Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 156 - 160

Chương 156: Quyết định

Trong lúc đó ở Chân Định, tuyết lớn rơi đầy.

Mấy hôm trước, quản gia của nông trang mang hàng hóa dùng cho năm mới đến, cung kính dâng lên hai tấm da chồn tuyết, để may áo giáp thì không đủ mà đính lên váy áo lại lãng phí. Đậu Chiêu nghĩ đi nghĩ lại, quyết định một tấm thì may thành cổ áo chắn gió cho bà nội, một tấm thì làm mũ Chiêu Quân màu mây thu để dành đội dịp Tết.

Trời khá lạnh, lại rảnh rỗi, mấy người Cam Lộ và Đậu Chiêu ngồi thêu thùa may vá trên sập sưởi trong phòng.

Tố Tâm bước nhẹ tới, chớp mắt với Đậu Chiêu, cười nói: 

- Thưa tiểu thư, danh sách hàng mà hôm nọ bên nông trang đưa tới có chỗ nhầm ạ.

Đám Cam Lộ nghe thế thì lui xuống. Tố Tâm lấy ra một lá thư: 

- Tiểu thư, Trần tiên sinh cho người gửi về.

Đậu Chiêu nhận thư, hơi căng thẳng.

Sự việc đã trôi qua tám, chín ngày mà phía kinh thành vẫn chưa có tin gì gửi về. Trông nàng có vẻ nhàn hạ chứ thực ra luôn mong mỏi, buổi tối thường trằn trọc khó ngủ.

Đậu Chiêu đọc thư rất nhanh, không kìm được thở dài.

Tố Tâm thấp thỏm bất an đứng bên cạnh, thấy vậy thì cũng thả lỏng, miệng nở nụ cười tươi, hỏi: 

- Đoạn hộ vệ và mọi người đều bình an vô sự chứ ạ?

Đậu Chiêu gật đầu, ra hiệu cho Tố Tâm thắp đèn sừng dê* lên, vừa đốt thư vừa nói nhỏ: 

- Mai công tử bình an vô sự, còn chủ trì được lễ cũng hai mươi mốt ngày của Tưởng phu nhân. Mấy ngày nữa, Trần tiên sinh và Đoạn hộ vệ sẽ về.

Tố Tâm là người bình tĩnh mà nghe nói Trần Khúc Thủy sắp quay lại thì cũng không kìm được mừng rỡ reo lên: 

- Vậy là tốt rồi! Tốt rồi.!

Thấy vẻ vui sướng của Tố Tâm, Đậu Chiêu cũng vui vẻ nói: 

- Cô báo với Lục Minh để hắn khỏi lo đi.

Tố Tâm phấn khởi đi ngay.

Đậu Chiêu lại ngây ngẩn nhìn lá thư đã thành tro tàn. 

Quả nhiên Tống Mặc không phải loại người nhẫn nhục chịu đựng. Phụ thân muốn hại hắn, hắn không ngại phản kháng. Đêm ấy nàng phái mấy người Đoạn Công Nghĩa và Trần Hiểu Phong đi cứu Tống Mặc cũng là một quyết định rất mạo hiểm. Nhưng cứ nghĩ tới cảnh ngộ kiếp trước của Tống Mặc, nàng lại không thể trơ mắt nhìn sự việc tái diễn một lần nữa. Có điều, dù kiếp này hay kiếp trước, Đậu Chiêu vẫn không hiểu vì sao Anh quốc công phải hại con trưởng của mình.

Kiếp trước, nhà họ Tưởng bị chém cả nhà, Tưởng thị ốm liệt giường, chẳng bao lâu thì từ giã cõi đời. Tống Mặc vừa mất các bác các cậu lại chịu tang mẹ, tinh thần chắc chắn suy sụp, trong lòng cũng mang oán hận. Hắn không có khả năng cũng như tâm tư và tinh lực lo liệu mọi việc xung quanh, tạo cơ hội để Anh quốc công từ từ gài bẫy. Mở đầu chính là khiến Tống Mặc bị ngự sử buộc tội.

Còn kiếp này, tuy Tưởng Mai Tôn và nhiều người khác đã chết nhưng Mai phu nhân và đàn bà con gái trong nhà vẫn được sống. Để bảo vệ người trong tộc, Tống Mặc không những không sa sút tinh thần vì cái chết của người thân mà còn tích cực tham gia vào giới quý tộc. Thậm chí để thử ý hoàng thượng, hắn còn cố ý thua trong cuộc săn bắt mùa thu, tái xác định vị trí của mình trong mắt hoàng thượng. Danh tiếng của Tống Mặc khiến Anh quốc công nóng ruột như cầm khoai nóng, cuối cùng chọn cách gây bất ngờ lúc Tống Mặc vội về chịu tang. 

Đúng như mình đã cảnh báo, sự bất đắc dĩ của Anh quốc công đã để cho Tống Mặc một con đường sống.

Đôi khi, thân phận cũng là một trói buộc. Hắn có thể suôn sẻ thoát hiểm này, hy vọng sẽ giữ vững địa vị thế tử và không phát điên như kiếp trước nữa.

Đậu Chiêu thầm thở dài.

Lục Minh tới từ biệt nàng vào lúc hoàng hôn. Hắn quỳ gối, dập đầu ba cái với Đậu Chiêu rồi mới nói: 

- Tứ tiểu thư, không chỉ thế tử gia mà cả chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên đại ơn đại đức của tiểu thư. 

- Thế tử gia đang bị thương, cần có người chăm nom mà lại không có ai giúp đỡ. Nghiên tiên sinh và tôi đã bàn, định tối nay sẽ khởi hành, chạy xuyên đêm về kinh. Từ Thanh bị thương nặng, có lẽ phải phiền Tứ tiểu thư để hắn ở lại nông trang dưỡng sức thêm mấy hôm nữa.

Lục Minh đến Đậu gia đã gần nửa năm, luôn có thái độ tôn trọng với Đậu Chiêu. Nhưng hiện giờ, hắn không chỉ tôn trọng mà còn thành kính hết mực.

Có lẽ vì Đậu Chiêu đã cứu Tống Mặc.

Đậu Chiêu suy tư rồi đáp: 

- Ngươi đứng dậy đi. Trong nông trang không có người ngoài, ngươi cứ yên tâm để Từ Thanh ở đấy dưỡng thương. 

Nói xong bảo Tố Tâm tặng hắn năm mươi lượng bạc gọi là lòng thành.

- Các người đi đường cẩn thận. Người của ta chưa quay trở lại nên không thể hộ tống mọi người về kinh được.

Lục Minh không khách sáo, nhận lấy và cất ngân phiếu vào trong áo.

- Từ đây tới kinh thành chỉ khoảng năm, sáu đoạn đường. Có tôi bảo vệ Nghiêm tiên sinh rồi, sẽ đến nơi bình an thôi.

Dáng vẻ nghiêm túc, chắc chắn của hắn càng khiến Đậu Chiêu khẳng định hắn là một đại cao thủ.

Đậu Chiêu dặn thêm mấy câu, mời trà rồi tiễn Lục Minh.

Cam Lộ vào bẩm: 

- Thưa tiểu thư, Cao Hưng đã trở về.

Một tháng trước, Cao Thăng tới đón Đậu Minh lên kinh theo lệnh của Đậu Thế Anh. Đậu Chiêu phái Cao Hưng đi cùng.

Nàng gặp Cao Hưng ở sảnh. Trên người Cao Hưng vẫn còn vết nước tuyết, nhìn qua là biết hắn không về nhà mà tới gặp Đậu Chiêu trước.

- Bẩm tiểu thư, hành trình rất thuận lợi. Thất lão gia còn hỏi tôi rất nhiều về tiểu thư.

Hắn cười rất tươi. Đậu Thế Anh quan tâm Đậu Chiêu như vậy, rõ là rất yêu quý cô con gái cả này, hắn vui thay cho nàng.

- Lão gia bảo tôi mang về nhiều đặc sản ở kinh thành lắm, bảo là để tiểu thư ăn Tết.

- Vất vả cho ngươi rồi. - Đậu Chiêu đáp lời, sau đó bảo Tố Tâm kiểm tra đồ đạc và hỏi thăm sức khỏe của phụ thân.

- Thất lão gia vẫn khỏe, hôm nào nghỉ cũng tới miếu thảo luận Phật pháp với các đại sư. Mọi người đều khen Thất lão gia tinh thông Phật pháp, chúng tôi cũng được thơm lây.

Hắn vừa nói vừa lấy một chiếc bùa bình an từ túi đeo bên hông ra.

- Khi tôi tới chùa Đại Tướng Quốc, hòa thượng tiếp khách tên Đức Phúc biết tôi là người của Thất lão gia thì tặng tôi một tấm bùa bình an do chính đại sư chủ trì khai quang.

Đậu Chiêu ngạc nhiên rồi bật cười.

Năm đó, phương trượng chủ trì Đức Phúc của chùa Đại Tướng Quốc và pháp sư Viên Thông của chùa hộ quốc Đại Long Thiện là hai vị thiền sư nổi tiếng nhất kinh thành. Một người có thể nói người chết thành sống, một người lại có thể nói người sống thành chết; Một người tướng mạo đường bệ, một người dáng vẻ xuất chúng. Mỗi buổi pháp hội tết Vu Lan, trước cửa chùa Đại Tướng Quốc và chùa hộ quốc Đại Long Thiện đều có cả đám đàn bà con gái chen chúc nhau để nghe giảng Phật pháp. Nghe nói khi hai hòa thượng bê hòm công đức của hai chùa ra, tiền đồng bay xuống cứ như mưa rơi.

Hiện giờ, chủ trì tương lai của chùa Đại Tướng Quốc chỉ là một người tiếp khách mà đã biết lo lót cho người hầu thân cận của từng lão gia nhà họ Đậu, còn chủ trì tương lai của chùa hộ quốc Đại Long Thiện, pháp sư Viên Thông thì đang ở nhờ Hạc Thọ đường của Đậu gia, chuẩn bị tham gia kỳ thi mùa xuân sang năm.

Hóa ra những người có duyên thường sẽ vô tình liên kết với nhau. 

Mà mấy hôm nay Kỷ Vịnh đang làm gì ấy nhỉ? Từ hôm hắn phẩy tay bỏ đi, nàng mặc kệ hắn, hắn cũng không xuất hiện trước mặt nàng nữa.

Đậu Chiêu đang đắn đo không biết nên tới thăm Kỷ Vịnh không thì nghe thấy tiếng Cam Lộ vang ngoài cửa: "Kỷ thiếu gia..." Nhưng vừa nói được mấy chữ là giọng trở nên hốt hoảng 

"Ngài muốn làm gì..."

Nàng thấy rèm bông bị vén lên chớp nhoáng, Kỷ Vịnh hùng hổ xông vào.

Hắn chỉ mặc một bộ áo gấm màu xanh lá cây, trên đầu và bả vai còn đọng bông tuyết. Nếu không phải sắc mặt hắn nghiêm túc đến lạ thường thì Đậu Chiêu đã mắng cho hắn một trận rồi.

Cam Lộ vào ngay sau Kỷ Vịnh, ấm ức nhìn Đậu Chiêu.

Đậu Chiêu ra hiệu bảo Cam Lộ đi pha trà rồi bình tĩnh chỉ vào ghế thái sư bên cạnh.

- Mời Kỷ biểu ca ngồi!

Dường như Kỷ Vịnh không cảm thấy hắn có vấn đề gì, chỉ gật đầu mà không ngồi xuống, đứng thẳng lưng tại chỗ, lạnh lùng lên tiếng: 

- Huynh quyết định rồi! Huynh sẽ khởi hành lên kinh vào ngày mai, sau đó thuê một căn nhà ở phủ Thuận Thiên, đóng cửa đọc sách, tham gia thi cử đầu xuân năm sau.

Trước khí thế mãnh liệt của hắn, Đậu Chiêu ngẩn ra một lát. Nàng không ngờ hắn tới báo với nàng rằng hắn sẽ làm theo lời khuyên của nàng.

- Thế thì tốt quá! Muội xin chúc Kỷ biểu ca đạt được mong ước, đề danh bảng vàng. - Nàng tỏ vẻ bình tĩnh đáp lời nhưng trong bụng lại rất buồn cười.

Kỷ Vịnh này nhận sai mà còn phải ra vẻ ta đây tôn quý hơn người.

Kỷ Vịnh thấy vậy hài lòng gật đầu.

Đậu Chiêu quay mặt đi chỗ khác, ho khẽ rồi mới nén được ý cười đã lan đến khóe môi.

Cam Lộ chạy vào báo:

- Thưa tiểu thư, Trần tiên sinh về rồi!

Đậu Chiêu mừng rỡ, cuống quýt nói đúng một câu "huynh ngồi đợi một lát" rồi chạy ra ngoài đón.

Giữa trời gió tuyết, Trần Khúc Thủy mặc áo xanh đứng khoanh tay ở hành lang cùng một số người vừa đi xa trở về.

Đậu Chiêu thấy mắt cay cay, nước mắt chực trào.

Một hàng người đứng ở hành lang. Trần Khúc Thủy kích động nhìn Đậu Chiêu, cúi người thật sâu, hành lễ với nàng.

Đậu Chiêu mỉm cười thật tươi.

- Cuối cùng tiên sinh đã về rồi.

Nói rồi nàng quan sát thật kỹ Đoạn Công Nghĩa và Trần Hiểu Phong đứng sau Trần Khúc Thủy, thấy hai người mặt mũi hồng hào thì gật đầu, cảm thán:

- Bình an là tốt rồi. 

Sau đó bảo mọi người vào phòng ngồi.

Niềm vui trùng phùng làm ai nấy đều rạng rỡ. Mấy người tụ quanh Đậu Chiêu đang định vào nhà thì rèm được vén lên, Kỷ Vịnh bước ra.

Trần tiên sinh và những người khác hơi bất ngờ.

Kỷ Vịnh híp mắt lại, nhìn Trần Khúc Thủy với ánh mắt sắc như gió.

- Trần tiên sinh à? Nghe nói ông lên kinh thăm bạn, không biết bạn quý của ông ở đâu? Sao lên kinh mà không tới gặp Đậu Thất gia vậy? Đúng là rồng thần thấy đầu không thấy đuôi! 

Giọng điệu châm chọc hết sức.

Trần Khúc Thủy không biết Kỷ Vịnh đã điều tra về mình. Nếu là trước kia, ông sẽ hơi phật lòng, nhưng sau khi trải qua chuyện ở phủ Anh quốc công, ông cảm thấy so với những gì Tống Mặc phải chịu đựng thì đây chỉ là việc cỏn con, không đáng kể.

Ông bình thản đáp. Lời ít ý nhiều, không thừa một câu.

- Bạn của tôi ở Đại Hưng. Tôi quen gọi nơi đó là kinh đô nên khiến Kỷ công tử hiểu lầm rồi. Tôi đã từng tới gặp Thất gia nhưng không gặp Kỷ công tử mà thôi.

Kỷ Vịnh càng nghe càng thấy Trần Khúc Thủy đáng nghi, nhưng nhìn Đậu Chiêu đang rất phấn khởi thì đành nhịn xuống.

- Vậy xin cáo từ. - Hắn phẩy tay áo, đi khỏi phòng khách Tây Đậu.

Bên ngoài có tiếng nói hổn hển: "Thiếu gia! Thiếu gia! Cậu khoác áo vào đi?"

Đậu Chiêu bất giác nhìn theo rồi cùng Trần tiên sinh và mọi người vào nhà. Cam Lộ dâng trà lên xong lặng lẽ lui xuống.

Trần tiên sinh kể lại mọi việc gặp phải trong những ngày ở kinh thành.

Chương 157: Biện pháp

- ... Anh quốc công thật sự đã giết hết những hộ vệ bỏ chạy, còn cho người đưa thi thể tới chỗ thế tử gia. 

Trần Khúc Thủy than thở:

- Chắc là nghe phong thanh gì đó mà trong vòng ba ngày, bạn bè thân thích khắp nơi đổ về phủ Anh quốc công. Thế tử gia xử lý chu toàn, nhìn bề ngoài không nhận ra được là cậu ấy bị thương. Anh quốc công tỏ vẻ long trọng, nghiêm trang, cứ nhắc tới Tưởng phu nhân là mặt mày buồn bã. Chỉ có Tống nhị gia quỳ khóc mãi trước linh cữu của Tưởng phu nhân đến mức mắt sưng húp. Buổi tối tan tiệc, Anh quốc công giữ Tam phò mã và người nhà họ Lục lại nói chuyện, chuẩn bị mời em trai ruột của Lục thái phu nhân là Lục Phục Lễ làm người trung gian, giao lại đồ hồi môn của Tưởng phu nhân cho thế tử gia và Tống Nhị gia. Hiện tại, phủ Anh quốc công trông có vẻ hoà hợp êm thấm nhưng thực ra Di Chí đường đã tách khỏi phủ Anh quốc công, hai bên không liên quan tới nhau nữa. Thế tử gia còn âm thầm phái người sắp xếp thủ hạ đến ở nông trang ngự ban của mình.

Đậu Chiêu chăm chú lắng nghe, biết Tống Mặc và Tống Nghi Xuân vẫn giả vờ là cha con yêu quý trước mặt mọi người để đạt được mục đích thì vừa vui mừng lại vừa cảm thán.

 - Thỏ khôn đào ba hang. Sau này, hai cha con họ không phải gió Đông át gió Tây thì là gió Tây thổi bạt gió Đông. Chuyện cha con tương tàn lẫn nhau sẽ còn tiếp diễn dài dài ở phủ Anh quốc công.

Nghe Đậu Chiêu nói vậy, ai nấy đều có vẻ mất mát, bầu không khí cũng trở nên nặng nề.

Đậu Chiêu bật cười phá tan tình cảnh đó: 

- May mà mấy chuyện này không liên quan gì đến chúng ta. Việc có thể làm đều đã làm, việc nên làm cũng thực hiện rồi, không thẹn với lương tâm. Chúng ta là người ngoài, không thể nhúng tay vào, cũng không cần biết rõ chuyện giữa cha con họ.

Lời của nàng không hiệu quả nhiều lắm. Tuy Đoạn Công Nghĩa cũng cười nhưng nét mặt vẫn nghiêm nghị. Còn Trần Khúc Thủy hiểu được dụng ý của Đậu Chiêu, cười nói: 

- Thế tử gia muốn giết chúng ta, chúng ta lại cứu mạng thế tử gia, tính ra thì chúng ta đã lấy ơn trả oán. Chắc là Đoạn Công Nghĩa cũng hiểu. 

- Mọi người bị cuốn theo chuyện của phủ Anh quốc công suốt mấy hôm nay, đều ăn không ngon ngủ không yên, giờ đã về Chân Định rồi thì đừng nghĩ ngợi gì nữa. Mọi người hãy về nghỉ ngơi đi, để tiểu thư cũng được nghỉ sớm.

Mấy người Đoạn Công Nghĩa nghe xong thì mỉm cười, đứng dậy cáo từ.

Đậu Chiêu dặn Đoạn Công Nghĩa: 

- Mấy người vất vả nhiều rồi, hãy sắp xếp để thay phiên nhau nghỉ ngơi vài hôm, đoàn tụ với người nhà.

Nhóm Đoạn Công Nghĩa cảm ơn rồi cùng Trần Khúc Thủy ra ngoài.

Đậu Chiêu phái Tố Lan đi hỏi thăm Kỷ Vịnh khi nào khởi hành.

- ...Chúng ta chuẩn bị sẵn quà.

Tố Lan cười tươi đáp lời, đến xế chiều quay về nói: 

- Kỷ công tử bảo là đúng giờ Thìn ngày mai sẽ đi. Ngũ thiếu gia cũng lên kinh cùng công tử.

Tuy bất ngờ nhưng cũng hợp lý.

Đậu Chiêu dặn Tố Tâm: 

- Cô chuẩn bị hai trăm lượng bạc cho họ làm lộ phí.

Tố Tâm vâng dạ rồi đi làm.

Sáng sớm hôm sau, Đậu Chiêu và các nữ quyến Đậu gia cùng đi tiễn Kỷ Vịnh và Đậu Khải Tuấn. Nhị thái phu nhân dặn đi dặn lại Đậu Khải Tuấn: 

- Không cần gấp gáp. Lần này đi cho biết thôi... Thi cử tất nhiên là việc tốt, không thì học hỏi Ngũ thúc tổ một chút cũng có lợi.

Rồi lại nói với Kỷ Vịnh:

- Các cháu đi đường cẩn thận, có chuyện gì cũng phải bàn bạc với nhau, bình an tới kinh thành để bà đỡ lo lắng.

Hai người cung kính thưa vâng. Nhị thái phu nhân tiễn họ đến tận cổng.

Người hầu đỡ họ lên xe ngựa.

Kỷ Vịnh nhìn qua đã thấy Đậu Chiêu đứng lẫn với đoàn người. Nàng đứng trong gió lạnh, mặc chiếc váy Chiêu Quân màu trắng ngà, trên váy trang trí hình hoa tuyết, quàng khăn lông chồn, đeo hoa tai ngọc trai, đôi má ửng hồng như hoa sen, trông như một đóa hàn mai nở rộ trong đêm tuyết, rực rỡ vô ngần.

Kỷ Vịnh bất giác nắm chặt tay. Lần này nhất định không để muội ấy cười nhạo mình!

Hắn quay vào trong xe, lớn tiếng sai bảo: 

- Khởi hành! Chúng ta tới kinh thành.

Chiếc xe ngựa chở hai người họ dần biến mất trong gió tuyết. Mọi người vừa cười nói vừa quay về sảnh chính.

Đậu Chiêu và vợ của Đậu Khải Tuấn đi cùng nhau. Tai nghe Cửu đường tẩu kể chuyện con trai của mình, trong lòng lại nghĩ đến chuyện của bản thân.

Sang năm, nàng sẽ cập kê. Biểu muội Uông Thanh Nguyên của Duyên An hầu Uông Thanh Hoài chỉ kém nàng hai tháng tuổi. Năm đó, nếu nàng không xuất hiện "kịp thời", Điền thị không niệm tình cũ thì Ngụy Đình Trân đã sắp xếp để Ngụy Đình Du lấy Uông Thanh Nguyên rồi.

Hình như nhà họ Uông cũng có ý gả Uông Thanh Nguyên cho Ngụy Đình Du.

Nàng vẫn nhớ lúc mới gả đến phủ Tế Ninh hầu, phu nhân của Uông Thanh Hoài là An thị thường nhìn nàng với ánh mắt khác thường. Nhiều năm sau, nếu không nhờ trong một lần nổi giận với nàng vì một chuyện cỏn con, Ngụy Đình Trân lỡ miệng nói ra thì e là nàng mãi mãi không biết việc đó.

Không biết với tính cách của Ngụy Đình Trân, lấy về một Uông Thanh Nguyên dịu dàng dễ bảo thì liệu nàng ta có ghét Thanh Nguyên quá yếu đuối giống như đã ghét mình quá mạnh mẽ không?

Đậu Chiêu rất nghi ngờ. Tuy nhiên, nàng vẫn quyết định ra tay từ chỗ này.

Nàng nhớ là Uông Thanh Nguyên được gả cho con trưởng của Đô chỉ huy sứ Úy Châu vệ Hoa Đường nhưng chưa đầy một năm thì góa chồng, chưa kịp sinh con đẻ cái, lại vì cậu em chồng mạnh mẽ nên cuộc sống ở nhà họ Hoa khá nhọc nhằn. Uông Thanh Hoài xót em gái, đón nàng ta về phủ Duyên An hầu. Từ đó về sau, Uông Thanh Nguyên trở thành một cư sĩ dưới ngọn đèn Phật giáo.

Hôn sự này thành công, chưa chắc đã là chuyện không tốt.

Đậu Chiêu nghĩ là làm, nhân dịp Thôi Thập Tam về đón năm mới đã dặn hắn để ý chuyện nhà Duyên An hầu.

Thôi Thập Tam khó hiểu hỏi: 

- Thế tử Uông Thanh Hoài nhà Duyên An hầu tinh thông nhiều việc. Duyên An hầu rất tin tưởng thế tử nên đã giao mọi việc trong nhà cho y. Phủ Duyên An hầu trông không có gì khác thường, sinh hoạt hàng ngày khá thoải mái. Cơ mà trước nay họ không phô trương, quản lý người làm lại nghiêm, không tranh đấu với ai. Chúng ta chỉ buôn bán nhỏ, dù hợp tác với Uông gia cũng chẳng thu lời được mấy đâu.

Hai năm nay ở kinh đô cho vay bạc lấy lãi, không ngờ hắn lại ứng với câu "không làm thì không biết, đã làm là đột phá", không chỉ quan lại trong kinh thành tới mượn bạc mà con cháu trâm anh thế gia tới mượn còn thường xuyên hơn. Hơn nữa, các quan chỉ cần có tiền là trả ngay, còn đám con nhà giàu kia thì chẳng có mà trả, bị ép cùng đường đành lấy đồ gia truyền tới cầm cố. Phạm Văn Thư trông thấy cũng xót xa thay cho tổ tiên nhà họ, bàn rằng hay là âm thầm mua bán cổ vật.

Đương nhiên là Đậu Chiêu nắm rõ nhất tình hình nhà họ Uông.

Việc Ngụy Đình Trân yêu thích Uông Thanh Nguyên có liên quan tới số hồi môn của nàng ta. Chỉ là việc này không cần nói rõ với Thôi Thập Tam.

Nàng đành cười đáp: 

- Ta nghe được tin đầu xuân năm sau, Hoàng Thượng sẽ tu sửa các công trình trị thủy. Đây là một vụ làm ăn lớn, mà Duyên An hầu chắc chắn không bỏ qua cơ hội này. Tới lúc đó, cậu chỉ cần theo dõi bên đó, biết đâu họ được ăn thịt, chúng ta cũng được uống canh.

Thôi Thập Tam cảm thấy ý kiến này không khả quan. Nhưng hắn vẫn còn trẻ, dù thấy sai sai nhưng cũng không bắt bẻ được Đậu Chiêu, đông ý rất trịnh trọng rồi đi tìm Triệu Lương Bích bàn bạc: 

- Này! Liệu có phải Tứ tiểu thư giấu giếm chúng ta cái gì không?

Triệu Lương Bích đã trở thành chưởng quỹ quản lý cửa hàng lương thực của Đậu gia ở Chân Định. Hắn lườm Thôi Thập Tam, đáp: 

- Cứ cho là Tứ tiểu thư có giấu gì ngươi đi. Ngươi biết rồi thì sao? Có thể thay đổi được gì à?

Thôi Thập Tam nghiêm túc suy nghĩ rồi nói:

- Không thể!

- Đúng đấy! Tứ tiểu thư bảo ngươi làm gì thì ngươi cứ làm, đến đúng lúc tự nhiên sẽ biết thôi.

Rồi Triệu Lương Bích rủ Thôi Thập Tam:

- Ta muốn tới phố Đông, đi cùng không?

- Ngươi tới phố Đông làm gì?

Thôi Thập Tam đã được nghỉ đông, hôm nay tới Chân Định để đi chơi với Triệu Lương Bích.

- Ở đây ta quen mỗi ngươi. Biết thừa là sẽ đi mà còn hỏi!

Triệu Lương Bích cười cười: 

- Tiểu thư giao cho ta lo liệu võ quán Biệt thị và nhà của Trần tiên sinh. Tuy bên đó đã có hai người coi sóc nhưng sắp Tết rồi, ta cũng nên qua đó xem sao.

Thôi Thập Tam không nghi ngờ gì, đi chơi cùng Triệu Lương Bích cả ngày mới về Thôi gia trang.

Trong bếp, Tứ tẩu Thỏa Nương đang chỉ bảo Cửu tẩu mới gả về nấu bữa tối cho cả nhà. Trọng Nguyên, con trai của Tứ ca và con gái Trường Thanh thì ngồi ở phòng xép cạnh bếp giúp nhặt đậu, làm đậu phụ ăn Tết. Thấy Thôi Thập Tam về, Thỏa Nương hỏi hắn: 

- Đã gặp Tứ tiểu thư chưa?

Nàng nhờ Thôi Thập Tam tặng cho Đậu Chiêu hai đôi giày tự làm.

Trọng Nguyên và Trường Thanh ngoan ngoãn chào: "Thập Tam thúc."

Thôi Thập Tam cười, xoa đầu hai cháu, lấy từ trong áo một túi kẹo đường cho chúng. Hai đứa trẻ rất phấn khích.

Thôi Thập Tam trả lời: 

- Đã tặng rồi ạ! Tứ tiểu thư bảo là rất vừa chân, nhờ tẩu lại may cho tiểu thư hai đôi thêu hoa, còn nhờ đệ mang về cho Trọng Nguyên và Trường Thanh hai hộp điểm tâm. Cam Lộ bảo đó là đồ trong cung do Thất lão gia gửi từ kinh thành về cho tiểu thư. Thất lão gia gửi cả đồ để tiểu thư thưởng cho mọi người trong nhà nữa.

Thỏa Nương nghe vậy thì rất vui, mặt mày hớn hở, luôn miệng nói "không cần", sau đó hỏi han tỉ mỉ xem Đậu Chiêu có kiểu giày thế nào.

- Mấy hôm nữa là lễ cập kê của Tứ tiểu thư rồi. Kiểu gì tôi cũng phải đưa Trọng Nguyên và Trường Thanh tới dập dầu với tiểu thư.

Mấy hôm nay, mọi người trong nhà đều nói về chuyện này. Thôi phụ còn gọi các anh em của Thôi Thập Tam lại cùng bàn xem nên tặng gì cho Tứ tiểu thư. Vì Thôi Thập Tam đã lăn lộn hai năm ở kinh thành nên được giao cho phụ trách việc này. Hắn đang đau đầu thì nghe Thỏa Nương nói vậy, bèn lẩm bẩm: 

- Tứ tẩu giỏi thật đấy! Hai đôi giày là giải quyết xong. 

Chưa nói dứt lời thì hắn đã kích động, vừa ngồi xuống nhặt đậu với Trường Thanh vừa hỏi:

- Này Tứ tẩu! Tẩu từng theo hầu Tứ tiểu thư, chắc biết Tứ tiểu thư thích gì chứ?

Thỏa Nương trò chuyện với Thôi Thập Tam nhưng vẫn làm việc không ngơi tay: 

- Chỉ cần thành tâm thành ý tặng Tứ tiểu thư thì cái gì tiểu thư cũng ưng.

Nàng chợt nhớ đến hồi Đậu Chiêu còn nhỏ.

- Người nào đối với tiểu thư tốt, tiểu thư sẽ ghi nhớ trong lòng, đối tốt lại. Tiểu thư thẳng thắn, không hãm hại ai bao giờ...

Vợ của Thôi Cửu nghe Thỏa Nương chân thành bày tỏ thì rất hâm mộ.

Trong số các huynh đệ, Thôi Tứ là người chất phác nhất, vì cưới được Thỏa Nương mà già trẻ lớn bé trong nhà không ai dám bắt nạt hắn. Đến cả cha mẹ chồng cũng phải nể nhà Thôi Tứ. Cứ dăm ba hôm là Đậu Tứ tiểu thư lại gửi đồ đến, mọi người cũng được hưởng lây. Được cái Thỏa Nương sống tử tế, không vì vậy mà kiêu căng, đến phiên mình đi đưa cơm thì đi đưa cơm, đến lượt xuống bếp nấu nướng thì xuống bếp nấu nướng. Ai trong vùng cũng phục, khen Thỏa Nương phúc hậu, biết chăm lo gia đình. Phụ nữ trong thôn khi nhắc đến Thỏa Nương thì chín người hâm mộ, chỉ có một người là đố kị.

Nghĩ vậy, nàng chợt nhìn Trọng Nguyên và Trường Thanh vẫn còn nhỏ tuổi. Có quan hệ như thế với Tứ tiểu tư, tương lại của hai đứa bé này cần gì phải lo nghĩ nữa!

Chương 158: Cập kê

Thôi Thập Tam ra khỏi phòng bếp, gặp đại đường huynh Thôi Đại. Phụ thân của bà Thôi là cụ Thôi vẫn còn nên mấy huynh đều đều không ở riêng, đến thời cháu chắt cứ dựa theo thứ tự sinh ra mà gọi Đại Lang, Nhị Lang... Lúc sinh Đại Lang và Nhị Lang thì nhà họ Thôi mới chỉ có thể ăn no, chưa được đọc sách. Đến khi cuộc sống của Thôi gia dần khá lên, khế ước đất đai phải ký tên, phải ấn dấu tay thì mới phát hiện chữ Lang không dễ viết tí nào, thế rồi cứ gọi là Thôi Đại, Thôi Nhị.

Tính theo các huynh đệ, khi con cháu có thể học vỡ lòng ở trường tư thục cách thôn hai mươi dặm thì nhà họ Thôi đã có đứa đứng hàng mười ba, chính là Thôi Thập Tam.

Thấy Thôi Đại, Thôi Thập Tam rất kinh ngạc.

Sau khi Thôi Đại giúp đỡ Đậu Chiêu quản lý nông trang, cả nhà cùng chuyển đến nông trang ở, không phải lễ tết thì không về. Ngày kiểm kê vụ đông của năm nay đã qua, còn mười ngày nữa mới hết năm cũ... 

Hắn hỏi: 

- Đại ca, sao hôm nay lại rảnh rỗi về thế?

Thôi Đại đáp: 

- Chẳng phải sắp đến lễ cập kê của Tứ tiểu thư sao? Huynh về để bàn bạc với cụ xem thôn chúng ta sẽ tặng gì? 

Rồi giơ cao con cá trắm đen dài khoảng hai thước trong tay, bảo với Thôi Thập Tam: 

- Mang vào phòng bếp đi! Chưng lên cho cụ nhắm rượu. Đệ cũng đến uống hai chén đi.

Đậu Chiêu có tổng cộng mười hai nông trang. Tất cả đều do Thôi Đại quản lý. Người ở nông trang nghe đồn các chưởng quỹ của Đậu Chiêu đang tìm mua lễ vật tặng trong lễ cập kê thì đứng ngồi không yên, vội đến tìm Thôi Đại: "Cùng là người làm cho Tứ tiểu thư, không lý nào các chưởng quỹ tặng mà chúng ta lại không tặng?"

Thôi Đại thấy đúng lắm. Nhưng mà hắn không rành những việc như này. Vợ của Thôi Đại bèn chỉ điểm: "Về hỏi cụ xem. Hơn nữa Thôi Thập Tam cũng đang ở nhà."

Thế nên hắn mới vội vàng chạy về, còn mời Thôi Thập Tam uống rượu.

Thôi Thập Tam không biết việc này, nhưng nhớ đến lần trước vừa về Chân Định đã bị Phạm Văn Thư kéo tới cửa hàng đổ cổ thì lại đau đầu, lẩm bẩm: "Sao đi đến đâu cũng nói đến thế?"

Thôi Đại nghe không rõ, tưởng rằng em trai không nghe lời mình nữa, nghiêm mặt vỗ đầu hắn một cái: 

- Sao thế? Ở kinh đô hai năm mà đã cong đuôi rồi à? Đại ca không bảo được đệ nữa à? Còn không mau đi đi!

Muốn trông giữ nông trang thì phải có chút võ. Thôi Thập Tam bị đánh cho líu lưỡi, vội đón lấy con cá trắm đen

- Đâu có! Đệ đi ngay, đi ngay đây!

Thôi Đại nhìn theo bóng Thôi Thập Tam, mỉm cười hàm hậu, vào phòng của cụ Thôi.

Cụ Thôi đang hút thuốc bằng cái tẩu cẩm thạch, hồi lâu sau mới nói: 

- Những nông trang khác nói thế nào?

Thôi Đại chán nản kể: 

- Có rất nhiều ý kiến! Một số người bảo là dùng hai mươi lạng bạc làm đồ trang sức. Số khác lại bảo tặng đồ cổ tranh chữ. Cũng có người muốn tặng riêng, miễn sao mọi người đi cùng nhau... 

Cụ Thôi sống giản dị, mà người dân trong thôn cũng chỉ tặng nhau hai thước vải bố là cùng thì nghĩ sao ra được ý hay. Cụ nghĩ hồi lâu rồi nói: 

- Hay là hỏi cô cả của ngươi đi?

Thôi Đại gãi đầu: 

- Con đã qua hỏi rồi. Cô cả nói là không cần phiền toái như vậy, đưa hai đôi giày cũng được.

Cụ Thôi không biết nói gì thêm.

Vừa khéo Thôi Thập Tam vào phòng.

Cụ Thôi kéo Thôi Thập Tam ngồi xuống sập, hỏi hắn: 

- Người ở kinh thành gặp chuyện này thì làm thế nào?

Thôi Thập Tam đáp: 

- Chẳng lẽ kinh thành không có nhà nghèo ạ?

- Cũng đúng! - Cụ Thôi bật cười.

Thôi Thập Tam nói với Thôi Đại:

- Đệ thấy hay là đại ca cứ để cho mỗi người tự chọn quà tự tặng đi... Đại ca không định ngăn cản người khác chơi trội chứ?

Thôi Đại gật đầu tán đồng. Ánh mắt nhìn Thôi Thập Tam cũng ân cần hơn.

Thôi Thập Tam ngượng ngùng ho khan một tiếng rồi nói: 

- Cô cả nói cũng đúng đấy! Hay là chúng ta tặng mấy đôi hài và đôi món đồ chơi khác lạ.

- Đồ chơi khác lạ gì bây giờ?

Cụ Thôi và Thôi Đại mở to hai mắt nhìn Thôi Thập Tam.

Thôi Thập Tam về phòng cầm một chiếc hộp gấm qua.

- Đây là thứ con mua được ở cửa hàng của nhà họ Kỷ, gọi là vạn hoa đồng...

Sau đó lấy ra chơi thử cho bọn họ xem.

Cụ Thôi nhìn đăm đăm, hỏi: 

- Cái này bao nhiêu tiền?

- Ba mươi lạng bạc ạ.

Phạm Văn Thư mua đồ rửa mực bằng ngọc phỉ thúy khắc hình hoa sen tốn ba mươi lạng bạc. Hắn cũng dựa theo đó chuẩn bị lễ vật này cho Đậu Chiêu.

Cụ Thôi run run, kêu lên:

- Đắt thế á!

Lại cầm chắc trong tay như sợ rơi, cuống quýt gọi Thỏa Nương đến rồi đưa cả hộp gấm cho Thỏa Nương.

- Con cầm lấy đi. Đây là lễ vật nhà chúng ta tặng cho Tứ tiểu thư nhân lễ cập kê. Con bảo mấy chị em làm cho Tứ tiểu thư hai bộ xiêm y, cần tiền thì bảo mẫu thân con đưa. Ngày hôm ấy, con và đại tẩu dẫn vợ thẳng Cửu vào thành thỉnh an tiểu thư.

Cha vợ của Thôi Cửu từng làm gia nhân trong huyện nha mấy năm. Vợ Thôi Cửu cũng được coi là người có kiến thức trong họ Thôi nên cụ Thôi mới bảo nàng ấy đi theo chúc mừng Đậu Chiêu.

Thôi Đại và Thôi Thập Tam trợn mắt há mồm, nằm mơ cũng không ngờ cụ Thôi lại cướp đồ giữa đường như vậy, hồi lâu sau mới hoàn hồn. Nhưng mà thứ kia đã bị Thỏa Nương lanh tay lanh chân cất đi rồi.

- Ông ơi! - Thôi Thập Tam khóc không ra nước mắt.

Cụ Thôi trừng mắt, nói:

- Không phải chỉ là ba mươi lạng bạc thôi à? Lát nữa đi đòi bà nội ấy. Các ngươi còn trẻ, mai lại lên châu phủ mua là được.

Sau đó vung tay lên, kêu Thỏa Nương: 

- Mau dọn cơm đi! Mọi người cũng sắp về rồi.

Thôi Đại và Thôi Thập Tam còn có thể nói gì nữa, ăn qua loa mấy miếng cơm rồi chạy cả đêm lên châu phủ, khó khắn lắm mới mua được đôi ngọc lưu ly và lư hương đồi mồi to bằng lòng bàn tay trước khi cửa hàng của nhà họ Kỷ đóng cửa nghỉ Tết. Bấy giờ, hai người mới thở phào nhẹ nhõm.

Đến mùng chín tháng Giêng, Thôi Đại, Thôi Thập Tam đánh xe ngựa dẫn theo Thỏa Nương, vợ Thôi Đại và vợ Thôi Cửu vào thị trấn.

Trên đường đi, bọn họ thấy vài cỗ xe ngựa sơn đen, chạm trổ cầu kì.

Vợ Thôi Cửu từng ở trong thành mấy năm, ngạc nhiên hỏi: 

- Sao hôm nay lại lắm xe ngựa vậy?

Loại xe ngựa này đâu phải ai cũng có thể ngồi.

Vợ Thôi Đại và Thỏa Nương cũng xúm vào cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

Thỏa Nương nhìn thấy gương mặt quen thuộc, cười nói: 

- Đó là xe ngựa chủ Lỗ tri phủ. Chắc là Lỗ phu nhân tới dự lễ cập kê của Tứ tiểu thư.

- Ngay cả nhà tri phủ mà tẩu cũng biết ư? Chắc là Lỗ phu nhân tới cài trâm cho tiểu thư. - Vợ Thôi Cửu không giấu nổi sự hâm mộ.

Thỏa Nương vội giải thích:

- Dạo nọ, tẩu đến vấn an Tứ tiểu thư thì thấy người đánh xe nhà Lỗ đại nhân thôi. Tứ tiểu thư cập kê, chắc gì đã nhờ Lỗ phu nhân cài trâm.

- Không nhờ Lỗ phu nhân thì nhờ ai? - Vợ Thôi Cửu trợn tròn mắt.

Đối với nàng, có thể nhờ Lỗ phu nhân cài trâm đã rất vinh hạnh rồi.

- Trong Đậu gia còn nhiều phu nhân mà. Ai biết sẽ để người nào cài trâm chứ? - Thỏa Nương cảm thấy Lỗ phu nhân còn chưa đủ tư cách cài trâm cho Đậu Chiêu nên hàm hồ đáp.

Lúc nói chuyện, xe ngựa đã đến cửa ngách của Đậu gia. Thôi Đại vẫn luôn im lặng đột nhiên lại khẽ mắng: 

- ... Tên Điền Phú Quý này! Thế mà lại kiếm được đôi gà cảnh làm quà cho Tứ tiểu thư.

Mấy người nhất tề nhìn qua, lập tức thấy một người béo đang xách hai chiếc lồng vàng, trong lồng là hai con gà trống trang trí sặc sỡ. Dưới ánh mắt chăm chú của bao người, tên béo ấy đắc ý đi vào cửa ngách của Đậu gia.

- Đúng là gà cảnh kìa! - Vợ Thôi Đại cả kinh.

Mọi người xung quanh cũng bàn tán rôm rả

"... Người đó là ai vậy? Tặng cả đôi gà cảnh mới kinh chứ!"

"Hình như là Điền Phú Quý quản lý nông trang ở phía đông!"

"Hắn kiếm đâu ra vậy? Giỏi quá!"

Thôi Đại cười lớn, nói với Thôi Thập Tam: 

- Tên Điền béo này được nổi tiếng rồi!

- Không ngờ tên béo này lại tài thế. - Thôi Thập Tam cười theo, trong đầu đang nghĩ có nên đưa người này đến cửa hàng ở kinh thành không. Việc làm ăn càng ngày càng tốt, đang cần tìm người đắc lực giúp đỡ.

Suy nghĩ vừa lóe lên trong đầu, phía sau đột nhiên có tiếng xe chạy rầm rầm, người đánh xe kiêu ngạo hô to: "Nhường đường chút nào! Xe ngựa của phủ Tế Ninh hầu đây! Đằng trước nhường đường chút nào!"

Giọng nói kia như tảng đá ném vào sông nhỏ. Trước cửa ngách lập tức nhốn nháo.

"Là nhà phu quân tương lai của tiểu thư đấy!"

"Không hổ là hầu phủ! Các ngươi nhìn con ngựa kia kìa, hùng tráng biết bao!"

"Có tất cả ba cỗ xe ngựa đến đó!"

Mấy người vừa bàn tán vừa vội vàng nhường đường cho người nhà họ Ngụy.

Bên kia, Đậu gia được tin thì vội mở cổng lớn.

Xe ngựa dừng trước cổng.

Gia nhân áo xanh chuyển từng hộp từng hộp vào trong.

Mọi người kiễng chân nghển cổ nhìn.

"Không biết là chuyển cái gì? Nhiều quá!"

"Đương nhiên rồi! Người ta là hầu phủ đó! Sau này, Tứ tiểu thư của chúng ta sẽ thành hầu phu nhân đó!"

"Đúng thế! Đúng thế!"

Bên này cảm thán còn chưa dứt thì bên kia lại có người la hét.

"Mau nhìn kìa! Lại có xe ngựa đến."

Mọi người lại chuyển mắt qua đó.

Đậu Chiêu đang ở bên trong cũng chạy ra, vội ôm Lục bá mẫu Kỷ thị vừa mới bước vào cửa thùy hoa. Khóe mắt đuôi mày của nàng không giấu được niềm vui.

- Lục bá mẫu! Sao bá mẫu lại về? Sao chẳng báo trước gì hết?

Kỷ Thị nhìn Đậu Chiêu cao thêm không ít, yêu chiều ôm vai nàng: 

- Bá mẫu mà nói trước cho con thì đâu vui được thế này.

Đậu Chiêu cười hì hì.

Đám a hoàn, vú hầu bên cạnh cũng cười theo.

Còn chưa đến sinh nhật mười lăm tuổi mà khắp Đậu gia đã tràn ngập không khí vui mừng.

Kỷ thị nghiêng người, kéo một cô nương phía sau đến giới thiệu cho Đậu Chiêu: 

- Đây là cháu gái của bá mẫu, khuê danh là Lệnh Tắc, lớn hơn con ba tuổi. Bá mẫu dẫn nó về để hai đứa biết nhau.

Đậu Chiêu như nghe thấy sấm đánh bên tai.

Kỷ Lệnh Tắc chính là người đã bỏ trốn cùng Đậu Đức Xương.

Nàng mở to hai mắt, nhìn rõ cô nương duyên dáng yêu kiều trước mắt.

Tóc đen như mực búi gọn bằng một chiếc trâm nạm trân châu. Da dẻ như ngọc, dung nhan tú lệ, khí chất thanh nhã như núi như tuyết khiến người ta đã gặp là không thể quên.

- Kỷ biểu tỷ! - Đậu Chiêu uốn gối hành lễ, trong lòng lại cười khổ không thôi.

Giờ Kỷ Lệnh Tắc vẫn chưa thành thân nhưng đã đính ước với lục công tử nhà họ Hàn ở Hồ Châu.

Chương 159: Khách Phương Xa

Thấy Đậu Chiêu nhìn mình, Kỷ Lệnh Tắc cũng thoải mái mỉm cười với Đậu Chiêu, nhân cơ hội quan sát Đậu Chiêu thật kĩ. Dáng người cao gầy, mặc áo lụa màu xanh lục không mới không cũ, làn váy màu vàng nhạt thêu mây, dáng người như tùng cùng đôi mắt lấp lánh như sao đêm tỏa sáng lấp lánh, trông như đóa mai đỏ rực nở rộ trong tuyết lạnh chứ không phải là đóa đào lê mềm mại.

Rất ít người con gái có phẩm chất như vậy.

Kỉ Lệnh Tắc thầm khen, lập tức có hảo cảm với Đậu Chiêu.

Nàng cũng uốn gối hoàn lễ, cười nói: 

- Khách không mời mà đến, quấy rầy, quấy rầy rồi!

Phải có dũng khí cỡ nào mới khiến một cô nương có thể bất chấp thanh danh, tính mạng để bỏ trốn cùng người đàn ông còn nhỏ hơn mình một tuổi?

Dù Đậu Đức Xương chưa từng hối hận vì nàng ấy mà chỉ dừng lại ở viện Hàn Lâm, dù sau này Kỷ Lệnh Tắc lấy Đậu Đức Xương rồi vợ chồng ân ái, hạnh phúc mỹ mãn nhưng lúc nàng ấy đưa ra quyết định, chắc chắn không nhìn được con đường phía sau.

Đậu Chiêu vẫn luôn hiếu kì về Thập Nhị tẩu chỉ từng gặp qua mấy lần trong kiếp trước mà không có duyên kết giao này. Không ngờ kiếp này lại quen vào đúng lúc mình làm lễ cập kê.

Nàng nhiệt tình mời Lục bá mẫu và Kỷ Lệnh Tắc đến chỗ bà nội.

Bà nội nắm tay Kỷ Lệnh Tắc, khen ngợi không thôi: "Khuê nữ này xinh đẹp quá!" Lại hỏi nàng ấy bao nhiêu tuổi? Nhà có mấy anh chị em? Hàng ngày thường làm gì?...

Kỷ thị khẽ nói với Đậu Chiêu: 

- Thứ bậc của con cao, lại không có tỷ muội thân thiết nên bá mẫu dẫn Lệnh Tắc đến để làm người giúp đỡ cho lễ cập kê của con, được chứ?

Lục bá mẫu đối xử với nàng như con gái dứt ruột đẻ ra vậy! Đương nhiên là Đậu Chiêu đồng ý không ngớt. 

Kỷ thị cười nói: 

- Vậy để tối nay bá mẫu bảo với nó.

- Cảm ơn Lục bá mẫu.

Kỷ thị vỗ vỗ tay nàng, cảm thán: 

- Bá mẫu luôn lo lắng không biết con sống ở Chân Định thế nào? Giờ gặp mặt mới biết là bá mẫu đã lo lắng thừa rồi. Có đôi khi, con gái không cần quá mạnh mẽ, lúc nên mềm thì phải mềm.

Có câu bà không muốn nói: "Rõ ràng có cha, có mẹ, có người thân nhưng lại giống như rau dại tự mình lớn khôn, khiến người ta rất đau lòng."

- Lục bá mẫu của con nói phải đấy. - Chẳng biết bà nội và Kỷ Lệnh Tắc đã nói chuyện xong từ bao giờ, quay sang tiếp lời.

- Nhà họ Ngụy tới đưa quà mừng lễ cập kê, con lại dùng một câu "cảm ơn" để đuổi người ta đi. Hầu gia mà biết thì sẽ nghĩ gì? Bình thường thông minh lắm, sao đến lúc mấu chốt lại hồ đồ?

Nếu đã quyết phủi sạch quan hệ với nhà họ Ngụy thì tốt nhất nên để quan hệ giữa hai bên nhạt dần.

Đậu Chiêu dỗ dành bà nội: 

- Con biết rồi!

Bà nội nào không nhìn ra, bất đắc dĩ lắc đầu: 

- Con bé này thật là!

Kỷ Lệnh Tắc bèn khuyên nhủ bà nội: 

- Muội muội còn nhỏ, hay ngại, hai năm nữa là khác ấy mà. Người không cần cầu toàn thế đâu. 

Bà nội lại khen Kỷ Lệnh Tắc hiểu chuyện.

Kỷ Lệnh Tắc mỉm cười lắng nghe, rất có tư thái đoan trang diễm lệ của tiểu thư đài các.

Đậu Chiêu nhủ thầm: "Bảo sao Đậu Đức Xương thương yêu Kỷ Lệnh Tắc. Không biết ở kiếp trước, Đậu Đức Xương mến mộ Kỷ Lệnh Tắc từ bao giờ? Trước khi bọn họ bỏ trốn có dấu hiệu gì không? Kiếp này bọn họ còn có thể thích nhau không?"

Tim Đậu Chiêu đập mạnh, kìm lòng không đậu hỏi: 

- Kỷ biểu tỷ, sao bọn Thập Nhị ca không về cùng tỷ?

Nói xong mới giật mình vì tự thấy mình nói lỡ, lập tức đánh giá thái độ của Lục bá mẫu và Kỷ Lệnh Tắc.

Hai người đều có gì khác thường. Nhất là Kỷ Lệnh Tắc.

- Thập Nhị ca của muội vốn phải về cùng. Nhưng chú nghe nói Kiến Minh đến kinh thành, còn đang thuê nhà ở gần phủ Thuận Thiên để ra sức học hành nên dẫn Thập Nhất ca, Thập Nhi ca của muội qua đó học cùng.

Đậu Chiêu vội vàng gật đầu.

Kỷ Lệnh Tắc cười hỏi: 

- Từ lâu, tỷ đã nghe cô nói bên này có nhà kính trồng hoa, không chỉ trồng hoa sơn trà đẹp mà kiến lan, mẫu đơn cũng có giống quý. Không biết tỷ đến xem được không?

Vì nhà kính trồng hoa được Đậu Chiêu bỏ nhiều công sức chăm sóc nên bà nội thích nhất là nghe người khác khen nhà kính trồng hoa này.

Bà vừa nghe thế thì hai mắt cười híp mí, nói:

- Thọ Cô nhà bà trồng chơi, không đáng để con khen ngợi như vậy. Nếu con có hứng thú, cứ bảo Thọ Cô đi cùng.

Rồi quay sang nói với Đậu Chiêu:

- Con và Kỷ tiểu thư đi đi, xem Kỷ tiểu thư thích hoa gì thì chuyển qua đó.

Bà nội lại bắt đầu tặng hoa. Chỉ mong mọi người được tặng hoa khen ngợi Đậu Chiêu.

Đậu Chiêu mỉm cười, cùng Kỷ Lệnh Tắc đến nhà kính.

Dù lúc này đã là đầu xuân, thời tiết còn rét lạnh nhưng nhà kính vẫn xanh um tươi tốt, màu lá xanh mơn mởn trải dài tít tắp. Vẻ đẹp đầy sức sống khiến người ta phấn chấn tinh thần hẳn.

Kỷ Lệnh Tắc đứng trước một gốc xích đan.

- Đậu biểu muội trồng hoa khéo quá! Thập bát học sĩ mà cô tặng cho lão thái chính là của Đậu biểu muội chăm ư? 

- Trồng chơi thôi, không ngờ lại sống thật. - Đậu Chiêu khiêm tốn đáp.

Kỷ Lệnh Tắc cười nói: 

- Quả đúng là trên đời này có chuyện nước biển nấu đậu hũ, vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Đậu Chiêu sửng sốt, không rõ ý của Kỷ Lệnh Tắc.

Kỷ Lệnh Tắc lại hỏi han cách trồng hoa: 

- Gốc đỗ quyên này nở đẹp quá! Nhà tỷ cũng có một gốc nhưng trông chẳng ra hình thù gì cả, nếu sửa sang lại thì cũng rất khó thành hình. Không biết muội có bí quyết gì không? Cho ta học theo để còn có chuyện khoe với các trưởng bối nhé!

Đậu Chiêu thấy nàng ấy nói chuyện hài hước, vứt bỏ sự hoang mang khi nãy ra sau gáy – dù sao cũng nghĩ không thông, nghĩ nhiều vô ích, lúc nên biết thì chắc chắn sẽ biết thôi.

Nàng bước đến trước khóm đỗ quyên, cười nói:

- Cũng không có gì! Nhưng nên uốn lại cây vào tháng năm, tháng sáu hàng năm.

Kỷ Lệnh Tắc gật gù.

Hai người đang nói chuyện thì có tiểu a hoàn hưng phấn chạy vào.

- Tứ tiểu thư! Tứ tiểu thư! Cữu phu nhân dẫn theo Tam biểu tiểu thư đến ạ!

Đậu Chiêu không dám tin, hỏi lại: 

- Em nói cái gì?

Tiểu a hoàn mồm miệng lanh lợi nói: 

-  Cữu phu nhân ở Tây Bắc dẫn Tam biểu tiểu thư về tặng quà cho tiểu thư. Giờ đang nói chuyện với bà Thôi đó ạ!

- Ôi! 

Tim Đậu Chiêu đập loạn, vui đến độ thất thố, vội vàng chạy đi, đi được hai bước mới nhớ đến Kỷ Lệnh Tắc, lại vội vàng quay lại.

Cũng may Kỷ Lệnh Tắc là người hiểu chuyện, lập tức nói: 

- Nếu là khách quý từ xa, chúng ta nhanh chóng ra nghênh đón thôi.

Còn nắm tay Đậu Chiêu đi ra ngoài.

Đậu Chiêu chẳng khách sao, bước nhanh khỏi nhà kính, đến chỗ bà nội.

Cữu mẫu thấy nàng thì rưng rưng nước mắt, ôm lấy nàng.

- Con khỏe chứ, Thọ Cô?

- Khỏe ạ!

Đậu Chiêu nói được một lời, nước mắt lại rơi xuống.

Đã mười năm rồi nàng chưa được gặp cữu mẫu.

Hai người ôm nhau òa khóc. Mọi người xung quanh cũng lau nước mắt. Vẫn là Triệu Chương Như chạy đến kéo mẫu thân và Đậu Chiêu ra.

- Rõ là chuyện vui mà sao hai người lại khóc!

Miệng thì nói vậy nhưng nước mắt cũng chẳng kém Đậu Chiêu là bao.

Đậu Chiêu bật cười, gương mặt đẫm lệ, gọi Triệu Chương Như một tiếng "Tam biểu tỷ"

Cô nương bé nhỏ năm nào giờ đã trưởng thành, dáng người yểu điệu, dung mạo thanh lệ. Nếu gặp nhau trên đường, chắc chắn là Đậu Chiêu không nhận ra tỷ ấy được. Nhưng cữu mẫu thì chẳng thay đổi gì nhiều, thậm chí còn trẻ hơn trước.

Triệu Chương Như tỏ vẻ tủi thân, ném khăn về phía Đậu Chiêu: 

- Còn không mau lau nước mắt! May mà không tô son điểm phấn, không thì đúng là tự bêu xấu rồi!

Thái độ bước bỉnh, trong lời nói vừa vui vừa giận. Vẫn hệt như xưa kia!

Thời gian như quay trở lại lúc tỷ ấy kéo mình đi xem kiến chuyển nhà.

Đậu Chiêu nắm chặt tay Triệu Chương Như. Triệu Chương Như cười hì hì.

Bà nội đón hai nàng ngồi xuống nói chuyện.

Các a hoàn bưng trà nước, điểm tâm lên.

Đậu Chiêu có ngàn vạn lời muốn nói nhưng lại không biết nên nói từ đâu, chỉ nắm chặt tay Triệu Chương Như.

Kỷ thị bèn nói: 

- Báo cho con một tin tốt nè Thọ Cô. Cữu cữu của con đã được thăng chức làm tri phủ Khánh Dương rồi đó!

- Thật ư! - Đậu Chiêu vui mừng nhìn cữu mẫu.

Cữu mẫu khẽ gật đầu, khiêm tốn nói: 

- Cữu cữu của con nỗ lực hết mình, lần này thăng chức rồi.

Đậu Chiêu không kiềm chế được niềm vui sướng trong lòng.

Kiếp trước, mãi đến năm mươi tuổi thì cữu cữu mới được thăng chức làm tri phủ Khánh Dương, sau đó không còn tiến triển. Thế mà kiếp này có thể đạt được trước mười năm, hơn nữa lại là ngay sau khi Vương Hành Nghi bị điều đến Vân Nam.

Có thể thấy rằng nếu không bị Vương Hành Nghi áp chế, cữu cữu có thể vươn mình tiến lên.

Rốt cuộc thì kiếp này đã có sự thay đổi.

Đậu Chiêu mặt mày hớn hở, nói:

- Cữu mẫu, chúng ta phải ăn mừng vì cữu cữu được thăng chức.

- Có cái gì đáng ăn mừng? Không sợ người ta chê cười à? - Cữu mẫu luôn khiêm tốn.

- Chỉ là muốn chúc cho con đường thăng quan tiến chức của cữu cữu càng ngày càng thuận lợi. Coi như người trong nhà tụ tập vui vẻ.

Sau đó Đậu Chiêu sai a hoàn dọn tiệc, lấy hai vò rượu kim hoa đến.

Chẳng qua là quan tứ phẩm thôi mà! Kỷ Lệnh Tắc cảm thấy Đậu Chiêu hơi thái quá.

Triệu Chương Như lại nhảy ra: 

- Để tỷ giúp!

- Chương Như! - Cữu mẫu nghiêm mặt.

Bà nội vội ra mặt hòa giải: 

- Khó lắm mới có lúc Thọ Cô làm nũng thế này, đều là vì nó quá vui cho cữu cữu của nó đấy thôi. Mọi người cứ chiều nó đi.

Mấy người Kỷ thị cười khoan dung, từ ái.

Triệu Chương Như luôn vui vẻ, lập tức nắm tay Kỷ Lệnh Tắc vừa mới gặp mặt.

- Kỷ biểu tỷ đi cùng nha! 

Rồi nàng thấp giọng thì thầm với Kỷ Lệnh Tắc: 

- Chỗ Thọ Cô có rất nhiều thứ tốt. Hôm nay chúng ta phải chơi cho đã mới được!

 Kỷ Lệnh Tắc đoan trang là thế cũng phải bật cười, cùng Triệu Chương Như và Đậu Chiêu đi ra ngoài.

Họ gặp Tố Tâm trên đường. Tố Tâm ủ rũ kể:

- Tiểu thư dặn chỉ nhận quà của người thân trong nhà nhưng các quản gia ở nông trang và các cửa hàng rất thành tâm...

Đậu Chiêu không phải là người cứng nhắc, cứ thế từ chối lễ vật thì sẽ khiến mọi người mất hứng.

Nàng nghĩ nghĩ rồi nói: 

- Đã tặng thì cứ nhận. Xem giá trị thế nào rồi thưởng cho mọi người phong bao giá trị tương đương.

Vậy là tốt nhất. Vừa không làm mất mặt người ta vừa thể hiện được sự bề thế của Đậu gia.

Tố Tâm rất mừng, thưa vâng rồi đi.

Triệu Chương Như thì thầm với Kỷ Lệnh Tắc: 

- Thấy chưa! Muội nói đúng chứ?

- Đúng thật!

Kỷ Lệnh Tắc gật đầu, lại như có điều suy tư mà cúi đầu, thất thần đến chỗ Đậu Chiêu.

Chương 160: Lễ vật

Buổi tối, Đậu Chiêu chỉ được phép uống một chung rượu, rồi về ngủ chung với cữu mẫu, biểu tỷ Triệu Chương Như.

Ba người kể lại chuyện trong những năm qua.

Tuy thường gửi thư cho nhau nhưng có thể cùng nằm trên một chiếc giường nhìn gương mặt mình ngày đêm mong nhớ thì thư gì cũng không thể sánh bằng.

Chẳng mấy chốc tiếng trống điểm canh ba đã vang lên.

Triệu Chương Như đã nghiêng đầu ngủ.

Đậu Chiêu đang hỏi chuyện rất hăng say, chẳng buồn ngủ chút nào: 

- ... Nói vậy, quan bố chính mới đến cùng khoa với cữu cữu?

Nàng toàn hỏi về cuộc sống của gia đình cữu cữu. Được nhiên là cữu mẫu hiểu tấm lòng của nàng, nói: 

- Cho nên con không phải lo lắng cho chúng ta đâu. Không chỉ như thế đâu, lúc Lý đại nhân tham gia kì thi mua xuân còn trọ chung một chỗ với cữu cữu của con, tính cách cũng khá hợp nhau, sau cũng thường xuyên qua lại. Lần này Lý đại nhân nhậm chức, người đầu tiên tới chúc mừng là cữu cữu của con. Có chuyện gì, ông ấy cũng bàn bạc với cữu cữu của con. Cữu cữu của con có thể thuận lợi thăng chức là nhờ một phần lớn công đề cử của Lý đại nhân.

Trong mấy năm Vương Hành Nghi bị kìm ở Thiểm Tây, toàn bộ triều đình cũng xảy ra rất nhiều biến hóa chứ đừng nói đến Thiểm Tây. Con đường làm quan của cữu cữu cũng xảy ra những thay đổi nghiêng trời lệch đất.

Đậu Chiêu mừng không gì tả xiết, cười nói: 

- Thế thì cữu mẫu phải thường xuyên qua thăm Lý phu nhân đó.

Cữu mẫu bật cười: 

- Thọ Cô của chúng ta trưởng thành thật rồi, ngay cả chuyện này mà cũng biết.

Đậu Chiêu hỏi đến chuyện của ba vị biểu tỷ.

- Bọn chúng đều ổn cả. - Cữu mẫu nói qua loa rồi lại hỏi Đậu Chiêu về lễ cập kê: 

- Ai sẽ cài trâm cho con? Người tổ chức là ai? Người hỗ trợ là ai?

- Nhị thái phu nhân sẽ cài trâm cho con. Người tổ chức và người hỗ trợ đã định rồi, là Thục thư nhi và một họ hàng. Không ngờ cữu mẫu và Lục bá mẫu đều về, Lục bá mẫu còn lo con không có người tổ chức, người hỗ trợ nên dẫn cả Kỷ biểu tỷ về. Giờ cữu mẫu đã về, hay là cữu mẫu cài trâm giúp con đi?

So với nhị thái phu nhân, Đậu Chiêu càng mong cữu mẫu làm khách chính trong hôm đó. Hơn nữa, cữu mẫu đi đường xa đến, chỉ cần Đậu Chiêu buông lời, Đậu gia muốn thể hiện sự tôn trọng với nhà ngoại của Đậu Chiêu thì chắc chắn sẽ chủ động mời cữu mẫu cài trâm cho nàng.

Cữu mẫu thì rất bất ngờ nhưng càng vui mừng thay Đậu Chiêu.

Không ngờ người cài trâm cho Đậu Chiêu là Nhị thái phu nhân! Có thể được Nhị thái phu nhân đức cao vọng trọng ở Chân Định này cài trâm giúp thì thân phận và địa vị của Đậu Chiêu sẽ càng được đề cao. Đối với Đậu Chiêu chỉ có lợi chứ không có hại.

Bà và con gái trở về vì sợ Đậu Chiêu không có người tổ chức và người hỗ trợ thích hợp cho lễ cập kê. Nhưng giờ mọi chuyện đều đã được chuẩn bị thỏa đáng như vậy, bà cũng thấy yên lòng, không nhắc đến chuyện Triệu Chương Như nữa.

- Thôi để Nhị thái phu nhân cài trâm giúp con đi! Khó lắm mới có dịp này. Mà con cũng phải hiểu thuận với Lục bá mẫu của con đấy. Bà ấy thương con như con gái ruột.

Đậu Chiêu gật đầu lia lịa.

Cữu mẫu chẳng còn gì lo lắng, giục Đậu Chiêu đi ngủ: 

- Chúng ta định ở lại Chân Định hai tháng cơ, thoải mái cho con hỏi. Giờ con mau ngủ đi, mai phải làm lễ cập kê rồi đó! Ngày quan trọng như vậy, nếu tinh thần không tốt thì không hay đâu.

Sau đó đắp chăn lại cho Đậu Chiêu.

Đậu Chiêu cười hì hì như đứa trẻ, không tài nào ngủ được. Nhưng nàng nghĩ cữu mẫu đã đi một chặng đường xa, chắc chắn là rất mệt mỏi nên không nói gì thêm.

Chắc mấy chốc, nàng đã nghe được tiếng thở đều của cữu mẫu.

Đáng lẽ phải hơi lành lạnh nhưng giờ phút này, nàng lại thấy thật ấm áp.

Đậu Chiêu mỉm cười, nhắm mắt lại rồi thiếp đi. Sáng hôm sau, Tố Tâm phải gọi thì nàng mới tỉnh.

Nàng bật dậy.

Bên tai có giọng nói yêu thương mang theo ý cười của cữu mẫu: 

- Đừng vội! Còn sớm! Cữu mẫu bảo là để con ngủ thêm chút nữa nhưng Tố Tâm nói rằng con đã dặn nó gọi con dậy vào giờ Mão.

- Bây giờ là chính Mão à? 

Đậu Chiêu thở phào, bấy giờ mới phát hiện Triệu Chương Như vẫn đang ngủ như con heo con như thể không gì có thể đánh thức được nàng ấy.

- Chính Mão quá canh ba rồi ạ. Nửa canh giờ nữa, Nhị thái phu nhân và mọi người sẽ đến ạ. - Tố Tâm lập tức đáp.

Đậu Chiêu nhẩm tính trong đầu. May quá còn kịp! Cả người nàng thả lỏng.

Trong lúc vú hầu trang điểm cho nàng, cữu mẫu gọi Triệu Chương Như dậy. Triệu Chương Như kêu la ầm ĩ, đi giày mới nhớ chưa đi tất, đi tất thì chẳng tìm thấy khăn tay, cuống đến độ kêu gào: 

- Thọ Cô, cho tỷ mượn một cái khăn tay của muội nào! 

Đám a hoàn trong phòng nghe vậy thì bật cười.

Cữu mẫu vừa bực vừa buồn cười, nghiêm giọng khiển trách: 

- Con xem con kìa, lớn hơn Thọ Cô hai tuổi mà chẳng được như Thọ Cô! Con thế này thì làm sao ta yên tâm gả con cho người ta.

Triệu Chương Như đỏ mặt.

Đậu Chiêu nghe ra ý tại ngôn ngoại, nhân lúc cữu mẫu ra ngoài thì khẽ hỏi: 

- Có phải là muội sắp được uống rượu mừng rồi không?

Triệu Chương Như đẩy Đậu Chiêu, thẹn thùng nói: 

- Phụ thân muốn tỷ ở nhà...

Trí nhớ từ kiếp trước dần hiện ra trong đầu Đậu Chiêu

Cữu cữu không nạp thiếp, mãi chỉ có ba người con gái. Đại biểu tỷ và Nhị biểu muội đều gả cho con nhà dòng dõi thư hương, đại tỷ phu còn đỗ tiến sĩ. Tam biểu tỷ thì kén rể. Có điều, nàng mới chỉ gặp Đại biểu tỷ chứ gặp hai biểu tỷ còn lại. Rốt cuộc Tam biểu tỷ gả cho ai thì nàng không biết.

Nàng nhìn Triệu Chương Như đang chu miệng, cười hỏi: 

- Sao thế? Tỷ không muốn ở nhà à?

- Tỷ muốn hay không thì thế nào đây? Không thể để phụ thân và mẫu thân già cả không có chỗ dựa được!

Làm gì có người con trai nào tình nguyện ở rể!

Đậu Chiêu có thể hiểu được tâm trạng của Triệu Chương Như, nhưng đúng như lời tỷ ấy nói. Không thể để cữu cữu, cữu mẫu già rồi mà chẳng có chỗ dựa.

Bầu không khí đột nhiên trở nên nặng nề.

Triệu Chương Như vội cười nói: 

- Thôi nào! Không nói chuyện của tỷ nữa. Hôm nay là ngày vui của muội mà.

Nhà cữu cữu không có chuyện gì xấu khiến người ta chê cười. Huống chi, thời gian còn nhiều, Triệu Chương như còn chưa đính ước.

Đậu Chiêu ôm tay Triệu Chương Như, cùng đi ra ngoài.

Chỉ chốc lát sau, nữ quyến bên Đông Đậu và các phu nhân đến tham dự lễ đều đã có mặt.

Nhị thái phu nhân trông rất sang trọng. Bà mặc lễ phục dành cho phu nhân tam phẩm, còn thoa chút phấn, đeo trang sức bằng ngọc lục bảo.

Bà vừa vào cửa đã nắm tay cữu mẫu, cười nói: 

- Hôm nay ta đến cài trâm cho Thọ Cô, cho khuê nữ nhà phu nhân làm người chủ trì, Kỷ tiểu thư làm người hỗ trợ.

Sau đó không đợi cữu mẫu từ chối đã lại tiếp: 

- Ta đã quyết định rồi. Đừng nói gì hết! Phu nhân ngàn dặm xa xôi vội tới chúc mừng Thọ Cô. Không chỉ Thọ Cô ghi nhớ tình nghĩa này mà ta cũng ghi nhớ.

Mọi chuyện đều thay đổi. Lúc trước, Nhị thái phu nhân vì Đậu gia mà muốn chèn ép cữu mẫu, giờ vì chèn ép Vương Ánh Tuyết lại làm thân với cữu mẫu.

Đậu Chiêu ngầm hiểu, càng vui vì điều này, kéo tay cữu mẫu xin cữu mẫu đồng ý.

Vợ của Bàng Kim Lâu bị coi là khách khứa bình thường, ngay cả chỗ ngồi còn không được chuẩn bị nên sắc mặt kém hẳn đi.

Cữu mẫu nghĩ Đậu Chiêu một mình ở lại Đậu gia to lớn này, không đành lòng để cháu gái buồn nên lập tức đồng ý.

Bầu không khí trong phòng rất hài hòa.

Đến giờ lành, Triệu Chương Như bưng trâm cài bằng vàng ròng nạm hồng ngọc do Đậu Thế Anh gửi, Kỷ Lệnh Tắc thì giúp Nhị thái phu nhân cài trâm lên tóc Đậu Chiêu.

Trâm vàng khắc phượng vô cùng sinh động và hồng ngọc rạng rỡ lấp lánh làm nổi bật Đậu Chiêu trong chiếc cẩm bào đỏ thẫm đính kim tuyến thêu hoa lạc tiên màu xanh ngọc, phong thái sang trọng khác hẳn với vẻ mạnh mẽ thường ngày, khiến cho Kỷ Lệnh Tắc phải ngạc nhiên.

Nhìn Đậu Chiêu đứng giữa phòng, vừa thoải mái vừa nhiệt tình rót rượu cho các trưởng bối, mấy lần nàng muốn nói rồi lại thôi

Triệu Chương Như thì khẽ thì thào với nàng: 

- Hôm nay Thọ Cô xinh đẹp nhỉ?

Kỷ Lệnh Tắc gật đầu, do dự hỏi: 

- Muội ấy thực sự đã đính ước với Tế Ninh hầu ư?

- Đương nhiên! 

Triệu Chương Như cười tươi như hoa, kể: 

- Ngoài việc chúc mừng lễ cập kê của Thọ Cô thì mẫu thân của muội còn muốn xem đồ hồi môn của Thọ Cô đã chuẩn bị đến đâu rồi. Chẳng phải phủ Tế Ninh hầu kia dám đánh tiếng muốn Thọ Cô gả qua trong vòng một trăm ngày tang ư? Mẫu thân muội cảm thấy phủ Tế Ninh hầu quá khinh người, càng không thể lơ là vấn đề đồ hồi môn của Thọ Cô...

Kỷ Lệnh Tắc ừ một tiếng, hơi thất thần.

※※※※※

Hai ngày sau, khách khứa đều ra về, cữu mẫu dẫn Triệu Chương Như về nhà mẹ đẻ. Khó lắm Kỷ thị mới trở về nên muốn làm tròn đạo hiếu với Nhị thái phu nhân. Bấy giờ, Đậu Chiêu mới có thời gian rảnh kiểu tra lại quà tặng.

- Ơ! Nghiêm tiên sinh, Từ Thanh và Lục Minh đều tặng quà ư?

Danh sách quà tặng này đã được Tố Tấm kiểm tra một lượt nên cũng nhớ được kha khá.

- Vâng ạ! Không chỉ có bọn họ mà Đàm gia trang cũng tặng một bức tượng Phật vạn thọ vô cương.

- Hả? 

Đậu Chiêu rất kinh ngạc, sau đó bật cười:

- Đâu phải là mừng thọ.

Nhưng nàng cũng rất tò mò, bảo với Tố Tâm: 

- Chúng ta đi xem đi.

Tố Tâm và Đậu Chiêu đến chỗ cất quà tặng trong kho.

Rất nhiều quà vẫn đang vào sổ sách. Tố Tâm và Cam Lộ và mấy tiểu a hoàn tìm nửa ngày mới thấy.

Pho tượng kia không quá ba thước nhưng được khắc từ một khối dương chỉ bạch ngọc, chạm trổ tinh mĩ, nhìn lướt qua đã biết là giá trị liên thành.

Đậu Chiêu cười hỏi: 

- Sao Đàm gia trang lại tặng lễ quý vậy.

Tố Tâm đáp:

- Thật hiếm có! Đàm gia trang ở huyện Linh Bích cũng được coi như là nhà giàu có bậc nhất.

Đậu Chiêu gật đầu, lại buồn bực vì không thấy quà của Kỷ Vịnh.

Theo những gì nàng biết về hắn, hắn tuyệt đối sẽ không bỏ lỡ chuyện não nhiệt như này.

Nàng xem lại danh sách một lần nữa.

Đúng là không có quà của Kỷ Vịnh.

Cũng không có của Tống Mặc.

Nhưng mà thấy Ô Thiện tặng một bức Tiên Sơn lầu các đồ, đưa cùng với bộ rửa bút chạm hoa do Đậu Đức Xương tặng.

Đậu Chiêu thở dài, dặn Tố Tâm cất bức tranh kia xuống đáy hòm.

Không được mấy ngày, Lục bá mẫu dẫn Kỷ Lệnh Tắc đến cáo từ: 

- ... Tháng chín là sinh rồi. Trong nhà vẫn còn rất nhiều việc chờ bá mẫu.

Cũng nhờ bà nội thuyết phục Đậu Chiêu cùng lên kinh:

- ...Về sau con bé phải gả đến kinh thành, ở sớm cho quen mới tốt. 

Lại bảo Đậu Chiêu:

- ...Đến ngõ Miêu Nhi ở với bá mẫu. Nếu ai hỏi, cứ nói là bá mẫu mời con đến giúp. Cùng lắm là báo với bên ngõ Liễu Diệp một tiếng. Còn ai có thể ép con ở lại?

Dù chỉ là chào hỏi thì nàng cũng chẳng muốn chào hỏi người nhà họ Vương!

Đậu Chiêu lắc đầu. Nàng sẽ đến kinh đô nhưng không phải là lúc này.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro