BI KỊCH BỊ CHÀ ĐẠP VỀ NHÂN PHẨM
Tên: Ng.Bích Hồng
Tớ viết xong nhiệm vụ của mình rồi, các bạn đọc rồi góp ý, sửa chữa, bổ sung để hoàn thiện nhé!
BI KỊCH BỊ CHÀ ĐẠP VỀ NHÂN PHẨM
Từ khi vẫn còn là một cô tiểu thư đài các đến khi phải sống trong cảnh lưu lạc suốt 15 năm trời, Thuý Kiều vẫn luôn là một người con gái có nhân phẩm và luôn có ý thức rất cao về nhân phẩm của mình. Vì là con gái sinh ra trong một gia đình nề nếp, có tư chất “thông minh vốn sẵn tính trời” cho nên nhũng tai hoạ xảy đến với Kiều đều được nàng nhận thức và có ý thức rất rõ, chính bởi có được sự nhận thức như vậy mà nàng mới rơi vào bi kịch? Một trong những bi kịch mà nàng vô cùng thấm thía, đó là bi kịch bị chà đạp về nhân phẩm. Ta thấy rõ ràng trong các nhân vật nữ của đa số truyện Nôm tài tử khác chưa bao giờ bị chà đạp về nhân phẩm một cách toàn diện như Thuý Kiều. Dù cho có gặp phải sóng gió thế nào, cuộc đời có loạn lạc ra sao thì giá trị làm người của họ vẫn không bị phủ nhận. Khi gặp tai biến, họ còn có tư cách để đấu tranh, để phản kháng như một con người đích thực. Tất nhiên, Thúy Kiều cũng đấu tranh, cũng phản kháng nhưng vị trí của Kiều trong cuộc đấu tranh đó rõ ràng không phải là vị trí mà Kiều nên có và đáng được có. Điều đó cho thấy Kiều đã bị xã hội phủ nhận quyền sống, quyền làm người cảu mình, do đó nhân phẩm tốt đẹp của phần “người” trong nàng đã bị chà dạp vùi dập một cách không thương tíêc.
Trong quan niệm sống của Kiều, Nguyễn Du đã cho ta thấy, Kiều nhận thức rằng, là một con người trong gia đình và lại là con gái thì người con gái ấy được coi là có nhân phẩm thì điều kiện đầu tiên là phải có hiếu với cha mẹ. Chữ “tình” trong nàng cũng rất sau đậm, nhưng so với chữ “hiếu” thì nó lại ở vị trí thấp hơn. Điều này đã được minh chứng trong sự lựa chọn của nàng khi gia đình gặp tai biến, phải đứng trong sự lựa chọn giữ một bên là gia dình, một bên là người yêu, một bên là chữ “hiếu”, một bên là chữ “tình”:
“Đệ lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành”
Quan niệm của Kiều thật đáng quý, đáng trân trọng và cũng là một nghĩa cử tốt đẹp trng truyền thống hiếu nghĩa “uống nước nhớ nguồn” từ bao đời nay của dân tộc ta. Và Kiều đã thể hiện tấm lòng hiếu thảo cua rmình bằng việc “bán mình chuộc cha’’, đó cũng là điểm khởi đầu cho 15 năm lưu lạc trong kiếp đoạn trường của nàng. Như vậy, chẳng phải chính ông bà Vương viên ngoại là người gián tiếp đẩy con gái của mình vào bi kịch hay sao? Mặc dù xét đến cùng, cái xã hội thối tha kia mới là thủ phạm trực tiếp, nhưng không thể phủ nhận rằng vì chữ hiếu , vì công dưỡng dục sinh thành của cha mẹ mà Kiều đã “lựa chọn” cho mình một số phận như vậy và nàng đã phải hạ thấp giá trị của bản thân mà thốt ra một lời đau đớn: “Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha”.
Một người con hiếu nghĩa như vậy lẽ ra phải được xã hội trân trọng, thế nhưng xã hội phong kiến đã thể hiện sự trân trọng đó bằng việc để Mã Giám Sinh đến mua Kiều và nàng đã đổi tấm thân của mình để lấy được mấy trăm lạng vàng cứu cha đúng như ý nguyện của mình !?!
Trong cái xã hội ấy, ta bỗng thấy xuất hiện một con người, một nhân vật hiếm hoi đã nhìn thấy tấm lòng hiếu thảo của Kiều thật đáng quý. Thế nhưng con người nhỏ bé ấy cũng chỉ có thể giúp được Kiều bằng cách”vạch” cho nàng đường cứu cha “Tính bài lót đó luồn đây – Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, tóm lại vẫn chỉ là vấn đề tiền bạc mà thôi! Với tình thế lúc này thì còn cách nào khác để Kiều có được ba trăm lạng đó ngoài việc đánh đổi cả bản thân mình?
Sau khi chính thức bước đi trên con đường mình đã chọn, trong mỗi bước đi ấy Thuý Kiều vẫn luôn lo lắng cha mẹ mà quên mất rằng số phận của nàng trong những ngày tháng sắp tới mới chính là điều cần phải lo lắng. Khi sống trong dằn vặt đau khổ, trong nỗi cô đơn nơi chiếc lầu cô quạnh, nàng vẫn hướng về một nơi xa xôi mà đau xót: “Xót người tựa cửa hôm mai - Quạt nồng ấm lạnh những ai đó giờ”. Ngay cả đến khi muốn “toan bài quyên sinh” để chấm dứt cái kiếp bọt bèo này nhưng Thuý Kiều lại không đủ dũng cảm vì lo sự “truy nguyên chẳng kẻo luỵ vào song thân”.
Một tấm lòng hiếu thảo đáng ca ngợi như vậy, một cách sống hiếu thảo mà Kiều vẫn luôn trân trọgn và coi đó là lẽ tất nhiên, cái lẽ mà mỗi người con phải thực hiện để báo đáp công ơn trời bể của đấng sinh thành. Nhưng cái xã hội phong kiến đen tối đã vô tình gán cho sự hiếu thảo đó một tội danh, đó là nguyên nhân hàng đầu, nguyên nhân đầu tiên đưa Kiều đến “bước lạc loài”. Vậy là cái điều mà Kiều tôn thờ ấy cũng chỉ là một công cụ để kiếm chác của những phường “hôi tanh” trong xã hội bẩn thỉu ấy mà thôi. Nhân phẩm của một người con đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ đã bị chà đạp một cách không thương tiếc!
Giá như Kiều chỉ nghĩ cho bản thân mình thôi, giá như Kiều hãy ích kỷ một chút, giá như Kiều có thể bàn bạc với hai em để cùng nghĩ cách giải quyết cứu gia đình…Nhưng Kiều đã nhận tất cả trách nhiệm về mình với sự hiếu thảo luôn thường trực trong tâm trí!
Vẫn mang dáng dấp của người phụ nữ Việt Nam với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” như Thuý Kiều, nhưng các nhân vật nữ trong một số truyện Nôm khác biểu hiện điều đó rất mờ nhạt, và dường như tráchbnhiệm với cha mẹ không phải là một gánh nặng để họ phải suy nghĩ, trăn trở quá nhiều. Đa phần họ chỉ than thở mà không có một hành động cụ thể nào. Quỳnh Thư khi có ý định tự tử không mảy may nghĩ đến song thân, nguyên nhân tự tử cũng chỉ vè tuyệt vọng trong tình yêu mà thôi : “Nói thôi phong gấm phủ chiên – Ngũ hoa một chén cửu tuyền nghìn thu”. Dao Tiên cũng chỉ biết ngậm ngùi: “Bờ sương dặm tuyết bao nài - Nào ai ấm lạnh, nào ai ngọt bùi”. Còn TRần Kiều Liên cũng chỉ biết nói : “Than rằng đợi đức cù lao - Bể sâu mấy trượng trời cao mấy trùng”… Với họ, dường như tấm lòng hiếu thảo của người con chỉ tồn tại trên lý thuyết, còn thực tế họ chưa có biểu hiện, hành động nào thể hiện điều đó. Cũng chưa lúc nào họ phải đắn đo cân nhăc, phải lựa chọn một cách quyết liệt giữa tình cảm gia đình và tình yêu như Thuý Kiều. Tất nhiên ở đây, ta không nói ai hiếu thảo hơn ai mà đặt trong mối tương quan so sánh, vì Thuý Kiều là một nhân vật bi kịch nên sắc thái tình cảm cũng mang màu sắc bi kịch, trong đó có cả tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ - một tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất cũng trở thành bi kịch. Nhưng cần phải nói rằng, mặc dù bị chà đạp như vậy nhưng Thuý Kiều không coi đó là bi kịch, nàng chưa bao giờ oán thán song thân của mình nửa lời mà tự nguyện làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của con cái với một ý thức trách nhiệm cao nhất có thể.
Một người con được coi là có nhân phẩm khi người con đó hiếu thảo với cha mẹ, Thuý Kiều cũng quan niệm, một người con gái có nhân phẩm khi người con gái ấy biết giữ mình và chung thuỷ trong tình yêu. Bởi thế mà mặc dù “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến tình tự với Kim Trọng nhưng khi chàng có biểu hiện đi quá giới hạn thì Kiều lập tức thể hiện rõ thái độ của mình:
“Vẻ chi một đoá yêu đào
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh
Đã cho vào bậc bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”
Nhưng rốt cuộc, xã hội phong kiến kia đã không cho nàng giữ lấy chữ “trinh” để trở thành một cóo gái có nhân phẩm. Tấm thân hay trinh tiết của nàng chỉ được coi như một món hàng để người ta có thể mặc cả, trao đổi khi cần thiết và tài năng “pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm” của cô tiểu thư được giáo dục nề nếp cũng chỉ là công cụ mua vui cho khách làng chơi mà thôi”. Hẳn là người đọc đã không khỏi kinh hoàng bởi cái đêm tân hôn nhầy nhụa với Mã Giám Sinh, với những cuộc tiếp khách “cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm” của Thuý Kiều. Tấm lòng chung thuỷ và tấm thân trong trắng mà Kiều đã cho rằng nó chỉ có thể dành cho một người, đó là một đức lang quân danh chính ngôn thuận đã bị “chia sẻ” cho không biết bao nhiêu là Tống Ngọc, bao nhiêu là “Trường Khanh”… Để rồi đến một ngày Kiều phải thốt lên cái điều mà mình chưa từng nghĩ tới “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Sau này khi đã nếm đủ mùi “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” thì Kiều lại bị Hồ Tôn Hiến lợi dụng sự chung thuỷ, lợi dụng tình yêu đối với Từ Hải mà khuyên chàng ra đầu hàng để rồi lại dẫn đến một kết cục bi kịch: Từ Hải chết và Kiều cũng không múôn sống nữa!
Hết lần này đến lần khác, một tình yêu cao đẹp là thế, một người con gái trong trắng tài sắc là thế bị xã hội vùi dập, chà đạp cho tơi bời, cho tàn tạ, quyền được sống như một con người, quyền được hạnh phúc với những nhu cầu chân chính của Kiều - của một con người đã bị tước đoạt một cách không thương tiếc!
Các nhân vật nữ trong một số truyện Nôm khác tất nhiên cũng gặp phải trắc trở trên con đường tình duyên, nhưng đó chỉ là những thử thách thuần tuý để chứng minh cho tình cảm của họ. Đặc biệt trong truyện Nôm “Sơ kính tân trang”, thử thách còn có hàm ý đề cao giá trị của nhân vật: đó là Quỳnh Thư bị viên đô đốc ở kinh đô “để mắt” tới, định cướp hôn và hẹn ngày ép cưới. Dù gì thì đó cũng là một viên đô đốc chứ không phải tay buôn thịt bán người như Mã Giám Sinh, dù gì thì đó cũng là cưới hỏi chính thức chứ không phải bán mình mà hôn lễ chỉ là sự che đậy như với Thuý Kiều. Trong truyện Phan Trần, Hoa tiên thậm chí còn không có sự xuất hiện của nhân vật phản diện, do đó không mang đến những tác động bên ngoài, thử thách là do cảm nhận nội tại của nhân vậ, cho nên nhân vật hoàn toàn có thể vượt qua thử thách đó bởi sự phát triển nội tâm của chính mình, và vì họ là người có thể làm chủ mình, tự mình quyết định số phận của mình chứ không phải do bất cứ một thế lực nào khác.
Vị tha là một nét đẹp nữa trong nhân phẩm của Kiều mà nàng luôn lấy nó làm quy tắc đối nhân xử thế ở đời. Thế nhưng Kiều vị tha với người mà người nào có vị tha với Kiều, ngược lại còn chà đạp lên nó cũng như chà đạp lên chính cuộc đời Kiều.
Khi được chính thức đại làm vợ lẽ của Thúc Sinh, được sống những ngày hạnh phúc đúng nghĩa, Thuý Kiều vẫn không ích kỷ chỉ nghĩ đến hạnh phúc cá nhân mà còn khuyên chàng Thúc hãy “hồi trang” trở về Vô Tích để Hoạn Thư không phải sống những ngày tháng cô đơn. Vì Kiều hiểu được rằng, Thúc Sinh là chồng của nàng những cũng là chống của Hoạn Thư:
“Bấy lâu khăng khít dải đồng
Thêm người người cũng chia lòng riêng tây
Vẻ chi chút phận bèo mây
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi”
Trong xã hội phong kiến, người đàn ông có năm thê bảy thiếp là chuyện rất bình thường. Trong đó, một khi người vợ lẽ nào có được sự “sủng ái” hơn thì vị trí của người đó trong gia đình cũng không thua kém vợ cả là bao. Ở đây, với sự nâng niu chiều chuộng mà Thúc Sinh dành cho mình, Kiều hoàn toàn có thể dựa vào đó mà quang minh chính đại “đối đầu” với Hoạn Thư mà không cần phải nhún nhường. Nhưng bản chất Kiều sinh ra không phải để tranh chấp và tranh giành với người khác. Kiều sinh ra là để “sống với mọi người và vì mọi người”, tuy nhiên trong mỗi bước đi của Kiều, cho đến khi gặp Từ Hải, ta vẫn thấy chỉ một mình nàng “đơn thương độc mã” tự thân vật lộn với khó khăn thử thách mà thôi.
Trong trường hợp này cũng vậy, đáp lại tấm lòng của Kiều là sự sỉ nhục, lăng mạ của Hoạn Thư, lúc ấy Thúc Sinh cũng chỉ biết làm người ngoài cuộc. Trong khi nnàg phải “ra vào theo lũ thanh y – dãi dầu tóc rối da chì quản bao” thì Thúc Sinh đang ở đâu? Đến khi chạm mặt nhau tỏng bữa tiệc đã được Hoạn Thư định sẵn Thúc Sinh cũng chẳng dám nói nửa lời. Khi Kiều hầu rượu hai vợ chồng, bị Hoạn Thư “bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay” thì chàng Thúc cũng chỉ biết trơ mắt mà nhìn. Về bản chất, có lẽ Thúc Sinh cũng không khác Hoạn Thư là bao! Rốt cuộc Kiều chỉ còn biết “một mình âm ỉ đêm chầy – Đĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh”. Vậy là một lần nữa cái phẩm chất đáng quý của một con người mà Kiều trân trọng lại bị người khác cho là không ra gì và tìm mọi cách để chà đạp lên nó! Thử hỏi một xã hội với những con người như vậy là xã hội loài người hay xã hội loài “con”? Ta xót xa mà nhận thức được rằng, sống trong một xã hội như vậy, có lẽ bi kịch đến với Kiều là một điều tất yếu!
Trong truyện Nôm Hoa tiên, Phan Trần không có nhân vật phản diện nên nân vật nữ chính chưa có điều kiện để biểu hịên lòng vị tha của mình. Trong “Sơ kính tân trang”, mặc dù có nhân vật phản diện những cũng không thấy tác giả đề cập đến vấn đề này. Có lẽ do đời sống nội tâm của Kiều phong phú hơn, nên những nét tính cách phẩm chất trong Kiều cũng đa dạng hơn, cũng do đó mà bi kịch của Kiều cũng nhiều hơn, thấm thía hơn! Và như đã nói, điểm khác biệt lớn nhất của Kiều với các nhân vật nữ trong truyện Nôm tài tử khác là: Thuý Kiều là một nhân vật bi kịch chứ không phải nhân vật lý tưởng hoá.
Bi kịch bị chà đạp về nhân phẩm chỉ là một trong số rất nhiều bi kịch mà Thuý Kiều phải nhận lấy trong cuộc đời của mình. Thuý Kiều đã sống nhưng không được sống như một con người đúng nghĩa, mọi giá trị làm người của Kiều đã bị xã hội phủ nhận. Do đó, bi kịch của Kiều đã mang đến một tiếng nói phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp quyền sống, quyền hạnh phúc của con người!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro