BIENTHANHLANGTU06-10
Hồi 6
Sau Trước Hoàng Hôn
Hai bàn tay nắm chắc của Phi Thiên Tri Thù đã mở ra, ngón tay cứng đơ như que củi.
Vạn Mã Đường đứng cạnh chiếc quan tài, mắt sáng như hai ngọn đèn nhìn trừng trừng đôi bàn tay đó. Lão không nhìn gương mặt biến thể của tử nhân, lão không nhìn những vệt máu khô quanh miệng tử nhân.
Lão chỉ nhìn đôi bàn tay.
Do đó, cả bọn đều nhìn đôi tay người chết như lão.
Hoa Mãn Thiên và Vân Tại Thiên đưa mắt nhìn nhau nín lặng.
Công Tôn Đoạn lên tiếng :
- Bất quá chỉ là đôi tay người chết, có khác gì đôi tay của bất cứ người chết nào
đâu.
Vạn Mã Đường lên tiếng:
- Có khác!
Công Tôn Đoạn cau mày:
- Khác ở chỗ nào?
Vạn Mã Đường đáp:
- Đôi tay này vốn nắm chặt lại, rồi sau đó bị người mở banh ra.
Công Tôn Đoạn chớp mắt:
- Làm sao thấy được ?
Vạn Mã Đường giải thích:
- Phàm người chết rồi, xương mà máu lạnh cứng cho nên muốn sửa đổi vị trí một khớp xương không phải là việc dễ làm. Mấy ngón tay của người này lệch lạc hầu như gãy, mà nơi các đốt tay lại có vết tích ngoài da.
Công Tôn Đoạn cãi:
- Biết đâu trước khi chết thì y đã thọ thương rồi?
Vạn Mã Đường lắc đầu:
- Tuyệt đối không có việc đó.
Công Tôn Đoạn hỏi:
- Tại sao?
Vạn Mã Đường tiếp:
- Chỉ vì nếu có thương tích trước khi chết thì phải có máu quanh vết thương. Chỉ có những người chết lâu rồi máu mới không rịn ra.
Lão quay sang Vân Tại Thiên hỏi:
- Lúc ngươi trông thấy thi thể thì người chết đã chết lâu chưa?
Vân Tại Thiên gật đầu:
- Lâu rồi, ít nhất cũng vài giờ trước khi thuộc hạ trông thấy xác. Lúc đó thi thể đã lạnh như giá băng rồi.
Vạn Mã Đường hỏi:
- Lúc đó bàn tay xác chết ra sao? Có phải đang nắm chặt không?
Vân Tại Thiên trầm ngâm một lúc, cúi thấp đầu đáp:
- Thuộc hạ không lưu ý đến hai bàn tay.
Vạn Mã Đường trầm giọng:
- Thế ngươi lưu ý đến cái gì?
Vân Tại Thiên thốt:
- Thuộc hạ… bận hỏi bọn xa phu.
Vạn Mã Đường hừ một tiếng:
- Hỏi được gì không?
Vân Tại Thiên cúi đầu thấp ho8n:
- Không được chi tiết nào cả.
Vạn Mã Đường gằn mạnh:
- Lần sau ngươi nên nhớ là việc gì mà người chết tố cáo với ngươi thì việc đó đáng tin hơn là lời nói của kẻ sống. Đáng tin hơn nhiều bởi nó luôn luôn là sự thật.
Vân Tại Thiên đáp:
- Vâng !
Vạn Mã Đường tiếp:
- Hai bàn tay của hắn nhất định có cầm vật gì đó và vật đó phải là một manh mối quan trọng của một sự việc chi quan trọng. Biết đâu chính hắn có chụp được vật gì nơi mình hung thủ. Nếu ngươi lấy được vật đó thì có thể giờ đây chúng ta đoán được hung thủ là ai rồi.
Vân Tại Thiên lộ vẻ sợ hãi, ấp úng:
- Lần sau thuộc hạ nhất định sẽ lưu ý.
Vạn Mã Đường hòa dịu lại thần sắc , hỏi:
- Lúc đó, trừ ngươi ra còn có ai ở cạnh cổ quan tài không?
Vân Tại Thiên vụt sáng mắt lên, đáp nhanh:
- Có, Diệp Khai .
Vạn Mã Đường trầm tĩnh hỏi:
- Ngươi có thấy hắn mó tay vào xác chết không?
Vân Tại Thiên cúi đầu, rồi lắc đầu đáp:
- Thuộc hạ không lưu ý nốt, bất quá…
Vạn Mã Đường hỏi:
- Bất quá làm sao?
Vân Tại Thiên tiếp:
- Bất quá, đối với xác chết hắn thích thú rõ rệt, hắn đứng cạnh quan tài rất lâu.
Vạn Mã Đường cười lạnh:
- Thế lúc đó, ngươi lưu ý đến cái gì?
Vân Tại Thiên ấp úng:
- Thì... thì… thuộc hạ tra hỏi bọn phu xe. Thuộc hạ đã tường trình rồi.
Vạn Mã Đường cười khảy:
- Thiếu niên đó thấy được nhiều điều hơn ngươi đó nhé.
Công Tôn Đoạn bực dọc, buông mạnh:
- Kẻ chết bất quá chỉ là một tặc tử. Hắn sống hay chết thì có liên quan gì đến chúng ta.
Vạn Mã Đường lắc đầu:
- Sai, trái lại là khác.
Công Tôn Đoạn chau mày:
- Liên quan như thế nào?
Vạn Mã Đường giải th1ich:
- Tuy hắn là một phi tặc nhưng lại là một phi tặc rất tinh minh, đáng sợ. Hễ hắn xuất thủ là đắc thủ. Cho nên khi nào không chắc đắc thủ thì hắn không bao giờ xuất thủ. Suy theo đó mà hiểu là hắn có óc quan sát rất đúng, rất chuẩn.
Dừng một chút, lão tiếp:
- Cho nên ta đặc biệt cho người mời hắn đến đây.
Công Tôn Đoạn kêu lên:
- Trời ! Đường chủ cho gọi hắn đến đây.
Vạn Mã Đường trầm giọng :
- Mất năm ngàn lượng bạc mới gọi được hắn đó.
Công Tôn Đoạn hừ một tiếng:
- Đặc biệt gọi hắn đến để hắn làm gì cho chúng ta?
Vạn Mã Đường đáp:
- Aâm thầm tra cứu hộ chúng ta xem kẻ nào đến đây với mục đích tầm cừu.
Công Tôn Đoạn lắc đầu:
- Lý do gì phải cần dùng đến hắn?
Vạn Mã Đường giải thích:
- Một là hắn có khả năng quan sát. Hai là hắn không mảy mai liên quan đến tư tình. Người ta đối với hắn không cần phải dè dặt như đối với bọn mình. Nhờ thế hắn có nhiều cơ hội tra cứu.
Công Tôn Đoạn thở dài:
- Rất tiếc là hắn chưa làm được việc gì mà đã chết oan.
Vạn Mã Đường trầm gương mặt:
- Nếu hắn không nắm được một vài manh mối thì đâu đã phải chết gấp như vậy.
Công Tôn Đoạn chớp mắt:
- A !
Vạn Mã Đường tiếp:
- Vì hắn có phát hiện bí mật của hung thủ cho nên hắn phải bị giết. Người ta giết hắn để diệt khẩu.
Công Tôn Đoạn trừng mắt:
- Cho nên nếu chúng ta tìm ra được người hạ sát hắn là chúng ta tìm ra kẻ đang gây phiền phức cho Vạn Mã Đường .
Vạn Mã Đường lạnh lùng:
- Và bàn tay của hắn nắm manh mối đó. Quan hệ trọng đại nằm gọn trong bàn tay của hắn.
Công Tôn Đoạn gằn mạnh:
- Thuộc hạ sẽ hỏi Diệp Khai xem hắn có đoạt vật đó hay không?
Vnd lắc đầu:
- Bất tất.
Công Tôn Đoạn trố mắt:
- Tại sao?
Vạn Mã Đường đáp:
- Lúc hắn chết thì Diệp Khai đang ở tại thị trấn. Cho nên hung thủ hạ sát hắn chẳng phải là Diệp Khai.
Rồi lão lạnh lùng tiếp:
- Hà huống, giả như Diệp Khai quả thật có lấy vật gì đó nơi tay của Phi Thiên Tri Thù thì đừng hòng ai hỏi cho ra lẽ.
Công Tôn Đoạn đặt tay lên chuôi đao, cười lạnh. Rõ là y không phục lời nói của Vạn Mã Đường .
Vạn Mã Đường trầm ngâm một lúc rồi hỏi:
- Trước khi hắn chết, ai quây quần bầu bạn với hắn?
Vân Tại Thiên đáp:
- Lạc đại tiên sinh, Mộ Dung Minh Châu, Phó Hồng Tuyết. Vạn Mã Đường tiếp: - Hiện tại những người đó ở đâu?
Vân Tại Thiên đáp: - Phó Hồng Tuyết trở về thị trấn, còn Lạc Lạc Sơn và Mộ Dung Minh Châu thất
tung.
Vạn Mã Đường suy tư một lúc:
- Đi tìm họ. Dẫn theo bốn mươi người làm cái việc đó.
Vân Tại Thiên tiếp lịnh:
- Vâng !
Vạn Mã Đường phân phó:
- Mười người một toán, phân làm bốn toán, đem theo thức ăn và nước uống. Không tìm ra manh mối thì đừng về.
Vân Tại Thiên gật đầu:
- Vâng.
Vô luận Vạn Mã Đường bảo gã làm gì thì gã cũng cúi đầu vâng lệnh. Trước mặt Vạn Mã Đường thì tay chọc trời khuấy nước thuở xa xưa đó biến thành một nô lệ ngu trung.
Bỗng Công Tôn Đoạn thốt:
- Thuộc hạ đi tìm Phó Hồng Tuyết.
Vạn Mã Đường khoát tay:
- Bất tất.
Công Tôn Đoạn căm hận:
- Tại sao lại bất tất? Chẳng lẽ lại không tìm được tiểu tử đó?
Vạn Mã Đường thở dài:
- Chẳng lẽ ngươi không nhận ra Phi Thiên Tri Thù chết cách nào à?
Công Tôn Đoạn nhìn thanh loan đao, hậm hực:
- Chẳng lẽ có một quy định là người mang đao phải dùng đao mỗi khi giết người?
Vạn Mã Đường đáp vội:
- Tất cả lui ra.
Vân Tại Thiên biết ý, vội lui ra, đóng cửa lại.
Công Tôn Đoạn ngẩng đầu lên, tiếp:
- Ai quy định điều đó chứ?
Vạn Mã Đường đáp:
- Chính người mang đao.
Công Tôn Đoạn trầm giọng:
- Tự hắn?
Vạn Mã Đường gật đầu:
- Nếu quả thật hắn đến đây để báo phục mối thâm cừu thì thanh đao của hắn phải là vật biểu tượng mối cừu. Hắn muốn giết người là phải dùng đao. Thanh đao đó chỉ dùng để trả thù, đúng như biểu tượng của nó.
Lão cười lạnh mấy tiếng, đáp luôn:
- Nếu hắn không tìm thù mà đến thì chúng ta hà tất tìm hắn.
Công Tôn Đoạn không nói gì. Y quay mình bước ra. Chân nặng nề vang mạnh chứng tỏ y hết sức tức uất.
Nhìn theo y, Vạn Mã Đường lộ vẻ lo âu, hơi khiếp sợ. Chừng như lão thấy cái gì bất tường bắt đầu manh nha từ con người đó.
Bất tường cho lão.
Bốn mươi người là bốn mươi ngựa, bốn mươi túi da to đựng nước uống và thức ăn. Đao phải bén và tên phải sẵn sàng giương cung.
Vân Tại Thiên kiểm điểm kỹ rồi, y lấy làm đắc ý luôn luôn gật gù. Nhưng giọng nói của gã vẫn oai nghiêm: - Mười người một toán ! Không tìm được thì chớ về !
Công Tôn Đoạn trở về gian nhà riêng của y.
Bên trong gian nhà, vật dụng không được sắp xếp với một trật tự tối thiểu. Được cái là diện tích khá rộng nên xem cũng không bừa bãi lắm.
Trên tường có rất nhiều da thú treo la liệt. Trên các mặt bàn có niều loại bình đựng rượu.
Giả như một đêm nào đó, y cao hứng thì có người đưa từ thị trấn đến nhiều nữ nhân từ mười sáu đến ba mươi tuổi, bất đồng sắc, vóc.
Y sống để mà hưởng thụ.
Ýù thích của y hay Vạn Mã Đường muốn thế?
Y hưởng thụ bởi máu và mồ hôi của y đã đổ quá nhiều. Nhưng y chưa mãn nguyện. Bởi trong tâm của y còn một ám ảnh: một thanh đao và một ngọn roi.
Hai vật đó, y chôn dấu, đè nén trong tâm. Tuy bàn tay y luôn luôn sờ đao, sờ roi song cái hồn đao, hồn roi y chôn dấu trong tâm. Bất cứ y làm việc gì thì hồn đao, hồn roi cũng bốc mạnh, vùng lên. Và cứ mỗi lần như vậy là y dằn xuống.
Cho nên tay sờ đao, sờ roi nhưng đao và roi chưa vung lên, chưa đẫm máu địch như ngày nào.
Ngày nào trong tương lai, y lại dùng đao, dùng roi đó khơi dòng máu chảy như thuở xa xưa? Ám ảnh đó vẫn nặng nề như ngày hôm qua.
Địch ngày xưa là ai? Địch ngày nay là ai?
Theo lịch trình ám ảnh, ngược dòng thời gian, y nhìn về dĩ vãng…
Ngày đó tuyết xuống nhiều. Tuyết lợp trắng cánh đồng hoang bao la…
Trên tuyết, Bạch Thiên Vũ dãy dụa, máu đổ ra nhuộm đỏ một khoảng tuyết…
Cho đến ngày nay, sau đúng mười tám năm, Công Tôn Đoạn vẫn còn nghe rõ bên tay tiếng kêu gào thê thảm, tiếng rên rỉ não nùng của một người sắp chết.
Có một câu trách hờn mà y không bao giờ quên:
- Tại sao các ngươi đối xử với ta như thế đó. Các ngươi là loài súc sinh mà. Các ngươi là trâu là chó mà. Ta dù chết đi vạn lần của quyết hiện hồn về báo phục mối thù này.
Công Tôn Đoạn nắm chặt đôi tay. Bỗng y nghe lợm giọng muốn mửa. Y sẽ mửa ra cái gì đây? Và cái gì làm cho y buồn nôn?
Trên bàn, chén vàng to đầy rượu. Y uống một hơi cạn sạch.
Rượu cay y gắng uống nên lệ đoanh tròng hay vì một lý do gì khác mà lệ đoanh tròng?
Bây giờ đã có người đến đây, bắt đầu làm cái việc phục thù như người chết đã phát thệ ngày xưa trên mặt tuyết.
Mà y thì biến thành con người bị bắt quả tang đang làm tội lỗi, như một dâm phụ ngồi che mặt thẹn mà khóc thầm trong phòng kín.
Rồi tại sao dâm phụ khóc?
Có phải vì hối hận chăng?
Vô luận là vì nguyên nhân nào thì y vẫn đổ lệ, đổ đến khi nào tâm tư y vơi đi một ý niềm.
Công Tôn Đoạn lại rót rượu, lại uống rượu, rồi tự hỏi:
- Nhẫn nại. Tại sao phãi nhẫn nại? Nhẫn nại để làm gì nữa?
Gạt bỏ mọi ý niệm vẩn vơ, y đứng lên, nắm chặt tay, tự thốt như gào vào mặt đối phương:
- Ngươi đã có thể đến đây để giết ta thì tại sao ta lại không có thể tìm ngươi mà giết trước?
Y vọt mình ra cửa.
Y vọt ra, có thể là không phải đi giết người mà là vì y khiếp sợ. Không. Không vì cừu hận, không vì phẫn nộ mà là vì khiếp sợ. Sợ người mà giết người cho hết sợ thì mới cần giết gấp. Giết người vì cừu hận, mối cừu hận có đến mười tám tuổi đời thì cần gì phải vội
vã.
Giết vì cừu hận thì không thể hấp tấp, không thể liều. Chỉ có sợ mới làm liều
Hoàng hôn.
Tà dương còn le lói nơi hẻm trong thị trấn, mơn man đôi chân Phó Hồng Tuyết.
Ánh tà dương làm y tưởng đến đôi bàn tay ấm, dịu cũng mơn man nơi đó, trong đêm trước…
Y nằm trên giường, dáng mệt mỏi, không buồn cởi đôi giày.
Đêm trước, sự mơn man của đôi bàn tay gây cho y một cảm giác lạ và cái cảm giác đó cuối cùng đưa y đến một việc làm mà hầu hết nam nhân khó tránh khỏi khi nằm kề một nữ nhân.
Bây giờ y đã biết các tư vị đó rồi, nó không còn lạ lùng nữa song nó vẫn ám ảnh y mãi.
Để trốn thoát ám ảnh, y bật ngồi dậy, xuống giường, bước ra cửa, đi luôn vào phố.
Phố lúc đó an tịnh vô cùng.
Người dân thị trấn miền biên tái dựa chân núi không đông lắm. Có lẽ hiện tại họ ngại bùn lầy sau cơn mưa to hay họ linh cảm một biến cố phi thường sắp khai diễn ngay giữa lòng phố nên không ai ra đường như thường ngày khi trời nắng dịu.
Dưới một mái hiên, Diệp Khai đang đứng nhìn ra đường. Chàng có vẻ trầm tư, như đang theo dõi một ý niệm quan trọng. Sau đó chàng thấy Phó Hồng Tuyết từ trong
ngỏ hẻm đi ra. Chàng điểm một nụ cười, vẩy tay gọi nhưng Phó Hồng Tuyết như không trông thấy. Mặt y đăm đăm nhìn về khung cửa hẹp đối diện.
Mặt y vốn trắng xanh, hiện tại hồng lên, mắt lại bốc lửa, sáng vô cùng. Một tay vẫn giữ chuôi đao, chân bước từ từ. Đôi chân không bao giờ vội vã.
Diệp Khai đột nhiên phát hiện gã thiếu niên đó biến đổi lạ kỳ. Một con người nhẫn nại lâu năm có lúc cũng cần phải phát tiết bớt cái ứ đọng. Bằng cách này hay cách khác, có phát tiết được phần nào thì mới tiếp tục nhẫn nại đến khi có cơ hội.
Không phát tiết dược thì tất phải nổ tung. Công trình nhẫn nại cầm như phó cho giòng nước cuốn.
Diệp Khai thở dài, lẩm nhẩm:
- Ta xem ra hắn phải uống say một trận mới xong.
Say tít cung thang, say bất tỉnh nhân sự. Khi cơn say qua rồi thì tuy có nhức đầu một chút song tinh thần sẽ được thoải mái hơn. Đương nhiên nếu có nữ nhân kèm một bên thì lại càng hay.
Chàng tự hỏi cho đến ngày nay, y đã tiếp xúc nữ nhân chưa.
Nếu chưa thì thật là kỳ quái.
Phó Hồng Tuyết từ từ đi, mặt cứ nhìn ngọn đèn lồng màu đỏ treo trước cửa. Đèn đốt lên là có khách vào. Đèn tắt rồi là khách ra và không còn một mạng.
Hiện tại, đèn sáng rồi. đèn sáng là cuộc sanh ý bên trong đã mở màn. Hôm nay chắc chắn cuộc sanh ý ở đây không thịnh vượng rồi.
Thường lệ, khách ở đây gồm hai hạng quan trọng. Hạng chủ các trại nuôi ngựa và hạng lái ngựa từ xa đến, mang ngựa đến bán hoặc mua ngựa về.
Hôm nay chắc chắn là hai hạng đó không có mặt rồi, bởi vì họ là đối thủ đen đỏ với nhau. Mà các chủ trại thì bận rộn sự việc tại Vạn Mã Đường, các lái buôn cũng buồn lòng mà không đến.
Còn lại là những tay chơi lẻ tẻ, nhỏ mọn, những tay lót sòng. Hạng đó có đáng kể
gì.
Phó Hồng Tuyết xô cửa. Tâm tư sôi trào trong cổ họng phát kêu thành tiếng.
Bên trong có hai lão thái bà, hai đóa hoa tàn chờ rụng. Chẳng còn câu khách như thuở xa xưa, cùng với Tiêu Biệt Ly đúng lệ chiêu đãi khách, đã rời gác nhỏ xuống thang, ngồi chỗ cũ muôn đời.
Lão ta đang ăn, đang uống.
Phó Hồng Tuyết bước vào, do dự một phút rồi ngồi vào chỗ y ngồi đêm trước.
Có người hỏi:
- Uống rượu gì?
Y do dự một chút:
- Không uống rượu.
Người trong quán hỏi:
- Thế muốn gì?
Y đáp:
- Trừ rượu ra thì cái chi cũng được.
Tiêu Biệt Ly vụt cười, quay đầu phân phó gia nhân:
- Ở dây vừa tiếp nhận một ít sữa dê tươi, hãy mang ra cho Phó công tử, gọi là kính ý của ngôi hàng này.
Phó Hồng Tuyết không nhìn lão, lạnh lùng thốt:
- Không cần. Tại hạ muốn gì thì tự mình gọi lấy. Và dùng là trả tiền, không có việc kính tặng.
Tiêu Biệt Ly lại cười.
Lão không thích những việc tranh chấp nhưng đã có người tranh chấp đến đây rồi.
Tiếng vó ngựa dừng gấp bên ngoài cửa. Tiếp theo là một tiếng bình, cánh cửa bật tung vô. Một đại hán cao lớn như hòn non bộ bước vào bạt gió một tiếng vù.
Đại hán không đội nón, áo mở rộng, bên hông có thanh loan đao.
Đại hán là Công Tôn Đoạn.
Tiêu Biệt Ly cười nhẹ, vẫy tay gọi nhưng Công Tôn Đoạn không trông thấy. Y chỉ thấy Phó Hồng Tuyết.
Đôi mắt y như đôi mắt chim ưng nhìn con mồi chết giữa cánh đồng.
Rồi sữa dê tươi cũng được mang ra. Phó Hồng Tuyết miễn cưỡng hớp một ngụm. Sau đó y cau mày.
Công Tôn Đoạn bắt đầu khiêu khích:
- Chỉ có loại dê mới uống sữa dê.
Phó Hồng Tuyết vờ không nghe, uống tiếp một ngụm nữa.
Công Tôn Đoạn cất giọng cao hơn:
- Thảo nào ở đây lại chẳng có mùi dê nồng nặc. Thì ra ở đây có con dê thúi.
Phó Hồng Tuyết vẫn lờ đi, không nói gì. Song tay y nắm chặt chuôi đao hơn, gân xanh vồng lên chằn chịt.
Công Tôn Đoạn chợt bước tới, đấm tay xuống bàn kêu ầm lên một tiếng, quát:
- Đi nơi khác.
Phó Hồng Tuyết nhìn chén sữa dê chứ không nhìn Công Tôn Đoạn, từ từ hỏi:
- Các hạ bảo tại hạ đi?
Công Tôn Đoạn gằn từng tiếng:
- Nơi đây chỉ có người mới được ngồi. Còn dê thì ra phía sau kia, nơi đó có chuồng dê.
Phó Hồng Tuyết điềm nhiên:
- Tại hạ không phải dê.
Công Tôn Đoạn đập tay xuống bàn, hét:
- Bất chấp ngươi là cái quái gì thì cũng phải đi nơi khác. Ta thích ngồi vào cái ghế của ngươi đó. Lão gia bảo là phải tuân.
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Ai là lão gia?
Công Tôn Đoạn gằn giọng:
- Ta. Ta là lão gia. Lão gia là ta.
Một tiếng xoảng.
Chiếc chén đựng sữa dê vỡ toang.
Phó Hồng Tuyết nhìn sữa dê bắn tung tóe khắp mặt bàn, nhìn xuống áo thấy áo cũng vấy sữa dê.
Công Tôn Đoạn trừng mắt nhìn y, bàn tay hộ pháp nắm chặt chuôi loan đao.
Sự khích động làm y rung chuyển cả thân hình.
Nhưng y trấn định tâm thần, cười lạnh tiếp:
- Ngươi tự động bước đi hay bắt ta phải quăng đi?
Phó Hồng Tuyết run người. Y từ từ đứng lên, cố gắng lắm mới không nhìn đối tượng.
Công Tôn Đoạn cười lớn:
- Ha ha. Con dê sắp trở về chuồng. Tại sao không liếm hết những bãi sữa trên
bàn.
Bây giờ Phó Hồng Tuyết mới ngẩng đầu lên, rồi y nhìn Công Tôn Đoạn. Đôi mắt y bốc cháy sáng rực như hai cục than hồng. Công Tôn Đoạn cười vang:
- Ngươi muốn gì? Muốn bạt đao?
Phó Hồng Tuyết bóp mạnh chuôi đao.
Công Tôn Đoạn buông luôn:
- Chỉ có con người mới biết bạt đao. Con dê thúi thì làm gì làm được cái việc đó. Nếu ngươi là con người thì cứ rút đao cho ta xem.
Phó Hồng Tuyết nhìn đối tượng, thân hình run hơn trước.
Có hai người đang uống rượu, lúc này rút cả vào một góc nhà. Họ sợ, song vẫn nhìn hai con hổ gầm nhau.
Tiêu Biệt Ly đang cầm chén rượu, ngón tay tê cứng, cánh tay tê cứng, chén rượu không lên cũng không xuống.
Trong gian nhà rộng, tất cả mọi tiếng động đều im.
Trừ hơi thở.
Phó Hồng Tuyết thở nhẹ song gấp hơi. Công Tôn Đoạn thở nặng và dài hơn.
Bỗng Phó Hồng Tuyết quay mình bước về phía cửa, với dáng lết đi như lúc nào.
Công Tôn Đoạn nhổ phẹt một bãi nước bọt trên nền nhà nói:
- Thì ra con dê có tật thọt chân.
Phó Hồng Tuyết bước nhanh hơn
Công Tôn Đoạn bật cười ha hả:
- Cút đi là phải. Trở về chuồng đi là hơn. Nếu để cho lão gia gặp lại lần nữa là đôi chân phải cụt luôn, chứ không chỉ thọt mà thôi đâu.
Y kéo ghế ngồi xuống rồi vỗ tay xuống bàn quát:
- Đem rượu đây. Rượu ngon.
Bên ngoài cửa, một người quát:
- Đem rượu đây. Rượu ngon.
Diệp Khai bước vào, có dắt theo một con dê.
Công Tôn Đoạn trừng mắt nhìn chàng. Chàng không nhìn trả chỉ tìm ghế ngồi xuống.
Không rõ vô tình hay cố ý, chàng ngồi đối diện với Công Tôn Đoạn .
Công Tôn Đoạn cười lạnh nhưng không nói gì, lại quát:
- Rượu, đem đây gấp.
Diệp Khai cũng đập tay xuống bàn gọi:
- Rượu. Đem gấp.
Tự nhiên là phải có rượu gấp.
Diệp Khai rót đầy chén rượu song không uống mà lại xách ngửa đầu con dê lên, cho nó há mồm ra, rồi chàng đổ ụp chén rượu vào mồm nó.
Công Tôn Đoạn cau mày.
Tiêu Biệt Ly bật cười thành tiếng.
Diệp Khai ngẩng mặt lên không cười ta:
- Thì ra người uống sữa dê còn con dê lại uống rượu.
Công Tôn Đoạn biến sắc, vụt đứng lên quát:
- Các hạ nói gì?
Diệp Khai cười nhạt:
- Tại hạ nói vơí dê mà, chẳng lẽ các hạ là dê?
Tiêu Biệt Ly cười lớn:
- Nơi đây chẳng phải là chuồng dê mà sao có nhiều dê đến quá vậy.
Công Tôn Đoạn quay đầu nhìn lão trừng trừng.
Tiêu Biệt Ly vẫn còn cười:
- Công Tôn huynh muốn bẻ gãy chân tại hạ chắc? Rất tiếc đôi chân của tại hạ đã bị người ta bẻ gãy từ lâu rồi.
Công Tôn Đoạn nắm chặt đôi tay, gằn từng tiếng:
- Đáng tiếc là có kẻ còn đủ đôi chân.
Diệp Khai gật đầu:
- Phải. Tại hạ còn đủ đôi chân.
Công Tôn Đoạn hừ lạnh:
- Các hạ đứng lên xem.
Diệp Khai điềm nhiên:
- Khi nào ngồi xuốn được rồi thì tại hạ thường ít chịu đứng lên lắm.
Tiêu Biệt Ly thốt:
- Lúc còn đứng được thì tại hạ thường ít chịu ngồi xuống lắm.
Diệp Khai gật gù:
- Tại hạ có tính lười.
Tiêu Biệt Ly cũng gật gù:
- Tại hạ là người không có đôi chân.
Cả hai cùng bật cười vang.
Diệp Khai vỗ lên đầu con dê, mắt thì liếc xéo qua Công Tôn Đoạn , thốt:
- Dương huynh. Dương huynh. Tại sao Dương huynh thích đứng hơn ngồi?
Công Tôn Đoạn đang đứng.
Gân xang vồng lồ lộ trên trán, y vội hoành tay, chụp xuống chuôi đao, hét to:
- Dù ai ngồi, tại hạ cũng chặt đứt đôi chân như thường.
Ánh thép chớp lên, thanh loan đao đã tuốt ra khỏi vỏ.
Rồi một tiếng soạt tiếp nối. Mặt bàn bị đao chém xả làm hai phần, đứt ngay trước mặt Diệp Khai.
Như vậy là mũi đao phớt xuống sát mặt chàng.
Diệp Khai không nhích động, không chớp mắt, không biến sắc.
Chàng cười nhẹ thốt:
- Thì ra thanh đao của các hạ dùng chẻ gỗ.
Công Tôn Đoạn gầm lên một tiếng lớn, loan thanh đao một vòng tròn. Diệp Khai bị vòng đao bao gọn vào giữa.
Bỗng một tiếng keng vang như chuông giọng. Một chiếc nạng sắt bay ra chận thanh đao.
Còn chiếc nạng kia cắm nơi nền sâu năm tấc.
Tiêu Biệt Ly đã đứng lên chẳng rõ từ lúc nào, vung một chiếc nạng ra, còn một chiếc chỏi xuống đất để giữ thế đứng của lão.
Thì ra chiếc nạng vung lên chận đao, hút kình lực qua trung gian lão, truyền sang chiếc nạng kia, ấn chiếc nạng xuống sâu. Kình lực của Công Tôn Đoạn rút xuống đất luôn như làm sét chới bị cột thu lôi hút mất.
Nạng và đao còn tương trì nhau. Công Tôn Đoạn biến sắc, trầm giọng thốt:
- Không liên can đến tiên sinh.
Tiêu Biệt Ly lạnh lùng:
- Ở đây không phải là nơi giết người.
Công Tôn Đoạn không nói gì nữa, vận công lực dồn vào thanh đao.
Chiếc nạng thứ hai lại ấn sâu xuống thêm hai tấc nữa. Bao nhiêu kình lực của Công Tôn Đoạn đều bị hút trọn, thanh đao không làm chiếc nạng lay động mảy may.
Bỗng Công Tôn Đoạn dậm chân. Y rút thanh đao về, quay mình bước đi, chân dậm gạch nát nhừ bật kêu rạo rạo.
Rồi y đi chẳng nói một tiếng nào.
Diệp Khai thở dài, tán:
- Nội công của tiên sinh cao minh cực điểm.
Tiêu Biệt Ly thốt:
- Thẹn lắm. Thẹn lắm.
Diệp Khai cười nhẹ:
- Vô luận là ai, luyện nội công rới mức Di Hoa Tiếp Mộc rồi thì người đó không còn phải thẹn khi đối mặt với bất cứ sự việc nào trên đời cả.
Tiêu Biệt Ly bỗng cười thốt:
- Diệp huynh quả có nhãn lực cao minh.
Diệp Khai tiếp:
- Nhãn lực của Công Tôn Đoạn cũng chẳng kém. Nếu kém thì khi nào hắn thấy được lợi hại mà bỏ đi.
Tiêu Biệt Ly trầm tư một chút:
- Có thể là cái người chân chính mà hắn muốn giết không phải là Diệp huynh.
Diệp Khai cười khổ:
- Nhưng nếu không có Tiêu tiên sinh thì tại hạ đã mất mạng tại đây rồi.
Tiêu Biệt Ly lắc đầu:
- Nếu hôm nay không có tại hạ thì hẳn là đã có một người chết tại đây. Mà người chết không phải là Diệp huynh.
Diệp Khai chớp mắt:
- Không là tại hạ thì là ai?
Tiêu Biệt Ly đáp:
- Hắn.
Diệp Khai cau mày:
- Sao lại là hắn?
Tiêu Biệt Ly thờ dài:
- Hắn là một tên lỗ mãng, không thấu đáo nổi võ công của Diệp huynh cực cao. Ít nhất cũng trên tại hạ mấy bậc.
Diệp Khai cười, nụ cười biểu hiện rõ rệt là chàng vừa nghe một câu buồn cười.
Chàng thốt:
- Lần này thì chỉ sợ tiên sinh đoán sai.
Tiêu Biệt Ly điềm nihiên:
- Tại hạ chỉ mất đôi chân chứ đôi mắt vẫn còn và sáng như thuở nào. Nếu không thì tại sao hôm nay bỗng dưng xuất thủ, sau mười mấy năm dài nhẫn nại, ẩn tích mai danh tại đây.
Diệp Khai chờ nghe.
Lão tiếp:
- Trong mấy mươi năm sau này, tại hạ chưa hề thấy một cao thủ trong lúc thanh thiếu như Diệp huynh. Cái tài của Diệp huynh quá cao siêu. Diệp huynh lại khéo che dấu cực kỳ kín đáo, cho nên…
Dừng lại, lão cười, chờ Diệp Khai hỏi:
- Diệp Khai hỏi:
- Cho nên làm sao?
Tiêu Biệt Ly lại thở dài:
- Một kẻ tàn phế, vô thân thích, giữa chốn này tìm được cái sống, thiết tưởng không phải là dễ dàng. Giả như tại hạ có một người bằng hữu như Diệp huynh…
Diệp Khai vụt chận lời lão, điểm một nũ cười thốt:
- Nếu có một người bằng hữu như tại hạ thì trong tương lai tiên sanh sẽ gặp nhiều phiền phức liên miên.
Tiêu Biệt Ly chớp mắt, nhìn chàng một lúc hỏi:
- Nếu tại hạ không sợ phiền phức?
Diệp Khai buông gọn:
- Thì chúng ta trở thành bằng hữu của nhau.
Tiêu Biệt Ly hân hoan ra mặt, tiếp:
- Thế thì lão đệ còn chờ gì mà không bước lại đây cạn mấy chén?
Diệp Khai mỉm cười:
- Lão huynh mời thì tiểu đệ cũng đòi uống.
Một người cưỡi ngựa chạy ngang qua đường. Bỗng một bàn tay hộ pháp vươn ra, nắm hắn lôi xuống ngựa.
Hắn nổi giận toan phát tác nhưng kịp thời dằn lòng bởi hắn nhận ta Công Tôn Đoạn .
Hắn thấy rõ sắc giận của Công Tôn Đoạn. Khi Công Tôn Đoạn phẫn nộ thì đừng ai trêu vào y nếu kẻ đó muốn sống với vợ con và gia đình.
Công Tôn Đoạn nhảy lên lưng ngựa. Ngựa cất vó sải liền.
Còn ngựa của chính y đâu ?
Con ngựa của Công Tôn Đoạn lúc đó đang chạy như điên cuồng ngoài cánh đồng
cỏ.
Người ngồi trên lưng nó là Phó Hồng Tuyết.
Y ra khỏi cửa, thấy con ngựa là lập tức nhảy lên lưng nó, dùng vỏ đao thay roi đánh loạn, đánh mạnh. Mường tượng y xem con ngựa như là Công Tôn Đoạn.
Y cần phát tiết những cái ứ đọng trong người qua nhiều năm. Nếu không phát tiết được thì y sẽ điên.
Ngựa chạy mãi từ hoàng hôn đến lúc đêm về.
Chung quanh y là bóng tối, càng phút càng dầy. Gió thổi ngược chiều bốc cát vào mặt y nhưng y không vuốt mặt, không né tránh, cứ ngẩng cao mặt, nhìn thẳng phía trước. Cái nhục vừa qua y còn chịu được thì có cái gì y không nhẫn được.
Y cắn răng, môi rướm máu.
Trong bóng tối chợt xuất hiện một vì sao. Không. Chẳng phải là sao mà là ngọn đèn treo nơi cột cờ tại Vạn Mã Đường .
Phó Hồng Tuyết vẫn đánh mãi con ngựa. Cuối cùng nó không chịu nổi, sụm hai vó trước làm y bị hất tung lên. Chỗ đáp xuống không có cỏ, chỉ có cát. Y rơi sấp, mặt úp xuống cát, cát làm say rát mặt y rướm máu.
Y nghe như con tim rướm máu luôn.
Bởi y nghĩ còn nhẫn nại, phải nhẫn nại hơn nữa. Mà còn nhẫn nại là còn chịu nhục. Có ai sung sướng khi bắt buộc phải nhẫn nại?
Y khóc. Lệ hoà chan với máu.
Sao bắt đầu điểm lấm tấm trên nền trời đen thẫm.
Một con ngựa từ xa chạy đến. Người trên ngựa có đôi mắt cực đẹp. Người trên ngựa là Mã Phương Linh.
Nàng tươi như đoá hoa hứng sương xuân. Tươi màu ái tình. Hoa ái tình đang nở lớn nơi lòng nàng. Nàng thầm nghĩ:
- Hẳn là chàng đang chờ mình.
Bỗng nhiên nàng nghiêng tai nghe: có ai khóc giữa cánh đồng hoang trong đêm
tối.
Nàng vốn đã vượt qua nơi đó rồi, bây giờ nàng quay trở lại. Trước hết nàng thấy con ngựa kiệt sức ngã nằm dài tại đó. Sau nàng mới thấy Phó Hồng Tuyết.
Phó Hồng Tuyết cuộn mình trên cát, run run. Mường tượng như y không nghe tiếng vó ngựa của nàng. Y chẳng thấy nàng nhảy xuống ngựa.
Mặt y trắng nhợt, lệ hoà máu vương khắp mặt y. Trông y kỳ dị quá chừng. Nhưng Mã Phương Linh nhận được y.
Nàng kêu lên:
- Ngươi.
Nàng không quên gã thiếu niên bị nàng quất một ngọn roi vào mặt, trước cái đêm có cuộc họp tại Vạn Mã Đường .
Thiếu niên đó hiện nằm tại đây.
Bây giờ Phó Hồng Tuyết mới thấy nàng nhưng ánh mắt của y tán loạn mất rồi. Hiện tại y giống một gã điên.
Y dãy dụa, định đứng lên nhưng vừa dơm đứng lại ngã xuống. Tay chân y như bị một mãnh lực vô hình kềm thúc, không cho y cử động.
Mã Phương Linh cau mày:
- Ngươi bịnh?
Phó Hồng Tuyết cắn răng, mép sùi bọt, như con ngựa kiệt quệ sùi bọt mép.
Đích xác y thọ bịnh.
Một thứ bệnh xấu xí trông đáng sợ, một thứ bịnh dày vò y hơn mười tám năm qua. Cứ mỗi lần sự nhẫn nại vượt giới hạn chịu đựng thì y lại bịnh như vậy.
Y không bao giờ muốn ai bắt gặp y trong những lúc phát bịnh như thế này.
Bây giờ thì có người bắt gặp rồi.
Y tức uất, lấy vỏ đao tự đánh mình.
Mã Phương Linh hiểu loại bịnh đó, nàng cất tiếng an ủi y:
- Hà tất ngươi tự làm khổ lấy mình. Bịnh đó tuy khó chịu song sau cùng cũng…
Phó Hồng Tuyết cố vận dụng lực tàn, rút đao ra khỏi vỏ hét:
- Cút ! Cút đi. Nếu không thì uổng mạng.
Lần thứ nhất y tuốt đao khỏi vỏ.
Đao sáng quá !
Mã Phương Linh kinh hãi lùi lại mấy bước. Nàng toan đi nhưng lại thấy tay chân của Phó Hồng Tuyết co rúm rồi y ngã xuống. Ngã xuống rồi y lại dãy dụa như con vật chuyển mình trước lúc chết. Thanh đao còn trong tay, thanh đao đã tuốt vỏ.
Bỗng y hoành đao, tự đâm vào đùi.
Đao đâm sâu, máu vọt ra liền.
Cơn co giật của y từ từ dịu lạu nhưng y vẫn còn run, tay chân còn giật.
Mã Phương Linh vừa sợ hãi vừa thương xót hết sức. Nàng buột miệng khẽ thở dài, vội bước tới, vỗ trên đầu Phó Hồng Tuyết an ủi:
- Đừng. Đừng tự làm khổ ngươi như vậy. Lỗi đâu phải do ngươi mà ngươi tự hành hạ lấy mình.
Giọng nàng ấm dịu như giọng từ mẫu dỗ con.
Phó Hồng Tuyết cứ khóc.
Đang khóc, chợt y hét to lên:
- Ta lầm. Ta sai. Đáng lẽ ta không nên sanh ra trên cõi đời này. Đáng lẽ ta không nên sống giữa thế gian.
Niềm tuyệt vọng hiện rõ trong câu nói.
Mã Phương Linh cảm thấy đau khổ cho y. Bất giác nàng bế y lên, ôm y vào lòng, khuyên:
- Đừng lo ngại. Cơn bịnh sẽ chóng qua, không nên khó chịu lắm.
Hồi 7
Hận Cừu Dục Vọng
Phó Hồng Tuyết không còn rung người nữa, hơi thở của y thì gấp và nặng.
Ôm Phó Hồng Tuyết vào lòng, Mã Phương Linh quên mất y là nam nhân …
Thoạt đầu thì nàng hoàn toàn xá kỷ, vị tha, dần dần hơi thở của y gây nóng nơi ngực nàng, nàng mới thức ngộ thực cảnh.
Tuy thức ngộ, nàng cũng bất chấp tỵ hiềm, bởi làm sao nàng nở bỏ y trong tình trạng đó !
Dù thế nào, nàng cũng phải vì nhân đạo, giúp y qua cơn cấp bách.
Phó Hồng Tuyết chợt hỏi:
- Ngươi là ai ?
Mã Phương Linh đáp:
- Ta là Mã …
Nàng không nói tiếp.
Nàng vừa nhận thấy hơi thở của thiếu niên chừng như ngưng bặt.
Nàng không hiểu tại sao sự hô hấp của y đình chỉ như vậy.
Cừu hận !
Niềm cừu hận bừng dậy, gây xúc động mạnh làm cho con tim của Phó Hồng Tuyết ngưng đập, hô hấp cũng dừng luôn !
Phó Hồng Tuyết không nói gì, đang được nàng ôm, y vụt hoành tay ôm lại nàng, vừa ôm vừa cởi tung ngực áo nàng, cởi một cách hối hả, cuồng bạo.
Biến hóa xảy ra đột ngột quá !
Mã Phương Linh kinh hãi, trong lúc sửng sốt, quên mất phản kháng.
Phó Hồng Tuyết lòn tay vào ngực nàng, mơn man, sờ mó …
Bàn tay của y càng phút càng bạo, y bóp mạnh quá, Mã Phương Linh nghe đau.
Cảm giác đau đớn đưa nàng trở về thực cảnh, nàng quýnh quáng, sợ hãi, thẹn thùng, đồng thời cũng phẫn nộ luôn.
Nàng cố sức tung mình lên, tung để thoát khỏi áp lực của Phó Hồng Tuyết, vừa tung mình vừa xoay tay tát mạnh vào mặt y.
Phó Hồng Tuyết không né tránh, chỉ đưa tay chụp tay nàng, giữ sát nàng bên mình y, ôm ghì nàng như cũ.
Đau quá, Mã Phương Linh rớm lệ.
Phó Hồng Tuyết một tay ghì, một tay kia lại sờ soạng, xoa bóp nơi phần ngực nở nang, chắc nịch của nàng. Mắt của y lúc đó đỏ rực lên, như bốc lửa.
Không còn làm gì được hơn, Mã Phương Linh co một chân, dùng đầu gối thúc mạnh vào mình Phó Hồng Tuyết.
Cả hai giằng co với nhau như vậy, chẳng ai nói với ai tiếng nào.
Cả hai như hai con thú, một quyết chiếm, một quyết thoát, tuy nhiên họ chưa dùng đòn độc để hạ sát nhau.
Dần dần, chiếc áo của Mã Phương Linh sút tung ra, bày rộng chỗ hở hơn, Phó Hồng Tuyết càng rộng đất cho bàn tay tung hoành hơn.
Bỗng, Mã Phương Linh hét to:
- Buông ra ! Buông ! Tại sao ngươi …
Nàng muốn kêu cứu, song biết là vô ích, bởi có ai ở chốn này, trong phút giây này, lúc nàng gặp khốn, cầu cứu giải nạn cho nàng !
Nàng không hét nữa.
Đến lượt Phó Hồng Tuyết gằn giọng:
- Ta biết ! Chính ngươi muốn ! Ngươi đòi hỏi nơi ta ! Ta sẽ làm cho ngươi thỏa mãn !
Mã Phương Linh vùng vẫy, nàng càng vùng vẫy, Phó Hồng Tuyết càng ghì mạnh.
Bỗng nàng há miệng, dùng tận lực bình sanh, cắn vào vai ý.
Đau quá, Phó Hồng Tuyết rúm người nhưng vẫn ôm chặt nàng.
Máu nơi vết thương tràn qua miệng nàng, nàng lợm giọng, nàng nhả miệng, nôn mửa mấy lượt, rồi rên rỉ van cầu:
- Ngươi buông ta ra ! Ngươi không được làm thế ! Vô sỉ, đê hèn …
Phó Hồng Tuyết đáp qua cơn say, cái say cuồng của dục vọng:
- Tạo sao ta không được làm vậy ? Ai cấm ta !
Bỗng một người đâu đó, cất tiếng:
- Tại hạ cấm ! Các hạ không được làm vậy !
Thanh âm bình tịnh, lạnh lùng.
Thanh âm đó vang lên, dục vọng của Phó Hồng Tuyết tan biến ngay. Y buông Mã Phương Linh, nhảy trái ra ngoài xa xa.
Người vừa xuất hiện, chính là Diệp Khai.
Diệp Khai đứng đó, lặng lẽ như pho tượng đá.
Mã Phương Linh lướt tới, nhào vào lòng chàng, ôm cứng chàng, khóc rống lên, khóc đến độ không nói năng được tiếng gì.
Diệp Khai cũng không nói gì, chỉ cởi chiếc áo ngoài choàng lên mình nàng.
Phó Hồng Tuyết đã trở lại bản chất thường ngày, tay nắm chuôi đao, giương mắt nhìn Diệp Khai trừng trừng.
Không rõ, y thẹn hay giận.
Diệp Khai không hề nhìn Phó Hồng Tuyết nửa mắt.
Phó Hồng Tuyết gằn từng tiếng:
- Ta muốn giết ngươi !
Diệp Khai phớt tỉnh như thường.
Đột nhiên, Phó Hồng Tuyết rút đao vung lên, vọt mình tới.
Y vốn thọt một chân, chân lại mang thương tích do y tự tạo trước đó, nhưng thân pháp không vì thế mà chậm chạp, nặng nề.
Không ai tưởng tượng nổi một kẻ mang tật như y lại hành động nhanh nhẹn nhẹ nhàng được !
Và nhát đao của y có oai lực kinh hồn.
Y lặp lại:
- Ta muốn giết ngươi !
Diệp Khai không nhúc nhích.
Thanh đao chưa xuống sâu, đột nhiên dừng lại.
Phó Hồng Tuyết nhìn chàng, tay cầm đao bắt đầu rung.
Bỗng, y quay mình, cúi xuống nôn mửa, mửa lợi hại !
Diệp Khai vẫn không lưu ý đến y, song ánh mắt ẩn ước có niềm thương cảm động
tình.
Chàng hiểu rõ thiếu niên đó hơn ai hết. Bởi chàng có trải qua mọi đau khổ, buồn thương, chàng thấu đáo những uẩn khúc thầm kín của lòng người.
Trong khi đó, Mã Phương Linh cứ khóc, càng lúc càng khóc già hơn.
Diệp Khai vỗ nhẹ tay lên đầu vai nàng, dịu giọng bảo:
- Cô nương về trước đi !
Mã Phương Linh còn nức nở:
- Ngươi … ngươi không đưa ta ?
Diệp Khai lắc đầu:
- Tại hạ không thể !
Mã Phương Linh hỏi:
- Tại sao ?
Diệp Khai đáp:
- Vì tại hạ còn phải ở đây !
Mã Phương Linh cắn môi:
- Thế thì ta …
Diệp Khai khoát tay:
- Cứ về trước, ngủ một giấc thật kỹ, quên những gì trong đêm nay. Đến sáng mai …
Mã Phương Linh nhìn chàng, vẻ đắm đuối hiện lộ, thấp giọng hỏi:
- Sáng mai, ngươi đến với ta !
Diệp Khai mơ màng trong đôi mắt, có ý niềm quái dị chợt hiện.
Lâu lắm, chàng đáp:
- Đương nhiên, tại hạ sẽ đến với cô nương.
Mã Phương Linh nắm tay chàng bóp mạnh, lệ nóng ràn rụa quanh tròng, thốt:
- Dù ngươi không đến, ta cũng chẳng trách !
Nàng che mặt, quay mình, chạy đi.
Vó ngựa dứt vang, không gian chìm vào tịch mịch trở lại.
Phó Hồng Tuyết còn mửa.
Diệp Khai bình tỉnh nhìn y, chờ cho y mửa xong, mới bảo:
- Bây giờ, ngươi có thể giết ta đó !
Phó Hồng Tuyết không nói gì, quay mình chạy đi. Chạy một lúc, y dừng lại, rồi bật khóc.
Diệp Khai thong thả theo y, đứng sau lưng y, im lặng nhìn y.
Một lúc lâu, chàng hỏi:
- Sao ngươi không động thủ ?
Tay cầm đao rung rung, Phó Hồng Tuyết vụt xoay người, đối diện với Diệp Khai, trầm giọng hỏi lại:
- Ngươi nhất định bức ta ?
Diệp Khai lắc đầu:
- Không ai bức ngươi, chính ngươi tự bức lấy ngươi thì có. Hơn thế, ngươi tự bức một cách cấp bách.
Lời nói của chàng như những ngọn roi, quất lên mình Phó Hồng Tuyết, quất lên lương tâm của y !
Diệp Khai tiếp:
- Ta hiểu, ngươi cần phát tiết cái ứ đọng trong người. Hẳn là bây giờ, ngui thư thái phần nào rồi chứ !
Phó Hồng Tuyết trầm gương mặt:
- Ngươi còn biết gì nữa ?
Diệp Khai mỉm cười:
- Ta biết, tuyệt đối ngươi không thể giết ta, ngươi không nghĩ là phải giết ta !
Phó Hồng Tuyết lắc đầu:
- Thật vậy, ta không nghĩ phải giết ngươi !
Diệp Khai tiếp:
- Người duy nhất, ngươi muốn gây thương tổn, chính là ngươi ! Ngươi muốn tự làm tổn thương lấy mình. Bởi vì ngươi …
Phó Hồng Tuyết lộ vẻ đau khổ.
Đột nhiên, y quát to:
- Câm miệng !
Diệp Khai thở dài tiếp luôn:
- Tuy ngươi biết là mình làm một việc sái quấy, song thực ra, cái sái quấy đó không do ngươi !
Phó Hồng Tuyết gắt:
- Không do ta thì do ai ?
Diệp Khai nhìn thẳng vào mặt y:
- Tự ngươi, ngươi phải hiểu người nào ! Đương nhiên là ngươi biết ai mà ? Hỏi ta làm chi ?
Phó Hồng Tuyết thở gấp, cánh mũi phập phồng trông thấy.
Chợt y hét:
- Ngươi là ai ?
Diệp Khai mỉm cười:
- Ta là ta ! Ta họ Diệp tên Khai !
Phó Hồng Tuyết cao giọng:
- Có phải thật sự ngươi họ Diệp ?
Diệp Khai hỏi lại:
- Có phải thật sự ngươi họ Phó ?
Cả hai cùng giương mắt, cùng tương trì bằng ánh mắt. Bên này muốn xoi thấu ruột gan bên kia, muốn lật lộn đáy lòng của nhau, để mà đọc những bí mật, những u ẩn.
Nhưng, Diệp Khai thì bình tịnh, thản nhiên, còn Phó Hồng Tuyết thì khẩn trương cực độ, mường tượng đường dây kéo thẳng, dâu không buông thì cung phải gãy.
Sau đó, cả hai nghe một âm thanh kỳ dị, phảng phất vó ngựa dẫm lên bùn nhão, phảng phất tiếng đao của đồ tể thái thịt.
Âm thanh đó vốn nhỏ, song giữa đêm trường tịch mịch, nó vang khá lớn.
Gia dĩ, thính giác của họ cũng rất tinh diệu, rồi còn gió thoảng cuốn âm thanh đó quét ngang chỗ họ đứng, tự nhiên họ phát hiện dễ dàng.
Diệp Khai vụt thốt:
- Ta đến đây, vốn không có ý đến để tìm ngươi.
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Vậy ngươi tìm ai ?
Diệp Khai đáp:
- Ta tìm người giết Phi Thiên Tri Thù.
Phó Hồng Tuyết lại hỏi:
- Ngươi biết là ai chăng ?
Diệp Khai thốt:
- Ta không biết chắc, song ta bắt đầu tìm ra đấy.
Chàng phóng chân chạy đi, ngoài mấy trượng, lại dừng, như chờ Phó Hồng Tuyết.
Phó Hồng Tuyết do dự một chút, đoạn chạy theo.
Diệp Khai mỉm cười:
- Ta biết ! Thế nào ngươi cũng đi theo !
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Tại sao ?
Diệp Khai giải thích:
- Chỉ vì ở đây, bất cứ việc gì xảy ra, cũng đều có liên quan đến ngươi !
Phó Hồng Tuyết hỏi gấp:
- Ngươi biết ta là ai ?
Diệp Khai mỉm cười:
- Ngươi là người ! Ngươi mang họ Phó, tên Hồng Tuyết.
Gió thổi mạnh.
Thanh âm quái dị đã ngưng bặt.
Phó Hồng Tuyết ngậm miệng, chẳng nói gì nữa.
Cả hai so tốc độ với nhau, tiến tới, đều đều.
Phó Hồng Tuyết có thuật khinh công kỳ diệu, lúc y sử dụng thân pháp đó, đừng ai mong thấy được cái tật ở chân y.
Vừa chạy đi, Diệp Khai vừa chú ý đến y.
Bỗng, chàng thở dài, thốt: - Mường tượng là ngươi biết vũ công ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ ! Phó Hồng Tuyết lạnh lùng:
- Còn ngươi ?
Diệp Khai mỉm cười: - Ta thì khác.
Phó Hồng Tuyết hỏi: - Khác làm sao ?
Diệp Khai đáp: - Ta là một thiên tài !
Phó Hồng Tuyết cười lạnh: - Thiên tài thường yểu thọ.
Diệp Khai điềm nhiên: - Càng chết sớm càng hay !
Phó Hồng Tuyết lộ vẻ thống khổ.
Y tự thốt: - Ta không thể chết ! … Ta không thể chết !
Vừa lúc đó, y nghe Diệp Khai kêu khẽ.
Trong gió, có mùi máu tanh nồng nặc.
Aùnh sao mờ mờ đọng nơi một đống xác chết. Con người tại vùng biên tái này chết dễ dàng hơn một con vật ! Thi thể kẻ chết bỏ vơ bỏ vất ngoài đồng hoang, không ai buồn thu nhặt mai táng.
Nơi đây, giá trị con người thấp quá !
Thật ra, sau khi hạ thủ rồi, kẻ sát nhân cũng muốn vùi dập sơ sài cái xác nạn nhân, song họ không có thời giờ làm kịp, bởi có người sắp xuất hiện quanh đó, mà họ thì không muốn bị phát hiện.
Cho nên, kẻ sát nhân phải ly khai.
Nhưng, ở đây, kẻ sát nhân là ai ?
Còn ai biết được là ai, ngoài chính kẻ sát nhân !
Người chết, là Mộ Dung Minh Châu và chín huynh đệ tùy hành với hắn.
Thanh kiếm của Mộ Dung Minh Châu đã tuốt vỏ, còn chín người kia không kịp rút kiếm, đã bị hạ thủ rồi.
Diệp Khai thở dài lẩm nhẩm:
- Thủ pháp nhanh quá ! Lại cay độc !
Nếu không là tay chuyên môn giết người, thì làm gì hạ thủ với tốc độ đó nổi !
Phó Hồng Tuyết nắm chặt hai tay, chừng như y bị khích động mạnh.
Mường tượng y sợ hãi mỗi lần trông thấy xác chết, trông thấy máu.
Diệp Khai trái lại, dửng dưng.
Chàng lấy trong mình ra một mảnh bố, nơi mảnh bố, còn dính một cái nút áo.
Chàng đo mảnh bố đó với chiếc áo của Mộ Dung Minh Châu.
Một loại chất liệu như nhau, nút cũng giống nhau.
Diệp Khai thở dài, thốt:
- Quả nhiên là hắn !
Phó Hồng Tuyết cau mày. Đương nhiên, y chẳng hiểu gì hết.
Diệp Khai tiếp:
- Mảnh bố này ta nhặt nơi tay của Phi Thiên Tri Thù. Hắn chết mà vẫn còn nắm cứng nó trong tay.
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Để làm gì ? Tại sao ?
Diệp Khai tiếp:
- Tại sao ? Tại vì Mộ Dung Minh Châu là hung thủ giết hắn ! Hắn muốn đem sự bí mật này tố cáo với kẻ khác.
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Với ngươi ? Hắn muốn ngươi phục thù cho hắn !
Diệp Khai lắc đầu:
- Tuyệt đối không phải cáo tố với ta !
Phó Hồng Tuyết cau mày:
- Thế thì với ai ?
Diệp Khai không đáp, chỉ thở dài rồi thốt:
- Ta hy vọng là ta đã hiểu khá đủ rồi !
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Vì lý do gì, Mộ Dung Minh Châu giết Phi Thiên Tri Thù ?
Diệp Khai lắc đầu.
Phó Hồng Tuyết lại hỏi:
- Tại sao xác của Phi Thiên Tri Thù lại ở trong quan tài ?
Diệp Khai lắc đầu.
Phó Hồng Tuyết tiếp:
- Rồi ai giết Mộ Dung Minh Châu ?
Diệp Khai trầm ngâm một lúc:
- Ta chỉ biết có mỗi một điều, là người ta giết Mộ Dung Minh Châu để diệt khẩu !
Phó Hồng Tuyết trố mắt:
- Diệt khẩu ?
Diệp Khai giải thích:
- Người đó không muốn bị phát hiện. Phi Thiên Tri Thù chết dưới tay của Mộ Dung Minh Châu, người đó không muốn ai truy ra Mộ Dung Minh Châu, nên bắt buộc phải trừ diệt Mộ Dung Minh Châu.
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Tại sao ?
Diệp Khai đáp:
- Hẳn người đó có liên quan với Mộ Dung Minh Châu. Nếu để Mộ Dung Minh Châu còn sống sót biết đâu Mộ Dung Minh Châu chẳng vì một áp lực nào đó bức bách khai toạt ra !
Phó Hồng Tuyết cau mày:
- Ngươi đoán ra người đó là ai chưa ?
Diệp Khai bỗng im bặt, trầm tư.
Lâu lắm, chàng mới hỏi:
- Người có biết là sau giờ ngọ hôm nay, Vân Tại Thiên có đi tìm ngươi chăng ?
Phó Hồng Tuyết lắc đầu:
- Không biết.
Diệp Khai tiếp:
- Gã nói là gã đi tìm ngươi, song gặp ngươi rồi, gã chẳng nói năng gì cả.
Phó Hồng Tuyết thốt:
- Có lẽ vì người chân chánh gã muốn tìm, không phải là ta !
Diệp Khai gật đầu:
- Đúng vậy ! Người mà gã định tìm chẳng phải ngươi. Nhưng người chân chánh gã muốn tìm là ai ? Tiêu Biệt Ly ? Thủy Bình ? Nếu tìm một trong hai người đó, gã cần gì phải giấu, phải bịa chuyện vu vơ ?
Đêm càng khuya, gió càng lạnh, gió đùa cỏ, cỏ xạc xào như khóc, như rên.
Trong gió, có tiếng hí vang văng vẳng, một vài con ngựa quanh vùng chợt tỉnh ngủ hí hoảng lên …
Không còn một tiếng động nào khác.
Phó Hồng Tuyết từ từ bước đi, đi phía trước. Diệp Khai chẫm rải hơn, theo sao.
Chàng có thể đi trước, hoặc đi ngang, song chàng thích thụt lại sau hơn.
Chừng như giữa hai người, có một khoảng cách kỳ quái. Khoảng cách đó không bao giờ được san bằng.
Mà cũng phảng phất có một liên hệ nào giữa họ vậy. Đương nhiên, sự liên hệ đó cũng kỳ quái như khoảng cách vô hình, dù hai thể xác hợp nhất phần siêu linh của họ, chẳng bao giờ hòa đồng.
Xa xa, phía trước mặt họ có ánh đèn.
Phó Hồng Tuyết bỗng thốt:
- Có một ngày nào đó, ta không giết ngươi, ngươi cũng giết ta !
Diệp Khai ạ lên một tiếng:
- Có một ngày như vậy ?
Phó Hồng Tuyết không quay đầu lại, tiếp luôn:
- Ngày đó, có thể rất gần đây ! Nó sắp đến nơi rồi !
Diệp Khai tặt lưỡi:
- Cũng có thể, ngày đó, không bao giờ đến !
Phó Hồng Tuyết cười lạnh:
- Tại sao ?
Diệp Khai thở dài:
- Tại vì rất có thể hai chúng ta bị giết chết trước khi ngày ấy đến !
Chàng nhìn ra vũng đen, dày thăm thẳm tận chân trời.
Mã Phương Linh về đến Vạn Mã Đường, vào phòng úp mặt trên gối, khóc mãi.
Trong tâm tư, hai ý niềm đang sôi động, dày vò nàng như chịu đựng cực hình.
Tình và hận !
Tình đối với Diệp Khai, hận đối với Phó Hồng Tuyết.
Bình sanh, nàng chưa thấy ai đáng yêu bằng Diệp Khai, và chẳng có ai làm cho nàng phải hận như nàng hận Phó Hồng Tuyết.
Nàng không tưởng một con người có thể sỗ sàng, thô bạo như y !
Tuy nhiên, nàng linh cảm cuộc đời nàng bắt đầu từ hôm nay, có liên quan trọng đại với hai gã thiếu niên đó !
Nàng nhận thấy vùng Biên Thành này trước kia, sao mà trầm tịnh quá, rồi bỗng nhiên hai gã như từ trên trời xanh rơi xuống, bắt đầu từ đó, biến cố dồn dập xảy ra.
Khung trời biên tái trải qua nhiều cơn bảo tố, không ngày nào không tang tóc, không hãi hùng …
Nàng trằn trọc mãi không làm sao dỗ giấc được.
Bên trên đầu nàng là tầng lầu của Vạn Mã Đường.
Hiện tại, có tiếng chân người vang lên, nặng chịch.
Nàng hiểu chính là phụ thân nàng, đang đi tới, đi lui, không ngủ được như nàng.
Thường lệ, cứ mỗi đêm, phụ thân nàng có xuống phòng nàng, thăm hỏi, nói năm ba câu, rồi cha con chúc sức khỏe cho nhau.
Có khi, chính nàng lên gác trên, thăm cha.
Nhưng hai hôm nay, ông cũng không ngủ, cứ đi lui đi tới như thế mãi, ông cũng không xuống chuyện vản với nàng.
Có cái gì làm cho ông ưu tư cực độ, đến đổi quên mất con gái !
Đại khái, nàng cũng biết như vậy, và nàng cố tìm hiểu sự tình.
Vô ích, không bao giờ nàng hiểu được.
Bước xuống giường, nàng soi mình vào tấm gương đồng, trang điểm sơ qua định sang phòng dì ba.
Hai hôm nay, nàng không gặp dì ba ! Tại sao bà cũng vắng bóng ?
Nàng nghĩ, nếu đến đó không gặp dì ba, thì có thể nàng đi luôn vào thị trấn, tìm Diệp Khai.
Nhưng vừa lúc đó, có tiếng vó ngựa vang lên, ngựa phi từ phía mã trường đến.
Nghe vó ngựa vang lên đêm khuya, Mã Phương Linh biết ngay là cao thủ Vạn Mã Đường đến tìm gặp gấp phụ thân nàng.
Phải là một trường hợp cực kỳ khẩn cấp các thuộc hạ mới dám quấy nhiễu đường chủ trong đêm khuya thanh vắng !
Một lúc sau, nàng nghe âm thinh nghiêm lạnh của Vạn Mã Đường chủ.
- Có phải là tìm được rồi chăng ?
Người đó đáp:
- Tìm được Mộ Dung Minh Châu !
Người đáp là Vân Tại Thiên.
Vạn Mã Đường chủ hỏi:
- Sao không đưa hắn đến ?
Vân Tại Thiên đáp:
- Hắn bị giết rồi ! Hách sư phó tìm được xác hắn ngoài cánh đồng, nhei^'u nhát đao chém loạn trên mình hắn.
Im lặng mấy phút.
Rồi có tiếng y phục phất gió rẹt rẹt nơi hành lang, ngang qua cửa phòng nàng.
Vó ngựa vang lên tiếp theo, nhỏ dần dứt hẳn.
Mã Phương Linh đâm sợ.
Mới hôm qua hắn còn đó, bây giờ thì hắn ra ma, còn đâu một trang niên thiếu ngang tàng ngạo nghễ !
Nàng nhớ luôn số các vị huấn luyện ngựa, chết trong đêm qua, trong đó có hai người từng tập luyên cho nàng về thuật kỵ mã.
Sau Minh Châu, đết lượt ai đây ? Diệp Khai ? Vân Tại Thiên ? Công Tôn Đoạn ? Phụ thân nàng ?
Bao nhiêu người tại Biên thành này, mường tượng treo đầu lững lơ dưới lưỡi hái của tử thần !
Nàng sợ đến rung người, vội mở cửa, chạy bay đến phòng dì ba, gõ cửa.
Không có tiếng đáp. Nàng lại gõ, vẫn im lặng.
Lạ chưa ! Nửa đêm, dì ba bỏ phòng, đi đâu ?
Nàng vòng ra cửa hậu. Cửa vẫn đóng. Nàng nhìn qua cửa sổ. Đèn trong phòng đã
tắt.
Không đốt từ đầu hôm, hay mới tắt đây ?
Nàng dụng lực đẩy cửa sổ, cánh cửa mở ! Nàng gọi khẽ: - Dì ba !
Không có tiếng đáp !
Phòng không có người. Chiếc chăn trải dài trên giường, dưới chăn, có hai cái gối
độn.
Gió vi vu bên ngoài.
Mã Phương Linh rợn người.
Nàng chợt phát hiện ra, ở đây, trừ nàng, ai ai cũng có bí mật cả.
Phụ thân nàng cũng không ra ngoại lệ.
Từ lâu, nàng không biết rõ quá khứ của phụ thân như thế nào.
Từ lâu, nàng khôgn dám hỏi, dù muốn hỏi.
Nàng ngẩng đầu nhìn lên, chợt biến sắc, nơi khung cửa sổ, một thân linh hộ pháp hiện ra.
Người đó là Công Tôn Đoạn.
Công Tôn Đoạn cao giọng:
- Đi về phòng !
Nàng không dám nhìn y lâu.
Vô luận là ai trong Vạn Mã Đường, đối với Công Tôn Đoạn cũng có ít nhiều khiếp
sợ.
Nàng khép vạt áo, cúi đầu, ngoan ngoản ra cửa, về phòng.
Mường tượng Công Tôn Đoạn có cười với dì ba qua khung cửa sổ.
Phải cố gắng lắm, Mã Phương Linh mới cài được then cửa. Tim nàng đập mạnh.
Bên ngoài, tiếng vó ngựa lại vang lên.
Ngựa chạy đi. Nàng lên giường, kéo chăn trùm đầu, thân mình rung mãi.
Nàng linh cảm, một sự tình bi thảm sắp phát sinh tại nơi đây !
Nàng không muốn nhìn, không muốn nghe gì cả !
Nàng tự thán:
- Ta không nên sanh ra trên trần gian ! Ta không nên sống giữa cõi đời này ! Tại sao ta sanh ra ? Mà lại sanh ngay tại chỗ này !
Chiếc gối của Phó Hồng Tuyết đẫm ướt hiệt tại, y đang ngủ. Lúc tỉnh dậy, dĩ nhiên y không còn khóc nữa. Y phát thệ, từ nay quyết không bao giờ khóc nữa !
Nhưng, ai biết được những gì ở tương lai ?
Tại sao gối ướt trong lúc y ngủ ? Y khóc trong mộng. Trong mộng y thấy gì ?
Song thân y ! Mình vấy đầy máu, dãy dụa trên mặt tuyết, hai vị gọi y, bảo y báo
Sau đó, y nghe cảm giác lạnh, một bàn tay lòn vào chăn, mơn man xác thịt y.
Y muốn ngồi dậy, nhưng bàn tay đó ấn y nằm xuống rồi một âm thinh ấm dịu vang khẽ bên tay y:
- Ngươi đổ mồ hôi nhiều quá !
Phó Hồng Tuyết thở phì, nghĩ:
- Nàng đã đến !
Y trở mình, muốn ngồi dậy nữa.
Nàng lại ấn y nằm xuống.
Nàng hỏi:
- Ngươi muốn chi ?
Phó Hồng Tuyết đáp:
- Đốt đèn !
Nàng bảo:
- Không nên !
Phó Hồng Tuyết hừ nhẹ:
- Tại sao ? Ta không được trông mặt ngươi à ?
Nàng đáp:
cừu.
- Không được !
Nàng cúi xuống, áp mặt vào ngực Phó Hồng Tuyết, cười nhẹ, tiếp:
- Nhưng ta có thể bảo chứng với ngươi, là ta không xấu xí lắm đâu ! Ngươi không cảm thấy như vậy sao ?
Phó Hồng Tuyết trầm giọng:
- Tại sao ta không thể trông mặt ngươi ?
Nàng đáp:
- Bởi vì, nếu biết mặt ta rồi, khi gạp ta ở chỗ khác, ngươi sẽ kinh ngạc, thần sắc biến đổi ! Ta không muốn bất cứ ai biết rằng ta có liên hệ với ngươi !
Phó Hồng Tuyết cãi:
- Nhưng …
Nàng chận lời:
- Có thể sau này ! Ta sẽ cho ngươi trông mặt, chờ khi nào việc này xong rồi, ngươi muốn trông mặt ta bao nhiêu lâu cũng được.
Phó Hồng Tuyết không nói gì, bàn tay y mò mò, tìm khuy áo của nàng.
Nàng chụp tay y gắt:
- Đừng nhúc nhích chứ !
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Tại sao ? Ta không được mó máy à ?
Nàng đáp:
- Ta sắp trở về.
Nàng thở dài mấy tiếng, rồi tiếp:
- Ta vừa nói, ta không nên để cho người ngoài biết sự quan hệ giữa chúng ta !
Phó Hồng Tuyết cười lạnh.
Nàng hiểu trong những phút giây này, nam nhân bị cự tuyệt là phải phẫn nộ ghê
gớm.
Nàng giải thích:
- Ta nhẫn nại ở lại đây suốt bảy tám năm nay, ta chịu đựng cùng cực, ngươi không thể tưởng tượng nổi những thống khổ của ta đâu ! Tại sao ta phải chịu đựng ?
Giọng nàng trở nên trang nghiêm:
- Ta chờ ngươi đó. Ta chờ ngươi đến báo cừu. Chúng ta sở dĩ còn sống, là chỉ vì cái việc đómà thôi. Ta đã không quên được, thì ngươi quên được sao ?
Phó Hồng Tuyết lạnh người.
Nàng đến đây, không phải để tìm vui, mà là để báo cừu !
Nàng tiếp:
- Ngươi biết không, Mã Không Quần là tay cực kỳ lợi hại, đáng sợ nhất trên đời này. Ngoài ra lão ta còn có những viện thủ nữa đấy !
Nàng lại thở dài, đoạn tiếp:
- Nếu chúng ta hạ thủ mà không đắc thủ, thì vĩnh viễn sẽ không còn có cơ hội nữa ! Công Tôn Đoạn, Hoa Mãn Thiên, Vân Tại Thiên, ba tên đó dù có hiệp lại, cũng chẳng đáng sợ. Ta muốn nói, Hoa Mãn Thiên và Vân Tại Thiên vốn không tham gia sự việc đó.
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Vậy nàng ám chỉ đến ai ?
Nàng đáp:
- Những người không dám lộ diện ! Cho đến bây giờ, ta chưa tra cứu được chúng là những ai !
Phó Hồng Tuyết thốt:
- Biết đâu chẳng có ai khác !
Nàng cãi:
- Phụ thân cùng nhị thúc của ngươi, đâu phải là những tay tầm thường ! Bằng vào đâu mà Mã Không Quần và Công Tôn Đoạn dám vọng động đến họ chứ ? Hà huống, hai vị phu nhân lại là những nữ trung hào kiệt, cân quắc anh hùng ? …
Thốt đến đó, nàng nghẹn ngào.
Phó Hồng Tuyết ràn rụa nước mắt.
Lâu lắm, nàng nói tiếp:
- Từ ngày những vị đó chết thảm đến nay, trên giang hồ người ta vẫn còn hoài nghi mãi, họ thầm hỏi trên đời này có ai thừa sức dồn phụ thân ngươi, nhị thúc của ngươi, và hai vị phu nhân vào tử địa ? Đương nhiên không ai nghi ngờ cái lão mặt người lòng thú họ Mã tên Không Quần cả !
Rồi nàng tiếp:
- Nhất định là có kẻ tiếp trợ Mã Không Quần. Ta đến địa phương này, không ngoài mục đích truy cứu kẻ đồng đảng của Mã Không Quần đây. Rất tiếc, ta không hề thấy lão ấy có sự vãng lai với cao thủ võ lâm. Dĩ nhiên phần lão thì lão giữ kín miệng như bình gắn nút. Không bao giờ lão sơ hở nói năng hớ hênh về việc xa xưa !
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Suốt bảy tám năm, ngươi vẫn không tra cứu được gì. Giờ đây dù hai chúng ta hiệp lại, cũng mong gì có kết quả ? Nàng thốt:
- Hiện tại, ít nhất chúng ta cũng có cơ hội !
Phó Hồng Tuyết trầm giọng:
- Cơ hội gì ?
Nàng đáp:
- Hiện tại có người đang bức bách lão đến độ lui không nẻo, tới không đường. Cuối cùng, lão phải lôi cuốn đồng đảng của lão vào cuộc luôn.
Phó Hồng Tuyết hỏi:
- Có phải là những người đó bức lão không ?
Nàng không đáp câu hỏi, chỉ hỏi lại:
- Mười ba người chết trong đêm qua, có phải chính ngươi giết chăng ?
Phó Hồng Tuyết đáp:
- Không phải !
Nàng lại hỏi:
- Còn ngựa ?
Phó Hồng Tuyết tiếp:
- Cũng không luôn !
Nàng hừ một tiếng:
- Thế thì ai giết ?
Phó Hồng Tuyết thở dài:
- Ta cũng lấy làm kỳ quái !
Nàng trầm giọng:
- Ngươi không đoán được ?
Phó Hồng Tuyết trầm ngâm một lúc:
- Hay là Diệp Khai ?
Nàng thốt:
- Con người đó rất thần bí. Hắn đến đây hiển nhiên là phải có mục đích. Nhưng, hắn không giết mấy người đó đâu !
Phó Hồng Tuyết kêu khẽ:
- Ạ ?
Nàng giải thích:
- Ta biết lúc đó hắn đang ở đâu, với ai !
Phó Hồng Tuyết hết sức kỳ quái, thần sắc biến đổi lạ lùng.
Vừa lúc đó có tiếng “cách” vang lên trên nóc nhà.
Nữ nhân biến sắc, trầm giọng bảo:
- Ngươi ở đây nhé ! Tuyệt đối không nên ra ngoài.
Thốt xong câu đó, nàng xô cửa sổ, thoát ra.
Phó Hồng Tuyết vừa nhìn theo nàng đã khuất dạng !
Nơi đó có bốn người.
Cả bốn đều say như chết. Cả bốn đều là mã sư của Vạn Mã Đường.
Họ vốn thường thường say như thế, nhưng hôm nay, họ say gấp hơn ngày thường !
Họ lại say đáng sợ !
Trước cái chết của mười ba đồng nghiệp, trước bao nhiêu thảm họa, còn bao nhiêu thảm họa chưa cho, bảo sao họ đừng say ?
Họ cần tìm cái để quên cái sợ chứ.
Khi người thứ tư, người say sau cùng, ngã gục, thì Diệp Khai xuất hiện, do cửa hông tiến vào.
Vừa vào đến nơi, chàng thấy ngay Tiêu Biệt Ly.
Tiêu Biệt Ly nháy mắt gọi chàng bước tới.
Tiêu Biệt Ly trao cho chàng một vật, thốt:
- Có người gởi cái này đến cho lão đệ !
Diệp Khai chớp mắt:
- Thúy Bình ?
Tiêu Biệt Ly cũng chớp mắt:
- Lão đệ luôn luôn thông minh như vậy à !
Diệp Khai cười nhẹ:
- Rất tiếc, trước mặt nữ nhân nào tiểu đệ ưa thích là tiểu đệ biến thành một ngốc
tử !
Chàng tiếp lấy vật đó.
Một mảnh giấy xếp nhỏ.
Mở mảnh giấy ra, chàng thấy mấy chữ: - Đóa châu hoa, ngươi có trao cho ai chăng ?
Diệp Khai mơn man đóa châu hoa nơi áo, tợ si, tợ dại …
Tiêu Biệt Ly nhìn chàng, buông tiếng thở dài, thốt:
- Nếu ngu huynh trẻ lại độ hai mươi tuổi, thì nhất định là phải có đánh nhau với lão đệ !
Diệp Khai cười nhẹ:
- Vô luận Tiêu huynh bao nhiêu tuổi, tuyệt đối lão huynh chẳng phải là kẻ nam nhân thích đánh nhau vì nữ sắc.
Tiêu Biệt Ly lắc đầu:
- Lão đệ nhìn lầm ngu huynh rồi !
Diệp Khai chớp mắt:
- Ạ !
Tiêu Biệt Ly tiếp:
- Lão đệ có biết tại sao đôi chân của ngu huynh cụt mất đi chăng ?
Diệp Khai lại chớp mắt:
- Vì nữ nhân ?
Tiêu Biệt Ly cười khổ:
- Khi ngu huynh phát hiện ra nữ nhân đó chỉ là một con chó cái, thì mọi việc đều muộn rồi ! Quá muộn !
Bỗng lão cười tươi, tiếp:
- Nhưng nàng này tuyệt nhiên không thuộc hạng ngu huynh vừa đề cập đó. Lão đệ tin lão huynh đi ! Nàng chẳng bao giờ bán mình rẻ giá cho bất cứ ai !
Diệp Khai hỏi:
- Thế nàng bán gì ?
Tiêu Biệt Ly tiếp:
- Nàng bán nam nhân ! Nam nhân càng khó bán, nàng càng thích bán !
Qua luôn mấy vọng cửa, Diệp Khai đến nơi mà chàng muốn đến. Chàng gõ cửa.
Bên trong có tiếng hỏi: - Ai ?
Diệp Khai đáp: - Khách.
Bên trong thốt: - Hôm nay, tiểu thơ không tiếp khách.
Diệp Khai hỏi: - Nếu khách đạp chân, cửa tung ra thì sao ?
Bên trong, có tiếng cười trong trẻo: - Nhất định là Diệp công tử !
Một tiểu cô nương vừa cười vừa mở cửa, kêu lên: - Quả thật Diệp công tử đây mà !
Diệp Khai cười trả lễ: - Hẳn là các cô nương sợ hư cửa !
Gian nhà bày trí rất thanh nhã, một vài chậu hoa ở trong một vài khóm trúc bên ngoài.
Mành trúc cuốn lên, chủ nhân bước ra đón khách.
Chủ nhân không trang điểm, song vẻ đẹp tự nhiên thừa quyến rũ bất cứ ai.
Nói chung, nàng không đẹp lắm, nhưng con người đó có một năng lực phi thường, người ta khó tìm được cái nét chính tạo nên mỵ lực đó.
Nàng là Thúy Bình.
Vừa thấy Diệp Khai, nàng cau mày hỏi:
- Công tử không mua nổi một chiếc áo và một đôi giày mới à ?
Diệp Khai lắc đầu:
- Không !
Thúy Bình cau mày hơn:
- Không ?
Diệp Khai đáp:
- Mua cũng nổi, song không mua vì không muốn thay đổi.
Thúy Bình lại cau mày hơn một chút:
- Tại sao ?
Diệp Khai đáp:
- Tại vì vật cũ có năng lực bảo hộ người mang nó. Như, đôi giày rách của tại hạ …
Thúy Bình chớp mắt:
- Bảo hộ người ?
Diệp Khai nhấc chân lên, chỉ lỗ rách nơi đế giày thốt:
- Cô nương thấy lỗ rách ở nơi chân giày chứ ? Kẻ nào vô lễ với tại hạ, nó dám ngoạm cho chết luôn lắm.
Thúy Bình cười bước tới thốt:
- Tôi thử xem nó có dám ngoạm tôi chăng !
Diệp Khai nắm nàng, giữ lại:
- Nó không dám ngoạm cô nương, thì còn tại hạ đây, tại hạ dám ngoạm !
Thúy Bình cười sằng sặc, ngà vào lòng chàng.
Trong bóng tối, nấp mình trên mái nhà, một nữ nhân bao mặt quan sát khắp bốn
Nữ nhân đó đuổi theo một bóng người, đến đây mất hút, cắt đứt.
Nàng biết, bên dưới mái nhà, là đối phương nào, song đối phương đó không tiếp nữ nhân, thì làm sao xuống tận nơi mà truy tầm ? Bởi đây là một kỹ viện.
Nàng tự hỏi:
- Hắn là ai ? Tại sao hắn nghe lén câu chuyện của bọn ta ? Hắn có nghe được gì chăng ?
Nếu nàng không bao mặt, tất thấy vẻ kinh hoàng hiện lên trên mặt đó.
Bởi, câu chuyện của nàng, là câu chuyện tối mật. Tuyệt đối, nàng phải gữ kín bí mật đó !
Đắn đo một lúc, nàng cắn răng, quyết nhảy xuống làm một cuộc mạo hiểm.
Một nữ nhân vào kỹ viện, lúc đêm tối ! Tự nhiên có bao nhiêu người hiện diện trong kỹ viện, thì cả bao nhiêu người đó đều phải lấy làm lạ, nam cũng như nữ.
Vào đây rồi, nàng tránh sao khỏi sự cợt nhã của các con quỷ sắc, những thứ quỷ đó càng buông lung sỗ sàng khi nhấp nháp vào người ít nhiều chén rượu.
Vào đây, là phải gặp sự vũ nhục. Biết vậy, nàng vẫn phải vào.
Và người thứ nhất chạm vào nàng, là một tên đồ tể đã say nhừ. Hắn đứng lên mà đôi chân chập choạng, như chực ngã.
Hắn cố bước tới nàng.
hết: Hồi 7, xem tiếp: Hồi 8
Hồi 8
Người Khách Kỳ Quái
Người ngồi bên cạnh hắn lôi hắn xuống bảo :
- Đừng. Nữ nhân đó không phải thứ dễ trêu đâu. Đồ tể hừ một tiếng :
- Tại sao ?
Người bên cạnh đáp : - Nàng có chủ bao. Đồ tể bỉu môi : - Ai ?
Người bên cạnh buông gọn : - Vạn Mã Đường Đồ tể như quả cầu đang phòng to, vụt xì hơi xẹp lép.
Nữ nhân là dì ba.
Dì ba ngẩng cao mặt bước vào, miệng cười mỉm, vờ như chẳng nghe chung quanh người ta xì xào bàn tán, chẳng thấy ai nhìn bà.
Người ta nhìn bà với ánh mắt quá sổ sàng, thứ ánh mắy cởi trần truồng y phục của nữ nhân để tìm những bộ phận mà họ mơ thấy.
Trước những ánh mắt đó thì dù sao bà cũng mất tự nhiên ít nhiều, cũng may là bà trấn định được tâm tư nên không mất đi cái vẻ ung dung của con người đắc ý trên địa vị.
Rồi Tiêu Biệt Ly gọi bà.
Lão cười nhẹ thốt:
- Trầm Tam Nương cũng đến đây nữa sao? Đúng là một người khách kỳ quái của lão phu.
Bà bước tới, hỏi:
- Tiêu tiên sinh không hoan nghinh tôi?
Tiêu Biệt Ly thở dài:
- Lòng thì hoan nghinh song không biểu hiện qua thái độ được. Tam Nương nghĩ xem, lão phu đâu còn đôi chân mà đứng lên đón tiếp.
Trầm Tam Nương thốt:
- Tôi đến đây là muốn tìm người.
Tiêu Biệt Ly chớp mắt:
- Tìm lão phu?
Trầm Tam Nương đáp:
- Nếu tìm tiên sinh thì tôi phải đến lúc vắng người chứ.
Tiêu Biệt Ly thấp giọng:
- Lão phu thì nhất định mong đợi Tam Nương. Bởi đôi chân đâu còn mà phải sợ ai bẻ gãy.
Cả hai cùng cười.
Cả hai đều biết đối tượng là một con hồ ly tinh. Hai con hồ ly đang đấu trí với nhau.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Thúy Bình có mặt chứ?
Tiêu Biệt Ly gật đầu:
- Tam Nương tìm nàng?
Trầm Tam Nương gật đầu:
- Phải.
Tiêu Biệt Ly thở ra:
- Tại sao cả nam nhân lẫn nữ nhân, ai ai cũng tìm nàng ấy?
Trầm Tam Nương thốt:
- Tôi không dỗ giấc được. Đêm buồn nên muốn gặp nàng đàm đạo giải muộn.
Tiêu Biệt Ly lắc đầu:
- Rất tiếc. Tam Nương đến quá muộn.
Trầm Tam Nương cau này:
- Không lẽ nàng giữ khách trong phòng?
Tiêu Biệt Ly gãi đầu:
- Một người khách rất đặc biệt.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Đặc biệt làm sao?
Tiêu Biệt Ly buông gọn:
- Nghèo. Nghèo đến độ không còn có thể nghèo hơn nữa.
Trầm Tam Nương mỉm cười:
- Nàng cũng tiếp cả khách nghèo nữa sao?
Tiêu Biệt Ly tiếp:
- Lão phu cũng muốn ngăn chận khách song rất tiếc đánh thì không thắng nổi mà chạy thì cũng không chạy nhanh bằng khách.
Trầm Tam Nương trầm giọng:
- Tiên sinh không dối tôi chứ?
Tiêu Biệt Ly thở dài:
- Trên đời này phỏng có mấy kẻ dối được với Tam Nương.
Trầm Tam Nương cười hì hì:
- Người khách đó là ai?
Tiêu Biệt Ly đáp:
- Diệp Khai.
Trầm Tam Nương cau mày:
- Diệp Khai?
Tiêu Biệt Ly điểm một nụ cười:
- Đương nhiên là Tam Nương không nhận ra y nhưng y vừa đến đây chưa tròn hai ngày mà có khối người biết mặt y rồi.
Trầm Tam Nương cười tươi, nụ cười thật hấp dẫn. Nhưng trong ánh mắt ẩn ướt có sát khí chớp ngời.
Rồi bà nghe lỗ mũi cay cay…
Sau đó thì sát khí tan biến liền.
Bởi bà vừa thấy một bóng người. Người này có lối mở cửa ồ ạt. Một tiếng bình vang mạnh. Ciửa bật tung, một thân hình hộ pháp xuất hiện.
oOo
Công Tôn Đoạn bước những bước dài tiến vào. Tay đặt nơi đốc đao, mặt lộ sắc giận. Trong những phút giây như thế này, người ta mới thấy y dữ hơn một hung thần.
Trầm Tam Nương ngừng thở.
Tiêu Biệt Ly thở dài, lẩm nhẩm:
- Người đáng đến lại không đến. Chỉ đến những kẻ không đáng đến.
Lão cầm lên một quân bài rồi từ từ đặt xuống, đoạn lắc đầu tiếp:
- Đêm qua mưa to, đường xá lầy lội, người vô tư hẳn không ham xuất ngoại tí nào.
Mưa ban ngày chứ đâu có mưa đêm? Sao lão nói mưa đêm?
Cái tiếng phong vũ của lão có hàm ý sâu xa gì?
Công Tôn Đoạn vụt quát:
- Lại đây!
Trầm Tam Nương khẽ cắn môi hỏi:
- Ông bảo ai lại?
Công Tôn Đoạn cộc lốc:
- Ngươi.
Gã đồ tể nhảy xổm lên. Người bên cạnh không kịp giữ gã lại nên gã đã lướt tới Công Tôn Đoạn rồi.
Gã quát:
- Nói chuyện với thái thái hay tiểu thơ mà tại sao ngươi ngang tàng thế. Liệu hồn đấy, ta…
Công Tôn Đoạn hoành tay, một tiếng bịch vang lên, cắt đứt câu nói của gã.
Thân hình gã tung bỗng lên không, bay qua bàn, chạm vào tường. Tiếp nối là một tiếng bình, gã rơi xuống chân tường, trào máu miệng, tét xương đầu.
Gã cân nặng ít nhất cũng trăm cân thế mà Công Tôn Đoạn hất gã như hất quả
cầu.
Công Tôn Đoạn không buồn nhìn gã Đồ tể, y nhìn thẳng vào mặt Trầm Tam Nương gằn từng tiếng:
- Nghe ta hỏi, ngươi xuất ngoại để làm gì?
Trầm Tam Nương cắn môi, cuối cùng cúi đầu đáp:
- Tôi muốn tìm một người.
Công Tôn Đoạn quát:
- Tìm ai?
Trầm Tam Nương hỏi lại:
- Có quan hệ gì đến ông?
Công Tôn Đoạn hừ lạnh:
- Đi theo ta, rồi muốn nói gì thì tự do nói.
Công Tôn Đoạn đi trước, bước những bước dài và nhanh.
Trầm Tam Nương có vẻ miễn cưỡng theo sau, vất vả quá.
Thế thuật khinh công siêu việt của bà đâu? Vừa rồi bà xử dụng một thân pháp tinh diệu quá mà.
Chẳng lẽ bà quên ngón nghề cao tuyệt của bà?
Ra đến đường, gặp đoạn vắng, Công Tôn Đoạn đáp câu hỏi của bà:
- Việc của Mã Không Quần là việc của Công Tôn Đoạn, ngươi biết chưa. Không một ai được làm gì để nhục cho lão.
Trầm Tam Nương cãi:
- Tôi làm gì mà ông nói là gây nhục cho lão ta?
Công Tôn Đoạn cao giọng:
- Việc ngươi vừa làm đó.
Trầm Tam Nương thở dài:
- Tôi chỉ muốn đi tìm một vài nữ nhân đàm đạo giải khuây, vậy mà cũng cho là làm nhục lão được à? Ông đừng quên tôi là nữ nhân. Nữ nhân tìm nữ nhân cũng không được dao?
Công Tôn Đoạn hỏi:
- Ngươi tìm ai?
Trầm Tam Nương đáp:
- Thúy Bình cô nương.
Công Tôn Đoạn gằn giọng:
- Nàng ấy không phải là nữ nhân suông. Nàng ấy là con điếm.
Trầm Tam Nương cười lạnh:
- Điếm? Con điếm mà ông gọi được nàng không? Nàng chịu tiếp ông không?
Công Tôn Đoạn quay mình, tung một quyền vào bụng bà ta. Bà không né tránh cũng không phản ứng.
Hứng một quyền vào bụng, bà cong úp thân hình xuống, loạng choạng, chân lùi bảy tám bước, rồi ngồi phệt xuống đường.
Kế đó bà ói mữa, mữa toàn nước chua trong bao tử.
Công Tôn Đoạn bước tới chụp tóc bà, nhấc bổng bà lên, cao giọng thốt:
- Ta biết ngươi cũng là một con điếm. Song trước kia ngươi muốn bán mình cho ai thì tùy. Chứ bây giờ thì không được.
Trầm Tam Nương cắn răng, cố nhẫn nại, lệ thảm tuôn tràn, giọng bà rung rung:
- Ông… ông muốn làm gì tôi?
Công Tôn Đoạn gằn mạnh:
- Ta hỏi câu nào, ngươi đáp câu đó, đáp đúng sự thật. Biết chưa?
Trầm Tam Nương chưa nói. Công Tôn Đoạn đã hoành tay, chặt sống tay vào hông
bà.
Bà co rúm người lại, lệ thảm lại tuôn tràn.
Công Tôn Đoạn quát: - Ngươi hiểu chưa?
Trầm Tam Nương gật đầu.
Công Tôn Đoạn hỏi: - Ngươi rời nhà từ lúc nào?
Trầm Tam Nương đáp:
- Mới đây thôi.
Công Tôn Đoạn tiếp:
- Ra khỏi nhà là đi ngay đến đây?
Trầm Tam Nương gật đầu:
- Công Tôn Đoạn tiếp:
- Gặp con điếm Thúy Bình chưa?
Trầm Tam Nương lắc đầu:
- Chưa.
Công Tôn Đoạn hừ một tiếng:
- Tại sao chưa?
Trầm Tam Nương đáp:
- Vì nàng đang tiếp khách.
Công Tôn Đoạn hỏi:
- Có tìm ai khác không? Có đi đến nơi nào khác không?
Trầm Tam Nương lắc đầu.
Công Tôn Đoạn quát:
- Thật vậy?
Y lại vung quyền, lần này y chọn chỗ có thịt nhiều hơn xương.
Một tiếng bịch vang lên. Y điểm một nụ cười. Chừng như y thích nghe loại âm thanh đó.
Trầm Tam Nương kêu lên:
- Tôi nói không. Không gặp ai khác, không đến nơi nào khác.
Công Tôn Đoạn nhìn bà, ánh mắt chớp hung quang. Tay quyền vẫn nắm chặt, chờ vung ra.
Trầm Tam Nương đột nhiên nhào tới, hai tay quàng quanh cổ Công Tôn Đoạn, hai chân kẹp sát hông y, rồi bà vừa khóc vừa gào:
- Nếu ngươi thích đánh ta thì đây, ngươi đánh đi. Ngươi cứ đánh chết ta đi.
Bà ghì mạnh hơn, ngực áp sát ngực y, mượn cái thế dãy dụa để mà chà sát ngực bà vào ngực y, cho đôi nhủ hoa cồm cộm chọc nhột y. Đồng thời đôi chân bà rà lên rà xuống nơi hông y.
Cảm giác rờn rợn chuyển khắp mình. Trong khi đó Công Tôn Đoạn lại nghe hơi thở nong nóng và phều phào của Trầm Tam Nương phớt phớt nơi cổ. Trầm Tam Nương lại tựa đầu lên vai y, khóc rấm rứt, vừa khóc vừa rên rỉ:
- Ta biết là ngươi thích đánh ta lắm mà. Đánh đi. Đánh cho ta chết ngay đi.
Hai bàn tay đang nắm chặt, mười ngón từ từ lơi ra, cuối cùng Công Tôn Đoạn xuôi lơ luôn hai tay.
Niềm phẫn nộ nơi ánh mắt của y cũng tan biến luôn.
Kế đó hơi thở của y bắt đầu dồn dập, thô bạo.
Trầm Tam Nương tiếp:
- Đánh đi. Đánh chết ta cũng chẳng sao. Nếu còn sống sót, ta nhất định không tố cáo với ai biết về sự tình này.
Công Tôn Đoạn bắt đầu rung người. Không ai tưởng con người hộ pháp đó lại có thể run được.
Y bị khích động mạnh.
Càng run người, y càng để lộ những cái vụng về trong thái độ. Cái vụng về của dục vọng, càng vụng về càng hấp tấp luống cuống…
Nhưng y vùng mình lên, cố lấn át cơn dục vọng. Sợ chậm trễ là can đảm tiêu tan luôn, y tung mạnh một quyền vào bụng Trầm Tam Nương.
Bà ngã ngửa người nằm trên mặt đường.
Công Tôn Đoạn nhổ một bãi nước bọt xuống mặt bà. Đoạn y quay mình đi tìm con ngựa.
Y tự hận chứ không hận Trầm Tam Nương, hận mình không đủ cương quyết cự tuyệt sự dụ hoặc, lâi không dám tiếp thọ sự hiến dâng đó.
Trầm Tam Nương lau khô lệ. Chỗ bị Công Tôn Đoạn đánh bắt đầu rên đau. Thế nào rồi qua đêm nay, chỗ đó cũng phải sưng lên bầm tím.
Bàn tay của Công Tôn Đoạn mạnh như chiếc sừng trâu, quật cây cối cũng phải gãy xuống thì huống chi là xác thịt con người.
Tuy nhiên bà không buồn, không hận. Bởi bà biết chẳng bao giờ Công Tôn Đoạn đem sự tình này tiết lộ với ai. Bà không muốn Vạn Mã Đường biết bà có ra khỏi phòng trong đêm nay.
Hiện tại chỉ có mỗi một người biết được sự bí mật của bà.
Người đó là người nấp trên nóc nhà nghe trộm câu chuyện của bà và bà đã đuổi theo, song không theo kịp.
Người đó là ai?
Phải là Diệp Khai chăng?
Bà hy vọng người đó là Diệp Khai. Bởi một người có nhiều bí mật thì không khi nào nghe lọt bí mật của người khác mà tiết lộ ra ngoài.
Bà tin chắc có cách uy hiếp Diệp Khai, bắt buộc chàng phải im lặng. Cho nên bà hy vọng người đó là chàng.
Trong một gian phòng kín, một đôi nam nữ đang đối thoại với nhau. Nữ:
- Công tử có phải là Diệp Khai thật sự không?
Nam:
- Tại hạ không thể là Diệp Khai à?
Nữ:
- Nhưng Diệp Khai là con người như thế nào?
Nam:
- Là một nam nhân nghèo không tưởng nổi, thông minh không tưởng nổi, dối với nữ nhân có thủ đoạn vụn vặt không tưởng nổi.
Nữ:
- Công tử quen bao nhiêu nữ nhân?
Nam:
- Cô nương đoán thử xem.
Nữ:
- Họ như thế nào?
Nam:
- Tất cả đều không tốt song đối với tại hạ thì lại không xấu.
Nữ:
- Họ ở những địa phương nào?
Nam:
- Địa phương nào cũng có. Bình sinh tại hạ rất sợ cái cảnh ngủ một mình. Cảnh đó vô vị như tự mình gầy cuộc cờ chơi với mình.
Nữ:
- Không ai chiếu cố đến công tử à?
Nam :
- Tại hạ tự chiếu cố lấy mình còn không kham thì người khác chiếu cố làm sao
nổi.
Nữ:
- Gia đình không có ai khác?
Nam:
- Chưa có gia đình riêng, không có gia đình chung.
Nữ:
- Thế công tử từ đâu đến?
Nam:
- Từ các nơi vừa rời đi.
Nữ:
- Để đến các nơi muốn đến?
Nam:
- Lần này thì cô nương đoán trúng.
Nữ:
- Có khi nào công tử nói chuyện quá khứ với ai không?
Nam:
- Không bao giờ.
Nữ:
- Hẳn là công tử có nhiều bí mật cần dấu diếm người ngoài.
Diệp Khai ngồi lên bên cạnh nàng, nhìn nàng một lúc.
Trong ánh sáng mông lung của ngọn đèn, chàng thấy gương mặt nàng trắng xanh, mỏi mệt. Đối mắt của nàng rất to.
Bỗng chàng thốt:
- Tại hạ chỉ có một một sự bí mật.
Thúy Bình mở to mắt hơn hỏi:
- Bí mật gì?
Diệp Khai tiếp:
- Tại hạ sống chín ngàn bảy trăm năm, tu luyện từ hồ ly biến thành hình người.
Chàng nhảy xuống giường, xỏ chân vào giày, khoác áo, đoạn bước ra.
Thúy Bình cắn môi, nhìn theo sau bóng chàng bước đi. Sau đó nàng dùng lực đập mạnh tay xuống chiếc gối. Hy vọng chiếc gối là Diệp Khai.
Toà tiểu viện nhỏ im phăng phắt. Nhưng trên gác nhỏ, đèn đốt sáng. Tiêu Biệt Ly đang ở trên gác.
Lúc ở trên gác, lão ta làm những gì?
Trên đó có những quân bài cho lão mân mê chăng? Hay có một nữ nhân nào bí
mật?
Dù sao thì Diệp Khai cũng nhận thấy ở lão có cái gì vừa thú vị, vừa bí mật.
Nơi cửa sổ gác, bỗng có một bóng người xuất hiện.
Ba bóng chứ không phải chỉ một bóng. Cả ba bóng cùng đứng trước ngọn đèn. Đèn rọi bóng họ nơi cửa sổ. Ba bóng vừa hiện ra rồi biến mất.
Lạ chưa. Trên đó có những ba người. Một là Tiêu Biệt Ly, cái đó thì chắc rồi, còn hai bóng kia?
Diệp Khai chớp mắt.
Chàng hết sức khó khăn để dằn tính hiếu kỳ. Cái kỷ viện với căn gác nhỏ cách nhau không xa lắm. Chàng cột chặt tà áo, đoạn phi thân vút qua đó.
Quanh bốn phía gác đều có lan can, lối kiến trúc như một toà tiều đình.
Chân vừa chấm lan can, chàng nhún mình đu lên mái nhà.
Chân móc vào mái nhà, đầu thòng xuống, chàng nhìn vào trong căn gác.
Chính giữa có một cái bàn tròn.
Trên bàn có rượu và thức ăn.
Người ngồi đối diện với vọng cửa là Tiêu Biệt Ly. Người thứ hai mặt y phục rất hoa lệ, gần như xa xỉ, bàn tay cầm đũa có đeo ba chiếc nhẫn hình dáng cực kỳ quái dị. Ba cái đó mường tượng như ba ngôi sao. Người đó đúng là một lão gù.
Đèn trong căn gác không sáng lắm. Rượu và thức ăn thì thật là hảo hạng. Người gù mặc y phục hoa lệ đang nâng chén rượu. Tiêu Biệt Ly cười hỏi:
- Rượu thế nào?
Người gù đáp: - Rượu thì thường thôi còn chén thì khá lắm.
Xem ra cái lão này còn sành hưởng thụ hơn cả Tiêu Biệt Ly. Tiêu Biệt Ly thở dài:
- Ta biết là khó mà làm cho các hạ vừa lòng lắm. Ta đã nhờ người xuôi tận miền nam, cố tìm cho được cái thứ Bồ Đào Tửu chân chính gốc Ba Tư. Không ngờ bao nhiêu công khó chỉ được các hạ đánh giá bằng một tiếng ”thường”.
Người gù đáp:
- Bồ Đào tửu của Ba Tư có đến mấy loại, loại này là loại thường thôi.
Tiêu Biệt Ly hỏi:
- Sao các hạ không mang theo một ít, thuộc loại tốt.
Người gù thốt:
- Tại hạ định mang theo đấy chứ, song lúc sắp sửa ra đi thì có việc phát sinh, thành ra quá vội vàng mà không kịp nghĩ đến rượu.
Thì ra họ có ước hẹn với nhau trước.
Diệp Khai thích hú vô cùng. Chàng không tưởng là gặp Kim Bối Đà Long Đinh Cầu Cảnh tại căn gác nhỏ này.
Có ai ngờ Đinh Cầu Cảnh ẩn mình tại đây. Hơn thế lại có ước hẹn với Tiêu Biệt Ly. Lão ta và Tiêu Biệt Ly âm mưu với nhau đối phó với Vạn Mã Đường.
Tại sao lại có các vụ chuyên chở quan tài?
Diệp Khai hy vọng nghe Tiêu Biệt Ly hỏi Đinh Cầu Cảnh, lúc lão ấy sắp sửa ra đi thì việc gì đã phát sinh.
Nhưng Tiêu Biệt Ly đã chuyển hướng câu chuyện sang đề tài khác:
- Dọc đường đến đây các hạ có gặp một nữ nhân nào cực kỳ diễm lệ chăng?
Đinh Cầu Cảnh lắc đầu:
- Không. Mấy lúc gần đây chừng như nữ nhân diễm lệ mỗi ngày một hiếm.
Tiêu Biệt Ly cười mỉm:
- Cái đó có lẽ tại vì các hạ mỗi ngày một giảm hứng thú đối với nữ nhân.
Đinh Cầu Cảnh thốt:
- Nghe nói ở đây các hạ có một nữ nhân vào hạng khá. Đúng vậy chứ?
Tiêu Biệt Ly chớp mắt:
- Nào chỉ khá mà thôi. Phải nói là tuyệt mới được.
Đinh Cầu Cảnh chau mày:
- Có vưu vật như vậy mà sao các hạ không gọi ra đây cùng uống rượu với bọn ta?
Tiêu Biệt Ly đáp:
- Hai hôm nay không gọi được nàng đâu.
Đinh Cầu Cảnh trầm giọng:
- Tại sao?
Tiêu Biệt Ly đáp:
- Vì nàng đã có người rồi. Người đó chiếm trọn con tim của nàng.
Đinh Cầu Cảnh hỏi:
- Ai?
Tiêu Biệt Ly đáp:
- Con người có hấp lực làm say mê nữ nhân đương nhiên không nhiều.
Đinh Cầu Cảnh gật đầu:
- Lão bình sinh không thích đồng ý với ai nhưng bây giờ lão đồng ý.
Tiêu Biệt Ly tiếp:
- Người đó lắm lúc xem như ngu ngốc nhất đời.
Đinh Cầu Cảnh ạ lên một tiếng:
- Thế a!
Tiêu Biệt Ly đáp:
- Y dám bỏ chăn êm nệm ấm để đi nằm điếm cỏ cầu sương. Y dám bỏ cao lương mỹ vị để sống qua ngày bằng cách hớp gió làm no.
Diệp Khai khoan khoái vô cùng. Vô luận nam nhân nào, nghe kê khai bình luận mình như vậy về phương diện nữ sắc thì nam nhân đó phải khoan khoái cực độ.
Tuy nhiên có một câu không làm cho chàng sung sướng lắm.
Cái đó mường tượng ám chỉ chàng bị bỏ rơi, bị phụ bạc. Chàng là người bị bỏ rơi của một nữ nhân vừa gặp mới nới cũ.
Hơn thế, chàng bị ví như một tên tiểu trộm.
Nhưng luận vì hiện tình thì câu nói ám chỉ đúng trường hợp chàng rời căn phòng ấm áp của Thúy Bình để đến đây hít gió, nghe trộm.
Thế ra Tiêu Biệt Ly đã phát hiện ra chàng rồi sao.
Vừa lúc đó, Tiêu Biệt Ly ngẩng mặt lên, nhìn về phía cửa sổ, cười nhẹ.
Đinh Cầu Cảnh cũng buông chén rượu, chuẩn bị bàn tay với một tư thế kỳ quái.
Diệp Khai biết bị lộ rồi nên bật cười lớn, thốt:
- Chủ nhân uống rượu bên trong để cho khách ở ngoài hớp gió. Chủ nhân nhhư vậy quả thật là ác. Aùc quá.
Chàng buông mình xuống, đẩy cánh cửa sổ, nhảy vào.
Trên bàn chỉ có hai bộ chén đũa.
Vừa rồi rõ ràng là chàng thấy ba bóng người. Thế người thứ ba biến đi đâu?
Người đó là ai? Chẳng lẽ lại là Vân Tại Thiên?
Nếu là gã thì tại sao lại chuồn đi?
Gian gác này bài trí rất trang nhã. Đồ vật đều được đặt trong tầm tay, với tay ra là lấy được.
Tiêu Biệt Ly với tay lấy một chiếc chén ngọc nơi kệ ở bên cạnh, cười thốt:
- Tại hạ quen tánh lười mất rồi. Vả lại mình là người tàn phế nên cố tránh những cửa động không cần thiết.
Diệp Khai khẽ thở dài:
- Lười như Tiêu huynh thì cũng nên lười. Một tật lười đầy thú vị.
Tiêu Biệt Ly chớp mắt:
- Câu nói đó đáng giá một chén rượu đó. Thứ rượu Bồ Đào chành gốc Ba Tư,
Diệp Khai nheo mắt:
- Rất tiếc chỉ là một loại Bồ Đào thường thôi.
Chàng vừa nâng chén vừa cười, nhìn sang Đinh Cầu Cảnh, tiếp:
- Lần trước gặp tiên sinh, vì vội vã nên thất lễ chào mừng, vậy xin tha thứ.
Đinh Cầu Cảnh trầm gương mặt, lạnh lùng thốt:
- Các hạ không thất lễ, khỏi phải chịu lỗi.
Diệp Khai tiếp:
- Bất quá đối với con người hiểu rành rượu và nữ nhân thì tại hạ rất mực tôn kính.
Đinh Cầu Cảnh chợt đổi sắc mặt:
- Tiêu lão bản vừa rồi chỉ nói sai một việc.
Diệp Khai kêu khẽ:
- A.
Đinh Cầu Cảnh tiếp:
- Chẳng những các hạ có thủ đoạn đối với nữ nhân mà đối với nam nhân, các hạ cũng là tay có hạng.
Diệp Khai tặc lưỡi:
- Cái đó cũng còn tùy đối tượng. Xem nam nhân đó có là chân chánh một nam nhân hay không. Gần đây cái số nam nhân chân chánh ngày càng giảm thiểu.
Đinh Cầu Cảnh bật cười.
Lúc đó Diệp Khai mới cạn chén rượu. Uống xong, chàng nhận ra là những lời khách sáo tâng bốc cũng đã được nói xong rồi.
Bây giờ phải nói gì kế tiếp?
Chàng từ từ ngồi xuống, ngồi vào chiếc ghế đáng lẽ phải dành cho người chủ thứ
Làm sao hỏi cho rõ về người thứ ba đó? Phải nói cách nào cho họ chịu tiết lộ bí
ba.
mật?
Chàng cũng có kỷ thuật khơi dòng tâm tư của đối tượng. Hiện tại, chàng đang soát lại xem các kỷ thuật đó có cần tu chỉnh lại điểm nào hay không.
Đang lúc chàng trầm ngâm thì Đinh Cầu Cảnh thốt:
- Tại hạ biết là các hạ có điều muốn hỏi nơi tại hạ lắm.
Lão cười miệng song mắt lại chẳng có ý cười. Lão từ từ tiếp:
- Các hạ nhất định muốn hỏi: tại sao tại hạ lại đến địa phương này. Tại sao chuyên chở một số quan rtài như vậy? Tại sao quen biết Tiêu lão bản. Cùng với Tiêu lão bản thương lượng việc gì.
Diệp Khai phát hiện ra Đinh Cầu Cảnh là con người khó đối phó hơn chàng tưởng.
Đinh Cầu Cảnh trầm giọng:
- Tại sao các hạ không hỏi?
Diệp Khai hỏi lại:
- Hỏi mà có ích chi chăng?
Đinh Cầu Cảnh lạnh lùng:
- Chẳng có ích lợi gì cả.
Diệp Khai tiếp:
- Cho nên tại hạ không hỏi.
Đinh Cầu Cảnh thốt:
- Dù vậy, tại hạ có thể cho các hạ biết được một vài việc.
Diệp Khai chớp mắt:
- A.
Đinh Cầu Cảnh hỏi:
- Người ta đồn toàn thân tại hạ, nơi nào cũng có chứa ám khí. Các hạ có nghe nói
chứ?
Diệp Khai gật đầu:
- Có nghe.
Đinh Cầu Cảnh tiếp:
- Lời đồn trên giang hồ khó tin lắm. Song về những gì liên quan đến tại hạ thì phải kể là ngoại lệ.
Diệp Khai hỏi:
- Nghĩa là tin được? Trong mình các hạ nơi nào cũng có ám khí.
Đinh Cầu Cảnh gật đầu:
- Phải.
Diệp Khai chớp mắt:
- Bao nhiêu loại?
Đinh Cầu Cảnh đáp:
- Hai mươi ba loại.
Diệp Khai kêu lên:
- Nhiều thế? Bao nhiêu loại độc?
Đinh Cầu Cảnh mỉm cười:
- Mười ba loại. Bởi có lúc tại hạ thấy cần phải để cho một vài người sống sót.
Diệp Khai lại hỏi:
- Người ta nói trong một lúc, các hạ có thể phát xuất bảy tám thứ ám khí bất đồng dạng, có đúng vậy không?
Đinh Cầu Cảnh đáp:
- Bảy loại cùng một lượt.
Diệp Khai thở dài:
- Thủ pháp nhanh như thế là cùng.
Đinh Cầu Cảnh lắc đầu:
- Còn có người nhanh hơn tại hạ.
Diệp Khai trố mắt:
- Ai ?
Đinh Cầu Cảnh cười nhẹ:
- Ngồi bên cạnh các hạ đó. Tiêu lão bản đó.
Tiêu Biệt Ly điểm nhẹ một nụ cười, rồi lại thở dài thốt:
- Một kẻ vừa lười vừa tàn tật, nếu không luyện một môn ám khí thì còn sống al2m sao được?
Diệp Khai thở ra, lộ vẻ đồng tình:
- Đúng vậy.
Đinh Cầu Cảnh tiếp:
- Các hạ có biết lão ta dấu ám khí ở đâu chăng?
Diệp Khai đáp:
- Trong chiếc nạng sắt.
Đinh Cầu Cảnh gật gù:
- Nhãn lực khá đấy. Nhưng trừ nơi đó, còn ở đâu nữa?
Diệp Khai trố mắt:
- Còn ở nơi khác nữa sao?
Đinh Cầu Cảnh thốt:
- Bất quá ở nơi khác có tám loại thôi. Cùng một lượt, lão có thể phát xuất chín loại đó nhé.
Diệp Khai tán:
- Tìm được một người có tài phóng ám khí ngang ngửa với hai vị thôi cũng là việc khó khăn như tìm kim đáy bể.
Đinh Cầu Cảnh điềm nhiên:
- Mò kim đáy bể thì còn hy vọng thấy chứ tìm kẻ phóng ám khí ngang ngửa bọn tại hạ thì đừng hòng gặp trên cõi đời này.
Diệp Khai thở ra:
- Không ngờ hôm nay tại hạ có cái đại vinh hạnh ngồi giữa hai tay xử dụng ám khí vô song trên đời.
Đinh Cầu Cảnh gật đầu:
- Một cơ hội hi hữu đó. Cho nên tốt hơn là các hạ hãy ngồi yên, bởi vì nếu các hạ nhút nhít một chút thôi là ít nhất cũng có mười sáu loại ám khí bắn vào mình.
Lão trầm gương mặt tiếp:
- Tại hạ bảo chứng là trên thế gian này, bất cứ nhân vật nào cũng không né tránh được mười sáu loại ám khí cùng phóng một lượt, trong khoảng cách này.
Diệp Khai cười khổ:
- Tại hạ tin như vậy.
Đinh Cầu Cảnh lại tiếp:
- Cho nên, vô luận tại hạ hỏi gì thì tốt hơn hết là các hạ phải đáp ngay.
Diệp Khai lại thở dài:
- Cũng may là tại hạ thuộc hạng người không có bí mật nào không thể nói ra.
Đinh Cầu Cảnh trầm giọng:
- Vậy là tốt.
Lão lấy trong ống tay áo ra một quyển sổ, mở trang đầu ra hỏi:
- Các hạ họ Diệp tên Khai?
Diệp Khai đáp:
- Phải.
- Các hạ thuộc chữ Hổ?
-Phải.
- Các hạ sinh trong vùng phụ cận địa phương này?
- Phải.
- Nhưng các hạ ly lương từ thuở ấu thơ?
- Phải.
- Năm lên mười bốn tuổi, các hạ ở tại một đạo quán trên Huỳnh Sơn?
- Phải. Tại hạ ở đó từ lúc nhỏ đến năm mười bốn tuổi.
- Các hạ vốn luyện kiếm pháp phái Huỳnh Sơn. Sau lại hạ sơn, lưu lãng trên giang hồ, học lén nhiều loại võ công. Đến năm mười sáu tuổi lại cạo đầu làm hòa thượng, vào Thiếu Lâm Tự học Phục Hổ Quyền pháp? - Phải.
- Sau các hạ lại đến kinh thành, gia nhập một tiêu cục trong một thời gian, cờ bạc thua sinh ra nợ nần nên bắt buộc phải ly khai?
- Phải.
- Tại Giang Nam, vì một nữ nhân tên Tiểu Bắc Kinh mà các hạ giết Tam Hùng nhà họ Cái. Do đó phải trốn vào trung thổ?
- Phải.
- Trong hai năm sau này, tợ hồ các hạ đi khắp hai miền Nam Bắc đại giang. Đến nơi nào cũng sinh lắm thị phi, tạo cho mình một cái danh không nhỏ.
Diệp Khai thờ dài cười khổ:
- Sự việc của tại hạ, hai vị hiểu rành quá, rành hơn cả chính tại hạ nhiều. Các vị còn hỏi làm chi nữa.
Đinh Cầu Cảnh chớp mắt nhìn chàng hỏi:
- Vấn đề chính yếu là đây. Vì lẽ gì các hạ đến địa phương này?
Diệp Khai đáp:
- Nếu tại hạ đáp là lá rụng về cội, bởi nơi đây là quê hương của tại hạ thì đương nhiên tại hạ phải trở lại thăm qua, nên tại hạ nói như thế thì các vị có tin không?
Đinh Cầu Cảnh lắc đầu:
- Không.
Diệp Khai hỏi:
- Tại sao?
Đinh Cầu Cảnh buông gọn:
- Vì ngươi vốn có cốt khí của một lãng tử.
Diệp Khai thở dài:
- Nếu tại hạ nói rằng trừ cái địa phương quỷ quái này ra thì tại hạ không còn một nơi nào khác dung thân, các hạ có tin không?
Đinh Cầu Cảnh đáp:
- Cái đó nghe ra cũng có lý.
Lão dở quyển sổ ra hỏi tiếp:
- Một vụ kiếm bạc cuối cùng của các hạ là cái vụ lừa một lão già ở đất Quan Đông, lấy một túi hạt đậu vàng…
Diệp Khai cười mỉm:
- Tại hạ bình sinh rất ghét đậu, cho nên dù là đậu bằng vàng thì tại hạ cũng chẳng giữ. Cho nên túi hạt đậu bằng vàng vừa qua tay là tại hạ cho nó đi luôn.
Đinh Cầu Cảnh vụt trầm giọng hỏi:
- Không ai mời các hạ đến đây?
Diệp Khai lắc đầu:
- Không.
Đinh Cầu Cảnh tiếp:
- Các hạ biết là nơi đây ít có cơ hội giúp các hạ kiếm ra tiền chăng?
Diệp Khai gật đầu:
- Tại hạ thấy điều đó.
Đinh Cầu Cảnh hỏi:
- Thế các hạ chuẩn bị lối sống bằng cách nào?
Diệp Khai mỉm cười:
- Tại hạ chưa thấy được một cư dân nào ở điạ phương này chết đói.
Đinh Cầu Cảnh hỏi:
- Giả như các hạ biết được có một địa phương mà nơi đó các hạ có thể kiếm ra hằng vạn lượng bạc thì các hạ có đến chăng?
Diệp Khai lắc đầu:
- Không .
Đinh Cầu Cảnh hỏi:
- Tại sao?
Diệp Khai đáp:
- Bởi vì biết đâu ở đây tại hạ lại có cơ hội phát tài.
Đinh Cầu Cảnh chớp mắt:
- A.
Diệp Khai tiếp:
- Tại hạ nhận thấy ở đây người ta bắt đầu cần dùng đến mẫu người như tại hạ.
Đinh Cầu Cảnh hừ một tiếng:
- Mẫu người của các hạ?
Diệp Khai điềm nhiên:
- Một người có võ công không kém lắm song lại có cái miệng rất kín nên có ai bỏ tiền ra mà dùng thì chắc chắn là không thất vọng.
Đinh Cầu Cảnh trầm ngâm một lúc, đôi mắt sáng lên từ từ, rồi cao giọng hỏi:
- Giết một người thì các hạ định giá bao nhiêu tiền?
Diệp Khai ung dung đáp:
- Cái đó còn tùy người mà tại hạ giết.
Đinh Cầu Cảnh hỏi:
- Cứ kể như giết một người có cái giá cao nhất.
Diệp Khai buông ngay:
- Ba vạn lượng bạc.
Đinh Cầu Cảnh gật đầu:
- Được. Tại hạ trao trước một vạn, còn hai vạn sẽ trao sau khi xong việc.
Đến lượt Diệp Khai sáng mắt hỏi:
- Giết ai? Phó Hồng Tuyết?
Đinh Cầu Cảnh cười lạnh:
- Hắn đâu xứng với cái giá đó.
Diệp Khai hỏi:
- Thế thì ai?
Đinh Cầu Cảnh đáp:
- Vạn Mã Đường.
Tiêu Biệt Ly ngồi đó tỉnh bơ, mường tượng nghe cả hai bàn chuyện trên trời dưới đất, không mảy may liên quan đến lão.
Đinh Cầu Cảnh nhìn Diệp Khai không chớp mắt. Bàn tay đeo nhẫn có một tư thế cổ quái.
Diệp Khai cuối cùng thở dài mấy tiếng, nhếch nụ cười khổ, thốt:
- Thì ra các vị muốn giết Vạn Mã Đường. Thì ra chính là các vị.
Đinh Cầu Cảnh bỉu môi:
- Các hạ không nghĩ đến?
Diệp Khai lắc đầu:
- Lão ấy với các vị có cừu hận gì? Tại sao các vị muốn giết lão?
Đinh Cầu Cảnh lạnh lùng:
- Các hạ nên minh bạch điều này: là hiện tại chính tại hạ hỏi chứ không phải các hạ hỏi.
Diệp Khai lại thở dài:
- Tại hạ minh bạch.
Đinh Cầu Cảnh hỏi:
- Các hạ có muốn ba vạn lượng bạc xài chơi không?
Diệp Khai không đáp.
Chàng cần gì đáp, chỉ cần chìa tay ra là đủ lắm rồi.
Hai mươi tấm ngân phiếu, mỗi tấm là một ngàn lượng. Diệp Khai trố mắt:
- Hai vạn lượng?
Đinh Cầu Cảnh gật đầu:
- Phải.
Diệp Khai mỉm cười: - Các hạ rộng rãi quá. Đinh Cầu Cảnh lắc đầu: - Không phải rộng rãi mà là cẩn thận.
Diệp Khai cau mày:
- Cẩn thận?
Đinh Cầu Cảnh thốt: - Một mình các hạ không giết nổi Vạn Mã Đường. Diệp Khai à lên một tiếng. Đinh Cầu Cảnh tiếp: - Một vạn phần các hạ. Một vạn, các hạ tìm viện thủ. Diệp Khai hỏi: - Ở địa phương này làm gì có kẻ đáng giá đó. Đinh Cầu Cảnh hừ một tiếng: - Tự các hạ hiểu lấy.
Diệp Khai chớp chớp mắt: - Các hạ muốn tại hạ kêu gọi đến oht? Đinh Cầu Cảnh không đáp.
Thế là lão mặc nhận.
Diệp Khai hỏi: - Làm sao các hạ biết là tại hạ mua chuộc được hắn? Đinh Cầu Cảnh hỏi lại: - Thế các hạ chẳng phải là bằng hữu của hắn à?
Diệp Khai lắc đầu:
- Hắn không có bằng hữu.
Đinh Cầu Cảnh thốt: - Với ba vạn lượng bạc, người ta dễ tìm bằng hữu lắm. Diệp Khai cau mày: - Cũng có người không bán mình chứ. Đinh Cầu Cảnh buông gọn: - Ít nhất thì các hạ cũng phải thử xem sao.
Diệp Khai hỏi:
- Sao các hạ không tự mình làm thử?
Đinh Cầu Cảnh lạnh lùng:
- Nếu các hạ không muốn xài ba vạn lượng bạc thì cứ trao trả lại tại hạ, cũng chưa muộn đâu.
Diệp Khai mỉm cười, đứng lên.
Tiêu Biệt Ly vụt cười nói:
- Uống vài chén rồi hãy đi chứ. Gấp gì?
Diệp Khai vươn cánh tay có xấp ngân phiếu đáp:
- Phải cấp tốc xài một vạn lượng này.
Tiêu Biệt Ly hỏi:
- Tiền đến tay rồi thì lúc nào xài mà lại chẳng được. Tại sao phải xài cấp tốc?
Diệp Khai mỉm cười:
- Nếu tại hạ không xài hết ngay bây giờ thì chỉ sợ không còn cơ hội xài đến nữa.
Tiêu Biệt Ly nhìn theo bóng Diệp Khai thoát qua cửa sổ. Bỗng lão thở dài thốt: - Một con người thông minh.
Đinh Cầu Cảnh phụ hoạ:
- Đích xác là vậy.
Tiêu Biệt Ly hỏi: - Các hạ tín nhiệm hắn? Đinh Cầu Cảnh lắc đầu: - Hoàn toàn không.
Tiêu Biệt Ly chớp chớp mắt: - Cho nên các hạ mới thảo luận giao dịch với hắn. Rồi lão cười, tiếp: - Một cuộc giao dịch cực kỳ đặc biệt.
Một người nghèo rách mồng tơi, bỗng dưng có đến vài vạn lượng bạc thì người đó phải có cảm giác là mình bay bổng tận chín từng mây.
Nhưng Diệp Khai nghe đôi chân mình vẫn nặng chịch như thường, chẳng có chút gì là phiêu phưởng.
Có lẽ chàng quá mệt mỏi rồi chăng?
Bởi Thúy Bình là một nữ nhân có thừa năng lực làm cho một nam nhân phải mệt đừ, có thể hầu như rời rã.
Hiện tại đèn trong phòng nàng đã tắt, có thể là nàng đã ngủ rồi.
Được nằm bên cạnh nàng, làm một giấc đến trời sáng, hô hấp cái hương vị của nàng, ấp ủ xác thịt mát dịu của nàng thì còn gì thích thú bằng.
Cái cảnh đó quá hấp dẫn làm Diệp Khai khó mà cự tuyệt được.
Chàng trở về đó, nhẹ xô cửa phòng. Cửa phòng chỉ khép hờ thì hẳn là nàng đang chờ chàng.
Aùnh sao mờ mờ chiếu qua cửa sổ, soi hình nàng đang đắp chăn phủ kín đầu. Nàng có vẻ ngủ say.
Diệp Khai cười nhẹ, nhẹ tay nâng một chéo chăn lên.
Bỗng một ánh kiếm chớp lên, một vệt sáng xẹt ngay vào ngực chàng như con độc xà vút thẳngg mình.
Khoảng cách quá gần, hầu như kiếm chớp lên là tới đích ngay.
Bất cứ ai cũng khó hòng thoát khỏi mũi kiếm.
Nhưng Diệp Khai mường tượng như con chồn thoát chết nhiều lần với những tay săn, như con chim phòng bị kỹ càng, kinh nghiệm có thừa, cảnh giác luôn luôn đề cao cực độ ngay cả lúc ngủ say.
Hông chàng như gãy thình lình, nửa thân trên ngã ngữa về phía hậu.
Ngọn kiếm vút đi, lướt ngang trên ngực chàng.
Thuận đà, Diệp Khai bật người, mình thấp xuống, chân đá hất lên, đá vào coổ tay cầm kiếm.
Người trong chăn đã tung chăn đứng lên, thay vì tiến tới công luôn, lại khua kiếm thành vòng tròn, che phần mặt, đồng thời lao vút mình qua cửa sổ.
Diệp Khai không đuổi theo, cười nhẹ lẩm bẩm:
- Vân Tại Thiên. Ta nhận ra ngươi. Có thoát đi cũng vô ích.
Người đó đang thoát đi, bỗng dừng lại, đứng sững một phút rồi từ từ quay đầu.
Quả nhiên chính là Vân Tại Thiên.
Bàn tay cầm kiếm của gã nổi gân xanh, mắt ngời hung quang, mặt bừng át khí.
Diệp Khai thốt:
- Thì ra người mà ngươi đi tìm chẳng phải là Phó Hồng Tuyết. Cũng chẳng phải là Tiêu Biệt Ly mà chính là Thúy Bình.
Vân Tại Thiên lạnh lùng:
- Ta không thể đến tìm nàng sao?
Diệp Khai đáp:
- Đương nhiên là có thể.
Chàng cười tiếp:
- Một nam nhân như ngươi, có đi tìm một nữ nhân thì thiết tưởng cũng là việc thông thường. Nhưng tại sao ngươi dối ta?
Vân Tại Thiên chớp mắt, chợt cười khan:
- Ta sợ ngươi ghen.
Diệp Khai cười lớn:
- Kẻ ghen chính là ngươi chứ đâu phải ta.
Vân Tại Thiên trầm ngâm một lúc, bỗng hỏi:
- Nàng đâu?
Hồi 9
Mỹ Nhân Thần Bí
Diệp Khai thốt:
-Không biết !
Vân Tại Thiên hỏi nhanh:
- Thế ngươi không thấy nàng ?
Diệp Khai đáp:
- Lúc ta đi ra, thì nàng còn tại phòng.
Vân Tại Thiên biến sắc:
- Nhưng lúc ta đến, nàng biến đâu mất dạng !
Diệp Khai cau mày:
- Có lẽ nàng đi tìm nam nhân ! …
Vân Tại Thiên chận lời:
- Nàng không hề đi tìm nam nhân. Số nam nhân đến tìm nàng quá dư thừa.
Diệp Khai mỉm cười:
- Ngươi không hiểu chi cả ! Nam nhân đến tìm nàng khác xa với nam nhân nàng đi tìm.
Vân Tại Thiên trầm ngâm một chút:
- Ngươi nghĩ, nàng định tìm ai ?
Diệp Khai hỏi lại:
- Ở đây có bao nhiêu nam nhân đáng cho nàng phải cắt công đi tìm ?
Vân Tại Thiên biến sắc.
Bỗng, gã quay mình bay vọt qua khung cửa sổ.
Diệp Khai không ngăn cản.
Chàng đã phát hiện ra những gì chàng muốn biết, chàng biết đủ rồi, còn đòi hỏi chi hơn.
Chàng phát hiện ra cái chi ?
Thúy Bình là một nữ nhân thần bí, nhất định là nàng chất chứa trong tâm rất nhiều bí mật.
Con người như nàng, hành nghề này, có thể đến những địa phương khác, tạo sự nghiệp lớn lao. Hà tất phải chôn vùi tài sắc tại chốn biên thùy hoang vắng, giữa trời xanh và cát vàng.
Nàng lưu tại đây, hẳn phải có một mục đích đặc biệt.
Và Vân Tại Thiên đến tìm nàng, cũng có một mục đích hoàn toàn bất đồng với mục đích của các nam nhân khác.
Giữa hai người hẳn có một bí mật chi đó, cực quan trọng, không thể tiết lộ với kẻ thứ ba.
Chàng cảm thấy con người ở tại địa phương này bí mật quá, ai ai cũng hoài bảo một vài bí mật, thuộc loại quan trọng !
Mà chàng, đương nhiên cũng có bí mật như mọi người.
Thì ra, đất Biên Thành là nơi tập trung những bí mật !
Và hiện tại, tất cả những bí mật hầu như sắp sử hé màn.
Diệp Khai thở dài:
- Ngày mai, hẳn chàng phải có nhiều việc phải làm. Vậy thì đêm nay chàng cần phải ngủ, ngủ lấy lại sức lực.
Chàng cởi giày, lên giường nằm.
Trong chăn còn bộ y phục lót mình của Thúy Bình, chính chàng cởi hộ nàng bộ y phục đó.
Nàng đã rời phòng sao không vận y phục lót ? Hay là nàng quá vội vàng, không kịp mặc ? Hay là nàng bị ai đó bức bách phải đi ngay ?
Diệp Khai quyết định lưu lại đây, chờ nàng trở về. Nhưng, nàng không trở về !
Không bao lâu nữa, đêm tàn, ngày sẽ đến.
Phó Hồng Tuyết trằn trọc mãi, không ngủ được. Mã Phương Linh cũng thế.
Tiêu Biệt Ly và Đinh Cầu Cảnh thì cứ chén mời, chén đáp, khề khà trên căn gác
nhỏ.
Tại Biên Thành, trong đêm nay, ít nhất cũng có ngần ấy người thức trắng.
Ai ai cũng chờ đợi ! Chờ một bí mật nào đó.
Còn Vạn Mã Đường chủ ? Hoa Mãn Thiên ? Lạc Lạc Sơn ? Trầm Tam Nương ! Họ ở đâu ? Họ có chờ đợi chăng ?
Đêm nay, quả là một đêm dài !
Và trong đêm nay, tại Vạn Mã Đường, có tám mạng người hy sinh !
Vào thời gian chuyển tiếp từ đêm sang ngày, tại vùng Biên Thành này, cái lạnh tăng gia ghê gớm ! Lạnh theo gió cuốn về, quất vào người như những ngọn roi rát buốt rợn rùng !
Trong gió, có tiếng vó ngựa.
Bảy tám người ngồi trên lưng ngựa, lắc lư, người nào cũng say túy lúy.
Họ quên đường, song ngựa nhớ đường về.
Bọn này, là những tay huấn luyện ngựa, những mã sư quanh năm suốt tháng ngồi trên lưng ngựa bất kham, biến chúng thành thuần, chân họ chai lì hầu như tê dại. Trừ những lúc thỉnh thoảng có dịp vào thị trấn, đánh chén no say, còn thì trọn đời lại không có một lạc thú nào khác !
- Ngày mai ta không có phiên trực, đêm nay nhất định là ta phải tìm một cô nương hưởng thú, bù những ngày qua !
Một kẻ khác tiếp nối:
- Ai bảo ngươi vô dụng, không tranh đấu ? Có tranh đấu mới có thắng lợi chứ ! Thắng lợi khi nào tự động đến với ngươi đâu !
Kẻ thứ ba chen vào:
- Còn ngươi nữa ! Có bao nhiêu tiền là đem nướng hết vào cuộc đỏ đen !
Mỗi người một câu, họ chê trách nhau, họ cùng phát nguyện là từ nay sẽ xài tiền lương kỹ, hưởng lạc thú kỹ !
Họ cùng phá lên cười.
Ai tinh ý thấy rõ trong tiếng cười của họ có cái gì chua chát quá !
Họ cười để quên đi kiếp đời nô lệ, vĩnh viễn không cất đầu nổi !
Đời có ba thứ an ủi, họ đều thiếu cả ba: tiền, gái, và nhà !
Thì bảo sao họ không buông lung kiếp sống phó mặc cho gió cuốn đi ?
Họ không còn sống cái kiếp con người nữa. Họ gần với ngựa quá rồi !
Một người đột nhiên kẹp chân sát vào hông ngựa, dụng lực đánh ngựa, ngựa vọt tới như bay.
Đồng bạn phá lên cười:
- Tiểu hắc tử điên rồi !
- Ít nhất cũng bảy tám tháng qua hắn không tiếp cận nữ nhân ! Lần sau cùng, hắn vớ phải một mụ suýt soát sáu mươi !
- Giả như cho ta ngủ một đêm với Thúy Bình thôi, sáng ra ai chặt ta một trăm cái đầu, ta cũng dâng nốt !
- Ta lại khác, ta thích cái mụ Trầm Tam Nương hơn ! Mụ ấy tuy có tuổi một chút, song vẫn còn hấp dẫn lạ lùng !
Bỗng, một tiếng rú thảm vang lên.
Tiểu hắc tử chạy phía trước rú lên, rồi ngã nhào xuống lưng ngựa.
Hắn ngã cạnh chân một người.
Người đó như bóng ma, từ chỗ tối lù lù xuất hiện, tay cầm một thanh đao dài, loại chém ngựa.
Bao nhiêu rượu trong mình bọ mã sư vụt biến thành mồ hôi lạnh.
Hai kẻ đi đầu run giọng hỏi:
- Người là ai ? Người hay quỷ ?
Người đó cười hỏi lại:
- Ta là ai, các ngươi cũng không nhận ra sao ?
Hai kẻ đi đầu kịp nhận ra rồi, thở phào, cười vuốt:
- Thì ra là …
Trảm mã đường đao chớp lên trước mặt chúng ngăn chận câu nói.
Vĩnh viễn chúng không nói được nữa. Bởi, máu đã phún lên như vòi.
Thây người ngã, song mắt vẫn còn trừng trừng nhìn kẻ sát nhân, hãi hùng, kinh dị, căm hờn.
Kẻ chết vĩnh viễn không hiểu tại sao mình phải chết.
Rồi ngựa hí kinh hoàng.
Rồi người rú kinh hoàng !
Có kẻ nhanh tay, nhanh trí quất ngựa chạy đi mong thoát nạn, nhưng người đó nhanh hơn ngựa, nên đã là đồng bạn, tất cả phải đồng chung số phận, không thể sống thừa !
Mã sư sau cùng tức uất hét lên:
- Tại sao ? Tại sao ngươi tàn nhẫn ?
Người đó cười rợn:
- Không nên trách ta ! Tự trách là phải hơn ! Ai bảo các ngươi dấn thân và Vạn Mã Đường !
Ngọn thiên đăng xa xa bắt đầu mờ dần.
Đống lửa cháy bập bùng.
Trên lửa có một cái nồi. Quanh đống lửa có hai người ngồi.
Nước trong nồi sôi sục, hơi bốc lên bừng bừng.
Một người lấy hai cục thịt ngựa bỏ vào nồi, vừa làm công việc đó vừa cười.
Tiếng cười nghe ken két, như thép chạm trên đá mài !
Chính người đó cất tiếng:
- Ta sanh ra tại đất Giang Nam, lớn lên tại đó lúc nhỏ, từng mơ ước có thịt ngựa mà ăn, xem cái tư vị thứ thịt đó như thế nào ! Hiện tại thì có dịp thưởng thức thứ thịt đó rồi !
Y nghiến răng tiếp:
- Con mẹ nó ! Lần sau, nếu bắt buộc phải ăn thứ thịt này, ta thà chui xuống mười tám tầng địa ngục còn hơn !
Người kia không lưu ý đến y.
Bàn tay của hắn đang mò mò trong đũng quần.
Khi hắn rút tay ra, thì bàn tay đó vấy đầy máu.
Người thứ nhất cau mày:
- Sao đó ! Lại rách tét nữa rồi phải không ? Ai bảo ngươi có thứ da thịt quá mềm mại như vậy ? Ngày đầu mà chịu không thấu, thì ngày mai, ngày kia, ngươi sẽ phải khổ như thế nào nữa !
Thực ra, có ai chịu nổi ngồi trên ngựa phi đường dài mãi mãi, suốt một ngày trời, không dừng vó ?
Lúc khởi hành, kỵ sĩ cảm thấy yên ngựa rất êm, song dần dần về sau, yên ngựa như mọc kim, kim càng lúc càng nhô cao, cái bàn tọa đau đớn không tưởng nổi !
Nhìn bàn tay vấy máu, hắn càu nhàu:
- Cái lão Lạc Lạc Sơn thật là đồ chó chết ! Con mẹ nó, lão ẩn nấp một nơi cho sướng thân, bắt bọn ta phải chịu gian nan khốn khổ như thế này !
Người thứ nhất tiếp nối:
- Nghe nói lão ta là một con quỷ rượu ! Biết đâu lão ta chẳng quá say, ngã ngựa gãy cổ mà chết rồi !
Cạnh đó có một chiếc lều. Trong lều, có bảy tám người, hiện tại những người đó ngáy ồ ồ !
Nồi nước vẫn reo sôi.
Thịt ngựa đã nát nhừ chưa ?
Một người cao tuổi tìm một cành cây khô, định quậy vào nồi, xem qua mấy cục
thịt.
Vừa lúc đó, từ trong bóng tối, một người phi ngựa vọt ra. Hai người kia đồng thời chụp chuôi đao, vụt đứng lên cao giọng hỏi: - Người đến đó, là ai ?
Người đó đáp: - Ta !
Thinh âm nghe quen quen.
Người trẻ tuổi, có bàn tay vấy máu, vớ một que củi cháy, đưa lên cao. Ánh lửa soi rõ mặt người ngồi trên ngựa.
Cả hai gã quanh đống lửa cùng cười vuốt, thốt: - Đêm khuya lắm rồi, sao lão nhân gia không ngơi nghỉ một lúc ? Người trên ngựa đáp:
- Vì có việc, ta phải đến gặp các ngươi !
Một người hỏi:
- Việc gì ?
Không có tiếp đáp.
Thanh đao của người trên ngựa bỗng chớp lên, một trong hai gã rơi đầu. Gã trẻ tuổi trố mặt, sợ quá đến nghẹn cuống họng, không kêu lên được. Tại sao người trên ngựa giết chúng ?
Người trên ngựa là ai ?
Trong túp lều, tiếng ngáy vẫn vang đều.
Một ngày dài vất vả, nếu có dịp nằm xuống, là họ ngủ như chết, một vài tei^’ng động thường đâu có thể làm cho họ tỉnh dậy ?
Tuy nhiên, cũng có kẻ thính tai, nhạy cảm giác, chợt bừng tỉnh. Hắn thấy gì ?
Máu ! Máu bắn lên, rơi xuống lấm tấm, như mưa !
Song, hắn không kịp kêu hoảng.
Thanh đao nháng lên, đầu hắn đứt, máu phún từ cổ, tiếp nối với vòi máu trước, của đồng bạn.
Còn độ nửa giờ nữa, là trời sáng rõ.
Diệp Khai nhắm mắt, nằm trên giường, tợ hồ ngủ.
Phó Hồng Tuyết ở trong nhà bếp, đang múc nước vào chậu, rửa mặt.
Công Tôn Đoạn uống nhiều rượu, say mèm, loạng choạng bước ra cửa, nhảy lên lưng ngựa.
Đèn trên căn gác nhỏ đã tắt.
Bốn nơi khác biệt, có hoạt cảnh như vậy đó.
Còn ở những nơi khác?
Mã Phương Linh còn mở mắt trao tráo, đợi chờ.
Còn Vạn Mã Đường chủ ? Vân Tại Thiên ? Hoa Mãn Thiên ? Lạc Lạc Sơn ? Trầm Tam Nương ? Những người này đang làm gì ?
Máu đã đổ loang trên đồng cỏ, họ ở đâu, không thấy người nào ra mặt cả !
Lại còn Thúy Bình nữa ! Nàng đang ở đâu ! Làm gì ?
Mã Phương Linh nắm chặt chiếc chăn, mồ hôi lạnh xuất ra, ướt cả y phục nàng.
Mường tượng nàng vừa nghe tiếng kêu gào thảm thiết từ xa xa đâu đó vọng đến.
Nếu là như thường, nàng đã chạy bay đi xem rồi.
Hiện tại nàng cảm thấy có nhiều việc đáng sợ quá chừng. Nàng không dám nhìn vào một cảnh tượng nào cả.
Bởi cảnh nào hiện ra, cũng đều rùng rợn cả.
Trong gian phòng, không khí trầm đọng, gây bực bội vô cùng. Thế mà nàng cũng không dám bước xuống giường mở tung cửa sổ, tìm cái thoáng.
Ngôi nhà của nàng được kiến trúc biệt lập hẳn với các ngôi nhà khác, rất kiên cố, rất rộng lớn. Ngoài hai lão bà phục thị nàng, chỉ có phụ thân nàng, nàng, Công Tôn Đoạn, và Trầm Tam Nương ở trong nhà mà thôi.
Sở dĩ những người này ở chung một chỗ, là vì Vạn Mã Đường tín nhiệm nơi họ.
Đương nhiên, còn có cậu bé Tiểu Hổ Tử.
Nhưng, hắn nhỏ tuổi quá, có biết gì ! Hắng cứ ngủ kỹ như lúc nào.
Hai lão bà thì nửa điếc, nửa mù, lúc tỉnh cũng như lúc ngủ, lừ đừ chậm chạp. Có họ càng vướng bận hơn là trông ngóng ở họ một trợ giúp nào.
Bây giờ thì những người linh hoạt vắng mặt cả rồi, chỉ còn mỗi một mình nàng với một đứa bé, hai lão bà vô tích sự.
Nàng cô độc quá !
Hà huống trong cảnh tịch mịch bao quanh nàng, biết đâu chẳng có kẻ mưu toan phục thù đang rình rập, chờ cơ hội ?
Mã Phương Linh cắn môi, bật ngồi dậy.
Gió thổi, vờn qua lớp giấy bồi nơi cửa sổ, kêu rào rào.
Chợt, một bóng người in rõ nơi khung giấy. Bóng đó ốm dài, không thể là phụ thân nàng. Mà cũng không phải là thân hình hộ pháp của Công Tôn Đoạn.
Mã Phương Linh con rúm người lại, toàn thân lạnh cứng.
Nơi chiếc ghế ở đầu giường, có mắc một thanh kiếm.
Bóng bên ngoài cửa sổ hiện ra rồi bất động, tợ hồ nghe ngóng động tịnh trong phòng, chực chờ cơ hội tiến vào.
Mã Phương Linh lại cắn môi, từ từ vươn tay ra, rút thanh kiếm mắc nơi thành ghế, cầm chặt.
Bây giờ, bóng bên ngoài bắt đầu động đậy, mường tượng toan mở cửa sổ.
Mã Phương Linh đổ mồ hôi lạnh ướt lòng bàn tay, mồ hôi chảy ra, đẫm ướt luôn tua kiếm.
Nàng cố gắng trấn định tâm thần, giữ cho tay không run, đoạn từ từ vận khí dồn ra bàn tay.
Nàng chuẩn bị nhảy vọt tới, đâm một nhát kiếm thật bất ngờ.
Nhưng nàng chưa làm một cử động nhỏ, bóng bên ngoài vụt biến mất.
Sau đó, nàng nghe có tiếng vó ngựa.
Người bên ngoài cửa sổ có lẽ thấy người nhà trở về nên ẩn tránh.
Mã Phương Linh thở phào, nghĩ:
- Dù sao thì cũng có người trở về ! Ta đỡ tịch mịch rồi !
Cho đến bây giờ, nàng mới biết thế nào là sợ hãi !
Còn người bên ngoài cửa sổ !
Khi nàng lấy đủ can đảm, định mở cửa sổ ra xem, thì vó ngựa vang lên rất gần.
Kế đó nàng nghe giọng oai nghiêm của phụ thân nàng. Ông ra lệnh:
- Không được kêu la, hay nói tiếng gì. Hãy theo ta lên gác.
Vạn Mã Đường chủ không về đây một mình !
Ông ta mang ai về theo ?
Ngựa, chỉ có một con, thế ra Vạn Mã Đường chủ cho người nào đó ngồi chung ngựa sao ?
Sự kiện đó làm cho Mã Phương Linh hết sức kinh ngạc, bởi nó nghịch thường quá !
Không lâu lắm, nàng nghe tiếng rên !
Âm thanh một nữ nhân !
Lạ chưa ? Vạn Mã Đường chủ mang nữ nhân về đây !
Nàng biết rõ, nữ nhân này tuyệt nhiên không phải dì ba, tiếng rên chứng tỏ con người đó còn trẻ lắm mà !
Nàng đang ngồi chợt nằm xuống.
Nàng sẵn sàng thông cảm cho phụ thân nàng, nếu ông ấy cần tiếp cận một nữ nhân khác ngoài dì ba.
Ai không thích cái mới ? Miễn sao đừng phụ phàng cái cũ là được !
Một ý niệm khác chợt hiện !
Dì ba già rồi ! Hay sắp sửa già cũng thế ! Bà có già, phụ thân nàng mới chán !
Nàng đâm ra thương hại bà.
Rồi nàng lại cho là bất công ! Nam nhân thèm của lạ nửa đêm có thể xuất ngoại, tìm gái mang về. Còn người đàn bà thì phải ru rú trong phòng, chờ nam nhân ban tình yên theo cách bố thí !
Khung giấy bồi nơi của sổ trắng dần, trắng dần. Ngày lên rồi, còn người bên cửa sổ đâu ?
Dĩ nhiên, người đó đâu có thể biến hóa như ma quỷ mà đột nhiên mất dạng ?
Nhất định là y trốn ở đâu đó ! Trốn như con mèo rình chuột, chờ chuột lấp ló là
vồ !
Nàng nghĩ:
- Ta là đối tượng thứ nhất của y !
Niềm sợ hãi vụt xâm chiếm nàng trở lại. Nhưng bây giờ nàng không quá sợ như vừa rồi bởi lẽ phụ thân nàng có mặt trong nhà và ngày cũng bắt đầu lên.
Do dự một chút, nàng cầm kiếm đi chân không bước ra ngoài.
Phải tìm cho được người đó, nếu không, nàng khó an tâm !
Đèn nơi hành lang đã tắt.
Bóng tối còn nhen nhúm mờ mờ.
Mã Phương Linh dè dặt bước từng bước một, sợ người đó xuất hiện đột ngột.
Chợt, nàng nghe tiếng nước chảy róc rách văng lách tách, từ trong phòng dì ba vọng ra.
Dì ba trở về rồi sao ?
Hay người đó ẩn nấp trong phòng của dì ba ?
Mã Phương Linh nghe tim đập mạnh. Cắn môi lấy can đảm, từ từ tiến đến bên cửa phòng.
Chợt cánh cửa mở ra.
Mã Phương Linh giật mình, nhảy lùi lại, nhưng rồi nàng thở phào, kêu khẽ:
- Tạ ơn trời phật ! Dì đã về !
Trời còn tối, trong phòng không đèn.
Trầm Tam Nương mặc chiếc áo rộng, đang rửa mặt. Mặt bà trắng nhợt mất vẻ tự nhiên hàng ngày.
Chiếc khăn bao mặt của bà có vấy máu.
Mã Phương Linh hỏi:
- Dì … Dì thọ thương ?
Trầm Tam Nương không đáp, hỏi lại:
- Ngươi biết ta có xuất ngoại phải không ?
Mã Phương Linh chớp mắt, cười:
- Dì yên trí, tôi sẽ giả vờ không hay biết gì cả !
Trầm Tam Nương không nói gì, thong thả lấy vuông khăn vấy máu, nhúng vào chậu nước vò vò cho bệt máu tan biến.
Miệng bà còn mặn máu, bà nhẫn nại đến lúc về nhà rồi mới chịu nhả ra.
Công Tôn Đoạn đánh một quyền không nhẹ lắm.
Mã Phương Linh nhảy phóc lên giường ngồi, xếp bằng tròn.
Mọi hôm, vào đây, nàng luôn luôn thủ lễ, nhưng hôm nay thì nàng tùy tiện hành động, bởi nàng thấy mình lớn lên một chút, mình nắm giữ một bí mật của người.
Khi có kẻ kiêng nể nàng thì nàng có phần nào tự tôn chứ.
Nàng hỏi:
- Ở đây, dì có rượu không ? Tôi muốn uống một chén !
Trầm Tam Nương cau mày:
- Ngươi tập uống rượu từ lúc nào đó ?
Mã Phương Linh hỏi lại:
Lúc ở lứa tuổi của tôi, dì có tập uống rượu không ?
Trầm Tam Nương thở dài:
- Rượu ở bên dưới cái kệ đó !
Mã Phương Linh cười nhẹ:
- Tôi biết ở đây có rượu mà ! Rượu của gia gia trữ sẵn mà ! Nếu tôi là dì, thì đêm nào không ngủ được là bò dậy làm mấy chén !
Trầm Tam Nương lại thở dài:
- Hai hôm nay, đích xác là ngươi có trưởng thành hơn trước nhiều.
Mã Phương Linh đã tìm được rượu, mở nút bình, kê miệng bình vào miệng nàng, nốc một ngụm lớn, rồi cười hỏi:
- Tôi vốn đã thành người lớn rồi, cho nên dì nhất định cáo tố bí mật với tôi phải không ? Dì xuất ngoại trong đêm, để đi tìm ai thế ?
Trầm Tam Nương đáp:
- Ngươi yên trí. Không phải Diệp Khai đâu !
Mã Phương Linh chớp mắt:
- Thế thì ai ? Phó Hồng Tuyết ?
Trầm Tam Nương đang vò vuông khăn, chợt dừng tay lại, một lúc lâu, từ từ quay mình, nhìn nàng.
Mã Phương Linh hỏi:
- Nhìn chi mà kỹ thế dì ? Có phải tôi đoán trúng không ?
Trầm Tam Nương vươn tay đoạt bình rượu, lạnh lùng thốt:
- Ngươi say rồi ! Hãy về phòng ngủ đi. Lúc nào tỉnh trở lại đây nói chuyện với ta.
Mã Phương Linh nghênh mặt, cười lạnh, thốt:
- Bất quá, tôi muốn biết dì dùng phương pháp gì cấu dẫn hắn vậy thôi. Phương pháp đó nhất định là hay lắm chứ, nếu không thì làm sao hắn mê một gái già như dì ?
Trầm Tam Nương nhìn sững nàng, gằn từng tiếng:
- Chẳng lẽ ngươi yêu hắn ? Thế còn Diệp Khai ?
Mã Phương Linh có cảm tưởng là bị tát tay vào mặt.
Mặt nàng từ sắc trắng, biến đỏ liền.
Nàng muốn nhảy xổ tới, tát vào mặt Trầm Tam Nương.
Nhưng, đúng lúc đó, tiếng chân người vang lên ngoài hành lang.
Tiếng chân nặng nề, từ xa xa tiến tới, rồi dừng lại nơi cửa phòng.
Ai đó hỏi vọng vào:
- Tam Nương ! Thức dậy chưa ?
Thanh âm của Vạn Mã Đường chủ.
Mã Phương Linh cùng Trầm Tam Nương đồng biến sắc mặt.
Trầm Tam Nương nháy nhỏ môi, đại ý bảo nàng chui xuống gầm giường.
Mã Phương Linh chui liền.
Nàng và Trầm Tam Nương đền có tịch, song cái tịch của nàng không thể tiết lộ được.
Cũng may, Vạn Mã Đường chủ không vào.
Lão chỉ đứng bên ngoài hỏi vọng vào:
- Mới thức đó hả ?
Trầm Tam Nương đáp:
- Phải !
Vạn Mã Đường chủ hỏi:
- Ngủ ngon không ?
Trầm Tam Nương đáp:
- Ngon !
Mã Phương Linh hết sức kỳ quái, tự hỏi gia gia nàng đã mang một nữ nhân về đây rồi, sao còn đến tìm dì ba nữa !
Và nữ nhân đó là ai ?
Một mình Vạn Mã Đường chủ chiếm ba gian phòng rộng ở tầng lầu trên.
Một gian, dùng làm thơ phòng, một gian, để ngủ, và một gian là mật thất.
Trầm Tam Nương từ lúc về Vạn Mã Đường, chưa lần nào đặt chân trong mật thất của lão.
Lên lầu rồi, lão luôn luôn đi đứng thẳng lưng, ngồi cũng thẳng lưng, để chứng tỏ lão chưa già.
Trầm Tam Nương đi theo sau lão.
Mỗi khi lão bảo bà lên lầu, không khi nào bà cự tuyệt. Đối với lão, bà không nóng lắm mà cũng không lạnh lắm.
Bà sẵn sàng dâng hiến cho Vạn Mã Đường chủ, sẵn sàng làm cho lão mãn nguyện.
Mẫu người của bà thích hợp với nhu cầu của lão.
Cửa phòng trên lầu đóng kín.
Vạn Mã Đường chủ dừng chân nơi cửa, quay mình lại, nhìn bà một chút, đoạn
hỏi:
- Ngươi biết ta gọi ngươi lên đây để làm gì không ?
Trầm Tam Nương cúi đầu, đáp:
- Tùy tiện ông muốn làm gì thì làm, tôi không hề có phản ứng chi cả.
Vạn Mã Đường chủ hỏi:
- Nếu ta giết ngươi ?
Giọng lão cực nghiêm, cực lạnh. Mặt lão không có nét cười.
Trầm Tam Nương bỗng nghe lạnh khắp người. Bà vừa nhận thấy mình đi chân không.
Vạn Mã Đường chủ vụt cười khan, tiếp:
- Nói thế chứ ta đâu có giết ngươi ! Trong phòng, có người đang chờ ngươi !
Trầm Tam Nương hỏi:
- Có ai chờ tôi ? Ai ?
Vạn Mã Đường chủ cười quái dị:
- Vĩnh viễn, ngươi không đoán ra là ai đâu !
Cửa phòng mở. Trầm Tam Nương cảm thấy không có dũng khí tiến vào.
Hồi 10
Bữa Ăn Sáng Cuối Cùng
Đêm dù dài thì đêm cũng phải tàn và ngày lên tiếp nối.
Phó Hồng Tuyết đang ăn cháo.
Diệp Khai bắt đầu nghi ngờ là Thúy Bình không trở lại. Chàng có nấn ná thêm cũng chẳng có ích gì. Và chàng đang xỏ giày.
Căn gác nhỏ chưa có động tịnh gì.
Công Tôn Đoạn đang gục đầu vào trong máng nước của tàu ngựa. Song cho dù y có dùng nước của cả một con sông thì cơn say cũng không giảm.
Tại cánh đồng hoang, gió vẫn lộng từng hồi, mùi máu tanh còn quyện theo gió nồng nặc.
Hoa Mãn Thiên và Vân Tại Thiên đã trở về nhà chuẩn bị đến gian đại sảnh dùng bữa sáng.
Trong khi đó Trầm Tam Nương cố thu hết can đảm, mạnh dạn bước qua ngưỡng cửa phòng của Vạn Mã Đường.
Thúy Bình thu mình ngồi bó gối trên chiếc ghế trong thư phòng. Nàng có vẻ vừa mệt mỏi vừa khiếp sợ.
Trầm Tam Nương bước vào. Cả hai trông thấy nhau, cùng giật mình kinh hãi.
Vạn Mã Đường lạnh lùng quan sát hai người.
Chợt lão thốt :
- Đương nhiên là hai người nhận ra nhau.
Trầm Tam Nương không chối, khẽ gật đầu.
Vạn Mã Đường tiếp :
- Hiện tại ta đã mang nàng về đây để cho ngươi khỏi phải vất vả đi tìm lúc nửa đêm nửa hôm.
Trầm Tam Nương phản ứng hết sức lạ lùng.
Mường tượng bà trầm tư, mường tượng bà không nghe Vạn Mã Đường nói gì.
Lâu lắm, bà mới quay mình lại, đối diện với Vạn Mã Đường, từ từ thốt :
- Đích xác là trong đêm tôi có đi ra ngoài.
Vạn Mã Đường thản nhiên :
- Ta biết.
Trầm Tam Nương tiếp :
- Người mà tôi muốn tìm không phải là Thúy Bình.
Vạn Mã Đường vẫn thản nhiên :
- Ta biết.
Lão đã ngồi xuống rồi. Thần sắc của lão rất bình thản, không ai biết trong tâm của lão có nhiềm vui hay nỗi hận.
Trầm Tam Nương nhìn lão, nhấn từng tiếng :
- Người mà tôi định tìm là Phó Hồng Tuyết.
Vạn Mã Đường ngồi nghe, bất động như tượng gỗ. Không biểu hiện một nét cảm xúc nào.
Aùnh mắt vẫn bình hoà, không kinh ngạc cũng không phẫn nộ, chừng như có vẻ đồng tình ít nhiều.
Trầm Tam Nương cũng bình tĩnh không kém. Bà tiếp :
- Tôi tìm hắn là vì tôi có cảm tưởng hắn là hung thủ sát hại số người đó.
Vạn Mã Đường lắc đầu :
- Không phải hắn.
Trầm Tam Nương cũng lắc đầu :
- Không phải hắn nhưng nếu không tra cứu rõ ràng thì tôi khó mà an tâm được.
Vạn Mã Đường thốt :
- Ta hiểu.
Trầm Tam Nương tiếp :
- Tôi có thể nhận xét qua thái độ của hắn đối với tôi. Nữ nhân luôn luôn có cảm giác rất nhạy. Nếu hắn hận ông thì thái độ của hắn đối với tôi sẽ khác.
Vạn Mã Đường gật đầu :
- Ta hiểu.
Trầm Tam Nương tiếp :
- Nhưng hắn đối với tôi rất khách khí, tôi đến thì hắn kinh ngạc, tôi đi thì hắn chẳng làm khó dễ gì.
Vạn Mã Đường đáp :
- Hắn là người quân tử.
Trầm Tam Nương tiếp :
- Rất tiếc là ông có người bằng hữu không quân tử chút nào.
Vạn Mã Đường điềm nhiên :
- A.
Trầm Tam Nương nghiến răng, mắt đỏ lên, bỗng mở tung áo ra.
Thân hình bày lồ lộ.
Tuy bà hơn ba mươi tuổi nhưng thân thể vẫn còn non như gái dậy thì.
Đủ biết cái thuật bảo dưỡng nhan sắc của bà rất tinh vi.
Có mấy vết sưng, bầm tím nơi làn da trắng mịn ở ngực và hông.
Thúy Bình kinh hãi kêu lên.
Trầm Tam Nương bật khóc.
Rung rung giọng, bà hỏi qua nức nở :
- Ông biết ai chưa ? Ông biết ai đánh tôi chưa ?
Vạn Mã Đường phẫn nộ, song lão cố dấu sự phẫn nộ đó, trầm giọng đáp :
- Ta không muốn biết.
Ý tứ của lão thì Trầm Tam Nương thừa hiểu. Lão nói không muốn biết là lão đã biết rồi.
Trầm Tam Nương không nói thêm gì nữa, khép chiếc áo lại, buồn thảm tiếp:
- Ông không muốn biết là phải đó. Bất quá tôi muốn cho ông hiểu rằng vì ông, tôi có thể làm bất cứ việc gì.
Niềm phẫn nộ trong ánh mắt của Vạn Mã Đường biến thành niềm thống khổ. Lâu lắm, lão mới thở dài thốt:
- Mấy năm qua, đích xác là ngươi đã làm rất nhiều việc cho ta, ngươi chịu cơ cực
vì ta.
Trầm Tam Nương thổn thức. Bất thình lình bà quỳ xuống, tựa đầu lên gối lão, khóc to…
Vạn Mã Đường vuốt nhẹ mái tóc của bà, đưa mắt nhìn xa xôi qua khung cửa sổ.
Gió sớm thổi nhẹ qua cánh đồng cỏ. Cỏ xanh oằn oại như ngàn lượn sóng nô đùa đuổi bắt nhau. Rồi thái dương lên, nhả vàng le lói với những hạt sương mai.
Trong đó, từng đàn ngựa tràn qua lướt lại.
Vạn Mã Đường thở dài, dịu giọng thốt:
- Nơi đây là một vùng hoang lạnh. Nếu không có ngươi thì chẳng bao giờ ta chỉnh trang nó có cái vẻ hoa lệ như ngày nay. Chẳng ai biết được ngươi giúp ích cho ta quan trọng như thế nào.
Trầm Tam Nương còn khóc tỉ tê đáp:
- Chỉ cần ông biết cho tôi thôi. Ông biết cho là đủ cho tôi vui rồi,
Vạn Mã Đường tiếp:
- Đương nhiên là biết chứ. Ngươi giúp ta biến vùng đất hoang này thành một khuôn viên mỹ lệ. Cho nên bảo ta bỏ mất nó thì ta làm sao chịu nỗi sự thống khổ, dày vò.
Trầm Tam Nương chợt ngẩng đầu lên, kêu thất thanh:
- Ông… ông nói gì?
Vạn Mã Đường không nhìn bà, cứ từ từ tiếp:
- Ta đang nói về một sự bí mật.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Bí mật gì?
Vạn Mã Đường đáp:
- Bí mật của ngươi.
Trầm Tam Nương kêu lên:
- Tôi có bí mật gì chứ?
Niềm thống khổ thâm trầm hiện trong ánh mắt của Vạn Mã Đường, lão gằn từng tiếng:
- Từ ngày đầu tiên ngươi vào đây thì ta đã biết ngươi là ai rồi.
Trầm Tam Nương run người mãnh liệt.
Mường tượng có đôi tay vô hình đang bóp nghẹt yết hầu bà.
Thân hình run nhưng hơi thở như ngừng, người hết run là tim hầu như ngừng đập.
Bà lùi lại từng bước từng bước. Bà sợ hãi cực độ.
Vạn Mã Đường tiếp:
- Ngươi không phải họ Trầm. Ngươi mang họ Hoa.
Câu nói đó như quả chùy giáng xuống đầu Trầm Tam Nương.
Đang đứng, bà ngã xuống.
Vạn Mã Đường tiếp:
- Người vợ thứ của Bạch Thiên Vũ là Hoa Bạch Phụng. Hoa Bạch Phụng là thơ thơ của ngươi.
Trầm Tam Nương hét lên:
- Làm sao ông biết được?
Vạn Mã Đường thở dài:
- Có thể là ngươi không tin. Nhưng sự thật thì như thế này. Trước khi ngươi vào đây thì ta đã thấy ngươi rồi. Ta thấy thơ muội ngươi và Bạch Thiên Vũ cùng hội hiệp với nhau tại một chỗ. Lúc đó ngươi hãy còn nhỏ và thơ thơ ngươi thì đã thọ thai. Thọ thai với Bạch Thiên Vũ.
Trầm Tam Nương sửng người như người gỗ.
Vạn Mã Đường tiếp:
- Sau khi Bạch Thiên Vũ chết đi, ta có tìm thơ muội ngươi. Nhưng thơ thơ ngươi ẩn tránh trận phương trời nào, ta tìm không ra. Còn ngươi thì… không ai ngờ ngươi lại lần mò đến địa phương này.
Trầm Tam Nương lại lùi dần, lùi dần. Cuối cùng rơi phịch lên chiếc ghế.
Bà giương mắt nhìn Vạn Mã Đường.
Con người đó.
Bảy năm rồi, cứ mỗi tháng độ mười lần là bà phải ăn nằm với lão, phải chịu đựng cả những cái không ai có thể chịu đựng quá một lần như sự mân mó suồng sả, ê chề, như mùi hôi chua tanh gần như thúi của lão.
Bà có cảm tưởng là mình ăn nằm với một ngựa. Một con ngựa già.
Bà chịu đựng như vậy bảy năm qua rồi để chực chờ gặt hái một kết quả.
Nhưng bây giờ thì cảm thấy như công trình bỏ trôi theo dòng nước.
Từ bảy năm trước cho đến bây giờ, bà là một món đồ chơi của người ta.
Thế mà bà đinh ninh là mình cao tay ấn.
Vạn Mã Đường hỏi:
- Ta sớm biết ngươi là ai song ta câm lặng cho đến ngày nay. Ngươi có biết tại sao không?
Trầm Tam Nương lắc đầu.
Vạn Mã Đường giải thích:
- Chỉ vì ta ưa thích ngươi. Ta cần mẫu người của ngươi ở bên cạnh ta.
Trầm Tam Nương mỉm cười:
- Huống chi ông khỏi phải đi tìm đâu cho nhọc, chính tôi cam tâm tình nguyện dẫn xác đến cho ôn hưởng thụ.
Bà cười, giọng cười đau hơn tiếng khóc.
Bỗng bà buồn nôn. Bà cố gắng dằn lòng khỏi mửa một cách chán chường.
Càng tỏ ra ghê tởm con người trước mặt là càng xác nhận cái bại của mình.
Vạn Mã Đường tiếp:
- Ngoài ra ta còn biết sự liên hệ giữa ngươi và Thúy Bình. Ta nhờ các ngươi mà bắt được nhiều tin tức. Ta không ngăn trở hay phá hoại sự liên lạc giữa hai người là vì ta cần lợi dụng hai người trong nhiều việc. Thú thật, hai người đã giúp ích ta rất nhiều. Đáng tiếc là thơ thơ của ngươi rrất thông minh, khéo giữ tung tích, mãi đến ngày nay ta vẫn chưa truy ra.
Trầm Tam Nương thốt:
- Sở dĩ thế mà thơ thơ tôi mới còn sống sót được.
Vạn Mã Đường hỏi:
- Thế còn caon trai của bà ta?
Trầm Tam Nương đáp:
- Cũng sống luôn
Vạn Mã Đường mỉm cười:
- Và có lẽ hiện tại cũng có mặt ở địa phương này?
Trầm Tam Nương hỏi:
- Oâng đoán được chăng?
Vạn Mã Đường hỏi lại: - Diệp Khai hay Phó Hồng Tuyết?
Trầm Tam Nương lắc đầu: - Hỏi mà chơi vậy thôi chứ ông làm gì đoán nổi.
Vạn Mã Đường cười nhẹ: - Ngươi nói hay không nói cũng chẳng có quan hệ gì, bởi cuối cùng rồi ta cũng
biết.
Trầm Tam Nương mỉa mai:
- Đã vậy thì ông còn hỏi làm chi?
Vạn Mã Đường bỗng thở dài, tiếp:
- Thực ra cho đến phút giây này, ta chưa muốn phanh khui sự bí mật của ngươi, bởi ta không muốn sớm cắt đứt liên hệ của ta và ngươi.
Trầm Tam Nương thốt:
- Nhưng rất tiếc hiện tại đã đến lúc không thể không phanh khui.
Vạn Mã Đường gật đầu:
- Đúng vậy.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Tại sao?
Vạn Mã Đường đáp:
- Chỉ vì sự thể không còn kéo dài được nữa.
Trầm Tam Nương cau mày:
- Mười mấy năm mà còn nhẫn nại được, sao lại không thể kéo dài thêm đôi ngày?
Vạn Mã Đường lộ vẻ trầm trọng:
- Ta có con trai, con gái, ta có mấy trăm huynh đệ. Ta không thể lấy mắt nhìn họ chết dần chết mòn.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Đêm qua có bao nhiêu người tiếp nối bỏ mạng nữa đó?
Vạn Mã Đường đáp:
- Nhiều. Nhưng đủ lắm rồi. không thể phung phí sinh mạng con người thêm nữa.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Oâng cho rằng ai là hung thủ? Diệp Khai hay Phó Hồng Tuyết?
Vạn Mã Đường lộ vẻ căm hờn:
- Chẳng cần biết hung thủ là ai. Nhưng ta bảo chứng với ngươi là hung thủ sẽ không thoát khỏi tay ta.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Giết người thì phải đền tội, phải vậy không?
Vạn Mã Đường đáp:
- Đúng vậy.
Trầm Tam Nương cười lạnh:
- Còn ông?
Vạn Mã Đường sợ hãi. Vẻ khủng khiếp hiện ra nơi mắt lão.
Lão đứng lên quay mặt nhìn ra cánh đồng, không muốn cho Trầm Tam Nương và Thúy Bình nhìn thấy biểu hiện đó.
Tiếng chuông đồng lanh lãnh vang lên.
Vạn Mã Đường thở dài, lẩm nhẩm:
- Nhanh. Nhanh quá. Lại một ngày qua rồi. Ngày mới bắt đầu. Bữa sáng đang chờ
ta.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Hôm nay mà ông có thể nuốt trôi được cái gì sao?
Vạn Mã Đường đáp:
- Ăn được hay không thì không cần. Điều cần là sự có mặt. Quy củ do ta đặt ra thì bằng mọi giá ta không thể phá hoại. Ta là người thứ nhất phải bảo trì nó.
Lão không nhìn Trầm Tam Nương, thốt xong, lão quay mình bước ra cửa.
Trầm Tam Nương chợt bảo:
- Oâng chờ một chút.
Vạn Mã Đường đứng lại chờ.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Oâng bỏ đi như thế à?
Vạn Mã Đường điềm nhiên:
- Bỏ đi như vậy không được sao?
Trầm Tam Nương hỏi:
- Oâng chuẩn bị xử trí tôi cách nào?
Vạn Mã Đường đáp:
- Không có cách nào cả.
Trầm Tam Nương trầm giọng:
- Tôi không hiểu ý tứ của ông.
Vạn Mã Đường lắc đầu:
- Ta không có ý tứ chi hết.
Trầm Tam Nương hỏi:
- Oâng đã khám phá ra bí mật của tôi. Thế tại sao ông không giết tôi?
Vạn Mã Đường cười nhẹ:
- Khám phá bí mật là một việc, giết ngươi là một việc khác.
Trầm Tam Nương hừ một tiếng:
- Tôi có thể…
Vạn Mã Đường chận lời:
- Ta biết ngươi không thể lưu lại nơi này một phút giây nào nữa.
Trầm Tam Nương trố mắt:
- Oâng cho tôi đi?
Vạn Mã Đường lại cười:
- Tại sao ta không thể cho ngươi đi? Chẳng lẽ ta còn có thể giết ngươi?
Trầm Tam Nương nhìn lão, ánh mắt ẩn ước có vẻ vừa kinh hãi vừa kỳ quái.
Cho đến bây giờ bà vẫn chưa hiểu con người đối diện.
Vĩnh viễn bà không hiểu con người đó.
Sau bảy năm chung sống, bà phát hiện ra mình chưa hiểu mảy may con người mình theo đuổi.
Bà cau mày hỏi:
- Oâng đã chuẩn bị cho tôi đi thì tại sao ông lại nói ra cho tôi nghe là ông hiểu sự bí mật của tôi?
Vạn Mã Đường lại cười:
- Có lẽ ta muốn cho ngươi biết là ta không ngu
Trầm Tam Nương cắm môi rồi thốt:
- Cũng có lẽ ông không muốn tôi ở lại đây nữa.
Vạn Mã Đường gật đầu:
- Cứ cho như vậy đi, cũng chẳng sao.
Lão không nói gì nữa, đầu không quay, chân cứ bước.
Lão bước chậm, chân dẫm nặng.
Tâm tình của lão cũng chẳng nhẹ gì.
Lão đi rồi, Trầm Tam Nương tự hỏi:
- Tại sao lão không giết ta? Chẳng lẽ lão thật tâm yêu ta, đối tốt với ta?
Bà không dám nghĩ sâu hơn.
Càng nghĩ sâu thì bà càng đau nhiều.
Con người đó, bà cho rằng bà bị lão lừa, lão đùa cợt. Con người đó lại muốn tha bà trong lúc mà bất cứ ai ở vào trường hợp lão cũng phải giết bà.
Như vậy trong hai người, ai lừa ai, ai đùa cợt ai?
Bảy năm qua, vô luận lão hà hiếp, ngược đãi bà cách nào, nếu có đi nữa thì sự tình hôm nay xóa bỏ hết mọi ấn tượng xấu để thay vào một ấn tượng sáng chói, huy hoàng.
Trong hai người, ai phụ ai?
Dù bà vào đây với mục đích nào đi nữa thì bà vẫn là một con người, bà vẫn có một quả tim.
Con tim của bà còn đập thì tự nhiên bà phải beí6t đau.
Thúy Bình đứng lên, bước đến cạnh bà, dịu giọng hỏi;
- Người ta đã cho mình đi thì tại sao mình chưa đi?
Trầm Tam Nương thở dài:
- Đi thì tự nhiên là phải đi rồi. Bất quá ta nghĩ là… đáng lẽ ta không nên đến đây. Bảy năm về trước đáng lẽ ta không nên đến Biên Thành…
Vạn Mã Đường từ từ ngồi xuống.
Chiếc bàn dài quá, đủ chỗ cho hơn ba trăm người ngồi.
Mỗi hôm, vào buổi sáng, hơn ba trăm người ngồi quanh chiếc bàn đó. Ai có chỗ nấy, vắng mặt thì bỏ trống, không ai ngồi vào chỗ của người khác.
Chiếc bàn dài quá, dài như con đường đưa Mã Không Quần từ chỗ bùn đất tối tăm đến nơi cao sang xán lạn.
Con đường được trải bằng xác huynh đệ, bằng máu và mồ hôi của huynh đệ.
Con đường đưa tất cả đến cảnh vàng son của ngày nay, rồi từ ngày nay, nó sẽ đưa tất cả đến đâu nữa.
Trở về chốn bùn đất tối tăm của hai mươi năm về trước ư?
Dù sao thì con đường đi tới đã bắt đầu có chông gai rồi.
Vạn Mã Đường bất giác khẽ thở dài.
Ai ai cũng có mặt. Công Tôn Đoạn đến sau cùng với dáng rả rời vì cơn say vẫn còn.
Y không dám nhìn Vạn Mã Đường. Lão ta cũng không nhìn y. Y hiểu trong hiện cảnh, con người quan trọng như y không nên để cho mình quá say. Nếu chết được thì y chết ngay cho nhẹ niềm hối hận
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro