3
"Xấu che, tốt khoe", người ta thi nhau kiếm càng nhiều danh hiệu càng tốt, vừa để che đậy cái yếu kém của nội lực bên trong, vừa để thành nổi tiếng.
Cụm từ “căn bệnh thành tích” càng ngày càng không còn xa lạ nữa với chúng ta, nó lây lan trong nhiều lĩnh vực và thường được nhắc đến nhiều nhất là trong ngành giáo dục. Nhưng thực tế là các lĩnh vực khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi “căn bệnh” này.
Điều đáng quan tâm là mặc dù xã hội, dư luận chính thức thừa nhận đó là một căn bệnh nhưng để đồng lòng nhất trí chữa trị nó lại chưa được mạnh tay và đồng bộ, nên nó lây lan khá nhanh. Thẳng thắn mà nhìn nhận thì căn bệnh này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu hạ tầng không những của nền giáo dục, thể thao mà còn ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Xin nêu ở đây một vài dẫn chứng để thấy mức độ nguy hại của căn bệnh này.
Trong lĩnh vực giáo dục, một trường tiểu học có học sinh lớp 2 còn chưa nhận biết hết được các chữ cái. Nhưng lớp của em này vẫn được xếp loại giỏi về thành tích dạy và học, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 100%! Có trường, học sinh lớp 5 chưa biết tính cộng trừ số nguyên nhưng giáo viên dạy môn toán lớp em vẫn được công nhận là “giáo viên dạy giỏi”! Tại các kỳ thi học kỳ, thi cuối khóa thì giáo viên gửi gắm lớp cho nhau để chỉ vẽ cho học trò của mình làm bài, để lớp của mỗi người không có em nào bị điểm thấp và thế là “ thành tích” được nâng lên. Và lớp nào cũng cố gắng tạo được “thành tích” như vậy để cho cả trường đạt danh hiệu này nọ. Rồi thì chuyện một xã, phường nào đó được công nhận đã phổ cập xong bậc phổ thông cơ sở nhưng khi làm giấy tờ có người vẫn phải điểm chỉ vì không biết ký tên của mình.
Trong thể thao, điển hình nhất trong bệnh thành tích là nạn gian lận tuổi vận động viên trong các giải đấu, với các “nhi đồng cụ”, “thiếu niên cụ” mà năm nào, giải đấu nào cũng nghe nhắc đến. Người ta cứ giấu diếm bỏ qua cho nhau để nâng thành tích (dù là ảo) cho nhau, cùng nhau nhận giấy khen này, giải thưởng nọ...
Trong xét các danh hiệu khen thưởng liên quan đến phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" cũng thế. Trong khi thành tích thời kỳ đổi mới được chú ý quan tâm xét chọn; thành tích kháng chiến lại hầu như chỉ chú trọng về mặt hình thức. Kết cục, cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng của dân tộc ta đã kết thúc gần 30 năm mà vẫn còn không ít người hy sinh xương máu, hiến dâng tuổi thanh xuân chưa được công nhận cống hiến rất đáng được tuyên dương của họ. Người xác minh, làm chứng ít dần do thời gian, người có công thì không rành rẽ trong việc viết báo cáo thành tích, lại ít được cấp trên quan tâm thấu đáo. Cuối cùng, không ít hồ sơ của người có công vẫn nằm trong... ngăn kéo.
1, 2, 3, nào đua lấy giấy khen!
Không hiếm những cơ quan được giấy khen rồi, lãnh đạo ở đây lại tìm cách vận động để lĩnh cho được bằng khen, cờ luân lưu... Được huân chương hạng 3 rồi, phải có cho được hạng 2, rồi hạng nhất. Họ nghĩ rằng "đến hẹn lại lên", thành tích cứ được nâng cấp dần theo thời gian chứ không cần căn cứ hiệu quả phấn đấu đích thực.
Nếu thành tích tương xứng với những danh hiệu được nhận thì cũng là lẽ đương nhiên nhưng đáng buồn là thành tích chỉ "tầm tầm bậc trung" nhưng danh hiệu lại " hoành tráng". Gần như có hiện tượng dây chuyền là phấn đấu để có càng nhiều danh hiệu càng tốt, càng có cơ hội để nổi tiếng. Nhiều người muốn lấy các danh hiệu được khen tặng để khoả lấp, che đậy cái yếu kém của nội lực bên trong đơn vị, hoặc của bản thân mình. “Xấu che"; khi bị báo chí nêu tên thì bào chữa, né tránh không dám nhìn thẳng vào sự thật. Nhưng "tốt khoe”, hoặc không tốt lắm cũng cứ khoe để lĩnh bằng được huân chương, bằng khen…
Như vậy, nếu nói theo góc độ y học thì "bệnh thành tích" ở nước ta đã ở dạng mãn tính (thậm chí nghiêm trọng hơn, đã thành ung thư). Vấn đề ở chỗ, nó đã “di căn” hay chưa, và điều trị nó bằng liệu pháp, loại thuốc đặc hiệu nào, cần sự phối hợp ra sao, đâu là gốc rễ, căn nguyên…?
Để từng bước "điều trị" căn bệnh này, thiết nghĩ, trước hết cần chú trọng các nhân tố cơ sở, cá nhân tiêu biểu, họ thực sự là những bông hoa đẹp trong "vườn hoa Tổ quốc" đang hàng ngày lặng lẽ toả hương mà không cần phải đi vận động để được khen thưởng. Họ có thể chỉ là người nông dân chưa học hết cấp 2, nhưng lại có những phát minh, sáng kiến đem lại lợi ích cho đất nước. Thực tế là vẫn xảy ra tình trạng người làm ra sản phẩm, của cải nhiều cho đất nước lại ít được khen so với cán bộ lãnh đạo. Để có được thành tích lớn không thể xem nhẹ thành tích tuy nhỏ nhưng thật sự có chất lượng , không thể chỉ quan tâm đến những chức danh lớn, đơn vị to mà biểu dương, động viên khuyến khích những cá nhân, tập thể ở cấp cơ sở. Có quan tâm đến cơ sở mới động viên được phong trào vì đó là nhân tố thúc đẩy phong trào thi đua theo chiều sâu, góp phần phát huy hiệu quả lao động, sáng tạo trong học tập, lao động và chiến đấu...
"Bệnh thành tích" phải được xem là" Quốc nạn", nếu không chữa dứt điểm sẽ làm giảm sự tiến bộ của xã hội, ngăn đất nước phát triển, thui chột nhân tố tích cực. Đã đến lúc tuyên chiến với căn bệnh này, bởi vì nó là nguyên nhân dẫn đến các vấn nạn khác hiện nay cũng rất nguy hại như "bệnh hình thức", nạn tham nhũng, tệ quan liêu... Thành tích phải thực sự là thành tích khi nó đem lại hiệu quả rõ nét, khiến mọi người, từ dân thường đến những lãnh đạo cao nhất " tâm phục khẩu phục". Thành tích cũng không phải chỉ xuất hiện sau mỗi phong trào thi đua được phát động. Cuối cùng cần có biện pháp mạnh chặt đứt mọi đầu mối nuôi dưỡng, dung túng cho căn bệnh tồn tại âm ỉ đã nhiều năm này.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro