
Chương 19: ai vào địa ngục?
"Những gì được thực hiện bằng tình yêu luôn vượt ra ngoài thiện và ác" - Friedrich Nietzsche
---
Bát Long mùa nóng, ánh nắng như thiêu đốt, chẳng dễ gì để giữ được những luống hoa đẹp đến thế. Vương Tú Lan hẳn đã phải rất tỉ mỉ và kiên trì, chăm chút từng chút một.
Bác sĩ Tần yêu trà, cũng yêu hoa. Việc cô chọn nhà nghỉ này không phải là ngẫu nhiên. So với những khách sạn tráng lệ, nơi đây có một nét thi vị riêng, mộc mạc, yên tĩnh và đầy bóng râm của hoa lá.
Chiều nay, Mạc Kỳ Yến bận rộn ở cục cảnh sát, còn bác sĩ Tần thì như đang tận hưởng một kỳ nghỉ mát. Cô ngồi dưới hiên nhà, đọc tiếp cuốn sách của Jung mà cô đã lật dở từ sáng. Ngoài vườn, bà Vương tiếp tục chăm hoa. Bà đeo găng tay, thoăn thoắt nhổ từng cọng cỏ dại, trông như đang nâng niu một mảnh trời riêng của mình.
"Bác sĩ Tần, cô có vẻ rất thích trà lài?" bà Vương cất tiếng hỏi, giọng nhẹ nhàng mà vui vẻ.
Bác sĩ Tần mỉm cười, lịch sự đáp: "Cũng không hẳn. Trước kia tôi thích Shan tuyết, nhưng dạo này lại nghiêng về hương thơm thanh rõ của trà lài."
Bà Vương gật gù, ánh mắt như lấp lánh nắng chiều: "Hiếm lắm mới thấy người trẻ mê trà như cô."
Bác sĩ Tần khẽ gập sách lại, ngón tay vẫn kẹp giữa làm dấu trang. Ánh mắt cô chợt hướng sang bà Vương: "Bà đọc nhiều sách thật đấy, nhất là các tác phẩm về Phật giáo."
Bà Vương bật cười, chậm rãi đáp: "Phải rồi, với Phật học thì tôi cũng xem như am hiểu đôi chút."
"Oh" Bác sĩ Tần thầm tán dương. "Bác Vương, vừa hay tôi cũng thích trao đổi về Phật học." Bác sĩ Tần nhẹ nhàng nói.
Bà Vương có chút ngạc nhiên, nhưng đồng thời cũng có phần vui vẻ. Bởi từ hồi vùi mình ở nơi này, dường như chẳng mấy khi gặp được ai cùng sở thích để trao đổi.
"Cô học cao hiểu rộng như vậy, có khi tôi mới là người học hỏi ở cô." bà Vương khiêm tốn nói. Bác sĩ Tần duy trì sự hòa nhã.
"Phật học cũng như con người, cần tự mình trải qua sự đời mới thấu hiểu. Tất Đạt Đa đến năm hai mươi chín tuổi mới rời khỏi gia đình, Jesus cũng ba mươi tuổi mới lên núi. So với bà Vương, tôi chỉ như kẻ đang leo dở giữa lưng chừng núi mà thôi."
Bác sĩ Tần nói, lời nhẹ nhàng như chính hương trà, vừa khiêm tốn vừa ca ngợi. Bà Vương bật cười.
"Bác sĩ Tần, cô dùng lời thật hay. Thế theo cô, khi nào thì mới gọi là... lên đến núi?"
Bà Vương cố ý hỏi khó.
"Núi cao nhất mọc lên từ đâu? Trước kia ta đã từng hỏi thế. Thế rồi ta mới biết rằng những ngọn núi cao nhất đều mọc từ đáy biển sâu thẳm." Bác sĩ Tần trả lời, câu này là đoạn trích từ Zarathustra đã nói như thế.
Bà Vương trong mắt ánh lên sự thích thú. Bà ngồi vào ghế đẩu, trong lòng dâng lên vài suy nghĩ, vị bác sĩ này dù luôn duy trì sự nhẹ nhàng ôn hoà nhưng lời rời khỏi miệng luôn sắc bén, hoàn hảo... Bác sĩ Tần danh xứng với thực.
"Tôi không biết trong trường y họ dạy về tôn giáo nhiều đến vậy." Bà Vương vẫn đeo găng tay làm vườn, bà chờ đón cuộc nói chuyện tiếp tục.
"Tôi chỉ có thời gian để đọc nhiều." bác sĩ Tần nói. Cô khẽ cười nhìn vườn hoa của bà Vương. "Tôn giáo nhân thần như Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với Übermensch" (Siêu nhân) của Nietzsche mà tôi rất thích."*
Bà Vương nghe tới đây thoáng cười kèm cái lắc đầu: "Tôi không nghĩ Übermensch và Phật giáo giống nhau đâu bác sĩ Tần. Übermensch không thể có luân hồi, Nietzche hướng về cá nhân trên tất cả, mất đi sự bình đẳng vốn có."
"Đúng là như vậy." Bác sĩ Tần thừa nhận.
"Phật giáo lại hướng đến việc vượt qua cái ngã, thoát khỏi luân hồi, đạt đến giác ngộ (Niết bàn), cũng là một trạng thái vượt khỏi thân phận con người phàm tục. Nietzsche phản đối tôn giáo kiểu Thiên Chúa giáo, vì cho rằng nó làm con người yếu đuối, dựa dẫm vào "Chúa"."
Nghe tới đây bác sĩ Tần bật cười, không phải cười nhạo mà là cười vui vẻ, hai người cách nhau tới vài chục tuổi, có thể cùng trò chuyện đã xem như là tri kỷ trong nhất thời. Ngoài sân, những luống hoa đung đưa theo gió, như tô điểm cho không gian thêm phần tĩnh lặng. Màu sắc rực rỡ của chúng không làm xao động vẻ thanh tịnh, mà chỉ càng khiến lòng người yên ổn hơn.
"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi."** Bác sĩ Tần nói.
Bà Vương nghe tới câu này trong lòng dâng lên cảm xúc vui vẻ. "hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác."
Bác sĩ Tần nghe lời này, ngón tay gõ nhịp lên bìa sách của Jung. Bà Vương nhìn thấy động tác đó, xem ra vị bác sĩ vẫn muốn dựa vào triết học phương Tây lý giải Phật giáo phương đông.
"Nhưng vốn không thể đạt được tới một xã hội mà tất cả đều bình đẳng, tôi nghĩ thế." Bác sĩ Tần cất lời.
Bà Vương đã đoán ra câu hỏi, giọng bà có chút thăng trầm trả lời: "Cô nói đúng, thế giới này vốn không công bằng. Lòng người thì phức tạp. Nhưng trong mắt Phật, tất cả chúng sinh đều bình đẳng, không phải vì họ xứng đáng, mà vì họ đều có khả năng giác ngộ."
"Nhưng liệu từ bi có là đủ? người ta có thể dùng từ bi làm vũ khí sao?" Bác sĩ Tần dồn ép hỏi. Cô khẽ uống một ngụm trà.
Bà Vương lần nữa lắc nhẹ đầu phủ định.
"Nhắc tới Phật, người ta sẽ nghĩ đến Đức Thích Ca, Đức Phật Dược Sư, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Phật Bà Quan Âm... Điểm chung của các vị ấy là lòng từ bi vô lượng. Tượng của họ lúc nào cũng nhẹ nhàng bao dung. Thể hiện triết lý 'Trong mắt Phật, chúng sinh đều bình đẳng.'"
Bà Vương chậm rãi nói, từng lời như rơi theo nhịp thời gian, thấm đẫm chiêm nghiệm.
"Tuy vậy, ở Đại Thừa, Mật tông, chúng ta có Phật Bất Động Minh Vương***. Bác sĩ Tần, không biết cô đã nghe qua vị Phật này chưa?"
Bác sĩ Tần đặt tay lên càm, khẽ tựa vào. Ánh mắt chăm chú nhìn về người phụ nữ luống tuổi trước mặt, nghiêm túc trả lời: "Nghe nói, Phật giáo Nhật Bản xem Bất Động Minh Vương là hoá thân phẫn nộ của Đức Đại Phật."
"Đúng vậy, cần có từ bi cũng cần có giận dữ. Để đạt tới xã hội lý tưởng của từ bi là không tưởng. Chính vì thế trong Phật giáo cũng tồn tại những vì phật mang trên mình gương mặt dữ tợn."
"Đa tầng, đa nghĩa thật." Bác sĩ Tần thừa nhận. "Nhưng mấy ai chọn làm một Bất Động Minh Vương với vẻ ngoài hung tợn như vậy?" Bác sĩ Tần lại đặt một câu hỏi khác. Ngón tay cô lần nữa gõ vào mặt bàn gỗ.
"Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục." Bà Vương bỗng trầm ngâm đáp.
Lần này tới lượt bác sĩ Tần thoáng cười. Câu nói trên của Địa Tạng Vương Bồ Tát thật sự rất hay. Nhưng cô khẽ lắc đầu, đột ngột hỏi.
"Vậy nếu giết người để bảo vệ một đứa bé thì sao?"
Bà Vương hơi giật mình, quay sang nhìn bác sĩ Tần: "Ý cô là gì?"
"Đạo đức không dừng lại ở hành động đúng, mà còn ở hậu quả tinh thần." Bác sĩ Tần lên tiếng. Giọng đều như máy.
Bà Vương im lặng, ngơ ngác đôi chút, vị bác sĩ này đã nhìn ra điều gì ư? Không thể nào?
"Trong phòng sách nhà bà Vương có một chồng tập vở của Lý Bạch Dương. Tôi đã xem qua, hẳn cô bé học được từ bà rất nhiều, trước khi mở nhà nghỉ này, bà từng là một giáo viên."
Bác sĩ Tần đã không còn gõ nhịp ngón tay, cô chấp tay hình tháp, đi vào thẳng vấn đề.
"Không khó để cảnh sát lần ra, bà Vương là kẻ giết người đâu." bác sĩ Tần chốt hạ.
---
Chú thích *
Lưu ý: bác sĩ Tần đang cố ý so sánh sai để mở lời của bà Vương, về mặt nhìn nhận khách quan, Nietzsche và đạo Phật tương đồng rất ít. Nietzsche đề cao sự cá nhân hóa và sáng tạo giá trị mới, phá bỏ hệ thống đạo đức cũ. Phật giáo lại hướng đến việc chấm dứt khổ đau bằng trí tuệ và hiểu biết, phá tan ảo tưởng và vô minh.
Übermensch của Nietzsche:
- Nietzsche đề xuất khái niệm "Übermensch" (Siêu nhân) như một lý tưởng về con người vượt qua những giới hạn của đạo đức, ràng buộc, định kiến xã hội, tự tạo ra giá trị của riêng mình. Triết lý này tập trung vào sự tự do cá nhân, sức mạnh ý chí và sự sáng tạo, không bị ràng buộc bởi các quy tắc hay niềm tin tôn giáo truyền thống.
- Nietzsche phê phán tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, vì ông cho rằng nó làm suy yếu ý chí con người bằng cách đề sự lệ thuộc của con chiên vào Chúa.
Phật giáo:
- Phật giáo tập trung vào việc giải thoát khỏi khổ đau thông qua sự giác ngộ và từ bỏ dục vọng.
- Luân hồi (samsara) là một phần trung tâm của Phật giáo, nơi mà các hành động (nghiệp) của một người ảnh hưởng đến các kiếp sống tương lai của họ.
- Mấu chốt, Phật giáo nhấn mạnh sự từ bi, vô ngã (không có cái tôi cố định) và sự kết nối giữa tất cả chúng sinh. Tạo ra quan niệm chúng sinh bình đẳng.
Điểm tương đồng và khác biệt:
Tương đồng: Cả hai hệ tư tưởng đều hướng đến sự vượt qua giới hạn của con người thông thường. Nietzsche hướng đến việc tạo ra giá trị mới, trong khi Phật giáo hướng đến sự giác ngộ, từ bi và giải thoát.
Nietzsche đề cao cá nhân và sự tự do tuyệt đối, trong khi Phật giáo lại nhấn mạnh sự từ bỏ cái tôi và sự kết nối với vạn vật. Nietzsche cũng bác bỏ khái niệm luân hồi và các giá trị tôn giáo truyền thống.
Chú thích **
"Vậy nên này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác..."
Câu nói này là của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dành cho đệ tử Ānanda. Lời này của Đức Phật thể hiện tính giác ngộ thuộc về cá nhân của mỗi người, kể cả lời của người Thầy. Đây là đặc tính giác ngộ, trung tâm của đạo Phật.
Chánh Pháp là con đường, có thể hiểu là con đường tu tập của cá nhân.
Chú thích ***
Bất Động Minh Vương thuộc Phật Giáo Đại Thừa, Mật Tông, Phật Giáo Nhật Bản,...
Thường được thể hiện với nét mặt dữ tợn, tay cầm kiếm, bao quanh bởi lửa. Là hoá thân giận dữ của Phật, hàng phục tà ma, dừng sự giẫn dữ để bảo vệ đạo pháp.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro