1 - 7
1. Rõ ràng, Nhậm Dận Bồng là người ít nói nhất cái lớp này. Bạn bè xung quanh còn bảo nhau chắc chắn từ thuở thành lập trường đến giờ, chưa ai đi học mà không nói câu nào như Nhậm Dận Bồng.
Nhậm Dận Bồng không phải là loại người bẩm sinh đã kiệm lời, chẳng qua hồi nhỏ có tật nói lắp, bị chúng bạn trêu ghẹo riết nên ngại. Càng ngại, Nhậm Dận Bồng càng dễ nói lắp, thế là sự việc trở thành một cái vòng lặp. Nói lắp, bị trêu, ngượng ngùng, nói lắp, bị trêu, xấu hổ, tiếp tục nói lắp và lại bị trêu. Điều đó không ngăn được Nhậm Dận Bồng nói chuyện. Nhưng bây giờ, Nhậm Dận Bồng muốn nói cũng không có biện pháp, mùa hè năm ngoái, một tai nạn ngoài ý muốn khiến dây thanh quản của anh bị tổn thương nghiêm trọng, phải nghỉ học một năm để chữa trị. Quá trình phục hồi của Nhậm Dận Bồng cũng chẳng có mấy tiến triển, người nào kiên nhẫn ngồi lâu với anh cũng chỉ được đáp trả bằng vài nguyên âm đơn ê a không tròn vành rõ chữ.
Trở lại sau một năm đồng nghĩa Nhậm Dận Bồng học cùng với những người kém anh một tuổi. Ban chủ nhiệm phân đến một tên nhóc Trương Gia Nguyên ngồi cùng bàn với anh, đại khái là để nó không ồn ào trong giờ nữa, lí do còn có gì hơn ngoài việc Trương Gia Nguyên nói nhiều phát ốm lên được. Nhưng mà trong một tháng đầu tiên, Trương Gia Nguyên cùng Nhậm Dận Bồng không hề chạm mặt qua, tại sang năm là kỳ thi vào các trường nghệ thuật, ai ai cũng sắp đồ chạy tới các trung tâm đào tạo, hoặc là đóng cọc ở nhà luyện đàn học vẽ, hàng ngày số học sinh đến lớp còn chưa nổi một nửa. Một phần là ban nghệ thuật nên thầy cô không quản nghiêm, vì đây là trường trung học trọng điểm, mang vinh quang rạng rỡ cho trường cũng chưa đến lượt mấy người ban nghệ thuật.
2. Cuối tháng mười, Nhậm Dận Bồng quyết định lết thân đến trường sau chuỗi ngày dài ở nhà ôm cây cello, chuẩn bị cho kì kiểm tra sắp tới. Đương nhiên trước giờ Nhậm Dận Bồng vẫn là một học sinh ngoan ngoãn, anh không muốn thành tích môn chuyên ngành cao mà các môn văn hóa thì thảm hại. Không ngoài dự đoán, học sinh cả lớp trong quãng thời gian này đều đến đông đủ, lớp học sôi động hẳn lên.
Nhậm Dận Bồng đứng trước chỗ ngồi của mình, có chút bất lực mà nhìn bao đàn guitar để trên ghế và một Trương Gia Nguyên ngồi ngủ bên cạnh. Bởi vì chỗ ngồi của hai người vừa vặn ở góc lớp, Nhậm Dận Bồng ngồi trong, sát tường, bỏ đàn xuống cạnh thì không có chỗ, mà để ra xa thì lại e sợ người kia tỉnh dậy không thấy đàn đâu liệu có hoảng hốt. Học sinh ban nghệ thuật yêu đàn như mạng, đương nhiên Nhậm Dận Bồng biết điều đó.
Suy tính một lúc, Nhậm Dận Bồng vẫn là không dám gọi Trương Gia Nguyên dậy. Dù sao cũng còn đến nửa tiếng nữa mới bắt đầu giờ học, chờ đến lúc đó chắc nó cũng tỉnh rồi.
Trương Gia Nguyên ngủ no, mặt còn hằn lên ba góc vuông của ba quyển vở xếp lên nhau lộn xộn như ruộng bậc thang, bỗng nhiên thấy một người đứng sát cạnh mình. Trương Gia Nguyên giật mình:
"Má nó, dọa chết ông đây rồi!"
Cùng lúc, một tờ giấy đưa ra trước mặt Trương Gia Nguyên: "Tôi ngồi phía trong cậu, cậu có thể bỏ đàn ra chỗ khác được chứ?". Nét chữ Nhậm Dận Bồng ngay ngắn, sạch sẽ, tự nhiên làm Trương Gia Nguyên suy nghĩ về chữ viết như hàng rào gỗ của nó. Trương Gia Nguyên không tình nguyện lắm nhấc cả người cả đàn lên, đem đàn ra góc lớp đối diện. Vừa đi Trương Gia Nguyên vừa nghĩ không biết tên trắng trẻo kia đứng đợi bao lâu rồi, sao không đánh thức nó luôn mà còn bày đặt đưa giấy như đám con gái ngại người lạ thế kia.
Cứ như vậy, lần đầu tiên gặp mặt của Trương Gia Nguyên và Nhậm Dận Bồng hình thành.
3. Trương Gia Nguyên đến lớp để ôn tập kiểm tra cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì việc nó làm ở lớp không phải nói chuyện chính là ngủ. Buổi học đầu tiên ngồi với Nhậm Dận Bồng, nó chẳng cần biết là mình quen người ta lâu chưa mà đã luyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Nào là chuyện bánh bao ở căng tin hôm nay có vấn đề hại nó tí nữa thì kết hôn với bồn cầu, chuyện rằng nó ghét đi xe buýt đi học, chuyện thèm kem quá mà hết tiền tiêu vặt rồi... Nói một hồi lâu, Trương Gia Nguyên mới nhận ra rằng mình không nhận được một phản hồi nào cả. Trương Gia Nguyên có vẻ khá bực - đấy là Nhậm Dận Bồng nghĩ vậy, vì nó hỏi thẳng:
"Cậu khinh người hay bị câm đó?"
Nhậm Dận Bồng lại gấp rút, mỗi lần nói chuyện với người khác, dù bây giờ là viết để đáp lời người khác cho nhanh, anh cũng run rẩy hồi hộp. Nhậm Dận Bồng quýnh đến mức độ xé luôn tờ giấy ở quyển vở ghi bài trước mặt, viết vội mấy chữ:
"Tôi có nghe mà."
Chưa đợi Trương Gia nguyên cầm tờ giấy lên đọc, anh đã xé thêm một mẩu giấy khác:
"Tôi hiện tại đang bị liệt dây thanh quản."
Thêm một mẩu giấy khác:
"Nhưng chưa kịp làm phẫu thuật"
"Ừm, thì là tôi vẫn có thể nói những từ đơn, nhưng chậm."
"Tôi biết cậu ăn bánh bao sáng nay, còn suýt bị tiêu chảy. Cậu còn nói ghét con chó béo lông màu be nhà hàng xóm vì chiều nào lúc cậu đi về nó cũng sủa cắn cậu. Cậu muốn ăn kem Häagen-Dazs vị hạt Macadamia nhưng mà không được, tại mấy cửa hàng quanh đây đều hết vị đó. Cậu còn bảo mình thích trượt ván, ước mơ lập band nhạc của riêng mình rồi tổ chức concert tại biển."
Mẩu giấy cuối cùng viết vội quá, chữ dính hết cả vào nhau. Nhưng Trương Gia Nguyên đọc vẫn hiểu. Điều này làm nó sửng sốt, người này không nói được, người này còn lắng nghe không sót mấy thứ lảm nhảm của nó. Trương Gia Nguyên quay người sang, nhìn thẳng vào người ngồi cạnh. Cậu ta trông rất trắng, rất sạch sẽ, có cảm giác của một tiểu thiếu gia quen được nuông chiều và có phần hơi nhút nhát. Ánh nắng mặt trời từ ngoài cửa sổ hắt vào, in trên người Nhậm Dận Bồng lấp lánh như ánh đèn sân khấu, còn anh tựa như nhân vật chính đứng cao cao cho người hâm mộ chiêm ngưỡng. Trương Gia Nguyên bỗng nhiên choáng váng, chẳng có lí do rõ ràng. Khắp mười đầu ngón tay của nó tê tê giống hồi mới luyện đàn guitar, nhức như bị kiến cắn, còn trái tim trong lồng ngực tựa kiểu bị ai véo nhẹ. Một cảm xúc quái lạ chạy dọc xương sống Trương Gia Nguyên. Trương Gia Nguyên giật mình, không nói mà lấy bút viết vào mặt sau của mẩu giấy nhăn nhúm mà Nhậm Dận Bồng vừa đưa qua:
"Trương Gia Nguyên, mải nói chuyện nên chưa giới thiệu"
Rất nhanh, tờ giấy được hai ngón tay Nhậm Dận Bồng đẩy đến trước mặt Trương Gia Nguyên, trên đó chỉ có ba chữ:
"Nhậm Dận Bồng."
4. Trương Gia Nguyên một tay xách đàn, một tay cầm túi bánh bao vừa mới mua được từ căng tin chạy vội lên lớp học. Mẹ vừa cầm chổi đuổi theo Trương Gia Nguyên ra tận đầu ngõ, can tội nó chẳng ngày nào chịu dậy đi học đúng giờ. Năm học này Trương Gia Nguyên lớp 12, đồng nghĩa với việc vào tháng 6 năm sau nó phải tham gia kì thi lớn nhất, áp lực nhất đời người. Dù rằng Trương Gia Nguyên chắc chắn sẽ thi trường nghệ thuật, bất quá môn văn hóa cũng không thể nào bỏ bê.
Trương Gia Nguyên vừa yên vị thì tiếng chuông vào học reo lên. Trương Gia Nguyên theo thói quen nhìn sang bên trái, phía Nhậm Dận Bồng, thấy anh miết bàn tay mình dọc theo đùi, mà sau đó quần đồng phục lộ ra vệt nước ướt ướt. Trương Gia Nguyên ngẩn ngơ nhìn hộp kem Häagen-Dazs vị hạt Macadamia trước mắt mình, trên đó là tờ giấy note hình con thỏ: "Ăn đi kẻo kem chảy hết". Những vệt nước li ti đọng trên nắp hộp kem và đôi bàn tay ướt lạnh của Nhậm Dận Bồng thành công làm Trương Gia Nguyên đang bình thường bỗng chốc tâm phiền ý loạn.
"Tôi lấy trộm kem trong nhà cho cậu đó. Thanh quản tôi không tốt, bị cấm túc ăn kem rồi, vừa vặn lại còn vị cậu thích"
Trương Gia Nguyên lén mở nắp hộp kem dưới ngăn bàn. Mặc dù bây giờ là cuối tháng mười, ở phương Bắc đã muốn đến đầu đông, kem vẫn bị chảy đến không còn nguyên hình dạng. Trương Gia Nguyên xúc từng thìa cho vào miệng trong tiếng giảng đều đều của thầy giáo Địa lý, kem chảy rồi ăn như nước đường, vẫn làm nó thỏa mãn đến từng thớ thịt. Trương Gia Nguyên hào hứng nhìn Nhậm Dận Bồng, miệng vẫn ngậm thìa gỗ, giọng nói đậm đặc tiếng địa phương trở nên khó nghe hẳn:
"Aida, tôi nhất định phải báo đáp cậu vì hộp kem này đó. Phải rồi, tôi sẽ đàn riêng cho cậu nghe. Trình của tôi đến thầy giáo dạy kèm cũng đã công nhận là đỉnh của chóp, chắc chắn điểm thi cũng rất cao."
Nhậm Dận Bồng ngẩn ra mà nghe, sau đó nhẹ gật đầu. Lần này đến lượt Trương Gia Nguyên ngây ngốc, vì nó cảm nhận được một cảm giác thành tựu, mà loại cảm giác thành tựu này khác hẳn với lúc nó chinh phục đống giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi đàn.
5. Nhậm Dận bồng theo Trương Gia Nguyên đến phòng luyện đàn ở trường. Đây không phải trường trung học chuyên về nghệ thuật, phòng luyện đàn cũng chỉ có hai phòng nhỏ, không phải người hay đại diện cho trường đi thi sẽ khó có thể mượn. Trương Gia Nguyên vênh váo, luôn miệng bảo đây là đặc quyền của nó, tại nó giỏi quá, đem về cho trường nhiều tiếng thơm quá. Nhậm Dận Bồng im lặng, khóe môi không biết từ khi nào cũng cong lên một đường.
Trương Gia Nguyên đàn liền một lúc lâu, ngẩng đầu lên, bốn mắt chạm nhau, đến Nhậm Dận Bồng cũng nhận ra khớp xương mình tê dại.
Nhậm Dận Bồng ôm lấy cello của mình, kéo một bài coi như trả lễ. Mặt trời dần ngả về tây, cửa sổ sát đất hứng trọn ánh dương cuối cùng của buổi chiều tà, một mảnh ấm áp.
6. Trương Gia Nguyên lại cãi nhau với mẹ. Dường như Trương Gia Nguyên và mẹ sinh ra đã khắc khẩu, tuy rằng chỉ là về mấy chuyện lông gà vỏ tỏi nhưng độ tuổi ẩm ương thích chứng minh bản thân lại đúng vào thời điểm này khiến mọi thứ càng trở nên bức bối.
Trương Gia Nguyên đi thẳng đến phòng luyện đàn của trường, nằm vật xuống nền, muốn đợi cho cơn nóng giận qua đi rồi mới quay trở về. Trương Gia Nguyên thả hồn mình trôi đi đâu mất, hai mắt dính chặt vào trần nhà sơn trắng với cái quạt trần ở giữa. Kì lạ thế nào mà nó lại nghĩ về Nhậm Dận Bồng, về những lần dõi theo Nhậm Dận Bồng mặc áo đồng phục trắng, xách đàn đi giữa sân trường, nổi lên giữa hàng loạt học sinh khác như một bức họa. Trương Gia Nguyên biết cảm xúc dành cho Nhậm Dận Bồng đã biến hóa tới mức đặc biệt, khó có thể cất thành lời.
Trương Gia Nguyên nhìn chăm chăm vào cây cello ở góc phòng. Cây cello chắc là của bạn học nào gửi ở đây để tiện luyện tập cho cuộc thi đại diện trường. Trương Gia Nguyên mơ màng nghĩ về khúc cello mà Nhậm Dận Bồng kéo riêng cho mình nghe ngày hôm đó. Khung cảnh thơ mộng đến ngẩn ngơ. Trương Gia Nguyên muốn sau này ban nhạc của mình có một Nhậm Dận Bồng làm thành viên. Trương Gia Nguyên nghĩ thế, mỉm cười ngốc nghếch. Trương Gia Nguyên biết ơn cả cái tật nói nhiều của mình nữa, vì cái tật đó giúp Trương Gia Nguyên mở lời với Nhậm Dận Bồng. Nếu không, có lẽ cả hai cứ như hai vòng tròn không giao nhau, lướt qua nhau bình thản như vậy.
Thật tốt biết mấy khi Trương Gia Nguyên gặp được Nhậm Dận Bồng.
7. Chưa bao giờ Nhậm Dận Bồng lại muốn mình nói được đến thế. Sau lần đầu gặp Trương Gia Nguyên, nghe nó nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, Nhậm Dận Bồng không khỏi ngưỡng mộ. Lí do thì đơn giản thôi, con người thường khao khát những thứ người ta không có. Trương Gia Nguyên trong mắt Nhậm Dận Bồng không phải tên lắm miệng. Đó là một thiếu niên dương quang, mang trong mình hơi thở thanh xuân tươi mát, có tài ăn nói, kể chuyện rất vui. Nhậm Dận Bồng vì không nói được, lại học với khóa sau mình nên không có bạn bè mấy. Cuộc sống của anh xoay quanh việc làm đề thi, luyện đàn, ăn rồi ngủ. Trương Gia Nguyên đến như sự xuất hiện của một hòn đá khuấy động mặt hồ phẳng lặng là anh, tô thêm sắc màu xanh đỏ cho cuộc sống đơn điệu của Nhậm Dận Bồng.
Giờ giải lao nào Nhậm Dận Bồng cũng nằm bò trên bàn, phóng tầm mắt qua ô cửa sổ nhìn ra sân thể dục. Trương Gia Nguyên cười cười nói nói với một đám bạn, chơi bóng cùng họ. Trương Gia Nguyên có vẻ chẳng hứng thú gì với thể dục thể thao, chỉ đứng yên một chỗ, bóng đến thì tránh. Đồng đội đánh nó, nó đánh lại. Nhậm Dận Bồng nhìn theo, thất thần cười. Cũng đúng thôi, Trương Gia Nguyên chỉ quan tâm đến âm nhạc, ước mơ là lập ban nhạc nổi tiếng rồi tổ chức concert ở biển, còn lại thế sự chẳng màng. Nhậm Dận Bồng đưa tay xuống ngăn bàn, với lấy xấp thư tình dày cộp. Tất cả đều là của những cô gái ái mộ Trương Gia Nguyên nhờ anh gửi cho nó. Trương Gia Nguyên chói lóa như ánh mặt trời chiếu rát mặt anh cuối mỗi giờ học buổi chiều, không dành cho Nhậm Dận Bồng, một người con trai hơn tuổi, nói cũng chẳng thành lời. Vậy mà Nhậm Dận Bồng vẫn khao khát dấn mình vào ánh mặt trời ấy, giống như cách Trương Gia Nguyên từng phàn nàn rất nhiều lần về việc Nhậm Dận Bồng không bao giờ chịu nghe lời nó đi kéo rèm mỗi cuối chiều mà cứ để ánh mặt trời hun đốt không khí.
Nhậm Dận Bồng hiểu được Trương Gia Nguyên là lí do to lớn nhất để anh nỗ lực hồi phục thanh âm. Hồi phục, để nói ra ba chữ lãng mạn đó.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro