Đơn 2 - Hy
Beta-er: Antuhy2112 (#Hy)
Khách hàng: MuVanh (NguyenVanAnh25082005)
I. Chữa trực tiếp:
- "Éc, Song Tử rốt cuộc vừa nói cái gì vậy ?"
+) Sắp xếp câu sai
+) Từ "cái" không cần thiết (chỉ cần "nói gì vậy" là đủ rồi, hơn nữa "nói cái gì vậy" cũng nặng văn phong nói hơn)
+) Trước dấu "?" không có dấu cách nhé (Lỗi này mình sẽ chỉ nhắc một lần thôi)
=> "Éc, rốt cuộc Song Tử vừa nói gì vậy?"
- "Bộ hắn bị điên rồi sao, cái gì mà... bạn gái ?!"
+) "Bộ" dùng như từ để hỏi chỉ dùng trong văn phong nói
-> Bỏ
+) Tuy hai vế này nên tách thành hai câu đơn do vế đầu tiên có thể tự cấu thành câu hỏi nhưng nếu tách, cả hai câu sẽ bị vụn (quá ngắn)
-> Không tách
+) Tuy mình đã nói không nên dùng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết nhưng ở đây, nếu không dùng "mà" thì chẳng còn từ nào khác có thể nữa
-> Giữ nguyên "mà"
+) Sau dấu ba chấm ("...") không cần dấu cách nhé
+) Chỉ cần một dấu "?" thôi nhé
(Hai lỗi dấu câu này mình cũng sẽ chỉ nhắc một lần thôi)
=> "Hắn bị điên rồi sao, cái gì mà...bạn gái?"
- "Kim Ngưu chưa kịp nuốt trôi câu nói vừa rồi thì đã bị cậu ta hừng hực lôi ra khỏi lớp."
+) Không nhất thiết phải dùng "câu nói". Chỉ cần "câu" thôi cũng được.
+) "hừng hực" là từ dùng cho tinh thần (VD: "hừng hực sức sống")
-> Thay bằng "hùng hục"
=> "Kim Ngưu chưa kịp nuốt trôi câu vừa rồi thì đã bị cậu ta hùng hục lôi ra khỏi lớp."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Không nên dùng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết nhưng ở đây chỉ có thể dùng "thì"
-> Mình nghĩ nên đổi lại trật tự câu, không cần dùng "thì" nhưng vẫn có thể liên kết được
=> "Chưa kịp nuốt trôi câu vừa rồi, Kim Ngưu đã bị cậu ta hùng hục lôi ra khỏi lớp.")
- "Cái đám con gái hồi nãy không những không hiểu chuyện mà càng ngày càng ghét Kim Ngưu."
+) Không nên dùng "cái" như mạo từ (văn phong nói)
+) Đã qua ngày đâu mà biết "càng ngày càng ghét Kim Ngưu"?
-> Sửa thành "hơn"
+) Không nên dùng "rằng, thì, là, mà" để liên kết nếu không bắt buộc
+) Dùng sai cặp từ hô ứng liên kết
(Ở đây, "đám con gái hồi này" vì "không hiểu chuyện" nên mới "càng ghét Kim Ngưu hơn"
-> Ở đây phải dùng quan hệ từ chỉ nguyên nhân - kết quả)
=> "Đám con gái hồi nãy vì không hiểu chuyện nên lại càng ghét Kim Ngưu hơn."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên đảo lại trật tự câu một chút
=> "Không hiểu chuyện, đám con gái hồi nãy lại càng ghét Kim Ngưu hơn.")
- "- Con béo đó thì hay ho gì chứ mà Song Tử lại thích nó ?"
+) Nên tách thành hai câu để nhấn mạnh ý hỏi cũng như tránh lạm dụng "rằng, thì, là, mà"
=> "Con béo đó thì hay ho gì chứ? Sao Song Tử lại thích nó?"
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên sắp xếp lại câu đầu tiên để tránh sử dụng "thì"
=> "Con béo đó có gì hay ho chứ? Sao Song Tử lại thích nó?")
- "Cự Giải đứng nhìn nãy giờ than thở."
+) Cần thêm thành phần tách bạch hai vị ngữ ("đứng nhìn" và "than thở")
=> "Cự Giải đứng nhìn nãy giờ, than thở."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên đổi lại trật tự câu để không cần phải sử dụng dấu phẩy nữa
=> "Đứng nhìn nãy giờ, Cự Giải than thở.")
=> Cả đoạn:
"Éc, rốt cuộc Song Tử vừa nói gì vậy? Hắn bị điên rồi sao, cái gì mà...bạn gái? Chưa kịp nuốt trôi câu vừa rồi, Kim Ngưu đã bị cậu ta hùng hục lôi ra khỏi lớp. Không hiểu chuyện, đám con gái hồi nãy lại càng ghét Kim Ngưu hơn.
- Con béo đó thì hay ho gì chứ? Sao Song Tử lại thích nó? Huhu...Song Tử của tui!
- Hết Cự Giải rồi lại đến Song Tử, chắc là dính bùa mê thuốc lú gì rồi!
Vậy mà sau màn bù lu bù loa, chẳng hiểu sao tụi nó đã lại vui vẻ, thậm chí còn nở nụ cười bí hiểm (?)
- Haizzz...Ngưu ơi là Ngưu! - Đứng nhìn nãy giờ, Cự Giải than thở. - Quả nhiên tên Song Tử đó không phải dạng vừa."
- "Này, buông ra Song Tử, cậu kéo tôi đi đâu vậy ?!"
+) Nên ngắt giữa "buông ra" và "Song Tử"
-> Nhấn mạnh ý cầu khiến trước đó
=> "Này, buông ra! Song Tử, cậu kéo tôi đi đâu vậy?"
(Đề xuất sửa đổi:
+) Mình nghĩ nên ngắt "này" thành một câu đặc biệt để nhấn mạnh hơn nữa ý cầu khiến
=> "Này! Buông ra! Song Tử, cậu kéo tôi đi đâu vậy?")
- "Mà hồi nãy cậu..."
+) Cần thêm yếu tố tách bạch thành phần trạng ngữ và chủ ngữ, đồng thời cũng nhấn mạnh sự ấp úng của nhân vật
=> "Mà hồi nãy, cậu..."
- "Không hiểu sao sắc mặt Kim Ngưu bỗng trùng xuống."
+) "Không hiểu sao" là cụm từ thường dùng trong văn phong nói, nên tránh
-> "không hiểu vì lý do gì"
+) "trùng" -> "chùng". Lỗi chính tả nhé
+) "chùng" là từ dùng để chỉ tâm trạng (VD: tâm trạng chùng xuống)
-> sửa "sắc mặt" thành "tâm trạng"
=> "Không hiểu vì lý do gì, tâm trạng Kim Ngưu bỗng chùng xuống."
- "Cũng đúng thôi mà, có ai điên đâu mà lại thích một đứa có ngoại hình xấu xí như cô chứ."
+) "mà" không cần thiết, ngược lại còn nhấn mạnh văn phong nói và gây lặp từ
-> Bỏ
+) "Có ai" -> Cụm từ để hỏi -> Đây là câu nghi vấn
-> Phải dùng dấu "?"
=> "Cũng đúng thôi, có ai điên đâu mà lại thích một đứa có ngoại hình xấu xí như cô chứ?"
- "Nhưng sao nó làm cô buồn quá, cô bị sao vậy nè ?"
+) "Nó" là cái gì? Nếu là câu nói của Song Tử, cần nói rõ
+) Nên tách thành hai câu hỏi riêng biệt vì hai vế chứa hai ý hỏi khác nhau
=> "Nhưng sao câu nói ấy lại làm cô buồn quá? Cô bị sao vậy nè?"
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ không nhất thiết phải nói cái gì làm Kim Ngưu buồn vì từ câu nói của Song Tử đến suy nghĩ này của Kim Ngưu cũng cách không nhiều lắm.
=> "Nhưng sao cô lại buồn quá? Cô bị sao vậy nè?")
- "Kim Ngưu giọng buồn rầu, lí nhí."
+) Sắp xếp câu sai
=> "Giọng Kim Ngưu buồn rầu, lí nhí."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên đảo lại câu, biến "lí nhí" thành động từ sẽ hay hơn
=> "Giọng buồn rầu, Kim Ngưu lí nhí.")
- "Thật ra... Tôi cũng rất thích cậu."
+) Đây là câu biểu cảm
-> Phải dùng dấu "!"
=> "Thật ra...tôi cũng rất thích cậu!"
=> Cả đoạn:
"- Này! Buông ra! Song Tử, cậu kéo tôi đi đâu vậy? - Kim Ngưu nhăn nhó. - Mà hồi nãy, cậu...
- À, tôi giúp cậu đó, còn không mau cảm ơn? - Song Tử thả tay Kim Ngưu, nở nụ cười tươi rói.
Không hiểu vì lý do gì, tâm trạng Kim Ngưu bỗng chùng xuống. "Giúp? Đơn giản chỉ có vậy?" Cũng đúng thôi, có ai điên đâu mà lại thích một đứa có ngoại hình xấu xí như cô chứ? Nhưng sao cô lại buồn quá? Cô bị sao vậy nè?
- Cảm ơn cậu... - Giọng buồn rầu, Kim Ngưu lí nhí.
- Thật ra...tôi cũng rất thích cậu! Làm bạn gái tôi nha?"
- "Kim Ngưu mắt mở to tròn, đây rốt cuộc là thật hay là mơ ?"
+) Nên tách ra làm hai câu, một câu trần thuật, một câu hỏi tu từ về sự kinh ngạc của Kim Ngưu
+) Sắp xếp cả hai vế đều sai
+) Lặp từ "là" ở vế thứ hai
=> "Mắt Kim Ngưu mở to tròn. Rốt cuộc đây là thật hay mơ?"
(Đề xuất chính sửa:
+) Mặc dù mọi người đều hiểu nhưng mình nghĩ nên thêm "kinh ngạc" vào trước câu đầu tiên để lý giải cho việc "mắt mở to tròn" của Kim Ngưu.
+) Mình nghĩ chỉ cần "mắt mở to" là được, không nhất thiết phải thêm "tròn" (thực ra nếu muốn dùng "tròn", bạn có thể dùng từ "trợn tròn" cùng được nhưng mình nghĩ từ này không phù hợp ở đây)
+) Mình nghĩ nên thay "thật" bằng "thực" để có thể nhấn mạnh hơn câu hỏi tu từ
=> "Kinh ngạc, mắt Kim Ngưu mở to. Rốt cuộc đây là thực hay mơ?")
- "Lúc này, cảm giác vừa ngại ngùng vừa sung sướng, má Kim Ngưu đỏ bừng, miệng nói không nên lời."
+) "vừa ngại ngùng vừa sung sướng" là thành phần gì trong câu? Không có vị ngữ nên không thể là một vế, càng không phải là trạng ngữ
-> Nên thêm "khiến" để liên kết với những vế còn lại
=> "Lúc này, cảm giác vừa ngại ngùng vừa sung sướng khiến má Kim Ngưu đỏ bừng, miệng nói không nên lời."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên rút câu thành thế này là đủ, lại vừa nhấn mạnh cảm xúc của Kim Ngưu
=> "Vừa ngại ngùng vừa sung sướng, má Kim Ngưu đỏ bừng, miệng nói không nên lời.")
- "Kể từ lúc Song Tử đưa cô xuống phòng y tế, trái tim cô đã rung động rồi."
+) Không cần "kể", chỉ cần "từ lúc" là được rồi
("Kể từ lúc" cũng là cụm thường dùng trong văn biểu cảm. Truyện của bạn không có quá nhiều yếu tố biểu cảm, không cần thiết phải sử dụng cụm này)
=> "Từ lúc Song Tử đưa cô xuống phòng y tế, trái tim cô đã rung động rồi."
- "Hình như có gì đó sai sai thì phải !"
+) Đây là câu hỏi
-> Phải dùng dấu "?"
=> "Hình như có gì đó sai sai thì phải?"
- "Trước giờ cô đâu có gây ấn tượng gì với cậu ta, đã thế ngoại hình lại xấu xí."
+) "Trước giờ" thuộc văn phong nói, nên tránh
-> Sửa thành "từ trước tới nay"
+) Cần thêm yếu tố tách bạch trạng ngữ ("từ trước tới nay") và liên từ ("đã thế") với các thành phần chính trong câu
+) "gây...với" là cụm tiêu cực
-> Sửa thành "để lại...cho"
+) "đã thế" là cụm thuộc văn phong nói, nên tránh
-> Sửa thành "đã vậy"
+) "Ngoại hình" ai? Cần thêm tính từ sở hữu
+) Nên tách thành hai câu, mang hai ý riêng biệt
=> "Từ trước tới nay, cô đâu có để lại ấn tượng gì với cậu ta. Đã vậy, ngoại hình cô lại xấu xí."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên biến hai câu này thành các câu bộc lộ cảm xúc
=> "Từ trước tới nay, cô có để lại ấn tượng gì với cậu ta đâu nhỉ? Đã vậy, ngoại hình cô còn xấu xí nữa chứ!")
=> Cả đoạn:
"Kinh ngạc, mắt Kim Ngưu mở to. Rốt cuộc đây là thực hay mơ? Song Tử vừa mới nói cậu cũng rất thích cô. Vừa ngại ngùng vừa sung sướng, má Kim Ngưu đỏ bừng, miệng nói không nên lời. Từ lúc Song Tử đưa cô xuống phòng y tế, trái tim cô đã rung động rồi. Mà...khoan! Hình như có gì đó sai sai thì phải? Từ trước tới nay, cô có để lại ấn tượng gì với cậu ta đâu nhỉ? Đã vậy, ngoại hình cô còn xấu xí nữa chứ! Lẽ nào...Song Tử bị thần kinh? Oh my god!
- Cậu sao vậy? - Song Tử nghiêng đầu khó hiểu trước biểu hiện kỳ lạ của Kim Ngưu. - Cậu có đồng ý không?"
- "Trần Kim Ngưu, cuối cùng thì ta cũng tìm thấy mi."
+) Không nên dùng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết
+) Đây là câu mang ý cầu khiến
-> Phải dùng dấu "!"
=> "Trần Kim Ngưu, cuối cùng ta cũng tìm thấy mi!"
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên tách "Trần Kim Ngưu" thành một câu đặc biệt để nhấn mạnh ý cầu khiến của câu
=> "- Trần Kim Ngưu! Cuối cùng ta cũng tìm thấy mi!")
- "Cự Giải hùng hồn ra lệnh, lôi xềnh xệch Kim Ngưu, không quên để lại cho Song Tử cái lườm nguýt."
+) Câu này có ba vế
-> Nên tách giữa vế thứ nhất và thứ hai
-> Cần thêm chủ ngữ cho câu thứ hai
+) Nên sửa "lôi" thành "lôi đi" rồi để "đi" ở vị trí phù hợp
-> Nhấn mạnh hành động của Cự Giải
=> "Cự Giải hùng hồn ra lệnh. Cô/cậu lôi xềnh xệch Kim Ngưu đi, không quên để lại cho Song Tử cái lườm nguýt."
(Xin lỗi vì mình không rõ giới tình của nhân vật này. Bạn tự điều chỉnh chủ ngữ ở đây cho phù hợp nhé.)
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên thêm cụm "không để Kim Ngưu kịp trả lời" và tính từ cường điệu cho "cái lườm nguýt" để nhấn mạnh tâm trạng cũng như hành động của Cự Giải
-> Phải thay "Kim Ngưu" đằng sau bằng một từ khác, tránh lặp từ
=> "Cự Giải hùng hồn ra lệnh. Không để Kim Ngưu kịp trả lời, cô/cậu đã lôi xềnh xệch (cô bạn) đi, không quên để lại cho Song Tử cái lườm nguýt dài cả cây số.")
- "Song Tử nói vọng ra khiến mặt Kim Ngưu lại đỏ ửng."
+) Nên sửa "đỏ ửng" thành "đỏ bừng" để nhấn mạnh sự ngượng ngùng của Kim Ngưu
=> "Song Tử nói vọng ra khiến mặt Kim Ngưu lại đỏ bừng."
- "Kim Ngưu, cậu về lớp trước đi, mình ra đây một chút."
+) "đi" ở đây là từ cầu khiến
-> Nên tách câu đầu tiên thành một câu cầu khiến
=> "Kim Ngưu, cậu về lớp trước đi! Mình ra đây một chút."
=> Cả đoạn:
"- Trần Kim Ngưu! Cuối cùng ta cũng tìm thấy mi!" - Cự Giải hậm hực đi về phía bạn mình. - Về lớp!
Cự Giải hùng hồn ra lệnh. Không để Kim Ngưu kịp trả lời, cô/cậu lôi xềnh xệch (cô bạn) đi, không quên để lại cho Song Tử cái lườm nguýt dài cả cây số.
- NHỚ SUY NGHĨ CÂU TRẢ LỜI NHA! - Song Tử nói vọng ra khiến mặt Kim Ngưu lại đỏ bừng.
Được một đoạn, Cự Giải chợt dừng lại:
- Kim Ngưu, cậu về lớp trước đi! Mình ra đây một chút.
- Ừm."
- "Song Tử, tôi cảnh cáo cậu, không được có ý đồ với Kim Ngưu !"
+) Câu này có ba vế
-> Nên tách giữa vế thứ hai và vế thứ ba để tăng tính răn đe cho câu nói
(Gọi tên - cảnh cáo / ra lệnh)
=> "Song Tử, tôi cảnh cáo cậu! Không được có ý đồ với Kim Ngưu!"
- "Nếu không làm sao ?"
+) Câu này không có nghĩa
=> "Nếu không thì sao?"
- "Tôi là thích cậu ta thật lòng, cậu có quyền gì mà ngăn cấm ?"
+) Không nên dùng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết trừ trường hợp bắt buộc
+) "cậu ta" là đại từ mang nghĩa hơi xa cách hoặc thù địch
-> Sửa thành "cậu ấy"
=> "Tôi thích cậu ấy thật lòng, cậu có quyền gì mà ngăn cấm?"
- "Tôi chính là thích Kim Ngưu."
+) Sắp xếp câu sai. Hơn nữa, không cần thiết phải thêm cụm "chính là" ở đây
=> "Tôi thích Kim Ngưu."
- "Nhỏ Kim Ngưu dù sao cũng biết cô là gái giả trai, với lại hình như nó cũng thích thích thằng Song Tử thì phải, thuyết phục chắc gì nó đã nghe."
+) "với lại" là liên từ thường dùng trong văn phong nói, nên tránh
-> Sửa thành "hơn nữa"
+) Không có từ "thích thích". Nếu bạn muốn điệp lại từ để nhấn mạnh, hãy dùng một từ láy mang nghĩa tương đương
-> Sửa thành "thinh thích"
+) Sắp xếp vế đầu tiên sai
(Chủ ngữ - quan hệ từ - vị ngữ -> Quan hệ từ - chủ ngữ - vị ngữ)
+) Câu có ba vế
-> Nên tách giữa vế thứ hai và thứ ba (Vì vế thứ nhất và thứ hai có quan hệ bổ sung về nghĩa)
=> "Dù sao nhỏ Kim Ngưu cũng biết cô là gái giả trai, hơn nữa hình như nó cũng thinh thích thằng Song Tử thì phải. Thuyết phục chắc gì nó đã nghe."
(Đề xuất sửa đổi:
+) Mình nghĩ nên thay dấu chấm bằng chấm than ở câu cuối để tăng sắc thái cảm thán cho câu
=> "Dù sao nhỏ Kim Ngưu cũng biết cô là gái giả trai, hơn nữa hình như nó cũng thinh thích thằng Song Tử thì phải. Thuyết phục chắc gì nó đã nghe!")
- "Thầy Toàn, giáo viên dạy toán bước vào lớp với gương mặt rất chi là...khó ở (?)"
+) Bộ phận giải thích cần được ngăn cách bằng hai dấu phẩy nhé
=> "Thầy Toàn, giáo viên dạy toán, bước vào lớp với gương mặt rất chi là...khó ở (?)"
- "Trông cực kỳ dữ tợn, có nét giống con lợn, đầu hơi hói, bụng phệ - chắc thầy hay uống bia."
+) "Trông" ai "cực kỳ dữ tợn"? Cần thêm chủ ngữ
+) "Trông cực kỳ dữ tợn" (yếu tố nghiêm túc) và "có nét giống con lợn" (yếu tố gây cười) là hai chi tiết đối lập
=> Cần phải có quan hệ từ chỉ sự đối lập
+) "có nét giống con lợn" ở chỗ nào?
-> Thêm dấu hai chấm để chỉ rõ
(Mình không chắc với sửa đổi này lắm nhưng đây là những gì mình nghĩ. Có gì sai sót mong bạn bỏ qua.)
+) Vế cuối cùng không nên để dấu gạch ngang giải thích mà nên tách thành một câu cảm thán riêng biệt
-> Thêm từ cảm thán
=> "Trông thầy cực kỳ dữ tợn nhưng lại có nét giống con lợn: đầu hơi hói, bụng phệ. Chắc thầy hay uống bia đây mà!"
- "Thầy tia ánh mắt giết người về phía bọn học sinh."
+) Không phải "tia" nhé (động từ "tia" nghĩa là "nhìn ngắm để tìm hiểu" (VD: Tia được một nhành lan đẹp), không phải như nghĩa trong câu này (ném hoặc đưa ngang thật nhanh một thứ gì đó))
-> Sửa thành "lia"
=> "Thầy lia ánh mắt giết người về phía bọn học sinh."
- "Buổi học hôm trước đã làm tụi nó sợ chết khiếp rồi, thầy nghiêm cực kỳ, đứa nào mà dám làm càn liền bị thầy đuổi ra khỏi lớp."
+) "làm" ở đây mang nghĩa tích cực, nhẹ nhàng hơn
-> Sửa thành "khiến"
+) Không nên dùng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết
-> Bỏ
+) Câu có ba vế
-> Nên tách giữa vế thứ nhất và thứ hai vì vế thứ ba có quan hệ giải thích với vế thứ hai
+) Câu thứ hai đã có chủ ngữ "thầy" đứng đầu
-> Nên bỏ chủ ngữ "thầy" ở vế sau, tránh lặp từ
=> "Buổi học hôm trước đã khiến tụi nó sợ chết khiếp rồi. Thầy nghiêm cực kỳ, đứa nào dám làm càn lập tức bị đuổi ra khỏi lớp."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ nên thêm dấu chấm cảm ở cuối câu đầu tiên để nhấn mạnh sự "chết khiếp" của "tụi nó"
+) Mình nghĩ nên thay chủ ngữ của câu đầu tiên thành "thầy"
=> "Buổi học hôm trước, thầy đã khiến tụi nó sợ chết khiếp rồi! Thầy nghiêm cực kỳ, đứa nào dám làm càn lập tức bị đuổi ra khỏi lớp.")
- "Kiểm tra bài cũ."
+) Lúc thầy cô nói câu này thường cao giọng hoặc lên giọng
-> Dùng dấu "!"
=> "Kiểm tra bài cũ!"
- "À không, ý em là con heo, chẳng hiểu sao vừa nhìn thấy thầy là em lại liên tưởng đến con heo rừng hôm nọ trên ti vi."
+) Dù câu nói này rất không lễ phép nhưng mình nghĩ vẫn nên thêm tình thái từ biểu thị sự lễ độ cho phù hợp với tình huống
-> Thêm "ạ"
+) Câu này chỉ có hai vế nhưng lại mang hai ý có thể tách biệt
-> Tách thành hai câu
+) Khi nói hai câu này, Nhân Mã đang cao hứng
-> Nên thêm dấu "!" cho cả hai câu
+) Cần thêm yếu tố tách bạch các thành phần trong câu thứ hai
+) Không thể sử dụng cấu trúc "vừa...lại" trong trường hợp này, chỉ có thể dùng "vừa...đã" hoặc "lại
-> Mình sẽ sửa theo câu trúc "vừa...đã" nhé
=> "À không, ý em là con heo ạ! Chẳng hiểu sao, vừa nhìn thấy thầy, em đã liên tưởng đến con heo rừng hôm nọ trên ti vi!"
- "Mặt thầy lúc này đỏ phừng phừng, hơi thở không ổn định, sẵn viên phấn thầy liền phi luôn về phía Nhân Mã."
+) Cần chỉnh lại thứ tự ở vế đầu tiên
+) Câu có ba vế
-> Nên tách giữa vế thứ hai và thứ ba vì hai vế đầu tiên có quan hệ chặt chẽ về ngữ nghĩa
+) Cần thêm yếu tố tách bạch trạng ngữ và chủ ngữ trong câu thứ hai
+) Đã có "luôn" thì không cần"liền" nhé
=> "Lúc này, mặt thầy đỏ phừng phừng, hơi thở không ổn định. Sẵn viên phấn, thầy phi luôn về phía Nhân Mã."
(Đề xuất chỉnh sửa:
+) Mình nghĩ không nhất thiết phải thêm trạng ngữ ở câu đầu tiên
=> "Mặt thầy đỏ phừng phừng, hơi thở không ổn định. Sẵn viên phấn, thầy phi luôn về phía Nhân Mã.")
- "Không điểm, ra ngoài!"
+) Ai bị "không điểm, ra ngoài"? Mặc dù câu chuyện đang nói về Nhân Mã nhưng trước đó lại có "cả lớp" nên vẫn phải nhắc lại "Nhân Mã" hoặc dùng một đại từ nhân xưng phù hợp
=> "Cậu kia! Không điểm, ra ngoài!"
=> Cả đoạn:
"Thầy Toàn, giáo viên dạy toán, bước vào lớp với gương mặt rất chi là...khó ở (?) Trông thầy cực kỳ dữ tợn nhưng lại có nét giống con lợn: đầu hơi hói, bụng phệ. Chắc thầy hay uống bia đây mà! Thầy lia ánh mắt giết người về phía bọn học sinh. Buổi học hôm trước, thầy đã khiến tụi nó sợ chết khiếp rồi! Thầy nghiêm cực kỳ, đứa nào dám làm càn lập tức bị đuổi ra khỏi lớp.
- Kiểm tra bài cũ! Hoàng Nhân Mã lên bảng trả bài!
- What the hell? - Nhân Mã sửng sốt.
- "Goắt dơ heo" là cái gì? - Thầy Toàn trừng mắt.
- À không, ý em là con heo ạ! Chẳng hiểu sao, vừa nhìn thấy thầy, em đã liên tưởng đến con heo rừng hôm nọ trên ti vi! - Nhân Mã lúng túng.
Mặt thầy đỏ phừng phừng, hơi thở không ổn định. Sẵn viên phấn, thầy phi luôn về phía Nhân Mã.
- Cả lớp cười cái gì? Cậu kia! Không điểm, ra ngoài!"
- "Nhân Mã lủi thủi đi ra ngoài với vẻ mặt tội lỗi, nhưng sự thật là trong lòng nó đang cực kỳ vui sướng vì không phải chép bài và ngồi nghe cái giọng quỷ của ông ta."
+) Không nên dùng cụm "sự thật là" (vì buộc phải dùng tới "là")
-> Thay bằng "thật ra"
+) Nên đảo chủ ngữ ("Nhân Mã") xuống vế thứ hai để nhấn mạnh sự vui sướng của nhân vật này cũng như triệt tiêu đại từ "nó" không nên sử dụng trong văn phong viết
=> "Lủi thủi đi ra ngoài với vẻ mặt tội lỗi nhưng thật ra, trong lòng Nhân Mã đang cực kỳ vui sướng vì không phải chép bài và ngồi nghe cái giọng quỷ của ông ta."
- "Đột nhiên có một cánh tay giơ lên..."
+) Cần thêm yếu tố tách bạch trạng ngữ ("đột nhiên") và thành phần chính của câu
=> "Đột nhiên, có một cánh tay giơ lên..."
- "Thưa thầy, em thì lại thấy thầy rất đẹp trai và trẻ trung, body chuẩn đét, mạnh mẽ như trai đôi mươi ấy ạ !"
+) Khi thưa (đặc biệt là với trường hợp nịnh nọt như thế này, thường sẽ lên giọng
-> Tách "thưa thầy" thành một câu cảm thán đặc biệt
=> "Thưa thầy! Em thì lại thấy thầy rất đẹp trai và trẻ trung, body chuẩn đét, mạnh mẽ như trai đôi mươi ấy ạ!"
- "Tôi năm mươi tuổi rồi mà còn đôi mươi, dám xúc phạm thầy giáo."
+) Nên thêm một số yếu tố làm nổi bật cảm xúc tức giận của nhân vật
+) Nên tách thành hai câu biểu cảm riêng biệt
=> "Tôi năm mươi tuổi rồi mà còn đôi mươi cái gì? Dám xúc phạm thầy giáo à?"
- "Cái lớp này hôm nay chắc chắn sẽ không được giờ tốt, hừ."
+) Sai trật tự câu
+) "Hừ" là thán từ
-> Đây là câu cảm thán -> Phải thêm dấu chấm than
=> "Hừ, hôm nay cái lớp này chắc chắn sẽ không được giờ tốt!"
- "Cự Giải đi ra sau vườn, vừa đi chân tay vừa run bần bật, không biết con nhỏ Bảo Bình định làm gì nữa."
+) Câu có ba vế
-> Nên tách ra thành ba câu đơn
(Hai câu đầu tiên và câu thứ ba có liên hệ khá yếu về ngữ nghĩa, đồng thời nếu tách câu thứ ba thành một câu cảm thán, có thể nhấn mạnh hơn tâm trạng khó hiểu của Cự Giải.)
=> "Cự Giải đi ra sau vườn. Vừa đi, chân tay cô/cậu vừa run bần bật. Không biết con nhỏ Bảo Bình định làm gì nữa!"
- "Tên con trai ẻo lả kia, sao giờ này mới đến ?"
+) Khi nói câu này, Bảo Bình đang tức giận
-> Suy nghĩ không quá mạch lạc, thường đứt đoạn
-> Nên tách ra thành hai câu biểu cảm
=> "Tên con trai ẻo lả kia! Sao giờ này mới đến?"
- "Trời đất quỷ thần, cậu rốt cuộc có phải con trai không vậy, sao thụ lòi ra thế ?"
+) Khi nói câu này, Bảo Bình đang tức giận
-> Suy nghĩ không quá mạch lạc, thường đứt đoạn
-> Nên tách ra thành hai câu
(Vì nếu tách thành ba, câu đầu tiên ("Trời đất quỷ thần") sẽ bị vụn)
+) Trật tự câu thứ nhất sai
=> "Trời đất quỷ thần, rốt cuộc cậu có phải con trai không vậy? Sao thụ lòi ra thế?"
- "Tất nhiên không phải, cậu gọi tôi ra đây chỉ để chê bai thôi sao? Bộ bị rảnh háng à ?!"
+) Khi nghĩ câu này, Cự Giải đang tức giận
-> Suy nghĩ không quá mạch lạc, thường đứt đoạn
-> Nên tách ra thành ba câu cũng như biến cả ba câu thành cảm thán hoặc mang ý cảm thán để bộc lộ tốt nhất tâm trạng của nhân vật
+) "Bộ" ở đây chỉ dùng được trong văn phong nói
-> Bỏ
=> "Tất nhiên không phải! Cậu gọi tôi ra đây chỉ để chê bai thôi sao? Bị rảnh háng à?"
- "Nghe cho rõ đây, tôi muốn tỏ tình với cậu."
+) Vì đây là câu tỏ tình nên phải lên giọng hùng dũng một xíu
=> "Nghe cho rõ đây! Tôi muốn tỏ tình với cậu!
=> Cả đoạn:
"Giờ ra chơi...
Cự Giải đi ra sau vườn. Vừa đi, chân tay cô/cậu vừa run bần bật. Không biết con nhỏ Bảo Bình định làm gì nữa!
- Tôi...
Bảo Bình quay phắt lại với vẻ mặt khó chịu khiến Cự Giải giật mình ngã ngửa.
- Tên con trai ẻo lả kia! Sao giờ này mới đến? ...Aizz, không nói chuyện này nữa. Cậu đến một mình?
- À...Ừm.
- Trời đất quỷ thần, rốt cuộc cậu có phải con trai không vậy? Sao thụ lòi ra thế?
"Tất nhiên không phải! Cậu gọi tôi ra đây chỉ để chê bai thôi sao? Bị rảnh háng à?" - Cự Giải cười trừ nhẫn nhịn mặc dù trong lòng đang rất bực tức.
- Nghe cho rõ đây! Tôi muốn tỏ tình với cậu!"
II. Nhận xét chung:
1) Về chính tả:
- Ít mắc lỗi chính tả
- Đánh máy dấu câu sai nhiều: "?!"; trước dấu "?", "!" hay "..." vẫn còn dấu cách
2) Về cách sử dụng dấu câu:
- Lạm dụng dấu phẩy trong liên kết, gây thiếu liên kết trong câu hoặc câu quá dài
- Còn thiếu nhiều dấu phẩy với mục đích tách bạch thành phần câu
- Các dấu câu còn lại đôi khi được sử dụng không hợp lý, nhưng không nhiều
3) Về cách dùng từ:
- Còn dùng sai từ
- Thường sử dụng những từ thuộc văn phong convert và văn phong nói
- Đôi khi sử dụng sai quan hệ từ
4) Về kết cấu câu từ:
- Đôi khi còn thiếu thành phần câu (đặc biệt là chủ ngữ)
- Thường xuyên thiếu liên kết
- Thường xuyên sắp xếp câu sai (do lậm văn phong convert và văn phong nói)
- Còn lạm dụng "rằng, thì, là, mà" trong liên kết
- Tách câu chưa hợp lý
5) Về logic:
- Chưa có lỗi logic nào đáng kể
6) Về cách viết:
- Không quá nhiều, nhưng vẫn còn lậm văn phong nói
- Chưa sử dụng yếu tố miêu tả nhiều
III. Payment:
*Lần đầu đặt hàng:
- Follow No Team và Beta-er
- Vote chap đặt đơn và trả đơn
- Ghi trên wall của cậu "Beta shop #No_Team"
- Đánh giá trên thang điểm 10
*Lần sau đặt hàng:
- Khi đặt trên 3 lần dùng acc phụ follow, đặt trên 5 lần dùng thêm acc phụ follow nữa
- Vote chap trả đơn
- Đánh giá trên thang điểm 10
*Nếu phát hiện rút follow hoặc nhận đơn mà không trả payment sau 3 ngày lập tức vào Blacklist
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro