Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 33

Chẳng lâu sau, Linh Ngộ đứng dậy cáo từ, tôi không giữ lại, chỉ ngả sâu vào ghế, lòng ngẩn ngơ buồn bã dưới ánh nắng mai.

Thứ tôi cầu mà không được, nào chỉ có trái tim của Công chúa.

Một lát sau, tôi nghe thấy tiếng bước chân phía sau. Quay đầu nhìn lại thì thấy Đào Đào , cô ấy đến hỏi tôi đã xảy ra chuyện gì. Tôi lắc đầu, tỏ ý không muốn trả lời, cô ấy cũng không truy hỏi thêm.

Tôi ngập ngừng một lúc rồi hỏi cô: "Công chúa đã về chưa?"

Đào Đào gật đầu, song níu lấy tay vịn ghế: "Cô không có đi cãi nhau với Đại chủ nữa chứ?"

Nét mặt cô ấy đầy lo lắng, chẳng biết là vì tôi, hay vì Công chúa. Tôi khẽ cười, đáp: "Không đâu, ta muốn xin lỗi nàng."

"Thế mới phải chứ!" Đào Đào vỗ ngực, lòng nhẹ nhõm hẳn, đoạn nói Công chúa hiện đang ở trong sảnh gặp Hàn Lâm Học sĩ Trần Hâm. Tôi ngẫm ngợi một lát, đoán là có chuyện liên quan đến Lưu thị, bèn quyết định đến xem sao, dầu gì tôi cũng nên làm chút gì đó cho Trương Bình Nhi.

Đào Đào hơi do dự, muốn đi cùng tôi, tuy vậy tôi xua tay, bảo cô ấy không cần phải lúc nào cũng lo cho mình, dù sao tôi cũng đâu phải trẻ lên ba. Cô ấy buông nhẹ hơi thở dài, để tôi rời đi.

Khi tôi đến nơi, Công chúa vẫn đang trò chuyện cùng Trần học sĩ. Đinh Lan đứng ngoài phòng, thấy tôi tới, cô ấy hơi cau mày tỏ vẻ bất mãn, tuy nhiên vẫn cất lời: "Vết thương của nương tử đã lành chưa mà đi lại khắp nơi thế này?"

Tôi biết cô ấy quan tâm mình, cũng biết cô ấy không hài lòng vì trước đó tôi đã chất vấn Công chúa, nên chỉ cười trừ tạ lỗi: "Không sao cả, y thuật của Giang y nữ cao minh, Giang y nữ cũng bảo ta nên ra ngoài đi lại một chút cho vết thương mau lành."

Đinh Lan khẽ hừ một tiếng, không tỏ thái độ gì thêm, chỉ nói: "Quý chủ đang bàn chính sự, nương tử có muốn vào không?"

Tôi suy nghĩ một lát rồi thôi, cùng cô ấy đứng đợi dưới mái hiên. Nắng trời chan hòa, bóng hai hàng cột son đổ dài nghiêng nghiêng, che khuất cả cánh cửa son. Đinh Lan lặng lẽ nhìn tôi, một lúc sau, cô ấy trù trừ hỏi: "Đạo trưởng đã đến tìm nương tử rồi sao?"

Tôi hoàn hồn nhìn cô ấy, thoáng vui mừng vì sự quan tâm này, đáp: "Tìm rồi."

Ánh mắt Đinh Lan sáng lên, tràn trề mong đợi: "Lời của đạo trưởng có ích không?"

Tôi mỉm cười: "Rất có ích."

"Vậy thì tốt rồi." Cô ấy khẽ thở phào, niềm vui tức thì nhuốm đầy đôi mày. Chắc hẳn cô ấy rất lo cho Công chúa, điều ấy khiến tôi cảm nhận được đôi chút mãn nguyện. Dù cho không có tôi, Công chúa vẫn là người được yêu quý, và những lo lắng trước kia của tôi về việc Công chúa bị trói buộc trong cuộc hôn nhân giả phượng hư hoàng cũng chỉ là do tôi áy náy. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác hoàn toàn.

Chúng tôi không nói gì thêm, im lặng hồi lâu. Cửa phòng bật mở, một người trẻ tuổi mặc quan bào đỏ bước ra. Hắn khẽ gật đầu với Đinh Lan rồi rời đi, song khi ánh mắt lướt qua tôi thì khiến tôi hơi chút sững sờ.

Thì ra vị Trần Học sĩ này chính là cậu học trò họ Trần năm xưa cùng mẹ mang gà sống đến tặng tôi ở cổng Thái Học. Có thể ngồi vào vị trí Hàn Lâm Học sĩ, hẳn là hắn đã phải nỗ lực rất nhiều. Trông hắn bây giờ điềm tĩnh hơn hẳn, không còn vẻ kiêu ngạo khó gần như trước nữa.

Thật không ngờ, loanh quanh một hồi, hắn lại trở thành cận thần của Công chúa.

Hắn vội vã rời đi. Một lúc sau, Công chúa từ trong phòng bước ra, mày khẽ chau tỏ vẻ ưu tư. Thấy tôi, nàng hơi khựng lại rồi nhanh chóng lướt qua, đôi mắt đen láy lặng lẽ nhìn tôi chằm chằm.

Tôi cũng nhìn lại nàng, không còn hành lễ phân rõ tôn ti như trước nữa.

Công chúa đứng lại giây lát, rồi dời mắt đi, lướt qua vai tôi, thong thả rảo bước về một phía của hành lang. Nàng trông như vẫn còn giận vì những lời chất vấn của tôi trước đó. Đinh Lan huých nhẹ thân tôi, ra hiệu bảo tôi đuổi theo.

Tôi chần chừ, rồi cũng cúi đầu đi theo sau gót nàng. Hướng này có lẽ là đến thư phòng. Bước chân nàng thật chậm, tôi giữ khoảng cách chỉ một bước chân sau lưng nàng.

Bóng nắng chầm chậm lướt qua người tôi và nàng, lá cây trong sân xào xạc, gió thổi hiu hiu. Tà áo nàng khẽ lay động, và trái tim tôi cũng đập từng nhịp khoan thai theo bước chân nàng.

Phần lớn thời gian, tôi đều đi trước Công chúa, giữ khoảng cách vài bước.

Ban đầu là vì Công chúa sợ nóng, tôi bèn vờ như vô tình che đi ánh nắng gay gắt cho nàng. Rồi sau này, tôi sợ nếu nàng quay đầu lại sẽ bắt gặp ánh mắt ngưỡng vọng đầy khao khát của mình.

Khi ấy tôi đã nghĩ, giá mà mình có thể là một cây đại thụ cành lá xum xuê, để bóng râm nghiêng nghiêng có thể che cho nàng, mang đến cho nàng một khoảng mát lành.

Nhưng có một lần, tôi chợt nhớ ra có chuyện muốn hỏi nàng, vừa quay đầu lại thì thấy nàng đang níu tà váy, bước đi trong bóng của tôi. Nàng khẽ nhảy lên, trông như đứa trẻ đang nô đùa.

Tôi ngẩn ngơ trong giây lát. Nàng dường như cảm nhận được, ngẩng lên đối diện với tôi, đôi mắt đen láy thoáng vẻ bối rối song nhanh chóng giấu đi. Khi ấy, nắng hè đã nhuộm đôi gò má và vành tai nàng một sắc hồng phơn phớt.

Có lẽ vì ngượng ngùng trước hành động trẻ con của mình, nàng quay đầu đi tránh ánh mắt tôi và ra lệnh: "Phạm Bình, ngươi không được quay đầu lại."

Tôi không có ý trêu chọc nàng, chỉ chắp tay đáp "vâng", rồi xoay thân đi tiếp về phía trước. Thế nhưng tôi lại quên mất mình định nói gì với Công chúa, chỉ cảm thấy mình lúc này như một cánh diều, còn bóng tôi là sợi dây trong tay nàng. Dù tôi đi đến đâu, cũng khao khát được gắn kết với nàng như thế.

Khi đó Công chúa trông bóng lưng tôi, nàng đã nghĩ gì nhỉ?

Đi đến một đoạn, tôi chợt thấy chân mình trượt đi, hình như vấp phải viên sỏi nào đó, cả người liền chao đảo muốn ngã sang một bên. Cùng lúc đó, một bàn tay đã níu lấy cổ tay tôi, giúp tôi đứng vững lại. Tôi nhìn theo bàn tay trắng ngần ấy lên trên, và bắt gặp ánh mắt của Công chúa.

Hơi ấm từ cổ tay khiến tôi khẽ run lên, tôi chau mày nhìn Công chúa. Gương mặt nàng, vốn có nét đáng yêu xinh xắn, giờ đây đã trưởng thành hơn rất nhiều. Trong những năm tháng ấy, nàng đã chậm rãi thay đổi, mà tôi vì ở bên nàng quá lâu nên không hề nhận ra sự đổi thay này.

Trong bốn năm tôi chết đi, nàng thực sự đã không còn là vị Công chúa mà tôi từng đi theo nữa.

Ngọn gió lúc này như ngừng lại, nàng khẽ cụp mắt, định thu tay về. Tôi chần chừ, rồi trong một khoảnh khắc níu lấy tay áo nàng, nắm nhẹ trong lòng bàn tay, chỉ cảm giác trái tim như có vạn lưỡi đao không bén đang cứa vào, đau từng tấc một.

"Công chúa." Tôi gọi nàng, như ngàn trăm đêm ngày trước, với cả sự phấn khích và rụt rè.

Nàng dừng động tác thu tay, ngửng mặt nhìn tôi, đôi mắt đen láy được ánh trời nhuộm một chút ấm áp. Tôi thấy nét ưu tư giữa đôi mày nàng tan đi, nhưng giọng nói vẫn nhàn nhạt có phần lạnh lùng: "Phạm Bình, vết thương của ngươi đã đỡ hơn chưa?"

Tôi nhớ lại những đêm nàng lặng lẽ ngồi trong phòng tôi, mà tôi thì cứ trằn trọc, vừa khổ sở lại vừa vui sướng. Tôi khẽ cười đáp: "Đã đỡ nhiều rồi, khiến Công chúa phải lo lắng."

Công chúa khẽ "ừ" một tiếng, để mặc tôi nắm tay áo nàng. Hành động vốn là vượt quá giới phận này lại khiến tôi và nàng trông có vài phần thân mật.

Tôi không nén được mà nắm chặt hơn, tay áo nàng bị tôi níu lại thành mấy nếp nhăn sâu. Cảm xúc trong lòng trào dâng, lời nói đến bên môi mà lại chẳng thốt ra được chữ nào.

Hồi lâu sau, tôi hít một hơi nhẹ, cố gắng để mình trông thật bình tĩnh, sau hỏi nàng: "Công chúa đang bàn bạc với Trần Học sĩ về chuyện của Lưu Viên ngoại lang sao?"

Công chúa im lặng một lúc rồi nhỏ nhẹ đáp: "Ừ."

Tôi từ từ buông tay áo Công chúa, thứ vải vóc hoa lệ ấy tựa lưỡi dao sắc lẹm, cứa vào tim tôi, mang đến một nỗi đau tê buốt muộn màng: "Có thể kể cho ta nghe được không?".

Công chúa không tỏ ý kiến, thị giác từ tay áo lướt qua gò má tôi, rồi nàng xoay người bước đi. Tôi ngơ ngác tại chỗ, bất động. Đi được vài bước, nàng lại quay đầu nhìn tôi, cất lời: "Ngươi không phải muốn nghe sao?".

Tôi chần chừ giây lát, sau cảm thấy một niềm vui nho nhỏ dâng lên trong lòng, vội vàng bước nhanh lên trước. Tiếp đó, tôi và nàng từ tốn đi qua dãy hành lang dài.

Trong một khoảng cách không ngắn, tôi khao khát được gần nàng hơn, song cuối cùng chỉ có thể lặng lẽ trông bóng lưng gầy gò của nàng, thu lại bàn tay muốn chạm vào nàng một lần nữa.



#



Công chúa cùng tôi vào thư phòng, nàng ngồi xuống trước án thư, lấy ra một tờ giấy Tuyên [1], rồi bảo tôi mài mực. Tôi không từ chối, nàng lặng lẽ nhìn tôi làm, chẳng hé một lời.

[1] Một loại giấy nổi tiếng của Trung Quốc, sản xuất tại Tuyên Châu. Đây là loại giấy cao cấp chuyên dùng cho thư pháp và hội họa thủy mặc, có đặc tính mềm dai, thấm mực tốt và để được rất lâu.

Thật lâu sau, tôi đặt thỏi mực xuống, hỏi nàng: "Công chúa muốn viết gì?"

"Viết đơn kiện," nàng đưa đôi mắt tĩnh lặng nhìn lại, "cho ngươi.".

Tim tôi bỗng rung động, ngập ngừng một lát, tôi nói: "Nếu vậy, chi bằng để ta viết, ta tình cờ biết chút chuyện bên trong.".

Công chúa không từ chối, đứng dậy nhường chỗ cho tôi, nhưng lại lấy một cây bút lông chuột [2] từ giá bút đưa cho tôi. Tôi thoáng thẫn thờ, thực ra bút mực Công chúa thường dùng cũng tương tự như của tôi. Có lẽ vì tôi đã làm thầy của nàng một thời gian dài nên ngay cả thói quen dùng bút mực cũng đã vô tình khiến nàng học theo.

[2] Một loại bút lông danh tiếng, được làm từ lông của các loài như chuột, chồn, sóc. Bút này nổi tiếng vì có đầu bút nhọn và độ đàn hồi cao, rất thích hợp để viết thư pháp hoặc vẽ các chi tiết tinh xảo.

Bút lông chuột là loại bút nổi tiếng đất Tuyên Châu. Tương truyền, có bậc tiền nhân họ Vương đã dùng bút này viết nên kiệt tác vang danh kim cổ, khiến cho bao kẻ hậu thế yêu thư họa đều tranh nhau học theo. Tôi cũng từng một thời say mê bút mực, mỗi khi cầm bút, lại ngỡ mình là bậc hào hiệp nhi nữ trong truyện kể, vung kiếm hành tẩu giang hồ, sảng khoái biết dường nào.

Có điều đó đã là một quãng thời gian rất xa xưa. Tôi lặng lẽ nhận cây bút từ tay Công chúa, dùng chặn giấy đè phẳng tờ giấy trên bàn. Khi hạ bút viết chữ đầu tiên, tôi mới phát hiện ngón tay mình hơi run, chữ đó méo mó thành một cục, xấu xí vô cùng.

Trước kia khi làm Trương Bình Nhi, Công chúa từng bắt tôi tập viết, thực ra tôi không để ý, chỉ muốn viết qua loa cho xong để lừa Công chúa. Song lúc này, khi dồn hết tâm sức để hạ bút, tôi mới nhận ra mình sợ hãi.

Công chúa lặng thinh, âm thầm lấy tờ giấy đi, sau lại trải cho tôi một tờ khác. Tôi ngẩng đầu nhìn nàng, thấy nàng cũng đang nhìn mình, rồi cất lời: "Phạm Bình, bây giờ không có Phạm Khiêm giẫm lên tay ngươi đâu."

Tôi sững người trong giây lát, nhớ lại câu nói đùa khiến mình xấu hổ năm xưa, vậy mà không đoán được ý nghĩa trong lời nàng lúc này. Tuy vậy, nó vẫn khiến tôi nhớ ra, đây không phải là thân xác của Phạm Bình, dĩ nhiên cũng không phải đôi tay của Phạm Bình.

Tôi cúi đầu nhìn đôi tay của Trương Bình Nhi, đầy những vết chai sần, có điều khi co duỗi lại vô cùng có lực. Tôi cầm bút lên lần nữa, thử vài nét trong không trung, mới nhận ra, tay của Trương Bình Nhi rất vững.

Lòng tôi bỗng tuôn trào một cảm xúc bi thương xen lẫn vui sướng. Trước kia không chịu thừa nhận thân phận, chưa từng để ý, thì ra đôi tay này rất tốt.

Khi vận cổ tay hạ bút lần nữa, tôi đã cảm thấy thoải mái vô cùng. Dù đã nhiều năm không động đến, bút pháp thậm chí còn không bằng thuở thiếu thời tùy tiện nguệch ngoạc trên đất, nhìn qua, trông như một người mới tập viết, đã không có trật tự thì đừng nói đến kết cấu hay bút pháp.

Tuy vậy trong khoảnh khắc ấy, tôi lại vô cùng sảng khoái, có lẽ đây mới chính là sự tái sinh mà Linh Ngộ đã nói.

Tôi hơi chút phấn khích, ngẩng đầu nhìn Công chúa, thấy nàng cũng lặng lẽ nhìn mình, rồi như trêu chọc hỏi: "Phạm Bình, ngươi đang tập viết, hay đang viết đơn kiện vậy?"

Tôi ngây đuỗn, chỉ cảm thấy vành tai nóng phỏng. Công chúa lấy tờ đơn kiện đó, xem xét kỹ lưỡng trước khi lẩm bẩm: "Viết không tệ."

"Gì cơ?" Tôi ngơ ngác.

Công chúa liếc tôi một cái: "Đơn kiện, viết không tệ."

Tôi bỗng dâng xấu hổ. Tờ đơn kiện này, vừa là để đòi công bằng cho Trương Bình Nhi, cũng là cho tôi, người đang sống trong thân xác của Trương Bình Nhi. Một là kiện Lưu thị ngang ngược, hành hạ dân lành; hai là tố cáo cha anh của cô ấy sao quá tàn nhẫn, đẩy cô ấy vào hang cọp. Tôi không rõ Trương Bình Nhi có muốn tôi làm vậy không, nhưng tôi chẳng thể chịu đựng nổi hành vi của cha con nọ.

Im lặng một lát, tôi lại hỏi: "Tại sao lại liên lụy đến cả Lưu Viên ngoại lang?".

Đây là lần đầu tiên tôi hỏi nàng về chuyện chính sự. Trước kia dù biết nàng theo đuổi quyền lực, tôi cũng chưa từng hỏi đến. Lưu thị tuy có lỗi, nhưng nếu liên lụy đến cả cha hắn, e là không ổn.

Công chúa thản nhiên đáp: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn [3]."

[3] Thành ngữ chỉ việc người lãnh đạo, người đứng đầu làm gương xấu, không ngay thẳng thì cấp dưới, người đi sau cũng sẽ học theo và trở nên hư hỏng, hỗn loạn.

Nàng nói rất nghiêm túc, tôi lại bật cười: "Công chúa đang lừa ta sao?"

Công chúa lật qua lật lại tờ đơn, chả rõ là muốn tìm kiếm điều gì trong đó. Tôi dòm nàng, có lẽ bị sự kiên trì của tôi đánh bại, nàng cất giọng: "Hắn có qua lại với Sở Vương.".

Quả nhiên, là tranh giành phe phái.


---

Editor: Thực ra tác giả viết rất tinh tế, trọng tâm ở chương trước là trở thành con người mới, sống theo cách mình muốn, cho nên nếu đọc kỹ những cử chỉ nhỏ của Phạm Bình ở chương này sẽ thấy Phạm Bình đang thay đổi từ những thứ nhỏ nhặt nhất, ví dụ như không hành lễ khi gặp Công chúa nữa để đặt mình bình đẳng với Công chúa, không còn để mối quan hệ giữa hai người là kẻ trên người dưới nữa, cũng không còn đi trước để che chở cho Công chúa nữa, mà hiện tại chủ động đi sau để quan sát, tìm hiểu Công chúa,...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro