Chương 2. Bước qua mùa nhớ
Đám cỗ hôm ấy là một trong nhiều đám cỗ Đông Hách đã ăn đến mòn răng. Nhưng nó đặc biệt ở chỗ, hôm nay bạn nhai của cậu - Tại Minh chẳng thèm ngó ngàng gì đến dĩa chả giò. Em gẩy gẩy hạt cơm trong bát, thở dài thườn thượt làm Hách nóng hết cả ruột gan.
"Sao không ăn? Ăn đi chứ. Bình thường mê nhất cơ mà?"
"Hôm nay không thích nữa."
"Hỏi vui thôi chứ tao biết mà, do chả này Tranh gói chứ gì."
Nếu ánh mắt Minh nhìn Hách bây giờ được vật hoá thành dụng cụ làm bếp thì nó sẽ là con dao bén ngọt dùng chặt dừa, lướt đến đâu trên khuôn mặt Hách, mồ hôi trán chảy ròng ròng đến đấy.
"Thầy Lã bảo viết luận nộp thầy, mày viết chưa?"
Mỗi khi không còn gì để cãi lại Đông Hách, Minh luôn lôi kim bài miễn tử vào câu chuyện. Câu chuyện từ hướng bất lợi cho Minh sẽ trở về thế trung lập, khi Hách im thin thít và nhỏ giọng nhờ Minh: "Chỉ, chỉ tao. Một xâu bánh tẻ, à không, năm xâu luôn."
Minh thường cốc trán cậu.
"Ăn năm xâu cho thành xâu bánh luôn hả?"
"Giúp đi mà, không tao lăn ra đây chết luôn cho mày xem."
"Thầy tao dạy đạo làm người, dạy văn hoá, không đi đọc kinh cầu siêu cho học trò."
Kim bài miễn tử túc trực trên chót lưỡi đầu môi của Minh không ai khác ngoài ông Lã Thế Sinh, thầy giáo già nổi tiếng nhất vùng này. Ngoài chữ "thầy" nghĩa là nhà giáo, "thầy" đối với Minh còn là bậc sinh thành.
Được dạy dỗ chu đáo từ nhỏ, em sớm trở thành học trò thầy tâm đắc nhất, giống phiên bản thời trẻ mọn của thầy nhất. Thư sinh, dịu dàng nhưng đĩnh đạc, có chính kiến, và dám bảo vệ chính kiến ấy. Dù chính kiến của thầy là nam nữ bình quyền còn chính kiến của Minh là ghét anh Hưởng nhất. Nhưng Minh tự an ủi nó chẳng quan trọng, con nhà tông thì cũng chỉ giống được lông cánh thôi chứ sao y bản chính thì hơi khó.
"Thôi tao không làm nữa đâu, làm hoài bị thầy la hoài mà có tiến bộ tiến đội gì đâu. Mệt lắm."
Minh toan định cãi lại thì phải ngưng, do cái mồm Hách thiêng hơn cả ngôi chùa các dì các mẹ trong làng hay đến khấn, vừa nhắc bộ đội, bộ đội đứng ngay sau lưng Hách.
"Mày nói đúng, đừng học thầy tao nữa, chuyển sang làm thầy cạnh tranh với thầy Lã còn kịp. Thầy bói."
Hách véo cùi chỏ em, nói thầm:
"Thôi đi thằng quỷ."
Tại Minh co rúm người lại, giấu mặt sau rổ rau thơm, cầu mong chùm đinh lăng to bự che khuất mái tóc đen nhánh của mình. Qua kẽ lá xanh, em hé mắt ngắm người ta. Từ sáng đến tối, hơn chục tiếng mà nom người ta khác quá, khác từ ánh mắt mong chờ, vui sướng nay đã thêm phần bồn chồn, lo lắng, khác đến đôi bàn tay xoa xoa vào nhau, hết bỏ túi quần lại bối rối day day cái chiếu.
Con người này khác nhiều, khác về ngoại hình, về phong thái, về nhiều cái không giống, nhưng vẫn vẹn nguyên ở điểm ngốc nghếch. Chỗ ngồi rộng rinh nhưng cứ thích nhích vào ngồi chen giữa em và bé Tí cuối xóm, thấy con bé nhăn mặt chực mè nheo, anh cho nó ba đồng, bảo đi mua kẹo đi, nó nhường chỗ cho anh ngay. Khờ, khi không mất tiền, phải mà ngang ngược thì vừa có chỗ rộng, vừa có ba đồng dành làm vốn xây nhà, vừa không thấy lưng Minh run lên nhè nhẹ khi vai chạm vai anh.
Lấy hết dũng khí, Minh cầm lá đinh lăng đập vào tay Hưởng, nói nhỏ hết sức có thể:
"Bộ đội đi ra kia ngồi đi, ngồi đây chật đó. Tôi không thoải mái, bộ đội cao quý vừa lập chiến công cũng không."
Hưởng cười, theo Minh là cười giễu.
"Ngủ trong rừng hai người nằm chung một tấm chăn tôi còn chịu được, huống hồ ngồi chật một tí anh em càng có nhiều chỗ ngồi, thôi thì tôi chịu khổ. Đồng chí thấy tôi nói có đúng không, hở đồng chí?"
"..."
"Sao đồng chí lại im lặng? Đồng chí còn chưa cho tôi biết tại sao sáng nay đồng chí bỏ về giữa chừng đâu nhớ. Tính tôi ghim lâu lắm đấy, đồng chí không kể tôi úm đồng chí về nhà."
Minh đánh trống lảng:
"Anh ăn đinh lăng không?"
Ăn đi chứ nem chua ngon thế này không ăn với đinh lăng phí của trời cho.
Khổ nỗi, không phải ai cũng nghiện món ấy như em, người ta nghiện cái khác. Có người nghiện thuốc, có người nghiện rượu, có người lại nghiện tình.
Anh nghiêm mặt ngắm Minh. Bất chợt, anh choàng tay qua vai em, vỗ đồm độp vào vai áo kaki, kéo cả hai đứng dậy.
"Xin phép mọi người, nhóc này lâu ngày không gặp nên nhớ em, giờ em nó bắt em đi chơi riêng mới chịu. Minh chào mọi người đi em."
"Dạ? À, à vâng ạ. D-dạ xin phép các anh, các bạn, các em."
Minh không muốn nói đâu nhé, do Hưởng hối quá nên không để anh chờ được. Mẹ dạy rồi, phải làm người lịch sự.
Khi đã khuất sau cánh cổng, cánh tay Hưởng chuyển từ choàng vai sang ôm trọn cả thân người bé nhỏ. Bàn tay chạm nhẹ, xúc cảm lại bồi hồi, da diết quá đỗi, ngỡ như Minh đã gắn bó cả đời với cảm giác đơn côi không có anh.
"Bé nhà anh ngoan ghê cơ. Đi thưa, về gửi, nghe lời anh."
"Ai là bé của anh? Xin lỗi đi, em thua anh một tuổi thôi, có khi hơn năm trước em cũng sẽ ra chiến trường như anh không chừng."
Năm ngón tay chu du khắp miền tóc em, anh cảm nhận từng sợi tơ óng màu đồng ruộng ôm ấp bàn tay chai sần vì cuốc đất đặt mìn, thô ráp bởi tháng ngày ôm khư khư súng khi trời sương muối. Cái mềm mịn đối chọi cái cứng cáp, cơ thể căng thẳng của anh giãn ra.
Trước khi cất lời, anh cẩn thận vuốt gọn tóc mai em ra sau vành tai, đặt em ngồi lên gò đất cao đã trải sẵn lá. Anh khụy một chân xuống, chỉnh cho ống quần nâu thư sinh thẳng thớm trở lại, rồi giữ nguyên tư thế đó, nhìn thẳng vào Tại Minh, ánh nhìn ôm ấp cả ý tứ nâng niu mà Minh hay nghe kể trong lời mấy kẻ si tình vô tình gặp trên huyện. Nhảy vào biển lửa, lặn xuống biển sâu, rơi từ vực thẳm, dâng hiến sinh mạng, tất cả đều bao hàm trong đôi con ngươi đen láy được ánh trăng soi sáng. Minh từng cười chuyện viển vông, nhưng khi ánh mắt ấy thuộc về mình, em ước gì mình sống trong mộng mị, mơ màng cả đời mãi.
"Minh, nhìn anh này. Sau này Minh không được đùa như vậy nữa, được không? Vì anh sợ lắm, anh sợ mất Minh, sợ lần đầu gặp Minh ở đơn vị cũng là lần cuối, sợ anh chỉ lủi thủi một mình kiếp này.
Nhưng anh không sợ ra chiến trường, vì anh đang sống vì quê mình, vì nước mình, vì Minh nữa. Anh rất tự hào khi được bảo vệ em. Nên xin em, đừng thấy có lỗi vì không đi cùng với anh trong hơn một năm qua, cũng đừng đối xử với anh như một người lạ. Sáng nay Minh làm anh buồn đấy, rõ ràng đã chạy đến, nhưng cuối cùng lại bỏ về giữa chừng."
"Thì..."
"Sao em?"
"Thì phải có chuyện gì em mới bỏ về chứ." Minh rất muốn nói "Chuyện đó xuất phát từ ông đó ông nội." nhưng như vậy chẳng khác nào nói em ghen tị với Tranh, anh Hưởng sẽ trêu em dài dài mất. Ngoài dạy làm người lịch sự, mẹ còn dạy em phải khôn ngoan đối đáp người ngoài.
Minh ngắc ngứ:
"Nhưng mà anh chưa hỏi lý do em bỏ về đã buồn em, tất cả là tại anh, tại anh hết."
Càng nhắc càng bực, em muốn chuẩn bị quà cho đón anh trở về nên luôn đau đáu suy tư chuyện tặng quà gì. Bánh tẻ, anh Hưởng không mê mẩn gì, chỉ có lâu lâu anh cắn chung miếng bánh với em cho vui mồm. Áo à? Minh không may nổi, vả lại đi lính chắc anh cũng cao to lên không ít, may áo chật tội anh. Hay em nấu món gì anh thích? Nhưng anh thích món gì mới được, món nào em mang sang mời, nói do tự tay mình nấu anh cũng tấm tắc khen lấy khen để, dù có hôm em lỡ đổ thẳng tay một vốc tiêu, miếng bánh rán đen sì sì anh vẫn bảo ngon.
Minh chợt phát hiện ra điểm mấu chốt, do em làm.
"Khoan khoan, vậy là anh thích tao đúng không?"
Hách cười ha hả, bĩu môi nói với em:
"Nghĩ đơn giản xíu đi, có khi mày với ổng chỉ hợp nhau trong đường ăn uống. Còn cái hôm mày bỏ tiêu nhiều ấy, mày nghĩ thử nha, bây giờ ngày nào cũng có người mang đồ ngon tới cho mình, đột nhiên hôm nay đồ dở. Mày sẽ làm gì?" Không để Minh đáp, Hách nói tiếp: "Eo ơi mới nấu dở một ngày đã chê đứng chê ngồi, rồi sau này ai cho đồ chùa nữa? Đúng không. Ổng khen để ăn chực tiếp thôi."
Nhưng đệ tử chân truyền của thầy Sinh có khác, chỉ chọn chữ để nghe.
"Có thực mới vực được đạo. Hợp nhau trong đường ăn uống là do ông trời định tao với anh ở cạnh nhau sẽ vượt qua được mọi chông gai, biến cố, biến nguy thành cơ, biến hiểm thành lành. Chỉ những người cùng nhau đi qua gian khổ mới có thể gắn bó với nhau suốt đời, mày hiểu không? Ủa sao đi rồi, nghe nói hết đi chớ."
Một ngày, một tuần, một tháng. Chiến sự đang có lợi cho quân ta, đã đến lúc kết thúc chiến tranh, em vẫn chưa tìm được đáp án chu toàn nhất tặng anh. Tại Minh rầu rĩ đá đá ngọn cỏ xanh cạnh đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ, cảnh vật ngày đông sao mà hoang tàn. Lần em tiễn anh ở đây, trời xanh lãng đãng mây bay, mây sà xuống đất, mây bám ngọn tre, mây dỏng tai lắng nghe tiếng hát sầu muộn của em. Còn bây giờ, hiếm lắm mới có đám mây xấu số nào phải trôi dạt đến nơi đây để phải chứng kiến cảnh tượng cậu trai gầy còm đứng tựa vào cây bàng gầy còm, di di mũi dép cao su cũng trên đám cỏ gầy còm đang bị mấy con bò gầy còm tàn sát.
"Sao mày tội nghiệp thế cỏ ơi? Nằm không thì bị ăn, mà bò không ăn mày thì người ta cũng nhổ mày đi mất."
"Nhưng cỏ vẫn sum suê dưới chân con đấy thôi."
Đương lúc Minh đang thẫn thờ trò chuyện với đám cỏ lúc nhúc dưới chân mình, thầy Sinh đến đứng ngay sau cậu lúc nào không hay. Minh thấy thầy đang ung dung xử nốt miếng bánh gio thì chán nản gục đầu lên vai thầy.
"Con có giống như cỏ không thầy? Nằm im đợi thời thì sẽ chết dí, nhưng đứng dậy tìm cơ hội cũng sẽ chết dí vì bị người ta chèn ép."
"Thầy đâu có biết."
"Nhưng con à, những loài thực vật đơn giản như cỏ lại hay. Cỏ cho bò ăn, cỏ làm đẹp đường làng, cỏ che mưa che nắng cho kiến, cho bọ rùa... Chúng chết nhanh, nhưng sinh sôi cũng nhanh. Chỉ cần một cơn mưa qua đi, mặt đất cằn cỗi sẽ um tùm cỏ là cỏ. Chúng chẳng cần ai chăm bón mà chỉ càng cứng cáp qua những ngày mưa. Hay quá con ha?"
Thầy vẫn là thầy, phũ với học trò, thầy gạt đầu Minh làm em lảo đảo suýt té. Quay đi quay lại đã thấy thầy cất bước về nhà, chắc thầy nhớ mùi khói bếp u em nhóm rồi. Nhưng nhìn bộ dạng chắp tay sau lưng cười thỏa mãn đó, Minh biết ngay em phải làm gì.
Tối hôm đó, em tỉ mẩn viết tên từng chiếc nhẫn cỏ lên trang giấy. Mỗi cái lại mang theo những lời nhắn rất riêng được thể hiện thông qua bông hoa được gắn chính giữa nhẫn, cánh hoa cúc là tình bạn đẹp, hoa phượng (được em ép khô từ cuối học kì trước) khơi gợi thời học sinh thuần khiết, ngây ngô, hoa dã quỳ ám chỉ về sự kiên cường, không khuất phục. Tất cả đều được làm nền bởi chiếc nhẫn cỏ mộc mạc nhưng quật cường, như con người nước mình. Và cũng bởi vì "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây." Dù là Tây hay Tàu, Âu hay Á, chỉ cần xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước mình, làm dân mình khổ đau oán thán thì cỏ sẽ vươn cao, vươn xa mãi. Em tin rằng anh Hưởng của em đã chiến đấu với tinh thần quyết chiến quyết thắng như vậy, nên em phải chúc mừng anh mỗi ngày, em sẽ là người trân trọng tất cả nỗ lực của anh.
Từ khi biết tin thắng trận, ngay tuần sau em bắt đầu kết nhẫn, mỗi ngày mỗi cái, nhưng chờ hoài, chờ mãi người vẫn chưa về. Nhẫn nằm im lìm trong chiếc hộp thiếc nhỏ, hoa héo queo héo quắt, lá xanh co cụm úa vàng, Minh vẫn không nỡ vứt. Thôi thì ngắm nhẫn cỏ đếm ngày thay tờ lịch cũng hay, ít nhất ruột gan em bớt cồn cào đi.
Và đến ngày chiếc nhẫn bằng lăng ra đời. Không hiểu sao, Minh thấy trống ngực đánh dồn khi kết nhẫn, em cẩn thận tách nhỏ cánh bằng lăng tím biếc, đính xung quanh nhẫn. Ngay ngày hôm sau, em vận cái áo xanh thiên thanh quý giá đi đi lại lại suốt buổi sáng, tay ôm chặt chiếc hộp thiếc. Người ta gõ chiêng gõ trống đón bộ đội về, em ba chân bốn cẳng chạy ngay ra cổng đình, thấy ngay cảnh tượng ấp iu trìu mến của Hưởng với cô gái đó.
Hình như Minh thua ngay từ đầu rồi, vì người ta là con gái.
Tủi thân, em ném chiếc nhẫn, khóc như mưa bước tập tễnh về nhà. May, đường vắng, không ai thấy cậu trai thư sinh chững chạc thường ngày khổ sở hết nức nở lại té ngã vì bị dằm đâm vào chân. Không may, đường vắng, không ai thấy em đang chật vật thế nào, cần một người bên cạnh ra sao.
Chiều đến, em lủi thủi đi tìm lại nhẫn. Mò mẫm cả buổi trời, chỉ thấy cánh bằng lăng dập nát, chiếc nhẫn tròn bị vùi lấp dưới nền cỏ khô. Em muốn khóc nữa, nhưng sợ đôi mắt sưng húp sẽ trở thành mối lo cho Hách, cho thầy u em nên chỉ thở dài, thầm cầu mong bao sự mệt mỏi, chán chường cũng thoát ra ngoài theo, hóa kiếp thành bông hoa xinh đẹp nào đó để em tiếp tục kết nhẫn. Chắc những chiếc nhẫn ấy sẽ đẹp lắm, và buồn lắm.
Em thẫn thờ. Cảnh vật lại đứng yên trong không gian chỉ có em và Hưởng. Anh nghe lời em trách móc, hối lỗi mổ cái chóc vào mu bàn tay em, nài nỉ:
"Ừ, do anh sai. Tất cả tại anh hết. Em Minh bao dung, độ lượng, học rộng, tài cao ơi, em tha lỗi cho kẻ chậm chạp này nhé? Kẻ chậm chạp xin hứa sẽ không có lần sau đâu, hắn sẽ luôn hỏi em lý do trước mà, sẽ không bao giờ giận em nữa luôn. Được không, em?
Nể tình người ta có công với đất nước, em thoáng tính gật đầu chấp thuận vậy.
"Được thôi."
Hưởng phì cười nhìn em cố tình quay mặt ra đằng sau ngắm ngọn cây cau, chần chừ mãi mới chịu trả lời mình. Anh siết chặt tay em hơn, thủ thỉ:
"Vậy bây giờ Minh cho anh biết, Minh có nhớ anh không?"
Sấm đánh đùng, suýt nữa Minh bỏ chạy, nhưng anh ôm tay em chặt quá, không thoát được. Đang tính hít thở cho dưỡng khí lên não, trí óc thông minh tìm cách đáp lại hợp tình hợp lý thì sấm đánh thêm phát nữa:
"Còn anh thì nhớ Minh lắm."
Tiếng cười háo hức lẩn đâu đó trong tiếng nói, không biết ông trăng đang cười, hay lòng người đang reo vui?
--
"Chà, trời hôm nay đẹp đấy mình nhỉ? Hợp để tỏ tình lắm."
Thầy Sinh tủm tỉm nhắc khéo vợ. Bà nhướn mày bảo ông có gì cứ nói.
"Thì con mình cũng lớn rồi đó."
Bà chẹp miệng, xem lão chồng diễn trò gì.
"Úi chà, nhắc mới thấy, không thấy nó đâu hết. Cũng không thấy nhóc Hưởng đâu hết. Đi đâu mà biền biệt cả tối không thấy hai đứa vậy cà?"
Thầy bỏ lại câu nói lửng lơ, tập trung tư tưởng vào đĩa gà luộc trước mắt. Đêm nay mà không nên cơm cháo gì thì còn gà hơn con gà này.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro