Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 17

Thời điểm có mặt tại bệnh xá thì đã trễ mười phút, vừa vào cửa liền đụng ngay bác sĩ trưởng, cứ tưởng sẽ bị ông giáo huấn một phen sau đó gọi điện về bệnh viện của cô để mắng vốn rồi kỷ luật.

Thế nhưng điều bất ngờ là ông chẳng những không khiển trách cô mà còn mỉm cười rất phúc hậu, cơ mặt ông thư giãn giống như thở phào nhẹ nhõm.

Kỳ Vũ Hiên cúi đầu bày tỏ thái độ ăn năn hối lỗi: "Cháu xin lỗi bác sĩ trưởng, tuyệt đối sẽ không tái phạm đâu ạ".

Bác sĩ trưởng họ Vương cười hề hề vươn bàn tay mũm mĩm vỗ vai cô an ủi: "Không sao, cháu an toàn tới nơi là bác mừng rồi, cứ sợ trên đường cháu xảy ra bất trắc gì".

Kỳ Vũ Hiên gãi đầu ngượng ngùng, cô không dám nói rằng bởi vì mình nhiều chuyện nên mới tới trễ. Bác sĩ Vương cũng không có ý định chất vấn cô đi đâu làm gì, ông nhiệt tình dẫn cô tham quan xung quanh bệnh xá.

Bệnh xá chỉ xây một tầng, diện tích khá thoáng và rộng với gần như đầy đủ các phòng dịch vụ chức năng cần thiết phải có cho một khu bệnh xá nằm ở vùng sâu vùng xa.

Và điều đáng buồn đối với bác sĩ Kỳ chính là ở cái nơi cơ sở hạ tầng tồi tàn với trang thiết bị nghèo túng như thế này sẽ không cung cấp phòng phẫu thuật.

Người bệnh sau khi được sơ cứu thành công qua cơn nguy kịch, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng nặng nhẹ của bệnh nhân mà quyết định chuyển xuống bệnh viện dưới thị trấn. Dẫu sao bệnh viện dưới đó có phòng phẫu thuật cùng trang thiết bị đầy đủ hơn, để họ kiểm tra cẩn thận còn nếu thấy tình hình không ổn thì họ sẽ chuyển tiếp bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên thành phố.

Bác sĩ Vương dẫn Kỳ Vũ Hiên đến phòng nhân viên, chỉ cho cô tủ đồ riêng của mình. Đây là phòng chung của nhân viên được kê hai chiếc giường, thường những bác sĩ y tá phải trực ca tối sẽ thay phiên nghĩ lại đây, có phòng vệ sinh và nhà tắm đầy đủ, bởi vì là phòng chung nên mọi người rất ý thức giữ gìn sạch sẽ.

Cô vệ sinh cá nhân xong khoác áo blouse rồi theo bác sĩ Vương đi thăm một vài bệnh nhân hiện đang lưu trú tại bệnh xá. Ngoài một số trường hợp phải lưu lại để theo dõi bệnh tình, còn lại đa phần toàn là người già lớn tuổi.

Bác sĩ Vương giới thiệu cô cho họ, sau đó đi từng giường ân cần hỏi thăm sức khỏe và khám cho vài người, Kỳ Vũ Hiên theo sau giúp đỡ ông. Họ thật sự rất đáng mến và nhiệt tình, những bệnh nhân ở đây thân thiện hòa ái hơn đám người tọc mạch ngoài kia nhiều, họ nắm tay cô trìu mến gọi "Bác sĩ Kỳ, bác sĩ Kỳ" điều đó khiến Kỳ Vũ Hiên rất xúc động xen lẫn xót xa, thay đổi thái độ làm bộ làm tịch như mọi khi, hiếm hoi thật lòng trong đời cư xử hết sức gần gũi.

Ra khỏi khu phòng bệnh, Kỳ Vũ Hiên thắc mắc hỏi bác sĩ Vương: "Sao ở bệnh xá có nhiều người già thế ạ?".

Bác sĩ Vương bắt chéo hai tay sau lưng, nặng nề thở dài phân trần: "Các cụ đều thuộc những phận đời bi đát hẩm hiu, hoặc sống đơn độc lẻ loi một thân một mình, hoặc có con cháu mà như không tồn tại nói trắng ra thì bị bỏ rơi. Ở trong làng không xây viện dưỡng lão dành cho trường hợp như các cụ, mà một số lại đang mắc triệu chứng Alzheimer nặng, nếu cứ để mặc sẽ rất nguy hiểm cho các cụ. Nên trong hai năm công tác tại đây bác đã dùng chút khả năng ít ỏi của mình để trợ giúp cho các cụ được chăm sóc tử tế".

Kỳ Vũ Hiên nhìn sống lưng hơi khòm do bị thời gian mài mòn của người đàn ông, cô dường như có thể mường tượng ra bóng dáng một vị bác sĩ trẻ hăm hở lao vào xã hội khắc nghiệt hồi ba bốn chục năm trước, với bầu nhiệt huyết theo đuổi giấc mơ hoài bão về nghề lương y cao cả.

Cô quan sát vị bác sĩ già với ánh mắt vừa thán phục vừa hổ thẹn, tự thừa nhận dù tuổi nghề tuổi đời của mình có thêm ba bốn chục năm nữa khoảng cách vẫn quá chênh lệch không thể bắt kịp ông.

Dọc đường đến phòng trực ban, bác sĩ Vương còn chia sẻ: "May nhờ Vệ lão gia hỗ trợ thêm người đến chăm sóc và giúp đỡ kinh phí nên bác mới kịp thời xoay sở trong khoảng thời gian khó khăn ấy. Vệ lão gia đúng chuẩn mực là một vị trưởng làng vừa có tâm lại vừa có tầm, thương dân làng mình như con".

Kỳ Vũ Hiên một bên lắng nghe ông huyên thuyên, một bên đảo mắt tìm kiếm Vệ Triều Khanh khắp xung quanh. Quái lạ thật, lúc nãy nàng không hề theo cô vào phòng nhân viên, sau khi cô đi ra nàng cũng biến đâu mất tiêu, từ nãy giờ không thấy mặt mũi.

Trong lòng Kỳ Vũ Hiên mơ hồ xuất hiện chút dự cảm lo lắng bất an, nhưng ngẫm nghĩ thì nàng là ma nữ mà, bình thường dữ dằn đòi chặt tay chặt chân người ta các kiểu, nàng không đụng người ta là may phước tám đời rồi chứ làm gì có kẻ chán sống nào dám đụng tới móng giò nàng.

Vô tình thiệt sự, bỏ đi mà không thèm thông báo tiếng nào. Cái đồ ma nữ không có trái tim.

Bác sĩ Vương thấy cô loay hoay dáo dác tưởng nhầm cô đang kiếm Đồng Tử Yến bèn cho hay: "Tiểu Yến đến chăm sóc cho một bà cụ bị tai biến rồi, khả năng hôm nay con bé sẽ không đến trực vì vậy bác mới thay con bé trực chung với cháu một buổi".

Tạm thời buông tha chuyện Vệ Triều Khanh đột nhiên biến mất, ngược lại Kỳ Vũ Hiên bị thu hút bởi câu chuyện ông vừa kể. Cô hăng hái hỏi dồn: "Thế bà ấy sống một mình ạ? Tại sao bác không đưa bà ấy vào bệnh xá luôn?".

Ông lắc đầu dài dòng giải thích: "Không phải không muốn đưa mà là bà ấy nhất quyết từ chối, mấy năm trước chồng bà ấy qua đời, ít lâu sau thì bà ấy bị tai biến. Tuy bị liệt nửa người nói năng khó khăn nhưng có vẻ bà ấy vẫn còn chút minh mẫn, bác nghe các cụ ở phòng bệnh kể bà ấy có một người con trai, con dâu và cháu nội, rất nhiều năm về trước họ rời làng đến nay chưa thấy quay về. Người làng đồn đoán đủ thứ nhưng chung quy họ khẳng định rằng ba người kia đều mất mạng vì phạm phải lời nguyền, bà cụ ấy một mực không tin quyết trụ lại căn nhà của mình để chờ đợi một ngày con cháu mình trở về. Vì lẽ đó mà bác có khuyên cỡ nào bà cụ cũng không chịu đến đây".

"Vậy ngoài Tử Yến ra không còn ai chăm sóc bà ấy ạ?"

"Không hẳn, gia đình ba thế hệ bà ấy từng là những hầu cận trung thành phục vụ cho nhà họ Vệ từ tận thời đầu Dân Quốc. Nên sau khi bà ấy bị tai biến không đi đứng được thì Vệ lão gia có gọi người đến chăm sóc bà ấy rất chu đáo tận tâm. Tại hôm nay nhà người nọ bận việc đột xuất, tiểu Yến mới phải đi thay"

Kỳ Vũ Hiên tập trung lắng nghe rất chăm chú nhưng bỗng dưng bác sĩ Vương im bặt, cô lấy làm lạ bèn ngoái đầu nhìn sang thăm dò thì thấy ông đang bần thần đăm chiêu, nét mặt già nua khắc khổ hiện lên nỗi đau buồn khôn xiết.

Kỳ Vũ Hiên lựa lời hóng chuyện: "Bác có tâm sự ạ?".

Ông lại thở dài thườn thượt, tháo gọng kính xuống để lau đi chút ẩm ướt vươn trên khóe mắt: "Câu chuyện của bà cụ làm bác chợt nhớ tới gia đình nhỏ của mình". Hai người một trước một sau bước vào trong phòng trực.

Bình thường y tá sẽ đảm đương nhiệm vụ canh phòng trực, nơi đây tích hợp chung với phòng hành chính và quầy thuốc, vừa đón tiếp người bệnh vừa canh chuông báo nối với phòng bệnh.

Ông mời Kỳ Vũ Hiên ngồi xuống chiếc ghế dựa cách một cái bàn đối diện mình, rót cho cô ly trà rồi tự mình nâng tách nhấp một ngụm, từ tốn nhập đề: "Tuổi trẻ như những tấm chiếu mới trải, hăng hái bùng cháy nỗ lực tạo dựng cơ ngơi sự nghiệp, bác cũng không phải ngoại lệ. Năm đó sau khi vừa tốt nghiệp y khoa và thành công nộp đơn xin vào thực tập trong một bệnh viện danh giá, bác đã nhanh chóng cầu hôn với một cô gái thanh thuần trong sáng mà mình gặp trong buổi xem mắt, có thể nói là yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên".

Hồi tưởng lại những ký ức đẹp đẽ thủa xa xưa ấy khiến ông không giấu nổi niềm xúc động, vành mắt nóng hổi cay cay phiếm hồng: "Bác được thầy dẫn dắt nâng đỡ dần dà sự nghiệp bắt đầu thăng tiến và phất lên như diều gặp gió. Cũng trong năm đó vợ bác mang thai đứa con đầu lòng, niềm vui sự nghiệp lẫn gia đình nhân đôi càng thúc đẩy bác cố gắng hơn, thế nhưng cái gì cũng cần phải đánh đổi, sự nghiệp càng thành công bao nhiêu thì bác càng xa rời bỏ bê gia đình nhỏ của mình bấy nhiêu. Bận bịu tối mặt tối mũi ngày ngày đi sớm về muộn, thậm chí dăm bữa nửa tháng đi công tác cũng không thể về nhà. Bác biết vợ mình vẫn luôn là một người phụ nữ rộng lượng bao dung, cô ấy tha thứ mỗi khi bác vắng mặt ngày kỷ niệm, cô ấy tha thứ khi bác quên mất sinh nhật con gái, cô ấy dễ dàng tha thứ tất cả lỗi lầm bởi vì lúc đó con gái còn quá nhỏ. Và rồi sự tha thứ ấy vượt quá điểm giới hạn trở thành giọt nước tràn ly, cô ấy rốt cuộc không chịu đựng nổi sự giày vò tinh thần mà bác gây ra nữa, đề nghị ly hôn khi con gái vừa tròn năm tuổi. Bác nhận ra bấy lâu nay mình đã giam cầm hai mẹ con trong cái lồng sắt gọi là nhà, bác là một người chồng người cha tồi tệ khốn nạn, không đủ tư cách cầu xin sự tha thứ".

Dường như ông đã chờ rất lâu để được một lần trút hết bầu tâm sự chất chứa trong lòng: "Bác quyết định trả tự do cho hai người, sau đó cả hai biến mất khỏi thành phố cứ như bốc hơi vậy, hoàn toàn cắt đứt liên lạc. Bác cảm thấy lo lắng bèn đi tìm người quen của cô ấy để hỏi thăm về nơi ở hiện tại, nhưng chẳng một ai có thông tin gì cả. Nỗ lực truy tìm gần hai năm đều như mò kim đáy biển, ngờ đâu vô tình một ngày cô ấy đột ngột gọi điện thoại cho bác khóc lóc nức nở thông báo tin động trời rằng con gái bị mất tích. Lúc đó bác mới biết thì ra suốt hai năm cô ấy đang sinh sống tại quê hương nhà nội của mình cũng chính là ngôi làng này".

Ông khẽ nhíu mày ân ẩn một tia căm hận giấu kín dưới đáy mắt khó lòng phát hiện: "Bác theo địa chỉ tìm đến ngôi làng, khi ấy vợ bác đã phát điên vì không tìm được con gái, mà người dân thì từ chối giúp đỡ tìm kiếm với lý do phải ưu tiên xử lý hàng loạt sự cố đang xảy ra trong làng trước, nghe đâu bắt nguồn từ một cô bé nào đó trượt chân chết đuối. . ."

Đến đoạn chi tiết cô bé chết đuối Kỳ Vũ Hiên nghĩ ngay tới An Di, bất giác tim cô hẫng một nhịp, ngẩng phắt lên vô lễ chen ngang: "Con gái của bác phải chăng mất tích hai mươi bốn năm trước?".

Bác sĩ Vương không trách cô vô lễ, ông gật đầu xác nhận: "Ừm, bác còn nhớ rõ như in cuộc điện thoại sau hôm rằm tháng bảy hai mươi bốn năm trước. Làng Dạ Nguyệt có tục lệ vào ngày rằm mỗi tối hàng tháng sẽ tổ chức buổi lễ cầu khấn rất long trọng, ngoài các trưởng lão trong làng tham dự cúng tế thì không ai được phép ra ngoài vào ban đêm. Theo như lời vợ bác thuật lại thì vào đêm rằm tháng bảy năm ấy con gái đã tự ý ra khỏi nhà, đến sáng hôm sau vợ bác mới phát hiện con gái mất tích liền nháo nhào đi tìm, cùng ngày người dân trong làng vớt được thi thể chết đuối của một cô bé khác mà mãi sau này bác mới biết đó là con của vợ chồng A Phúc".

Hai mươi bốn năm trước, một người chết đuối và một người mất tích cùng chung một ngày. Đây không thể trùng hợp ngẫu nhiên. . . ai sắp đặt chăng? sắp đặt nhằm mục đích gì? Nhưng. . . Kỳ Vũ Hiên đặt hàng loạt nghi vấn: Tại sao chị ấy lại không nhắc gì về chuyện còn có một cô bé khác mất tích? Tại sao chị ấy lại che giấu nó?.

"Vậy bác có báo cảnh sát không?"

Ông cười lạnh chế giễu: "Ngày đó dân cư thưa thớt, làng lại nằm sâu tận thâm sơn cùng cốc, cảnh sát nào mà chịu bỏ công bỏ sức lặn lội chạy tới cái nơi hẻo lánh ma chê quỷ hờn này giải quyết vụ mất tích bé xíu".

Bác sĩ Vương cố gắng điều chỉnh tâm trạng, trở lại giọng điệu ôn hòa: "Dẫu cho có quỳ xuống dập đầu khẩn khoản van xin nhưng dân làng vẫn một mực giữ thái độ thờ ơ mặc kệ, cuối cùng tinh thần vợ bác ngày càng sa sút và điên loạn mất kiểm soát. Hết cách bác đành phải hoãn việc tìm kiếm để đưa cô ấy về thành phố điều trị, chóng chọi suốt thời gian dài và rồi điều gì đến cũng phải đến. . .".

Ông nhắm mắt xoa ấn đường, nặng nề gian nan thốt từng chữ như nghẹn đắng trong cuống họng: "Cô ấy tự sát ngay trong ngày sinh nhật thứ mười bảy của con bé".

"Ah thật xin lỗi bác nói nhiều quá phải không, toàn là chuyện cá nhân đau lòng còn đi kể cho cháu nghe" Ông gượng gạo cười méo xệch, đeo lại cặp mắt kính.

"Không đâu ạ, cháu thấy rất ấm lòng khi được bác tin tưởng giãi bày tâm sự" Cô cũng khá ngạc nhiên khi ông phóng khoáng kể toàn bộ câu chuyện mà không hề đắn đo nghĩ ngợi gì, rõ ràng cô và ông ấy chỉ mới tiếp xúc chưa đến hai ngày, sao đủ tín nhiệm mà đi bọc bạch hết vậy?.

Quả nhiên đều có nguyên nhân cớ sự, bác sĩ Vương thân thiết nhìn cô như thể ông đang muốn thông qua cô để tưởng tượng đến dáng vẻ người con gái mất tích của mình: "Cháu có vài nét tương đồng giống con gái bác, nếu con bé vẫn còn sống tính tới thời điểm hiện tại chắc cũng cỡ tuổi cháu đó".

Bấy giờ Kỳ Vũ Hiên mới ngờ ngợ ra, hai mươi bốn năm trước con gái bác sĩ Vương bảy tuổi vậy hiện tại cô ấy đã ba mươi mốt tuổi rồi. Bằng tuổi cô luôn.

Càng ngày càng thấy cái làng này nó quỷ dị một cách bất thường.

Kỳ Vũ Hiên tính moi móc thêm tí thông tin hữu ích xem thử nó có mối liên hệ gì với mình hay không, bởi hai mươi bốn năm trước cũng nằm trong khoảng ký ức trắng xóa của cô. Nhưng chưa kịp thì ngoài cửa đã có người hô hoán:

"Bác sĩ, bác sĩ ơi làm ơn giúp với"

Bác sĩ Vương đứng dậy đi ngang qua vỗ vai cô: "Làm việc thôi".

Tần ngần hai ba giây cô lắc đầu đứng dậy đi theo ông: Chuyện của mình cần điều tra dài dài không dục tốc bất đạt được.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro