mình sẽ thua lỗ khi đầu tư vào."
26.
Bắt đầu từ chương này, truyện sẽ đề cập đến một vài tình tiết chính trị không tồn tại ngoài đời thực. Bạn đọc nên mặc định mọi tình tiết là ảo, xin đừng gán vào thực tế giúp mình.
Không chỉ mỗi căn phòng, toàn bộ đồ đạc trong phòng Thế đều có kích thước gấp đôi bình thường. Đến cả tủ quần áo cũng là loại bốn cánh lớn. Lúc Nhân mở tủ, cậu đã hơi choáng ngợp.
Quần áo trong tủ chia theo bốn mùa xuân hạ thu đông, đã được phối riêng từng kiểu và treo gọn trên giá. Riêng áo măng tô được đặc cách hẳn một ngăn tủ, đủ loại ngắn dài. Thế có vẻ không thích đồ nhiều họa tiết. Hầu hết đồ của hắn đều là hoa văn trơn, hiếm lắm mới thấy có kẻ sọc. Liếc qua một lượt, ánh mắt Nhân dừng lại trên một bộ đồ rất quen. Cậu lấy nó ra khỏi giá, so thử trước gương. Chiếc áo kiểu màu trắng, xẻ tà bên hông và có khóa kéo sau lưng, cộng thêm quần be dài... trông y hệt bộ đồ Thế mua cho cậu hôm hẹn hò mua sắm.
Bộ đồ ở nhà cậu còn chưa xé mác. Giờ thấy một bộ khác y hệt ở đây, tâm trí Nhân chợt nảy ra một câu hỏi.
Thế có chấp niệm khó phai với bộ đồ này à?
Ướm lên người mình, Nhân thử hình dung. Dáng áo rất mềm mại, cậu vẫn cảm giác sẽ hợp với một gương mặt nhu hòa hơn là sắc bén như họ. Song có lẽ, nếu Thế mặc nó lên người, cậu sẽ rất sẵn lòng cởi...
Treo lại bộ đồ vào tủ, Nhân lấy áo sơ mi với quần dài đơn giản, mặc vào.
Bữa tối chỉ có mình cậu và Trâm Anh. Người giúp việc dọn đồ ăn lên rồi tan ca. Lúc Nhân xuống phòng ăn, cậu thấy Trâm Anh đang chuyện trò vui vẻ với cô ấy. Cậu giữ gương mặt bình thản, không xen lời mà ngồi xuống, chỉ hơi gật đầu với người giúp việc trước khi cô ấy rời đi.
Trâm Anh nghiêm túc dạy cậu các quy tắc bàn ăn. Nào là năm mười quy tắc ăn uống của người Việt, trong đó có chín quy tắc về việc dùng đũa, bốn mươi mốt quy tắc ngồi ăn; rồi đến quy tắc bàn ăn phương Tây, trái dĩa phải dao, tư thế ngồi, cách cầm ly, cách ăn uống, chỉ dẫn lý thuyết xong sẽ bảo cậu lặp lại một lần để thực hành.
"Thường thì các bác sẽ thích kiểu tiệc bàn tròn gia đình hơn. Nhưng bác Thành Phó tổng bệnh viện từng ở Paris một thời gian. Bác ấy thích kiểu tiệc đứng phương Tây nên đã thuê một hội trường khách sạn cao cấp. Tiệc kiểu này là buffet tự chọn. Người ta sẽ bày đồ ăn trên các quầy bàn và để khách khứa tự lấy đồ, chỉ có người phục vụ rượu. Nói chung thì mấy bữa tiệc kiểu này khá thư giãn vì anh không phải xếp bàn và ngồi trò chuyện với mấy người lạ hoắc lạ huơ như kiểu ăn tiệc truyền thống."
Nói xong, Trâm Anh lại kể sơ mối quan hệ giữa ba cô và người chủ trì bữa tiệc là bác Thành Phó tổng, nguyên một bữa ăn kéo dài hơn ba tiếng. Đồ ăn nguội ngắt, hai người đều mệt, chẳng ăn uống được là bao. Nhân giúp Trâm Anh để đồ thừa vào hộp cách nhiệt ngăn mùi rồi cho vào tủ. Thấy cô xếp bát đũa vào máy rửa bát, cậu cười bảo.
"Anh còn nghĩ em sẽ chẳng bao giờ xuống bếp."
"Nấu ăn thì em chịu, khó quá. Còn rửa bát thì chỉ cần xếp vào máy thôi, đến việc đó còn không làm được thì em ăn hại quá thể rồi."
Trâm Anh mở tủ lạnh lấy hai lon bia và ít đồ ăn vặt rồi bảo cậu ra phòng khách tiếp tục chuyên mục "bình dân học vụ" cho Nhân. Nói từ lai lịch bác Thành Phó tổng kia xong, cô lại vòng về chuyện nhà mình.
"... Mãi đến khoảng những năm 90, thương nhân mới từ Nam ra đây nhiều hơn, nhất là thương nhân trẻ đang tìm kiếm cơ hội... thì ba em là một trong số đó. Ban đầu, ông đổ tiền vào xưởng ngọc trai ở Quảng Ninh, kiếm chác được một ít nên bắt đầu tìm hiểu xu hướng tiêu dùng. Thì giai đoạn đó... tầm 95 nhỉ? Lúc mình gia nhập ASEAN đó, thì cũng bắt đầu đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường. Ba em buôn ngọc trai với hương liệu cho mấy quý bà ở Hồng Kông với Trung Quốc rồi sang đó học tập một thời gian, đến khoảng đầu những năm 2000 ông về nước và quyết định hướng đi đầu tư vào ngành điện tử. Đấy cũng là khoảng thời gian ba em quen biết ông ngoại, khoảng hai năm sau, mẹ em về nước rồi lấy ba em. Khi đó thì trụ sở công ty ba vẫn ở Trung Quốc nên ba hiếm khi ở nhà, phải khoảng 2 năm sau nữa thì em mới ra đời. Thêm một thời gian nữa, khoảng hai lẻ bảy hai lẻ tám, ba lập chi nhánh phân phối thiết bị điện tử ở đây rồi mua nhà ở luôn. Thì căn nhà này là ba mua từ độ đó, giờ được cơi nới tu sửa thêm nhiều rồi á anh. Sau khi mẹ Bích mất thì Thịnh sống ở đây cùng ba với em."
Cứ mỗi khi Trâm Anh kể về chuyện gia đình, Nhân lại hiếu kỳ. Không chỉ về người mẹ đã mất của Thế, cậu cũng tò mò về đằng ngoại nghe có vẻ rất hầm hố kia.
"Vậy... trước khi cô Bích mất, họ sống với ông ngoại à?" Cậu hỏi.
Trâm Anh ngoắc ngoắc ngón tay.
"Không anh, biệt phủ của ông ngoại không ở thành phố mà ở quê Phủ Lý. Hồi đó Thịnh với mẹ Bích sống trong nhà riêng mà ông ngoại cho mẹ Bích làm của hồi môn. Căn nhà đó trước đứng tên mẹ Bích, sau khi mẹ Bích mất thì lại trở về đứng tên ông ngoại em. Chả biết ông có sang tên cho Thịnh chưa, kiểu gì cũng ứ có phần em nên em chẳng quan tâm lắm. Thôi anh cứ kệ cái nhà đó đi ha, quan trọng ở đây là mối quan hệ giữa ông ngoại và ba em. Anh biết tại sao ông ngoại em muốn nâng đỡ ba em không?"
Tửu lượng của Trâm Anh khá tốt, uống sang lon bia thứ ba mà cô vẫn nói năng mạch lạc. Nhân tựa lưng vào ghế, nghe cô hăng say kể chuyện.
"Thực ra, ông ngoại không chỉ nâng đỡ mỗi mình ba em. Chỉ là trong những ứng cử viên được ông coi trọng, ba em là người có tầm nhìn vượt bậc và định hướng rõ ràng nhất. Ít nhất là ở nước mình. Không mấy người chọn lĩnh vực điện tử vào thời điểm đó, lại còn chuyển từ phân phối sang sản xuất. Đã sản xuất thì sẽ có tư liệu để thiết kế sản phẩm và thương hiệu cá nhân.Mấy năm nay công ty của ba cũng đã cho ra mắt dòng điện thoại riêng, tuy lợi nhuận không thể so với các thương hiệu điện tử nước ngoài, nhưng chịu thôi, mình vốn chạy đua quá muộn mà. Có còn hơn không."
Mặc dù biết để có căn nhà lớn thế này giữa lòng thủ đô thì thân sinh Trâm Anh phải là nhân vật không tầm thường, tuy nhiên Nhân không ngờ ba cô lại là vị thương nhân Huỳnh Minh Triết thi thoảng cậu lại nghe thấy trên những bản tin kinh tế. Tra thử tin tức trên mạng, cậu phát hiện không có nhiều thông tin về gia đình ông, ngoại trừ một trang riêng về người vợ Trần Thị Thúy Ngà cũng là bà chủ của vài thương hiệu lớn.
"Quay trở lại mối quan hệ giữa ông ngoại và ba." Trâm Anh đi một vòng lớn vẫn biết đường quay lại khởi điểm. "Đó là dạng quan hệ của Shark và những người khởi nghiệp. Ba em thành công có được nguồn đầu tư lớn nhất - đấy là trở thành con rể ông ngoại. Sau khi lấy mẹ em, ông ngoại đã cho ba khá nhiều đối tác hữu ích, đổi lại, ba em sẽ chịu trách nhiệm đứng ra chủ trì các thương vụ, cũng như những hội nghị mà ông em không tiện ra mặt. Nói chung là, ba em giống như một tấm lá chắn, nhận lấy hào quang và cũng đồng thời chịu mọi công kích từ các bên. Kể cả thế, chừng nào ông ngoại chưa ngã thì ba em cũng sẽ vững như bàn thạch."
Nghe đến đây, Nhân bắt đầu quan ngại có nên bảo Trâm Anh ngừng nói không. Chuyện này hình như đã vượt ra khỏi phạm trù một người ngoài như cậu nên nghe.
Như nhìn thấu nỗi trăn trở của cậu, Trâm Anh cười rộ lên.
"Đừng lo, trước lúc về bên ngoại Thịnh bảo em kể thì em mới dám kể. Cả chuyện gia đình em, cả chuyện bên ngoại."
"Sao Thế không tự mình nói với anh nhỉ?" Nhân cau mày.
"Cái này em đoán thôi." Trâm Anh liếc cậu đầy ngụ ý, "Anh ấy không muốn nói dối anh."
"Hả?"
"Chuyện bên ngoại quá phức tạp. Thịnh còn là người trong cuộc nên sẽ biết nhiều thứ khó nói hơn. Anh ấy không muốn nói dối, nhưng cũng không muốn anh biết hết nên mới mượn tay em - một người biết vừa đủ để đưa thông tin cho anh." Trâm Anh bỏ khô bò vào miệng, cười nhạt, "Đối với Thịnh thì lượng thông tin em có hẳn là vẫn trong vùng an toàn đi."
Nhân im lặng một thoáng rồi cảm khái, "Hai anh em các em thực sự khiến anh phải mở rộng tầm mắt về mối quan hệ anh em nhà giàu đấy."
"Nghe rất kiểu... tính toán nhau nhỉ?" Trâm Anh thở dài, "Em cũng chả thích thế đâu, nhưng ai bảo Thịnh không có tình người."
Cô vứt lon bia thứ ba vào thùng rác, vỗ tay vào nhau.
"Ô kê quay trở lại chuyện chính! Tầm một năm sau khi sinh em, mẹ Bích ly thân với ba. Ông ngoại không tán đồng cách hành xử của mẹ, bèn bảo ba... cái này em nghe kể thôi nhá, bảo là ba nuôi bồ bịch gì đó bên ngoài cũng được, sinh con đẻ cái gì gì đó mang họ Huỳnh cũng được, chỉ cần không ly hôn và đi bước nữa thì ông ngoại sẽ hậu thuẫn cho ba, sau này còn chia cho ba một phần tài sản nữa. Ba em không nói gì về vụ hậu thuẫn, chỉ bảo là còn tình nghĩa với mẹ Bích nên chưa có ý định ly hôn, nhưng nếu sau mà gặp người khác khiến ba thương hơn thì ba sẽ ly hôn, cũng không cần phần thừa kế của mẹ Bích."
Trâm Anh uống tiếp lon bia thứ tư, giọng kể hào hứng hơn, "Ai ngờ ba chưa kịp ly hôn thì mẹ Bích đã mất, rồi mới dẫn đến vụ giành quyền nuôi con đó. Căn bản vì có Thịnh nên ông ngoại mới không rút hết vốn, nhưng từ đó trở đi cũng không chống lưng cho ba nữa. Công ty ba giai đoạn đó cũng lao đao, sau đó thì có mẹ Ngà cùng ba vực dậy, thì nửa năm sau ba cưới mẹ Ngà. Hai ông bà tình cảm thắm thiết phết, sống mười mấy năm rồi vẫn như hồi xưa, rảnh rỗi là cùng nhau đi du lịch, bỏ em với Thịnh ở căn nhà hoang lạnh này... ôi..."
Nghe cô kể lại chuyện chính kịch gia đình như Penthouse kia, trong phút chốc Nhân thấy hơi loạn.
Chuyện nhà giàu nào cũng lằng nhằng thế à...
"Trâm Anh." Cậu bất đắc dĩ hỏi, "Chính xác thì năm nay em bao tuổi?"
"Hai mươi rồi anh. Em là Bạch Dương tháng 4 ó, sao dọ?"
"Em biết tất cả những thứ... này... sớm vậy à?"
"À thì ba em đào tạo em từ sớm mà. Mặc dù trên danh nghĩa thì Thịnh mang họ Huỳnh nhưng ba biết kiểu gì ông ngoại cũng sẽ sang tên một phần tài sản cho Thịnh, đấy là trong trường hợp Thịnh về nhập tịch gia phả họ Đoàn. Thế là từ nhỏ ba với mẹ Ngà đã đào tạo em rồi, em cũng đi thực tập ở công ty mẹ Ngà từ hồi cấp ba, cái đợt covid khủng hoảng kinh tế đó. À, em bén duyên làm food review từ độ đó luôn, cơ mà sau này chỉ làm như dạng sở thích thui. Thịnh cũng có làm dự án bên công ty ba nhưng đó là thứ yếu, cái chính vẫn là bên ngoại."
Trâm Anh ngừng một chút rồi nói tiếp, "Từ khi về nước Thịnh qua lại bên ông ngoại nhiều hơn. Họ Đoàn ở quê đông lắm, gần trăm người cơ em cũng chẳng nhớ rõ lắm, mỗi lần cỗ rằm là phải đến chục bàn. Nhưng nhánh chính thì chỉ có Thịnh là độc đinh nên ông ngoại mới ghim ba vụ giành quyền nuôi con. Thật ra thì hồi đó ông ngoại đã có phương án khác nhưng lại đổ bể nên đổ bệnh luôn. Gần đây chắc ông cụ cũng yếu đi nhiều nên mới hay gọi Thịnh về."
Nói đến đây, cô hơi nhún vai, "Em chỉ biết thế thôi, còn chi tiết như nào thì em chịu. Chắc là đang trong giai đoạn đấu đá tranh giành thừa kế gì gì đó rồi đấy. Ôi may mà ba em với mẹ Ngà không đẻ thêm, chứ nhà em mà có vài đứa nữa cũng mệt phết đấy."
Nhác thấy thời gian không còn sớm, cô bảo hôm nay nói vậy thôi rồi lên phòng mình. Nhìn bóng lưng cô khuất sau hành lang tầng trên, Nhân cụp mắt, ngồi lặng người một lúc rồi thu dọn mớ đồ ăn vặt Trâm Anh bày ra.
Không hiểu sao, đột nhiên cậu có một dự cảm rất tệ.
*
Hôm cắt băng khánh thành, Trâm Anh bảo Nhân chọn đồ rồi cùng cô đến spa làm đẹp. Thấy cậu ngớ người hỏi con trai cũng phải đi spa à, cô cười nắc nẻ.
"Thời đại nào rồi anh, làm đẹp không phân biệt giới tính."
Trâm Anh khoanh tay nhìn một lượt quanh tủ đồ, sau đó lấy vài bộ xuống ướm trên người cậu. Lúc ướm chiếc áo xẻ tà lên, đôi mắt cô hơi sáng lên.
"Bộ này đi."
Nhân thực sự bất lực.
"Sao lại là bộ đó?" Cậu không hiểu nổi.
"Siêu hợp với anh." Trâm Anh nhìn cậu, "Anh không thích à?"
"Không phải, anh chỉ thấy khó hiểu." Nhân kể ngắn gọn chuyện chọn đồ hôm lâu đó. Trâm Anh càng nghe càng cười hơn.
"Ôi... mắt thẩm mỹ của Thịnh chưa bao giờ làm em thất vọng."
Nhân hết nói nổi hai anh em họ. Trâm Anh chọn thêm một chiếc áo choàng phối bên ngoài, cộng thêm cả tất và giày da.
Trên đường đến spa, Nhân liếc xem đồng hồ. Lễ cắt băng diễn ra vào đầu giờ chiều theo giờ hoàng đạo, ngay trước cửa ra vào bệnh viện. Buổi lễ có phóng viên từ đài truyền hình về quay và phát sóng trên ti vi. Sau đó, ông Thành Phó tổng và các cán bộ sẽ di chuyển đến nơi tổ chức tiệc tối. Danh sách dự tiệc không nhiều, gồm một vài thành viên hội đồng quản trị, một vài cán bộ trung ương, các bác sĩ đầu ngành, trưởng khoa và một số bác sĩ liên thông cùng người quen. Tựu trung lại - theo lời Trâm Anh - thì đây là một bữa tiệc móc nối quan hệ.
"Các trưởng khoa thường sẽ dẫn con em họ đến làm quen ở những buổi tiệc thế này. Đa phần gia đình truyền thống Y khoa thì con em cũng sẽ theo nghề. Đến tuổi ba mươi thì các bác sĩ đều đã có chỗ đứng trong ngành, không còn chỗ cho người mới chen chân đâu. Kim tự tháp là mô hình vững chắc và cũng khắc nghiệt nhất mà."
Trâm Anh tám chuyện trong lúc làm tóc. Riêng về nội bộ ngành Y, Nhân còn hiểu nhiều hơn cô. Mà thực ra không chỉ riêng ngành Y mà bất cứ ngành nghề nào cũng thế. Chỗ đứng là thứ đã được sắp đặt sẵn kể từ lúc một đứa trẻ chào đời. Đại đa số thường sẽ đi theo lộ trình nhất quán, có chệch cũng sẽ không chệch quá xa. Càng lớn con người ta thường sẽ càng nhận ra tầm quan trọng của gia đình. Nếu không có chỗ dựa, người đó buộc phải liều mạng vươn lên mới đạt được một chút thành tựu mà người có chỗ dựa chẳng cần gắng sức là bao. Bởi vậy mới có cái nghịch lý rằng, càng vươn lên ta mới càng nhận ra khoảng cách của xuất phát điểm.
"Mà, em tò mò vụ này lâu rồi." Trâm Anh liếc cậu, "Không biết có nên hỏi anh không?"
Nhân bắc cho cô cái thang, "Chuyện gì mà đến Trâm Anh cũng phải đắn đo khi hỏi thế?"
"Anh không định học tiếp văn bằng hai để lấy bằng bác sĩ à?" Trâm Anh nhìn cậu qua gương, "Em thấy trình độ của anh không chỉ dừng lại ở đó."
Lại là một câu hỏi chí mạng khác của tiểu công chúa. Nhân thở dài, đáp qua quýt, "Chờ thêm vài năm nữa đi."
"Anh, thời gian sẽ không đợi anh."
Sau một hồi ngẫm nghĩ, Nhân thấy vẫn nên giải thích với cố.
"Giờ muốn học lên tiếp thì anh có thể sẽ phải nghỉ công việc hiện tại hoặc chuyển ra làm ngoài biên chế. Quá nhiều rủi ro thu thập, mà quỹ tài chính của anh vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Nên là, chờ thêm một hai năm nữa đi."
Trâm Anh im lặng một chút rồi lắc đầu, "Tiền bạc."
"Ừ." Nhân nhìn bản thân mình trong gương, "Tiền rất bạc. Từ nhỏ anh đã biết, tri thức cũng phải dùng tiền mua. Để đi học cần tiền, càng học cao càng cần rất nhiều tiền. Nhất là khi em theo đuổi học thuật, nghiên cứu, mỗi thí nghiệm em làm đều quy đổi bằng tiền. Đương nhiên nhà nước có nhiều quỹ học bổng và tạo điều kiện khuyến học, hồi cấp ba anh gần như không mất chút học phí nào. Nhưng còn các quỹ khác thì sao? Tiền đồng phục, quỹ lớp, nếu em hoạt động câu lạc bộ thì phải đóng cả quỹ câu lạc bộ. Rồi mỗi khi dự thi bất cứ giải gì em đều cần đóng phí, học tuyển càng cần lo nhiều chi phí hơn, mà tiền thưởng chưa chắc đã bằng tất tần tật các loại phí đó."
Bản thân Nhân cũng đâu muốn mình thực dụng, chi li như thế. Nhưng cậu chẳng còn cách nào khác. Cậu lớn lên trong hoàn cảnh nhận thức quá rõ ràng giá trị của đồng tiền.
"Nói thẳng ra, học hành là một loại canh bạc mà em biết chắc mình sẽ thua lỗ khi đầu tư vào."
"Cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ.¹" Trâm Anh thở dài, "Ba em từng bảo, cho con cái đi học là một loại đầu tư dài hạn. Em từng nghĩ mình rất hiểu lời ba nói, nhưng giờ em lại thấy, mình chưa hiểu đủ."
"Thôi đừng thở dài, cũng đừng hiểu quá. Càng hiểu càng sầu não đấy." Nhân cười, chuyển một chủ đề khác, "À mà, bao giờ Thế từ bên ngoại về vậy?"
"Em cũng không rõ. Lần lâu nhất ảnh mất tích cả nửa tháng, điện thoại thì không gọi được nên em cũng kệ."
"Sao lại không mang theo điện thoại nhỉ?" Nhân băn khoăn.
"Không chỉ điện thoại, hình như là cấm mọi thiết bị, em nhớ còn có cả máy rà soát đồ điện tử ấy. Chắc là sợ bị ghi âm cuộc trò chuyện. Ông ngoại em ở trong quân ủy nên rất..."
"Quân ủy?" Nhân sửng sốt đến mức ngắt lời cô. "Ý em là... chỗ cơ quan lãnh đạo...?"
"Ừm hứm, chết chửa em chưa nói anh hỏ? Em cứ tưởng nhắc đến họ Đoàn ở Phủ Lý là anh sẽ tra cứu ra rồi. Ông ngoại em tên Đoàn Thế Tập. Anh tra phát kiểu gì cũng ra." Trâm Anh nói xong thì tặc lưỡi, "Hầy, giờ Tết nhất em còn chẳng về bên đó. Nói tên ông nghe ngượng mồm ghê."
Theo lời cô, Nhân mở điện thoại tra thử cái tên kia.
Tra xong, cậu như kẻ mù rơi nhầm lỗ châu mai, tanh bành xác pháo.
*
Tài xế đưa hai người tới sảnh khách sạn. Trâm Anh hẹn thời gian đón xong thì khoác tay Nhân bước vào. Cô cao hơn mét sáu, đi giày cao gót nữa là mét bảy, đứng cạnh người mét tám như Nhân trông rất vừa vặn. Hai người, một trang phục trắng be, một váy lụa sa tanh, đứng dưới ánh đèn càng thêm lóa mắt.
Nhân đưa thiệp mời cho nhân viên rồi cùng Trâm Anh vào trong hội trường. Lúc họ đến, các cán bộ đều đã rời đi, chỉ còn bác Thành Phó tổng đứng đó trò chuyện với vài cổ đông. Trâm Anh khoác tay "anh trai" đến chào hỏi ông, thuần thục thăm hỏi xã giao một hồi.
Có Trâm Anh ở đó, cậu chỉ cần chào xã giao vài đôi câu cho có lệ, còn lại để "em gái" cân tất. Nghe cô thoải mái xưng "cháu - bác" với ông, Nhân đủ biết mức độ thân thiết của hai bên. Bác Thành Phó tổng nói thêm một lúc nữa rồi bảo hai đứa cứ tận hưởng bữa tiệc, sau đó cầm ly rượu đến chỗ một nhóm bác sĩ ăn mặc nghiêm chỉnh.
Còn lại hai người, Nhân thở một hơi dài.
Trâm Anh liếc cậu, cười hỏi, "Thú vị không?"
Nhân lắc đầu, "Áp lực gần chết."
"Em không tin, trông anh bình tĩnh thế kia."
"Chỉ tỏ ra vậy thôi." Nhân theo thói quen định vuốt tóc mái trước trán, chợt nhận ra hôm nay cậu được tạo kiểu mái rẽ ngôi hai bên giống Thế.
Chưa yên tâm lắm, cậu chỉ vào bên cằm, hỏi lại, "Nốt ruồi vẽ giống thật không? Nếu anh ăn uống thì không bị nhòe chứ?"
"Tất nhiên là không! Anh đừng lo." Trâm Anh kéo cậu ra chỗ quầy buffet, "Hiếm lắm mới đi tiệc, anh tận hưởng chút đi!"
"Trông em có vẻ rất hào hứng nhỉ?" Nhân nhìn quanh hội trường, "Toàn người lớn tuổi mà em vẫn tự nhiên được, giỏi thật!"
"Em quen rồi, từ bé đã rất hay trò chuyện với người lớn tuổi."
Trâm Anh vừa gắp đồ vừa nói chuyện. Gọi là đi tiệc, nhưng đa phần mọi người không tới đây để ăn uống. Nhân với Trâm Anh cũng đã lót dạ từ trước, chỉ ăn đủ no rồi thôi.
"Mà, phục vụ rượu đâu rồi nhỉ?"
Nghe Trâm Anh hỏi, Nhân lia mắt tìm người bưng khay rượu.
Chợt, ánh mắt cậu dừng lại trên một người phụ nữ trung niên. Ngay gần đó là một người phục vụ rượu.
Thấy rõ ngoại hình mỹ miều và đôi mắt xanh đặc trưng, Nhân lập tức liếc Trâm Anh. Cô cũng vừa lúc nhìn sang, xem chừng khá sửng sốt với sự xuất hiện của cậu chàng.
"Em không...!" Cô lập tức phân bua, "Từ hôm đó em cắt đứt liên lạc với cậu ta, cũng ngừng mọi giao dịch rồi. Làm sao em biết cậu ta lại chạy đi làm thêm ở khách sạn này chớ!"
Nhân thấy hơi buồn cười trước tình huống tréo ngoe này.
"Đừng gấp, anh đã bảo gì đâu." Cậu cười khẽ.
Trâm Anh nhìn cậu, không đáp lời. Cô phát hiện, nét cười của Nhân hơi khác với bình thường, ánh mắt cũng lạnh nhạt hơn. Biểu cảm kia, nhìn kỹ thì có một chút cảm giác tương đồng với Huỳnh Thịnh Thế.
Phát hiện ánh mắt đặt lên mình, phục vụ kia liếc về bên này, thoáng sững sờ. Có lẽ do luống cuống quá mức nên cậu ta nghiêng tay. Ly rượu rơi xuống, vỡ ngay trước chân vị phu nhân.
Nghe tiếng vỡ, có mấy vị khách đang nói chuyện đồng loạt quay lại. Cậu phục vụ thấy vậy liền vội vã đặt chiếc khay lên bàn.
"Quý khách thứ lỗi, cháu sẽ dọn dẹp ngay!"
Thấy cậu chàng cúi xuống nhặt mảnh thủy tinh vỡ, Nhân thoáng nhíu mày.
"Anh ra đây chút."
Cậu đưa Trâm Anh đĩa đồ ăn, chỉnh lại đồng hồ một chút rồi bước về phía hai người kia.
"Hoàng Khiêm." Nhân gọi, song mắt không đặt lên phục vụ mà đặt lên quý bà.
Trong thoáng chốc, gương mặt vị phu nhân sa sầm.
Ngay khi người phụ nữ ngoảnh về phía cậu, Nhân dời mắt đến người phục vụ. Cậu chàng nghe thấy người gọi tên mình bèn ngẩng lên, trông thấy cậu thì bối rối.
"Anh..."
"Thịnh Thế." Nhân cắt ngang lời cậu ta, mắt liếc về phía cô em gái hờ đang đứng không xa. "Cậu từng gặp tôi một lần. Tôi là anh trai Trâm Anh."
Không rõ Hoàng Khiêm bắt được tín hiệu của cậu hay thực sự coi cậu là Thế, cậu ta vội gật đầu.
"Anh Thế, em nhớ."
Nhân cúi xuống, ngăn cậu chàng chạm vào đám thủy tinh vỡ trên sàn.
"Đừng dùng tay không, lấy chổi quét đi."
Hoàng Khiêm nghe vậy thì nhanh chóng chạy đi lấy chổi quét. Nhân không quan tâm cậu ta nữa, mắt hướng về mục tiêu trò chuyện thực sự.
"Xin lỗi cô." Nhân cố ý gọi người phụ nữ trung niên theo lối xưng hô trẻ hơn tuổi thật của bà, giọng lễ độ, "Cô không bị mảnh vỡ rơi vào chân chứ?"
"Không sao." Đôi mắt sắc bén của phụ nữ chằm chặp nhìn cậu, "Cậu... Thịnh Thế đúng không?"
"Vâng, cháu là Huỳnh Thịnh Thế, đến cùng em gái Huỳnh Trâm Anh." Nhân hơi liếc về phía Trâm Anh, môi treo nụ cười rất nhạt. Cậu chìa tay ra trước.
"Hân hạnh được gặp cô, bác sĩ Oanh."
Người phụ nữ nhướng mày, không bắt tay với cậu mà hỏi lại, giọng điệu ngờ vực.
"Cậu biết tôi?"
Trước thái độ bất hảo của người phụ nữ, Nhân không vội thu tay mà nghiêng người lấy ly rượu trên bàn.
"Bác sĩ trưởng khoa Nội - Hồi sức Thần kinh được bổ nhiệm ở bệnh viện, cô Trịnh Hoàng Oanh." Cậu mỉm cười, hơi nhìn về phía người đàn ông trung niên đang trò chuyện với rất nhiều người.
"Ba cháu khá thân với bác Thành Phó tổng nên cháu cũng biết cơ cấu trưởng khoa mới được bổ nhiệm đến bệnh viện mới. Dù sao cũng là dự án bệnh viện tuyến đầu Trung ương, vai trò của các cô bác đều rất quan trọng đấy ạ."
"Cậu cũng là bác sĩ?"
Nhân khẽ lắc đầu, "Cháu đang làm ở công ty điện tử của ba."
"Ồ." Người phụ nữ trung niên nhàn nhạt nói, "Trông cậu rất giống một người tôi quen."
"Thế thì đúng là duyên rồi cô." Nhân gật đầu với bác sĩ Oanh, "Cháu còn có chút việc, không quấy rầy cô nữa."
Vừa xoay người đi được nửa bước, Nhân nghe người phụ nữ cất giọng phía sau.
"Cậu Thế này." Thấy cậu ngoảnh lại, bác sĩ Oanh bình tĩnh hỏi, "Cậu có quen người nào tên Đoàn Thế Nhân không?"
Nhân không trả lời trực tiếp mà hỏi lại, "Người đó sao vậy ạ?"
"Người đó trông rất giống cậu." Bác sĩ Oanh nheo mắt, giống như đang tìm tòi điều gì từ cậu, "Rất giống, y hệt song bào. Ban đầu tôi còn tưởng cậu là cậu Nhân đó."
Nhân ngừng lại nửa giây, như thể ngạc nhiên, rồi bật cười.
"Cô làm cháu tò mò rồi đấy. Biết đâu ngoại trừ em gái, cháu còn có một đứa em thất lạc nào khác không chừng."
Cậu liếc đồng hồ đeo tay rồi gật đầu lần nữa.
"Xin phép cô ạ."
Lần này người phụ nữ không nói gì thêm. Nhân cầm ly rượu trở về chỗ Trâm Anh, thấy cô tỏ ý không đồng tình.
"Anh cần gì phải giải vây cho Hoàng Khiêm. Cậu ta cũng không đến nỗi bị đánh mắng gì đó đâu, cùng lắm chỉ bị quản lý khiển trách."
"Không phải, anh giết gà dọa khỉ chút thôi." Nói xong cậu mới nhận ra mình lại dùng không đúng thành ngữ.
"Hả? Giết ai dọa ai?"
"Bác sĩ Oanh đó." Nhân cười nói, "Là mẹ Hoàng Khiêm."
Trâm Anh trợn tròn mắt, vài giây sau mới nảy số Hoàng Khiêm trong câu chuyện là người bạn đã mất của Nhân. Cô liếc về phía người phụ nữ, ghé sang thì thầm.
"Anh dám trò chuyện với bác ấy à?"
"Anh đang là Huỳnh Thịnh Thế mà, sao không dám." Nhân uống một ngụm rượu nhỏ, "Dù sao người bác ấy cũng chỉ biết mỗi Đoàn Thế Nhân."
"Anh liều quá đấy. Thế hai người nói gì?"
"Nói chuyện xã giao thôi, Trâm Anh đừng lo." Nhân tỏ ra hóm hỉnh, "Anh không làm gì tổn hại thanh danh anh trai em đâu."
"Em không sợ anh tổn hại, em chỉ cảm khái Trái Đất tròn." Trâm Anh tặc lưỡi, "Không ngờ mẹ anh Khiêm cũng là bác sĩ."
"Ừ, hồi đó bác ấy là trưởng khoa bệnh viện tỉnh chỗ anh. Qua mấy năm, giờ bác ấy đã thành trưởng khoa bệnh viện trung ương rồi." Nhân lơ đễnh kể, "Sau lần bác ấy đến trường anh làm loạn, bố anh phải đưa anh đến tận nhà xin lỗi bác ấy. Một ngôi nhà rất rộng, chỉ có mỗi bác ấy sống với Hoàng Khiêm. À, cậu ấy theo họ mẹ. Em biết khi gặp mặt bố con anh, bác ấy nói thế nào không?"
Cậu nói xong liền tự trả lời luôn, "Bác ấy bảo, nếu bố anh muốn xin lỗi thì hãy giao anh cho bác ấy nuôi thay thế cho đứa con đã mất."
Trông biểu cảm nhăn nhó trên gương mặt Trâm Anh, Nhân cũng buồn cười thay.
"Điên vãi nhỉ. Lúc đó cậu ấy mới mất được hai tuần, bác ấy còn chưa gỡ khăn tang. Anh không hiểu rốt cuộc bác ấy đã nghĩ gì nữa." Nhân uống thêm một ngụm rượu nữa, "Sau đó bố anh với bác ấy nói chuyện riêng. Không biết bố anh đã nói gì để bác ấy từ bỏ ý định kia oái oăm kia. Bác ấy chỉ nói nếu sau này anh học Y thì đừng nên về chỗ bác ấy làm, không anh sẽ bị đuổi cổ. Vậy đấy."
Trâm Anh im lặng nửa giây rồi cất tiếng, "Vừa nãy, anh cố ý gọi tên Hoàng Khiêm."
"Không gì qua được mắt em." Nhân đặt ly rượu còn một nửa lên bàn, cười nói, "Uống hơi nhiều rồi, anh ra ban công hóng gió."
Dứt lời, cậu không đợi Trâm Anh trả lời đã quay gót ra phía ban công. Đẩy cửa, Nhân lách người qua, vừa cởi chiếc cúc áo sát cổ vừa hít một hơi.
Hội trường khách sạn nằm ở tầng cao, không gian thoáng đãng. Nhìn ra xa có thể thấy những tòa cao ốc sáng đèn và tiếng xe cộ lãng đãng vọng đến. Trong hội trường, người người vẫn đang trò chuyện. Những thanh âm sôi động luôn khiến cậu cảm thấy mình đang sống đó bẵng nhiên như trôi xa. Nhân ngẩng nhìn trời đêm mùa hè, cảm tưởng như cậu đã thấy được vài ngôi sao.
Liệu con người sau khi chết có thực sự hóa thành vì sao không nhỉ?
Ngẩng nhìn đủ, Nhân lại nhìn xuống dưới ban công. Phía dưới tối tăm và sâu hút, cậu không thấy nổi bên dưới có gì. Liệu lúc Hoàng Khiêm từ trên cao trông xuống, cậu ấy có thấy như cậu đang thấy bây giờ không? Rằng tất thảy chỉ là một mảnh mịt mùng?
"Đừng nhìn xuống dưới, anh đã bảo thế nào rồi?"
Dường như, Nhân cảm thấy có gió thổi qua vai cậu. Ngoảnh lại, cậu chẳng hề ngạc nhiên khi trông thấy Duy Đức. Anh mặc vest đen trang trọng, trên tay cầm một ly sâm panh, bước về phía cậu.
"Chào buổi tối, Thế Nhân." Đôi mắt phía sau cặp kính ôn hòa nhìn cậu.
"Mới không gặp mấy tháng, cậu lại thay đổi rồi."
¹ Trích trong "Một chuyện xuvơnia" của Nam Cao. Nguyên văn là, "Trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro