Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bình giảng Tống biệt hành - Thâm Tâm

Chuyên đề: Tống biệt hành (Thâm Tâm)

Thứ Tư, 13/04/2011, 04:19 CH | Lượt xem: 1176

Về bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm / Bình giảng khổ thơ đầu bài "Tống biệt hành" của Thâm Tâm / Bình giảng bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm.

Về bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm

Bài làm

Tống biệt hành của Thâm Tâm mới được tuyển vào sách giáo khoa Văn 11 CCGD. Tuy là bài thơ rất nổi tiếng nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách lí giải hợp lí, thuyết phục cả về nội dung lẫn ngôn ngữ, cấu tứ của nó. Trong một tài liệu mới in gần đây, có ý kiến cho rằng: "Ta có thể khẳng định: người ra đi ở đây chính là người chiến sĩ cách mạng, giã nhà lên đường đi chiến đấu" (có thể là lên chiến khu, khi đó đã thành lập ở Việt Bắc và trở thành một nơi bí mật và thiêng liêng, hấp dẫn đối với mọi người thời ấy). Trong một sách bình thơ khác, cũng mới in chưa lâu, thì lại có ý kiến trái hẳn: "Chí nhớn mà đường nhỏ, cuộc đi chưa thấy có căn cứ gì cho nghiệp lớn ngoài sự hăng hái tinh thần... ở lại thì bế tắc nhưng ra đi thì chưa thấy gì là tươi sáng, nó tự nhủ bằng cái vẻ bi hùng của Kinh Kha bên sông Dịch thì cũng chẳng lừa được chính mình. Mấy câu thơ kết, lòng người như sụp xuống, cả kẻ tiễn lẫn người đi, tuyệt vọng đến hư vô...". Rõ ràng, người đi ở đây được hiểu thành một kẻ tầm thường có nét gần như một vai phản diện! Hai ý kiến này đều thiếu sức thuyết phục, nặng về suy diễn. Căn cứ vào cuộc đời và sáng tác thơ của Thâm Tâm, có thể đoán định người đi là người cách mạng, nhưng nhìn lại văn bản bài thơ thì đã có dấu hiệu gì để cho ta nhận chắc điều ấy? Còn ý kiến thứ hai thì chẳng thấy có căn cứ gì để phán đoán rằng người ra đi tự lừa dối mình mà không lừa được, lại còn "lòng người như sụp xuống, cả kẻ tiễn lẫn người đi, tuyệt vọng đến hư vô..." nữa! Rất có thể nhà phê bình thuận theo thói quen phê bình thơ lãng mạn lâu nay, đã hiểu chệch ngôn ngữ nghệ thuật của bài thơ.

Quả thật bài Tống biệt hành không dễ giảng. Từ ngữ trong câu dồn nén, có nhiều tỉnh lược, giữa các dòng thơ có nhiều khoảng trống, tạo thành một vẻ ám ảnh bí ẩn, không dễ gì thuyết minh cho thông. Chẳng hạn câu: "Đưa người, ta chỉ đưa người ấy - Một giã gia đình, một dửng dưng", mới đọc qua tưởng là một kẻ giã gia đình, một kẻ dửng dưng, nhưng không phải. "Một" đây là khăng khăng, nhất quyết: nhất quyết bỏ nhà ra đi, nhất quyết không được xúc động. Lại như câu "Chí nhớn chưa về bàn tay không - Thì không bao giờ nói trở lại - Ba năm mẹ già cũng đừng mong". Có nhiều chỗ tối nghĩa, phải thêm chữ vào mới hiểu được. Chẳng hạn, chí lớn: chưa về (nếu) bàn tay không. Chưa thành công thì đừng nói chuyện trở lại. Nhưng vẫn khó hiểu: tại sao lại "ba năm... cũng đừng mong"? Hay như câu "Khuyên nốt em trai dòng lệ sót" có thể gây cảm tưởng là đời chị nhục nhằn, khóc suốt tuổi thơ, còn thừa chút lệ đem khóc em nốt. Có bản chép là "dòng lệ xót" thì nghĩa lại khác nữa. Đúng như Vũ Quần Phương nhận xét: chữ nghĩa, câu thơ như không dính nhau.

Đối với bài thơ như bài này, theo chúng tôi, trước hết nên tìm hiểu cấu tứ bài thơ để hiểu nó nguyên phiến, toàn vẹn. Còn câu chữ bài thơ, nói như Triệu Chấp Tín đời Thanh, chỉ là cái râu, cái vẩy của con rồng đang bay hiện ra ngoài đám mây mà thôi, không thể đầy đủ được. Bài thơ này là lời của người đưa tiễn nói về người ra đi, còn người ra đi từ đầu chí cuối dường như không phát biểu điều gì. Nhưng người tiễn rất hiểu người đi và chỉ nhờ sự bộc lộ cảm xúc của người tiễn mà hình ảnh của người đi hiện lên mạnh mẽ, cao cả, một con người quyết dứt bỏ tình riêng ra đi vì chí lớn. Như vậy trong bài này trực tiếp chỉ xuíât hiện cảm xúc, suy nghĩ của người tiễn. Tình cảm người đi hiện ra gián tiếp. Mặc khác, tình cảm hai người này có khác nhau: một người buồn bã, đau đớn, nhưng vẫn dứt áo ra đi, một người muốn tiễn đưa một chinh phu truyền thống, nhưng thực tế chỉ có con người thời đại. Vì vậy, mọi sự đồng nhất tình cảm của hai người làm một để bình luận đều thiếu cơ sở. Rất có thể đây chỉ là một cuộc tiễn đưa được tưởng tượng, cả người đi lẫn người được tiễn thực ra đều là do Thâm Tâm hư cấu trên cái nền tình cảm của nhà thơ. Song trong bài thơ đã dựng lên hai hình tượng với chức năng biểu hiện khác nhau, thì ta nên hiểu bài thơ theo cấu trúc biểu hiện của nó. Bài thơ nhìn ngoài thì là thơ trữ tình, nhưng trữ tình không phải là mục đích. Nó chỉ là phương tiện để dựng lên hình ảnh ngựời ra đi. Thiếu sự phân biệt chính - phụ, trực tiếp - gián tiếp, chủ - khách thì khó mà tránh được nhầm lẫn.

Bốn câu đầu cực tả nỗi lòng xao xuyến, ảm đạm bất ngờ của người đưa tiễn - không có sóng mà có sóng, trời đang chiều mà mắt đã nhuốm hoàng hôn. Đây đúng là một tình cảm mới, bất ngờ, chưa dự kiến trước đối với người tiễn. "Đưa người, ta chỉ đưa người ấy": một chinh phu đúng với dáng điệu chinh phu: "Một giã gia đình, một dửng dưng - Li khách! Li khách! con đường nhỏ - Chí nhớn chưa về bàn tay không - Thì không bao giờ nói trở lại! - Ba năm mẹ già cũng đừng mong". Các chữ: "một", "một", "không", "đừng" cực tả tính dứt khoát, cắt đứt mọi tình cảm thông thường của con người. Đoạn thơ thiên nói về ý tưởng ban đầu của người tiễn về người ra đi hơn là miêu tả thực tế của người ra đi trong cuộc tiễn đưa này.

Phần còn lại của bài thơ là sự hồi tưởng của người đưa tiễn để hiểu sâu hơn về người ra đi:

Ta biết người buồn chiều hôm trước,

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

Một khị, hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Mùa hạ là mùa của sen. Hai người chị đẹp như sen mùa hạ, khóc hết nước mắt mà không giữ được em ở nhà. Vậy là hiểu thêm ý chí sắt đá của người đi, tuy có buồn nhưng không lay chuyển:

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Trời đẹp, em thơ ngây, biết bao thương tiếc. Người ra đi không phải vì đói nghèo, vì bất hòa, mà thuần tuý chỉ vì chí lớn. Đó là con người nam nhi mà nhi nữ thường tình đã không còn sức trói buộc:

Người đi? nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay,

Chị thà coi như là hạt bụi,

Em thà coi như hơi rượu say!

Người tiễn đã hiểu đến tận cùng người đi. Anh đã ra đi như một đấng trượng phu: chí lớn coi nặng như núi Thái; mẹ già, chị gái, em thơ đều coi nhẹ như lông hồng. Không một dấu hiệu nào cho ta thấy "ở lại thì bế tắc, nhưng ra đi chưa thấy gì tươi sáng cả". Đó là sự lặp lại lối suy diễn về văn thơ lãng mạn một thời mà thôi. Xin đừng tìm ở bài thơ này sự ngợi ca một lí tưởng cụ thể nào đó, bởi đó không nhất thiết là điều phải nói trong thơ. Cũng đừng tìm ở đây sự tố cáo hiện thực nào đó. Bài thơ chỉ qua cuộc tống biệt mà thể hiện một sự lựa chọn bi kịch của con người không muốn sống tầm thường, đuổi theo chí lớn. Nhưng người đi không hề là cái máy thô sơ, mà là một con người: anh buồn chiều hôm trước, lại buồn sáng hôm nay, tràn trề thương tiếc. Anh hầu như không hề dửng dưng! Anh ra đi như một sự hi sinh chính những người ruột thịt của mình. Mỗi chữ "thà" trong câu thơ: "Mẹ thà coi như", "Chị thà coi như", "Em thà coi như", đều biểu thị một sự lựa chọn. Một sự lựa chọn không dễ chút nào. Chọn bề nào cũng không tránh khỏi mất mát đau đớn. Lời thơ phải có chút lên gân để vươn lên bản thân mình. Nhưng dù thế nào, tình cảm thực của người ra đi vẫn được biểu hiện ra. Bài thơ vì vậy thấm đậm tình người, không hề một chiều, giản đơn.

Hành là thể thơ thịnh hành ở Trung Quốc vào thời Hán Ngụy, Lục Triều, có cội nguồn từ trong Nhạc phủ. Đặc điểm của nó là tự do, phóng túng, lớn, nhỏ, dài, ngắn đều không cố định. Lời thơ thường là lời nói làm cho cái chí trong bài hiện ra lồ lộ. Tống biệt hành của Thâm Tâm vận dụng các đặc điểm đó. Câu thơ bảy chữ tự do, đầy câu hỏi, câu nói, nhiều trùng điệp, vần trắc, vần bằng xen nhau tạo thành giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, ngang tàng, vừa cổ điển, vừa hiện đại.

GS. Trần Đình Sử

(Báo Giáo dục và Thời đại, số 28 ngày 7/10/1992)

Bình giảng khổ thơ đầu bài "Tống biệt hành" của Thâm Tâm

Bài làm

Biệt li luôn là nỗi đau khổ lớn nhất của con người. Trong kho tàng thi ca của nhân loại đã có rất nhiều bài viết về đề tài tống biệt như:

"Đừng là thuyền trên sông

Thuyền chở người li biệt

Đừng làm trăng trên sông

Trăng chiếu người li biệt".

Cũng chọn đề tài này và viết theo thể hành - một thể thơ cổ phong, nhưng Thâm Tâm không chỉ bộc lộ tình cảm xúc động của người đưa tiễn và người người ra đi, mà còn khắc sâu ấn tượng trong lòng người đọc về một cuộc chia li hiếm có. ấn tượng ngay từ những dòng đầu của khổ đầu bài thơ, chúng ta thấy ẩn sâu trong giọng thơ cứng cáp, phảng phất hơi thở cổ có chút gì đó bâng khuâng khó hiểu của thời đại - những năm tiền khởi nghĩa:

"Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong".

"Tống biệt hành" là một áng thơ hay, Tô Hoài đã từng nói: "Nó mang tâm sự của người cầm bút của thời đại, giữa khi cả đất nước và dân tộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945 vĩ đại". Tuy nhiên cho đến nay bài thơ đang còn đặt ra rất nhiều tranh luận trong giới phê bình; đặc biệt là xung quanh vấn đề người ra đi là ai và đây thực chất là cuộc chia li giữa ai với ai. Có tài liệu cho rằng: "Người ra đi ở đây là một chiến sĩ cách mạng, giã nhà lên đường đi chiến đấu và đó là cuộc chia tay giữa người bạn ấy với nhà thơ". Lại có lời phê bình hoàn toàn trái ngược lại với ý kiến trên: "Chí nhớn mà đường nhỏ, cuộc đi chưa thấy có căn cứ gì cho nghiệp lớn ngoài sự hăng hái tinh thần... ở lại thì bế tắc, nhưng ra đi thì chưa thấy gì là tươi sáng, cái vẻ bi hùng của Kinh Kha bên sông Dịch thì cũng chẳng lừa được chính mình. Mấy câu thơ kết, lòng người như sụp xuống cả kẻ tiễn lẫn người đi đều tuyệt vọng đến hư vô...". Còn có biết bao cách lí giải khác nhau được đưa ra, nhìn chung đều là sự suy diễn từ cuộc đời và sáng tác của Thâm Tâm. Văn bản của bài thơ vẫn là cơ sở chính yếu để tìm ra cách giải thích hợp lí mà theo đánh giá của Vũ Quần Phương: "Chữ nghĩa, câu thơ như không dính nhau". Nếu không áp đặt quá công thức thì "Tống biệt hành" có thể chỉ là một cuộc tiễn đưa được tưởng tượng, cả người đi lẫn người đi tiễn đều là do Thâm Tâm hư cấu nên trên cái nền tình cảm của nhà thơ, chỉ là cuộc tiễn đưa giữa tác giả với chính cái "tôi" lãng mạn của mình.

Từ cổ chí kim, khi nói đến chia tay người ta nghĩ ngay đến sự có mặt của hai thực thể. Trong bài thơ "Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng" của Lý Bạch có sự xuất hiện của nhà thơ và "cố nhân":

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.

Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, khi Kiều tiễn biệt Thúc Sinh thì có mặt cả "người đi" và "kẻ ở":

Người lên ngựa, kẻ chia bào.

Còn ấn tượng đầu tiên "Tống biệt hành" mang đến cho bạn đọc là một sự khó hiểu giữa ý tứ và cách thể hiện. Nếu trong "Tống biệt hành" người ra đi và kẻ ở lại chỉ là một người thì trong bài thơ sẽ chỉ có một thực thể thế nhưng ngay từ những dòng đàu của bài đã thấy sự xuất hiện liền của hai thực thể: "ta" và "người".

Đưa người ta không đưa qua sông.

Sự khó hiểu ấy tự nhiên dẫn người đọc vào một cuộc chia li đầy ấn tượng hiếm có.

Các thi nhân xưa dù những bậc "Tiên thi" hay "Thánh thi" khi mô tả sự li biệt bao giờ cũng lấy bến đò, dòng sông làm biểu tượng:

   "Chia phôi khác cả mối lòng

Người như mây nổi kẻ trông bóng tà".

                   (Tiễn bạn - Lý Bạch)

   "Gạt hàng lệ lúc lên sông tiễn bước

Trời cao cao man mác nghĩ buồn thay".

                   (Tiễn Vi Phúng - Đỗ Phủ)

Tuy nhiên trong "Tống biệt hành" của Thâm Tâm là cuộc biệt li không phải diễn ra trên một dòng sông, hay một bến đò nào nhưng âm vang của tiếng sóng vẫn dội lên:

"Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng".

Một câu thơ hoàn toàn thanh bằng, đi liền sau là sự nổi lên của bốn thanh trắc: "có tiếng sóng ở" gợi lên trong mỗi người sự hình dung về hình ảnh của những con sóng của lòng đau đớn vì biệt li, thương nhớ cứ dâng trào lên đến cực điểm. Âm vang của tiếng sóng không được mô tả trực tiếp nhưng lại đầy sức gợi, đặc biệt là gợi lại trong ta buổi thái tử Yên Đan tiễn Kinh Kha qua dòng sông Dịch thuở nào. Tuy có sự khác nhau, một qua sông và một không qua sông, nhưng đều là những cuộc ra đi vì nghĩa lớn của những kẻ anh hùng xứng danh. Tráng sĩ Kinh Kha xưa lên đường để diệt giặc Tần, và người ra đi ở đây ắt hẳn cũng giống như Kinh Kha một đi không trở lại, khi:

"Chí lớn chưa về bàn tay không".

Buổi tiễn biệt đã buồn lại càng thêm phần buồn hơn, tăng cấp hơn khi ấn tượng chia li lại đặt trong thời điểm: chiều hoàng hôn.

Khi "bóng chiều không thắm, không vàng vọt" mà trong mắt đã nhuốm "đầy hoàng hôn". Màu của hoàng không không chỉ là màu của tâm tưởng kẻ ra đi vì buồn và lo bởi gia cảnh:mẹ - lá bay, chị - hạt bụi, em - hơi rượu say - mà còn là màu của tâm trạng thảng thốt không tin vào sự thực của người ở lại: "Người đi?  nhỉ người đi thực". Bóng hoàng hôn chỉ trong một đôi mắt mà chở được cả hai tâm trạng, hai nỗi nỗi niềm của kẻ ở người đi. Đây cũng là điều hiêm có trong một cuộc tống biệt.

Chỉ ngay từ những dòng thơ đầu, bằng những câu hỏi tu từ song hành hô ứng nhau:

- Sao có tiếng sóng ở trong lòng

- Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

bằng sự phối hợp thanh bằng - trắc đầy hàm ý, sự sử dụng các hình ảnh, điển cố điển tích cùng cách diễn đạt rất mới, Thâm Tâm đã bước đầu đưa bạn đọc vào không khí của buổi tiễn biệt hiếm có, đầy ấn tượng sâu sắc. Một cuộc tống biệt với sự cộng hưởng, giao thoa cảm xúc của hai nhân vật. Hai người nhưng một tâm trạng.

Hiếm có một tác phẩm tống biệt nào dù văng chương hay đời thực lại có được sự độc đáo ấn tượng như cuộc chia li trong "Tống biệt hành" của Thâm Tâm: "Nó đã làm sống dậy cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ... nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại". Bởi ở cái thời đại ấy những con người như Thâm Tâm đang bơ vơ không biết đi đâu về đâu và lúc nào lòng cũng thấy u uất, lòng yêu nước thầm kín và khát vọng "lên đường".

Nguyễn Thị Thu Hằng

12C2 PTTHCB Đào Duy Từ

Bình giảng bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm.

Bài làm

Thâm Tâm làm bài thơ Tống biệt hành để tiễn một người bạn ra đi vì nghĩa lớn. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đất nước bị thực dân Pháp thống trị, người làm thơ không thể nói rõ tam trạng thật của mình mà phải dùng cách nói lấp lửng. Tuy vậy, người đọc vẫn cảm nhận và thấu hiểu được không khí và ý nghĩa của toàn bài. Qua bài thơ, tác giả đã kín đáo gửi lòng yêu nước vào tình cảm yêu mến và ngưỡng vọng đối với người chiến sĩ Cách mạng dám hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trước hết là nhan đề bài thơ. Tống biệt hành là tiễn đưa, hành là một thể thơ cổ điển của Trung Quốc vừa trữ tình vừa tự sự, tương đối tự do, không theo niêm luật chặt chẽ như thơ Đường (Tì bà hành). Tống biệt hành nói chuyện tiễn đưa.

Bốn câu thơ mở đầu thể hiện tâm trạng của người đưa tiễn:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Câu đầu toàn thanh bằng tạo nên không khí bâng khuâng xao xuyến. ở câu thứ hai nổi lên mấy thanh trắc tưởng như có tiếng sóng thật trong lòng và nghe trong tiếng sóng như có cả hơi lạnh của gió sông.

Tiễn đưa một người mà dùng chữ tống biệt, nghe mang máng dư âm ngàn xưa. Cho nên cuộc tiễn đưa cũng có khí vị xưa trong cách xưng hô ta với người và trong âm vang của từkhôngĐưa người ta không đưa qua sông; Bóng chiều không thắm không vàng vọt...Trong cái nền không ấy lại nổi lên cái có: có tiếng sóng ở trong lòng, có hoàng hôn đầy trong mắt trong.

Dòng sông, bến đò được người xưa sử dụng như là một biểu tượng của chia li. ở đây, cuộc chia tay không diễn ra nơi bến sông nên không có sóng làm tác nhân gợi nỗi buồn li biệt, nhưng vẫn có tiếng sóng ở trong lòng. Sự ra đi của một con người dám trả lời khôngcho cả cuộc đời bình an, đó là khí phách, là dám đánh đổi cuộc sống bình yên lấy gian khổ, hi sinh, người tiễn đưa làm sao không nổi sóng trong lòng, những con sóng âm thầm không thành tiếng, sóng cảm phục, sóng thương yêu.

Buổi chiều chia tay cũng bình thường như bao chiều khác, không có gì đặc biệt: Bóng chiều không thắm không vàng vọt nhưng ánh hoàng hôn lại đọng đầy trong mắt kẻ ra đi.Hoàng hồn trong mắt là buồn và lo. Ra đi dù đã quyết trong lòng nhưng cũng không khỏi buồn và lo, nhất là lo cho người ở lại.

Khổ thơ đượm một nỗi buồn nhưng là nỗi buồn lành mạnh và chính đáng của con người. Để thể hiện nỗi buồn này, Thâm Tâm đã sử dụng những hình ảnh đẹp phảng phất hương vị cổ điển nhưng vẫn có phần sáng tạo riêng của mình (sóng lòng, hoàng hôn trong mắt...) và từ ngữ giàu khả năng gợi tả. Bên cạnh đó là nghệ thuật phối hợp âm thanh cũng như đặt lời thơ trong âm điệu nghi vấn: sao có tiếng sóng, sao đầy hoàng hôn... để tạo cảm giác xao xuyến, bồi hồi của buổi chia li. Đây là đoạn thơ hay và đẹp của bài thơ.

Vậy người ra đi là người nào?

Cả bài thơ có bảy lần lặp lại từ ngườiđưa người, đưa người, đưa người, người buồn, người buồn, người đi, người đi nhưng vẫn chưa giúp ta hiểu gì về người đó. Con người không tên tuổi, con người đang ẩn mình ấy lại là chủ thể trữ tình trong bài thơ. Con người mà vào thời điểm gần kề Cách mạng tháng Tám ấy được nhà thơ tặng cho một âm điệu có vang vọng hơi hướng tráng sĩ là Tống biệt hành:

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại

Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Li khách là cách gọi người đi với thái độ trân trọng. Con đường nhỏ là con đường mới mở, gập ghềnh, đầy nguy hiểm, nhưng đi vào đó là đi theo chí nhớn. Mà chí nhớn bấy giờ là đi theo Cách mạng đánh Nhật đuổi Tây, giành lại độc lập cho nước nhà. Nó đang chờ mong, đang thúc gọi. Mà đi lần này thì nhất quyết không về với hai bàn tay không, thậm chímột đi là không trở lại.

Như thế là đã rõ. Con người này ra đi cứu nước, cứu dân. Xông pha vào con đường ấy là cầm chắc tù đày, chết chóc. Và người đó đã tự trả lời mình bằng bao chữ khôngkhôngbịn rịn gia đình, là dửng dưng, nhằm vào con đường nhỏ kia mà đi, mà làm li khách, khôngxong chí nhớn thì không nói trở lại quê nhà, dù ba năm mẹ già cũng đừng mong. Từ chối tất cả để góp công sức vào sự nghiệp cứu nước. Không nói đến hi sinh nhưng thực tế là đã hi sinh, đã nhất quyết cắt bỏ bao nhiêu thiết tha quyến luyến trong con người mình.

Lẽ ra, người ở lại phải cứng lòng hơn mới xứng đáng với chí khí dù là thầm lặng của người đi, bởi bản thân con người ấy đã từ giã gia đình mà vẫn giữ thái độ dửng dưng. Nhưng đâu dễ cho người đưa tiễn vượt qua những cảm xúc thường tình của phút biệt li. Tuy vậy, khi đã rõ người đi là ai, chí hướng và khí tiết đặt vào đâu thì người đưa tiễn như ẩn mình để cho người ra đi hiện lên với những nét bản lĩnh: bàn tay không thì không bao giờ nói trở lại. Và xót đau cắn răng mà lạy mẹ già, dù ba năm hay dù bao năm cũng đừng mong, hãy coi như con đã chết.

Còn với chị em trong gia đình thì tình cảm của người  đi ra sao?

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,

Một chị, hai chị cũng như sen

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay,

Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Chiều hôm trước, người buồn, ta biết. Sáng hôm nay, người buồn, ta biết. Chia tay vào cuối mùa hạ, trong ao lác đác mấy đóa sen nở muộn. Người đi ước mong hai chị mình cũng tươi thơm bền vững như sen. Hai chị khuyên em dòng lệ sót. Buổi sáng tiễn đưa,giời chưa mùa thu tươi lắm thay. Em nhỏ nhìn anh với đôi mắt biếc mà lặng thầm cuộn tròn thương tiếc trong chiếc khăn tay. Người ra đi trong chí lớn, trong quyết tâm, với gia đình không chỉ một mực dửng dưng mà vẫn gửi lại cho mẹ, cho các chị, cho em những tình cảm tha thiết nhất, dù cố nén vào trong.

Và tất cả dồn lại, kết tinh lại thành mấy hình ảnh giản đơn mà vô hạn thấm thía ở cuối bài:

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say.

Người ra đi thực rồi, mọi điều quyến luyến vấn vương coi như chấm dứt. Người ra đi sẽ nhẹ mình, người ở lại cũng sẽ nhẹ lòng. Cấu trúc ba câu thơ lặp lại cùng một điệu buông xuôi, đã rồi, gần như bất đắc dĩ, không thể khác được: thà coi như, thà coi như, thà coi như... tưởng như là tiếng khóc òa mà cố giữ để không bật lên thành tiếng.

Chiếc lá vàng bay vèo rơi vào khoảng không mất tăm. Hạt bụi li tihơi rượu say chốc lát rồi qua. Tất cả đều coi như không có gì đáng kể. Con người là quý nhất. Nhưng hi sinh cứu nước thì càng quý gấp bao lần. Vậy mà người ra đi coi mình là không đáng kể. Không phải coi nhẹ mình mà là để an ủi người thân và khẳng định thêm quyết tâm ra đi.

Bài thơ chấm dứt trong âm điệu trầm lặng. Lời lẽ có chỗ gợi lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ, nhưng cái bâng khuâng khó hiểu của thời đại như nhận xét của Hoài Thanh thì đến nay ta đã thấu hiểu. Đó là bước dấn thân của tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ, tuy không qua sông mà đủ thứ tiếng sóng trong lòng phải át đi để bước tới, hòa nhập vào dòng người của Cách mạng tháng Tám sục sôi.

Trần Thị Thìn       

   Khi phân tích, bình giảng, tranh luận về Tống biệt hành của Thâm Tâm các bài viết thường quan tâm đặc biệt đến hình tượng người ra đi. Người ra đi là ai? Một chiến sĩ cách mạng? Một đấng trượng phu? Hay một chàng lãng tử? Người đưa tiễn cũng được nhắc đến nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó theo tôi mấu chốt bài thơ chính lại nằm ở người đưa tiễn. Ngay hình tượng người ra đi cũng chủ yếu được thể hiện qua lời của người đưa tiễn. Ở bày thơ này Thâm Tâm đã nhập thân vào người đưa tiễn. Người đưa tiễn vừa là nhân vật trữ tình vừa là đối tượng trữ tình. "TA" đang nói với "TA". "TA" đang nói với chính lòng mình. Vấn đề đặt ra là "TA" có quan hệ thế nào với người ra đi? Đó là chìa khóa để giải mã những khoảng trống, những nét mờ trong những câu thơ, đoạn thơ gây nhiều tranh cãi.

Nếu đọc lướt qua Tống biệt hành rất dễ ngộ nhận "TA" là một đấng nam nhi, bởi cái chất giọng rắn rỏi, gân guốc mà Thâm Tâm tạo nên trong bài thơ. Đọc kĩ lại, tôi nhận thấy ngoài chất giọng rắn rỏi, gân guốc, Tống biệt hành còn ẩn chứa một chất giọng khác rất sâu lắng, rất trữ tình và đầy nữ tính. Kiểu xưng "TA" và gọi người ra đi là "NGƯỜI" đã phần nào giúp tôi đoán được mối quan hệ của họ. Tú Xương đã từng nhắn gửi với người mình yêu: "Ta nhớ người xa cách núi sông..."; Nguyễn Du cũng từng để nàng Kiều tự dằn vặt mình: "Vì ta khăng khít cho người dở dang...". Qua giọng thơ trữ tình, qua cách xưng hô và chủ yếu là qua sự bộc bạch nội tâm trong Tống biệt hành cho tôi tin chắc rằng Thâm Tâm đã nhập vai bạn gái của người ra đi. Nàng rất hiểu, rất yêu chàng trai nhưng tình yêu đang còn dồn nén trong lòng. Chính sự dồn nén ấy đã tạo ra chất giọng trữ tình, sâu lắng rất khó nhận diện trong suốt bài thơ.

Hãy thử đọc lại bốn câu mở đầu: Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/ Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đôi "mắt trong" chứa đầy "hoàng hôn" kia chỉ có thể là mắt của phái đẹp! Nếu nói đây là mắt của "em nhỏ ngây thơ" thì không hợp với hai câu trên. "Tiếng sóng lòng" và "hoàng hôn" chỉ có "TA" nghe, "TA" thấy, "TA" ngạc nhiên và "TA" tự đặt câu hỏi với chính mình. Có người bắt bẻ: Sao "TA" lại thấy hoàng hôn trong mắt "TA" được? Xin thưa: "Tiếng sóng" và "hoàng hôn" ở đây đâu nghe bằng tai đâu thấy bằng mắt. "Tiếng sóng" và "hoàng hôn" không ở ngoài vào mà từ trong ra. Đó chính là nỗi vấn vương, nỗi buồn mênh mông của người đưa tiễn. Nàng ngạc nhiên chính vì mãi đến lúc đưa tiễn nàng mới cảm hết nỗi trống vắng trong tâm hồn khi biết rằng người mà mình thầm yêu, trộm nhớ ra đi khi không hẹn ngày trở lại. Nàng tự thú với lòng: Đưa người, ta chỉ đưa người ấy/ Một giã gia đình, một dửng dưng...

"Ta chỉ đưa người ấy" là một cách nói tránh rất tế nhị, rất kín đáo. Điều nàng muốn khẳng định với mình là: ta yêu người ấy! Có điều giữa ta và chàng chưa ai dám thể hiện ra bên ngoài. Cả hai cố làm ra vẻ "dửng dưng". Những người xung quanh không một ai biết "tiếng sóng" trong lòng và "hoàng hôn" trong mắt người đưa tiễn. Nàng mượn giọng của chàng nói với mẹ "Ba năm mẹ già cũng đừng mong". Thực ra nàng đang nói với chính mình. Nàng đang linh cảm về nỗi đợi chờ khắc khoải của người thân và cả của chính nàng. Ẩn sau câu thơ mạnh mẽ, dứt khoát kia là nỗi nhói đau của lòng người đưa tiễn. Nàng bộc lộ kín đáo quá nên ít người để ý. Nàng tiếp tục nói với mình:

... Ta biết người buồn chiều hôm trước

...

... Ta biết người buồn sáng hôm nay...

"Ta biết" chứ không phải "ta thấy". Nỗi buồn kia chàng có để lộ ra bên ngoài đâu mà có thể thấy. "Ta biết" là vì ta quá hiểu chàng, quá hiểu nội tâm của chàng. Phải là người tri âm, tri kỷ mới biết một cách sâu sắc như vậy. Biết, nên không những nàng cảm thương cho mẹ, cho các chị, cho em chàng mà còn cho chính nàng.

Khổ kết bài thơ vẫn là lời độc thoại của người đưa tiễn: Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay,/ Chị thà coi như là hạt bụi,/ Em thà coi như hơi rượu say.

"Người ấy" đã ra đi mà nàng vẫn không tin. Nhưng sự thực vẫn là sự thực! Sự thực ấy làm lòng nàng quặn thắt. Câu thơ chứa đựng nỗi niềm đầy luyến tiếc, đầy day dứt của người đưa tiễn. Nàng mượn lời chàng để thể hiện cái quyết tâm sắt đá của chàng. Nếu hiểu: xin mẹ hãy coi con như chiếc lá, xin chị hãy coi em như hạt bụi, xin em hãy coi anh như hơi rượu thì vừa không phù hợp với cấu trúc câu thơ lẫn ý đồ của tác giả. Cần phải phân biệt sự khác nhau của hai cách diễn đạt... Nếu người ra đi coi mẹ như chiếc lá, coi chị như hạt bụi, coi em như hơi rượu thì đúng là không lôgíc, không đúng với bản chất của chàng. Nhưng ở đây Thâm Tâm viết: "Mẹ thà coi"... "Chị thà coi"... "Em thà coi"... "Thà coi" có nghĩa là không muốn như vậy, nhưng buộc phải làm như vậy. "Thà chết chứ không chịu làm nô lệ!". Chết ai có muốn, nhưng sống trong nô lệ còn đau khổ hơn nên thà chết, thà hy sinh để giành cho được độc lập tự do! Chàng đâu có muốn xa mẹ, xa các chị, xa em, xa cái người đang yêu chàng tha thiết nhưng vì tiếng gọi của lý tưởng chàng đành hy sinh tất cả. Nên nhớ rằng đây không phải là lời của người ra đi mà là độc thoại nội tâm của người đưa tiễn. Nàng ý thức một cách sâu sắc sự hy sinh cao cả của chàng. Bởi thế nàng và gia đình chàng không hề trách móc, oán giận chàng. Tất cả những trạng thái tình cảm đó nàng dồn nén vào bên trong, nàng tự biết với lòng mình.

Không tìm hiểu mối quan hệ giữa người ra đi với người đưa tiễn, không đi sâu phân tích nội tâm của người đưa tiễn thì rất khó lí giải được một số câu thơ có vẻ "bí hiểm" trong Tống biệt hành.

MAI VĂN HOAN

 Thâm Tâm (1917-1950) sáng tác chưa nhiều, tuy nhiên, chỉ với “Chiều mưa đường số 5” và “Tống biệt hành”, tên tuổi ông cũng đã khắc sâu vào lịch sử văn chương nước nhà, như một nhà thơ nổi tiếng. Và có giọng điệu riêng, đầy ấn tượng!

    Bài thơ “Tống biệt hành”, thực ra cũng chỉ mới được tôn vinh trở lại từ khi có tư tưởng đổi mới. Hơn thế, nó còn được đưa vào sách giáo khoa, được nghiên cứu, bình giải, như một bài thơ đặc sắc của thơ ca tiếng Việt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó cũng là một sự công bằng lịch sử!

    Tuy nhiên, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, quả là một bài thơ có nội hàm phong phú. Đã xảy ra rất nhiều tranh biện về bài thơ này, cả về giá trị nội dung và nghệ thuật. Nhìn chung, cũng chưa hẳn là “xuôi chèo mát mái”, chưa hẳn người đọc người nghe đã tâm phục khẩu phục! Điều ấy cho hay, “Tống biệt hành” là một bài thơ chứa nhiều uẩn súc trong các hình ảnh, hình tượng thơ, trong cấu trúc thẩm mỹ, trong bối cảnh sáng tác…

    Ngay cái tên bài thơ, toàn là từ Hán Việt. Có người hiểu “Hành” ở đây là một thể thơ (Thể Hành). Nhưng nếu ghép đầy đủ cả ba từ Hán Việt này thành một cụm từ, thì đơn giản chỉ là “Tiễn biệt người ra đi”…Thế thôi!

    Vậy thì ai tiễn ai? Căn cứ vào bề mặt câu chữ “Đưa người ta không đưa qua sông”…thì có vẻ như tác giả bài thơ (Ta), cùng với gia đình (mẹ, một chị, hai chị và em gái) tiễn một người nào đó ra đi, một người bạn chẳng hạn, như tiễn biệt một tráng sỹ đi làm một công việc đặc biệt gì đó, vì nghĩa lớn, cao cả, ví như việc tiễn chàng hiệp sỹ Kinh Kha đi tiêu diệt Tần Thuỷ Hoàng, đã diễn ra ở bên Tàu cách đây mấy nghìn năm. 

    Tôi cho rằng, nhân vật trữ tình “Ta” với “Người” ở đây có lẽ chỉ là một. Nghĩa là “ta” cùng với gia đình tiễn biệt chính “Ta”, chứ chẳng phải là tiễn đưa một ai khác! Hãy đọc lại đoạn thơ mở đầu thử xem: “Đưa người ta không đưa qua sông/ sao có tiếng sóng ở trong lòng? / Nắng chiều không thắm không vàng vọt / sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”…

    Hãy khoan nói về nghệ thuật sử dụng các vần “bằng”, “trắc”, về nhịp thơ… để tạo dựng âm thanh, tiết tấu, gợi mở tâm trạng, gợi mở không gian bi tráng của đoạn thơ mở đầu, chỉ nói về bối cảnh tiễn đưa. Rằng “ta” tiễn một người ra đi, chẳng qua sông sâu biển rộng gì sất, mà nghe rõ như có tiếng sóng đang vỗ ào ạt trong lòng. Đấy là hỏi chính mình, đồng thời khẳng định đó chính là cảm xúc của chính mình, cảm xúc của một cuộc ra đi, linh cảm hình như là chẳng có ngày trở lại. Thế nên, đó là một cảm xúc buồn, mơ hồ buồn. “Nắng chiều không thắm không vàng vọt / sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” Nỗi buồn đã nhuốm vào cả thiên nhiên, đến như ráng chiều cũng giài giại đi, “không thắm không vàng vọt”, ấy thế mà người ra đi cũng nhuốm đầy hoàng hôn trong đôi mắt trong veo, ráo hoảnh của mình. 

    Đoạn thơ mở đầu đã thấy dự báo một cuộc chia ly vĩnh viễn, như một định mệnh. Xốn xang buồn, bi tráng, nhưng vẫn làm chủ được mình, bởi đã trải qua bao vật vã nghĩ suy, rồi mới đi đến một quyết định dứt khoát. Người đọc thấy nể trọng một nhân cách lớn, không dối mình, không dối người, không lãng mạn viển vông, cũng không lên gân to tát. Bởi đó chính là tiếng nói của trái tim, nhân bản! Hãy nghe người thơ chiến sỹ tâm sự:

    “Đưa người, ta chỉ đưa người ấy / một giã gia đình, một dửng dưng”…Thế là “ta” tiễn biệt chính “ta”, “ta chỉ đưa người ấy”, nên mới “một giã gia đình, một dửng dưng”. Một khi mục tiêu đã xác định, chí đã quyết, thì “chí lớn chưa về bàn tay không / thì không bao giờ nói trở lại”, thì “ba năm mẹ già cũng đừng mong”! Cảm giác như người ra đi đang bừng bừng nghĩa khí, bất giác thốt lên những lời ca tráng sỹ, như cố xua đi, gạt phăng đi những cảm xúc có phần yếu đuối đang len lỏi trong tâm hồn tuổi trẻ yêu đời. Đó cũng là một cảm xúc chân thành, không phải chỉ Thâm Tâm mới có. 

    Tuy nhiên, để có một quyết tâm cao độ, dứt khoát như vậy, thật không đơn giản chút nào. Hãy nghe tác giả trình bày:

    “Ta biết người buồn chiều hôm trước”, “Ta biết người buồn sáng hôm nay”. Thế nghĩa là buồn đã mấy ngày, trăn trở đã mấy ngày, chứ đâu phải đi vào chỗ hiểm nguy, vào chỗ có thể hy sinh mà bảo là tươi vui ngay cho được? Có lẽ người ra đi suy nghĩ lung lắm, phần thương mẹ già, em nhỏ, các chị gái chưa chồng, chiến tranh loạn lạc thế này, trai tráng ra đi hết cả, “bây giờ mùa hạ sen nở nốt”, biết đâu rồi “một chị hai chị cũng như sen”, nở rồi cũng sẽ tàn? Có thể các chị “khuyên nốt em trai” bằng những dòng lệ xót xa thương cảm, còn sót lại, sau khi đã chảy nhiều rồi. Còn cô em gái bé bỏng ngây thơ, thương anh, cũng chỉ biết “gói tròn thương tiếc”, gói lại những giọt nước mắt xót thương anh trong chính chiếc khăn tay bé nhỏ của mình…

    Cuối cùng, những buồn thương, những xót xa trong buổi tiễn đưa người ra đi rồi cũng tạm lắng dịu. Tác giả dường như vừa chợt tỉnh cơn mơ: “Người đi? ừ nhỉ người đi thực!”. Thế là đi thật rồi, chia ly thật rồi! Bao vật vã giằng xé, lại dồn nén, rồi bật ra những lời tâm sự chí tình. “Ly khách” dường như đang nói lời tâm huyết với mẹ, với chị và với em, xem như lời dặn dò sâu nặng: Với mẹ, thì xin mẹ hãy coi con như một chiếc lá, một chiếc lá xanh, một “chiếc lá bay”…Với chị, xin hãy cứ coi thằng em trai này như một hạt bụi trên đời, thân cát bụi lại trở về cát bụi, thế thôi. Còn với đứa em bé nhỏ “mắt ngây thơ”, tình cảm anh em, hãy xem đó chỉ là một thoáng tươi đẹp trong đời, “như hơi rượu say”, rồi sẽ dần nguôi quên…

    “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, như tôi thiển nghĩ, chỉ là bài thơ kiểu tự tình, tự đối diện với chính mình. Các hình ảnh, hình tượng thơ và cấu trúc hình thức, phải chăng, chỉ là cách biểu hiện độc đáo của tâm trạng, trong một bối cảnh đặc biệt nào đó của nhân vật trữ tình? Có thể là chính tác giả, cùng với những xúc cảm chân thành, khi quyết định bước chân vào trường tranh đấu đầy hiểm nguy, linh cảm sẽ có thể hy sinh. Một phần, cũng có thể tác giả trình bày như một ký thác tâm tư tình cảm của những người lính “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chẳng hạn… Cũng chẳng nên rạch ròi quá làm gì, bởi thơ là nghệ thuật tuyệt diệu của trí tưởng tượng, phập phồng thực ảo, huyền bí sâu xa. Người đọc cảm nhận ở “Tống biệt hành” một tấm chân tình, một nỗi niềm trung thực, sáng trong, nhuốm màu bi tráng của một thời khốc liệt và oanh liệt của dân tộc đã qua. 

Thâm Tâm (Liệt sỹ Nguyễn Tuấn Trình), chàng trai Xứ Đông tràn đầy nhiệt huyết  đã ngã xuống khi tuổi đời đang sung sức. Vậy nên, “Tống biệt hành” có thể xem là một bài thơ dự báo định mệnh. Đó là một bài thơ rất lạ, đến nay còn lạ, khiến người đời sau phải rơi nước mắt, phải nghĩ ngợi mãi chưa thôi!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: