Đơn 4 - Hy
Beta-er: Antuhy2112 (#Hy)
Khách hàng: -_Van-Suong-cute_-
I. Chữa trực tiếp:
Ghi chú: Mực đỏ là chữa lỗi, mực xanh là đề xuất chỉnh sửa hoặc đề xuất bổ sung những lỗi tuy không sai nhưng mang lại trải nghiệm kém hấp dẫn cho người đọc
(Thực ra đề xuất chỉnh sửa và đề xuất bổ sung cũng chẳng khác gì nhau đâu. Chẳng qua, khi beta, mình nhớ ra từ gì thì dùng từ đấy thôi.)
Thôi, cùng bắt đầu nhé!
----------
- "Quạ đen - loài quạ của thần chết, sải cánh báo tin cho anh về cái chết của cô."
+) Vế giải thích cần dùng cùng một dấu ở hai đầu
-> Sửa "," thành "-"
=> "Quạ đen - loài quạ của thần chết - sải cánh báo tin cho anh về cái chết của cô."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên đẩy yếu tố "cái chết của cô" lên trước "cho anh" để nhấn mạnh cái chết của nhân vật. Nhưng vì trước đó có từ "báo tin" (mình nghĩ nên giữ nguyên từ này vì nó thực sự hay và phù hợp với hoàn cảnh cũng như văn phong) nên buộc phải chuyển "cái chết của cô" thành vế câu
=> "Quạ đen - loài quạ của thần chết - sải cánh báo tin cô chết cho anh."
(Cá nhân mình cũng thấy câu này khá thô vì mình không biết sửa "cô chết" thế nào cho uyển chuyển. Có gì bạn tham khảo ý thôi nhé))
- "Lúc đấy, mọi giác quan như đóng băng hết lại, ngưng tiếp nhận mọi sự việc đang diễn ra."
+) "(lúc) đấy" là từ thuộc văn phong nói, không nên sử dụng
-> Sửa thành "lúc ấy"
+) "mọi giác quan" của ai "như đóng băng hết lại"? Cần nói rõ
-> Sửa thành "mọi giác quan của anh"
=> "Lúc ấy, mọi giác quan của anh như đóng băng hết lại, ngưng tiếp nhận mọi sự việc đang diễn ra."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên thay "như" bằng "dường như" vì "dường như" mang tính văn học hơn
+) Mình nghĩ nên thay "mọi giác quan của anh đóng băng hết lại" thành "mọi giác quan của anh đều đóng băng" vì "hết lại" khá thô, không nên sử dụng
=> "Lúc ấy, dường như mọi giác quan của anh đều đóng băng, ngưng tiếp nhận mọi sự việc đang diễn ra.")
- "Đối với một trụ cột, sự lơ đễnh là điều không được phép sảy ra, nhất là khi trong trận chiến."
+) "xảy ra" nhé. Không phải "sảy ra"
+) Chủ ngữ không nhất thiết phải là danh từ hay cụm danh từ.
-> Thay "sự lơ đễnh" thành "lơ đễnh"
("sự" tuy là từ cấu thành danh từ nhưng khá thô và không được khuyến khích sử dụng trong văn viết (trừ "sự thật" nhé))
+) "khi" là từ cấu thành trạng ngữ chỉ thời gian trong khi bản thân "trong trận chiến" đã là yếu tố chỉ thời gian
-> Chỉ cần "trong trận chiến" là đủ
(Không nên dùng đồng thời hai từ cùng chức năng vì sẽ gây nhiễu câu (trừ chủ ngữ, vị ngữ))
=> "Đối với một trụ cột, lơ đễnh là điều không được phép xảy ra, nhất là trong trận chiến."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ "một trụ cột" khá thô, nên bỏ "một" và thêm "của cả một đoàn quân" để mở rộng câu cũng như xác định rõ từ "trụ cột"
(Thực ra trước đó, mình đã nghĩ tới phương án thay "trụ cột" bằng một từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa, ví dụ như "thủ lĩnh" chẳng hạn. Nhưng khi xét lại, mình thấy hai từ này không thực sự đồng nghĩa với nhau và mình cũng không tìm được từ nào vừa đồng nghĩa với "trụ cột", vừa phù hợp với ngữ cảnh nên đành dùng phương pháp đảo bổ sung như thế này. Nếu bạn biết từ nào có nghĩa tương đương "trụ cột" thì có thể sử dụng thay thế nhé)
+) Mình nghĩ nên thay "nhất là" thành "đặc biệt là" để nhấn mạnh hơn "điều không được phép xảy ra"
=> "Đối với trụ cột của cả một đoàn quân, lơ đễnh là điều không được phép xảy ra, đặc biệt là trong một trận chiến.")
- "Anh cứ chôn chân ở đấy, trong tâm trí chẳng còn ý nghĩ nào về trận chiến nữa, mà chỉ quanh quẩn bóng hình về người thiếu nữ Hồ điệp đấy."
+) "đấy" là từ thuộc văn phong nói, không nên sử dụng
-> Sửa thành "đó" và "ấy" tùy theo trường hợp
+) Không nên sử dụng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết
-> Bỏ "mà" (vì đã có "," để phân tách các vế)
=> "Anh cứ chôn chân ở đó, trong tâm trí chẳng còn ý nghĩ nào về trận chiến nữa, chỉ quanh quẩn bóng hình về người thiếu nữ Hồ điệp ấy."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên thay "ở đó" bằng "hàng ngàn binh lính" để làm rõ cũng như tăng tính hình ảnh cho truyện
+) Mình nghĩ nên đảo vế "chôn chân..." lên đầu, "anh" ra sau để làm bật lên mối quan hệ tương phản giữa việc "chôn chân" và "tâm trí chẳng còn ý nghĩ nào về trận chiến nữa"
+) Mình nghĩ nên bỏ "về" vì chỉ "bóng hình người thiếu nữ" là đủ rồi.
(Nhưng nếu bạn muốn dùng "về" vì muốn nói rằng nhân vật tưởng tượng nhiều hơn là một bóng hình, mình nghĩ nên thay bằng "quanh quẩn những hình ảnh về người thiếu nữ Hồ điệp ấy.")
=> "Chôn chân giữa hàng ngàn binh lính nhưng tâm trí anh chẳng còn ý nghĩ nào về trận chiến nữa, chỉ quanh quẩn bóng hình người thiếu nữ Hồ điệp ấy.")
=> Cả đoạn:
"Quạ đen - loài quạ của thần chết - sải cánh báo tin cô chết cho anh.
Lúc ấy, dường như mọi giác quan của anh đều đóng băng, ngưng tiếp nhận mọi sự việc đang diễn ra. Đối với trụ cột của cả một đoàn quân, lơ đễnh là điều không được phép xảy ra, đặc biệt là trong một trận chiến.
Chôn chân giữa hàng ngàn binh lính nhưng tâm trí anh chẳng còn ý nghĩ nào về trận chiến nữa, chỉ quanh quẩn bóng hình người thiếu nữ Hồ điệp ấy."
- "Cánh điệp màu tím nhẹ nhàng vụt qua mắt anh."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên dùng từ thuần Việt ("cánh bướm") thay vì Hán Việt ("cánh điệp") vì không nên kết hợp một tiếng thuần Việt ("cánh") và một tiếng Hán Việt ("điệp") thành một từ ghép.
=> "Cánh bướm màu tím nhẹ nhàng vụt qua mắt anh.")
- "Cô ranh ma lắm, từng chút từng chút len lỏi vào tâm trí anh, rồi lại cảnh tỉnh cho anh về trách nghiệm của mình."
+) "trách nhiệm" nhé. Không phải "trách nghiệm"
+) Sai cấu trúc ("cảnh tỉnh" kết hợp trực tiếp với phụ sau, không cần quan hệ từ)
=> "Cô ranh ma lắm, từng chút từng chút len lỏi vào tâm trí anh, rồi lại cảnh tỉnh anh về trách nhiệm của mình."
(Đề xuất bổ sung:
+) Mình nghĩ không nên dùng "cảnh tỉnh" vì "cảnh tỉnh" nghĩa là làm cho tỉnh ngộ, không phù hợp trong trường hợp này. Mình nghĩ, ở đây nên dùng một từ có nghĩa như "nhắc nhở" nhưng mang tính chất văn học hơn. Vì hiện tại mình chưa thể nghĩ ra từ nào phù hợp nên sẽ để nguyên nhé. Xin lỗi bạn!)
- "Nhẹ nhàng nâng kiếm lên vẽ ra những vết chém tuyệt mỹ. Anh tiếp tục chiến đấu với tâm trí nghĩ về cô."
+) Câu thứ nhất thiếu chủ ngữ
(Có lẽ ở đây bạn muốn tách câu này thành câu rút gọn nhỉ? Nhưng vì hai câu đều quá ngắn cũng như đều là câu đơn nên việc tách câu này, vô hình trung, đã khiến cả hai câu của bạn bị vụn)
-> Gộp lại thành một câu bằng dấu phẩy
=> "Nhẹ nhàng nâng kiếm lên vẽ ra những vết chém tuyệt mỹ, anh tiếp tục chiến đấu với tâm trí nghĩ về cô."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên sửa "nâng kiếm lên vẽ ra" thành "vẽ nên", vừa ngắn gọn, súc tích, vừa mang tính văn học hơn.
=> "Nhẹ nhàng nâng kiếm vẽ nên những vết chém tuyệt mỹ, anh tiếp tục chiến đấu với tâm trí nghĩ về cô.")
=> Cả đoạn:
"Nhưng có lẽ cô không cho anh làm vậy. Cánh bướm màu tím nhẹ nhàng vụt qua mắt anh. Cô ranh ma lắm, từng chút từng chút len lỏi vào tâm trí anh, rồi lại cảnh tỉnh anh về trách nhiệm của mình.
Khóe miệng anh khẽ nhếch lên một nụ cười hiếm hoi. Nhẹ nhàng nâng kiếm vẽ nên những vết chém tuyệt mỹ, anh tiếp tục chiến đấu với tâm trí nghĩ về cô."
- "Nhát chém thứ nhất, anh chém vì bóng hình thiếu nữ ấy."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Thực sự câu này rất hay rồi á, nhưng mình nghĩ nên sửa thành "bóng hình người thiếu nữ ấy" để làm rõ từ "bóng hình"
-> Vì thêm "người", cần đảo lại thành "hình bóng" để bớt thô
=> "Nhát chém thứ nhất, anh chém vì hình bóng người thiếu nữ ấy.")
- "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ ngày ngày ngắm nhìn kĩ hơn bóng hình kia."
+) "bóng hình kia" là bóng hình nào? Vì ở đây nhân vật đang nói (trong tâm trí) với Shinobu (tức nhân vật là ngôi thứ nhất, Shinobu là ngôi thứ hai) nên không thể dùng chỉ từ "kia" được
-> Thay bằng tính từ sở hữu "em"
=> "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ ngày ngày ngắm nhìn kĩ hơn bóng hình em."
- "Bộ haori màu xám với hoạ tiếp cánh bướm, sự pha trộn hoàn hảo giữa màu xanh ngọc và hồng nơi tay áo."
+) "họa tiết" nhé. Không phải "hoạ tiếp"
=> "Bộ haori màu xám với họa tiết cánh bướm, sự pha trộn hoàn hảo giữa màu xanh ngọc và hồng nơi tay áo."
- "Tôi sẽ ngắm nhìn nó, ghi nhớ nó để lúc làm nhiệm vụ xong, tôi sẽ tiện mua cho em một chiếc khăn quàng hay kẹp tóc phù hợp với màu áo em. Gói gém lại rồi đặt vào một góc nào đó trong khu vườn ngũ sắc của em."
+) "gói ghém" nhé. Không phải "gói gém"
+) "mua" và "gói ghém" là hai hành động liên tiếp, nên để trong cùng một câu, không nên tách
-> Nối lại bằng dấu phẩy
+) "lúc" là từ thường dùng trong văn phong nói, nên tránh (trừ "một lúc sau")
-> Sửa thành "khi"
=> "Tôi sẽ ngắm nhìn nó, ghi nhớ nó để lúc làm nhiệm vụ xong, tôi sẽ tiện mua cho em một chiếc khăn quàng hay kẹp tóc phù hợp với màu áo em, gói ghém lại rồi đặt vào một góc nào đó trong khu vườn ngũ sắc của em."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên chuyển "làm nhiệm vụ xong" thành cụm động từ để bớt thô và mang tính văn học hơn
+) Mình nghĩ nhân vật đang nhớ về Shinobu nên không thể nào "tiện mua" được. (Vì "tiện" nghĩa là có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi để kết hợp làm luôn việc gì đó, với nghĩa khá không tự nguyện)
=> "Tôi sẽ ngắm nhìn nó, ghi nhớ nó để đến khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ mua cho em một chiếc khăn quàng hay kẹp tóc phù hợp với màu áo em, gói ghém lại rồi đặt vào một góc nào đó trong khu vườn ngũ sắc của em.")
=> Cả đoạn:
"Nhát chém thứ nhất, anh chém vì hình bóng người thiếu nữ ấy.
"Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ ngày ngày ngắm nhìn kĩ hơn bóng hình em. Bộ haori màu xám với họa tiết cánh bướm, sự pha trộn hoàn hảo giữa màu xanh ngọc và hồng nơi tay áo. Tôi sẽ ngắm nhìn nó, ghi nhớ nó để đến khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ mua cho em một chiếc khăn quàng hay kẹp tóc phù hợp với màu áo em, gói ghém lại rồi đặt vào một góc nào đó trong khu vườn ngũ sắc của em.""
- "Rồi hai ta sẽ lại tranh cãi xem sẽ chế biến con cá này theo hướng nào."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên sửa "theo hướng nào" thành "như thế nào" vì "như thế nào" mang nghĩa rộng hơn, khái quát hơn
=> "Rồi hai ta sẽ lại tranh cãi xem sẽ chế biến con cá này như thế nào.")
- "Nhưng lần này thì khác, tôi sẽ dành cả con cá để nấu cá nướng với gừng, dù sao con cá này cũng là dành cho em."
+) "nấu" và "nướng" ở đây là hai từ cùng chức năng, cùng ngữ nghĩa
-> Chỉ dùng một, tránh gây nhiễu câu
+) Câu trước ("Nếu là bình thường,...") và câu này ("nhưng lần này,...") là hai câu song song (hai câu có tình huống gần tương đương nhưng dùng với nghĩa tương đương, có chức năng tương đương và liền kề nhau)
-> Phải có các yếu tố như nhau (từ cách sắp xếp dấu câu, cách sắp xếp ý và số lượng ý,...)
-> Câu trước chỉ nói đến việc chế biến cá -> Câu này cũng vậy
-> Tách "dù sao..." thành một câu riêng
=> "Nhưng lần này thì khác, tôi sẽ dành cả con cá để nướng với gừng. Dù sao con cá này cũng là dành cho em."
(Vì đoạn này ít lỗi nên mình sẽ không viết lại nữa nhé.)
- "Nhát chém thứ ba, anh chém khi nhớ những câu chuyện ma nhạt không tưởng của cô."
+) Với nghĩa trong câu (tái hiện ra trong trí điều trước đó đã từng được cảm biết, nhận biết), động từ "nhớ" phải đi với "lại" hoặc "về"
-> Vì Shinobu đã chết, nên dùng từ "về"
=> "Nhát chém thứ ba, anh chém khi nhớ về những câu chuyện ma nhạt không tưởng của cô."
- "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ rút kinh nghiệm, cố tỏ ra hứng thú với những câu chuyện ma của em hơn, tôi sẽ học cách biểu cảm run sợ để em tha hồ trêu đùa."
+) Ba vế ("sẽ rút kinh nghiệm", "cố tỏ ra hứng thú với những câu chuyện ma của em hơn", "học cách biểu cảm run sợ để em tha hồ trêu đùa") song song (đều là những hành động nhân vật sẽ làm nếu Shinobu còn sống)
-> Vì đã có chủ ngữ ("tôi") ở đầu -> lược chủ ngữ ở vế thứ ba
-> Thêm "sẽ" ở vế thứ hai
=> "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ rút kinh nghiệm, sẽ cố tỏ ra hứng thú với những câu chuyện ma của em hơn, sẽ học cách biểu cảm run sợ để em tha hồ trêu đùa."
- "Rồi thi thoảng em lại lôi tôi và những người khác vào một căn phòng tối chỉ có ánh nến mập mờ và ngồi luyên thuyên về những câu chuyện ma đầy tính nghệ thuật của em."
+) "luyên thuyên" tuy có tồn tại nhưng là khẩu ngữ ít dùng
-> Sửa thành "huyên thuyên" (từ hay dùng hơn)
+) Sai cấu trúc (động từ "huyên thuyên" đi trực tiếp với phụ sau, không cần quan hệ từ "về")
+) Lặp từ "và"
-> Sửa từ "và" thứ hai thành "rồi" (Vì hai hành động "lôi tôi và những người khác..." và "ngồi huyên thuyên..." liên tiếp nên có thể dùng "rồi")
-> Khử "rồi" ở đầu câu
+) Cần thêm yếu tố tách bạch trạng ngữ ("thi thoảng") và các thành phần chính trong câu ("em lại lôi tôi...")
=> "Thi thoảng, em lại lôi tôi và những người khác vào một căn phòng tối chỉ có ánh nến mập mờ rồi ngồi huyên thuyên những câu chuyện ma đầy tính nghệ thuật của em."
- "Dù cho những người khác ôm nhau trong sợ hãi, tôi vẫn sẽ ngồi đấy để chiêm ngưỡng kĩ sự hả hê của em."
+) "đấy" là từ thuộc văn phong nói, không nên sử dụng
-> Sửa thành "đó"
=> "Dù cho những người khác ôm nhau trong sợ hãi, tôi vẫn sẽ ngồi đó để chiêm ngưỡng kĩ sự hả hê của em."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên lược "để", thay bằng ","
=> "Dù cho những người khác ôm nhau trong sợ hãi, tôi vẫn sẽ ngồi đó, chiêm ngưỡng kĩ sự hả hê của em.")
=> Cả đoạn:
"Nhát chém thứ ba, anh chém khi nhớ về những câu chuyện ma nhạt không tưởng của cô.
"Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ rút kinh nghiệm, sẽ cố tỏ ra hứng thú với những câu chuyện ma của em hơn, sẽ học cách biểu cảm run sợ để em tha hồ trêu đùa. Thi thoảng, em lại lôi tôi và những người khác vào một căn phòng tối chỉ có ánh nến mập mờ rồi ngồi huyên thuyên những câu chuyện ma đầy tính nghệ thuật của em. Dù cho những người khác ôm nhau trong sợ hãi, tôi vẫn sẽ ngồi đó, chiêm ngưỡng kĩ sự hả hê của em.""
- "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ học cách chấn chỉnh cơ mặt của mình, để em không thể bắt bẻ được tôi nữa."
+) Giữa hai vế "tôi nhất định sẽ học cách chấn chỉnh cơ mặt của mình" và "em không thể bắt bẻ tôi được nữa" đã có từ liên kết "để"
-> Không cần dấu phẩy nữa
+) Vế "em không thể bắt bẻ được tôi nữa" sắp xếp sai
=> "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ học cách chấn chỉnh cơ mặt của mình để em không thể bắt bẻ tôi được nữa."
- "Nhưng tôi tự nguyện, tự nguyện chưng ra nhưng biểu cảm kì lạ ấy để em trêu ghẹo, bởi vì lúc ấy, tôi được nhìn thấy em cười với riêng tôi, để tôi có thêm lí do để nắm lấy chiếc áo haori và xách lên thân hình nhỏ nhắn kia và nói "Cô tăng cân rồi, Shinobu" để rồi cô lại quạu lên, khua chân khua tay."
+) "trưng ra" nhé. Không phải "chưng ra"
+) Lỗi đánh máy
-> "những biểu cảm"
+) Câu quá dài (có tới năm vế)
-> Tách giữa vế thứ nhất và vế thứ hai (vì những vế còn lại là những hành động liên tiếp có liên kết chặt chẽ cả về câu từ và ngữ nghĩa, không thể tách)
+) Lặp từ "để"
-> Lược từ "để" thứ hai
(vì bỏ từ "để" thứ hai không quá ảnh hưởng đến ngữ nghĩa còn từ "để" đầu tiên thì có)
+) Lặp từ "và"
-> Lược từ "và" đầu tiên
(chỉ ở yếu tố liệt kê cuối cùng mới dùng "và" thôi nhé)
+) Không thống nhất cách xưng hô
(bình thường gọi "em", đoạn cuối lại gọi "cô")
-> Đồng nhất thành "em"
=> "Nhưng tôi tự nguyện, tự nguyện trưng ra những biểu cảm kì lạ ấy để em trêu ghẹo. Bởi vì lúc ấy, tôi được nhìn thấy em cười với riêng tôi, để tôi có thêm lí do nắm lấy chiếc áo haori, xách lên thân hình nhỏ nhắn kia và nói "Cô tăng cân rồi, Shinobu" để rồi em lại quạu lên, khua chân khua tay."
- "Vì sao tôi lại nói với em như thế ư, bởi vì tôi biết, tôi biết em luôn tự ti vì sức mạnh của bản thân mình, nên tôi chỉ muốn động viên em, và cho em biết tôi quan tâm và để ý tới em đến nhường nào."
+) "ư" là tình thái từ cấu thành câu nghi vấn
-> Vế đầu tiên phải là câu nghi vấn
-> Tách
+) Giữa vế "tôi biết em luôn tự ti vì sức mạnh của bản thân mình" và "tôi chỉ muốn động viên em" đã có quan hệ từ "nên" để liên kết
-> Bỏ ","
+) Hai vế "chỉ muốn động viên em" và "cho em biết tôi quan tâm và để ý tới em đến nhường nào" là hai vế song song (cùng đề cập tới lý do nhân vật nói với Shinobu như vậy)
-> Phải đồng nhất các yếu tố
-> Thêm "chỉ muốn" ở vế thứ hai
=> "Vì sao tôi lại nói với em như thế ư? Bởi vì tôi biết, tôi biết em luôn tự ti vì sức mạnh của bản thân mình nên tôi chỉ muốn động viên em, chỉ muốn cho em biết tôi quan tâm và để ý tới em đến nhường nào."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên bỏ "tới" ở vế cuối cùng vì "để ý" có hai cấu trúc như nhau là "để ý tới" và "để ý đến" và đằng sau đã có "đến" (không thể bỏ) rồi. Mặc dù "đến" ở đây không mang chức năng bổ ngữ cho động từ nhưng khi đọc lướt, vô hình trung, độc giả sẽ thấy thừa từ "tới"
=> "Vì sao tôi lại nói với em như thế ư? Bởi vì tôi biết, tôi biết em luôn tự ti vì sức mạnh của bản thân mình nên tôi chỉ muốn động viên em, chỉ muốn cho em biết tôi quan tâm và để ý em đến nhường nào.")
=> Cả đoạn:
"Nhát chém thứ tư, anh chém khi nhớ đến cảm xúc bực dọc khi bị cô trêu.
"Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ học cách chấn chỉnh cơ mặt của mình để em không thể bắt bẻ tôi được nữa. Nhưng tôi tự nguyện, tự nguyện trưng ra những biểu cảm kì lạ ấy để em trêu ghẹo. Bởi vì lúc ấy, tôi được nhìn thấy em cười với riêng tôi, để tôi có thêm lí do nắm lấy chiếc áo haori, xách lên thân hình nhỏ nhắn kia và nói "Cô tăng cân rồi, Shinobu" để rồi em lại quạu lên, khua chân khua tay.
Vì sao tôi lại nói với em như thế ư? Bởi vì tôi biết, tôi biết em luôn tự ti vì sức mạnh của bản thân mình nên tôi chỉ muốn động viên em, chỉ muốn cho em biết tôi quan tâm và để ý em đến nhường nào.""
- "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ mang đến thật nhiều mèo và chó để khắc chế em, em sẽ lại chưng ra vẻ mặt khó chịu, cảnh giác với tôi."
+) Là "trưng ra" nhé. Không phải "chưng ra"
+) Câu này đánh mất yếu tố song song tương quan giữa các đoạn
(Với các đoạn trên, sau câu "nhát chém..." và "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ" sẽ là (những) hành động của nhân vật và chỉ (những) hành động của nhân vật thôi. Nhưng ở đây, sau hành động của nhân vật lại có cả biểu cảm của Shinobu nữa.
-> Mất yếu tố song song)
-> Tách vế thứ ba thành câu đơn
=> "Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ mang đến thật nhiều mèo và chó để khắc chế em. Em sẽ lại chưng ra vẻ mặt khó chịu, cảnh giác với tôi."
- "Hôm sau, với lý do thử loại độc mới, em chắc chắn sẽ gọi tôi và lũ mèo vào, tôi biết mèo và tôi lành ít dữ nhiều, nhưng không sao, em vui là được."
+) Giữa hai vế "tôi biết mèo và tôi lành ít dữ nhiều" và "không sao, em vui là được" là có quan hệ từ "nhưng"
-> Bỏ ","
+) Câu quá dài (có 3 vế và nhiều trạng ngữ)
-> Tách giữa vế thứ nhất và vế thứ hai
(Vì vế thứ hai và vế thứ ba có liên kết chặt chẽ bằng quan hệ từ)
=> "Hôm sau, với lý do thử loại độc mới, em chắc chắn sẽ gọi tôi và lũ mèo vào. Tôi biết mèo và tôi lành ít dữ nhiều nhưng không sao, em vui là được."
=> Cả đoạn:
"Nhát chém cuối cùng, anh chém khi nhớ đến gương mặt cau có mỗi khi tức giận của cô.
"Shinobu, nếu em còn sống, tôi nhất định sẽ mang đến thật nhiều mèo và chó để khắc chế em. Em sẽ lại chưng ra vẻ mặt khó chịu, cảnh giác với tôi. Và cả tôi cũng phải đề phòng em cả ngày hôm đó, đặc biệt là đồ ăn mình dùng. Tôi sẽ bế mèo đi mọi nơi để em để mắt đến tôi.
Hôm sau, với lý do thử loại độc mới, em chắc chắn sẽ gọi tôi và lũ mèo vào. Tôi biết mèo và tôi lành ít dữ nhiều nhưng không sao, em vui là được.""
- "Kết thúc lưỡi kiếm của mình, anh mỉm cười, một nụ cười nhẹ nhõm."
+) "lưỡi kiếm" là phần nhọn, dùng để chém của kiếm
-> "Kết thúc lưỡi kiếm" là không hợp lý
-> Dùng lại từ "nhát chém" bên trên
=> "Kết thúc nhát chém của mình, anh mỉm cười, một nụ cười nhẹ nhõm."
- "Shinobu, sớm thôi, sau khi trận chiến này kết thúc, tôi chắc chắn sẽ tìm cho em một thảm cỏ xanh mướt và xây cho em một mái nhà nhỏ, hằng ngày tôi sẽ đem cho em một đĩa cá nướng, đọc những mẩu chuyện ma tôi sưu tầm được cho em."
+) Câu quá dài (có 2 vế nhưng đều là vế phức và có nhiều trạng ngữ)
-> Tách giữa hai vế
+) Không có từ "hằng ngày" nhé, chỉ có "hàng ngày" thôi
+) Cần thêm yếu tố tách bạch trạng ngữ ("hàng ngày") và các thành phần chính ("tôi sẽ đem...") ở câu thứ hai
=> "Shinobu, sớm thôi, sau khi trận chiến này kết thúc, tôi chắc chắn sẽ tìm cho em một thảm cỏ xanh mướt và xây cho em một mái nhà nhỏ. Hàng ngày, tôi sẽ đem cho em một đĩa cá nướng, đọc những mẩu chuyện ma tôi sưu tầm được cho em."
- "Nếu em quá cô đơn ở nơi ấy, thế thì đừng lo, không lâu nữa đâu..."
+) "thế thì" là cụm thường dùng trong văn nói, không nên dùng trong văn viết
-> Sửa thành "thì"
=> "Nếu em quá cô đơn ở nơi ấy thì đừng lo, không lâu nữa đâu..."
- "Khi bổn phận trên vai này kết thúc, anh sẽ nằm lên thảm có xanh mướt ấy, chờ khoảnh khắc tới gặp em.
"Vậy nên Shinobu, chờ anh nhé..."
Lúc ấy, anh sẽ thì thầm vào tai cô và nói:
"Anh yêu em, Kochou Shinobu...""
+) Từ bên trên, bạn đã nhất quán trong ngoặc kép xưng tôi-em, ngoài ngoặc kép gọi anh-cô
-> Cần phải nhất quán cách gọi đến cuối cùng
=> "Khi bổn phận trên vai này kết thúc, anh sẽ nằm lên thảm có xanh mướt ấy, chờ khoảnh khắc tới gặp cô.
"Vậy nên Shinobu, chờ tôi nhé..."
Lúc ấy, anh sẽ thì thầm vào tai cô và nói:
"Tôi yêu em, Kochou Shinobu...""
=> Cả đoạn:
"Kết thúc nhát chém của mình, anh mỉm cười, một nụ cười nhẹ nhõm.
"Shinobu, sớm thôi, sau khi trận chiến này kết thúc, tôi chắc chắn sẽ tìm cho em một thảm cỏ xanh mướt và xây cho em một mái nhà nhỏ. Hàng ngày, tôi sẽ đem cho em một đĩa cá nướng, đọc những mẩu chuyện ma tôi sưu tầm được cho em.
Nếu em quá cô đơn ở nơi ấy thì đừng lo, không lâu nữa đâu..."
Khi bổn phận trên vai này kết thúc, anh sẽ nằm lên thảm có xanh mướt ấy, chờ khoảnh khắc tới gặp cô.
"Vậy nên Shinobu, chờ tôi nhé..."
Lúc ấy, anh sẽ thì thầm vào tai cô và nói:
"Tôi yêu em, Kochou Shinobu..."
II. Nhận xét chung:
1) Về chính tả:
- Sai chính tả khá nhiều
- Còn mắc lỗi đánh máy
2) Về cách sử dụng dấu câu:
- Đôi khi thừa dấu phẩy vì đã có liên từ hoặc quan hệ từ
(Với lỗi này, bạn cần chú ý xem sau vị trí bạn định đặt dấu phẩy đã có liên từ hay quan hệ từ chưa. Nếu đã có, bạn cần quan sát xem câu đó, ngữ cảnh đó có cần tách bạch ý không rồi mới thêm dấu phẩy. Nếu chưa có, bạn cần quan sát ngữ nghĩa và ngữ cảnh để thêm yếu tố liên kết cho phù hợp (vì yếu tố liên kết không nhất thiết phải là dấu phẩy. Ngược lại, việc lạm dụng dấu phẩy cũng khiến câu mất liên kết).
3) Về cách dùng từ:
- Còn dùng từ thuộc văn phong nói (đa số là chỉ từ)
(VD: "đấy", "lúc", "thế thì",...)
(Lỗi này mình đã giải thích trong từng đoạn rồi nhé. Không phải những từ này không được dùng trong văn phong viết nhưng truyện của bạn không cần thiết phải dùng đến trừ trường hợp bất khả kháng không còn từ nào thay thế.)
- Đôi chỗ dùng từ khá thô hoặc không hợp ngữ cảnh
- Còn sai những cấu trúc hoặc cụm từ cố định
(Với hai lỗi này, bạn cần phải đọc thật nhiều sách để có thể tích góp được vốn từ, cụm từ cũng như cấu trúc nhé. Đây cũng như những cấu trúc động từ tiếng Anh ấy, buộc phải dùng cho quen thôi.)
4) Về kết cấu câu từ:
- Còn sắp xếp câu sai nhưng không nhiều
- Cách sắp xếp câu và sử dụng từ ngữ đôi khi không làm nổi bật được ý cần nhấn mạnh
(Thường, những ý cần nhấn mạnh sẽ được đẩy lên trên hoặc lên đầu (dĩ nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều như vậy). Bạn chú ý điều này nhé)
- Còn dùng đồng thời hai từ cùng chức năng gây nhiễu câu
(Lỗi này không phải dùng hai chủ ngữ hay hai vị ngữ đâu nhé, mà (ví dụ) là hai cụm phủ định hay hai cụm chỉ tần suất tương đương ấy. Lỗi này đôi khi sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường vì dùng hai cụm chỉ tần suất tương đương chỉ gây thừa từ thôi, nhưng dùng hai cụm phủ định (phủ định của phủ định) đôi khi lại thành khẳng định.)
- Còn sử dụng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết
(Thường, trong văn phong nói, những từ này sẽ được sử dụng khá nhiều với mục đích liên kết nhưng trong văn phong viết, việc đưa những từ này vào trong câu sẽ gây lủng củng, đôi khi lặp từ)
- Còn tách câu không phù hợp, khiến một hoặc cả hai câu bị vụn hoặc thiếu chủ ngữ
- Còn lặp từ (thường ở từ "và")
(Với lỗi này, bạn nhớ nhé: chỉ ở bộ phận liệt kê hoặc ở hành động cuối cùng của chuỗi mới dùng "và" thôi. Về cách sửa, đơn giản nhất là bạn bỏ từ nào trong hai hoặc nhiều từ bị lặp có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng tới ngữ nghĩa.)
- Đôi khi thiếu yếu tố tách bạch các thành phần câu
(Đôi khi yếu tố này không cần thiết nhưng trong một số trường hợp, thiếu yếu tố tách bạch có thể gây hiểu nhầm)
- Câu đôi khi quá dài
(Với lỗi này, sau khi viết, bạn cần quan sát xem câu đó có bao nhiêu vế, là vế phức hay vế đơn và có nhiều trạng ngữ hay không. Nếu những gì quan sát được phản ánh rằng câu quá dài, cần quan sát câu một lần nữa để tìm nơi ngắt câu. Tìm vị trí ngắt câu cũng không khó lắm đâu, nhất là với văn phong của bạn, vốn đã có cách ngắt câu chặt chẽ và chuẩn xác, diễn đạt không quá dài dòng hay cụt lủn. Bạn chỉ cần tìm hai vế có quan hệ ngữ nghĩa không quá chặt chẽ và tìm cách ngắt cho hợp lý là được. Nhưng chú ý nhé, đôi khi sau khi ngắt, bạn cần đảo lại trật tự câu một chút, tránh sắp xếp câu sai.)
5) Về logic:
- Không thống nhất cách xưng hô ở đoạn cuối
(Mặc dù lỗi này ở truyện của bạn không quá lớn vì chỉ nhắc đến hai nhân vật nhưng nếu ở một truyện có hệ thống nhân vật đồ sộ hơn, việc không thống nhất cách xưng hô rất dễ khiến người đọc nhầm lẫn nhân vật. Thường, cách xưng hô chỉ thay đổi khi tâm trạng nhân vật thay đổi.)
- Còn lại, bạn không mắc lỗi logic nào về câu từ
(Nội dung thì mình chịu nhé)
6) Về cách viết:
- Đôi khi các yếu tố còn chưa rõ ràng
(Với lỗi này, sau khi viết, bạn cần đọc lại dưới con mắt của độc giả và tự đặt những câu hỏi xác định cho mình để biết được ở đâu cần làm rõ yếu tố gì
Ví dụ cho câu hỏi xác định nhé. Ví dụ bạn có hai câu văn như thế này: "Hôm qua, tôi đang xem phim. Đột nhiên, mắt nhói đau.". Đọc câu này, câu hỏi bạn cần đặt cho bản thân sẽ là "mắt ai nhói đau?" Từ đó, bạn có thể nhận biết được yếu tố gì cần được xác định rõ. Nhưng dĩ nhiên, khó có thể làm được điều này vì hiếm tác giả nào có thể đặt mình vào góc nhìn của độc giả.)
- Đôi khi hai câu hoặc hai vế song song chưa đồng nhất
(Mình nghĩ bạn sai lỗi này do không nhận biết được những câu (hoặc vế) song song. Như mình nói bên trên, những câu (hoặc vế) song song là những câu (hoặc vế) có tình huống gần tương đương nhưng dùng với nghĩa tương đương, có chức năng tương đương và liền kề nhau. Vế song song nhận biết dễ hơn vì thường xuất hiện trong các phép liệt kê hay phép điệp ngữ. Lỗi này khá khó nhận biết nhưng cố lên nhé, vì nếu bạn không mắc phải lỗi này nữa, bạn đã sử dụng thuần thục biện pháp điệp ngữ rồi đấy! (Sau khi mình sửa, vài vế mắc lỗi song song bên trên đã thành điệp ngữ rồi đó!))
III. Lời khuyên từ beta-er (Gift):
(Phần này chỉ để tham khảo thôi nhé)
Thực sự mình chẳng biết nói gì ở phần này vì oneshot của bạn quá hoàn hảo luôn rồi á! Chưa xét đến nội dung, cách hành văn cực kỳ mượt, sai ngữ pháp tương đối ít, lại sử dụng gần thuần thục phép điệp ngữ nữa chứ (còn mắc xíu lỗi song song thôi). Mình chỉ biết khuyên bạn trau chuốt chính tả và đánh máy một chút vì hai lỗi này tuy nhỏ vậy thôi nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến ấn tượng của người đọc đó.
Nhận xét và khuyên thì chỉ có vậy thôi. Nhưng cho mình xin lỗi xíu ha, vốn từ mình còn quá ít, không thể đề xuất từ ngữ ở một số chỗ cho bạn.
Cảm ơn bạn đã đến với Beta Shop của No Team và tin tưởng con bé lười chảy thây ngâm đơn gần ba tuần này nhé!
(P/S: Chúc mừng sinh nhật nha! Xin lỗi vì mình không thể tặng bạn một món quà thật trọn vẹn mà thủng lỗ chỗ thế này U^U)
IV. Payment:
*Lần đầu đặt hàng:
- Follow No Team và Beta-er
- Vote chap đặt đơn và trả đơn
- Ghi trên wall của cậu "Beta shop #No_Team"
- Đánh giá trên thang điểm 10
*Lần sau đặt hàng:
- Khi đặt trên 3 lần dùng acc phụ follow, đặt trên 5 lần dùng thêm acc phụ follow nữa
- Vote chap trả đơn
- Đánh giá trên thang điểm 10
*Nếu phát hiện rút follow hoặc nhận đơn mà không trả payment sau 3 ngày lập tức vào Blacklist
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro