Mở Đầu
- Nếu tao quay lại được lúc đó, chắc chắn, tao sẽ thay đổi hiện tại này.
- Nhưng mày vẫn chưa giải quyết hết mấy cái " nghịch lý " (1)
- Mày biết tại sao lại có nghịch lý không?
- Sao?!
- Nghịch lý được tạo ra từ các nhà khoa học đã chịu đầu hàng cùng với câu nói : Họ sẽ không bao giờ có thể tạo ra được một cỗ máy thời gian.
Vì họ đều những kẻ ích kỷ, họ không thể nào chấp nhận việc một người khác tiếp tục tạo ra một cỗ máy thời gian trong khi họ đã chịu đầu hàng. Vậy nên các nghịch lý ra đời để ngăn những người còn lại tiếp tục làm chuyện mà họ tin là không thể đó. Thật quá ích kỷ. Khoảng thời gian họ dùng để nghĩ cách giải quyết các nghịch lý đó có lẽ đã dư dả để tìm ra cách tạo nên một cỗ máy thời gian.
- Vậy chuyện mày quay về và thay đổi quá khứ là không ích kỷ chắc?!
- Thì tao là người ích kỷ mà!
***•***
*Lần đầu tiên tôi gặp em*
Tôi vẫn nhớ rõ đó là một chuyến xe dài hơn sáu mươi bảy cây số. Đủ dài cho một giấc ngủ, đủ dài để nghe hết một nửa số bài hát trong máy mp3 của tôi, đủ dài để tôi cảm thấy chán ghét sự chậm chạp của thời gian.
Nhưng quá ngắn ngủi khi tôi ngồi cạnh em.
Hè của tôi là tiền học phí của tôi, từ năm lớp 8 đã như vậy rồi. Tôi không muốn nói gì nhiều về hoàn cảnh của tôi.
Sau hơn 9 tháng trong trường, học các kiến thức cơ bản để kiếm tiền thì 3 tháng hè là thời gian thực tập cho chuyện đó. Tất nhiên nếu nhà tôi khá giả như bọn ngồi ở hàng ghế cuối kia thì 3 tháng hè là thời khắc để tiêu tiền và sống như những vị hoàng gia. Tôi không quan tâm bọn chúng lắm.
Sau khi đưa vé cho tên lơ xe trạc tuổi hoặc nhỉnh hơn vài tuổi với tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt dù xe vẫn còn khá vắng. Và rồi một ý định điên rồ đối với những ánh nhìn phía sau lưng tôi hiển nhiên nảy ra. Tôi không quan tâm bọn chúng lắm.
Tôi liếc lên tấm rèm che cửa màu trắng ( đấy là lúc nó còn mới ) đã cũ mèm bốc mùi mốc meo như xác chết con thằn lằn, sau vài giây quan sát tấm rèm tôi nhóm người kéo toạc nó ra.
Mặt trời mùa hè lập tức giận dữ phả hơi thở vào nửa khuôn mặt tôi đang nghiêng vào thành cửa xe, không quá chói mắt nhưng khá nóng.
Xe thì chỉ vừa khởi động, điều này như thể có một vị thần nào đó đang quạt thêm vào mặt trời và phải mất khá lâu nữa mới đến giờ rời bến. Âm thanh, nắng nóng, mùi xe buýt khiến tôi muốn nôn mửa.
Tôi không ghét nắng chỉ vì mấy tia UV cường độ cao. Nhưng nếu nắng không nóng thì tôi mới thích chúng được. Còn bây giờ tôi vẫn không thể thấy thích nắng được.
Kéo màn che lại thì lại thấy ngột ngạt trở lại thôi.
Vậy nên, bây giờ, hơn bất kỳ ai khác, tôi mong có một ngọn gió thổi ngang qua đây.
Chiếc xe đang nhích nhẹ từng inch một, tài xế đang đợi lệnh từ người phát thanh bên trong.
Chiếc xe vòng một đường vòng cung lượn theo bến xe để ra cổng.
Mặt trời đã nguôi giận dỗi.
Những cơn gió cũng bắt đầu chạm đến cánh mũi tôi sau lệnh khởi hành của nữ phát thanh với giọng nói nhẹ nhàng như những cơn gió này vậy.
Vẫn còn trong thị trấn nên cảnh quan chỉ toàn nhà cửa, hàng quán với dây điện, và tôi không thích nhìn chúng mà chỉ thích ngắm dòng người bị tôi bỏ lại phía sau.
Cảm giác bị bỏ rơi có thú vị không?
Họ có biết tôi đang nghĩ gì không?
Họ không quan tâm lắm!
Tôi quay vào nhìn quanh trong xe, chỉ còn một vài ghế trống thôi.
Theo kinh nghiệm thực tế thì bây giờ sẽ có một vài người hỏi về việc mất bao lâu để tới nơi. Và hiếm lắm tài xế mới trả lời câu hỏi đó, lơ xe nhanh miệng hơn sẽ nói : Còn lâu lắm.
Nhưng đó không phải là câu trả lời cần thiết cho người muốn biết chính xác thời gian để nhắn lại người đang chờ đón họ ở cuối chuyến đi này.
Và thường thì sẽ có một ai đó nhận ra được vấn đề này như tôi sẽ trả lời chính xác câu hỏi đó. Chắc chắn người đó không phải là tôi.
Xe sẽ dừng lại ở trạm ngay phía đằng kia, một quán nước nhỏ nằm ngay sát mép đường. Và tôi sẽ nghỉ chân ở đây khoảng vài phút để người bán hàng mời mọc, nài nỉ, ép buộc tôi phải mua thứ gì đó ngay tại ghế. Tất nhiên tôi sẽ không bao giờ mua bất kỳ thứ gì ở chỗ này hết, vì giá gần gấp đôi.
Và kinh nghiệm của tôi là hãy thủ sẵn một chai nước, uống nó chậm rãi khi người bán hàng bước lên xe cho đến khi nào họ rời khỏi, như thế theo tâm lý học thì người ta sẽ ít giao tiếp với bạn hơn khi bạn đang thực hiện một hành vi mang tính chất riêng biệt và dễ bị xáo động này. Nếu bị hỏi tiếp bạn chỉ cần ực một ngụm lớn và lắc tay lia lịa, họ sẽ buôn tha bạn.
Còn nếu bạn dư dả như bọn ngồi ở hàng ghế cuối kia, tôi không quan tâm bọn chúng lắm, thì hãy mua cái gì đó bạn cần để giúp thím ấy và gia đình có thể sống qua ngày.
Vậy là chiếc hộp sắt hình chữ nhật có vài cái cửa sổ nhỏ tiếp tục hành trình đến nơi thuộc về chúng, đoạn đường đã vắng vẻ hơn rồi vì giờ này nếu không có việc gì bận rộn thì người ta sẽ ở trong nhà và bật ti vi xem cùng gia đình chứ chẳng ai muốn dạo phố dưới cái nóng muốn thiêu đốt từng tế bào này.
Tôi bắt đầu lượn mắt nhìn khung cảnh phía dưới cửa sổ, cánh đồng lúa vẫn còn xanh đang đón nhận những tia nắng từ mặt trời như một bộ lạc khô cằn đang vươn tay đón nhận cơn mưa từ trên thiên đàng. Tôi cảm thấy không khí giữa đám lúa đang nhả ô xi kia mới dễ chịu làm sao.
Và rồi lại thêm một suy nghĩ điên rồ hiện ra, nếu như ở đấy, ở giữa đồng ruộng kia có hai cái cây lớn mọc cách nhau một khoảng cách đủ để mắc một chiếc võng, tôi sẽ ra đấy nằm đu đưa hết cả mùa hè. Điên rồ ở đây là tôi bỏ cả mùa hè và tiền học phí chỉ để đu đưa trên chiếc võng giữa một cánh đồng bát ngát. Thật điên rồ.
Trạm dừng tiếp theo đang ngay trước mặt tôi, nhưng tôi chả buồn nhìn nó. Cho đến khi tôi bị mất hết khá niệm về vạn vật.
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc đó, như có một chú chim nhỏ đang đập cánh trong lòng ngực trái của tôi. Nó muốn phá tung mấy cái xương sườn để vọt ra ngoài kia. Nơi em đang ngồi thẩn thơ nhìn xuống bàn chân của mình.
Lúc đó tôi chỉ thấy mỗi mình em đang ngồi trên một khoảng không của một hành tinh đã mất đi sự sống hàng triệu năm. Chỉ có mỗi mình em là hữu hình ngay lúc ấy.
Tiếng còi xe buýt đã mang vạn vật trở lại, nhưng tôi chẳng mấy quan tâm chúng.
Em ngẩng đầu đưa mắt về hướng tôi khi nghe tiếng còi xe buýt, tất nhiên tôi biết tôi đang nằm trong điểm mù nơi mắt em.
Từng cử chỉ nhỏ của em, tôi đều chăm chú ghi nhớ hết, không để sót một phần giây nào.
Em tiến đến cửa xe, người hơi cuối xuống vì cái va li màu biển kia có vẻ khá nặng nề.
Tên lơ xe nhanh nhẩu nắm lấy tay em và cái va li màu biển.
Không hiểu sao tôi thấy khó chịu với hành động đó, giống hệt cảm giác lúc cái thằng béo phì giựt lấy con rô bốt của tôi ở mẫu giáo vậy.
Dáng người em và những vợn tóc màu nâu sẫm cứ lúc ẩn, lúc hiện sau mấy cái đầu người kia.
Em tiến đến gần tôi hơn, nhìn quanh những chỗ đã có người trong xe tìm một chỗ trống cho riêng mình.
Tôi cũng liếc quanh chiếc xe như muốn tìm giúp em.
Cảm giác đó ư?
Ùm, giống như trúng số vậy.
Có lẽ hơi quá nhưng đúng là cảm giác đó, khi mà em tiến đến càng lúc càng gần hơn với tôi.
Khoảng khắc đó đã làm tôi tin vào hai chữ : Định Mệnh.
Tôi ngạc nhiên rồi mừng thầm khi trên tay em lúc này là cuốn "Lược Sử Thời Gian" đang mở ở trang 32.
Tôi thích khuôn mặt ấy của em, khi em nhăn nhó, nghiền ngẫm những câu từ khó hiểu đó.
" Trọng trường của một thiên hà sẽ không đủ lớn để có một hậu quả đáng kể. "
Thật khó hiểu đúng không?
Nhưng tôi nghĩ câu đấy quả thật rất thâm sâu nếu đặt vào trường hợp này:
Trọng trường của một chuyến xe dài 67 km sẽ không đủ để gây ra một hậu quả cho riêng hai ta.
Nhưng những lời độc thoại nội tâm này của tôi sẽ chẳng bao giờ có thể đến với em. Trừ khi em có khả năng đọc được sóng não của tôi. Nhưng chuyện đó là phi lý.
Tôi vẫn cứ lén nhìn em với khoảng cách đủ gần, đủ để hai thiên hà có thể ôm lấy nhau.
Còn em thì vẫn mải mê trong thiên hà của riêng em, nghiền ngẫm, tưởng tượng về những gì Hawking đang cố miêu tả mà quên mất đi sự tồn tại hiển nhiên này của tôi.
Trong giây phút đó tôi tự nghĩ rằng "Tôi là kẻ vô hình, là vật chất tối trong thiên hà của em."
Thế mà tôi chẳng mấy khó chịu với sự thờ ơ đó, trái lại tôi lại thích cảm giác đó vô cùng.
Tôi và cô ấy bắt đầu bị thuyết vạn vật hấp dẫn của Newton cùng lực ly tâm kéo về hướng cửa sổ xe buýt.
Cú chạm vai thứ nhất.
Chiếc xe đang xoay quanh cái bùng binh, một cô gái mặc chiếc áo dài chụm tay nâng đỡ chú bồ câu trắng đang sảy cánh dài như muốn tung bay giữa bầu trời. Nhưng nó chẳng bay đi đâu cả, vì nó cùng cô gái kia là một bức tượng tĩnh lặng và vô hồn. Tôi nghĩ người nghệ nhân điêu khắc đã thất bại.
Chiếc xe chuyển hướng đột ngột khiến mọi người chao đảo ngã nghiêng về bên trái.
Một vài tiếng than thở, nhí nhíu từ phía sau.
Tôi không quan tâm bọn chúng lắm.
Và tất nhiên, đúng theo suy nghĩ của tôi em đã nghiêng về phía tôi một cách không có tự chủ.
Đấy là lần đầu tiên tôi biết cảm giác vai kề vai là như thế nào.
Rất nhanh sau đó chiếc xe đã qua khỏi cái bùng binh và bỏ nó lại phía sau. Mọi thứ bắt đầu ổn định lại, vai tôi và vai em cũng trở về đúng khoảng cách cũ.
Xe đã xoay chiều ngược lại, mặt trời mùa hè một lần nữa giận dữ phả hơi vào tôi, và em cũng bị vạ lây.
Tôi liếc nhìn nửa khuôn mặt đang phát sáng dưới ánh mặt trời. Mắt em nheo nheo lại, rồi bàn tay nhỏ nhắn và hoàn hảo như được tạc ra từ một nghệ nhân bậc cao, ngón tay, bàn tay, cổ tay, khủy tay tất cả bắt đầu chuyển động.
E
m với ra sau cổ kéo cái nón của chiếc áo khoác màu da cam lên che chắn những tia nắng ngoài cửa sổ.
Tôi nhận ra mình cần phải làm gì đó để che chở em ngay lúc này, nhưng phải làm em không thể biết được rằng tôi đang che chở em.
Tôi không muốn em cảm thấy khó chịu.
Trước mặt em tôi tự ti về mọi thứ thuộc về tôi.
Vậy là tôi vờ đặt tay mình trên thành cửa sổ, cố ý kéo cái rèm cửa chắn ngang hướng ánh nắng che chở cho riêng em. Và tôi thì nhận hết cơn giận dữ của mặt trời.
Bây giờ tôi bắt đầu không ghét nắng nữa, và không quan tâm nó nữa.
Xe đã đi đến một thành phố khác nào đó, tôi chẳng bao giờ để tâm đến tên các thị trấn hay thành phố mà tôi đi qua. Tôi chỉ biết mình sẽ đi đến đâu thôi. Một kiểu vô tâm có thể chấp nhận được.
Đôi lúc có một ai đó sẽ nói : Tới Mỹ Tho rồi!
Nhưng sau đó tôi chẳng nhớ gì nữa.
Cú chạm vai thứ hai
Những trang sách cứ thế mà lật mở nối tiếp nhau. Có lẽ em đã quen dần với những từ ngữ cao siêu kia.
Bàn tay em mượt mà lướt trên trang sách trong tia nắng yếu ớt vì bị ngăn cách bởi tấm rèm.
Em lấy chai nước ra từ cái túi lưới nhỏ của chiếc balô màu biển.
Có lẽ những tia nắng yếu ớt đã làm em kiệt sức.
Em nhấp môi cái ống hút nằm sẵn trong chai nó cũng màu biển nốt, mực nước trong chai nhẹ nhàng rút xuống và vẻ mặt em cứ thế tươi tắn lên.
Tôi bắt đầu liên tưởng về tiên cá, yêu màu xanh của biển, yếu ớt trước ánh mặt trời.
"- Hỡi Nàng Tiên Cá kia, nàng có thích Quái Vật không?
- Không, tôi đã lỡ yêu Hoàng Tử rồi, trong tim tôi đã chứa đầy tên chàng.
- Không! Hoàng Tử đã lấy người chàng yêu và bỏ rơi nàng rồi.
- Không phải!!
- Có phải vì tôi xấu xí nên nàng mới chối từ?
- Không..
- Làm ơn, Tôi xin nàng hãy tha thứ cho vẻ bề ngoài của tôi mà động lòng nhìn vào trái tim tôi một lần."
Thật buồn cười làm sao.
Và đôi lúc vũ trụ sẽ hồi đáp những mong muốn của tôi giống như những gì PauloCoelho đã viết: "Khi bạn thực sự mong muốn một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ âm mưu giúp bạn đạt được nó."
Đấy chắc chắn là một âm mưu vĩ đại.
Đã có và cái liếc nhìn từ cô ấy chạm đến tôi. Tôi vờ đưa mắt về hướng khác như chẳng hề hay biết.
Cô ấy đã nghĩ gì?
Chẳng ai biết được cả.
Vài cái rung lắc do mấy cái ổ gà trên đường làm tôi và em từ từ xích lại gần nhau hơn.
Vai tôi và vai em áp sát vào nhau.
Vì đã nếm trải cảm giác này nên tôi không quá ngạc nhiên, chỉ mãn nguyện đón nhận.
Tôi thầm cảm ơn cả vũ trụ.
10 giây, 15 giây, đã quá lâu rồi.
30 giây, thật đáng sợ.
1 phút trôi qua, tôi đã bắt đầu tin tưởng vào cái điều vô cùng phi lý là : Em sẽ không rời khỏi tôi.
Vai em và kề sát vai tôi, những suy nghĩ của tôi hóa lỏng thành biển khơi cuộn trào trong tâm trí.
Có lẽ em nghĩ, nếu em xích vai ra khỏi tôi thì sẽ làm tôi cảm thấy em là một người khó gần và chảnh chẹ. ( Đấy là do tôi nghĩ. )
Hoặc em đang chờ một sự lịch sự nào đó từ tôi.
Nhưng tôi chắc chắn, tôi không phải kiểu người lịch thiệp đó. Thật đáng lên án.
Một lần nữa tôi cảm ơn vũ trụ và âm mưu của chúng.
Tất nhiên, vũ trụ đôi lúc cũng hay trêu chọc các phi hành.
Một lúc sau, em nghiêng người về phía bên kia rời khỏi tôi.
Em cho tay vào túi áo khoác lấy chiếc điện thoại đang sáng đèn cùng với một cuộc gọi từ ai đó bên đầu sóng bên kia.
Bạn trai. Tôi nghĩ thầm trong đầu, lòng có chút đau đớn. Như kiểu, tất cả đã chấm hết.
Em áp điện thoại lên má, miệng mở nhẹ nhàng cho giọng nói của riêng em chảy ra ngoài.
Tôi đưa tai mình hứng hết không để sót lại gì từ những dòng âm thanh đó như thể đấy là thứ quý báu nhất Dải Ngân Hà.
- Con nghe.
Tia hy vọng đã chợt bùng lên thành một ngôi sao trẻ.
- Dạ chưa, mới qua Mỹ Tho à mẹ.
- Nhưng mà chỗ đó ra sao? Phải có cái gì để biết được chứ!
- Ùm, con nhớ rồi.
Bây giờ tôi ghét đắng cái chuyện xe buýt có thể dừng lại bất cứ đâu nếu ai đó muốn, không nhất thiết phải đi đến trạm cuối cùng.
Tôi muốn xe buýt sẽ không dừng lại bất cứ đâu ngoài trạm cuối cùng. Thật trẻ nít và ích kỷ.
Vũ trụ không thực hiện được những mong muốn trẻ nít và ích kỷ như vậy.
Lúc này tôi đoán khoảng 70% chắc chắn em chưa có bạn trai.
Thứ nhất, từ lúc nhìn thấy em đến lúc bấy giờ em chẳng hề thực hiện một thao tác nhắn tin nào.
Điều đó cho thấy em rất ít bạn bè và chưa có bạn trai.
Thứ hai, cuộc gọi lúc nãy là từ mẹ em.
Điều đó chứng tỏ em chưa có bạn trai.
Thứ ba, từ sâu trong thâm tâm tôi mong muốn em không có chút tơ vương nào với ai cả.
Điều đó chứng tỏ em chưa có bạn trai. Có vẻ không liên quan.
Nhưng dù thực sự em chưa hề thích ai đi chăng nữa thì tôi vẫn biết. Tôi và em chẳng bao giờ có thể như điều tôi mong muốn lúc này. Tôi là người biết thân biết phận. Một kẻ tự tin hèn nhát.
Lúc nghe thấy giọng nói của em tôi bắt đầu thêu dệt những bức bức tranh đẹp đẽ giữa tôi và em. Toàn bộ đều là những ảo tưởng hoang đường của một kẻ hoang tưởng. Một kẻ bệnh hoạn đáng khinh.
Nếu đây là một giấc mộng thì tôi nguyện chìm đắm mãi mãi ở nơi này.
- Cho con xuống ở đằng kia.
Đến lúc kết thúc thực tại.
Tôi đã nói là tôi ít khi quan tâm đến tên những nơi tôi đi qua. Lần này nằm trong số ít khi đó.
Em nhóm người nhìn về phía trước, mọi thứ thuộc về em đã theo bước chân em. Từng bước, từng bước một cách xa tôi.
"Mỗi một bước chân của em như cách xa tôi ra hằng trăm năm ánh sáng"
Đó là một khu đô thị mới, đó là Tân An, là nơi em dừng lại.
Mắt tôi vẫn dõi theo mái đầu bé xíu bên cửa sổ đối diện tôi. Từ từ hình ảnh em dần xa xôi hơn.
Đến khi không còn thấy được bóng hình em nữa tôi vẫn cứ ngoáy nhìn.
*Mùa hè của tôi chỉ để nghĩ đến một người xa lạ*
Tôi đã ở đây hết thảy 2 mùa hè, đây là mùa thứ 3, cho nên chả có gì gọi là xa lạ khi đi bộ giữa lòng Sài Gòn đầy nghẹt người với xe, nhà với quán, đường đi thì cái nào cũng có ít nhất 4 ngã rẽ. Sài Gòn với tôi không mấy cuốn hút lắm có lẽ vì nó quá đông người và ồn ào. Y như thế chiến Z vậy. Toàn thây ma bước đi một cách vô hồn.
Điển hình là tôi đây.
Cuối cùng cũng tới nơi.
Ngay trước mắt, cánh cửa kiểu truyện tranh lùn tịt bằng sắt sơn màu trắng khiến tôi cứ nghĩ nó bằng gỗ. Thời đại này hay ở chỗ trừ lục phủ ngũ tạng của tôi ra thì cái nào làm giả cũng được hết.
Cánh cửa này thật ra chỉ để trang trí chứ chả có ít lợi gì hết, với chiều cao 1m60 tôi dư sức phóng qua nó một cách nhẹ nhàng.
Nhưng tôi sẽ không làm vậy, tôi sẽ bấm chuông, đây là thứ tôi thích nhất Sài Gòn.
Bấm chuông.
Sau một hồi chuông liên tục, chủ nhà đã xuất hiện lấp ló sau tấm kính cửa sổ.
Đấy là Dì tôi, cực kỳ béo, tóc xoăn, lùn tịt, rất dễ nhận dạng nếu Dì bị mất tích.
- Sớm quá vậy?!
- Ba con nói Dì gọi gấp mà?
- Ủa, có hả ta!?
Bà ấy đang chọc tôi đấy. Tôi đã dùng hai mùa hè để nghiên cứu đọc vị bà ta. Tôi đã thành công.
- Vậy thôi con về, đúng ngày con lên lại.
- Thôi thôi, giỡn chơi cho vui mà.
Dì hãy nhìn mặt con đi có chút gì gọi là vui không? Dì nhìn đi!
- Dượng ngủ hả Dì?
- Ờ, ổng mới thăng rồi.
- Vậy giờ con làm gì?
Tôi mang cây chổi cùng cái ki hốt rác ra ngoài cánh cổng lúc nãy.
Nhiệm vụ là giải quyết đám lá và trái rụng từ hai cây bàng trong sân.
Tôi gom hết chúng lại thành đống rồi bỏ vào cái túi ni lông.
Và giây sau nó lại rơi xuống tiếp.
Tôi nghĩ hai cây bàng này đang chơi khăm tôi. Nhưng nếu thật sự chúng muốn chơi khăm tôi thì nãy giờ ít nhất sẽ có một quả bàng lao thẳng xuống đầu tôi rồi.
Mặc dù sót một vài hai cái lá là chuyện bình thường, nhưng tôi đây là một kẻ cầu toàn.
Tôi sẽ gom hết không chừa gì cả.
- Làm xong con đi mua đồ nha, trong này có ghi hết giá rồi. Nhớ cái nào trả giá được thì trả nha.
Sau cái gật đầu, tôi đưa hai tay đón lấy cuộn tiền cùng tờ lịch cũ của Dì.
Tôi nhét cuộn tiền đã được buộc bằng dây thun vào túi quần, mắt liếc sơ đống đồ cần mua được Dì viết ở mặt sau tờ lịch cũ.
Nét chữ của Dì là minh chứng cho sự đối lập của vẻ bề ngoài và tâm hồn.
Làm quái nào mà một người như Dì lại có được nét bút thanh thoát hoàn mỹ thế được. Một sự thật khó mà chấp nhận được.
Sau một tiếng lòng vòng trong chợ, khô cổ và rã chân. Tôi đã có mặt trước cánh cửa kiểu truyện tranh bằng sắt màu trắng này.
Tôi mở cửa, nhìn chung quanh sân, lại thêm vài cái lá rụng, nhưng đã không còn sức đâu mà bực tức hai cái cây chết tiệt đó.
- Dì ơi!!!
- Đợi chút.
Dì đang làm bánh bông lan, mùi trứng sữa lan ra khắp căn nhà, tràn ngập khắp sân.
- Dư hơn bốn chục.
- Giỏi, có tiến bộ.
- Tăng lương chứ?
- Để bàn sao.
Tôi đã biết trước rồi, hỏi cho vui thôi.
Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 5 giờ chiều, và tôi tự giác xuống kho mang đống bàn ghế bằng nhựa, đặt giữa cái sân đang rải rác những chiếc lá rụng của hai cây bàng chết tiệt.
Tôi lau chùi những vết ố kỹ lưỡng rồi bày ra đúng theo thứ tự mà tôi đã lưu trong não bộ.
Trời đã nhá nhem tối, nhưng một lát nữa thôi chúng sẽ rực sáng áp đảo cả những vì sao, bởi những thứ ánh sáng nhân tạo kia sẽ che mờ mắt ta trước vẻ đẹp từ các vì sao của Dải Ngân Hà.
Vậy nên, do ta bị chúng làm mờ mắt đi chứ chúng chẳng hề áp đảo được những vì sao. Tôi xin rút lại câu nói lúc nãy.
Đây là một quán ăn không có tên trên bảng hiệu, nhưng rất nhiều người biết tên.
Quán cô Hai Ú.
Đừng nghĩ rằng không có bảng hiệu thì nơi đây không nổi tiếng nhá. Đấy là một suy nghĩ thật sự thiển cận đó.
Hai người chủ, hai đầu bếp, bốn nhân viên phục vụ. Tổng cộng bốn người.
Rồi sẽ rõ, đừng thắc mắc.
À kìa, nhân viên phục vụ thứ tư đã xuất hiện.
Đấy, cái con nhỏ mặc áo sơ mi trắng với quần tây, gầy nhom, tóc cột cao một chùm đang đi như zombie ở vỉa hè bên kia kìa.
Nó thấy tôi rồi, nhưng kệ nó.
- Bật đèn lên đi con.
Đó là giọng Dượng, trầm ấm như một bậc cao nhân đã đắc đạo nhưng chưa thành tiên được vì còn vướng bận hồng trần.
Buồn cười ở chỗ thân hình Dượng trái ngược với Dì, khá ốm, đầu hói, nhưng không có vẻ gì gọi là yếu ớt.
Dượng thì không có gì để mà nói xấu được cả, hoặc cũng có thể do tôi yêu quý Dượng nên nghĩ cái gì Dượng cũng tốt. Trên đời này làm gì có ai tốt toàn diện được, chắc chắn phải có tính xấu nào đó thôi.
Thành phố cũng ồ ạt theo lệnh từ cái công tắc tôi đang bật, tỏa sáng rực cả bầu trời.
Không biết điều này có đúng không nữa, hình như ở thành phố này, trừ lúc mất điện ra thì sẽ chẳng bao giờ bạn thấy được một ngôi sao nào.
Nếu tôi là người quản lý nguồn điện ở thành phố này, tôi sẽ, thường xuyên, khởi động giờ thế giới. Và hàng triệu người sẽ thầm chửi rủa tôi, chắc chắn là thế.
Nhưng dù tôi có ngắt nguồn điện đi nữa thì họ cũng sẽ tìm cách thắp sáng không gian của họ, vì những người đó chẳng hề thích màn đêm như tôi, họ không mơ mộng như tôi, họ sống nhờ vào tiền, thở bằng tiền, ngủ cũng nghĩ đến tiền.
Ở đây, ở cái chốn này, tất cả mọi người, từ đứa trẻ lem luốc vài ba tuổi đến cụ già lượm khượm ngoài tám mươi, tất cả họ và tôi đều cần tiền, đều thèm khát tiền.
Đấy cũng là một điều làm tôi ghét đắng nơi này.
- Năm nay hạng mấy?
Dượng đẩy cái tủ trưng hàng bằng nhôm ra ngoài nhìn tôi tươi cười hỏi.
- Lên lớp là may mắn lắm rồi, ngáo như con lấy đâu ra hạng.
- Thì phải cố gắng hơn chứ, dậm chân hoài một chỗ đâu có được.
- Mà con cũng không thích hạng hiết lắm, nhìn mấy đứa đó ganh đua con thấy hết ham luôn.
- Có ganh đua mới bộ được chứ.
Tôi bày đũa muỗng, chanh ớt ra bàn, sắp xếp cho ưng mắt.
- Dượng nói vậy chả lẽ chiến tranh là tốt.
Dượng không nhìn mặt tôi mà nhỏ giọng hỏi tiếp.
- Còn thi chuyển cấp sao rồi.
- Cũng được, con chọn trường ít điểm nên chắc ổn.
- Sao con không chọn trường cao hơn?
- Trường đó có phải mặc đồng phục riêng, mang giày nữa. Con lấy đâu ra tiền.
Dượng thở dài, im lặng không đáp lại rồi đi vào trong nhà.
Một lát sau Dượng trở ra, trên tay cầm cái tua vít.
Tôi vừa làm vừa dõi theo.
Dượng ngồi bẹp xuống sân, tay xoay xoay vặn lại con ốc bị bung ra trên cái bản lề cánh cửa tủ trưng hàng.
- Còn ba con khỏe không?
- Khỏe, ngày nào cũng nhậu.
Tôi đáp ngay, cứ như câu nói đó đã được lặp trình sẵn vậy.
Giọng Dượng ngân cao.
- Vào thôi.
Giọng tôi yếu ớt.
- Dạ.
Tôi nối bước theo Dượng giống như đứa trẻ chập chững theo sau cha mình dọc theo mép biển.
Dì và "con ma cây" đang chuẩn bị rau, thịt cùng mấy thứ linh tinh khác.
Dượng đậy nắp nồi nước lèo rồi đặt hai cái giẻ lên quai nắm, đá mắt ra hiệu tôi.
Tôi tiến đến bám chặt quai nồi, nín thở nhấc lên sau hai tiếng đếm của Dượng.
- Một, hai..
Tiếng đếm thứ ba đã phát lên trong đầu tôi và Dượng.
Nồi nước lèo đồ sộ, nặng và nóng hừng hực.
Với những bửa cơm thiếu dưỡng chất, hơn chín tháng qua, tôi cảm thấy trọng lực thật đáng sợ.
Tôi lên ý chí bằng câu nói của Ngài Siêu Lang Thang.
" Không cần thực sự mạnh mẽ, chỉ cần cảm thấy mạnh mẽ. "
"Sau những căng thẳng tột cùng, tôi và Dượng đã đặt được quý bà nóng bỏng yên vị trên ngai vàng của bà ta."
- Rồi!
- Con vào bưng đống tô.
- Ùm.
Tôi tiến thẳng vào bếp, đống tô vẫn còn ướt đã sắp ngay ngắn trong cái rổ to đặt cạnh bồn rửa và "con ma cây" đang đứng sát ngay đó.
Nó nhìn thấy tôi, liếc xéo vài giây.
Thấy vậy tôi quyết định hỏi, chưa kịp mở miệng thì nó đã đá đầu đánh mắt về phía túi đựng khăn lau tô chén trên kệ tủ.
Tôi hiểu được thứ ngôn ngữ của nó ngay lập tức.
Vài phút sau, tôi đang ngồi lau khô đống tô tộ thì "con ma cây" bê thùng đựng nước rỗng đang được đậy bằng rổ rau giá đi qua, liếc xéo một cái.
" Liếc bà nội mày! " tôi chửi thầm trong bụng.
Giờ đây tôi mới biết được sức mạnh đáng sợ của giao tiếp qua ánh mắt, sức mạnh của nó đáng sợ hơn bất kỳ thứ ngôn ngữ nào.
Với một cú liếc mắt bạn có thể khiến ai đó nổi điên lên mà chẳng làm gì được bạn.
Mọi thứ đã sẵn sàng, kể cả thực khách cũng đã sẵn sàng chờ đợi, tất cả chỉ chờ một người uy quyền ra lệnh.
- Bà làm gì trong đó vậy.
- Ra liền cha nội ơi!
Người uy quyền nhất đã lộ diện, tiến thẳng đến tủ trưng hàng bắt đầu trổ tài.
Tôi liếc nhìn những vị khách đang chờ đợi ở mấy cái bàn nhựa mà tôi đã lau chùi kỹ lưỡng, bày trí đẹp mắt.
Không biết họ có thấy dễ chịu không khi nó sạch bong đến mức khó tin?
Họ chẳng mấy quan tâm đâu, họ đến đây để ăn chứ chẳng phải đến ngắm nhìn sự sạch sẽ đó.
Tất nhiên họ sẽ thấy thán phục đẳng cấp đầu bếp của Dì.
Chỉ 10 giây thôi, Dì có thể hoàn thành một tô hủ tiếu đầy hấp dẫn. Tôi nghĩ đây là kỷ lục Guinness.
Dượng mất 30 giây, còn tôi và "con ma cây" phải mất hơn 2 phút. Và việc đó sẽ được thay thế bởi một người làm nhanh hơn khi vắng bóng Dì hoặc lúc quá đông khách.
Tôi thích nhất là cú hất văng bánh hủ tiếu từ cái vá qua cái tô theo đường vòng cung của Dì, chúng cách nhau hơn cả mét.
Dì nói cái đó không phải biểu diễn nghệ thuật cho vui, làm như vậy hủ tiếu sẽ ngon hơn. Tôi chẳng hiểu gì hết chỉ thấy Dì thật tuyệt.
Con ma cây bê khay đựng hai tô hủ tiếu đang bốc khói tới hai người đàn ông đứng tuổi đã chờ đợi từ nãy đến giờ, khuôn mặt họ không tỏ vẻ gì là khó chịu cả dù đã chờ hơn 15 phút.
Đã 6 giờ chiều, quán cứ thế đông đúc hơn.
Ở đây có đủ thể loại người, những vị thượng đế ăn mặc sang trọng, thơm tho sạch sẽ đầy cao quý; những đứa nhóc mặc đồ rách rưới lem luốc bốc mùi nắng trưa vui tươi đùa nghịch; những công nhân mặc đồng phục công ty với khuôn mặt ảm đạm chứa đựng vô vàn những nỗi niềm; những cụ già nua yếu ớt; những cô cậu học sinh ngang tuổi tôi và vô số những người nữa làm tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn họ.
Đừng tiếc lộ cho ai nghe điều này, ở đây, quán của chúng tôi bán những tô hủ tiếu giống nhau với những cái giá khác nhau.
Ví dụ một tô bình thường, hai người sang trọng ngồi ở đằng kia phải trả 20.000 thì những đứa nhóc lem luốc ở chỗ tôi đứng chỉ lấy 5.000. Vì vậy quán không hề có bảng giá.
Làm ơn đừng nói ai biết điều này.
Quán sẽ nhộn nhịp đến tận 9 giờ đêm. Một vài hôm đông đến không thể tả, nhất là dịp lễ hội, những hôm như vậy Dì và Dượng ( Hai đầu bếp của quán. Một chính, một phụ kiêm luôn phục vụ.) cũng làm luôn chuyện chạy bàn, khi đó thay vì nhanh nhẹn hơn thì tôi và con ma cây ( Hai nhân viên phục vụ chính.) lại làm đổ bể, rối tung lên hết. Nhưng Dì và Dượng luôn luôn lúc nào cũng chỉ nói một câu duy nhất:
"Cẩn thận đi con!"
Sau 11 giờ tối thì sẽ vắng vẻ hẳn đi, và lúc đấy tôi với Dượng phải đi gõ lốc cốc, leng keng ở từng ngóc ngách khu phố này. Đến tận 1 giờ sáng.
Đó là lúc thú vị nhất, nhưng vẫn chưa bằng những khi tôi đi cùng Dượng.
Mùa hè này của tôi cứ như thế lặp đi lặp lại, như những mùa hè trước đây. Nhưng khác biệt là, mùa hè này, tôi cứ mãi nghĩ về một người xa lạ đầy thân quen.
Như một kẻ mụ mị, tôi cố chấp níu kéo những ảo tưởng hoang đường.
#Gửi tặng: HT.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro