Chương 7
Kỳ Vũ Hiên vén tấm vải lụa lên nhưng nơi cô gái vừa đứng chỉ là một khoảng trống không, cô thầm nhủ hay mình gặp phải ma? Rồi lại lắc đầu cho rằng bản thân thần hồn nát thần tính.
Tuy nhiên việc cô gái thoắt ẩn thoắt hiện biến mất quá nhanh, cùng mùi hương tin tức tố Trà Hoa Nhài giống y hệt trong phòng họp bệnh viện là minh chứng rõ ràng nhất không thể chối cãi.
Như để củng cố cho giả thiết của mình, cô vội mở máy ảnh xem lại hình chụp ban nãy. Bóng dáng nàng thiếu nữ thướt tha sau tấm lụa trắng, sóng mũi cao thẳng, môi đỏ mọng tủm tỉm mỉm cười duyên dáng, đôi mắt to trong veo ẩn chứa cả hồ nước thu tĩnh lặng, dập dềnh tình ý miên man.
Cô không nhịn được đưa nàng cùng Cố Tịnh Nghi lên bàn cân so sánh, nếu Cố Tịnh Nghi thiên về vẻ gợi cảm cuốn hút táo bạo của thiếu nữ hiện đại thì nàng hoàn toàn ngược lại, trông nàng giống tiểu thư khuê các thuộc tầng lớp trâm anh thế phiệt thời Dân Quốc, một bộ dáng băng thanh ngọc khiết không thể khinh nhờn mạo phạm.
Có điều nàng vẫn toát lên ba phần quyến rũ, vừa đủ để không quá mức phản cảm dung tục còn giúp tăng thêm hương vị thành thục hấp dẫn.
Kỳ Vũ Hiên ngắm nghía mãi không chán, cô liếm môi nuốt nước miếng ừng ực: Dung nhan kinh diễm chân thực cỡ này sao có thể là ma được? Đây phải chăng là tiếng sét ái tình yêu từ cái nhìn đầu tiên?.
Chợt cô phát hiện thấy điểm bất thường trong bức ảnh, hướng ánh nắng chiếu từ sau lưng nàng vậy thì bóng nàng phải đổ xuống phía trước chứ, đằng này không thấy bóng nàng đâu. Cô dụi mắt hai ba lần xác định quả thật mình không nhìn lầm, nàng đứng đó trơ trọi dưới chân không có gì hết.
Kỳ Vũ Hiên là kẻ cứng đầu cứng đến độ đủ đập vỡ đá, thành ra cô tự huyễn hoặc bản thân rằng: "Chắc máy ảnh bị lỗi, hoặc trong lúc chụp xảy ra vấn đề kỹ thuật". Rồi dẹp luôn máy ảnh vào balo, đồng thời quên luôn mùi hương tin tức tố lành lạnh vốn không thuộc về người sống kia.
Khi cô định quay trở về cổng làng để gặp A Phúc thì mũi chân đá phải thứ gì, cô cúi đầu nhìn trông vật nọ chỉ to bằng lòng bàn tay, nhìn kỹ thì hao hao giống một chiếc túi thơm. Chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cô liền nhặt lên xem xét, lật qua lật lại quả nhiên là túi thơm, chiếc túi có màu đỏ tươi như máu bên trên vẽ mấy chữ nguệch ngoạc kiểu thư pháp.
Chữ viết xấu quắc đọc không nổi là viết cái giống ôn gì, thiết nghĩ người làm cái túi thơm này chắc từng hành nghề vẽ bùa luyện ngải.
Mà chiếc túi rơi tại vị trí thiếu nữ vừa đứng hẳn là phụ kiện trên bộ sườn xám của nàng, có điều bộ sườn xám nàng diện màu đen còn chiếc túi thơm màu đỏ, phối với nhau trông hơi lạc quẽ thì phải. Kỳ Vũ Hiên đưa chiếc túi lên mũi ngửi ngửi:
"Hương Hoa Nhài, thơm quá đi mất" Cô mê mẩn hít lấy hít để, sắp nghiện mùi hương thanh tao ngọt lịm này tới nơi rồi. Định bụng giữ lại khi nào tái kiến cô gái nọ sẽ trả cho nàng.
"Bác sĩ Kỳ" từ đằng xa A Phúc hớt hơ hớt hãi bước thấp bước cao chạy tới gần, ông cúi gập người chống đầu gối thở hồng hộc như cái ống bễ lò rèn: "Thì ra bác sĩ ở đây, bác sĩ làm tôi tìm gần chết, không thấy bác sĩ ở cổng làng cứ tưởng xảy ra chuyện gì".
Kỳ Vũ Hiên cười cười tỏ thái độ ăn năn áy náy: "Xin lỗi chú A Phúc, tôi định đi tham quan quanh làng một chút nào ngờ lạc tới đây".
A Phúc nâng ống tay áo lau mồ hôi lấm tấm trên trán: "Không sao, không sao. Vậy chúng ta đi thôi bác sĩ Kỳ, lão gia ngỏ ý mời bác sĩ đến tư phủ dùng cơm trưa".
Kỳ Vũ Hiên nhìn người đàn ông chân chất thật thà đối diện, bèn hỏi thăm: "Chú A Phúc, có phải chú quen biết hết bà con chòm xóm trong làng không?"
"Làng tôi có khoảng năm trăm nhân khẩu, nói lớn không lớn nói nhỏ không nhỏ, cũng coi như quen nhiều biết rộng. Chẳng hay bác sĩ Kỳ muốn tìm ai sao?"
"Tôi muốn tìm một cô gái độ chừng mười lăm đến hai mươi, định trả đồ vật mà nàng đánh rơi"
A Phúc nhìn chiếc túi thơm Kỳ Vũ Hiên chìa ra cho mình xem, ông phát hoảng giật lùi hai bước lắp bắp: "Bác. . . bác. . . bác sĩ Kỳ, cô. . . cô lấy cái túi thơm này ở đâu vậy?".
"Tôi nhặt được từ chỗ cô gái đánh rơi" Kỳ Vũ Hiên thắc mắc: "Túi thơm này mang ý nghĩa gì đặc biệt à?".
A Phúc khó nhọc nuốt nước bọt, giọng lạc hẳn đi: "Làng tôi có truyền thống làm túi thơm, nhưng đa số chúng đều dùng cho mục đích luyện bùa ngải. Và túi thơm màu đỏ này được dùng để làm bùa yêu".
"Bùa yêu?"
"Phải, theo lưu truyền dân gian trong làng nếu ai nhặt được chiếc túi thơm màu đỏ này thì tuyệt đối không được vứt đi, bằng không sẽ gặp vận hạn xui xẻo nguy hiểm tính mạng" Ông hảo tâm nhắc nhở: "Bác sĩ Kỳ đừng ném nó đi nha".
"Hahaha" Kỳ Vũ Hiên rõ ràng không tin điều mê tín dị đoan này, cô nửa đùa nửa thật đáp: "Nếu đây là tín vật do nàng cố tình trao tặng, vậy tôi sẽ không phụ bạc tấm chân tình của nàng". Chẳng biết có phải do bùa yêu phát huy tác dụng hay không mà cô bắt đầu thấy nhớ nhung nàng rồi, khắp cõi lòng đều tràn ngập hình bóng thướt tha của nàng.
Biết cô không tin, ông càng dè dặt thận trọng: "Bác sĩ Kỳ chớ cười, tôi không dám nói đùa đâu. Trước đây có rất nhiều trường hợp du khách tới làng tham quan vô tình nhặt túi thơm này xong vứt đi, không lâu sau thì liên tiếp gặp tai nạn".
Kỳ Vũ Hiên hiểu mình không nên đắc tội phong tục tập quán tâm linh của làng người ta, nên cô vội vàng xua tay thanh minh: "Chú A Phúc chớ hiểu lầm, không phải là tôi không tin đâu, cảm ơn chú đã tận tình nhắc nhở, tôi xin ghi lòng tạc dạ".
Dứt lời cô liền đút chiếc túi thơm vào trong túi áo khoác, sau đó mở máy ảnh cho A Phúc xem tấm hình chụp nàng thiếu nữ ban nãy: "Chú biết cô gái này không?".
A Phúc hướng tầm mắt nhìn vào màn hình, nhưng kỳ lạ thay ông lắc đầu hỏi ngược lại cô: "Cô gái nào? Tôi có thấy cô gái nào trong ảnh chụp đâu?".
"Hả?" Lần này đến phiên Kỳ Vũ Hiên thảng thốt: "Cô ấy mặc sườn xám đen đứng đằng sau tấm vải lụa trắng đây này".
A Phúc khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Tôi thật sự không thấy cô gái nào cả, có phải bác sĩ lầm lẫn gì rồi không?".
Kỳ Vũ Hiên rút máy ảnh về nhìn kỹ thì rõ ràng nàng vẫn đứng ở đó, lấp ló sau tấm vải lụa. Cô đăm chiêu đặt nghi vấn: Chẳng lẽ chỉ có một mình mình nhìn thấy nàng thôi sao?.
Chợt có cơn gió lạnh từ đâu thốc tới làm cô thoáng rùng mình ớn lạnh, da gà đua nhau nổi rần rần sau gáy: Không lẽ nàng là ma thật?.
Nhìn Kỳ Vũ Hiên thất kinh hồn vía, A Phúc quan tâm hỏi han: "Bác sĩ Kỳ không sao chứ? Sắc mặt cô kém quá".
"Không sao, chắc tôi nhìn lầm thật" Cô mỉm cười gượng gạo.
A Phúc đảo mắt ngó quanh như đang lo sợ điều gì, vồn vã hối thúc: "Vậy chúng ta mau đi thôi, sắp tới giờ cơm trưa rồi ạ".
"Được, làm phiền chú A Phúc dẫn đường"
Bước trên đường làng, tuy vẫn thường xuyên bị thiên hạ soi mói dòm ngó nhưng nhờ đi chung với A Phúc nên bọn họ rất nhanh tản mát chỗ khác.
A Phúc ngượng ngùng giải thích do dân làng sống ở nơi heo hút quanh năm suốt tháng, rất hiếm khi gặp ai đó mang dáng vóc người ngoại quốc giống Kỳ Vũ Hiên, thành ra họ mới thấy hiếu kỳ chứ không có ác ý.
Bấy giờ Kỳ Vũ Hiên mới nhớ ra mình sở hữu nhân dạng con lai, khung xương mũi của cô khá cao, cánh cung lông mày hơi rậm, đôi mắt có màu xanh nhạt tinh anh và mái tóc hơi ngả màu vàng kim, đặc biệt da cô trắng như người mắc bệnh bạch tạng.
Hồi năm mà cô bắt đầu nhận thức về thế giới quan cũng từng thắc mắc hỏi cha mẹ tại sao mình không giống hai người. Mẹ cô yêu thương ôm con gái trong lồng ngực, bà bảo ông ngoại cô là người Trung còn bà ngoại cô là người Anh, nhưng bà lại mang gen trội của cha hơn nên không nhìn ra được đặc điểm con lai, hiện tại thì cô thừa hưởng hết gen từ bà ngoại rồi, còn khen cô trông giống bà ngoại hồi trẻ như đúc.
Nhưng có một sự thật rằng. . . cô chưa bao giờ gặp ông bà ngoại trong suốt thời kỳ trưởng thành. Kể cả một tấm ảnh của ông bà cũng không có nốt, mẹ cô giãi bày do trước đây nhà ông bà ngoại từng bị hỏa hoạn, toàn bộ album ảnh chụp gia đình đều cháy rụi hết, ông bà cũng mất trong đám cháy năm đó. Điều kỳ lạ hơn là vào ngày giỗ hàng năm của ông bà ngoại, mẹ cô tuyệt nhiên không dẫn cô đi theo.
Về lâu về dài càng khiến lòng cô nảy sinh nhiều vấn đề, muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Nhưng cô không nỡ nghi ngờ hay điều tra hai đấng sinh thành của mình, nếu để họ phát hiện sẽ khiến cả hai tổn thương, và gián tiếp đẩy gia đình ba người vào viễn cảnh lúng túng xấu hổ. Cô tin cha mẹ có lý do khó xử, và chờ một ngày họ nguyện ý sang sẻ điều bí mật ấy.
Tiếng nói sang sảng của A Phúc đằng trước kéo tâm trí cô về thực tại, ông đang hỏi cô có gì thắc mắc muốn giải đáp hay không, bởi ông được lão gia phó thác trở thành 'hướng dẫn viên du lịch' cho cô. Nghe ông nhắc đến Vệ lão gia, Kỳ Vũ Hiên không nén được tò mò:
"Hình như Vệ lão gia rất có uy quyền trong làng?"
Vẻ mặt A Phúc lập tức thay đổi thành biểu cảm sùng bái: "Đâu chỉ có uy quyền, lão gia chính là trưởng làng đấy".
"Ra thế" Cũng mơ hồ đoán ra rồi, nên không bất ngờ mấy: "Người đề xuất phá núi mở rừng xây đường là Vệ lão gia sao?".
"Tuy lão gia giữ chức vụ trưởng làng đã ngót nghét sáu mươi năm, nhưng việc thi công con đường phải thông qua sự chấp thuận từ các vị trưởng lão khác, và người chi trả toàn bộ dự án thi công là lão gia"
A Phúc chỉ cho cô thấy cái công trình nhỏ thó vuông vức được xây bằng gạch, sơn màu be, lợp mái tôn, trông khá hiện đại nằm lạc quẽ giữa đống 'tàn tích' mái ngói rêu phong bên kia đường.
"Đó là đồn cảnh sát cũng do lão gia đề xuất rồi tự bỏ chi phí xây dựng, nhằm giữ trật tự trị an cho dân làng"
Kỳ Vũ Hiên mạnh dạn phỏng đoán: "Thế bệnh xá trong làng cũng do Vệ lão gia đề xuất rồi lo chi phí từ A đến Z?".
A Phúc gãi đầu gãi tai: "Không hẳn, trước năm 2013 do con đường chưa hoàn thiện nên việc mua và vận chuyển các thiết bị y tế rất khó khăn, ai bệnh tật ốm đau gì thì vác xác đi gặp thầy lang trong vùng bắt mạch bốc thuốc mà uống, còn khỏi hay không phải xem vận số. Mãi sau này đường đi thuận lợi hơn thì trên cục y tế tỉnh Giang Tây mới cử vài cán bộ xuống làng khảo sát giúp đỡ, nhờ đó thuận lợi xây dựng bệnh xá. Tuy nhiên đúng như bác sĩ Kỳ vừa nói hơn phân nửa chi phí xây dựng bệnh xá, và mua thiết bị y tế đều nhờ lão gia trang trải".
Hai người một hỏi một đáp chẳng mấy chốc mà căn biệt phủ bề thế đồ sộ đã hiện hữu hiên ngang thẳng đứng trên sườn dốc đối diện. Mặt lưng căn 'tư phủ' tựa vách núi, mặt tiền hướng thẳng ra cổng làng, trông giống như một vị vua ngạo nghễ ngự trị trên ngai vàng đang hướng ánh mắt trịch thượng nhìn xuống đám dân đen hèn mọn.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro