Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

31. Pran

Một điều tôi phát hiện ra ở đất nước gần như không có người quen, đất nước có nhiệt độ thấp hơn quê hương của mình hàng chục độ, đất nước đi đâu cũng chỉ gặp gỡ những người lạ mặt, cao to, da trắng, mắt màu sáng,… chính là nó khiến tôi biết bản thân mình giỏi kìm nén cảm xúc đến mức nào.

Tôi có thể bật cười với câu chuyện hài hước của người khác, có thể trò chuyện và mỉm cười như thể mình chẳng làm sao, có thể ngủ suốt ngày và có thể ăn no để cơ thể có sức lực… Tôi có thể làm mọi việc mà một con người sẽ làm.

Dẫu cho lúc này đây, tôi chẳng còn trái tim tồn tại bên trong cơ thể đi nữa…

Kể từ khi đến sống ở đây, tôi bắt đầu có hai thói quen kỳ lạ. Thứ nhất, tôi luôn mang chiếc đồng hồ không hề cho biết thời gian của nơi mà mình đang định cư. Đã vậy mỗi lần nhớ ra đều liếc nhìn nó, trong đầu thì miên man nhớ về người đang ở bên kia bán cầu. Thứ hai, tôi trở thành thằng đàn ông dở hơi, người không tài nào ngủ nổi nếu không ôm hay sờ con thỏ bông, thứ mình từng chửi rằng đã hôi lại còn mặt ngu.

Cốc cốc.

“Pran.”

Tôi rời mắt khỏi Bé Thơm, cái tên tự luyến đến từ chủ sở hữu, trước khi đặt nó xuống cạnh chiếc gối rồi đứng dậy đi mở cửa.

“Dạ P’Pong.”

“Rita làm bánh táo tặng em. Ra ngoài ăn và ngồi trò chuyện cùng anh chút đi. Được có ngày nghỉ, sao lại ngồi ỳ trong phòng như thế.”

Người thứ ba được nhắc tên trong câu nói đó là cô gái người Anh sống ở phòng bên cạnh. Cô ấy thích nấu ăn, cho nên thường xuyên gửi tặng các món ăn hoặc đồ tráng miệng sang. Dường như là đang tập làm, do đó thỉnh thoảng bị cháy ở cạnh hoặc bột chưa chín.

“Dạ.” Tôi trả lời, đi ra chỗ sofa. Đĩa bánh táo trông ngon lành và thơm lừng được đặt trên bàn. P’Pong đưa chiếc chăn mềm sang khi tôi đã ngồi xuống ngay ngắn. Tôi lấy dao cắt một miếng, xắn ra cho vào miệng. Lần này không sai sót nữa nhỉ? Khá ngon.

“Pran.”

“Dạ.”

“Ở đây mấy tháng rồi, đã thích nghi được chưa?”

Tôi ngước mặt nhìn vào mắt anh trai, biết rõ là người kia cảm nhận được vấn đề mà tôi mang theo bên mình từ Thái Lan. Tuy nhiên P’Pong quá tốt bụng khi không hề hỏi tôi một lời nào. Dù đứa em là tôi có lầm lỳ và ít nói một cách lạ thường chăng nữa.

“Cũng tốt ạ. Bắt đầu ổn hơn rồi.”

“Thật sao?”

“Dạ. Sao vậy anh? Trông em không hạnh phúc hay sao?” Tôi bật cười, sao cho mình trông vui vẻ như lời nói.

“Ừm.” Nhưng có vẻ đối phương không giỡn cùng tôi. “Trông không hề hạnh phúc.”

“Em có làm sao đâu.”

“Anh cũng không định hỏi gì đâu, bởi lẽ thấy chính em cũng không muốn kể. Thế nhưng đã mấy tháng trôi qua rồi đó.” P’Pong điềm tĩnh nói, nhìn vào mắt tôi đầy nghiêm nghị. “Anh lo.”

“…”

“Em có vấn đề gì, có thể nói với anh đó Pran. Em cãi nhau với chú đúng không?”

“Vậy bố nói gì với P’Pong?”

“Không nói gì cả. Chỉ nhờ chăm sóc em và đừng chiều ý em quá.”

“Vậy sao…?”

“Nhưng anh nghe xong cũng đủ biết em và chú cứ gượng gạo sao đó. Từ khi sang đây đến giờ, đã gọi điện về nhà nói chuyện lần nào chưa?”

“…Có ạ.” Nhưng không phải với bố. “Mẹ gọi điện mỗi tuần một lần.”

“Vậy chú không nói chuyện sao?”

“Không nói chuyện.”

“Biết ngay! Lại bướng nữa rồi.”

“Đến mức em đã phải bướng rồi đó P’Pong…” Tôi cười. “…Vậy mà em vẫn phải sang đây sống.”

“Em bướng, nhưng bướng ngầm. Nhìn mắt em đi, có bao giờ phục tùng trước ai.”

“Với một vài chuyện, em không thể bướng được. P’Pong không biết đâu.”

Khóe miệng người đối diện mỉm cười, vươn tay ra xoa nhẹ đầu tôi. Chỉ P’Pong mới là người nhận thấy rằng mình có thể nói ra những suy nghĩ nào.

“Vậy anh không biết điều gì nào? Em phải nói chứ.”

“P’Pong nhớ Pat không?”

“Pat?” Người lớn hơn nhướng mày lên, trước khi lặng đi như thể đang lục lại ký ức trong đầu. “Con trai nhà bên cạnh, người em từng ném cành cây vào nhau qua lại ở hàng rào à?”

“Hồ… Giờ đã là thời nào rồi hả anh.”

Đối phương bật cười, gật đầu lên xuống một cách hài hước.

“Vậy thì là lúc hai đứa em cố gắng trèo cây cao hơn nhau, cho đến khi cả hai đều ngã.”

“P’Pong…”

“À, à… Ok. Tóm lại là anh nhớ. Rồi sao?” Tôi bặm môi, liếc mắt nhìn người đối diện trước khi thở dài vào lúc đối phương nhướng mày lần hai. “Hửm?”

“Thì…”

“Em sao vậy? Ấp a ấp úng.” Tôi cũng vốn định nói, nhưng khi phải mở miệng thực sự, giọng nói lại không thể nào phát ra. “Ơ, mặt mày căng thẳng quá vậy.”

“Chuyện là… em với Pat yêu nhau.”

“Yêu nhau?” P’Pong lặp lại, làm vẻ mặt khó hiểu. “Không ghét nhau hay sao?”

“Trước kia thì có.”

“Rồi?”

“Sau này thì không.”

P’Pong lặng đi, tôi cũng lặng đi, không một ai nói gì nữa. Đối phương làm vẻ mặt như thể đang suy ngẫm, cho đến khi lông mày bắt đầu nhíu chặt vào nhau hơn.

“Vậy yêu nhau theo kiểu nào?”

“Yêu là yêu thôi anh. Nếu là bạn bè, chắc em sẽ không dùng từ này đâu.”

“Ok, anh hiểu vấn đề rồi. Đây là chuyện mà em cãi nhau với chú đúng không?”

Tôi gật đầu, không có ý định dùng ngôn từ để giải thích gì thêm.

P’Pong là phía thở dài, tựa lưng vào ghế, giơ tay lên xoa bóp thái dương. Đã thấy chuyện này nặng lòng đến mức nào chưa? Còn mỉm cười được như vậy, tôi đã giỏi lắm rồi.

“Vậy nói chuyện thế nào với Pat?”

“Lần cuối cùng nói chuyện, chỉ nói lời từ biệt thôi.”

“Há? Chia tay rồi sao?”

“Không có nói rõ ra, nhưng chắc là vậy đó.” Tôi cất lời, cụp mắt xuống bởi vì nghĩ rằng chắc hẳn mắt mình đã bắt đầu đỏ lên rồi.

“Vậy em ổn không?”

“Cũng ổn ạ.”

“Ổn thì khóc làm gì?”

Tôi đưa tay lên, quẹt vào dưới mắt. Phát hiện nước mắt mình vẫn cố chảy ra bằng được.

“Em…”

“Đừng chối là không có. Bằng chứng rành rành kiểu này.” Những chuyện như vậy, P’Pong đều biết rõ nhỉ?

“Không định nói là không có, mà muốn nói là không sao mới đúng.” Tôi gạt nước mắt rồi bật cười. “Với lại chuyện cũng qua rồi.”

“Qua đi rồi thật sao?”

“Chính xác là em không hề muốn để nó qua đi.”

P’Pong nhìn mặt tôi, chúng tôi nhìn vào mắt nhau và tôi là người né tránh trước. Thực sự không muốn khóc nhè giống con nít kiểu này.

“Pran…” Đối phương gọi tên tôi, đặt cái chạm ấm áp xuống vai. “Khóc cũng được, anh không ý kiến gì đâu.”

“Không sao ạ.” Tôi lắc đầu, lau đi tất cả nước mắt. “Em chỉ không hiểu là tại sao người lớn lại phải ghét nhau đến vậy.”

“…”

“Ít nhất thì em sẽ chẳng phải ngu ngốc như này.”

“Chuyện này xảy ra ngay cả trước khi Pran ra đời.” P’Pong nói bằng chất giọng nhẹ nhàng, cử chỉ day dứt như thể vừa muốn nói lại vừa không muốn nói.

Tôi cau mày, nhìn vào mắt P’Pong. Cảm thấy tim đập nhanh một cách kỳ lạ.

“P’Pong biết sao…? Biết chuyện sao?” Biết những điều mà tôi chưa từng biết.

“Anh… cũng có biết.” Người trước mặt hé miệng, tránh ánh mắt của tôi. “Biết từ bố mẹ anh.”

“P’Pong.” Tôi gọi tên anh ấy, dịch người lại gần, lay nhẹ tay áo. “Nói đi, kể hết cho em nghe đi.”

“Nhưng chuyện này…”

“Ít nhất cũng cho em biết rằng mình phải chịu những điều này vì điều gì đi.”

Đối phương im lặng khi tôi xen vào dù anh ấy còn chưa nói hết câu. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau và P’Pong là phía thở dài, chịu thua trước.

“Thật ra chuyện này liên quan đến việc kinh doanh.”

Tôi nghiêm túc gật đầu khi P’Pong bắt đầu hé miệng. Nhìn vào mắt đối phương và tập trung lắng nghe anh ấy kể.

“Anh cũng không biết cụ thể đâu nhé. Chỉ biết là phía nhà đó đã kinh doanh thầu xây dựng từ đời ông nội rồi. Thời đó họ là công ty ở vị thế hàng đầu, chỉ nhận toàn những dự án lớn. Thuở mới chuyển nhà đến ở cạnh nhau, hai bên đều chẳng biết ai là ai. Biết rằng kinh doanh cùng một lĩnh vực cũng là lúc thấy mặt nhau. Khi đó bắt đầu hằn học, cùng cạnh tranh một vụ thầu cũng dần dần dẫn đến việc lời qua tiếng lại. Đặc biệt là về sau nhà em thắng thầu, thu được mọi dự án thì lớn chuyện.”

“Chúng ta giành lấy dự án của họ sao P’Pong…?”

P’Pong lắc đầu.

“Kinh doanh là vậy, Pran. Trong trò chơi kinh doanh, ai là cao thủ, có vốn liếng, có chống lưng tốt thì sống sót.”

“…Rồi sao nữa?”

P’Pong thở dài lần nữa, khóe miệng mỉm cười rồi chậm rãi lắc đầu.

“Anh chỉ biết đến đây thôi. Đúng sai thế nào thì không chắc. Có lẽ em phải tự hỏi chú.”

“Ừm…” Tôi khẽ đáp lời, cúi mặt nhìn bàn tay mình.

“…Yêu cậu ấy nhiều lắm sao?”

“Nhiều chứ.” Tôi trả lời, hình ảnh của người mình đang nhớ đến bỗng lóe lên nơi tròng mắt. Nỗi nhớ bao trùm lấy con tim, muốn nghe thấy giọng, muốn nhìn thấy mặt… Thật sự rất muốn được chạm lấy. “Nhiều hơn những gì em đã từng nghĩ.”

“Vậy tại sao lại từ bỏ? Bình thường em không phải kiểu người nhún nhường.”

“Vậy nên em mới nói có vài chuyện không thể cứng đầu cứng cổ được. Chuyện này quá lớn, gây ảnh hưởng đến nhiều phía.”

“Vậy bên kia cũng từ bỏ sao? Theo như những gì anh nhớ, cậu ấy cũng nóng tính không kém gì.”

“Lần cuối cùng, nó gọi điện rủ em cùng bỏ nhà, trốn đi.”

“Thật à?”

“Không phải chuyện hài đâu anh.” Tôi cau mày, liếc mắt nhìn người đang mắc cười dù có hơi bất ngờ. “Dẫu nó có nóng tính và thiếu suy nghĩ đến mấy, thì ai mà ngờ được… khi đó người luôn lý trí như em lại vô cùng muốn đánh liều cùng nó.”

“Rồi tại sao em không đi?”

“Nếu chuyện dễ dàng như vậy thì tốt rồi. Anh cũng biết mà.”

“Biết chứ, anh biết chính xác những gì em nghĩ.” P’Pong đặt tay lên đầu tôi. Nước mắt của tôi bắt đầu trào ra lần nữa, bởi từ tiếp theo thốt ra từ miệng của người trước mặt. “Con ngoan.”

Tôi lắc đầu, nụ cười vẫn dán trên gương mặt, để đối phương xoa đầu mình trong lúc lí nhí rằng…

“Làm con ngoan chẳng thấy hạnh phúc gì cả.”

.

Mỗi tối sau khi làm xong những việc lặt vặt, tôi sẽ thường ngồi tựa vào đầu giường, lấy gối kê lên đùi rồi mở laptop, lướt xem cái này cái kia để cập nhật. Không phải vì không ngủ được mà là muốn biết về tình hình của người nào đó. Nếu thực sự có thể xem được ai là người đã xem Facebook của bạn nhiều nhất, đối với profile của Pat, chắc tên tôi sẽ xếp hạng 1 những người ghé vào thường xuyên nhất trong một ngày. Tấm ảnh đính hôn vừa qua vẫn có thể nhìn thấy trên dòng thời gian. Xem bao nhiêu lần đi nữa vẫn chạnh lòng, dẫu biết rằng nụ cười của người quen thuộc trong bức hình đó khác với mọi khi đến mức nào. Thời gian ở bên nhau tính bằng chục năm, không thể nào mà không nhìn ra được.

Tôi lướt xem cho đến bức hình đứa em gái duy nhất của nó tag vào. Mái tóc ngắn đi khi đó đã dài ra hơn trước một chút. Nó đang cặm cụi đọc gì đó với dáng vẻ nghiêm túc, vẻ mặt này tôi hiếm khi được nhìn thấy nó xuất hiện trước mắt mình. Nỗi nhớ lần nữa trào dâng, tôi chạm đầu ngón tay lên màn hình, vuốt thật nhẹ dọc theo cấu trúc gương mặt… Thứ mà tôi thực sự đã không thể nhìn thấy bằng mắt mình suốt nhiều tháng trời.

Chỉ nghĩ đến việc người kia sẽ ôm, sẽ hôn ai đó thay vì mình, tôi bỗng chợt cảm thấy lồng ngực thắt lại. Nghĩ mà muốn chiếc gối đang đặt trên đùi mình lúc này là đầu của đối phương. Muốn đồng hồ của dòng đời quay ngược trở lại lần nữa, để có thể nằm nhìn vào mắt nhau và ghì chặt cơ thể của người đối diện vào vòng tay, hít thở và chạm vào da thịt của người kia như đã từng làm.

Tôi kìm nén những giọt nước mắt sắp chảy xuống, lúc tiếng thông báo vang lên cùng tên ‘Pha’ xuất hiện trong hộp trò chuyện bên dưới.

Pha Napapha: P’Pran vẫn chưa ngủ sao ạ?

Tôi mỉm cười, chỉ nghĩ đến việc được nói chuyện cùng người gần gũi với nó, tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn rồi. Lâu lâu mới có cơ hội nói chuyện với Pha bởi vì lệch múi giờ. Nếu có cơ hội thì cũng chỉ vào ngày không phải đã gần sáng thế này.

Parakul S: Chưa, một lúc nữa.

Pha Napapha: Nhưng bên đó gần sáng rồi không phải sao?

Parakul S: Anh vẫn chưa buồn ngủ. Pha dạo này có khỏe không?

Pha Napapha: Khỏe ạ. P’Pran cũng khỏe chứ?

Parakul S: Anh vẫn vậy.

Sau câu trả lời của tôi, bên dưới hiện lên như thể Pha đang gõ gì đó. Được một lúc thì biến mất, một lúc sau lại hiện lên. Dường như người kia đang gõ rồi lại xóa rất nhiều lần. Vì vậy nó khiến tôi phải là phía tự mình gõ.

Parakul S: Nó…

Parakul S: có khỏe không?

Pha Napapha: Chắc là khỏe như P’Pran khỏe đó ạ.

Pha Napapha: Trông có vẻ là cùng một kiểu.

Tôi bật cười vì lời đáp từ cô em gái tinh nghịch, biết cách nói đùa không khác gì anh trai.

Parakul S: Nói chuyện giỏi quá nhỉ?

Pha Napapha: P’Pran không nhớ P’Pat sao?

Parakul S: Nhớ chứ.

Parakul S: Sao mà không nhớ chứ.

Pha Napapha: Vậy P’Pran sẽ không quay về sao?

Có vẻ như khi tôi lên tiếng nói thẳng ra, Pha cũng không vòng vo nữa. Từ việc hết gõ rồi lại xóa một lúc lâu, tin nhắn xuất hiện liên tiếp một cách nhanh chóng.

Pha Napapha: Pha tội nghiệp P’Pat.

Pha Napapha: P’Pat trông không ổn chút nào. Bề ngoài thì trông vẫn ổn, nhưng bên trong có lẽ đã vỡ vụn hết rồi.

Pha Napapha: Cả P’Pran cũng không khác gì đúng không ạ…

Parakul S: Anh ổn. Nhờ em chăm sóc cho Pat nhé.

Pha Napapha: P’Pran cứng miệng không thay đổi chút nào luôn ạ. Trong lúc nói chuyện với nhau, dù anh có khóc, chắc Pha cũng không biết.

Tôi đọc hết dòng tin nhắn của em ấy, hít sâu một hơi nhằm không để nó xảy ra theo đúng những gì đối phương nói. Có đôi lần, bản thân tôi cũng ghét sự cứng miệng của mình.

Parakul S: Anh ngủ trước nhé Pha.

Parakul S: Anh nhờ Pha chăm sóc Pat nhé.

Pha Napapha: Ngủ ngon nhé P’Pran. P’Pran cũng chăm sóc bản thân nhé.

Đọc xong tôi liền gập màn hình laptop xuống mà không trả lời lại gì nữa. Tôi ngước mặt, tựa đầu vào thành giường rồi nhìn chằm chằm vào trần nhà màu trắng một cách vô hồn như thế. Để cho những suy nghĩ trong đầu trôi đi và biến mất. Song xem xét lại những cảm xúc của chính mình.

Dù đã trôi qua lâu đến mấy chăng nữa, tình cảm tôi dành cho Pat vẫn chưa từng nguôi ngoai.

.

Chuyện kỳ lạ nhất trong năm vừa diễn ra trước mặt. Tôi cau mày, bặm môi thật chặt vì áp lực khi P’Pong đặt điện thoại vào tay, ném nó lại cho tôi cùng một câu nói ‘chú gọi điện’.

Tôi nhìn chằm nó một hồi. Cho đến khi bình tâm hơn mới áp nó vào bên tai và hé miệng…

“Dạ.”

[Pran.] Giọng nói ấy vẫn nghe như ngày xưa, không khác gì mấy so với lần gần nhất tôi được nghe.

“Dạ.”

[Thế nào rồi? Đã lâu không nói chuyện.]

Lông mày tôi nhíu chặt hơn khi nghe thấy câu nói mà mình không nghĩ rằng bố sẽ nói. Thậm chí còn nghĩ rằng có lẽ đối phương không đơn thuần gọi điện chỉ để hỏi thăm những chuyện này.

“Cũng khỏe ạ… Bố khỏe không?”

[Ừm… khỏe.]

“Vậy sao ạ…”

Kết thúc câu trả lời của tôi, cả hai đều im lặng. Mặc dù đã mấy tháng không trò chuyện, vậy mà khi có cơ hội, chúng tôi lại chẳng biết phải nói gì. Sự ngột ngạt truyền qua cuộc gọi, tôi ghì chặt nắm đấm và xoay ngón cái qua lại một cách bồn chồn, cố suy nghĩ để tìm lời nói tiếp. Tuy nhiên bố cũng lên tiếng trước.

[Hôm trước bố gặp Pat.]

“…”

[Chuyện công việc.]

“Vậy sao ạ…” Tôi mím chặt môi. Không hiểu tại sao bố lại nhắc đến chuyện này.

[Dạo này cậu ta hay đến, đến để đưa ra lời đề nghị hợp tác.] Tôi nghe thấy tiếng cười trong cổ họng len lỏi vào tai. [Người con thì cũng ổn áp đó. Nhưng khi nghĩ đến bố nó thì vẫn không chắc cho lắm.]

“Dạ.”

[Nhưng trông trưởng thành hơn nhiều. Nói chuyện biết điều, không giống như những gì bố từng nghĩ.]

“…”

[Giờ mới biết cái thằng cà chớn nhà bên cũng làm việc rất tốt.]

“…Dạ.” Tôi khẽ trả lời, lặp đi lặp lại cùng một từ. Đang do dự việc có nên hé miệng hỏi về điều mình nghĩ trong lòng hay không. Tôi đã lấn cấn từ hôm qua. Nhưng khi cuộc trò chuyện bị gián đoạn quá lâu, tôi cũng quyết định nói.

“Bố.”

[Sao vậy?]

“Con hỏi bố điều này được không?”

[Điều gì?]

“Bố kể chuyện nhà ta với nhà Pat được không?”

[Con muốn biết làm gì? Không cần thiết phải nghe cho chướng tai đâu. Loại chuyện đó, bố cũng không muốn nhắc đến lắm đâu.]

“Bố định không để con biết, mặc dù nó ảnh hưởng đến con gần như tất cả mọi thứ sao?” Tôi hít một hơi đầy phổi. “Mặc dù đó là lý do chính khiến con phải sang đây sống không đúng sao ạ?”

Lời tôi vừa dứt, bố cũng lặng đi. Trôi qua 10 phút không có tiếng trả lời, thế nhưng tôi vẫn sẵn lòng chờ đợi… chờ đợi mà không hề có bất cứ thái độ chống đối nào. Để ông ấy có thể yên tĩnh suy nghĩ.

[P&P là công ty thầu xây dựng vô cùng nổi tiếng vào thời đó.] Không quá lâu so với sức chịu đựng, bố cũng bắt đầu nói. [Có thể nói mọi dự án lớn hầu như là do một tay công ty đó làm nên. Có lẽ bởi vì nhận khá nhiều dự án cho các chính trị gia. Có người chống lưng và vốn liếng cũng đủ nhiều. Lúc bố vừa mới thành lập công ty và biết rằng nhà hàng xóm là chủ sở hữu P&P… còn nghĩ việc này quá tình cờ. Thời gian đầu cũng thường xuyên chia sẻ cùng nhau, thảo luận, trao đổi mỗi lần có dịp. Tuy nhiên khi bố thực sự tiếp xúc, mới biết rằng họ cũng có khá nhiều điểm yếu. Đặc biệt vào thời điểm kinh tế biến động, phát sinh bong bóng kinh tế, bên kia liền không kịp xoay tiền. Đến một lúc cũng mất dạng khỏi danh sách các nhà thầu.]

“Rồi tất cả các dự án đều thuộc về gia đình ta sao…?”

“Bố Pat ấy ạ?” Tôi nhíu mày, không thể tưởng tượng được cảnh đó. “Sang vay mượn nhà mình?”

[Phải, mượn hàng triệu baht.] Giọng bố trầm hơn, nghe như không mấy hài lòng. [Trong một nền kinh tế như vậy, ai mà cho mượn được? Đến cả họ hàng của ông ta cũng không cho cơ mà. Đã vậy còn chẳng thân thiết là bao, cũng không có gì đảm bảo được. Hơn nữa, bong bóng kinh tế cũng khiến gia đình ta điêu đứng không khác gì. Phải chấp nhận thầu các dự án không được lời lãi gì, ‘róc thịt’ bản thân trước để nhắm thâu tóm được các dự án sau đó. Bấp bênh như nhau cả, đào đâu ra tiền để mà cho mượn?]

“Vậy tại sao bố phải ghét…”

[Bố không phải là người khơi mào.]

“…”

[Bởi vì kẻ thua cuộc không chấp nhận rằng bản thân thua cuộc, đã vậy còn đổ lỗi cho nhà ta… Vậy thì khác gì với một con chó không chấp nhận sự thật?]

Tôi mím môi, nuốt nước bọt. Giọng của bố nghe có vẻ hung dữ và nghiêm nghị hơn bao giờ hết.

[Khi tiền không có, việc cũng không có… Từ việc từng là doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu, đến vay mượn tiền nhưng chúng ta không có, liền quay sang chửi bới. Vẫn còn rất nhiều cách, nhưng cách giải quyết mà nó chọn là sai người đến quậy phá. Với lại còn vạch trần công ty ta kinh doanh phạm pháp, làm chuyện bẩn thỉu, không trung thực, khiến công ty đàng hoàng phải phá sản.]

Nghe xong tôi liền thấy đau đầu. Tôi nhanh chóng phân tích những điều bản thân được nghe tóm gọn. Căng thẳng dữ dội hơn khi nắm bắt được tầm nghiêm trọng của vấn đề.

“Người ta vạch trần chúng ta… trong khi họ cũng làm vậy sao ạ?”

[Đúng.] Bố cười trong cổ họng. [Ngành này là vậy đó Pran. Không hề có con đường nào trải sẵn thảm đỏ, chờ chúng ta bước đi một cách thư thả đâu con à. Cho đến khi bố gầy dựng được cơ ngơi này, bố đã phải mất mát rất nhiều. Giờ con đã hiểu là chuyện xảy ra giữa nhà ta và nhà đó, nghiêm trọng đến mức không thể khiến nó tốt đẹp trở lại chưa?]

“Vậy bố tha thứ cho nhà đó… tha thứ cho Pat được không?”

[Ghét nhau đến mức này, bảo quay lại hòa thuận chắc không được đâu.]

“…”

[Nếu bên đó không đến quấy phá, có lẽ bố chẳng gây gổ gì trước đâu. Ai bảo chúng nó động tay động chân trước chứ.] Bố thở dài. [Nhưng mà thôi… Thời gian qua đã quá tệ hại rồi, bây giờ chắc bố chỉ có thể không nhúng tay vào can thiệp.]

“Bố…”

[Sao vậy?]

“Mệt không ạ?”

[Mệt chứ.]

“Con xin lỗi.”

[…Nếu con cảm thấy có lỗi vì điều gì đó, bố xin con quay lại làm đứa con trai ngày xưa của bố được không?]

“Con vẫn luôn là đứa con trai ngày xưa của bố mà.”

[Chuyện từng sai lầm, hãy quên nó đi. Bắt đầu lại, sống cuộc sống như những người bình thường khác.]

Tôi bắt đầu nhận ra rằng bố đang nhắc đến chuyện của mình và Pat. Vào thời khắc ấy, dường như có một cục đắng mắc kẹt ở cổ họng tôi.

“Con chưa từng nghĩ rằng bản thân bất thường ạ.”

[Bố không hiểu nổi. Con chưa bao giờ hành động như vậy.]

“Con cũng không hiểu nổi.”

[Nếu vậy thì không cần phải cố để hiểu nó đâu. Cứ quên nó đi. Con còn trẻ lắm Pran, cả Pat cũng vậy.]

“Chuyện này không phải vì tuổi tác đâu bố. Dù bao lâu trôi qua đi nữa, con chắc chắn rằng mình sẽ chẳng khinh thường tình cảm của bản thân, rằng nó chỉ là một chuyện nực cười thời còn trẻ đâu ạ.” Tôi mím môi, cố gắng kìm nén những giọt nước mắt đang rươm rướm và chuẩn bị tuôn trào.

“Con xin lỗi… vì không thể ép buộc trái tim mình.”

[…]

“…”

Tôi vừa dứt lời, cuộc trò chuyện cũng ngừng lại. Không một ai nói thêm gì nữa, im lặng đến mức có thể nghe thấy tiếng thở của đối phương. Cho đến khi bố là người lên tiếng trước.

[Pran.]

“Dạ bố.”

[Con có hạnh phúc không?]

Tôi cảm thấy ngạc nhiên với câu hỏi bất chợt đó. Mặc dù đó là một câu hỏi đơn giản, nhưng tôi phải ngừng lại suy nghĩ mất nhiều phút. Để rồi cuối cùng chỉ có thể trả lời bằng một câu hỏi.

“…Vậy bố có muốn con hạnh phúc không ạ?”

[…] Đầu dây bên kia im lặng một hồi. Tôi nới lỏng bàn tay đang ghì chặt của mình, thở ra thật chậm rãi và nhẹ nhàng.

[Con nghỉ ngơi đi. Để khi khác nói chuyện. Chăm sóc bản thân thật tốt, đừng bướng với P’Pong đó.]

“Dạ, bố cũng vậy.”

[…Bố muốn Pran được hạnh phúc.] (Câu này chỉnh size bự như bánh xe bò để ghi lại khoảnh khắc lịch sử nha)

Dứt lời, bố liền cúp máy. Bỏ lại tôi với thứ cảm xúc gì đó… Không chắc chắn rốt cuộc nó là niềm vui hay nỗi buồn. Bởi lẽ sức nóng và sự mờ đi đang phát sinh nơi tròng mắt, nó khiến tôi không thể nghĩ được gì.

Tôi liếc nhìn đồng hồ trên cổ tay của mình, lúc phát hiện ra rằng đây là thời gian mà mình có thể gọi điện, tôi liền cầm điện thoại lên lần nữa. Tôi bấm số của người mà dù có trôi qua bao lâu, tôi cũng chưa từng quên. Tôi quét mắt nhìn thật chậm rồi hạ quyết tâm nhấn gọi điện, cùng với một trái tim càng lúc càng đập mạnh một cách đáng lo ngại. Ngồi nghe âm thanh tín hiệu không ngừng vang lên.

Nhưng dù là vậy… đầu dây bên kia cũng không nghe máy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro