Chương 7:Khi thầy vắng nhà
Mặc dầu Hoạ đã trông “tỉnh táo” trở lại, không còn giống như trước đây. Nhưng lão Lượng cũng thấy người này vẫn thi thoảng hành xử, nói năng hệt trẻ con, mà trẻ con thì không nói dối, do vậy, mấy lời Hoạ vừa cất khiến ông sởn hết da gà.
“- Thật…thật à?”
“- Mi…Mi nói chuyện được với cả tử thi sao?”
Họa ngơ ngác:
“- Ơ? Chết á? Tôi tưởng hắn cũng giúp việc cho bác?”
Lão Lượng chẳng còn biết phải đáp gì ngoài cười trừ. Ông ngẫm lại lúc bảo Hoạ vào chòi sau ngủ, chàng trai ấy cứ đi thẳng vô, chẳng hỏi han gì.
Đúng lúc ấy thì có người đến nhờ Lượng giúp, nên không trở vào dặn Hoạ thêm.
“- Chà…Thế nào nhỉ…? Mi không phân biệt được đâu là người sống, đâu là kẻ ch.ết?”
Hoạ gãi đầu:
“- Đều là người cả mà bác?”
“- À, hình như…tên kia trông béo hơn thì phải!”
“- Đúng rồi! Nhưng mi đừng gọi tên này tên kia, hắn này hắn nọ. Họ mất rồi, nhắc đến thì phải vài phần tôn kính, hiểu chưa!”
“- À…Ra là vậy…Ơ…Mà sao phải tôn kính thế bác?”
“- Trời! Họa...! Chắc mi làm ta tức ch.ết!”
“- Cút! Cút! Ra sau mà ngủ! Tránh mau!”
Ông Lượng đẩy chàng trai qua một bên rồi nằm chèn vào mớ rơm.
Hoạ lay lay người lão già như đứa trẻ con vòi vĩnh :
“- Thôi…Bác…Ở trong ấy lạnh lắm…Chỗ này êm ái dễ ngủ hơn…”
“- Hừm! Mi bơi dưới hồ Dạ Xuyên còn chẳng hề hấn gì. Đừng có mà lý sự!”
Thấy Hoạ cứ năn nỉ ỉ ôi, lão Lượng phát mệt :
“- Phải chịu cực thì mới có cái bỏ bụng hiểu chưa!”
“- Mi cứ ngủ ở đấy độ bảy ngày. Sau ta sẽ cho mi được vào đây! Ừm… Còn mang gà nướng về cho mi!”
Đôi mắt Hoạ sáng rỡ :
“- Bác hứa rồi đấy! Được, được! Tôi sẽ nghe lời! Tôi sẽ nghe lời!”
Ông Lượng nhìn theo bóng Hoạ chạy tung tăng ra ngoài. Ông chỉ thở một hơi thật dài rồi mỉm cười một mình, ít ra bây giờ lão đã không còn cô độc như trước nữa.
…
Trong đêm trời thanh vắng, vị quan cùng ông Dương và một vài tên lính lệ đứng trước nhà thầy Mai. Họ gọi từ ban nãy đến giờ cũng chẳng thấy ai ra tiếp đón.
Vĩnh Sự lắc đầu :
“- Đến tìm vào giấc khuya vầy, quả là làm phiền quá. Thôi, mai chúng ta hẳn quay lại!”
Bá hộ đang rất nóng ruột, ông không đồng ý :
“- Lớp học cao hiểu rộng, canh này vẫn thức xem sách là chuyện thường tình! Thử vòng ra phía sau xem sao!”
Nghe chó sủa inh, có bà quá nhà ở gần đấy thức giấc.
Bà ra ngoài coi thử là chuyện gì.
“- Ối! Xin kính chào ông quan ạ!”
“- Ừm!”
Đôi mắt bà ấy láo liên :
“- Chẳng hay các ông tìm ai thế ạ?”
Một tên sai nha lườm bà :
“- Thấy rồi còn hỏi! Bọn ta đứng trước nhà ông Mai, không lẽ lại tìm bà?”
“- À… à… Vâng… Mà hình như… Đã hai ngày nay, tôi không thấy bác ấy và mấy cậu học trò ở nhà rồi.”
“- Thật ư?” – Đôi mắt ông Dương ánh lên chút thất vọng.
“- Dạ.”
“- Kể cũng lạ. Thường thì đi đâu xa, bác ấy luôn bảo với mọi người. Để mà con cháu không đến nghe sách.”
“- Ấy vậy lần này, lại bạt vô âm tính.”
Vĩnh Sự và bá hộ nhìn nhau. Cả hai lắc đầu.
Chuyến tìm kiếm thằng An diễn ra suốt đêm. Mọi người đều nỗ lực đến từng “hang cùng ngõ hẹp” mặc cho cơn mưa trên cao không ngừng trút nước.
Khi tuần đinh hoàn tất nhiệm vụ điếm canh, cũng là lúc Vĩnh Sự cho lính đi dán cáo thị.
Trời gần sáng, thường thì khắc này phía đằng Đông đã ửng hồng. Tuy nhiên, trên cao vẫn một màu âm u ảm đạm.
Bá hộ ngồi bệt ra đất, đôi mắt ông tuyệt vọng nhìn về phía con đê.
Cùng lúc ấy, Vĩnh Sự từ đường sau tiến lại.
Bá hộ liền hỏi:
“- Sao rồi chú?!”
Vị quan vẫn hồi đáp lại ông bằng một cái lắc đầu, nói :
“- Nhưng anh đừng quá lo lắng. Em đã cho người đi phát tờ tìm.”
Bỗng nhiên, một tên thuộc hạ của bá hộ chạy vào, trên tay người này cầm một vật gì đấy.
“- Dạ bẩm ông! Dạ bẩm ông! Bọn con vừa phát hiện cái này!”
Đó là một chiếc hài nhỏ, xung quanh bám toàn bùn và tảo xanh.
“- Mi...Mi...Mi thấy thứ này ở đâu???”
“- Dạ bẩm, bọn con phát hiện nó bị nước đánh vào bờ đằng kia ạ!”
Bá hộ cùng Vĩnh Sự tức tốc theo thuộc hạ hướng về vị trí ấy. Chỗ này rất thoáng, không nhiều cỏ cây ven bờ.
Vĩnh Sự đăm chiêu đôi mắt, ông nhìn vào chiếc hài :
“- Này anh. Anh có chắc đấy là...?”
“- Chắc chắn! Nó chính là hài của thằng An! Chất vải này từ Cầu Giống. Lần ấy mẹ nó đặt làm!” – Bá hộ khẳng định chắc nịch.
“- Nhưng anh. Trông tảo mọc thế kia, tức vật này ngâm dưới nước đã lâu. Riêng chuyện cháu nó ra ngoài, thì tới nay còn chưa được hai hôm.”
Nghe Vĩnh Sự nói vậy, bá hộ thẫn thờ.
Lúc này, có một tên hầu “ngứa miệng” chõ vào:
“- Dạ thưa ông. Theo tôi, chuyện này gần giống với chuyện bác Đỗ. Bác ấy mất ba hôm, thế mà còn báo tin được với hàng xóm.”
“- Bọn tôi lục tung cả đê lên rồi, giờ may mắn mới thấy được chiếc hài này. Chắc Trời rằng, mình nên tìm dưới nước đấy ông ạ!”
Bá hộ trợn mắt, ông bạt một cái thật mạnh vào mồm kẻ hầu :
“- Ngu xuẩn! Ý mi là gì? Mi trù ẻo con ta à?”
Ông Dương tức giận, trút cả gánh thịnh nộ vào người kia. Ông đá đấm túi bụi mặc cho kẻ hầu la khóc xin tha :
“- Tôi sai rồi ông ơi! Tôi sai rồi!!! A…”
Vĩnh Sự liền lên tiếng :
“- Thôi thôi được rồi anh! Tôi thấy hắn ta nói cũng một phần có lý!”
Bá hộ xoay mặt, đăm đăm nhìn vào em mình :
“- Cái gì? Chú cũng...”
“- Không! Không! Anh bình tĩnh! Nghe tôi giải thích đôi lời.”
Vĩnh Sự nhìn lên trời cao :
“- Đâu đâu cũng có chư tiên, quan thần. An là cậu bé khôi ngô, thông minh, rõ lẽ. Có thể, một vị tiên nào đấy đang dẫn cháu nó chu du sông nước thôi.”
“- Anh cứ ngẫm đến chuyện vợ chồng lò gốm ngày trước mà bình tâm lại.”
Nghe thế, bá hộ dần nhẹ lòng hơn :
“- Nhưng chú nói xem, sông Thị rộng lớn tới thế! Biết phải làm sao?”
Vị quan liền đáp:
“- Chúng ta đưa thuyền ra. Đảo nhỏ hay vùng cạn mình vẫn còn chưa suy xét. Có khả năng, chiếc hài này là dấu tích của vị tiên, ý muốn ta tìm trên sông. Khi đưa cháu nó về. An sẽ thêm khôn ngoan và xuất chúng như những câu truyện xưa tích cũ.”
Với vài lời xoa dịu, cũng phần nào có lý từ em mình, lòng bá hộ đã tạm yên, thêm niềm tin để bắt đầu một ngày tìm kiếm mới.
Họ cho những chiếc thuyền, lớn có, bé có, chạy dọc chạy xuôi trong nhánh phía bắc của sông Thị.
Sở dĩ nhiều phương tiện hiện hữu như vậy, là nhờ ông Tấn và ông Sơn hỗ trợ thêm. Hai người này cũng trong giới làm ăn lớn ở đất này. Và hơn cả, cha của họ cũng là em ruột của cha bá hộ Dương và Vĩnh Sự. Nên người trong họ có việc, ai ai đều hết mực tương trợ.
Có thể nói, huyện Loan Kỳ đây hiếm khi có cuộc tìm kiếm nào lớn và diễn ra lâu tới như vậy. Trông vào cũng thấy: gia thế của ông Dương, và nhất là tình cảm ông dành cho con mình.
…
Khi đó, ở nhà bá hộ, kẻ hầu được gọi là “thằng Súc” giờ đã hôn mê trong cũi, trên cơ thể trần của anh ta đầy những vết lở loét do da.o sắt gây nên.
Tính bà Thanh cũng thương người, phần nữa bà có chút tin tưởng vào lời kẻ hầu này nói, nên bảo thuộc hạ đừng tiếp tục giày vò anh ta, cứ chờ đợi ông chủ về hẳn tính tiếp.
Về con cả của ông Dương: Nhà đang có chuyện, nhưng Tính vẫn ung dung vào quán rượu để thỏa thê nhậu nhẹt cùng đám rách việc.
Chỗ đặt chiếu bạc ngoài đê giờ đã bị phát sạch cây cối, do vậy, bè lũ của Tính bàn nhau tìm nơi khác kín đáo mà lập sòng.
“- Nhớ lúc tao lên mười, đi lạc qua tận bên Đình Hồng, rồi tự thân về nhà, chẳng tốn công ai phải kiếm phải tìm!” – Tính vừa nói vừa nhai nhóp nhép miếng mồi.
“- Hà hà…Cậu đây là người đầu óc sáng láng từ bé, tựa hai vầng nhật nguyệt. Đâu có như thằng oắt kia, đã tóc mọc đầy đầu, còn đi quên lối về. Có khi...đang bên Bờ Đoản(1) ấy chứ.”
Tính che miệng cười thích thú:
“- Này…Này…Dù sao nó cũng là em tao. Nói như vậy, nghe được hay sao?”
“- Hà hà…Xin lỗi cậu. Tôi lỡ lời, tôi lỡ lời!”
Tính nhìn vào chung rượu, người này nở nụ cười đắc ý. Việc An mất tích hay gặp phải chuyện chẳng lành là điều Tính luôn mong muốn. Bởi chiếu theo luật thừa kế thời bấy giờ, thì quyền định đoạt phân chia tài sản cho ai đều tuỳ thuộc vào chúc thư người đứng đầu gia đình lập. Chỉ khi nào người đó đột ngột mất, mới phải căn cứ theo hình luật. Do vậy, ông Dương có thể nhượng phần hơn cho An, dẫu người này vai em, đây là điều Tính trăn trở mỗi khi nghĩ về.
“- Bác đây dùng gì ạ?” – Bà chủ quán lại gần bên một vị khách vừa vào ngồi trong bàn, cách Tính chỉ tầm vài thước.
Người này tóc búi lên cao, mặc một bộ áo tà dài sờn cũ, ông ta đặt trên bàn thanh gươm nằm gọn trong vỏ có chạm hoa văn hình rồng uốn lượn. Bên cạnh là một chiếc tay nải bằng vải vàng.
Thoạt nhìn đã đoán ra ngay, đây hẳn là vị đạo nhân từ phương xa đến.
“- Mang cho tôi một bầu rượu và một đĩa ruột gà.”
Tính là kẻ thích trêu ghẹo người khác bằng văn vẻ kém cỏi, hắn nghe thế liền đá xéo :
“- Trong Xúc Chức, người đăng tiên thì con chó trong nhà, con gà trong kho cũng đăng tiên. Đến súc vật còn biết dùng tố thực mà cảm hoá gia chủ. Ấy thế mà thân tu hành lại ăn mặn là sao?”
Vị kia chẳng nhìn Tính, chỉ mở miệng cười khẩy :
“- Tam Tạng Kinh Điển vốn không quy giới luật cấm mặn. Nhật nhật khứ hoạch hoà, thời thời không thương lẫm, câu này quả là đúng(2).”
Nghe lời vị kia nói, Tính mơ hồ, đám rách việc quanh hắn cũng chỉ lê đôi mắt nhìn nhau. Nhưng Tính vẫn giả đò hiểu, liền vỗ tay tán dương :
“- Hay! Nói hay lắm! Cao nhân! Quả là cao nhân!”
Hai tên gần đấy xì xào với nhau:
“- Ơ mà, ông này có vẻ là một đạo sĩ. Tôi vẫn thường nghe người đời rằng: Đạo sĩ rượu thịt là chuyện thường, đâu phải ăn chay nhỉ?”
“- Ừ ừ phải đó! Có những tên còn mê thú hoan lạc nữa!”
Tính cười, hắn ta ôm vò rượu bước lại gần bàn vị kia.
…
(Còn tiếp)
-----
Chú thích :
(1)Bờ Đoản là tên một nhánh cụt thuộc hệ thống sông Thị, nằm khá xa huyện Loan Kỳ về phía Tây. Nơi này chẳng ngư dân nào dám tới đánh bắt, âu cũng là vì âm khí quá nặng nề. Khi dân vùng này nhắc tới một người nào đấy bị mất tích mà sang Bờ Đoản, thì là cách nói tránh, ám chỉ người ấy đã không còn cơ may sống sót. Các phần sau, tác giả sẽ làm rõ hơn về địa danh này.
(2) Nhật nhật khứ hoạch hoà, thời thời không thương lẫm, dịch: “Ngày ngày gặt lúa trên đồng, mà kho đụn vẫn thường chẳng có gì”. Là câu trích trong những đoạn kệ đọc nhân khi đàm đạo cùng học trò của Tịnh Không Thiền Sư.
Tại trường hợp này, tác giả xin phép tạm giải nghĩa lời của vị đạo nhân kia rằng : Ám chỉ Tính là kẻ không hiểu đạo (Tam Tạng Kinh Điển) lẫn văn chương (Truyện Xúc Chức), chỉ nghe người này người nọ nói, hoặc có chăng đi học, thì cũng như cưỡi ngựa xem hoa, chứ đầu óc chẳng đọng gì hệt cái kho rỗng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro