Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

BI KỊCH

BI KỊCH: Là một thể loại sân khấu mà khởi nguồn của nó bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại có nội dung bi thương, thường kết thúc bằng sự thất bại, hoặc sự hi sinh của nhân vật chính diện. Là thể loại sân khấu ra đời sớm (thế kỉ 5 tCn.), với các tác giả nổi tiếng của nền BK cổ đại Hi Lạp như Esin (Eschyle), Xôphôclêt (Sophoclês; 495 - 406 tCn.), Ơripit (Euripide; 480 - 406 tCn.); phát triển cho tới ngày nay dưới nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào từng thời kì lịch sử và đặc điểm của mỗi dân tộc. Nội dung phản ánh sự xung đột giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác trong xã hội; số phận các nhân vật chính diện đều kết thúc bi thảm, thường là bằng cái chết tạo nên cảm xúc, ấn tượng, xót thương cho khán giả. Trong BK cổ đại Hi Lạp, sự tác động đó được Arixtôt gọi là "sự thanh lọc" tâm hồn, do sự đồng cảm với những nỗi khổ đau, lỗi lầm của nhân vật. Cùng với sự phát triển của xã hội, tính chất của BK cũng có nhiều biến đổi. Từ những BK có tính chất là bi kịch gia đình, huyết thống đã mở rộng phạm vi tới những vấn đề có ý nghĩa xã hội, đề cập tới số phận của con người trong BK chung của đất nước, dân tộc và nhân loại. Ở Việt Nam, các tác phẩm BK nổi tiếng của thế giới đã được giới thiệu và dàn dựng trên sân khấu như "Ôtenlô", "Rômêô và Juyliet", "Vua Lia", "Hămlet", "Âm mưu và tình yêu", "Những tên cướp", "Lôi Vũ", "Giông tố", vv. Sân khấu tuồng, chèo, cải lương truyền thống cũng có các tác phẩm mang chất BK: "Quan Âm Thị Kính", "Xuý Vân giả dại", "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt", vv.

SỰ THANH LỌC TRONG BI KỊCH: (cg. sự tẩy rửa trong bi kịch), thuật ngữ từ thời cổ đại Hi Lạp, dùng chỉ sự tác động của bi kịch Hi Lạp đối với người xem.

Theo Arixtôt (Aristote), nhà lí luận mĩ học thời cổ đại Hi Lạp, các vở kịch Hi Lạp, dù viết theo thần thoại hay anh hùng ca, đều xoay quanh các xung đột gia đình (giữa cha con, anh em, chồng vợ, vv.). Các vở đều có chung một cách giải quyết số phận nhân vật kịch bằng cái chết do chính những hành động lỗi lầm của họ gây ra. Những lỗi lầm bi kịch này phần lớn là lỗi lầm không tự giác, do nhiều nguyên nhân khách quan mà họ không hề được biết trước dẫn tới. Vì vậy, hiệu quả của các vở bi kịch là đem lại cho người xem một cảm giác xót thương và khiếp sợ. Xót thương vì kết cục bi thảm của các nhân vật, những người mà hành động, tư tưởng và tình cảm cao cả của họ đều được khán giả đồng tình. Khiếp sợ vì thấy định mệnh quá khắt khe và nghiệt ngã đối với số phận các nhân vật, qua những lỗi lầm không thể tha thứ được, như con giết cha, vợ giết chồng, anh em chém giết lẫn nhau, vv. Hai hiệu quả tâm lí này tác động khách quan đến khán giả làm cho mọi người phải "cảnh giác" đề phòng với những lỗi lầm mà mình cũng có thể sẽ gây ra, qua đó có tác dụng thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn con người, hướng họ về cái thiện, cái đẹp, tránh xa cái ác, cái xấu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro