
CHƯƠNG 22
Phố Nam An là một con ngõ nhỏ tít tận phía nam kinh thành, một chốn phức tạp đủ mọi hạng người, rồng rắn lẫn lộn. Ấy là nơi mà giới quyền quý chẳng bao giờ đặt chân tới, cũng là nơi bị gọi là khu trú ngụ của những kẻ hạ đẳng.
Thuở xưa, khi mới vào kinh thành, tôi và mẹ đã nương náu ở đây, với hy vọng có thể đoàn tụ cùng cha.
Năm tôi lên năm tuổi, quê nhà gặp nạn châu chấu, mùa màng thất bát, vô số bá tánh lầm than. Lương thực cứu tế triều đình phát xuống, đến tay mỗi người cũng chỉ còn là một chiếc bánh gạo bé bằng lòng bàn tay, mỗi ngày chỉ được một bữa như thế.
Viên nha lại [1] phát chẩn [2] thấy tôi tuổi còn nhỏ, lấy cớ tôi không ăn được nhiều mà đến cả miếng bánh gạo cỏn con ấy cũng chẳng muốn cho. Mẹ bèn bẻ vụn bánh ra, nấu nhừ với cỏ dại rễ cây rồi đút cho tôi. Mùi vị ấy thật khó tả, nhưng tôi không dám nôn ra, chỉ sợ ăn xong bữa này rồi chẳng biết đến bao giờ mới có bữa sau.
[1] Chức quan lại cấp thấp, nhân viên làm việc trong các công sở thời xưa.
[2] Phân phát tiền, gạo, v.v. để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
Nửa tháng sau, chiếc bánh gạo bằng bàn tay đã biến thành bát cháo loãng thấy cả đáy. Khi ấy tôi vẫn chưa hiểu, tại sao triều đình rõ ràng đã phát lương cứu tế mà ngày nào cũng có người chết đói.
Quê hương tôi năm đó đã hóa thành địa ngục trần gian, thi thể hôi thối vương vãi khắp nơi. Nửa đêm, có người lén lút kéo xác đi, tôi hỏi mẹ, họ mang đi chôn cất phải không.
Mẹ ôm tôi vào lòng, nghẹn ngào đáp: "Phải đó Chất Nô, họ mang đi chôn cất."
Nhưng chẳng bao lâu sau tôi phát hiện, không chỉ có thi thể biến mất, mà cả những đứa trẻ cùng tuổi quanh tôi cũng chẳng còn. Nửa đêm, mùi thịt lẩn khuất đâu đây, tiếng khóc than ai oán lọt vào tai, khiến tôi bắt đầu gặp ác mộng. Tam Nương thích cài hoa bên tai, Cẩu Oa lúc nào cũng nước mũi thò lò dắt theo em trai, rồi cả Tiểu Lục hay lảng vảng trước cửa nhà tôi rủ đi bắt dế, tất cả đều biến mất.
Tôi sợ hãi vô cùng, hỏi mẹ họ đã đi đâu. Mẹ ôm lấy gương mặt tôi, quả quyết: "Chất Nô đừng sợ, mẹ sẽ không làm chuyện đó, mẹ sẽ bảo vệ con..."
Kể từ đó, mẹ luôn giữ tôi trong vòng tay, không rời nửa bước. Thân thể tôi ngày một gầy rộc, gần như chỉ còn da bọc xương.
Tôi đói đến mức, khi thấy gã đàn ông đối diện cũng gầy trơ xương, mắt long lên như sói đói đang cầm một miếng bánh gạo, tôi như bị mê hoặc, bất giác tiến về phía hắn.
Mãi khi hoàn hồn, tôi thấy mẹ đang còng lưng, dùng gậy gỗ điên dại xua đuổi gã: "Cút đi! Đừng hòng động đến Chất Nô của ta, ta có chết cũng không để ngươi được toại nguyện, lũ súc sinh! Súc sinh!"
Gã ma đói kia bị mẹ tôi dọa cho khiếp sợ, hoảng hốt bò lùi về sau, nhưng vẫn không ngừng ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt ánh lên vẻ tham lam hung tợn của loài lang sói.
Tôi vừa sợ hãi, vừa thèm khát miếng bánh gạo rơi trên đất. Mặc cho mẹ gọi, tôi lao tới, vơ lấy miếng bánh dính đầy bùn đất. Gã đàn ông thấy vậy liền muốn xông lên, tôi sợ đến mức ngã ngồi bệt xuống đất, chân tay bủn rủn. May thay, mẹ đã chạy đến bên tôi, ôm chặt lấy tôi, lảo đảo chạy về nhà.
Lúc ấy mẹ kinh hoàng tột độ, dường như tử thần đang bóp nghẹt cổ họng bà, mặt mẹ trắng bệch không còn giọt máu, đôi mắt lồi ra, bàn tay khô quắt liên tục sờ nắn mặt tôi, như thể để kiểm tra xem tôi có an toàn không. Mẹ hỏi tới tấp: "Chất Nô, Chất Nô, con có sao không? Có bị thương không?"
Tôi lắc đầu, đưa miếng bánh gạo giấu trong lòng ra, bàn tay bám đầy bùn khiến miếng bánh không còn ra hình ra dạng nữa, tôi khản giọng nói: "Mẹ, con nhặt được... không phải cướp, là của hắn làm rơi..."
Mẹ sững sờ một thoáng, rồi bật khóc nức nở.
Tôi luống cuống, chỉ biết ôm lấy mẹ, vỗ về lưng mẹ: "Mẹ ơi, Chất Nô không sao, Chất Nô không sao..."
Khoảnh khắc ấy, tôi ngỡ như mình đã trưởng thành, không còn là một đứa trẻ ngây thơ. Trong lòng chỉ có một suy nghĩ duy nhất, nếu tôi sống sót, nhất định phải đưa mẹ đi ăn những chiếc bánh gạo ngon nhất trên đời.
Tình hình tai ương mãi không được xử lý, trong thành bắt đầu xảy ra náo loạn, vô số nạn dân tràn vào phủ nha [3] cướp lương, nhưng đều bị xử tử với tội danh ác dân loạn đảng. Ngay sau đó, quan phủ ban lệnh, nếu nhà nào có ruộng đất, có thể dùng khế đất để đổi lấy lương thực.
[3] Công sở, cơ quan cai trị của một phủ thời xưa.
Một mẫu đất chỉ đổi được mười cân gạo, ngay cả tôi cũng hiểu, đây rõ ràng là thừa nước đục thả câu, nhưng không còn cách nào khác, không đổi lương thực thì chỉ có nước chết đói.
Nhiều năm sau nghĩ lại, tôi mới vỡ lẽ, cái gọi là cứu tế chẳng qua chỉ là thủ đoạn vơ vét của cải của kẻ bề trên, bá tánh chết đầy đường cũng chẳng liên quan đến họ, việc dễ dàng thu hồi ruộng đất đối với họ là một điều hả hê biết mấy.
Tôi và mẹ không có được may mắn đó, dù mẹ đã quyết định dùng ruộng để đổi lương thực, song khế đất mà ông bà nội để lại đã bị hơn chục tên côn đồ du đãng xông vào cướp mất. Chúng cướp đi tất cả mọi thứ, tôi và mẹ chỉ dám trốn sau đống củi, bịt miệng chẳng dám hé răng. Khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra khoảng cách giữa chúng tôi và cái chết gần đến nhường nào.
Nhưng may mắn thay, mẹ nghe được tin tức của cha, nói rằng ông đang làm quan ở Lại bộ [4] trên kinh thành, rất được trọng dụng. Tuy vậy trước khi biết thêm được gì nữa thì mẹ đã bị đuổi đi như một kẻ bạo dân [5], không thể hỏi thêm.
[4] Một trong Lục Bộ của triều đình phong kiến, chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng giáng và quản lý quan lại.
[5] Từ mà quan phủ dùng để gọi những người dân nổi dậy làm loạn, chống đối triều đình.
Đêm đó, mẹ dùng những đồng bạc cuối cùng đổi lấy lụa, may vào lớp áo trong của tôi, đó vốn là tiền cứu mạng của bà. Mẹ vuốt ve ngực tôi, nở một nụ cười hiếm hoi: "Chất Nô, con không phải vẫn luôn muốn biết cha là ai sao, chúng ta đi tìm ông ấy, được chứ?"
Tôi ngây ngô nằm trong lòng mẹ, hỏi: "Cha ở đâu ạ?"
Mẹ nói: "Cha đang làm quan lớn ở kinh thành, chúng ta sắp đi tìm ông ấy, chúng ta phải đi tìm ông ấy."
Tôi đã lâu không thấy nụ cười vui vẻ như vậy trên gương mặt mẹ. Khi đấy tôi đâu hiểu điều đó có ý nghĩa gì, dù thế tôi vốn chưa bao giờ từ chối mẹ, liền ôm lấy mẹ gật đầu: "Vâng, Chất Nô sẽ đi cùng mẹ."
Bấy giờ cũng có những lưu dân [6] rời thành đi nương nhờ họ hàng, chúng tôi liền theo đoàn người đó, dọc đường phải hành khất. Tôi và mẹ không có tiền bạc nên bị đối xử lạnh nhạt, nhưng may là không có chuyện cướp bóc, lúc này tôi mới hiểu tại sao mẹ lại đổi bạc ra lụa, là vì sợ bị cướp mà chúng tôi không thể tự bảo vệ.
[6] Dân lưu lạc, dân tị nạn.
Đi bộ ròng rã hai tháng, cuối cùng cũng vào được kinh thành. Các quán trọ bình thường đến cả phòng chứa củi cũng không cho chúng tôi ở nhờ, có điều chủ quán bảo chúng tôi có thể đến phố Nam An, nơi đó toàn là những người như chúng tôi.
Tôi hỏi mẹ sao không đi tìm cha, mẹ ái ngại nhìn bộ quần áo rách rưới và bẩn của mình, an ủi tôi: "Đợi hai ngày nữa, hai ngày nữa chúng ta sẽ đi tìm ông ấy."
Lúc đó tôi không hiểu được vẻ bối rối ngại ngùng trên mặt mẹ, cứ ngỡ chỉ là mẹ không biết cha ở đâu. Dầu vậy trong lòng tôi vẫn tràn đầy mong đợi và phấn khích, tôi hỏi mẹ: "Mẹ ơi, cha là người thế nào, ông ấy có thích con không ạ?"
Mẹ không nói gì, hiếm khi bà lờ đi câu hỏi của tôi, chỉ im lặng dẫn tôi bước vào phố Nam An. Con phố nhỏ ấy không bao giờ ngủ, là nơi mà ngay cả quan kinh triệu doãn [7] cũng không muốn quản. Người ta gọi nó là phố Quỷ, nói rằng ở đó có đủ loại ma quỷ, chỉ không có người.
[7] Chức quan đứng đầu, cai quản kinh thành, có quyền hạn quản lý các vấn đề hành chính, trị an và tư pháp.
Ở cái nơi quỷ quái ấy, tôi và mẹ đều bị xua đuổi, chỉ đành co ro trong một góc hẻm. Tôi có chút không vui, hỏi mẹ: "Sao người kinh thành cũng vô tình thế ạ?"
Mẹ ôm chặt tôi: "Người ta đối với những người có hoàn cảnh kém hơn mình, luôn luôn vô tình."
Tôi không hiểu câu nói này, nhíu mày nói: "Con thì không, con đối xử rất tốt với Tiểu Lục, Cẩu Oa, Tam Nương mà."
Mẹ cười cười, xoa đầu tôi, dịu dàng khen ngợi: "Chất Nô là một đứa trẻ ngoan."
Tôi thích được mẹ khen, bèn dụi dụi vào tay áo mẹ, nói: "Chất Nô mãi mãi là đứa trẻ ngoan của mẹ."
Đó là một đêm dài vô cùng khắc nghiệt, nhưng may mà có mẹ ở bên, tôi không cảm thấy buồn. Dần dần, phố Quỷ cũng yên tĩnh trở lại, chỉ còn tiếng gió rít gào, tiếng ai oán thê lương. Tôi liên tục rúc vào lòng mẹ, cố tìm chút hơi ấm.
Vậy mà khi tôi ngẩng đầu lên, lại thấy mẹ đã nhắm mắt, mặt không biểu cảm, giống hệt những lưu dân chết dọc đường. Tôi sợ hãi, không ngừng lay tay mẹ, nhưng mẹ không tỉnh. Nỗi sợ hãi bao trùm lấy tôi, tôi muốn hét lên, rồi lại sợ làm ồn người khác, bị chửi mắng.
Giữa lúc bàng hoàng, một giọng nói trong trẻo vang bên tai: "Muội sao vậy?"
Đó là một thiếu nữ khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, xách một chiếc giỏ tre, cúi xuống nhìn tôi. Tôi bị cô ấy dọa cho giật mình, một lát sau mới lao tới nắm lấy tay cô ấy, dắt đến chỗ mẹ tôi: "Mẹ muội không nói gì, muội lay thế nào mẹ cũng không tỉnh. Tỷ... tỷ cứu mẹ muội với!"
Thiếu nữ ấy kinh ngạc chạy đến bên mẹ tôi, nâng tay thăm dò cổ mẹ, rồi vạch mí mắt mẹ ra xem, một lúc sau mới thở phào nhẹ nhõm, cười với tôi: "Không sao đâu, bà ấy chỉ ngủ thiếp đi thôi."
Tôi không tin, nhào tới ôm chặt lấy mẹ. Gò má mẹ vẫn còn ấm, điều này khiến tôi yên tâm phần nào, có điều mẹ không tỉnh, lại làm tôi vô cùng sợ hãi. Cùng lúc đó, từ bụng mẹ phát ra một tiếng động ——
"Ọc."
Tôi ngạc nhiên nhìn thiếu nữ kia, hỏi cô ấy đó là gì.
Thiếu nữ đấy bỗng phì cười, xoa đầu tôi, nói: "Mẹ muội chắc là đói rồi, hai mẹ con không có chỗ ở à?"
Tôi lắc đầu: "Muội đến tìm cha, mẹ nói ông ấy ở kinh thành."
Thiếu nữ cúi đầu, trong mắt có phần thương cảm. Chợt nghĩ ra điều gì, cô ấy bèn lấy từ trong giỏ tre ra hai chiếc bánh ú đưa cho tôi, hơi ái ngại mà rằng: "Xin lỗi nhé, nhà ta cũng không có chỗ cho hai mẹ con ở, hai chiếc bánh ú này cho hai mẹ con nhé, mong muội sớm tìm được cha."
Nói đoạn, cô ấy đứng dậy rời khỏi góc hẻm. Tôi thẫn thờ nhớ ra mình chưa cảm ơn, liền loạng choạng chạy ra đuổi theo cô ấy hỏi: "Tỷ tên gì, sau này muội có tiền nhất định sẽ báo đáp tỷ!"
Cô ấy quay đầu mỉm cười, mắt cong như vầng trăng khuyết: "Ta họ Quan, bán đồ ăn ở phố Nam An, sau này muội có tiền thì đến ủng hộ chỗ ta nhé, bánh ú thịt mỡ táo đỏ của nhà ta là ngon nhất đấy!"
Sau đó, mẹ tỉnh lại, hai mẹ con vừa khóc vừa ăn bánh ú, cảm thấy trên đời này quả thực chỉ có bánh ú của Quan nương tử là ngon nhất.
Quan nương tử bây giờ đã ngoài bốn mươi, đã lấy chồng, sinh được một cô con gái, cũng đã gả đi rồi. Quan nương tử vẫn bán bánh ú thịt mỡ táo đỏ, gương mặt luôn hằn nụ cười hiền hậu, nếp nhăn nơi khóe mắt chỉ làm tăng thêm tuổi tác, và vẫn nói vài câu tốt lành, hàn huyên chuyện nhà với những người đến mua hàng.
Tôi mua mười sáu chiếc bánh, định về phủ cho Đào Đào và Triệu nương tử họ cùng nếm thử.
Quan nương tử gói bánh cho tôi, rồi nhìn tôi vài lần, cười bảo: "Nương tử ăn mặc thế này, chắc là người trong phủ đại trưởng công chúa nhỉ? Có phải Đinh Lan nương tử bảo cô đến không?"
Tôi ngạc nhiên nhìn Quan nương tử: "Bà quen Đinh Lan nương tử ạ?"
Quan nương tử gật đầu, nụ cười rạng rỡ: "Năm nào Đinh Lan nương tử cũng đích thân đến mua bánh của ta, nói là Đại trưởng công chúa thích ăn, bởi vậy mà cứ đến Tết Đoan Ngọ, quán ta lại càng đông khách."
Sống mũi tôi cay xè, không kìm được hỏi: "Cô ấy bắt đầu đến mua từ khi nào ạ?"
Quan nương tử nghĩ ngợi rồi đáp: "Chắc cũng bốn năm rồi, ta không nhớ rõ nữa."
Năm tôi chết...
Lòng tôi dâng lên một nỗi chua xót, nhưng không có cách nào xua tan đi được. Công chúa vẫn giữ thói quen này, rốt cuộc là vì sao...
Tôi mơ màng xách bánh đi về, lòng càng lúc càng không tỏ tường thái độ của Công chúa, nàng tưởng nhớ tôi, hay chỉ vì thấy bánh ngon?
Đi được một lúc, tôi đã ra khỏi phố Nam An, đến một nơi thưa thớt bóng người. Do mải mê suy đoán tâm tư Công chúa nên tôi không hề hay biết có hai gã đàn ông vẫn luôn bám theo mình. Đến khi hoàn hồn, đầu tôi đã bị một cái bao tải trùm kín. Chưa kịp kêu lên, sau gáy lại bị một gậy đập mạnh, rồi ngất lịm.
---
Editor: Đột nhiên phát hiện cái age gap của Phạm Bình - Công chúa cũng hấp dẫn, kiếp trước kiếp này age gap cũng y vậy, chỉ là nghịch đảo đối tượng 😂
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro