Bê trọc
Chương I
VƯỢT TRƯỜNG SƠN
Năm 1968
Sau chuyến đi công tác Nghĩa Lộ, tôi về Hà Nội, được hưởng một cái tết gia đình thật vui vẻ. Rồi họp và nhận được quyết định đi
B. Bao sung sướng! Thế là tôi chẳng còn lòng dạ nào mà ngồi với bút sách nữa. Chạy nhào lên Sơn La mang các thứ về để kịp tập trung. Riêng cái xe đạp thì phải để lại, vì không có phương tiệnchuyên chở, anh em sẽ đem về gia đình giúp khi có điều kiện. Điều duy nhất làm tôi luyến tiếc là không kịp lấy giấy chuyển đối tượngkết nạp Đảng. Việc phấn đấu, coi như phải làm lại từ đầu. Ngoài ra, còn có một số tài liệu hay mà không viết được vì lòng cứ rộn lên.
Từ ngày 9 tháng 3 năm 1968
Chúng tôi đến nơi tập trung để bồi dưỡng và rèn luyện. Lại lên ở với núi rừng - trại 105 này đóng ở Hòa Bình, nơi có những ngọnnúi đá vôi cùng nhiều hang động khá lớn. Ăn uống thật khá. Chúng tôi phát ngấy mỡ lợn, phải ăn kèm với các món chua (chủ yếu là giá muối chua). Chúng tôi tập hành quân: đeo gạch và leo núi. Công việc đó không có gì mới lạ đối với tôi, vì khi công tác ở vùng rừng núi Sơn La, tôi đã từng leo dốc cao, mang vác nặng.Tuy nhiên có những tối hành quân trên đường số 6 thì thật vui. Rừng vốn tĩnh mịch, chỉ có những ánh đom đóm lập loè nơi thung lũng. Song rừng bỗng chuyển động ầm ầm bởi những đoàn quân đi. Chúng tôi đi hàng hai ven đường, còn lòng đường thì nhường cho từng đoàn xe lớn. Có những đoàn chở vũ khí, phủ bạt kín mít, lầm lũi lăn bánh. Có những chiếc xe xích sắt rú ầm ầm, xủng xoảng, ở ống xả hơi, thỉnh thoảng lửa lại phụt ra, kéo thành một đường lửa nhỏ mà đỏ rực. Có những chiếc ô tô chở đầy chiến sĩ. Tối quá, không nhìn thấy họ, song nghe giọng nói và tiếng cười của họ, tôi dám chắc rằng họ còn trẻ lắm và nét mặt họ rạng rỡ lắm. Họ hò hát. Họ thét lên với chúng tôi:
Đi trước nhé!
-Gặp nhau ở Khe Sanh nhé!
-Gặp nhau ở Sài Gòn nhé!
Và nhiều nữa. Họ lại hát những bài ca sục sôi khí thế cách mạng: Hành quân xa, Vì nhân dân quên mình... Trên một chiếc xe vọng lại tiếng kèn acmônica với bài Giải phóng Miền Nam. Phải, giải phóng Miền Nam, chúng tôi, các đồng chí đang trên đường đi giải phóng Miền Nam đây! Trong tiếng xe chuyển động rầm rầm, tôi thấy máu trong người bốc lên hừng hực. Tôi muốn băng ngay theo những đoàn xe - chúng đi chếch sang phía Tây để vòng về phương Nam - Tiền tuyến đó.
Ngày 30-4-1968
Chúng tôi đã nhận xong trang bị và hôm nay bắt đầu lên đường. Mưa phất nhẹ những hạt li ti như bụi phấn. Chúng tôi ra đi trước sự tiễn biệt của nhà trường, của những anh em đi sau. Vì bí mật, không ai được báo cho người nhà đến tiễn. Một số người có đạidiện cơ quan đến đưa chân. Anh Điều - công nhân in tráng phimthuộc ngành Điện ảnh - đi trong đoàn tôi, bỗng khóc rưng rức. Anh em xúm lại hỏi, anh bảo khóc vì "nhớ cơ quan quá!" Tôi không ai tiễn đưa, nhưng lòng thấy thanh thản. Bẩy chiếc xe chở đoàn chúng tôi. Xe chuyển động và mọi người vẫy gọi. Tôi từng ra đi, từng gặp nhiều cuộc chia tay, song lần này sao thấy nó khác thế. Lòng bângkhuâng, háo hức, thương mến...Ôi, bao cảm xúc cứ xen vào nhau...
Chúng tôi đi theo đường quân sự, vắng lặng mênh mông. Không một bóng người. Không một bóng nhà. Chỉ thấy con đường mờ mờ trắng và bạt ngàn là màu tím đen của núi rừng cùng vô vàn ánh đom đóm lập loè khắp thung lũng.
Suốt từ 30-4 đến 5-5, chúng tôi đã vượt được hàng trăm cây số, vượt qua Hoà Bình, vượt Thanh Hoá đến Nghệ An.
Đoàn chúng tôi dừng lại ở Nam Vân - Nam Đàn, gần ngay quê Bác. ở đây, máy bay Mỹ quần suốt ngày đêm. Một buổi trưa, chúng tôi nghe những tiếng bom nổ uỳnh uỳnh và một tiếng "bụp". Một quả bom rơi rất gần chúng tôi, trúng vào một xóm trước mặt. Bụi đất tung lên vàng khè. Bọn quỷ Mỹ lại tàn sát dân ta đây! Lòng chúng tôi nghẹn lại căm thù!
Buổi tối, chúng tôi ra đi. Chẳng còn mấy chốc nữa sẽ đến thànhphố Vinh. Trời xẩm tối. Đoàn xe chợt dừng lại. Người gác barie báo có bom nổ chậm ở phía trước. Thế là xe phải quay đầu lại. Phía xa, mấy chiếc đèn dù của lũ máy bay mới thả treo lơ lửng, hắt ánh sáng vào cả khoang xe chúng tôi.
Lại xuống xe, vào làng, tìm nhà dân để ở. Chúng tôi toàn dựa vào đồng bào thôi mà! Tổ chúng tôi đang ngơ ngác tìm đường thì có một ông cụ trạc 70 tuổi ra gọi:
-Các con vào nhà bố mà ở!
Mừng quá, chúng tôi tạt vào. Ông cụ đi trước, lưng hơi còng song dáng còn nhanh nhẹn lắm. Trong nhà, một phụ nữ ra mở cửa liếp - đó là con dâu cụ lão. Gia đình lục đục thức dậy. Cụ mở màn, lay gọi hai đứa bé. Chúng tôi gạt đi:
-Thôi, để các em ngủ, chúng con nằm đâu cũng được!
Cụ sốt sắng:
-Không, có chỗ cho chúng tôi rồi. Nằm đây cho tử tế.
Cái giường ấy rộng song hơi ngắn. Dưới gầm nó là một cái hầm lớn. Chiếc giường được kê nửa chìm, nửa nổi trên chiếc hầm đó.
Sáng, chúng tôi giật mình choàng dậy vì những tiếng động lớn. Mấy chiếc phản lực xà sát sạt, gầm rít điên loạn. Hai đứa chúng tôi vùng dậy định tụt xuống hầm, song lúng túng mãi vì mấy sợi dây dù ở cái võng chúng tôi dùng làm chăn đắp cuốn cả vào chân, tay. Lẫn trong tiếng phản lực, tôi nghe tiếng cười khanh khách ròn tan của trẻ thơ. Một cô bé chừng 14 tuổi đang đứng ôm cột nhìn chúng tôi mà cười. Trời, giữa vùng chiến sự ác liệt này sao lại có giọng cười hồn nhiên như vậy nhỉ?
Ngày 8-5-1968
Chiều rồi mà số bom quái quỉ kia vẫn chưa được giải quyết.Đoàn chúng tôi quyết định phóng xe vượt qua nơi đó. Không còn cách nào khác. Chẳng lẽ nằm ì ra mãi?
Xe chúng tôi vẫn đi thứ hai. Nó ầm ì tiến khỏi làng, ra đường lớn. Rồi nó tăng tốc độ. Chúng tôi ngồi ngay ngắn, tay bám chặt lấy thành xe. Xe vượt qua nghĩa trang liệt sĩ 30-31, rồi qua gốc đa. Chỉ qua cái cống nữa là đến bãi bom. Nhìn lại sau xe, tôi thấy mấy cô gái đang thủng thẳng bước tới và cười rất tươi. Sắp đi qua bãi bom, sao mà thản nhiên vậy? Xe xóc mạnh và băng lên. Sau xe, cánh đồng lúa xanh mởn trải rộng dần ra. Và ở một vạt lúa sát bên đường có 2 hố đen ngòm, bùn bắn tung toé xung quanh. Còn 4, 5 hốkhác ở mấy thửa ruộng xa hơn. Đó, các hố bom đó. Xe vẫn băng lên. Cái chết lùi dần lại phía sau. à, ra cũng đơn giản thôi.
Thế là qua bãi bom một cách an toàn. Xe tiến về thành phố Vinh. Nhà thờ Vinh đứng câm lặng bên những ngôi nhà tan hoang, những ngọn cây xơ xác vì bom Mỹ. Chợ Vinh tan tành, cái biển đề tên chợ treo ở cổng cũng bị bom hất xuống, chỉ còn bám chếch vào một trụ gạch như thách đố.
Chúng tôi xuống xe. Vừa lúc ấy nghe phía Nam Đàn có một tiếng nổ lớn: bãi bom đã lên tiếng! Không hiểu mấy cô gái tôi gặp có sao không?
Xe đỗ ở ngã tư thành phố để chờ qua phà. Còn cách 3-4 km nữa nhưng nơi đó rất nguy hiểm nên xe phải chờ ở đây. Khi nào phà đến sẽ có người gọi điện thoại báo cho trạm barie, trạm lại hướng dẫn cho xe đi. Hoàng hôn dần buông xuống. Bầu trời xam xám, điểmchút mây hồng ở phía Đông. Vinh đây, tơi tả vì sự tàn phá của chiến tranh. Vắng vẻ, đìu hiu. Mấy hàng phi lao cao vút đứng lặng, in bóng sẫm trên nền trời, cạnh những ngôi nhà gác đổ tan hoang. Trạm biến thế điện bỏ không, xung quanh có công sự. Bọn tôi đứng đó ngắm nhìn cái cảnh tĩnh mịch của thành phố và nghĩ mãi rằng tại sao lại có những lúc nó nổi bão lửa hừng hực trái ngược với cái vắng lạnh mênh mông này được? Chúng tôi khẩn trương lên xe. Xe từ từ tiến về Bến Thuỷ. Bên phải đường là nhà máy điện. Bom nổ làm đất đá ở đó bị đào xới lộn bậy. Những cột điện gẫy gục hoặc đổ nghiêng. Cạnh đó là núi Quyết. Phải, cái ngọn núi nhỏ nhoi lở loét ra vì bom đạn đó chính là ngọn núi anh hùng, đã từng nổi danh cùng đội tự vệ thành phố Vinh dám đương đầu với lũ "thần sấm", "con ma" Mỹ.
Sông Lam trôi êm đềm. Bến vẫn phẳng lắm. Xe nhẹ nhàng lên phà. Phà rộng thật, chở tới 5 xe. Bọn tôi đứng hai bên thành phà. Trăng lên rồi, toả ánh sáng nhàn nhạt xuống dòng sông. Tôi đứng bên trái phà ngắm nhìn sông không chán mắt. Dải Hồng Lĩnh đang im lặng in bóng tím trên bờ bên kia. Không có máy bay và cũng không có tiếng pháo. Một anh bạn đứng gần tôi chỉ về phía núi Quyết và hỏi:
-Núi Quyết đấy à? Nó bé thế sao lại nổi tiếng như vậy nhỉ?
Tôi cười:
-Nó nổi tiếng vì ý chí quyết chiến, quyết thắng của nó, ở những con người đã chiến đấu và chiến thắng trên đỉnh núi ấy.
Phà nhẹ nhàng cập bến. Ô tô rú ga. Chúng tôi chạy nhanh lên bờ. Tất cả đều phải khẩn trương. Có thể lũ máy bay sẽ đến bất ngờ hoặc pháo ở biển có thể nã tới trong phút chốc.
Đất Hà Tĩnh đây rồi. Vào làng. Hai bên đường, những quả núi nhỏ nằm im lìm dưới trăng.
Xe chợt dừng lại. Phía trước, lũ máy bay mới thả mấy quả pháo sáng. Chúng tôi tản ra hai bên đường. Tôi và Vượng vào ngồi gần một ruộng khoai, có gì thì nấp ở rãnh khoai cũng đỡ. Những quả pháo sáng vẫn treo lơ lửng lưng trời, hắt ánh sáng vàng vọt về phía chúng tôi. ở ngôi nhà bên có mấy đứa bé chạy ra ngó chúng tôi và cười. Bố chúng đứng ở vườn sắn hò hét bắt chúng vào hầm, song chúng cứ ngồi cười mãi. Có vẻ chúng đã quen với cảnh máy bay dậm dọa lắm rồi.
Khoảng giữa đêm, đoàn xe dừng lại. Chúng tôi rẽ vào làng đểngủ. Đường đi phải qua một cánh đồng lớn. ít lâu nay mưa lớn nên đường lầy lội và trơn quá. Phải dò dẫm từng bước, thụt lên thụt xuống mới đi nổi. Song được cái không ai ngã.
Sáng, chúng tôi chuyển sang nhà bên cạnh ở, vì nhà cũ chật quá. Gia đình này có hai cô con gái. Các cô rất tươi cười. Một cô bảo rằng mọi khi có bộ đội đến, thanh niên làng vẫn tổ chức đón tiếp nồng nhiệt lắm, nhưng vì chúng tôi đến vào ban đêm nên không tổ chức được.
Một bác nông dân có vóc người cao lớn sang chơi. Bác tỏ ra rất quan tâm đến tình hình thời sự. Bác hỏi chúng tôi, nhưng nhiều khi lại ngồi nói vanh vách tình hình trong nước, ngoài nước cứ như là phổ biến cho chúng tôi vậy. Bác nói rằng ở đây nhân dân tổ chức bán gà chống Mỹ, nếu đoàn có giấy tờ thì sẽ mua được. Bác ấy là chủ nhiệm hợp tác xã mua bán xã. Bác ấy nói đúng. Buổi chiều, có mấy bà xách vịt, ngan đến cho chúng tôi. Vì ban ngày, gà đã thả nên thay bằng ngan, vịt. Rồi lại có bà mang rau đến bán cho chúng tôi nữa. Tất cả đều có giá phải chăng. Hai cô gái ở nhà rất sốt sắng giúp chúng tôi. Cô thì rửa rau, vo gạo, cô thì đi mua giúp củi, nhenbếp. Điều đó làm chúng tôi rất vui vẻ và cảm động.
Tối, chúng tôi ra xe. Trăng ngào ngạt khắp làng quê. Các cô gái làng ríu rít đi tiễn, cô xách hộ xoong nồi, cô xách hộ túi.
Xe lại rú ga, gầm gừ tiến khỏi làng. Đường xóc nảy như rang ngô. Có một cái rãnh xẻ ngang đường to quá, xe phải chúi đầu xuống rồi lại dê đít vượt lên - lúc ấy thì thành xe chúi tịt xuốngrãnh, chỉ cao ngang mặt đường. Được cái xe khoẻ nên vượt qua hết.
Đi được một đoạn thì xe dừng lại. Thật phiền phức, đường tắc rồi. Chiều nay bọn Mỹ vừa đánh đoạn đường phía trước, hiện ở đó còn bom nổ chậm. Thế là phải quay lại đường cũ, gặp lại con đường làng với những nụ cười vui vẻ của các cô gái.
Ngày 11-5-1968
Tối nay là tối thứ bảy. ở Hà Nội chắc vui lắm, còn chúng tôi thì đang làm nhiệm vụ bám chắc vào thành xe để khỏi bị xe hất tung ra ngoài qua những cú xóc. Nhưng không vì thế mà mất vui. Nhiều anh khoẻ tán lắm - đủ thứ chuyện - làm váng cả xe lên.
Tôi ngồi gần cuối, tay vịn vào thành xe và lặng nhìn về phía sau. Mây nhiều nên trăng bị che, trở nên nhạt nhẽo vô cùng. Lẫn trong tiếng động cơ ô tô, tôi nghe có tiếng rít và réo ầm ầm. Và hiện ra trước mắt tôi là hình thù đen trũi của một chiếc phản lực Mỹ. Nó bay thấp quá, trông như một con cá lớn trườn qua đầu chúng tôi, song nó mù, chẳng phát hiện nổi chúng tôi. Xe không dừng lại. Phải, nó bay nó cứ bay, mình đi mình cứ đi chứ sao.
Được một đoạn, xe dừng lại nhưng vẫn nổ máy. Vì ngồi sau, tôi không nhìn thấy gì ở phía trước. Tôi nghe tiếng mở cửa ô tô, rồi nghe Ca - một trong hai anh lái xe cho đoàn - hét lớn:
-Đi thôi Thịnh ơi. Bom bi, nó nổ bỏ mẹ bây giờ!
Cửa xe đóng cái "sầm". Xe lướt tới. Chúng tôi lạnh gáy! Ngơ ngác chẳng rõ vì sao lại có chuyện ấy? Lúc này xe đã vượt qua nơi có bom bi. Quả bom nằm ngang trên đường, cánh mạ kền sáng lấplánh dưới trăng. Đó là loại bom bi dứa. Bên đường, có một số hố nho nhỏ - đó chính là hố do các quả bom bi khác gây ra. Thật cái chết cứ rình mò và định nhảy xổ vào sự sống. Song cuộc sống vẫn cứ ung dung điềm tĩnh.
Nghỉ giải lao. Ngồi mãi trong xe cũng phát mệt, tai ù lên và người nôn nao. Chúng tôi nhảy xuống xe, vươn mình hít thở luồng không khí trong lành của buổi đêm. Phía xa, bọn máy bay lại thả mấy chùm pháo sáng. Chúng tôi tản ra xa xe và ngồi gần mấy cái hào. Tôi hỏi Thịnh:
-Lúc nãy bom bi thế nào đấy?
Thịnh cười rất tươi:
-À, mình nhìn dưới ánh trăng thấy vật gì lấp lánh, tưởng cái bút máy ai đánh rơi nên đỗ lại. Suýt nữa thì bỏ mạng!
Quanh tôi có những tiếng nói chuyện rì rầm. Có mấy anh đang gay gắt tranh luận về việc hút thuốc lá thì phản lực có phát hiện được không? Anh thì bảo nó chỉ như tàn đom đóm, thấy sao được. Anh thì bảo đừng chủ quan. Thế mà rồi cãi nhau om sòm.
Tôi nhìn trở lại con đường xe vừa qua. Cách nơi tôi ngồi không xa lắm, có một đoạn đường còn mang nặng vết tích chiến tranh. Hai hàng cây ven đường bị cháy xém và gãy gục. 6 chiếc xe - cái thì tung mui, cái thì còn trơ khung - nằm lăn lóc hai bên đường. Thịnh cho biết nơi đó trước đây có hai hàng cây rất lớn, xanh rì. Xe của ta đỗ ở đó, không may bị lũ giặc trời phát hiện, chúng điên rồ xâu xé. Xe bị bốc cháy. Có anh đã dũng cảm lái xe chạy xuống ruộng, lấy bùn dập lửa nhưng lại bị bọn Mỹ bắn rốc két trúng, nên hy sinh ngay bên xe.
Đêm, xe đi theo những con đường vòng khó hiểu rồi đỗ lại ở mộtbãi khá rộng. Tất cả người và đồ đạc đều xuống xe. Đây là trạm 12 ở Hương Khê, chúng tôi nghỉ lại rồi sẽ đi bộ. Chúng tôi bắt tay từ biệt những đồng chí lái xe dũng cảm và vui tính.
Vai vác ba lô, chúng tôi men theo những bờ ruộng để vào nơinghỉ. Đi chừng 4-5 km mà thấy toát cả mồ hôi. Gặp mấy đoàn bộ đội đi ngược lại. Họ hỏi chúng tôi: "Quê đâu đấy? vào hay ra?..."Đường làng rộn rã bước hành quân.
Ngày 12, chúng tôi nghỉ ở đây, anh em mua con chó làm bữa liên hoan.
Ngày 13-17/5-1968
Bắt đầu cuộc đi bộ. Nghe nói 10 ngày đầu là mệt lắm. Được cái đường bằng và ngắn nên đỡ mệt. Ngay hôm đầu vừa đi đã gặp mưa. Chưa có kinh nghiệm nên ai cũng để ni lông trong ba lô, tháo ra thật lâu.
Gặp một buổi hành quân đặc biệt. Trời tối như hũ nút, đường nhỏ, gập gềnh men theo triền núi, lại không được dùng đèn pin. Chúng tôi dò dẫm bước từng bước. Chỉ lo ngã. Phía thung lũng, hàng trăm ngàn cánh đom đóm sáng lập loè. Toàn khu rừng lốm đốm những ánh lân tinh phát ra từ các cây gỗ, lá mục.
Tôi lấy một miếng gỗ lân tinh lớn gài sau ba lô người đi trước và bám riết theo ánh sáng yếu ớt đó. Vậy mà có lúc tôi bước không kịp. Nhìn quanh chỉ thấy đen tối mịt mùng. Chân không dám bước vì sợ sa xuống vực. Tôi đứng tại chỗ gọi hoài người đi trước để nghe theo tiếng gọi mà lần tới. Mắt cứ căng ra mãi, nên đầu thấy nhứcquá. Đoạn đường có hơn nửa cây số mà chúng tôi đi mất hơn một tiếng đồng hồ. Ra cửa rừng thấy ánh trăng tràn ngập.
Ngày 18/5/1968
Ra đi từ 2 giờ sáng. Đoạn đầu đường cũng bằng. Đến gần trưa thì bắt đầu lên dốc. Chúng tôi nghỉ trưa ở một khu rừng nứa. Nóng và khát, bi đông đã gần hết nước.
Khoảng hai giờ, chúng tôi lại đi. Phải lên cái dốc cao, anh emgọi là dốc Đại tướng. Mệt thật, nắng cứ nắng hoài, và dốc cứ lên caomãi. Rồi chúng tôi dừng lại khu rừng nứa. Đặt ba lô xuống, chúng tôi rút dao găm và chặt nứa để lấy nước uống. Những cây nứa bị phạt ngang, toé ra những tia nước trong mát. Chúng tôi chặt cả cây rồi chặt ra từng khúc, dùng ca, bát hứng ở dưới. Như vậy cũng tạm được, có chút nước bớt khô cổ. Cuộc hành quân lại tiếp tục. Trời vẫn nóng như đổ lửa. Phía bên kia sườn núi, những hố bom Mỹ lở lói, đỏ chói lên dưới ánh nắng. Lại khát, mồ hôi ra ướt đẫm áo. Mồ hôi túa ra trên mặt, chảy thành dòng xuống cằm. Tôi liếm những giọt mồ hôi đó, cảm thấy đỡ khát. Kỷ luật hành quân không cho phép dừng lại; khi qua một rừng nứa, tôi cầm con dao lăm lăm trong tay, hễ thấy cây nào dễ, là bập một nhát rõ mạnh vào thân nó, rồi ghé sát miệng vào đó, uống vội vàng từng giọt nước. Gần 4 giờ chiều, trờicàng chói chang. Chúng tôi phải đi qua một khu đồi tranh. Đạp lên tranh mà đi. Tranh ngã rạp theo triền dốc, đặt chân lên thấy trơn tuột, chỉ muốn ngã. Tranh hấp nắng, toả ra cái nóng hầm hập. Tôi đi, trần trụi hai cảm giác khát và nóng, tưởng như đi trong một cái nồi rang khổng lồ, kỳ quái. Còn chiếc ba lô thì trĩu nặng xuống, đôi quai cứ trì riết hai vai rát bỏng. Xuống khỏi dốc, chúng tôi phảivượt qua đường 15. Đoạn đường này bọn Mỹ thường rải bom bi. Từng tốp 4-5 người chạy dọc theo đường, núp sát ta luy rồi băng qua phía bên kia. Tiếp đó, xuống một cái dốc sâu hun hút và trơn tuột. Không phải đi xuống mà là bò xuống, tụt xuống. Tôi phải dùng gậy, ra sức chống đỡ cho khỏi ngã. Suối nước reo róc rách dưới chân dốc kêu gọi chúng tôi. Nhiều người nhào xuống dưới chân dốc là quăng ba lô xuống, lấy bi đông ra vục nước, uống ừng ực. Tôi uống một ca đầy, thấy nước chạy khắp cơ thể, tới đâu mát tới đấy. Rồi rửa mặt thật thoả thuê. Nước, nước, mới xa nước vài tiếng đồng hồ mà thấy nhớ vô cùng, khi gặp lại nó ai cũng vồ vập. Tính, một cô gái có dáng người thấp, béo, ngồi gục vào chiếc ba lô. Tôi hỏi cô lấy nước chưa? Cô ngửng lên, lắc đầu. Mặt cô đỏ rực như muốn bốc lửa. Tôi cầm bi đông, khăn mặt, lấy nước dùm cô ấy.
Mãi tới 6 giờ tối mới tới trạm, kết thúc chuyến đi dài 36 km trong một ngày!
Chủ nhật, ngày 19/5/1968
Chúng tôi ở trạm 15. Hôm nay sinh nhật Bác. Tôi ngồi nghĩ lại cuộc đời chiến đấu đầy gian khổ của Bác và thấy có thêm sức mạnh để vượt đường dài.
Đường đã thử sức người. Những đoạn đường đã trả lời cho chúng tôi rõ: Sức anh được bao nhiêu? Liệu bỏ bớt thứ gì? Bắt đầu cuộc "thanh trừng" các ba lô. Có anh mang sách ra xé bớt bìa. Có anh bỏ lại cái áo đông xuân, một vài chiếc quần, áo. Nguyễn Đại, phóng viên báo Nhân dân, người bé nhỏ, lượng không đủ sức mang vác, đã cắt bớt nửa dưới của chiếc màn cá nhân, bẻ vứt đi nửa đuôi chiếc bàn chải đánh răng... Còn tôi, tôi thấy vừa sức, vả lại cái gì cũng cần, không thể bỏ được.
Chúng tôi ngủ trong cái nắng hầm hập của miền Tây Quảng Bình và trong tiếng gầm rú của lũ phản lực để nửa đêm lại vùng dậy, vác ba lô đi.
Ngày 20 và 21/5/1968
Trời trở mát và mưa nhẹ hạt. Song nằm trong nhà nghe rõ giọt mưa rơi lộp bộp xuống những tầu dừa, tưởng mưa to lắm. Sáng sớm lại ra đi. Mắt díp lại, buồn ngủ quá. Hôm nay chúng tôi chỉ vượt 17 km nên đỡ mệt.
Ngày 21/5/1968
Nghỉ lại trạm 17. Đây là trạm cơ giới. Mọi người hy vọng sẽđược đi ô tô. Đôi chân tệ quá mà.
Tình hình không cho phép chúng tôi đi xe. Lũ máy bay rình mò dữ lắm, đi bộ an toàn hơn. Chúng tôi được biết đoàn xe đi trước chúng tôi mới "bị" ở Xuân Sơn 3 xe, 40 người bị chết, bị thương. Tôi cũng nghe tin hôm vượt đường, chúng tôi qua một lúc thì lũ máy bay đến ném bom làm chết và bị thương 25 bộ đội...
Hôm nay chúng tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn. Anh em đi lĩnh gạo, thịt hộp, đường, sữa, rau khô. Cuộc sống trên đường thật sung túc. Chúng tôi được cung cấp đầy đủ đường, sữa, thịt... để bồi dưỡng sức khoẻ.
Từ ngày 22-25/5/1968
Tiếp tục đi đường bằng. Mỗi ngày vượt từ 18 đến 24 km. Trạm 18 ở trên một mảnh đất khô cằn. Chủ nhật, Ngày 26/5/1968
Đi đến trạm 20. Nắng dữ dội. Đây, đất Bố Trạch, Quảng Bìnhđây. Đêm, máy bay quần đảo suốt.
Ngày 27/5/1968
Chiều, chúng tôi xuất quân. Trời nắng chói chang. Gần đến đường 15, chúng tôi dừng lại bẻ lá nguỵ trang, rồi nai nịt gọn gàng. Chúng tôi khẩn trương tiến ra đường, rồi tiếp nhau chạy qua khoảng đất trống do con đường và một khoảnh ruộng bên đó tạo thành.
Đêm, chúng tôi tới trạm 21. Máy bay quần suốt, thi nhau thả pháo sáng và bắn rốc két.
Ngày 29/5/1968
Ra đi từ 3 giờ sáng. Đoạn đường thật đẹp: men theo những bờ suối, nước trong vắt, có nhiều phiến đá có những hình thù kỳ ngộ, dễ ưa và những cây trúc đào lả lướt mọc hai bên bờ suối.
Gần trưa, chúng tôi tới một khu rừng già. Thật tấp nập: bộ đội, thương binh nườm lượp.
Bắt đầu cuộc sống ngủ rừng. Chúng tôi căng tăng, mắc võng thành một căn lều xinh xắn giữa rừng. Phải học cách mắc võng để không cho nước mưa chảy vào võng: đầu tiên, phải chọn 2 cây có khoảng cách vừa tầm võng (trên 2 mét), đóng 2 cọc và buộc dây chằng chúng vào 2 thân cây -gọi là cọc phụ - sau đó cột dây võng vào 2 cọc phụ. Cách mắc tăng thì đơn giản hơn: dùng dây căng thẳng qua hai thân cây làm "đòn nóc", vắt tấm vải vi ni lông qua, rồi cột các góc vào các gốc cây xung quanh, tạo thành tấm lều nhỏ phủ trên võng.
Ngày 30/5/1968
Tới hôm nay đã hành quân tròn một tháng. Chúng tôi nghỉ tại trạm 22 một ngày. Khu rừng rộng rãi và thoáng, sạch, tạo cho chúng tôi một không khí thoải mái. Song lũ máy bay quấy rối chúng tôi hoài. Chúng bay sát sàn sạt ngọn cây, gầm rít điên loạn. Qua những lùm cây, thỉnh thoảng tôi lại thấy lướt qua hình thù dài ngoẵng của một chiếc F105 hoặc múp hình vỉ ruồi của một chiếc F4. Chúng bỏ bom uỳnh uỳnh phía ngoài đường. Song, bọn tôi vẫn điềm tĩnh nghỉ ngơi. Người thì mang bộ tông đơ ra cắt tóc cho nhau, một số người thì xúm xít trong một chiếc lều, hò hét nhau trong những ván bài thú vị.
Ngày 31/5/1968
Hôm nay phải vượt qua một đoạn đường dài 40 km. Chúng tôi đi từ sớm. Con đường thật hóc hiểm, toàn núi đá dựng đứng. Anh em công binh phải dùng mìn phá bạt sườn núi mở đường đi. Có những đoạn dốc dựng đứng, đá lởm chởm không thể làm đườngđược. Người ta phải đóng những thanh gỗ lớn bắc vượt qua nó. Đeo ba lô nặng, bước lên những bậc thang dựng đứng và ẩm ướt cảmthấy người nặng trịch và thiếu thăng bằng. Đoạn đường này, phải vượt qua chín dốc, ba thang.
Được nửa đường, chúng tôi dừng lại dựng lều để nghỉ. ở đây xa suối quá, chúng tôi phải mang ni lông đi 3-4 km vác nước về. Trời thật tai ác, khi chúng tôi vừa nhen nhúm lửa lên thì đổ ập mưa xuống. Mưa rào quất những làn roi nước xuống mặt đất một cách phũ phàng. Chúng tôi vội vàng chuyển bếp vào một ngách đá và ngồi thu lu dưới cái vòm đá nhỏ nhắn đó mà nấu nướng.Vẫn không tránh khỏi ướt. Nhưng dù sao lửa vẫn cháy và cơm vẫn chín.
Chúng tôi ngồi co ro trong tăng ăn cơm nóng và chịu cái lạnh từ nước mưa thấm vào.
Tôi phải thay quần áo và xoa dầu khắp người cho nóng rồi mới yên tâm leo lên võng nghỉ.
Đêm, mưa vẫn rả rích. Mở mắt ra, tôi ngỡ ngàng với những đốm sáng xanh quanh võng: lân tinh phát ra từ những kẽ lá, thân cây mục rải khắp rừng.
Ngày 1/6/1968
Sáng dậy, mặc lại bộ quần áo ướt và lại ra đi. Đến trạm - cũng là rừng thôi. Xa dân thật khổ.
Ngày 2/6/1968
Lại ra đi khi mới 4 giờ sáng. Chúng tôi nhanh nhẹn chạy vượtđường 20. Đoạn đường này địch đánh ác liệt, thấy đầy hố bom và hai bên đường cây cối cụt hết ngọn, trơ cành xơ xác. Suốt 20 km này đường dốc liên tục.
Đêm, nằm trên đỉnh Trường Sơn lạnh buốt. Máy bay địch quần không ngớt.
Ngày 4/6/1968
Sau khi nghỉ một ngày ở trạm 24, 5 giờ sáng nay chúng tôi lại ra đi.
Đường chúng tôi đi men theo những dòng suối nên khá trống trải. Lũ máy bay địch cũng quần lượn hoài trên vùng trời này. Những chiếc máy bay phản lực sáng loá lên trước ánh nắng và lao loang loáng giữa vòm trời xanh. Có những tiếng nổ "ùng ục" kéo dài. Không hiểu ta bắn lên hay địch bắn xuống. Chúng tôi phải hết sức nhanh nhẹn vượt những quãng quá trống trải để lũ máy bay khỏi thấy.
Trạm 25 này là một trạm mới di chuyển đến. Chỗ ở thật tai hại.Đó là một khu rừng nứa rất dốc -thật khó kiếm được một chỗ bằng để làm nơi ở - và rặt một thứ đất đỏ quánh, trơn như đổ mỡ.
Lâu ngày rồi không được ăn rau, thèm quá. Gặp mấy o thanh niên xung phong và được các o cho một bó rau tầu bay. Thế là chúng tôi được một bữa canh tươi! Bọn tôi lúi húi mỗi nhóm một góc rừng bắc ăng gô nấu cơm. Chật chội hết sức. Do vậy thật tai vạ, một ăng gô nước sôi vừa bắc ra bị anh Nhị đá phải đổ ập cả vào chân trái tôi. Nóng dãy lên. Bàn chân trái phút chốc đỏ rực lên và rất rát.
Nó cứ nóng rát lên từng đợt, rồi dịu đi, rồi lại nóng rát lên từng đợt, từng đợt như vậy, thật khó chịu. Chống gậy về võng nằm. Tôi lo lắng vô kể: ngày mai đi đứng sao đây với cái chân này? Thấy tình cảnh ấy, Vượng rất lo lắng cho tôi. Anh trách móc mãi Nhị về sự vô ý vừa qua.
Ngày 5/6/1968
Sáng dậy, thấy chân bị bỏng phồng rộp lên. Tôi bôi thuốc mỡlên rồi băng nó lại, lồng nó vào chiếc bít tất. Tôi nới rộng quai dépđể đi cho đỡ tức chân, rồi chống gậy tập tễnh bước đi. Đoàn quânnối dài trong khu rừng nứa lầy bùn. Một thứ bùn đỏ quánh, trơntuột. Người ta thi nhau ngã oành oạch! Có đoạn xuống dốc đường trơn quá, tôi phải chống gậy xuống trước, lựa chiều để xuống dầntừng bước, từng bước.
Đến đất Lào rồi đây. Chúng tôi đi qua một bản của người Lào, thấy dân ở đây giống người Xá Tây Bắc. Lâu lắm rồi mới gặp dân.
Trời u ám, xam xám một màu chì và thoảng những làn giólạnh. Lòng tôi chợt buồn nao nao. Nhớ gia đình quá!
Ngày 6/6/1968
Nghỉ lại ở trạm 26 - tức trạm 6. Đây là trạm đầu tiên trên đất Lào - thuộc tỉnh Khăm Muộn.
Ngày 7/6/1968
Chúng tôi đi theo những rừng nứa thưa hoặc dòng suối cạn.Đất mịn màng dưới chân chúng tôi. Đoạn đường này đi khá dễ chịu.
Ngày 8/6/1968
Đi. Đi hoài. Đường dốc ghê quá. Có hai dốc anh em gọi là "ác ôn" vì nó vừa dựng đứng, vừa trơn tuồn tuột, sảy chân là ngã liền.
Chủ nhật, ngày 9/6/1968
Chúng tôi bắt đầu bước vào mùa mưa của đất Lào. Hôm nay mưa dầm dề suốt. Mưa không to lắm nhưng rất đều hạt và liên tục. Chúng tôi choàng ni lông, cắm cúi đi. Chiếc áo đi mưa bị cái ba lô đẩy phồng lên làm cho lưng chúng tôi trở thành gù, trông như những con lạc đà vậy. Lạc đà vượt Trường Sơn!
Đường lầy lội những nước. Tôi hết sức tránh nhưng dù sao vẫn sa chân vào những vũng nước bẩn. Nước bùn ngấm vào chỗ bỏng khiến nó rức buốt. Có lúc đau quá, tôi phải ngồi lại nghỉ - ngồi trên những khúc gỗ hoặc tảng đá ướt át. Rồi lại chống gậy, gắng đi. Phải đấu tranh dữ lắm mới đi nổi!
Chiều, trời ngớt đi một chút. Anh em xin được mấy con cá, khoăn ngon lạ. Đặc biệt hôm nay chúng tôi ăn khoẻ quá - ăn hai lần, cách nhau một tiếng và mỗi người ăn mỗi lần nửa ăng gô cơm!
Đêm, trời lại ập cho một trận mưa. Thật đáng buồn, tăng chúng tôi mắc quá cẩu thả nên nhiều người bị nước tạt vào ướt sũng. Võng tôi cũng bị ướt. Thế là phải dậy lục đục căng lại tăng. Quần áo cũng ướt theo. Nằm trong cái ướt lạnh ghê người.
Ngày 10/6/1968
Trời vẫn mưa hoài. Vì đau chân, tôi tranh thủ đi trước. Đường qua những khu rừng thưa. Thật kỳ lạ, trên đường sao lắm cua thế. Những con cua núi này trông rất ngộ nghĩnh: con nào con nấy có đôi càng to tướng và có bộ mai màu đỏ sặc sỡ. Gặp người, chúng chạy rõ nhanh và chui tụt vào hang. Nếu không chạy kịp, chúng giơ đôi càng lớn ra muốn chống cự. Tôi bắt được tới hơn 40 con. Bắt nó thật thú vị: phải nhanh tay, nhanh mắt chộp lấy nó, có con chạy gần tới hang, tôi lấy gậy hất một cái, cu cậu bật ngửa và giơ đôi càng to xù ra thật ngộ nghĩnh. Vui với việc bắt cua, tôi quên cả đau chân.
Trạm 10 nằm ở một khu rừng thưa rộng rãi, đất bằng phẳng. Trạm đón tiếp chúng tôi một cách rất trịnh trọng. Chúng tôi giã cua nấu canh và lấy một số rang mặn ngọt, ăn rất ngon.
Ngày 11/6/1968
Nghỉ lại trạm 10. Trời tạnh mưa, sáng lên một chút. Gần trưa, chúng tôi ra ven suối nấu cơm. Lửa vừa nhen lên thì mưa ập xuống. Cái mùa mưa quái ác! Chúng tôi phải lấy ni lông che tạm bếp vàngười. Được cái củi là củi nứa nên dễ cháy. Người chúng tôi ướt mèm, nhưng dù sao cơm vẫn chín.
Chiều, chúng tôi gặp Hoàn, phóng viên của báo Thủ Đô Hà Nội, nay làm ở Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn xe. Chúng tôi vào Tiểu đoàn bộ chơi, được anh Nguyễn Hồng - Tiểu đoàn trưởng - và anh Trần Minh Khâm - anh hùng Quân đội - đón tiếp rất nhiệt tình. Cuộc sống ở đây khá sung túc. Các anh mang đường kính thỏi của Liên Xô ra tiếp chúng tôi. Chiều đó, chúng tôi được ăn một bữa cơm trịnh trọng và thịnh soạn: có bàn ghế, mâm bát hẳn hoi (lâu rồi chúng tôi chỉ ăn dưới đất và bằng nắp ăng gô), có thịt hộp, thịt lợn tươi kho (không phải là thịt hộp), canh chua, măng xào...
Ngày 12/6/1968
Trời hửng lên rồi. Bầu trời trong xanh, hứa hẹn những ngày nắng.
Ngày 13/6/1968
Nắng dữ dội. Mệt quá đấy, mãi đến chiều mới tới trạm.
Ngày 14/6/1968
Đến trạm 13. Trời vẫn nắng.
Ngày 15/6/1968
Nắng rực rỡ, trời xanh cao vời vợi thật đẹp. Chúng tôi nghỉ lại ở một khu rừng thưa. Trạm trưởng là một chuẩn uý khá điệu đà. Anh thường nhấn mạnh quá đến cái "tôi": "Tôi đã chỉ thị...", "Tôi không cho phép...". Anh đưa ra một số mìn lá của biệt kích giới thiệu với chúng tôi và nói: "Tôi đã cho nhặt hết, nhưng các đồng chí phải cảnh giác, có nhiều loại màu: màu lá, màu đèn pin, màu bút bi....các đồng chí đã rõ chưa?". Khi chúng tôi căng tăng, anh không cho, bắt
đợi đến tối, bởi vì, theo anh, "tăng là chất mầu dễ lộ, máy bay dễ thấy". Tôi thấy hơi khó chịu với thái độ của anh trạm trưởng. Vượng cứ đay đi đay lại cái câu " tăng là chất mầu dễ lộ", có ý chế riễu anh ta.
Ngày 16/6/1968
Sáng, chúng tôi dậy thật sớm, ăn cơm rồi soạn ba lô.
Chúng tôi vượt sông Xi Bang Hiên bằng những chiếc thuyền lớn. Nước sông trong xanh và phẳng lặng như gương, trông thật đẹp.
Đi khỏi sông một quãng, thấy trời bỗng u ám, gió thổi thốc lên khiến lá rừng rơi lả tả và bay quay cuồng. Mỗi khi trời như thế, tôi lại nhớ tới Hà Nội mùa đông với những cơn gió mùa đông bắc ngắt lá rụng đầy đường và lòng thấy trạnh buồn. Nhớ lũ em quá.
Trời mưa một cách giả tạo để rồi lại nắng.
Ngày 17/6/1968
Nghỉ lại trạm 15. Chúng tôi ở trên một triền dốc thoai thoải, chân đồi có một con suối lượn quanh.
Nghỉ ngơi thoải mái, tôi đi vào bản chơi. Dân Lào nói tiếng Thái nên tôi chuyện trò được. Bản tôi vào gồm khoảng chục nóc nhà sàn lụp xụp, với những người dân ít trò chuyện. Phụ nữ không mặc áo và da đen bóng. Kể ra, bản cũ của họ ở nơi rộng, thoáng, sạch sẽ và đẹp. Song bọn Mỹ ném bom, họ phải sơ tán vào khu rừng này.
Ngày 18/6/1968
Nắng rực rỡ. Chúng tôi ra đi giữa trưa nên mệt tợn. Có gì sôilục bục ở hai mang tai. Đầu óc muốn nổ tung ra. Mi mắt nặng trĩu, muốn sụp xuống. Tôi phải lấy đường pha với Vi ta min C uống cho lại sức.
Gần tối, chúng tôi vượt qua đường 9. Con đường nổi tiếng đó trải bằng đá và chỉ rộng 7-8 thước thôi. Sau đó, chúng tôi dùng thuyền vượt qua sông SêPôn.
Ngày 19/6/1968
Sáng nay chúng tôi vượt dốc "Nguyễn Chí Thanh". Từ các trạm trước, tôi đã nghe nói đến dốc này. Dưới chân dốc có làm một cái cổng chào và treo những khẩu hiệu động viên người ra tiền tuyến. Anh em giao liên đã làm những bậc gỗ để lên dốc cho dễ. Tôi hăng hái vượt hết bậc này đến bậc khác, vượt gần nghìn bậc thì lên tới đỉnh. Trên đỉnh cũng có một cổng chào. Bỏ ba lô xuống, tôi hít thở một cách thoải mái làn không khí trong lành. Nhìn xuống, tôi thấy ở tít xa, dòng sông SêPôn ánh lên bàng bạc.
Ngày 20/6/1968
Đến trạm 19 A. Đường bằng nhưng dài quá nên đi khá mệt.Đến đây đoàn K191 chia tay với chúng tôi để rẽ về Trị Thiên.
Khu rừng chúng tôi ở toàn một loại cây nhỏ, thấp và thưa lá nên quá trống trải.
Ngày 21/6/1968
Nghỉ lại nơi này. Chúng tôi ra bờ sông SêPôn nấu ăn. Lòng sông khá rộng và nông, có nhiều phiến đá lớn nằm giữa dòng nước trông thật là đẹp. Tôi tắm giữa dòng sông trong mát thấy thoải mái vô cùng.
Chiều, trạm tổ chức chiếu phim cho anh em xem.
Ngày 22/6/1968
Đi sớm để qua cầu treo. Chiếc cầu nhỏ, chỉ rộng độ nửa thước đan bằng tre, được treo ở hai mỏm đá bằng những sợi mây lớn. Trên đất Lào này, chúng tôi hay gặp những cầu treo như thế. Chỉ làm toàn bằng gỗ, tre rồi dùng dây mây chằng, treo lên ngọn, thân cây
hoặc tảng đá, vậy mà rất vững. Đoàn quân đi qua, cầu rung lên kêu ken két và đung đưa, đung đưa...
Đến trạm 23, tình cờ tôi nhặt được lá thư của một phụ nữ nông thôn gửi cho chồng, nói lên những công việc đảm đang của mình khi anh ra tiền tuyến, ở góc lá thư, anh bộ đội viết câu ca dao:
Vượt qua trăm núi ngàn kheĐường ra tiền tuyến say mê lạ thường.
Anh lính ấy ra đi rất say mê, phải chăng vì có một lý tưởng đúng đắn, và phải chăng vì ngoài hậu phương lớn, hậu phương chung, anh còn có một hậu phương riêng rất vững? Tôi suy nghĩ nhiều về hậu phương. Ai ra tiền tuyến mà chẳng ôm ấp trong lòng mình những cái thân yêu của hậu phương. Ngoài cái hậu phương lớn, chung là cả miền Bắc, là công trường, nhà máy, đồng ruộng... mỗi người đều ôm ấp trong lòng một hậu phương riêng, đó là gia đình, bè bạn, nơi anh sinh trưởng! Cái hậu phương ấy tuy riêng, tuy nhỏ nhưng mặt nào đó nó bao hàm cả những cái chung, thông qua đó người ta nhớ đến hậu phương lớn vì nó có tác động rất mạnh mẽ và trực tiếp tới anh. Nó vững mạnh, nó tốt, nó sẽ nâng bước anh rất nhiều.
Tôi thấy rất tự hào về gia đình tôi, một gia đình có truyền thống cách mạng. Tự hào về người cha luôn tận tình phục vụ cáchmạng - Ông đã được thưởng Huân chương kháng chiến và Huân chuơng lao động. Tự hào ở người mẹ đã tiến vượt lên trong cuộc kháng chiến thứ hai này. Cuộc kháng chiến trước, mẹ tôi chỉ ở nhà quanh quẩn nuôi chúng tôi. Cuộc kháng chiến này, mẹ tôi tham gia công tác cơ quan, đồng thời làm công tác Công đoàn. Mẹ tôi đã tự học để nâng trình độ văn hoá lên hết cấp 2, đã nỗ lực phấn đấu vàđã trở thành Đảng viên. Tự hào ở những đứa em ngoan ngoãn, chăm học, chăm làm, đứa nào cũng là đoàn viên hoặc đội viên thiếu niên tiền phong.
Đây đã là tỉnh Xa Van Na Khét của Lào rồi. Chiều, trời đổ ập một cơn mưa dữ dội.
Ngày 23/6/1968
Sáng đi sớm. Trời thật ẫm ờ, dở mưa dở nắng.
Ngày 24/6/1968
Gần sáng, trời mưa như trút nước, chúng tôi dậy thu dọn mọi thứ trong mưa để lại ra đi. Chiều, trời lạnh và lại trong xanh một cách kỳ lạ.
Ngày 25/6/1968
Sức khoẻ của anh em trong đoàn sụt dần, đã có nhiều người ốm phải nằm lại trạm. Thuyết - cùng tiểu đội tôi - cũng sốt, rên hừ hừ.
Chúng tôi kiếm được một quả bí đỏ, nấu chè ăn thật ngon.
Ngày 26/6/1968
Sáng lại lên đường. Mấy anh ốm chống gậy khặc khừ ra đi.
Chúng tôi đi một cách chậm chạp. Tiểu đội tôi tụt lại phía sau vì anh Thuyết yếu quá. Tuy chúng tôi đã mang hết gạo và một số thứ nặng hộ anh, anh vẫn đi rất nặng nề. Chúng tôi mệt mỏi leo lênmột cái dốc. Đến gần đỉnh, bỗng Thuyết đứng sững lại, mặt nhợt nhạt. Anh ngồi phịch xuống rồi nằm ngửa ra. Bọn tôi cuống quýt tháo ba lô cho anh. Người anh đầm đìa mồ hôi và lạnh toát. Chúng tôi xoa dầu cho anh và lấy mấy viên sâm, Polyvitamin bỏ vào miệnganh. Anh ta phều phào: "Đắng lắm anh ơi" và định nhè ra...
Chúng tôi lấy võng ra, buộc vào một khúc tre lớn rồi vực Thuyết vào võng, khiêng lên đỉnh dốc. Sau đó, chúng tôi buộc hai đầu đòn khiêng vào cây rừng để anh nằm nghỉ rồi vơ củi, lấy nước nấu cháo. Vừa lúc ấy thì đồng chí chính trị viên trạm tới. Anh tỏ ra lo ngại, song không thể ở lại với chúng tôi được. Anh mang hộ ba lô Thuyết đi trước và dặn "Chú ý, nơi này hay có biệt kích. Nó thường đi từ phía sườn núi lên". Nghe nói biệt kích, San vội chạy vào ngồi giữa. Anh chàng này làm nghề chữa máy ảnh, máy quay phim, tính
rất vô tư và rất sợ hổ, biệt kích. Chúng tôi cười ầm lên và nói vài câu nhạo báng San. Anh cười hì hì.
Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm cho Thuyết. Chúng tôi bắc mấy ăng gô lên. Thật chán, vì vội vã, chúng tôi đóng cọc không cẩn thận nên cọc đổ làm ụp cả ăng gô xuống. Khói bốc mù lên. Lại phải xuống dốc lấy nước khác.
Nước sôi, cháo chín. Tôi lấy ruốc hoà vào cháo mang tới cho Thuyết. Anh húp được vài thìa.
Quá trưa rồi. Trời nắng và nóng dữ. Chúng tôi quyết định khiêng Thuyết đi. Tôi lấy cây gánh ba lô cho Vượng và Thành. Còn Thành, Vượng khiêng võng. Gánh có hai ba lô mà sao thấy nặng thế, người cứ lao đao, chúi về phía trước. Tôi đi sau như chạy một cách bị động, được vài chục thước là thở hồng hộc và phải đặt gánh xuống nghỉ. Còn Vượng và Thành khiêng mới vất vả. Hai anh rúm vai và bước đi xiêu vẹo...
May sao, đi được một lúc thì Thuyết hồi sức. Anh xuống võng, đi bộ. Bọn tôi mang hết đồ đạc cho anh và kèm anh đi. Chừng 5-10 phút lại nghỉ một lần. Nóng và mệt quá chừng.
Gần tối, chúng tôi tới trạm. Dù sao cũng đã vượt được một thử thách lớn!
Ngày 27/6/1968
Chúng tôi nghỉ tại đây. Đồng bào mang hàng đến đổi. Chúng tôi đổi được một ít rau bí, ngô non và sắn. Canh rau bí thật ngọt ngào. Ngô để cả râu, luộc lên, chúng tôi lấy nước ấy cho Thuyết uống. Còn sắn luộc thì ăn " thoả mãn bần cố ".
Buổi chiều, Thuyết vào trạm xá nằm. Anh sẽ nghỉ lại trạm này, khi khỏi sẽ đi tiếp. Khi chia tay, anh khóc không dấu diếm, khóc hu hu như một đứa trẻ con...
Ngày 28/6/1968
Dốc nhiều.
Lần đầu tiên chúng tôi được vào nhà của trạm nghỉ và được trạm nấu cơm cho ăn. Do vậy đỡ vất vả.
Ngày 29/6/1968
Gần sáng, trời mưa xối xả. Có lẽ đây là trận mưa lớn nhất từ khi tôi đặt chân lên đất Lào. Nước xối ào ào, ào ào xuống rừng núi, chảy từng dòng theo các khe rãnh. May mà nằm trong lán nên không bị ướt.
Qua sông Nậm-Bạc bằng thuyền. Sang sông rồi, chúng tôi tiến vào một khu rừng. Lúc đó, một máy bay phản lực đen trùi trũi bay sát ngọn cây, rít ầm ầm.
Ngày 30/6/1968
Sáng sớm, dậy nấu cơm ăn rồi lại đi. Chúng tôi cứ dọc theo sông Bạc mà tiến. Nước sông chảy tràn qua các tảng đá lớn, tung bọt trắng xoá dưới nắng và réo ầm ầm.
Đến trạm 32 này là chẵn 2 tháng trên đường rồi!
Thứ 2 ngày 1/7/1968
Nghỉ lại trạm 32. Hôm nay sinh nhật mình. Tuổi 22 ơi, ngươi chứng kiến những ngày phấn đấu của ta trong cuộc trường chinhlớn này. Đón ngày sinh thứ 22 trên đất Xa Van Na Khét (Lào), lòng mình không khỏi bồi hồi nhớ tới quê hương.
Ngày 2/7/1968
Lên, lên mãi. Đến đỉnh dốc thấy mây mù bao phủ. Không khí ẩm ướt và lành lạnh.
Ngày 3/7/1968
Dốc, dốc suốt. Lên cao mãi để xuống thấp mãi. Lên thấy nặng nề một cách mệt nhọc. Xuống thấy chùn chân, đầu gối run bần bật.Đứng trên đỉnh núi thấy mây bao phủ dưới chân. Con đường thật quái ác, không men theo triền núi mà cứ nhằm đỉnh núi mà tiến.
Trạm 34 này nằm ở tỉnh Xa Ra Van.
Ngày 4/7/1968
Đến trạm 35. Đường khá bằng. Thấy dân Lào đào mương, làmthuỷ lợi thật vui. Lại nhớ đồng bào Tây Bắc. Đến tỉnh Ta Vên Ok (Mặt trời mọc).
Ngày 6/7/1968
Sáng lại đi. Đến đây thêm 3 người nữa nằm lại trạm vì ốm. Thếlà 7 người rồi! Đoàn chỉ còn lại 13 người.
Khi xuống dốc, tôi vô ý sảy chân, bị ngã một cái như trời giáng.
Đường toàn lên dốc mà không xuống. Chúng tôi đang trèo lên một cao nguyên lớn của nước Lào: cao nguyên Bô Lô Ven.
Chúng tôi vào trạm. Nhiều căn nhà nằm lạnh lùng trên đỉnh núi giá lạnh này và chìm trong sương mù. Mù mịt và ẩm ướt suốt ngày. Mặt trời trốn biệt và nếu có lúc nào đó chợt ló ra thì những tia nắng yếu ớt cũng không đủ sức xuyên qua những lớp lá cây xanh rì cùng những lớp sương mù dầy đặc. Ban chỉ huy trạm tiếp chúngtôi tại câu lạc bộ của trạm. Đó là một căn nhà xinh xắn, có làm mấy dãy ghế và trên trần có treo mấy chiếc dù pháo sáng màu trắng. Chúng tôi ngồi nghe anh trạm trưởng phổ biến địch tình trong cái ẩm ướt và lạnh ghê người. Nơi đây, địch đã ném bom vào bãi khách, làm chết và bị thương một số người. Chúng cũng thường thả biệt kích xuống. Ba bốn giao liên đã hy sinh trong một cuộc đọ súng bất ngờ với chúng tại một đỉnh dốc.
Chúng tôi nghỉ tại đây một ngày. Không lấy gì làm thú vị lắm vì trời quá u ám, không khí quá ẩm thấp và đêm ngủ quá lạnh.Đêm nằm trong lán, trên sạp, tôi trải ni lông lót lưng, lấy cả võng, tăng và chiếc dù pháo sáng trùm kín mà vẫn rét rúm cả người lại.
Tôi luôn thấy đồng bào Lào gùi rau đến cho trạm. Trạm cho đồng bào muối hoặc một vài thứ cần thiết cho sinh hoạt mà đồng bào không có. Tôi gặp một bà mẹ và một cô gái nhỏ mang gạo nếp, đậu xanh đến cho ban chỉ huy trạm. Bà mẹ và cô gái ngồi quanh một chiếc bàn cùng mấy đồng chí giao liên, vừa chuyện trò vui vẻ, vừa nghe đài.
Một phụ nữ khác cõng rau đến rồi ẵm con vào nhà mấy giao liên. Họ nói chuyện rất cởi mở bằng tiếng Lào. Một giao liên lấy cơm và ruốc bông cho đứa bé. Nó bốc ăn ngon lành.
Ngày 8/7/1968
Giờ đây, chúng tôi nhằm hướng mặt trời mọc mà tiến về Tổ Quốc... Hai người nữa nghỉ tại trạm rồi, cái sốt rét rừng ác hại!
Chúng tôi đang đi trên đỉnh cao nguyên BôLôVen. Nắng yếu ớt và sương mù trải nhẹ khắp cao nguyên. Có những bãi bằng rộng như một cái sân bay trải đầy cỏ xanh rờn. Núi non trập trùng trải ra dưới tầm mắt chúng tôi, nhiều ngọn núi rực lên dưới ánh nắng. Chiều, chúng tôi tới trạm 60 -Binh trạm 21.
Ngày 9/7/1968
Mặt trời Tổ Quốc luôn vẫy gọi chúng tôi. ánh nắng buổi sớm xuyên qua những giọt sương long lanh đọng trên các ngọn cỏ tranh, chiếu thẳng mặt chúng tôi. Chúng tôi len lỏi trong rừng tranh,nhằm thẳng phương Đông mà tiến. Đi một chặp, người đã sũng nước sương. May mà đã thoát khỏi những đồi tranh. Trước mặt chúng tôi là rừng thông. Tôi ào tới khu rừng ấy. Chao, đẹp quá. Những cây thông cao vút, thẳng tắp đang khẽ reo lên trong gió. Rừng thưa và sạch. Dưới gốc thông không có những cây con và rác rưởi mà chỉ toàn là lá thông. Lá thông trải dầy, bằng phẳng và êm
như đệm bông. Cả một giải rừng thông nối nhau trập trùng từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Thỉnh thoảng, tôi gặp vài cây thông cháy. Ngọn lửa cũng liếm gọn những lá thông dưới gốc, tạo thành những khoảnh đen. Anh giao liên cho biết sở dĩ thông bị cháy là do pháo sáng địch thả rơi xuống.
Gần trưa, trời nắng chói chang. Chúng tôi đi men mấy cái rẫy mới phát. Trên rẫy ngổn ngang những cây thông lớn đã bị cháy khô. Thật tiếc, đồng bào làm rẫy nên phá nhiều thông quá.
Rời khu rừng thông khô ráo, thơm tho và ngập tràn ánh nắng, chúng tôi chui vào một khu rừng gỗ già nua, vừa ẩm ướt, vừa âm u và lại lắm dốc.
Chúng tôi gặp Nguyễn Đại và Đỗ Quảng - phóng viên báo Nhân dân - hai anh không đủ sức khoẻ nên phải ra. Qua chiếc cầu tre, chúng tôi vấp phải một cái dốc khủng khiếp. Dốc dựng đứng, nhão nhọet bùn và trơn nhầy nhẫy. Tôi dùng tay bám vào rễ cây, thân cây, cố leo lên. Lên được một đoạn, gặp một cái thang gỗ cũng ướt nhọet và nhớp nháp. Nhưng dù sao, bước lên những bậc gỗ đó vẫn dễ hơn. Con đường nhầy nhụa và dốc đứng này, anh em giao liên vẫn thường cáng thương binh qua. Tôi vô cùng cảm phục họ, sao khiêng nặng trên vai như vậy mà vẫn đi được trên những đoạn đường như thế? Chỉ cần sảy chân một chút là cả anh, và kinh khủng hơn nữa, cả người thương binh nằm trên cáng, sẽ nhào xuống vực... Tôi luôn gặp những cáng thương. Hai giao liên hai đầu cáng, vai nâng cáng, chân thận trọng bám từng thớ đất mà lên dốc hoặc xuống dốc.
Ngày 10/7/1968
Nghỉ lại trạm 61. ở đây có loại cần rừng là món ăn phổ biến. Trông nó giống rau cần ta vẫn trồng, song ăn thì hắc quá, giốngnhư mùi dầu hoả. Cần xào, canh cần, cần muối... Ôi! Chán ngấy.Chỉ có món nước mắm là hấp dẫn một chút. Đó là một loại nước có dính một tí thịt hộp. Thịt hộp ít quá, anh nuôi khui ra, cho vào nấu nát và đổ hàng soong nước vào. Thế mới đủ cho mọi người chấm mút một chút chứ...
Trạm này cũng ẩm ướt và lạnh. Ăn rồi, bọn tôi nằm trên võng tán gẫu, xong lại ca cẩm về cái lạnh và đói. Quái lạ, sao ăn 7 lạng mà trạm nấu thấy ít cơm thế? Còn ít gạo, chúng tôi rủ nhau đi nấu mà ăn. Chớ có nhờ trạm, họ sẽ gắt ầm lên vì phiền đến họ. Chúng tôi rúc vào rừng, tất nhiên mỗi nhóm một hướng để khỏi bị giao liên phát hiện, tìm củi mà nấu. Bốn đứa chúng tôi chui vào một hốc cây to, nổi lửa đùng đùng và bắc ăng gô lên. Chỉ ít phút sau là chúng tôi đã ăn xong, lại leo lên võng nằm tán gẫu, như chưa hề vào rừng nấu cơm vụng trộm vậy. Cách nấu nướng ngang tắt ấy, trên đường hành quân, bộ đội Trường Sơn gọi là "tụt tạt".
Ngày 11/7/1968
Đường qúa dài. Mãi 4 giờ chiều mới tới.
Ngày 12/7/1968
Dốc dữ quá, lên cao chót vót rồi lại xuống thăm thẳm. Qua sông SêCaMáng.
Hôm nay, chúng tôi đã vượt qua biên giới, trở lại đất nước tỉnh Công Tum. Đi trên đất Lào mất một tháng sáu ngày!
Ngày 13/7/1968
Vẫn kiên trì đi. Đường đỡ dốc hơn.
Ngày 14/7/1968
6 đứa chúng tôi nghỉ tại trạm này, đoàn tiếp tục đi.
Ngày 15/7/1968
Chúng tôi đi qua một vùng rẫy. ở đây bầu trời rộng ra và mặt đất sáng sủa hơn lên. Bà con dân tộc làm việc rộn rập ở rẫy, nhiều người mang ngô rang ra. Họ đổi ngô rang lấy thuốc bổ, thuốc cảm sốt... Khi đoàn gần chui vào một khu rừng rậm thì có một chiếc máybay trinh sát loại L19 lượn đến. Tôi và Điều đi sau, nên còn ở
khoảng trống. Chúng tôi đứng im. Chiếc L19 nghiêng cánh, nhòmngó rồi vòng đi. Tôi và Điều vừa bước vài bước thì nó vòng lại, nghiêng cánh. Chúng tôi ngồi thụp xuống, mang cả ba lô trên vai. Thật khó chịu, chiếc L19 cứ lượn. Ngồi mỏi cả chân. Song, nó cũng cút. Chúng tôi nhanh chóng lẩn vào rừng. Giờ thì tha hồ cho mày tìm.
Trời nắng rực rỡ là vậy, lại ập cho một cơn mưa xối xả khi chúng tôi vừa tới trạm. Trạm 65.
Ngày 16/7/1968
Chúng tôi lại đi qua những giải rừng thông bát ngát. Đồng bào ta cũng phá quá nhiều thông để làm rẫy.
Chiều, mưa tầm tã.
Ngày 17/7/1968
Đường ngắn, đi thoải mái. Nhiều rẫy bắp sắp đến ngày thu hoạch nằm cạnh đường đi. Quanh rẫy, đồng bào cắm những cây nứa lớn được chẻ làm 2, 3, có một sợi dây dài chằng trên các cây đó, trên dây buộc nhiều giẻ rách và đầu dây nối với một guồng nước. Nước chảy rì rào làm cái guồng nhảy lên nhảy xuống, kéo sợi dây làm những cụm vải đung đưa và những cây nứa bị tẽ ra, dập vào nhau phát lên những tiếng "Crập! Crập" đều nhịp. Xen vào đó là những tiếng hờ của đồng bào nghe âm u, rờn rợn. Rừng núi Trường Sơn có những âm thanh huyền bí như vậy đó.
Chúng tôi tới trạm 67, trạm Xã hội chủ nghĩa cuối cùng của đường dây. Trạm có những ngôi lán sạch sẽ, ở đầu trạm có một bảng nội qui to bằng gỗ. Trạm có vẻ đàng hoàng.
Anh em cấp dưỡng lấy rất nhiều củ nưa - trông giống như móng ngựa nên anh em gọi là củ móng ngựa - về làm thức ăn. Loại củ này có chút chất bột nhưng cứng và rất chát, muốn ăn, phải gọt vỏ, thái ra, ngâm nước cả đêm. Nhưng với điều kiện thiếu thốn, đem thái
nhỏ, trộn với bột trứng và rán lên thì thành một món chả ngon tuyệt.
Anh em đi lĩnh gạo. Tôi ở nhà nấu thêm vài ăng gô cơm cho anh em về đỡ đói. Tôi nấu nhờ nhà bếp. Cơm gần sôi thì có một anh chàng giao liên đến gắt nhặng lên và không cho tôi nấu nữa. Tôi nói sao anh ta cũng không nghe. Anh ta bảo: "Sợ hỏng gạo thì đổ ra mà phơi!" Bực tức, tôi xách ăng gô về. Tìm đâu cũng không ra chỗ để nấu cơm, sau một hồi loay hoay đành thôi. Lúc sau, thấy anh chàng giao liên nọ sục vào rừng. à, chắc anh ta tìm xem tôi có "tụt tạt" không? Con người gì mà khắt khe vậy? Thật đáng ghét. Mấy anh đi lĩnh gạo về, thấy không có cơm, đều tỏ rõ sự thất vọng. Nhất là anh chàng San háu đói, mặt xị đi trông thật buồn cười.
Tôi gặp mấy cháu nhỏ từ Quảng Nam ra. Bọn con trai khoẻ và nghịch như qủy. Bọn con gái gầy yếu và rủ rỉ kể chuyện rất hay.Cái Bốn, Đức sốt quá, tôi lấy thuốc lên trạm nhờ tiêm cho chúng.
Chúng tôi nghỉ tại trạm một ngày.
Ngày 19/7/1968
Chúng tôi sẽ đến trạm Giải phóng đầu tiên. Tôi mong đến nhanh xem trạm Giải phóng có gì khác và cứ đinh ninh rằng sẽ gặp những chiến sĩ Giải phóng nói giọng miền Nam và hết sức ân cần tiếp chúng tôi - những người từ miền Bắc vào.
Đường chúng tôi đi toàn dốc, đi qua một trạm vận chuyển - có rất nhiều nữ trẻ - và qua sông nước Chè. Trên đường lại gặp cô gái người Quảng Nam. Cô mượn dao của tôi và kê thuốc lá lên cây mà xắt. Rồi cô cuốn một điếu thuốc to đứng hút ngon lành, miệng luôn nhổ nước miếng toèn toẹt.
Những điều thấy được làm tôi thất vọng. Giao liên dẫn tôi đến trạm Giải phóng là một chú chàng miền Bắc 100%, trẻ măng và đoảng tính. Chú ta quên mang giấy giới thiệu của chúng tôi theo, và tệ hơn nữa, còn bỏ rơi cả một chú bé đi ra Bắc. Chú chàng chỉ đường cho chúng tôi đi rồi quay ngược lại tìm chú bé nọ. Chúng tôi
tự đi, tới một con suối thì dừng lại chờ. Phải mất tới gần 2 tiếng đồng hồ, chú chàng mới tới dẫn bọn tôi đi. Tới trạm. Chà, chẳng có gì hấp dẫn cả. Trạm đấy, với mấy ngôi lán lụp xụp, trống huếch, với mấy chàng giao liên người Bắc dáng diệu mệt mỏi, chán chường và không hiếu khách. Các anh chàng tỏ ra không biết nói chuyện lịch thiệp. Bọn tôi cố nén, nói năng ôn tồn để xin gửi cơm cho trạm nấu và được ngủ trong lán.
Nghe nói đây thuộc tỉnh Quảng Nam.
Ngày 20/7/1968
Trạm này chỉ có mấy chú lính ở nhà, ban chỉ huy đi họp hết. Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, mấy chú lính đối với khách tệ quá.
Sáng sớm, chúng tôi thức dậy nghe lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch. Rồi ăn cơm và chuẩn bị lên đường. Trước khi đi, bọn tôi cãi vã một hồi với tay quyền trạm trưởng về việc giao liên quên giấy tờ của bọn tôi. Anh này người Bắc nhưng giả tiếng miền Nam và nói rất ngang, toàn lý sự cùn. Cãi vã phát chán, chúng tôi bỏ mặc anh ta đấy mà đi cho rảnh.
Trên đường đi, tôi gặp nhiều chị em nữ trong đội vận chuyển. Chị em còn trẻ, thường là gầy gầy và ai cũng cõng một cõng hàng to tướng sau lưng. Mồ hôi ra ướt đẫm áo và chị em thở phì phò...
Chúng tôi tới trạm 2 Giải phóng. Cảnh trạm thật đáng buồn. Khi đi qua nhà bếp để đến lán ở, tôi thấy một chiếc võng treo ở góc nhà, một thân hình nhỏ bé nằm gọn trong ấy. Từ đó phát ra những tiếng rên rỉ yếu ớt và bay ra mùi khai nồng nặc. Nhìn vào võng, tôi thấy một khuôn mặt nhỏ, xanh xao của một em gái. Em ngước cặp mắt lờ đờ nhìn tôi và nói lý nhí những câu gì không rõ. Hình nhưem kêu mất lý lịch và tiền. Tôi lo ngại cho em. Ôi, cái sức sống nhỏ nhoi trong cái thân hình gầy yếu ấy có chống nổi thần chết do vi trùng sốt rét mang đến không? Em nằm đó, thoi thóp, rên rỉ và luôn bị mắng mỏ. Mấy cậu giao liên đay nghiến: "Phải để con bé con này nằm chỗ khác, để đây nó kêu điếc cả tai!". Cậu y tá và cậu cấp dưỡng ca cẩm: "Con bà cô lắm chuyện quá, hết đòi ăn trứng lại đòi
ăn chuối, moi đâu ra!". Mỗi khi em gái gọi họ để nhờ việc gì đó, em liền bị gắt: "Con bà cô im đi - kêu la mãi! ". Em gái này là con một gia đình cách mạng. Cha em hiện ở miền Bắc, mẹ em đi lấy chồng.Em ở với bà nội và giờ đang ra Bắc để ở với cha. Ôi, con đường ra tới đó xa vời quá em ơi, liệu em có tới đó được không?
Đến lán ở, tôi càng thêm buồn. Tại đó có hai anh bộ đội đang nằm trên võng. Một anh bị sốt rét, một anh bị đau chân. Anh sốt rét còn trẻ, khoảng hai mươi, hai mốt. Anh ta luôn rên la và kêu cha, mẹ. Anh bị đau chân khoảng 30 tuổi, người xương xương. Anh ta bị chông xóc vào ngón chân cái. Vết thương nhiễm trùng, lở lóet ra và hiện đang bị dòi bọ quấy nhiễu. Cậu y tá thật lười biếng, không chăm sóc gì bệnh nhân cả. Anh bộ đội ấy ngồi nhìn vết thương mà nhăn nhó. Anh ta lấy que nứa gẩy từng con dòi một. Dòi văng ra đất, bò lúc nhúc, trông thật tởm! Cả y tá và bệnh nhân đều lười biếng và bẩn thỉu đến tệ hại.
Tôi lấy thuốc tím, thuốc đỏ và một lọ Pênêxilin đưa cho anh bộ đội và dặn anh ta phải chịu khó rửa vết thương. Còn anh y tá thì nói rằng sẽ lấy Pênêxilin bôi vào vết thương cho anh bộ đội. Anh bộ đội nhận thuốc, mừng quýnh lên. Anh gọi tôi bằng đồng chí và xưng em. Tôi cảm thấy ngượng ngùng vì lối xưng hô đó - anh ta lớn tuổi hơn tôi.
Đến bữa cơm, cậu y tá bưng lên một rá cơm sắn - cơm ít và sắn nhiều.
Ở đây, cả giao liên lẫn bệnh nhân đều phải ăn độn với tỷ lệ sắn quá cao. Gạo thiếu, trạm chỉ đủ khả năng cung cấp cho mỗi người một lon một ngày. Chúng tôi lấy cơm của mình cho hai bệnh nhân và bưng rá cơm sắn lại ăn.
Xế chiều, giao liên dẫn một đoàn khách ra Bắc. Có phụ nữ, trẻ em và cả những ông già. Họ hăm hở đi, vui thích và khao khát như sắp đến cõi tiên. Họ trút lại phía sau những chuỗi ngày gian khổ, ác liệt. Sau lưng họ là phía trước của chúng tôi. Chúng tôi đang tiến về đó - về nơi gian khổ, ác liệt - cũng rất hăm hở.
Chủ nhật 21/7/1968
Cậu y tá dẫn chúng tôi đi. Đến 7 giờ, chúng tôi ngồi nghỉ vànghe buổi phát thanh ca nhạc theo yêu cầu thính giả của Đài tiếng nói Việt Nam.
Giao liên của trạm 3 đến đón chúng tôi là một chú chàng 18-19 tuổi, sốt rét khặc khừ. Chú chàng chỉ đường cho chúng tôi rồi rẽ vào một khu nhà lá bỏ không nằm nghỉ.
Chúng tôi đi không có giao liên. Tới một ngã ba, chúng tôi dừnglại, bàn cãi. Đi lối nào, ai mà biết được? Chúng tôi đành treo võng nằm chờ giao liên. Song thật sốt ruột, mãi mà chú chàng không đến. Chúng tôi đánh liều, đi đường phía tay trái. Trời nắng làm mồ hôi chúng tôi vã ra như tắm. Tới đỉnh dốc, chúng tôi ngồi nghỉ. ở đây có những cây quế lớn, một cây bị róc hết vỏ tới ngọn. Chúng tôi lấy dao găm vạc một ít vỏ ở rễ cây quế ăn cho vui miệng - vị quế cay nồng, ngòn ngọt. San leo lên ngọn cây, vạc từng miếng vỏ lớn.
Chúng tôi lại đi dưới cái nắng dữ dội, trong cái oi ả và nồng nực. Mệt mỏi. Rã rời. Chiều, chúng tôi tới trạm. Vừa hay, trời ập xuống một cơn mưa lớn. Nước trút xuống xối xả. Chúng tôi rúc vào một ngôi nhà nhỏ và chiếm lĩnh một nửa. Nửa bên kia có mấy người đang ngồi mài sắn để gói bánh. Chúng tôi phải năn nỉ mãi mới được trạm cho ở trong chiếc nhà đó nhưng phải cam kết rằng nếu cókhách phía trong tới thì lập tức phải dọn ra bãi khách ngay. Ôi, nhất trạm nhì trời! Trạm là hết thảy. Anh hãy nhún xuống để khỏi làm phật ý trạm, để có thể nhờ trạm chút ít.
Ngày 22/7/1968
Trạm không đồng ý cho chúng tôi nghỉ lại vì lý do: có thể B52 sẽ oanh tạc. Không, chúng tôi cần nghỉ ngơi lấy lại sức, đây là trạmnghỉ. Chúng tôi năn nỉ hoài. Đại đội trưởng đại đội giao liên ở đây bắt chúng tôi phải ký giấy cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu bị B52 thì mới được nghỉ. Dùng dằng mãi, rồi chúng tôi cũng được nghỉ lại mà chẳng phải ký giấy gì. Trạm chỉ làm ra vẻ quan trọng mà thôi.
Trạm này có nhiều rẫy sắn do anh em bộ trồng cách đây 2-3 năm. Giờ, sắn mọc lẫn với lau lách, củ rất nhiều, rất to. Nhiều đơn vị thiếu gạo đã đến đây lấy sắn về ăn. Nửa nhà chúng tôi ở, anh em ở bệnh viện Quân khu vẫn hì hục mài sắn và gói bánh. Trông cảnh mài mài, gói gói thật vui, như cảnh gói bánh chưng ngày tết vậy.
Nhưng giữa cảnh nhộn nhịp ấy lại có những cái bóng vật vờnhư bóng ma. Đó là một số bộ đội nghĩa vụ bị ốm nằm lại trạm. Thực ra đó là những anh chàng bạc nhược về ý chí, nằm ỳ lại. Họ nằm suốt và chỉ dậy khi đi ăn cơm. Song, đặc biệt, họ rất hăng hái đối với việc đổi chác. Khi thấy đồng bào mang chuối, mía,... ra, họ bật khỏi võng, như một cái lò so và cuống quýt mang quần áo ra dúi vào tay đồng bào để lấy về có thể là nải chuối hoặc quả đu đủ... Họ nhắm mắt đổi, không kể đắt rẻ.
Ở đây, chúng tôi nghe tin địch càn nơi Khu ở. Chúng tôi gặp một chiến sĩ tên là ảnh, anh tự giới thiệu là ở trạm 5 - trạm chúng tôi sẽ đến - và rủ chúng tôi cùng đi.
Ngày 23/7/1968
Chúng tôi đi theo ảnh. Anh cõng một ba lô gạo về cho đơn vị. Đi đường, anh luôn cười nói vui vẻ, sôi nổi.
Chúng tôi ngủ lại giữa rừng, sáng mai lại đi tiếp để khỏi phải vòng về trạm, mất thêm 3-4 tiếng. Trời lại mưa. Chúng tôi căng giàn, làm một cái lều ở chung. Quái qủy, vừa co chân lên võng thì lều sập. Lại phải đội mưa mà dựng lều.
Chúng tôi kiếm rau tàu bay, bắp chuối rừng và mót sắn làm một bữa tươi. ảnh tỏ ra là một người sôi nổi, vui tính, lạc quan.
Trời tối dần. Lạnh lẽo và ẩm ướt. Song nằm trong lều, võng sát võng chuyện trò, chúng tôi cảm thấy ấm áp.
Ngày 24/7/1968
Đường kỳ quái thật, toàn men theo những khe lạch và rúc vào lau lách. Nước mưa đọng ở cành lá làm ướt quần áo chúng tôi và bùn trơn làm chúng tôi trượt ngã mãi.
Gần trưa, chúng tôi gặp một làng của đồng bào dân tộc ở đỉnh dốc. ở đây, tôi thấy một anh người Kinh đang đứng nói với đồng bào Thượng: "Tôi làm như vậy, đồng bào ai cũng khen là tốt. Vậy mà khi trả công, anh Sơn không trả hẳn hoi, lẽ ra phải trả gạo, sắn, thì anh ấy lại chỉ vào một khu rừng và bảo tôi rúc vào đó mà kiếm sắn". Chúng tôi chuyện trò với anh. Anh ấy dẫn một đoàn cán bộ từ Gia Lai ra Khu, song không bắt được liên lạc nên phải vào bản làm thuê cho đồng bào lấy sắn ăn. Chúng tôi xôn xao bàn tán. Những ngày tới sẽ ra sao đây?
Chúng tôi tới trạm. Tại đây chúng tôi gặp một lãnh đạo của Khu - anh Vinh. Anh Vinh cho chúng tôi biết là đường dây chưa liên lạc được với Khu và bảo chúng tôi hãy nằm lại trạm chờ vài ngày rồi hãy đi. Gay đấy, chúng tôi chỉ lĩnh 10 ngày gạo. Hôn nay đã là ngày thứ 6 kể từ khi lĩnh rồi. Buổi tối, chúng tôi nấu cơm một cách dè xẻn. Anh em ở trạm không ăn cơm mà ăn cháo. ảnh cho tôi biết tình trạng này kéo dài lâu rồi. Tôi nhớ, vào buổi trưa, gặp giao liên ở chỗ trực, chỉ thấy anh đem theo một khúc sắn - khẩu phần của bữa trưa. ảnh quả là một con người biết phớt lờ khó khăn. Tiếp xúc với anh, ta không thể thấy một nét nào của một người đang sống trong cảnh đói kém.
Ngày 25/7/1968
Chúng tôi nghỉ lại trạm và anh em bảo nhau mang đồ dạc cá nhân ra làng đổi sắn ăn. Nhị đưa ra chiếc đồng hồ - anh bảo nếu có heo thì đổi. Tôi và San mang gùi đi với một số vật tư trong tay: con dao, khăn mặt, hộp nhôm.... và với hy vọng nhỏ nhoi: kiếm đượckhoảng nửa gùi sắn. Đi với tôi và San còn có Lơ - bộ đội quân giới. Cậu ta tỏ ra rất căn cơ.
Làng chúng tôi vào nằm ở một đỉnh dốc. Mới vào đến nơi, một cảnh bẩn thỉu phơi bầy ra trước mắt tôi: rác rưởi, phân lợn gà, bùnnước...và mùi hôi thối bay lên nồng nặc. Ôi, sự no đủ vẫn có sức mạnh hơn cái bẩn thỉu. Làng đó bẩn, nhưng làng đó có sắn, có bắp có cái cứu đói cho chúng tôi - nên chúng tôi cần vào, phải vào. Chúng tôi bước lên rác rưởi và trèo qua một cái thang nhỏ, vào trong làng. Sân làng cũng bẩn thỉu không kém "khu ngoại vi". Làng
chừng hơn chục nóc nhà - loại nhà sàn thấp tịt, mái sùm sụp và tốiom om. Đón chúng tôi là một lũ trẻ nhỏ trần truồng hoặc mặc áo rộng thùng thình, với con mắt tò mò. Tôi bám lấy chúng nó, theo chúng nó về nhà để "gạ đổi". Bọn trẻ rất tinh ranh, biết chúng tôi bínên tỏ ra phớt lờ những thứ chúng tôi đưa ra. Ôi, tôi ghét nhất nghề buôn bán, có bao giờ tôi thích đi chợ, cò kè mặc cả đâu. Nhưng, bây giờ sự sống, miếng ăn của toàn thể anh em khiến tôi phải làm những việc tôi ghét ấy. Tôi mang chiếc khăn mùi soa Trung quốc có in hoa rất đẹp ra, cầm hai góc giơ lên (như những người quảng cáo hàng ở Bờ Hồ) và bảo với lũ trẻ: đẹp không, ưng đổi không? Rồi tán dương từ chiếc hoa in đến đường kẻ sọc... Cuối cùng, một thằng nhỏ dẫn tôi về nhà và đổi cho tôi chừng hơn chục củ sắn nho nhỏ. Con dao Trung Quốc rất đẹp, song bọn nhỏ đổi cho ít sắn quá, tôi đành giữ lại. Một thanh niên gạ mua con dao ấy 50 đồng. Tiền mà làm chi lúc này? Tôi hỏi anh ta có đổi đồng hồ không, anh ta hỏi "mác gì"? biết là loại đồng hồ xoàng của Pháp, anh ta lắc đầu - anh ta chỉ ưng đồng hồ Nhật, có lịch. Vất vả lắm tôi mới đổi được một ít sắn nữa - tất cả vào khoảng hơn nửa gùi.
Chúng tôi vội vã ra về. Thật tai hại. Tôi đi đầu, cứ cắm cúi bước, không để ý đường, nên lạc vào đường đồng bào đi rẫy. Càngđi, càng thấy lạ rừng, lạ đường! Đi miết, đi miết rồi đụng phải một con suối lạ. Cằn nhằn với nhau một hồi rồi quay lại vậy!
Trời u ám, mù dày đặc. Mù sà xuống rừng cây, sà cả xuống suối, ẩm ướt và u tối. Trưa rồi. Chúng tôi kiếm củi nứa, đốt cháy đùng đùng rồi quăng ít củ sắn vào. Bữa trưa đó. Vỏ sắn cháy đen thui. Chúng tôi bóc vỏ, sắn bở tung, trắng ngần thật hấp dẫn. Chúng tôi ăn một cách vồ vập như chưa hề được ăn một bữa ngonnhư thế này bao giờ. Ăn rồi ngó mặt nhau mà cười rinh rích. Mặt anh nào anh ấy nhọ nhem than sắn, trông nguyệch ngoạc như hề.
Ngày 26/7/1968
Nghỉ lại trạm Lập. Nấu cơm, sắn một cách dè sẻn. Trên đường đi đến trạm, chúng tôi được biết một loại dây leo đặc biệt - dây chạc chìu: cắt ra, ngậm vào một đầu, mút một hơi là đầy một miệng nước.
Ngày 27/7/1968
Lại ra đi như mọi ngày nhưng với khẩu phần cơm ít ỏi. Khi quamột dốc dài 1 giờ 30 phút, chúng tôi lên tới đỉnh dốc Sơn Mại. Đỉnh này cao chót vót, hẹp, lộng gió và mọc nhiều loại cây có lá nho nhỏ như lá phi lao, rất đẹp. Chúng tôi đặt ba lô thở phào và đứng phanh cúc áo, mặc cho gió lùa vào da thịt, tưởng chừng lùa tới tận phổi.Trước mặt và dưới tầm mắt chúng tôi là Khâm Đức - trại biệt kích nguỵ mới bị đánh tan. Từ những trạm ngoài, chúng tôi đã thấy nóivề chiến thắng Khâm Đức: ta tiêu diệt được hoàn toàn trại này vàthu rất nhiều vũ khí, lương thực, thực phẩm. Giờ thì Khâm Đức nằm trơ đó, phơi mình dưới bầu trời xanh... Những ngôi nhà sụp đổ, những đồn luỹ ngổn ngang... Chúng tôi lại quay nhìn về phía đồng bằng Quế Sơn. Núi rừng trập trùng trải dài trước mắt chúng tôi rồithấp dần, thấp dần và tít xa, mờ xanh là đồng bằng. Đồng bằng thân yêu, ta xa đồng bằng bao lâu rồi mà sao lòng nhớ da diết đồngbằng vậy? Bao giờ lại về đồng bằng? Ôi, rừng núi điệp trùng. Chúng tôi trầm lặng nhìn về đồng bằng với con mắt khát khao, với tâm hồn cháy bỏng yêu thương.
Nắng vàng rực rỡ trải đều khắp rừng núi. Lũ máy bay phản lực đến quấy đảo vùng trời. Chúng đánh phá đường 16. Chúng bay dưới tầm mắt chúng tôi, điên đảo với cái thân trắng nhởn và với những tràng bom đen trũi. Lũ máy bay thi nhau bổ nhào và vọt lên cao, thay nhau gây nên những tiếng gầm rú xé trời và những tiếng nổ inh tai nhức óc.
Tạm biệt ảnh, chúng tôi theo giao liên của trạm 5 - anh này có thân hình nhỏ loắt choắt, có đôi mắt kèm nhèm... Khi xuống dốc, chúng tôi tiếp cận với đường 16. Hồi nãy, lũ máy bay đánh pháchính đoạn đường này, mùi thuốc bom còn khét lẹt. Đất đá bị đào bới tung lên. Cây cối bị chặt cành, bị đổ nằm ngổn ngang, lá nát tơi bời. Con đường đã biến dạng. Giao liên luẩn quẩn một hồi mới tìm ra đường. Chúng tôi nhanh nhẹn theo anh. Tại bìa rừng, nằm dưới lùm cây là một chiếc ô tô tải GMC của Mỹ. Giao liên nói rằng chiếcxe đó lấy ở Khâm Đức, máy còn tốt song không có đường mà chạy. Chúng tôi băng qua đường. Im lặng bao trùm cảnh hoang tàn. Nắng chói chang làm mùi bom càng thêm nồng, khét, mùi lá cây thêm
hắc. Qua đường rồi chúng tôi rúc sâu mãi vào rừng. ở đây, cây cối cũng đầy những vết thương do mảnh bom, lá rụng xanh cả đất...
Đang ngủ, chúng tôi giật mình tỉnh dậy vì tiếng pháo nổ. Có những tiếng đề pa "uỳnh", tiếp sau là tiếng "Víu..." qua đầu chúng tôi và cuối cùng là tiếng "Oàng" ở phía xa. Chưa có kinh nghiệm về phi pháo, chúng tôi nằm nghe tiếng nổ mà lo. "Uỳnh!.. Víu... Oàng!"... Những tiếng nổ, tiếng rít đáng ghét cứ nối nhau mãi. Và rõ ràng tiếng "Oàng" mỗi lúc lại gần về phía chúng tôi hơn. Bao giờ nó sẽ nổ chụp ngay trên bãi này? Ai mà biết được. Bãi chúng tôi ở bằng quá mà chẳng có hầm hố gì cả. Chỉ cần một vài quả thôi... Có tiếng gấp tăng loạt soạt và tiềng người lao xao. Anh nào đó định cuốn gói khỏi cái bãi bằng đang bị đe dọa này chăng? Tôi và Vượngtụt khỏi võng, tới núp sau một gốc cây lớn. Đạn pháo vẫn bay viu víu qua đầu. Nhưng rồi cũng im. Lũ pháo binh chết tiệt chắc cũng cần ngủ!
Chủ nhật, ngày 28/7/1968
Đi được khoảng một tiếng, chúng tôi nghe tin chưa bắt được liên lạc với Khu, đừng đi tiếp nữa! Chúng tôi vô cùng lo lắng. Gạo gần hết rồi. Bàn luận một lúc rồi quyết định: đóng tăng dừng lại đợi tin tức.
Chúng tôi dựng lều ở bên một dòng suối nhỏ. Ôi chao, khu vực này mới nhiều vắt làm sao: chúng tôi đụng đậy bước chân là lập tức hàng trăm con vắt đói nằm phục dưới lá ngóc đầu dậy bò đến bu vào chân cẳng chúng tôi. Có con bò thục mạng, vội vàng đo từ lá cây này đến lá cây khác, bị ngã lăn chiêng, vươn dậy, lại cuống quýt bò. Có con bò phải cành cụt, cứ vươn mãi cái thân nhũng nhẽo ra mà quơ tìm đường. Có con chưa đánh được hơi, bám một đầu vào đất rồi dựng thân thẳng đứng như một que củi, thấy động là quay tít như ra đa. Thật là lúc nha lúc nhúc như vắt mùa mưa. Có lẽ không convật nào thân lại lạnh như con vắt. Đụng vào nó, bạn có thể nổi da gà liền, nó lạnh ngắt, lại ươn ướt, nhầy nhầy, gây nên một cảm giác ghê sợ. Khi đã hút máu no, nó tự buông cái thân hình tròn căng, bóng nhẫy xuống đất và nằm im thin thít, lười biếng. Chúng tôi thường lấy dao găm chặt đôi, chặt ba con vắt ra cho bõ ghét.
Dòng suối này rất nhiều cá. Chúng tôi lấy kim uốn lưỡi câu, lấy chỉ se lại làm dây câu và kiếm cây làm cần để đi câu cá. Loại cá trắng thật khôn, chỉ có vài con cắn câu rồi sau đó chúng chuồn hết. Còn loại cá trầu (giống cá quả nhưng nhỏ chỉ bằng ngón chân cái) thật phàm ăn. Thấy mồi, chú ta bơi lởn vởn một chút rồi bập vào liền. Có con bị giật đứt mép, văng lên bờ rồi quẫy xuống nước, vậy mà không hề sợ, gặp mồi là lại lao tới liền. Chúng tôi kiếm được gần một ăng gô cá.
Có tiếng máy bay ì ì. Hai chiếc trinh sát cánh quạt lượn trên đầu chúng tôi. Một lúc sau, nghe trên không trung vang tiếng người nói. à, tầu rao đó - nó gắn máy phóng thanh cực đại để làm nhiệm vụ chiêu hồi. Thử nghe xem sao? Thằng cha trên đó nói giọng Huế, qua máy phóng thanh phát từ trên cao nghe âm âm, hư hư thực thực như tiếng từ âm phủ vọng lên. Hắn kêu gọi binh lính Bắc Việt hãy hồi chánh.... Chúng tôi bực tức chửi rủa thằng tầu rao một hồi, rồi xoay qua bàn: Sau này Mỹ thua, những thằng bán nước kia sống ra sao nhỉ? Thật nhục nhã... Chiếc tầu rao bay lượn một hồi, kêu la một hồi rồi vòng ra xa. Tiếp đó, tôi nghe tiếng phản lực rít. Một tiếng nổ "bục!". Rừng cây chuyển động và lá rụng rào rào. Chiêu hồi chán, chúng giở trò đánh phá, có gì là lạ đâu!
Xế chiều, chúng tôi quay lại trạm để ngủ. Trời ập cho một cơn mưa phũ phàng. Tôi ngồi trong một cái bếp bé xíu mà nấu cháo người ướt sũng vì mồ hôi và nước mưa. Tối đó, mỗi người chúng tôi húp một chút cháo loãng toẹt.
Đêm ngủ, thấy buồn quá. ừ, buồn một chút cũng được, nhưng đừng bi quan. Không, tôi không bi quan chút nào. Khó khăn là tạm thời. Tình hình toàn cục vẫn rất sáng sủa.
Ngày 29/7/1968
Vẫn chưa liên lạc đươc với Khu. Gạo còn chút xíu thôi, nằm chờ sao được? ở cái khu rừng nghèo nàn này thì kiếm được gì mà ăn kiachứ. Ngay trạm cũng chỉ ăn cháo. Đến một lát sắn khô cũng không có mà ăn. Chiều qua, Dân - trạm trưởng - lục tìm mấy củ sắn tươi
để dành từ mấy hôm trước, định xắt ra nấu cháo. Song nó thối mất rồi. Ai nấy tiếc đứt ruột.
Trước tình hình như vậy, chúng tôi bàn nhau phải quay ra trạm ngoài để kiếm gạo, sắn.
Lại quay về con đường cũ. Đường rừng bữa nay ẩm ướt vì trận mưa hôm qua và quá nhiều vắt. Mặc dù chúng tôi đã bôi thuốc chống vắt, vắt vẫn không hề sợ. Chúng ào ào xông đến bám vào chân cẳng, quần áo. Tôi đi một đôi bít tất dầy và dài tới đầu gối nên vắt không cắn được. Tuy nhiên chúng bám đầy bít tất. Không saobắt xuể. Đứng lại bắt một hai con thì lập tức ba bốn con khác lên thay. Vừa đi vừa co cẳng lên, lấy tay gạt bừa, rơi con nào thì rơi vậy. Lũ vắt bò lổm ngổm đầy hai bít tất, leo lên tận đầu gối. May quá, tới một con suối rồi. Chúng tôi nhảy ra các tảng đá ngồi bắtvắt. Ở các kẽ chân, quai dép, vắt hàng búi. Chỉ một chặp, tôi giếtđược 30 con vắt to nhỏ. Ôi chao, vắt!
Trưa nắng, chúng tôi ra tới một con suối lớn. Ai nấy kiếm bóng mát ngồi nghỉ. Tôi lội qua suối rồi ngồi xuống một tảng đá bên một bụi cây mát rượi.Vừa ngồi xuống thì tôi thấy một con vắt no tròn lăn cù theo độ dốc của phiến đá. Không hiểu nó hút máu tôi từ lúc nào mà bây giờ no như vậy, no tròn bóng lên, no không bò nổi nữa. Trông con vắt mà tiếc máu vô kể. Tôi lấy gậy chọc cho con vắt toé máu ra cho bõ ghét. Máu đen thẫm, loang đầy phiến đá. Tôi ngồi im, mệt mỏi. Sao nhớ nhà thế. Tôi thấy hình ảnh cha, mẹ, anh em hiện lên rất rõ. Tôi muốn ôm lấy lũ em mà không được. Và tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra, không sao kìm nổi. Tôi để mặc những giọtnước mắt lăn trên gò má, nóng hổi. Ôi, những giọt nước mắt yêu thương, ngươi không làm yếu lòng ta, ngươi cứ chảy đi...
Xế chiều, chúng tôi tới trạm. Người đói run lẩy bẩy. Anh em chia cho mỗi người 1/3 lon gạo để nấu cháo. Phải ăn hết sức dè sẻn như vậy mới được. Tôi đi kiếm môn dóc. Môn dóc là loại rau dại mọc rải rác trong rừng, trông gần giống các loại khoai môn nhưng lá dài và nhỏ hơn. Tôi lọ mọ khắp rừng mà chỉ lần được vài cây. Chúng tôi hái lá, tước cọng, rửa sạch để chuẩn bị nấu canh. Thật đã đói thì một cọng rau cũng quí. Cái thứ môn dóc ấy nấu lên bay mùi hôi như
cám lợn, song lúc này cũng quý như rau muống vậy. Tôi ra máng nước, nhặt lại mấy đầu mẩu sắn anh em vứt bữa trước, tuy nó xương xẩu và đã chạy nhựa thâm lại nhưng vẫn quí, vì nó còn chút chất bột. Tất cả những thứ đó - 1/3 lon gạo, mấy cọng môn dóc, mấy đầu mẩu sắn - tôi dồn cả vào ăng gô, nấu nhừ ra. Bữa cháo ấy mới ngon lành làm sao.
Ăn rồi toàn Chi họp bàn cách gỡ thế bí (Chi không phải là chi bộ mà là tên gọi của mỗi đoàn kèm theo số hiệu, như Chi của tôi có phiên hiệu 192). Anh Bí thư Chi đang sốt, mặc sù sụ chiếc áo vệ sinh và nói bằng cái giọng khịt khịt của người tịt mũi: "Bây giờ gặp khó khăn, tất cả chúng ta phải đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau phải giải quyết..." Bàn luận rồi chúng tôi nhất trí: để một số đồng chí ốm yếu lại coi đồ đạc, còn những người khoẻ quay lại trạm 3 để xin gạo.
Tôi chuẩn bị đồ đạc để sáng đi sớm. Đêm ngủ mê toàn thấy ăn tiệc. Tỉnh dậy thấy trống không và bụng đói cồn cào, sôi lục bục.
Ngày 30/7/1968
Bốn chúng tôi ở tiểu đội Hai và 4 người ở tiểu đội Một hợpthành một đoàn, khăn gói lên đường. Thành và Điều thuộc tiểu đội tôi ở lại vì yếu mệt. Chúng tôi nấu một ít cơm để ăn sáng và trưa, còn bao nhiêu gạo thì trút hết lại cho anh em.
Khăn gói nhẹ bỗng, chúng tôi lên đường - lại qua rừng quế, qua những đoạn đường trơn tuột. Khi tới làng, chúng tôi dừng lại để đổi sắn. Vật tư cạn rồi. Tôi cầm cái hộp guy gô của Vượng vào với tâm trạng đầy lo lắng: liệu có kiếm được gì không? Tôi thẩn tha vào các nhà, dỗ dành mấy lũ trẻ và cuối cùng đổi được 9 củ sắn. Tôi mừng rơn, 4 anh em sẽ được nhờ tôi ở 9 củ sắn ấy đấy.
Chúng tôi cắm cúi leo dốc. Đỉnh dốc này có một rẫy sắn cũ. Nắng và nóng làm chúng tôi thở hồng hộc. Tôi ngồi nghỉ với hai đồng chí pháo phòng không. Hai người mang hai gùi sắn vơi vơi, củ nhỏ và cong queo. Họ cho biết, họ mót sắn ở đồi này. Song gay lắm.Đất rắn và có lẫn đá nên phải dùng xẻng đào, vậy mà suốt từ sáng đến trưa, họ chỉ kiếm được từng ấy sắn. Còn chúng tôi, với mấy con
dao găm nhỏ, liệu được gì? Mà thật tai hại, khi leo từ suối lên đỉnh dốc, con dao găm của tôi lại biến đâu mất rồi kia chứ. Chúng tôi nhìn nhau thất vọng và vội xuống dốc để theo kịp tiểu đội Một. Theo mãi, theo mãi mà vẫn mất hút họ.
Xế chiều rồi mà chúng tôi vẫn không thấy 4 anh ở tiểu đội Một đâu cả. Tôi nhớ ra rằng anh Bí thư Chi (ở tiểu đội Một) và mấy anh nữa cùng tiểu đội đó có người quen ở trường Kinh tài, trường này nằm ở gần đây. Chúng tôi hiểu rồi. Họ bỏ chúng tôi để vào trường Kinh tài nhờ vả cho dễ. Nhớ đến câu của anh Bí thư Chi: "Chúng ta phải đoàn kết thương yêu nhau" mà thấy chua chát! Thôi, đành dừng lại giữa rừng này thôi.
Chúng tôi dựng nhà tăng để ở. Cái sườn nhà này cũ quá rồi, cứ xiêu xiêu vẹo vẹo. Chúng tôi lấy cây chống, lấy đá chèn cho vững. Vượng chặt về một ôm cọng đùng đình gác lên mái để căng tăng cho phẳng phiu. Không khí ẩm ướt. Chúng tôi khó nhọc lắm mới kiếm được ít củi tạm gọi là khô. Rồi bóc sắn nhét vào ăng gô. San đòi "đạo diễn" món sắn luộc, anh khoe rằng sắn anh luộc sẽ vừa bở tung vừaráo nước, ngon như bánh khảo vậy. Để bồi dưỡng, chúng tôi làm luôn hai bắp chuối rừng mà tôi và Vượng hái được ở rẫy. Thái nhỏ ra cho vào hai ăng gô, thế là được một bữa canh tuyệt vời. Xẩm tối, chúng tôi dọn "cơm", cũng 4 ăng gô như ai, tiêu chuẩn cao đấy chứ. Tôi, San, Vượng, Nhị quây quần bên 4 ăng gô, ăn những khúc sắn bở tung với canh bắp chuối ngọt lừ, vừa húp canh sùm sụp vừa khen bữa "cơm" ngon thật là ngon. Rồi thì leo lên võng nằm và nghe đài. Trời mưa lắc rắc. Rừng âm u, tịch mịch. Chúng tôi thiếp đi, quên hết cả mọi lo lắng về những ngày sắp tới. Nhưng quái ác thay, quá nửa đêm thì cái cây ngang cột võng của chúng tôi bị gẫy, đánh bật chúng tôi dậy. Bốn anh em lại hì hục cột cột, chống chống, sửa lều trong đêm tối âm u, dưới trời mưa lắc rắc, giữa không khí giá lạnh.
Chúng tôi đi đã chẵn ba tháng rồi đó, ba tháng đầy vất vả song cũng đầy kỷ niệm yêu thương.
Ngày 31/7/1968
Sáng, dốc chút gạo còn lại ra nấu cơm. Trời vẫn mưa nhẹ hạt. Chúng tôi phải đóng 4 cái cọc và che áo mưa lên để làm tạm cái bếp. Song củi quá ẩm ướt nên nấu thật vất vả. Khói tuôn ra và đọng lại
đầy cả khu rừng. Không khí nặng quá, khói không tan nổi. Lại có tiếng máy bay trinh sát ì ì phía xa. Cứ chúi mũi vào bếp mà thổi phù phù, chóng cả mặt.
Lại những con đường rừng là lạ quen quen. Đây, dòng suối bữa nọ chúng tôi ngồi nghỉ, xem đồng bào dân tộc lật đá bắt cá. Chúng tôi ngồi bên bờ suối, trầm ngâm. Lúc này, cậu y tá của trạm 2 Giải phóng lại ở đâu dò đến. Cậu ta được lệnh tập trung lên đoàn công tác. Tôi sốt sắng hỏi cậu ta về anh thương binh và cô bé. Cậu ta cho biết anh thương binh nhờ có thuốc nên sau đó ít ngày, vết thương đã hết dòi và nay chân đã khỏi. Còn em bé, em còn đâu nữa! Y nhưđiều tôi dự đoán, bệnh sốt rét quái ác đã cướp mất em! Ôi, thật là cay đắng! Lòng tôi nặng trĩu buồn thương...
Từ đoạn này đi ra, người thật đông. Bộ đội chuyển đạn, chất nổ... đi nườm nượp. Có cả những người gùi những gùi sắn nặng trịch, với những củ sắn to tướng, mập mạp. Chúng tôi xin được vài củ sắn cỡ vừa vừa, lấy làm mừng lắm. Cái bụng xấu tính, cứ sôi lên đòi ăn. Tới một đỉnh dốc gần trạm, chúng tôi dừng lại, làm một bữa "xổi". Tại đây, vỏ sắn vứt la liệt, những mẩu sắn vứt lăn lóc trên sườn đồi, dưới khe suối. Thỉnh thoảng lại có những củ còn nguyên xi lành lặn nữa. Chúng tôi lột sắn, đựng đầy 4 ăng gô, chất lửa đùng đùng. Sắn bở tung, nóng hổi, đối với chúng tôi như là một bữa tiệc. Có anh bộ đội mới hành quân từ Bắc vào, nghe chúng tôi nói chuyện, liền đem cơm nắm ra ân cần mời chúng tôi, còn anh ta ăn sắn - anh ta cũng thèm sắn. Thật giống như khi chúng tôi còn nhiều gạo, chỉ độc thèm sắn. Này, bình tĩnh lại anh bạn ơi, rồi thì sắn sẽ làm cho anh ê ẩm đấy.
Ăn uống no nê rồi, chúng tôi kéo quân vào trạm. Thật bất ngờ, chúng tôi lại gặp Thuyết và Các, hai anh em cùng Chi bị ốm, đi sau. Hai anh kéo chúng tôi vào ở ngôi nhà được trạm phân phối cho. Hàn huyên, cười nói mãi rồi cũng phải lo tới thực tại, lo tới tương lai của chuyến đi. Gạo hết, muối chẳng còn.
Chiều đó, chúng tôi được một bữa cơm no, ngon, nhờ cơm gạo trắng tinh của Thuyết, Các, nhờ lương khô thịt voi của hai anh bạn bộ đội và nhờ nồi canh sắn ngọt lừ do bọn tôi tự kiếm. Rồi thì xúm
vào bàn bạc cụ thể để kiếm ra lương thực. Hiện nay, trạm không chịu cấp gạo cho chúng tôi (kho có trên 5 tấn) và chỉ cho tạm vay: mỗi người một ngày được vay nửa lon sữa bò! Kia, thức ăn no của chúng tôi là rẫy sắn ngoài kia.
Thứ năm, ngày 1/8/1968
Chúng tôi dọn ra bãi khách và bắt tay ngay vào việc đi đào sắn
-chỉ có dao găm thôi. Tôi cũng có một con dao găm, thực ra nó là loại lưỡi lê của Mỹ, một anh bạn đi ra Bắc tốt bụng đã cho Nhị, Nhị lại cho Tôi.
Ở đây sắn nhiều, nhưng bỏ lâu rồi nên hoang vu, sắn mọc lẫn những bụi gai góc, lau sậy, cây cối. Phải chui rúc mà mót, may thì gặp nơi nhiều, không may thì gặp nơi ít.
Cứ theo triền dốc đi xuống, chúng tôi gặp một bãi sắn đã bị khai thác. Cây sắn to đổ ngổn ngang, còn trơ cái hốc đỏ lòm mầu đất. Tôi ngơ ngác tìm các bờ bụi, chẳng thấy cây sắn nào sất! Mà sao lắm cây mâm xôi thế. Loại cây này thân đầy gai, bò ngùng ngoằng, quấn vào nhau dầy đặc. Gai nó cào toạc cả da thịt. Nắng chói chang. Nắng toé lửa. Tôi bươn lên sườn núi lùng nhùng những bụi mâm xôi rồi rúc ngang, kiếm mãi vẫn chẳng có gì. San và Vượng cũng vậy. Nhưng sau đó, chúng tôi cũng tìm ra 2,3 gốc sắn mọc lẫn trong lau lách. Thế là xúm nhau vào phát, đào. Cái thứ sậy chết tiệt này, rễ, gốc ăn tràn mặt đất, cắm sâu xuống đất và cứng tổ cha. Tôi, San, Vượng phải thay nhau dùng dao găm bạt dần từng mảng rễ, gốc đó ra mới đào được. Khát khô cả cổ. Bi đông cạn sạch nước rồi. Trời lại rắc cho một ít hột mưa rào. Thế là hơi đất được dịp bốc lên, thốc vào mặt chúng tôi - những khuôn mặt có những cái miệng và cái mũi đang há hốc ra thở dốc. ậm ạch, hì hục mãi rồi cũng moi được sắn từ lòng đất lên. Khoảng một nửa gùi tất cả. Quá trưa, chúng tôi ra về.
Ngày 2/8/1968
Lại đi đào sắn, song đi chếch ra ngoài một chút. Tôi và San mượn được hai cái xẻng nhỏ, chắc sẽ đỡ vất hơn. Nơi này khá rậm.
Rúc một lúc là mất hút Vượng rồi. Chúng tôi í ới gọi nhau, nhưng không được, đành chia hai cánh, đào hai ngả vậy. Nơi này khánhiều sắn. Tôi và San cắm cúi đào. Đất cũng khá mềm. Cứ đào được một bụi, lại rúc rúc, luồn luồn trong bụi rậm, lần ra từng hốc sắn mà đào.
Khoảng nửa buổi, tôi rúc ngược lên và gặp Vượng, Anh đào được khá nhiều sắn. Sắn to thật, nhiều củ bằng bắp đùi. Tôi cũng ra sức đào. Moi lên những củ sắn đầu phình to, đuôi múp lại, trông thật ngộ ngĩnh.
Xế trưa, chúng tôi ra về, mỗi người lặc lè một gùi sắn. San không gùi, anh buộc lại mà gánh. Thế là tai vạ đến với anh: rúc một chặp, sắn bị dây dợ, gai góc lôi kéo thi nhau rơi. Mỗi lần như vậy, San lại phải đặt gánh xuống, lượm từng củ, buộc lại. Có lẽ quá mệt, anh đâm bẳn tính, cáu gắt nhặng xị. Tôi cứ bụm miệng cười. Ai bảo dại!
Khát khô cả cổ. Mệt mỏi rã rời. Gùi sắn trĩu nặng trên lưng...
Thứ bảy và chủ nhật, ngày 3 - 4/8/1968
Đã có sắn ăn, sắn để, chúng tôi tạm nghỉ ngơi cho dãn xương, dãn cốt và tích cực đi làm công tác vận động lương thực. Thuyết xin được cho chúng tôi khoảng hai lon muối - thật quí hơn vàng (lúc này, do tài "ngoại giao" Thuyết, Các vẫn được nghỉ và ăn uống trong trạm, bốn đứa chúng tôi nghỉ ở nửa ngôi nhà ở giữa bãi khách, cạnh tiểu đội Một).
Trạm vẫn khăng khăng không cấp gạo cho chúng tôi. Lý do họ nêu ra: đường dây vẫn thông suốt, các anh cứ đi là được! Chúng tôi phải nằn nì mãi, sau mới được cấp 6 kg gạo. Tuy nhiên, anh em ăn hết sức dè sẻn. 4 người ăn chưa đến 2 lon gạo một ngày, còn toàn là sắn. Sáng, chiều, ăn chút cơm ghế sắn. Trưa, ăn sắn luộc.
Ngày 5 - 8/8/1968
Chúng tôi tiếp tục vừa nghỉ ngơi vừa đào sắn, thái và phơi, sấy sắn. Chủ yếu là sấy vì ở đây rừng già, chỉ có ít ánh nắng. Chúng tôi
làm một cái giàn bếp lớn, gác lên đó một cái vỉ tre rồi rải sắn lên. Phía dưới là bếp, hàng ngày nấu ăn, tối thì chất củi gộc, củi tươi vào đốt suốt đêm. Chẳng bao lâu chúng tôi được một bao sắn khô to tướng.
Ngày 9/8/1968
Có tin đã nối được liên lạc với VQ ( tức Vinh Quang, mật danh của Khu ủy khu Năm). Trạm cấp cho chúng tôi gạo ăn đường: 6 ngày, mỗi ngày mỗi người 2 lon.
Thật là mừng, chúng tôi bàn nhau phải liên hoan một bữa. Tôi, San, Nhị vác cần đi câu cá, được khoảng một nắp ăng gô. Lại xin được hai quả dứa. Thế là được một nửa ăng gô cá kho ngon tuyệt. Chiều, chúng tôi nấu cơm không ghế sắn, ăn với cá kho dứa và coi đó là đại tiệc.
Ngày 10 - 13/8/1968
Lại trở lại đường cũ, ba lô nặng trịch những sắn khô và chút gạo.
Khi vượt được đỉnh Sơn Mại rồi, đi qua một con suối, tôi thấy có mấy anh bộ đội trẻ măng ngồi bên một đống củ nần. Loại củ này to bằng ấm tích, tròn, có bột mầu trắng ngà, phải làm thật kỹ (sắt ra, ngâm nước mấy ngày), ăn mới hết đắng, hết say. Mấy anh ấy ở đơn vị pháo ngoài Bắc mới vào, bị lạc đơn vị, bị đói. Sâu vào phía trong một chút, dưới một cái tăng có treo một cái võng. Chiếc võng căng nặng, chứng tỏ có người nằm trong. ở một đầu chiếc võng, ướt đầm đìa những nước. Từ đó bay ra mùi khai thối nồng nặc. Anh bộ đội đó bị ốm nặng, lại bị đói, liệu có thoát khỏi cái chết giữa núi rừng hoang vu này không?
Chúng tôi nghỉ lại ở trạm Dân. Trạm vừa bắn được hai con Dộc (loại thú rừng họ khỉ), Dân cho chúng tôi một con nhỏ. Lúc nào cũng vậy, Dân rất niềm nở, tươi cười và hay chia ngọt xẻ bùi với anh em. Trạm anh vừa cứu được một đồng chí bộ đội bị ốm và suýt
chết đói. Hiện anh ta đã khoẻ và trạm vẫn nuôi. Lương thực vẫn khó khăn.
Ngày 14/8/1968
Đi đến trạm Khoa. Đường bằng, men theo các bờ suối hoặc xuyên qua những khu rừng bằng phẳng, đầy lá khô và nhung nhúc những vắt. Thỉnh thoảng có một vài cái dốc ngắn song trơn tuồn tuột - đất ở đây là loại đất thịt, bị thấm nước, nó tạo thành một lớp bùn quánh, nhầy ở bề mặt, còn phía dưới vẫn cứng nên mới trơn như vậy. Nhiều người đã ngã - ngã lăn ba vòng từ trên xuống, ngã ngồi trượt một đường dài... đủ kiểu ngã. Tôi cố sử dụng chiếc gậy thật khéo léo, lúc thì chống, lúc thì ghìm lại thành một cái trụ vững chắc nên xuống mấy dốc đó đều an toàn.
Ngày 15/8/1968
Giao liên dẫn chúng tôi đến trạm Phú là một anh người nhỏ nhắn. Anh bị đau bụng - kiểu đau dạ dày - nên thường tụt lại đi sauchúng tôi. Đường men theo bờ sông, cũng dễ đi. Phía bờ sông bên kia có những nơi bị bom cày phá khiến cây cối đổ gục, đất bị đào bới, phơi màu đỏ hoen ố.
Đến trưa, chúng tôi mang cơm ra ăn. Cơm của tôi có ít, vì hết sắn khô để ghế rồi. Anh giao liên mang gói cơm bé xíu ra - thực ra đó là sắn khô nấu thì đúng hơn, vì chỉ có loáng thoáng ít hạt cơm. Anh nói trạm này cũng đói, gạo quá ít và đi lấy sắn quá xa, phải mất hai ngày đường. Anh giao liên chỉ ăn vài miếng là hết veo nắm cơm tội nghiệp. Tôi mời anh ăn thêm với tôi, anh ta ăn rất tự nhiên.
Cũng thật xúi quẩy, chúng tôi xin được một quả lựu đạn, đem đến một hục sâu ở suối ném, định kiếm một chút cá. Nhưng lựu đạn nổ mà chẳng có con cá nào chết cả!
Chiều, tới trạm, vừa kịp căng tăng thì trời nổi gió đùng đùng và sầm sập đổ mưa.
Chúng tôi góp gạo, ăn chung với trạm. Còn trạm thì có sắn tươi và cá - cá do anh em giao liên mò ở suối, được ít con. Bữa cơm nóng, ngon.
Đường nhiều dốc nhưng ngắn. Rừng nhiều muỗi quá, mỗi khi ngồi nghỉ là chúng ào vào đốt túi bụi. Tôi phải lấy khăn mặt đập ngang đập dọc luôn tay mà vẫn bị đốt tịt cả người. Rừng cũng nhiều hạt gắm quá, tôi nhặt không biết chán. Trong lúc lương thực thiếu thốn này, hạt gắm thật quí - nó có chất bột, sẽ làm chúng tôi bớt đóimột chút và ăn lại ngon, vừa bùi, vừa béo. Điều cũng cặm cụi nhặt với tôi. Thuyết nhặt được một nắm, đưa cho tôi mang rồi đi thẳng anh rất ngại làm công việc cải thiện sinh hoạt và chỉ thích nghỉ ngơi. Vượng, Nhị, San thấy chúng tôi nhặt cũng chẳng để ý, cứ đi thẳng, có lẽ các anh chưa biết giá trị của hạt gắm.
Bãi nghỉ của chúng tôi quá chật hẹp, nằm kề một con suối nhỏ, dưới một cái làng của đồng bào dân tộc. Tôi bước vào bãi định kiếm một chỗ căng tăng thì bỗng thấy đau buốt ở chân; Tôi ngã khuỵu xuống. Trời, mu chân trái của tôi mang nguyên si một mũi chông tre kiểu lá tranh. Mũi chông cắm sâu vào mu bàn chân, tôi phải rút nó mới chịu rời ra. Nó cắm sâu tới gần hai đốt ngón tay. May nó không có ngạnh nên không bị mắc cứng trong đó. Máu từ vết thương tuôn ra, đỏ thẫm cả bàn chân. Anh em chạy xúm đến. Vượng nhai thuốc lá dịtcho Tôi. Điều dở băng băng chặt lại. Tôi tập tễnh về treo võng nằm, lòng đầy lo ngại. Lúc ấy tôi mới để ý nhìn và thấy ớn lạnh: quanh bãi nghỉ, ngược lên triền dốc, chi chít những chông. Chông hình lá tranh, bén nhọn, được cắm chênh chếch và lẫn vào cỏ, rất khó phát hiện. Có lẽ đồng bào cắm chông đề phòng biệt kích.
Tối, Điều mang hạt gắm ra rang. Anh em xúm xít quanh bếp lửa. Chúng tôi chia đều cho 7 người, mỗi người được khoảng bốn chục hạt, ăn thấy bùi, béo, thơm, thú vị vô cùng.
Ngày 17/8/1968
Cái chân đau muốn cản trở cuộc hành quân của tôi. Đường lại cứ nhằm suối mà đi. Lội nước đến phát sợ lên. Người ớn lạnh, sởn gai ốc.
Đến trạm, tôi vội lấy thuốc tím rửa chân rồi rắc thuốc Sunfamit vào. Miệng vết thương khép kín, trắng bợt.
Lo lắng về gạo vô cùng. Biết đi mấy ngày nữa? Ôi, cái kiểu đi nửa ngày ỡm ờ này làm chúng tôi tốn gạo quá. Chúng tôi ăn rất dè sẻn. Hành quân mang nặng mà chỉ ăn một lon rưỡi gạo một ngày nấu cơm suốt từ sáng để ăn ba bữa. Do vậy, phải tự kiềm chế ghê lắm, nếu không sẽ ăn hết ngay trong một bữa. Cơm ăn với muối trắng mà thấy ngon lạ. Sáng, ăn 1/3 khẩu phần, thấy thòm thèm quá. Muốn ăn thêm. Này, hãy tự kiềm chế đi, ăn thêm một thìa thôinhé. Trưa, chiều lấy gì ăn nếu ăn hết từ sáng? Đến trưa lại phảiđấu tranh dữ dội nữa. Bụng đói cồn cào, đầu gối bủn rủn. Ăn mấy thìa đấy? Còn phần của chiều - chớ quên điều đó, chớ sa đà. Trời ạ,ác hại thay, sao trời sinh ra hạt gạo ngon thế? Ăn một lại muốn ăn hai. Nhất là những lúc đói kém này. Song, tôi tự kiềm chế nổi phần của bữa nào ra bữa đấy, có xê xích cũng chỉ trong khoảng một, hai thìa.
Tối, Thuyết lò mò đi xin được hơn một lon bắp. Tất cả tiểu đội đều mừng rỡ và lập tức bắc nồi, chất lửa rang ngay. Những hạt bắp thơm phức, ròn rộm đã đem lại cho chúng tôi một niềm vui nho nhỏ. Anh em quây quần quanh bếp lửa, chia nhau từng hạt bắp rang và tán đủ thứ chuyện. Mọi mệt nhọc, lo lắng dường như bị lãng quên.
Ngày 18/8/1968
Chúng tôi tới trạm An. Giao liên cho chúng tôi đóng tăng ở một bãi nhỏ, giữa dốc và nằm kề một con suối nhỏ.
Tình hình đường lơ mơ quá. Còn đi mấy ngày nữa, giao liên không biết. Ai sẽ cấp thêm gạo cho chúng tôi? Trạm ư? - Trạm cũng đói. Cho đến hôm nay, mỗi người chúng tôi chỉ còn một lon rưỡi gạo và một chút cơm nguội đóng trong ăng gô và... hết, xung quanh là rừng núi cùng những anh em thiếu đói...
Số gạo còn lại phải để dành, phòng khi đói lả còn có chút hơi gạo. Chúng tôi phải đi kiếm thêm môn dóc ăn. ở đây, môn dóc cũng hiếm. Cây môn dóc cằn cỗi, nhỏ xíu, mọc lưa thưa trên vách núi, ven suối. Tôi tập tễnh lê cái chân đau đi kiếm môn dóc cùng San. Cái suối này đổ từ đỉnh núi xuống nên rất dốc. Lòng suối đầy đá tảng trơn tuột. Chúng tôi thận trọng dò từng bước theo suối đồng
thời phải hết sức chú ý hai bên vách núi. Hễ có môn dóc là phải bám vào cây, đạp chân vào những mô đá mà leo lên hái. Hái mãi mà chỉ được vài nắm. Tôi phớt cái chân đau, xông bừa vào bụi, mặc gai mây cào, mặc dây leo níu. San cũng xông xáo theo tôi, song anh hơi thiếu kiên trì. San cứ giục: "Về thôi, đủ rồi". Tôi nhìn bó rau màlắc đầu: "Đấy, 7 người ăn chứ ít đâu?". San in lặng và lúi húi kiếm môn dóc. Tôi vướng phải một dây leo hình múi khế, có 4 cạnh, rất giống cây củ trắng (loại giống củ mài, củ to mà rất nhiều bột, ăn thơm, ngon). Tôi mừng rỡ bảo San: "Có thể là củ trắng đấy". Sansáng mắt lên: "Đúng không, nếu đúng thì lấy dao găm đào bằng được". Tôi lần theo dây, nó mọc ra từ một cái dây khác to tướng chứ không phải mọc ra từ dưới đất. Thất vọng, làm gì có thứ của quí ấy ở chốn rừng già này. Vẫn chỉ có môn dóc làm bạn với ta.
Hái suốt chiều chỉ được hai bó môn dóc. Chúng tôi rửa sạch, tước cọng và chia đều cho 7 người, mỗi người được khoảng nửa ănggô. Đến khi lấy muối, tôi giật mình: gói muối chỉ còn chút xíu. Mọikhi tôi vẫn giữ muối, hôm qua đưa Điều nấu canh, lúc ấy gói muối còn khá nhiều. Chúng tôi bực bội, ai ăn mà hết đi nhanh vậy? Nhưng rồi cũng phải nén lại. Lúc đói kém mà dằn vặt nhau quá thìchỉ thêm khổ. Được, rồi sẽ phải lựa lời nói với nhau sau.
Tôi trộn cơm nguội vào ăng gô canh loãng tọet, húp xì xụp, thấy ngon như ăn súp vậy. Thực ra cái thứ rau rẻ mạt này khi nấu lên cứ hôi hôi mùi bùn và từa tựa như cám lợn.
Tối, tôi đến tăng của Thuyết lấy bi đông chế nước cho anh. Tình cờ tôi thấy anh còn một gói ruốc bông (chắc anh xin được ở một trạm nào đó ngoài đường dây Xã hội chủ nghĩa ). Thì ra anh vẫn cất kỹ và ăn giấu một mình. Tôi thấy buồn quá. Tôi nhớ hôm xin được con dộc, chúng tôi nấu kha khá cơm gọi là liên hoan. Tôi vẫn ăn vớicái điệu chậm rãi như ở nhà - tôi quen ăn chậm nhai kỹ. Điều đau dạ dầy nên cũng phải nhai kỹ. Tất cả có 4-5 ăng gô cơm, nghĩa là mỗi người được một nửa ăng gô, còn lại một ăng gô rưỡi là phần liênhoan chung. Nhưng khi tôi và Điều ăn hết một ăng gô thì 4 ăng gô kia đã hết veo rồi. 5 anh bạn kia đã ăn hết cả phần cơm tội nghiệp gọi là cơm liên hoan. Thật là dở mếu dở cười. Trong hoàn cảnh thiếu thốn này, ai cũng mau đói, lúc ấy ăn uống dễ bị "quá đà", lẹm cả
vào phần của đồng đội. Thật đúng như các cụ nói chín người mười ý, mỗi anh em trong đoàn có một tính nết riêng. Người chăm kẻ lười, người biết nhường nhịn kẻ lại không. Biết làm sao? Nhưng nói chung, tiểu đội chúng tôi vẫn thường chia ngọt xẻ bùi cho nhau -từmẩu sắn, hạt ngô đến lá rau. Đồ đạc tư, anh em đều góp lại, mang ra đổi chác kiếm cái ăn chung. Riêng tôi, giờ đây ba lô đã vơi quá nửa, chỉ còn vài thứ thật cần thiết cho cuộc sống.
Nằm trên võng lạnh, để mặc cho cái đói dày vò, tôi nghĩ miên man. Trong khó khăn, bệnh cá nhân có điều kiện bộc lộ. Tiểu đội Một đối với chúng tôi không được tốt. Tiểu đội ấy toàn là anh em người địa phương, quen thông thổ và có người quen nên kiếm được nhiều lương thực. Họ không hề chia xẻ cho chúng tôi. Tới bữa, họ mang gạo, sắn, bắp, đỗ... ra một chỗ và nấu ăn. Họ vẫn luôn luôn kêu thiếu thốn. Tôi nhớ có hôm vào nơi tiểu đội Một ở giữa lúc họ ăn bắp rang, mùi bắp thơm lừng, có anh còn đang nhai dở bắp trongmiệng, vậy mà vẫn có anh nói: "Đói hỷ, chẳng có gì ăn cả". Họ không chia xẻ cho chúng tôi, họ còn giành giật của chúng tôi những của cải của toàn đoàn, đem đi đổi chác. Chiếc lưới đánh cá, họ cho trường Kinh tài để lấy về bắp, đỗ xanh, mắm cá - họ nói rằng họ gửi ở đó (!?). Gửi đó, ai sẽ lấy và bao giờ lấy? Rồi bộ tông đơ cắt tóc, túi thuốc công họ cũng chiếm cả.
Sinh hoạt lỏng lẻo quá, chẳng họp hành, kiểm điểm gì cả nên thật khó phê bình, sửa sai. Chỉ thỉnh thoảng nặng lời với nhau thôi. Buồn thật!
Ngày 19/8/1968
Cả ngày hôm nay chỉ được một lon gạo thôi, nửa lon kia phải kiên quyết giữ lại.
Sáng, hỏi giao liên còn đi mấy ngày nữa, anh trả lời bâng quơ:khoảng 3-4 ngày gì đó. Chúng tôi xôn xao bàn bạc. Đi 3-4 ngày nữa thì lấy gì ăn đây! Chiều qua, chúng tôi gặp mấy anh ở giao bưu. Các anh vẽ đường cho chúng tôi và bảo: cứ mạnh dạn đi, thể nào cũng gặp cơ quan nào đó, may ra xin được gạo. Bây giờ chúng tôi xoay ra hướng ấy: cứ mạnh dạn tách trạm, tìm đường đi. Thuyết vào báo
cáo với trạm điều đó. Trạm trưởng bắt chúng tôi phải ký giấy cam đoan và gắt gỏng: "Nếu xảy ra chuyện gì thì các anh chịu trách nhiệm!".
Leo dốc với đôi chân bủn rủn vì đói. Mắt hoa lên và mồ hôi vã ra như tắm. Dừng lại nghỉ ở một cái suối lớn dưới chân dốc. ở đây có rừng giang, những cây giang vươn dài và ngoằn ngoèo. Chúng tôi rúc vào các bụi giang và tìm kiếm: có măng! May mắn làm sao.
Đi một chặp, chúng tôi gặp một con suối lớn và cứ lội xuôi theo suối miết. Nước sâu tới đầu gối, giá lạnh, làm chân chúng tôi cứng đờ lại, mỏi rũ. Ven suối mọc những dây lang rừng - giống dây khoai lang, lá ăn giống lá khoai. Chúng tôi sà vào các bụi mà hái lá lang rừng. Với túi rau và măng đầy ắp, chúng tôi hy vọng chiều sẽ được một bữa no.
Chân đau quá, tôi tập tễnh đi sau. Bao giờ đến. Và đến đâu?
Xế trưa, tôi theo kịp đoàn. San đứng ở một tảng đá đón tôi, mặtmày rạng rỡ. San reo to: "Sao đi chậm thế? Đến nơi rồi. Gặp cơ quan rồi!". Tôi lặng người đi, ngỡ ngàng. Và niềm vui xáo động chạy thốc vào cơ thể tôi như một dòng nước mát ngọt, làm tiêu tan mọi mệtnhọc, lo lắng. Đây là trạm vận chuyển gạo của Ban Tuyên huấn, cơ quan mới của tôi. Anh Hoài ở báo Tiền Phong xem giấy và nhận đón chúng tôi, những người ở tiểu đội Hai. Còn tiểu đội Một thì phải đi nữa, phải đi tìm cơ quan Giao thông. Anh trưởng đoàn đồng ý để chúng tôi về thẳng cơ quan. Khi chia tay, toàn tiểu đội chúng tôi dốc ruột nghé ra được ba lon rưỡi gạo, đưa hết cho tiểu đội Một. Số rau, măng kiếm được, tôi cũng đưa hết cho Báu.
Chúng tôi mang số cơm phần của buổi chiều ra liên hoan. Anh em ở trạm vận chuyển mang cho chúng tôi một đĩa mắm cái - đĩamắm có những con cá đỏ tươi, bay mùi thơm phức. Ăn xong, chúngtôi chia tay nhau: Điều, San, Thành về đội Điện ảnh; tôi, Vượng, Nhị, Thuyết được anh Hoài dẫn về ban Tuyên huấn. Bắt tay nhau, sẽ gặp lại nhau, nhưng sao bịn rịn quá.
Sáng, chúng tôi cùng đi với anh Hoài và mang trên lưng sự no ấm: mấy chục lon gạo, mỗi người một hộp sữa nước.
Trưa đó chúng tôi dừng lại hái lang rừng luộc ăn với cơm. Rồi lại pha sữa chia nhau uống rôm rả.
Chúng tôi xuôi theo đường 14. Con đường bằng nhưng nhiều lau lách.
Chiều, trời mưa lâm thâm, bầu trời u ám và hơi lạnh. Chúng tôi nghỉ lại ở một ngôi lều nhỏ bỏ không dọc đường. Mưa, vẫn mưa rả rích. Chúng tôi đốt lửa cho ấm áp. Hãy ngủ đi, sáng mai dậy sớm để qua đò.
Nhưng cái chân đau quấy nhiễu tôi dữ quá. Vết chông kín miệng nhưng bọng mủ phía trong, nhức nhối. Chân phải lại mọc một cái nhọt lớn, nhói buốt. Hai "báu vật" ấy hành làm tôi sốt nóng suốt đêm.
Ngày 21/8/1968
Dậy từ ba rưỡi sáng. Vừa bước xuống đất, tôi bỗng choángváng. Mắt tối sầm lại, nổ đom đóm. Mồ hôi toát ra lạnh ngắt. Ôi cái chân, cái chân hành quân của tôi!
Thuyết xếp ba lô hộ tôi và tôi phải ráng mang ba lô đi. Đường đọng những vũng nước bẩn thỉu. Lau lách um tùm cản lối đi. Trờitối thui. Phải bấm đèn pin dò từng bước. Đầu óc tôi choáng váng. Muốn ngã gục xuống. Gắng lên, gắng lên đi! Bươn qua quãng đường rậm rì lau lách, chúng tôi tới bờ sông - bến đò Giằng đó. ở đây lắm muỗi mát quá. Thứ muỗi mát nhỏ xíu đến nỗi không nhìn thấy, rất tai ác, cứ chui vào đầu đốt vào chân tóc, đốt vào cổ vào tai. Ngứa ran lên. Rậm rật khó chịu. Mọi người phải lấy khăn mặt đập liên hồi để xua đuổi chúng. Tiếng khăn đập phần phật cùng với tiếng nói chuyện rì rầm lan trên mặt nước mờ đục hơi sương, đang sáng dần lên theo ánh bình minh, tạo thành bản nhạc toàn những nốt trầm huyền ảo. Không có một tiếng chim hót.
Qua đò, chúng tôi bước trên con đường mòn nhỏ xíu, lau lách phủ kín. Chúng tôi tiến vào bãi sông. Bãi bằng phẳng, phủ một lớp cát trắng, bên một dòng sông nước trong xanh, bên những bụi cây rù rì cành mềm mại, duyên dáng.
Ăn cơm xong, tôi thấy người chuyếnh choáng. Không muốn đi nữa. Anh em bảo tôi dừng lại đây. Nghỉ ở đây ư? Giữa con đường lạ này. Tôi lưỡng lự. ở lại một mình liệu có vượt nổi sự yếu đuối không? Còn hôm nay thôi sẽ đến cơ quan. Gắng lên đi!
Tôi tập tễnh đi sau đoàn. Những con vắt quái ác cứ bu vào hai vết đau của tôi mà hút máu. Máu, máu loang ra đỏ cả bàn chân, đỏsẫm lại. Đầu tôi choáng váng lắm rồi. Ngồi tạm xuống nghỉ mộtchút. Người nóng bừng và chìm trong cơn mê sảng kinh khủng. Đầu óc quay cuồng, lâng lâng như bay trong khoảng không vũ trụ. Cố gắng lắm, tôi mới đứng dậy được và lại chuyệnh choạng bước đi. Ba lô nặng như đá tảng. Lại ngồi bệt xuống bên đường, gục đầu vào hai đầu gối mà thiếp lịm đi. Có gì cứ kêu ong ong hai bên tai, và lạ lùng quá, có một mảng mầu vàng khè cứ xuyên thẳng qua đôi mắt nhắm nghiền của tôi, phủ kín cả óc tôi. Tôi mơ màng nghe có tiếng gọi: "Này anh! Này anh!". Trước mắt tôi nhập nhoà hình ảnh một anh thanh niên Thượng đóng khố, vác cây súng trường. Anh ta bảo: "Cógạo không? Đổi thịt khô". Tôi lắc đầu. "Có cơm không? Đổi cơm cũng được", anh ta chỉ vào túi ba lô tôi khẩn khoản. Tôi lại lắc đầu. Anh ta bỏ đi. Tôi cũng xiêu vẹo bước theo.
Qua một bãi cỏ tranh bằng phẳng, trống trải và chói chang ánh nắng. Phải đi nhanh qua. Lũ Moranh (máy bay trinh sát) có thể đến bất ngờ, thấy anh, nó sẽ sà xuống bắn hoặc gọi pháo bắn tới cấp tập. Vượt khỏi bãi tranh lại chui vào một khu rừng thưa. Chúng tôidừng lại ăn cơm trưa. Hoài lấy ít gạo đổi đưọc ít thịt nai khô. Đi với anh, chúng tôi - những lính mới - thấy yên tâm. Quê vùng Trị Thiên
-Huế, vào đây trước chúng tôi mấy năm, Hoài rất chu đáo với chúng tôi. Với giọng nói nhẹ nhàng và ấm áp, anh hỏi han chúng tôi về chuyện hành quân, chia xẻ với chúng tôi phần ăn của mình. Chúng tôi nhen lửa kho thịt. Kể cũng liều một chút. Máy bay có thể phát hiện ra khói.
Cơm có thịt, song miệng tôi đắng ngắt, ăn thấy nhạt nhẽo vô cùng. Lần đầu tiên tôi không ăn hết phần của mình.
Lại đi. Gắng lên, gắng lên, còn vài giờ nữa thôi sẽ tới nhà.
Chúng tôi tách khỏi đường 13, rẽ ngoặt về bên trái, lội qua một con suối, vượt một bãi trống. Cây cối ở đây xơ xác, úa vàng vì chất độc hoá học. Có vài cây đót cao vót, phơi ra những tầu lá khô queo, in bóng đen sẫm trên nền trời xanh.
Đường men theo bờ sông, trườn lên những vách đá hóc hiểm. Phải níu lấy dây mây, cây cối hai bên đường mà leo lên, tụt xuống. Bãi lội đã hiện ra trước mắt tôi. Con sông Thanh gập gềnh những đá, nước chảy ào ào, bỗng trở nên hiền hoà khi chảy qua khúc sông bằng phẳng, toàn cát vàng. Tôi lội qua dòng nước mát lạnh, thấy tỉnh táo lại đôi chút. Anh em mang dâu da đưa tôi ăn. Những quả dâu da đỏ chót, ngòn ngọt, chua chua thật hấp dẫn.
Lội ngược theo một suối con, chúng tôi rẽ vào cơ quan. Cơ quan đó, với những ngôi nhà lá sơ sài, không có giường, chỉ có mấy chiếc bàn ghép bằng thân cây. Anh em xúm đến chào đón chúng tôi rồi đưa chúng tôi vào một căn nhà trống trải - nhà Văn phòng đây, chúng tôi nghỉ ngơi tại đó.
Tôi căng võng nằm và thiếp đi trong cái đau nhức nhối nơi hai bàn chân.
Chương 2
Ở CĂN CỨ
Từ ngày 25 tháng 8 năm 1968
Chân đau khiến tôi phải nằm suốt. Thật là phiền phức. Cô Nga
-y tá - rất tận tình chữa vết thương cho tôi. Ngày nào cũng vậy, cứ buổi chiều là cô mang nước nóng đến rửa vết chông và cái nhọt rồi bôi thuốc đỏ vào. Qua mấy ngày, miệng vết chông khép kín lại và bọng mủ ở trong, nhức nhối. Cái nhọt cũng căng mủ. Nga nặn ra toàn máu đen và mủ. Sau đó, cô lấy panh cặp bông và thọc nó vào tận trong lòng vết thương để kéo máu mủ ra. Miệng vết chông đã liền thịt nên phải lấy panh chọc ra rồi luồn bông có tẩm thuốc vào. Ngày nào tôi cũng phải chịu cái đau và ghê rợn kinh khủng khi rửa vết thương. Chiếc panh ngoáy vào lòng vết thương như bào từng thớ thịt tôi ra. Tôi cắn răng chịu đựng để khỏi phải la lên, để cô y tá yên tâm làm việc. Rồi tôi được tiêm hai lọ Pê-nê-xi-lin. Công hiệu lắm, vết thương dịu dần.
Cơ quan đang gặp khó khăn về lương thực. Anh em chạy nháo nhào đến các làng đổi bắp về. Ngày đầu chúng tôi được ăn ba bữa cơm. Sau đó xuống còn hai bữa: sáng 9 giờ ăn bắp, chiều 4 giờ ăn cơm.
Từ ngày 29-8, tôi bắt tay vào việc: soạn những bản tin khai thác từ những bức điện báo cáo và những tài liệu, bài vở từ các địa phương gửi về. Tôi ngỡ ngàng với phương thức làm việc này.
Ngày 2/9/1968
Chúng tôi đón ngày tết Độc lập tại cơ quan. Anh em đi đánh cá về làm một bữa liên hoan rôm rả. Chiều, sau khi nghe bài diễn văn
của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng tôi ngồi bàn luận về cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, củng cố thêm quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
Ngày 18/9/1968
Tôi đi A7 cõng gạo. ở đây, cõng gạo về ăn là nghĩa vụ của mỗi người. Mỗi tháng cần đi cõng gạo ít nhất một lần.
Lại qua bến đò Giằng. Trời bỗng ập mưa rào. Rồi phút chốc nước lũ kéo về ầm ầm. Dòng sông bỗng trải rộng ra, nước đỏ ngầu,chảy điên cuồng, tung lên những con sóng bạc. Đò không thể qua sông được. Chúng tôi lùi về một dải cát, căng tăng mắc võng nghỉ. Nhưng tai ác thay, vừa ăn cơm xong thì nước tự nhiên tràn đến, dâng cao dần. Lúc đầu, nước chỉ sâm sấp bàn chân. Phút chốc, nước đã lên tới đầu gối, lạnh ngắt. Chúng tôi cuống cuồng thu đồ đạc, kéolên một dông cao. Rồi mò mẫm phát cây, kiến thiết chỗ ở. Ướt nhớp nháp. Rét run cầm cập. Vắt được dịp bò đến hút máu chúng tôi.
Sáng 19/9
Chúng tôi qua đò. Tôi gặp lại Xuân Quý, người cùng tập trung ở Hòa Bình với chúng tôi, đã rời miền Bắc trước chúng tôi ít ngày và hiện ở tiểu ban Văn nghệ, cùng công tác viết văn với chồng là Bùi Minh Quốc - tức Dương Hương Ly. Xuân Quý đi cõng gạo về và đêm qua phải ngồi suốt bên bến đò, dưới trời mưa tầm tã.
Đi qua rừng loòng boong. Cây loòng boong từa tựa như cây hồng bì, có những chùm quả vàng, tròn căng. Quả loòng boong có 4 múi như quả hồng bì, song ngọt lịm và thơm lạ. ở một múi, có một vết hằn, giống như vết bấm của móng tay. Loòng boong là đặc sảncủa miền Tây Quảng Đà này. Chúng tôi hái loòng boong ăn thoả thuê. Rừng núi cũng tình nghĩa lắm chứ.
Ngày 20/9
Tôi cõng 90 lon muối ra về. Chán quá, để quên chiếc mũ trong gùi, lún sâu dưới muối, nên không lấy ra được. Nắng xiên vào gáy nhức nhối.
Ngày 21/9
Tôi mang muối vào làng đồng bào Thượng để đổi bắp cho cơ quan
-cứ một lon muối ăn ba lon bắp. Làng này khá sạch sẽ. Trẻ em được học chữ dân tộc mình và hay hát những bài hát cách mạng.
Tôi thấy người ngây ngấy sốt. Có lẽ cảm nắng.
Ngày 23/9
Tôi cõng hơn 100 lon bắp về. Bến lội của chúng tôi trở nên sâu và nước chảy xiết vì mưa lũ. Tôi phải vác gùi bắp lên vai, chống gậy lội qua sông. Nước sâu tới ngực, chỉ chực quật ngã tôi. Hãy cẩn thận. Nhiều người đã chết vì cách vượt sông nguyên thuỷ này.
Ngày 24/9
Tôi đã bị vi trùng sốt rét tấn công. Đây là trận sốt rét đầu tiênmà tôi phải chịu. Đầu đau như búa bổ. Các khớp xương nhức nhối. Bụng anh ách, lúc nào cũng thấy no một cách khó chịu. Uống ký ninh vào, tai bùng lên, bùng lên bùng bục. Mắt cảm thấy bị chói nắng, không nhìn rõ gì cả. Miệng đắng ngắt, không muốn ăn uống. Cố gắng ăn tý cháo, song nuốt không nổi, cổ họng ghê lợm cứ bắtnôn mửa. Đêm, mắt chong đèn không sao ngủ được. Đầu cứ buốt thon thót.
Tới chín, mười ngày sau tôi mới khỏi sốt. Dậy đi lại thấy chân nặng trịch, người lảo đảo muốn ngã. Phạm Hồng động viên tôi: Ai ở Trường Sơn mà chẳng bị sốt rét nghĩa vụ, rồi sẽ quen đi và sẽ thấy bình thường!
Bây giờ là mùa mưa rồi. Những trận mưa rào xối xả và kéo dài khiến các con suối trở nên dữ tợn, khiến những dòng sông tràn đầy nước, chảy ào ào, cuốn những cây gỗ trôi băng băng.
Chính trong mùa mưa dữ dội này, chúng tôi được lệnh chuyển xuống A7. Anh Hồng bảo tôi rằng ở căn cứ, di chuyển cơ quan là chuyện thường. ở đâu lâu nhất là 3 tháng, có nơi chỉ một tháng, vì ở lâu dễ bị địch phát hiện, cho máy bay B.52 dội bom hoặc đổ quân
tấn công. Chuyến đi đầy vất vả và đã gây tổn thất cho chúng tôi:Điều đã bị chết, chết một cách vô lý. Mấy hôm trước đó Điều sốt rét. Anh sang ở với tôi cho gần y tá để tiện tiêm thuốc. Sau đó anh khỏi nhưng sức vẫn yếu và phải hành quân. Tới dòng suối lớn chảy xuôivề A7, Điều tụt lại đi sau. Và điều không ngờ đã xảy đến: anh ngã ngửa, ngồi dựa vào ba lô, ngâm mình trong nước suối mà chết. Sớmhôm sau San, Thành... mang cuốc xẻng ra chôn Điều. Tôi cũngmuốn ra tiễn đưa Điều, song công việc bận quá, không bỏ đi được.Tôi bùi ngùi nhớ tới Điều, nhớ tới những câu chuyện tiếu lâm của Anh; Nhớ tới tài uốn lưỡi câu, cắt tóc của Anh; Nhớ tới những điều tâm sự của anh về gia đình; Nhớ tới lời hẹn của anh: ngày thống nhất về Nghệ An quê hương Anh, Anh sẽ cho ăn cá thoả thích. Anh đi ngày 30-4 và chết ngày 28-10-1968. Cũng trong chuyến đi này, một đồng chí ở Ban An ninh không may xảy chân ngã xuống cầu, lập tức dòng nước sông Thanh hung dữ cuốn anh đi, nhận chìm anh dưới thác nước khủng khiếp.
Công việc vẫn tiếp diễn. Chúng tôi chặt cây dựng nhà, đào hầm hố và làm chuyên môn. Những trận sốt rét từ nay đã điểm nhịp vào cuộc sống của tôi, ít ra mỗi tháng một lần.
Từ trung tuần tháng 11-1968, cơ quan hai lần lâm vào cảnh bế tắc về lương thực. Gạo gần hết rồi mà không sao moi được ở đồng bằng lên. Hồi này, địch buộc phải ngừng đánh phá miền Bắc nên chúng đánh phá miền Nam điên cuồng hơn. Phi pháo, B57, B52 thi nhau hoành hành. ở Sơn Phúc, Lộc Thành, chúng càn quét liên tục, bịt mất đường lấy gạo của chúng tôi. Mức ăn phải giảm xuống, từ 2 lon xuống 1 lon rưỡi, rồi 1 lon một ngày. Anh em thi nhau xuống núi kiếm rau rừng, củ nưa về ăn cho đỡ đói lòng. Vùng này quá lạnh. Sương mù bao phủ suốt ngày. Cái rét và đói hành hạ chúngtôi. Đêm, chúng tôi phải đốt lửa cho ấm. Nhìn lửa than, chỉ ước có củ sắn mà nướng.
Ngày 21/11/1968
Tôi và Hồng xuống Quảng Đà lấy một số đồ đạc gửi đoàn Trọng Quyền mang vào. Tại đây, tôi được sống trong bầu không khí ấm cúng, vui nhộn của một tổ phóng viên, giống như khi sống ở Sơn La
vậy. Hoàng Mẫn vẫn béo tròn và say mê in, phóng ảnh bằng ánhsáng mặt trời. Đinh Trọng Quyền vẫn sôi nổi và cởi mở. Trần Mai Hạnh, Thế Trung vẫn vui nhộn, hoạt bát và vẫn có những câu chuyện sinh động về các cô gái. Chỉ có Trần Biên - điện báo viên - làdao động, sợ chết, nay đã ra Bắc rồi. Trọng Định đã hy sinh hồi cuối tháng 8 vì bị pháo trên đường công tác.
Nghỉ một ngày, sáng hôm sau tôi và Hồng rủ nhau xuống Sơn Phúc mua một ít hàng. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm xuống QuảngĐà. Song muốn thấy đồng bằng một chút nên liều đi. Đường xuống dần, trườn qua những đồi lúp xúp, cây cối thưa thớt. Qua một quãng rừng, tôi thấy có mấy hố bom lớn do B57 thả. Cây cối tơi tả. Bên đường có những mảnh quần áo rách và ở một vài đám đất có nhặng bu đến - từ đó mùi hôi thối xông ra nồng nặc. Chắc có anh nào xấu số bị bom xé vụn ra. Chúng tôi tiến gần vùng ranh. Có những người mang hàng đi ngược chiều với chúng tôi. Họ cho biết tình hình rất căng. Bọn biệt kích ở núi Chóp Nón luôn kiểm soát con đường vượt ranh. Hễ phát hiện người là chúng bắn cối đến hoặc gọi pháo nã tới. Do vậy phải vượt ranh vào sáng tinh mơ hoặc sẩm tối. Chúng tôi định tranh thủ vượt ranh buổi trưa, tối đó mua hàng và sáng sau về sớm. Ai cũng ngăn chúng tôi: chớ nên liều lĩnh. Tôi và Hồng bàn cãi mãi: đi hay không đi. Một mặt mong được thấy đồng bằng, một mặt sợ xảy ra chuyện gì sẽ bị kỷ luật. Vừa bàn cãivừa đi xuống. Sắp tới con đường dưới chân núi Chóp rồi. Đường vắng ngắt, không một bóng người, chỉ có những hố bom, những thân cây đổ ngổn ngang. Tôi bỗng nghe hai tràng súng máy nổ ròn. Ai bắn đấy? Hồng bảo hình như du kích bắn máy bay. Một lúc sau, tôi thấy một cậu bộ đội trạc 18-19 tuổi tay xách dép hớt hải chạy tới. Cậu ta cho biết mình vượt ranh, bị bọn biệt kích phát hiện. Chúng không nã cối mà bắn đạn thẳng tới. May mà không trúng. Tôi và Hồng dừng lại bàn bạc: thôi, quay lên thôi kẻo chết uổng mạng, lại bị kỷ luật. Nếu là đi công tác thì dù ác liệt đến mấy cũng phải vượt qua, đằng này lại tự ý đi...
Chúng tôi quay lại, xa dần gò Đu. Tại đó có hai xác bộ đội nghĩa vụ bị biệt kích bắn chết cách đây đã lâu. Không ai chôn cả, giờ đây hai xác chỉ còn là hai bộ xương, lồng trong hai bộ quân phục mục nát.
Cuối tháng 12, địch điên cuồng mở cuộc càn lên nơi Khu đóng quân. Một thằng phản bội đã tiết lộ mọi điều bí mật. Thế là ngày đêm địch cho máy bay B52, B57 trút bom xuống các khu rừng khả nghi, nhưng chẳng trúng ai cả. Pháo cũng bắn ì oành suốt đêm. Tình hình căng, chúng tôi phải ngủ hầm. Có hôm nằm trên nhà, chúng tôi bỗng nghe tiếng rít xoáy vào không khí. Bom B57! Mọi người nhào xuống hầm. Tôi đang nằm trên võng, người quấn tròn trong màn, bọc võng, vậy mà cũng bật tới hầm từ lúc nào, không vướng víu gì cả. Bản năng sinh tồn của con người có một sức mạnh kỳ diệu thật.
Địch đổ quân ở A7 - giữa nơi cơ quan tỉnh Quảng Đà đóng. Chúng dò dẫm mò theo đường, đã lên tới cây gỗ vuông, rồi tới suối Nước Lớn, nghĩa là chúng chỉ còn cách chúng tôi vài tiếng đồng hồ. Song chúng bị ta chặn đánh ở đó, diệt một số, nên chưa tiến thêm được bước nào.
Tiểu ban Văn nghệ mở cuộc họp tại Ban. Bùi Minh Quốc và Xuân Quý đến nhà tôi. Chúng tôi chuyện trò về văn học, nhạc hátrất sôi nổi. Xuân Quý sắp đi công tác Quảng Đà, đang bận rộn chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Chúng tôi chuyện trò trong cái giá lạnh và trong cái đói quặn thắt lòng. Quốc sang Quân khu, lúc về được Thu Bồn cho ít gạo. Buổi tối, chúng tôi nấu cháo "liên hoan": 1 lon gạo, 4 người. Cháo loãng có mì chính và muối, cộng thêm ít dầu xà lách, mà thấy ngọt ngào, bùi béo tợn. Chúng tôi xì xụp húp. Quốc nói rằng chưa bao giờ được ăn cháo ngon như vậy.
Gạo gần cạn kho rồi. Cái đói vẫn tấn công điên cuồng vào chúng tôi. Song, mọi người vẫn vững vàng, không một lời ca thán. Chính trong lúc này, tôi bận rộn nhất: tuyên truyền cho thắng lợi của miền Bắc ruột thịt đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tuyên truyền cho ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng 20 -12. Tài liệu rất nhiều. Chúng tôi say mê làm tin cả ngày lẫn đêm. Và cuộc sống của cơ quan vẫn vui tươi, lạc quan. Nơi ở được tổng vệ sinh thêm quang đãng. Nhà ăn được sửa sang lại với những dãy bàn, ghế ngay ngắn. Thanh niên chúng tôi sáng vẫn tập thể dục đều đặn, vẫn viết báo tường, chỉ tiếc là không được ca hát vì gần địch quá, sợ chúng nghe thấy. Thay vào đó là những câu
chuyện vui. Chẳng hạn, anh Trần Phát, còn gọi là Sáu Phát vì anh là con thứ sáu, đi lạc, bí quá bèn bắn súng làm hiệu, mọi người tưởng địch đột kích... Thế là có mấy câu nhắc nhẹ anh:
Anh Trần Phát
Một hôm anh đi lạc
Anh rút súng bắn sáu phát
Khiến mọi người ngơ ngác
Đổ ra rừng nhao nhác
Ồ, hóa ra anh Sáu Phát
Một hôm anh đi lạc...
Thứ "thơ xà quần" - đọc vòng tròn, không bao giờ hết - kiểu này, ai cũng thích.
Hôm qua họp cơ quan, anh quản lý tuyên bố bắt đầu ăn một lon gạo một ngày và Ban quyết định đưa một đoàn vào A5 - cơ sở sản xuất ở hậu cứ - lấy gạo về cứu đói. Sáng ngày 18-12, đoàn chúng tôira đi. Mưa rả rích. Đường trơn tuồn tuột. Song phải đi thật khẩn trương, đi như chạy vậy. Tới nơi, chúng tôi khẩn trương giã gạo và vẫn ăn một lon gạo một ngày, song có sắn ghế nên vẫn no. Sắn ở đây bị chất độc hoá học nên lụi hết, củ sượng như củ chuối và phảiđào vất vả lắm. Ở đây, bọn Mỹ rải chất độc dữ quá. Từng cánh rừngbị trụi lá, phủ đầy một màu xám hoặc màu nâu vàng úa. Đứng trên núi cao nhìn xuống, thấy rừng cây xơ xác mà đau lòng quá. Có những rừng quế rất quí cũng bị tàn lụi cả, thật tiếc đứt ruột.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Quảng Đà, ngày 26/11/1968.
Bố mẹ và các em yêu quý!
Không hiểu những thư trước con gửi về, gia đình có nhận được không mà vừa rồi cơ quan con điện vào hỏi chúng con đã đến nơi chưa? Con gửi lá thư đầu ở trong này vào cuối tháng 8. Lẽ ra ngoài
đó phải nhận được rồi mới phải chứ! Con rất sốt ruột và rất mong thư gia đình nên hễ có ai ra là con tranh thủ viết thư ngay.
Hiện con vẫn khoẻ và công tác bình thường. Dạo này con đã quen với sốt rét nên không bị trận nào nặng, chỉ thỉnh thoảng sốt 2,3 ngày rồi lại khỏi ngay thôi, khỏi thì lại khoẻ, lại làm việc ngayđược. Đặc biệt con ăn khoẻ lắm, có bao nhiêu cũng hết, nên luôn thấy đói.
Còn tình hình gia đình thế nào? Có gì bố nhờ bác Đào Tùng,anh Đỗ Phượng điện vào báo tin cho con mừng. Nhưng điện vào chỗanh Quyền, tổ phóng viên Quảng Đà, chứ không phải điện thẳng tới chỗ con đâu, từ đó các anh ấy sẽ nhắn lên cho con. Bố mẹ cũng nhớđến số 47 Bát Đàn - Hà Nội tìm anh Trần Tô (mới ở Miền TrungTrung Bộ, chỗ anh Đống, ra) để gửi thư vào cho con. Hồi ra đi, con có gửi về nhà thẻ phóng viên của con, vào đây con thấy cần dùng, vậy bố mang đến anh Tô, nhờ anh ấy mang vào cho con nhé. Cái thẻ này chỉ gửi người trực tiếp mang vào thôi, không gửi theo bưu điện được.
Do cần khai lý lịch, con cần rõ quá trình hoạt động cách mạng của bố từ trước đến nay. Bố tìm cách gửi người mang vào cho con với.
Các em dạo này có khoẻ không, học tập giỏi không? Anh rất nhớ các em. Các em phải viết thư ngay cho anh nhé.
Thôi, con vội viết vài dòng. Chúc bố mẹ, các em khoẻ mạnh. Cho con gửi lời thăm cô chú trong cơ quan.
Con của gia đình Việt Long Hòm thư 3.105 Vinh Quang
TB:
Nếu gửi theo bưu điện thì mang đến cơ quan con hoặc Ban Thống nhất Trung ương nhờ chuyển.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Bắc ngày 8/12/1968
Long thân mến của mẹ.
Từ ngày con đi đến nay bố mẹ và các em mong tin con đỏ cả mắt, lần nào mẹ về Hà Nội cũng đến chỗ chị Sáu hỏi tin con mãi đến cách đây độ 2 tháng chị Sáu mới cho biết tin là con đã vào đến nơi an toàn rồi mẹ đỡ sốt ruột một ít.
Mẹ nói chuyện cái xe đạp cho con nghe, sau khi con đi thì cô Chung ngày nào cũng đến hỏi xe đạp mà vẫn không thấy về, sau cách đến 3 tháng anh Phối mới đem về cho và xe như thế là hỏng hết, lốp săm dính vào nhau vì bùn, xích bị rỉ không đi được, gác đờ xen không có, bê đan không có, còn gác đờ bu thì lại để ở một chỗ khác, mẹ phải đến lấy sau, nói chung là cái xe chỉ còn được mỗi cái khung thôi. Về mẹ phải sửa mất gần 2 chục mới đi tạm được và lốp bây giờ thì cứ đứt hết tanh, nhưng thôi con ạ, mẹ tính anh Phối đem hộ về như thế là cố gắng lắm rồi, mẹ chỉ tiếc là cái xe mới có hơn một năm mà nó hỏng quá sức tưởng tượng. Hôm ấy mẹ có gặp anh Phối và anh Phối nói là anh đổi vào Thanh Hoá mà xe của anh Phối cũng chưa đem về được mà anh Phối phải đem xe về cho gia đình mình để con được yên trí và anh Phối cũng khoe mẹ về vấn đềvào Đảng của con. Anh Phối có cho mẹ xem cái giấy của chi bộ trên ấy nhận xét về con và có báo cho tổ chức để gửi vào cho con chả biết có nhận được không, anh Phối có nói là kết hợp với thời gian thử thách con đi ngoài này vào trong ấy tốt thì sẽ có triển vọng kết nạp. Khi con đi thì cô Chung có gửi lên cho mẹ 30đ và cái bút máy nắp vàng của con rồi, và tất cả đồ dùng con gửi về mẹ nhận đủ rồi. Bố mẹ và cả gia đình rất thương con về bước trưởng thành của con quá vất vả nhưng mẹ nghĩ đấy cũng là sự yêu cầu của con và cũng hợp với thanh niên thời đại này. Bố con về nhà lúc nào cũng nhớ đến con và cứ nhắc đến con luôn, mẹ thì hàng ngày nhìn lên ảnh con mà không sao cầm được nước mắt, mẹ nhớ bồn chồn cả người vì trước con còn ở Sơn La, tuy xa nhưng còn có hy vọng con được về chơi hay nghỉ phép, nhưng bây giờ thì không biết là thời gian nào mới gặp lại con được. Hôm bố mẹ mới đi Hà Nội về thì nhận được thư của con
vào đầu tháng 12, cả nhà mừng quá, khi đọc thư con các em con và bố xúm quanh lại nghe thư. Mẹ đọc, mẹ không sao đọc được vì quá xúc động và thương con quá nhất là em Thuỷ và Lan nó cứ ngó mặt mẹ, nhưng dù sao bố mẹ và các em con cũng mừng là con đã vượt được chặng đường nguy hiểm và đã vào đến nơi an toàn thế là cả nhà mừng rồi, còn việc ở trong ấy ra thế nào thì đấy là số phận may rủi thôi con ạ. ở nhà thì mẹ lo cho con lắm lắm, còn các em con ở nhà học vẫn tốt, em Ngọc được khen là học sinh toàn diện, vừa được bình cho mua cái xe đạp Liên Xô con, mẹ mua cho em và hiện nay tạm để cho Việt đi còn xe của con thì để cho Phúc dùng, để em học thêm văn hoá sang năm thì em Ngọc cũng phải đi học xa rồi, cònanh Đức con thì vừa rồi gửi cho bố cái đài lại không đủ giấy tờ, thành ra họ lại phải giữ lại và trả lại anh thế có chán không?
Trên nhà cụ bà, cậu Hiến vẫn bình thường, cậu Hiến mới về công tác qua Hà Nội mẹ cũng gặp. Hồi này ngoài này tạm yên ổn do đó trường mình có mấy trăm học sinh học ngắn hạn được về trường Mễ Trì học, còn trường thì vẫn ở khu sơ tán, bố mẹ cũng vẫn ở sơ tán. Về phần con ở trong ấy hết sức giữ gìn sức khoẻ và nhất nhất con làm gì hoặc đi đâu là phải hết sức thận trọng. Cẩn thận đấy con ạ, mẹ lo cho con lắm đấy.
Con cố gắng năng viết thư cho nhà đỡ sốt ruột, như thế là thư con gửi hơn 3 tháng là nhanh đấy con ạ, chỉ cần con viết ít chữ thôi cũng đủ rồi, còn việc con đi thì mẹ có hỏi chị Sáu về vấn đề quyền lợi của gia đình nhưng chị Sáu bảo chả có gì cả vì con chưa có gia đình riêng, và chỉ có mỗi cái thẻ để đi khám bệnh thôi.
Thôi mẹ muốn viết rất nhiều nhưng sợ thư nặng quá còn để bố và các em viết nữa. Cuối thư mẹ chúc con khoẻ mạnh, tiến bộ để ngày thống nhất gia đình được đoàn tụ vui vẻ.
Mẹ của con.
T107.BC13/9 - 8/12/1968
Con yêu dấu của bố mẹ!
Bố đã nhận được lá thư đầu tiên con gửi từ địa điểm công tác mới. Mẹ đọc thư, bố và các em chăm chú ngồi nghe, mừng mừng, thương thương, mừng vì con đã vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, thương con nhiều lắm. Chuyện nhà mẹ đã nói rồi. Nói chung bình yên, khoẻ mạnh. Các em đều học tốt cả. Ngoài này từ khi giặc Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc, mọi người ra sức làm việc, đẩy mạnh công tác các mặt, đồng thời không ngừng nâng cao cảnh giác. Tình cảm đối với miền Nam càng thắm thiết con ạ! Có con hoạt động bên trong, cả gia đình thấy thắm thiết tình cảm Bắc Nam ruột thịt, có thể nói không ngày nào gia đình không nghĩ tới miền Nam, tới đứa con yêu dấu đang sống và chiến đấu trong sự chăm sóc nuôi dưỡng của đồng bào miền Nam. Mong con ra sức phấn đấu, đạt nhiều kết quả trong công tác, xứng đáng là thanh niên của thế hệHồ Chí Minh. Con hết sức chú ý tu dưỡng vươn lên Đảng.
Hoàn cảnh chiến đấu trong đó là điều kiện khách quan thuậnlợi để con phấn đấu tốt. Đồng thời con hết sức chú ý giữ gìn sức khoẻ. Mỗi lần nhớ con, bố lại đem ảnh con ra xem, nhớ lại hồi con còn bé. Con là đứa con yêu quý nhất của bố trong các đứa con yêu dấu của gia đình. Bố yêu con, thương con, nhớ con nhiều lắm. Bố mong thư con, mong con khoẻ mạnh, mong được tin con phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng. Bố, mẹ ở nhà ra sức công tác với tinh thần "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Tin thắng trận dồn dập làm nức lòng mọi người. Mong con góp phần xứng đáng cho thắng lợi đó.
Mong đến ngày thống nhất gặp con, đứa con yêu quý đã được tôi luyện trong khói lửa.
Bố của con.
Ngày 25/12/1968
Đúng Noel, bọn tôi nghỉ ngơi để hôm sau kéo quân về. Chiều đó, anh em kiếm được một con gà, ít nếp làm bữa liên hoan nhỏ. Tôi nhớ lại cách đây đúng một năm, tôi đến thăm Phúc, đứa em trai kề
tôi. Những ngày ấy thật ấm cúng. Hai anh em chụp ảnh, phóng ảnh và đi bắn chim rất say mê. Tôi cũng nhớ đến cô Chung - em ruột mẹ tôi. Gian phòng của Cô nhỏ bé, lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng và rất ấm cúng. Trước lúc ra đi, tôi thường đến nhà Cô và được Cô hết sức chiều chuộng. Những bữa ăn, Cô dọn cho tôi những món tôi ưa thích nhất: bánh mì nóng hổi, ròn tan, bơ, pa tê, rau xà lách trộn dấm... Cô đùm bọc tôi với tình thương yêu của người mẹ. Hôm tiễn tôi đi lên trại 105 tập trung, Cô khóc, làm tôi vô cùng xúc động. Tôi nhớ người mẹ hiền hậu, người cha nghiêm nghị, lũ em ngoan ngoãn của tôi. Trong lá thư viết cho tôi, cha tôi đã viết lên những lời đầytình cảm, chan chứa yêu thương. Ông yêu quý tôi nhất nhà, song không hay biểu lộ tình cảm đó và đối với tôi rất nghiêm khắc. Giờđây khi xa tôi, khi tôi đã mạnh bạo bước vào đời, Ông mới nói rõtình cảm đó. Ông ước mong gặp tôi một lần nữa trước khi tôi đi B, song lúc đó gia đình tôi sơ tán tận Hà Bắc, tôi tập trung tại HòaBình, không thể về thăm, nên Ông không được gặp tôi. Ông kể lại: Khi tôi ra đi, đêm đến gia đình không ai ngủ được. Mẹ tôi nói: "Thôi từ nay đứa con duy nhất biết chăm lo việc gia đình đã đi xa". Ngọc, đứa en gái thứ 5 nói: "Từ nhỏ anh Long đã dũng cảm rồi...". Diệp, đứa em gái thứ sáu nói: "Anh Long học giỏi và rất giỏi văn, Diệp cũng muốn học theo anh". Bé Lan, đứa em gái thứ 7 nói: "Lan rất thích hát cho anh nghe và thích anh dạy hát cho". Còn bé út Thuỷ thì bảo: "Anh Long đúng là anh của Thuỷ, anh chụp cho Thuỷ nhiều ảnh rất đẹp". Tôi hình dung rõ mồn một từng đứa em của tôi, đứa nào cũng rất đáng yêu. Phúc có tài câu cá, bắt ếch... và chỉ thích rèn rũa những con dao, cái nhẫn... Cậu ta đã trở thành công nhân nguội. Phúc lầm lỳ ít nói song đối với anh rất tận tình. Cậu ta biểu hiện bằng tình cảm chứ không biểu hiện bằng lời nói. Việt đang học lớp 10, học văn khá và rất thích đi làm công tác như tôi. Ngọc cũng lầm lỳ, hiền như cục đất và rất chăm việc gia đình, học giỏi và ngoan ngoãn. Ngọc làm bánh bao rất khéo, hôm tôi về nhà được ăn bữa bánh bao do chính tay Ngọc làm, rất ngon. Diệp mảnh khảnh, nhí nhảnh, hay múa hát. Diệp bộc lộ những cá tính rất độc đáo và tỏ ra có năng khiếu về văn. Tôi thường mong muốn được kèm cặp Diệp, hướng nó đi vào sâu con đường văn học. Lan béo tròn, mắt đen láy, tính tình lỳ sì, nhưng rất hay hát và hát rất hay, rất đúng nhạc. Lan thường ngồi hát cho tôi nghe suốt buổi theo "Yêu cầu của thính giả". Lan có đức tính rất đáng yêu là biết chăm
sóc bé Thuỷ một cách tận tình. Lan thường dẫn Thuỷ đi học và có khi Thuỷ dỗi không đi thì Lan dỗ dành rất ngon ngọt và kiên trì. Còn cô út Thuỷ thì rất nũng nịu, hay hờn dỗi và đã biểu hiện tính cẩn thận. Tôi nhớ có lần tôi mở cửa tủ và quên không đóng lại, Thuỷ im lặng đến và nhẹ nhàng đóng lại rất cẩn thận. Lũ em mỗi khi thấy tôi về là chạy ùa ra đón, níu lấy tôi và Thuỷ bao giờ cũng dang tay ra đòi anh bế. Có những ngày chủ nhật, anh em quây quần bên nhau đàn hát rất vui vẻ. Tôi nhớ cha mẹ tôi rất hoà thuận và chăm sóc tôi rất chu đáo. Hồi công tác ở Hải Dương, chủ nhật tôi thường hay về nhà. Lần nào mẹ tôi cũng mua gà, vịt, gạo nếp... để bồi dưỡng cho tôi. Có thời gian tôi bận quá không về nhà được, bố mẹ tôi trông mong hoài. Con ngan mẹ tôi mua để chủ nhật liên hoan cứ được để dành suốt mấy tuần lễ. Khi tôi về, con ngan đã nặng thêm 4 -5 lạng, lúc ấy mẹ tôi mới thịt nó. Gia đình tôi sinh hoạt ấm cúng, hoà thuận và được bà con rất quý mến. Tôi nhớ bà ngoại, bà trẻ tôi đã từng tần tảo nuôi anh em chúng tôi từ nhỏ để cha tôi yên tâm đi kháng chiến. Hai bà luôn luôn sống vất vả, nghèo nàn, lận đận, song chăm sóc con cháu rất chu đáo với tình cảm đằm thắm. Tôi quặn thắt lòng nghĩ đến Cụ ngoại đã quá cố. Người lúc nào cũng vất vả. Có lần giã giò để bán nuôi chúng tôi, Cụ bị giã phải tay. Bàn tay Người dập nát, đẫm máu, song Người không hề kêu rên. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh cụ tôi người bé nhỏ, đội thúngbánh dày, giò chả ngược xuôi trên con đường Dốc Đỏ, Miếu cô, chợ Tam Cờ ở Tuyên Quang để bán lấy tiền nuôi bọn tôi. Tôi thường lon ton chạy theo Người trong những buổi chạy chợ đó. Tôi nhớ cô Tuyết tôi tính tình hiền lành, hay làm và không may bị giặc Mỹ sát hại. Gia đình bên ngoại tôi rất nghèo, song sống đùm bọc nhau và rất giàu lòng thương người. Anh em bộ đội đi ngang đường ghé nghỉ nhờ hoặc ở chiến khu với cha tôi về đều được săn sóc rất chu đáo. Điều đặc biệt trong họ hàng nhà tôi bên ngoại là rất nghèo nhưng rất gắn bó với bố mẹ tôi, với chúng tôi. Còn bên nội (trừ bà và ông nội tôi quá cố từ lâu) thì giàu có hơn song hơi xa chúng tôi. Gia đình bên ngoại tôi đều sống ở vùng tự do, tham gia kháng chiến, còn họ hàng bên nội phần lớn sống ở vùng địch kiểm soát, buôn bán để sinh sống.
Sáng 26/12/1968
Chúng tôi ra về, trên lưng mỗi người nặng một bao gạo. Tối hôm sau bọn tôi ghé vào một đơn vị bộ đội nghỉ nhờ. ở đây cũng thiếu gạo, anh em ăn toàn sắn. Có một anh bộ đội trẻ bị phù phổi, thở phì phò và sẩm tối đó thì tắt thở. Chúng tôi nằm gần nơi để xác anh, thấy lạnh ngắt. Người đồng chí ơi, anh quê ở đâu? Hẳn cũng cómột gia đình ấm cúng ở hậu phương đang ngóng chờ anh! Đau lòng quá! Song làm sao khác được, cuộc kháng chiến này ác liệt quá, gian khổ quá, đòi hỏi chúng ta phải hy sinh mọi quyền lợi cá nhân, kể cả sự sống của bản thân mình.
Chuyến đi đầy vất vả. Lúc này địch đổ biệt kích lung tung và cho máy bay bám riết hành lang của ta. Do vậy phải đi rất khẩn trương. Chạy, chạy và chạy: Chạy qua bãi trống. Chạy vượt đường xe. Chạy vượt những khu rừng tan hoang vì bom B52, trơ trụi vì hóa chất độc. Lội qua sông cũng phải chạy. Khi chạy qua một khu rừng trống trải vì bọn Mỹ mới rải hóa chất độc, cây cối không còn một nhành lá, tôi vấp ngã tới hai lần. Bao gạo nặng trịch đè dúi lưng, dúi cổ xuống, song phải bật dậy ngay. Một chiếc Mô ranh hai thân rà sát ngọn cây. Nó bay thấp quá, thấy ở buồng lái nhô ra hai đầu giặc lái. Tôi phải núp vào một bụi lách nhỏ. Sao thấy trống quá, thân mình, bao gạo như phơi ra trước mắt bọn chúng vậy. Nó quần đảo mãi với cái đầu mum múp, với cái đuôi gọng bừa, với thân hình đen trũi xấu xí, trông thật đáng ghét. Nó mù, chẳng thấy gì hết.
Anh em đi đường cho biết bọn biệt kích mới nổ mìn clâymo (mìn định hướng, chúng tôi gọi tắt là mìn mo) ở đội 6 - nơi chúng tôi sẽ đi qua. Nhưng không thể dừng lại được. Thời giờ là vàng ngọc. Chúng tôi lặng lẽ tìm vào nơi đó. ở một gốc cây kề bên đường, đất bị toác ra vì mìn nổ. Bên triền núi đầy vỏ đồ hộp do bọn biệt kích vứt lại. Rồi cũng qua nơi đó một cách an toàn.
Con đường chúng tôi đi, nay trở về đã khác hẳn. Bom B57 rải dọc theo đường, lấp cả lối đi. Chúng tôi ngửi thấy mùi thối nồng nặc xông ra từ trong bìa rừng. Chắc có anh nào bị thương bò vào đó và chết tại đó.
Cơ quan lại dời về A9. Chúng tôi mang gạo về đó.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 25/12/1968
Con thân yêu của bố mẹ!
Con ơi con! Hàng ngày bố mẹ hướng về miền Nam trông chờ tin tức, chờ tin con, chờ tin thắng trận. Thư con gửi tháng 8/1968 đãđến tay bố mẹ, đến tay cô Chung và các bà. Đọc thư con, lòng của mẹ hồi hộp. Các em con đều im lặng ngồi nghe. Mẹ dơm dớm nước mắt, phần thì thương con gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, phần thấy mình lại được vinh dự có con tham gia tiền tuyến, bõ công nuôi dưỡng con từ nhỏ tới lớn. Bây giờ bố kể chuyện gia đình con nghe.
Gia đình ta vẫn bình yên, bố mẹ đều cố gắng làm việc, như hồi con còn ở ngoài này về thăm gia đình. Các em con ngày một lớn, ngày một ngoan thêm. Việt đang phấn đấu để cuối năm đỗ lớp 10 và vào đại học. Ngọc cũng đang phấn đấu học hết lớp 7 để vào được lớp 8 cấp III. Việt phấn đấu tương đối tốt, đặc biệt từ khi cậu ta đượcvào Đoàn. Ngọc cố gắng cả 2 mặt: học tập và đạo đức, Ngọc là học sinh xuất sắc và là cháu ngoan Bác Hồ, được đi họp ở Huyện 2 lần. Diệp vẫn nhí nhảnh như trước, học khá, rất mê đi xe đạp. Mẹ mới mua chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô cho Việt đi học. Ngọc, Diệp, Lan tập đi cả ngày. Còn chiếc xe đạp Thống nhất của con, mẹ đã nhận được rồi và em Phúc đang dùng.
Bố kể tiếp chuyện các em con:
Lan học giỏi, tương đối toàn diện, thường được xếp thứ 3, thứ 4 trong lớp. Thuỷ đang học lớp 1, em học cũng khá và có triển vọng.
Mẹ con vẫn làm việc như cũ, và vẫn bận cả ngày, giặt giũ cho các em bé, nấu cơm, nuôi gà v.v... Bố vẫn vậy, vẫn gắng đem hết sức mình ra để cống hiến cho cách mạng. Có điều con ạ, bố cảm thấy cũng yếu hơn trước vì tuổi đã 53 rồi, tuy vậy, bố vẫn cố gắng vượt mọi khó khăn mệt nhọc để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Con
đã phấn đấu rất nhiều. Bố đọc thơ con cũng hình dung được con bố đã vượt được bao khó khăn nguy hiểm, con bố đã bước đầu thể hiện được Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bố cảm thấy như con đang mở đầu một bản anh hùng ca. Con ạ! Cố gắng lên nữa, bố mong con đem hết nghị lực, ý chí, và quyết tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng đã giao phó cho con. Viết thư cho con, bố nhớ con lắm, hình dung lại cả lúc con còn thơ ấu quấn quýt với bố, hình dung lại hiện nay con đã trưởng thành và đang gắng sức cống hiến thật nhiều cho cách mạng.
Con ơi! nhớ con lắm lắm, mong con hoàn thành xuất sắc nhiệmvụ, ngày càng được gần Đảng và mong ngày thống nhất được gặp con..
Bố. Phạm Đức Hoá.
Hà Nội ngày 25/12/1968
Anh Long mến thương !
Nhận được thư của anh đã gần một tuần rồi, hôm nay nhân tiện có người vào chỗ anh công tác em tranh thủ viết thư tới anh đây.
Đọc thư anh em mới hiểu hết được cuộc sống đầy gian khổ và mạo hiểm của anh, thiếu thốn tất cả từ vật chất đến tình cảm, song em tin rằng với anh, một người giàu nghị lực, mạo hiểm và tràn đầy sức sống, anh sẽ vượt qua được tất cả những khó khăn trên và tạo cho nó trở thành một cuộc sống bình thường như những thói quen thường ngày của mình vậy.
Viết thư cho anh đúng vào ngày Nô en, ngày mà cách đây mới có một năm anh đến thăm em và chụp ảnh cho em ở trường mới. Một năm trôi đi rồi thế nhưng những hình ảnh ấy nó vẫn luôn luôn gợi lại trong trí nhớ của em tưởng như bình thường mà lại chứa đựng đầy tình thương.
Anh yêu quí. Cuộc sống hiện tại của em vẫn trôi đi một cách bình thường, những ngày chủ nhật được nghỉ em thường xuống cô Chung chơi.
Hôm vừa rồi em có tranh thủ về qua nhà chơi, các em đều khoẻ và học giỏi cả, đặc biệt có cô Ngọc học giỏi nên được phiếu mua chiếc xe Liên Xô nhỏ. Bố mẹ đã mua cho các em rồi, các em cũng nhắc tới anh luôn.
Em hiện giờ vẫn công tác tại trường. Không phải đi sơ tán nữa. Em cũng đang tranh thủ bắt đầu học thêm bổ túc văn hoá. Trong năm tới em có thể sẽ được tăng lên bậc hai. Hiện tại em đang chuẩnbị để thử nghề. Anh Đức hiện nay cũng đang đi thực tập. Cũng lâu rồi em không nhận được thư của anh ấy nên cũng không rõ tình hình.
Anh mến thương! vào công tác trong trong ấy chắc anh bận nhiều lắm phải không. Lúc nào rỗi anh có hay đàn hát cho nó vui không. Cuộc sống mới đến với anh chắc sẽ có nhiều nguy hiểm hơn. Song cũng như bố mỗi lần nhắc đến anh hay kể chuyện về anh cho các bác, các chú nghe, Bố rất vui sướng và tự hào có một người con như anh, biết hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của Tổ quốc. Em tin rằng anh sẽ làm được tất cả những gì mà anh muốn đấy.
Thôi em tạm dừng bút ở đây nhé! Ước gì có một ngày nào cả gia đình mình sẽ sum họp và cùng chụp chung một tấm ảnh nhỉ.
Chúc anh đạt được nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu.
Ôm hôn anh nhiều lần
Em của anh - Phúc.
Năm 1969
Ngày 1/1/1969
Năm mới đến với những ngày đầy gian khổ, ác liệt. Bọn địch đã đổ quân ngay A7, lập đồn ở đó và tung biệt kích đi lùng sục khắp nơi. Gạo đã có kha khá, song chúng tôi vẫn ăn dè sẻn, kiếm thêm rau, củ làm chất độn. Chúng tôi đi chặt hũ đót về nấu ăn. Cây đót giống cây dừa, ở ngọn có một khúc có lõi mềm, ngọt như củ đậu. Phải dùng rựa vạc từng bẹ đót, bóc dần cho tới khi gặp hũ nó. Chặt một cây phải mất khoảng nửa tiếng, rất mất công. Nhưng nó là thức ăn ngon, bổ nên chúng tôi không quản ngại, thay nhau đi chặt. Hàng ngày, Lợi hoặc Nga đi xa tới nửa ngày đường để mót sắn,dong riềng hoặc hái rau về cho tập thể. Đường đi phải qua sông Thanh nước chảy cuồn cuộn. Một cái cầu nhỏ bắc chênh vênh trên hai mỏm đá, có căng một dây mây làm tay vịn. Sáng sáng, Lợi hoặc Nga ra đi, chiều chiều, chúng tôi trông ngóng họ về an toàn. Có hôm gần tối rồi mà Nga chưa về, khiến anh em lo sốt vó. Mãi nhá nhem Nga mới về, cõng nặng một gùi sắn, rau mà vẫn cười hồn nhiên. Nhìn thân hình nhỏ bé bị cái gùi to tướng đè nặng, anh em ai cũng thấy lòng se lại. Phụ nữ miền Nam cực khổ quá, nhiều khi phải cố gắng quá sức mình nên thân hình thường khô khan, cằn cỗi. Song sức sống trong lòng họ thì thật là mãnh liệt.
Trong phong trào cải thiện đời sống, anh em bắt tay vào câu cá Chình. Loài cá này không có vẩy, đầu múp, mắt híp, chuyên sống ở hang đá dưới nước. Người có kinh nghiệm quan sát kỹ mặt cát trước cửa hang có thể đoán biết trong đó có cá chình hay không, cá to hay nhỏ. Mồi câu nó là con cá niên còn sống. Cá niên giống loại cá diếc, thịt rất béo. Móc lưỡi câu vào sống lưng con cá niên, thả xuống nước để nó kéo lưỡi câu vào gần cửa hang. Cá chình rất háu ăn và dữ dằn, thấy mồi liền lao ra đớp. Thoa mở đầu và thu được kết quả khả quan: bắt được một con cá chình lớn. Nó dài thượt, phải kéo lê trên đất mang về. Nó nặng khoảng 6 -7 kg, chặt ra được hai thau lớn. Nó ngon một cách đặc biệt: thịt rất nạc, bùi, thơm và da dày, béo như mỡ heo. Theo kinh nghệm, cá chình để hơi ươn, thịt càng thơm ngon. Anh em reo mừng đón Thoa về như đón một người chiến
thắng. Rồi ai nấy lụi cụi lấy dây thép uốn lưỡi câu chình - thứ lưỡi câu to tướng và có ngạnh dài, sắc. Thỉnh thoảng lại được một con chình, lại được một bữa tươi.
Tôi trở lại A7 để lấy ba lô, tài liệu. Khi vừa qua bến đò Giằng thì gặp Thành, Thoa hốt hoảng tới bến. áo quần hai anh ướt sũng. Thành không có mũ đội, tóc ướt bết. Thoa không dép, chân tập tễnh. Thành nói gấp gáp: "Quay lại, biệt kích phục ở đội 5 và đã bắn chết Bửu". Chúng tôi đành quay về bến cũ. Anh em bàn nhau phải đi chôn Bửu. Sáng dậy sớm gọi đò, song anh em bảo vệ không cho qua, để còn xem tình hình. Sớm hôm sau, bọn tôi kiên quyết đi. Bửu đã nằm ngoài trời hai ngày rồi. Không thể để xác đồng chí mình phơi mãi như thế được. Bốn anh em tiến thận trọng theo đường 14. Sắp đến đội 5, Hồng, Y và Tiện bứt dây mây - để buộc vào xác Bửu mà kéo, phòng địch gài lựu đạn dưới lưng. Tôi và Thành ghé xuống cơ sở sản xuất bỏ hoang kiếm cái cuốc và một cái thùng sắt để đào huyệt. Chuẩn bị xong, chúng tôi đi tới nơi Bửu hy sinh. ở đó có một ngôi mộ mới - không biết anh em nào đã chôn Bửu rồi. Chúng tôi quay về cơ quan.
Nghỉ được ít ngày, tôi, Thành và Bông mang súng trở lại A7.Kiên quyết bám địch bằng được mà lấy đồ đạc, tài liệu. Đường vắng ngắt. Rừng im lặng một cách huyền bí. Chúng tôi đi lặng lẽ, lăm lăm súng trong tay. Qua nơi Bửu hy sinh rồi. Bước chân đưa dần chúng tôi về A7. Tôi và Thành lần mò xuống hang đá ở chân núi, lấy đồ đạc lên. Ba lô mốc thếch, ẩm ướt. Khi trở về, tôi bị sốt, không ăn nổi cơm, vẫn gắng đi. Bọn Mỹ đang ở trên đỉnh dốc A7, còn chúng tôi thì đi viền theo sườn núi ấy.
Về ít ngày hết sốt, khoẻ dần lại, tôi lại cùng Lợi, Sơn xuống A7 mang nốt gạo, tài liệu về. Lần này có bảo vệ dẫn đường. Chúng tôi tập hợp nhau lại thành một đội quân, có súng ống, có phương án tácchiến. Sớm hôm sau, chúng tôi tiến về phía A7. Đường còn in dấu giày của bọn biệt kích. Vỏ đồ hộp quăng bừa bãi. Con đường bị pháo bắn, nhiều đoạn nát bét. Khẩn trương thu dọn đồ đạc xong, chúng tôi vội vã xuyên rừng trở lại bến Giằng. Qua khu nhà của bộ đội thông tin bỏ không, chúng tôi lấy được nhiều dầu phụng, mắm cái do anh em bỏ lại. Tối, đến gần đội 5 thì dừng lại ngủ. Chúng tôi
kiếm được sắn để luộc, có mắm, dầu ngon lành và cơm dẻo song không tài nào ăn nổi. Mệt quá! Trăng lên, sáng lạnh lẽo. Lạ thật, hôm nay lại im tiếng pháo. Sáng ra đi, mệt vô cùng. Không ăn nổi cơm trưa, tôi chặt hai cây chuối rừng ăn tạm, thấy mát, ngọt, dễ nuốt hơn.
Anh em kiếm được trái mìn, đem ra sông Thanh đánh cá. Sông này nhiều cá và cá rất lớn. Khi mìn nổ, tung cột nước trắng xoá, thì cá cũng nổi trắng mặt sông. Chúng tôi hùng hục ngụp lặn bắt cá. Có con nặng 5-6 kg. Hôm ấy được khoảng 30 kg.
Rồi tôi bị sốt nặng. Trận sốt kinh khủng nhất kể từ khi tôi vào đây. Không ăn uống được gì cả. Chị nuôi nấu cháo cá chình, ăn cũng không nổi. Nôn mửa suốt, toàn một thứ nước sền sệt, vàng khẹt.Đêm ngủ mê sảng, những giấc mơ kinh khủng. Thấy bi quan về sức khoẻ quá. Cơ quan lại sắp di chuyển. Tết cũng sắp đến rồi. Mùa xuân ơi, hãy mang lại cho ta sức sống mới đi!
Cơ quan liên hoan trước tết để di chuyển. Có thịt gà, xôi đậu xanh, mỳ, canh bí đỏ... nhưng tôi ăn không vào - nuốt mấy miếng đã nôn oẹ ra.
Ngày 2/2/1969 - 27 tết Kỷ Dậu
Cơ quan di chuyển đã gần hết, chuyến đi này là chuyến cuối cùng. Không làm sao khác được, tôi phải hành quân. May được chia ít sữa, uống được một ít cho đỡ kiệt sức. Sáng, tôi dậy lấy một cốc cháo, hoà đường, sữa vào và hạ quyết tâm: phải ăn hết cốc cháo này. Nhắm mắt lại mà húp cháo, mà nuốt vội vàng cho nó khỏi chạy thốc trở lại. Và cốc cháo đã hết. Này, đừng mửa nghe, gắng đừng mửa. Giữ lấy số cháo ấy trong bụng như giữ sức khoẻ mìnhvậy. Khoác ba lô lên vai, lảo đảo bước đi. Đường xá, cây cối nhoà nhoà và quay cuồng, nghiêng ngả trước mắt tôi. Khát nước vô kể. Bi đông cạn nước. Tôi bụm tay vục nước suối uống. Nước chảy tới đâu thấy mát tới đó. Chao, mát, ngọt đến tận gan ruột. Mai sẽ tiếp tục chiến đấu!
Hành quân trong cơn sốt ly bìMệt quá hẳng buồn ăn uống chi.
Nhưng núi cứ ép hoài "ăn" dốc
"No" quá cho nên thở phì phì.
Ngủ một giấc, dậy thấy đỡ choáng. Hoạ sĩ Hồng Chinh Hiền cùng nghỉ lại với tôi (anh bị sai khớp chân), săn sóc tôi thật chu đáo. Anh đem sữa của anh ra ép tôi uống. Rồi anh rang gạo, nấu một ăng gô nước đặc như cà phê, pha đường, sữa cho tôi. Tôi không muốn uống - sữa của anh đã hết rồi. Nhưng anh không chịu, bắt buộc tôi phải uống. Nằm trên võng, Hồng Chinh Hiền nói cho tôi nghe về các loại tranh, làm tranh sơn mài kỳ công thế nào... và đọc bài thơ anh mới sáng tác cho tôi nghe. Anh chuyên nghiên cứu về Tây Nguyên, có nhiều bức tranh mầu, ký hoạ rất sinh động, có một số bài thơ hay. Tôi thấy khuây khoả dần. Chiều, đã tỉnh táo hơn, tôi ăn được ít cơm với cá - cá do anh em nhà in cho.
Ngày 13/2/1969 - 28 tết
Mùa xuân ở đây không có mưa phùn. Trời trong xanh. Nắng trải vàng tươi khắp núi đồi. Từng đàn chim bay chuyền, nhảy nhót hót líu lo nghe vui nhộn.
Cơn sốt lui dần, người khoẻ lại.
Chim rừng hót rộn thật dễ thương.
Nắng rực núi đồi, mùa xuân trải.
Vai khoác ba lô lại lên đường
Chúng tôi đi ngược miết theo bờ sông Thanh. Sông này có nhiều đá, nhiều thác, nước chảy ào ào, réo sùng sục. Lại nhớ consông Hồng những mùa nước. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống thấy sông rộng bát ngát, nước đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy với sức sống mãnh liệt. Mùa nước đến cũng là mùa hoa phượng vĩ nở đỏ rực trời, là mùa thi. Mấy đứa học sinh chúng tôi thường kéo ra bờ sông Hồng, ngồi trên các tảng đá mà học bài. Trời nước mênh mông, khoáng đãng khiến cho tâm trí thêm minh mẫn, học rất chóng thuộc bài. Song cũng đôi lúc để lòng mơ mộng theo dòng sông. Sóng nước dập dờn. Mỗi khi có một chiếc ca nô lướt qua, dòng nước lại rẽ đôi ra, chạy ào ào vào bờ với những con sóng vồ vập. Sóng trào lên các phiến đá, tung bọt trắng xoá. Chúng tôi để mặc nước bắn vào
người mát lạnh. Có những buổi tôi cùng bọn thằng Giang, Hiến mấy đứa bạn thân - chạy ào trên những bãi cát tràn nước, đạp nước bắn tung toé, té nước nhau ướt đầm đìa mà cười vang. Tuổi thơ ấu của tôi đã trôi qua bằng những ngày học tập rất mải miết; bằng những phút vinh dự lĩnh phần thưởng của nhà trường, bằng những ngày nô đùa hồn nhiên với bè bạn và bằng cả những ngày hè lao động cật lực trên các công trường nắng lửa. Giờ đây, tôi đã xa những ngày ấy, xa những nơi ấy, xa những người bạn thân ấy để vào chiến trường này góp thêm sức chiến đấu. Tôi đã đi qua bao dòng sông. Và nhiều dòng sông đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai mờ.
Rảo bước bên dòng sông Thanh ấy
Nghe nước đuổi nhau réo ào ào.
Ra biển gặp sông Hồng không đấy?
Có gặp, cho ta gửi lời chào.
Quặn thắt lòng, nhớ Hà Nội sao!
Lội băng qua sông Thanh, rồi chúng tôi đóng tăng nghỉ lại bênmột dòng suối lớn. Đã khoẻ hơn.
Ngày 15/2/1969 - 29 tết
Tiếp tục hành quân về nơi ở mới. Núi đồi trập trùng. Sao không có chút mưa phùn cho mát lòng ta, cho khuây nỗi nhớ thương nhỉ. Xuyên rừng, chợt đụng phải một cành lá. Tôi dừng lại và bỗng lặng người, sững sờ. Mùa Xuân, mùa Xuân đây chứ đâu. Cành lá ấy đang nẩy ra những nhành lộc non tươi mơn mởn. Mùa Xuân gieo mầm sống và thúc đẩy sự sống hãy vươn lên mãi!...
Lội suối, trèo núi, băng rừng
Là những công việc ta mừng đón Xuân.
Đường đi bao nỗi gian truân
Mà lòng nghe vẫn lâng lâng lạ thường.
Gửi về miền Bắc quê hương
Nỗi nhớ da diết, niềm thương vô vàn.
Mong ngày thống nhất Bắc Nam
Gia đình sum họp Xuân càng vui hơn.
Gặp mấy anh em cùng Ban mang gùi đi ngược lại - anh em ra suối lớn để bắt ốc, lấy chuối rừng về nấu ăn tết!
Đến nơi, vội vàng đóng một cái nhà tăng nhỏ để ở.
Đêm nay là đêm giao thừa ở miền Bắc. Tôi và Minh ao ước được chất một đống lửa rõ to để ngồi bên mà nghe đài Hà Nội. Song không thể được, căn nhà quá trống trải, đơn sơ, không thể đốt lửa lên được, bọn giặc trời có thể phát hiện ra ánh sáng... Một ước mơ nho nhỏ và giản dị vậy thôi cũng bị hoàn cảnh khắc nghiệt không cho biến thành hiện thực. Chúng tôi đành treo võng nằm đón giao thừa. Anh Minh là người phụ trách tổ Thông tấn chúng tôi. Anh đã có vợ và một con trai, vào Nam từ năm 1960. Anh và vợ anh - chị Tú
-có một chuyện tình thật cảm động: Khi anh đi B, chị công tác ở Thông tấn xã, nhưng kiêm cả phát thanh viên cho buổi đọc chậmcủa Đài Tiếng nói Việt Nam, để anh luôn được nghe giọng nói của chị khi chép tin cho cơ quan. Rồi chị gửi con thơ cho gia đình và vào Nam, cùng anh chiến đấu trên mặt trận tư tưởng ở cùng một chiến trường. Lúc này, chị đang ở cơ sở sản xuất, cách chỗ chúng tôi mấy buổi đường, nên hai vợ chồng không được cùng đón xuân...
Đêm đen mịt mùng. Không đèn lửa. Không mứt, chè...
Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi buổi phát thanh ca nhạc Hội diễn làn sóng. Anh chị em công nhân hát hay quá. Nhất là Bích Việt - công nhân mỏ Quảng Ninh - có giọng hát mượt mà, tha thiết, và Ngọc Bé, công nhân Hà Nội, có giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm. Mọi năm trước đây, những buổi tối giao thừa, gia đình tôi thường quây quần bên đài nghe hát, ăn mứt và chúng tôi thường tíu tít giúp mẹ đun nồi bánh chưng cho sôi lên ùng ục.
Đài truyền đi bài ký của Lưu Quý Kỳ. Bài có đoạn nói đến những người chiến sĩ hy sinh cả tết xuân, đón xuân trên đường hành quân, giữa rừng âm u... đúng hoàn cảnh chúng tôi quá. Miền Bắc yêu thương vẫn nhớ đến chúng tôi, vẫn ở bên chúng tôi, tâm sự với chúng tôi.
Đến giờ giao thừa rồi. Rừng già bỗng xao xuyến. Vào những năm trước đây, trong những giờ phút này, gia đình tôi đều thức dậy hân hoan đón năm mới và chờ nghe lời chúc tết của Bác Hồ, sau đó bố mẹ tôi chúc chúng tôi và mừng tuổi chúng tôi bằng những gói mứt, kẹo.
Lời Bác Hồ đã vang lên rồi. Giọng Bác vẫn ấm áp, hiền hậu, song nghe không được khoẻ như các năm trước. Chúng tôi cầu mong Bác Hồ khoẻ mạnh, sống lâu, mong ngày thống nhất Người vào thăm miền Nam chúng tôi!
Tôi nhớ lại đêm giao thừa năm 1964, lúc ấy tôi học lớp 10. Đêm ấy, tôi cùng mấy đứa bạn thân cùng lớp đón giao thừa ở Bờ Hồ, người đông nườm nượp, áo quần sặc sỡ, đèn điện đủ màu rực rỡ, hoa nở khắp đường phố, khắp công viên, pháo bông, pháo hoa sáng rực trên bầu trời đen sẫm... Cảnh nhộn nhip ấy trái hẳn với cảnh tĩnh mịch này. ở đây chỉ có rừng cây bạt ngàn và con suối nhỏ chảy rócrách. Đêm giao thừa ấy, tôi làm một bài thơ nhỏ, nay tôi nằm nhẩm lại, song rất tiếc là đoạn cuối quên mất.
Đêm giao thừa
Đêm giao thừaBờ Hồ rộn rập.Như sao saĐường ngập ánh đènĐua chen vàng xanh đỏ...Rực rỡ muôn màuCầu Thê Húc đèn kết sáng long lanh như ngọc.Đêm giao thừaKhông mưa cũng mátGió hátHoa cườiĐèn rạng soiHoa ngời thêm sắc.Mặc kẻ lạiNgười quaHoa Rực tươi
Vẫn cười tinh nghịchVui thíchNgắm ánh đènCười duyên cùng công sự...Đêm giao thừaGió đưa nhè nhẹ.Khẽ Tung bayTà áo thướt thaNhư hoaTươiNhững nụ cười duyên dáng.SángNhư đènNhững cặp mắt nhung đen.Ửng lênHồng đôi máNhững bước điHối hảRộn rãPhố phườngVương vươngLàn tócĐèn Hồ Gươm như ngọc long lanh.Đêm giao thừaPháo nổRòn tanXác pháo tràn mặt đấtVương vấtTrên hoaBay quaHè phốNở nụ cườiHồng tươiPhủ ngờiNắpNhững hầm hào mới đắp...Đêm giao thừaĐêm đưa tin chiến thắng.
Đài phát thanh hãy nói to hơnTiếng nói căm hờn và phấn khởi:Quân dân miền Bắc vừa giành thêm thắng lợi.Đã nhận chìm một tàu Mỹ hung hăngMò ra Bắc đêm 30 hòng cắn trộm!Tiếng chuông giao thừaThánh thótNgân ngaVang xaVọng lạiÊm áiNgân mãi trong lòngMênh môngMườiHaiTiếngTrái trên cànhLá xanhThôi đùa gió Hồ Gươm nín thởGiây phút trang nghiêmLòng đất vang lênTiếng Quốc ca hùng trángĐài phát thanh giành vinh dự truyền đi tiếng nói Bác Hồ...Chỉ mấy phút thôiMà những tiếngNhững lời Đẹp nhấtĐã tràn ngập lòng ta!Tiếng quốc caLời ChaTin chiến thắngmang lại đất nước này sức vươn lên mãnh liệt của mùa Xuân.
Ngày 15/2/1969 - 1 tết Kỷ Dậu
Sáng, chúng tôi dậy sớm đón năm mới. Ai nấy chỉnh tề trong bộ quân phục, tập họp ở sân nghe lời chúc tết của các đồng chí lãnh đạo. Rồi chúc lẫn nhau, đọc thơ, ca hát... Sau đó ăn bữa cơm mừngnăm mới. Đây, bữa liên hoan của chúng tôi ấm tình rừng núi: cơm
gạo trắng do đồng bào miền Băc tiếp tế, nồi canh ốc ngọt lừ nấu với bắp chuối rừng. Anh em húp ốc nghe chùm chụp, rất vui tai. Rồi hoạ sĩ Hồng Chinh Hiền mang tranh ra trưng bày. "Phòng triển lãm" ngoài trời với những bức tranh mầu hay ký họa sinh động làm rực tươi thêm cảnh núi rừng.
Tết chúng tôi nghèo quá: không thịt, xôi, không mứt, kẹo và rất đáng buồn là không có bánh chưng xanh. Chiếc bánh chưng lúc này đối vói tôi rất đáng yêu, không chỉ vì hương vị thơm ngon của nó, mà chính vì nó chứa đựng nhiều tình nghĩa. Tết đến, gia đình nào chả có bánh chưng. Bánh chưng mang tính dân tộc nhuần nhuyễn, chứa đựng cái ấm cúng của gia đình sum họp, gợi nhớ quê hương, tổ tiên ông bà. Lúc này đây không phải tôi thèm bánh chưng, mà là nhớ, nhớ da diết, nhớ như nhớ người thân yêu.
Tôi ngồi say sưa viết bài thơ mừng năm mới:
Niềm tâm sự cùng xuân
Xuân ơi!Xuân hãy dừng chânGhé thăm nhà ta vớiThăm căn nhà đơn sơ ta vừa dựng vộiĐể có chỗ nằm và có chỗ đón xuân.Hãy thông cảm cho người trong cuộc hành quânYêu Xuân lắm, song không có gì mà tặng.Nơi đây giữa rừng già trầm lặngXuân hãy đến điĐến với những tâm hồnCháy bỏng nhiệt tìnhTha thiết yêu thương.Yêu tất cả, nên rời xa tất cả.Rời xa mái rạ, xóm ngõ yên lành.Rồi xa làng quê với luỹ tre xanh.Rời xa gia đìnhNơi có người cha già nghiêm nghịNơi có những người anh, người chị, người mẹ dịu hiềnNơi có đàn em nũng nịu yêu thương
Để lên đườngCùng cả nước làm cuộc hành quân vĩ đại.Đường hành quân, ta đi, đi mãi.Không biết nghỉ ngừng trong cuộc tổng tiến công!Xuân ơi!Hãy dừng chân chút nhéGhé thăm căn nhà nho nhỏ đơn sơ.Thăm những tâm hồn cháy bỏng ước mơ.Thăm những con người dạn dày gian khổ.Hãy ghé võng ta ngồiVà cùng ta tâm sự.Kể chuyện ta ngheXuân miền Bắc thế nào?Ôi quê nhà, ta nhớ làm sao!Ta xa quê hương gần trọn năm rồi đấy.Ta nhớ rõ ra đi ngày ấyTạm biệt quê hương trong một buổi chiều hè.Cũng ở núi rừngXao xác tiếng veTa bắt đầu cuộc hành quân gian khổ.Qua những mảnh đất quê hương dạn dày bom lửa:Thanh HoáNghệ AnHà TĩnhQuảng BìnhLúc đó quê nhà lúa đang độ lên xanh.Lúa vẫy chào ta, dập dờn sóng dậy.Tạm biệt đất mình với mùa hè nắng cháy.Ta đặt chân sang đất nước Triệu Voi.Đội một mùa mưa nước ngập đất trời.Vượt những con sông ào ào thác lũ.Vượt đỉnh Trường Sơn quanh năm mây phủVượt những cầu treo chót vót ngọn câyMê mải hành quânĐi suốt đêm ngàyTa lại vượt đỉnhTrường Sơn lần nữaĐể về miền Nam chiến trường rực lửa.
Đây Công Tum rừng núi điệp trùngĐây Quảng Đà dậy sóng tiến côngTa say đắm hoà mình trong đất nước.Cùng đội ngũ điệp trùng, mạnh chân ta bước.Với bút, mực này ta hăm hở xung phongViết những dòng tin tiếp sức tiến côngVà ta lại chịu thêm nhiều gian khổ....Có những hôm trời mưa như thác đổCõng gạo xuyên rừng, vượt núi, băng sông.Có những khi đói quặn thắt lòng.Có những buổi sốt rét run cầm cập.Và nhiều nữa những khó khăn dồn dậpĐã thử sức này, ta đã vượt qua.Giữa chốn chiến trường, ta hiểu thêm taVà lại thấy yêu mình thêm chút nữa.Cũng chính trong những ngày gian khổ.Ta biết quí thêm những thứ quí trên đời.Giữa chốn núi rừng thiếu thốn rau tươiTa thêm quí từng lá rau rừng chân thật.Giữa những cơn đói làm lòng ta quặn thắt,Ta quý thêm vị đậm đà của hũ đót, củ nưa.Giữa cái lạnh lùng của đêm tối, rừng mưa,Ta thêm quí ngọn lửa hồng ấm áp.Giữa những lúc máy bay thù quần rát,Ta quý thêm từng bóng cây xanhNhững rừng cây nặng nghĩa, nặng tìnhĐã ấp ôm ta, che mù mắt giặc.Giữa kẻ thù lòng lang dạ sóiTa thêm yêu tình đồng chí sắt sonTừng bọc đùm nhau trong những phút sống cònTừng ấp ôm nhau chia bùi, sẻ ngọt.Từng chiến đấu với gan vàng, dạ thép.Cùng một quyết tâm: địch mất, ta còn...Nắng đã dậy rồiRực rỡ núi non.Vui rộn rừng câyTừng đàn chim ríu rítBao tâm sự trong lòng, làm sao nói hết.
Xuân ơi Xuân, Xuân có hiểu lòng ta?Cảm ơn Xuân đã đến thăm nhà,Mời Xuân lại cùng ăn cơm, Xuân nhé.Ăn bữa cơm đơn sơ, bình dị.Với bắp chuối rừng và canh ốc trong veo.Có nữa chi đâu, giữa chiến khu nghèo.Xuân ăn nhé, rồi cùng ta bước tiếpTheo đội ngũ trùng trùng, điệp điệpBão dậy, sóng trào nổi dậy, tấn côngNào, sẵn sàng Xuân nhé Xung phong!Hãy xốc tới Ta quyết giành toàn thắng!
(Xuân Kỷ Dậu 1969)
Cuộc sống trở lại nếp bình thường của nó. Chúng tôi lại chặt cây, chặt lá dựng nhà. Nơi này khá nhiều cây cọ. Tôi trèo tuốt lên ngọn cây, chặt được khá nhiều lá cọ về lợp nhà. Căn nhà của tổ Thông tấn xã chúng tôi xinh xinh, nằm sát bờ suối, con suối nông nhưng rộng, lòng bằng phẳng, toàn cát, nước trong vắt.
Khu vực này có khá nhiều thú rừng. Có hôm đi trực, tới một đoạn suối, tôi gặp một con nai lớn với cặp sừng nghênh ngang đang lần xuống bờ suối. Thấy tôi, nó giật mình kêu "tét" một tiếng và chạy bổ lên rừng. Có hôm, anh Thống gùi về một gùi thịt voi, cả cơ quan được ăn "thí xác" (có nghĩa là ăn thỏa thuê, không hạn chế). Thịt voi toàn nạc, ăn không ngon lắm nhưng lành, có thể thay cơm. Có hôm anh em bắn về được hai con dộc lớn, bắt theo một con dộc con. Con dộc con quanh quẩn bên xác mẹ, không biết sợ là gì. Nhưng khi con dộc mẹ bị cạo sạch lông, thui vàng, thì nó kêu lên mấy tiếng "chóe... chóe..." rồi leo lên tít ngọn cây...
Từ tháng 3 năm 1969.
Hồng Chinh Hiền chuẩn bị ra Bắc. Anh ra đó dựng tranh, dựtriển lãm rồi sẽ vào. Tập thơ "Đá trắng" của anh cũng sẽ hành quân theo anh để vào một nhà xuất bản ngoài Bắc. Thuyết cũng quay 180 độ! Anh ta cáo bệnh thấp khớp, chạy vạy xin được bệnh án để ra Bắc. Thực ra là do tư tưởng dao động, sợ gian khổ, ngại ác liệt,
hy sinh. Được bổ nhiệm làm Phó Văn phòng, lẽ ra phải chăm lo đời sống chung, nhưng anh ta chỉ lo cho cá nhân. Có những lần cáo ốm để khỏi đi cõng gạo, anh báo cháo, nhưng xuống tận bếp nói với anh nuôi: "Nấu cháo cho chú phải lấy đủ tiêu chuẩn gạo của bữa cơm, ghế thêm ít sắn đảm bảo dinh dưỡng chống sốt rét nghen!" Anh ta thu vén đủ thứ, đi làm cách mạng mà như đi buôn vậy. Hết đổi chác cái này lại xin xỏ cái khác, lấy của anh em từ cái bọc võng tới đôi bít tất, tấm dù hoa... và chạy vạy mua sắm đủ thứ: khi vào, anh ta chỉcó một cái đồng hồ xoàng, nay có đồng hồ Mô Va Đô, nhẫn vàng, đài bán dẫn... (con người thật tàn nhẫn, mấy viên sâm mà bán cho đồng chí mình tới 2000 đồng, gấp 40 lần phụ cấp hàng tháng của tôi ). Chỉ được cái bẻm mép, tán một tấc đến giời và thân hình úc núc, được anh em đặt cho biệt danh Tư Băm. ở Thuyết tập trung cao độ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Anh em ai cũng chê trách Thuyết.
Cuối tháng 3, tôi nghe tin Xuân Quý đã hy sinh ở Quảng Đà. Hy sinh ngày 8-3, đúng ngày Quốc tế phụ nữ. Bọn Pắc Chung Hyphục kích và đã bắn chết chị trong một đêm tối tại tỉnh Quảng Đà. Tôi ngậm ngùi nhớ tới chị, nhớ tới khi còn ở trường 105 Hà Nội, chị rất hồn nhiên mang máy ảnh đến hỏi chúng tôi về cách sử dụng. Chị là một con người có quyết tâm cao, có nhiệt tình cách mạng lớn. Khi hành quân từ Bắc vào, chị sức yếu, ba lô nặng nhưng dứt khoát không nhờ ai mang hộ bớt, lúc mệt quá, đau vai, đau chân quá lại lén ra khóc một mình. Chị miệt mài viết, đồng thời luôn xung phong trong những công việc gùi cõng nặng nhọc. Khi phân công chịđi Quảng Ngãi, chị xin đi Quảng Đà - đó là trọng điểm của chiến trường, rất ác liệt, song cũng nảy sinh nhiều anh hùng. Chết nhưTrọng Định, Xuân Quý là cái chết vinh quang. Còn sống như Thuyết là cái sống nhục nhã.
Thời gian này, tôi có điều kiện làm chuyên môn nhiều hơn. Cùng anh Minh giải quyết toàn bộ tin tức từ các nơi gửi về - rất phấn khởi, say mê. Thỉnh thoảng cũng tham gia gùi cõng, kiếm củi, rau.
Giữa tháng 4, tôi vào Trà Mi sản xuất. Làm quen với con rựa phát rẫy. Nắng Trà Mi đã thiêu cháy da thịt tôi và làm cho tôi cảm
sốt luôn. Thật buồn, thời gian này đau ốm nhiều quá, không tham gia lao động được mấy. Mà công việc thì hết sức bận rộn, anh em hết sức vất vả. Có hôm, con suối gần nhà chúng tôi bỗng đầy cá trôi xuống - có những con ngắc ngoải, có những con vừa mới chết. Hình như phía thượng nguồn, bọn địch bắn pháo lân tinh, cá bị ngộ độc. Tôi hụp lặn cả buổi, bắt về hai thùng cá lớn. Anh em có thêm chấttươi. Nhưng tôi bị một trận cảm nước khủng khiếp. Đầu nặng trịch, đau như búa bổ. May quá, anh Bông - cùng đơn vị sản xuất với tôi biết nhể cảm. Lạ thật, anh chỉ bóp, vuốt trán tôi một lát rồi dùng mảnh sành nhể mấy nốt giữa trán, nặn ra chút máu đen sì, là đầu tôi thấy nhẹ bẫng. Tuy vậy, cũng phải nằm bết 2 ngày mới bình phục.
Bắp của chúng tôi rất tốt, cho nhiều trái lớn và lúa mì cũng xanh tốt.
Đầu tháng 7, tôi và Vượng đi bệnh xá. Vượng rất yếu và mang tới 4 thứ bệnh: thấp khớp, viêm đại tràng, trĩ, sốt rét. Song,Vượng dứt khoát trụ bám ở chiến truờng, không trở ra Bắc để thành B quay. Còn tôi chỉ bị suy nhược vì sốt rét nhiều. Giữa lúc này thì địch càn Trà Mi. Chúng đổ quân lên thôn Ba, thôn Tư, Cầu Chìm, Nước Oa. Chúng tôi không thể về nơi sản xuất được. Rất áy náy, song không còn con đường nào khác, đành lên tiểu ban Văn nghệ nằm chờ. Tại đây, chúng tôi ăn sắn phát ngán vì quá ít gạo. Tôi vùi đầu vào đọc hết số sách văn học mà tiểu ban cho mượn. Lâu quá rồi không được đọc sách, nay đọc nhiều thấy nhức đầu nhưng rất say mê.
Tôi tham gia cõng gạo với tiểu ban, giữa đường bị sốt. Anh emVăn nghệ săn sóc tôi rất chu đáo, nhất là Thanh Đính. Anh hát cho tôi nghe nhiều bài hát hay. Trong gian khổ, anh vẫn quần áo chỉnh tề và lúc nào cũng lạc quan, nhiệt tình biểu diễn phục vụ bộ đội, thương binh. Với cây đàn ghi ta, anh có thể hát ở bất cứ nơi nào khi bộ đội yêu cầu: trên đỉnh dốc lúc ngồi nghỉ gùi cõng, trên thuyền lúc vượt sông, bên bếp lửa sau cơn sốt rét... Bùi Minh Quốc cho tôi xem tập thơ của anh "Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ". Sống trong không khí này tôi thấy thật vui và khao khát được đi thực tế, được viết.
Anh em báo tin anh Hồ (làm ở báo Vĩnh Linh, cùng vào đoàn với Xuân Quý), được phân công về báo Cờ Giải phóng, đã chết ở Nước Ngheo - cơ sở sản xuất của Báo. Anh rất gầy yếu song rất cố gắng. Bệnh sốt rét ác tính đã huỷ diệt anh. Anh Nhị bảo rằng lúc anh Hồ chết, ở hậu môn anh, ruột thòi ra tới gần gang tay! Thế là mới một năm vào đây, trong số người cùng vào hoặc đã vào trước tôiít ngày đã có 4 người hy sinh: Trọng Định, Xuân Quý, Minh Điều, Phạm Hồ và 5 người trở lại miền Bắc: Thuyết, Xuân, Bá, Trình, Kiên.
Giữa tháng 7, tôi và Vượng về Trà Mi.
Trời bắt đầu có những cơn mưa giông dữ dội vào buổi chiều. Trà Mi còn nặng vết tích địch tàn phá: nhà cửa bị chúng đốt cháy hết, trâu, bò bị bắn chết thối khắp vùng. Nhà cửa của bọn tôi cũng bị đốt trụi. Bọn địch phá phách không còn gì, từ cái cần câu cá đến cái giỏ cá, nong phơi thóc chúng đều đốt. Tuy nhiên, lương thực, của cải của chúng tôi nhờ cất giấu kịp nên không tổn thất gì. Bọn địch đóng quân ở cách chỗ chúng tôi một ngày đường, hòm đạn, vỏ đạn vứt bừa bãi. Anh em dũng cảm bám sát cơ sở sản xuất, giành giật với địch từng con gà con heo.
Nhà không có, chúng tôi đóng tăng ở. Thời vụ sản xuất rất khẩn trương, phải làm cho kịp. Hồi này không có gạo, ăn toàn bắp, song anh em rất phấn khởi, hăng hái.
Cuối tháng 7, tôi được chỉ thị về Ban để làm công tác chuyên môn. Lúc này hay mưa, lụt, sức tôi yếu, lại đi một mình, nên lo quá. May sao, khi lên đường, tôi đã khỏe lại và gặp nhiều bạn đường tốt, kết hợp cùng đi nên vượt qua mấy ngày đường một cách nhẹ nhàng.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 1969
Long thân yêu của bố mẹ.
Bố mẹ vừa nhận được thư và ảnh của con rồi, nói chung là tất cả thư con gửi về gia đình đều nhận được cả mà bố mẹ cũng gửi rất nhiều thư cho con mà chả biết con có nhận được không, con nói gửiáo len và bút về chỗ bác Đào Tùng nhưng bác Tùng lại đi Quy - Ba vắng vậy mẹ phải đến hỏi gia đình bác vậy. Hôm ngoài tết cô Chung đem gửi anh Tô cho con thuốc ký ninh độ hơn trăm viên và lọ sâm viên, còn gì nữa mẹ không nhớ và cả giấy khai lý lịch của bố cho con, chả biết con có nhận được không.
Bố mẹ và các em con ở ngoài này nhớ và thương con lắm, nhất là tết vừa rồi cả nhà cứ nghĩ đến con thành ra ăn tết không vui vẻ gì, mẹ biết là con sẽ phải thiếu thốn và gian khổ đến chừng nào, nhưng mẹ tin là con sẽ vượt được tất cả những gian khổ ấy mà tiếnlên. Bố mẹ thấy con nói bị sốt rét. Đấy là mối lo ngại nhất cho mẹ, vì mẹ nghĩ đến những khi con nằm đang lên cơn sốt mê man mà ở giữa rừng thì ai trông nom con, đành rằng có tập thể nhưng nó cũng đến mức độ nhất định thôi, không thể bằng ở nhà được. Thứ nhất là mẹ lo lúc con đang sốt mê man mà giặc đến bắn phá thì có biết đường mà chạy không, mẹ cứ nghĩ vơ vẩn thế đâm ra nghĩ ngợi lung tung và thương con da diết. Thật là con bắt đầu ra tự lực được ngày nào là mẹ bắt đầu lo cho con ngày ấy vì rằng con toàn bước vào đường chông gai nguy hiểm cả. Cái sợ nữa của mẹ là lo cho con bị cơn sốt rét ác tính thì chẳng thuốc nào cứu được cho nên con cố xin thuốc mà uống mà nếu may con có nhận được chỗ quinine mẹ gửi cho có chữ Q là tốt nhất đấy. Con uống nó trước khi ngồi vào ăn hay ăn một bát rồi uống thì nó đỡ ù tai nhé. Uống một ngày 2 viên thôi.
Còn việc gia đình vẫn khoẻ cả, các em con vẫn khoẻ cả, học vẫn tốt. Việt đang có hướng của nhà trường là cho vào đại học Văn hay Vô tuyến điện nếu vào được đại học. Dạo này em lo học lắm, đến 15/5 này là các em con đều thi cả. Nói chung là các em con học được cả, em Phúc tết vừa rồi cũng lên nhà và đang học bổ túc 9. Em vừa được thử tay nghề xong, mẹ đưa cho em cái xe đạp của con cho em sử dụng, còn Việt thì mẹ mới mua cho cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô 200đ, đến hè ra nếu Ngọc lên lớp 8 thì cũng đi xe đạp ấy.
Các em con biết đi xe đạp cả rồi, chỉ có Thuỷ là chưa biết đi thôivì còn bé quá. Anh Đức con đến tháng 12 này thì về rồi. Bố con độ
mấy hôm nữa thì đi tham quan Liên Xô độ 2 tháng. Cô Chung vẫn ở chỗ cũ. Nhiều khi mẹ muốn gửi quà vào cho con mà chả biết gửi gì vả lại chả biết họ có nhận cho không hay là có đến tay con không, mẹ phân vân quá lại thôi.
Nhận được thư và ảnh của con, các cô các chú ở cơ quan đều mừng chung cả với gia đình nhà ta và đều xem thư vả ảnh của con cả. Mẹ nghĩ không biết đến bao giờ con mới được về và gặp gia đình để lúc ấy mẹ sẽ nấu cho con ăn tất cả những món gì con thèm. Cuốinăm anh Đức về, như thế là lại thiếu con. Nếu con có nhà có phải vui không? Con xem trong ấy có lá na thì con lấy mà vò ra lọc nước mà uống chữa sốt rét tốt đấy.
Bây giờ mẹ khuyên con là con phải giữ gìn cẩn thận, đừng xông pha nhiều, nếu mà là nhu cầu công tác thì không nói, nhưng ngoài ra thì con phải giữ gìn cẩn thận. Mẹ thấy con gian khổ bao nhiêu mẹ cũng không ngại bằng chỉ sợ không sống được, chứ nếu sống được thì sau này cái gì cũng có cả. Hôm nay mẹ thấy chú Triều giáoviên bảo có đồng chí trong Quảng Đà sắp vào. Vậy mẹ vội viết thư gửi vào cho con biết tin gia đình ngoài này. Dạo này giặc Mỹ không bắn phá nữa, nhân dân tạm yên ổn, vui vẻ, nhưng riêng mẹ cứ nghĩ đến con thì mẹ sốt ruột lắm. Trường ta vẫn ở sơ tán, chỉ có một số về Mễ Trì thôi.
Thôi, bố mẹ và các em chúc con khoẻ mạnh, cố gắng vượt mọi gian khổ chờ khi đoàn tụ gia đình vui vẻ.
Mẹ Hạnh
Hà Nội ngày 2/5/1969
Anh yêu mến của em!
Xa anh đã gần một năm rồi, mới ngày nào anh em mình còn quây quần bên nhau thế mà bây giờ anh em mình đã phải xa nhau hàng trăm cây số rồi nhỉ?
Nhận được thư và ảnh của anh, em vui sướng vô cùng. Ngắm những chiếc ảnh anh chụp em tưởng như anh vẫn đang ở gần bên em, vui tươi và đang nhìn em trìu mến.
Anh Long mến, đọc những dòng chữ thân thuộc của anh, em đã tưởng tượng được phần nào những gian khổ mà anh đã trải qua, không biết giờ đây anh đang nghĩ gì nhỉ? Em thường hay nghĩ như vậy, và cứ mỗi khi nghĩ tới anh là em lại thấy nhớ và thương anh vô cùng, thế rồi hình ảnh anh và những kỷ niệm khi anh em mình cùng ở với nhau trong căn phòng nhỏ bé mà em ở, những buổi tối phóng ảnh tới 11 giờ đêm hay những khi ngồi uống cà phê trong quầy hàng giải khát, lại hiện lên trong tâm trí em.
Trong thời gian xa anh, em học bổ túc văn hoá. Hiện nay, em đã học hết học kỳ I của lớp 9 anh ạ, trong thời gian này em bận hơn trước rất nhiều, nên mặc dù có xe đạp song em rất ít đi chơi. Công việc hàng ngày của em vẫn bình thường như trước, song chúng em làm việc bây giờ đông vui hơn trước nhiều. Phòng em bây giờ có 6 người nữa ở, nên cũng đỡ buồn hơn trước nhiều. Em mới được thi lên bậc, kết quả đạt loại khá nhưng cả xưởng chỉ được xét cho tăng lương có 10% thôi nên cũng chưa biết em có được tăng hay không?
Đã lâu em không về nhà, song bố mẹ thì lên họp luôn. Bố có lẽ khoảng giữa tháng này sẽ đi thăm quan Liên Xô, các em nhắc đến anh luôn, chúng nó sắp được nghỉ hè và đều học khá cả. Cuối nămnay anh Đức sẽ về nước, và tết này sẽ ăn tết ở nhà rồi, ước gì anh lại được về ăn tết với gia đình thì vui biết mấy anh Long nhỉ.
Thôi em dừng bút ở đây nhé, em sẽ viết thư thăm anh luônnhé. Địa chỉ của em vẫn như cũ.
Chúc anh luôn mạnh khoẻ và may mắn trong công tác.
Phạm Quang Phúc.
Hà Nội, ngày 17/6/1969
Long thân yêu của bố mẹ.
Bố mới gửi một thư cho con qua tay một bác công tác ở QuảngĐà ra Bắc lại mới vào chả biết đã đến tay con chưa, như thế là mẹ nhận được thư của con viết từ hôm tết, cả nhà nhận được thư và ảnh của con mừng quá, nhưng mãi từ đấy đến nay chưa nhận được thư của con thì gia đình lại sốt ruột quá, và mẹ thấy con bị sốt rét thì mẹ rất lo và thương con không thể nào nói được hết, còn mẹ có nhờ cô Chung gửi thuốc ký ninh và lọ sâm viên và số lặt vặt qua anh Tô cho con chả biết con có nhận được chưa mà gia đình rất mong cả thư nữa, nói chung là gửi rất nhiều mà chả biết con có nhận được không?
Các em ở nhà đã thi xong tất cả và đều lên lớp. Năm nay chọn chất lượng học sinh khá kỹ do đó nói chung các lớp chỉ lấy vào khoảng 60% thôi nhưng các em con đỗ cả thế là may lắm rồi, mẹ lo nhất là Việt và Ngọc nhưng đều tốt cả, vậy mẹ báo tin cho con mừng.
Còn gia đình nhà vẫn khoẻ cả, trên bà và cậu Hiếu cũng gửi lờithăm con và động viên con làm công tác cho tốt, còn anh Đức con đến cuối năm thì về, anh con học vào loại khá do đó được thưởng thêm mỗi tháng 60 Mác. Còn con chả biết có bao giờ có dịp đi họp mà được ra Bắc không? Mẹ thấy họ cứ được ra vào luôn, mẹ thèm quá.
Trường ta vẫn ở sơ tán, chỉ mới có một ít sinh viên về Mễ Trì thôi. Hôm mẹ gặp thằng Giang, nó cũng hỏi thăm con và mẹ cho nó một cái ảnh của con, dạo này nó cũng gầy lắm, mẹ gặp nó mẹ lại nhớ đến con nhiều quá. Con cố gắng giữ gìn sức khoẻ và con xem nếu có lá na thì lấy vò sống rồi vắt nước uống cũng chữa sốt rét tốt đấy con ạ. Cơn sốt của con có bớt đi không hay vẫn như khi mới vào.
Cô chú Phương vẫn khoẻ, cô sắp cho tất cả các em về dưới này rồi, cô định gửi bật lửa cho con nhưng chưa gửi được.
Thôi đã khuya rồi mẹ dừng bút, chúc con lần nữa khoẻ mạnh, để có ngày sum họp gia đình. Kể viết cho con thì viết mãi cũng
không hết được nỗi nhớ thương con được, mỗi lần viết thư cho con mẹ lại thấy nhớ con và vừa buồn vừa lo nữa.
Mẹ Hạnh
Ngày 31/7/1969
Trở về Ban với sự đón tiếp vui vẻ của anh em. Có lẽ tôi thiểu não lắm - với cái thân hình gầy yếu sau nhiều trận sốt, với cái đầu tóc bù xù, với chiếc áo cộc tay 3 túi toạc ở lưng. Bởi vậy anh em cười bảo tôi: "Này, cậu đi thay đồ xem có bảnh choẹ ra chút nào không chứ. Trai làng Tuấn mà thảm vậy sao?". (Làng Tuấn là biệt danh của Ban Tuyên Huấn Khu). Tôi cười. Không lo, trông vậy nhưng còn dư sức chiến đấu.
Lại bắt tay vào những việc quen thân: làm chuyên môn, đóng góp củi cho nhà bếp.
Tới 3/8, tôi bị quật ngã bởi một cơn sốt chí tử. Chưa bao giờ tôibị sốt nặng như lần này. Không ăn gì được. Ăn chút gạo rang cũng không tiêu hoá nổi. Bụng binh bích. Mửa suốt, toàn một thứ nước vàng khè. Lại kèm đau bụng đi ngoài. Lần sốt này đặc biệt hơn mọi lần trước là chân tôi cứ cứng đơ ra, đau nhức, không co duỗi được. Nằm thượt trên võng mà buồn không sao chịu nổi. Nhưng may thay, đây là khu A, bệnh viện rất gần. Anh em đi báo bác sĩ đến tận nơi khám và cho thuốc. Thuốc rất phong phú: đủ các loại trị bệnh, trợ sức tới thuốc bổ.
Mãi tới 11/8 tôi mới khỏi sốt. Tuy nhiên nhờ thuốc và có đường, sữa bồi dưỡng nên sức khoẻ bình phục tương đối nhanh.
Khu bộ chúng tôi có bệnh viện C là chỗ mà toàn thể cán bộ chúng tôi trông cậy vào về mặt sức khỏe. Ngoài việc chữa bệnh tại chỗ, bệnh viện còn cử các bác sĩ đi lưu động đến các cơ quan Khu chăm sóc sức khỏe cán bộ. Nữ bác sĩ Phi rất thân thuộc với cơ quan tôi. Người gầy gầy nhưng hoạt bát, chị hay nói chuyện vui. Chỗ tôi
có anh Đặng Phò, Trưởng Tiểu ban Báo Cờ giải phóng, hay nói tiếu lâm và trêu đùa anh em. Anh đã đặt câu vè Ka tê, Sê cô, Sô ny, Phi phi, Ra đi để chỉ hiện tượng anh em đau yếu phải đến bệnh viện cho bác sĩ Phi khám, có giấy chứng nhận yếu sức khỏe, được ra miền Bắc điều trị, trước khi đi, anh em thường may quần áo bằng vải ka tê, mua đồng hồ Sê cô và đài Sô ny. Hôm ấy, anh gọi bác sĩ Phi là "Phi phi", lập tức anh nhận ngay được lời đáp "Phò phò" và đành chịu thua. Nhưng bác sĩ Phi lại bị chúng tôi căn vặn về bài của bác sĩ viết trên báo Khu là lá sắn bổ hơn trứng bột, thách thức bác sĩ ăn lá sắn thay các chất đạm động vật, bác sĩ lúng túng, không lý giải nổi. Thôi, thế là hòa!
Rồi, tôi lại đi làm nhiệm vụ cố hữu ở chiến khu là cõng gạo. Chúng tôi ra tận bến xe chuyển gạo về. Thật bất ngờ, đến giữa đường, anh em xin được bắp cải, đậu vàng. Tuy ít thôi, song cũng đủ bữa canh. Từ ngày xa miền Bắc, đến nay đã hơn một năm tôimới gặp lại thứ rau cao cấp đó. Ăn mà thấy mát tận tim gan và lại thấy nhớ miền Bắc vô cùng.
Con đường cũng đầy tình nghĩa. Rừng ổi bạt ngàn với chi chít quả chín rất rộng lòng mời chúng tôi thưởng thức; những cây vả núc nỉu quả chín, cho chúng tôi nhiều mật ngọt và thơm phức; rừng măng ken dầy, không tài nào bẻ hết được... Tất cả những thứ đó góp phần bồi dưỡng sức khoẻ và động viên tinh thần chúng tôi rất nhiều. Trên con đường này, qua sông Bung, Trà Kíp, A Ró, Bến Xe... đầy những dốc cao, song chúng tôi đi không ớn lắm.
Cơ quan lại rục rịch di chuyển. Chuyến đi này sẽ nặng nề lắm đây.
Trong những ngày này thì Vũ - Đảo từ Phú Yên ra Ban họp. Anh nguyên là phân xã trưởng phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Hà Nội, cùng tập trung đi B với tôi và hiện phụ trách tổ phóng viênở Phú Yên. Trải qua hơn hai tháng đi đường, gặp đói kém, Vũ Đảo có sạm đi. Anh bị mất dép khi chạy vượt đường 19, phải dùng vải bóchân đi suốt từ Bình Định ra gần đây mới kiếm dược đôi dép xỏ vào chân. Râu ria anh đâm ra tua tủa. Anh cho biết đi đường bị mất bộ dao cạo nên cái thứ râu quai nón chết tiệt ấy cứ tự do phát triển. Tôi vội đưa anh bộ dao cạo: "Thôi cụ ơi, cạo ngay đi, trông cứ như
biệt kích ấy" và tôi tặng anh luôn bộ dao. Gặp nhau mừng mừng,tủi tủi, hàn huyên đủ chuyện. Đảo kể lại những gian khổ mà anh đã vượt qua. Các anh ở trong đó khổ hơn bọn tôi nhiều và rất đói. Có khi hàng tháng phải ăn củ nưa thay cơm hoặc ăn sung ghế cơm. Và trong những ngày gian khổ đó, một tổn thất lớn đã đến: Nhân cao đã bị chết vì ốm và đói. Nhân là công nhân ảnh, tính tình hiền lành, chăm chỉ và sống với anh em rất chân tình, ai cũng yêu mến. Trong những ngày đói kém, tuy sức yếu, song anh vẫn cắn răng chịu đựng, không kêu ca một lời và vẫn hăng hái gùi cõng máy, di chuyển đến nơi mới. Rồi anh bị ốm nặng, nằm liệt. Hai má anh chảy xệ, bệu ra như má người già. Cơ thể suy nhược lại bị vi trùng sốt rét và cái đói tấn công, Nhân đã qua đời. Thôi, anh đã vĩnh viễn phải xa người vợ trẻ hiền hậu và 2 đứa con dễ thương, vĩnh viễn nằm lại nơi chiến khu gian khổ này. ở chiến trường này, cái chết đến với con người ta dễ dàng quá. Ai có thể đảm bảo rằng mình sẽ thoát khỏi tay thần chết. Tôi cũng vậy thôi, tuy luôn hy vọng ở ngày chiến thắng, luôn có lòng tin một ngày mai sẽ trở về quê hương, song vẫn phải đinh ninh một điều: cái chết đang rình mò, cái chết có thể vồ trúng mình. Có điều người ta quen đi, dạn dầy với sự thực phũ phàng đó. Lòng vẫn thảnh thơi không một chút bi quan.
Tối đó chúng tôi đãi khách bằng một bữa cháo ốc, cá. Cá và ốcdo chúng tôi be suối, tát bắt được hồi chiều. Đảo ăn cháo một cách ngon lành. Tuy nhiên, anh chưa quen hút ốc nên lúng túng. Anh em đều tỏ ra thông cảm về sự lúng túng đó và xúm lại bày cách hút ốc cho anh...
Rồi bắt đầu những chuyến chuyển gạo. Tôi khoẻ rồi, hăng hái tham gia những chuyến công tác đó.
Ngày 2/9/1969
Họp tổng kết thi đua của cơ quan đúng ngày tết độc lập. Anh em phát biểu nhiều. Nói chung đều thấy được những thành tích đạt được. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rõ tư tưởng cầm chừng còn phổ biến - cầm chừng và nghỉ ngơi, chưa thật xốc tới mạnh mẽ. Còn một vấn đề nữa đặt ra: giữa chuyên môn và gùi cõng, làm sao cho cân đối. Hình như nhiều người còn quá thiên lệch về mặt gùi cõng, đánh giá khả năng, thành tích con người qua gùi cõng là chủ yếu, coi nhẹ chuyên môn. Anh gùi thêm nửa ang hoặc một ang gạo, có lẽ sẽ được nổi tiếng liền. Còn anh nghiên cứu viết lách chất lượng ra sao, ít ai
để ý đến. Mồ hôi đẫm lưng áo, ai cũng thấy, nhưng mồ hôi nhỏ giọttrong óc, mấy ai biết đến. Điều đó rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không làm chuyên môn, không làm công tác tư tưởng, thì chúng ta tồn tại ở ban tuyên huấn này làm gì? Có đồng chí sản xuất cả nămtrời, không biết gì đến chuyên môn. Điều đó không thể thông nổi.Đó là vướng mắc trong tư tưởng nhiều anh em. Tôi cũng vậy. Tôi không ngại hy sinh, gian khổ, tôi chỉ sợ không làm được nghiệp vụ. Nếu không vì sự nghiệp viết lách phục vụ cách mạng thì tôi vào đây làm gì kia chứ? Tuy nhiên, phải nhận thấy một điều là trong hoàn cảnh chiến trường khó khăn này, không thể chỉ biết đến chuyên môn. Sao lãng việc gùi cõng kiếm ăn, anh sẽ đói liền. Và như vậy, anh không thể nhịn ăn mà làm chuyên môn. Anh hãy quan tâm đến điều đó, nếu không, anh sẽ trở thành con người không tưởng, phi thực tế. Vấn đề là ở chỗ cân đối - cân đối giữa chuyên môn và gùi cõng. Cả hai việc đều phải tốt. Mọi người cần tham gia cả hai việc, đừng để tình trạng người thì hùng hục gùi cõng, bỏ chuyên môn, người thì chăm chắm việc chuyên môn, sao nhãng việc gùi cõng. ở cơ quan này, nhiều đồng chí vin vào việc chuyên môn mà tránh gùi cõng, một công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, có một số anh chuyên môn kém, chỉ thích gùi cõng và sản xuất, một việc nặng, song ítphải suy nghĩ và được ăn no. Đứng trên hai thái cực ấy, 2 "phái" đều cho mình là giỏi, đều khinh thường "phái" kia, đó là một sai lầm lớn...
Cơ quan đổi được một con heo lớn để liên hoan ăn mừng tết độc lập, mừng thắng lợi của hội nghị. Con heo béo quá, khổ mỡ dầy cảgang tay. Ăn no, ăn chán mà không hết. Sau ngày liên hoan này nhiều người bị heo "vật": sốt, đi ngoài suốt, người sọp đi, mặt mũihốc hác. Anh Đảo cũng bị như vậy. Anh bảo rằng người anh lao đao, lâng lâng như đi trong khoảng không vũ trụ vậy.
Ngày đầu, tôi ăn vừa phải nên cầm cự được lâu, ăn được mấy bữa nữa mà không ớn và không bị phản ứng gì tai hại cả. Người cũng khoẻ khoắn.
Ngày 4/9/1969
Sáng sớm, chúng tôi mở đài nghe tiếng phát thanh viên đọc buồn và trang trọng: "Mời các bạn nghe buổi phát thanh đặc biệt."Tôi nằm lặng trên võng. Điều đau đớn đã đến: Bác Hồ đã qua đời,
Bác Hồ không còn nữa! Trong nhà có tiếng khóc nấc lên. Tôi bàng hoàng, sửng sốt, đau đớn. Thôi, thế là miền Nam không được đón Bác về thăm khi kháng chiến thắng lợi nữa, tôi không còn được gặp Bác nữa!
Trong những ngày đau thương này, chúng tôi dốc sức ra làm việc. Chúng tôi vào Thường vụ Khu uỷ để làm tin tức về tang lễ Bác và các hoạt động biến đau thương thành hành động cho nhanh, kịp thời. Có thể nói chúng tôi làm việc suốt ngày: sáng, trưa, chiều, tối làm việc tới khuya. Song ai cũng cảm thấy chưa đủ, chưa bù đắp được một phần nhỏ cho sự tổn thất lớn lao này.
Sau những ngày làm việc cao điểm, chúng tôi trở về cơ quan. ở đây, anh em dành ngôi nhà đẹp nhất làm chỗ thờ Bác. ảnh Bác được lồng trong khung đen - có đèn, có trầm nghi ngút khói suốt ngày đêm. Chúng tôi thay phiên nhau túc trực bên bàn thờ Bác.
Trời mưa sập sùi suốt.
Chúng tôi lao vào việc chuyển gạo: từ kho Lam về cơ quan, từ cơ quan tới sông Nước Mỹ. Một đợt mưa lớn làm cản trở việc của chúng tôi. Mưa sầm sập suốt ngày đêm. Nước xối ào ào. Con suối chỗ nhà bếp của chúng tôi vốn bé tí, nay cũng lênh láng nước, chảy ào ào. Còn con suối lớn phía ngoài thì nước lồng lên, gào thét dữ dội.Đêm, nằm nghe nước cuốn những tảng đá to lăn lục cục mà rợn cả gáy. Mưa, mưa miết, mưa miết.
Chuyến chuyển gạo vào sông Nước Mỹ thật đáng nhớ. Khi trời vừa tạnh, chúng tôi ra đi. Nhưng khi chúng tôi vừa lên đường, thì trời ập mưa xuống. Mưa quá dữ dội. Những giọt mưa nặng và lạnh ngắt như trăm ngàn mũi thuốn cứ vun vút lao xuống, thuốn nátmặt đất. Đất tơi ra và bị những bàn chân dẫm lên nát bét, nhầynhụa, trơn tuột. Đường đông đặc người đi: bộ đội chuyển gạo, đoàn văn công, đoàn dũng sĩ, chiến sĩ thi đua mới dự hội nghị về. Hàng trăm con người dầy xéo một con đường mòn xuyên rừng. Cõng gạo nặng trên lưng, tôi cắn răng bước đi, cố cho khỏi ngã. Nhưng xuống dốc thật khổ. Dốc đó, đầy một thứ bùn đỏ quạch, nhầy nhẫy. Bùn chảy thành dòng xuôi theo dốc. Bùn ngập tới cổ chân. Tôi đưa chân
vào suối bùn kỳ quặc ấy mà dò dẫm đi. Không còn đủ ma sát giữ cho bước chân - nó cứ trơn tuột xuống. Phải vận dụng mọi cách để khỏi ngã: chống gậy thật chắc để đu người xuống, bám vào cây để tụt dần xuống, bò xuống. Nhưng chủ yếu là lối đi dật lùi: quay lưng xuống dốc, tay bám vào các cành cây, dây mây bên đường, chân bám chắc mặt đường mà bước xuống hoặc trượt xuống.
Giữa khi đang hì hụi xuống dốc như vậy, tôi bỗng nghe tiếng một cô gái nào đó cười vang và tiếng chân bước gấp gấp. Cô gái vụt qua tôi như một làn gió, làn gió biết cười và nói líu lô. Cô gái mặc quân phục và vác khẩu AK. Quần áo cô không bị lấm mấy mặc dầu cô bước đi rất nhanh, như chạy xuống dốc vậy. Tiếng cười, nói vẫn cứ vang rừng núi và xa dần, xa dần.
Xuống được đến chân dốc thì gần 5 giờ chiều rồi. Vội vã đóng tăng, và kiếm củi nấu cơm. Không sao kiếm ra chút củi tốt để đun. Chỉ có củi tươi. Những cành cây gẫy chưa kịp khô đã mục rồi. Trời, cái không khí ẩm xì này. Chúng tôi chẻ củi, rồi lấy giấy đốt. Hết mấy chục tờ giấy mà bếp mới bắt đầu bắt lửa. Phải thi nhau chúi mũi vào mà thổi. Phải lấy vung nồi làm quạt lùa gió vào bếp. Bếp khói um lên, cháy thoi thóp. Mắt chúng tôi cay xè. Mãi tới 8 giờ tối cơm mới chín. Sáng, 5 giờ nấu cơm. Vẫn cái bếp sài đẹn ấy. Vẫn cái lối cháy nghẹt thở ấy. Cũng 3 giờ sau cơm mới chín. Khói um lên, bao trùm rừng cây. Giữa lúc ấy, một chiếc Moranh bay qua, rất thấp. Chúng tôi bảo nhau nếu nó thấy và vòng lại thì lập tức phải chạy ngược suối lên. Nhưng nó cứ bay đi - nó mù trước đám khói mù mịt của chúng tôi. Bãi nghỉ ồn ào lên, không phải vì máy bay mà vì một việc tệ hại: Một bác sĩ của Bệnh viện C cõng một gùi sữa hộp, đến lúc thu dọn để chuẩn bị đi mới phát hiện bị mất một hộp sữa bột Huygo. Không hiểu chàng nào thèm ăn quá đã lẻn vào đầu võng moi gùi lấy hộp sữa? ở chiến khu, gần đây đã xuất hiện một số hiện tượng xấu. Có một số bộ đội không chịu nổi gian khổ, ác liệt, đã bỏ ngũ. Trong số họ, có ngươì lấy vợ là phụ nữ dân tộc thiểu số, có người vào rừng ở. Một ít kẻ xấu trong số này thường lẻn đến các bãi nghỉ để trộm cắp. Có nhiều trường hợp bị mất cả gùi gạo, cả thùng mắm. Nhiều khi đi gùi cõng, chúng tôi phải buộc gùi vào đầu võng để phòng xa.
8 rưỡi mới đi - đi trong cơn mưa tầm tã.
Ngày thứ 3, chúng tôi nghỉ ở khu nhà thông tin. ở đây có củi khô đàng hoàng. Nhưng cái nồi thật chết tiệt. Khi chúng tôi nấu cơm thì nó dở trò: thủng một lỗ to dưới đáy. Bắc lên bếp, ánh lửa xuyên qua lỗ thủng đó, sáng rực như ánh sáng phát ra từ cái gương lõm ở đèn pin. Nước đổ vào chưa kịp sôi đã cạn. Gạo trương lên - góc không bị chảy cơm chín phềnh phềnh, góc bị chảy gạo còn cứng nguyên. Cuối cùng, chúng tôi phải sới sang ăng gô nấu mới chín.
Gần sáng, cả khu rừng đang chìm trong giấc ngủ mê mệt, bỗng giật mình vì một tiếng động long trời. Không phân biệt là thứ tiếng gì. Mãi sau mới biết đó là tiếng cây đổ. Một cây cổ thụ cao to ở sườn núi bị long gốc do mưa sói moi hết đất đã đổ ập xuống, phát ra tiếng nổ như sét đánh. Ngọn cây đè lên một căn nhà nhỏ, trong đó có một anh bộ đội. Chúng tôi chỉ còn nhìn thấy hai đầu võng buộc ở hai đòn ngang. Toàn thân anh bị thân cây đè lút xuống nền đất!
Sau những ngày vật lộn với dốc, bùn, với cái trơn chết dẫm và với những cơn mưa tầm tã, chúng tôi tới được kho gạo ở sông Nước Mỹ - rồi quay lại cơ quan để lấy ba lô, "cuốn" đi luôn.
Cơ quan lúc này chỉ còn tôi và hai anh Lý, Lê. Khu rừng già với những ngôi nhà lá kè trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo vô vùng. Chúng tôi đi dạo khắp các nhà, thấy sự ẩm ướt đã chiếm lĩnh mọi chỗ: bàn ghế mốc meo, cửa, vách bị mối xông mục nát. Hơi ấm của con người làm rừng cây thêm sức sống. Thiếu nó, rừng cây lạnh lẽo hẳn đi. Thấy lòng bâng khuâng lạ...
Ba anh em kéo nhau ra suối bắt ốc. Dòng suối này trước đây nhiều ốc, nhưng rồi hết đi một cách mau chóng kể từ khi cơ quan Khu về ở đây. Thế mới biết sức tiêu thụ thực phẩm của chúng tôi thật ghê gớm. Nhưng thiên nhiên bù đắp lại sự hao hụt ấy cũng nhanh vô kể. Nước lũ đã cuốn hàng trăm nghìn con ốc từ các suốinhỏ về dòng suối lớn này. Để khỏi bị vỡ vỏ vì nước cuốn đập vào đá, bầy ốc đua nhau rúc vào các hốc đá bên bờ. Chúng tôi cứ việc lùa tay vào các hốc đó lấy ra hàng chục con ốc - mỗi con to hơn ngón tay cái. Bắt được mấy túi ăng gô ốc như vậy, chúng tôi đem về đập vỡ
vỏ, đãi sạch sạn, lấy thịt làm lương khô. Ngồi cặm cụi cả buổi, tỷ mẩn đập từng con, rồi gỡ vỏ, lấy thịt, quả thật là kỳ công.
Sẵn có một ít mỡ và ốc đó, chúng tôi bầy vẽ làm bánh xèo. Gạo được cho vào lon sữa giã thành bột. Rồi cũng đúc bánh kêu "xèo xèo" ra vẻ. Và ăn cũng ngon - tuy nó mang tính chất tảng bột rán thì đúng hơn là bánh xèo.
Còn có một điều thú vị nữa là có 4 chú chuột bị rơi vào 2 thùng thiếc (trước đựng gạo, nay bỏ không). Anh Lý đem 2 thùng ấy hơ lên lửa. Thùng nóng rẫy, các chú chuột chạy quanh tìm lối thoát thân. Rồi các chú cũng chịu, nằm lăn ra chết. Chúng tôi lột da, mổ bụng sạch sẽ rồi đem 4 chú ướp với muối, mì chính, đường, sau đó đem rán vàng lên. Thế cũng thành một món thịt quay hấp dẫn.
Cuối tháng 10, chúng tôi lên đường. Lương khô tương đối tươm tất: có ốc và thịt hộp - chủ yếu là ốc.
Tôi mang quá nặng - ngoài đồ đạc cá nhân còn thêm tài liệu và đồ đạc của đồng chí đi vắng.
Khi cách sông Thanh một ngày, chúng tôi nghe B52 rải bom phía đó, chắc là gần, vì nơi chúng tôi ở đất rung ầm ầm.
Trong chuyến đi này tôi đánh mất cái đài của công - đó một điều đau xót, khiến tôi day dứt, ân hận mãi, cũng chỉ vì cái tật lơ đãng mà nên - lúc nghỉ để cái đài vào thành đất bên đường, lúc đi quên lấy!
Đi đường, mấy anh em cũng chú ý cải thiện bữa ăn. Anh Lý, Lê chịu khó đi câu và được nhiều cá trầu, có thêm chất tanh. Tôi kiếm được nhiều măng giang - thứ măng này nấu kỹ thì chuyển sang màu vàng ươm và rất ngọt, kho với cá thì tuyệt. Tôi còn bắn đưọc hai con sóc và một con chim cu xanh khiến anh em rất thú vị.
Tới nơi mới lại lao vào chặt cây, kiếm lá dựng nhà, làm bàn ghế và đào hầm. Tiểu ban chúng tôi dựng được hai căn nhà khá lớn. Khu rừng chúng tôi ở rất lạnh và ẩm. Các phiến đá và các thân cây
đều bị phủ đầy rêu. Lạnh buốt thấu xương. Đêm ngủ phải đốt một đống lửa to giữa nhà.
Sau đó yên tâm ngồi làm chuyên môn. Tin tức khá nhiều, đặc biệt là tin tố cáo tội ác địch -trong đó chúng tôi làm mạnh việc tố cáo vụ thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Tôi sang quân khu gặp VõCao Lợi và Đỗ Thị Tuyết - hai nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát này - để khai thác thêm tài liệu. Tuyết bị sốt rét nặng, rên la suốt, kể cho tôi nghe chuyện một cách vất vả. Phải động viên cô bé hết sức, phải phục vụ cô bé nữa: bưng cháo, lấy nước... để cô bé gắng cung cấp tài liệu. Rồi cũng viết được một tin đi sâu khá hữu ích. Biên tập mấy bài về gương chiến sĩ thi đua khá thú vị - đã nâng được bài lên, gọn hơn, sinh động hơn.
Đến cuối tháng 12, tôi tham gia gùi cõng lương thực. Phải lên tận Văn Nải lĩnh sắn khô và bắp hạt, vừa đi vừa về hết 13 ngày. Suốt từ xã Mai lên Văn Nải, tôi thấy rừng cây đều bị trơ trụi vì chất độc hoá học do bọn Mỹ rải. Nương rẫy của đồng bào cũng bị chất độc phá hoại. Do vậy, đồng bào rất đói. Họ đi xa cả ngày đường để mótvề một gùi sắn. Đồng bào vừa đói, vừa thiếu muối. Chúng tôi san sẻ cơm cho mấy đứa bé và cho đồng bào muối - do vậy cũng suýt thiếu muối ăn. May ghé qua cơ quan Dược, được ăn nhờ thức ăn và xin một đồng chí bộ đội được ít muối nên mới đủ ăn tới nhà.
Nóc ông Đủ xã Văn Nải - nơi chúng tôi nhận lương thực - ở vùng cao. Lên dốc hoài, hết mấy ngày mới tới. Không khí ẩm ướt,lạnh buốt quanh năm ngày tháng. Đồng bào phải đốt lửa suốt ngày. Rời khỏi bếp là lạnh cóng tay chân, không chịu nổi. Vậy mà đồng bào ở đây rất thiếu quần áo. Nhất là bọn trẻ con - phần lớn ở truồng.
Nóc quá bẩn. Nền đất đầy bùn nhão nhọet, đầy rác, phân heo. Bầy heo thả rông đạp nát nền đất. Bước khỏi nhà, đạp lên thứ bùn đó, lạnh cả người.
Về tới sông Tranh, chúng tôi bàn cách bơi qua cho gần. Thật là vô lý nếu cứ bị lệ thuộc vào bến đò: phải đi xuống một giờ rồi mới chờ qua đò, sau đó phải đi 4 tiếng đường dốc mới tới chân dốc - nó
nằm ngay bờ bên kia. Vào mùa này, nước sông Tranh khá lớn, chảy cuồn cuộn, dòng nước xanh lè, khi ào qua các thác đá thì tung bọt trắng xoá... Vào mùa nước, năm nào cũng có người chết đuối ở quãng sông này.
Trời nắng chói chang. Chúng tôi lội qua sông Nước Vin rồi tới bãi đá bên bờ sông. Những tảng đá lớn nối tiếp nhau, xếp đầy hai bờ sông và tràn cả xuống sông. Nước réo ào ào, khiến chúng tôi thấy rờn rợn. Vượng và Chính bơi qua trước. Không ngờ nước cuốn dữ đến thế. Vượng bơi không, bị cuốn trôi vài chục thước rồi mới vào bờ được. Chính mang theo gói đồ đạc, bị nước cuốn băng băng. Chính gắng nhào vào bờ, gắng kéo bọc đồ vào theo. Còn nước, nước cứ xoáy tít, kéo trở ra. Vật lộn với nước mà không nổi, Chính đành phải thả bọc đồ trôi theo dòng nước, rảnh tay mà bơi vào bờ. Sau đó, Chính chạy dọc theo bờ sông đến chỗ nước lặng mới bơi ra lấy bọc đồ được.
Nắng chói chang. Nước vẫn cuốn ào ào. Trên trời, hai chiếc Moranh hai thân thay nhau quần lượn. Mặc. Chúng tôi vẫn cố vượt qua sông. Chúng tôi nối dây võng căng qua sông. Từng bao gạo được gói ni lông kỹ, cột vào một đầu dây. Phía bờ bên kia, Vượng, Chính ra sức kéo. Những bao gạo rẽ nước sang ngang một cách dũng mãnh. Người cũng vượt sang bằng cách đó một cách dễ dàng. Duy chỉ có anh Dũng là gặp tai nạn. Anh không bước xuống nơi chúng tôi chỉ mà cứ lao thẳng xuống cái bậc đá dựng đứng trước mặt. Anh rơi tũm xuống dòng nước - nó đang chảy cuồn cuộn. Lý và tôi vội nắm lấy tay anh, lôi lên. Cằm anh va vào đá, bị sứt một miếng, đổ máu đỏ lòm. Dũng trạc 40 tuổi, tính tình hơi lẩm cẩm. Anh hayquên, hay hỏi những câu hỏi rất vớ vẩn. Đặc biệt, anh ví von mới bật cười, không bao giờ sát hợp cả. Lạnh, anh bảo lạnh như cứt.Đứa trẻ con đẹp, anh bảo đẹp như dòi, như khỉ...
Về nhà nghỉ được một ngày, hôm sau lại đi Bằng Da cõng gạo. Gạo không có, phải xuốnng Trà Mi sắt sắn. Dòng sông Trường vẫn trải lòng rộng rãi và nông cạn ở thôn Tư. Có điều đáng buồn là đồng bào ở đây quá đói - đói vì biếng sản xuất. Bà con quá tệ, đi nhổ trộm sắn và xúc trộm lúa của các đơn vị sản xuất khá nhiều. Chỉ một buổi chiều, chúng tôi mất khoảng 5, 6 gùi sắn.
Năm 1970
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 5-1-1970
Anh Long thân mến!
Hôm nay em cầm bút viết thư cho anh, trước tiên em hỏi thăm sức khoẻ của anh có được khoẻ thì em mừng, chúng em và bố mẹ vẫn được khoẻ mạnh. Nhà ta chuyển xuống Hà Nội sau ngày Bác mất, bây giờ chúng em đã đi học cả, cậu Hiếu xuống Hà Nội công tác hơn một tháng, bây giờ cậu lại về Hà Giang rồi. Em Thuỷ, em Lan và em đều học ở trong làng Phùng Khoang. Thuỷ năm nay lên lớp hai. Lan lên lớp 3, còn em thì học lớp 6. Chị Ngọc đáng lẽ chị học lớp 8 nhưng chị thi đỗ trường năng khiếu ngoại ngữ, bây giờ chị ở huyện Từ Sơn, thỉnh thoảng chị được nghỉ dài ngày thì chị lại vềnhà, mà bây giờ chị béo lắm, còn anh Việt bây giờ anh ở Trường Đại học Tổng hợp văn, ngày chủ nhật nào anh cũng về nhà được, bây giờanh ở trong Hà Đông, anh cũng chỉ vừa thôi chứ chưa béo lắm, cònanh Phúc anh đi Liên Xô được độ hai tháng nay rồi, anh Đức cũng sắp về nước rồi nếu như bình thường thì anh có thể ăn tết được ở nhà nhưng bây giờ có thể độ tháng 2,3 anh mới về được. Cô Chung bây giờ cũng được khoẻ, thằng Quang, Chiêu bây giờ về ở với cô rồi còn Tiến vẫn ở trên nhà. Thư em viết đã dài, còn để giấy cho các em viết nên em tạm dừng bút ở đây, cuối cùng em chúc anh mạnh khoẻ, lập nhiều thành tích.
Em của anh Phạm Bích Diệp
Phạm Thúy Lan
Anh Long kính mến của em!
Em là Lan, hôm nay em viết thư hỏi thăm sức khoẻ của anh, anh có khoẻ không, còn về phần em thì em học cũng tiến bộ nhiều,
nhà mình đã được chuyển về Hà Nội chỉ mong đến ngày anh về để đón anh.
Thôi cuối thư em chúc anh mạnh khoẻ, công tác tốt.
Em của anh
Phạm Bích Thuỷ
Em Bích Thuỷ hỏi thăm anh Long. Em chúc anh mạnh khoẻ. Em vẫn được khoẻ, học tập tiến bộ. Em đang học lớp 2. Em nhớ anh lắm lắm. Mong ngày đón anh về.
Em
Ngày 4/2/1970
Ở nhà chuẩn bị đón xuân mới. Năm nay cơ quan chuẩn bị vậtchất khá đầy đủ: có heo, nếp, kẹo... Điều thú vị nhất là cơ quan tổ chức gói bánh chưng. Vượng đảm nhận việc đó. Trên chiếc bàn to trong nhà, chúng tôi chất đầy nếp, đậu xanh, thịt, lá... trông thật vui mắt. Vượng ngồi gói bánh một cách say sưa, tự hào. Quả thật anh đáng tự hào ở cái tài gói bánh chặt chẽ, vuông vắn của mình.
Đêm, chúng tôi chất lửa nấu bánh. Nồi bánh sôi sùng sục, sùng sục và ánh lửa bập bùng làm căn nhà trở nên vui và ấm.
Ngày 5/2/1970
Đêm nay là đêm giao thừa. Toàn tiểu ban tuyên truyền chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện, đón giao thừa. Có bánh bích quy, cà phê hẳn hoi. Trong hoàn cảnh chiến trường này, thế là sang lắm.
Chúng tôi vui tết, song lòng không khỏi đượm buồn khi nhớ tới Bác Hồ. Giao thừa này là giao thừa đầu tiên chúng tôi không được nghe Bác chúc tết, đọc thơ mới. Nghe đài truyền lại lời Bác chúc tết năm ngoái, cảm thấy Bác vẫn sống, vẫn đang tươi cười...
Ngày mồng 1 và mồng 2 tết
Chúng tôi đón Tết Nguyên đán trong không khí bận rộn, khẩn trương vô cùng. Họp suốt sáng, tối mùng một và sáng mùng 2. Chủ yếu là bàn việc sản xuất. Vấn đề lương thực vẫn luôn là vấn đề trọng yếu. Phải tích cực sản xuất, tự túc lương thực, nếu không sẽ đói ngay. Phải coi sản xuất ngang chuyên môn. Với tinh thần khẩn trương đó, ngay trưa mùng 2 tết, chúng tôi toả đi các ngả đường: cõng gạo, sản xuất. Tôi vào nóc ông Chanh tham gia sản xuất ở cơ sở một.
Ngày 9/2 đến 30/2/1970
Đây là cơ sở mới nên gặp nhiều khó khăn. Thiếu đủ thứ, từ lương thực, thực phẩm đến nơi ăn chốn ở.
Tham gia phát rẫy 2 ngày rồi lại đi cõng gạo. Gai góc cào rớm máu cả hai bàn tay.
Chúng tôi cõng gạo ở Sơn Ba. Đường đi dọc theo sông - hai bên bờ có những cánh đồng lúa rộng dài tít tắp, trông đến sướng mắt.Đợt này tôi đã đưa mức cõng gạo lên 40 kg - giá như sức khoẻ cứ phát triển theo chiều hướng đi lên thế này thì đáng mừng lắm.
Từ ngày 10/3/1970
Bắt đầu những ngày phát rẫy dai dẳng. Trời nắng ong ong, nóng điên người. Phơi mình dưới trời nắng, chúng tôi dùng rựa phát cây, dứt dây. Những bụi mâm xôi rậm rì, đầy gai, bò ngùng ngoằng, cào nát hai bàn tay chúng tôi. Chúng tôi phải dùng cây dài làm đòn bẩy, đánh vòng, đi từ phía sau bụi mâm xôi đánh xuống. Nhờ vậy, gốc nó phải phơi ra cho chúng tôi chặt.
Vắt cũng thi nhau hút máu. Ngày nào máu cũng đổ vì vắt. Rồi còn ruồi mòng đốt nữa. Thứ ruồi này to, đốt buốt thon thót. Cơ thể mỏi mệt, đau nhức. Chân, tay mụn xưng đỏ tấy. Phải có ý chí chiến đấu - cứ vươn tới, vươn tới, lấn dần với cái mỏi mệt. Và rồi cũng quađi. Đây, một ngày mới lại đến. Ăn cơm sáng trong ánh đèn dầu leo
lét. Xách rựa ra rẫy trong cái lành lạnh của sương sớm. ánh bình minh đón ta. Nó sáng lên với ánh sáng hơi xanh dịu hoặc ửng hồng, lan tràn trên các đỉnh núi. Mặt trời đỏ mọng như quả mâm xôi chín gặp chúng tôi khi nhô lên khỏi ngọn núi phía bên trái rẫy. Và những đám mây dầy đặc bao giờ cũng đem lại cho tôi một cảm giác khoan khoái, mênh mông... Mây trắng đục như sữa tràn đầy không gian, đầy ắp các thung lũng, tràn phủ cả lưng những ngọn núi cao,làm ngập lút cả những ngọn núi thấp. Đứng trên núi nhìn về phía xa ấy, trông như một dòng sông nh mông. Mây tạo thành dòng sông lớn, có những đoạn uốn lượn duyên dáng, có cả ngã ba bát ngát. Những mỏm núi nhô lên xanh xanh như những hòn đảo nổi giữasông. Rồi ta bước vào rẫy và bị rẫy bưng lấy tầm mắt. Đó: cây, lau lách, gai góc, dây dợ đó, hãy xông tới mà chặt, mà dứt, mà cào. Con rựa, con rựa có cái mấu khoằm khoằm ở đầu tha hồ tung hoành. Rồitrưa đến với cái nắng cháy da. Ăn cơm trưa ngay tại rẫy. Xong, nghỉ tạm bợ dưới bóng cây, trên nền đất lởm chởm cho dãn xương cốt một chút rồi lại dậy làm. Khi mặt trời khuất sau những dãy núi trùng điệp và bầu trời chỉ còn sáng với ánh sáng thoi thóp, chúng tôi ra về. Len qua những khu rừng, khe suối, vượt qua vài cái dốc nhỏ rồi về nhà. Nhào vào nước rửa ráy hoặc tắm ào, rồi mài rựa, rồi ăn cơm trong ánh đèn dầu. Tối đến với những buổi họp bàn công việc,những giờ học văn hoá say sưa. Đấy, cuộc sống sản xuất của chúng tôi cứ diễn ra đều đặn, bình thản như vậy.
Ngày 19/5/1970
Nhanh thật, đã sản xuất 3 tháng rồi. Ba tháng qua đi với những ngày lao động khẩn trương vô cùng. Cuộc sống hối hả xốc tới như con tàu đã mở hết ga. Hầu như ngày nào cũng vậy, chúng tôi làm việc ít nhất là 9 giờ đồng hồ, có khi tới 10, 11 giờ. Tối cũng ít nghỉ sớm -thường là 21 giờ vì còn học văn hoá, họp.
Những ngày dọn rẫy thật đáng nhớ. Phơi mình dưới cái nắng lửa suốt ngày, không một bóng cây nhỏ. Vác những cây gỗ cháy nham nhở vứt khỏi rẫy hoặc xếp gọn lại. Dùng rựa cào cây nhỏ, dây dợ cho sạch. Chao, lúc ấy tro bụi tung lên mù mịt, thộc vào mồm,mũi nồng nặc. Đến ngột lên vì tro, vì nắng, nóng. Rồi trỉa lúa, bắp. Tất nhiên là với phương thức rất nguyên thuỷ: dùng gậy thọc lỗ rồi
tra hạt, lấp đất. Kể cũng lạ thật, làm thế vậy mà lúa ngô vẫn vươn lên xanh tốt - đặc biệt là ngô.
Không bao lâu bắp đã được ăn. Trái bắp to, mẩy hạt, ngọt ngào. Có những buổi đi coi rẫy, tôi bẻ những trái bắp non quăng vào đống lửa. Khi lớp vỏ ngoài cháy gần vào trong, là lúc bắp chín. Bắp dẻo, thơm, ngọt lừ, tôi chỉ ăn 3 - 4 trái là no căng, thay cho bữa cơm. Thật là sung sướng khi được hưởng thành quả lao động do chính tay mình làm nên. Bắp được thu về, chật nhà cửa. Chúng tôi lột bao rồi chất lên dàn, tối đốt lửa sấy. Lẽ ra có thể phơi, song lũ máy bay lượn dữ quá, sợ chúng phát hiện ra.
Ngày 9/6/1970
Chúng tôi vừa thu hoạch bắp vừa làm cỏ lúa. Trời hay mưa chiều - cứ xế trưa là trời chuyển mình, mây dồn lại đen kịt và rắc mưa xuống. Có khi mưa suốt buổi, ủ ê, buồn tẻ.
Giữa những ngày mưa giông dữ dội này, tôi nnhận được một tin thật đau lòng: vừa qua, trong đợt chuyển gạo, cơ quan chúng tôi bịhy sinh 3 đồng chí: Đinh Thành Lê, Kiều Thị Nghị và Bình. Ngày 4/6, Lê, Bình, Nghị và Minh chuyển gạo từ sông Giang lên. Tới Trà Lãnh, Bình bị bọn địch từ máy bay trực thăng HU1A bắn chết bằng một quả rốc két. Trong khi máy bay vẫn quần lượn và đổ quân, 3 người còn lại hỳ hục tìm cách chôn cất Bình. Xong, Lê và Nghị lại chỗ để bao gạo để sửa soạn, chuẩn bị đi. Minh còn nán lại sửa mộ cho Bình. Bất thần anh nghe 2 tràng đạn nổ liên hồi, đạn bay riu ríu qua đầu. Anh vội nhảy vào rừng, luồn xuống suối và chạy thoát với bộ quần áo lót trên người, cái ăng gô hỏng xách trong tay. Anh chạy như trong cơn mê sảng, tay luôn nắm chặt chiếc ăng gô hỏng. Cứ chạy bừa trong rừng mà cũng về tới cơ quan, khi ấy râu anh bạc hết. Còn Lê và Nghị, hai người đồng chí thân yêu của chúng tôi, vĩnh viễn nằm lại đó, giữa đường xuyên núi lạnh lẽo. Thật đau lòng, khi mọi người đến chôn thì thi thể Lê và Nghị đã trương lên, khôngmang đi được. Đành phải tấp ni lông rồi lấp đất, giữ nguyên vị trí và tư thế của 2 người lúc tắt thở: Lê nằm nghiêng gần bụi lách bên vệ đường, Nghị nằm ngửa giữa đường.
Tôi nhớ Đinh Thành Lê, một con người rất hiền hậu và siêng năng. Anh hay tâm tình với tôi -từ chuyện gia đình, vợ con tới chuyện văn thơ, báo chí. Anh là người rất dễ xúc động. Dạo Hồng bị gió độc ngã ngất, anh đã oà khóc! Vợ anh ở miền Bắc, bị chết vì bệnh ung thư, anh khóc, khóc mãi và anh tâm sự rằng có lúc tưởng không sống nổi nữa, anh đã mang súng ngắn vào rừng định tự sát, song lại thôi. Cuộc sống chiến đấu đã vực anh dậy, anh bước qua đau khổ mà đi lên. Anh lao vào công tác với những bài báo, bài thơ đầy tình cảm, với những ngày sản xuất, gùi cõng vất vả. Tôi nhớ mãi những ngày cùng anh và anh Lý chuyển cơ quan. Hồi ấy, 3 anh em đi sau cùng. 3 người sống với nhau gắn bó như anh em mà tôi là em út. Lê thường cặm cụi đi mò ốc, câu cá, thường lúi húi thổi lửanấu cơm. Đi đường tôi sốt, Lê và Lý làm hết thảy mọi việc: lo dựng lều, kiếm củi, rau, nấu ăn và dành cho tôi cả đường, sữa của mình. Mới đây Lê có viết thư cho tôi và động viên tôi rất nhiều. Vừa qua, khi đi cõng gạo, gặp người về chỗ tôi, Lê gửi lời thăm và hẹn sẽ viết thư dài, kể nhiều chuyện vui cho tôi nghe. Thư chưa kịp viết kể chuyện vui thì Lê đã ra đi, để lại nỗi đau xót quằn quại trong trái tim tôi!
Tôi nhớ Kiều Thị Nghị, một thiếu nữ rất hồn nhiên, sôi nổi và đầy nghị lực. Tôi thường gọi Nghị bằng họ của em "Kiều" và coi Kiều như em tôi - Kiều bằng tuổi đứa em trai kề tôi. Lúc nào Kiều cũng hoạt bát, vui vẻ. Nụ cười rất tươi có điểm hai lúm đồng tiền nhỏ, luôn đem lại cho tôi niềm vui - ngay cả trong lúc khó khăn vấtvả. Đôi mắt Kiều đẹp như mắt bồ câu và rất trong sáng. Cái nhìn lúc nào cũng như lấp lánh, lấp lánh những niềm vui làm xáo động lòng người. Tuy sống ở rừng núi bị sốt rét huỷ hoại nhiều, Kiều vẫncó vẻ đẹp phảng phất của một phụ nữ châu Âu.
Tôi nhớ Kiều những lúc cùng phát rẫy, hai anh em thường đi chung một lối. Tối về sưởi chung một bếp lửa. Em thường đòi tôi dậy học và dậy hát. Nhớ những buổi trưa nằm võng nghe em đọcnhững truyện ngắn trong tập văn nghệ giải phóng. Đặc biệt, tôi rất nhớ những chuyến gùi cõng đầy vất vả cùng Kiều. Những lúc ấy Kiều luôn tỏ ra là người có nghị lực phấn đấu mạnh. Hồi cõng hàng ở nước Oa, Kiều rẽ vào kho cõng dầu, còn bọn tôi cõng bắp, hẹn gặp nhau ở sông Tranh. Tới sông, chúng tôi dăng tăng, ăn cơm và đợi mãi mà vẫn chưa thấy Kiều đến. Anh em đoán Kiều gặp khó khăn gì đó, chắc là ngủ lại kho. Nhưng tới khi trời nhoà tối và lất phất mưa thì mọi người ngạc nhiên thấy Kiều cắm cúi cõng thùng dầu đitới. Đúng là Kiều gặp khó khăn: thùng bị chảy. Xoay sở mãi tới 4 giờ mới có thùng thay, song Kiều vẫn quyết tâm đi. Tôi ngồi nhìn Kiều ăn cơm - những hạt cơm lạnh ngắt - với chút xì dầu mặn chát, cười nói vui vẻ mà thấy lòng trìu mến lạ.
Kiều đi sản xuất trước tôi 2 tháng. Khi tôi vào, gặp Kiều và Nhơn trỉa bắp ở gần rẫy Nóc ông Chanh. 4 người giở bánh chưng ra ăn rồi cùng xén tỉa, dọn xong rẫy đó. Kiều ơi! Cái rẫy bắp em trỉa đó, giờ bắp đã chín rồi. Khi cõng bắp về, anh không khỏi ngậm ngùi nhớ tới em. Anh nhớ khi về cơ quan, em hẹn khi nào ăn bắp nhớ để phần em với. Anh mong có ngày em vô, bắp non đó em tha hồ nướng mà ăn. Giờ đây bắp trỉa đã ra trái vàng rồi, mà em không trở lại, mà em mãi mãi đi xa!...
Anh nhớ khi cùng Kiều đi cõng gạo Sơn Ba, em rất cố gắngbước kịp theo anh và Tạo. Đường bằng, em nói đi quá tức chân nên đi chậm. Những lúc ấy anh muốn chờ em, song đường dài quá, trời sắp tối, anh phải bước nhanh cho kịp để em lấy đó làm đích màbước tới. Đi trước, thỉnh thoảng ngoái lại nhìn bóng em lúi cúi bước theo phía xa, nhoà nhoà trong ráng chiều đen đỏ, ngập chìm trong cái vắng lạnh mênh mông, anh thấy thương em lắm. Anh về trước, còn em ở lại mang thêm chuyến gạo nữa. Sáng đó, nhìn về hướng em đi, thấy máy bay quần và bắn dữ, anh lo cho em. Một mình thân gái dặm trường. Một mình một cõng gạo, vượt sông, vượt con đường 5 trống trải và vắng vẻ, liệu có sao không em? Song, em đã vượt qua được tất cả. Anh vui mừng khi chuyển gạo chuyến sau, anh được cùng em đi. Hôm đó em có kinh, song em không hề phàn nàn gì vàvẫn ráng mang gần 40 kg gạo theo kịp anh em. Đường qua nhiều sông, anh cố gắng tìm thuyền hoặc tìm chỗ cạn lội qua cho em khỏi ướt. Buổi trưa nắng, anh chú ý dừng lại những nơi có thể dừng để em giặt giũ quần áo. Anh cố gắng giúp em cho em đỡ vất vả, song làm sao bù đắp được những gian khổ mà em - cũng như các chị em khác ở miền Nam này - phải chịu đựng. Có lẽ em hiểu được điều đó nên em rất bình thản vượt qua mọi gian khổ. Nhiều lúc anh bật cười khi ngồi nghỉ chờ em, em cõng gạo đến, mồ hôi nhỏ giọt trên
trán mà vẫn nói đùa: "Tưởng anh đi nữa không nghỉ. Anh cứ đi đi, em chẳng sợ đâu!". Cũng có lúc em gắt gỏng đôi chút, song chỉ độc một câu: "Bực mình quá đi!". Những lúc ấy anh thường trêu em: "Tưởng bực người, chứ bực mình thì kêu lên làm gì cho khổ". Và em lại cười. Em cũng hay trêu anh, đặc biệt là hay nhại tiếng miền Bắc của anh. Anh nói "sông Tranh", "nhất trí" mà phát âm sai vần "Tr", em liền hỏi lại: "sông Chanh hả anh? Nhất chí hả anh?" làm anh bật cười.
Hôm em trở về Ban, anh đi cõng gạo và cùng đi với em một buổi đường. Bữa cơm trưa hôm đó, anh em mình ăn ở đỉnh dốc trên nước Lon, giáp sông Tang. Thức ăn cũng chỉ là ít xì dầu trộn muối rang, củ nén. Giờ đây, mỗi khi ăn thứ lương khô đó, anh lại nhớ tới emnhiều. Ăn rồi chúng ta chia tay nhau. Anh bắt tay em và hẹn ngày gặp lại. Ngờ đâu em ơi, bữa cơm đó là bữa cơm tiễn biệt, cái bắt tay đó là cái bắt tay cuối cùng, tạm biệt mà thành vĩnh biệt. Em đi một mình về Trà Niêu và lo phải ngủ rừng một mình, sợ cọp. Cọp không có, không hại em, song giặc Mỹ giết mất em! Cái loài cọp dữ đó giết hại bao người đồng chí thân yêu của tôi rồi.
Nghị ơi, cái bình đông nhựa của em - cái bình đông từng đựng nước cho hai anh em mình uống chung - bọn biệt kích Mỹ cũng lấy lê đâm thủng rồi em ạ. Thật tan nát lòng anh!
Tấm đi mưa của em thủng mấy lỗ, anh dán giùm em, giờ đắp cho em đó. Em đã gặp lại gia đình chưa? Hình như không em nhỉ, vì gia đình em bị giặc lùa vào khu dồn rồi mà. Nằm dưới lớp đất mỏng, dưới trời mưa dữ dội này, có lạnh lắm không em? Giông tố cuồng loạn trong lòng anh!
Nghị ơi, anh mong rằng khi về ban, anh sẽ gặp lại em, sẽ lại chép cho em bài hát, sẽ cố dạy em học văn hoá để em lên được một lớp cùng với anh em khác, vậy mà em đã đi xa rồi, xa mãi. Bài hát em là hoa Pơ Lang anh chép cho, em đã thuộc chưa và có mang theo không? Tiếng nói của em vang mãi trong lòng anh!
Khi viết thư cho bạn, em viết: "Cố gắng xứng đáng với quê hương hơn nữa!.." Em ạ, em đã xứng đáng với quê hương rồi đó. Anh nguyện sống sao cho xứng đáng với em, với sự hy sinh của em. Khi em đi vào cõi vĩnh hằng, cũng là lúc em sống trong trái tim anh mãnh liệt nhất. Không ngày nào anh không suy tưởng đến em. Không ngày nào anh không nhắc tên em! Em đã đi qua 21 mùa xuân của cuộc đời, và giờ đây, em sẽ đi vào mùa xuân bất tận của tâm hồn anh!
Ngày 12/6/1970
Cầm đến tấm tăng, anh lại nhớ đến em nhiều Nghị ạ. Tấm tăng của anh bị đứt đường chỉ nối giữa, em đã ngồi cắm cúi khâu lại đó. Nhìn những đường chỉ quấn quýt, anh lại nhớ tới đôi tay khéo léo của em. Nhớ hôm em đứng cắt, may quần áo ở chỗ sản xuất này. Lúc em về Ban rồi, anh định gửi nhờ em may cho anh một cái áo, song em đi quá xa mất rồi.
Anh đi qua bãi dong riềng bữa hai anh em mình đào củ đó, thấy nghẹn ngào lắm Nghị ơi. Em có nhớ không, bữa đó rừng núi đã hết ánh mặt trời. Song cùng em đào dong, trước cái vui tươi hồn nhiên của em, anh vẫn thấy nó sáng láng vô cùng. Giờ đây bãi dong đó đã nứt mầm mới, lên rất xanh tốt. Còn em, sao em không trở lại?
Những hình ảnh của em cứ sống lại trong anh mãi. Đó, em đang ngồi chèo đò ở sông nước Mỹ đó. Hôm ấy cơ quan di chuyển, khi qua sông thiếu người chèo đò, em đã hăng hái ngồi đằng mũichèo. Đôi tay em khoan thai đưa mái chèo đẩy chiếc thuyền lướt tới giữa dòng sông cuồn cuộn nước chảy, còn trên miệng thì điểm một nụ cười vừa bối rối vừa bẽn lẽn trước những câu nói đùa của anh em khác. Em đã từng tâm sự với anh, quê em ở miền biển thuộc huyện Sơn Tịnh, cha em làm nghề cá. Em bảo khi nào thống nhất anh về quê em chơi, em sẽ cho ăn cá biển thoả thích. Vậy mà em ra đi đột ngột quá, đi không hẹn ngày về. Cha, mẹ em chắc đang trông tin đứa con gái độc nhất của mình. Nhớ ghé về thăm gia đình em nhé!
Nhớ Nghị, tôi nghiền ngẫm về những thực tế mà mình đã trải qua, trong đó có những kỷ niệm với Nghị, viết một truyện ngắn như sau:
Cõi mơ
Hoà tới chiến trường vào cuối mùa khô năm 1968. Đã bắt đầu có những cơn mưa rào xối xả, nhưng không kéo dài. Khi Hoà cùng 5
anh em khác vượt khỏi cánh rừng loòng boong, xuống hết một con dốc ngắn thì thấy một con sông trong xanh, lấp loáng dưới ánh nắng xế gay gắt. Mọi người đều ồ lên sung sướng. Sau những ngày đi xuyên những cánh rừng bịt bùng, mắt bị bưng bít bởi màu xanh bạt ngàn của lá, của cây, nay đứng trước con sông rộng với bờ cát trắng lấp lánh và bầu trời trong xanh vời vợi, ai cũng thấy tâm hồn như được chắp cánh bay lên. Chỉ riêng Hoà vẫn lầm lì, cắm cúi bước. Mãi đến khi đôi chân anh chạm phải dòng nước mát lạnh, anh mới bừng tỉnh. Vết thương ở mu bàn chân nhói buốt. Cách đây hơn một tuần, khi luồn vào rừng kiếm nấm, anh chẳng may đá phải mũi chông ba lá của đồng bào Kadong. Thật tệ hại, chưa đến chiến trường, chưa tham gia chiến đấu mà đã bị thương! Nhưng điều làm Hoà day dứt hơn là anh không được điều về đơn vị chiến đấu. Trạmđón tiếp Quân khu phát hiện anh là sinh viên trường Đại học Giao thông nên điều anh sang Trung đoàn 230 thuộc Cục Hậu cần, chuyên trách công tác giao thông...
-Chào hết mấy anh nghen!
Hoà giật mình ngước nhìn lên. Hoá ra lội qua sông, bước lên bờ từ hồi nào rồi. Bây giờ, nghe tiếng chào lạ tai, Hoà mới để ý thấy một cô gái mặc áo đen đứng bên một gốc cây sấu to tướng đang chào hỏi. "Giọng nói gì nghe chát như ổi xanh vậy!" - Hoà thầm nghĩ, nhưng vẫn làu bàu đáp lại:
-Không dám, chào cô!
Khi mọi người đã quây quần bên gốc sấu, người giao liên nói với cô gái:
-Cô Nghị nè, tui giao cho cô đủ năm lính mới toanh đó nghe. Giấy tờ đây. Nhận được chớ?
-Chớ sao! - Cô gái đáp gọn lỏn.
"Chà, sao mà ăn nói cộc cằn", Hoà xét nét nhìn Nghị. Dọc đường hành quân, trong những đêm dừng chân ở bãi khách, Hoà hay la cà vào nhà khách của trạm giao liên thăm dò tình hình
"vùng đất mới". Trong những câu truyện vui bên bếp lửa rực hồng, Hoà thường được nghe mấy anh lính cũ đùa đùa thật thật.
-Cậu hỏi khu Năm à? Hay đấy. Nhưng phải cái giọng nói con gái khu Năm chát lắm. Mà mấy cô lại hay hút thuốc rê nữa. Chínhvì vậy mới có câu: "Tiếng đồn con gái Quảng Đà, mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người".
Còn chính Hoà, mới tuần trước thôi, cũng đã gặp một cô hút thuốc như vậy. Hôm ấy, Hoà đang ngồi nghỉ thì một cô gái xăm xăm bước tới:
-Cho tui mượn con dao!
Hoà chưa hiểu cô cần dao làm gì, nhưng vẫn rút con dao găm buộc cạnh túi cóc ba lô cho cô gái mượn. Cầm con dao, cô gái lẳng lặng tới khúc cây đổ bên đường. Cô rút trong túi ra một xấp lá thuốc, xếp chồng lên nhau, cuộn chặt thành một thỏi to bằng cán dao. Xong, một chân đạp lên thân cây, một tay cầm thỏi thuốc tì lên thân cây, tay kia cầm dao, cô gái ra sức thái. Hồi lâu sau, thỏi thuốc đã biến thành những sợi thuốc quăn queo, đen sẫm. Cô đưa trả Hoà con dao, rồi lại xin một mảnh giấy, cuốn một điếu thuốc to bằng ngón tay cái, hút ngon lành.
Những câu chuyện và hình ảnh ấy đem lại cho Hoà ấn tượng không đẹp về con gái khu Năm. Lại thêm nỗi bực bội về chuyện công tác, Hoà thấy hết sức khó chịu với cô gái có cái tên Nghị - tên con trai này.
Cái chân đau đã làm khổ Hoà. Miệng vết thương đã kín lại, nhưng bên trong lại làm mủ, nhức nhối. Cả bàn chân trái tấy đỏ, nóng như gạch nung. Vào đến đơn vị, chỉ kịp chào hỏi mọi người một lượt, Hoà đã bị cơn sốt quật ngã. Anh mắc võng, phủ bọc, nằm li bì. Chiều hôm ấy, đang mê man trên võng, Hoà nghe tiếng gọi: "Nè anh! Nè anh!" và thấy cái võng mình bị giật giật. Mở bọc võng, Hoà bắt gặp ngay khuôn mặt nghiêm nghị của cô gái dẫn đường hồi chiều hôm qua. Anh bực bội định phủ bọc võng lại, thì cô gái đã giữ lấy:
-Dậy anh, em coi vết đau chút.
Cô gái cầm hộp dụng cụ y tế. Thì ra cô là y tá.
Hoà ngồi dậy, đầu nặng như chì. Cô gái ngồi xổm dưới đất, lấy tay nắn nắn chỗ sưng ở bàn chân Hoà.
-Trời, làm gì mà mạnh tay vậy?
-Vậy mà mạnh à? Ngồi im em rửa nghe!
Nghị lấy panh cặp bông, nhúng nước nóng, chà đi chà lại trên miệng vết thương. Hoà sởn gai ốc. Nghị giữ chặt chân Hoà, dùng panh khơi miệng vết thương cho bật mủ ra. Hoà thấy buốt đến tuỷ sống, song cố cắn răng im lặng. Nhưng nào đã xong. Nghị lại lấy panh cặp bông, thọc vào miệng vết thương, thọc theo vết chông, như thông nòng súng. Hoà thấy như bị bào từng thớ thịt ra. Anh hất tung chân.
-Trời! - Hoà kêu lên, nhưng không phải vì đau, mà vì vừa làm một việc tai hại: cái hất chân của anh làm đổ cả hộp dụng cụ y tế, văng cả máu mủ vào người Nghị. Anh đợi một tiếng gắt. Nhưng không, cô gái chỉ khẽ lắc đầu, nhặt nhạnh những lọ thuốc nằm lăn lóc trên nền nhà rồi lại cắm cúi xức thuốc, băng cho Hoà.
Nằm kín trong tấm dù rồi, Hoà thầm nghĩ: "Nói năng khô khan, nhưng lại không bẳn gắt, cũng lạ".
Mất gần một tuần, vết thương mới sạch mủ, Hoà chưa đi làm đường được. Anh được phân công ở nhà giúp chị nuôi. Buổi sáng, Nghị đưa anh cái gùi đan bằng mây, bảo: "Anh đi kiếm môn thục nghe!"
-Hoá ra Nghị cũng là chị nuôi? - Hoà thầm hỏi rồi lẳng lặng xách giỏ đi. Công việc làm Hoà say mê. Những cây môn thục có cọng dài, lá to láng bóng mọc thành từng cụm rải rác khắp rừng. Dọc đường hành quân, Hoà chưa ăn môn thục, nhưng đã nghe anh em kháo nhau: "Môn thục là vị thuốc bắc, bổ lắm!". Hoà suy luận:
"Là cây thuốc, chắc bổ ở củ. Vậy lấy củ thôi, chứ lấy lá làm gì cho nặng?". Thế là Hoà vặt sạch cọng, lá, chỉ để củ lại. Anh mải mê lần theo các bụi môn thục, hì hục nhổ nhổ, vặt vặt. Mãi đến gần trưaanh mới hăm hở bước về, như vừa lập được chiến công. Đặt cái gùi xuống cái giàn cây ngoài sân, Hoà gọi:
-Cô Nghị ơi, lấy môn mà nấu này!
-Ủa, anh làm chi mà kỳ vậy? Môn thục chỉ ăn được cọng thôi, anh bỏ cọng ở đâu, để em đi lượm về.
-Trên kia kìa! - Hoà làu bàu trả lời và chỉ tay về phía cánh rừng non trên dốc.
Bước qua suối rồi, Nghị quay lại dặn:
-Em đang nấu mắm trên bếp. Anh coi nó sôi thì lấy dá hớt bọt nghe!
-Được rồi! - Hoà trả lời cụt lủn rồi vào bếp.
Nồi mắm kho bắt đầu sôi, đùn bọt lên. Hoà ngó quanh bếp: chẳng có cái rá nào hết. "Quái, tại sao lại lấy rá hớt? hay là cô ta bảo mình lọc mắm bằng rá?". Bếp lửa cháy phừng phừng. Nồi mắm sôi bùng lên, ngầu bọt. Hoà chưa kịp nghĩ phải làm gì thì nó đã trào ra, dội xuống bếp xèo xèo. Tro bụi bốc mù lên. Hoà vội bắc nồi mắm xuống. Chợt nhớ có cậu Vinh bị sốt nằm trên nhà, Hoà chạy vội lên.
-Này, lấy rá hớt mắm là sao hả cậu? Cô Nghị bảo mình lấy rá hớt nồi mắm sôi, mà mình tìm mãi không có rá cậu ạ!
Chợt hiểu, đang sốt đùng đùng, Vinh cũng cười sặc sụa:
-Trời ơi, cô ấy bảo lấy cái vá, tức là cái muôi, để vớt bọt ấy mà. Tiếng trong này thường lẫn V với D, ông tướng ạ!
Chạy trở vào bếp, Hoà càu nhàu: "Thật ăn không nên đọi, nói không nên lời, rõ ngán!".
Chẳng bao lâu, Hoà đã làm quen được với cuộc sống mới. Đơn vị của Hoà là trung đội Sơn Hải có nhiệm vụ làm và sửa đường, bắccầu cho xe đạp thồ đi. Đơn vị đóng quân ở đoạn cuối của đường thồ. Hướng Bắc, nó vươn mãi tới con đường ô tô đỏ lói chạy ngoằn ngoèo bên các sườn núi. Hướng Nam, nó bị dòng sông Thanh chặn đứng lại. Từ đây, người ta không dùng xe đạp thồ nữa, mà dùng thuyền vận chuyển hàng hoá, vũ khí cho các đơn vị chiến đấu. Hoà đã nhiều lần xem xét, nghĩ cách bắc cầu qua con sông này để nối đường thồ dài mãi ra, nhưng chưa được. Sông quá rộng, một bên là bãi cát, một bên là vách đá dựng đứng, không có thế để bắc cầu. Giữa những ngày ấy thì Hoà bị gục: cơn sốt rét đầu tiên đã tấn công anh. Nghị đưa thuốc ký ninh cho Hoà uống. Mới chưa hết một liều, Hoà đã thấy tai bùng lên, bùng lên lục bục như nồi bắp hầm. Nhìn vào đâu, Hoà cũng thấy như bị chói nắng. Miệng đắng như ngậm mật gấu, Hoà không ăn uống gì cả. Nghị ép Hoà ăn cháo, nhưng Hoà nuốt không nổi. Cổ họng luôn luôn ghê lợm, bắt Hoà nôn mửa suốt.Đêm, mắt chong chong, không ngủ được, đầu buốt thon thót. Mãi, cơn sốt không lui. "Chết chăng?" - Hoà lẩm nhẩm. Nhớ tới chục ống ký ninh mà mẹ đã cẩn thận đựng trong một ống tre nhỏ dắt vào thành ba lô lúc Hoà ra đi, Hoà bảo Nghị:
-Tôi có thuốc, cô tiêm hộ nhé!
Nghị nói:
-Không được đâu, mới sốt phải ráng uống thuốc, chớ có tiêm.
Hoà rên rỉ:
-Trời ơi, ác độc vậy, không tiêm giúp, để tôi chết à?
Nghị cười ngặt nghẽo:
-Chết dễ vậy sao anh ơi! Thôi đưa thuốc, em cất dùm, khi nào sốt ác tính hãy tiêm!
Quả thật, cơn sốt phải lui. Nhưng người Hoà mềm oặt. Hoà nằm bẹp trên võng, tưởng không thể cất nổi cái đầu nặng trịch lên. Nghị luôn luôn đến giật võng Hoà:
-Đừng nằm nhiều, bết người đi. Dậy cho thanh thản chút coi!
Hoà lại phải ngồi lên. Đầu váng. Mắt hoa. Hoà cau có nhìn Nghị, nghĩ thầm: "Làm gì mà ám dữ vậy?". Không để ý đến thái độ khó chịu của Hoà, Nghị lại giục:
-Anh xuống võng, đi lại cho nó quen chút nào!
Cứ thế, dường như ngày nào Hoà cũng không được nằm yên vì Nghị "ám". Nhưng cũng lạ, anh thấy sức khoẻ hồi phục khá nhanh...
Một hôm, Hoà được phân công ở nhà giúp chị nuôi. Nghị rủ: "Sáng nay, anh và em đi cải thiện cho anh em nghen!". Hoà tán thành, nhưng chưa biết "cải thiện" bằng cách nào! Sau khi dọn dẹp bếp núc, Nghị bảo Hoà cầm rựa, mang gùi cùng mình ra khu rừng đót. Rừng khu Năm có những cây đót thật kỳ diệu. Thân, lá trông giống hệt cây dừa, nhưng lại không có quả như dừa. Quả của nó mọc thành buồng, giống như buồng cau, mỗi quả chỉ bé bằng đốt ngón tay. Thử ăn vào quả đót mà xem - ngứa móc họng ra. Vậy mà đồng bào dân tộc lại biết cách trích cuống buồng để lấy ra thứ nước tự lên men, biến thành rượu ngon tuyệt: thơm, ngọt, nồng nàn vị rượu nếp. Nghị nói rằng ở giữa ngọn nó có một cái lõi mềm, ăn ngonnhư củ sắn (tức củ đậu ở ngoài Bắc), gọi là hũ đót. Để lấy được hũ đót, phải vạc vỏ dần dần từ ngoài vào.
Hai anh em lên tới rừng đót lúc mặt trời đã vượt khỏi ngọn cây cao nhất rừng. ánh nắng cố len lỏi qua những tán lá dày của rừng, toả hơi ấm xuống, nhưng vẫn không xua nổi cái ẩm lạnh muôn thủa của rừng già. Những cây đót mọc rải rác đó đây, chịu lép dưới những bóng cây cổ thụ ngút ngàn. Nghị bảo Hoà chọn một cây mọc nghiêng bên sườn núi, dễ chặt, còn mình chọn một cây nằm lưng chừng dốc. Hoà hăm hở chặt. Rựa thật sắc, nhưng gặp thứ gỗ dai, xốp, nên không ăn ngọt xớt được. Hơn nữa, cái mũi khoằm của rựa luôn luôn làm vướng víu, nhiều khi khiến con rựa bật ngược trở lại. Thỉnh thoảng dừng tay, Hoà vẫn nghe tiếng rựa của Nghị phồm phộp bập vào thân đót, nghe không dồn dập, nhưng cần mẫn, đều đặn. Hoà càng chặt mạnh hơn. Mồ hôi túa ra ướt sũng lưng áo. Hoà
quyết lấy được hũ đót trước Nghị. Chẳng bao lâu, Hoà đã chặt đứt phăng ngọn đót, làm nó rơi đánh rầm xuống, lăn hai ba vòng rồi mắc kẹt ở gốc một cây trường. Hoà reo to:
-Xong một cây rồi, cô Nghị ơi! - rồi hăm hở chạy đến chỗ ngọn đót.
Nhưng Nghị lại cau mày:
-Trời ơi, ai lại chặt lìa nó ra, làm sao vạc được vỏ?
Hoà bối rối:
-Vậy phải bỏ à?
Nghị bảo:
-Thôi, ráng vạc dần vỏ mà lấy hũ, đừng bỏ phí mà phải tội với rừng.
Hai người hì hục lôi khúc ngọn cây đót lên chỗ bằng. Nghị lấy rựa róc lớp vỏ ngoài - tay này róc, tay kia kéo. Những lớp xơ lằng nhằng níu kéo lớp vỏ như muốn đánh vật với con người. Nhưng dần dần, hết lớp này đến lớp khác bị lột, để hiện ra cãi lõi trắng phau. Nghị khéo léo vạc nốt những đoạn xơ ở đầu, lấy được một hũ đót to bằng cái bi đông. Cô lấy rựa, xắt một miếng nhỏ, đưa cho Hoà: "Anh ăn thử coi!". Hoà bỏ ngay miếng đót vào miệng, nhai rau ráu: ngọt và mát lịm.
Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nhưng không đủ sức xuyên thủng lớp mây mù dày đặc của bầu trời tháng mười. Rừng đã thoáng đãng ra, nhưng vẫn ẩm ướt, bốc lên mùi lá cây mục ngầy ngậy, nồng nồng. Không khí lành lạnh. Nhưng Nghị và Hoà vẫn thấy nóng ran. Họ vừa hạ xong cây đót thứ tám. Những hũ đót nằm lăn lóc trong gùi; những chỗ bị bầm vập đã ngả màu cánh gián. Nghị bảo: "Ta nghỉ trưa, rồi xuống suối bắt ốc, về nấu cơm chiều là vừa". Cô xăng xái đeo gùi, rảo bước theo triền dốc về phía suối. Hoà ngoan ngoãn bước theo. Bây giờ anh mới để ý thấy Nghị có dáng người săn chắc,
với những bước đi thoăn thoát mà vững vàng. Cô rảo bước trên conđường trơn nhẫy mà không hề trượt ngã. Đến bờ suối, Nghị đặt gùi lên một tảng đá. Dòng suối, mặc dù phải luồn lỏi giữa khu rừng, vẫn đón được những tia nắng hiếm hoi của bầu trời đầu mùa mưa, hắt sáng lên gương mặt Nghị, làm ngời lên đôi mắt to, lấp lánh của cô. Nghị bảo Hoà lượm củi, nấu cơm, còn mình thì lội xuống suối kiếm ốc, cá. Hoà lại ngoan ngoãn làm theo. Tìm kiếm mãi, Hoà mới lượm được một nhúm củi khô. Nhưng không sao. Chỉ cần chừng ấy làm mồi là đủ. Hoà đã học được ở Nghị cách đun bằng củi trường tươi. Cây trường có vỏ đỏ, bị chặt thì ứa ra thứ nhựa đỏ như máu. Gỗ của nó thẳng thớ, dễ chẻ, có thể tước mỏng như đóm tre. Thứ đóm ấy mau khô, chỉ cần dựng cạnh bếp lửa một lúc là đốt đã cháy đùng đùng. Bây giờ, bên bếp củi, Hoà đã có một lô đóm củi trường.Đốt xen lẫn với những cành tre khô, củi trường nổ tí tách, bắn ra những hoa lửa trông đến là vui mắt. Vừa nấu cơm, Hoà vừa chămchú nhìn Nghị đang lom khom dưới suối. Đã nhiều lần Hoà tự hỏi: vì sao Nghị có thể sống một cách vô tư như thế giữa một cuộc sống gian nan là vậy? Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình Nghị, Hoà giải đáp được một phần.
Nghị sinh ra trong một gia đình ngư dân ở vùng biển Sơn Tịnh, sâu trong vùng kiểm soát của nguỵ quyền Sài Gòn. Những năm tuổi thơ của Nghị gắn liền với những nỗi nhọc nhằn khi biển động, lúc trời nắng lửa, với những trận gió cát mịt mù. Nhưng cái dữ dằn của thiên nhiên lại không dày vò Nghị bằng cái dữ dằn của con người. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Nghị phải đi ở cho một người bà con xa. Tiếng là người nhà, nhưng bị bóc lột chẳng kém người dưng nước lã. Mới hơn chục tuổi đầu, Nghị phải làm đủ việc, từ vá lưới, làm mắm, phơi cá tới nấu cơm. Một tiếng nói yêu thương, Nghị không hề được nghe. Suốt ngày chỉ cắm cúi làm lụng, để rồi thỉnh thoảng giật thót mình khi nghe tiếng quát của bà thím và lâu lâu lăn lộn một lần trong trận đòn oan của ông dượng. Rồi quê Nghị được giải phóng. Một không khí khác lạ đã tràn đến vùng biển này. Cũng là cuộc sống lao động, nhưng Nghị thấy mọi người cư xử với nhau thân ái hơn, hay quan tâm đến nhau hơn. Nghị được sinh hoạt thiếu nhi, được học hát, thật vui. Khi quân Giải phóng rút về căn cứ, Nghị trốn gia đình theo một đơn vị hậu cần. Từ đấy, Nghị phải nếm trải những gian lao mới, nhưng cũng được biết thế nào là
bình đẳng và thương yêu. Dạo ấy, cuộc sống ở vùng căn cứ thiếuthốn lắm. Đơn vị hầu hết là những người lính trẻ quê ở miền Bắc, làm nhiệm vụ vận chuyển hàng từ miền Bắc vào. Cõng trên lưng súng đạn, lương thực, thực phẩm, quân nhu để tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu phía trước, nhưng họ chỉ sống bằng những thứ tự túc được. Bữa ăn chủ yếu là sắn, rau rừng với mắm cái và thường thì không đủ no. Nghị thường được các anh dành riêng cho xuất cơm không độn sắn, với vài con cá nhỏ xíu bắt được ở suối, "để có sức mà lớn" - như các anh thường nói. Anh trung đội trưởng còn cho Nghị cả cái võng dù, ấm mà nhẹ, anh được cấp khi rời hậu phương, thay cho tấm võng nilông mỏng, lạnh lẽo. Tối tối, các anh lại mở đài cho Nghị nghe - các anh bảo rằng đó là tiếng nói thân thương được truyền đi từ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Rồi các anh dạy Nghị học. Khi thì học vào lớp buổi tối, bên ngọn đèn dầu leo lét. Lúc lại học truyền miệng ngay trên rẫy, khi đang làm cỏ cho ngô. Sống giữa núi rừng thâm u nhưng trong tình thương yêu của đồng đội, Nghị vẫn lớn lên, khoẻ mạnh cả về thân thể và tinh thần. Bởi thế, nhiều khiNghị nói rất chân thành: "Đi làm cách mạng sướng hơn ở nhà nhiều". Cũng bởi thế, cô vượt qua sự vất vả, đói cơm, lạt muối mớinhẹ nhàng làm sao. Đồng thời, cuộc sống khắc nghiệt đã luyện cho Nghị thói quen sống nghiêm khắc - nghiêm khắc với chính bản thân mình.
Mải suy nghĩ, Hoà không biết Nghị đã đến bên bếp từ lúc nào. Cô bày lên tấm lá chuối bốn con cá nhỏ đã làm sạch, một nắp cặp lồng ốc đã chặt trôn và một cái bắp chuối. Cô hồ hởi:
-Em chiêu đãi anh Hoà một bữa cơm Xã hội chủ nghĩa nghen!
Hoà giật mình bứt khỏi dòng suy nghĩ:
-Chà, Nghị giỏi quá, làm sao lại bắt được cả cá thế này.
-Giỏi chi đâu anh, liệng đá rầm rầm xuống suối, cá sợ rúc vô hang, lùa tay bắt đại được mấy con cá mù thôi mà.
Hai anh em vừa ăn cơm bên con suối róc rách tiếng nước chảyvừa thủ thỉ tâm sự. Đến bây giờ Hoà mới thấy rằng Nghị thật giàu
tình cảm. Hình như hằng ngày, do công việc dồn dập, do những căng thẳng của cuộc sống mà tình cảm ấy không có dịp được bộc lộ ra. Còn bây giờ, trong cái tịch mịch của rừng già, bên tiếng suối róc rách, hình như dòng tình cảm vốn tràn đầy của cô gái mới lớn ấy mới có dịp được khơi nguồn, tuôn chảy dào dạt. Nghị kể về cuộc sống cơ cực của mình ở quê, những trận sốt rét kinh khủng khi mới lên chiến khu, bước đường trưởng thành khi được sống giữa một đơn vị quân đội. Tại đó, cô đã được anh em dạy cho từ mù chữ lên lớp bốn, rồi lại được đi học lớp y tá ngắn ngày. Tại đó, cô bắt đầu làm quen với những cuốn sách văn học có giá trị như Ruồi trâu,Thép đã tôi thế đấy, Những người khốn khổ, Đội cận vệ thanh niên... Cô ngừng kể và hỏi:
-Ngoài đó, Xã hội chủ nghĩa sướng lắm hả anh?
Hoà chưa kịp nói gì thì Nghị đã tự trả lời:
-Sướng thiệt đó chớ. Nội chuyện được đi học, được hiểu biết, đã sướng hết chỗ nói rồi. Mà nghe nói anh học cao lắm hả?
-Cũng đang dở dang đại học, cao gì đâu.
-Em thì mới đang bì bạch lớp tư. Em chỉ mong ngày mai thắng lợi rồi, sẽ được học lên đại học thôi...
Cứ thế, Nghị vừa hỏi lại vừa tự trả lời và say sưa nói tới "ngày mai chiến thắng". Cái ngày mai ấy như một con chim dẫn đường luôn luôn bay ở phía trước, cất tiếng hót lảnh lót chào đón Nghị.
Cơm nước xong, hai anh em cùng đi bắt ốc. Vào những ngày này, rừng đã bắt đầu bị những cơn mưa xối xả đầu mùa tấn công. Những dòng suối đang trong vắt bỗng đục ngầu, nước dâng cao, trôi ào ạt. Nước chảy băng băng, cuốn theo đủ thứ nằm trong lòng nó: từrác rưởi đến sỏi cát và cả những con cá, con ốc nhó bé. Để khỏi bị nước cuốn đập vào đá vỡ tan tành, bầy ốc khôn ngoan men vào bờ, chui tụt vào trong các hốc đá. Khi nước rút, chúng vẫn cố thủ ở đó để đề phòng những trận mưa khác. Bây giờ, hai anh em chỉ cần đi dọc mé nước, luồn tay vào các hốc đá là có thể vốc ra từng vốc ốc.
Thứ ốc đá này chỉ to bằng đầu ngón tay cái, nhưng nấu canh ngọt phải biết. Mà cách ăn mới lạ chứ: chặt trôn, bỏ vào nồi nấu lẫn với rau, khi ăn thì bốc từng con mà hút lấy thịt từ trong vỏ ra.
Mùa mưa đã thực sự đến rồi. Bầu trời xám ngắt, lúc nào cũng mọng nước. Mưa tầm tã, cơn này chưa kịp dứt, cơn khác đã sầm sập đuổi tới. Con suối nhỏ hiền lành phía dưới nhà bếp bỗng rộng ra dữtợn. Đêm, nằm nghe tiếng mưa xối trên lá cây mà buồn nẫu cả ruột. Xen vào tiếng rì rầm của mưa là tiếng nước suối cuốn ào ào, sùng sục, lại có cả tiếng những hòn đá ông sư lăn theo nước cùng cục, cùng cục nữa. Mùa mưa kéo theo bao nhiêu khó khăn cho cuộc sống ở chiến khu: giao thông tắc nghẽn, lương thực thiếu hụt, bệnh tật bùng ra.
Đơn vị đã cạn gạo rồi. Những bao sắn khô được chuyển từ nơisản xuất về cũng nhanh chóng rỗng đi. Đường xuống đồng bằng bị kẹt do nước sông Thanh dữ quá. Phải đi ngược ra phía Bắc, lĩnh gạo ở trạm "Xã hội chủ nghĩa". Khu Năm có hai loại trạm giao liên:trạm "Giải phóng", bắt đầu từ đoạn đường cắt ngang Khâm Đức trở vào, do lực lượng của Mặt trận Dân tộc giải phóng phụ trách. Còn từ đó trở ra do đoàn 559 Quân đội nhân dân Việt Nam phụ trách, mà không biết ai đã đặt cho cái tên thật đáng yêu: Trạm "Xã hội chủ nghĩa".
Nghe nói sắp được ra trạm "Xã hội chủ nghĩa" nhận gạo, Nghị nằng nặc đòi đi. Nhưng Nghị đang sốt. Nghị nài nỉ trung đội trưởng: "Anh Tuyên, em sốt nghĩa vụ đó mà, bớt liền thôi. Cho em đi với. Em đi ra cho biết trạm "Xã hội chủ nghĩa" là thế nào". Với Nghị, những chữ "Xã hội chủ nghĩa" sao hấp dẫn và thiêng liêng nhường vậy. Chưa một ngày ở miền Bắc, Nghị chưa hiểu Xã hội chủ nghĩa cụ thể ra sao. Nhưng cứ thấy miền Bắc cử con em mình những chàng trai mạnh khoẻ, thông minh, có học thức - vào cùng đồng bào quê hương chiến đấu, cứ thấy miền Bắc luôn luôn chi viện cho chiến trường từ vũ khí đến lương thực, thực phẩm, Nghị cũngmường tượng được ở đó con người sống tốt đẹp thế nào. Đó là ngọn lửa trong đêm, là tiếng hú gọi của đồng đội giữa rừng hướng Nghị đitới. Đó là niềm tin, là hy vọng, tạo thành sức mạnh giúp Nghị vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc sống chiến khu.
Nhưng, đúng ngày lên đường cõng gạo thì Nghị bị quỵ hẳn. Lần này, cơn sốt đến dữ dội quá, khiến Nghị không gượng dậy được. Trước lúc lên đường, nắm bàn tay giá lạnh của Nghị, Hoà động viên: "Cố uống thuốc cho khoẻ, về anh sẽ có quà Xã hội chủ nghĩa cho em!".
Đến ngày thứ chín, Hoà và anh em mới cõng gạo về. Cách nhà nửa ngày đường, gặp cậu Vinh đi lên Tiểu đoàn bộ, Hoà hỏi thăm mới biết rằng Nghị đang sốt bê bết, có chiều nguy kịch, đã uống thuốc liều cao lắm rồi mà không bớt. Giàu nghị lực như Nghị mà bây giờ cũng phải nằm bết trên võng. Không thể đưa Nghị đến bệnh xá Trung đoàn được, vì phải băng qua sông Nước Mỹ, nước lớn quá. Mà thuốc tiêm thì cả đơn vị không còn một ống nào... Nghe nói đến đó, Hoà giật tay Vinh:
-Sao, cậu bảo phải có thuốc tiêm à? Trời ơi, chính Nghị giữ hơn chục ống thuốc của mình chứ đâu. Sao không lấy mà tiêm cho Nghị?
-Có ai biết là Nghị giữ thuốc tiêm trong mình đâu...
Hoà xốc gùi gạo, bươn bả đi. Những ý nghĩ u ám cứ bao phủ đầu óc anh. Có kịp không hả em? Anh về lấy thuốc tiêm cho em có kịp không đây. Trời ơi, nếu em có làm sao thì anh ân hận biết chừng nào! Anh có quà Xã hội chủ nghĩa cho em đây - một đôi dépnhựa Hải Phòng có quai hậu, hai chiếc cặp ba lá. Đứa bạn đồng hương của anh tặng anh để anh tặng em đây... Nghị ơi, cố chờ anh nhé!
Tới nhà, quăng vội gùi gạo lên giàn, Hoà chạy xồng xộc lên lưng dốc, nơi Nghị ở. Cái giá lạnh của rừng mưa tràn ngập căn nhà. Một chiếc võng treo ở góc nhà, phủ bọc kín mít. Im lặng và lạnh lẽo đến rợn mình. Chỉ có tiếng mưa rả rích một điệp khúc buồn tẻ. Không kịp lau khô tay, Hoà đến bên võng, mở tung bọc ra. Hoà muốn trào nước mắt: Nghị nằm co quắp trong tấm dù hoa, trán lạnh ngắt. Hoà lay lay:
-Nghị! Nghị! Tỉnh lại em! Anh về đây!
Nghị từ từ mở mắt - đôi mắt to, đen, vốn luôn luôn sáng lấp láy, nay dại hẳn đi. Nghị chỉ mấp máy môi: "Anh Hoà!", rồi lại thiếp đi. Hoà cuống quýt lay Nghị:
-Nghị, Nghị ! Thuốc đâu, sao không tiêm?
Nghị lại hé mắt, nói đứt quãng:
-Trong ống tre... ba lô, dành cho anh...
-Trời ơi! - Hoà kêu lên mà nghe tim mình nhói buốt. Thương quá! Sao lại nghiêm khắc tới cứng nhắc như vậy hả em?
Phủ bọc võng lại cho Nghị, Hoà lại góc nhà tìm hộp kim tiêm đem luộc và chuẩn bị thuốc. Chuyến đi vừa qua, anh được anh bạn đồng hương tặng cho một hộp thuốc B12. Nhờ chịu khó học tập khi tập trung huấn luyện để đi B, Hoà tiêm khá thành thạo.
Thuốc tiêm đã làm lui cơn sốt, nhưng Nghị vẫn đuối sức lắm. Mưa thì tầm tã không dứt. Làm sao đưa Nghị đi bệnh xá được. Có lẽ hồng cầu của Nghị chỉ còn vài triệu. Hoà nhìn Nghị nằm mê man mà tâm trí rối bời, ruột gan quặn thắt. Rồi anh quyết định: phải băng qua sông Nước Mỹ, mời bác sĩ về.
Trong chiến trường, có những việc được giải quyết ngoài sức tưởng tượng của con người. Trường hợp Nghị là một. Cả một tốp bác sĩ, xét nghiệm viên đã cùng Hoà vượt qua được sông Nước Mỹ hung dữ chỉ bằng sợi dây mây căng ngang sông. Anh em đã xét nghiệm và lấy máu của ba người, trong đó có Hoà, truyền cho Nghị. Thế mà Nghị dậy được. Chẳng bao lâu sau, Nghị lại khoẻ mạnh, lại xốc vác mọi công việc của đơn vị. Nghị thường đùa: "Em được tiếp máu Xã hội chủ nghĩa nên mạnh hơn trước nhiều!".
Hôm ấy, vào buổi chiều tà, Nghị đi lấy măng về. Chưa kịp ăn cơm, cô đã chạy đi tìm Hoà, hồ hởi khoe:
-Anh Hoà, em tìm ra chỗ bắc cầu rồi!
-Sao, chỗ bắc cầu nào?
-Bắc cầu qua sông Thanh ấy. Mải đi kiếm măng, em đã vượt qua khu rừng nứa, sang tuốt ngọn núi bên kia. Ai dè, ở đó hai bờ sông gần nhau quá, lại có những tảng đá chạy ngang sông.
Nơi Nghị tìm ra quả là tuyệt vời: hai bờ sông có độ cao tương ứng, giữa sông lại có những tảng đá lớn nối đuôi nhau, làm trụ cầu thật phù hợp. Qua bên kia sông, vượt khỏi mỏm dốc là đến con đường 14, xưa kia địch làm, nay vẫn bỏ không.
Phương án làm cầu của Hoà được đơn vị thực hiện thật chóng vánh. Anh em hạ những cây gỗ lớn hai bên bờ bắc lên những tảng đá, rồi ghép gỗ nhỏ và phên nứa thành chiếc cầu khá vững chãi. Con đường thồ được nối dài, vượt sông Thanh, vươn sang tận đường 14, kéo xuống tận Tý, Xé. Chiếc cầu ấy mặc nhiên được anh em gọi là cầu Cô Nghị. Cũng từ đó, đơn vị kiếm thêm được một khoảnh đất mầu mỡ bên kia sông làm nơi trồng rau, khoai. Thỉnh thoảng Nghị ra đó kiếm rau tươi về cho đơn vị.
Dạo này, chuẩn bị sang giai đoạn Việt Nam hoá chiến tranh, bị tấn công liên tục ở đồng bằng, bọn địch điên cuồng đánh phá lên căn cứ của ta. Lũ máy bay B57 bay lẻ, thỉnh thoảng quăng xuốngnúi rừng những trái bom nổ chát chúa. Đã có những trận B52 rải thảm đó đây. Tuy không chà đi xát lại tạo thành thảm bom dày như trước, nhưng mỗi loạt bom thả từ ba chiếc bay song song cũng đủ tạo ra một thảm chết dài cả cây số. Dọc đường thồ, đã có vài đoạn bị tấm thảm đó phủ lên: cây cối đổ nhào, đất đá bị cày xới đỏ quạch,tạo thành những hố sâu hoắm. Đơn vị của Hoà bận túi bụi với việc sửa đường, bắc cầu. Nghị quay tròn với công việc phục vụ: chăm sócngười ốm, kiếm thức ăn và nấu cơm. Đôi ba ngày, Nghị lại đi qua bãi rau bên kia cầu Cô Nghị một lần để lấy rau lang về. Thường thì phải sau bữa cơm chiều, khi chim rừng đã xào xạc về tổ, Nghị mới cõng gùi rau nặng trịch về nhà. Những hôm như thế, Hoà ra tận gốc sấu bên bờ sông Thanh đón Nghị. Gốc sấu già sần sùi đã trở thành nơi in dấu những kỷ niệm dịu êm của hai người ."Chừng nào em mới được ra miền Bắc, anh Hoà?" Nghị đã hỏi Hoà câu hỏi ấy
không biết bao nhiêu lần. "Chừng nào, chừng nào"... Hoà day dứt, khổ sở. Bởi anh không sao trả lời được câu hỏi ấy.
Hôm nay, Nghị lại ra bãi sông hái rau lang. Chim muông xao xác về tổ. ánh nắng quái chiều đang dần dần nhạt đi. Chỉ bãi sông và chiếc cầu là còn nhận được những tia nắng cuối ngày, nổi bật lên giữa mầu xám của núi rừng. Nhìn chiếc cầu mang tên mình, Nghị lại thấy lòng tràn ngập một tình cảm đằm thắm. Các anh trong trung đội đã bỏ bao công sức làm nên chiếc cầu, Nghị làm được gì mà được gắn tên mình cho chiếc cầu? Thật là những gì tốt đẹp nhất, các anh ấy đều dành cho mình. Nghị bỗng thấy chiếc cầu đẹp lạ lùng. Dường như nó đã bứt khỏi mặt đất, lửng lơ giữa bầu trời, khoe những đường nét gãy gọn, khoẻ khoắn, còn phía dưới nó, bụi nước đang ánh lên muôn hồng ngàn tía như ở cõi mơ nào đó. Bỗng cótiếng gầm gào quái dị của bầy B52. Đúng lúc Nghị đi đến giữa cầu thì đất trời rung chuyển. Một quầng lửa bùng lên, bốc lên cao, cuốn theo cả những mảnh vụn của chiếc cầu, thả rơi lả tả xuống lòng sông. Nghị cũng đã tan biến vào cõi mịt mù đó.
Chỉ mấy phút sau, cả Trung đội Sơn Hải đã tập trung bên mố cầu, lặng đi trong nỗi đau vô hạn. Hoà đăm đăm nhìn vào cái nơi mà anh đã quá gắn bó - cầu Cô Nghị - bây giờ chỉ còn là một khoảng không lạnh ngắt.
Dòng sông Thanh đục ngầu như giận dữ, vật vã băng mình qua hẻm núi, cuồn cuộn cuốn về xuôi...
Cứ xuôi mãi con sông này, sẽ tới một dòng sông lớn hơn, chảyêm ả giữa một đồng bằng phì nhiêu. Đó là quê Nghị. Dòng sông có đưa Nghị về quê không? Và em có biết rằng cứ ngược mãi theo con sông này, sẽ gặp con đường đất đỏ vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Ngọn lửa dẫn đường của Nghị ở phía đó, Nghị có vượt được thác ghềnh mà tới đó không?...
Ngày 14/6/1970
Chúng tôi dồn sức vào việc trồng sắn. Phải phấn đấu cho được 80 nghìn gốc! Rất gay go là hom sắn ở xa quá, phải đi một ngày mới
có. Sáng dậy, ăn cơm xong, mỗi người mang một nắm cơm, một conrựa xuống phía Đắc Lon, rúc vào các rẫy sắn cũ mà chặt cây sắn. Rồi bó thành bó khoảng 100 cây mà cõng về. Leo dốc, leo dốc chí tử, thở phì phò. Gùi cây sắn đè mọp lưng xuống.
Gặp đồng bào đi lấy nước đót và họ cho uống đến say. ở rừng núi có thứ đót thật hay. Khi nó ra buồng, người ta chặt buồng gần sát cuống, xẻ rãnh rồi hứng ống tre ở dưới. Nước trong cây đót chảy ra một cách nhỏ giọt, mỗi ngày được khoảng 1, 2 lít. Thật kỳ lạ, thứ nước đó vừa ra không khí là lập tức lên men, nồng như bia và pha vị ngọt. Uống ngon và say như nước rượu nếp vậy. Tôi uống một ống nhỏ, vậy mà mặt cũng đỏ bừng, người chuyếnh choáng.
Chúng tôi trồng sắn xen trong lúa, mỗi công được khoảng trên 1000 gốc.
Ngày 17/6/1970
Giữa lúc công việc đang dồn dập thì Ban lại rút 3 người. Chỉ tiêu sắn rút xuống còn 60.000 gốc, các thứ khác vẫn giữ nguyên. Phải ráng hết sức
Lan và Cứu hết sức bịn rịn lúc chia tay chúng tôi. Anh em từng chung lưng đấu cật vượt gian khổ gây dựng cơ sở, nay xa nhau sao khỏi thương nhớ? Chuyện trò tâm tình với nhau tới 11, 12 giờ đêm. Rồi ghi lưu niệm. Tặng vật kỷ niệm cho nhau. Tôi thấy cái tập thể này rất đáng yêu. Ai cũng vậy, đều hăng hái, biết lo lắng việc chung và rất thương yêu, đùm bọc nhau.
Ngày 1/7/1970
Tôi đón ngày sinh thứ 24 của mình ở cơ sở sản xuất. Nhanh thật, đã 3 lần rồi tôi đón sinh nhật của mình ở môi trường sống mới
-nơi đầy gian khổ. Rất đáng mừng là trong hoàn cảnh đó, tôi vẫn đương đầu chịu đựng được và vẫn lớn lên.
Hồi này chúng tôi tập trung vào việc làm cỏ lúa, giữ bắp, trồng sắn. Công việc quá dồn dập, người lại ít nên chúng tôi phải làm rất căng. Ngày làm suốt, không nghỉ trưa, tối về lại lẫy bắp hoặc làm
các công việc linh tinh khác. Giữa những ngày bận rộn này, đồng bàođã đến làm giúp chúng tôi - chúng tôi giúp lại muối, vải, rựa... Đồng bào ở đây thuộc dân tộc Kà Dong. Bà con rất nghèo, thiếu ăn và thiếu mặc. Tôi không khỏi ái ngại khi thấy những cô gái đang ở tuổi dậy thì mà phải mặc những chiếc áo rách rưới, hở cả da thịt. Có những em bé chỉ khoảng 8, 9 tuổi cũng đến làm - làm như người lớn vậy. Tôi thấy thương chúng vô hạn. ở cái tuổi đó, đáng lẽ các em chỉ việc ăn, học và chơi. Song cuộc sống khắc nghiệt quá, nó đòi hỏi các em phải vươn tới quá sức mình. Tôi trò chuyện với đồng bào và thấy thông cảm với họ. Tôi cũng học tiếng Kà Dong và nói được đôi câu.
Bắp trỉa trong lúa của chúng tôi rất tốt, cây vươn cao, trái mập mạp. Nhưng lũ sóc phá quá. Chúng leo lên cây, gặm lấy gặm để những trái đã căng hạt. Do vậy, chúng tôi phải thay nhau đuổi chúng. Lũ sóc rất khôn, cứ thập thò ở cửa rừng, gọi nhau sọc sọc, hễthấy vắng là phóc ra rẫy ăn bắp liền. Đặc biệt là một loại sóc nhỏ, chúng tôi gọi là con đồi. Chúng chỉ to hơn con chuột nhắt một tý, lông mầu xám, có 3 sọc đen dọc sống lưng, nhanh nhẹn vô kể. Thoắt cái, chúng đã điu vào trái bắp mà gặm nhấm, thấy động, thoắt cái, chúng đã vọt mất vào rừng, không làm sao bắn được.
Mùa này dễ đau ốm quá. Nắng rất dữ dội. Song lại có những cơn mưa đột ngột. Hơi đất xông lên nồng nồng khó chịu. Muỗi và dãn phát triển với mức độ kinh khủng. Ngồi ăn cơm trưa ở rẫy, muỗi lao vào chích khắp người. Dãn bu đầy chân, đập một cái phảichết hơn chục con. Đập hết những con này thì lập tức hàng chục con khác lại bu vào liền và thi nhau đốt.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 1 tháng 7 năm 1970
Con yêu dấu!
Mỗi lần cầm bút viết thư cho con, bố lại đặt câu hỏi: liệu thư này có đến tay con không và bao giờ gia đình lại nhận được thư của con? Có thể nói không tháng nào gia đình, bố mẹ không biên thư
cho con và từ 7/1969 đến nay 7/1970 bố mẹ chỉ nhận được 2 thơ của con. Có lẽ gia đình, nhất là mẹ con, được gặp con, nói chuyện với con trong giấc mơ nhiều hơn, sau những ngày mong mỏi tin tức của đứa con yêu dấu! Bức thư dịp Tết của con gửi về khu sơ tán của trường, sau một thời gian đi nơi này nơi khác, cuối cùng mới đến tay bố mẹ. Gia đình được thư của con sau 5,6 tháng lo nghĩ, bố mẹ và các em con rất phấn khởi. Các em con thay phiên nhau đọc thơ của con, vì đứa nào cũng muốn đọc trực tiếp thơ của anh Long của nó. Con sống, lao động, công tác trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, mà vẫn giữ vững được ý chí phấn đấu, tinh thần lạc quan cách mạng, bố mẹ và các em rất vui mừng.
Trước hết bố báo tin để con rõ gia đình ta cùng với trường đã chuyển cả về Mễ Trì - Hà Nội, ở địa điểm cũ, cho nên con đừng viết thư về khu sơ tán nữa. Tình hình sản xuất, lao động ở ngoài này chắc con cũng đã theo dõi được, bố chỉ nói thêm là ở ngoài này mọi người, kể cả các học sinh của bố, đang ra sức đóng góp phần trực tiếp của mình vào việc sản xuất ra của cải vật chất, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của từng người.
Gia đình ta, cùng với sự biến chuyển chung, cũng có những điểm mới, phấn khởi.
Anh Đức sau khi tốt nghiệp đại học cơ khí chính xác vào loại ưu đã về nước hôm 2/4 và hôm nay công tác ở Uỷ ban Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. Anh không béo song rất khoẻ mạnh, anh có mang được ít quà về, chỉ tiếc là con ở xa nên không gửi quà cho con được.
Em Phúc, sau mấy năm công tác tốt, được chọn đi thực tập ở Liên Xô. Em lên đường từ 10/1969 và hiện nay đang ở Liên Xô, cách Kiép 100km. Em thường xuyên biên thư về. Em rất khoẻ mạnh, và sẽ thực tập trong 3 năm, sau 6 tháng học tiếng Nga, em sẽ về nước vào khoảng 6/1973.
Em Việt hiện nay là sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Em học ngôn ngữ, khoa văn. Em học vào loại khá, đang học thi học kỳ II 1969 - 1970 trước khi nghỉ hè. Em học hệ 4 năm 1/2. Em được học bổng như toàn thể sinh viên của trường đại học ở miền Bắc.
Ngọc có những tiến bộ đặc biệt. Em đang học chuyên ngoại ngữ, tức lớp năng khiếu ngoại ngữ, em học vào loại giỏi cả về phổ thông và ngoại ngữ. Em học tiếng Anh. Cuối năm vừa tổng kết xong, em là học sinh tiên tiến, được xếp vào loại ưu tú, được ghi âm tiếng Anh để phát ra trong hội nghị tổng kết. Em được học bổng mỗi tháng 22đ và có rất nhiều triển vọng
Em Diệp cũng là học sinh tiên tiến cuối năm. Em học khá toàn diện.
Lan học vào loại xuất sắc, nhất là về văn và toán (được khen thưởng cuối năm).
Em Thuỷ được lên lớp 3, em học vào loại trung bình khá. Em hơi gầy, yếu, nên cũng không muốn ép em học nhiều.
Bố mẹ vẫn công tác với hết khả năng của mình, dĩ nhiên cùng với thời gian, có già hơn trước, nhất là sau 3, 4 năm sơ tán, nhưng rất phấn khởi vì các con mau chóng trưởng thành. Gia đình, nhất là mẹ con, nhớ con và thương con nhiều lắm. Câu hỏi thường đặt ra là: "Bao giờ con trở về với gia đình?". Lẽ dĩ nhiên là bao giờ con hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ, và có thể là đến ngày Nam Bắc thống nhất. Mong con về, tuy cũng không mong con về quá sớm mà chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Cùng với sự trưởng thành của các con, kinh tế gia đình đỡ vấtvả hơn trước con ạ. Em Ngọc, em Việt, anh Đức và bố đều có xe đạp đi cả con ạ. Nhà có Radio để nghe tin tức và ca nhạc hàng ngày.
Bố mẹ nói để con yên tâm, đừng lo nghĩ gì về gia đình.
Cô Chung, chú Phương và các em Tiến, Quang,.... vẫn khoẻ mạnh, bình yên. Quang được lên lớp. Em Tiến đang theo lớp 7. Ngoài này đang nâng cao chất lượng giáo dục nên các kỳ thi cuối cấp đều tiến hành chặt chẽ hơn trước, quy mô vào các trường đại học cũng vừa phải đi để có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhân dịp anh Đức về, bà Chắn và cậu Hiếu có về thăm gia đình ta. Cụ nội, bà Chắn, trẻ Nghiêm, ông Thành vẫn được bình yên và thường nhắc tới con luôn.
Con yêu dấu, thời gian đi mau thực. Thấm thoắt bố đã sắp 55 tuổi rồi con ạ. Vui mừng vì các con mau chóng trưởng thành. Bố đặt nhiều hy vọng ở con, đứa con được tôi luyện trong thực tế đấu tranh cách mạng.
Nhớ con lắm, mong thư con nhiều lắm. Con nhớ biên thơ về địachỉ cũ ở Hà Nội, cho bố hoặc cho mẹ ở trường Đại học Ngoại ngữ -Thanh Xuân (Mễ Trì, Hà Nội).
Chúc con luôn luôn mạnh khoẻ, vượt được hết khó khăn, gian khổ, phấn đấu tốt và đạt được nguyện vọng tốt đẹp của con.
Bố của con Phạm Đức Hoá.
Từ ngày 23/7 đến 14/8/1970
Tôi và Giáo đi Kỳ Long (Tam Kỳ Quảng Nam) mua hàng và tuyển người. Thật là một chuyến đi hết sức chật vật.
Khi mới bước chân xuống đường thì đã nghe tin địch càn ở Trà My. Song chúng tôi quyết bám đường đi bằng được. Tới nơi, mới biết địch đã rút rồi.
Tới sông Trường, đi trên đường chiến lược, tôi thấy dưới bờ sông có một cô gái đang vội vã bước đi. Trông dáng người, tôi biết ngay là giao liên. Tôi hỏi:"Về trạm Hoà đi đường nào đồng chí?". Cô ngướcnhìn lên: "Đi đường nớ!" và vẫn hối hả bước. Đoạn sông này địch rất chú ý: Moranh chúng lượn suốt, hễ thấy gì khả nghi là chúng gọi pháo dập tới vô hồi, gọi rọ, HUIA tới cắn xé. Dọc sông, đất đai đầy thương tích. Cây cối nát nhừ. Những nấm mộ còn nằm rải rác đóđây. Đó chính là nguyên nhân làm cô giao liên đi như bị ma đuổi vậy. Cô đi quá nhanh, gần như là chạy. Chúng tôi theo hút cô, bàn chân dường như không bám đá sỏi và cát ven bờ, song lại đạp nước
bắn tung toé, khiến quần áo ướt mèm mỗi khi phải lội ngang sông.Thật chết tiệt, cái bao mang của tôi bị sút quai. Đành phải ngồi cột lại. Thế là mất hút cô giao liên, bị lạc mất gần buổi đường. Tới 3 giờ chiều mới tìm được vào trạm. Cũng may, lúc đó trời mới giáng cho một cơn mưa đá, mưa rào dữ dội. Những viên nước đá to bằng đốt ngón tay rào rào rơi xuống, lóng lánh như những giọt nước mắt khóc cho cuộc đời của nó ngắn ngủi quá, vì chỉ một lúc nó đã tan biến thành nước và bị đất hút lấy hút để... Tôi lượm mấy viên đá cho vào miệng, cố tìm lại cảm giác mát lạnh và thú vị khi còn ở Hà Nội ăn kem, uống cafê đá. Song vô hiệu. Mát lạnh thì có, nhưng chẳng thú vị gì. Lạt lẽo.
Phải chờ trạm một ngày mới có trực (ôi, chờ và trực). Tôi vàGiáo vào cơ sở sản xuất 2. Được biết tin Cẩm mới hy sinh - vì địch phục kích bắn chết trong đợt càn vừa rồi. Nơi này chỉ có 3 người. Chi lại về cơ quan nên còn 2. Tiến ốm. Một mình Mai lủi thủi đi làm cỏ lúa. Gặp Phạm Hồng ở đây. Vui quá, 2 đứa ôm lấy nhau. Hồng chiêu đãi chúng tôi một bữa thịt gà rừng (Hồng bẫy được) và một bữa chè đỗ đen sữa. Hồng cho xem những bức tranh vẽ từ khi xuống Quảng Nam. Phần lớn là ký hoạ và tương đối có sức sống. Hồng đi B trước tôi, đã giúp đỡ tôi rất nhiều lúc tôi mới vào, từ việc dạy cho cách buộc gùi tới cách phát rẫy hoặc chống trả với những cơn sốt rét. Dạo ở A9, Vượng vào Quân Khu, tôi và Hồng ở cùng nhà, thường cùng Nga nghe chương trình sân khấu truyền thanh vào các tối thứ 7, mà vở kịch chúng tôi thích nhất là Tiền tuyến gọi.
Bắt đầu theo trạm đi. Giao liên dẫn đường cho chúng tôi là cô Xuân. Chân Xuân đi hơi cà nhắc vì bị tiêm ký ninh quá nhiều, song cô đi rất nhanh. Có điều cô biết chờ khách chứ không bỏ khách như cô bữa trước.
Khi đi từ trạm 25 xuống trạm 24, tôi theo một giao liên nhỏ. Đó là Ba, em mới chừng 13, 14 tuổi. Khi ngồi đợi giao trực, tôi được nghe cô giao liên ở trạm 25 kể rằng Ba bé xíu thôi và còn ngây thơ lắm. Có lần, dẫn một số khách đi, thấy khách đi quá chậm, hay nghỉ, Ba khóc lóc, van nài: "các chú ơi, đi nhanh lên, không quá giờ, trạm trên bỏ trực, con bị phê bình đấy!". Tôi hình dung Ba yếu đuối lắm. Song không phải vậy, Ba ở trước mặt tôi đó: vui tươi, nhanh
nhẹn. Em dẫn đầu đoàn người, đầu đội mũ Giải phóng, lưng mang bao bột mì đựng công văn, vai còn khoác một cái túi giúp một chị đi sau. Ba chào chúng tôi bằng nụ cười rất tươi. Gặp lại mấy anhquen, Ba liến thoắng: "Ôi, anh Thoại sao ốm nhom vậy? Anh Lang có nặng, sớt bớt đồ tôi mang cho!". Và Ba mang bớt một số vải choLang. Đi đường, Ba luôn chuyện trò. Đủ thứ chuyện ngộ nghĩnh: "chui, mấy trứng gà rừng cho ấp nở ra mấy con gà đen thui như Mỹ đen, trông phát phiền!", "con Liên mới đi đồng bằng về, dẫn theo mấy đứa chút chun!"..
Sáng sau, Liên dẫn chúng tôi đi. Liên mới chừng 16 tuổi, nước da hơi xanh, yếu và nét mặt có gì hơi già dặn, khắc khổ của người phải lo nghĩ quá sớm. Liên bảo chúng tôi đi trước vì em còn phải đi nhận hàng. Liên dặn: "các anh ráng đi sớm, đi nhanh qua mấy bãi trống ven sông nghe!".
Đoạn đường này địch dùng B57 đánh dữ. Thỉnh thoảng lại gặp vài hố bom - thường là hai hố một chỗ. Nhiều hố bom trúng giữa đường khiến chúng tôi phải đi vòng, luồn trong cây cối mà đi.
Gần trưa, Moranh quần dữ. Đường chúng tôi đi qua rừng non, theo suối nên nhiều chỗ trống trải. Liên luôn nhìn lên bầu trời quan sát máy bay và ra lệnh cho chúng tôi: "nó tới đó, đứng im", "nó quầnđó, rúc sâu vào bụi", "Đi nhanh!"... Chúng tôi răm rắp làm theo lời Liên như theo lệnh người chỉ huy vậy.
Ăn cơm trưa rồi Liên tạm biệt chúng tôi để dẫn khách về trạm. Liên nói: "chào hết mấy anh nghe!". Rồi thoăn thoắt bước đi, rồi lại nói với lại: "Tôi chào rứa đó!". Những lời nói của Liên có gì hơi cộc cằn đôi chút và có nhiều khi không hợp với một cô gái ở lứa tuổi Liên. Song tôi không cho Liên là một con người cộc cằn. Khi Liên nói: "Tôi chào rứa đó!" và cười cười thì tôi hiểu rằng em đang bối rối trước những câu nói của chính mình. Chắc em cũng muốn nói những câu tế nhị hơn song tìm không ra. ở những nơi ác liệt như thế này, người ta quen nói ngắn, gọn rồi. Khi máy bay địch quần lượn, bắn phá thì giao liên làm sao có thể nói những câu dài dòng, văn vẻ ngoài mấy câu: "dừng lại!", "núp kín nghe!", "chạy nhanh!", "nằm xuống!"... Nhưng chính trong những câu cộc lốc đó, tôi lại
thấy chứa chất biết bao tình cảm rộng lớn, sâu sắc. Những lời nói xuất phát từ đáy lòng thương yêu anh, che chở, bảo vệ anh đó!
Càng đi xuống gần đồng bằng, tình hình càng căng hơn. Địch càn ở Kỳ Yên đã gần tháng rưỡi rồi. Quân của chúng lết khắp nơi: xóm Mới, Nhà thờ, Dương Bông, Bầu Tre... và sáng nay chúng lại đổ quân ở Danh Sơn - nơi chúng tôi định đi qua.
Được cái giao liên rất thạo đường. Đoàn đi lại có mấy giao liên thuộc tuyến này đi mua hàng nên tôi thêm tin tưởng ở sự dẫn dắt của họ. Sang, một thanh niên khoảng 23, 24 tuổi - có dáng người to, khoẻ, da ngăm đen, là linh hồn của đoàn. Sang thuộc đường và rất xông xáo. ít nói, nhưng hay nói vui, cởi mở, Sang thu hút được tình cảm của tôi ngay từ đầu. Tay cầm chắc khẩu AK báng xếp, Sang luôn đi đầu bám đường. Gần tới con sông Kỳ Yên, bọn tôi phải đi tách ra xa nhau vì ở đây dễ gặp địch. Chúng mới đi khỏi nơi đây. Giấy tờ, sách báo lố lăng, lon đồ hộp còn vứt bừa bãi. Nơi này là một thung lũng khá phẳng và rộng, cây cỏ thấp, thưa. Chúng tôi vừa thận trọng vừa khẩn trương vượt qua bãi trống đó. Nắng chói chang, bầu trời cao rộng, in hình mấy cái trực thăng phía xa. Chúngtôi lội ào qua khúc sông cạn, nước tới mắt cá chân. Đạp nước bắn tung toé, ướt cả hai ống quần. Rồi vượt qua một bãi cát lẫn đá sỏi. ởmé sông, cát, sỏi bị nhuộm đỏ thẫm vì máu. Lại lội qua sông. Đoạn này nước chảy mạnh. Khi tôi vừa định bước chân trái lên một hònđá to thì nước cuộn tới cướp phăng chiếc dép. Bỏ vậy mà đi thôi. Đi khỏi bờ sông một quãng, chúng tôi gặp một số dân. Họ ngồi tản mát trong các bụi cây, quanh đó là một vài thứ đồ đạc dùng hàng ngày. Họ cho biết máu ở bờ sông là của 2 anh bộ đội bị bọn Mỹ phục kích bắn chết từ chiều hôm kia. Một anh khác bám ra chôn lại bị HU1A của Mỹ bắn chết. Du kích mới chôn 3 cái xác chiều qua.
Đây là một thôn thuộc xã Kỳ Yên. ở đây, đồng bào trồng sắn trên luống cao, to, rất đẹp, sạch cỏ. Lác đác có những đám bắp, đậu. Vài rẫy lúa. Có rẫy lúa bị chất độc hoá học cháy vàng. Bọn Mỹ hồi này rải chất độc với diện rất nhỏ chứ không tràn lan như trước, nhưng toàn nhằm vào nương rẫy. Thật là thâm độc!
Đi loanh quanh một hồi, chúng tôi gặp rất đông người - phần lớn là cán bộ, bộ đội. Họ ùn lại ở một đám rừng non thưa thớt, đứng ngồi lộn xộn. Họ cho biết còn phải chờ du kích bám đường mới đi được. Chúng tôi cũng ngồi lại. Mỏi quá, ngồi lê la trên cát, cỏ. Thỉnh thoảng, vài chiếc trực thăng lại quần lượn trên đầu, khiến chúng tôi phải nép vào bụi. Có những tiếng pháo, tiếng súng liên thanh, tiếng đạn cối nổ rải rác đó đây. Rồi đi, đúng là lối đi "bám". Có một số đi trước dò đường. Rồi mọi người theo sau, đi cách xa nhau. Súng đạnsẵn sàng. Đi chậm rì. Thỉnh thoảng phải dừng lại nghe ngóng, đợi chờ. Thỉnh thoảng vượt qua một quãng đồng trống, phải chạy cho nhanh, đồng thời phải giữ khoảng cách cho thưa nhau. Với cách đi như vậy, chúng tôi vượt qua nhiều quãng đồng trống, nhiều khu nhà dân. Nói là khu nhà dân, thực ra chỉ là từng cụm nhà thưa thớt. Nhà, thực ra là những túp lều nhỏ, dựng tạm bợ che mưa nắng cho hầm. Có mấy ngôi nhà bị đốt cháy, tro còn nóng. Hầm cũng bị bọn giặc quẳng lựu đạn, lựu đạn lân tinh xuống khiến sập lở hoặc tanh lợm.
Đường Hố Nước, Bầu Tre có địch, bọn tôi phải vòng qua đường Danh Sơn. Lúc này đi rất nhanh, gần như là chạy. Vượt qua vàikhu ruộng. Ở một bờ ruộng, văng đầy cát tút đạn AR15 - chứng tỏ bọn Mỹ đã có mặt ở đây và bắn rất dữ. Trời nhập nhoạng tối. Trên trời, vài chiếc trực thăng vận tải bay nặng nề, in bóng đen sẫm, toxù và nổ máy ầm ĩ. Khát nước vô kể. Đạp qua vài thửa ruộng đầy cỏ, sình bùn. Nhập vào đường Danh Sơn. Con đường này tương đối lớn, chạy qua những khu đồi sim thấp và toàn đá sỏi. Chân tôi không dép, đạp lên đó đau ê ẩm. Tuy nhiên, phải ráng chịu đau màđi cho nhanh. Đi như chạy trong bóng tối nhập nhoạng. Đường chỉ hiện ra mờ trắng dưới chân. Thỉnh thoảng lại bước hẫng xuống một hố nhỏ hoặc vấp vào mô đá điếng người. Chẳng thèm suýt xoa, cứ cắn răng mà bước tới. Sang đi đầu. Mọi người đi sau, im lặng hoặc chỉ nói chuyện nho nhỏ.
Rồi nghe tiếng đài văng vẳng ở phía đồi trước mặt - đài Tiếng nói Việt Nam. Như vậy là không có địch. Chúng tôi mạnh dạn bước tới. Băng qua một khu ruộng nhỏ. Lội qua một con sông - lội mò mẫm, chẳng biết nông sâu ra sao. Lại dò dẫm bước lên bãi cát sỏi. Tiếp qua một con sông nhỏ. Rồi chui vào một thôn xóm. ở đó im
lặng như tờ. Tối như bịt mắt. Người đi trước bỗng sụp xuống một cái hầm. Xì xào lộn xộn một lát rồi lại đi. Tôi cứ bám theo người đi trước mà tiến, chẳng rõ đường xá quanh co ra sao. Rồi bỗng thấy ánh đèn dầu hắt ra từ một ngôi nhà. Hoá ra đó là trạm. Chúng tôi bước vào. Những người trong nhà đang ăn cơm. Lúc này đã gần 8 giờ tối. Nhà thật đơn sơ, không phên vách, không bàn ghế. Dưới nền nó là một căn hầm rộng, có thể cột võng được. Chúng tôi lên nhà trên ngủ. Ngôi nhà đó đã bị pháo bắn sập, người ta đã dỡ đi và cắm 4 cây lớn vào chỗ 4 cây cột để nguỵ trang. Tuy nhiên, cái hầm vẫn tốt. Trời nóng như nồi rang. Muỗi vo ve, vo ve, ùa vào đốt. Phủ bọc võng vào, nóng vô kể. Mà hất ra thì muỗi đốt, không chịu được.Đành phải đưa võng hoài. Rồi cũng thiếp đi trong cái mệt nhọc.Đêm nay im tiếng pháo.
Sáng dậy, tuy chẳng đi đâu cũng phải nấu cơm 2 bữa từ sớm.Ăn cơm xong rồi cột bao gọn gàng. Và cứ ngồi đó đợi. Trạm cũng làm như vậy. Những đồ dùng không sát với thân thể lắm như conrựa, thùng nước.v.v. thì quẳng bừa ra bụi bờ, bãi cỏ. Đó là một kiểu nghe ngóng xem địch có càn không, nếu có thì có thể lánh kịp và không để đồ đạc cho địch phá.
Nghe tiếng động cơ xe tăng rú phía xa xa. Đó là đồn địch. Vài chiếc tàu rọ quần lượn cao cao. Vài chiếc tàu vận tải bay qua bay lại. Có những tiếng pháo điểm cầm chừng. Xa xa có những tràngliên thanh nổ. Như vậy là buổi sáng yên lành. Ăn cơm trưa rồi có thể đi làm mọi việc cần thiết.
Chúng tôi đi Kỳ Long mua ít hàng. Phải chú ý đi nhanh qua những chỗ trống để rọ khỏi thấy, khỏi kít xuống bắn chết hoặc bắt sống. Trên trời, một chiếc mô ranh hai thân lượn vòng miết trên cao và dùng loa cực đại để chiêu hồi. Tiếng nói ve vãn bị át đi một cách thảm hại bởi tiếng ù ù của động cơ máy bay.
Đi băng ngang qua con đường lớn - nó chạy về phía đồn Chóp Chài. Vết xe hằn rõ trên đường. Vượt qua những bãi trống. ở đây, cỏ tranh bị địch đốt cháy trụi. Bình yên một cách kỳ lạ. Băng qua một cánh đồng lúa, chúng tôi lọt vào vùng 4 Kỳ Long. Xóm nhà thưa thớt, ít dân. Trẻ con ở đây quần áo mầu sặc sỡ. Nhiều người la hét
gọi chúng tôi đi nhanh hoặc núp vào bụi vì có địch ở Dương Tranh, cách xóm đó vài phút đi bộ. Từ ngọn đồi đó, địch có thể thấy rõ và bắn trúng chúng tôi. Lúc này tôi thấy tiếng mìn nổ ở đó, đất bụi bay mù mịt. Rồi một quả mù của địch nổ, tung khói mầu tím mù mịt. Ngay sau đó, có 2 HUIA bay tới, lượn quanh quả đồi. Tôi thấy cửa máy bay mở toang. Một chiếc rà sát rồi hạ ngay xuống đám mù tím và cất cánh lên sau đó một lúc. Chiếc kia cũng làm như vậy.
Chúng tôi đi tìm hàng để mua. Rất hiếm và rất đắt. Họ đòi gần 600 đồng (bằng 30 đồng miền Bắc) một bao gạo ( nặng 6 kg ) - nếu tính ra tiền miền Bắc là 5 đồng một kg, gấp hơn 10 lần gạo ngoài đó! Thị trường tư bản thật kinh khủng.
Lại nghe tiếng mìn nổ, thấy khói mù đỏ và 2 trực thăng xuống,lên. Đồng bào bảo rằng bọn Mỹ mới lên đồi đó, bị vấp mìn của du kích và phải gọi máy bay tới chở những tên chết, những tên bị thương.
Quẩn quanh mua hàng, trời đã tối. Chúng tôi nấu cơm ăn - thứ gạo máy trắng muốt mua ở vùng địch chuyển ra. Ngồi giữa sân mà ăn cơm - nhà ở đây bị địch đốt cháy trụi, bà con chỉ dựng mấy túp chật chội, tấp mấy tấm tranh vào tạm bợ để dễ vứt ra bụi mỗi khiđịch càn đến. Đang ăn cơm, chúng tôi giật mình vì những tiếngsúng nổ loạn xạ. Đạn bay veo véo trên đầu, đỏ lừ. Đó là đạn do địch ở trên xe bắn tới. Tầm đạn đi hơi cao. Lại có tiếng súng nổ phát một chắc chắn ở phía gần đó - đạn của du kích "bia" Mỹ Nguỵ.
Tôi vào một ngôi nhà nhỏ mua gạo. Trong nhà chật ních người toàn là cán bộ, miền Bắc có, miền Nam có. Một cô bé chừng 14, 15 tuổi đang bán gạo. Cô bé nói rằng chỉ còn một ang thóc thôi. Tôi vội bảo "mua gạo chứ ai mua thóc làm gì?". Cô bé giải thích: "ang thóc tức là nửa ang gạo chứ không phải là thóc chưa giã".
Khoảng 8, 9 giờ tối, chúng tôi ra về. Không thể ở lại đây qua ngày sau, vì xe tăng địch có thể lên rất sớm. Dấu vết của nó còn hằn lên đó: chằng chịt trên các thửa ruộng lúa khô nước. Lúa đang thì con gái, bị hạn, xơ xác, bị xe nghiền nát. Sang vẫn cắp AK đi đầu. Giáo lăm lăm súng ngắn đi thứ hai. Tôi đi liền đó. Trăng lờ mờ. Khi
đi qua ruộng, chúng tôi không dám đi theo con đường mờ trắng mà phải đi ven nó vì sợ địch ở phía quả đồi gần đó phát hiện. Khi đi khỏi khu ruộng, chúng tôi thấy những bóng đen lố nhố phía trước. Sang ghìm súng, khẽ hỏi: "ai?". Có tiếng đáp khẽ: "chúng tôi!". Thở phào nhẹ nhõm. Không phải địch mà là anh em đi về, thấy rợn quá đang chần chừ ở đó, chờ người cùng đi lên. Lại bám đường đi. Nhiều khi phải nép vào bụi hoặc nằm rạp xuống đường nghe ngóng từng động tĩnh nhỏ. Rồi vượt qua đường xe. Con đường này chạy về đồn Chóp Chài - đi bộ mất chừng 20 phút là tới đồn thôi. Vượt vào dãy đồi bát úp, cây cối lúp xúp và đường lạo xạo đá sỏi. Vấp liên tục và luôn đạp lên những hòn đá sắc cạnh, đau điếng. Khuya mới về tới nhà. Lại cột võng trên nóc hầm. Ngủ trằn trọc trong cái nóng hầm hập, trong tiếng vo ve của muỗi và trong tiếng pháo cầm canh.
Trưa nay, ăn cơm xong thì Giáo đi Kỳ Long, còn tôi ở nhà giữ đồ. Giáo đi một hồi lâu thì tôi nghe mấy tràng súng máy nổ phía đường cái gần thôn Kỳ Qúy. Rõ ràng là tiếng súng địch bắn. Tôi bồn chồn không yên. Giữa lúc ấy thì Giáo chạy về, nói gấp: "báo một tin buồn: Phước hy sinh rồi!". Tôi sững người vì bất ngờ quá. Phước là trạm trưởng trạm giao liên vùng dưới - giáp thị xã, đi chỉnh huấn về. Trưa nay, Phước cùng đi xuống với đoàn của Giáo, Sang. Phước mang AK đi đầu, tới đường cái thì gặp địch phục. Chúng bắn Phước gãy chân. Ngã xuống rồi, Phước còn dùng AK quạt lại bọn địch. Chúng ném tới một trái lựu đạn làm nát cả mình mẩy anh. Sang cũng dùng AK bắn lại mấy loạt rồi mới chịu chạy. Cũng may, đoàn có tới gần chục người, đi liền nhau, gặp đạn địch bắn loạn xạ mà chỉ bị một ngưòi.
Tối, tôi vác cuốc cùng mấy anh em trong trạm 24 đi chôn Phước
-người ta đã khiêng Phước về để gần nhà ông Phán. Trời tối thui. Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, tôi thấy xác Phước được cột dọc theo một cây tre, đặt nằm dài dưới bãi cỏ. San - cô giao liên của trạm 24 - soi đèn sát mặt Phước rồi thốt lên: "trời ơi, tội quá anh Phước ơi!". Tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Mới đó thôi, Phước còn sống vui tươi, khoẻ mạnh. Phước vào loại hơi xấu trai - cao và gầy, hàm răng khấp khểnh, miệng quá rộng so với khuôn mặt nhỏ, xương xương. Song Phước rất hay cười, nụ cười rất tươi và cởi mở, dễ chiếm được tình cảm của mọi người. Sáng nay, Phước còn đứng
nói chuyện với chúng tôi. Sang trách Giáo là sáng nay không xin đôi dép của một nông dân bị chết vì lựu đạn về cho tôi. Tôi bảo: "thôi đồng bào họ nói cho. Nếu như anh em mình thì được, mình sẽ vỗ vai anh bạn hy sinh mà xin đôi dép, chắc anh ta cũng thông cảm !". Lúc ấy phước đứng gần tôi, cười cười: "ừ. anh em mình thì thông cảm thôi, chắc anh bạn đó sẽ đồng ý!". Vậy mà bây giờ Phước nằm đó, cứng đờ, lạnh ngắt.
Khoảng 8, 9 giờ tối, chúng tôi bắt tay vào đào huyệt cho Phước. Trời mưa bụi lất phất. ánh đèn dầu hắt lên một vùng sáng nhỏ vàng vàng giữa khoảng trời đất đen thẫm. Rồi chúng tôi khiêng Phước tới. Tôi đi cuối đoàn, sát với đầu Phước. Mùi máu người tanh vô cùng. Hình Phước cứ liền liền trước mắt tôi. Cánh tay trái anh nắm chặt, hơi giơ lên trong tư thế cầm súng. Cánh tay phải bị mảnh lựu đạn làm gẫy nát, lủng lẳng, lủng lẳng phía dưới, mỗi khi đi qua một bụi cây, vướng phải cây, cỏ, lại đung đưa, đung đưa, lạnh ngắt. Chúng tôi lót bộ quần áo của Phước dưới huyệt. Xong, tôi cùng một anh giòng giây ở đòn khiêng, đưa phước xuống huyệt. Xác anh đã cứng khừ, lạnh ngắt. Máu đẫm quần áo, đẫm cả tấm dù bọc xác anh. Ngọc cố ấn cánh tay trái của Phước xuống, song không được.Đành để Phước nằm dưới huyệt với cánh tay trái giơ lên trong tư thế cầm súng bắn. Rồi lấp đất, đắp mộ cho anh. Im lặng tiễn Phước đi. Mưa lâm thâm. Lạnh lẽo vô cùng !
Ra về trong mưa lạnh và trong nỗi buồn thương Phước. Đôi dép cao su của Phước giờ đây đang nâng bước tôi. Một cô giao liên ở trạm 23 có thân hình mập mạp nói: "Thật tội nghiệp anh Phước, trưa nay còn đi với bọn mình mà giờ đã nằm đó. Nhưng cũng còn may là chôn cất kịp". Lan (nữ giao liên) bảo: "Anh Phước sống tội lắm, luôn thông cảm với mọi người, luôn tươi cười, vui vẻ." Tôi đi sau 2 cô, nghe họ thì thầm trong hơi gió lạnh:
-Anh Phước được công nhận đảng viên chính thức ...
-Ừ, mới cánh đây 3,4 bữa.
-Mới 20 tuổi chứ mấy.
-Công tác tiến bộ lắm.
-Anh ấy tội lắm, chỉ lo cho công tác thôi. Anh ấy bảo đi xa trạm có mấy ngày mà nhớ quá, chỉ muốn bay về trạm mà công tác thôi. Mỗi khi nghe nói có địch, mọi người hỏi thì anh trả lời: "Cứ đi, gặp địch thì đánh, không thể đứt liên lạc được " và đội mũ, xách súng đi liền.
Không thể chờ mua tiếp hàng nữa, chúng tôi phải đi lên. ở nhà, mọi người đang chờ, công việc đang chờ. Lại theo giao liên lên theo đường Danh Sơn. Lên đèo, ngồi nhìn lại miền xuôi. Phía xa, ở ngọn đồi cao nhất, đồn Chóp Chài phơi mình dưới nắng. Cả khu đồi trọc lốc, đỏ lói và xen vào những khu nhà trắng. Một con đường ngoằn ngoèo theo triền dốc lên đó.
Lên khỏi nước Y, chúng tôi định nghỉ một ngày. Song thật dáng ghét, khi mới nấu cơm sáng ăn xong một lát thì lũ trực thăng ở đâu đột ngột bay tới. Chúng bay thấp tới mức chúng tôi nhìn thấy cả những thằng Mỹ lố nhố trong máy bay qua khung cửa mở toang. Chúng bắn rốc két, đại liên, cối xuống đồi tranh gần đó. Sợ bọn địch đổ quân thì phiền, bọn tôi vội thu dọn đồ đạc, tiếp tục hành quân.
Về tới nóc ông Chanh, không khí thật dễ chịu. Lũ trẻ ùa ra ôm lấy tôi. Chúng bảo bọn con gái đã khóc vì tưởng tôi chết rồi. Tôi thường dạy chúng hát và được chúng rất mến. Chị Lý gọi tôi vào nhà, lấy chuối và đưa nước đót cho tôi. Chị Chanh vội đi nấu cơm.Đồng bào đã thu hoạch lúa, nhà nhà đều no. Ai cũng tíu tít gọi tôi vào nhà, mừng mừng, rỡ rỡ. Tôi rất cảm động trước tình cảm đó.
Về nhà trước sự mừng rỡ của anh em, kết thúc chuyến đi 21 ngày đêm nhọc nhằn và căng thẳng.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Trung Trung bộ. Ngày 2/9/1970.
Bố mẹ và các em yêu quý!
Hôm nay có người ra Bắc, con tranh thủ viết thư thăm giađình. Đang trên đường công tác, con viết vội ít chữ thôi.
Lá thư con nhận của gia đình mới nhất là lá thư bố mẹ và Diệp, Lan, Thuỷ viết ở Hà Nội. Cho tới nay, con chưa nhận được lá thư nào khác. Con rất mong thư gia đình.
Hồi này con vẫn khoẻ, con đã thực sự quen với cuộc sống ở trong này và đã ít sốt. Việc công tác, phấn đấu của con có nhiều tiếnbộ. Vừa rồi, chi bộ đã xét đơn xin vào Đảng của con và nhất trí 100%, quy định thời gian dự bị cho con là 9 tháng. Tuy nhiên, còn phải đưa lên đảng uỷ duyệt để có quyết nghị, ở trong này giao thông khó khăn nên hiện chưa có quyết nghị gửi tới. Con báo tin như vậy để gia đình mừng.
Con muốn viết thư cho gia đình nhiều, song việc gửi rất khó khăn, gửi đường dây không bảo đảm đến nơi nên con chỉ gửi khi cóngười ra Bắc. Đó là lý do vì sao nhà nhận được thư con thưa thớt như vậy.
Nhận được thư bố báo tin như vậy con rất mừng. Hiện anh Đức đã về nước chưa và công tác ở đâu? Phúc đi Liên Xô thực tập gì? Ngọc học có giỏi không? Hàng ngày con đều nhớ tới bố mẹ, các em, cụ, bà, cô Chung, cậu Hiếu.
Cho con gửi lời thăm cô chú Sen, Thìn, Chín và các cô chú khác.
Con vội nên viết được ít, mong bố mẹ thông cảm. Có dịp con sẽ viết thư dài hơn, nói nhiều chuyện hơn về cuộc sống của chúng con trong này.
Con rất mong thư gia đình
Con của gia đình Việt Long
TB: Bố mẹ gửi cho con ảnh của gia đình chụp thời gian gần đây nhất.
Ngày 4-9-1970
Lúa sớm đã chín vàng rực nương rẫy. Ban cử thêm người vào suốt lúa, càng thêm vui. Giữa những ngày bận rộn này, giặc Mỹ lại tới quấy nhiễu. Hôm trước, chúng cho B.52 rải bom ở Nước Boa. Và hôm nay, mới hơn 7 giờ sáng, chúng đã tới đấm lưng chúng tôi. Tôi sốt, đang nằm mơ mơ thì nghe hàng tràng tiếng nổ như sấm động nối nhau. Vội nhào xuống hầm. Hai đứa trẻ khóc thét lên.
Hết loạt bom, tôi ra rẫy nhìn, thấy phía Nước Lon và phía rẫy 3 của chúng tôi bụi đất, khói bom bay mù mịt. Chúng tôi rất lo lắng cho sinh mạng mấy anh em đang làm kho lúa phía đó.
Một lúc sau, Bá chạy về. Chưa tới ngõ, anh đã nói: "kho bắp hư hết rồi!" - Như vậy có nghĩa là người không ai việc gì. Rồi Tạo, Hiến chạy về. Hiến bị một vết xước nhỏ trên đầu, máu ri rỉ như bị vắt cắn; anh em xúm lại rửa thuốc và băng cho anh. Tạo ngồi thở, mồ hôi ra đầm đìa. Cậu ta đột ngột cười to, nói trong tiếng cười: " Khỏi chết. B52 chụp trên đầu vẫn khỏi chết". Rồi thì Huy, Tám chạy về, bình an cả. Anh em cho biết lũ B52 bắt đầu rải "tấm thảm bom" của chúng từ rẫy 2, kéo qua rẫy 3 và nối dài qua Nước Lon, qua giải núi bên kia. Anh em đều nằm giữa "tấm thảm" đó. Hiến nằm giữa triền dốc, gần bụi lồ ô. Phía đó, một quả bom đào đã làm bay cả bụi lồ ô đi mất. Phía sau Hiến vài mét, hai quả bom khác đào hai lỗ sâu hoắm. Vậy mà không giết nổi Hiến, chỉ làm anh bị trầy da đầu và mất một chiếc dép cao su. Tạo, Bá cũng nằm gần mấy hố bom, nghe bom nổ chát chúa mà không hề gì hết.
Bom làm sập kho bắp của chúng tôi và hư một số lúa của rẫy 2,
3. Cũng may mà bắp chỉ sập xuống đất, không bay mất trái nào.Huy động toàn lực lượng đi cõng hết số bắp về nhà. Đông người nên chỉ qua chiều hôm sau là đã chuyển hết bắp. Hai mái gà cùng một đàn gà con cũng được chuyển về. B52 dù sao cũng giết được hai con gà nhỏ của lũ tôi. Tuy nhiên, bầy gà con vẫn điềm tĩnh chiêm chiếp theo mẹ kiếm ăn, không tỏ ra sợ hãi gì.
Công việc lại đi theo nếp của nó. Suốt xong lúa rẫy 5, chúng tôi kéo về rẫy 3 (vì trời mưa nên suốt lúa ở rẫy 5 lâu, nếu không, chúng
tôi đã kéo qua rẫy 3 từ 9 giờ sáng rồi, chắc là bị đội B52 đông lắm). Hai quả bom nổ ở bìa rẫy làm hư nhiều lúa của chúng tôi. Ngoài số bị đào bới tung ra, bị đất lấp, còn có nhiều khóm lúa bị sức ép làm cho tả tơi, nát nhừ tận gốc. Những cây ở xa cũng bị chấn động, rụng rất nhiều hạt. Bọn tôi phải cặm cụi nhặt từng bông lúa dưới đất lên.
Ngóng đợi những đợt B52 tiếp theo, song không có. Như vậy là khu nhà của chúng tôi vẫn bình yên - "tấm thảm huỷ diệt" của bọn Mỹ rải cách đó tới 20 phút đi bộ.
Lũ máy bay trực thăng hồi này cũng tích cực đi rải chất độc. Nước Tong, Nước Ngheo, Trà Niêu... đã bị rải rồi. Khi đi làm rẫy, chúng tôi mang theo súng đạn, sẵn sàng nện cho lũ quỉ độc đó những đòn đích đáng nếu chúng mò đến hà hơi độc vào nương rẫy của chúng tôi.
Mặc dù bận rộn với việc nương rẫy, mệt mỏi vô cùng, tôi vẫn thức đêm để viết truyện - những xúc cảm từ cuộc sống hối thúc tôi phải cầm bút:
Chú bé vùng ranh
Cô giao liên trạm hai mươi bốn tươi cười bảo chúng tôi: "Ba, giao liên mới của các anh đó!". Theo tay cô, tôi nhìn thấy ở đoạn đường trước mặt một chú bé dẫn đầu một đoàn người đang bước tới. Chú đội cái mũ lưỡi trai to tướng, sụp cả xuống vầng trán, trông thật ngộ. Lưng chú mang một cái túi bằng bao bột mì. Vai chú khoác một khẩu AK báng xếp. Khẩu súng, mặc dầu đã được xếp báng lại khá gọn gẽ, vẫn có vẻ dài lượt thượt so với thân hình lũn cũn của chú. Bước tới gần chúng tôi, Ba ngẩng mặt lên, nhoẻn cười:
-Chào hết mấy anh nghe!
Hấp háy đôi mắt, chú nghiêng đầu về phía cô giao liên trạm hai mươi bốn:
-Đi nhanh dữ chị? Rứa là em lại đến sau chị rồi, tức thiệt! Nói rồi chú cười. Trên khuôn mặt tròn vành vạnh của chú, nụ cười thật
rạng rỡ. Với dáng dấp lanh lợi đó, Ba đã thu hút được cảm tình của tôi ngay từ đầu.
Ba mang gùi công văn, vai vác AK đi đầu. Chúng tôi nối hàngmột bước theo. Đường xuyên qua một khu rừng bị rải chất độc vào mùa hè năm trước. Mặc dầu đã là mùa xuân, khu rừng vẫn còn mang nặng dấu tích của sự tàn phá. Những cây to vẫn trụi lá, giơ những cành khẳng khiu, khòng khoeo lên trời. Chỉ những cây nhỏ là đang nứt lên những chồi non xanh mơn mởn. Tôi im lặng bướctheo Ba. Đường chúi xuống dốc. Đất gan gà pha sỏi lạo xạo dưới chân trơn lạ lùng. Tôi trượt hoài. Ba ngoái lại, cười:
-Con đường của em lạ rứa đó, nắng thì trơn, mưa lại êm! Đấy, anh coi, những hòn sỏi như những bánh xe lăn đôi dép đi ấy.
Rồi em hạ thấp giọng, vẻ quan trọng:
-Đi đường cũng phải rút kinh nghiệm anh nhỉ! Những đoạn này mà cứ cúm rúm dò từng bước, chỉ tổ trợt xoạc cẳng. Phải mạnh dạn bước từng bước chắc chắn, bước nọ tiếp bước kia mới được.
Im lặng một lúc, như chợt nhớ ra điều gì, Ba hỏi tôi, một câu hỏi chẳng ăn nhập gì vào câu chuyện đang nói cả:
-Anh, ở căn cứ anh có nuôi gà rừng bao giờ chưa? Trên đó nhiều thứ gà, chim đẹp lắm nhỉ?
-Ừ, nhiều lắm, nhưng anh chưa nuôi gà rừng bao giờ cả!
-Bữa hổm, em lượm được ba trứng gà rừng, cho gà của trạm ấp, nở ra ba con gà con. Chao, nó đen thui như Mỹ đen, trông phát phiền anh à!
Rồi, như bị cuốn hút vào cái việc nuôi gà thú vị ấy, Ba dấn bước vượt lên đỉnh dốc, vừa thở phì phò, vừa nói liến láu:
-Cái giống rừng nó vẫn quen rừng anh ạ! Vừa xuống ổ là chạy rúc bụi liền! Em phải đem cái lồng, nhốt chúng vào trong. Anh có biết làm cách nào cho chúng quen nhà không?
Ba hay có những câu hỏi đột ngột, thật khó trả lời. Và em lại hay tự trả lời những câu hỏi đó. Em say sưa:
-Chắc rồi hắn sẽ quen anh hỉ? Cứ đi trực về là em đưa sắn vụn vào tận trong lồng cho chúng ăn. Mình chăm hắn rứa, lẽ nào hắn lại không ưng mình?
Tôi chăm chú theo dõi câu chuyện ngộ nghĩnh ấy của Ba. Ba vẫn bước thoăn thoắt phía trước, cái đầu lắc qua lắc lại. Khi lên tới đỉnh dốc, Ba dừng lại, quay nhìn chúng tôi:
-Ráng lên các anh, tới đây mát lắm!
Em tháo gùi, đặt xuống một tảng đá gần đó. Anh em trong đoàn lần lượt đặt ba lô, gùi xuống, thở phào khoan khoái. Tôi và Ba ngồi trên một tảng đá cao, to. ở đây, tầm mắt chúng tôi trải rộng ra, phóng khoáng. Trước mắt tôi, con đường chúi xuống một cái dốc rồi khuất dần sau những dải đồi bát úp lúp xúp. Xa hơn nữa là những nà, những ruộng um tùm cỏ. Và tít tắp dưới kia, bao la, phóng khoáng, là đồng bằng, là biển. Lẽ ra, cái thảm cây cỏ đó phải phủ đầy màu xanh dịu dàng. Nhưng, chiến tranh đã ghi lên những dấu tích lở lói. Có những khoảng rừng cây cối khô trụi, phơi mầu môngmốc dưới nắng. Có những vạt rẫy cây cối vàng ruộm. Đó là kết quả của những trận máy bay Mỹ - Nguỵ rải chất độc hoá học. Lỗ chỗ khắp nơi là những hố bom, hố đại bác đỏ lói.
Một luồng gió từ biển thổi thốc về, mát rượi. Ba chợt thốt lên:
-Mát quá anh hè! Gió ni là gió cá chuồn đây!
Tôi hỏi lại:
-Gió cá chuồn?
Ba lấy tay quệt mồ hôi trán, vẻ thành thạo:
-Trời cứ gió như ri đi biển là trúng lắm, cá chất đầy thuyền!
-Em có đi biển?
-Quê em vùng biển.Ba đưa tay chỉ về phía xa xa:
-Quê em, Kỳ Anh đó!Rồi em say sưa:
-Ông già em làm nghề biển. Em chỉ được ra bãi biển đón thuyền vô, chớ chưa được đi biển anh à! Hồi đó em có chút chun mà. Má em gánh cá, em chạy theo. Chao, vui lắm.
Ba lại chợt hỏi:
-Anh được ăn cá chuồn với bánh tráng chưa? Chưa à? Chà, ngon tuyệt! Má em hay cho em ăn món đó lắm!
Tôi hỏi:
-Giờ, ba má em vẫn đi làm biển?Giọng Ba chợt giận dữ:
-Đâu có được, anh!
Ba dừng lại một chút. Em nhìn mãi ra xa. Sao ở đôi mắt ngây thơ ấy lại có cái nhìn xa xăm đến như vậy. Một tràng bom nổ rền làm cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Ba đứng dậy:
-Lại thằng B.57. Thôi, đi, mấy anh!Ba dặn dò:
-Từ quãng này đường trống, địch chú ý lắm. Các anh nhớ đi thưa hàng và nhanh theo em nghe! Mà các anh sửa lại đai dép, dây mang cho chắc đã!
Tôi đứng chăm chú nhìn Ba xốc lại gùi. Chú bé thật hồn nhiên, song lại có những nét thật cứng cáp. Bắt gặp cái nhìn chăm chú của tôi, Ba bỗng đỏ ửng mặt lên, lúng túng. Em giật cái mũ lưỡi trai trên đầu xuống, bóp nhàu trong tay:
-Em đội cái mũ ni lấc cấc lắm hả anh? Trước, em cũng có chiếc mũ Giải phóng xinh lắm, nhưng pháo lượm mất rồi!
Mọi người đã rục rịch bước đi. Ba bỏ dở câu chuyện, vượt lên:
-Đoạn này em phải đi trước. Nhớ cảnh giác bám đường nghe mấy anh!
Đường vượt qua một dãy đồi bát úp rồi trườn xuống một cái nàlớn. Ở đây, cỏ dại mọc um tùm, thỉnh thoảng có vài bụi lách, tuyệt không có một chòm cây lớn nào! Một dòng sông lớn cắt ngang nà, nước loá lên trong ánh nắng. Nắng vàng ong ong. Cỏ và bùn hấp hơi nóng, bốc lên mùi hăng hăng, tanh tanh. Bầu trời trong xanh, tít xa điểm mấy chấm đen của những chiếc máy bay trực thăng. Im lặng một cách kỳ lạ! Ba vẫn đi trước, ghìm chắc trong đôi tay nhỏ bé khẩu AK. Chúng tôi rảo bước theo em. Chợt Ba ngoái lại, vẫy tay rồi rúc vào một bụi cỏ. Chúng tôi nhanh nhẹn làm theo em, ngồi im thin thít. Có tiếng động cơ máy bay phành phạch, phành phạch. Ba chiếc HU1A bay ngang đầu chúng tôi rồi lướt về phía Tam Kỳ. Ba gọi chúng tôi, vụt ra khỏi bụi và lại rảo bước. Sắp tới con sông, Ba ra hiệu cho chúng tôi dừng lại. Em men theo các bụi cỏ, lom khom bước tới. Phía trước em là một bãi cát trắng. Bãi cát loá nắng, vắng lặng, chỉ có tầng không khí bị nung nóng khẽ xao động. Ba nghe ngóng, dò xét rồi vụt chạy ra, vẫy tay cho chúng tôi chạy theo. Cát xào xạo dưới chân. Rồi nước! Nước con sông đã ôm gọn đôi chân tôi. Mát rượi! Dòng sông vào mùa này trong suốt, hiền từ như một dải lụa. Ba đã lội qua bờ bên kia. Chúng tôi cũng lội ào qua, đạp nước tung toé. Lại đạp lên cát xào xạo, sỏi lổn nhổn mà chạy vào xóm trước mặt. Thoáng nhìn, giữa bãi cát, một vũng máu đen kịt. Chắc
lại có người bị bọn Mỹ "lết" phục kích bắn chết. Thoáng nghĩ vậy mà vẫn lao nhanh về phía trước...
Vào tới xóm, Ba để chúng tôi ngồi nghỉ ở một vườn cây và bảo:
-Các anh nghỉ chút, em đi nắm tình hình rồi quay lại liền!
Vừa bước được mấy bước, gặp một tốp người từ phía Bắc đi lại, Ba chợt reo lên:
-A, anh Luyện!Mới kịp giáp mặt, Ba đã tíu tít:
-Sao anh, tình hình đường ra sao?Luyện nắm tay Ba, ân cần:
-Lũ Mỹ "lết" mới qua Dương Tranh, Bầu Tre, không đi đường ni được em ạ!
Ba nhíu mày:
-Vậy phải vòng qua Đèo Sỏi?
Hình như mỗi con đường đều hằn rõ trong óc Ba nên em mới có thể nói một cách chắc chắn như vậy. Luyện gật đầu:
-Chỉ có con đường nớ thôi. Em đi, chú ý pháo nghe! Bọn anh đi bám địch đây!
Ba dẫn chúng tôi rẽ ngoặt về hướng Tây. Luyện đưa anh em du kích tiến về hướng Bắc. Bóng những người du kích vai vác AK, CKC khuất dần sau những hàng cây rậm rạp.
Trời đổ ập bóng tối xuống, trùm kín chúng tôi. Con đường chỉ hiện lên mờ trắng trước mặt. Trước khi vượt qua một cánh đồng lớn, Ba đứng lại căn dặn:
-Các anh chú ý nghe pháo. Có chuyện chi thì lăn xuống con mương cạn ngay bên phải đường. Cánh đồng ni bọn em gọi là cánh đồng toạ độ đó!
Bóng Ba mất hút trong màn đêm. Chúng tôi cứ căng mắt theo con đường mờ trắng mà vọt theo. Có tiếng pháo đề pa ở phía Nam "ùng". Tiếp đó là tiếng rít: "víu...!". Sau đó là tiếng nổ "oàng" ở phía xa. Tiếng Ba vang lên: "Kệ nó! Thằng Trà Bồng đó! Nổ xa". Tiếng "ùng!... viu... oàng" cứ nối tiếp, nối tiếp điểm nhịp bước chân của chúng tôi. Rồi đột nhiên im bặt. Chỉ còn tiếng những bước chân chạy thình thịch trên đất. Gió đột nhiên tràn về mát rượi. Vừa thoáng nhớ tới lời Ba: "Gió cá chuồn" thì tôi bỗng giật nảy người lên vì tiếng thét: "Nằm xuống!"
Chỉ kịp lăn bừa xuống con mương khô, đã thấy trước mặt bung ra một quầng lửa chói loà rồi một tiếng nổ dữ dội. Những quầng lửa như vậy cứ liên tiếp bùng lên khắp cánh đồng như những đốm ma trơi khổng lồ, nổ chát chúa. Rồi lại im. Tiếng Ba vang lên: "Có ai hề chi không?" Chúng tôi ngồi dậy: "Không!". Ba dằn giọng:
-Thằng Gò Gai đó! Các anh chú ý, nghe tiếng xoẹt trên không là lăn xuống mương liền nghe. Thôi đi!
Con đường, cánh đồng với những đốm ma trơi nổ choang choác đã ở sau lưng chúng tôi. Ba dẫn chúng tôi rẽ vào một xóm nhỏ. Xóm im lìm chìm trong màn đêm đen đặc. Dò dẫm từng bước một thì vào một căn nhà nhỏ. Căn nhà bỏ hoang, không phên vách, không mái. Duy chỉ có cái hầm là còn tốt. Ba dẫn chúng tôi xuống ngồi trong hầm. Em cười:
-Mệt không các anh? Các anh hút thuốc đi, ngồi đây hút được đó!
Trong khi người lục túi lấy thuốc, người sửa lại bao mang, thì Ba đã nhảy lên khỏi hầm, biến mất trong bóng đêm. Lát sau, Ba trở lại:
-Uống hớp nước, các anh. Chắc khát hung rồi!
Chúng tôi ồn lên vì sung sướng. Trải qua một ngày nắng gắt, một thôi chạy, ai nấy mệt nhoài, khát cháy họng. Những hớp nước
Ba mang lại lúc này thật quý vô cùng. Những đốm lửa thỉnh thoảng lại loé lên từ đầu những điếu thuốc. Có ai đó quẹt thùng diêm làm bừng sáng lên một góc hầm, Ba ngồi ở góc đó, mắt sáng long lanh,vẻ sung sướng. Đột nhiên, có một tiếng kêu: "Chết cha tui rồi!". Ba thảng thốt:
-Chi đó anh?Một tiếng đàn ông ồm ồm đáp lại:
-Trời ơi, cái xắc tài liệu của anh sút đai, rớt lúc nào rồi!
-Cái xắc? Nó mới rơi?
-Chắc vậy, trước khi vượt cánh đồng, anh còn nắn đai nó mà!
Ba ngồi im lặng. Còn anh em khác thì cứ ồn lên trách móc anh cán bộ già đã đánh mất cái xắc:
-Sao không cột đai cho chắc?Anh cán bộ rầu rĩ:
-Cực quá, xắc đó đựng toàn tài liệu quan trọng! Làm sao bây
giờ? Ba đứng vụt dậy:
-Để em đi kiếm về!Có tiếng can ngăn:
-Biết ở mô mà kiếm, em?
-Pháo bắn dữ rứa!
Nhưng Ba đã nhảy phốc lên mặt đất, mất hút trong màn đêm. Cả căn hầm rì rầm, xao động. Có ai đó thốt lên:
-Thằng nhỏ dễ thương quá!
Một giọng khác tiếp:
-Thằng nhỏ mau lớn dữ! Mới cách đây chưa đầy năm, nó chút chun chứ mấy!
Rồi vẫn giọng đó kể:
-Hồi nớ bọn mình đi từ dưới lên, cũng qua vùng ranh này, nhưng đường còn tĩnh, không ác liệt như bữa ni mô. Các ông biết đó, cánh già bọn mình đi bết lắm, đã chậm lại nghỉ nhiều. Thấy giao liên là một chú bé mười hai, mười ba tuổi, bọn mình đòi nghỉ luôn. Cứ đi chừng hơn nửa tiếng lại: "Ba, uống nước cam đã em", hoặc: "Chà, chỗ ni mát rứa, không nghỉ cũng uổng, Ba...".
Ba cứ lặng lẽ chiều theo bọn mình. Nhưng khi mặt trời gần đứng bóng, không nén được nữa, chú bé van vỉ: "Các chú đi mau lên, không quá giờ, trạm trên bỏ trực, con bị phê bình". Rồi nó oà lên khóc.
Một anh cười lớn:
-Ô, thế thì chuyến đi của mình với Ba lại khác hoàn toàn. Bữa ấy không có Ba chắc mình chết mất. Chẳng là bữa ấy, Ba cũng dẫn mình qua bãi trống hồi trưa bọn mình vượt qua đấy. Chẳng may dép của mình tuột quai. Thằng "chuồn đen" ở đâu lại lùi lũi đến. Hoảng quá, mình chạy quýnh cẳng giữa bãi trống. Thằng "chuồn đen" nghiêng cánh, thế là pháo nã tới tấp, tung bụi mù mịt. Mình không biết chạy đường nào nữa. Chính lúc đó Ba lao ra hét lớn: "Nằm xuống!" rồi kéo mình nhào xuống một hố đạn gần đấy. Thằng "chuồn đen" quần lượn nhòm ngó, và mỗi lần nó nghiêng cánh là pháo lại dập tới. Ba ngước mắt nhìn trời, bảo mình: "Anh, chạy theo em nghe!". Rồi Ba kéo tay mình, lao lên. Hễ thằng "chuồn đen" quay đi thì Ba kéo tay mình chạy. Lúc nào nó vòng lại thì Ba kéo mình nằm xoài xuống, giấu thân trong cỏ. Rồi cũng thoát. Hai anh em chạy vào trong xóm ngồi thở. Mình nhìn Ba bỗng giật mình.
Trên đầu Ba một dòng máu đang chảy ri rỉ. Chiếc mũ tai bèo của em đâu mất...
Một anh sốt ruột hỏi:
-Sao? Ba bị thương à?
-Bị thương, Ba bị thương... Nhưng em chỉ nhoẻn cười, đưa tay vuốt dòng máu: "Không hề chi anh, như con vắt cắn thôi". Chúng mình lại đi. Lúc này, một chiếc "tàu rọ" cùng mấy chiếc HU1A nữa bay tới, quần sát sạt bãi nà. Thật hú hồn! Nếu cứ quýnh ở đó thì nóchộp cổ rồi!". Điếu thuốc tắt từ lúc nào anh không hay. Anh móc thùng diêm quẹt quẹt... Bữa ấy, Ba cứ đầu trần vậy mà đi dưới nắng. Một anh trong đoàn có cái mũ lưỡi trai của lính nguỵ, không hiểu lượm được ở đâu, vẫn nhét trong túi ba lô, liền đưa cho Ba, nói mãi chú bé mới nhận. Nhưng vừa chụp nó lên, em lại giật xuống ngay. "Dị òm anh, cái mũ thằng nguỵ coi lấc xấc, thôi trớt". Bọn mình phải xúm lại giải thích mãi, chú bé mới chịu...
Lại một đợt pháo nữa dội tới. Chúng tôi nhổm lên nhìn lại phía cánh đồng. Trong bóng tối, những chớp sáng loé lên liên tục. Tiếng nổ chát chúa. Căn hầm rung lên. Trái tim tôi như có ai bóp thắt lại. Tôi lo cho Ba. Tôi bỗng thấy thương em vô hạn. ở em, sao cái ngây thơ, hồn nhiên lại kết hợp hài hòa với cái cứng rắn đến thế. Tôi bỗng nhớ đến những mầm non ở những cánh rừng bị chất độc hoá học. Những thử thách với chúng thật lớn. Song, chúng vẫn bật dậy mạnh mẽ và xanh tươi mơn mởn. Mỗi khi nhắc lại những ngày qua,Ba hay nói: "Hồi đó em còn bé"... Đúng là giờ đây em đã lớn, lớn vụt lên rồi.. Nhưng những gì ngây thơ của con trẻ, em vẫn còn nguyên.
Những chớp lửa ma quái, những tiếng nổ độc địa cứ chụp lên con đường kia. Những con đường đã biết bao lần in dấu chân em... Ngoài đồng, tiếng pháo vẫn nổ. Còn trong hầm thì im lặng. Chỉ có những đốm lửa thuốc lá loé lên và di động. Anh cán bộ già lại thởdài. Tiếng muỗi vo ve, vo ve thật khó chịu. Đột nhiên pháo im bặt. Sự chờ đợi như bình khí khổng lồ bị nén lại. Rồi, pháo lại gầm lên. Lần này, tiếng pháo nặng lắm và dồn dập hơn. Người có kinh nghiệm nhận ra ngay đó là đợt pháo bầy mà bọn địch thỉnh thoảng
vẫn dùng nhằm huỷ diệt mục tiêu. Tiếng nổ trầm đục là tiếng pháo biển, xuyên sâu xuống lòng đất mới phát nổ nhằm phá hầm hố. Còn tiếng nổ chát chúa là tiếng pháo chụp nổ ngay trên không, toá mảnh xuống giết những người ở trên mặt đất. Pháo từ biển, từ mấy trận địa tập trung dội vào cánh đồng này, mỗi lúc một dồn dập hơn. Ba, em đang ở đâu?
May thay, Ba đã trở về. Em như một làn gió mát rượi của vùng biển quê em đột nhiên tràn tới. Em nói như reo lên:
-Cái xắc đây anh!
Anh cán bộ già nhào ra phía cửa hầm ôm lấy Ba. Nhưng Ba đã nói to:
-Đi, mấy anh! Đi mau về còn nghỉ!
*
Buổi sáng ở đồng bằng thường đến sớm hơn ở miền núi. Mới khoảng bốn giờ, bầu trời đã chuyển sang mầu trắng đục. Chúng tôi dậy nấu cơm. Phải nấu cả cơm sáng, cơm trưa. ở những vùng gần địch, người ta quen làm như vậy.
Ba ăn cơm xong từ lúc nào, đang ngồi băm vụn mấy củ sắn. Bên cạnh em là mấy cái lồng gà. Con gà mẹ xù lông, cục cục. Ba con gà đen thui kêu chíu chít, rúc mỏ qua những kẽ nan. Tôi hỏi:
-Sao có ba con thôi em?
Ba ngẩng lên:
-Bữa địch càn, phải làm thịt con gà cồ. Sợ nó gáy, địch nghe thấy. Gà mái không có cồ, đẻ trứng ra không ấp được. Ba con gà ni, trứng gà rừng nở ra, mà em nói với anh đó.
Ba nhoẻn miệng cười rồi chúm môi "huýt huýt"... Bầy gà con kêu chiêm chiếp... Ba nghiêng đầu, một tay mở cửa lồng, một tay vốc sắn đưa vào trong. Bầy gà tranh nhau mổ sắn trên tay Ba.
Ăn cơm xong, chúng tôi xếp đồ đạc gọn ghẽ, ba lô sẵn sàng. Anh em trong trạm mang những đồ dùng lặt vặt trong nhà như con rựa, thùng nước... giấu vào những bờ bụi quanh trạm. Bầy gà được nhốt vào hai cái lồng lớn. Con heo độc nhất còn sót lại sau đợt càn vừaqua, cũng được cột chân lại, cho vào một cái rọ lớn. Đó là cách nghe ngóng xem địch có càn không. Nếu có thì có thể lánh kịp, không để cho địch phá.
Mặt trời vừa dậy đã nhăn nhó phóng những tia nắng chói chang xuống. Bầu trời cao hẳn lên, vời vợi. Tiếng động cơ xe tăng rú phía xa. Nơi ấy là đồn địch. Vài chiếc tàu rọ quần lượn cao cao. Vài chiếc tàu vận tải bay qua bay lại nặng nề. Có những tiếng pháo điểm cầm chừng. Xa xa lại có tiếng súng máy nổ liên thanh. Và bầy bồ chao ngủ muộn giật mình choàng dậy, hỏi nhau rối rít, tranh cãi nhau loạn xạ. Như vậy là buổi sáng yên lành. Chừng chín, mười giờ có thể đi làm những việc cần thiết.
Anh em trong trạm lục tục mang gùi, rựa, kéo nhau đi. Chỉ còn cô trạm trưởng ở nhà với khách. Chúng tôi lấy võng ra, cột nằm một chút. Căn nhà của trạm đơn sơ, giống như mọi căn nhà của đồng bào vùng ranh này. Nói nhà thì hơi quá, bởi vì nó không phên, vách, không bàn, ghế, giường. Chỉ có mấy hàng cột với hai mái tranh sơ sài. Tuy nhiên, căn hầm lại rất chắc chắn. Nó được đào rộng bằng cả nền nhà, trên lát một lớp cây lớn, lấp một lớp đất dầy. Căn hầm đủ chỗ cho chín mười người cột võng nằm được. Tôi nhìn khắp gian nhà, suy nghĩ mung lung... Cuộc sống của người giao liên vùng ranh này giản đơn vậy đó. Với căn nhà xuyềnh xoàng, với những đồ dùng gọn, anh chị em trụ bám ở một vùng ác liệt, thầm lặng đưa bộ đội, cán bộ qua lại. Họ nối liền căn cứ với đồng bằng. Con đường của ta thành mũi dao thọc vào tim kẻ thù, Hằng ngày, chịu biết bao gian khổ ác liệt, nhưng họ vẫn sống lạc quan, vui vẻ, yêu đời.
Cô San, trạm trưởng, mang sổ ra hí hoáy ghi chép số khách. Xong, cô mở một quyền vở học sinh, lẩm nhẩm đọc:
Em là mạch chứa dòng máu nóng
Em nối liền căn cứ với tiền phương Con đường em cháy bỏng yêu thương...
Đọc tới đó, San cười rúc rích và hỏi tôi:
-Anh, có phải bài thơ ni nói về giao liên chúng em không? Tôi gật đầu:
-Ừ, bài thơ ca ngợi các đồng chí đấy!San lắc đầu quầy quậy:
-Không, chúng em có gì đâu mà ca ngợi!Tôi cười:
-Nói lạ chưa! Đó, như Ba chẳng hạn, thật là một cậu bé thông minh, dũng cảm!
Nghe nói tới Ba, San kể:
-Gia đình Ba tội lắm anh à! Cha hắn làm biển bị bo bo bắn chết cùng hơn chục bà con khác. Nhà chỉ còn hai má con hắn, lại bị bọn địch bắt vào khu đồn.
Xếp chồng công văn lại, cô trạm trưởng hào hứng kể tiếp:
-Rồi đồng bào cũng nổi dậy phá banh khu đồn. Bữa ấy có đội công tác về. Ba bám riết anh đội trưởng nằn nì xin đi. Bị từ chối, hắn khóc dẫy lên rồi kéo tay anh đội trưởng tới chỗ má hắn. Ba vừa nói, vừa nấc, tấm tức: "Má, má nói giùm con... Con đi trả thù cho cha...". Anh đội trưởng không nỡ từ chối. Rứa là hắn theo về huyện. Các anh ở huyện lại chuyển cho trạm chúng em...
Mải nói chuyện, xế chiều rồi mà chúng tôi không hay. Anh em trong trạm đã trở về, mang theo mấy gùi bắp. Những trái bắp nếp bao còn xanh, phốp pháp.
Lại nhen lửa nấu ăn. Trạm bắc một nồi lớn, nấu đầy bắp trái. Cô trạm trưởng tươi cười:
-Hôm nay liên hoan nghe mấy anh!Thế là cả trạm nhộn nhạo cả lên:
-Hoan hô trạm!
-Trạm sang dữ hè!
-Mà sao lại ăn bắp non, uổng chết!
-Không, trạm em không lãng phí mô! Những đám bắp trướcthu hết rồi, trái nào trái nấy khô cứng, hạt rắn đanh. Đám bắp ni bọn em trỉa muộn, nắng quá, héo cả cây, cả trái, để cũng uổng.
Chúng tôi, cả khách và giao liên, quây quần bên rổ bắp bốc hơi nghi ngút. Những trái bắp nếp ngắn ngày trông mỡ màng, ăn dẻo như xôi và ngọt lừ. Ba gặm hết một trái, quẳng cùi vào cái sọt, vui vẻ:
-Các anh xem, trạm em nghèo rứa đó, ăn sắn, ăn bắp thôi! Một anh đế vào:
-Khoai bắp, tình quê rất thiệt thà. Nghèo mà được như ri là quý rồi.
Tất cả cười vang. Sau nhịp cười sôi nổi đó, San đứng dậy dặn dò:
-Các anh ăn xong thu dọn đồ đạc cho gọn nghe! Dây mang cộtcho chặt. Đai dép rút sít vô cho dễ chạy. Ba và anh Phước, trạm trưởng trạm hai mươi sáu, sẽ dẫn các anh đi.
Chúng tôi vượt mấy cánh đồng trống, vượt một con sông thì trời đã nhá nhem tối. Lại vượt qua một bãi tranh lớn. Bãi tranh này bị bọn địch rải xăng đốt trụi, rộng thênh thang như một sân bay. Ba
đi đầu. Phước đi cuối hàng. Khi qua khỏi bãi tranh, bước lên một đồi sim thì Phước vượt lên, khẽ gọi:
-Ba, dừng lại đã!
Chúng tôi cũng dừng lại, đặt ba lô xuống nghỉ. Ba và Phước ngồi chồm hổm bên một bụi sim. Tôi nghe hai người rầm rì:
-Em ở chờ đoàn khách, anh bám đường nghe!
-Không, em bám đường, anh ở chờ!
-Không được, anh quen đoạn đường này hung rồi!
-Không, anh đi họp về, anh cũng là khách thôi. Em là giao liên, em phải bám đường!
-Thằng nhỏ này ngang dữ. Đoạn đường này thuộc về trạm anh. Anh là trạm trưởng, mi phải nghe lời!
Hai anh em vẫn tiếp tục tranh cãi, mỗi lúc một gay gắt hơn. Tôi ngồi nghe, lòng đầy xúc động. Ai đã từng đi qua vùng ranh những ngày ác liệt mới thấy hết ý nghĩa cao quý của sự tranh giành đó. Phía trước kia là con đường xe chạy. Bọn địch thường ra phục kích. Cái chết rình mò trong từng bụi sim, trên từng bước đường.
Cuộc tranh cãi chấm dứt. Có lẽ là Ba thua. Phước đã ôm súng lẹ bước ra phía lộ. Ba hậm hực quay lại chỗ chúng tôi:
-Anh Phước giành đi trước rồi! Các anh ngồi chờ một chút! Nếu nghe anh Phước ra hiệu thì khẩn trương theo em. Còn nếu nghe tiếng súng thì các anh chạy quay lại nhà ông Phấn.
... Bầu trời đen xẫm. Tĩnh mịch. Không một tiếng máy bay. Không một tiếng pháo. Ba ngồi nhấp nhổm không yên. Bỗng một tiếng súng vang lên. Ba bật dậy, lao vút đi. Tiếng súng AR15 nổ loạn xạ như mè rang. Tiếng AK đáp lại, nhịp ba viên một, chắc chắn. Rồi một tiếng lựu đạn M.26 nổ "ầm". Và im lặng...
Chúng tôi ngồi trong nhà ông Phấn, bồn chồn ngóng đợi. Ba đã về kia, tay xách một khẩu AK. Chiếc mũ của em đã văng đâu mất. Mái tóc tơ đẫm mồ hôi, dính bết trước trán. Trong ánh đèn dầu, gương mặt em trông vàng võ lạ. Chúng tôi hỏi dồn dập:
-Phước đâu?
-Phước về chưa?
Ba chỉ ra sân, giọng lạc hẳn đi:
-Anh Phước ngoài đó...!
Chúng tôi xách đèn, đổ xô ra. ánh đèn dầu toả ra sân cỏ một vùng sáng vàng yếu ớt. Hai anh du kích đứng ở đó từ lúc nào, lặng im. Còn Phước thì nằm trên nệm cỏ. Tôi cúi xuống nhìn Phước, xót xa. Phước nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, cánh tay phải bị gẫy nát, cánh tay trái nắm chặt, hơi giơ lên trong tư thế cầm súng bắn. Máu thấm ra ướt cả tấm dù bọc thi thể anh. Chúng tôi đều im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tôi thấy hình ảnh Phước cứ hiện rõ trước mặt, vui tươi, cởi mở. Phước trạc ngoài hai mươi, cao gầy, có nụ cười rất đôn hậu, khiến người ta vừa nhìn thấy là mến, tin ngay...
Hai anh du kích dậm chân, thỉnh thoảng lại chép miệng. Tiếng một anh trầm trầm chìm trong màn đêm: "Lũ chúng mình chậm quá! Nếu đi sớm một chút, đặt kịp mìn ở đoạn trên thì chúng "xoang" rồi, mà anh Phước khỏi hy sinh". Anh kia ngậm ngùi: "Chúng mình có lỗi, đi phục kích lại bị trễ hơn chúng".
Ba từ trong nhà bước ra, giọng thảng thốt:
-Anh Phước, anh Phước ơi!
Các anh du kích lại bên Ba, dỗ dành:
Thôi đừng khóc nữa em! Nhớ trả thù cho anh Phước! Em đi làm nhiệm vụ đi! Dẫn khách đi vào lúc này là tốt hơn cả.
Hình như nghe nói đến nhiệm vụ, Ba tỉnh táo lại. Em lặng lẽ đứng dậy, xách cái bao bột mì loang lổ máu của Phước, mở ra lấy cái võng, tấm đi mưa, đưa cho anh du kích, giọng bùi ngùi:
-Các anh đưa anh Phước đi dùm em!...
Em chỉ cái bao:
-Trong nớ còn một ít hom sắn, anh Phước xin ở trạm em, trù xuống đó trồng. Các anh lấy trồng quanh nơi anh Phước nằm. Anh Phước siêng lắm, cứ rảnh việc là lại cầm cuốc tăng gia.
Quay sang chúng tôi, Ba giục:
-Các anh lên đường nghe!
Giọng em rắn đanh lại. Trong đôi con ngươi còn lóng lánh nước mắt của em, ánh đèn dầu sáng lung linh như hai ngọn lửa. Không hiểu sao, tôi bỗng nghĩ rằng, từ đôi mắt ấy sẽ phát ra những tia sáng diệu kỳ, soi tỏ màn đêm, rạch ròi từng bờ cây, bụi cỏ, rõ lối cho chúng tôi đi...
(Kỷ niệm chuyến công tác vùng ranh Quảng Nam)
Thứ sáu, ngày 9/10/1970
Sáng nay đánh dấu một bước tiến quan trọng của đời tôi. Tôiđược kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam - cũng làĐảng Lao động Việt Nam. Đó là điều tôi ấp ủ từ lâu và cũng là niềm mong đợi của gia đình tôi, nhất là cha tôi.
Buổi lễ kết nạp được tổ chức đơn giản, đúng với nếp đơn giản thường có ở chiến trường. Giữa rừng già kín đáo, trong căn nhàtranh tối tranh sáng, anh em căng một cái tăng rồi treo cờ Đảng,chân dung Hồ Chủ Tịch, khẩu hiệu "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí
Minh vĩ đại!". Tôi đứng trang nghiêm nghe đọc quyết nghị kết nạpcủa Đảng uỷ cơ quan. Rồi tôi đứng lên trước anh em đọc lời tuyên thệ. Xúc động nhiều, tôi nói được ít. Tuy nhiên, đó là những lời nói xuất phát từ trái tim cháy bỏng nhiệt tình của tôi. Từ nay tôi đã làđảng viên dự bị của Đảng. Tôi phải phấn đấu hơn nữa để sau 9 tháng thử thách trở thành đảng viên chính thức. Sự tiến bộ này của tôi, có công lao của anh Lý, anh Vượng. Nhớ có một lần, sau khi vào chiến trường được khoảng một năm, nhân chuyến đi cõng gạo, tôi có hỏi anh Bí thư Chi bộ xem Chi bộ có ý kiến gì về ưu, khuyết điểm của tôi, anh trả lời là chưa ai bàn đến. Lúc ấy, tôi buồn quá. Sự ghẻ lạnh mới đáng sợ làm sao! Nhưng từ khi có anh Lý, tôi đã được quan tâm, dìu dắt. Anh Vượng luôn sát cánh bên tôi, thông báo ý kiến của Chi bộ để tôi biết mà phấn đấu. Cách đây ít hôm, Vượngviết thư cho tôi, báo tin Đảng uỷ đã duyệt trường hợp của tôi, viết rằng khi có ý kiến nhận xét khuyết điểm lớn nhất của tôi là luộm thuộm, anh Sâm (Khu Uỷ viên, Trưởng Ban Tuyên huấn của chúng tôi) cười rất to.
Trưa, tôi và 4 đồng chí khác lên đường đi cõng muối, mua hàng. Trời mưa suốt. Qua Trà Niêu, thấy lúa ở đây bị chết rụi vì chất độc của Mỹ. Máy bay HUIA cũng mới bắn chết 2 con trâu của đồng bào. Họ xẻ hết thịt nhưng còn để lại đó một cái đầu to tướng.
Tới ngày thứ ba, chúng tôi đi qua nơi anh Lê, Bình và Nghị hysinh. Đây là một đoạn đường trong rừng non, lẫn lau lách, khá bằng
-nằm ở đỉnh dốc. Mộ của Lê và Nghị nằm gần nhau, cách nhau một con đường mòn, Nghị nằm chếch phía dưới một chút. Nấm mộ của Lê đắp không cao lắm, hình hơi vuông - có lẽ Lê chết trong tư thế nằm co. con đường đi hơi lấn xuống nấm mộ của Nghị. Bọn tôi dừng lại lấy rựa phát quang những cây lách, dọn sạch phía trên cho mọi người đi tránh mộ Nghị, rồi lấy cây rào quanh nấm mộ. Tôi lặng lẽ làm, suy nghĩ mông lung. Nhớ thương lắm! Mộ của bình nằm dưới đó vài chục mét, được rào cẩn thận, song đất đắp hơi ít nên rất nhỏ bé. ở giữa rừng này, cuốc xẻng không có, làm sao có thể đắp to hơn được Bình ơi!
Về, cõng muối đi trong mưa dầm dề. Người ướt rượt. Bao muối trên lưng ướt mèm, nước nhỏ giọt, nhỏ giọt vào lưng áo, rát vô cùng.
Tới bờ sông Tang, bọn tôi phải dừng lại - nước lũ đã chắn đường chúng tôi. Sông không rộng lắm, song nhiều đá. Ngày thường, nước chỉ tới bắp chân, chảy khá mạnh, song vẫn lội qua được. Mưa nhiều, nước trở nên lớn và hung dữ tợn. Dòng nước đục ngầu, nhấn chìm rất nhiều những mỏm đá trước đây vẫn nằm khô. Nước xoáy vào đá, tung bọt trắng xóa. Chúng tôi cứ ngồi đó nhìn mức nước đang xuống một cách chậm chạp, hy vọng có thể qua được vào buổi trưa. Song,trời đã sầm mặt lại, chuẩn bị một cơn mưa khác. Đành căng tăng ở lại.
Cũng may, đêm không mưa. Trời trong và trăng sáng lạnh lùng. Sáng, nước đã rút bớt, trong lại, song còn chảy rất xiết. Dù sao cũng phải vượt qua. Hàng chục người bị ứ ở hai bên bờ sông đều kéo ra xem xét, la ó. Tạo cởi trần lội dò nước. Cậu ta to, khoẻ nên đã băng được qua dòng sông, dò ra lối lội. Những người đi không theo đó lội qua. Có anh lội qua được một khúc thì bị trôi, nhưng lại dạt được vào mỏm đá gần giữa sông. Có mấy anh nắm chặt tay nhau, cứ thậm thà thậm thụt ở bờ nước, không dám nhào ra. Mấy anh dân tộc lội ào ào, dùng gậy chống đỡ với dòng nước, cứ băng qua và miệng thì la lối, cười nói liên hồi. Những tốp đã qua được bên kia bờ nối nhau thành một cái dây để kéo người đi sau vượt qua đoạn cuối. Họ la: "cố lên, nhanh lên!". có cô gái dân tộc đíu chặt trên lưng một anh - anh ta khoẻ, lội băng sang. Một anh dân tộc nắm tay một cô gái Kinh dìu qua sông. Song khi vừa nhớm chân xuống nước, cô ta liền thụt lại và kêu lên mấy tiếng "choé, choé!" như tiếng vượn vậy. Anh thanh niên đã lội xuống nước, cứ lội tới và kéo tay cô gái. Cô ta vẫn kêu choe choé, vùng vẫy. Khi qua được bờ rồi, để mặc quần áo ướt sũng dính bết vào người, cô ta đứng cười ngặt ngẽo và kêu lên: "Khỏi chết, khỏi chết rồi!". Nhộn nhà nhộn nhạo khắp khúc sông.
Tạo vác bao muối của tôi lội qua trước. Có lúc cậu ta bị trượt chân, lao đao dưới nước làm tôi lo thót tim. Song cậu ta vẫn gượng được, lướt sang bờ bên kia. Cứ thế, Tạo vác 3 bao muối sang. Tôi bị sốt nên chỉ lội người không cũng đủ mệt.
Ngày 15, tôi về đến nhà. Vò đang sốt nặng. Cậu ta nằm ở sạp, thở khò khè. Tôi ngồi bên cậu, cầm tay và gọi: "Vò ơi, Vò ơi!" song cậu chẳng biết gì cả. Người Vò lạnh ngắt, chân tay co lại, chẳng cửđộng gì. Đôi mắt Vò mở, song chẳng nhìn vào đâu cả. Tôi nắm tay
Vò giật giật và gọi: "Vò ơi, có lạnh không?". Cậu hơi cựa quậy một chút, nhưng không nói được mà chỉ: "ự, ự" trong họng. Kiểu này gay đây.
Anh em cho biết Vò đau từ ngày tôi đi tới nay. Cũng sốt rét thôi, nhưng kèm cả đi lỏng. Không có thuốc. Cũng chẳng đủ ngườiđể chuyển Vò vào viện. Đến sáng nay thì Vò không dậy được nữa. Chúng tôi thu xếp cáng Vò đi bệnh viện. Khi được đưa vào cáng, Vò cũng chẳng biết gì. Thật đau xót, buổi chiều 15, khi đưa Vò tới viện thì cậu ta đã tắt thở.
Vò quê ở Ninh Giang Hải Dương. Mới 19 tuổi, Vò đã được kếtnạp vào Đảng - kết nạp ngay trên đường vào Nam. Khi chuyển sang cơ quan chúng tôi, Vò bị sốt rét nhiều, người xanh xao, cơ teo lại. Song cậu ta rất cố gắng. Nhiều buổi trời mưa lạnh, Vò vẫn đi chăn trâu, về còn hái rau cho nhà bếp. Vò rất chịu khó khâu vá, tuy đường kim của cậu ta rất vụng về, chỉ như đường may lược của các cô gái. Giờ đây chiếc mũ Vò may còn đó, chiếc quần cậu ta may bằng vải xé từ ruột nghé ra đang còn dở dang... Bệnh tật cướp Vò đi một cách dễ dàng quá. Trước đó ít ngày mà đưa Vò đi bệnh viện hoặc chỉ cần có ít kí ninh ống, ít Cacofe, B12 tiêm cho Vò là có thểgiữ cậu ta lại được. Đơn giản vậy đó, song thật đau xót, không thể làm như vậy được. Thuốc quá thiếu thốn, không có một ống, mà thuốc viên cũng hết nhẵn. Chúng tôi đi vắng, ở nhà chỉ còn mấy phụ nữ và mấy cậu đau ốm khật khừ, lấy ai khiêng Vò đi được? Cách đây ít lâu, nhìn da Vò xanh dợt, bủng beo, nhìn thân hình Vò gầy nhom, khật khưỡng, tôi nghĩ rằng cậu ta khó mà trụ được với cuộc sống khắc nghiệt này. Có ít viên sâm Triều Tiên, tôi đưa cho cậu ta dùng. Song ăn thua gì kia chứ? Còn đau xót nào hơn nỗi đau xót khi biết trước rằng đồng chí mình có thể chết, lại biết cách để cứu đồng chí mình, nhưng không có điều kiện để cứu, đành chịu thua thần chết?
Từ ngày 20/11/1970
Tôi trở về Ban công tác. Thế là đã qua một mùa rẫy rồi. Phút nào còn bỡ ngỡ với nhát rựa đầu tiên trên rẫy mà bây giờ đã cùng anh em làm nên cả một mùa lúa vàng, mang mùa vàng no ấm chất đầy kho! Ra về, lòng không khỏi lưu luyến. Vì nơi đó đã thấm mồ
hôi của mình trên từng khóm lúa, nương ngô, gốc sắn. Vì ở đó, mình đã rèn luyện trong lao động nặng nhọc và đã trưởng thành.
Lên đến đỉnh dốc cao rồi, tôi quay nhìn lại nơi ở. Nổi lên giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi là một bãi xanh bằng bặn của rẫy sắn lớn của chúng tôi. Tôi rất nhớ những ngày đổ mồ hôi, phát, ráng sức cõng hom để trồng nên 14.000 gốc sắn xanh tốt đó.
Đồng bào nóc ông Chanh bùi ngùi tiễn tôi đi. Tối đó, tôi ngủ lại nóc, dạy bọn trẻ hát và cùng ngủ sạp với chúng. Bà con cho tôi nào nếp, gạo, nào mè, chuối để đi đường ăn.
Ban làm nhà ở gần nóc đồng bào Kà Đong thuộc thôn 4 xã íp.
Lại bắt tay vào chuyên môn. Tôi được phân công đi các ngành lấy tài liệu viết một số tin tổng hợp nhân dịp 20-12. Quả thật, lâu ngày mới cầm bút viết, cũng chật vật.
Tôi cùng các anh Lý, Vượng, Ca ở một nhà, rất thú vị vì hợp "gu" nhau. Bọn tôi quen nhà ông Xây và quan hệ rất mật thiết. Mấy đứa nhỏ con ông Xây rất dễ thương. Chúng tôi kiếm vải may áo chochúng. Ông Xây rất quí chúng tôi, nhà có gì ngon lại gọi ra cho ăn, thỉnh thoảng lại bảo con đem vào cho bọn tôi ít gạo, sắn hoặc chuối... Bởi vậy, bọn tôi tối nào cũng có thứ để xì xụp với nhau.
Lương thực hồi này khá hơn. Ngoài số chúng tôi tự sản xuất ra, còn được cấp gạo "Xã hội chủ nghĩa". ở bến xe, chúng tôi còn 2 tấn gạo, song không có người chuyển về. Cứ chuyển lần hồi vài cõng một.
Trời mưa tầm tã hoài. U ám và mọng nước mãi. Mưa kéo dài cả chục ngày. Tạnh một chút, tưởng đã nắng, lại mưa. Bọn tôi ở cao,trời quánh đặc một thứ mù ẩm ướt. Giá lạnh vô cùng. Đêm nào cũng chất cả một đống lửa to tướng giữa nhà.
Theo chủ trương của Ban, đông đảo cán bộ, nhân viên sẽ đi nước Ta sản xuất lang, rau đông xuân và đi nóc ông Thiên vỡ đất làm ruộng, đến tết sẽ về.
Ngày 26/12, tôi lên đường đi nóc ông Thiên. Trời vẫn mưa dai dẳng.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Miền Trung Trung Bộ. 1/12/1970 .
Bố mẹ và các em yêu quý !
Hôm nay có anh Thành và anh Dân ra Bắc, con tranh thủ viết thư thăm gia đình.
Hồi này con vẫn khoẻ. Qua gần 3 năm công tác ở chiến trường, con đã già dặn, cứng cáp lên nhiều và cũng đã có những bước tiếnđáng mừng. Ngày 9-10-1970 con đã được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Bố mẹ ạ, để có ngày vinh quang đó, con đã phải cố gắng rất nhiều. Như bố mẹ biết đó, hồi con đi do không có thì giờ, không lấy kịp giấy sinh hoạt đối tượng nên vẫn là quầnchúng trơn. Khi đi trên đường, sinh hoạt của Đoàn cũng lỏng lẻo nên mặc dù con rất cố gắng vẫn không được chú ý tới và khi vào cơ quan, con vẫn chỉ là một đoàn viên thường. Tuy nhiên, con luôn xác định cho mình là phải kiên trì phấn đấu nên trong công tác, sinh hoạt con vẫn luôn hăng hái, phấn khởi, không tỏ ra sốt ruột, thắc mắc. ở đây, khó khăn, gian khổ đã thử thách con và tạo điều kiệncho con phấn đấu, thể hiện bản chất của mình. Các đồng chí Đảngviên và các đồng chí lãnh đạo cũng luôn giúp đỡ con. Đặc biệt có anh Huỳnh Ngọc Lý (có vợ người miền Bắc, ở Hải Phòng) rất tận tình giúp đỡ con từng ly từng tý và rất tích cực nêu vấn đề của con ra trước chi bộ. Tới tháng 10/1969, đáng lẽ con được chuyển lên đối tượng, song thời gian đó, trong dịp di chuyển cơ quan, con lại sơ ý để mất của cơ quan một cái đài bán dẫn nên bị để lại. Sau đó con được phân công đi sản xuất, tự túc lương thực cho cơ quan. Khi gác bút, cầm rựa, con phải vượt qua bao bỡ ngỡ, mệt nhọc để làm quen với công việc. Tạị đây con được anh Bá (cũng là chi uỷ viên như anh Lý) hết sức gíup đỡ. Con đã thắng mọi mệt nhọc, khó khăn, luôn là cá nhân xuất sắc của đơn vị, là đoàn viên 4 tốt nên chỉ sau 3 tháng
sản xuất (tháng 5/1970) con đã được chuyển lên đối tượng và tới tháng 7 thì được chi bộ kết nạp. Toàn chi bộ nhất trí 100% về việc kết nạp con và cho con hưởng thời gian dự bị là 9 tháng (lẽ ra đối với một tiểu tư sản học sinh là phải 12 tháng). Do giao thông liênlạc khó khăn, việc chuyển hồ sơ của con lên Đảng uỷ và nhận Quyếtnghị của của Đảng uỷ về bị chậm trễ nên hơn 2 tháng sau con mới được kết nạp. Hiện nay, con đã trở về cơ quan làm công tác chuyênmôn và tiếp tục phấn đấu để trở thành Đảng viên chính thức. Trong dịp bình bầu khen thưởng cuối năm, con được bầu là Chiến sĩ quyết thắng (thấp hơn chiến sĩ thi đua một bậc). Hiện nay con được cử làm Bí thư chi đoàn thanh niên của cơ quan. Con luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức và khiêm tốn học hỏi các đồng chí lớn tuổi để làm thật tốt nhiệm vụ của mình, trở thành người cán bộ thật tốt củaĐảng.
Bố mẹ kính yêu! Sống xa gia đình con luôn nhớ đến bố mẹ và các em. Tuy nhiên, gần một năm nay con không nhận được lá thư nào của gia đình cả. Bố mẹ cố gắng hỏi chị Tú ở VNTTX cách gửithư cho con sao cho nhanh nhé. Hiện anh Đức đã về chưa và công tác ở đâu? Việt, Ngọc có hay về thăm nhà không? Diệp, Lan, Thuỷ học có giỏi không? và lớn nhiều chưa? Con rất mong gia đình gửi ảnh cho con.
Con có mời anh Thành, anh Dân đến thăm gia đình. Hai anh này sẽ trở vào chỗ con sau khi nhận máy móc. Bố mẹ nhớ gửi thư để2 anh ấy cầm vào giúp. Nếu anh Đức có đồng hồ thì mẹ gửi cho con một cái, con rất cần vì đi rừng núi không có đồng hồ khổ lắm. Con cũng cần một ít tiền để mua sắm đồ dùng và bồi dưỡng, bố mẹ gửi cho con với (gửi tiền 10đ của miền Bắc, vào đây con sẽ đổi ra tiền miền Nam). Anh Thành là bạn thân của con nên nếu gửi anh ấy mang được là rất chắc chắn, hoặc nhờ anh ấy nhờ người mang hộ cũng tốt.
Cuộc sống của chúng con vẫn rất gian khổ, giá sinh hoạt đắtđỏ, nên khó có điều kiện cải thiện đời sống. Ăn uống chủ yếu vẫn là sắn, bắp và rau rừng. Bắp được coi là gạo chứ không phải là thức ghế. Chúng con đang cố gắng sản xuất, đánh cá, săn bắn để nâng
cao mức sống của mình. Sang năm, chúng con có thể được phát tiền ăn gấp đôi mức hiện nay. Nếu vậy thì mức ăn uống có thể khá hơn.
Bố mẹ ạ, điều đáng mừng là con đã gắn bó được với đồng bào Thượng ở căn cứ như hồi ở Sơn La con gắn bó với đồng bào Thái. Con đã nói được tiếng Kà Dong và được đồng bào rất thương yêu. Nói chung, cuộc sống của bà con ở đây còn khổ lắm, còn thiếu mặcvà lạt muối. Đồng bào đã tổ chức được những tổ vòng công, hợp tác để đẩy mạnh sản xuất.
Con rất nhớ cụ, bà ngoại, ông bà trẻ, cô Chung, cậu Hiếu và các em. Con rất mong nhận được thư của những người thân thích trong gia đình.
Bố mẹ không nên quá lo lắng cho con, vừa qua chị Sáu ở cơ quan con có viết thư nói gia đình hay đến hỏi tin con và nói con ít viết thư về nhà. Thực tế, con cũng rất tranh thủ viết, song việc gửi rất khó nên thư ít tới tay gia đình. Do vậy việc bặt thư con dăm bảy tháng là chuyện thường, bố mẹ chớ lo.
Con gửi lời thăm các cô chú trong cơ quan bố.
Con của gia đình. Việt Long
Năm 1971
Ngày 1/1/1971
Năm mới đến trong cái mưa dầm dề dai dẳng. Trời mù suốt vàcứ mưa rả rích. Tôi đón năm mới trên đường đi nóc Ông Thiên. Một mình cắm cúi bước trên đường trong cái lạnh ướt. Một mình ngủgiữa rừng thấy buồn tẻ vô cùng. Đêm đầu, cột võng ngay bên đườngmòn, súng ngắn để trên bụng và ngủ yên lành tới sáng. Đêm thứ hai vào một khu cơ quan bỏ hoang bên sông, thấy ấm áp hơn.
Đến cơ sở sản xuất lúc anh em đang cuốc ruộng. ở đây đang vỡ hoá lại cánh đồng bị bỏ hoá từ mấy năm trước đây. Những thửa ruộng cao bị cỏ tranh bao dày. Những thửa ruộng cũ bị sình lầy và cũng dầy đặc cỏ.
Chúng tôi dùng cuốc vỡ ruộng. Sình lầy quá đỗi. Dẫm thụt đến quá đầu gối. Cuốc, ra sức cuốc. Cỏ kết bè lại, nhùng nhằng. Nước bùn thấm vào da thịt lạnh ngắt và rất ngứa. Da thịt ửng đỏ lên, ngứa muốn điên lên. dầm trong nước lạnh và bùn lầy, bọn tôi vẫn vỡ từng đám ruộng một. Chúng tôi còn có cái thú là bắt chim cuốc -Tô biết làm loại bẫy bằng tre thít cổ chúng.
Chẳng bao lâu ruộng đã bờ liền bờ, phẳng phiu, đủ cho chúng tôi cấy 6 ang giống. Mạ cũng đã được gieo.
Ngày 16/1/1971
Mấy hôm nay trời đã hửng nắng. Bầu trời cao, xanh, xen những đám mây trắng xốp. Những tia nắng le lói chiếu trên khắp núi rừng, xua tan dần cái ẩm ướt, lạnh lẽo. Bọn địch lợi dụng trời nắng hoạt động dữ. Moranh quần lượn suốt. "Rọ", "gáo", HU.1A (các loại máy bay trực thăng trinh sát và chiến đấu) luôn luôn chúi vào các hẻm núi dòm ngó. Có khi "rọ" còn lách theo bờ sông dùng cánh quạt ở đuôi quạt tung từng bụi cây để tìm người, nhà cửa. Cái thứ tầu "rọ" này đáng ghét lắm: chúng nhỏ bé nên luồn lách khắp nơi, sàxuống thấp dễ dàng. Đã thế, chúng chỉ có bộ khung bằng kim loại,
còn lại bọc bằng nhựa trong suốt nên quan sát rất dễ. Rất nhiều đồng chí của tôi đã bị "rọ" kít xuống bắn chết hay bắt sống.
Chúng phát hiện ra xóm nhà của nóc ông Điền. Thế là lũ HU.1A và tầu rọ bu đến bắn đại liên, phóng rốc két, cối... Một chiếc máy bay cánh dơi quần lượn suốt, thả hết tràng bom này tới tràngbom khác. Chúng đánh phá như vậy suốt 3 ngày liền. Đêm, chúng còn bắn pháo cấp tập đến nữa. Không hiểu đồng bào bị thiệt hại ra sao?
Ngày 22/1/1971
Tôi cùng Tô, Tùng mang nếp, gà về cơ quan ăn tết.
Ráng tới bờ sông Tranh khi trời đã nhoà tối. Gọi đò hoài mà không ai đáp. Trời lại rắc xuống một trận mưa, lạnh vô cùng. Chúng tôi lội ngược suối, định lên đơn vị sản xuất gần đó ngủ nhờ. Nhưng khi vừa bước vào nhà, đã nghe giọng nói chẳng lấy gì làm thân thiện lắm: "Các anh định ngủ nhờ hả, không được đâu!". Tính tôi không thích kèo nèo. Tô, Tùng cũng vậy. Thế là lại quay ra bờ sông mưa lạnh.
Dăng tạm tăng ở lại bờ sông mà ngủ. Tô bỗng kêu thét lên. Hoá ra cậu ta vịn vào cây, vớ trúng con rắn lục. Loại rắn này mầu xanh lá cây, sống trên cây nhưng chỉ hoạt động vào ban đêm. Nọc chúng rất độc, có thể giết chết người như không. May mà lúc này còn ánh mặt trời, con rắn đang ngủ, chỉ phản ứng một cách chậm chạm. Tô dùng rựa chém chết con rắn. Chỗ này dốc, nhiều đá nên chúng tôi cột võng không thoải mái chút nào, đầu cứ chúi xuống phía sông.Ăn chút cơm nguội. Rồi leo lên võng nằm. Gần sáng, cái tăng bị đọng nước, đổ một vũng xuống võng Tô làm cậu ta ướt mèm. Tô làu bàu: "Ngồi vậy thôi". Tuy nhiên, vẫn cột võng tránh chỗ nước và lại ngủ thiếp đi - mệt quá mà. Nghe mấy quả pháo nổ gần gần.
Từ 24 đến 30/1/1971 - Xuân Tân Hợi
Chúng tôi đón xuân mới tại cơ quan. Trời chẳng có gì là xuân cả vì cứ u ám suốt và lạnh vô cùng.
Thật là tai hại, cái con heo to lớn mập mạp của cơ quan lại bị bệnh gạo - phải chôn. Do vậy quá nghèo thịt. Anh em kháo nhau rằng đó là điều may, năm mới sẽ tha hồ gạo mà ăn.
Tuy nhiên, về tinh thần thì khá thoải mái. Chúng tôi họp tiểu ban, đại hội chi bộ trước tết, còn đến giao thừa và ngày 1, 2 đều được nghỉ. Tôi và Vượng thức suốt đêm nghe đài, tán chuyện tào lao.
Đồng bào cũng vào ăn tết với chúng tôi. Cơ quan đãi bà con một bữa khá thịnh soạn. Bọn tôi cũng dành kẹo bánh đem biếu nhà ông Xây - cơ sở của chúng tôi.
Ngày 4/2/1971
Nhà ông Xây cho chúng tôi một con heo nhỏ. Bọn tôi mổ thịt và mang về nấu. Nhà chỉ có 3 anh em. Xì xụp lúc cúc nấu nướng suốt buổi tối. Kể ra đây cũng là một việc hiếm có.
Trời vẫn mù, mưa nhỏ hạt. Lạnh vô cùng. Chúng tôi chất lửa suốt đêm ngày.
Ngày 8 - 16/2/1971
Tôi đi cõng gạo "Xã hội chủ nghĩa". Đây là loại gạo được chuyển từ miền Bắc vào chứ không phải loại gạo mua từ đồng bằng miền Nam lên. Nói chung, những gì liên quan đến miền Bắc, chúng tôi đều gắn với 4 từ Xã hội chủ nghĩa: "gạo Xã hội chủ nghĩa", "đường Xã hội chủ nghĩa", "thuốc Xã hội chủ nghĩa"...
Chúng tôi đi về phương Bắc. Ngoài tết rồi mà trời vẫn mưa lairai. Đường nhão nhầy, trơn truội. Đi qua con đường mà cách đâygần 3 năm tôi đã đi qua khi hành quân từ Bắc vào. Đến nước Kiết trạm Dân cũ - Tôi ngồi ngắm nhìn cảnh vật, lòng đầy suy nghĩ. Dòng suối này tôi thường ra câu cá và mỗi khi đi mót sắn về lạicõng gùi sắn qua để vào bãi khách phía trong kia. Ôi! những ngày đói kém, gian khổ đầu tiên đến thử sức bọn tôi có lẽ là ở đây đây.
Lại đi qua con sông Nước Mỹ. Dòng sông đầy những tảng đá khổng lồ. Người ta lấy gỗ bắc qua những tảng đá đó để làm cầu đi qua sông. Hồi vào, bọn tôi đi qua đoạn sông này. Phía bãi cát có những bụi rù rì duyên dáng, tôi và San từng ra đó chụp ảnh - bao năm trôi qua rồi, song cảnh vật không khác chi mấy.
Trời lạnh vô cùng. Đêm ngủ, thấy võng giá ngắt như ướt sũng nước. Sơn và Khoa cột sát võng, nằm chung bọc võng cho ấm. Tôi mang đủ màn, áo ấm mà vẫn lạnh không sao ngủ được. Trời nắngđược 3, 4 bữa. Đường ráo một chút, song có những quãng lầy, bùn lại đặc quánh lại, dính dép nhằng nhẵng. Rồi lại rắc mưa xuống, nhớp nháp.
Đường dốc vô kể. Những cái dốc đứng sựng trơn truội. Xuống dốc, thần kinh căng như dây Mi của đàn Măng đô lin. Có một anh đã sảy chân ngã, bị sứt 2 cái răng. Tôi phải dùng gậy chống, dò từng bước đi xuống. Lạnh mà mồ hôi vẫn tuôn ra. Ngồi nghỉ một chút, mồ hôi rao ráo lại lạnh vô cùng, phải đi ngay. Ngán nhất làlúc ăn cơm trưa. Ăn vào rồi, thấy run lên vì lạnh. Không muốn ngồi lại chút nào, tuy biết rằng ăn xong mà đi ngay là rất hại, rất ác với cái dạ dày.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 19/3/1971
Bố mẹ kính mến!
Có anh Phò ra Bắc chữa bệnh, con gửi thư nhờ anh ấy mang ra và mời anh ấy đến chơi nhà. Anh ấy cùng ở tiểu ban, cùng tổ đảng với con. Anh ấy sẽ kể nhiều chuyện về con cho gia đình nghe.
Bố mẹ ạ, hoàn cảnh gia đình anh Phò cũng tội, vợ, con anh ấy đều ở đồng bằng, lâu nay không liên lạc gì được. Nay anh ấy bị bệnh, không có đủ sức khoẻ, phải ra Bắc, anh ấy cũng buồn. Mong
gia đình đối xử với anh ấy thân mật, đầm ấm như người nhà để anh ấy vui.
Bố mẹ muốn gửi gì cho con thì nhờ anh Phò gửi cho nhanh và bảo đảm. Gần một năm không nhận được tin tức gia đình, con buồn quá.
Thôi, chúc bố mẹ khoẻ, các em ngoan, học giỏi. Anh Phò sẽ nói chuyện nhiều cho bố mẹ nghe.
Con đã dặn anh Phò nếu có điều kiện thì chụp ảnh gia đình để gửi cho con. Con mong ảnh gia đình lắm,
Con của gia đình. Việt Long
Ngày 22/3/1971
Lý rủ tôi xuống ngọn nước Ta để kiếm cá. Dụng cụ mang theo là hai cái cần câu và một cái lưới rách nát, đứt xiên và chỉ có vài cái phao.
Chúng tôi mang gùi đi - cả võng, ăng gô, gạo, rựa, súng... ở núi rừng này phiền phức thế đấy, đi khỏi nhà một đêm là phải mang đủ thứ lích kích.
Đến nơi, đã xế chiều. Tôi kiếm chỗ dăng tăng, kiếm củi nấu cơm. Lý đi thăm chỗ câu và rải lưới. Tối xuống nhanh quá, hai anhem ăn vội mấy miếng cơm rồi vác cần câu đi. Đầu tiên, chúng tôi ngồi câu cá ở gần một thác nước. Thác nhỏ thôi nhưng dựng đứng. Nước đổ xuống trông như bức tường đá, bắn bọt khắp một vùng. Dòng nước chảy mạnh, xô khối không khí quanh đó chạy dạt về phía trước, tạo thành một luồng gió mạnh. Thành thử ngồi đó luôn có cảm giác trời mưa gió lạnh lùng. Cá chẳng cắn câu gì cả. Chúngtôi vượt lên thác. Đá trơn, không có bậc, nên vượt thật vất vả. Phải bám vào rễ cây, dây rừng mà đu người lên. Trời tối thui. Lội qua suối, tôi bị hẫng chân vào một hũng sâu, ướt cả hai ống quần.
Câu chán ở trên không được, bọn tôi lại lần xuống dưới thác. Phải dò từng bước xuống. Trời dậm doạ mưa. Vội về dăng tăng. Bấm đèn, dứt dây rừng để dăng tăng. Tới nửa tiếng đồng hồ mới xong. Lý đi thăm lưới. Cá cũng mắc. Cả câu, cả lưới được 9 con, mỗi con to bằng 2 ngón tay!
Ăn tiếp chút cơm còn lại. Mưa. Rải vội lưới, thả lưỡi câu Chình rồi về nằm.
Mưa rả rích. Rồi mưa lớn dần. Hai anh em nằm chung một tăng. Nước mưa hắt làm ướt cả bọc võng. Song không lạnh lắm.
Bốn rưỡi sáng, Lý thức tôi dậy. Mưa nặng hạt hơn. Sông réo ầm ầm. Chắc nước đang lên. Lý lo lưới bị cuốn mất. Anh nhấp nhổm muốn dậy. Tôi viện lý là ở đó nước quẩn, không trôi lưới được, khuyên anh nằm lại đợi sáng đã. Nhưng rồi anh vẫn dậy, bấm đèn ra gỡ lưới. Anh mang về một gói lưới. Lá dính đầy lưới. Cũng có 5, 6 con cá. Lại cả một chú cua, một chú ếch nữa. Chúng tôi gỡ ra, cho vào ăng gô. Cả thảy có 14, 15 con cá, một con ếch, một con cua - đó là chiến công của chúng tôi sau gần 2 tiếng vượt dốc, lội suối và một đêm hì hục lần mò, dầm mưa kiếm chác.
Nước sông lên to. Bọn tôi bàn nhau phải xuyên sơn về. Chẳng thèm nấu cơm sáng nữa. Thu dọn đồ rồi lội thử qua sông. May quá, cũng được. Tiếp tục lội ngược sông, vượt hai thác, leo dốc về cơ quan. Tôi cho rằng đó là một thất bại. Lý nói rằng không thất bại, vẫn là thắng lợi. Tôi nói rằng phải trả giá mấy con cá đắt quá. Lý nói rằng không đắt, vì nước lớn, lẽ ra phải mất lưới cơ.
Về nhà nấu cơm ăn. Anh em để phần thịt mang xào, thịt mang nấu mì chay. Và trưa đó mỗi người được một nửa con cá do chúng tôi kiếm. Kiếm ăn đâu phải chuyện dễ!
Hồi này địch tập trung xâm lược Nam Lào nên chỗ chúng tôi khá yên. Ngày, đêm có những chuyến máy bay phản lực vội vã bay qua đầu chúng tôi, lướt về hướng Bắc. Cứ hôm nào có máy bay bay nhiều, y như là hôm đó ngoài ta đánh mạnh, thắng lớn.
Ngày 19/3/1971
Nghe tin ta đánh thắng Bản Đông. Thật lý thú khi nghe những tin, bài phản ánh sự thắng lợi đó. Ngày 23, quân ta làm chủ hoàn toàn Nam Lào. Chúng tôi say sưa ghi chép tin tức chiến thắng. Anh Phi chỉ thị phải có kế hoạch tuyên truyền tập trung cho chiến thắng này. Tập thể bàn bạc, sau nửa tiếng vạch xong kế hoạch cụ thể. Bàivở soạn kịp thời, vẽ cả bản đồ nữa. Đem in kịp thời tập tài liệu về chiến thắng đó để chuyển về các tỉnh cung cấp xuống cơ sở.
Anh em tổ chức liên hoan mừng thắng lợi. Trong 2 ngày liền đổi được 2 con lợn - thế là rôm rả.
Phong trào cải thiện lên khá. Tổ đánh cá thỉnh thoảng lại gửivề một thùng cá muối. Đó là thành quả của việc cả tổ lặn lội suốt ngày đêm ở Nước Ta.
Đêm 27 rạng ngày 28/3, quân ta tập kích cứ điểm Xã Đốc. Suốt đêm, ở xã đó vang lên tiếng súng, tiếng máy bay. Nghe tin diệt gọnmột tiểu đoàn Mỹ ở đây. Địch phản ứng yếu ớt. Chúng bắn pháo vu vơ vào các vùng xung quanh. Máy bay trinh sát cứ bay rít nhặng xị trên bầu trời nơi chúng tôi ở suốt ngày, đêm. Pháo chúng câu tới vùng này, song còn cách chúng tôi vài chục phút đi bộ.
Suốt 3 ngày 27, 28 và 29/3, quân và dân Trung Trung Bộ tiến công dồn dập hàng trăm vị trí địch, diệt hàng ngàn tên Mỹ, nguỵ. Tình hình chung toàn chiến trường rất tốt.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 6-4-1971
Long thân yêu của mẹ!
Thấm thoát con xa gia đình đã gần 3 năm rồi, gia đình nhớ con nhiều lắm, mẹ cứ thấy người ta ra ngoài này bồi dưỡng sức khoẻ hoặc được ra hẳn, mẹ mong con cũng được ra quá mà chả biết bao
giờ con mới được ra. Kỳ này có đoàn vào để thay thế cho một số trong ấy ra, chả biết con có được ra không?
Hôm mẹ vào thăm anh Thành, mẹ cũng mua thuốc lá và đem kẹo vào biếu anh ấy và mẹ có dặn khi nào anh Thành ra viện thì thế nào cũng đến nhà chơi một ngày và anh Thành cũng chưa thể vì còn nhiều chuyện nhưng đến bệnh viện không tiện nói nhiều.
Vì bố được tin tổ chức đến báo là có đoàn vào, có gửi gì cho con thì gửi cho nên mẹ tạm gửi 50đ và 20v thuốc tetracylin thay Biomycin. Khi nào con sốt hay viêm họng thì con dùng và còn một số thuốc viên trắng là nhung viên, anh mua cho mẹ dùng nhưng còn 70 viên mẹ gửi cho con dùng, một ngày uống 3 viên thôi, mẹ rấtmuốn gửi nhiều thứ cho con nhưng sợ họ không nhận. Đây là mẹ cứ chuẩn bị sẵn còn mai đem lên xem chị Sáu có nhận cho không? Mẹ đổi 5 tờ giấy 10 đ mới tinh để gửi cho con đấy, còn bao giờ anh Thành vào, mẹ có điều kiện lại gửi thêm tiền cho con, con chỉ để bồi dưỡng thôi không cần mua bán gì cả, mẹ chỉ cốt con còn khoẻ mạnh, về với gia đình là tốt rồi. Hồi này các em bận học thi cả, chưa viết thư cho con được, thi xong các em sẽ viết cho con. Em Phúc còn một năm nữa là về rồi.
Nếu mẹ gửi được các thứ vào mà con nhận được thì con trả lời mẹ để mẹ còn gửi kỳ sau, con cứ viết sẵn thư khi gặp ai ra là con gửi thì tiện hơn, ở nhà mỗi khi ăn gì mà món ăn con thích thì mẹ lại nhắc đến con luôn, con cố gắng phấn đấu cho tốt và giữ gìn sức khoẻ, đừng chủ quan, khinh địch, gia đình rất mong con được về đoàn tụ cùng gia đình ngày gần nhất.
Thôi thư đã nặng rồi, mẹ chỉ viết được thế thôi, chả sao mà nói hết lời mấy con được.
Bố mẹ và gia đình chúc con khoẻ mạnh.
Mẹ chụp ảnh gửi gấp cho con để con mừng.
Mẹ .
Ngày 9 tháng 4
Tôi và Vượng được cử đi công tác thực tế. Đó là ao ước suốt 3 năm nay của chúng tôi. Tôi sẽ đi Quảng Nam, Vượng đi Quảng Ngãi. Chúng tôi mau chóng chuẩn bị vài thứ cần thiết để đi sớm. Anh Phi (Phương) căn dặn chúng tôi nhiều. Nói chung anh tỏ ra khá lo ngại cho chúng tôi vì chuyến đi này là chuyến đi đầu tiên, chiến trường lại ác liệt. Anh bảo: Xuống địa phương, ở làm việc với Tuyên huấn và Văn phòng Tỉnh ủy - kết cho chặt, cùng làm việc khoảng 15 ngày. Xuống huyện 15 ngày rồi đi huyện khác. Những tin có thể điện về Khu: Phá khu dồn, mở mảng vùng giải phóng, phá rã phòng vệ dân sự, binh biến, khởi nghĩa trong quân ngụy, đấu tranh chính trị lớn - nên viết gọn, rõ. Những tin tổng hợp về phong trào, về huyện. Làm ngay tin chống bình định, giành dân của tỉnh: đánh bọn kìm kẹp, diệt ác ôn, làm rã địch, phá khu dồn, xây dựng vùng giải phóng như thế nào? Phong trào du kích chiến tranh
-của tỉnh, huyện. Phong trào đấu tranh chính trị - có thể viết tổng hợp hoặc gắn với tin về nổi dậy. Những mẩu chuyện về du kích, đấu tranh chính trị, sản xuất, người tốt việc tốt - nêu rõ hành động, suy nghĩ, nhưng viết ngắn gọn. Có thể xuống một xã nhưng không ở lâu.
Ngày 10 /4/1971
Chúng tôi phấn khởi lên đường xuống Nước Ta.
Ở đây tổ Đảng tuyên truyền họp. Cuộc họp không thú vị gì, vì là buổi kiểm điểm một số khuyết điểm. Vấn đề đặt ra: tại sao Tuyên truyền có quỹ riêng 5.000đ? Có phải là tham ô tập thể không? Câu chuyện này đáng lẽ lùi vào dĩ vãng rồi. Số là hồi năm 1969, các bộ phận đều có cơ sở sản xuất tự túc riêng. Tới cuối năm này, qua đầu năm 1970 thì các chi bộ giải thể, trở thành tổ đảng, cả cơ quan thành một chi bộ, và các bộ phận sản xuất nhập chung lại. Qua việc thanh toán với quản trị, anh Tần Phồ (phụ trách sản xuất của Tuyên truyền) báo cáo còn thừa 5.000đ, nhưng anh em thắc mắc: số tiền đó còn nhiều hơn. Anh Nặng (phó tiểu ban) lúc này làm rất hăng. Anh nói: "Tôi phát hiện ra còn 27.000 đ cơ! Song để anh Phồ đi công tác, xong hãy hay". Sau tết, anh Phồ về mua một số hàng.
Rồi lại có chuyến anh Phồ đi Quảng Ngãi mua một số hàng nữa. Rồi thấy anh Nặng im, không nói đến chuyện tiền nong nữa. Mãi đến cuối tháng 3/1971 , khi 2 anh này yếu sức khoẻ, phải ra Bắc và bàn giao 5.000 đ lại, cơ quan mới biết. Nhưng 2 anh đã đi rồi. Chuyện xấu để lại nơi này.
Anh em phát biểu rất công phẫn. Phải nói, nơi sản xuất của Tuyên truyền khá tách biệt với cơ quan. Tần Phồ lúc đó là phó bí thư chi bộ, phụ trách tổ sản xuất. Lối lãnh đạo của anh ta độc đoán. Nhất là về kinh tế, anh ta khắc làm, khắc thanh toán với quản trị và có nhiều lúc rất sai nguyên tắc. Ví dụ: trả công cho đồng bào bằng hiện vật đều tính cao hơn giá thực mua để lấy lãi, bán 20 ang bắp để lấy tiền liên hoan v.v. Nói chung số tiền thu là bất hợp pháp, phải trả cơ quan. Chỉ có số tiền bán chất độn (ngô khoai) là chính đáng và lẽ ra phải chia cho số anh em sản xuất ở đó. Nhưng bằng thủ pháp dối trá, Phồ đã hợp pháp hoá số tiền đó và nhập cục lại thành một quĩ. Rồi anh ta làm một bản danh sách dài dặc về những buổi liên hoan, bồi dưỡng để trừ số quĩ đó đi. Nhưng thực ra, những món chi đó, anh em đã trả rồi. Tức là Phồ thu tiền hai lần. Rõ là có tham ô trong đó.
Còn Nặng, anh em nghi là có liên quan đến vụ này - có thể chấm mút gì ở số tiền đó chăng? Tại sao lúc đầu anh ta làm hăng thế, sau hai chuyến anh Phồ mua hàng về lại im đi? Anh em thắc mắc, anh ta bảo: cứ bình tĩnh, nôn nóng hỏng việc. Anh ta báo cáo lên trên là ổn thoả cả rồi. Những nghi vấn của anh em đều bị ứ lại ở anh - anh đóng vai trò cái cửa cống xập xuống làm nghẹn lại những rác rưởi ở bên kia. Lãnh đạo không rõ chuyện này. Anh ta dùng mọi thủ đoạn để bịt mọi chuyện. Chi, Tân, Tứ... đều bị phân công đi sản xuất, không được sinh hoạt với Tiểu ban, không nêu được thắc mắc. Những anh em khác ở nhà thì không biết, hoặc biết lờ mờ. Thế là anh ta đi thoát ra miền Bắc.
Rất tiếc là sự phát hiện quá chậm, như người ta bắn vuốt đuôi máy bay vậy, chẳng ăn thua gì, còn người bắn thì chịu tiếng nổ và khói của chính mình bắn ra!
Nặng người trong này. Ngay từ lúc mới gặp, nhìn đôi mắt anhta đã thấy khó tin. Đôi mắt sâu song con ngươi lại hơi lồi, nhiều lòng trắng. Con mắt hay nhìn trộm và nhìn cái gì cũng rất nhanh. ở bắp đùi anh ta có một cái bướu thịt rất lớn, phải to bằng bầu vú của phụ nữ. Có lần ngồi nghỉ ở một nhà đồng bào, thấy mấy cô gái dân tộc nhìn cái bướu vẻ tò mò, Nặng đưa tay xoa xoa, nắn nắn cái bướu như kiểu người ta xoa nắn bầu vú phụ nữ, thế là mấy cô gái đỏ mặt, lảng đi hết. Lúc gần đi, Nặng phong toả anh Huỳnh Ngọc Lý - chi uỷ viên - dữ. Anh ta dựng đủ chuyện nói xấu sau lưng anh Lý hoặc báo cáo với lãnh đạo: nào là lấy cốc đổi chuối, nào là đổi rựa, nào là kèn cựa, địa vị. Phải nói, anh Lý cũng phải lao đao vì cú đánh nham hiểm đó.
Trong buổi họp, có lẽ quá xúc động, Lý nói rằng tổ chức Đảng bị lừa, tập trung đánh vào anh! Nói vậy là thái quá.
Anh Châu Hoàn - Bí thư chi bộ - nói rằng anh Nặng đến nỗi nào nham hiểm dữ vậy? Anh em tập trung vạch cái nham hiểm của Nặng. Tôi còn nhớ, anh ta từng lấy làm hãnh diện kể với chúng tôi câu chuyện: hồi ở Bắc, một hôm anh ta và một số bạn bè rủ nhau đi ăn hàng, ăn rất nhiều, song ai cũng nói quên tiền ở nhà. Nặng bảo để anh ta về lấy tiền. Thế là xách xe đạp đi thẳng một hơi. Các ông bạn tha hồ chờ!...
Châu Hoàn rất hiền lành, thật thà, cần mẫn, đáng mến. Anh không tin chuyện ấy cũng phải thôi. Anh là hoạ sĩ, song tham gia sản xuất nhiều hơn là vẽ. Anh mặc bộ bà ba xám thùng thình, đội cái nón rách, vai khoác một cái xắc cốt to quá khổ, tay cầm con rựa lúi húi với công việc suốt ngày. Thường, anh đi sớm, về muộn, ít có bữa cơm ăn cùng với anh em. Song có lúc anh khắc khổ một cách thái quá. Có khi anh tự soi gương và cắt tóc mất cả tiếng đồng hồ. Trong khi đó rất nhiều anh em sẵn sàng cắt giúp anh chỉ mất 20 phút đồng hồ! Con người cù mì ấy lại nổi tiếng cả Khu bộ về chuyện chặt nai. Bữa ấy anh xách rựa đi làm rẫy. Chẳng dè gặp một con nai - nó bị thương từ lúc nào, ốm nhom. Con nai chạy qua bãi đá. Anh nhào theo, vấp một tảng đá, ngã trầy cả đầu gối, nhưng đã chém được một nhát vào chân nó. Con nai qụy xuống, anh chém cho gẫy cả 4 chân rồi cõng về. Gần tới nhà, mệt quá, anh để đó, lẳng
lặng về rỉ tai Tuấn và Tám Tuyên. Cả 3 lặng lẽ kéo đi trước sự ngỡ ngàng của anh em. Lát sau, họ quăng con nai giữa sân. Con nai mở tròn mắt ngơ ngác nhìn mọi người. Các tay thày dùi chuyến này mới nổi lên đả kích. Họ chế riễu những xạ thủ cứ xách súng suốt đêm này đến đêm khác, tốn kém biết bao nhiêu pin mà thua một anh chàng chỉ có con rựa trong tay.
Thật xúi quẩy, tôi nhận được thư anh Phi: tình hình Quảng Nam khó khăn, khoan đi, chờ anh Huấn về bàn cụ thể! Thế là phải khoác ba lô về. Chia tay Vượng, bịn rịn vô cùng. Mong anh đi được đằm mình trong thực tế mà làm tin, mong anh bình yên.
Bị một cơn sốt cao - trên 40. Mệt rã rời. Song không đến nỗi kéo dài lắm. Nằm bết mất 2 ngày. Hai ngày gắng đi lại cho khuây khoả. Rồi lại bình thường.
Ở rừng núi có những đêm trăng thật đẹp. Trăng ngạt ngào tràn ngập cả núi rừng. Những tán lá hầu như đều mọng lên, trong xanh, ướt át ánh trăng.
Mùa hè, rừng núi thường dậy sớm hơn mùa đông. Đàn ve đồng ca một điệu chỉ có độc một âm, râm ran khắp khu rừng. Con chim "khó khăn khắc phục" cần mẫn hót từ lúc chưa rạng đông. Những tiếng "cúc cu" thỉnh thoảng điểm vào thờ ơ và xa vắng. Khi ánh nắng bắt đầu loé lên, bầy bồ chao lắm điều lại xúm xít nhau tranh cãi loạn xạ, chẳng con nào nghe con nào. Rồi ánh nắng xuyên thủng tán lá, trải mầu vàng nhạt trên mặt đất ẩm ướt.
Trong những lúc rảnh rang, tôi ngồi xem lại cuốn "thép đã tôi thế đấy". Trong những ngày gian khổ này, đọc càng thấy cái hay, cái đẹp của cuốn sách, thấy nó càng gần gũi với mình. Cuộc đời của Pa Ven trong sáng, cao đẹp quá.
Chương 3
VỀ ĐỒNG BẰNG
Từ ngày 22 tháng 4 năm 1971
Lên đường đi công tác Bình Định. Chiều, xuống Nước Ta. Anhem đang dọn rẫy để chuẩn bị trỉa. Trời nắng trắng cả đất. Đang mong có mưa để trỉa và để bắp khỏi nghẹn.
Chiều và tối, nói chuyện nhiều với Ngọc, nghe Ngọc kể chuyện về gia đình, về những ngày đầu tham gia cách mạng. Ngọc chỉ còn mẹ già, một chị và 2 em gái nhỏ. Ngọc lam lũ từ nhỏ, biết cày từ nhỏ, không được đi học, 15 tuổi đã đi theo mấy chú đi thoát ly. Ngọc nói chuyện thật tình cảm, thật khác với nhận xét của tôi trước đây, cho rằng cô ấy khô khan, cộc cằn. Có lẽ, sự nhìn nhận đánh giá về các cô gái khu 5 trước đây có lệch lạc chăng? Tôi phục các cô ấy cần cù, vượt gian khổ giỏi, nhưng tôi cho rằng các cô ấy khô khan, cộc cằn. Nhưng quả thật, tôi chưa tìm hiểu sâu sắc tâm hồn phong phú của các cô ấy. Cũng như Ngọc, các cô gái ở chiến khu này đều là con nhà nghèo, đều có thù sâu với địch. Nên nhớ rằng những người như vậy sẽ một lòng, một dạ đi theo cách mạng, cống hiến cho cách mạng. Mà tình cảm đối với cách mạng là tình cảm đẹp nhất, lớn nhất. Vậy thì sao có thể coi là khô khan được? Thực ra, thì trong lời ăn tiếng nói, trong cách đối xử nhiều khi thiếu tế nhị, mềm dẻo. Nhưng lỗi chính lại không phải ở các cô ấy. Sống trong hoàn cảnh xã hội phức tạp, nghẹt thở, sống lam lũ, đầu tắt mặt tối, ít tiếp xúc với những sản phẩm văn hoá thì nhất định sẽ dẫn đến sự nhẫn nhục cứng rắn trong tình cảm, sự dứt khoát, bộc trực trong cách đối xử - đôi khi dẫn đến thô thiển và cục cằn.
Ngày 23/4/1971
Cùng với Chi đi đánh cá. Chi là phóng viên ảnh, đánh cá rất giỏi. Anh lựa những chỗ nước chảy mạnh, tung bọt trắng xoá mà giăng lưới rồi dùng đá chặn chân lưới. Có chỗ sâu, anh lặn xuống, trườn lên trên thác mà chèn lưới, đuổi cá. Rồi xuống dưới nước némđá ầm ầm, xua cá lên. Đánh một lúc đã được khoảng một cân cá.
Nhiều nơi đốt rẫy, lửa bốc lên hừng hừng, nóng bỏng. Khói xanh, khói trắng, khói đen, khói vàng quện nhau cuộn lên mù trời.
Ngày 24/4/1971
Trời ầm ì làm cơn mãi mà không mưa nổi. Chiều, trời xám lại, mây đen kéo đến dầy đặc. Rồi gió mát kéo về. Tưởng mưa to mà cũng chỉ rắc cho vài hạt li ti.
Mọi người mong mưa, ngoài lý do cho tốt bắp, còn lý do nữa là để săn bắn. Rẫy mới đốt, gặp mưa là nai, mang và chồn... ra kiếm ăn đông lắm. Mấy tay thiện xạ sôi nổi chuẩn bị đèn bắn. Hương một xạ thủ của cơ quan - cùng Chi, Nguyễn Mỹ rì rầm bàn tán về các rẫy, các dấu thú... Nguyễn Mỹ ghé sát vào tai tôi, thì thào:"Đêm nay sẽ ăn mang!" và liếc mắt đầy ý nghĩa, sau đó đưa ngón tay trỏ lên miệng "suỵt" một tiếng đầy vẻ quan Trọng. Nhà thơ với bài thơ tình nổi tiếng "Cuộc chia li mầy đỏ" này cũng có máu trinh thám ra phết.
Mưa nhỏ quá, chắc chỉ làm đủ ướt lá cây. Khoảng 8 giờ tối, nghe một loạt AK nổ ròn rã. Ai nấy nhao nhao: "Hương rồi! Chắc là nai!". Chi nhấp nhổm. Mỹ phớt tỉnh. Rồi 2 anh sách súng, soi đèn đi. Song... màn đêm vẫn lặng lờ buông.
Sáng 25/4/1971
Sáng gặp Hương. Anh người thấp, nhỏ, đôi mắt trông hơi kèm nhèm. Vậy mà anh đã bắn được hàng chục nai, mang và hàng trăm chim, thú nhỏ khác. Nói tới chuyện săn thì anh say mê lắm. Anh tuyên bố: "Mê săn hơn mê gái". Quả vậy, anh mê săn một cách kỳ
lạ. ít có đêm nào anh ngủ trọn giấc. Có thời kỳ chi bộ phải ra quyết nghị cấm anh đi săn đêm để bảo đảm sức khoẻ, rồi giữ súng, đèn của anh. Vậy mà anh lén đi mượn súng, đèn, bắn bằng được thú mới thôi.
Nguyễn Mỹ bắn cũng vào loại khá. Vào đây, anh đã hạ 2 nai, một số mang. Một hôm anh đi từ Ban xuống Nước Ta. Lẽ ra đi một ngày thôi, nhưng trời mưa to, nước lũ tràn về làm anh không quasuối được. Thế là phải ngồi co ro bên bờ suối. Đi dạo soi thú mà không có, đành quay lại tảng đá ngồi. Tấm đi mưa nhỏ không đủ che người và gùi nên ướt lướt thướt. Sáng sớm, đi ra rẫy và gặp một chú mang nhỏ đang ăn lá sắn. Mỹ nổ một phát, nó bật ngửa, ngáp ngáp. Anh bổ đi tìm con mẹ song không có nên mới vác xác conmang con đi. Đến bờ sông, không sao qua được. Nước chẩy ầm ầm, xô đá chạy lục cục. Mỹ ngồi bó gối trên một tảng đá, còn con mang thì đặt nằm dưới chân. Ngồi miết, không có cách nào qua. Con mang chướng hơi, phình căng bụng. Còn Mỹ thì ngồi gà gật, bụng thót lại vì đói và thèm thịt. Mãi sau, có anh em bên kia đi hái rau, thấy anh, mới quăng dây dù kéo Mỹ và con mang qua.
Lứa bắp đầu tiên đã thu về, trái không to lắm nhưng mỡ màng. Trời vẫn nắng như đổ lửa. Chiều, tôi và Chi ra trạm Tuyển để đitheo đường dây huớng về Bình Định.
Mưa nhỏ vậy mà nước sông Tranh cũng đục ngầu. Lội không sâu lắm song không thấy đường, vấp vào đá mấy cái suýt ngã. Vào trạm khi còn sớm. Anh em trong trạm đi sản xuất gần hết, tối mịt mới về.
Ngày 26/4/1971
Ra CK5 để đi. Đơn vị này ở một nơi bằng bặn, khá sáng sủa, có những căn nhà lợp lá kè khá chững chạc.
Cứ ngược sông Tranh mà đi miết. Hai bên bờ sông, các đơn vị phát rẫy rất nhiều.
Gặp chỗ trực mấy cô gái miền Bắc mới vào - người Vĩnh Phú. Quả thật chỉ nghe giọng nói thôi đã thấy mến rồi. Giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát chỉ có con gái quê hương tôi mới có. Một cô gái hồn nhiên trò chuyện với chúng tôi. Cô không đẹp lắm nhưng khuôn mặt có những nét thanh tú, thông minh dễ mến. Cái áo màu mận chín hơi phai làm nổi bật nước da trắng của cô. Cô bảo rằng cô đi ở ngoài Bắc hồi tháng một, ăn tết bên Lào và qua khỏi đường 9 trước khi nơi này trở thành mặt trận lớn. Chúng tôi chê rằng các cô đi quá chậm. Các chiến sĩ đánh ở đường 9 Nam Lào đã vào lâu rồi, mặc dầu họ đi sau các cô. Cô cười: "Em bị sốt nên mới đi chậm. Nhưng cách mạng miền Nam còn lâu dài, lo gì. Nhưng em cũngphải cố vào nhanh mà phát rẫy phát nương chứ". "Đồng chí giác ngộ điều đó sớm là tốt. Nhưng tay đã có chai chưa? Cầm được rựa chưa?". Cô cười. Lâu rồi mới được nghe cái giọng nói, điệu cười nhẹ nhàng đáng yêu của những cô gái miền Bắc, lòng thấy vui vui.
Trạm Thuỷ nằm liền bên đường, nhà cửa sạch sẽ, sáng sủa. Chỉ có 2 giao liên đi trực 2 cánh, còn thì đi sản xuất hết.
Chi xách cần câu ra sông câu cá. Tôi đi bẻ ít cành cây làm củi.Giao liên nói: "Anh bẻ làm gì đấy? Đến đây thì chẳng phải củi đóm, nấu nướng gì đâu".
Tôi đưa cho Mệnh - giao liên người Hà Tây - một tờ báo Quân đội và một tờ tranh. Cậu ta vồ lấy, vẻ mừng rỡ và đọc to lên, hết bài này sang bài khác.
Gặp một cán bộ ở Phú Yên ra Khu họp hội nghị nổi dậy. Anh đã khoảng ngoài 40 tuổi, nhưng chuyện trò rất sôi nổi. Anh được phân công ở lại miền Nam, không tập kết. Sau bị lộ, cuối năm 1964 mớigánh bông ra Bình Định giả dân buôn. Kẻ địch phát hiện, bắt giamanh 3 năm. Được thả, anh lại hoạt động và lại bị bắt, bị đầy ra CônĐảo 3 năm. Khi thả anh, tên Chi trưởng cảnh sát nói: "Hiện nay chưa biết tư tưởng anh ra sao, nhưng chúng tôi cứ thả. Báo cho anh biết, thân nhân anh nhảy núi hết rồi, chỉ còn vợ anh ở nhà. Anh thực sự hối cải thì phải có hành động chứng minh cho tư tưởng của mình đã qui thuận Quốc gia, tức là phải bắt được Cộng sản nộp Quốc gia. Cái đó khó đấy. Chứ nếu cứ cầu an cũng không được đâu.
Còn không, cứ lên núi mà hoạt động. Đừng ở lại phá bọn tôi, bọn tôi cực, mà anh sẽ bị giết - nếu bị bắt trở lại. Lên núi, mang mụ vợ theo. Mà không mang cũng được, đàn bà bọn tôi không khủng bố đâu".
Anh tức cười quá mà vẫn hoạt động cách mạng. Con anh đi thoát ly cả, có đứa đi từ 15 tuổi. Hiện nay, một người làm quân y sĩ. Anh nói, như vậy là cũng đáng mừng. Anh tính trong gia đình anh, tới nay đã có 22 người hy sinh.
Đêm, chuột phá như quỉ. Ba lô đã treo bằng một sợi dây mà chúng còn leo vào cắn bằng được.
Ngày 27/4/1971
Vì không muốn mất thời gian, chúng tôi đi vượt trạm đếnthẳng trạm 8- trạm Rộng. Vẫn ngược sông Tranh. Đến bến, chúng tôi rẽ về phía tay trái. Dọc sông, người ta phát rẫy tràn lan, nạo trọc hàng dẫy đồi, mỗi rẫy phải trỉa được 10-12 ang giống. Có nnhững thửa ruộng nhỏ, bông lúa đã vào mẩy, cúi xuống.
Trời không nắng nhưng không gió, oi ong ong. Leo dốc mệt muốn đứt hơi.
Tới trạm thấy nhiều thay đổi. Nơi này, cách đây hơn một năm, tôi đã đi qua, không được tấp nập như thế này. Trạm đã được chuyển vào bãi khách gần suối lớn. 5 ngôi nhà xinh xắn được dựng dưới rừng già thoáng sáng, trên nền rộng rãi, sạch sẽ.
Người của trạm toàn miền Bắc, rất vồn vã với khách. Đây làtrạm của nhiều mối đường: Bình Định, Công Tum, Quảng Nam, miền Bắc, nên đủ loaị khách. Khách nộp gạo, rau, trạm nấu giúp.Đủ loại gạo: gạo trắng Xã hội chủ nghĩa, gạo trắng đồng bằng, gạo trắng rẫy, gạo đỏ rẫy.. đủ loại rau: lá lốt, lá chua, nấm.. tất cả nấu chung một nồi rồi chia ra theo đoàn. Canh chỉ nấu không, của ai nấy nêm mắm muối. Nồi cơm nấu ra có mấy mầu sắc, đẹp tựa một chậu hoa. Anh nuôi là một người rất vồn vã và tháo vát.
Ngày 28/4/1971
Đến trạm Nhạ. Đường có đoạn tôi đã đi qua hồi 1969, tháng 11.
Trạm ở một khu rừng mát mẻ. Nhiều lúc gió thốc về làm lá nứa cọ vào nhau kêu xào xào như mưa rào vậy.
Cuộc sống của anh em ở trạm thiếu thốn. Ăn toàn sắn với muối,mì chính. Trạm ít người mà công việc lại nhiều. Đất quá xấu. Được ít bắp, chồn lại ăn la liệt. Anh trạm trưởng nói rằng từ khi vào đây, chưa bao giờ anh được hưởng một mình một lon sữa cả. Giao liên trên căn cứ không phải chịu đựng ác liệt như ở đồng bằng, song cuộc sống lại kham khổ gấp nhiều lần.
Chuột đói phá phách một cách kinh khủng. Chúng chạy dọc, chạy ngang trên sàn nhà, dưới đất, cắn nhau chí choé, tranh nhau gặm nhấm ba lô, ruột nghé gạo. trình độ phá phách của chúng điêu luyện như xiếc. Ba lô, gạo, mặc dù đã được treo lên một sợi dây nhỏ, chúng vẫn tụt xuống được mà cắn. Chúng dạn đến nỗi có anh giơ tay túm đuôi, chúng mới chịu chạy.
Ngày 29/4/1971
Đường đi qua một vài rừng nứa rồi qua toàn những đồi lau, lách, tranh. Nóng đến lả người. Lá tranh úa vàng hoặc quăn tóp laị như vỏ đỗ khô.
Trạm Bửu nằm ở một khu rừng nứa dốc.
Anh Sơn mới ở miền Bắc vào nói rằng giờ đây có nhiều kháiniệm đã thay đổi. Khái niệm "sướng" trở nên giản dị quá. Đi mộtquãng đường bằng, mát là sướng rồi. Ăn một bữa cơm không ghế sắn cũng sướng. Có những việc tưởng chừng không làm nổi, vậy mà đã làm được. Hồi ở Bắc, cứ nghe đi bộ một ngày là phát ớn. Lúc mới đi, vận dụng đủ mọi biện pháp khoa học: xuống dốc đi nhanh, bằng đi vừa, lên dốc đi chậm, thở đúng nhịp, vậy mà vẫn mệt. Thế mà giờ đã quen cả, đi hàng bao nhiên ngày đường, mang nặng vẫn thấy như không.
Con heo nái của trạm quả là điển hình về sự hy sinh cho con cái của những bậc làm cha làm mẹ. Nó gầy nhom, xương sống và xương sườn gồ lên, đầu và đuôi đều nhọn hoắt, chỉ có hàng vú là căng sữa. 9 đứa con kêu nhặng xị, đuổi theo mẹ, hất mẹ ngã nhào xuống, thi nhau thục mõm vào bụng mà bú.
Cùng đi với chúng tôi có đoàn cán bộ của làng Sản (mật danh của ban Sản xuất khu), trong đó có mấy kỹ sư thuỷ lợi, trồng trọt. Anh em lên tận Gia Lai xây dựng cơ sở mới cho trường Nông nghiệp, việc đầu tiên là phải sản xuất. Họ cõng theo cả gà trống, gà mái, gà mẹ, gà con. Tối, nghe họ bàn bạc:
-Đến, làm sao phải phát ngay được một rẫy, trỉa bắp mà ăn.
-Căng tăng ở tạm, đừng làm nhà vội.
-Cũng phải dựng cái nhà, lấy chỗ chui ra chui vào chứ.
-Đến, phải liên hệ chỗ ở, đổi gạo. Anh ở nhà kiếm cho một ít cán rựa để tra vào làm.
-Không hiểu còn gạo không. 300 kg mà chuyển thành bắp thì đuối.
Những người đầu tiên đặt nền móng cho cơ ngơi của cả tập thể bao giờ cũng vậy, có biết bao mối lo, bao nhiêu mớ bòng bong cùng phải gỡ một lúc.
Trạm này phát gạo.
Thứ sáu, 30/4/1971
Mở mắt đã leo lên một cái dốc thoai thoải dài hơn một giờ đồng hồ. Toàn qua rừng non, lau lách. Cứ khoảng một giờ lại có hàng ghế trạm làm cho khách nghỉ. Sáng, nóng và nắng. Tấm đi mưa cột ở thắt lưng bị nung mềm nhũn như bánh cuốn mới ra khuôn.
Từ trên nhìn xuống, sông Rin như một con trăn khổng lồ có những vẩy bạc sáng lấp lánh xen lẫn những vẩy xám đen quằn quại trườn xuống thung lũng.
Vùng tây Sơn Hà này có nhiều nơi làm ruộng. Có những thửa chỉ to bằng cái chiếu cá nhân. Có chỗ, cả thung lũng là một cánh đồng, không vuông vức như ở ngoài Bắc, mà vọ vẹo, bờ xanh um cỏ. Có những đám đã thu hoạch xong, trơ lại những gốc rạ. Có đám bị hạn khô nẻ, lúa nghẹn lại loe hoe như mạ mới cấy vậy. Có những con mương nhỏ chỉ bằng những rãnh nước quanh nhà, len lỏi quanh những sườn núi. Qua sông Rin bằng cầu, phải vượt qua một bãi đá rộng. Từng tảng đá to như cái sân nối liền nhau, nóng hừng hực, phải chạy qua cho nhanh kẻo tầu rọ đến. Mới hôm qua, nó bắn ở đoạn trên. Cầu bắc bằng mấy thân cây cau qua 2 tảng đá lớn.
Qua khỏi sông rồi leo lên một cái dốc thoai thoải, nóng rực. Gặp một anh người Thượng. Anh mời bọn tôi uống nước. Chúng tôi chưa uống mà ngồi cho ráo mồ hôi. Một hồi sau, anh mời lại bọn tôi. Anh nói:
-Tôi sợ các anh nghi tôi như người Re dưới kia bỏ thuốc độc vô, không dám uống nên tôi không dám mời nữa.
Anh nói có cái máy lửa bị rơi mất nên phải cọ nứa vào nhau mà lấy lửa. Anh đưa bọn tôi xem cái máy lửa nguyên thuỷ ấy: nó chỉ là một thanh tre có xẻ một đường rãnh ở giữa. Dùng một thanh tre khác cọ ngang, ma sát sinh ra lửa. Tôi đưa cho anh chiếc máy lửa của tôi.
Chiều, trời hơi chuyển qua mầu xám đen. Gió mát thốc về từnghồi. Sau đó là mưa. Đến xế chiều thì mưa xối xả.
Trạm Điểm là một trạm nữ, nhà xộc xệch và ở xa nhau.
Hôm nay, kỷ niệm 3 năm ngày tôi rời miền Bắc.
Ngày 1 /5/1 971
Đến trạm Hương cũ, tức trạm 12. Trời mưa dầm dề, ào ạt như giữa tháng 10. Mặc dầu có áo mưa, người vẫn ướt sũng. Những con
vắt ngày nắng ẩn dưới các lớp lá rừng, nay được dịp ngóc đầu dậy,bu vào cắn cẳng chân. Ăn cơm mà lạnh run. Chi cuốn thuốc lá, bật máy lửa hoài mà không cháy. Phải che vải mưa tùm hum lên mới bật nổi. Anh bập vội hơi thuốc, sợ điếu thuốc chưa kịp cháy đã tắt ngấm mất.
Ngày 2/5/1 971
Mưa ào ào suốt đêm đến sáng. Trưa mới hửng lên một chút. Nghỉ lại trạm này. Chi xách cần đi câu, một lúc được 5 con cá. Mấy anh bên làng Sản thấy vậy bèn nhộn nhạo đi chặt cần, rủ nhau đi câu.
Bảo, đoàn làng Sản, bị sơn ăn sưng rộp cả người. Anh xoay đủ mọi cách chữa: xoa dầu, rửa xà phòng... kết quả chỉ làm da đỏ tấy và ngứa ran lên. Cánh tay trái anh sưng húp. Tôi bảo anh xông mắm cái. Thế là anh cậy cục xin được ít mắm cái, lột hết quần áo, chùm chăn đốt mắm cái xông. Anh nói hôi hám quá và mồ hôi vã ra như tắm. Có lẽ ai bầy cho anh cách gì bẩn thỉu nhất mà chữa khỏi thì anh cũng làm.
Gần tối, đoàn khách ở trong mới ra, vì phải qua đò. Họ vơ củibắc bếp trong nhà mà nấu. Anh trạm trưởng nói: "Đề nghị các đồng chí dụi lửa. Có gì cần nấu thì mang xuống bếp" rồi tới vơ củi vứt ra ngoài. Tuy nhiên, anh vẫn để bếp lửa cháy. Mấy anh khách phân bua: "Vì bọn tôi đến muộn quá nên mới phải làm thế."
-Vâng, các anh đến muộn. Nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu các anh đi đến nơi về đến chốn. Tới trạm, mời các anh cột võng nghỉ. Chúng tôi xin phục vụ các anh đầy đủ.
Câu nói thật chí tình. Vậy mà có anh vẫn nói rất bửa:
-Thôi, anh về đi, đừng đứng canh nữa. Chín cơm là chúng tôi dụi lửa thôi. Không mổ gà đâu mà sợ khuya.
Anh trạm trưởng quá hiền, chẳng nói gì cả.
Tiếp tục đi. Buổi sáng, trời mưa một chút rồi tạnh. Giao liên biến mất khi chúng tôi mới kịp khoác ba lô lên vai. Vậy là phải mò đường mà đi. Ai cũng ca cẩm anh giao liên bị ma bắt.
Qua một cầu bắc trên một suối lớn. Thấy mảnh đạn xuyên vàothân cầu. Đi lên một bãi trống, thấy cây cối tơi tả, cháy xém. Cạnh đó là một cái mả lớn, có 3 ụ. Biết rằng cách đây ít bữa tàu rọ lên bắn ở đây, 3 người chết tại chỗ, 4 người bị thương.
Qua sông Sà Lò bằng thuyền. Dòng sông hẹp, sâu, dưới có một thác đá lớn. Nước đục lờ lờ.
Rồi leo lên một cái dốc cao vợi. Chỗ giao trực nằm trên một đỉnh núi. Người vào ngồi đó tới hàng chục, nói cười nhộn nhạo. Không biết ở đây thuộc địa phận nào. Có anh bảo đây là đất Công Tum. Có anh cãi đây là huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.
Cô giao liên đón chúng tôi tên là Việt, dong dỏng cao, không đẹp, song có nét hiền hậu, ưa nhìn. Cô người Quảng Ngãi, nói năng cũng nghe dễ thương. Anh em leo dốc mệt quá, la:
-Trạm mấy cô này ở ác dữ, bắt anh em leo hoài.
Cô phân bua:
-Chúng em cũng muốn trạm gần, đường bằng, nhưng đường đất nó như vậy, biết làm sao.
Lúc giao trực, có anh khách nói đùa:
-Nếu không bàn giao tôi cho trạm ngoài, tôi quay lại trạm cô đấy.
Mấy chàng thanh niên được dịp tếu:
-Chắc lại nhớ giao liên rồi!
Cô cười, mặt ửng hồng, đôi mắt nhìn chậm chạp, dịu dàng.
Trạm 13 này cũng toàn nữ, do cô Xuân làm trạm trưởng. Đây là ngọn cờ đầu của ngành Giao liên Quân khu. Trạm ở tại khu rừng
già thoáng, sáng, phía dưới có một dòng suối rộng, đẹp. Nhà của trạm lợp tranh, che bằng ván và có giường hẳn hoi. Còn nhà của khách thì hơi tối tăm lụp sụp.
Trạm có một việc đột xuất: một đồng chí khách bị sụn lưng, không đi được, hiện nằm cách trạm một tiếng đồng hồ. Giao liên đi mượn người khiêng, song không có người, vì ai cũng mệt bã, rã rời. Cô Thuấn - y tá - vừa đi trực về, phải ra căng tăng, mắc võng cho bệnh nhân. Rồi cô lại về trạm bàn với chị em giải quyết ca bệnh đó: ra rừng cùng ngủ, chăm sóc bệnh nhân. Thế là Thuấn và Vân vội vàng chuẩn bị đi. Thuấn nấu xi lanh, sắp xếp đồ đạc, tăng, võng, ăng gô, lương khô. Họ vừa tíu tít chuẩn bị, vừa dặn nhau:
-Mang lương khô cho ảnh ăn, kẻo tội.
-Mang nước nữa, chắc ảnh khát lắm.
-Mang chén cho ảnh ăn. Mà thôi, ăn bằng nắp ăng gô cũng được.
-Nhớ cất ruột nghé gạo cho ảnh, không chuột cắn nát mất.
Trời nhá nhem, tối rồi song không hề thấy họ lộ vẻ gì là ngại ngần cả, họ chỉ lo cho bệnh nhân.
Việt mới đi trực về cũng nhào vào bếp sửa soạn cơm, nước cho khách.
Ngày 4/5/1971
Nhà chỉ còn 2 giao liên, một người lại phải dẫn khách ra. Việt chờ Vân, Thuấn về mới đưa khách vào. Chúng tôi đi trước, gặp Thuấn cùng một đồng chí bộ đội khiêng bệnh nhân về, Vân cõng ba lô. Hai cô ríu rít:
-Sao các anh không nghỉ lại trạm chúng em một bữa?
Đường đi qua những khu rừng bằng. Tới trực, chúng tôi tạm biệt Việt. Cô nói ít nhưng hay nhìn -nhìn thẳng và chậm rãi.
Đi qua đường 5 - đoạn này thuộc đất Công Tum. Qua mấy vùng ruộng. ở đây cũng lạ, lúa đủ lứa: lứa đã gặt, lứa vừa cấy, lứa đang là mạ và có những thửa ruộng đang được vỡ.
Trời đang tạnh ráo bỗng nhiên đổ mưa, như người gánh nước trượt ngã làm đổ ào nước xuống vậy. Rồi lại tạnh. Xong lại mưa. Y như người ta tưới rau, hết nước phải đi xách thùng khác tưới tiếp ấy.
Trạm 14 - tức trạm Hộ - làm nhà cửa khá xinh xắn. Nhưng heolại quá gầy. Trái với trạm Điểm, heo thì béo mà nhà lại quá ọp ẹp.Đúng là: "Đàn ông cửa nhà, đàn bà gà lợn".
Đêm, lạnh ngắt.
Ngày 5/5/1971
Vì quá lạnh, chú gà trụi con của anh em làng Sản bị cóng, đang hấp hối. Mang hơ lửa song vô hiệu, nó đã chết.
Đường đi qua những khu ruộng lúa, những cánh rừng bằng. Cây ở đây thấp, nhỏ, lá nhỏ và rễ ăn nông, tràn lan khắp mặt đất. Dẫm lên nó phải cẩn thận kẻo ngã dập mặt.
Trạm này cũng là trạm nữ. Nhà lụp sụp, dột nát. Heo ủi lở cả nền.
Trước khi vào trạm phải qua sông Re. Nước sông đục, trôi lững lờ. Có những sợi dây kết với nhau bắc ngang sông thành một cái cầu rất vững.
Chi câu được một con cá lớn khoảng nửa cân và một số cá con. Quả là một tay sát cá.
Chiều, trời tối sầm và đổ mưa. Nhà dột lung tung. Nước tràn qua rãnh, ướt cả nền. Con suối bên cạnh réo ầm ầm.
Trạm chỉ có Hồng, Học và Tài - một cậu bé 13 tuổi - ở nhà. Còn thì đi sản xuất hết. Hai cô đi trực hai cánh, về lại lo củi nước cho khách nên để nhà cửa như vậy cũng không đáng trách. Các cô hẹn rằng mấy tháng nữa, khi chúng tôi trở lại, nhà cửa sẽ khác bây giờ nhiều.
Ngày 6/5/1971
Hồng dẫn chúng tôi vào trạm trong. Cô người Bình Định, khá khoẻ mạnh. Cô khoe gặp một số nữ miền Bắc vào và nói:
-Vào đây để động viên các anh miền Bắc đấy.
Tôi nói:
-Các cô gái miền Nam cũng động viên được chứ sao.
Cô cười:
-Cũng động viên được một phần nhỏ thôi.
Trạm Lập nằm trên đất Gia Lai. Đường qua những khu rừng bằng nhưng nhiều rễ cây trơn truội. Chiều, lại mưa.
Trạm này phát lương thực nửa gạo, nửa sắn. Sắn khô mốc thếch, nấu lên bay mùi vôi nồng nặc.
Ngày 7/5/1971
Nghe tin địch càn ở khu vực đóng quân của tỉnh. Không rõ đường xá ra sao.
Nghỉ lại trạm một ngày. ở đây khá lạnh.
Ngày 8/5/1971
Lại phải nghỉ nữa vì phải chờ để nắm tình hình đường xá. Có gìbực bội hơn phải nằm chờ thế này. Những đoàn khác đi hết. Đoàn ra Khu, đoàn lên Gia Lai. Sáng ngày trạm ồn ào. Người ta tạm biệt
nhau, chúc nhau lên đường khoẻ mạnh. Rồi đi hết. Sân trạm vắng ngắt. Chỉ còn 2 chúng tôi nằm lại, buồn nao nao.
Ngày 9/5/1971
Nghỉ mà lo.
Ngày 10/5/1971
Tôi và Chi đi làm giúp rẫy đồng chí thủ kho. Dọn rẫy, nắng chang chang. Vác những cây lớn ra khỏi rẫy. Người dính lọ đen nhẻm.
Ngày 11 /5//1971
Đi theo đoàn của E12 do anh Thuận E trưởng và anh Phịa-phó Chính uỷ E-cầm đầu (E: Trung đoàn).
Ở Gia Lai này đất khá bằng bặn. Rừng thưa, cây to. Những cây bách, tùng mọc xen với các loại gỗ khác. Rừng rất nhiều hoa thơm.Đường phủ đầy một loại hoa nhỏ, trắng, thơm ngan ngát như hoa nhài. Ong bay vo ve, râm ran khắp rừng. Con đường thồ khá rộng, không những đủ cho xe đạp thồ chuyển tải hàng hoá mà còn có thể cho ô tô nhỏ chạy được.
Một giờ chiều, trời nổi giông bão rồi trút nước xuống ào ào.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà nội ngày 11/5/1971
Anh Long kính mến!
Hôm nay em mới viết thư để hỏi thăm sức khỏe của anh, nếu anh khỏe thì em mừng, còn chúng em vẫn được khoẻ cả, hàng ngày hàng giờ chúng em đều nghĩ tới anh và chắc trong lúc công tác, lúc ngủ anh cũng đều nghĩ tới gia đình.
Anh Long kính mến! Kể từ ngày anh đi tới giờ đã được ba năm rồi đấy nhỉ. Thời gian trôi đi nhanh quá. Trong thời gian này em đã từ lớp 4 mà lên đến lớp 7 và bây giờ em đang ôn thi để lên đầu lớp 8, cũng trong thời gian này anh đã sống xa nhà và làm việc trong Nam, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Nghe nói anh công tác tích cực và được mọi người yêu mến em mừng lắm. Em mong anh công tác tích cực hơn nữa để ngày Nam - Bắc được sum họp rút ngắn lại, để anh được mau chóng sum họp với gia đình.
Tuy những suy nghĩ của em viết trên đây còn nông cạn nhưng em mong rằng những lời nói này sẽ không vô ích, sẽ tiếp thêm một phần sức mạnh cho anh hoàn thành nhiệm vụ. Em viết thư cho anh sau khi làm xong một câu hỏi sử và lúc này đã hơn 10 giờ, và em đã viết hết tất cả những suy nghĩ của em nên em xin dừng bút đây.
Cuối thư em chúc anh hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó, chúc anh luôn luôn vui tươi, khoẻ mạnh, luôn lạc quan, tin tưởng và luôn luôn hoà nhã với bạn bè và nhờ anh chuyển lời hỏi thăm của em tới các chú, các cô cùng làm việc với anh.
Em của anh Phạm Bích Diệp.
Hà Nội, ngày 11/5/1971
Anh Long kính mến!
Hôm nay mẹ viết thư cho anh nên em cũng ngồi viết thư để hỏi thăm sức khoẻ của anh, anh có khoẻ không, nếu khoẻ thì em mừng lắm, còn em vẫn mạnh khoẻ và em đang ôn thi lên lớp năm đấy anh Long ạ, Chị Diệp, chị Ngọc và em Thuỷ vẫn khoẻ. Cuối cùng em chúc anh mạnh khoẻ, công tác tốt, em rất mong ngày anh trở về, sum họp vơi gia đình đấy anh ạ.
Người em ngoan của anh Phạm Thuý Lan
Anh Long kính mến
Nhân lúc mẹ viết thư cho anh, em cũng ngồi viết thư để hỏi thăm sức khoẻ của anh, anh có khoẻ không, nếu khoẻ thì em mừng, em vẫn khoẻ, khi nhận được thư anh, gia đình rất mừng.
Em đang thi.
Cuối thư em chúc anh mạnh khoẻ để công tác tốt và em mong anh chóng hoàn thành nhiệm vụ để chóng về sum họp cùng gia đình.
Người em gái ngoan của anh Phạm Bích Thuỷ
Ngày 12/5/1971
Con đường đất đỏ tráng một lớp nước mưa trên mặt trơn truội.Ăn cơm trưa xong, dừng lại cầu chữ Y nghỉ. Dòng suối này sâu, nước đục lờ lờ.
Ngày 13/5/1971
Tối, nghỉ ở bộ phận tiếp nhận vũ khí của Trung đoàn. Địch phát triển về phía dốc Cà Xôm. Phải đợi trinh sát liên lạc lên dẫn về.
Trung đoàn trưởng Thuận năm nay 44 tuổi, người tầm thước, da trắng trẻo, mặt xương xương. Anh là một người sống rất sôi nổi, cả trong lời nói và hành động. Hôm đầu tiên dừng lại nghỉ đúng lúc trời mưa tầm tã, anh lấy ni lông che ba lô rồi lội giữa mưa gió mà vác cây làm nhà tăng. Sau đó, lội xuống suối thăm nước tìm chỗ đánh cá. Chẳng nghỉ ngơi, anh thả lưới, thu lưới vào buổi tối, 9, 10 giờ đêm và sáng sớm. Anh nói: "Mình phải tận dụng triệt để nguồn lợi của thiên nhiên mà bồi dưỡng sức khoẻ chứ!". Là một thủ trưởng có cần vụ, song không khi nào đến nơi anh lại cột võng nghỉ. Anh luôn xốc vào việc mà đốc thúc anh em khác làm cho nhanh chóng.
Sơn - cần vụ của anh - tính tình hồn nhiên nhưng bộp chộp, làm việc đại khái, thường bị anh truỳ luôn. Anh nhạo báng cậu ta:
-Các anh xem, cuộc sống nó khổ thế đấy, 17 tuổi đi bộ đội, không có gì bồi dưỡng.
Anh mệnh danh Sơn là "tia chớp nhiệt đới" để chế giễu cái tính đại khái, chớp nhoáng của sơn. Anh bày cho cậu ta từng việc một, từ xâu lưới, đập đá để lấy mảnh chèn lưới tới việc cột nhà tăng. Nhiều khi Sơn làm lúng túng quá, anh giằng lấy dụng cụ mà làm và chê trách:
-Cậu làm như tiểu tư sản học sinh. Cựu chiến binh mà không biết rút kinh nghiệm à?
Trong nhiều vấn đề, anh thường truy Sơn, bắt cậu ta phân tích, biện luận. Anh phản đối cái lối ầm ừ, buông xuôi, không tỏ thái độ dứt khoát trước công việc. Anh thường bảo Sơn:
-Nếu thấy điều gì không đúng thì phải đấu tranh. Với thủ trưởng cũng phải đấu tranh. Có chết cũng phải đấu tranh.
Anh nói với tôi:
-Cán bộ mà lơ mơ thì chết. Hoà bình lập lại thì lớp thằng Sơn là cán bộ chứ ai. Phải làm cho hắn chịu rèn luyện mới được.
Anh hay dùng chữ "ba trợn" để chỉ những người làm bậy bạ. Anh quen gọi cấp dưới của mình là "bạn chiến đấu". Anh rất hay tâm sự. Vai vác ba lô nặng, chân bước thoăn thoắt, miệng anh hào hứng kể đủ mọi chuyện, đặc biệt là những chuyện chiến đấu.
Sơn năm nay 23 tuổi, cao, đen. Cậu ta sống ít suy nghĩ, nói năng bộp chộp. Từ "búa bổ" được cậu ta dùng vào mọi chỗ: "rét búa bổ", "cá nhiều búa bổ", "củi ướt búa bổ"... Hôm nghỉ ở cầu chữ Y, cậu ta khoe biết câu cá kiểu Nam Bộ và cả kiểu Bắc Bộ. Nhưng cậu ta câu không được con cá nào mà còn bị mắc lưỡi câu trong hang. Cậu
ta lội xuống suối nhưng không lặn, cứ đứng khom lưng, chúi đầu xuống nước mà mò. Anh Thuận cười ha hả:
-Các ông xem thằng Sơn câu kiểu Nam Bộ đấy, khu không ướt mà ướt đầu gối. Câu dược cá, để lên lưng mình mà nướng.
Đêm, tôi đang ngủ say thì thấy có người túm lấy lưng võng giật giật:
-Dậy ăn cháo!
Mở mắt thấy Quân đang đứng cuối võng, bấm đèn gọi.
Sang bên nhà đã thấy anh em quây quần bên nồi cháo lớn. Cạnh đó là một con chồn đã sạch lông và một con khác đã bị xẻ mất nửa dưới thân.
Ngày 14/5/1971
Vì không chuyển được gạo lên, ở đây ăn toàn sắn. Thực ra tại đây có rất nhiều gạo, nhưng là gạo để dành cho tân binh nên không ai được đụng đến. Sáng, 5 người đi mót sắn, khoảng mười một giờ về, mang theo 5 gùi sắn nặng với những củ mập mạp.
Ngày 15/5/1971
Lúc ngủ dậy đã thấy anh em treo một con cheo trên dàn bếp. Cheo giống mang nhưng nhỏ hơn nhiều, đặc biệt có bộ chân cao và rất nhỏ. Thịt cheo mềm, thơm ngọt như thịt gà.
Đang ăn cơm thì có một đoàn bộ đội vào. Anh Thuận và các anhem khác đều phấn khởi đón đoàn. Đó là người của đơn vị anh. Nơi cần đi qua, địch đã rút. Ngày mai, chúng tôi sẽ lên đường.
Mấy cậu vệ binh quay ra lột sắn, mài lấy bột làm bánh ăn đường.
Tối, Vấn vừa đội đèn ra khỏi nhà đã nổ súng, sau đó xách về một con mèo rừng. Con mèo ốm nhách, bụng lép kẹp, chắc định vào kiếm gà.
Lúc sau, Tân kéo về một con tê tê to xụ, phải nặng tới 5 kg. Trong này, mọi người gọi tê tê là con trút. Loài động vật này có vẩy cứng, xếp lớp khắp từ đầu tới đuôi, khi bị đụng đến liền nằm cuộn tròn. Lối tự vệ bị động đó làm hại chúng ghê gớm. Thịt tê tê ăn ngọt và mềm.
Ngày 16/5/1971
Gần tối mới vượt sông Côn. Dòng sông nông nhưng lổn nhổn những đá, lội khá chật vật. Tình hình bên kia bờ cũng im, không có địch.
Ngày 17/5/1971
Đặt chân lên đất Bình Định. Lên dốc khá cao. Đường đầy dấu bom đạn, vỏ đồ hộp và thỉnh thoảng lại gặp dấu tích của một ổ phụckích của địch. Đỉnh Tà Mát bị bom Mỹ dùng mìn phá, tiện ngang tất cả cây cối thành một bãi trống.
Ngày 18/5/1971
Leo lên đỉnh cao 980. Phía dưới là quận lỵ Vĩnh Thạnh - nơi ấy địch tạm chiếm. Cả quận nằm trong một thung lũng dài và rộng. Từ trên núi nhìn xuống thấy quận lỵ nằm trong một ô hình chữ nhật, quanh có hàng rào ngăn thành mấy lớp. Có những con đường đỏ lói. Lớn nhất là con đường 19. Từ đây xuống đó theo đường chim bay chỉ có 3km.
Ngày 19/5/1971
Về tới "quận 2". Đây là một vùng núi đá, rừng thưa. Những tảng đá to bằng cái nhà chen lấn nhau. Có nhiều hang, lèn rộng có thể ở được. Những ngôi nhà nhỏ, lợp và che bằng những bao công sự của bọn Pắc Chung Hy nép bên các lèn đá. Thoáng sáng và nóng
nực. Quanh nhà, anh em trồng nhiều dứa, đã ra trái nhưng nhỏ và cằn cỗi. Gần khu vực nhà ở là rẫy bắp xanh tốt.
Gặp anh hùng Bùi Đức Sơn ở đây. Sơn 23 tuổi, người nhỏ bé, tóc thưa, mảnh, khuôn mặt xương xương, đôi mắt một mí, sáng, đôi lông mày thưa nhưng sắc. Anh nói năng từ tốn, hay cười. Vậy mà trong chiến đấu, anh là một đặc công nhanh như sóc, từng nhiều trận làm kẻ địch thất điên bát đảo. Qua chuyện trò với Sơn và một số chiến sĩ, tôi được biết tâm lý của những anh lính mới: sau trận chiến đấu đầu tiên về, anh nào cũng khoe mình suýt chết, tưởng rằng mình ở mũi ác liệt nhất.
Đêm ngủ trong lèn đá. Nghe nước luồn róc rách trong kẽ đá dưới lưng.
Ngày 20/5/1971
Nhà của tiểu ban Tuyên huấn lợp toàn bằng bao công sự. Hơn một nửa là nhà, gần một nửa phía trong khóet sâu vào lòng núi thành một cái hầm chắc chắn. Có bàn ghế bằng ván hẳn hoi. Ván lấy từ các hòm vũ khí của địch vứt lại. Căn nhà nhỏ nhưng gọn ghẽ, xinh xắn.
Làm việc với Sơn. Anh nhớ lại từng chặng đường phấn đấu của mình, song kể lại nó bằng một giọng rất bình thản và diễn đạt như một công việc quá bình thường, đơn giản.
Ngày 21 - 25/5/1971
Cả E bộ đang tập trung vào công tác cõng gạo. Phải chuyển mấy tấn gạo về dự trữ. Ngày nào cũng có người đi cõng gạo. Tiếng đóng hòm làm kho vang lên chí chát.
Sơn cũng hay tán gẫu. Tán tào lao thiên đế, tán chuyện về người khác thì cậu ta rất hăng. Nhưng khi nói đến mình thì cậu ta ngập ngừng, nhát gừng, buồn tẻ đến sốt ruột. Tôi phải gặp các anh em khác để hỏi chuyện về cậu ta.
Sang đại đội 71 gặp Siêu. Anh vào Nam từ năm 1965, là Đại đội trưởng của Sơn từ trước. Anh người Nam Hà, vóc người vừa phải, tính tình vồ vập cởi mở. Anh kể chuyện về Sơn rất say sưa, cung cấp cho tôi nhiều chi tiết tốt.
Ngày 29/5/1971
Trung đoàn cho một liên lạc dẫn chúng tôi qua Tỉnh uỷ. Điđược một hồi lại gặp Định và Sửu, hai phóng viên quay phim. Hai anh cho biết địch đã đổ quân ở dốc Phụ Nữ, vậy là tắc đường.
Chúng tôi quyết định nhập vào đoàn của 2 người. Cậu liên lạc được "thả", loáng một cái đã biến mất.
Chúng tôi về M6. Tối, nghỉ lại một làng đồng bào. Làng này nằm ở một sườn núi, núp bên các vách đá hoặc chui trong những lèn đá. Có chừng vài ba chục người. ở đây phụ nữ rất khoẻ, nhất là những cô gái đang lớn, trẻ con khá bụ bẫm, kháu khỉnh.
Tôi nghỉ ở nhà anh Khả. Anh nói tiếng Kinh rất thạo, kể chuyện hay. Anh nói rằng hồi bọn Sư đoàn 4 Mỹ còn ở đây, chúng càn luôn. Thu thóc về để trong hang, trong kho, chúng đốt sạch. Chỉ có mì (sắn) ăn thôi. Có khi bị chúng bao quanh, nằm trong đám mì non suốt 3 ngày đêm, không ăn, không uống. Có khi trốn trong hang, trẻ nhỏ khóc phải bịt miệng suốt, vì thế mà chúng đau luôn, ốm nhom. Nhưng, đêm vẫn bám đất mà sản xuất. Anh nói: "Có chết cũng chết trên rẫy, bên gốc mì". Du kích luôn bám đánh địch. Có hôm anh và 2 du kích khác bò vào tận sân bay dã chiến của chúng,thấy chúng đang ngồi đánh bài, Khơ nói: "Để mình bắn trước, hồi giờ mình chưa được bắn Mỹ" và bắn một phát CKC làm thằng Mỹ bật ngửa. Anh em bắn vào tiếp, giết chết một số, số còn lại la ó ran trời. Hôm sau, sáng sớm chúng đã gọi trực thăng đến vớt đi. Bò lên thấy máu đọng thành vũng. Còn đồ hộp tha hồ lượm mà ăn. Hồi đó đồng bào lượm cả kho, cất ăn dần. Súng AR15 cũng nhiều.
Nhà có cô bé Mưa chừng 16 tuổi tính tình nhí nhảnh hay cười.
Sáng 30/5/1971
Suốt ngày qua, tối qua và sáng nay địch cho Môranh quần, trực thăng bắn, pháo câu tới vùng Bãi Tranh, Suối Quéo. Nghe nói chúng đổ quân chặn khẩu, bị ta đánh đau nên chúng phản ứng dữ.Đứng trên mỏm đá ở đây nhìn rõ trực thăng hạ cánh, quân bộ chạy lốc nhốc - đây tới đó đi bộ chừng một giờ đồng hồ.
Anh Khả nói rằng ở đây bom đạn thường dội xuống. Có lần B52 dội gần, lũ nhỏ chết ngất một lúc mới tỉnh dậy.
Quá trưa, chúng tôi theo Lâm - một du kích người nhỏ, chắc qua "đầm" (cách gọi của dồng bào chỉ một xóm nhỏ) bên kia núi. Đi theo kiểu xuyên sơn, toàn chui rúc trong gai góc, lau lách và leo trèo trên những tảng đá to tướng. Lâm nhảy như sóc trên các tảng đá. Gần đến chỗ băng qua đường hành lang, cách chỗ địch đổ quân hôm qua chừng nửa giờ đồng hồ, Lâm bảo chúng tôi dừng lại đi sau. Anh tháo dép cột vào thắt lưng rồi tiến lên trước thận trọng, đầu nghiêng qua, nghiêng lại nghe ngóng, xem xét, sau đó mới vẫy chúng tôi tiến theo. Vượt dốc, tiến theo một vùng nhiều hang đálớn. Đồng bào ở đây không làm nhà cửa gì mà gác sạp trong hang lấy chỗ ăn ở. Vùng này hiện nay đang phát rẫy chứ chưa đốt rẫy nào cả. Có những rẫy đu đủ, dứa lớn, mấy nải chuối trên cây đã chín vàng ửng, bị chồn ăn mấy trái.
Đồng bào vùng này biết dệt vải - dệt rất thủ công, với khung cửi nhỏ bằng tre, gỗ. Sản phẩm là những tấm vải dài, nhỏ, có pha màu sắc khá nhã để nối vào váy cho đẹp. Còn khăn của đồng bào khá hay, dài, màu đen, có gắn những chuối hạt cườm, khi đội lên giống cái mũ Ca lô nhưng lại có một giải quấn tròn phía sau như búi tóc. Thanh niên rất thích đánh đàn - loại đàn làm bằng ống nứa, một đầu đục lỗ, xỏ cây qua để cột dây, một đầu nối với một quả bầu, có từ 8 đến 12 dây, âm thanh không phong phú lắm nhưng nghe dập dìu, rộn rã.
Ngày 31 /5/1971
Ở lại đây một ngày. Buổi chiều, bà con ở tổ bên cạnh mời sang ở. Bà con bảo anh em đến gần bên mà không sang thăm bà con là
không được. Khi chúng tôi qua thì bà con đã nấu sẵn một nồi sắn. Một ông già tiếp chúng tôi, mời chúng tôi ăn sắn.
Đồng bào vùng này đều thuộc dân tộc Bana, rất ân cần, chăm sóc chúng tôi. Ngày 1/6/1971
Sáng, bà con nấu cho chúng tôi ăn sớm để chúng tôi đi. Mặc dù bà con ăn nhiều sắn, rất ít gạo nhưng vẫn nấu cho chúng tôi nhiều gạo, ít sắn. Khi chúng tôi đi, bà con góp gạo cho chúng tôi mang theo ăn đường. Một ông già mang cho chúng tôi một lon muối và bảo: "Tội nghiệp các cháu ở xa đến, không có gì cho các cháu ăn, các cháu cầm đỡ ít muối ăn đường". Hành động ấy khiến chúng tôi vô cùng cảm động. Tất nhiên chúng tôi không dám nhận số muối đó vì biết rằng đồng bào rất thiếu muối.
Khi đi qua "đầm" của anh Ninh, bà con cũng mang gạo, muốira ủng hộ. Đồng bào nói mãi, chúng tôi đành nhận gạo.
Ninh là một du kích nhỏ bé, xương xương, đen, rắn chắc, có mái tóc đen, quăn, ngắn. Anh lủi trong rừng nhanh thoăn thoắt. Anh đã từng bò vào ổ phục kích của Mỹ lấy bi đông và súng. Khẩu AR15 mang theo là chiến lợi phẩm của lần ấy. Ninh dẫn chúng tôi xuyênrừng qua M3. Đường nhỏ, cheo leo, chui rúc nhiều, cỏ tranh cứa nát 2 ống tay, bông lau rụng đầy người, rặm vô cùng. Xuống sông Quéo phải tắm giặt rồi mới tiếp tục đi được.
Chiều đã ở M3. Có nhiều hang ở được.
Ngày 2/6/1 971
Về tới ban Tuyên huấn. Nơi đây cũng là rừng núi, hang lèn.
Cửa khầu kẹt nên cuộc sống khô khan. Gạo ít, phải ăn tiết kiệm, ghế thêm sắn. Tuy nhiên, so với Khu vẫn tươi hơn nhiều vì có mắm cái, đậu phộng và một lon rưỡi gạo một ngày.
Từ Ngày 14/6/1971
Phải dọn nhà sang ở chung với ban Binh vận. Dăng tăng ở tạm. Trời lại đổ mưa sầm sập. Mối bay ra dầy đặc, bu khắp người, rất khó chịu. Chật chội, ướt át.
Chúng tôi dự hội nghị do Tỉnh uỷ tổ chức về triển khai công tác nổi dậy. Tinh thần chung là phải bám sát dân, phát động phong trào nổi dậy, kết hợp với tấn công vũ trang, mở rộng vùng giải phóng. Dự hội nghị có cán bộ các xã trong tỉnh, hầu hết còn rất trẻ. Các anh ở ban Tuyên huấn nói với tôi rằng cuộc chiến đấu dưới đồng bằng rất khốc liệt, cán bộ hy sinh liên tục, do đó hiếm có cán bộ lớn tuổi. Nhiều khi, qua một kỳ hội nghị, đến hội nghị sau, đã gặp tới gần một nửa là cán bộ mới. Số bị thay, hầu hết đã hy sinh, chỉ rất ít được rút lên tỉnh và hoạ hoằn mới có kẻ phản bội.
Anh Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, hướng dẫn thảo luận: Phải đứng trên vị trí của người cách mạng triệt để mà đánh giá tình hình địch - ta. Phải có quan điểm thực tiễn. Không nhìn chung chung mà phải nhìn rất cụ thể: âm mưu, thủ đoạn, lực lượng địch.Là cán bộ ở cơ sở, càng phải thấy rõ chỗ nào địch mạnh, yếu? Đánh giá quần chúng cũng vậy, không thể chung chung, vơ đũa cả nắm.
Anh Toàn gợi ý mấy điểm để hội nghị chú ý về cách đánh giá địch - ta như sau: Hiện còn lúng túng về đánh giá chỗ mạnh, chỗ yếu của địch. Nói chung, nhìn chung thì thấy địch yếu, nhưng nhìnở xã mình lại thấy địch mạnh. Địch yếu, nhưng quá tàn bạo, do vậy, khó đưa quần chúng lên hành động.
Các đại biểu dự hội nghị phát biểu rất sôi nổi. Tôi ghi lại mấy ý kiến như sau:
-Đồng chí Tiến, xã Mỹ Lợi huyện Phù Mỹ: Địch ở địa phương tôi nhiều, có mạnh, nhưng chỉ mạnh khi ta không đánh. Khi ta đánh, chúng rất hoang mang, bỏ chạy. Du kích ít, đánh nhỏ, nhưng địch cũng hoảng sợ. Do đó kết luận địch rất yếu.
-Đồng chí Bình, xã Cát Khánh huyện Phù Cát: Địch yếu rõ ràng. Cụ thể ở Tường Lâm: địch đông, nhưng yếu cả về tư tưởng và tổ chức, nội bộ mâu thuẫn, thua quần chúng, ta nổ súng là bỏ chạy. Sở dĩ chúng còn vênh vang, kích bác vì ta hoạt động yếu. Có bữa chỉ có 2 người đánh vài quả lựu đạn mà địch cũng chạy, nhưng sau đó lại không có ai đánh chúng nữa.
-Đồng chí Hương, huyện Tuy Phước: Nhìn về hiện tượng, thấy địch đông, bên trong cài cấy gián điệp, thủ đoạn thâm hiểm, gây cho ta những khó khăn nhất định. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Qua hoạt động của ta, lộ ra những mặt yếu của địch - yếu về tinh thần, mâu thuẫn nội bộ, không tin nhau. Trong số địch, phần lớn là tiêu cực, lưng chừng, ít tên ngoan cố - bọn này bị cô lập. Cũng phải thấy mặt mạnh của địch, qua đó mà cảnh giác.
-Đồng chí Vui, huyện An Nhơn: Hiện nay Bảo An là bọn dã man tàn bạo nhất. Chúng chỉ đánh đập chứ không xét hỏi quầnchúng. Địch cũng rất nham hiểm, dùng chiến tranh tâm lý, dùng điệp ngầm phá hoại ta. Từ chỗ có 26 trung đội Dân vệ, nay chúng đã có 67 trung đội - chúng đã thực hiện được âm mưu đôn quân, bắtlính. Địch dự định đến cuối năm 1970 bình định xong An Nhơn, và đã tiến hành bình định Nhơn Mỹ đầu tiên, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được. Chúng phải giải tán toàn bộ mười một đoàn Bình định, tăng cường lực lượng cảnh sát, chứng tỏ chúng khôngcòn lừa mị được dân nữa. Đã đến lúc quần chúng nổi dậy. Bọn ác ôn chạy dạt, cả tháng không dám về, do vậy thế kìm kẹp của địch bị lỏng. Bọn Bảo an tuy còn hung hăng, tàn bạo, nhưng không dám bung ra như trước. Tuy vậy, số tàn bạo rất ít, phần đông là lùng chừng. Ví dụ ở Nhơn Hậu có 7 trung đội Bảo an nhưng không hoạt dộng gì.
-Đồng chí Thành, huyện Phù Mỹ: Địch còn mạnh: quân số còn đông, phương tiện chiến tranh còn khá (còn nguyên 45 trung đội Dân vệ, tăng thêm 3 trung đội thanh niên chiến đấu thành 28trung đội). Địch yếu về tư tưởng, tổ chức, giữa trên và dưới mâu thuẫn, khi bị đánh thì mạnh trên trên chạy, mạnh dưới dưới chạy. Dân vệ, Phòng vệ dân sự tổ chức lỏng lẻo, bất tuân lệnh. Mạnh là tạm thời, yếu là cơ bản. Ví dụ: mới đây chỉ có 6 du kích, chia làm 3 tổ đánh cũng làm cho một tiểu đoàn cùng 24 tên Thám báo phải chạy tán lọan.
-Đồng chí Lam, huyện Phù Cát: Địch đông, nhưng bị phân hóa,nhiều người bị ép buộc, đa số là nông dân. Địch gian ác, nham hiểm, luôn tìm chỗ yếu của ta mà đánh phá. Tuy vậy, chúng rất sợ bạo lực quần chúng.
Tổng kết hội nghị, anh Toàn nêu những vấn đề cơ bản như sau:
Thấy rõ âm mưu địch vô cùng xảo quyệt. Lực lượng kìm kẹpnhân dân chủ yếu là ác ôn trong ngụy quân, ngụy quyền. Địch còn mạnh về vũ khí, quân số, thủ đoạn tàn bạo, nham hiểm, nhưng đã lộ rõ nhiều mặt yếu cơ bản: ô hợp, không được lòng dân, yếu về chính trị, bị cô lập.
Chúng ta chưa sát, chưa hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; đánh giá quần chúng gia đình cách mạng không đúng, có lúc nghi ngờ, thậm chí có nơi vi phạm chính sách đối với gia đình cách mạng.
Đã nhận thức rõ hơn về quần chúng: Địch bắt lính nhiều, do đó gia đình bính sĩ ngụy rất đông. Số gia đình đó khổ vì địch, ôm mối hận thù với địch, nhiều gia đình muốn tham gia cách mạng. Nếu vận động quần chúng nổi dậy mà không đi vào những gia đình binh sĩ ngụy thì không được. Do vậy, phải chú ý cả những gia đình binh sĩ ngụy. Mặt tích cực của quần chúng là cơ bản: Luôn luôn đối lập vơí kẻ thù. Căm thù địch sâu sắc. Ngay ở trong vùng địch kẹp, sự lãnh đạo của ta ít, quần chúng vẫn nổi dậy phá đồn bốt, đánh Mỹ.Quan hệ giữa quần chúng với Đảng rất gắn bó, quần chúng luônluôn tin Đảng. Bất cứ người cách mạng nào cũng phải hiểu quần chúng, tin quần chúng, gắn bó với quần chúng, nếu tách rời quần chúng sẽ chết khô như cây mất rễ. Khả năng bạo lực vũ trang của quần chúng sắp đến còn mạnh hơn nhiều hiện nay.
Trên cơ sở nhận thức mới, đã tin hơn ở khả năng diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ, tin hơn ở bạo lực của quần chúng.
Anh Toàn nhấn mạnh về hướng chỉ đạo sắp tới của Tỉnh ủy: Phải theo dõi sát địch, hiểu rõ địch để đánh địch. Quá trình đánh bại âm mưu bình định nông thôn của địch là quá trình tấn công liên tục và toàn diện. Phải kết hợp giữa thường xuyên tấn công và các cao điểm tấn công. Tấn công toàn diện, cả chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - tư tưởng. Tấn công và chống phản kích phải gắn chặt với nhau. Cách tấn công tốt nhất, quyết định thắng lợi, là dùng bạo lực của quần chúng. Tất nhiên phải kết hợp tốt lực lượng quân sự
đó là yếu tố quan trọng. Phải kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, tấn công bằng 3 mũi giáp công, chống mọi biểu hiện ỷ lại quân sự đơn thuần. Tấn công gắn liền với làm rã ác ôn ngụy quân ngụy quyền, do vậy phải đẩy mạnh công tác binh vận, không những vận động binh sĩ địch, mà phải vận động cả vào hàng ngũ ngụy quyền. Tấn công phải nhằm đúng đối tượng, vì sức ta không thể làm tràn lan được. Ví dụ: tập trung diệt ác ôn đầu sỏ - quan trọng nhất là chất lượng từng tên địch bị ta diệt. Tấn công vào những mục tiêu mà quần chúng bức xúc nhất, như bắt lính, dồn dân. Phải trụ bám, xây dựng lực lượng, làm công tác tư tưởng. Một cơ sở đưọc coi là đã làm chủ phải đạt 5 tiêu chuẩn: Lực lượng địch tan rã. Quần chúng được phát động. Quần chúng có thực lực 3 mũigiáp công. Quần chúng chịu sự chỉ đạo của Đảng. Động viên được nhân tài vật lực.
Anh Toàn khái quát 5 vấn đề cơ bản là: Trụ bám. Phát động quần chúng. Xây dựng thực lực. Ba mũi giáp công. Tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo. 4 mục tiêu là: Diệt ác, giành quyền làm chủ tại chỗ, nhanh chóng xây dựng lực lượng. Nắm vững thời cơ, nổi dậy thường xuyên, trọng điểm, bức chốt nhổ đồn, đưa dân về, tạo cơ sở sản xuất. Nổi dậy liên mảng. Chống phản kích.
Tranh thủ những lúc nghỉ của hội nghị, tôi gặp gỡ các đồng chí cán bộ xã, hỏi và ghi chép được khá nhiều chuyện về tấn công, nổi dậy, những gương diệt ác, phá kìm... Tôi rất quan tâm đến việc đánh giá kẻ địch: Từ đầu tháng 5, chúng bắt đầu "Bình định mới" vẫn bằng thủ đoạn tam giác chiến nhưng thâm độc hơn: Dùng phân đội nhỏ bung ra, có khi dùng máy bay tập kích bất ngờ vào vị trí của ta. Dùng cảnh sát (dã chiến và đặc biệt) làm xung kích trong bình định mới - mỗi xã có một phân chi cảnh sát 15 tên. Phát triển mạnh gián điệp trong quần chúng, qua đó phát hiện cơ sở cách mạng, khống chế, uy hiếp, giao nhiệm vụ, đánh vào hạ tầng cơ sởcách mạng, vô hiệu hóa cơ sở ta. Đôn quân bắt lính. Cơ động hóa lực lượng Bảo an. Có khi đôn thẳng từ Phòng vệ dân sự (như du kíchcủa ta) lên Cộng hòa (như bộ đội chủ lực của ta). Động viên lính đi bắt thanh niên: đơn vị nào bắt được 10 - 15 thanh niên bổ sung vào lính thì không phải đi Tây nguyên. Bảo an đã trở thành lực lượng nòng cốt chủ yếu ở địa phương để thực hiện bình định mới. Quân số
bọn Bảo an đầy đủ hơn, sung sức hơn, tinh thần khá hơn bọn Cộng hòa, Dân vệ. Chặn hành lang, cửa khẩu của ta. Rải chất độc tàn phá mùa màng ở vùng núi. Tăng cường vơ vét, cướp bóc ở nông thôn. Tăng thuế ở thành thị...
Tôi tự nhủ phải khai thác được tài liệu để viết tin, bài chống lại những thủ đoạn trên đây của địch.
Chia tay các đồng chí, hẹn gặp nhau ở đồng bằng.
Tôi tranh thủ thời gian viết bài về anh hùng Bùi Đức Sơn và nhờ Thiện - tổ trưởng tổ điện đài của Ban Tuyên huấn tỉnh - chuyển về Khu.
Những trận chiến đấu xuất sắc của anh hùng Bùi Đức Sơn
Trung đội trưởng Minh dẫn về trung đội 1 một thanh niên gày gò. Anh em xúm lại thăm hỏi:
-Sao, tân binh hả?
-Về làm liên lạc được chứ?
-Này, đừng tưởng nhé, một tay chiến đấu cừ đấy. Cứ nhìn đôi mắt sáng, nhìn cái dáng lanh lợi của cậu ta mà xem!
Nói vậy, nhưng thấy Sơn nhỏ yếu quá, anh em trong trung đội chẳng để Sơn làm việc gì cả. Còn Sơn, cậu ta cũng không chịu ngồi yên, Sơn xin về đơn vị chủ lực này có phải là để được chiều chuộng đâu? Mơ ước được tham gia những trận đánh lớn, diệt thật nhiều địch cứ cháy bỏng trong lòng người thanh niên 18 tuổi ấy. Sơn mò mẫm xem từ khẩu CKC đến quả lựu đạn chày. Vũ khí của tụi địch, Sơn không lạ gì, vì hồi ở du kích, Sơn đã dùng hoài rồi. Nhưng vũ khí của ta thì Sơn chưa quen. Sơn nằn nì anh em chỉ cho cách lên đạn, chỉnh súng, liệng lựu đạn chày... Trưa nào Sơn cũng cắm cúi tháo, lắp, ngắm, chỉnh.
Sau khi Sơn về được 3 ngày thì đơn vị bước vào trận chiến đấu quyết liệt với bọn không vận Mỹ. Hôm ấy, mới sớm tinh mơ, địch đãcho máy bay lên bắn phá vùng chợ Cát. Đơn vị đã sẵn sàng ở công sự chờ chúng. Xin mãi, Sơn mới được anh Minh giao cho khẩu CKC và mấy quả lựu đạn. Nhưng anh dặn dò rất cẩn thận.
-Cứ theo sát anh, chú Sơn nhé!
-Dạ! - Sơn ngoan ngoãn trả lời và ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh lồng lộng. Trên đó, giờ đây không chỉ có mây trắng và nắng vàng, mà còn có những cái bóng đen ngòm của bầy trực thăng Mỹ. Chúng xà xuống rất thấp. Dải đất cát mịn mà trắng xoá bỗng cuộn thốc lên. Không gian chìm ngập trong bụi cát vàng khè, khói bom đạn đen đặc. Những cây dừa, phi lao oằn mình sát đất, quằn quại, ngả nghiêng. Sơn dướn người khỏi công sự, nhìn chằm chằm vào trảng cát, mắt không chớp. Hàng chục chiếc máy bay đang sà xuống, chong chóng xoay tít. Bỗng có cái tụt hẫng xuống, có cái đột ngột vọt lên cao. Những thằng Mỹ vừa rời khỏi máy bay cụm lại, bò xoài trên cát. Cối và đại liên của ta bố trí từ xa nã đạn tới tấp vào giữa đội hình chúng.
-Xuất kích! Xung phong!
Sơn bật dậy, phốc khỏi công sự, lao đi trong tiếng hò reo của dồng đội. Thấy một thằng Mỹ đang thu mình giữa đám cát bụi, Sơn thốc tới như một cơn lốc.
-Đoàng! Khẩu CKC nổ đanh gọn. Thằng Mỹ dẫy dẫy. Sơn nhào tới, đâm ngập lưỡi lê vào cái lồng ngực đỏ ối của nó rồi nhanh chóng rút ra, vọt đuổi theo những thằng Mỹ khác, nện từng phát đạn chắc chắn...
Đơn vị tạm rút về công sự. Lũ máy bay địch bị đánh bất ngờ, vọt cả lên, bỏ lại xác đồng bọn ngổn ngang trên trảng cát. Anh Minh vỗ vai Sơn:
-Chú đánh khá lắm!
Sơn gật gật đầu, song lại cắn cắn môi, mắt chăm chăm nhìn ra trảng cát. Nghĩ lại "hiệp" vừa rồi, Sơn bực quá: "Anh em có AK,
chắc quạt được nhiều địch lắm. Mình bắn CKC đì đọp, diệt chưa đủ chục thằng, ít quá!"
-Xung phong!
Sơn lại lao như bay về phía trảng cát. Trước mắt Sơn chỉ thấy một màu vàng lẫn màu xám đen và lồ lộ thân hình to lớn của một chiếc bay lên thẳng đang hạ xuống. Nó xuống dần, xuống dần, sắp sát đất rồi. Cánh cửa giữa thân nó mở trống hốc, nhốn nháo những thằng lính. Sơn lao thẳng tới trước cửa chiếc máy bay, vung tay.
-Ầm! Một tia chớp loé lên giữa đám khói mù mịt, kèm theo một tiếng nổ dữ dội. Tiếng nổ lại làm bùng lên một ngọn lửa hừng hực phủ kín cả chiếc máy bay. Sơn thoáng cười, rồi lại xách súng lao lên, tìm diệt những tên khác...
***
Cuộc chiến đấu sôi nổi cứ cuốn hút Sơn đi. Bước chân người chiến sĩ Giải phóng đã đi qua biết bao làng xóm của miền Trung rực lửa, tìm diệt quân thù. Hôm nay, Sơn lại cùng đồng đội trở về chiếnđấu ngay trên đất Bình Định, quê hương anh.
Một buổi chiều êm ả, Sơn, Hoài ra Đá Bàn ngồi nhìn về phía đồng bằng. Hoài người cùng huyện Hoài Nhơn với Sơn. Hai anh em thân nhau như hình với bóng. Sơn, Hoài ngồi kề bên nhau, đau đáu nhìn về quê hương. Làng Phụng Du thân thương của Sơn đó. Ngày xưa, nơi đây rợp bóng dừa, nhìn từ xa đến chỉ thấy bao la bát ngát một mầu xanh hiền hoà. Màu xanh của ruộng vườn nối liền với màu xanh của biển cả trải rộng tới tận chân trời. Sơn nắm chặt tay Hoài, lòng quặn đau. Màu xanh ấy giờ đây đâu còn nguyên vẹn nữa. Khắp nơi chi chít những vết bom đạn đỏ lói. Nhiều cây dừa, phi lao cụt ngọn chọc thẳng lên trời xanh cái thân hình tơi tả, gầy guộc. Ngay trên nền làng cũ của anh, đất bị cày ủi tung lên, đỏ quạch. Một cái sở Mỹ lố lăng nằm nghễu nghện ngay trên khu nhà cũ của Sơn, nhức nhối giữa mắt Sơn như một cái gai, quanh đó là đồn bốt, lô cốt, rào vi. Sơn chỉ về phía gò ú nói với Hoài:
-Nhà tao chỉ cách đó 500 mét thôi mi ạ. Không biết giờ đây bàgià ra sao. Ông già bị tụi hắn bắt đầy ra Côn Đảo cũng biệt tích...
Hoài nhìn Sơn thân thiết:
-Nhớ nhà lắm ne? Tao cũng nhớ quá mi ơi! Trận này hai thằng phải đánh cho ngon nhen.
Sơn thấy có bàn tay ai đặt nhẹ lên vai. Quay lại đã thấy đại đội trưởng Siêu, chính trị viên Hợp đứng đó từ lúc nào. Hai anh ngồi xuống, bá vai Hoài và Sơn.
-Sao, hai đứa sắp được đánh địch ngay trên quê hương, có vui không?
-Dạ, vui lắm anh!
-Bọn ta giao ước nhé: chuyến này đánh tan gò ú, giải phóng xã thằng Sơn, xong sẽ giải phóng luôn xã thằng Hoài, được chứ?
Giọng nói sôi nổi của hai anh làm Hoài và Sơn mới thoáng buồn vì chạnh nhớ quê hương, bỗng vui lên. Bốn bàn tay siết chặt, bốn đôi mắt nhìn thẳng vào nhau, sáng lên: chúng ta sẽ chiến đấu quét sạch quân giặc, giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam.
... Hôm nay đã là ngày 8 tháng 1 rồi. Mùa xuân mới lại đến.Mùa Xuân gợi nhớ những ngày tổng tấn công sôi nổi. Đêm nay, đơn vị Sơn hành quân đi đánh vị trí gò ú. Mưa xuân rắc nhẹ. Gió xuânmơn man da thịt những chiến sĩ Giải phóng. Đơn vị của Sơn đã đến vị trí tập kết và đang chuẩn bị tiếp cận vị trí địch. Sau những ngày trực tiếp đi điều tra, luồn vào tận chỉ huy sở địch, hôm nay với cương vị trung đội trưởng, Sơn xung phong làm mũi trưởng mũi chủ yếu. Những người chiến sĩ Giải phóng đang tiến sát vào tim kẻ thù.Sơn bò trước tiên. Anh dán mình trên đất quê hương, nhoài tới. Đất pha sỏi lởm chởm làm da thịt anh rớm máu. Nhưng những giọt mưa xuân thấm đượm trên mặt đất mát rượi lại làm Sơn thấy thật dễchịu. Anh em vẫn tiến vào một cách êm nhẹ, nhanh chóng. Đã qua bốn lớp rào rồi. Trên trời, thỉnh thoảng lại bùng lên một phát pháo
sáng. Đồn địch chợt hiện lên nhợt nhạt dưới ánh sáng vàng vọt. "Mũi" của Sơn dừng lại trước lớp rào thứ 5. Thằng lính gác đang đi tới, đi lui ngay trước cửa mở. Chiếc đèn pin của nó lia qua lia lại như mắt con thú dữ. Mũi súng AK của Sơn cũng rê đi rê lại theobóng nó, sẵn sàng nhả đạn. Ánh đèn lại lướt tới, rọi giữa đội hình của anh em rồi phụt tắt. Thằng giặc chắc phát hiện ra quân ta, tắt đèn định bắn. Nhưng khẩu AK của Sơn đã nổ hai phát ròn tan. Thằng địch vừa ngã vật xuống. Sơn đã vọt qua lớp rào, đạp lên xác hắn, phốc vào khu trung tâm.
-Ầm! ầm! ầm!
Ba quả thủ pháo từ tay Sơn phóng vọt vào nhà chỉ huy và cụm điện đài, nổ vang. Bọn địch trong nhà đứa chết rụi, đứa bị thương kêu như bò rống. Hai tên giặc văng ra khỏi nhà, la chí choé. Sơn nhào tới nện cho mỗi đứa một báng súng, chúng câm lặng.
Sau phút bàng hoàng, chiếc lô cốt gần chỉ huy sở choàng dậy, khạc đạn ra phía cửa mở. Anh em bị cản lại trước làn đạn đỏ lừ, dày đặc. Sơn đang tung hoành giữa trung tâm, thoáng nhìn thấy làn đạn ác hiểm ấy, bèn vòng lại phía sau, xáp thẳng tới lô cốt, dộng cho nó một trái thủ pháo. Khẩu đại liên câm bặt. Bộ đội ta ào ào xông lên. Những tia chớp thủ pháo nhoáng lên khắp nơi, tiến sâu vào giữa căn cứ địch, kéo theo những tiếng nổ dữ dội, bùng lên những khối lửa khổng lồ, thiêu rụi quân địch. Sơn thét lớn:
-B40 lên ngay!
Thinh xách B40 tới. Sơn chỉ về phía một ngôi nhà lớn nằm sâu phía sau khu chỉ huy:
-Kho đạn đấy, cho nó một phát!
"Bình!"- Quả đạn lao vút lên, kéo theo một luồng lửa lớn, đâm sầm vào ngôi nhà, bung ra một chùm hoa cải rực rỡ. Kho đạn rùng mình, cháy phực lên, nổ loạn xạ.
Bọn địch trong các nhà, lô cốt bị đánh chết nằm la liệt. Những tên sống sót xô nhau nhảy xuống giao thông hào, chạy về phía hầm ngầm. Sơn cứ chạy dọc theo bờ hào, bắn những loạt AK khiến nhiều đứa ngã gục xuống, xác đè lên nhau.
15 phút trôi qua. Anh em đã đánh hết thủ pháo, lựu đạn. Bọn địch đã bị diệt gần hết, chỉ còn một cụm dưới hầm ngầm. Sơn ra lệnh cho anh em rút. Còn anh thì chạy đi kiếm vũ khí của bọn địch để diệt nốt chúng. Chạy tới cửa mở gặp Hợp, Sơn vội báo báo:
-Hiện giờ chỉ còn một cụm quân ở hầm ngầm. Đề nghị anh dẫn anh em ra, để tôi vào đánh luôn.
Hợp đưa thủ pháo, lựu đạn và chai cháy cho Sơn, hỏi:
-Có cần người phối hợp không?
-Báo cáo, chỉ còn một cụm địch, tôi diệt được.
Sơn trả lời rồi lao vụt đi. Một quả pháo sáng từ đồn bọn Mỹ tận xa hốt hoảng vụt lên, nổ bục, treo lơ lửng trên đầu Sơn. Bóng Sơn thấp thoáng giữa những ngôi nhà, lô cốt địch đổ nát, cháy rừng rực. Sơn lao tới phía hầm ngầm. Bọn địch đang chen lấn nhau ở phía miệng hầm. Anh nghiến răng, liệng vô đó một quả thủ pháo, một quả lựu đạn. Bọn địch đổ rạp xuống, rên la. Những tiếng kêu quái gở như của ma quỷ từ địa ngục phát lên vậy. Sơn thoáng nghĩ: "Không ăn thua, hầm sâu tới 7 mét, dài 100 mét, đứng trên đánh không được gọn. Phải chui xuống đánh". Không để bọn địch kịp rúc sâu vào trong, Sơn nhảy đại xuống. Thịch! Thịch! Một bậc. Hai bậc... Sơn lọt thỏm vào giữa cái miệng hầm đen ngòm. Lòng hầm tối om, chỉ nghe bọn địch rên rỉ, la hoảng dưới đó. Sơn khom người nắm chặt trái thủ pháo và chai cháy, liệng vô giữa chỗ ồn ào nhất rồi vọt lên.
-Ùng!
Tiếng nổ âm vang trong lòng đất. Một luồng lửa xanh phụt ra miệng hầm. Một luồng gió mạnh thốc lên. Sơn vừa nhoi lên khỏi
mặt đất, chân còn thòng dưới miệng hầm, liền bị gió hất tung lên; sức mạnh ghê gớm của luồng gió làm Sơn văng ra xa 7,8 mét, nằm sóng soài bên cột cờ đồn địch. Sơn chỉ thoáng nhìn thấy luồng lửa xanh ấy. Sau đó, một màn đen bịt bùng ập tới, bọc kín đầu óc anh.
... Gần sáng rồi. Mưa ướt đầm đìa cây cỏ. Những giọt nước lạnh ngắt đọng trên mặt làm Sơn choàng tỉnh. Anh mở mắt ra, thấy lửa vẫn rực cháy nơi kho đạn. Tai Sơn ù đặc. Mặt mũi rát bỏng. Cơ thểnhũn bấy như cua lột mai. Đồn địch vắng tanh vắng ngắt. Sơn trừng mắt nhìn kho đạn, rồi chực gục xuống. "Ráng lên! Ráng lên trở về với đội ngũ mà chiến đấu!". Có tiếng gọi nào vang vang lên vậy, nghe đâu xa thẳm tận đáy lòng. Tiếng gọi của người chiến sĩ không bao giờ khuất phục trước khó khăn, lúc nào cũng tha thiết được cùng đội ngũ chiến đấu. Sơn chống tay dậy, bắt đầu bò đi. Lửacháy rừng rực soi rõ phương hướng cho Sơn. Được 10 thước, Sơn lại xỉu xuống. Anh áp má trên mặt đất mát rượi. Mặt đất có những ngọn cỏ êm êm đã từng thấm máu cha ông, giờ lại thấm máu anh, truyền cho anh sức mạnh. Sơn nhỏm dậy, bò tới...
Khi trời mờ sáng thì Sơn ra khỏi căn cứ địch. Cách đó không xa có một xóm nhỏ nằm trong một vườn chuối. Sơn thầm nghĩ: "Bây giờ đi đâu? Xung quanh dày đặc đồn địch. Cứ vô xóm đó. Gặp dân là sẽ ổn cả". Anh ráng sức bò thật nhanh về phía xóm nhỏ.
Một ông già từ trong một ngôi nhà lụp sụp bước ra. Ông đứng lặng bên người chiến sĩ mình mẩy bỏng rộp, tóc cháy quăn queo. Sơn nhỏm dậy, nói hổn hển trong hơi thở đứt đoạn:
-Con là bộ đội giải phóng đánh gò ú hồi hôm...
Ông già nói một câu gì đó. Tai Sơn điếc đặc, không nghe được.Ông già cúi xuống, nhìn thẳng vào mắt Sơn, tay chỉ lên dãy núiphía xa xa. Ông ghé lưng vào, cõng Sơn dậy. Sơn nằm trên lưng ông, mê man. Anh mơ màng cảm thấy như mình đang đi trên mộtchiếc thuyền nhỏ giữa biển cả. Ông già lúc thì đi lom khom, lúc thì bò toài trên ruộng lúa, vạt tranh, đưa Sơn vượt qua mọi đồn bốt địch, tiến về dãy núi phía Tây.
***
Phong trào cách mạng trong tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiệm vụ diệt ác ôn hỗ trợ đồng bào nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ càng cấp bách. Một hôm, trong khi đi liên hệ với địa phương để chuẩn bị đánh căn cứ gò Trạm, Sơn gặp đồng chí Bí thưHuyện uỷ. Đồng chí nói với Sơn:
-Vùng này có tên Hiếu, ác ôn khét tiếng. Hắn chuyên giả làm người buôn bò, heo, lân la tới các vùng để điều tra tình hình cơ sở ta, về tìm cách đánh phá. Hắn còn trực tiếp nhúng tay vào việc tra tấn tù binh. Hắn thường dùng một mảnh bom sắc quấn vào một sợi vải dài, quật lên khắp mình mẩy người tù cho toé máu ra. Hắn cũng quen lối lấy đinh đóng lên bàn tay người tù. Diệt được tên Hiếu sớm ngày nào, phong trào cách mạng ở địa phương có lợi ngày ấy.
Nghe tới đây, Sơn nắm chặt tay đồng chí Bí thư, nói cương quyết:
-Để tôi diệt nó.
Đồng chí bí thư trầm ngâm:
-Địa phương cũng đang tìm cách diệt hắn. Nhưng hắn rất xảoquyệt. Cứ tối đến là hắn về quận lỵ ngủ. Đường về đó lại nằm giữa 5,6 ấp chiến lược, đông dày quân địch.
Sơn tha thiết :
-Nhất định tôi sẽ tìm mọi cách để diệt hắn. Chỉ yêu cầu các đồng chí cho điều tra nắm vững quy luật hoạt động của hắn, cho người đi với tôi để nhận dạng hắn.
...Một buổi chiều, trên con đường từ Cát Nhơn đi Phù Cát có hai thanh niên đứng tán gẫu bên một cột cây số. Cách đó 150 mét làmột đồn Bảo an. Đầu đường bên kia, cách 200 mét cũng có một trung đội Dân vệ đóng giữ. Trên đường, xe cộ đi lại tấp nập. Nhữngchiếc xe Hon đa phóng vụt qua, máy êm ro. Đã xế chiều rồi. Đường vắng dần. Người thanh niên cao lớn vỗ vai người thanh niên nhỏ bé, chỉ về phía Cát Nhơn:
-Anh Sơn, thằng Hiếu tới đó.
Bùi Đức Sơn bước ra sát mép đường, nhìn chăm chăm vào chiếc Hon đa đang tiến lại gần. Trên xe, ngồi lái là một gã đàn ông to khoẻ như trâu mộng, ngồi sau là một gã đàn ông nhỏ bé hơn. Khi chiếc xe còn cách khoảng 10 thước, Sơn đứng hẳn ra ngoài đường, vẫy vẫy tay:
-Này anh, về Phù Cát phải không, cho tôi hỏi thăm chút.
Gã đàn ông hãm xe lại. Những sợi tóc xoăn rủ lòng thòng trước trán, che bớt khuôn mặt to bạnh, da đỏ lự. Gã cau có:
-Thằng nhỏ, sao mày dám cản xe tao?
-Ông cứ bình tĩnh cho tôi hỏi chút. Ông có phải là ông Hiếu?Ông về Phù Cát chứ?
-Mày muốn gì tao hả?
Gã quát lên thật hách dịch. Nhận rõ mặt thằng Hiếu, Sơn móc khẩu súng ngắn dắt trong lưng quần ra, chĩa vào hắn:
-Giơ tay lên. Cục cựa tao bắn bể đầu.
Tên Hiếu run rẩy giơ tay lên, mặt tái mét. Gã đàn ông phía sau hoảng hốt vụt chạy. Sơn đưa súng theo, bóp cò. Nhưng viên đạn không nổ. Anh nhanh chóng giật cơ bẩm, bắn phát thư hai, hắn bổ xấp xuống ruộng. Thằng Hiếu hoảng sợ đến cao độ, mặt tái mét. Sơn chĩa súng vào ngực nó tuyên bố:
-Mi là ác ôn, có nhiều nợ máu với đồng bào, hôm nay mi phải đền tội.
Sơn bóp cò nhưng viên đạn lại thối. Thằng ác ôn nhắm mắt lại, tưởng cái chết đã chụp lên đầu, nghe tiếng "tách" liền mở mắt ra, đưa tay vào bao súng bên hông. Nhưng Sơn đã kịp thời giật cơ bẩm, bắn tiếp phát nữa. Tên Hiếu ngã khụyu xuống, la lối:
-Ươi trời ơi, Cộng sản giết tôi, cứu tôi với!
Sơn bồi cho nó một phát nữa. Thằng ác ôn khoẻ như gấu vẫn chưa chết mà còn quằn quại, rên rỉ. Bọn Dân vệ, Bảo an nghe tiếng súng, hốt hoảng chúi đầu vào lô cốt, kêu la vang trời. Sơn thấy phải kết liễu nhanh đời tên ác ôn này. Anh kéo tay anh du kích, liệng một trái lựa đạn giữa bụng tên ác ôn. Anh du kích liệng tiếp một trái nữa, phá tan chiếc xe Hon đa.
Bọn địch lúc này mới xả súng về phía đường, nơi có xác tên Hiếu và chiếc Hon đa tan nát. Sơn và anh du kích băng xuống đồng, chạy về căn cứ. Những quả M79 đuổi theo nổ tốc tốc nhưng vô hiệu...
***
Trên đây chỉ là 3 trong số 46 trận đánh của Anh hùng Bùi Đức Sơn. Anh đã tiêu diệt 176 tên Mỹ -nguỵ, gấp 8 lần số tuổi đời mình. Riêng trận Gò ú, anh diệt 70 tên địch, diệt gọn ban chỉ huy đại đội, phá huỷ một điện đài 15WAT, một đại liên, một lô cốt, một hầm ngầm, góp phần tích cực cùng đồng đội diệt gọn một đại đội 150 tên đóng ở căn cứ này.
Hiện nay, với cương vị đại đại đội trưởng, Bùi Đức Sơn quyết tâm cùng đồng đội xây dựng đơn vị mình giỏi toàn diện, đã xuất quân là chiến thắng.
Ngày 17/6/1971
Lên đường đi Phù Mỹ. Nhằm phương Đông mà tiến. Xuyên qua những rừng cây nhỏ, đầy gai, qua những đồi tranh nóng bỏng. Gió thổi bạt cả hơi. Nắng hầm hập. Nhìn qua đồi Bà Tám thấy địch đóng tăng lố nhố trên đỉnh đồi. Khi đi xuống một con suối, thấy mộtmảnh giấy ghim vào thân cây, ghi: "Địch cách đây 500 mét!". Vẫn lặng lẽ bước đi. Song đếm từng bước chân một. Cứ 2 bước chân là một mét. 500 mét vị chi là 1.000 bước! Dè chừng đấy. Rải rác 2 bênđường có hố kích của địch. Đi khoảng 3 - 400 mét có một đường rẽ. Phía trước có dấu lá dấp lại. Chúng tôi rẽ sang phải, bỏ con đường chính. Phía đó chắc có địch.
Trạm Tám ồn ào những người. Người cột võng la liệt, nằm chờ để xuống khẩu. Anh em cho biết địch đổ quân lung tung. Cách đây chừng 10 - 15 phút có địch. Nói nhỏ. Chặt củi cũng phải nhẹ tay.
Hồi trưa, đứng trên núi nhìn xuống thấy đồng bằng trải rộng dưới tầm mắt. Mầu xanh vẫn là mầu bao trùm. Duy chỉ có một vùng cát quanh núi là không có mầu xanh, trông như cái khăn tang trắng nhờ quấn lấy chân núi.
Ngày 18/6/1971
Một giờ trưa, bắt đầu đi xuống. Thực sự bước tới đồng bằng rồi.Đặt chân lên những cánh đồng rộng lớn. Đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Xã Cát Sơn (Phù Cát) này trắng dân. Dân đã bị lùa hết vào khu dồn.
Dần dần bước tới khu ruộng đã cày. Chắc cày lâu rồi, cỏ đã lại mọc lên. bên cạnh thửa ruộng là một ngôi nhà bị đốt từ lúc nào. Có những đống rơm to đứng trơ trọi trong những vòng dây thép gai rào thưa.
Đến trạm giao liên. Mới chập tối, địch đã bắn đèn dù liên tục. Pháo bắn rít xòen xoẹt trên đầu. Lối Vạn Thiện - Mỹ Hiệp có địch nên phải đi vòng Phù Cát. Qua những đồng ruộng, xóm làng. Mặc dầu là đêm, đường vẫn hiện lên trắng ợt dưới ánh sáng của những ngọn đèn dù đua nhau phóng vụt lên và treo lơ lửng giữa trời. Bóng người cứ đột ngột dựng đứng rồi ngả dần, dài ra theo quả đèn xuống thấp dần. Gió đồng nội ngào ngạt. Có những thửa ruộng lúa đã lên cao, rì rào trong gió. Có những thửa ruộng đã bừa, lõm chõm những bó mạ chờ cấy. Tôi hít cái hơi phóng khoáng của đồng nội, sao thấy thân yêu quá!
Xóm làng có nhiều dừa, tre. Qua một xóm nhà chi chít. Những ngôi nhà tranh lớn nằm im lìm trong đêm. Không có dân, nhưng vẫn có sự sống của con người. Một chú bê đứng ở một thềm nhà im lặng nhìn chúng tôi. Tôi xoa đầu chú, chú cũng không động cựa. Có tiếng ngan kêu khàn khàn trong chuồng. Có những bộ quần áo phụ
nữ phơi còn ướt. Có những giếng xây, nước mát lạnh. Đồng bào nơi này vào ấp cả rồi. Ngày họ lại về. Chúng tôi chờ trực ở nơi này.
Giao liên ở dưới lên tên là Hùng. Anh không chịu dẫn chúng tôi đi. Anh Bình - Tỉnh uỷ viên - gay gắt:
-Tôi phải về triển khai nghị quyết Tỉnh uỷ gấp. Còn dẫn hay không thì tuỳ anh.
Hùng làu bàu:
-Tôi mới xuống, nếu xuống nữa, công việc ở nhà không ai giải quyết.
Tuy vậy, anh vẫn giao công văn và dẫn chúng tôi đi.
Đang đi ở ruộng thì đột ngột leo lên một thành đất khá cao trên đó là đường xe lửa. Sau đó vượt đường số một. Con đường caonhư một con đê, rộng chừng 7 - 8 thước, trải nhựa. Đứng trên đường nhìn về hướng Nam thấy gần đó có một vùng sáng ánh điện. Nổibật lên là hai ngọn đèn sáng rực như đèn pha. Đấy có thể là ấp chiến lược.
Giao liên vẫn bám đường phía trước. Chúng tôi lặng lẽ bước sau. Phải hết sức im lặng vì địch rất gần. Vào một xóm. Cô Tâm giao liên hợp pháp - dừng lại:
-Lấy dừa ăn!
Cô lục lục trong bờ rào, đưa ra 5 trái dừa lớn. Lấy rựa vạc, đục nước uống. Rựa cùn nên chặt qúa khó, lại ồn nữa nên chỉ uống sơ sơ mỗi người nửa trái. Dừa đã già nên nước hơi chua, nồng nồng mùi bia. Moi vội vã mấy miếng cùi dừa rồi bỏ đi. Tôi tiếc rẻ ôm theo một quả, một lúc lại phải bỏ lại.
Qua một ngôi nhà nhỏ. Ngoài sân có mấy du kích nằm ngủ, súng AK để bên cạnh.
Lội qua sông La Tinh. Đi một hồi đến một khu gò. Chui vào đấy cột võng nghỉ. Cô Tâm nằm lăn ra đất mà ngủ. Hùng đưa tấm ni lông bảo cô trải nằm, cô vùng vằng không nhận. Hai người thì thầm, dằn dỗi gì đó với nhau. Qua cách cư xử của họ, tôi đoán họ có vẻ như mới yêu nhau, hay ít nhất cũng đang có tình cảm đặc biệt với nhau. Có điều, không hiểu họ đã nhìn rõ mặt nhau chưa, bởi vì, do công việc, họ chỉ được gặp nhau trong đêm.
Ngày 19/6/1971
Bầy te te siêng năng một cách vô tích sự. Hồi chiều qua, khi lũ chim khác đã ngủ hết rồi, chúng còn bay nhao nhác, kêu tét te. Sáng nay, chúng lại dậy sớm hơn hết thảy, gọi nhau rối rít. Bầy chào mào, tu hú cũng hót theo lảnh lót. Dàn đồng ca vô thức của lũchim khiến chúng tôi bật dậy. Đi luồn trong lòng địch, nhiều khi tiếng chim xao xác cũng khiến chúng tôi bị địch phát hiện, nên lúc này không lòng dạ nào mà nghe chim hót. Cô Tâm tạm biệt chúng tôi. Tới lúc chia tay rồi, tôi cũng không biết mặt cô, vì lúc này trời vẫn tối. Có những cô gái bất hợp pháp lánh ra đây. Có những người dắt bò qua.
Xã Mỹ Tài có những dải đất nhỏ bọc 4 phía. Chúng tôi nằm ởrìa chứ không vào làng vì sợ bọn địch đột nhập. Để đồ đạc gọn gàng rồi nằm ra đất ngủ một chút. Có hai em bé từ làng chạy ra nói gì đó với anh Bình. Anh gọi Kính ra cảnh giới.
Từ chiều hôm qua đến nay đều phải đi đất, đạp gai đau quá không đi dép cao su vì sợ bọn địch phát hiện dấu vết. Toàn xã này có 2 đại đội Bảo an (lính địa phương), 3 đại đội Cộng hoà (lính chủ lực nguỵ). Chúng co lại 2 chốt nhưng vẫn có một số trài trong dân,một số thỉnh thoảng đi lùng sục. Du kích ở đây có 10 người. Địch vào thôn Vạn Thái - cách chỗ chúng tôi khoảng 5 phút đồng hồ. Nhưng cũng yên trí vì nhân dân báo tin thường xuyên. Trên trời, thỉnh thoảng vài chiếc máy bay trực thăng đi hốt quân ở đâu đó nổ máy bạch bạch. Dưới đất, thỉnh thoảng nổ một vài tràng đại liên. Gió thổi làm hàng phi lao kêu vi vút.
Chúng tôi vòng qua thôn Vạn Ninh để tiếp tục đi. Hai cô gái đitrước bám đường - bám hợp pháp. Đi giữa những thôn xóm, vườn dừa, giữa những cánh đồng màu tấp nập cày bừa, thấy náo nức lạ.
Khắp đất này đi tới đâu cũng thấy khí thế nổi dậy sôi sục. Tới đâu cũng thấy bàn kế hoạch: tối nay, ngày mai... nổi dậy, phương án nổi dậy.
Đồng chí Tài - Bí thư Thị uỷ Phù Mỹ - kể cho chúng tôi việc diệt ác ngay trên quốc lộ, chuyện cô gái Phù Mỹ diệt ác giữa thị trấn, chuyện bức rút san đồn với giọng sôi nổi hiếm có.
Đêm, tổ chức mít tinh trị tề điệp, phát động nổi dậy. Đồng bào toàn xã đều tới, lại phải qua những đồn địch, nên tập hợp được đôngđủ cũng khá vất vả. Mãi gần 22 giờ mới bắt đầu. Đèn dầu thắp bằng ấm, bằng lon sữa, sáng rực.
Trong vụ xử án này, tôi thấy một trường hợp thật phức tạp. út Thám là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, có 2 con gái, một con trai, trước đây là người có nhiều công với cách mạng. Từ năm 1960, gia đình này đã là cơ sở vững của cách mạng, chuyên theo dõi tình hình địch, bảo vệ, nuôi nấng cán bộ. Có lần bọn địch được báo có hầm bí mật ở gần nhà này. Chúng đến săm nhưng không thấy, bèn bắt Hành con gái thứ 2 của Thám - đánh đập rất dã man. Chúng bắn nát bàn chân Hành nhưng vẫn không buộc được cô khai lấy một lời. Vậy mà tới năm 1969, khi địch "bình định cấp tốc", dùng thủ đoạn tâm lý chiến, cài cấy gián điệp, thì chính gia đình này lại trở thành điệp báo nguy hiểm. Thám nhiều lần báo hoạt động của cán bộ, du kích và dẫn địch đi đánh, gây thiệt hại nhiều cho ta. Còn Hành thì liên hệ chặt chẽ với tên nguỵ binh ác ôn, hù doạ đồng bào. Khi đưa tên này ra, tôi thấy bên cái căm thù còn trào lên một sự đau xót. Thám người gầy gầy, búi tóc sau gáy như mọi bà má miền Nam khác. Còn Hành là một cô gái cao cao, trắng trẻo, trông cũng không có nét gì là ác hiểm cả. Tội của Thám lẽ ra phải xử tử. Nhưng xét công trước đây, nhân dân chỉ bắt tù thôi. Còn Hành chỉ bị cảnh cáo trước dân, phải đứng ra hứa hối cải. Cô ta mất hồn, lắp bắp không nói được câu nào cả.
Họp về, anh em thanh niên dẫn đi chơi. Dưới ánh trăng nhạt, trong vườn dừa mát mẻ, đi dạo chơi với những người con trai, con gái tuổi xuân phơi phới, thấy thật bâng khuâng. ở đây còn nhiều nam nữ thanh niên choai choai, nhưng đi thoát ly ít quá. Họ khai bớt tuổi để trốn lính (nguỵ), song cũng để khỏi phải đi thoát ly (cách mạng). Có người khai 12 tuổi nhưng thực ra đã ngoài 20, có vợ, có con rồi.
Bên cạnh đó có những câu chuyện về tòng quân rất vui. Có chú bé xách khăn gói đi nhập ngũ, mẹ níu theo gọi về, cậu nói:
-Thôi, má về trước đi, tui về sau. Má về chuẩn bị đồ cho tui vô lính, rồi khi nào cách mạng họp gia đình binh sĩ nguỵ thì nhớ đi nhe!
Mẹ đành mếu máo:
-Thôi, thế chờ tao bán con bò, kiếm ít ngàn cho thêm rồi hãy đi, con!
Có chú bé suốt ngày lo đi lượm súng đạn, tìm cách đánh giặc. Mẹ rày la, chú ta nói:
-Con đi làm việc cách mạng, con ăn cơm của cách mạng chứ không phải cơm của mẹ!
Mẹ gắt
-Vậy mày giỏi, mày đi đâu ăn thì ăn, đừng ăn ở nhà nữa!
Chú tiếp luôn:
-Nhưng cách mạng phân công con ăn ở nhà này, mẹ tính sao?
Mẹ cười xoà, chịu lý của con.
Về ngủ chừng một tiếng đồng hồ rồi trở dậy vác ba lô đi. Trăng nhàn nhạt. Nếu không có người dẫn đường, có lẽ tôi lạc vào nơi địch
ở một cách dễ dàng, vì tôi không rõ phương hướng ra sao mà địch thì ở quanh quẩn vài trăm mét. Gà đã bắt đầu gáy sáng.
Anh em du kích dẫn vào nhà một đồng bào nghỉ. Nhà nướng bánh tráng, nhúng nước bánh tráng đưa chúng tôi chấm nước mắm ăn cho đỡ đói. Bà chủ nhà nói: "Thật tiếc, không có cá, có lươn cho các chú ăn".
Vào một xóm ngủ. ở đây, nhà cửa cũng đàng hoàng, không thấy có hầm tránh pháo. Có những ngôi nhà dùng tôn làm máng nước nơi giọt gianh, sáng loáng. Có những chiếc giường gỗ sơn xanh, đẹp, trải chiếu đàng hoàng. Ba năm rồi tôi mới thấy lại những thứ đó.
Ngày 20/6/1971
Vào nhà một bà già ăn cơm. Có cá kho, da bò xào, cơm gạotrắng. Ăn xong, bọn tôi trả gạo. Cả bà già, ông già đều nói: "anh em đừng ngại phiền bà con. Nói thật, ăn thì bọn tôi không lo, lo chỗ ở, lo tình hình địch thôi. Rủi có gì thì khổ mấy anh, khổ cả bà con".
Chúng tôi họp với mấy cán bộ xã Mỹ tài, Mỹ Hiệp và huyện. Họp ở một ngôi nhà cao ráo, sáng sủa. Có du kích cảnh giới các phía. Ngủ ít quá, đi mệt quá nên bây giờ ai cũng phải đấu tranh chật vật để tỉnh táo. Thu - Bí thư Mỹ tài - gà gật mãi, phải ra dấp nước vào mặt cũng không tỉnh ngủ. Anh vấn một điếu thuốc nhưng mới được một nửa đã ngủ, làm rơi điếu thuốc. Choàng dậy vấn lại, chưa xong đã nhắm mắt, đánh rơi điếu thuốc lần nữa. Anh bực mình lấy qụat quạt phành phạch nhưng mắt vẫn nhắm nghiền, người ngả nghiêng.
Trời trong, gió lộng, không gian thoáng đãng thật đáng yêu.
Nhiều người buồn ngủ quá, anh Bình phải cho tạm nghỉ họp. Ai nấy lăn ra ngủ say sưa... Tài và mấy anh em đi hái dừa. Những trái dừa to đầy ắp nước, thứ nước trong vắt, mát tận gan ruột. Pha sữa, nạo cùi non vào nước đó thì ngon tuyệt.
Về đêm, trời mưa giông. Sau cơn mưa, chúng tôi ra đi. Vùng này có nhiều đồi, núi nhỏ. Băng trên những bờ ruộng nhỏ, thỉnh thoảng lại thụt chân xuống ruộng. Vượt qua đường cái quận Phù Mỹ rồi băng qua một đám ruộng nữa, tới một khu gò. Có 2 người cột võng ngủ đó. Chúng tôi dừng lại, tranh thủ ngủ chút ít. Ngủ được khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì sáng.
Ngày 21/6/1971
Sáng, chúng tôi đi theo Bình - Bí thư Mỹ Chánh. Tình hình yên, khỏi phải đi tối. Chúng tôi đi theo rìa núi. Rồi leo lên một hòn núi nhỏ. Cây cối ở đây cằn cỗi, gai góc. Những chùm dủ dẻ chín vàng. Những trái chim chim chín đỏ, tròn, kết thành hàng như chuỗi cườm đỏ. Những cây dứa dại một gốc nhiều thân, vỏ nâu, gai nổi u như những củ từ. Quận lỵ Phù Mỹ nổi lên trăng trắng, đo đỏ giữa màu xanh rì của cây cối. Qua khỏi đỉnh đồi, chúng tôi ngồi lại sau cây dứa dại để quan sát tình hình rồi mới đi xuống. Ngay dưới chân đồi là những thửa ruộng mầu. Xa hơn một chút có những ngôi nhà lợp mái tôn trắng toát. Tiếp đến là những đìa nước với những hàng cây ngang dọc như bàn cờ. Sau đó là đầm nước lớn nối liền vớivụng nước ngọt. Đầm nước lặng không một gợn sóng, in hình mây trắng, mây xanh trên trời, trông xốp như một đệm bông lớn. Biển thì trông như một bức tường màu xanh dựng đứng ở nơi chân trời. Một quả núi hình chiếc tầu chiến đứng chơi vơi giữa biển, nổi lên cái mầu xanh đen mờ nhạt. Phía sát đầm nước, một quả núi mà một nửa dát cát vàng tới đỉnh, một nửa khảm cây xanh, nổi lên cao ngạo nghễ. Không gian thanh trong. Có những tiếng te te kêu trách móc: 'Te te tò quách!". Tiếng chào mào hót vô tư. Chú bò nào đó chợt kêu lên tiếng kêu trầm ấm, chìm ở dưới chân núi. Tiếng động cơHon Đa kêu rền phía đường cái.
Thấy ổn thoả, chúng tôi lần xuống chân núi rồi bước ra đồng. Có những thưả ruộng trồng đầy ớt, trái chín đỏ bên những luốngkiệu cằn cỗi. Trẻ em chăn từng bầy bò 9-10 con rải rác đó đây. Đi vào một khu nhà. Nơi đây trước là ấp chiến lược, mới được mở ra. ở nhà chỉ thấy mấy bà già, mấy cô gái và các em bé. Bà con hôm nay kéo đi đấu tranh. Vào một nhà mua nước cam, bia để giải khát. Căn nhà lợp tôn trắng, xây tường gạch, nóng hầm hập. Chủ nhà là một
cô gái trắng trẻo, mặc chiếc áo ni lông hoa, mầu thanh nhã. Nước cam mát ngọt, tê tê đầu lưỡi gợi nhớ Hà Nội với cửa hàng giải khátBốn Mùa hay Cẩm Bình. Đi ra đường cái huyện. Con đường đất cát nhỏ giờ này vắng người. Thấy 2 cô gái vác rựa, một cô vác một cây gỗ lớn đi lại. Các cô khoe vừa đi đấu tranh về. Hai bên đường có 2 dẫy nhà gạch nhỏ. Mấy đứa bé ngồi lê la bên hè, nhét trái cây vào ống tre bắn "tốc, tốc". Một em trai hỏi tôi có lấy đạn côn khôngg và chạy đi lấy cho tôi. Một chiếc xe Hon đa chạy từ phía quận lỵ về, chở theo 2 cô gái mặc áo ni lông màu cá vàng. Bình ra đón xe, đưa giấy gì đó. Anh lái xe đeo kính đen, đội mũ phớt cầm giấy và lại cho xe đi. Vùng này thuộc xã Mỹ Chánh.
Đi trên bờ đìa, ngửi mùi nước tanh tanh. Nước đang lên theo thuỷ triều nên lớn. Những cây mắm mọc dưới nước có hàng chùm rễ to bằng ngón tay cái, nổi trên mặt nước, có lá dầy tròn như lá mít, ròn như bánh đa nướng, cành mọc tùm hum như một bồn hoa, trông gọn, đẹp. Gió biển thổi về lồng lộng. Tôi rửa nước đầm, thấy xót mới chợt nhớ đây gần biển lắm.
Bữa cơm trưa có cá biển tươi ngọt lừ.
Một số cán bộ xã nằm ở khu nhà ngoài đìa nước này chờ theo dõi cuộc đấu tranh của đồng bào. Du kích leo lên cây dừa để quan sát địch.
Xế chiều, chúng tôi trở ra xóm nhà bên đường. Nước đìa đã xuống theo thuỷ triều, để lại một vành đai cát rộng chừng một thước viền theo bờ đìa. Trên vành đai đó, những chú còng ló thụt trước miệng hang. Loại còng này nhỏ bằng ngón tay cái, có bộ ngoe nhỏ như chiếc đinh ghim, đỏ au, có một chiếc càng to bằng thân cũng đỏ ối. Chiếc còng luôn gấp sát bên mình - cái mình sọc dưa đen trắng. Các chú giơ cao chiếc càng to xù lên trước rồi bò ra khỏi hang, kéo theo những viên cát nhỏ chắn trước cửa như chiến hào vậy.
Xóm này nằm rải rác hai bên đường, với những ngôi nhà xây, lợp tôn trắng, những ngôi nhà gạch 2 tầng xinh xắn. Một gia đình dọn cơm cho chúng tôi ăn, có cá biển, thịt heo, rau muống và mắm
cá. Bữa cơm đầy hương vị gia đình, ba năm nay tôi mới gặp lại. Ăn xong, nghỉ một lát rồi chuyển sang ngôi nhà nằm sâu phía trong, cách xa đường cái. Dù sao cũng phải cảnh giác vì ngôi nhà đó gần đường, nếu có kẻ nào đi qua liệng vô một trái lựu đạn là đủ tổn thất lớn. Vả lại, bọn Cộng hoà mới tập trung một tiểu đoàn tại chùa An Quang, cách đây không xa, nơi chúng tôi mới đi qua hồi sáng chúng có thể tập kích bất ngờ. 9 giờ tối, chúng tôi ra đi. Đi dọc theo đường cái. Bước chân phóng khoáng, không bị vấp váp đá, cây, nhùng nhằng dây dợ như đường núi. Con đường này ta làm chủ nhiều đoạn, nên giao thông địch bị cắt dứt, đêm đến ta đi trên đường một cách tự do. Thỉnh thoảng phải vòng tránh những tuyếnbố phòng chặn giao thông địch. Đêm nay, trời trong trẻo. Sao gắn cho trời muôn nghìn đôi mắt sáng lấp lánh, vô tư và lãnh đạm. Dải Ngân Hà trải lòng êm ả giữa cõi xa xăm. Gió biển tràn về lồng lộng.Tôi nhìn đắm đuối về phía biển Đề Gi. Nơi đó có những ánh đèn măng sông sáng xanh rực rỡ, nhấp nha nhấp nháy. Một quả pháo sáng thật vô duyên, tự nhiên lại len vào cái vùng sáng mỹ miều ấy bằng một đốm sáng vàng eỏ lả, ma quái, run rẩy, chấp chới.
Rồi bước đi trên bãi cát của xã Mỹ Thành. Bãi cát bao la ngời trắng. Phi lao, dừa mọc thành rừng trên bãi cát, ru gió vi vu. Thỉnh thoảng lại lội qua những vũng nước rộng. Bước chân đạp nước bắn tung toé, làm xáo động lên những đốm lân tinh sáng yếu ớt.
Qua khỏi Động Dương, đi chếch về phía tay phải một chút trên bãi cát, chúng tôi tiến ra sát bờ biển. Giờ đây tôi mới được gặp biển sau bao năm mong đợi. Biển đón tôi bằng tiếng sóng ì ầm. Trong ánh sáng sao, tôi nhìn thấy lưỡi sóng trắng của biển liếm vào bờ cát. Tôi đi sát biển, muốn gửi trọn tấm tình tha thiết đối với biển, nhìn biển không chán mắt. Mỗi con sóng chỉ như một cây gỗ lớn bị xô vào bờ, tới sát bờ bỗng biến thành một chiếc tên lửa trắng toát, phóng vụt theo bờ cát rồi tan biến đi, để lại những bọt trắng xoá tan xèo xèo trong cát. Biển gửi vào bờ cái dào dạt của lòng mình qua những đợt sóng bất tận. Biển cũng gửi ánh sáng của lòng mình qua những lưỡi sóng đó. Mỗi con sóng tạt vào bờ, lúc rút đi còn để lại những bọt sóng trắng có lốm đốm những ánh lân tinh. ánh lân tinh tưởng đã tan biến vào trong cát, khi gặp những bước chân đá thốc lên, lại bắn ra những đốm sáng xanh tinh nghịch. Tôi bước sát mép
nước, mặc cho nước tạt ướt ống quần. Tôi kéo mạnh chân trên cát làm bung ra từ bộ mặt mịn màng ấy những đốm lân tinh. Tôi cúi vốc một hớp nước uống vào lòng.
Hôm nay, người con của núi rừng về gặp biển. Xin uống một hớp nước mặn mòi của biển. Xin mang vào tận đáy lòng tấm tình dào dạt, mãnh liệt đến hung tợn của biển. Ta muốn lòng ta bao la như biển để chứa đựng được tất cả cái chiều sâu thăm thẳm, cái bề rộng mênh mông, cái dạt dào ầm ã của cuộc đời. Biển là sự ngưng đọng của đất trời, mưa nắng. Tất cả những gì tinh tuý nhất, ô uế nhất của vật chất đều dồn về đây, nhào trộn với nhau, tranh chấp với nhau, làm nên những sản phẩm vật chất kỳ diệu khác. Ta muốn tâm hồn ta cũng là sự ngưng đọng của cuộc đời, của con người và thiên nhiên, của những cái đẹp đẽ và xấu xa trong xã hội. Và ta muốn sóng của tâm hồn ta sẽ nhào trộn chúng, đập tan chúng, kếttinh chúng thành những sản phẩm tinh thần cao thượng. Đó là ướcmơ. Ước mơ chắc gì đã thực hiện được. Nhưng xin cứ ước mơ và nguyện sống theo ước mơ.
Thanh Bình - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ - và cô Năm -Chấp hành Huyện đoàn - đều nằm xoài trên cát. Năm là cô gái gầy gầy nhưng có nét hóm hỉnh, miệng cười rất tươi. Cô kể rằng hồi nhỏ đi học không có trường lớp, mỗi trò một chiếc ghế đòn, tiện nhà nào vào nhà ấy ngồi nhờ thành lớp. Vào thời kỳ khó khăn, rất khan hiếm thực phẩm, khi ăn mắm cái, Năm và các bạn không rửa chén đũa, để đến bữa sau đổ nước vào khoắng cho có mùi tanh. Cứ thế cho đến khi nào bát đũa không còn chút mùi tanh nào nữa với dùng vào việc khác. Quả là bước trên cát chóng mỏi chân thật. Tôi và Kính vào một xóm chài trên biển. Xóm nhỏ nằm im lìm trên cát. Từ những ngôi nhà nhỏ hắt ra những ánh đèn dầu yếu ớt. Mọi người đang ngủ say. Một bà cụ dậy mời chúng tôi uống nước. Bên cạnh võng bà nằm là một nồi lớn bắc trên bếp đang sôi sùng sục. Củi phi lao cháy rất đượm. Bà cụ nói: đang nấu bánh tét, nhưng mới được một hồi lửa, chắc chưa chín. Bà lật lớp bánh ở trên, chọn lấy hai cặp đưa chúng tôi.
Vào thôn Tân Phụng (Mỹ Thọ) ngủ. Thôn này cũng nằm trên bãi cát ven biển, có những ngôi nhà xây bên những cây phi lao duyên dáng.
Ngày 22/6/1971
Về P.U (huyện uỷ). Lại đi trên bờ biển đón sóng gió dạt dào. Sớm tinh mơ, trông biển như nhuộm một màu đen. Nhưng khi mặt trời đã lên, biển lại nhuộm một màu xanh biếc. Tôi muốn gửi cả tâm hồn vào lòng biển. Tôi nhào vào lòng biển mà lội bơi. Biển vồ vập ôm lấy tôi, vuốt ve tôi bằng bàn tay sóng dịu dàng. Tôi thả sức bơi lướt trên mặt biển, mặc cho nước biển mặn chát bắn vào mặt xót xọt.
Tôi vô ý để đôi dép gần mép nước, liền bị sóng cuốn đi một chiếc. Suýt nữa thì mất. Biển vô tư và nghiêm khắc lắm đấy, biển không tha thứ những anh ngờ nghệch đâu.
Cơ quan P. (huyện) nằm sát biển trong những hang đá nhỏ. Ngồi ở "nhà" nhìn xuống biến, thấy những đốm trắng của sóng cứ nở hoa mãi và có những đoàn ghe máy của đồng bào đi làm cá dập dìu trên biển. Phong cảnh sẽ thật hoà bình nếu thỉnh thoảng không có một vài chiếc trực thăng, Mô - ranh bay lượn, tìm kiếm. Nơi này chúng đã từng rải xăng đốt trắng cả đá. Bây giờ những bọt xăng vàng vàng, xôm xốp còn dính đầy các tảng đá.
Chiều, lại rời hang xuống bãi. Nước biển rút đi, nhưng còn luyến tiếc bãi bờ nên còn để lại một phần nhỏ cơ thể mình trên vũng cát, hục đá. ở đó, tôm cá bị mắc kẹt, bơi loạn. Có con cá dài, bơi khoẻ, lao vọt qua bờ đá, sang vực bên kia. Có những con cá nhỏ mang mầu sắc xanh đỏ sặc sỡ. Có những con giống loài cua nhưng chân rất dài và toàn thân biếc xanh, xen xọc vàng vàng, đo đỏ rất đẹp. Bầy còng mình mỏng, chân dài chạy xào xạo trên đá, rúc vào các ngách đá trốn người. Có những con ốc con mang cái vỏ mầu vân vân nhưng thân không giống ốc, có đầu, ngoe, càng hẳn hoi bò trên cát. Vết chân của chúng tạo thành những đường dài hình chân rết trên cát, y như vết bánh xe đạp tí hon vậy. Cứ thấy động là chúng thu mình vào vỏ, nằm im thin thít. Cô Lý - con anh Bình - chạy
tung tăng trên bãi biển bắt nhum. Loài vật này thật kỳ lạ, trông như một trái cây lớn đen thui, gai tua tủa. Những cái gai ấy luônđộng đậy, găm vào những gì chạm đến nó. Đập nát mình nó ra sẽ lấy được ruột, trông mầu hồng hồng, nhuyễn như một thứ bột nhào nước, ăn rất ngon.
Gần tối, chúng tôi ra làng ngủ. Về đêm, làng sáng nhấp nháy những ánh đèn. Những cô gái ngồi bên hè đan lưới. Sát ngay biển có một quán bán nước đá, nước cam. Cạnh đó là một quán hàng. Chủ quán là một bà người béo tốt. Một đứa nhỏ đọc bi bô bài thơ nào đó nói về giao thông của ta. Chúng tôi ngồi uống nước mát, đóngió biển mát, ngóng nhìn về phía biển Đề Gi với những ánh đèn măng sông xanh mát.
Ngày 23/ 6/1971
Bốn rưỡi sáng, trở dậy về cơ quan. Không nên ở lại đây ban ngày, vì có thể hải thuyền sẽ mò đến. Thỉnh thoảng bọn nguỵ cũng đưa bo bo đến bán xăng dầu cho đồng bào.
Lại tắm biển. Tôi yêu biển và không sợ biển. Tôi lao vào lòng biển, bơi mãi ra khơi xa.
Chiều nay trời ầm ì muốn làm giông. Mặt biển xám lại theo mầu mây. Những con hải âu trắng loá vẫn bay chấp cha chấp chới.
Ngoài khơi không xa lắm có một chiếc tầu tuần tiễu trắng xoá và một chiếc hải thuyền chạy chậm chạp.
Ngày 24/6/1971
Hôm nay tôi buồn. Tôi nhìn biển thấy sóng cũng lặng lẽ, mênh mang. Tôi buồn vì tôi nghe tin một người con gái mới quen vừa bịđịch bắt. Đó là Vân - PUV (Huyện uỷ viên). Không hiểu tại sao mới gặp thôi, tôi đã có cảm tình đặc biệt với người con gái ấy. Vân có đôi mắt to vừa phải, tròn, sáng, hay nhìn thẳng. Khi Vân gặp anh Xang, vồ vập thăm hỏi anh, thì cũng là lúc tôi gặp cô lần đầu, nhìn cô hoài mà cô không biết. Nghe giọng ấm mà vang của Vân, tôi thấy
mến. Nhìn thái độ vồn vã của Vân, tôi nghĩ rằng cô là người giàu tình cảm, chân thực. Trong ánh đèn dầu mờ nhạt, tôi thấy mắt Vân cứ lấp lánh sáng.
Lúc tạm biệt, tôi bắt tay Vân, bàn tay thật êm ấm. Tôi hỏi bao giờ Vân về, Vân trả lời:
-Ngày 23 em về, anh!
Cô ra đi, mặc chiếc áo mầu mỡ gà, xách cái túi ni lông mầu mận chín.
Tôi mong gặp lại Vân. Tôi dự định rồi sẽ nói chuyện với Vân nhiều, sẽ hỏi về quê hương Mỹ Hiệp của Vân, hỏi về công tác của Vân. Ngày 23 đã qua. Anh Bình nôn nóng bồn chồn. Tôi đau đáu trông đợi. Và hôm nay thì một chị mới thoát khỏi nhà giam báo tin Vân bị địch bắt trưa hôm qua. Tôi không muốn tin. Nhưng người con gái xách túi ni lông mầu mận chín ấy hiển nhiên là Vân rồi.
Anh lo cho em, Vân ơi! Kẻ thù chắc sẽ tra hỏi, hành hạ em. Anh mong em sẽ vượt qua tất cả để trở về yên lành.
Được cơ sở báo địch sẽ càn lớn ở vùng này. Toàn P.U chuẩn bị di chuyển, sẽ phải đi đêm. Tôi tranh thủ cột võng ngủ một chút. Nghe anh em gọi, vội choàng dậy. Mắt nặng trĩu nhưng vẫn ráng mở to, mò mẫm trong lèn đá mà cuốn võng.
Mò trong đêm tối qua các tảng đá lớn mà xuống bãi biển. Đoạn đường ngắn nhưng quá cheo leo nên đi thật căng. Xuống bãi biển, anh Bình nằm xoài trên bãi cát thở dốc. Anh đang đau, mấy ngày nay làm việc căng quá, thức đêm nhiều nên xuống sức ghê gớm. Hai bên má anh thịt teo đi, da nhăn lại, chảy xệ xuống.
Khi vào làng Tân Phụng, tôi gặp một đoàn người từ xa tới. Nghe có người nói:"Cô Vân làm chi mà hối dữ vậy", tôi chợt giật mình. Nhưng cũng chẳng dám nghĩ rằng đó là người con gái tôi đang mong. Vân đang nằm trong tay quân địch kia mà. Nghĩ vậy và lại thấy buồn quá, thấy nhớ Vân quá! Tôi lặng lẽ bước vào một ngôi
nhà, lại nghe có người gọi: "Vân vào đây". Tôi vội nhìn ra cửa. Trongánh sáng lờ mờ tôi nhận ra Vân. Đôi mắt của Vân trông chậm chạp và mệt mỏi. Anh em hỏi dồn dập:
-Sao nói bị bắt?
Vân trả lời:
-Bị nó bắt nhưng trốn về được.
Vân kể sơ qua chuyện mình, rồi cứ để quần xắn ống chân như vậy mà nằm trên giường. Tôi muốn để Vân nghỉ, nhưng đến giờ hành quân rồi, đành phải gọi Vân đi. Vân vừa đi vừa kể chuyện mình bị bắt bằng cái giọng đầy căm phẫn. Bọn địch đã đưa Vân vào trụ sở xã. Chúng lục soát khắp người Vân, bạt tai Vân. Buổi trưa, địch ngủ cả, khoá chặt cửa. Vân nghĩ: "nếu ở đây sẽ chết, vì bọn địch đã điện về xã". Bọn ác ôn địa phương còn lạ gì Vân. Chúng đã từng nói với má: "Bà làm được đồng nào thì cho con Vân ăn đồng nấy để rồi nó chết. Thế nào nó cũng chết với bọn tui". Thế là Vân vạch rào chui ra - dù có vướng lựu đạn cũng cam lòng. Ra một lúc, nhớ đến cái nón -vì nón rất cần để người con gái che mắt địch - Vântrở vào lấy nón rồi vượt 5 lớp rào, chạy đi. May đón được xe Hon Đa, bảo anh lái xe phóng nhanh, vượt qua vùng địch kiểm soát.
Ngày 25/6/1971
3 giờ sáng lên đường. Đi trên động cát trắng mênh mông. Bước trên cát, mỏi nhừ cả chân. Trong đêm tối, động cát hiện lên trắng mờ mờ, thanh vắng. Gió thổi tràn lan, mát rượi. Nếu đi cùng Vân thì vui biết mấy. Tôi đang nghĩ về Vân thì Hoa - một cô gái cao cao bỗng hỏi:
-Anh có biết chị Vân không?
-Có chứ, anh gặp chị ấy ở Mỹ Tài. Mà sao kia?
-Không, có sao đâu. Nhưng mà chị ấy hỏi anh.
-Hỏi lúc nào?
-Hỏi hồi nãy, hỏi anh đâu.
Hoa trả lời rồi cười khúc khích. Tiếng cười gieo vào lòng tôi một niềm vui.
Hoa dẫn bọn tôi đi lạc, luẩn quẩn mãi giữa động cát, đạp bừacả vào gai xương rồng. Cuối cùng đi về phía Tây. Đi trên đường cái.Sắp sáng rồi. Đã nhìn thấy mặt nhau lờ mờ.
Tôi ngồi nghỉ bên đường. Vân đi tới. Tôi nhìn Vân, không biết Vân có thấy tôi không? Vân quay lại chỗ tôi ngồi, đứng im lặng. Chúng tôi nhìn nhau trong ánh lê minh trong sạch.
-Vân ở lại đây à?
-Dạ, em ở lại xóm. Anh đi lên núi đi, không có sáng mất rồi, lỡ địch tới...
Vân đi một đoạn rồi dừng lại, đứng bên đường. Tôi dùng dằng chẳng muốn đi ngay. Rồi cũng phải dấn bước chân lên. ở chiến trường, cuộc sống khắc nghiệt lắm, chẳng mấy khi chiều theo tình cảm con người. Thoắt gặp nhau, thoắt lại xa nhau.
Bắt đầu leo lên núi. Quả núi này nhỏ, không cao lắm và chỉ có cây nhỏ, thấp. Theo một dòng suối nhỏ mà đi lên. phải vất vả lắmmới leo lên được những hòn đá tảng to lớn. Đến lưng chừng núi, chúng tôi ngồi lại, nghỉ trên một tảng đá lớn, nhìn xuống biển. Bình minh đang lên. phía chân trời rực lên ánh sáng màu hồng, xanh xen lẫn. Những đám mây đủ hình đủ vẻ, mầu sắc sặc sỡ lơ lửng ở đường chân trời, như luyến tiếc biển, không muốn bay cao lên.
Chỗ ở là một lòng suối cạn, nằm ở lưng chừng núi. Anh Bình lên gần tới nơi thì thở dốc rồi ngồi lại, vừa thở hổn hển, vừa rên. Cột võng tạm bợ bên các lèn đá hay dưới rừng cây non mà nghỉ. Sau đóanh Bình họp với một số cán bộ của ngành. Đau như vậy mà bắt tay vào việc, anh rất tỉnh táo, nói rất sôi nổi. Chiều, anh lại nằm rên, không ăn gì được.
Gần tối thì Vân lên.
Ngày 26/6/1971, thứ 7
Chiều nay, tôi được sống những giây phút êm dịu bên Vân. Vân sốt, phải ăn cháo, da vàng hẳn đi. Vân nằm trên võng. Tôi ngồi võng kề bên. Vân cởi mở kể cho tôi nghe chuyện gia đình, bản thân với giọng nhỏ nhẹ, êm ấm. Tôi ngồi nghe nhiều, nhìn nhiều và nói ít. Tôi luôn nhìn thẳng vào đôi mắt Vân, đôi mắt có hàng lông mày đen đậm, đôi mắt màu nâu trong sáng lạ lùng. Cứ nhìn vào đôi mắt trong sáng ấy là người ta phải nhủ mình hãy chân thật. Thỉnh thoảng Vân nhoẻn cười, hàm răng trắng bóng, trong trong như ngọc...
ăn cơm chiều xong, tôi soạn ba lô để xuống xã. Vân ngồi cạnh tôi, nhắc tôi những việc tôi quên. Vân bảo tôi đưa chiếc máy ghi âm cho Vân giữ, đừng mang theo, nặng. Tôi không muốn gửi Vân vì sợ nếu di chuyển, Vân lại phải mang vất vả. Lại chào tạm biệt Vân ra đi. Gần một chút lại xa, xa nhau nhiều hơn gần nhau, nhưng lúc nào cũng thấy như ở bên nhau.
Tới dự cuộc họp cuả P.U với các cán bộ chủ chốt các xã phía đông đường quốc lộ một . P.U phổ biến nghị quyết của X.U (Tỉnh uỷ) và bàn công tác thời gian tới. Trước mắt là phải tập trung sứcchống càn. Đồng thời phải tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu chưa hoàn thành. Vấn đề thu mua lương thực được đưa lên hàng đầu. Phải đẩy mạnh xây dựng thực lực, tổng giáp tề điệp. Cuộc họp kéo dài đếnkhuya. Đến vấn đề đưa số phòng vệ dân sự (quân tại chỗ) rã ngũ đi học tập phục vụ tiền tuyến, anh Hai (Bí thư mới của P.U) hỏi:
-Ông Khẩn, vấn đề này chỗ ông thế nào?
Một người đàn ông húi cua, tóc dựng, cất giọng rè rè:
-Báo cáo anh, đưa đi một số thôi chớ?
-tiếc gì mà không đưa đi hết.
-Có một số đau, đi sao nổi, một số yếu nữa.
-Hết đau thì đưa đi chứ đau mãi ne? Không hiểu sao mà ông thương chúng dữ vậy...
-Thương gì lũ nó, cứ đưa đi làm 15-20 ngày hay bao lâu cũng được, tôi thương gì!
-Ông muốn giữ chúng đấy, khi nào có lệnh huy động dân công thì nhét vào cho đủ số chứ gì?
Khẩn lúng túng, im lặng. Chắc là anh bị đánh trúng nọc. Anh Hai nói:
-Lôi thôi không đưa đi, nay mai nó càn, nó bắt đi hết là gay đấy.
-Cho nó lánh bất hợp pháp chớ.
-Thế mới chết. Cho nó lánh cùng chỗ, nó biết nơi ông Khẩn trốn, sau này nó phản lại, nó mới dắt lính đi cắt cổ ông Khẩn.
Cử toạ cười ầm. Anh Hai hỏi tiếp:
-Còn Mỹ Thọ?
Im lặng. anh hỏi lần nữa rồi rọi đèn pin vào một cái võng.Người trên võng choàng dậy, ngồi thu lu. Đợi hỏi lần nữa, anh mới lè nhè:
-Nó rã ngũ liên miên!
-Là bao nhiêu chứ?
-Hiện có 7 thằng.
-7 thằng mà liên miên?
-Đó là những thằng nhốt tập trung. Còn bọn đã về nhà thì liên miên.
-Tập trung lại rồi đưa lên huyện nghe!
-Có ngay, sớm mai mà các anh cho người dắt đi, tôi cũng tập trung đủ cho đi ngay.
Mãi 3 giờ sáng mới họp xong. Chia nhau đi về các xã. Tôi về xã Mỹ Lợi. Nhu - người xã Mỹ Thắng - là P.U.V phụ trách xã này. Anh húi cua, tóc đen, còn trẻ, sôi nổi. Chúng tôi đi trên tổng lộ một cách tự do, thoải mái. Cách đây ít lâu, nơi này còn đầy Mỹ. Nhu chỉ vào một gốc cây, nói:
-Hồi ấy, lũ con gái tới đây bán cô ca. Bọn Mỹ đến chơi bời hôn hít. Lũ tôi ngồi trên núi kia, tức muốn nổ con mắt.
Ngày 27/6/1971
Đường thỉnh thoảng bị xẻ ngang để chặn giao thông của địch, chúng tôi phải đi vòng. Tới Mỹ Lợi thì trời vừa sáng. Nhu bảo tôi cùng Sâm đi lên Phú Ninh, trưa về họp. Sâm dắt xe đạp chở tôi đi. Con đường bằng phẳng, xe chạy bon bon. Có những ngôi nhà gạch rải rác hai bên đường. Nhiều người gánh dừa, heo lên chợ bán. Một cô gái mặc áo hồng, khoác súng Tôm xông, đội mũ tai bèo đi cùng chiều chúng tôi, nhoẻn cười ngượng nghịu. Lên đây không gặp Việt, Lâm lại chở tôi về. Buồn ngủ quá. Nằm dài trên phản ngủ một tí.Anh em gọi dậy ăn cơm. Rồi lại chợp mắt một chút. Đang mơ màng thì một cậu bé tới gọi: "mời anh qua họp." Lại bật dậy đi. Một giờtrưa, lại lên Phú Ninh. Đi với anh Sinh - an ninh huyện - và Việt tự quản thôn. Hai anh trạc 30 tuổi, đều cao và đen. Đi trên tổng lộ, hai anh kể chuyện địa phương rất sôi nổi. Việt chỉ vào một khu đất có mấy ngôi nhà gạch, nói:
-Chốt Phú Ninh đấy!
Tôi không thể ngờ rằng trước kia, nơi đây lại là đồn địch. Giờnó chỉ là một bãi cỏ mấp mô. Hai, ba ngôi nhà nằm trống rỗng. Đồn bốt bị san bằng, khó mà nhận ra dấu vết. Việt chỉ dẫn:
-Kia là lô cốt.
Tôi nhìn, chỉ thấy một nền đất lởm chởm khô khốc. Anh lại chỉ vào một khung nhà vuông vuông và nói:
-Trước cũng là lô cốt - nó cao tới mái nhà kia. Chúng đặt đại liên trên đó bắn ra được bốn phía.
Có những cuộn dây thép gai bùng nhùng nằm lăn lóc khắp bãi. Việt nói rằng trước đây nó được chất thành hàng rào cao tới đầu người, nhân dân đã phá đi, đem về rào làng chiến đấu.
Dừa vẫn xanh khắp nơi. Những cây dừa thân còn lỗ chỗ vết đạn, song lá vẫn xanh và trái vẫn lúc lỉu đeo quanh thân. Việt bảo một cậu thanh niên lên hái 3 trái xuống uống. Dừa thật lớn, mỗi trái đổ ra được gần một bi đông nước. Gặp một người đàn ông trạc 40 tuổi, gầy gầy, có chòm râu dê lưa thưa đỏ như lông bò, có đôi mắt một mí sắc sảo, Việt hỏi:
-Sao, anh đã chuẩn bị đi chưa?
-Dạ xin thưa với anh, vợ tôi nó chạy ra biển, giờ không có ai ở nhà nên tôi báo cáo anh xin tạm hoãn.
-Không được. Anh làm cho chính quyền địch, nay chính quyền cách mạng cho đi học để cải tạo thì phải đi. Thôi, về lấy gạo, tiền rồi lên đây chờ tôi.
-Dạ!
-Mà rồi lên ngay, chớ đừng bày chạy theo địch!
-Không đâu ạ, nếu chạy thì chạy lâu rồi. Giờ cố gắng ở với cách mạng thôi.
Việt cho biết gã kia là trưởng thôn tề Phú Ninh. Khi giải phóng, gã nằm im, mãi sau ta mới phát hiện ra, nay mới đưa đi họctập. Lát sau thấy hắn xách một túi Đại Hàn tới - chắc là gạo ở trong.
Vào một ngôi nhà gạch, ngồi uống nước trà. Ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn, trong có bày một quầy hàng xén, một ít chai cam, bia. Việt vẫnsay sưa kể chuyện địa phương. Đôi mắt anh có lòng trắng hơi vằn đỏ, trông rừng rực như hai hòn than hồng. Anh cười cười:
-Tôi đi 2 năm thì vợ tôi cũng đi ngủ đồn hai năm.
Tôi chưa hiểu ý anh thì Ninh giải thích:
-Vợ con cán bộ khổ vậy đó, luôn bị địch bắt tra khảo, hạch sách.
Việt tiếp:
-Trận cuối cùng vợ tôi bị đánh cũng là trận đau nhất. Bữa tối, tôi về tổ chức mít tinh ở địa phương. Hôm sau, bọn địch đến bắt vợ tôi: "Sao, hôm qua chồng mày làm gì?". Rồi chúng đấm đá, bạt tai. Vợ tôi ngã chết giấc, chúng cột dây kéo xềnh xệch lên đồn. Ngườisống mà chúng kéo như một xác chết. Đến tối chúng mới thả ra. Sinh nói rằng vợ anh cũng bị địch đánh như vậy, nay đau ốm luôn, không làm được gì mấy.
Việt chỉ cho tôi xem từng bụi cây, ngôi nhà mà các anh diệt ác ôn.
Một thanh niên vác khẩu các bin vào hỏi:
-Đi diệt mít không?
Tất cả kéo tới nhà cậu ta ăn mít chín. Ngôi nhà gỗ lợp tranh khá đẹp, có tủ kính, giường gỗ. Nhà treo một quyển lịch của địch. Việt bảo:
-Cái này cũng là di tích của địch, đốt đi nhé!Cậu thanh niên gỡ cuốn lịch xuống.Tôi hỏi:
-Khu vực này bị đốt phá nhiều không?Việt trả lời:
-Có nhà bị đốt ba lần, có nhà không bị đốt. Có một khu nhà bọn tôi gọi là khu Trung Quốc vì ở đó toàn nhà xây, dân lại đông.
Ra đường gặp mấy du kích vác trung liên, các bin đi lên. họ đều rất trẻ, khoẻ. Việt cho biết số này mới vào du kích. Du kích cũ chỉ có 2 người, nay đều là cán bộ xã đội.
Có những phụ nữ gánh những gánh cá với những con to bằng bắp chân tất tả đi về phía chợ Bình Dương.
Mấy đứa nhỏ rượt bắn nhau bằng những ống phốc. Đài Giải phóng đang truyền đi buổi phát thanh dân ca nhạc cổ.
Phía cánh đồng, đồng bào đang nhộn nhịp cày bừa.
Chiều, Sinh đưa tôi lại nhà một bà già. Bà người gầy còm nhưng rất hoạt bát. Bà bỏ dở công việc đang làm ngoài vườn, chạy vào vồn vã:
-Vô nhà, vô nhà. Ăn gì chưa? Lấy chuối ăn rồi chặt dừa nạo uống.
Bà đưa ra một nải chuối chín. Khi tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, bà nói:
-Con trai tôi bị địch bắt đi Qui Nhơn, rồi theo cách mạng luôn. Con dâu tôi trót quan hệ với thằng Bảo an, mới bỏ đi rồi.
Bà chép miệng:
-Nghĩ tội lắm. Trước đây hắn cũng đóng góp cho cách mạng. Nhưng rồi bọn lính cứ lui tới o ép, tôi cũng không dám ngăn vì sợ chúng vu là cộng sản, bắn bỏ. Nên nó mới đến nỗi vậy. Các ảnh cũng không bắt tội gì, biểu cứ ở nhà đẻ. Nhưng nó nghĩ không tới, nó bỏ đi. Còn đứa con đầu của nó đây, tôi nuôi.
Bà tất tả đi mua rau muống về nấu cơm cho chúng tôi ăn. Đứa cháu gái bà chừng 10 tuổi thì thầm với bà:
-Hôm nay mít tinh, bà cho con mặc áo mới nghen!Bà cười:
-Đi mít tinh chớ bộ đi coi hát đâu mà mặc áo mới?Bà giục chúng tôi ăn cơm nhiều:
-Nói vậy chứ gạo có ăn, không phải mua đâu, ăn no đi.
Bà kể lại cái ngày nơi này còn bị kìm kẹp, địch kích quanh nhà bà miết và nhiều lần đánh đập bà vì cái tội chứa cộng sản. Bà rất hào hứng kể chuyện du kích diệt ác ôn: Tên ấp trưởng đang đứng sát gạo máy thì có 2 thanh niên vào đứng bên. Nó hỏi:
-Hai thằng này, giấy đâu?Một thanh niên đứng chìa hông vỗ vỗ (bà lấy tay vỗ vào hông):
-Giấy đây, ông cần xem hả?
Nói rồi rút ngay súng ra, nổ ba phát. Thằng ấp trưởng chạy một đoạn thì ngã gục. Mà anh ta giỏi thật, bắn rồi lại cầm súng quay quay, đi ra thản nhiên như không. Bọn Dân vệ, Bảo an đứng đầy quanh đó chứ ít đâu.
Tối, đồng bào họp mít tinh. Hai ngọn đèn dầu thắp sáng giữa sân. Từ đèo Nhông, địch câu pháo về Mỹ Thọ nổ ình ình liên tục. Anh Việt nói rằng trước đây địch kẹp rất chặt, muốn đi đái cũng không dám ra ngoài. Nhớ những khi ấy mới thấy cái sung sướng được tự do như bây giờ.
Ngày 28/6/1971
Khoảng 3 giờ chiều, Việt đưa tôi qua Chánh Khoang. Đi qua một cánh đồng đất xốp, trắng như đất phù sa. Bà con nông dân làm nhộn nhịp khắp đồng. Những ông già đi sau đôi bò cày. Một cô gái mặc áo hồng đứng trên bừa gỗ cho đôi bò lôi đi, bừa tơi đất ra. Một số người bê thúng, vãi lúa trên đồng. Một số khác lúi húi nhổ đậu phộng. Vài con bê rảnh việc nhởn nhơ gặm cỏ, thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời rống lên một tiếng trầm hùng. Phía bên kia đồng là những hàng dừa cao xanh. Trên một bãi cát trắng có một ngôi nhà xây lợp mái tôn, trên nóc có sơn hình lá cờ ba que đã bị cạo nham nhở. Việt chỉ vào nơi đó:
-Đồn Phú Xuân đấy!
Tôi không thể nhận ra đâu là lô cốt, đâu là rào vi, vì tất cả đã bị san bằng thành một bãi cát trắng. Chỉ còn lại một số cuộn dây thép nằm lăn lóc đó đây.
Nhà của Việt nằm trên một bãi cát, dưới một cây dừa xơ xác. Ngôi nhà lụp sụp, cột kèo, rui mè đều làm bằng những cây gỗ cháy dở đen thui, lợp lá dừa. Vợ anh trạc 28 tuổi, dong dỏng cao, trán cao, trông có vẻ thông minh. Anh hỏi qua loa chuyện gia đình rồi dẫn tôi đi.
Tới bên đầm Trà ổ. Những thửa ruộng trải ra tận bìa đầm. Có những thửa ruộng mới cấy, cây lúa đâm lên tua tủa như những mũi chông. Có thửa xanh rờn mạ. Có thửa mới bừa xong, lấp loáng nước. Người ta cột dây quanh bờ ruộng, kết những tua vải vào đó để vịt sợ, không vào phá lúa. Bầy vịt có lẽ lặn ngụp đã chán, đứng xếp hàng trên bờ, rỉa lông, rỉa cánh. Dừa mọc san sát trong xóm gần đó. Có cây bị phình to ở đoạn thân gần ngọn. Việt giải thích rằng đó là
do bị ảnh hưởng của chất độc hoá học, lá rụng đi, chồi cố mọc lênnhưng bị nghẹn. Đầm rộng mênh mông. Nước lặng lờ bàng bạc.
Bên những thửa ruộng ven đầm, đồng bào đang dùng gầu, dùng máy bơm tát nước. Có những cô gái đang lúi húi cấy lúa. Xóm này được mệnh danh là xóm Trung Quốc. Có lẽ vì dân ở đây giầu có và ít bị chà xát hơn nơi khác. ở đây, dừa mọc chi chít, xanh mượt và ít mang vết thương bom đạn. Dưới bóng dừa là những ngôi nhà ngói đỏ tươi hoặc những ngôi nhà gỗ lợp tranh chắc chắn.
Chúng tôi vào thăm nhà ông Nghi. Ngôi nhà ngói 5 gian có bàn thờ, câu đối, tủ, bàn ghế. Phía trước là một cái sân xi măng lớn. Trong nhà thắp đèn hương. Trên bàn bày hai chai rượu nhỏ và mộtsố ly thuỷ tinh. Nhà hôm nay có giỗ. Ông Nghi gọi con gái ra bầybiện thức ăn tiếp khách. Ông trạc 50 tuổi, có chòm râu lưa thưa, trán cao, tóc chải lật ra phía sau. Hơi có chút rượu vào, ông nói rất lớn, giọng sang sảng:
-Hôm nay, tôi lại chiến thắng một trận nữa, chiến thắng như đánh trận ấy.
Nguyên là đồng bào ở đây phải lên gần Bình Dương làm đồng. Bọn nguỵ quyền xã này chạy lên Bình Dương, cho lính ra bắt đồng bào cày theo phần ruộng địch cấp. Hồi trước, cách mạng chia cho đồng bào mỗi nhà chừng 5 - 6 khẩu ruộng. Khi "bình định cấp tốc" bọn địch chỉ cho mỗi nhà 1 - 2 khẩu, còn lại đem đấu giá hết. Nay chúng bỏ chạy cả, đồng bào lại làm theo phần ruộng ta cấp. Bác Nghi là người đầu tiên dám đánh bò ra cày. Có bữa địch sơ hở, bác mượn đôi bò nữa cùng đứa cháu gái đánh ra cày tuốt được ít giỏ giống. Bác cười:
-Thanh niên trai trẻ ra tiền tuyến, tui già, tui cũng ra tiền tuyến. ủa, thiệt chứ, ra tiền tuyến chứ. Anh coi, ra ngay trước mũi súng thằng địch mà cày, chuyện dỡn ne?
Bác còn kể tiếp chuyện đóng lương thực cho cách mạng:
-Năm nào nhà tui cũng đóng vượt hết. Năm ngoái vượt 20 kg, năm nay cũng vượt 20 kg.
Buổi chập chiều, tiếng súng bỗng nổ ran lên ở phía Tây Bắc, cách xóm chừng 1 km. Du kích lên đó gặp địch, hai bên nổ súng ran. Súng liên thanh nổ rèn rẹt. Súng M79 nổ ầm ầm.
Tới nhà anh Hạo. Cũng là nhà ngói đàng hoàng. Anh Hạo và ông Hồ thay nhau kể chuyền cày ruộng:
-Anh ra đó mà coi, mỗi buổi cả trăm đôi bò cày rợp đồng. Đồng rộng 4 - 5 chục mẫu, ít chi ne, vậy mà cày hết, không bỏ tấc nào. Bọn địch bắt lên đồn, bắt người này có người khác thay. Chúng tôi chuẩn bị sẵn rồi, cứ mỗi đôi bò có 2 - 3 người cày. Người này bị bắt có người kia ra cày thay. Lũ tôi nói với bọn chúng: "Các ông nói chuyện chưng hửng không. Các ông bỏ làng chạy tuốt luốt tận Bình Dương. Chúng tôi người Chánh Khoang, làm ruộng Chánh Khoang, mắc mớ gì các ông giữ. Có giỏi thì về giữ suốt ngày đêm, lũ tôi sẽ cày ruộng "Quốc gia" và còn tính tiền công trả các ông. Mà các ông có giữ nổi không chứ. ấp trưởng, ấp phó chạy tuốt luốt, phòng vệ dân sự bị tước vũ khí trọi, hiện còn phải học tập cải tạo, các ông có về giữ được không? Nếu không giữ được thì để bọn tôi làm, cách mạng họ không để yên những kẻ ngoan cố đâu.
Bọn lính giữ mấy ngày đầu, sau phát chán, phải để đồng bào làm. Tên Nông hội tỉnh nói chán ngán:
-Giành là giành dân. Dân không giành được thì thôi chứ giành đất làm gì!
Anh Hạo nói với Việt:
-Tôi cũng xin thưa với anh một chuyện. Ông cảnh sát xã giờ ởBình Dương, tôi thấy ông cũng hiền lành. Ông không đánh ai một gậy nào, còn giúp đỡ đồng bào nữa. Cách mạng thấy ông có tội mà giết, tôi không dám can ngăn. Nhưng tôi chỉ xin là đừng mang đi xa giết mất xác, tội nghiệp.
Ông Hồ nói:
-Không ác mà làm cảnh sát. Không có tội mà chạy lên Bình Dương. Hắn mua chuộc mình đó thôi.
Anh Hạo chuyển qua chuyện khác:
-Còn thằng phòng vệ dân sự, tôi gặp nó, nó biểu đưa nó về, có được không?
Việt :
-Được chớ. Anh tìm cách đưa nó về nhen. Nếu mang theo súng về càng tốt. Nếu không mang cũng được.
Hạo suýt xoa:
-Chà, nó cũng là con nhà tập kết, trước cũng là du kích đấy. Hồi nó bị địch bắt, nó không khai gì cả. Trời, lúc địch dẫn nó đi ngang nhà, tôi sợ té đái trong quần, vì tôi nuôi nó hoài, nó mà chỉnhà thì mình chết. Nhưng nó đi ngang mà không ngó vô. Địch lấy đá đè lên bụng nó, nó biểu: "Có lấy trăm tảng đè lên, tui cũng không nói. Tui đi du kích, ăn cùng cùng hết. Nhà nào cho ăn thì ăn. Cả thôn Chánh Khoang này cho tui ăn". Sau đó địch bắt đi tù, rồi đưa vào phòng vệ dân sự.
Anh cười:
-Bữa các ông bắt cả bọn phòng vệ dân sự, sao lại để lọt nó. Nó biểu tức quá, các ông để lọt giờ đâm khó ra. Nếu bắt nó bữa đó, có phải sướng cho nó không.
Việt bảo:
-Ừ, trước nó tốt, nay nó muốn về mình, mình cũng cho về. Còn nếu như trước nó xấu, nay nó muốn về với mình, mình cũng đưa về.
Khoảng 9 giờ, một người đàn ông cụt bàn tay trái đến tìm Việt. Mới giáp mặt, anh ta nổi nóng liền:
-Ông Việt, ông định bắt tui đi tù hả?
-Ai nói với anh vậy?
-Dân nói chớ ai. Anh nói: "thằng cụt làm bậy thì bắt thằng cụt đi tù ngay" phải không? có bắt đi tù thì bảo trước với, để tui chuẩn bị ít gạo, chút mắm, chớ nhà nghèo qúa, không có sẵn.
-Tại sao anh dám giải quyết cho dân Chánh Khoang sang làm ruộng ở Phú Ninh? Tôi nói ông làm thế không khéo thì đi tù đấy.
-Ruộng Phú Ninh không có người làm, tui cho dân Chánh Khoang làm chớ sao. Mà họ làm thì họ gánh lúa đổ nhà họ, chớ không đổ gánh lớn, gánh nhỏ trước sân tui. Nhưng muốn bắt tù tui thì cứ bắt. Thằng Sanh này tham gia cách mạng hồi giờ, ra tù vào tội hoài rồi, không biết sợ ngồi tù đâu. Chỉ có điều là muốn bắt thì biểu trước, để tui chuẩn bị gạo, mắm. Chứ nhà nghèo qúa, không có sẵn.
Hai người to tiếng với nhau mãi làm không gian căng như dây câu mảnh dòng cá lớn. Sau đó anh Sanh bỏ đi. Anh Sanh trước là cán bộ nông hội xã, sau bất mãn điều gì đó, đã thôi việc.
Những ngày tiếp theo, tôi sang Mỹ Đức. Nơi này, đồng bào vừa bức rút đồn Gò Cớ. Tôi được sống trong một thực tế đầy tình người và sục sôi khí thế cách mạng. Bởi vậy, tôi viết được khá nhiều tin,bài. Bài về anh hùng Bùi Đức Sơn đã được ngoài Bắc sử dụng, riêng buổi phát thanh Quân đội nhân dân phát liền trong ba buổi. Bài XãL buổi bình minh, Đi đòi đất và một số mẩu chuyện diệt ác, phá kìm, binh vận tôi gửi về Khu đều được đăng báo Cờ giải phóng và chuyển ra Bắc, phát nhiều lần trên đài Tiếng nói Việt Nam - chắc còn được đăng trên báo Nhân dân, Quân đội nhân dân.
Xã L buổi bình minh
Anh Việt, cán bộ thông tin xã kiêm trưởng ban khởi nghĩa thôn PN, chỉ về phía vườn dừa râm mát nằm sát con lộ, nói với tôi:
-Một trong bốn lớp học mới được mở, sau khi bức chốt PN, nằm ở đó anh ạ!
Theo hướng tay anh, tôi thấy một ngôi nhà rộng rãi được dựng kín đáo dưới những bóng dừa mát mẻ. Các em học sinh đang ríu rít tụ tập lại đó. Gặp chúng tôi, các em lễ phép chào:
-Thưa chú!
Nhìn những em trai, em gái nhỏ có, lớn có, xách túi vở, lọ mực trong những bàn tay xinh xắn, tôi thấy lòng tràn ngập niềm vui. Việt cho biết, toàn xã mở được hai trường phổ thông cho 250 em theo học. Các em đã trật tự ngồi vào lớp. Bàn ghế tuy đơn giản bằng năm ba miếng ván, vài khúc thân dừa, nhưng được xếp ngay ngắn, đủ chỗ cho ba chục em học sinh ngồi thoải mái. Thầy Dũng bắt nhịp cho các em hát bài ca ngợi thiếu niên miền Nam. Tiếng hát các em vút lên cao giữa miền quê mới được giải phóng, nghe trong trẻo và ấm áp lạ lùng.
Rời lớp học, chúng tôi lại bước đi trên con đường cái lớn đã bị nhân dân chặt ra từng đoạn. Thỉnh thoảng chúng tôi phải vòng qua bên để tránh những đoạn hào sâu, hoặc những tuyến rào dây thép gai do nhân dân tạo ra nhằm ngăn cản giao thông địch. Khi đi ngang qua ngôi nhà gạch mốc meo, chúng tôi gặp một người đàn ông đang đứng tần ngần bên thềm. Gã chừng 40 tuổi, có chòm râu dê lưa thưa, đỏ quạch như lông bò. Việt hỏi:
-Sao, đã chuẩn bị đi chưa?
-Dạ, xin thưa với anh để tôi lấy thêm ít đồ đạc rồi lên liền.
-Được, mau lên!
Việt cho biết đó là tên tề trưởng thôn PN, bữa nay ta cho đi học tập.
Anh nói thêm:
-Bên cạnh việc xử trí những tên ác ôn ngoan cố, chúng tôi chú trọng giáo dục những kẻ lầm đường lạc lối.
Xế chiều, Việt đưa tôi qua thăm thôn CK. Chúng tôi bước đi giữa cánh đồng lúa bát ngát. Có những thửa ruộng đang thì con gái mơn mởn. Có những thửa ruộng mới cấy, cây lúa đâm lên tua tủa như những mũi chông. Có những thửa mới bừa xong, mặt ruộng láng bóng. Một cô gái mặc áo xanh lúi húi bên chiếc máy bơm nước. Lát sau, tiếng máy nổ rộn lên, vang động cả cánh đồng. Nước từ vòi bơm tuôn ra trắng xoá. Bên cạnh đó, có những bà má đang tát nước gàu giai xì xụp.
Qua khỏi cánh đồng, chúng tôi bước vào một vườn dừa rợp bóng. Chỉ vào những thân dừa bị phình to ở đoạn gần ngọn, Việt giải thích:
-Bọn địch rải chất độc hoá học, dừa trụi cả lá, nhưng rồi nó vẫn vươn lên xanh mượt như thách thức với quân giặc.
Tại thôn CK này, địch dùng mọi thủ đoạn tàn bạo: rải chất độc, chụp bom pháo, đốt nhà, tàn sát điển hình v.v... Nhưng chúng vẫn không thực hiện được chương trình "bình định" của chúng. Người dân CK đồng tâm ghì chặt từng gốc dừa, đào hầm nuôi cán bộ, đóng góp quỹ đảm phụ kháng chiến và nổi dậy đấu tranh buộc địch phải bỏ đồn bốt tháo chạy. Sau khi buộc phải rút khỏi PN, địch lại xua một đại đội Bảo an xuống CK, cố sống, cố chết dựng lại trên nền đồn hoang tàn này những lô cốt, rào kẽm gai... Nhưng chúng đã bị đòn phủ đầu choáng váng. Ngay tối hôm đó, du kích luồn vào đồn, nổ súng diệt nhiều tên. Bên ngoài, đồng bào nổi trống mõ, thanh la rầm trời, làm cho bọn địch bạt vía, kinh hồn. Chúng ẩn vào xóm...Đồng bào liền gồng gánh, lùa bò ra đồng để cô lập chúng.
-Mấy chú muốn ở, cứ việc ở, bà con tui đi. ở chung với mấy chú, cách mạng đánh vô, chết lây uổng mạng. Mấy chú coi đó, cách mạng đứng kín các gốc dừa kia.
Bọn địch lấc láo nhìn về phía vườn dừa, mặt đứa nào đứa nấy tái mét. Chiều đó, chúng chuồn thẳng. Một lần nữa, đồng bào lại tràn lên phá tan hoang đồn giặc, xoá đi mọi dấu tích bẩn thỉu của kẻ thù. Giờ đây, người dân CK đang ra sức xây dựng lực lượng, sẵn sàng đánh địch phản kích và đấu tranh quyết liệt với chúng để phát triển sản xuất. CK có một cánh đồng nằm sát BD - một vùng còn bị địch kìm kẹp. Hồi tiến hành "bình định", bọn nguỵ quyền xã trâng tráo tịch thu hết số ruộng mà cách mạng cấp cho nông dân đem đấu giá. Ngày nay, tuy phải cút khỏi CK, chúng vẫn tìm mọi cách chiếm đoạt số ruộng đó. Nhưng nhân dân quyết không để cho chúng muốn làm gì thì làm.
Gặp chúng tôi, ông Nghi nói sôi nổi:
-Bữa nay, tui lại thắng thằng địch một trận nữa. Chỉ hai bữa nữa là tui gieo hết lúa.
Việt hỏi:
-Ở cánh đồng BD hả bác?
Bác gật đầu, chòm râu bác rung rung:
-Ừ , ở đấy. Thanh niên trai trẻ ra tiền tuyến, tui già, tui cũng ra tiền tuyến, thiệt đó. Anh coi, ra trước mũi súng thằng địch mà cày ruộng cách mạng, chuyện dỡn ne? Bữa đầu tụi lính nạt nộ: "Các ông phải làm theo phần ruộng Quốc gia quy định. Số ruộng của mấy ông đại diện xã, ấp trưởng phải để lại, không ai được cày". Tui trả lời: "Ruộng cách mạng cấp cho bà con tui, bà con tui cứ cày."
Anh Hạo, một nông dân ngoài 30 tuổi, nói thêm:
-Thấy bà con tui cứ cày tràn lan, không kể ruộng của ấp trưởng, ấp phó nào hết, bọn nó liền xua quân bắt đồng bào vô đồn.
Bà con liền đấu tranh: "Các ông chạy tuốt luốt lên quận ăn hút, có ông nào làm việc cho dân đâu mà đòi hưởng ruộng. Lúc nào các ông về "bảo vệ an ninh" cho dân thì chúng tôi giao liền ruộng cho mấy ông cày. "
Để khỏi mất công, mất việc, bà con tổ chức vòng đổi công, vừađấu tranh vừa sản xuất. Bọn địch đành chịu thua. Đồng bào tiếp tục cày cấy.
Đồng bào hăng hái đóng góp tiền bạc, lương thực phục vụkháng chiến. Đóng góp đến đâu, chuyển đi đến đấy. Chỉ trong ba hôm, bà con đóng góp và chuyển đi 10 tấn gạo.
Tới khuya, chúng tôi mới rời thôn CK. Trên các sân nhà, ánh đèn vẫn sáng tỏ, soi rõ khuôn mặt những cô gái đang cần mẫn xay giã. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp những cô gái gánh những bao gạo hối hả đến kho.
Màn đêm đang dần dần tan đi. Xã L đứng trước buổi bình minh rào rạt ánh hồng. Nhưng bình minh mới chỉ là sự bắt đầu của một ngày bận rộn với biết bao công việc cần phải giải quyết. Trên cánh đồng CK, bà con đang nhộn nhịp gánh phân, cày bừa, gieo giống. Chú bò con nhởn nhơ gặp cỏ trên đồng, thỉnh thoảng ngửa mặt rống lên một tiếng trầm ấm vang khắp cánh đồng, chừng như muốn át đi tiếng súng liên thanh đang ré lên từ phía CT. Trên đường, anh em du kích đang vác súng tiến về ấp, lên phòng tuyến chặn địch. Họ đều rất trẻ,có người mới cầm súng cách đây ít tuần lễ. Đôi mắt họ sáng long lanh trong ánh nắng buổi sớm, chứa chan niềm tin tất thắng.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội ngày 1/11/1971
Con yêu dấu của bố mẹ!
Nhân dịp thuận lợi, bố vội tranh thủ biên thư thăm con. Tuy lâu không nhận được thư của con, bố vẫn năng liên hệ với chỗ chị
Sáu nên cũng thường xuyên được tin con vẫn mạnh khoẻ, công tác tiến bộ.
Chắc con cũng được tin về trận lụt vừa qua ở ngoài này. Dùtrận lụt lớn chưa từng có, song dưới sự chăm sóc của Đảng và Chính phủ, nhân dân ta ở ngoài này đang mau chóng khắc phục hậu quả do nạn lụt gây ra, đồng thời tranh thủ và sử dụng tốt viện trợ của các nước bạn. Gia đình ta bình yên, mạnh khoẻ.
Bố mới được tin trong đó có bão lớn gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Trung bộ, kèm theo sự khủng bố dồn dân của giặc Mỹ, Thiệu. Bố đau xót với cái đau khổ của nhân dân trong đó, đồng thời nghĩ đến con, đứa con tiếp tục sự nghiệp cách mạng của bố. Chỗ con ở chắc cũng bị ảnh hưởng của trận bão lớn. Thiệt hại có nhiều không con? Bố cũng thấy lo cho con và các bạn, song bố tin ở tinh thần cảnh giác, kinh nghiệm đấu tranh của con và của các bạn, những cán bộ đã được rèn luyện trong đấu tranh chống địch, chống thiên tai.
Ở ngoài này, sinh viên các trường Đại học đang về các nơi bị lụt, tham gia lao động, khắc phục mọi hậu quả do lụt gây ra. Khó khăn có nhiều, nhưng đời sống được ổn định. Giá các hàng tiêu dùng được hạ dần, đời sống cán bộ viên chức ngày được nâng cao.
Bây giờ bố nói chuyện gia đình ta để con rõ. Cái mới nhất là em Việt đã đi bộ đội. Em tòng quân với tinh thần hồn nhiên, phấn khởi. Em vào đơn vị Công an vũ trang và đang học tập ở một địa điểm gần Hà Nội. Em mới viết thư về, rất vui vẻ, an tâm, phấn khởi, khoẻ mạnh.
Em Phúc ở Liên Xô cũng mới biên thư về, em vẫn mạnh khoẻ, còn thực tập một năm nữa thì xong. Em thực tập về ngành điện ở một tỉnh xa xôi, cách Mạc tư khoa hàng nghìn cây số.
Anh Đức từ khi tốt nghiệp ở CHDC Đức về vẫn công tác ở Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước ở Hà Nội. Anh vẫn khoẻ mạnh và đang thu xếp cưới vợ.
Em Ngọc vẫn học lớp phổ thông chuyên ngoại ngữ của TrườngĐại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Em học lớp 10 và học tiếng Anh. Tổng kết năm học lớp 9 vừa qua, em đạt kết quả là học sinh tiên tiến, đoàn viên tiên tiến, ngoại ngữ tiên tiến. Em là một trong 2 học sinh giỏi tiếng Anh của lớp.
Em Diệp đang học lớp 8 trường Trưng Vương Đống Đa, nơi con học PT3 trước kia. Em học khá, nhanh nhẹn, thông minh, năm vừa qua đỗ lớp 7 vào loại khá, được miễn thi vào lớp 8.
Em Lan năm nay học lớp 5. Em chóng lớn, khoẻ mạnh, theo bố nhận xét, trong số 8 anh em, Lan là thông minh nhất, học giỏi toàndiện, nhất là văn và toán, mà không mất nhiều thời gian học. Đi học về, ăn cơm xong, lại lấy bèo nuôi lợn, nấu cơm, đi chợ, rất đảm đang.
Năm ngoái thì Diệp giúp mẹ, đảm đang công việc gia đình. Năm nay Diệp đi học xa, Lan thay chị giúp mẹ mọi việc.
Còn em Thuỷ vẫn gầy còm, ngoan, hiền, năm ngoái học yếu, suýt bị lưu ban. Gia đình động viên, cho em học thêm dịp hè, năm nay đã lên lớp 4, và từ học sinh yếu đã vươn lên học sinh tiên tiến. Thuỷ cũng đã tham gia nấu cơm, giúp đỡ mẹ.
Mẹ con vẫn công tác ở Trường như cũ. Ngoài công tác chuyên môn và làm tốt nhiệm vụ của một đảng viên, mẹ con quán xuyến mọi công việc trong gia đình, lại chăm sóc thêm vườn rau và nuôi 2 con lợn (một con gần 40kg, một con trên 20kg), nên thường xuyên bận rộn.
Bố lên công tác ở Bộ Đại học đã hơn một năm, phụ trách côngtác ngoại ngữ của toàn ngành Đại học. Với tuổi đã luống, công tác của bố hiện nay rất thích hợp, có điều kiện vận dụng kinh nghiệm 10 năm lãnh đạo trường Ngoại ngữ để giúp Bộ lãnh đạo ngoại ngữ cho ngành. Bố được thảnh thơi hơn trước, đi sâu vào nghiệp vụ, đỡ ốm yếu hơn truớc, ngoài ra lương và phụ cấp được tăng thêm, nên tuy tuổi nhiều hơn, song thể lực và tinh thần khá hơn trước.
Ngày thường, bố, anh Đức và em Ngọc đều ở Hà Nội, ở nhà(trường Đại học Ngoại ngữ).
Con ở trong đó công tác và sinh hoạt thế nào? Bố tin rằng con công tác tốt, nhất là lại là một đảng viên trẻ tuổi.
Từ khi anh Phò đưa thư và quà của con ra đến nay, bố mẹ chưa nhận được thêm thư nào của con cả. Mẹ con hàng ngày nhắc đến con. Các em con cũng thường hỏi thăm tin anh Long của chúng nó. Chúng nó thương anh Long của chúng nó sống trong gian khổ khó khăn, song tự hào có người anh đang tham gia tiến hành cách mạng ở tiền tuyến. Có lần em Lan nói anh Long của nó sống cuộc sống sôi nổi và đầy ý nghĩa.
Cô Chung, chú Phương, các em Tiến, Quang, Chiêu, Cụ, các bà, cô cậu Hiếu và các em trên nhà vẫn được bình yên, mạnh khoẻ.
Mọi người mong tin con, và mong ngày gặp mặt, sum họp gia đình đông đủ trong không khí chiến thắng của toàn dân.
Chúc con mạnh khoẻ, đạt nhiều kết quả trong công tác.
Bố của con Phạm Đức Hoá Vụ các trường đại họcBộ Đại học và THCN
TB: Con liên lạc với gia đình vẫn ở địa chỉ cũ, chỗ ở của giađình: Trường Đại học Ngoại ngữ -Thanh Xuân - Hà nội.
TIN ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT
Ngày 26/11 /1971
xã Y (bình định) nổi dậy
(Bài của Việt Long, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại Bình Định)
Hà Nội (26-11 -71 VNTTX)
"Tình hình Bình Định từ 3 năm nay vẫn là một chiến luỹ của Cộng sản (chỉ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) bây giờ tình hình ở tỉnh này vẫn tồi tệ như bất cứ lúc nào trước đây. Nó được xếp hàng thứ 44 trong số 44 tỉnh (của Miền Nam Việt Nam) đứng về mức độ "bình định" mà nói.
Sự kém cỏi của chính quyền và quân đội địa phương (nguỵ) khiến cho các đơn vị Việt Cộng tha hồ tung hoành ở nông thôn đầy rẫy những người có cảm tình với Cộng sản".
(Báo Mỹ Diễn đàn thông tin quốc tế, số ra ngày 18 và 19-9-1971).
* * *
Đồn giặc co rúm lại trước sức đấu tranh, vây ép của đồng bàoxã Y (tỉnh Bình Định). Những phát súng bắn tỉa ác hiểm của du kích, những đợt đấu tranh quyết liệt của nhân dân chẳng khác nào những trận bão biển dữ dội tràn vào đồn. Bọn địch vô cùng khiếp sợ trước những bước chân rầm rập của hàng ngàn người nổi dậy vây đồn. Từ các hướng, đồng bào mang theo gậy, dây, mõ tiến thẳng vào đồn địch. Bọn địch hoảng hốt bắn vãi đạn ra phía trước, nhưng không thể nào ngăn chặn được đoàn người đã vùng lên, cương quyết đấu tranh chống lại mọi sự đàn áp, khủng bố của địch. Từ trong các cánh quân, không một ai chùn bước, đồng bào vẫn lao lên, hô lớn:
-Không được bắn bừa bãi!
Các cánh quân như những dòng sông lớn cuồn cuộn đổ về một biển.
Những tràng pháo từ xa câu đến nổ chát chúa, những quả mù cay từ trong đồn phóng ra tới tấp, tung khói lên mù mịt. Những cơn gió nam thổi thốc từng hồi lùa hơi cay vào đoàn người, khiến ai nấy nghẹt thở. Mọi người vội lấy khăn ướt ra, bịt chặt miệng, mũi, băng mình chạy qua những đám khói bụi, vượt lên đầu gió. Các cánh
quân nhập lại thành một khối trên bãi cát trước cửa đồn, bừng bừng khí thế.
Giữa lúc ấy, trên trời có hai chiếc máy bay bay tới. Chiếc trực thăng phành phạch bay tít trên cao, chiếc tàu rà hai thân nhào lên, liệng xuống, quần đảo vòng quanh, quăng mù cay tới tấp xuốngđoàn quân đấu tranh. Đồng bào vẫn giữ vững đội ngũ, không một ai nhúc nhích. Bất lực trước khí thế nhân dân, hai chiếc máy bay chuồn thẳng.
Ba giờ chiều, tên trung uý Trưởng đồn mới chui ra khỏi lô cốt, nói chõ xuống:
-Giờ tôi xin trả lời đồng bào.
Đồng bào la:
-Xuống gần đây, ở đó xa quá, bà con không nghe thấy!
Nó mở một lớp rào lách ra. Một tên lính, lăm lăm khẩu súng AR15, bước theo nó.
-Không được, còn xa quá!
Tên trung uý đành mở thêm 3 lớp rào nữa, rồi đứng trước lớp rào thứ 5.
Chị Hai tấn công:
-Đến bây giờ mà lính các ông vẫn còn có thái độ xấu với bà con chúng tôi. Các ông chặn đường, cấm biển, bắn bừa bãi vô xóm làm chết người, sập nhà. Vậy các ông bảo vệ đồng bào ở chỗ nào?
Tên trung tuý lúng túng chống chế và yêu cầu đồng bào trở về.
Chị Hai nghiêm giọng:
-Chúng tôi tới đây là thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa của cách mạng, buộc các ông phải bỏ đồn này đi. Nếu các ông không đi, cách mạng sẽ về đánh, lúc ấy chớ có trách đồng bào.
Tên trung uý lải nhải:
-Chúng tôi sẽ đi thôi, chớ không ưng gì ở cái đồi này. Đồi này toàn sỏi với cát, báu lắm sao mà các bà đòi miết?
Chị Hai nói dứt khoát:
-Gò này chỉ sỏi với cát, nhưng là gò của nhân dân, các ông không có quyền chiếm giữ. Bởi vậy các ông phải rút lui, trả đất xã Y cho người xã Y.
Tên trung uý phân trần:
-Chúng tôi không thiết gì ở đây, nhưng khi nào có lệnh trên, chúng tôi mới rút được. Nếu chúng tôi tự động đi, chỉ huy chúng tôi sẽ bắt bỏ tù hoặc đưa đi Căm - bốt!
Anh Năm hỏi nó:
-Các anh còn ở đây, chắc cách mạng không tha đâu. Vừa rồi cách mạng đánh vô cầu H, giết chết 30 tên Mỹ, các anh nghĩ sao?
Tên trung uý đáp:
-Mỹ người khác máu, Mỹ chết thây cha Mỹ.Đồng bào liền nhao nhao:
-Hoan hô trung uý đồng tình với đồng bào!
-Đả đảo đế quốc Mỹ!
Tên trung uý và tên lính đứng trơ mặt ra trước những lời hô vang như sấm dậy. Anh Năm liền dấn tới:
-Đồng bào có đem theo một số truyền đơn, đề nghị các anh nhận.
Không đợi cho tên trung uý trả lời, khẩu hiệu dồn đến tới tấp. Tên trung uý đưa cả 2 tay ra đón. Một chục, rồi một trăm, hai trăm, năm bảy trăm...
Ôm cả một ôm truyền đơn khẩu hiệu, tên trung uý nói:
-Thưa đồng bào, anh em chúng tôi nhận truyền đơn, khẩu hiệu rồi, mốt sẽ trả lời đồng bào. Bây giờ yêu cầu đồng bào trở về để chúng tôi suy nghĩ thêm.
Cụ Bảy đáp:
-Được, vậy bà con về, mốt lại lên nghe trung uý trả lời.
Khi đoàn người đã toả về các xóm ngõ, binh lính đồn X mới thở phào nhẹ nhõm. Suốt bốn ngày nay bị vây riết trong đồn, không có cơm ăn, nước uống, chúng mệt mỏi, bơ phờ. Nghe tiếng trực thăng lại gần, chúng ùa cả ra sân chờ đợi. Chiếc máy bay lượn vòng quanh đồn, đứng lại giữa sân, thả xuống hai thùng nước.
Cả năm, sáu mươi thằng xô nhau chạy tới, múc nước uống ừng ực. Chỉ một loáng, hai thùng nước cạn khô. Chưa đã khát, đợi đồng bào về hết, chúng ùa xuống xóm nhà gần đấy vục gáo vào các chum nước uống lấy uống để.
Ngày thứ 5 và thứ 6 của cuộc đấu tranh, theo kế hoạch, chỉ có một số cụ già lên đồn giục bọn chỉ huy đồn trả lời theo như tên trung uý đã hứa. Tên trung uý đề nghị gặp đại biểu cách mạng để thương lượng.
Và cuộc thương lượng diễn ra ở một căn nhà lá đơn sơ nằm gần đồn X.
Anh Ba, đại biểu chính quyền xã Y, đã chờ sẵn, bắt tay hắn, mời hắn ngồi xuống chiếc ghế ngựa kê ngay ngắn giữa nhà.
Anh Ba đi thẳng vào vấn đề. Sau khi nêu rõ những thắng lợi to lớn của cách mạng ở đường 9 Nam Lào, ở toàn miền Nam và ngay tại địa phương, anh Ba nói:
-Chúng tôi tới đây nhằm thực hiện chính sách nhân đạo của Mặt trận. Biết các bạn là người có suy nghĩ, chúng tôi bàn với các bạn mấy vấn đề sau đây. Một là các bạn liên hiệp hành động với cách mạng, quay súng diệt ác ôn, chúng tôi sẽ giúp đỡ, cách mạng sẽ khen thưởng cho đơn vị, cá nhân có thành tích. Hai là các bạn đầu hàng, các bạn sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của Mặt trận. Ba là các bạn rút đi, giao đồn X cho nhân dân xã Y, cách mạng sẽ ra lệnh cho các lực lượng vũ trang không tấn công vào các bạn, nhân dân sẽ giúp đỡ các bạn rút đi an toàn.
Tên trung uý suy nghĩ và nói:
-Chúng tôi sẽ rút khỏi nơi này. Nhưng thời gian rút do chúng tôi quyết định.
Anh Ba nhấn mạnh:
-Các anh nên nhớ, những yêu cầu trên là mệnh lệnh khởinghĩa. Đã là mệnh lệnh thì phải thực hiện cấp bách. Các anh phải rút khỏi đồn này ngay.
Tên trung uý khăng khăng:
-Thời gian do chúng tôi định đoạt, không thể thực hiện cấp bách được.
Anh Ba mỉm cười :
-Các anh định kéo dài thời gian, hòng chờ quân tiếp viện? Tôi cho các anh rõ: Tất cả các con đường từ đồn này đi các đồn lân cận đều bị du kích cắt đứt. Mặt khác, những đồn đó cũng đang bị nhân dân vây ép. Chúng tôi cũng đã bố trí sẵn thế trận bẻ gẫy chiến thuật trực thăng vận của các anh. Các anh càng kéo dài thời gian, càng nguy hiểm.
Tên trung uý ngồi câm lặng, mặt thừ ra. Lát sau nó mới nói:
-Chúng tôi sẽ rút, nhưng sẽ có đại đội khác đến thay, chứ không bỏ đồn này đâu.
Anh Ba đứng dậy:
-Được, trách nhiệm của anh là phải rút đi nơi khác, các anh cứ rút. Còn đại đội nào đến, chúng tôi sẽ có cách xử sự thích đáng.
* * *
Ba ngày tiếp theo, đồng bào xã Y lại kéo lên vây ép đồn X, lần này đồng bào tổ chức cả đội quân hậu cần lo cơm nước cho những người đấu tranh. Bà con ăn, ngủ ngay trên bãi cát trước cửa đồn.Ngày, bà con hô khẩu hiệu, nêu yêu sách. Đêm, bà con lại ca hátbinh vận. Trong khi đó, du kích liên tục bắn tỉa, diệt nhiều tên. Đồn X căng thẳng, ngột ngạt. Quan thầy chúng vội vàng cho đổ xuống xã Y một tiểu đoàn "Cộng hoà" hòng hà hơi cho chúng. Nghe tiếng trực thăng rầm rĩ trên bầu trời, bọn lính trong đồn chen nhau thò cổ ra khỏi lô cốt, ngóng đợi. Mấy chiếc HU1A định xà xuống quả đồi N liền bị những luồng đạn rất căng của du kích hất ngược lên. Một chiếc trúng đạn rơi cắm đầu xuống chân quả đồi. Những chiếc khác chuồn thẳng. Bọn bộ binh từ chân đồi tràn lên cũng bị du kích xã Y, bộ đội địa phương huyện K đánh cho tơi tả. Hơn chục thằng ngã gục tại chỗ. Số còn lại vội ôm đầu tháo chạy. Những con mắt trong đồn X xụp xuống. Qua điện đài, ban chỉ huy đồn X rên rỉ với cấp trên của chúng: "Suốt 9 ngày nay chúng tôi đói cơm, khát nước, căng thẳng. Chúng tôi không chịu nổi nữa!". Thấy binh sĩ đồn X đã hoang mang đến cực độ, bọn chỉ huy của chúng đành phải cho máy bay lên thẳng tới chở chúng đi và thay vào đó một đại đội Bảo an khác. Hòng trấn áp quần chúng, ngay từ đầu đại đội này đã tỏ ra hung hăng, tàn bạo. Chúng bắn cối bừa bãi ra những vùng xung quanh.
Bà cụ N lượm một rổ mảnh đạn, mang lên đồn hỏi:
-Các ông bắn vô xóm, chết bà con tui thì sao? Các ông không nên bắn như vậy nữa!
Tên trung uý sừng sộ:
-Bà đem về đi. Bà mà đấu tranh, tôi đánh bà dập mình. Đại đội tôi không như đại đội trước đâu!
Thái độ hung hăng đó của địch không làm cho người xã Y chùn bước. Du kích xã, thôn tập trung lại đào công sự sát đồn, bắn tỉa liên tục làm bọn địch vô cùng căng thẳng. Chúng không dám ra khỏi lô cốt. Càng hoảng sợ, chúng càng điên cuồng bắn như vãi đạn ra chặn đội quân đấu tranh lại. Tình thế trở nên giằng co quyết liệt. Qua một ngày, đồng bào họp rút kinh nghiệm, bàn biện pháp sắp tới.
Đêm ấy, du kích thôn, xã và những người tích cực nhất trong đội quân đấu tranh họp nhau ở thôn P. Trong ánh đèn dầu, bà con đứng nghiêm trang ôn lại những ngày giặc gây đau thương, tang tóc trên quê hương và truyền thống đấu tranh bất khuất của người dân xã Y. Khi tiến hành "bình định cấp tốc", hàng trăm tên Mỹ nguỵ tràn vào các thôn H, T, P kéo từng người dân vào khu tập trung. Nhưng không một ai chịu rời khỏi mảnh đất mà mình đã sinh sốngbấy lâu. Điển hình như bà Sáu dù bị địch đánh đập, gài mìn trên mái nhà doạ bấm nổ, vẫn không chịu ra khỏi nhà. Giờ đây, ngôi nhà ấy vẫn nằm ngạo nghễ ngay bên đường cái lớn, mang tư thế hiên ngang của người xã Y. Tội ác của địch còn hằn sâu trên từng thân dừa, chòm dương, trên cơ thể mỗi người dân xã Y.
Hai vợ chồng anh T bị pháo Mỹ bắn chết, người con lớn của anh cũng bị Mỹ giết. Ba con thơ của anh phải chịu cảnh mồ côi nheo nhóc. Lòng người nén lại, đau xót. Ai nấy nhìn lên chiếc khăn tang lớn treo phía trước hứa hẹn :"Quyết tâm trả thù, quyết tâm diệt chốt". Từng du kích lên nhận những mảnh khăn tang trắng, nhận trách nhiệm của đồng bào giao: vây ép, bắn tỉa liên tục, không kể đêm ngày, mưa nắng.
Ngay sau đêm phát động căm thù, du kích xã, thôn khoác súnglên đồi cao ép địch. Đồng bào các thôn cũng sẵn sàng đội ngũ, chuẩn
bị kế hoạch tiến công mới. Đồn X vẫn dương những họng súng đen ngòm ra sẵn sàng nhả đạn vào những ai dám tới gần. Tụi lính núp mình sau những công sự, dương những cặp mắt diều hâu soi mói nhìn vào xóm A, một xóm nằm cách đồn chưa đầy 10 mét. Một thằng lính bỗng hoảng hốt thét lớn:
-Cháy nhà bay ơi!
Từ xóm A, tiếng la cũng rộn lên:
-Cháy nhà, cháy nhà bà con ơi!
Ngọn lửa phụt lên từ nhà chị Tám mỗi lúc một bốc cao. Đồng bào cầm dao, mác chạy rầm rập lên gò.
Trong phút chốc, hàng trăm người đã áp sát đồn. Bà con vừa la, vừa hốt rơm bỏ vào nhà cho ngọn lửa bùng lên hừng hực.
-Cháy nhà bà con ơi!
Tiếng báo động vang xa, vọng tới các thôn phía tây. Lập tức, gần 2.000 người trong các thôn đó vác giáo mác, gậy gộc ùa ra đường, tràn lên gò X. Bọn lính đóng cửa đồn, bất lực nhìn đoàn người tràn tới như triều dâng thác đổ. Bà cụ Chín lao tới trước lô cốt, vác gậy đập vào hàng rào, la:
-Quân đội nào quân đội ơi, Quốc gia ơi Quốc gia, tại sao đốt nhà của cháu tui? Mấy ông bảo vệ cho dân ở chỗ nào, tại sao thấy nhà dân cháy mà ngồi đó ngó xuống.
Một thằng lính đáp:
-Mấy bà tràn vô như nước lụt vậy, ai mà dám xuống, cộng sản lồng vô trong, lũ tui xuống lỡ họ bắt thì sao?
Thằng khác tiếp:
-Tôi biết, dân chúng xã Y này dữ lắm. Đương không mà đốt nhà để đấu tranh, miệng thì la, tay thì hốt rác bỏ vô, lúc này còn giỏi nói.
Đồng bào gặng lại:
-Bây giờ ai làm cháy nhà chưa biết, nhưng các ông đóng ở đồn này, bảo vệ xã này mà để nhà cháy thì các ông phải bồi thường !
Tới 2 giờ chiều, tên trung uý ra nói:
-Bữa nay cộng sản bắn tỉa miết, hai bên bắn lộn nhau chưa biết đạn bên nào làm cháy nhà. Tôi hứa ít bữa nữa sẽ cho lính vô xóm cất lại nhà cho đồng bào. Bà con về đi!
-Không! chúng tôi không về. Các ông ở đây đốt phá, đánh đập, bắn giết đồng bào, các ông hung dữ như cá mập, chúng tôi không chứa chấp các ông được. Các ông rút bỏ đồn này đi!
Đồng bào trả lời vậy và ngồi vây lấy đồn. Suốt mấy ngày sau đó, mặc trời mưa bão làm nhà sập, thuyền trôi, lưới mất, bà con vẫn trụ lại trước cửa đồn. Qua 3 ngày mưa tầm tã, đêm nay trời quang mây tạnh. ánh trăng non rọi xuống đoàn người đang ngồi trên bãi cát vây đồn. Cô Mười đứng dậy nói:
-Giờ bà con mình ca này!Đồng bào vỗ tay:
-Phải đó, ca hát lên đi.Giọng Mười vút lên giữa không gian thanh trong:
-Về đi anh, về đi anh lính nguỵ quyền ơi!
Sau tiếng ngân dài tha thiết, giọng Mười trầm xuống, ấm áp mà oán trách:
-Anh không thương xót đồng bào.
Giết người cùng giọt máu đào như anh.
Tội chi khoai sắn đang xanh
Anh đi càn quét tan tành xác xơ .
Bọn lính lấp ló sau các lô cốt, rồi bò dần ra chiếc lô cốt ngoài cùng, ngồi vòng tay im lặng nghe.
Giọng Mười vẫn vang lên, giục giã, tha thiết:
-Súng thù quay lại đi anh.
Bắn quân cướp nước cứu mình anh ơi.
Mười dứt lời ca. Không gian lặng đi, gieo vào lòng những binh sĩ nguỵ bao nỗi day dứt. Sóng biển vẫn xô bờ rào rạt như mang dư âm của lời ca "về đi anh, về đi anh lính nguỵ quyền ơi". Tiếp theo Mười, nhiều cô gái đứng lên hô bài chòi, hát những bài ca tố cáo tội ác của giặc Mỹ và tay sai, ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào và phụ nữ miền Nam. Tới những đoạn căm thù, đồng bào đồng thanh hô "đả đảo". Tới những đoạn nêu gương đấu tranh,đồng bào hô "hoan nghênh" vang trời. Đồng bào vừa hát hò, vừa hô khẩu hiệu, không để ý tới hàng bầy muỗi đói đang ùa vào hút máu mình. Tới 11 giờ khuya, bà con đứng dậy ra về. Tụi lính hỏi vọng ra:
-Sao không hát nữa?
-Mỏi rồi, về đi ngủ, để bộ đội vào nói chuyện với các ông.
Trong phút chốc, đoàn người toả về hết các xóm. Bà con về nhà, đứng tựa cửa nhìn về phía đồn X trông đợi. ở đó, bọn địch hoảng sợ rọi đèn pin loang loáng, bắn đại liên loạn xạ. Bỗng nhiên, một tiếng nổ vang lên, một luồng lửa xanh lè lao vút vào giữa đồn X, rồi những tiếng nổ khác rộ lên theo hoà với tiếng sóng biển ì ầm, khiến
không gian rung chuyển. Những tia chớp, khói lửa liên tiếp bùng lên giữa khu đồn địch.
Buổi sáng, không gian trở lại yên tĩnh. Từ trên đồi N, đơn vị bộ đội địa phương huyện đã sẵn sàng bên những khẩu súng phòng không. Anh em mở máy PRC.25 nghe bọn địch trong đồn la lối:
-A-lô, a-lô, hồi hôm cộng sản tiến công, chúng tôi chết 2, bịthương 4. Đề nghị cho trực thăng tới gấp!
Im lặng một lúc, bỗng trong máy ré lên tiếng một thằng nguỵ kêu khóc:
-Trời ơi, cái cẳng tôi gãy rồi, đau quá, cứu tôi với!
Lát sau, có tiếng động cơ phành phạch bay đến. Trong máy vọng ra tiếng một thằng nguỵ:
-Chỉ chở một con thôi, chở một con thôi!
Chiếc trực thăng vè vè hạ xuống giữa sân đồn. Bỗng "tằng tằng tằng ..." - một loạt thượng liên nổ ròn rã, khiến chiếc máy bay giật mình vọt lên cao. Nó đảo một vòng rồi hạ xuống. Bọn trong đồn bắn đại liên loạn xạ ra mấy ngọn đồi xung quanh để yểm trợ chiếc máy bay, nhưng nó vẫn không dám xuống thấp. Sau đó, bọn trong đồn phải khiêng tên lính bị thương ra mé biển, lợi dụng ngọn đồi che khuất chắn đạn cho chiếc máy bay hạ xuống chở nó đi.
Ngày và đêm hôm sau, cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn. Hoảng sợ đến cao độ, bọn địch dùng tiếng súng để tự trấn an tinh thần. Chúng bắn cối, đại liên, AR15... ra khắp xung quanh. Một quả cối nổ giữa thôn H, giết chết chị K. Lập tức, toàn thôn nổi trống mõ báo động.
-Lính bắn chết đồng bào, bà con ơi. Khiêng xác chết lên đồn.
Tiếng hò la dậy đất. Ai nấy quơ vội rựa, khiêng xác chị K laolên gò. Địch đóng chặt cửa đồn không dám xuống. Đồng bào liền
đứng tại đó, lấy thùng thiếc, thùng phi gõ hiệu lệnh báo động. Từ trên đồi cao, tiếng kim khí bị đập mạnh rung lên, vang tới khắp cácthôn, kêu gọi bà con tới hợp sức đấu tranh. Địch hoảng sợ chạy tán loạn trong đồn. Khi ánh bình minh vừa dâng lên, hàng nghìn người đã tràn tới vây kín đồn X. Tiếng súng bắn tỉa của du kích nổ ròn rã, cổ vũ đoàn người xốc tới. Tiếng hô của hàng ngàn người vang vang như sấm dậy:
-Đả đảo bọn giết người!
-Xuống đây giải quyết mau, nếu không sẽ dỡ rào!Bọn lính rúc vào lô cốt, nói vọng ra:
-Thôi, đừng đánh báo động nữa, để tụi tôi xuống.Chị Hai nói lớn:
-Tại sao các ông nói đại đội trước đánh chết đồng bào, mấy ông không ác như vậy, mấy ông bảo vệ đồng bào. Vậy đứa nào giết chị
K. Trung uý phải xuống đây giải quyết. Phải đưa thằng nào bắn súng ra cho nhân dân hỏi tội.
Chồng chị K dứ dứ cây rựa:
-Bay ỉ súng, giết người. Bay thử bỏ súng xuống đây, một mình tao cũng đập bể sọ 3 thằng!
Một thằng lính ra nói:
-Thôi, để tụi tôi đền cho 2 tạ gạo!Đồng bào bừng bừng căm giận:
-Đả đảo! Đổ số gạo ấy đi, gạo phi nghĩa, gạo giết người. Địch chui vào lô cốt, làm thinh.
Lát sau, lại một thằng ra nói:
-Để đền 3 tạ vậy!
Mấy thằng nữa ra theo nó, nói xoa dịu đồng bào. Số còn lại cuống cuồng thu dọn đồ đạc chuẩn bị tẩu thoát. Hai giờ chiều, nắng chói chang chiếu xuống đoàn người đang hừng hực khí thế đấu tranh. Tên trung uý dẫn 2 tốp lính dỡ rào phía sau đồn, lén đi xuống chân đồi gò, theo bãi cát chạy thẳng xuống phía xã T. Vì vướng quả đồi, đồng bào không nhìn thấy cảnh rút chạy thảm hại đó. Lát sau, một chị phụ nữ từ thôn T xách rựa chạy đến hô hoán:
-Chúng rút chạy rồi, chặn lấy chúng bà con ơi!
Dòng thác người ào ào cuốn theo. Chúng hoảng sợ liệng lựu đạn rầm rầm phía trước đoàn người và chạy bán sống bán chết...
Gò X đã sạch bóng giặc. Trong đồn còn lại ngổn ngang thùngđạn, ba lô, gạo... Đồng bào, du kích tràn vào gỡ lựu đạn, phá rào, phá lô cốt, thu chiến lợi phẩm, nhộn nhịp như đi trẩy hội. Người xã Y sẽ ghi nhớ mãi ngày 1-5-1971 , ngày mà với ba mũi giáp công, họ đã tống cổ đại đội Bảo an cuối cùng ra khỏi đồn X. Giải phóng hoàn toàn quê hương./.
Xã X (Bình định) thắng địch trên ba mặt trận
Hà Nội (VNTTX 28-11 -71 )
-"Nhân dân Bình Định hiện nay rõ ràng đã không tuân theo những ve vãn về vật chất của Sài Gòn và không khuất phục sứcmạnh ồ ạt mà đồng minh đã đưa tới đây từ năm 1965... Bình Định là tỉnh cứng đầu cứng cổ nhất ở Nam Việt Nam và thậm chí sau 6 năm cố gắng của đồng minh, tình hình "bình định" ở đây đang thụtlùi... 900.000 dân tỉnh Bình Định từ lâu vẫn sống với những người cộng sản".
(UPI ngày 26-9-1971 )
* * *
Chật vật lắm, bọn địch mới tập trung được khoảng 40 đồng bào hai thôn C và A tới một bãi đất để nghe chúng phổ biến về chươngtrình "bình định" nông thôn. Tên quận phó quận P (Bình Định) giở giọng lừa bịp: "Vùng này là vùng mất an ninh, bởi vậy, dân chúng vùng này phải tập trung về sát trục lộ để Quốc gia bảo vệ và giúp đỡ ".
Sau khi ba hoa về sự "sung sướng" của các ấp "tân sinh" sắp lập lại tại thôn H, để ra vẻ "dân chủ", nó hỏi:
-Ai có ý kiến gì, cứ việc lên nói.
Chị B tiến lên, nhìn thẳng vào mặt tên Quận phó rồi bước lại gần máy phóng thanh, chị nói dõng dạc:
-Trước đây "Quốc gia" đã bắt chúng tôi tập trung đi QN, chúng tôi khổ sở đủ điều. Bị nhốt trong trại tập trung, chúng tôi không được tự do làm ăn, cuộc sống rất cơ cực. Chúng tôi quen sống với đồng ruộng, chúng tôi không đi đâu hết!
Chị B vừa dứt lời, các chị N, T, C... liên tiếp đứng dậy vạch trần bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của địch. Tiếng hô "đả đảo dồn dân lập ấp" vang lên. Những lời lẽ sắc bén của đồng bào như những cái tát vả mạnh vào mặt bọn nguỵ quyền quận, xã. Chúng vội vàng giải tán cuộc họp.
Lừa bịp không được, bọn địch dùng thủ đoạn đàn áp, khủng bố. Hai tiểu đoàn chủ lực nguỵ cùng bọn ác ôn địa phương hùng hùng hổ hổ kéo vào hai thôn A, C đốt phá, cướp của, kéo từng người đưa lên xe chở đi.
Đồng bào xã X. kiên quyết không để hai thôn C, A trở thành vùng trắng. Toàn xã hợp sức cùng đồng bào hai thôn trên đấutranh. Đồng bào thôn H nói với bọn địch:
-Mình chúng tôi ở thôn này đã chật chội lắm rồi, các ông còn đưa họ đến đây, ở sao nổi? Nhất định chúng tôi không cho họ ở đây! Các ông trả họ về làng cũ!
Số đồng bào mới bị dồn đến cũng nhất quyết không chịu dựng nhà, lập ấp. Bà con sống tạm bợ dưới những mái nhà tăng lụp xụp, ngày ngày đấu tranh đòi địch bồi thường tài sản, đòi trở về làng cũ, đòi cứu chữa những người đau ốm. Trong khi đó, du kích xã luồn vào giữa thôn H đánh hai trận liên tiếp, diệt 9 tên địch, làm cho chúng hết sức hoang mang. Chúng phải cho đồng bào về làng cũ gặt lúa. Mặc dầu có bọn lính đi kèm, đồng bào vẫn khéo léo vừa gặt lúa vừa chuẩn bị điều kiện để khi trở lại làng cũ có sẵn lương thực ăn và nuôi du kích.
Những ngày tiếp theo, du kích xã X đánh nhiều trận trên đường cái lớn và chặn đánh một trung đội dân vệ, diệt nhiều tên, gây rối loạn trong hang ổ địch. Bọn nguỵ quyền hoảng sợ, đêm đêm bỏ ấp về quận lỵ ngủ.
Bọn nguỵ quân hoang mang dao động, lúc nào cũng nơm nớp lo bị du kích đánh. Lợi dụng sơ hở của địch, một số đồng bào cắt tranh, chặt gỗ để sẵn ở làng cũ. Mấy ngày sau, bọn Mỹ càn vùng này, đốt hết tranh, gỗ của đồng bào. Tại khu dồn dân, mưa cũng làm sập nhà tăng, trôi lúa gạo. Nỗi cơ cực và lòng căm hờn thúc đẩy đồng bào đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Hàng trăm người hợp thành đội ngũ, rầm rộ bước đi trên đường lớn, kéo thẳng vào quận lỵ hô vang các khẩu hiệu:
-Phải bồi thường nhà cửa!
-Không được đốt phá, bắn pháo bừa bãi !
-Trở về làng cũ.
Trước sức đấu tranh mạnh mẽ ấy, bọn nguỵ quyền quận đổ lỗi cho bọn nguỵ quyền xã. Tên quận trưởng phải chấp nhận yêu sách của đồng bào. Kế hoạch lập ấp, dồn dân của địch một lần nữa lại bị đồng bào xã X đánh bại.
Trở về làng cũ, bà con đùm bọc nhau trong những căn trại đơnsơ. Đời sống được ổn định. Đồng bào 3 thôn lân cận cũng góp nhiều tranh, gỗ, tre... giúp đồng bào thôn C, A dựng nhà mới.
Thắng lợi trên đã tạo điều kiện cho đồng bào xã X. tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào quân địch. Mũi binh vận đạt được những kếtquả tốt đẹp. Đồng bào đã chỉ cho các đội viên "phòng vệ dân sự" thấy rõ âm mưu nham hiểu của địch dùng người Việt đánh người Việt, khuyên răn họ bỏ súng địch về làm ăn lương thiện. Một hôm, một số đội viên "phòng vệ dân sự" thôn V cùng người nhà kéo đến bọn nguỵ quyền xã trả súng. Bọn này không nhận súng, số "phòng vệ dân sự" liền nói: "Các ông không nhận thì chúng tôi đem về. Nếu cách mạng lấy súng, chúng tôi không chịu trách nhiệm". Hàng loạt đội viên "phòng vệ dân sự" ở các thôn khác cũng trả súng. Du kích xã lại đột nhập vào một số thôn thuộc vùng địch kìm kẹp tước vũ khí, giáo dục các đội viên "phòng vệ dân sự" và diệt một số tên chỉ huy ác ôn ngoan cố. Ngày càng nhiều đội viên "phòng vệ dân sự" ra vùng giải phóng trình diện với chính quyền cách mạng, hứa không cầm súng cho địch nữa. Cuối cùng, cả 7 trung đội "phòng vệ dân sự" ở xã X bị phá rã. Anh em đem nộp cho chính quyền cách mạng 18 khẩu súng. 8 người xin tham gia du kích và lực lượng an ninh xã. Cùng với việc phá rã "phòng vệ dân sự", đồng bào xã X còn vận động được 40 lính Bảo an, Dân vệ, Cộng hoà rã ngũ.
Quân địch ngày càng tan rã, trong khi đó lực lượng cách mạngtrong xã X ngày càng phát triển vững mạnh. Đội ngũ du kích đônggấp ba lần so với năm trước. Đêm đêm, anh em luồn vào tận các "ấp chiến lược" diệt ác ôn, tề điệp. Anh chị em bám sát đường lớn đánh xe, diệt bọn "bình định" giữa ban ngày. Anh em phối hợp với bộ đội tấn công vào hàng loạt chốt điểm địch, hỗ trợ đồng bào nổi dậy. Cácđồn N,T bị bộ đội diệt gọn. Các đồn Đ,A,B,N và L bị du kích liên tiếp tập kích. Chỉ trong ít ngày, trên 30 tên địch bỏ mạng. Khắp nơi trong xã ròn rã tiếng súng tiến công cùng với tiếng thanh la, trống mõ, tiếng reo hò của đồng bảo nổi dậy diệt ác ôn, phá kìm kẹp. Bọn địch hoảng sợ chui rúc trong các lô cốt. ở G, K bọn chúng năn nỉ: "Thôi, đồng bào đừng bao vây chúng tôi nữa, chúng tôi ở yên trong đồn này, cách mạng muốn làm gì thì làm!". Nhưng đồng bào xã X đã đưa tối hậu thư buộc chúng phải giao đồn bốt, trả đất đai. Ngay trưa hôm sau, cả đại đội Bảo an bỏ đồn bốt, chạy khỏi xã X. Bọn địch ở 6 chốt điểm khác cùng vội vàng tháo chạy. Vùng giải phóng và vùng làm chủ mở ra nhanh chóng.
Không những kiên cường chiến đấu, đồng bào xã X còn hăng hái sản xuất. Bọn địch cấm bà con làm ruộng gần sườn núi vàthường xuyên bắn pháo vào đây. Đồng bào đấu lý với bọn nguỵ quyền xã: "Người nông dân chúng tôi sống nhờ ruộng vườn, các ông cấm chúng tôi làm ruộng thì phải cấp cho chúng tôi ăn!". Bọn địch đuối lý, phải để bà con tự do sản xuất. Những tổ vần công, đổi công được duy trì. Từ những ngày khó khăn nhất tới nay, tổ đổi công đãphát huy sức mạnh. Đồng bào đã đào hàng trăm mét mương dẫn nước tưới cho hàng trăm mẫu ruộng. Năm nay, nhờ đủ nước, đủ phân, năng suất lúa của xã X cao gấp đôi so với năm trước. Diện tích khoai lang, lạc cũng tăng. Giống lúa "tứ quý" lần đầu tiên được cấy trên đồng ruộng xã X vượt lên phơi phới, hứa hẹn một mùa trĩu hạt./.
(Bài của Việt Long, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại Bình Định).
Ngày 29/11 /1971
Chân dung người dân bình thưòng:
Anh Bảy Trương
Toán dân công gái xã Mỹ Đức mới bắt đầu bước đi thì bỗng nghe một tiếng gọi giật giọng:
-Khoan đã!
Mấy cô đi đầu đứng sững lại, làm mấy cô đi sâu dồn lên, xoong nồi va vào nhau lạch cạch. Anh giao vận xã lật đật chạy tới, gọi tíu tít:
-Này, khoan hẵng đi. Để anh Bảy Trương nhập vào đoàn với!
Có những tiếng hấm hứ của mấy cô khó tính:
-Gớm, tưởng sắp lọt ổ phục kích đến nơi, ai dè...
Theo sau anh giao vận, một người đàn ông lù khù bước tới. Trong ráng chiều nhập nhoạng, các cô gái không nhìn rõ mặt anh,
chỉ thấy một khối người to lớn với cái đầu vuông vuông có cột khấc một cái khăn, hơi lúc lắc theo bước đi. Trông dáng người, các cô đoán chắc anh cũng đứng tuổi rồi. Khi hai người đến gần, những tiếng hấm hứ nổi lên:
-Không được đâu. Đoàn toán đủ rồi, không nhận thêm người nữa đâu.
Kể ra, nhận thêm một người nữa vào đoàn thì cũng chẳng có gì khó khăn. Nhưng đằng này, trong 14 đứa con gái lại lọt thỏm vào một người đàn ông, kì cục quá. Mà lại là một người đàn ông đứng tuổi, có vẻ ít nói nữa chứ. Kiểu đó thì đi đường có cấu chí nhau đôi chút, ông ấy cũng la cho, chớ đừng nói đến chuyện nô dỡn.
Thấy các cô cứ ồn ào miết, anh giao vận phải vỗ hai tay vào nhau kêu bôm bốp rồi giải thích một hơi:
-Này, các cô đừng có cục bộ nghe không. Đương không được thêm một người như anh Bảy Trương vào đoàn, còn làm bộ làm tịch hả? Tưởng là mình giỏi lắm đấy. Các cô nhìn kỹ ảnh coi: đi dân công đợt một mới về lại xung phong đi đợt 2 liền, được ăn gạo Chính phủ chứ tầm thường đâu?
Anh còn nói một thôi một hồi nữa, nào là nhà anh Bảy nghèo mà ảnh không quản. Nếu anh Bảy không về trễ thì cần gì phải đi cùng với mấy đứa con gái lanh chanh, nội nghe mấy tiếng nói the thé của mấy cô cũng đủ mệt, nào là anh Bảy siêng năng, hiền lành hiếm có... và vân vân.
Hiển nhiên là các cô gái phải chấp nhận anh Bảy vào đoàn rồi.
* * *
Tính con gái hay tò mò, nên cô nào cũng cố xem xét xem anh Bảy Trương là người như thế nào. Chỉ sau mấy lần nghỉ dọc đường, các cô đã bấm nhau:
-Ăn nói lảu bảu bay ạ.
-Ưa ngọt.
-Có vẻ thật khù nữa chớ bay!
Thực tình mà nói, xét nét như vậy kể ra cũng xấu. Nhưng được cái cc cô coi xét là để thoả tính tò mò, chứ không có ác ý gì. Sau khi đã rút ra được những kết luận tạm coi là chính xác ấy, các cô xoay qua đùa bỡn nhau. Con gái vùng biển ăn sóng nói gió, cứ cười nói bô lô ba la làm cho anh chàng du kích dẫn đường phải đứng hẳn lại, lên đạn lách cách mà doạ:
-Muốn chết hết hả? Đoạn này địch hay phục kích, coi chừng đó!
Các cô nín thinh được một hồi khá lâu. Mãi khi đi qua đường sốmột rồi, tình hình đỡ căng, các cô mới lại rúc ra rúc rích. Đứa nào cũng mong mau lên tới rìa núi, nghỉ một chập và đùa một chập cho thoả. ở vùng sâu, kề bên địch, mấy khi được tụ tập mà nô dỡn? - ấy là một lý do, ngoài lý do chính là đi phục vụ cách mạng, khiến các cô hăng hái đi dân công.
Cả đoàn ghé vào một xóm nhỏ yên tĩnh. Các cô gái quăng nồi xoong loảng xoảng, vứt gùi lịch bịch rồi ngồi lê la dưới sân cát. Từvùng Đông, thỉnh thoảng một quả đèn dù nổ bụp, treo lơ lửng giữa bầu trời đùng đục, rọi ánh sáng vàng bủng tới tận cái sân này. Anh Bảy Trương cẩn thận đặt cái gùi xuống sân, chẳng nói chẳng rằng, đi ra giếng. Khi anh vừa đi khuất, mấy cô nghịch nhất bọn liền xúm tới lục gùi anh ra coi:
-Một lon thịt hộp bay ơi! Sáu Thoại vừa la vừa lôi ra một cái lon thịt hộp rỗng, đen thui, có cột một sợi dây điện làm quai. Bà ba một bộ, một khố lương ông - Hí hí... là một ống lương khô, một tấm đi mưa, lại cù cưa con rựa.
Sáu Thoại lần lượt lôi hết đồ trong gùi ra đặt la liệt trên sân. Cứ lôi ra một thứ, con nhỏ lại hô lên như người diễn kịch.
Vừa lúc ấy thì anh Bảy đi vào, tay xách một gàu nước. Có lẽ gàu bị thủng một lỗ nên nước phun ra xè xè. Anh Bảy đứng khom khom cái lưng, quát:
-Sắp bay làm chi vậy? Hả?Mấy cô gái chạy túa đến bao quanh anh, đon đả:
-Anh Bảy xách nước về làm chi đó.
-Anh Bảy xách nước về cho tụi em uống na...? Anh Bảy cưng lũ em quá hề!
Rồi cả bọn xúm vào xách gầu nước trên tay anh, chuyền cho nhau uống ừng ực. Anh Bảy ngúc ngắc đầu mấy cái, đi đến góc sân. Anh ngồi xuống, vừa lui cui nhặt đồ đạc bị lũ nhỏ lôi ra nhét vào gùi, vừa lẩm bẩm:
-Kì cục! Kì cục!
Vừa giành nhau uống, vừa tạt nước cho ướt mèm đầu tóc của nhau, chỉ một loáng các cô làm gàu nước cạn khô. Lúc ấy, anh Bảy cầm đến cái lon. Con Sáu Thoại liền sà tới, giành lấy:
-Hí! Hí, anh Bảy à, anh đem cái lon này đi làm chi mà tội vậy?
-Để nấu ăn chớ chi? Hỏi kì cục, kì cục!
-Chu cha, anh Bảy không có xoong na, tội quá hề. Anh Bảy quăng óc nó đi, nấu cơm chung với lũ em nghen!
Chưa đợi anh Bảy trả lời, Sáu đã quăng cái lon đánh sạt vô tuốt trong bụi.
-Anh tiếc na? Đây, thưởng anh cái xoong, nấu ăn chung nghen anh!
Anh Bảy miệng lẩm bẩm: "Kì cục, kì cục", nhưng tay lại cầmlấy cái xoong nhét vào cái bao Đại hàn xám, bỏ vào gùi. Thấy thế, con Hường liền lôi cái ruột nghé gạo của nó lại, cười toe toét:
-Anh Bảy à, anh xung phong đi dân công đợt 2, được ăn gạo Chính phủ cấp thiệt na? Anh không phải đem gạo nhà na? Cho em gửi cái ruột nghé này nghen anh!
Nó thả cái ruột nghé gạo thõng thẹo xuống tay anh rồi lại cười toe toét. Anh Bảy làu bàu:
-Phá quá, kì cục, lũ bay phá quá.
Có tiếng báo hết giờ nghỉ. Cả bọn con gái cuống cuồng vơ gùi, xách xoong, chạy theo cậu du kích. Anh Bảy hất cái ruột nghé gạo lên vai, chúi người về phía truớc, cố sải bước cho kịp lũ con gái lanh chân.
* * *
Tệ hại quá, anh Bảy đi lạc mất rồi. Đây đã là vùng giải phóng, sát núi, không sợ anh lướ qướ đâm vào đồn địch. Nhưng mà rày quá, đường sá liên u, hết vườn lại rừng, biết ngõ nào mà tìm anh? Các cô hú đến bể họng mà không thấy tăm hơi gì. Sáu Thoại quay qua trách móc cậu du kích "ma đuổi", đi chẳng biết trông trước, ngó sau gì hết, chắc rồi cũng có lúc bỏ dân công cho cọp tha. Trách móc vậy thôi, chớ cậu ta đã biến bóng rồi còn ai mà nghe. Sau khi giaođoàn dân công cho trạm này, cậu ta chỉ nói độc một câu: "Đi mạnh giỏi nghe!" rồi vác khẩu AR15 dông một hơi, có để cho ai kịp ngó mặt đâu.
Các cô gái vừa dồn gạo vào bao, chuẩn bị cõng đi vừa râm ran đủ thứ chuyện và cuối cùng lại xoay trở lại chuyện anh Bảy. Hường, nhà ở cuối xóm, gần xóm anh Bảy, khẳng định:
-Tao biết ngay từ xưa mà, khật khù như ổng, đi dân công làm sao nổi!
Để chứng minh kết luận của mình là đúng, cô kể:
-Ổng khật khù từ hồi xưa kia. Tao nghe họ kể chuyện ổng đi xây cái chốt Gò Cớ cho lũ Bảo an mà tức cười hoài. Ai lại, trời nắng chóa lửa, người ta đội nón, lại trùm thêm khăn mà ổng chỉ cột cái khăn mặt nhuộm màu đỏ lem nhem trên đầu. Còn người ta vác bao cát lên vai, đưa từ dưới bãi lên gò thì ổng kẹp vào nách! Bao cát nặng, trễ xuống hông làm quần ổng tụt xuống. Một tay quặp lấy cái bao, một tay ổng xách quần. Nhưng bao cát vẫn cứ trễ xuống, ổng vòng tay qua, níu dây bao, thế là dây cột bao sổ tung, cát xoà ratrắng xoá. Đã vậy, lẽ ra phải đi xuống bãi mà hốt cát khác, ổng lại ngồi thụp xuống, bụm từng bụm cát bỏ vào bao, miệng thì lẩm bẩm hoài: "Kì cục! Kì cục!" Chu cha, ổng kì cục muốn chết.
Nói rồi Hường cười, tưởng sẽ được mọi người hưởng ứng, ai dè lại bị Sáu Thoại phản đối:
-Vậy mà cũng cười? Mi biết chứ, hồi ấy bọn nó còn kẹp chặt, ít ai dám đấu tranh công khai, ổng dám đấu tranh hợp pháp chớ khật khù na? Ai dại gì vác cát cho hay để xây cái đồn cho nó canh mình?
Rồi Sáu Thoại bàn:
-Phải làm sao kiếm anh Bảy về chứ bay, tội ảnh quá!
Con bé tuy hay trêu chọc anh Bảy - tính cô hay dỡn - nhưng lại rất quý anh.
Sửa soạn bao gùi xong thì đã trưa, các cô đem cơm vắt, muối hầm ra ăn. Vùng đất cằn này chẳng có rau cỏ gì hết. Mấy ống lương khô cá, các cô làm lạt quá, ăn hết mất từ sáng rồi.
Sáu Thoại đang cầm miếng cơm, sắp đưa lên miệng, bỗng dừng lại ngó ra xa, reo lên:
-Anh Bảy, bay ơi!
Cô vứt miếng cơm, chạy bổ ra đón anh Bảy. Cô xuýt xoa:
-Anh Bảy đi lạc ở đâu mà gai cào rách hết trọi áo quần thế này?
Anh Bảy chẳng nói chẳng rằng, lầm lầm đặt gùi xuống. Có lẽ anh giận. Nhưng không, anh thở phào một cái, hỏi:
-Ăn cơm rồi na?Con Sáu xoắn xuýt.
-Chưa, mới đem ra thôi, anh Bảy ăn với lũ em nghen! Anh ngồi chồm hỗm cạnh rá cơm, nhìn một chặp rồi lại hỏi:
-Ăn với muối thôi na?
Chẳng đợi các cô trả lời, anh mở bao, lấy ống lương khô, mở nắp để cạnh rá cơm, nói:
-Ăn đi lũ bay, cá chuồn!
Hình như anh chẳng để ý gì đến chuyện đi lạc cả. Thấy vậy, các cô cũng hết sợ anh giận, lại xúm vào ăn cơm và nô dỡn. Mấy cô tinh nghịch nhâu nhâu vào trêu chọc anh Bảy. Sáu Thoại lấy một miếng lương khô của anh Bảy cho vào miệng:
-Chu cha! mặn muốn thụt lưỡi anh à!
Bẻ một miếng cơm đưa vào miệng nhai chóp chép, nó hiếng mắt nhìn anh Bảy:
-Bắt được thằng điệp ngầm nào, cứ lấy lương khô của anh Bảy chấm một chút vô lưỡi là nó khai liền. Còn dễ sợ hơn tra điện nữa.
-Phải đấy bay! Mặn muốn thụt lưỡi, mạnh còn hơn điện. Cả bọn tán thưởng. Anh Bảy Trương chống chế:
-Lương khô phải mặn chứ sao? Làm như mấy cô để ăn được mỗi bữa là hết. Hết rồi ăn gì? Kì cục.
Thấy mấy cô gái nín thinh không cãi được, anh Bảy khoái trí ngồi lắc la lắc lư, cười chúm chím, quên cả ăn. Các cô xoay qua chuyện khác để phản công anh:
-Anh Bảy ơi, ma dắt anh đi đâu, anh kể cho lũ em nghe! Sáu Thoại nháy mắt một cái:
-Để ảnh ăn bay, tao kể thay ảnh cho bay nghe. Nó đứng dậy nhíu mắt, hai tay quờ quạng, chân dò dẫm:
Ma dắt đi đằng ĐôngMa dông đi đường TâyLàm tao phải loay hoayLũ bay ơi cứu với!
Cả bọn cười vang.
-Rồi sao anh về được đến đây?Con Sáu ngồi thụp xuống:
-Hứ, hứ, lấy nước tiểu để giải ma chớ sao! Anh Bảy xả ra một bãi tướng để giải ma!
Anh Bảy buông bát cơm xuống, quẹt miệng một cái:
-Lũ bay nhạo tao hả? Lũ bay mà lạc như tao, có mà khóc vãi đái trong quần chớ tìm được đường về na?
Rồi để mặc con Sáu ngồi cười rũ rượi, anh Bảy cầm miếng cơm ăn nốt. Anh với bi đông nước tu ừng ực, chẹp chẹp miệng rổi lẩm nhẩm:
-Rồi, rồi, xong đợt này cho anh em trên căn cứ con rựa, cái võng, mình đi hợp pháp về cho nhanh.
Các cô gái lại được dịp cười phá lên:
-ảnh tính chuyện quăng hết đồ cho khoẻ. Người đâu mà nhác vậy, đi cả tháng mà mang theo có 2 bộ kể cả một bộ trên người, nhác ơi là nhác.
Anh Bảy chúm chím miệng cười:
-Phải, tui mang một bộ thôi, cho nhẹ, còn chỗ mà mang gạo cho Chính phủ. Không như mấy cô mang 4,5 bộ đồ, cả cái chụp...
-Hứ !
-Hé !
-Anh Bảy nói tầm bậy mà!
Cả bọn ré lên, chặn đứng lời nói cuối cùng của anh Bảy lại. Anh Bảy vẫn điềm nhiên, chúm chím miệng:
-Nội mấy thứ đó cũng nửa gùi, đủ nặng rồi, còn mang mấy hột gạo cho Chính phủ?
* * *
Tiếp đó là những ngày gùi cõng vừa vất vả, vừa vui vẻ. ĐoànMỹ Đức nhận trách nhiệm chuyển một kho đạn về tuyến trước. Anh Bảy Trương quả là người nói ít, làm nhiều. Anh cõng tới 3 hòm đạn, còn các cô gái chỉ cõng được 2 hòm. Các cô tự an ủi rằng tuy cõng ít hơn anh nhưng lại đi nhanh, đến nơi là cơm nước đường hoàng, chỉ chờ anh tới ăn thôi. Mấy cô tinh nghịch vẫn hay xúm vào châm chọc anh. Anh vẫn ít cãi vã, chỉ ngồi lắc la lắc lư cái đầu, miệng chúm cha chúm chím, thỉnh thoảng mới trả lời một tiếng nhưng là những tiếng hắc búa làm các cô phải đỏ mặt.
Kho đạn đã vợi đi, chỉ chuyển 2 chuyến nữa là hết. Các cô kẹp các thùng đạn thành gùi. Khi chuẩn bị nấu cơm, các cô xếp xong củi, bắt đầu nhen lửa, anh Bảy mới tới. Anh đi thẳng vào kho, vừa vác ra một hòm đạn vừa bảo:
-Coi chừng khói đó bay!
-Dạ vâng, anh cứ "yên chí" - Hường bắt chiếc giọng mấy anh bộ đội nghĩa vụ, trả lời.
Nhưng, chẳng đáng yên trí chút nào, củi ẩm quá, không chịu cháy. Những luồng khói nâu đùn ra ùn ùn, bay cao lên, tản ra dưới các tán cây, chuyển thành mầu xanh lam lơ lửng trên khu rừng non. ở đồng bằng, các cô quen đun bằng tầu dừa, lá dương, vả lại đun hợp pháp nên cũng không sợ khói. Lúc này, cô nào cũng lúng túng. Sáu Thoại mọ mạy suốt, hết rút cành củi này ra, lại đâm cành khác vào làm bếp càng khói um lên. Giữa lúc ấy thì có tiếng máy bay. Cô cuống lên, càng làm cho khói mù mịt. Chiếc Moranh bay thẳng qua đầu rồi đột ngột vòng lại, rà xuống thấp. Các cô càng cuống lên, xúm lại mà thổi phù phù. Chiếc máy bay chúi xuống, phóng một quả rốc két vào khoảng rừng trước mặt. Các cô vội vàng nhảy xuống hầm. Khói từ bếp đùn lên từng cuộn. Anh Bảy Trương hét:
-Dập lửa đi!
Anh vác hòm đạn chạy tới, để xuống đất, bê nồi nước dội cái ào. Lửa tắt ngấm. Chiếc Moranh vọt lên cao, quần đảo. Pháo bắt đầu dội tới. Chỉ vừa nghe tiếng đề pa từ phía đèo Nhông đã thấy tiếng nổ rầm rĩ ở khu rừng trước mặt.
-Xuống hầm mau, anh Bảy!
Sáu Thoại hét lên.
Anh Bảy cúi xuống, xốc cõng đạn lên vai, chạy xuống hầm.
Một loạt pháo nữa lại chụp tới, nổ sát kho đạn. Anh Bảy đứng khom khom trong hầm, lo lắng ngó ra ngoài. Hồi này, bọn ngụy áp dụng trở lại chiến thuật pháo bầy của tụi Mỹ: Có mục tiêu là chúng tập trung cả chục khẩu bắn cấp tập một lúc 4, 5 loạt rồi thôi. Hai
loạt, ba loạt, 4 loạt rồi. Mỗi loạt pháo như một bầy chim sắt khổng lồ đột ngột sà tới vồ mồi, kêu thét điên loạn.
Im lặng trong khoảng khắc, rồi không gian lại vang động lên bởi một bầy pháo nữa. Hầm rung lên, đất rào rào rơi xuống. Khói bụi bốc mù mịt, sộc vào hầm như người ta hun chuột. Hơi thuốc pháo trộn với mùi lá tươi, đất bột thốc vào nồng nặc làm mọi người ngạt thở. Lưỡi vừa đắng, vừa chát lại vừa tê tê, thật khó chịu. Các cô gái bịt miệng, ho sặc sụa. Bỗng anh Bảy la:
-Trời ơi!
-Sao, anh bị thương sao anh Bảy?
-Không! Pháo lân tinh, kho cháy rồi!
Anh Bảy chồm ra cửa hầm. Sáu Thoại níu lại:
-Khoan đã anh, nguy hiểm quá!
-Kho cháy rồi!
Anh Bảy thét lên, giằng ra, lao lên mặt đất. Các cô gái cũng lao theo anh. Trước mắt họ là cảnh tàn phá ghê gớm: cây cối đổ ngổn ngang, xơ xác và lửa đang bén vào kho đạn, cháy đùng đùng. Các cô cuống lên, chưa biết nên làm gì thì anh Bảy nhảy thốc vào giữa đám khói bụi đặc quánh. Khi quay ra, anh vác 2 hòm đạn lớn. Sức nặng của 2 hòm đạn làm anh phải khom lưng xuống, loạng choạng, nhưng anh vẫn lao rất nhanh. Ra một khoảng trống, anh bỏ 2 hòm đạn xuống, chạy trở lại kho. Các cô cũng lao theo. Khói, lửa mịt mùng nhưng không còn ai nghĩ tới chuyện bịt miệng nữa. Một, hai rồi 3 chuyến... mọi người hối hả khuân vác... Sáu Thoại xốc 2 hòm đạn lên vai, nhìn xoáy vào kho: chỉ còn 2 hòm nữa nằm trong góc. Lửa đã cháy lan rộng, gần trùm kín kho đạn. Mọi người chạy ra thì gặp anh Bảy chạy lại. Các cô la:
-Anh Bảy, quay lại thôi!
-Còn 2 hòm đạn thôi anh!
Dường như không nghe thấy tiếng thét, anh Bảy vẫn lao tới. Các cô gái chạy cho nhanh, vứt đạn vào nơi an toàn rồi quay lại. Không thể nào nhìn thấy kho nữa. Khói đen, lửa đỏ bao trùm hết thảy.
-Anh Bảy ơi!
Sáu Thoại gào lên. Không ai trả lời, các cô chết lặng người. Sáu Thoại mếu máo khóc. Nhưng anh Bảy đã lao ra, loạng choạng, suýtchúi xuống nhưng lại gượng dậy, lao ra khỏi đám khói lửa. Đến gần các cô, anh ngã nhào xuống. Sáu Thoại bổ tới, xốc anh dậy.
Các cô gái đưa anh Bảy xuống hầm. Lửa liếm gần hết cái kho đạn rỗng và đang lụi dần. Pháo cũng thôi, không bắn nữa. Anh Bảy nằm thiêm thiếp. Tóc anh cháy quăn queo. Chân tay anh loang lổ những vết bỏng. Sáu Thoại vừa sụt sịt khóc, vừa giở xắc cứu thương, lấy băng băng cho anh. Anh Bảy mở mắt ra, hỏi:
-Chuyển hết đạn chưa?
-Dạ, rồi anh à!
-Để mặc anh, ra chuyển tiếp đi!
Anh cựa mình, chống tay định nhổm dậy. Sáu Thoại giữ anh nằm im:
-Đâu có đó rồi, anh khỏi lo!
-Phải chuyển hết đạn đi ngay, rủi nó đổ quân - Anh gạt tay Sáu, nhổm dậy - Anh bị sơ sơ thôi.
-Để lũ em cáng anh đi!
-Ra, ráng mà cõng hết đạn!
Các cô đành phải nghe lời anh, chặt cây làm nẹp, kẹp 3 hòm đạn làm một gùi, có cô kẹp tới 4 hòm. Và lên đường. Anh Bảy chống gậy, khập khiễng bước đi. Cõng đạn nặng muốn đè dúi các cô xuống, nhưng nhìn anh Bảy đầu cuốn băng trắng, chống gậy bước phía trước, các cô lại thấy khoẻ lên.Vừa hay lúc ấy, phía biển rộ lên tiếng lũ trực thăng phành phạch bay tới...
* * *
Đợt dân công đã kết thúc bằng những ngày như thế. Anh Bảyđược đưa về bệnh xá điều trị. Lẽ ra cả đoàn Mỹ Đức có thể về nhà. Nhưng không cô nào muốn về cả. Các cô xung phong ở lại, đi một chuyến dân công hoả tuyến nữa. Mặt trận đã mở ra phía Bắc rồi, quân ta vừa tấn công đồn Gò Loi, đánh bọn địch ở Khoa Trường. Chiến dịch đang phát triển mạnh mẽ, cần nhiều người phục vụ. Giá như anh Bảy không bị thương, chắc anh cũng sẽ đi với đoàn. Vắnganh Bảy, các cô buồn hẳn đi. Đứa nào cũng bớt nô dỡn và biết suy tính đến công việc hơn. Những kỉ niệm với anh Bảy cứ sống lại mãi trong các cô, thân thương biết bao. Những kỉ niệm ấy nhỏ nhặt thôi và cũng không có gì đặc sắc cả, phần lớn là những chuyện bỡn cợt, châm chọc, vậy mà các cô thấy nó đẹp vô cùng. Suy nghĩ lại, các cô mới hiểu rằng chính những lúc chống trả lại sự bỡn cợt của các cô, bằng những lời cộc cằn, anh đã khuyên họ rất nhiều. Nếu mà các cô biết nghe những lời khuyên ấy từ đầu thì đâu đến nỗi xảy ra những việc đáng tiếc như thế.
Năm 1972
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 4/1/1972
Long yêu dấu của bố mẹ
Gần đến Tết rồi, mẹ con lại càng nhớ con. Hôm 25/12 vừa qua mẹ con nhắc tới con nhiều lắm, nhất là đêm hôm đó cả nhà sum họp vui vẻ quanh bàn bánh kẹo. Vui vì gia đình sum họp, song thiếu con và em Phúc nên cũng đượm vẻ buồn.
Hôm nay, sau 25/12, 1/1, gần đến Tết, nhớ đến con yêu dấu đang phấn đấu vượt mọi gian khổ nơi tiền tuyến, bố mẹ lại biên thơ thăm con, dù bố cũng không tin tưởng rồi thơ này có đến tay con không. Trung bình, mỗi tháng bố biên một thơ theo lời con dặn, có lần gửi cả 5 giấy 10 đồng có in chân dung Bác Hồ và thuốc men, chả biết con có nhận được không. Bốn mùa đã qua, mà không nhận đượcthơ nào của con cả. Bố thường được gặp chị Sáu và bác Đào Tùng để hỏi tin con. Các đồng chí cho biết con vẫn khoẻ, quen với gian khổ, đang đi công tác đặc biệt, nên bố cũng yên tâm.
Gia đình ta được bình yên, khoẻ mạnh. Từ khi bố lên Bộ Đại học công tác, sức khoẻ tốt hơn trước, đỡ lo nghĩ, đỡ vất vả. Mẹ concũng vẫn khoẻ. Anh Đức vẫn công tác ở Uỷ ban Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. Em Phúc vẫn thực tập ở Liên Xô, đến 11/1972 sẽ trở về nước, sau khi hoàn thành 3 năm rưỡi thực tập. Em Việt đang luyện tập ở gần Hà Nội và sẽ công tác ở ngoài này, trong Công an vũ trang nhân dân. Mẹ và vài em mới đi thăm Việt về. Gia đình ta toàn nhà đều khoẻ mạnh, bình yên. Cụ đã 93 tuổi rồi, mắt đã hơi mờ, đi lại ít, chỉ mong được gặp con trước khi nhắm mắt. Cậu Hiếuđã có 3 con gái, 1 trai. Ông bà trẻ vẫn ở Bắc Quang. Bà và cụ ở với cậu Hiếu, trong nông trường Việt Lâm.
Các em con đều khoẻ và rất ngoan. Ngọc năm nay học lớp 10, lớp năng khiếu ngoại ngữ của Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em ở ký túc xá, chủ nhật mới về nhà. Em béo, khoẻ, học giỏi. Tháng5 em thi lớp 10 rồi vào thẳng Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em học tiếng Anh rất tốt. Diệp học lớp 8, Lan học lớp 5, Thuỷ học lớp 4,đang trên đà tiến bộ. Thường ngày bố và anh Đức ở Hà Nội, ở nhà còn có mẹ và 3 em Diệp, Lan, Thuỷ. 3 em học tốt lại giúp mẹ nuôi được 2 lợn + 1 vườn rau. Tết này, nhà ta mổ lợn ăn tết đấy, mẹ càng thương con và nhớ con.
Chắc con đã biết tin Níc Xơn lại xua giặc lái Mỹ oanh tạc một số tỉnh miền Bắc và đã bị thiệt hại nặng.
Miền Bắc có nhiều đổi mới tốt về kinh tế và cả về quốc phòng, càng ngày càng mạnh lên con ạ.
Thơ này đến tay con chắc vào dịp đầu xuân Nhâm Tuất.
Bố mẹ chúc con luôn được mạnh khoẻ, luôn luôn xứng đáng làđảng viên tốt của Đảng ta.
Rất mong thư của con.
Thân mến! Bố Phạm Hùng Việt
Anh Long thân mến!
Em đã nhận được thư anh gửi ra do mẹ đem lên. Đọc thư, em rất phấn khởi về tình hình công tác của anh, mong rằng trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào anh cũng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ nhân dân giao phó.
Chắc đến nay, qua thư của bố, mẹ gửi vào anh đã biết em đi bộ đội rồi, kể ra đây chỉ là việc bình thường đối với thanh niên hiện nay nhưng đối với bản thân em, đây là bước ngoặt lớn của cuộc đời. Em được điều động vào bộ đội từ tháng 9 năm 1971 nhưng không ở lực lượng quốc phòng mà lại vào lực lượng công an vũ trang. Khi
nhận được giấy báo, một mặt em rất phấn khởi vì kể từ nay em đãđược trực tiếp đứng trong lực lượng vũ trang của Đảng, góp phần nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, nhưng mặt khác cũng không khỏi tiếc vì phải tạm rời trường lớp, gác lại những ước mơ mà mấy năm sống trong trường đại học em hằng ấp ủ. Tuy vậy, xác định nghĩa vụ của thanh niên hiện nay cộng với sự động viên của gia đình, nhà trường nên em rất phấn khởi, an tâm lên đường nhập ngũ.
Kể từ ngày vào lực lượng công an vũ trang, cuộc sống của em thay đổi rất nhiều, mọi sinh hoạt hàng ngày đều khác trước, đi vào quy củ hơn. Hơn 6 tháng rèn luyện, em thấy mình lớn lên rất nhiều về tác phong, nhận thức về quân sự, về nhiệm vụ... Vì công việc của công an vũ trang có những mặt khác với quốc phòng nên chương trình huấn luyện của chúng em cũng khác, thời gian dài hơn (riêng huấn luyện tân binh đã 7 tháng rồi). Kể từ khi đi đến nay em vẫn ở thị xã Sơn Tây -Trường Công an nhân dân vũ trang. Qua những ngày tháng bỡ ngỡ ban đầu cho đến nay em đã trở thành một chiếnsĩ công an vũ trang của Đảng. Thời gian này chúng em đang ở cuối đợt huấn luyện, đến cuối tháng 4 này chúng em sẽ nhận nhiệm vụ cụ thể, khoá huấn luyện của chúng em là khoá thí điểm của Bộ Công an, lấy học sinh của các trường Tổng hợp, Ngoại ngữ, Bách khoa, vì vậy cho đến nay em cũng chưa biết mình sẽ đi đâu nữa nhưng có lẽ muốn hay không chúng em sẽ được làm những nhiệm vụ bình thường của một người chiến sĩ công an vũ trang, sẽ được lăn lộn với thực tế, được về vùng biển hoặc khu vực biên phòng làm nhiệm vụ hợp với phần nghiệp vụ của mình đã học.
Thời gian huấn luyện ở trường, điều phấn khởi đầu tiên của em là nhờ sinh hoạt đi vào quy củ, việc rèn luyện tăng cường, ăn uống tốt nên sức khoẻ em tăng nhiều, từ hôm vào đến nay em tăng được 4 cân, đấy là về cân nặng thôi còn sức khoẻ thì tốt hơn nhiều. Khi mới vào, chạy buổi sáng có 2-3 cây không mang gì cả mà đã thấy mệt lắm rồi, đến nay sáng chạy 4-5 km đối với em đã rất bình thường, kể cả chạy vũ trang mang ba lô, súng đạn cũng không đến nỗi vất vả với em nữa. Nhờ sức khoẻ được tăng cường nên em rất phấn khởi trong việc hoàn thành các khoa mục quân sự như bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn, tập kích, phục kích. Trong thời gian
huấn luyện em đều hoàn thành tốt các khoa mục quân sự và phần nghiệp vụ, 2 đợt bắn đạn thật đợt đầu em chưa đạt, nhưng đợt thứ 2 em bắn đã vào loại giỏi, lựu đạn, bộc phá cũng đều tốt cả, em đang cố gắng để hoàn thành tốt nhất những ngày cuối cùng củakhoá huấn luyện này, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân giao phó.
Thư anh viết cho em đã giúp em rất nhiều trong suy nghĩ, trong nhận thức về ước mơ, nghĩa vụ, tuy những vấn đề anh nói chưa đi sâu vào công việc của em hiện nay (vì anh chưa biết em đi bộ đội), nhưng nó là những cơ sở rất tốt để em suy nghĩ. Có phải vào bộ đội là mọi ước mơ trước kia của người ta bị phá vỡ hết đâu phải không anh. Nếu như trước đây, em phấn khởi vì được nhận nhiệm vụ nhưng vẫn còn băn khoăn vì ước mơ không trọn vẹn, thì nay ngay cả về ước mơ, em thấy cũng có những điều kiện rất tốt. Vào bộ đội, cuộc sống của em sẽ phong phú lên rất nhiều, những thực tế mà bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ phải cơm đùm, gạo nắm hàng tháng trời vất vả lắm mới có được thì đối với em lại rất thuận tiện. Em hiểu công việc viết văn hoặc làm ngôn ngữ cũng vậy thôi, rất khó, nó đòi hỏi người ta phải có cơ sở lý luận, chuyên môn vững, để quan sát, nhận xét, suy nghĩ nhanh, có thực tế và biết sử dụng thực tế vào công việc cụ thể. Do vậy muốn viết được em phải cố gắng rất nhiều, học hỏi rất nhiều. Tin tưởng ở cuộc sống sắp tới, em sẽ cố gắng không để phí những ngày học tập vừa qua (mà không phải người thanh niên, người chiến sĩ nào cũng có được) để áp dụng vào thực tế, đi đôi với nhiệm vụ của người chiến sĩ tiếp tục con đường học tập của mình. Những cái đó rất khó khăn nhưng không phải là không thực hiện được anh nhỉ, em sẽ cố gắng để học tập anh, theo con đường anh đã đi, làm theo những điều anh khuyên bảo. Sống trong môi trường mới tuy vất vả nhưng em thấy đây là điều kiện rất tốt để mình rèn luyện về mọi mặt, cả về sức khoẻ, tác phong nhưng cái quan trọng nhất là rèn luyện về mặt chính trị tưtưởng. Em sẽ cố gắng rèn luyện, tu dưỡng để được gần Đảng và đếnmột ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đấy mới là những điều trong suy nghĩ, trong tương lai thôi, em hiểu để đạt được những cái đó còn nhiều khó khăn gian khổ lắm phải không anh. Khi nào viết thư cho em anh góp ý thêm về mặt này với nhé.
Từ ngày ra đi em chưa có dịp nào về thăm gia đình cả, tuy ở xa nhà có 40km, có những lần được nghỉ 2 ngày liền nhưng là đơn vị bộ đội, luôn trực chiến nên chúng em không được đi đâu xa cả. Tuy vậy em luôn nhận được thư của bố mẹ gửi lên.
Em được cả bố và mẹ quan tâm động viên. Tình thương của gia đình động viên em rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, em hiểu những gian khổ mấy tháng qua của em chưa ăn thua gì so với cuộc sống của anh hiện nay cả. Anh ở xa xôi quá, chẳng khi nào về thăm gia đình được cả. Bố mẹ dạo này tuổi cũng nhiều nên có già và yếu hơn trước, nhất là bố, tuy dạo này công tác trên Bộ có nhàn hơn nhưng vì xa gia đình, ăn uống kém lại hay đi về bằng xe đạp nên trông bố yếu hơn trước và già đi nhiều, hiện bố mẹ đang muốn tìm nhà riêng để chuẩn bị cho thời gian về hưu nhưng xem ra còn rất gay.
Về tình hình kinh tế gia đình ta dạo này có khá hơn trước, anhĐức về mang theo một số dụng cụ gia đình như máy khâu, đài, xe đạp... nên những cái đó bố mẹ không phải lo nữa; hơn nữa dạo này giá cả thị trường giảm nhiều, hàng hoá mậu dịch cung cấp đầy đủ nên cuộc sống có được tăng lên hơn.
Khi nào có điều kiện gửi thư ra anh nhớ viết thư cho em nhé, để tránh thất lạc, anh cứ gửi về nhà rồi mẹ sẽ gửi lên nơi em công tác, em rất mong và thích đọc thư của anh từ miền Nam gửi ra. Những điều anh tâm sự và khuyên bảo là những cái rất thiết thực cho sự suy nghĩ của em. Chúc anh luôn khoẻ mạnh, công tác tích cực, viết báo và truyện thật nhiều để sau này có kinh nghiệm về vốn sống trong sáng tác. Mong một ngày không xa anh em ta, gia đình ta sẽ đoàn tụ sum họp trong sự đoàn tụ sum họp chung của cả dân tộc.
Nhớ anh nhiều Em
Ngày 24/1/1972
Mùa xuân mới vẫn hăm hở đi tới bằng cái lạnh thấu xương và cái nắng rực rỡ. Bầu trời cao xanh có điểm đốm trắng của những đàn cừu mây đang lang thang theo gió. Cả sư đoàn mùa xuân đang rầm rập hành quân qua mảnh đất đầy bom đạn này, để vương lại những nhành lá nguỵ trang xanh thắm. Con người cũng đang sôi nổi ra quân chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị giáng cho kẻ địch đòn quyết định. Tỉnh đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng tỉnh BìnhĐịnh tổ chức "Họp bạn" cho thanh niên cơ quan tỉnh giữa những ngày xuân lịch sử này nhằm động viên khí thế ra quân thật sôi nổi.
Khu rừng tương đối bằng với những hàng cây cao, thưa, bừng sáng lên dưới ánh nắng xuân, xôn xao lên bởi tiếng cười nói của cả trăm thanh niên. Anh em hăm hở san nền, chặt cây, dựng trại. Toàn trại lấy tên "Quang Trung". Mỗi đoàn uỷ dựng một trại, với các tên anh hùng như Lý Tự Trọng, Lê Thị Hồng Gấm... Trại dựng cọc, dây, vải, ni lông... bên trong trang hoàng đơn giản.
Ngày 25/1/1972
Sáng sớm, toàn khu trại đã rộn ràng tiếng reo của thanh niên. Họ tập thể dục, hát ca, đánh bóng chuyền dưới ánh điện. Họ tập tập hợp theo còi lệnh...
Hôm nay Ban tổ chức làm lễ khai mạc trại. Sáng, nghe Tỉnh đoàn đọc lời tuyên bố, nói về mục đích ý nghĩa cuộc họp bạn, đọc thư của Tỉnh uỷ gửi thanh niên. Chiều, diễn đàn thanh niên, các đoàn uỷ cử người lên nói về thành tích của đoàn uỷ mình, hướng phấnđấu sắp tới. Đây cũng là cuộc thi: trong 10 phút phải báo cáo xong,rõ ràng, cụ thể mới được điểm cao. Đại biểu của An ninh tỉnh nói khá, kể được những gương người tốt việc tốt của đơn vị mình, được vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Tối, bắt đầu buổi hội diễn văn nghệ. Tôi không ngờ buổi hội diễn lại thành công đến thế. Những thanh niên từng chiến đấu rất dũng cảm, lao động rất cần cù này đã đem lại sinh khí mới cho sânkhấu. Nó vừa chân chất, mộc mạc, vừa sôi nổi, hào hùng. Được ca
ngợi nhất là cô gái giới thiệu chương trình, cán bộ Tỉnh đoàn, và tốpca nam Binh vận với bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác.
Ngày 26/1/1972
Qua phần thể thao và vui chơi. Giữa rừng này mà có một sân bóng chuyền, thật thú vị. Có sân, có lưới hẳn hoi. Tuy kỹ thuật đánh còn thấp nhưng các cầu thủ rất nhiệt tình. Các trò chơi có sức hút lớn. Anh em quây quần quanh sân, ai cũng muốn xin vào dự trò
-cả nữ cũng vậy. Họ cười vui thật hồn nhiên, quên đi hết mọi mệt nhọc, gian khổ.
Chiều, tổng kết trại, phát phần thưởng cho các trại khá, hứa hẹn thi đua. Tối, chiếu phim "LêNin, năm 1918" và xem đoàn văn công tỉnh biểu diễn.
Hồi trưa, lúc sắp ăn cơm, địch bắn nhiều trái pháo nổ gần. Phải phân tán ra trú ẩn ở các hốc đá.
Ngày 27/1/1972
"Nhổ trại" ra về, mỗi thanh niên đều lưu luyến. Trong suốt cuộc chiến tranh này, đây là lần đầu tiên thanh niên toàn tỉnh mới có được cuộc họp mặt vui, tươi như thế.
Ngày 1/2/1972
Lên đường đi công tác Hoài Nhơn. Lại ngược về phía Tây để sau đó vòng qua phía Bắc. Trời nắng và nóng. Hồi này, với tinh thần mới, các trạm đều có thêm việc: đi trực xuống thì cõng đạn, đi trực lên thì cõng muối.
Ngày 3/2/1972
Đang đi thì gặp Chi. Chi đi Hoài Nhơn đã một tháng. Chi cho biết tình hình Hoài Nhơn quá căng: 2 tiểu đoàn Cộng hoà giữ miếtrìa, không xuống được huyện. Chúng tôi bàn nhau đi Hoài Ân.
Huyện uỷ Hoài Ân nằm ở một quả đồi nhỏ, cây cối nhỏ, có nhà đàng hoàng.
Chúng tôi tới đại đội bộ đội tập trung huyện vào buổi sáng. Cảnh đập vào mắt chúng tôi là không khí diễn tập rất khẩn trương, nghiêm túc. Những chiến sĩ ở đây rất trẻ - từ 16 đến ngoài 20 - và khoẻ. Họ chỉ mặc quần lót, phơi mình dưới nắng mà tập "mật tập". Họ luồn dưới những lớp rào thép gai dày đặc, dùng cây chống, dùng dây buộc tạo thành đường luồn. Trực ban luôn báo giờ: còn 10 phút, còn 5 phút nữa... Phải khẩn trương và khéo léo để tới đúng giờ và không gây ra tiếng động.
Còn ở mũi 3 - mũi đánh vận động tập kích - thì rộn ràng hơn. Mũi này có 10 cô gái, tuổi mới 17 -20, khoẻ, chắc. Các cô xắn quần quá gối, bới tóc ngược, vận động trên bãi, ném lựu đạn, bắn súng, miệng kêu "tróc tróc" hoặc "ầm".
Đơn vị làm lễ ra quân. Từng mũi lên hạ quyết tâm, nêu chỉ tiêu cụ thể - trong đó có chỉ tiêu diệt gọn từng trung đội địch.
Sau buổi lễ, các mũi hành quân tới mục tiêu của mình. Súng đạn, ruột nghé gạo trên vai, họ hăm hở lên đường. Nhìn vào đôi mắt sáng ngời và nụ cười tươi tắn của họ, tôi tin rằng họ sẽ chiến thắng.
Chiều, trở về Huyện uỷ.
Tối, sang Huyện đội chơi. Gần 8 giờ, địch bắn pháo lên. Hầm ở xa quá, mò trong tối mà đi. Hầm khoét sâu trong lòng núi, rộng,dài, vững chắc. Địch bắn 2 hồi, mỗi hồi chừng hai chục quả. Cô Nga than rằng nồi kẹo dừa bắc trên bếp chắc bị cháy mất. Nhưng không đến nỗi, nó vẫn chưa khô đường.
Đêm, dưới đồng có những tiếng cối nổ uỳnh oàng. Địch bắn pháo sáng lên làm màn trời thỉnh thoảng lại trắng lên.
Ngày 8/2/1972
150 quả pháo bắn cấp tập giữa đồng trống. Tiếng nổ chát chúa làm một số người phải bịt tai. Mảnh pháo văng tới rơi sàn sạt. Mùi
thuốc pháo khét nghẹt phả vào giao thông hào. Một người bị thương nhẹ vào đùi. Chúng tôi trở về. Tiếng cười của cô Thắm vang lên rộn rã khắp đồng nội...
Đó là trận tập kích pháo của địch vào đội hình chúng tôi lúc 5 giờ 10 phút chiều nay!
Được sự giới thiệu của Huyện uỷ, chúng tôi đi Mỹ Thành chuẩn bị làm một số đề tài về nổi dậy trở về làng cũ. Gặp Quế Anh ở Cầu Sắt đôi. Chị nắm tay tôi và bảo: "Các anh cẩn thận đấy, kẻo về HoàiÂn lại bị Cộng hoà lượm!". Chúng tôi cười.
Ra giữa cánh đồng rộng, người khoan khoái lạ. Tuy cánh đồng này bị bỏ hoá, chỉ có cỏ mọc um tùm, nó vẫn gợi lên cái mênh mông, hào phóng của đồng bằng. Tới cây me lớn, thấy nhiều người tụ tập. Trai, gái, Nam, Bắc, áo xanh, áo hồng, áo trắng... đủ loại. Một cô gái đang hỏi mua trầu của một cậu bé dân tộc. Cậu bé nói rằng muốn có quần đùi và muối. Một thanh niên nói rằng địch đang ởĐồi Thánh Giá - đứng ở ngoài cây me một chút có thể thấy chúng. Chúng tôi đặt ba lô, nghe ngóng tình hình.
Một quả pháo bay tới, nổ ầm phía cánh đồng. Tôi xách ba lô, lao vào một giao thông hào cạn gần gốc me. Người tiếp người lao tới tấp theo, thình thịch. Họ giục nhau: "Vào, vào nữa đi". Hà Huệ kêu: "Chà, mình bỏ ba lô ngoài ấy rồi!". Một tràng pháo khoảng 20 quả dội tới, nổ ầm ĩ phía trước mặt. Dứt loạt pháo, chúng tôi bật dậy, chạy lùi trở lại. Huệ xách cả thắt lưng, ba lô chạy theo. Giỏ trầu không của cậu bé dân tộc lăn lóc ở gốc me. Nối theo nhau chạy như bay. Qua một giao thông hào cắt ngang đường. Dưới đó đã lố nhố mấy đầu người. Chạy nữa. Tạt vào một giao thông hào bên trái đường. Một tràng pháo nữa dội tới. Nghe tiếng đề pa và tiếng hú rối mới nghe tiếng nổ. Thế là yên trí. Tuy nhiên, một số người vẫn phải bịt chặt 2 tai, sợ long óc. Pháo bắn nhích dần vào trong. Chúng tôi luồn dưới giao thông hào, lui nữa. Ba lô quá to, vướng hoài vào vách. Khẩu súng ngắn và cái bi đông đeo ở thắt lưng cũng va, ngoắc liên tục. Cô Nội người to béo, lấm bê bết. Cậu bé dân tộc nằm gọn lỏn giữa giao thông hào. Mấy tràng pháo nữa dội tới. Có mảnh văng tới, va vào cành cây nghe sàn sạt. Mùi thuốc pháo phả vào chỗ chúng tôi, khét lẹt. Cô Nội cứ nép người qua vách trái hào. Tôi bảo:
"Pháo nổ bên phải, nép người về bên phải hào mới tránh được mảnh". Cô làm theo.
Rồi im lặng. Chúng tôi ra khỏi giao thông hào, bật lên con đường làng, chạy về. Tới suối, đoạn có một cống lớn, đã thấy Huỳnh và Thắm (ở Huyện đội, cùng đi với chúng tôi) chờ ở đó. Phía sau xa, Chi chạy lại, quần áo bết bùn, tay xách dép. Một anh bộ đội đi tập tễnh phía sau, ống quần chân trái loang máu đỏ. Anh em dừng lại băng cho anh. Vết thương không đến nỗi nặng lắm. Chúng tôi ra về. Cô Thắm thỉnh thoảng lại cười ròn rã vì lời đùa của anh em: "Vì cô đi nhanh quá nên địch bắn đấy".
Về nhà, anh em vui mừng, hỏi han. Có anh nói đùa: "Thế là cácanh phá được một kho đạn 150 quả rồi". Tôi vui vui khi nghĩ: "Địch tiêu mất 150 quả pháo, đêm nay sẽ bớt gửi chi viện cho các đồn.Đêm nay, đơn vị bộ đội huyện sẽ đánh một chốt điểm".
Nửa đêm về sáng nghe súng nổ ròn rã ở phía Hoài Nhơn và ÂnĐức. Xen vào tiếng súng máy là tiếng cối, pháo. Pháo rất ít. PhíaHoài Nhơn nổ ròn rã hơn và dứt mau hơn. Phía Ân Đức nghe có lúc rời rạc và kéo dài hơn.
Ngày 9/2/1972
Sáng sớm, Hoà (cán sự Huyện đội) đã đi ra chỗ đón thương. Chúng tôi đều mong tin của trận đánh.
Được biết đơn vị đánh vào trụ sở xã Ân Đức - nằm sâu trongvùng địch, cách quận lỵ 500 mét. Đơn vị phải hành quân hàng tiếng đồng hồ, len lỏi qua nhiều ấp chiến lược mới tiếp cận được mục tiêu. Theo tin nắm được, ta giết chết 1, bắn bị thương 5 tên, đánh sập nhà trụ sở xã và chỉ bị thương 1 đồng chí - đã đưa về bệnh xá.
Ngày 10/2/1972
Trở lại đơn vị bộ đội tập trung. Đi qua một cánh đồng rồi leo lên một quả đồi. Quả đồi này bị địch ủi trọc, phơi mầu đỏ, lổn nhổnnhững sỏi. Nhìn thấy quận lỵ Hoài Ân nằm giữa một thung lũng hẹp, nổi bật lên là những mái nhà tôn trắng toát. Khắp nơi đều có
bóng dừa xanh đầm ấm. Chân quả đồi có một cánh đồng lúa mới cấy đang xanh lại. Nhân dân vùng địch kiểm soát lên đây làm đồng, tối lại về.
Ngày 11/2/1972
Đơn vị vẫn rộn ràng với không khí chiến đấu. Một tổ đi chuẩn bị chiến trường từ tối hôm qua. Sáng, các mũi đi cảnh giới. Các mũi khác đang tập luyện. Khẩu đội cối gồm 4 cô Bình, Phúc, Sương, ánh đang tập cách lấy tầm, hướng và thực hành thao tác. Các cô gái này người mập chắc, đang còn lúng túng với các động tác, nhưng rất mạnh dạn học tập. Phía dưới kia vang lên tiếng hô của mũi một đang tập xạ kích: "Chú ý... mục tiêu...". Tiếng một quả pháo nổ ầm, vọng về lạc lõng. Tiếng con cu cườm gáy đều đều "Cúc cù cu". Con bìm bịp thỉnh thoảng lại rúc lên một hồi: "Bíp bíp bíp bíp bíp bíp". Khu rừng non này đang chứa đựng một sức sống mãnh liệt.
Ngày 12/2/1972
Đi Mỹ Thành. Qua chỗ địch bắn pháo bữa nọ thấy mấy quả nổ gần đường phạt gẫy một bụi tre, phát quang mấy khóm tranh.
Lội qua sông An Lão. Dòng sông rộng mênh mông, nước trong vắt, nông cạn, chảy êm đềm. Vào một vườn dừa rậm rạp rồi đi ra một con đường lớn - đường 5. Dưới chân đồi Thánh Giá là một dãy chuồng bò với một đàn bò đông hàng 8, 900 con. Mấy cô gái dẫn tôi đi đùa rằng đó là thành phố bò.
Chị Hương - Huyện uỷ viên - trạc 28, 29 tuổi, có dáng người cao, to, đôi mắt to, sáng, gặp chúng tôi ở đường. Chị hỏi: "Các anh tìm Hương tỉnh hay huyện? Hương huyện thì có chứ tỉnh thì ở chỗ khác". Chị xem giấy giới thiệu rất kỹ, thỉnh thoảng lại nhíu mày vẻ quan trọng và sau khi hỏi đi hỏi lại cặn kẽ nhiều chuyện mới nói: "Vậy bây giờ các anh đi xuống xóm gặp tôi!".
-Ủa, gặp chị đây rồi chứ sao? À, hay là chị đi nơi khác rồi sau đó chúng tôi xuống xóm gặp chị?
Chúng tôi ngạc nhiên hỏi. Chị trả lời:
-Không, tôi cùng đi với các anh. Nhưng xuống xóm mới bàn việc.
Đi một hồi, bước vào một vườn dừa, chị chợt dừng lại:
-Này, hay là bố trí cho các anh nghỉ rồi chờ chị Tám xuống bàn với các anh.
Chị nhìn những cái ba lô cồng kềnh sau lưng chúng tôi, tiếp:
-Định đưa các anh xuống Mỹ Thành, nhưng nghe căng quá, thôi, các anh nghỉ ở đây.
Quay qua một phụ nữ đứng bên, chị nói:
-Phải không chị?
-Ừ, đi không đạt mục đích ý nghĩa gì thì không nên đi.Chị Hương lại tiếp:
-Bây giờ tôi bố trí chỗ nghỉ cho các anh nhen.Một anh bạn của Chi đi Hoài Nhơn còn đứng sớ rớ ở đó, hỏi chị:
-Thế các chị ở lại đây à?Chị vội vàng:
-Vâng, anh cứ đi đi, anh cứ đi đi!
Cách nói của chị làm tôi hình dung chỗ chị bố trí cho chúng tôi nghỉ là một chỗ ở, làm việc của cán bộ xã, huyện, cần phải bí mật.
Chị bước đi trước, chúng tôi bước theo sau. Vào một sân nhỏ có ngôi nhà lụp xụp. Một cậu bé nói:
-Cửa đóng rồi!Chị gọi:
-Mở cửa ra em, mở cửa ra chứ, sao lại đóng?Chị nói nhỏ với chúng tôi:
-Mời các anh đem đồ vào nghỉ trong này.Khi chúng tôi xốc ba lô chuẩn bị bước vào nhà, chị nói lại:
-Các anh cứ ở đây chờ, tôi đi xuống xóm mời chị Tám về gặp các anh nhen. à, mà các anh ăn cơm chiều chưa?
-Chúng tôi ăn rồi chị ạ.
Chị tất tưởi bước đi.
Căn nhà nhỏ, thấp, có bầy bàn thờ, thắp một ngọn đèn dầu. Nhà chỉ có một bà già và một chú bé. Hai mẹ con mới đi làm về, đang tíu tít dọn dẹp đồ đạc, tuôn lúa, nấu cơm. Bà già luôn luôn hò hét chú bé vì chú ta mải chơi quá, cứ bỏ việc. Chú đem lạc ra bóc vỏ. Chúng tôi cùng ngồi bóc với chú. Chú tên là Của, 15 tuổi, người cọc còi như trẻ 12. Tôi hỏi chú đi học chưa, chú trả lời:
-Học rồi, lớp ba.
-Trường của địch hay của ta?
-Của địch, bây giờ nghỉ rồi.Chú tâm tình:
-Khi giải phóng, lấy trường của nó cho mình học thì ngon đấy. Sau khi bóc lạc xong, chú bé leo lên giường. Bà già la:
-Của, đi lấy lá dừa chớ?
Chú phủ kín tấm dù, vờ ngủ. Chúng tôi động người mãi chú mới dậy. Lát sau, nghe chú chặt lá sàn sạt trên cây dừa ngoài sân. Lát sau nữa lại nghe chú doạ:
-Bà mà la hoài, tui đi bộ đội cho coi.
Chú vào nhà, leo lên giường ngủ tiếp. Bà già hì hụi bó lá, cắt hành. Giáp Tết rồi.
Nửa đêm, đi cùng mấy cán bộ xã về nơi làm việc. Lại theo con đường 5, đi ngược mãi lên. Bên trái, con sông An Lão hơi sáng lên bàng bạc. Rẽ qua phải, bước lên núi. Vẫn là loại núi nhỏ, rừng non,cây thấp, rậm, gai góc. Bấm đèn pin dò tìm đường đi. Đường bị rấpnhiều. Sợ có gài bom mìn nên quay lại đi đường khác. Đi qua mộtbãi lầy rậm rạp cỏ. Lại bước lên núi. Đường cũng bị rấp ngang bởi những cầnh cây nhỏ. Người đi trước nói:
-Mấy ông đi chầm chậm, rủi lựu đạn nổ cái "ì" thì còn có người khiêng tôi chớ.
Tới một chỗ rẽ, có một thùng thiếc đặt giữa đường. Phải níu câybước lên đá, không dám chạm đến nó vì sợ có bố phòng. Đi một hồi tới đỉnh núi, có 2 ngôi nhà nhỏ.
Ngày 13/2/1972
Sớm, nghe một anh gọi:
-Dậy, dậy. Nấu cơm ăn chớ không có ai nấu cho đâu.
Mọi người mở ruột nghé lấy gạo, tập trung vào một cái xoongnhỏ mà nấu. Một anh leo lên cây ổi cao quan sát. Đứng trên đó có thể nhìn rộng, xa dưới kia.
15/2/1972 - Mồng 1 Tết Nhâm Tý
Con đường 5 hôm nay tràn ngập ánh nắng, nườm nượp người qua lại và rộn ràng tiếng xe chạy, tiếng cười nói. Con trai, con gái,
quần áo đủ mầu cưỡi xe đạp đi ngược lên. Thỉnh thoảng, một chiếc Honda chở 4, 5 người lại phóng vụt lên. Phía trên đó là "điểm" tết của huyện. Hùynh gặp mấy đứa nhỏ quen, mượn xe đạp. Cậu ta leo lên xe chở một chú nhỏ phóng vụt đi. Tôi chở một cô bé chừng 16, 17 tuổi. Cùng đi với chúng tôi còn có một toán 5, 6 cô gái chừng 16, 17tuổi. Đi với họ, trước cảnh rộn ràng và những tiếng cười nói ríu rít, tôi lại nhớ những ngày còn là học sinh, những ngày lễ, chủ nhật đi chơi với bè bạn.
Tôi hy vọng ở điểm Tết này sẽ khai thác được nhiều chuyện hay. Nhưng cách tổ chức của huyện làm tôi thất vọng. Một chiếc cổng chào dựng cẩu thả trên đường. Hàng khẩu hiệu căng trên đó rủ xuống, không đọc được chữ. Khi tôi tới, phần mít tinh đã xong, đồng bào đang chuẩn bị ra về, chỉ có thanh niên ở lại. Anh em cán bộ đang phát cho đồng bào thư của Uỷ ban Mặt trận tỉnh. Nhiều người cầm lấy, ngồi tại chỗ chăm chú đọc. Tuy nhiên, có một chị không nhận: "Tôi không dám, không dám". Anh cán bộ đưa lần nữa: "Chị cứ cầm coi thử", chị vẫn không nhận, lách đi.
Phải mất rất nhiều thì giờ mới tập hợp được một số thanh niên lại để Huyện uỷ nói chuyện. Chị Vân kêu gọi thanh niên ổn định chỗ ngồi rồi hô bài chòi. Dưới này, một cậu thanh niên mặc quần ống tuýp, chân đi đất, tay xách đôi giày da nhạo báng:
-Chà, bà ta mới mập làm sao!
Cậu ta và mấy cậu khác đầu tóc bù xù cứ lom khom đi lại giữa bãi, ồn ào. Cậu đi đất bắt từ trên cây một con sâu to tướng làm trò chơi cho mấy cậu kia. Nhiều cô, cậu khác cũng ngồi tản mạn khắp nơi tán gẫu. Trong số đó phần đông là thanh niên từ vùng địch lên. Những hình ảnh đó quá xa lạ với tôi.
Chiều, về thôn Mỹ Thành. Mấy anh bạn ở huyện đội đưa tôi vào chơi nhà người quen. Chui vào nhà dưới mái tôn thấy nóng hầm hập. Gia đình dọn cơm mời chúng tôi. Nói chung cũng khá đầy đủ, có thịt, cá, bánh tét nhưng có lẽ nấu không ngon như các món tếtngoài Bắc. Sau đó nhà bên cạnh mời chúng tôi ăn bánh ngọt. Đangăn dở dang thì có người báo: "Địch lên". Thế là tất cả đứng dậy, lui
ra ngoài xóm. Tới rìa xóm thì ngồi lại nghe ngóng. Được biết có 8 tên lính lên tới máy nước. Có người lên cho biết chúng đã rút. Lạivào xóm. Đồng bào nói rằng tên quận trưởng vừa tới chúc tết và cho ảnh Thiệu. Anh em du kích đang đi thu ảnh đó lại.
Lại xóm Lò rèn. Xóm này nằm bên trục đường, cách cầu Bến Muồng mấy trăm mét - bọn địch đóng ở cầu này. Vào nhà một chị cơ sở. Chị vồn vã đón chúng tôi:
-Các anh không xuống sớm xem bọn lính gặp, bắt tay với cách mạng. Chà, đồng bào phấn khởi lắm.
Chị lại bàn thờ, bưng mâm cỗ xuống mời chúng tôi. Bàn thờ có đặt một bức ảnh của một người đàn ông còn trẻ - chắc là chồng chị.
Đang ăn thì nghe tiếng pháo dội tới - pháo nổ khá gần. Trên đồn, bọn địch bắn đèn dù sáng rực. Ra sân ngó lên thấy những quả đèn treo lơ lửng đang xuống thấp dần, xì khói trắng ra. Cả cái xóm này sáng bừng lên. Chị chủ nhà nói:
-Không sao đâu, các anh cứ ăn đi.
Chắc bọn địch sợ ta ém đồn nên bắn đèn quan sát. Chúng tôi tiếp tục ăn. Chị đi gọi 2 đứa con về. Tiếng pháo vẫn nổ, ùng oàng ởphía rìa núi. Đèn dù vẫn thay nhau thắp sáng bầu trời. Bọn địchtrên đồn gọi loa xuống: "Đồng bào cứ yên tâm, chúng tôi bắn vào núi thôi". Chúng tôi tránh vào bên đường mà đi. Một cậu bé đứng ở một góc sân nói:
-Bọn địch ăn rồi bắn đèn hầu mấy anh cho mấy anh thấy đường đi!
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội ngày 19 tháng 2 năm 1972
Long thân mến!
Anh tốt nghiệp về nước đã gần 2 năm rồi mà chưa có bức thư nào thăm em, kể cũng tệ quá, anh thành thực nhận khuyết điểm nhé.
Thời gian thấm thoắt, thế mà đã 8 năm trôi qua, anh em mình không gặp nhau rồi. Tám năm qua đã nhiều thay đổi, anh em mình đều lớn lên, trưởng thành lên nhiều, riêng Long đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, anh rất mừng.
Nhà vừa nhận được thư em gửi về. Thế là cũng từ tết năm ngoái nay mới lại nhận được thư em. Ai cũng mừng cả, nhất là bố mẹ. Em đã trở thành nguồn tự hào của gia đình đấy. Bố mỗi khi nói chuyện với các bác, các chú vẫn hay nhắc đến em, bố rất yêu quí, thường kể về những tiến bộ của em: sống trong gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn lạc quan tin tưởng. Nay em đã được đứng trong hàngngũ của Đảng, đó là món quà quí nhất từ tiền tuyến em gửi về cho bố mẹ, cho gia đình đấy.
Long thân mến! Từ khi tốt nghiệp về, anh được phân công công tác tại phòng máy tính điện tử thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Anh học về cơ khí chính xác, học lý thuyết để làm việc trong phòng thiết kế, còn công việc ở đây thì chủ yếu là bảo dưỡng và sửa chữa máy móc cơ khí trong phòng. Như vậy thì công việc cũng không phải là thích hợp lắm nhưng đó cũng là tình hình chung, những ngành đi học thì công nghiệp nước nhà chưa có, nên đòi hỏi phải có chỗ làm thật thích hợp thì không thể nào thoả mãn được. Việc làm của anh tuy vậy cũng còn đụng chạm đến chuyên môn phần nào, và trong vài năm tới thì chắc là sẽ có những thay đổi, tiến triển tốt hơn.
Chỗ anh làm việc cũng ở ngay gần chỗ bố làm, ở 39 Trần HưngĐạo. Hàng ngày anh ở tập thể, ở khu Kim Liên, cuối tuần anh mới lại về nhà.
Còn em thì thế nào? Công tác thì tiến bộ như vậy rồi, còn việcriêng thì ra sao? Có định ở rể ở trong ấy không đấy? Đời sống có thiếu thốn, vất vả lắm không?
Còn ở nhà thì mọi người đều khoẻ mạnh cả. Phúc vẫn đang thực tập ở Liên Xô, Việt đã đi tòng quân từ tháng 9 năm 1971, đang
tập luyện ở Hà Tây. Ngọc đã học lớp 10 rồi, lớn và khoẻ lắm. Các em nhỏ đều ở nhà, học khá cả.
Long thân mến! Tết năm nay nói chung cũng bình thường, vẫn là cái tết tiết kiệm, tết chống Mỹ cứu nước. Tuy vậy cũng khôngphải là kém vui. Tết năm nay lại thiếu Việt nữa. Ăn tết, cả nhà đều nhắc đến Phúc, đến Việt, đến em. Nay mỗi em một nơi, đến khi nào đất nước toàn thắng, các em đều về sum họp được thì cái tết mới thực sự vui vẻ.
Thôi Long nhé, thư này anh tạm dừng ở đây. Chúc em thật khoẻ mạnh, phấn khởi công tác và càng ngày càng thu được nhiều kết quả lớn hơn, viết được nhiều bài, nhiều tin sinh động, có chất lượng tốt hơn nữa.
AnhPhạm Mạnh ĐứcPhòng Toán học tính toán UBKH và KTNN39 Trần Hưng Đạo - Hà Nội
Hà Nội, ngày 20/2/1972
Long yêu dấu của bố mẹ!
Nhà đang mong thư của con, nhất là ngày tết sắp tới, thì dồn dập nhận được 3 thư của con, 1 thư do cơ quan của con gửi chuyểntiếp, 1 thư do đ/c Thanh Hà đưa qua Bộ Đại học, 1 thư do anh Tuấn San bạn thân của con trực tiếp mang tới nhà. Bố mẹ và các em nhận được thư của con trong lúc đang mong đợi, đúng vào ngày 29 tết, gặp Tuấn San chẳng khác gì được gặp con. Mẹ con và các em hỏi Tuấn San về tình hình của con, hỏi tỉ mỉ từng ly, từng tí. Tuấn San rất vui tính, hồn nhiên và nhanh nhẹn, kể cho gia đình nghe về công tác của con, về cuộc sống của con và các đồng chí trong đó. Tuấn San nói chuyện với gia đình rất vui vẻ, ăn cơm sáng với gia đình, nghe San nói cũng biết San ra ngoài này bận lắm, công tác khẩn trương, và cho biết con đang chuẩn bị đi công tác một thời gian khá lâu.
Tình hình ngoài này nhân dân ăn tết vui lắm. Tuy miền Bắcvừa qua bị lũ lụt nặng, song Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến đời sống nhân dân, lương thực thực phẩm, hàng tết cung cấp cho nhân dân trước tết và hiện nay, không những không bị giảm mà còn đầy đủ hơn trước. Nhà nào cũng có hoa nở trên bàn; đêm giao thừa pháo nổ khắp nơi. Hoa nhiều hơn mọi năm, pháo lại càng nhiều, thời tiết cũng thuận, hơi rét và có mưa xuân.
Cũng như khi con ở nhà, mẹ con chuẩn bị tết cho gia đình rất chu đáo, ngoài tiêu chuẩn cung cấp về mứt, kẹo, thuốc lá, bánh, thịtcác loại của bố mẹ, anh Đức, em Ngọc, mẹ còn làm thêm mứt và tất nhiên là nấu bánh chưng, mua sắm áo tết cho 3 em. Nhẽ ra mẹ làm thịt con lợn đang nuôi (50kg) nhưng mẹ con lại nói vì vắng 3 thằng con trai, nhất là thằng con thứ hai đang sống trong gian khổ, mẹ con lại hoãn để nuôi tiếp. Mẹ con tổ chức ăn tết thật là tốt vào chiều 30 và ngày mồng một và cũng như trước kia khi con còn ở nhà, mẹ con để dành từ lúc nào không biết các loại tiền mới, và gói sẵn cho mỗi em một gói kèm theo bánh, mứt, kẹo để đúng lúc giao thừa mừng tuổi cho các em Ngọc, Diệp, Lan, Thuỷ.
Ngày mồng 2 tết, bố mẹ và em Thuỷ đi thăm em Việt ở đơn vị vũ trang nhân dân. Cái anh sinh viên gày, do lười thể dục trước kia, gặp bố mẹ ngày tết thật là vui như tết. Việt khoẻ ra, da mặt hồng hào, nhanh nhẹn và rắn rỏi hơn xưa, và đã xác định được cho mình một phương hướng phấn đấu cụ thể trên con đường cách mạng.
Còn anh Đức vẫn giữ được phong thái của anh học sinh trước kia, hiền lành song đôi khi "cục", suy nghĩ không sâu sắc, biết thương các em và nể bố mẹ, tình cảm tốt với gia đình song lười viết thư cho bất cứ ai, tính lười viết thư cũng giống như mẹ con, tuy rất thương rất nhớ những người thân ở nơi xa xôi.
Ngọc thì vẫn lì sì như trước, vui lắm cũng chỉ mỉm cười, trừ khi đùa với em Thuỷ, cao, to, và chăm học, học trưa, học tối, nấu cơm cũng học, đạt được 3 tiên tiến: học sinh tiên tiến, đoàn viên tiên tiến, ngoại ngữ tiên tiến. Tháng 5/1972 em thi lớp 10, xong sẽ thivào Đại học Sư phạm ngoại ngữ.
Em Diệp thì nhộn suốt ngày, nói cả ngày, bực cái gì chỉ thoảng qua, có khi bị mẹ mắng, xong lại hát liền, cũng đạt học sinh tiên tiến.
Em Lan khoẻ, béo, giống chị Ngọc, dõng dạc và nói chuyện như người lớn, bây giờ là cô nuôi lợn giỏi và chăm của mẹ, học thông minh và khá. Còn Thuỷ học tiến bộ hơn trước.
Bố tuy già đi một chút, song khoẻ hơn trước, mấy năm nay chưa phải nằm viện ngày nào. Mẹ con vẫn thế, người ta bảo "bà ấy trẻ lâu", đỡ lo hơn trước, và đang chuẩn bị gửi quà cho con khi Tuấn San trở vào.
Mong con khoẻ mạnh, phát huy được khí thế cách mạng của tuổi trẻ, sáng suốt mưu trí và tận tuỵ.
Bố.
TB: Ngoài này bố mẹ và bạn bè có theo dõi các bài con viết gửi cho báo và đài. Con viết tốt, ý bắt nguồn từ cuộc sống và biến thành tình cảm trở về cuộc sống là đúng song khó nhất là tình cảm sao cho chân thành, tránh suy diễn chủ quan và lời văn sao cho phù hợp với tình cảm chân thành ấy. Bố mong con đạt nhiều kết quả tốt về mặt này.
Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 1972
Long yêu quý của mẹ!
Hôm nay, mẹ viết thư cho con ngắn thôi là vì anh San có nói là con đi vắng do đó mẹ viết vắn tắt vài lời vì sợ con không nhận được, thư sau anh San vào mẹ sẽ chuẩn bị gửi các thứ theo con dặn và mẹ sẽ kể tỷ mỉ chuyện gia đình cho con nghe.
Mỗi một Tết đến mẹ nhớ con vô cùng, chả muốn bầy vẽ Tết nhất gì cả, nhưng còn vướng các em bé thành mẹ phải chuẩn bị Tết tương đối cho chúng nó khỏi buồn. Hôm vừa rồi 29 tết anh San đến,
bố mẹ và gia đình mừng quá, giữ anh San ăn cơm sáng với gia đình xong anh San về, từ hôm ấy đến nay chưa được gặp lại anh San. Mồng 2 tết vừa rồi bố mẹ và em Thuỷ cũng đi Sơn Tây thăm em Việt, em béo và khoẻ lắm. Mới có 5 tháng mà đã lên được 4kg rồi, em học hết tháng 4 thì phân công công tác thực tế một thời gian, còn sau thế nào chưa rõ. Hôm 28 tết ở cơ quan con cũng đến thăm gia đình và đưa thư chúc tết và biếu kẹo bánh gia đình. Còn ở cơ quan mẹ cũng đến thăm gia đình B, C và chụp ảnh gia đình, biếu mứt tết. Khi nào anh San vào mẹ sẽ gửi ảnh cho con. Con ở trong ấy mẹ chỉ mong con giữ gìn sức khoẻ tốt và con đừng chủ quan con ạ, mẹ nghĩ lắm lúc mẹ cũng lo cho con lắm nhưng rồi lo mãi cũng chả được gì, nhiều khi phải xua đuổi những ý nghĩ vơ vẩn đi nhưng dù sao nó vẫn cứ luẩn quẩn bắt buộc phải lo, nhưng rồi mẹ nghĩ con cũng đã lớn rồi và tự con cũng phải biết bảo vệ con thành mẹ lại yên tâm.
Hè vừa rồi bố mẹ và anh Đức cũng lên thăm cụ, gia đình cậu Hiếu và ông bà trẻ, nói chung là gia đình vẫn khoẻ, cụ vẫn khoẻ và cậu Hiếu đã được 3 con rồi - 2 trai 1 gái, sinh hoạt của cậu cũng khó khăn con ạ.
Thôi gọi là có vài chữ cho con yên tâm và biết tin gia đình, bố mẹ và các em vẫn khoẻ cả, mẹ chúc con khoẻ mạnh, công tác tốt. Tết con và anh em trong ấy ăn tết ra sao kể cho mẹ nghe mấy.
Mẹ Hạnh
Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 1972
Anh Long kính mến của em!
Dịp tết vừa rồi, anh ăn tết ở trong ấy có vui không, ở nhà ăn tết rất vui anh ạ, chỉ thương anh không về nhà ăn tết được. Anh Long ơi, bao giờ anh về ăn tết ở nhà được thì vui lắm nhỉ. Mẹ bảo, bao giờ anh về thì mẹ sẽ ăn tết thật to. Thịt lợn nữa cơ mà, ở nhà cũng nuôi được con lợn khá to anh ạ, chúng em để dành cho anh đấy, anh Long ạ. Về phần học tập thì em học cũng khá, em được bầu là học
sinh tiến tiến và là học sinh A3. Anh Long ơi! em rất mừng vì thấy anh công tác tốt, sức khoẻ tốt.
Thôi cuối thư em chúc anh mạnh khoẻ, đạt nhiều thành tích lớn trong công tác, em xin có lời hỏi thăm những người đồng đội của anh nhé.
Người em ngoan của anh Phạm Thuý Lan.
-Em Thuỷ thương nhớ anh Long lắm!
Chúc anh khoẻ mạnh, em mừng.
Em mong thư của anh.
Thuỷ.
Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 1972
Anh Long kính mến!
Hôm nay, em lại cầm bút biên thơ cho anh sau bao tháng. Trước tiên em hỏi thăm sức khoẻ của anh, có khoẻ em mừng, còn chúng em và bố mẹ khoẻ cả.
Ở ngoài này nói chung gia đình ăn tết vui cả. Tết này ở nhà nuôi được một con lợn cũng to, nhưng không giết thịt. Mẹ bảo để lấytiền cưới vợ cho anh Đức với lại tết năm nay vắng anh với anh Phúc nên mẹ không muốn ăn to, chờ khi nào gia đình đủ cả, mẹ mới làm một cái tết thật to.
Anh Long kính mến! nhận được thư của anh, biết anh tiến bộ nhiều và khoẻ mạnh, gia đình vui lắm. Hôm nọ anh San có đến thăm gia đình. Trông anh ấy cũng khoẻ mạnh, nghe nói anh cũng khoẻ như anh ấy nên gia đình cũng yên tâm. Về tình hình học tập của chúng em, để em báo cáo cho anh rõ: năm nay em học lớp 8, chị
Ngọc học lớp 10, em Thuỷ học lớp 4, em Lan học lớp 5. Nói chung tình hình học tập cũng tốt. Còn anh Việt thì đang học khoa văn năm thứ 3 thì đã khám trúng tuyển và đã đi Công an vũ trang. Anh học 6 tháng thì ra trường. Hôm mồng 2 tết bố, mẹ và em, Thuỷ cũng lên thăm anh ấy, anh ấy khoẻ, đen hơn hồi ở nhà, lên được 4-5 cân.Còn anh Đức thì mỗi tuần về nhà một lần, chị Ngọc cũng vậy. Cô Chung và chúng nó vẫn khoẻ mạnh và vẫn ở chỗ cũ. Thỉnh thoảng cô Chung vẫn hay vào chơi trong nhà, cô nhớ anh lắm đấy. Anh ở trong ấy nhớ giữ gìn sức khoẻ, khi nào thống nhất anh về nhà, lúc ấy gia đình vui vẻ lắm nhỉ.
Thôi đêm đã khuya, em xin dừng bút tại đây, một lần nữa, sang năm mới, em chúc anh mạnh khoẻ, đạt nhiều thành tích mới trong công tác, được nhiều các cô các chú yêu mến.
Cho em gửi lời hỏi thăm, chúc sức khoẻ tới các anh chị cùng công tác, các gia đình đồng bào nơi anh công tác.
Em của anh Phạm Bích Diệp
Ngày 22/2/1972
Lên đường đi Hoài Nhơn. Đi dọc theo một thung lũng dài. Cả thung lũng là một cánh đồng lớn bị bỏ hoá mọc đầy cỏ dại. Phía bên kia sông, thỉnh thoảng có ít vạt bắp xanh rì, thấp thoáng bóng mấy người cuốc xới.
Ngày 23/2/1972
Quá trưa thì đặt chân lên đất Hoài Hảo (Hoài Nhơn). Đi qua mấy lèn đá gớm ngã quá. ở đây phần lớn là đồi sim, cỏ.
Ngày 24/2/1972
Lên tới đỉnh đồi, thấy đồng bằng đột ngột hiện ra trước mắt.Đồng bằng ở xã Hoài Hảo này hẹp -nhìn ra xa một chút đã thấy biển. Tất nhiên vẫn phải đi theo các quả đồi chứ không thể tràn
ngay xuống dưới đó được. Đi ở một sườn đồi, thấy thấp thoáng bên quả đồi kia một bóng áo xanh. Sơn - giao liên - hú nhỏ một tiếng và lấy tay vẫy vẫy. Bóng kia hơi dừng lại nhìn. Sơn cằn nhằn, gắt gỏngtrong miệng: "Đi vậy có chết không! Nó chấn cho mấy tràng pháo thì teo. Lại đây tao dấn cho mấy bạt tai!" Quả đồi đó trống quá, địch dễ nhìn thấy. Chúng tôi men theo sườn đồi, núp sau những bóng cây lúp xúp mà đi xuống.
Đứng trên đỉnh một quả đồi nhìn rõ khu Nhà thờ Dốc nằm trên một vùng đất rộng bị cày ủi đỏ lừ. Thực ra đây là một căn cứ quân sự. Nằm riêng ra một góc là một khu nhà trắng toát của trường huấn luyện của địch.
May gặp anh Mai - huyện uỷ viên, người mà tôi quen từ hội nghị nổi dậy tỉnh - nên không phải chờ đợi gì. Nghỉ lại tại "trụ sở" xã Hoài Tân để sáng đi. Nơi này tấp nập những người: cán bộ xã, khách qua đường, cán bộ các ngành về họp và có cả mấy phạm nhân ở trại giam tề đi cõng gạo nữa.
Ngày 25/2/1972
Tới chỗ họp của huyện - họp Huyện uỷ mở rộng để tổng kết đợt hoạt động vừa qua, rà lại quyết tâm mới.
Vì một số cán bộ phía Đông đường chưa lên được nên phải chờ.
Ngày 26/2/1972
Theo tin báo và nhận định của Huyện uỷ, nơi họp có khả năngbị uy hiếp. Phía Tây Nam, giáp với Hoài Ân, có bọn Cộng hoà đangcàn, có khả năng sục qua. Phía Đông Bắc và Đông cũng có bọn thám kích, dân vệ. Nơi này đã bị lộ vì có mấy tên đầu hàng đã từng ở. Bởi vậy, xế trưa bắt đầu di chuyển. Leo lên một đỉnh dốc cao rồi tụt xuống. Khu rừng non này rất nhiều cây dầu rái. Những cây to bị vạc ở gần gốc, ứa đầy nhựa trăng trắng, trong trong, thơm phức. Lên một sườn đồi ngồi nghỉ. Khoảng 40 phút sau lại có lệnh mới: quay lại chỗ cũ! Sau khi bàn bạc, thấy bộ phận võ trang có khả
năng canh gác, bảo vệ được, nếu địch đến vẫn rút lui được an toàn nên Huyện uỷ quyết định như vậy.
Tối, bắt đầu vào cuộc họp. Như lệ thường, đầu tiên là phần sắp xếp tổ chức, phổ biến giờ giấc, nội quy. Cả phần này đều tập trung vào vấn đề: cảnh giác, đề phòng tổn thất.
Anh Quý - phó bí thư - đọc bản tổng kết đợt hoạt động. Sau đó anh Vân - Thường vụ Tỉnh uỷ -phát biểu thêm. Rồi đến phần thảo luận.
Ngày 27/2/1972
Hội nghị xoáy vào tìm nguyên nhân của những mặt yếu, và đã đi đến kết luận: Nói với nhân dân chưa đạt lý, thấu tình để nhân dân nhận thức được rõ quyết tâm to lớn, quan điểm quần chúng củaĐảng, yêu cầu về tinh thần độc lập, tự chủ. Biện pháp tư tưởng làm chưa triệt để, việc giáo dục tư tưởng quần chúng bằng hành động cụ thể của cấp ủy còn thấp. Quản lý lực lượng chưa chặt -quản lý tổ chức, quản lý chỉ tiêu còn chuệch choạc. Nghiêng về lực lượng bất hợp pháp, chưa có biện pháp táo bạo nâng cao vai trò và đẩy mạnh hoạt động của lực lượng hợp pháp trong lòng địch. Kinh nghiệm cũ kỹ, công tác bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của phongtrào. Tập dượt cho quần chúng đấu tranh còn ít. Đội ngũ chưa thuần khiết.
Có một điều đáng chú ý: anh Vân nhắc lại lời phát biểu của anhĐức - bí thư Hoài Châu : "Sau khi nhận phương án của huyện về" và nói: "Như vậy là đã hé ra trong hành động, ý nghĩ của chúng tacòn sai sót, không đúng với đường lối quần chúng của Đảng. Phương án là phải xây dựng từ dưới lên, từ hành động của quần chúng chứ không phải nhận từ trên xuống". Phát hiện của anh Vân quả là sự nhạy bén của người lãnh đạo.
Hội nghị nhận định về địch: Sẽ tăng cường hệ thống phòng ngự, điên cuồng ngăn chặn tấn công và nổi dậy, điên cuồng phản kích bằng các hành động đánh nhỏ ăn chắc, thanh lọc quần chúng,
khui trục cả lực lượng bất hợp pháp và bán hợp pháp của ta, phát triển lực lượng.
Chiến dịch sắp tới của chúng ta sẽ có quy mô lớn, tính chất quyết liệt, dài ngày, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả 3 thứ quân (chủ lực, bộ đội địa phương, du kích) và 3 mui giáp công (chính trị, binh vận, quân sự); phải có sự hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.
Thay mặt Huyện ủy, anh Quý trao tặng Bằng khen cho xã Hoài Châu về thành tích võ trang, xây dựng lực lượng, đóng góp nghĩa vụ, và cho xã Tam Quan Bắc về thành tích ba mũi giáp công, cho xã Hoài Sơn về thành tích thu mua lương thực, huy động dân công. Huyện cũng đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương giải phóng cho lực lượng du kích đã đánh tiêu diệt các chốt An Quý, Cầu 99,Thiện Chánh (Hoài Châu), Đồi Chùa (Hoài Xuân) và tiêu diệt các trung đội địch trài ra ở Hoài Tân, Hoài Hương.
Ngày 29/2/1972
Xong họp, tôi về xã Hoài Châu. Khi tới Hội Phú thì trời đã tối. Nhìn về "hố tiểu đoàn" thấy có những đám cháy lớn. Anh em đoán đó là do địch đốt. Sợ chúng phục kích, phải cho người đi trước bám đường. Ngồi chờ mất gần 2 giờ đồng hồ. Gió lồng lộng làm chúng tôi rét run.
Tình hình yên ổn, chúng tôi lại đi. Trăng, mặc dù bị mây che, vẫn sáng tỏ, soi rõ đường cho chúng tôi. Phía "hố tiểu đoàn", một đám cháy đang leo lên dốc, thỉnh thoảng lại bốc cao lên, hừng hực. Lửa tạo thành hình vòng cung đỏ rực ầm ầm leo lên dốc. Còn chúng tôi thì xếp hàng một leo lên, thở phì phò, toát mồ hôi. Lên đến đỉnh núi, muốn ngạt thở vì gió. Tới chỗ ngủ, đã 1 giờ sáng. Dưới ánhsáng trăng, chúng tôi quơ củi nấu cơm ăn - đói quá mà. Đêm nay là đêm rằm.
Ngày 1/3/1972
Đường chạy theo các quả đồi đất sỏi khô cằn, cây cối thưa thớt, phần lớn là sim, mua, lổm chổm những tảng đá. Dọc phía Tây Hoài
Nhơn này - Từ Hoài Thanh, qua Hoài Hảo tới đây - đều một loại đất cọc cằn như vậy. Bọn giặc còn thả bom xăng xuống đốt trụi từng đám cỏ, từng bụi cây tội nghiệp. Những "bọt xăng" vàng bám trên những hòn đá xám đen, những đám đất bị đốt cháy xém, những cây bị sức nóng làm chết từ lâu giơ những cành khòng khoeo trắng phếch lên trời càng làm cho mảnh đất vốn khắc khổ này thêm khắc khổ. Có lẽ rồi đây, khi chiến tranh kết thúc, cũng khó trồng trọt được loại cây gì khả dĩ làm giàu được cho con người ở vùng này.
Cùng đi với chúng tôi có anh Huỳnh Chi Đức, bí thư xã uỷ Hoài Châu. Anh to, mập, tóc húi cua, mắt một mí, trông giống như người Trung Quốc. Thật là một người "ăn sóng nói gió". Trong buổi họp, khi anh phát biểu, anh em cứ phải giật áo anh nhắc "Nói nhỏ chứ". Anh hạ giọng xuống một lúc rồi hăng lên lại nói oang oang. Anh phát biểu trung thực, thẳng thắn, dứt khoát. Huyện khen xã anh nhiều mặt (xã vốn được tặng danh hiệu "Thành đồng", hiện cũng đứng nhất nhì trong huyện) và cũng phê phán một số mặt, trong đó có mặt hoạt động võ trang, vấn đề dân công và cái máy chữ. Về cái máy chữ, một số đồng chí phát biểu: "Tôi thấy cái văn phòng của xã Hoài Châu ngang với văn phòng huyện. Có lẽ nên thôi cái máy chữđi, để tiền giấy pô luya mua mắm cho du kích ăn". Anh Đức liền nói:
-Các đồng chí phát biểu đều đúng cả, tôi xin nhận hết. Nhưng mà (mọi người cười ồ lên khi anh nói hai chữ này), nhưng mà tôi cũng có ý kiến. Về mặt hoạt động võ trang, tháng 2 xã tôi yếu, cái đó tôi có tội, tôi xin nhận. Nhưng về mặt dân công, xã tôi đi đủ, đúng lệnh chứ không thiếu sót. Nhưng mà huyện làm chúng tôi rất khó. Lệnh xuống, chúng tôi điều dân công tới chỗ hẹn, nhưng khôngcó người đón. Chúng tôi phải đưa về, chứ để đấy được ạ? Để đấy, rủi địch đánh tổn thất thì ai chịu trách nhiệm? Còn nữa, lệnh gì mà cứ liên tiếp xuống, thay đổi luôn. Mới nhận lệnh này, lại có lệnh khác. Chúng tôi là cấp dưới, chúng tôi phải chấp hành chớ sao? Nhưng chấp hành lệnh nào cho đúng? Còn cái máy chữ, có anh nói bán nó đi, lấy tiền nuôi du kích. Tôi nói thế này. Chúng tôi trình độ thấp, viết được một dòng thì nẫu (người ta) đã rồi một trang. Có cái máy, nó đánh bộp bộp một lát là rồi. Ví như lệnh huy động dân công,
đánh một chút là có hàng chục bản. Như vậy nó nhanh, nó bớt thời giờ để mình lo vệc chung. Các anh nói như thế, tôi hờn.
Trên đường về, lúc ngồi nghỉ, anh nói chuyện rất say sưa, vừa nói vừa làm điệu bộ rất ăn khớp. Anh kể:
-Năm khó khăn, mình bật lên núi, râu ra dài 2 lóng tay. Bữa về nhà, bà già ôm tôi khóc (anh nhắm mắt, mếu miệng, hai tay vuốt vuốt vào không khí), bảo tôi: "Bay làm sao chứ, cực khổ mãi vậy nè". Tôi liền la (anh trừng măt, la thật): "Bà còn khóc a? Bà có biết tôi khổ, là bà có tội không? Hồi trước, bọn thực dân phong kiến bảo bà quỳ, bà quỳ, bảo bà làm cho nó ăn, bà làm cho nó ăn, bà không chịu đấu tranh, nó mới còn đến bây giờ, nó áp bức tôi. Vậy tôi phải đấu tranh, chớ làm sao?".
Anh kể tiếp:
-Bà chị tôi lên thăm, đem bánh, kẹo, cho 200 bạc và mếu máo: "Em ơi, em làm sao chớ nẫu chết hết rồi, chị ngó bộ em đi phiêu lưu quá". Tôi liền hét: "Dẹp hết, dẹp hết (anh quờ mạnh tay), tôi khôngăn. Tôi ăn, để chị chiêu hồi hả? Đem về hết. 200 bạc, chị đem về mua sắm thêm bày trong nhà cho đẹp".
Anh em cười:
-Anh nói vậy, rồi cũng ăn chớ?
-Ăn sao được? Tôi không thèm một chút.
-Anh chê ít, muốn nhiều chớ gì?
-Ít thì có ít. Chị ruột cất cái nhà tôn to ầm mà cho em 200 bạc thì ăn nhằm gì. Nhưng không phải tôi đòi thêm, tôi ghét, tôi không thèm.
Anh nói qua chuyện khác:
-Hồi đầu thằng địch đến hỏi nhà tôi: "Thằng Đức đâu?" Nhà tôi trả lời: "Bữa trước thấy ổng về làm việc. Bữa nay không thấy nữa, chắc ổng chết rồi". Tôi liền nộ nhà tôi: "Bà rủa tôi hả? Tôi sống mà
biểu chết? Cứ nói với nó rằng tôi đang sống, đang tìm cách diệt nó, xem nó làm gì được mình?" Nhưng nghĩ cũng tội, mỗi khi mình hoạt động, nó bị thiệt hại, nó lại lôi vợ con mình ra đánh. Có hồi, nhà tôimới sanh, nó bắt lên đánh máu chảy đầy mình. Nhưng Đức đâu có chịu. Tôi liền họp gia đình bọn nó lại: "Tôi nói cho mấy người biết, tôi với chồng mấy người là thù, thù không đội trời chung. Tôi chết, chồng các người đạp lên xác tôi mà đi. Mà tôi cũng đạp bể sọ chồng các người, tôi đi. Nhưng các người với vợ tôi là hàng xóm láng giềng, có thù hằn gì? Tôi không thèm động đến các người. Tại sao chồng các người đánh đập tàn ác vợ tôi? Về nói với chúng thả ngay ra, không sẽ biết tay". Mấy thằng ác ôn đi trốn ngủ, sáng mò về kiếmmiếng ăn, liền bị vợ thộp ngực la: "Hồi hôm ông Đức về hỏi tội đó. Liệu mà thả vợ ổng ra. Không thì con cái đây, tôi trả, tôi đi, tôi không dám ở đây nữa!" Mấy đứa ậm ừ: "Thả thì cũng có ngày có tháng chứ!". Nói vậy, nhưng rồi chúng cũng phải thả liền.
Bây giờ, nhà anh Đức vẫn nằm trong vùng địch kẹp. Bọn địchđi qua nhà anh thường nói: "Nhà thằng Huỳnh Chí Đức đấy, đốt đi bay" nhưng không đứa nào dám đốt cả. Thỉnh thoảng, bọn ác ôn lại lôi mấy đứa con anh lên đánh. Anh liền kéo 2 đứa con lớn ra, đưa lên tỉnh công tác. Nghe nói, thỉnh thoảng vợ anh có lên thăm anh, anh em liền chọc:
-Này, thế mỗi lần chị ấy lên thăm, anh cũng nói giọng quân sự như vậy à?
Anh cười mủm mỉm:
-Ấy, mình có cách nói chứ. Mỗi lần lên, mình mới hỏi: "Sao, mình lên đây có mấy yêu cầu?"
Anh nháy mắt, cười:
-Nói mình cho thân mật mà.
-Kêu em thân hơn chứ?
-Em gì nữa, già rồi.
-Thế bà vợ ông trả lời thế nào?
-Trả lời là lên thăm, lên đem cho gạo, mắm.
-Nói chế, chắc là còn thiếu?
-Thiếu chứ, lần nào cũng phải bổ sung, chứ họ không tự giác nói đâu. Làm mình bổ sung hoài.
Anh Đức cười lớn và mọi người cũng cười vang.
Kỳ này Huyện uỷ rút của Hoài Châu một lúc 2 cán bộ. Kể ra, vì lo việc, anh cũng ấm ức, nhưng không dám nói ra. Nhưng lúc anhCường - phó Chủ tịch huyện - nói: "Nếu để ở Hoài Châu ông Đứclàm việc Đảng, ông Đặng làm việc chính quyền, ông Thảo làm việc quân sự thì vững lắm", anh liền hưởng ứng ngay: "Chu cha, anh Cường nói tôi mới thấm chứ, thấm vào tận gan ruột. Ai cũng như anh thì tôi cũng được nhờ". Trong buổi họp xã uỷ mở rộng, anh nói: "Chúng ta cũng phải tự lực đào tạo cán bộ, không có huyện đưa quyết nghị về, cứ điều ba là mình phải chấp hành, không có là gay lắm". Anh vừa nói vừa liếc nhìn anh Phong - Thường vụ Huyện Uỷ ngồi bên cạnh. (Trong quyết nghị, điều 3 nói: "Địa phương chiểu quyết nghị thi hành", nên anh thường dùng "điều ba" để nói về việc ấy).
Ngày 2/3/1972
Đến chỗ làm việc của Hội đồng nhân dân huyện - nằm ở xã Hoài Châu. ở rìa núi chứ không ở đồng bằng. Nơi này, suối rất xa, mỗi lần đi vác nước phải mất 30 phút.
Ngày 3/3/1972
Dự họp Xã uỷ mở rộng. Hoài Châu là xã Thành đồng, đang xây dựng thành xã Anh hùng. Hoài Châu có nhiều mặt mạnh như võ trang đánh địch, đóng góp nhân tài vật lực, nhưng cũng có một số mặt yếu như đấu tranh chính trị, nổi dậy, trong cán bộ cũng có tư tưởng thoả mãn, tự cao, cho xã mình là hơn cả. Huyện đang tập trung xây dựng cho xã này trở thành một xã thật toàn diện.
Ngày 4/3/1972
Cùng A - Trưởng ban khởi nghĩa thôn An Quý - về thôn này. Đi qua một cánh đồng lúa. Có những thửa ruộng cấy giống lúa lùn đã trổ bông. Bông lúa to, hơi cúi xuống. Có lẽ hạt đang vào sữa. Còn những thửa cấy giống lúa cao đang thì con gái, đùa gió vi vu. Từ trên núi nhìn xuống, thấy đồng bằng có vẻ nhỏ hẹp. Nhưng khi đi vào lòng nó rồi mới thấy nó thật bao la. Nhìn lại phía Tây, thấy một đám cháy lớn đang bốc lên ở phía núi Hoài Hảo. Có lẽ do pháo bắn. Dãy núi bị chìm nghỉm trong màn đêm, thành thử chỉ thấy một đường lửa ngoằn ngoèo, chơi vơi giữa bầu trời như một con rồng lửa đang vùng vẫy.
Qua khỏi thôn Tân An, tôi và A lọt thỏm vào giữa một cánhđồng hoang. Đất sỏi khô cằn lại bị trộn thêm mảnh pháo, đầu mẩu dây thép gai làm A phải cúm rúm dò từng bước. Anh đi dép Nhật, vừa bị dây thép gai đâm thủng bàn chân, đau điếng. A cho biết đây là một Sở Mỹ đã bỏ.
Khi qua khỏi một con mương nhỏ, chúng tôi tới gần một xóm. Con đường nhỏ dẫn vào xóm hiện lên trắng mờ mờ, có một tầu dừa khô nằm chắn ngang. Xóm im lìm, tối đen. Dò dẫm đi qua một cái chuồng bò, qua một cái sân nhỏ, vào một ngôi nhà nhỏ. A nhấc cái rựa chắn ở cửa, bước vào nhà và bật lửa, soi sát mặt một phụ nữ đang ngủ trên giường. Chị hỏi, giọng ngái ngủ:
-Ai đấy?
-A đây.
-A nào?
-Chị mà còn không biết à? Anh Thật có vô đây không?
Nhận rõ A, chị vội kéo anh cúi sát xuống, thì thào:
-Có lính ở nhà ông Cưởng!
-Lính nào?
-Cộng hoà! Thôi, đi mau đi!
A vội kéo tôi đi. Ra sân, A chỉ vào ngôi nhà nằm cách đó chừng chục mét, thì thào:
-Bọn lính ở nhà đó!
Thật rợn tóc gáy! Chúng tôi quay lại, đi qua hướng khác. A nói:
-Đồng bào đặt ám hiệu mà mình không hay. Nhìn tầu dừa, mình tưởng họ cản vịt. Thấy nhà không đốt đèn, mình tưởng vì buồn, họ không đốt. Gia đình ấy vừa có người bị chết vì địch khui công sự.
Sống ở vùng xen kẽ với quân địch này phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của sự vật.
Phải lội qua một con kênh rộng, nước tới ngực. Nước cắn vào da thịt buốt thon thót.
Lại vào một xóm. Các nhà vẫn còn đỏ đèn. Vào một ngôi nhà, thấy một ông già đang nằm chống tay trên giường. Cạnh đó là một người đàn ông trung niên và hai cậu thiếu niên mang súng. ở dưới bếp, hai cô bé nô giỡn gì với nhau, cười rúc rích miết.
Lát sau, một thanh niên gọi:
-Liên, kiếm túi nhựa dỡ cơm cho mấy anh.
Một cô bé chừng 12, 13 tuổi, da đen đen, chạy ra mở tủ kiếm một lúc rồi cầm một cái túi nhựa chạy vào. Lát sau, cô đi ra, xách một gói cơm to tướng. Một cô bé nữa đi theo sau, mặt bị bôi lọ đen thui. Người đàn ông và 2 thanh niên khoác súng, xách cơm đi - họ là du kích.
Tới một ngôi nhà khác lụp xụp hơn. Mấy anh du kích thôn vào gọi thím chủ nhà dậy:
-Có thịt, cá gì không thím? Lấy ít lon gạo nấu cho anh em ăn.
Bà thím dậy:
-Có cá chứ không có thịt!
Rồi thím đi lấy gạo, bắc nồi nấu cơm. Thím giục chúng tôi ăn nhiều. Sau đó, thím lại lấy bánh tráng tráng bằng nước dừa cho chúng tôi ăn. Mấy anh em ngồi quây quần bên thím, vừa ăn vừa nói dỡn, có anh lại nũng nịu thím chẳng khác nào những đứa con ngồi bên bà mẹ hiền.
Sau khi ăn liền nói tới chuyện ở. Mấy du kích nêu lên nhiềukhó khăn, nói rằng để chúng tôi ở sợ không bảo đảm. "Ăn thì dễ chứ ở thì khó quá". Chúng tôi phải nói gắt máu lắm mới được họ nhận cho ở.
Ngày 5/3/1972
Mới 3 giờ sáng Nê đã dẫn tôi và A ra công sự. Anh dặn rất kỹ: "Cứ nằm dưới đó, đừng đội lên, chiều tôi sẽ tới dỡ nắp". Nắp hầm đóng ập xuống. Căn hầm hơi thấp, 2 người nằm rộng, chắc đã làm từ lâu.
Chợp mắt một chút, tỉnh dậy đã thấy một luồng ánh sáng yếu ớt lọt qua lỗ thông hơi. Nằm trăn trở mãi không ngủ được. Không phải do khó chịu - hầm này rất thoáng, mát, mà vì suy nghĩ lắm thứ quá. Hiện nay quần chúng đang sốt ruột đợi lệnh khởi nghĩa. Bà con nói: "Làm thì làm hắc đi cho rồi, để lai rai mãi ớn quá". Sốt ruột quá, có người sinh ra nghi ngờ, cho rằng không có khởi nghĩa. Nhìn vào hoạt động tháng 1, tháng 2, họ nói: "Rồi đó, vậy là khởi nghĩa rồi đó". Bên cạnh đó, bọn ác ôn tăng cường thanh lọc quần chúng, làm phong trào sụt. Phải làm công tác tư tưởng cho giỏi và phải có biện pháp tổ chức chặt chẽ, tỉ mỉ mới đưa được phong trào lên.
Thỉnh thoảng, một ngọn gió thốc về luồn qua lỗ thông hơi, làm căn hầm mát rượi. Ngồi nhìn ra thấy ánh nắng luồn vào miệng lỗ thông hơi khiến cho nó giống miệng ống bễ mạ vàng. Gió thổi cành lá tạt qua tạt lại, lúc thì che kín lỗ thông hơi, lúc lại mở toang ra, do vậy, ánh sáng hắt vào trong hầm lúc thì sáng bừng lên, lúc lại tối xầm đi, gợi cho tôi nhớ những ngày ở căn cứ ngồi sưởi bên bếp lửa bập bùng. Tự nhiên thấy nhớ, nhớ da diết rất nhiều. Chỉ nằm cách mặt đất mấy tấc mà thấy cuộc sống trên đó xa xôi quá. Tiếng mấy đứa bé gọi nhau, tiếng chày giã gạo, tiếng chân bước thình thịch khi vọng vào lòng hầm này đều biến dạng đi, nghe không rõ ràng gì hết. Nằm đây mà nhớ cả đến ngôi nhà mình mới ăn cơm hồi đêm, nhớ tiếng cười ríu ran của 2 cô bé. Rồi lại nhớ căn cứ, nhớ những ngày mưa dầm dề đi cõng gạo, nhớ gia đình, nhớ những người bạn đã hy sinh. Cuộc đời cũng nếm đủ chua cay, mặn nhạt, đã rèn cho tôi thói quen thích nghi nhanh chóng với môi trường sống, nhưng những xúc cảm trước cuộc sống vẫn luôn luôn mạnh mẽ trong tôi. Không ngủ được, tôi ngồi dậy lấy sổ ra ghé bên lỗ thông hơi nhờ ánh sáng yếu ớt của nó mà ghi chép. A vẫn ngủ mê mệt. Thỉnh thoảng, chân cậu ta lại giật nảy lên một cái. Có lẽ những lần vào sinh ra tử đã làm cho A hay bị giật mình như vậy. Lạ kỳ thật, con người nhỏ bé, lưng hơi khòm ấy đã từng nhiều phen gạt phăng lưỡi hái của thần chết mà giữ lấy cuộc sống. Có lần, anh đang nằm dưới một hào ngoài rào mà ngủ thì bọn lính sục tới. Mở choàng mắt đã thấy một nòng súng côn chĩa vào mình. Vậy mà vẫn kịp nổ một phát súng làm tên lính ấy ngã nhào rồi đạp qua xác nó, chạy thoát. Có lần bị địch dí chạy dạt ra đồng lúa. Ba người cùng chạy bị bắn chết. Chỉ còn A và một người nữa rúc vào trong lúa. Mùa tháng 10 lúa tốt, ngả rạp, đã che kín họ. Họ ngâm trong bùn, nằm im. Cả trung đội lính đạp nát ruộng mà kiếm không ra. ở chiến trường này, những người như A rất nhiều - vào sinh ra tử vẫn lăn lộn với phong trào.
Gần năm giờ, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa hầm bồm bộp, tiếng bới đất, lá xột xoạt, rồi một thác ánh sáng ập xuống làm chói cả mắt. Lên khỏi hầm, thấy mặt nằng nặng. Vào nhà một bà già. Bà gọi đứa cháu: "Múc cho chú gàu nước, con!". Thằng nhỏ chạy đi xáchmột gàu nước cho tôi rửa mặt. Bà già hỏi 2, 3 lần: "Để nấu cơm cho mấy chú ăn hỉ ?" Nê trả lời: "Có nấu cơm bên kia rồi ạ."
Lại sang một nhà khác. Trong nhà chỉ có một bà má và một cô gái. Hai mẹ con bảo chúng tôi ngồi nghỉ rồi dọn cơm. Bữa cơm có thịt kho với củ cải, củ cải dầm mắm, mắm cái và canh đu đủ, nhưng cô Học vẫn băn khoăn: "Không có gì cho mấy anh ăn cho ngon". Khi xúc món kho ra, cô bé này cứ lựa xúc thịt, còn để lại củ cải.
Ăn rồi ra sân dạo mát một chút. Thôn xóm ở đây nhà cửa thưa thớt, lụp xụp, đất cát khô khan, vườn tược nghèo nàn. Giữa những đám lang, đám mì có những cây dừa cao vút. Nhiều cây, thân bị bom đạn đục ruỗng thành những hốc hác, lá bị cắt đi, xoè ra ngắn ngủn như bàn tay cụt.
Ngày 6/3/1972
Cùng A về ở một chỗ với một tổ du kích. Nơi này khá an toàn, bất ngờ nên có thể ở khơi được (nghĩa là nằm trên mặt đất), có địch mới phải xuống công sự.
Mặc dù 3 giờ mới ngủ nhưng 6 giờ tôi đã dậy - không muốn ngủ nữa. Chừng 9, 10 giờ thì mọi người cũng dậy, ngồi tán chuyện nho nhỏ. Chị Tám đang vá quần cho mấy chú du kích. Còn mấy chú thì đang ngồi kể lại chuyện diệt gọn chốt An Quí. Mấy chú này mới chừng 17, 18 tuổi. Rồi đem bánh in (bánh khảo) ra ăn - bánh do đồng bào cho.
Tình hình yên ổn cho đến chiều. Khoảng 4 giờ, một du kích đến gọi tôi dậy: "Lính tới". Khẩn trương xuống công sự. Mấy cậu du kích vừa cảnh giới, vừa nghi trang lại nơi ở. ở nơi này phải biết quý từng cái lá khô, không dám đạp nát nó - bởi nó che dấu vết cho chúng tôi. Một lúc sau, Tài tới nói xuống: "Bọn lính đang ở xóm. Có bọn ra ngoài đồng bắn lung tung. Có chuyện gì thì đưa súng lên nhanh, chiến đấu". Tài chạy đi một lát rồi lại tới: "Nếu chúng nó đến đây thì dũng cảm ngoan cường đánh". Mấy du kích kia đều đáp: "Nó đến sẽ đánh!" Nhưng bọn địch không đến. Sẩm tối, chúng tôi lên khỏi công sự. Tôi bò ra rặng cây bên bờ suối, nhìn qua bên xóm thấy mấy người đang đi lại ngoài sân. Một ông già rón rén đi ra bờ rào. Lát sau, một con gà chạy từ đó ra, chân khập khiễng. Hiếu nói rằng hồi nãy một thằng lính kê súng bên đống rạ bắn con gà này bị
thương. Con gà chạy vào đám mía, ba thằng đuổi theo nhưng khôngbắt được. Lúc này, con gà đang tập tễnh chạy vào sân. Ông già cúi xuống ẵm nó lên. Nghe ở nhà bên cạnh tiếng bọn lính nói nhốn nháo gì đó. Thấy một thằng men ra bờ rào, ngồi im bên một bụi cây. Tối mất rồi, không nhìn rõ nó - không biết nó ngồi phục kích hay gài mìn.
Anh em nhận định, ngày mai địch có thể sục vào đây. Bởi vậy, tất cả rời đi nơi khác.
Trải ni lông nằm ở trên, chờ gần sáng sẽ xuống công sự. Sương xuống ướt đầm đìa.
Chiếc công sự này đã lâu không có người ở. Tôi xuống, bị bầy kiến bu vào cắn đến nóng mình. Cửa ra vào quá nhỏ, sâu, phải nằm dài ra mà chui vào. Trong công sự có để đèn dầu và nhiều tài liệu. Những tài liệu này của mấy đồng chí mới hy sinh để lại.
Ngày 7/3/1972
Một ngày lại qua. Chúng tôi vào xóm nắm tình hình. Chị Támvào trước, lúc này đã quay ra, đem theo một gói bánh, gạo. Đói đến run người, chúng tôi ngồi bên bờ suối dở bánh ra ăn. Rồi lại đi vào.
Ngôi nhà đầu xóm này có cái sân rộng và những cây dừa thấp, sai quả. ở nhà chỉ có 2 ông già và một bà già. Trong khi chị Tám đi nấu cơm thì bà già kéo tôi và A lại ăn cùng gia đình: "Cứ lại đây ăn, cơm kia chín là vừa". Bà già gắp cá ra cho chúng tôi ăn, tíu tít nhưgặp con. Ông già nói: "Gặp mấy chú, tôi lại nhớ con tôi quá. Con tôi đứa thì ở căn cứ, đứa thì tập kết ra Bắc. Có đứa vào năm 59, năm 67 lại ra. Thế mà nó không về nhà lấy một chút". Bà già chỉ đĩa cá,nói: "Ăn đi con. Mấy bữa nay trời động, ít cá". Nói tới đó, bà dừng lại một lát, cười: "Bữa trước cũng nói trời động thế này mà bị nó đánh cho nhừ đòn. Có thằng lính đóng giả cách mạng. Tôi khôngbiết, mới cất ba lô giúp rồi dọn cơm cho ăn. Ôi cha, mình nói gì nó ghi hết, sau nó bắt lên đọc lại, đánh cho khiếp hồn". Thấy tôi nói nóng ruột, bà già hỏi: "Có ăn rau dấp cá không?" và vội vã đi bưng rổ rau lại. Còn ông già thì đứng dậy, đi ra sân trước.
Cơm vừa xong, thấy ông già đột ngột trở vào, khoa khoa tay, nói thì thào: "Lính, lính!". Chúng tôi vội vơ vũ khí, sẵn sàng ở tư thế đánh lại địch. A nhìn thoáng một cái, nói: "Không phải lính. Lũ nó." Tiếng "lũ nó" chỉ anh em du kích thôn. Không khí đang căng, bỗngtrở nên vui rộn. Bà giá kéo 3 du kích lại mâm cơm: "Ăn đi, ăn rồinấu nữa!". Ông già xoa xuýt: "Tôi run quá, sao tới không báo trướcđể tôi cảnh giới khỏi lầm?". Ông chỉ vào anh Thiệt - một du kích đã cứng tuổi, đội chiếc mũ Bảo an, cầm khẩu AR15: "Thế này thì ai không bảo là lính?".
Chỉ một loáng, ba người đã ăn cơm xong - ở sát địch bao giờ cũng phải khẩn trương như vậy. Chúng tôi lại đi. Phải núp vào các bờ đất mà vượt qua từng đám ruộng. Rồi bám vào xóm hỏi thăm tình hình địch. Cứ như vậy qua hết nhà này tới nhà khác. Lại vào một nhà. Trong nhà, một bà mẹ và một cô gái đang sắt khoai lang. Tôi nhận ra cô gái này là một đoàn viên hợp pháp có dự buổi họp chi bộ, chi đoàn bữa trước. Cô gái lựa khoai đem nấu, bà mẹ bảo cô lấy dầu đốt lò sô nấu cho đỡ sáng. Anh Thiệt trách:
-Không có địch mà không đốt đèn sáng lên, để anh em phải bám miết!
Bà mẹ nói:
-Hồi chiều phía trong còn lính, biết nó kích ở đâu mà đốt đèn?
A nhận công văn ở cô gái và đưa cô 2 quyết nghị của xã điều động dân công.
Gia đình cho biết hôm qua và ngày nay bọn địch khoanh vùng, thanh lọc, bắt đi ba người và khui một công sự.
Khoai chín, Thiệt đùm vào một đùm ni lông để dành ăn ngày mai.
Tới một nhà nữa. Một bà già và một phụ nữ trung niên dậy đốt đèn. Lúc này đã gần 11 giờ khuya rồi. Tôi ra sân, nằm bên một
đống rạ nghỉ một lát. Muỗi quá, không ngủ được. Vào nhà đã thấy gia đình dọn một mâm cơm.
Hai người đàn bà vừa coi chúng tôi ăn, vừa trò chuyện. A nhìn vào hầm pháo, nói:
-Lũ mình có cái hầm to từng ấy mà ở thì sướng.Bà già hỏi:
-Cũng làm bằng thứ này ne?
-Làm bằng thứ này, nhưng nhỏ hơn. Lỗ chui vào chút chun, luồn như trạch.
Bà già lại hỏi:
-Mưa có vô nước không?
-Vô chứ, có khi ngập tới cần cổ.Bà băn khoăn:
-Vậy làm sao?
-Thì ráng chịu chớ làm sao!
-Mùa khô chắc khoẻ hơn hỉ.
-Mùa khô lại nóng. Mồ hôi ra nhờn cả người, ướt đẫm quần áo, vắt ra nước.
Bà già chép miệng:
-Thôi, cực một chút cũng được, miễn là còn sống!
Sống với những người du kích, tôi càng hiểu rõ sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào đối với họ. Kẻ địch làm sao có thể tách được
quan hệ máu thịt giữa họ và đồng bào. Bởi vì, hầu hết các gia đình ở đây đều có con em đi tham gia cách mạng. Thằng Hương, ấp trưởng, từng đe doạ: "Cả thôn này chỉ trừ nhà ông Thức là không vào sổ đen của tôi!". Chính lời đe doạ ấy lại nói lên sự cô lập, bất lực của chúng.
Nghĩ thật thương đồng bào. Cuộc chiến tranh đã kéo dài quá rồi. Lòng người dầu có từng chai sạn đi trước những đau thương, uất hận, vẫn không tránh khỏi bồn chồn ngóng đợi ngày chiến thắng. Bà con mong cuộc khởi nghĩa nổ ra thật sớm, mong có cú đấm quân sự thật mạnh. Có bà nói:
-Sao bay? Bay nói khởi nghĩa sao chưa thấy? Tháng chạp qua, tháng một sắp hết, sao chưa thấy khởi nghĩa? Hay là bay phỉnh lũ tao?
Hôm nọ, khi gặp một phụ nữ, tôi được nghe chị nói:
-Sao không đưa bộ đội xuống đánh đi? Bay sợ không có gạo ăn à? Có, sẽ có đủ thôi. Như năm trước đấy, lũ tao nuôi hết, có để bộ đội đói đâu?
Và những người du kích cũng thật đáng yêu. ở mỗi một con người đều có những nét thật độc đáo, có những câu chuyện làm người nghe phải rưng rưng cảm động. Hồi nãy, sau khi về nhà trở lại, Nương kể:
-Vào nhà gặp mẹ, hỏi: "Có gì ăn không má?". Bả lật đật đưamột túm củ lang. "Ô, củ lang má nấu khi nào?". Bả mới nói: "Củ lang sống". Tôi nhăn nhó: "Cả ngày không có chút cơm mà đưa củ lang sống, trời ạ!". Bả vội trút nồi cơm nguội ra rá: "Bưng ra sân ăn mau, con, lỡ lũ nó đến!".
Kể tới đó, Nương cười:
-Bả càng sợ, tôi càng doạ. Tôi bày cơm ra giữa nhà, ăn đàng hoàng, làm bả cứ chạy quanh dòm chừng!
Cậu ta chặc lưỡi:
-Bả thương thì thương, nhưng bả sợ quá. Bả sợ, mình phát bực. Hiếu kể:
-Má tôi bảo: "Lũ thằng Hương nắm được danh sách lũ mày hết rồi. Bọn lính cũng biết tên bọn bay". Tôi liền nói: "Tưởng nó nắm danh sách người hợp pháp, chớ nắm danh sách lũ bất hợp pháp này mà làm gì? Má thật khéo lo. Nó có biết tên hay không thì khi giáp mặt nó cũng một sống một chết, chứ cần năn nỉ gì nó mà sợ?".
Trong số những người hoạt động lâu năm ở đây, chỉ còn A và Bốn Thiệt. Anh Bốn chạc bốn chục tuổi, người thấp, đậm. Hồi trước, anh bị địch bắt tù 5 năm. Khi trở về, anh để râu dài, khai 49 tuổi, sống hợp pháp.
Thằng Hương kêu anh lên hỏi:
-Anh bao nhiêu tuổi?
-49 tuổi.
-Sao không khai 50 tuổi cho tròn?
-Tôi sinh sao nói vậy, khai lên một tuổi không được!
-Anh mà 49? Tóc còn đen, răng còn chắc. Anh nhận lấy 37 tuổi và lựa đây: Cộng hoà, Nghĩa quân, Bảo an, lựa lấy một sắc lính mà cầm súng!
-Không, tôi 49, khai 49, không biết khai khác!
Bọn địch bắt nhốt anh. Thằng Hương ra vẻ thương hại, nói riêng với anh: "Thôi, để tôi xin cho anh về. Rồi anh phục vụ ở xã, đivới tôi hử!" Anh phỉnh nó: "Được, tôi sẽ cầm súng đi theo chú".
Khi địch thả về, anh mới thử vợ:
-Bây giờ tôi ở nhà không được nữa. Vậy mình lựa cho tôi đi. Một là đi với thằng Hương - có lương, có xe, có khi muốn đi máy bay cũng được. Hai là đi theo "mấy ổng" - không có lương, phải nuôi, cực.
Vợ anh ngậm ngùi:
-Thôi, cực ráng chịu cực, tôi nuôi, đi theo "mấy ổng" đi!
Tuy có nhiều điểm tốt cơ bản như vậy, thôn này cũng còn có nhiều mặt yếu. Khâu đoàn kết trong cán bộ, đảng viên kém. Một thôn mà như là 2 thôn: Lý Trong và Lý Ngoài. Hai Lý này hoạt động tách biệt nhau. Mỗi lần cán bộ ở Lý Ngoài vào đứng chân ở Lý Trong rất khó khăn vì cán bộ nơi này không chịu nhận, không cho ở công sự. Hôm trước, khi tôi và A đến, họ nêu khó khăn và còn moi móc chuyện từ thuở nào, nói rằng trước đây thằng Xê đau, nằm nhờ bên Lý Ngoài mà không ai cho nhờ, vân vân. Ngay tối hôm qua, khi gặp chúng tôi, họ cũng từ chối rồi chuồn sạch, sau đó lại ra đầu xóm chọc chó làm chúng sủa vang, để chúng tôi tưởng địch đến, sẽ rút đi. Họ co thủ, chỉ trốn địch. Lẽ ra tối hôm qua họp quân dân chính để triển khai chỉ thị hoạt động tháng 3, nhưng nghe bọn Cộng hoà lùng sục ở các xóm, họ vội lánh mất, không tổ chức họp được.
Ngày 8/3/1972
Công sự chật, lại ở nơi vắng vẻ, kín đáo nên chúng tôi chỉ để 2 người xuống, còn một người ngồi trên cảnh giới.
Lúc này là 10 giờ, tôi vừa ngồi cảnh giới vừa ghi chép. Trời nắng. Gió thổi làm bụi tre xào xạc. Phía ngoài đường, ầm ĩ tiếng xe ô tô, mô tô. Sau một loạt pháo cấp tập, không gian tạm yên ổn. Nhìn ra đồng, thấy đồng bào đội nón trắng đang lúi húi làm cỏ, be bờ. Mấy chú bé cưỡi trên lưng trâu, lặng lẽ cho trâu ăn cỏ ở bờruộng. Đôi chim chào mào đậu ngay trên cành cây trước mặt tôi, kêu ríu rít.
Kẻ địch vẫn đang ráo riết thanh lọc quần chúng. Chúng đã bắt 14, 15 người, đánh đập rất dữ. Bà Hoa không chịu nổi đã khai ra tổ khởi nghĩa của mình có 10 người. Chúng càng đánh hung, mong khui trục được tổ chức của ta. Thằng Hương dẫn bọn "Cộng hòa" la lết hết xóm này qua xóm khác. Bọn này rất hung dữ, cướp giật trắng trợn. Một bà già nói rằng hôm nay có thằng cướp 3 con cá của một bà gánh cá, bà giật lại, nó liền đánh bà. Ghê gớm hơn nữa - bà nói - chúng còn chặt phứt tay những phụ nữ đeo xuyến, nhẫn để cướp vàng. Một bà mẹ tức giận tố cáo: "Bữa qua nó mổ bụng tôi. Chiều chạng vạng, nó bắt tôi cởi hết quần áo, nó cầm dao rạch một đường từ trên ngực xuống nhưng chỉ rạch doạ. Nó nói: "Bữa hổm có 3 cộng sản vào nhà bà". Nó bắt tôi chỉ hầm bí mật. Tôi nói: "Hầm bí mật, các ổng làm bí mật, ai thấy được mà chỉ. Như mấy ông làm chỗ ở bí mật, mấy ông có cho ai hay không?".
Nghe chúng tôi khua động ở ngoài, một bà già trong hầm hỏi vọng ra: "Ai đó?" và cằn nhằn: "Người ta ngủ mà còn làm ầm ầm không cho ngủ". Mấy cậu du kích trả lời: "Mấy con đây". Bà cụ lần ra khỏi hầm, đến nhìn sát vào mặt chúng tôi. Nhìn nhận kỹ càng rồi, bà mới vỗ một cái vào vai Thiệt: "Cha bay! Bước vô, bước vô" và cười móm mém. Bà hỏi chị Tám: "Sao, mấy bữa nay đi đâu im ắng đi, bây giờ mới về?". Bà mách với chúng tôi tội ác của bọn địch và hỏi: "Làm sao chứ bay, căng như thế này mãi sao?". Bà bảo: "Thôi, tình hình căng quá, bọn bay kiếm chỗ nào yên yên ở ít tháng, khi nào bớt căng hãy về. Bọn tao ráng chịu đòn cũng được". Chị Tám cười: "Chết sống chúng con cũng bám lại làm công tác, chứ lánh đi sao được?".
Địa phương chưa có biện pháp gì để chống thanh lọc. Suốt từ khi chúng thanh lọc đến nay, chưa có một tiếng súng nào bắn vào chúng. Du kích công khai có thể đánh được, nhưng đánh rồi sẽ không có chỗ đứng chân, sẽ bị tổn thất hết. Lúc này, chính là lúc du kích mật phát huy tác dụng. Bọn lính chia nhỏ ra la lết xóm này qua xóm khác, ngủ bừa bãi trong nhà dân, du kích mật rất dễ đánh
-chỉ cần lén ném một quả lựu đạn là có thể diệt được mấy tên địch, sẽ làm chúng co lại. Tiếc rằng du kích mật ở đây hoạt động yếu quá, không đánh địch.
Ngày 9/3/1972
Bọn Cộng hoà đã rút hết. Các xóm đều le lói những ngọn đèn dầu. ở một sân nhà tập trung mấy cô gái đi dân công về. Mấy cô chừng 17, 18 tuổi thật hiếu động, cứ cười rúc rích hoài.
Ngày 10/3/1972
Vừa vào nhà vợ chông ông lão đầu xóm, đã thấy bà già chạy ra thì thào: "Thằng Muôn đi chiêu hồi rồi!". Muôn là du kích thôn, mấy bữa nay cùng đi với chúng tôi, ngày hôm nay nằm công sự cùng Thiệt. Bà nói tiếp: "Bọn bay đừng lên, sợ nó dẫn lính tới bao". Bà kéo chúng tôi vào nhà, bắt ngồi ăn cơm. Bà gắp cá, gắp gan cá nhám liên tiếp vào bát tôi, nói: "Gan cá nhám đấy, chắc ngoài đó không có, ăn đi con". Bà chép miệng: "Cái thằng dại dột vậy, thế màđi chiêu hồi rồi". Ông lão căm tức: "Biết thì thọc cho mấy gậy cho chết đi!" Bà già cười: "Rồi nó lại dẫn lính đến đánh mình cho coi. Cho nó ăn, nó đi chiêu hồi, nó quay lại đánh mình!".
Nghe bà già nói, tôi thấy vô cùng xót xa. Những thằng phản bội gây biết bao tác hại cho cách mạng. Chúng làm ảnh hưởng đến thanh danh của những người chân chính, làm tổn hại đến lòng tin của dân. Bà già vẫn săn sóc cho chúng tôi từng miếng ăn, nhưng trong lời nói đó có ẩn một câu nhắn nhủ: "Má nuôi các con đây, mákhông tiếc gì các con hết, nhưng các con đừng phản bội nghe!". Ăn cơm xong, chị Tám định dọn chén đũa, ông già giằng lấy và nói: "Bay để lũ tao. Lũ bay có trách nhiệm làm việc nước. Lũ tao có trách nhiệm lo cho lũ bay!".
Ông bà lão năm nay đã trên dưới 70 tuổi. Ông già tên là Phu. Con cháu đi thoát ly hết, ông bà mời một ông già nữa về ở cho vui.Đã nhiều lần bọn địch tập kích ngôi nhà này, đánh một số đồng chí hy sinh. Sau mỗi lần ấy, chúng lại bắt ông bà lão ra đánh đập tàn nhẫn. Tết vừa rồi, chúng đến cướp cả nếp, cả vịt của gia đình. Tuy nhiên, hai vợ chồng ông lão vẫn một lòng một dạ với cách mạng.
Tới đâu, chúng tôi cũng nghe đồng bào bảo: "Thằng Muôn đầu hàng rồi!". Một phụ nữ nói: "Từ chiều tới giờ hết muốn ăn uống,
nghe nó ớn quá!". Một cô gái chân thọt, khập khiễng chạy theo chúng tôi: "Thằng Muôn đầu hàng rồi, mấy anh đi coi chừng nó dẫn lính về bao đó". Cô níu lấy tay A và cứ nói mãi một câu: "Bãi cha nó đi, bãi cha nó đi". Cả thôn xóm xôn xao. Mấy cô gái hợp pháp vội vàng sửa soạn đồ đi lánh, vì sợ thằng Muôn dẫn ác ôn về bắt. An du kích mật -người nhỏ chút, cũng khăn gói lên núi. Hồi sáng, cậu ta vui miệng kể hết những trận đánh của mình cho thằng Muôn nghe.
Chúng tôi cũng phải lánh đi hết. Những công sự và đường đi lối lại của chúng tôi, thằng Muôn đã biết hết.
Thằng Muôn chừng 17 tuổi, gầy, trán hơi dô, mới vào du kích chừng hai tháng nay. Mấy ngày nay, nó có than khổ, nhưng vẫn làm mọi công việc chúng tôi giao. Chiều nay, khi cảnh giới cho anh em ngủ, nó nói với Thởng:
-Mày ở đây, tao vô nhà bà Trọng coi thử địch ra sao, chú Bốn biểu tao vậy.
-Thiệt không? Để tao xuống hỏi chú Bốn hử?
-Dỡn thôi.
Ngồi một lát, thằng Muôn lại nói:
-Anh Tài phân công mỗi đứa cảnh giới 2 tiếng - Bây giờ tao cảnh giới, mày đi ngủ đi.
Thởng không đi ngủ mà xuống cảnh giới ở phía sau.
Muôn lén chạy ra đường cái, chuồn một mạch. Về nhà, má nó hỏi:
-Sao hôm nay mày lên sớm dữ vậy?
Nó cười, chuồn ra cửa sau. Qua nhà ông Kiên, ông đang cúng cháo, mời nó:
-Vô ăn cháo, con!
-Cháo mà ăn!
Nó cười cười, nói nhỏ câu ấy rồi đi thẳng xuống ga. Tới đó, nógặp bọn lính, hỏi gặp thằng Hương - ấp trưởng An Quý. Đồng bào không ngờ nó đi đầu hàng, đến khi biết thì đã muộn, không bắt được nó nữa. Một cô gái hợp pháp vội chạy về báo tin ghê gớm đó.
Ngày 12/3/1972
Nghe tin hồi 9 giờ sáng hôm qua, thằng Muôn đã dẫn một trung đội Dân vệ và bọn nguỵ quyền ấp về khui công sự của chúng tôi. Chúng khui cái ngoài đồng trước. Không được gì, chúng liền đánh đá túi bụi thằng Muôn và trói lại. Tới chòm rừng, khi khui công sự thứ nhất, lựu đạn củ chúng tôi gài nổ làm chết 2 lính, bịthương một lính và chết cha của tên ác ôn Đàm. Bọn lính cay cú càng đánh thằng Muôn dữ.
Đang đi từ rìa Tuy An xuống thì nghe súng nổ rộ phía Thành Sơn - rất gần chúng tôi. Lập tức, cả đoàn người lao nhanh về phía có súng nổ - nếu ở rìa, sẽ bị đội pháo. Chạy ra đồng, anh em du kích xách súng lao tới chỗ đang nổ súng, chúng tôi tạt qua trái một chút, chạy vào một xóm. Pháo từ đồi Mười bắt đầu câu tới. Nhìn thấy những chớp lửa kế tiếp bung ra ở rìa núi và những tiếng nổ ầm vang. Pháo cũng bắn đèn dù tới. Quả đèn dù lao vùn vụt trong không khí rồi nổ bung ra, sáng bừng lên.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Vũ Đảo. Ngày 12 tháng 3 năm 1972
Long, Chi thân mến!
Trước Tết, mình có viết thư cho Long, Chi thông báo một số tình hình ở nhà. Hôm vừa rồi nhận được thư của Long viết trước
khi đi Hoài Nhơn. Đáng lẽ mình viết thư sớm hơn cho Long, Chi, nhưng vì bận họp lu bù, thành thử hôm nay mới viết được.
Tết năm nay ở nhà tổ chức tốt và vui hơn năm ngoái về vật chất cũng như về tinh thần. Suốt đêm giao thừa, anh em ở nhà thức trắng, đi thăm hỏi và chúc tết nhau, kẹo, cà phê, trà thuốc rôm rả. Mình cũng đi chúc tết khối dân vận, binh vận, đấu tranh chính trịcũng nhằm gây quan hệ lâu dài. Trừ Lý và Đồng nhận được thư gia đình, còn anh em ta chưa ai nhận được. Qủa có về báo cáo tình hình, mang số tin và ảnh về, ở nhà 10 ngày, lên đường 5/3. Lần này Quả về được anh em trong cơ quan, đặc biệt là Văn phòng - Quản trị lo chu đáo về ăn uống, cấp hàng tết, sổ sách, giấy, lương khô chu đáo, nên ra đi Quả phấn khởi lắm.
Đại hội chi bộ họp đầu tháng 3, bầu lại ban chi uỷ mới - anh Lê, bí thư - thêm anh Hồng, Khoa vào Ban mới.
Hội nghị liên hoan chiến sĩ thi đua toàn Ban cũng họp 2 ngày 10,11/3, rất có kết quả, có cổng chào, phòng triển lãm. Tiểu ban Thông tấn xã ta vinh dự có Việt Long được lựa chọn là chiến sĩ thiđua (trong tổng số 12 CSTĐ), được tặng thưởng Huy chương Giải phóng hạng nhất (mình giữ tặng phẩm của Long), 1 huy hiệu Bác Hồ... mình và Hồ Ca là cá nhân xuất sắc. Riêng Thông Tấn Xã đượcđề nghị khen thưởng Huân chương Giải phóng hạng hai. Đây là sự động viên, cổ vũ anh em ta rất lớn, càng làm cho anh em mình thấy vinh dự, nhưng trách nhiệm càng nặng nề hơn, phải vươn lên mạnh hơn nữa trong giai đoạn mới.
Hội nghị cũng đã phát động đợt thi đua mới từ nay đến 2/9, chia ra 2 đợt, đợt một sơ kết vào 19-5, đợt 2 từ 19-5 đến 2/9 thì tổng kết.
Phương hướng thi đua của toàn Ban: nỗ lực phi thường, xoáy vào nhiệm vụ chính trị, bám sát nghị quyết, bám sát thực tiễn, quyết đạt khối lượng công tác lớn nhất, chất lượng cao nhất, tốc độ nhanh nhất. Phải thực hiện "3 hoá": chuyên môn hoá nhiệm vụ, kế hoạch hoá công tác và hợp lý hoá lao động...
Phương hướng cụ thể của Tiểu ban ta:
-Nâng cao chất lượng tin và ảnh (sát nhiệm vụ chính trị, kịp thời, chính xác, bảo mật).
-Phản ánh toàn diện (3 quả đấm trên 3 vùng chiến lược).
-Xây dựng hệ thống Thông tấn xã ở tỉnh, mạng lưới thông tín viên, hệ thống đài minh ngữ...
Cuộc vận động thi đua này phải gắn liền với cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên...
Sau khi nhận được thư này, Long và Chi cũng trao đổi và lập chương trình thi đua, kiểm điểm kết quả đăng ký nâng cao chất lượng đảng viên... và lập đăng ký trong năm nay và gửi về nhà; đồng thời quá trình công tác, tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, Long và Chi cũng hình thành dần bản báo cáo về đợt công tác này, giữa tháng 5 thì về báo cáo chung trong Tiểu ban để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, để làm tốt công tác hơn nữa
Cơ quan cũng vừa nhận được điện báo là TW đã gửi vào một sốhàng theo yêu cầu. Đợt này, bộ phận ta có máy phóng và một số phim, thuốc, giấy ảnh. Sắp tới cơ quan sẽ cử người đi đón nhận. Bác Tân mà về chậm là "lạc hậu" với tình hình đó.
Anh Phượng cũng đã điện vào hỏi mình xin bao nhiêu dép cao su, kính đeo mắt... mình đã kê xin cho cả 2 bạn, mỗi người một đôi loại số 39, chưa biết là có vào đến nơi không? Mình đoán có lẽ anh em ta vào sẽ áp tải vào thôi, và như vậy là khi nào Long, Chi về cũng gặp anh em mới vào thôi. Chắc lần này sẽ nhận được thư của gia đình.
Thế Kỷ cũng vừa gửi thư cho mình, gửi lời hỏi thăm Việt Long và tỏ ý cảm động khi nhận được thư Việt Long.
Anh em ở nhà biết tin Việt Long bị mất tiền cũng chia sẻ niềm "bất hạnh" đó.
Riêng mình thì cũng chia sẻ niềm "bất hạnh" đó, nhưng nhắc lại với Long và Chi rằng: trong sinh hoạt phải hết sức gọn gàng, ngăn nắp và quân sự hoá để tránh những việc đáng tiếc lớn hơn nữa cơ.
Thôi nhé, chúc Long, Chi thành công trong nhiệm vụ mới.
Rất thân thươngVũ Đảo
Ngày 13/3/1972
Muốn đi từ rìa Hoài Sơn này xuống núi phải đi bán hợp pháp. Thảo và Thiệu đứng nhìn xuống đồng, thấy 2 cô gái đi ra. Hai chiếc nón trắng đang nhấp nhô trên đồng, đột ngột hạ xuống thấp rồi lại trồi lên, nhấp nhô. Thiệu gọi chúng tôi đi xuống. Ra tới đường lớn thì gặp hai cô gái gánh đôi giỏ đi tới. Vào một xóm nhỏ thay đổi hình thức. Các cô đưa chúng tôi nón lá, ni lông, cuốc, còn chúng tôi cởi quần dài, đưa bao súng cho các cô gánh. Thảo - xã đội phó - mặc chiếc áo trắng, đội chiếc mũ phớt trắng, bị các cô cười ầm lên, kêu là "ấp trưởng". Cậu ta băng ra đồng, bóng cao lêu nghêu nổi bật lêngiữa đồng lúa xanh thắm. Đứng chờ ở xóm, thỉnh thoảng cho một, hai người đi ra - không nên đi đông, vì địch rất gần, chúng dễ nghi ngờ.
Chiều, tập dượt cách tổ chức quần chúng đi nổi dậy. Tập trung được khoảng hơn 100 người, có gậy, dao, dây. Có những người ở gần chốt điểm địch cũng đến. Trong hoàn cảnh một xã có 11 thôn mà có 14 chốt địch và 2 tiểu đoàn Cộng hoà đang hành quân lùng sục như hiện nay, tập trung được như vậy thể hiện sự cố gắng lớn của cán bộ và tinh thần cách mạng cao của quần chúng.
Ngày 14/3/1972
Tôi, Hà Huệ (phóng viên quay phim) và Khanh (cán bộ Huyện)cùng nằm một công sự. Ngủ một giấc tới gần 7 giờ sáng. Đột ngột thức dậy vì thấy ngột ngạt quá. Tôi thấy mũi hơi nóng, ngực hơi nặng. Còn Huệ thì thở ào ào, mồ hôi toát ra đầm đìa. Không khí
mỗi lúc một nặng hơn. Huệ kêu: "Ngợp quá!". Khanh quạt "phành phạch" một lúc rồi cũng nằm im, thở phì phò. Tôi cầm miếng bìa, quạt mạnh về phía lỗ thông hơi. Thấy vương vướng, tôi đưa tay sờ thấy đầu Huệ đã trồi lên sát miệng lỗ thông hơi. Tôi đẩy anh ta lui xuống và quạt mạnh. Không khí có nhẹ đi chút ít. Huệ thở nhẹ đi chút ít.
Nằm lắng nghe, trên mặt đất vẫn lặng lẽ. Huệ nói:
-Có lẽ chị Tám đi chợ mất rồi. Chà, chị ấy đi tới trưa thì chết mất!
Lát sau, Huệ lại nói hổn hển:
-Hôm nay sao ngợp hơn hôm qua. Chắc chị Tám đậy nắp hầm chặt quá!
Tuy đang mệt, nghe Huệ nói vậy, tôi cũng không tài nào nín được cười. Bậm môi, cắn răng lại, tiếng cười vẫn bật ra. Huệ nói thật là kỳ cục. Nắp hầm lúc nào chẳng phải đậy chặt, đậy kín thậm chí phải lấp thêm đất, phủ rơm rác lên. Tôi hiểu rằng trận mưa ngày hôm qua đã khiến đất cát, rơm rác trôi xuống làm nghẹt lỗ thông hơi.
Huệ nằm im, thở dữ dội. Tôi cố thở sâu, theo nhịp và ra sứcquạt. Đã có trường hợp chết dưới hầm vì thiếu không khí. Chết vì thiếu không khí thì đau khổ biết chừng nào, bởi vì không khí tràn đầy cả trái đất, không khí hào phóng đối với tất cả các loại sinh vật, không khí có bủn xỉn đâu? Nhưng lúc này đây thì rõ ràng là thiếu không khí. Phải giành lấy không khí mà sống. Cách tích cực nhất là quạt, quạt cho mạnh để lùa cácbonníc trong hầm ra, hút không khí trong lành từ bầu trời vào.
Gần mười giờ rồi. Nghe những bước chân rậm rịch trên mặt đất. Có tiếng chân bước lại gần miệng hầm. Một luồng ánh sáng ập xuống, kéo theo những hạt cát rơi thoang thoáng như mưa bụi. Và không khí, không khí rơi xuống, không khí bay xuống, không khí
tràn xuống, không khí ùa tới bọc kín chúng tôi làm chúng tôi tỉnh táo lại.
Cửa hầm vừa nhấc lên, Khanh đã nhỏm dậy, nói:
-Ngợp quá chị ơi!
Chị Tám nói vọng xuống:
-Hôm nay không có lấy một chút gió!
Chị cúi xuống dặn dò:
-Mở nắp ra cho thoáng chứ không lên được đâu. Lính đi cùng ngang hết.
Chúng tôi nằm xuống theo lời chị. Lúc này, chị là vị chỉ huy tối cao của chúng tôi. Cuộc sống của chúng tôi nằm trong tay chị. Khi xuống hầm, tức là anh đã trao cuộc sống của anh cho người đậy nắp hầm. Người đó thông minh, ngoan cường, thì anh được sống, sống dễ chịu. Còn người đó nhút nhát thì có khi anh bị nhốt dưới hầm cả ngày, có khi bị địch khui công sự. Trường hợp bị địch khui công sự vì người đậy nắp nó phản bội, khai báo rất hiếm có. Nhưng trường hợp bị nhốt cả ngày, tối mới lên thì nhiều. Chị Tám không vậy. Biết chúng tôi nằm dưới hầm rất mệt, chị để gần sáng mới đậy nắp hầm và luôn coi chừng, khi địch dãn ra là mở nắp cho hầm thoáng.
Tới trưa thì chị gọi chúng tôi lên ăn cơm. Thằng ửng - con chị đi cảnh giới về cũng bưng chén cơm ăn ngon lành. Con ánh chạy ra ngõ làm nhiệm vụ thay anh nó. Chị Tám kể:
-Sáng nay tụi lính bắt đồng bào vô điểm gánh đồ cho chúng chuyển quân. Chút nữa nó bắt tôi - lo quá, nó bắt cả ngày, để các anh nằm dưới đó tội chết. Tôi vội lẩn đi, về được.
Hơn 2 giờ chiều, anh Đức tới. Anh mặc chiếc áo trắng, quần đùi trắng, bưng một cái rổ - đựng cái thắt lưng, khẩu súng ngắn. Huệ thay bộ quần áo đen của mình bằng một bộ quần áo trắng - kiểu
của người già. Chiếc máy quay phim của anh đựng trong một cái túi, do thằng ửng xách. Lúc này, bọn lính đang rập rình ở cái nhàtôn trước mặt - cách mấy đám ruộng. Anh Đức vạch rèm cửa, nói:
-Tôi đi đây này. Anh Huệ cứ theo tôi!
Ba người bước đi, còn tôi và Khanh thì tìm cách xuống công sự. Nhà chỉ có một cửa, phía trước lại có lính, làm sao ra khỏi nhà để xuống hầm được? Chúng tôi đang lúng túng thì chị Tám dựng một cái nong, bảo chúng tôi núp phía sau. Chị Tám lăn cái nong qua giữa sân. Chúng tôi lom khom núp sau cái nong ấy mà đi...
Xế chiều, nghe chị Tám gọi, tôi vội chui lên. Chưa kịp đứng thẳng người thì đã nghe một cô gái nói lớn:
-Lính lên kia!
Lại chui xuống. Chị Tám nhanh chóng nghi trang công sự. Lại nằm trong một khối đen đặc. Cũng may, lúc nghỉ, tôi đã moi ở 2 lỗ thông hơi mấy vốc cát nên đỡ ngột ngạt.
Nghe tiếng nhiều bước chân chạy rậm rịch trên mặt đất. Có những bước chân dậm thình thịch ngay trên nóc hầm và tiếng người nói lao xao.
Nghe chị Tám nói lớn ở phía xa: "Mía của tôi từng ấy mà nó cũng bẻ nó ăn". Chúng tôi hiểu rằng bọn lính đang đứng trên nóc hầm, bẻ mía của chị Tám - những cây mía mới lớn bằng ngón chân cái - mà ăn. Chúng tôi nằm im thin thít.
Gần 6 giờ, chị Tám bật nắp hầm, gọi:
-Để đồ dưới đó, lên nhanh!
Cô Bảy - du kích - đã chờ sẵn, giục:
-Cởi quần dài, đội nón, theo tôi mau!
Chị Tám vừa nghi trang lại công sự, vừa nói:
-Thôi, giao cho cô đấy, tôi xong trách nhiệm.
Trong khi tôi cởi quần dài thì Khanh mặc vào một cái áo trắng cũn cỡn. Riêng tôi, vẫn phải mặc chiếc áo mầu bộ đội, vì không có cái nào để thay. Chúng tôi rảo bước theo Bảy. 120 thằng lính nguỵđang tràn lên. Bên trái, bên phải, đằng sau đều có lính. Đi qua một ngôi nhà nhỏ, thấy một ông già đang cuốc vườn, Bảy nói với ông:
-Bác cho cháu mượn cái áo!
Ông già cởi vội cái áo bà ba đen đang mặc, móc túi lấy lại chùm chìa khoá, rồi đưa áo cho Bảy. Cô đưa tôi mặc trùm lên cái áo mầu bộ đội cho địch khỏi chú ý. Lại đi qua các xóm nhà. Tới đâu, cũng thấy đồng bào đứng dặn: "Cẩn thận nghe" và nhìn chúng tôi bằng cặp mắt vừa thương yêu, vừa ái ngại, lo lắng. Bước ra đồng, Bảy dặn:
-Nếu xóm trước mặt có lính thì tạt mau ra đồng nghe!
Nhìn ở đồng, phía nào cũng có những cô gái đi qua đi lại nhưthoi đưa. Đó là những cô du kích xã. Họ đi như vậy để quan sát địch và yểm trợ cho chúng tôi. Tôi yên tâm bước theo Bảy.
Xóm không có địch. Vào ngồi ở nhà một bà già. Bà hỏi:
-Ăn cơm chưa? Vào ăn!Bà đi dọn cơm, giục:
-Cứ vào ăn đi con, không sợ đâu.Bà gọi mấy đứa nhỏ ra ngoài cảnh giới.Lúc tôi chan nước cá, bà bảo:
-Đừng ăn nước, ăn cái đi con, gắp cá ăn đi chớ.
Bà vừa ngồi coi chúng tôi ăn, vừa kể:
-Bữa mình đánh mìn nó chết 1, bị thương 4, nó kéo tôi ra đánh nhừ đòn. Mình cũng ráng chịu chớ biết làm sao.
Bà chép miệng:
-Trước kia ở đây vui lắm, tối nào bộ đội cũng về cõng gạo. Thiệttội, mấy đứa, đứa nào cũng vui vẻ, dễ thương cả. Đi từ trên núi xuống đem từng trái ươi chia cho lũ nhỏ. Bao giờ lại được vui như thế nữa.
Một ông già đi chậm rãi từ sân vào. Bà già chỉ ra, nói:
-Bữa trước nó cũng đánh ông ấy không đi được. Uống thuốc miết, bây giờ mới đi được như vậy đấy.
Ông già gọi chúng tôi lên nhà chơi. Ông bảo tôi:
-Chú cũng người nghĩa vụ hả?Tiếng "nghĩa vụ" chỉ anh em miền Bắc.Ông tiếp:
-Anh em nghĩa vụ với tôi như con với cha.Ông lại chỉ ra sân:
-Khu trục Mỹ thả bom giết chết 3 đứa con tôi tại đây - hai đứa ngồi trong hầm, một đứa ngồi bên thềm. Khi ấy, nhà còn lớn lắm chứ không nhỏ như bây giờ.
Ở mảnh đất này, đau thương, căm thù và yêu thương thể hiện rất rõ ràng, rành mạch.
Ngoài sân, mấy đứa nhỏ đang dỡn nhau. Chúng ném những miếng nhựa trắng bọc đầu đạn M79 rồi duổi theo, giành nhau, cười.
Ngày 15/3/1972
Xuống Tam Quan. Vượt đường số một khá dễ dàng. Qua từng thôn đều có du kích dẫn chuyền. Tới địa phận Tam quan thì có 2 cô gái dẫn tôi đi. Từ đây bắt đầu có hơi hướng của biển. Gió thổi về nghe nồng nàn, hào phóng. Lội qua những con sông nước mặn làm sủi lên những bọt lân tinh sáng xanh trong. Mặc dù 2 cô gái xắn quần cao, tôi cũng không thể nhìn thấy mầu trắng của đôi chân vì trời tối quá. Chỉ nhận thấy hai đôi chân ấy qua những bọt lân tinh sáng xanh. Những bọt nước ấy sủi lên từ bàn chân tới ống chân, tạo thành những khối lân tinh đẹp như ngọc bích. Tôi có cảm tưởng rằng đôi chân của hai cô chính là ngọc bích được tạo hoá tạo thành những hình khối diệu kỳ, vừa có cái mãnh liệt của cuộc sống, vừa có cái huyền ảo của thần thoại.
Tới một xóm nhỏ bên sông, tôi được anh em du kích dùng thuyền chở đi. Mái chèo làm những bọt lân tinh xao động, nhảy múa. Nép vào những hàng cây đước dọc bờ sông bơi thuyền tới chứ không dám đi giữa sông vì sợ địch phát hiện.
Tới bờ, Thu dẫn tôi đi. Anh dặn rất cẩn thận là phải theo sát anh, nếu không kịp thì đứng lại, anh sẽ quay lui đón chứ đừng đi lung tung vì ở đây gài rất nhiều đạn pháo, cối. ở cái xóm tôi vừa đi qua, hôm trước một đại đội Cộng hoà đổ quân xuống càn bị vướng lựu đạn chết 3, bị thương 1. Chúng hoảng sợ đứng tại chỗ gọi máy bay vớt đi, không dám lùng sục tìm khẩu súng bị mất bữa trước.
Đi dưới những hàng dừa tư lự. Thu đi rất nhanh. Thỉnh thoảng anh lại đâm sầm vào một cành tre rấp ngang đường. Anh cằn nhằn rồi ráng sức dỡ cành tre lên, đi qua. Có lẽ anh em rấp đường để hạnchế địch đi tập kích. Đi qua đi lại nhiều nhà rồi cũng tìm thấy Thưa
-bí thư xã.
Tối thui, chỉ nghe tiếng nói của nhau. Thưa bảo tôi cứ cột võng ngủ, sáng hẵng hay. Vừa nằm được một lúc thì nghe một tiếng mìn nổ ầm, tiếng súng nổ ran. Thưa kêu: "Thôi rồi, chết ông Thởng rồi".Tất cả trở dậy, ra sân nhìn. Địch bắn đèn dù sáng rực. Quả đèn này vừa tắt, đã nghe tiếng cối 60 nổ ùng, thấy một đường lửa đỏ mờ
rạch trên bầu trời rồi bung ra thành một ngọn đèn lớn. Thưa cứthan thở mãi: "Thôi chết ông Thởng rồi! Đúng hướng ông Thởng đi, ổng chớ ai!". Anh gọi một du kích bảo rủ thêm người tới ngay nơi mìn nổ xem sao.
Ngày 16/3/1972
Vào một xóm của thôn Công Thạnh. ở đây tập trung rất nhiều cán bộ "bất hợp pháp" (cán bộ cách mạng thoát ly). Chị Cẩn - bí thư chi bộ Tân Thành - người mập trắng, vui tính, hay nói đùa. Chị rất sốt sắng kể chuyện đấu tranh của đồng bào cho tôi nghe.
Đi tới các cửa ngõ đều gặp những thanh niên nam nữ cầm lựu đạn, súng tiểu liên đứng cảnh giới. Chính những cô cậu đó đã nhiều lần ném lựu đạn diệt địch giữa vùng chúng kiểm soát. Một thanh niên chừng 17, 18 dẫn tôi đi kể chuyện rằng mới đây cậu ta liệng lựu đạn làm chết 2, bị thương 1 tên địch giữa ấp Tân Thành. Ham diệt địch, cậu liệng lựu đạn quá gần làm chính mình cũng bị thương nhẹ. Ngay lúc đó, đồng bào đưa cậu về nơi an toàn.
Hai cô gái dẫn tôi về thôn An Thái. Tới bờ một con sông, một cônói: "Đồng chí cởi quần dài choàng lên cổ, lại lội sông nữa!". Từ hômqua đến nay, tôi đã qua 5 con sông rồi. Đây chính là "quê hương 9 áo 1 quần". Lội ra giữa sông, cô Mới ré lên một tiếng và cười khúc khích: "Cua cắn em". Cô tạt nước vung lên trời cho rơi xuống lộp bộp rồi quay lại tôi: "Mưa đấy anh" và lại cười. Cô Lan đang khoác súng im lặng đi, cũng chợt kêu lên: "Cua cắn chân". Còn tôi thì chỉ nhìn thấy phía trước 4 khối ngọc bích sáng xanh đang chuyển động. Hai cô vừa đi vừa nói, giọng nói rất dịu dàng, nghe có phần hơi kịch: "Anh nghe lời em nhé. Vì ai mà xóm làng tan hoang, có phải vì giặc Mỹ không anh?". Có lẽ hai cô đang tập nói binh vận.
Đi qua một cánh đồng rộng hoang vu, mọc đầy cỏ tranh. Con đường nhỏ mấp mô. Mỗi lần qua một chỗ khó, Lan lại quay lại nhắctôi: "Đồng chí bước vào chỗ này này, đừng bước lên chỗ ấy, ngã đấy". Vào một túp lều nhỏ. Mới bảo tôi bật máy lửa lên. Vừa nhìn thoáng thấy ngôi lều trống trơn không một chút đồ đạc, Mới đã kêu: "Tắt đi anh!". Mới nói nhỏ: "Hay là địch tập kích, mấy anh dọn đồ đi hết?'.
Lúc này, chỉ còn Lan khoác súng dẫn tôi đi. Cô không gọi tôi bằng "đồng chí" xưng "tôi" nữa. Cô nói: "Nếu không có anh, em cũng về một mình thôi. Trước đây em sợ ma lắm, nhưng bây giờ quen rồi. Làm cách mạng mà sợ gì?". Cô rất cởi mở kể chuyện gia đình bằng giọng nói trong, êm, khá dễ chịu. Cô khoe:
-Gia đình em đi cách mạng hết, không có ai làm cho địch. Mới rồi, bọn địch bắt anh Sáu em vào Nghĩa quân, đưa đi tận Phù Cát. Nhưng ảnh nói ảnh sẽ tìm cách về.
Lan tiếp:
-Em đi công tác, má em rầy la hoài. Bả nói chỉ còn bả với anh em cụt chân ở nhà, lấy ai gánh nước, giặt đồ. Bả doạ chụp cổ em cạo hết tóc. Nhưng em vẫn cứ đi. Hồi đầu hợp pháp, nhưng sau tụi ấp về kiếm bắt, em chạy bất hợp pháp rồi vào du kích xã luôn.
Tôi hỏi:
-Em bao nhiêu tuổi rồi?
Cô trả lời và kể luôn:
-Em 19 tuổi. Có người đã đến nói em, má em nhận lời nhưng em không chịu, em đem trả lễ. Bởi vì người con trai đó không chịu đi làm cách mạng, ngày ngày cưỡi Honda đi chơi. Em bảo anh ta đi làm cách mạng, anh ta nói sợ khổ, không dám đi. Em liền hỏi: "Khổ là khổ thế nào?". Anh ta trả lời: "Khổ là nằm bờ nằm bụi, ăn uống thiếu thốn". Em lại nói: "Anh chỉ nhìn thấy cái khổ trước mắt màkhông thấy cái sướng lâu dài. Đi làm cách mạng có cái vinh dự là người cầm súng bảo vệ đất nước, đấy là cái sướng nhất".
Lan kết luận:
-Sau này, có lấy chồng, em cũng lấy anh em cách mạng thôi! Tôi hỏi:
-Từ ngày vào du kích, em đã đánh trận nào chưa?
Vừa lúc ấy, một quả đèn dù nổ bụp ở hướng Đông. Lan chỉ về đó:
-Có chứ, đánh ở chỗ thả đèn dù ấy. Mật tập anh à. Nhưng em chỉ được đánh một trận thôi, còn chủ yếu là bám tuyến dẫn khách.
Ngày 17/3/1972
Cả vùng An Thái chưa xoá sạch dấu tích của sự hoang vu. Hồi tháng 8/1970, 36 xe ủi và gần 200 xe quân sự Mỹ nguỵ đã tập trung cày ủi nơi này. Giờ đây không còn một bóng cây to. Chỉ có những đám điền thanh và bãi cỏ tranh mênh mông. Xen vào đó, lưa thưa những túp lều. Từng chòm, từng chòm có những khóm chuối, bụi mía, vườn rau. Lúc này đã cuối mùa rau rồi. Rau cải, rau cúc đều đã ra hoa vàng tươi hoặc đã kết quả lăn tăn. Những cây cà chua đầy những quả xanh và những bông hoa vàng. Một đoá hoa hồng bẽn lẽn nép bên đám cỏ, nở nụ cười hồng tươi. Gió thật tinh nghịch, chọc ghẹo hết thảy cây cỏ làm chúng cười xào xạc mãi.
Anh Nở - bí thư chi bộ - có đôi mắt hơi mờ, đục, dáng chậm chạp, nói chậm chạp. Anh có vợ và 6 con. Lúc này, anh chỉ còn 4 đứa con gái tuổi 13, 14 trở lại. Anh nói:
-Có 6 đứa, nhưng đất nước mới chia một đứa, Mỹ cướp một đứa, còn bốn.
Anh dẫn tôi ra một nơi vắng vẻ, giữa đồng không mông quạnh mà làm việc. Qua câu chuyện, cho thấy anh nắm rất chắc địa bàn, địch, ta. Tại thôn An Thái nhỏ bé này, địch tập trung đủ các loại lực lượng để kìm kẹp dân. Thường xuyên có 1 đại đội Cộng hòa, 6 cố vẫn Mỹ,1 trung đội cảnh sát, 1 đại đội Bảo an, 2 đoàn Bình định, 3 toán Thanh niên chiến đấu, 3 toán Phòng vệ dân sự, 12 tên ngụy quyền xã, 4 tên ngụy quyền thôn, có lúc lên đến 1 tiểu đoàn Cộng hòa, 1 trung đội Mỹ. Hiện nay, chúng vẫn duy trì lực lượng nhưtrên, đóng 5 chốt điểm, tăng cường 1 đại đội Bảo an. Đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, nghề buôn. Trước đây, vì nơi này có
thị trấn Tam Quan, có đường số một chạy qua nên dân số khá đông
-gần 4.000 người, nhưng do chiến tranh, chạy tứ tán, nay chỉ còn trên 2.000 người. Từ trước tháng 4 năm 1971, phong trào còn yếu, cán bộ không trụ bám tại chỗ được mà chỉ bám quanh rìa, nhưng từ tháng 5 năm 1971 đã bám được. Các đồng chí Trì, Tiếp, Khánh, Tăng, Thảo gài đạn pháo 2 lần diệt 19 tên Bảo an, làm bị thương 7tên. Địch phải co lại. Tuy nơi này cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhưng cán bộ không một ai đầu hàng, đầu thú, chỉ có một số ít bỏ việc, trốn đi vùng khác làm ăn. Hiện lực lượng ta có 7 đảng viên, 30 cán bộ, 12 đoàn viên, 1 đội du kích thôn, 5 tổ gồm 15 du lích mật. Tuy lực lượng ít, ta vẫn luôn luôn bám tuyến, diệt địch, hỗ trợ đồng bào đấu tranh.
Nghe tiếng súng nổ gần, tiếng trực thăng quần lượn, Nở đứngdậy nghển cổ nhìn, rồi nói: "Đi ra công sự". Anh dẫn tôi đi vòng vèo trong bãi tranh, tới một nơi có mấy cây điền thanh mọc cụm lại, chỉ xuống đất, nói: "Ngồi xuống đây". Chúng tôi lại tiếp tục làm việc. Anh dặn tôi đạp nhẹ chân, đừng để lại dấu vết. Có lẽ công sự nằm quanh đây, nhưng tất nhiên tôi không thể phát hiện ra nắp nó.
Chừng 9, 10 giờ, anh lại dẫn tôi về nhà. Chị vợ anh đã đi chợ về, đang ngồi bó rau muống. Con Sáu đang đau, ngồi cù rù cạnh mẹ nó. Con Bốn đang ngồi chặt cây cải giống. Hồi nãy, con Bốn và con Năm cứ đánh bi ăn cõng với nhau miết. Hễ đánh trúng 3 lần liền là được cõng. Con Năm luôn ăn gian, dúi hòn bi vào sát hòn bi của con Sáu mà đánh, làm con Sáu phải cõng hoài. Chúng không được đi học và cũng chẳng có trò chơi gì hấp dẫn hơn trò chơi ấy, nên mặc dù phải cõng chị nặng tới ngã dúi xuống, con Sáu vẫn cười như nắc nẻ. Xen vào tiếng cười của chúng là tiếng máy bay trực thăng bay phành phạch rất thấp.
Anh Nở lại đưa tôi qua ngồi ở một nhà khác, dặn:
-Anh cứ ngồi đây, có chuyện gì tôi sẽ chạy tới. Ngồi đây kín hơn, chạy dễ.
Anh tranh thủ ra cưa hom trồng sắn. Tuy bị thương nhiều lần, sức yếu, mắt mờ đi, ống xương tay trái bị mẻ một miếng lớn, anh
vẫn có cái rắn chắc của người nông dân. Đám đất mới thu hoạch rau xong được anh xới tung lên, vun thành từng vồng thẳng tắp. Chị Nở đang gánh một gánh rau muống nặng trĩu, kĩu kịt đi tới.
Chiều tối, đi về phía ấp công tác. Vẫn đi qua cánh đồng. Loại cây trồng lớn nhất, nhiều nhất ở đây là chuối. Thỉnh thoảng mới có một cây dừa cao vút, lá tơi tả. Có những cuộn dây thép gai bùng nhùng bò lạc lõng trên đồng, đã bị mưa gió làm hoen rỉ. Cách không xa lắm là khu dồn và đồn địch với những mái nhà tôn và mấy cái pha đèn loá nắng. Một con kênh nhỏ nước chảy lặng lờ với cái cầu sắt bắc ngang bị gẫy gục, rỉ đỏ nhem nhuốc. Muốn qua con kênh ấy phải leo lên những cây đước. Những cây đước thật lạ, cành, rễ nghênh ngang mọc kín cả mặt kênh, tạo thành những cái cầu cheo leo. Qua kênh, đi vào một cánh đồng lúa nhỏ. Những khóm lúa lùn nở to, cây mập, xanh đậm đà.
Ngày 18/3/1972
Đang ngủ say thì giật mình choàng dậy vì tiếng đạn cối nổ. Hị nói: "Coi chừng nó tập kích". Tất cả trở dậy cuốn võng, thu dọn đồ rồi vào hầm núp. Tiếng cối 60 vẫn nổ "Pốc... đùng! Pốc... đùng!".
Nở dẫn tôi tới công sự. Có khả năng địch càn. Đi một hồi, rẽ vào một đám đất, Nở ngồi xuống. Lát sau anh than thở: "Chết cha rồi, họ đào củ ngay trên nắp hầm mình!". Anh dẫn tôi tới một công sự khác. Chỗ này, nhiều người tới lui quá nên đất bị mòn thín đi, địch dễ phát hiện dấu vết. Nở lại dẫn tôi về công sự hồi nãy. Anh ngồithừ một lúc rồi đứng lên, nói: "Không được, không được! Đất mới quá, phải có người nghi trang chứ không tự nghi trang được". Nở thật là cảnh giác. Anh bảo tôi xuống hầm rồi đi kêu một anh khác xuống ở cùng. Còn anh thì đi cảnh giới.
Hầm hơi chật nhưng có tới 4 lỗ thông hơi rộng nên rất thoáng, mát. Tới 10 giờ nghe 3 phát súng nổ liên tiếp, anh Sáu nói: "Nó rút đấy!". Lát sau, nghe có tiếng gõ đều đều trên miệng hầm và tiếng anh Nở gọi: "Lên hử".
Hồi sáng sớm, địch cho 20 tên mò lên nhưng chỉ ở ngoài tuyến. Chúng gây nên những đám cháy ở gần, khói ùn ùn bốc lên.
Ngày 19/3/1972
Dự đại hội Đảng uỷ xã. Lúc giải lao, chợt nghe một tiếng nổ ầm. Chị Cẩm kêu: "Chết rồi, mìn mo". Một loạt súng rộ lên, có kèm cả tiếng M.79 "Tập kích! Tập kích!". Mọi người vội vàng vơ đồ đạc, chạy về phía đã định trước. Cũng may, tôi đã khắc phục được tính luộm thuộm, đồ đạc để gọn trong một bao nên không bị thất lạc gì.
Ngày 21/3/1972
Tiểu đoàn một Cộng hoà càn ở An Thái. Chúng đốt cỏ cây cháy rừng rực suốt ngày. Chúng bắt một ông già dẫn đường. Tới một khu vực, ông già ngồi lại, nói:
-Ở khu vực này Cộng sản gài nhiều lựu đạn lắm, tôi không biết đường. Các ông đi thì đi!
Bọn địch lướ quớ mò đi. Một quả cối 81 cải tiến nổ tung làm chết hai tên, bị thương một tên.
Khắp nơi trên xã này đều cắm những bảng cấm địa. Khi địch tới, những bảng ấy lập tức biến mất và đất dưới chân chúng trở thành bom mìn giết chúng.
Ngày nào địch cũng có chết lẻ tẻ 2, 3 thằng. Khi thì bị du kích mật dùng lựu đạn đánh. Khi thì bị xuông mìn, lựu đạn. Hôm chúng tập kích chúng tôi ở Xuân Lạc, chính chúng bị xuông lựu đạn chết 3, bị thương 1 chứ không phải chúng đánh mìn như chúng tôi tưởng. Du kích đang gác, thấy nổ liền trốc M.79, quạt tiểu liên qua. Bị thất thế, mấy thằng còn lại lặng lẽ rút lui.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Ngày 1/4/1972
Thân gửi Long, Chi, Tân
Trước tiên, mình báo để Long và Chi biết là thời gian về không phải như trước là tháng 5 mà khi nào có điện gọi về thì về. Như vậy
là nếu có người trong Tuyên huấn ra lĩnh máy, tin cậy thì gửi phim ra. Còn anh Tân thì cũng cố xoay xở xem ở địa phương có người ra, cùng với Nên, mang máy móc về làm. Ngoài này người phần thì đi công tác, người đi bổ sung theo yêu cầu phía trước, người ra Bắc xin hàng, nay lại thêm một số đi nhận hàng và sắp sửa đi chuyển hàng nữa. Thế là hết người. Mình được tin là máy phóng và phim, thuốc giấy đã vào. ái cũng đã trên đường áp tải hàng vào. Dồn dập nhiều việc, đòi hỏi nhân lực khá căng.
Anh Huy Minh vừa gửi thư vào cho biết là đã gặp ông cụ của Việt Long, ông cụ phấn khởi nghe tin Long mạnh khoẻ, tiến bộ, giađình vẫn khoẻ. Ông cụ có gửi cho Long lá thư đề ngày 1/11/1971 kèm theo bức ảnh của em Long là Việt, hiện đang đi Công an vũ trang.
Mình giữ một trong số nhiều ảnh hôm chúng ta chụp ở thôn Tư, anh Phò mang ra đưa cơ quan, nay phóng xong gửi vào. Chị Sáu có viết thư hỏi thăm anh em mình, (gửi tháng 9/1971), trong đó kèm một lô ảnh gia đình mình.
Anh Huy có đến thăm gia đình chị Hà ở Thuỵ Khuê, anh chị có hỏi thăm nhiều về anh Tân.
Còn Chi không biết có ai là người thương ở ngoài đó không thì không biết?
Hồ Ca đã về đến địa phương công tác, tương đối có nhiều thuậnlợi, được gặp phần lớn cán bộ quê đều ở Bình Định. Hồ Ca ăn cái tết to nhất từ khi vào trong này.
Hữu Quả có tạt qua về nhà gần 10 ngày đưa một số tin và bài, mang một số phim ảnh của Hoàng Chung về, mình đã gửi anh Long (Huấn Học) ra chữa bệnh mang ra. Trên đường trở lại địa phương công tác, Quả bị sốt, phải nằm ở trạm mất ít ngày, nhưng Quả phấn khởi lắm.
Quảng thì hơn một tháng nay không viết thư về; tin tức cũng không thấy gửi về vì đường liên lạc bị đứt (do địch càn). Mình hỏi thăm thì thấy vẫn an toàn, nhưng phải lẩn hơi vất vả. Tình hình
chỗ Quảng công tác có khó khăn về địch, khó khăn hơn chỗ các bạn công tác.
Mình và Chu vẫn khoẻ, đôi khi hơi bận vì Chu thỉnh thoảng phải đi gùi, sản xuất đột xuất, công việc ngày càng nhiều.
Ở nhà rất mong anh Tân về để làm một số ảnh phục vụ phong trào chung toàn miền. Khi về, nếu có thể được, anh Tân xin được phim thì càng tốt, nếu không thì chọn những ảnh có thể tuyên truyền được, chụp lại, để dùng triển lãm. Những ảnh đấu tranh của đồng bào trong các thành thị rất cần. Nhưng nhớ ghi cả chú thích cho rõ.
Ở nhà có nhận được thư của Tuyên huấn tỉnh gửi ra, nói về tinh thần làm việc của anh em mình tốt, ca ngợi sự tận tuỵ của anh Tân. Mình cũng rất mừng và tự hào về anh em mình. Anh em cố gắng phát huy thêm tinh thần công tác hơn nữa để xứng đáng với sự tin cậy của cơ quan.
Mình nhờ anh Tân, nếu có thể được và có điều kiện, mua giúpcho chiếc đài như chiếc đài anh mua cho Tứ. Đài của mình Chu lấy lại rồi.
À quên, xin báo cho Việt Long biết là "người cùng chụp ảnh với Long" đã lên đường đi công tác ở địa phương mà Quả hiện nay đang công tác, thời gian 3 tháng. Có gửi lời hỏi thăm anh em, nhất là Việt Long đó.
Các bạn nhớ luôn viết thư nhé. Vũ Đảo
Ngày 5 - 8/4/1972
Một loạt tin chiến thắng từ Trị Thiên, Nam Bộ, Tây Nguyên đưa về làm náo nức lòng người. Nghe những bài tường thuật, ghi nhanh về những trận đánh cao điểm 544, gặp tù binh Huỳnh Thúc Mẫn... càng thấy chộn rộn, muốn được lao tới chiến trường, muốn được tận mắt thấy chiến thắng và được viết về những chiến thắngấy. Đã tới lúc chúng ta giáng vào đầu kẻ địch đòn quyết định để giành chiến thắng.
Ngày 9 - 11/4/1972
Tới làm việc ở Ban chỉ huy Mặt trận Tiền phương.
Tại đây, các bộ phận đều ở theo kiểu dã chiến - dựng khung, dăng tăng chứ không lợp lá, che dừng. Anh Ba, anh Lợi cũng ở như vậy. Tuy nhiên, vệ binh đã đào cho hai anh những căn hầm rất rộng, chắc chắn để chống phi pháo, có thể ngủ và làm việc dưới đó được.
Đủ các bộ phận phục vụ cho bộ não của chiến dịch: tham mưu, chính trị, đài 15 Wat, đài 2 Wat, K.63, cơ yếu, liên lạc, vệ binh... mỗi người đều bận túi bụi với công việc của mình.
Mỗi ngày giao ban 3 lần nên nắm tình hình rất chắc. Bao giờ cũng vậy, tới giờ giao ban là một tấm bản đồ quân sự lớn có đánh dấu sẵn được trải ra trên chiếc bàn lớn giữa nhà. Mọi người ngồi quây xung quanh, theo dõi. Một đồng chí phụ trách bộ phận "đài kỹ thuật" (đài theo dõi đài địch) đứng báo cáo tình hình địch qua theo dõi báo cáo của chúng: các vị trí đóng quân, hoạt động của địch, địch phát hiện ta. Rồi đến phần văn phòng báo cáo tình hình ta qua tin của địa phương. Rồi anh Lợi khái quát lại tình hình, nhận xét và ra chỉ thị. Anh là Thường vụ Khu ủy, còn có tên là Bảy râu. Anh cao to, râu quai nón lúc nào cũng cạo nhẵn, da hồng hào, trán hói, có giọng nói trầm trầm, chắc chắn, rất ít nói, nói rất ngắn, gọn. Anh thường ngồi chống hai tay vào cằm nhìn qua nhìn lại trên bản đồ, đôi lúc có vẻ lơ đãng nhìn lên trần nhà nhưng nắm rất chắc bản đồvà tình hình. Đôi khi báo cáo viên chỉ sai bản đồ hoặc nói lộn, anh chỉ lại, nói: "Sao còn thanh niên mà lẩm cẩm dữ vậy?". Có lúc, báo cáo viên nói 12 xe bọc thép xuống An Túc mà chỉ tuốt xuống phíadưới, anh nói: "Sao ? Sao, xuống tới gần thị xã rồi à? Đang trông nó xuống mà không được đây!". Khi chỉ thị về việc sắp tới, anh nói chậm - chậm như người đọc chính tả vậy.
Đêm 8 rạng 9-4, quân ta đã đánh Gò Loi - vị trí tiền tiêu củaHoài Ân, mở đầu cho hàng loạt trận tiến công dữ dội vào các vị tríđịch trong toàn tỉnh. Địch phản ứng rất yếu ớt. Sau 29 phút, Gò Loi
với một đại đội, ban chỉ huy liên đội Bảo an số 48 bị diệt gọn - chỉ sống sót một tên.
Anh Lợi đánh giá cao chiến thắng này. Gò Loi, từ khi Mỹ xâm lược tới nay, luôn là một vị trí tiền tiêu quan trọng của địch, nay là căn cứ tiểu đoàn địch, lực lượng địch được củng cố vững, gây tội ácdai dẳng, gom dân, kẹp quần chúng, khống chế cả một vùng từ ÂnHữu qua Ân Nghĩa. Với ta, Gò Loi là vị trí đầu cầu, làm bàn đạp để tiến công các vị trí khác. Cần kết hợp tốt điệt địch, chốt lại, tảo trừ địch, phát động quần chúng.
Những ngày sau, địch điều quân lung tung để đối phó: đưa tiểu đoàn một Cộng hoà từ Hoài Nhơn vào, bị diệt 2 đại đội, vội vàng dùng trực thăng bốc ra Thành Sơn (Hoài Châu) và điều Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 40 vào. Các đồn khác bị bộ đội, đồng bào bao vây, đã bỏ chạy.
Trong vùng địch kiểm soát ở Hoài Nhơn, chúng giới nghiêm, không cho người nhà vào thăm lính, cấm nghe đài cách mạng. Chúng mở chiến dịch "Lòng mẹ", bắt gia đình cách mạng phải tập trung học tập. Chúng phát động quần chúng viết đơn tình nguyện di dân, ai đi đầu được chúng cấp 600.000 đồng. Nhưng du kích vẫn hoạt động - du kích Tam Quan Bắc kết hợp với binh sĩ ngụy làm binh biến diệt 12 tên.
Tuy quân sự đánh mạnh, nhưng do cán bộ địa phương không xáp nên quần chúng nổi dậy kém. Ngày đầu, đồng bào còn chui xuống hầm, để bò chạy ra đồng ăn lúa... Anh Ba, anh Lợi liền phái người xuống uốn nắn. Tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ huy Mặt trận tiền phương là: Nhanh chóng phá các khu dồn, tấn công các đồn còn lại, thuần khiết nội bộ, xây dựng thôn xã chiến đấu. Liên tiếp tổ chức hội nghị cán bộ các ngành, giới của từng thôn với thời gian họp rất ngắn (từng đêm một) để hướng dẫn nhiệm vụ, cách làm việc. Không được tổ chức những cuộc họp dài ngày trong thời kỳ nổi dậy này. Với những thôn mới mở ra chưa có đảng viên, đoàn viên, thì lựa quần chúng tốt dự các cuộc họp này, hướng dẫn họ về cách phổ biến tình hình, chính sách, nhiệm vụ, phát động quần chúng, phát hiện và truy tróc tề điệp. Nhanh chóng dãn dân và tổ chức phòng
không ở những khu vực đông đảo; nơi nào chậm trễ để dân bị thiệt hại thì cấp ủy nơi đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Với những nơi địch đang bỏ trống, phải nhanh chóng xây dựng thôn xã chiến đấu. Cùng với bao vây đồn bốt phải chiếm và phá các trục giao thông, bao vậy quận lỵ. Nhanh chóng khắc phục sự chậm chạp của công tác binh vận. Những ai làm việc cho địch đều phải trình diện. Tất cả mọi người đều tham gia các tổ chức cách mạng, ra sức phục vụ, liên tục tiến công. Tổ chức ổn định đời sống nhân dân: ăn ở, sản xuất, trật tự, vệ sinh, y tế, giáo dục, đoàn kết, tương trợ nhau. Kêu gọi binh lính về với nhân dân.
Nhiều đồn địch - trong đó có đồn đồi Xã - bỏ chạy. Đó là thiếu sót của ta. Yêu cầu bây giờ là phải tiêu diệt hoặc bức hàng. Anh Baxuống Hoài Ân trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo.
Ngày 12/4/1972
Cần có những bài ghi nhanh ngắn, sôi nổi phản ánh khí thế hiện nay, tôi đi Hoài Nhơn.
Anh Lợi gặp riêng, dặn dò thêm tôi một số vấn đề. Ngoài việc đi viết, tôi còn phải truyền đạt một số ý kiến của anh cho Huyện uỷ vànắm tình hình về báo cáo cho các anh. Anh cho biết: Đêm nay sẽtổng công kích. Hoài Nhơn sẽ đánh lớn, trong đó có Đồi Mười, thị trấn Tam Quan, Trung đoàn bộ Trung đoàn 40. Khi ta đánh mạnh, địch sẽ co về giữ quận lỵ, căn cứ và các trục giao thông. Ban chỉ huy mặt trận tiền phương chỉ thị cho Hoài Nhơn: Giải phóng đại bộ phận nông thôn, tiến lên giải phóng hoàn toàn địa bàn. Tám xã phía Bắc có phong trào cao, cần phát triển xuống phía Nam. Không trông chờ các cú đấm quân sự mà phải chủ động hoạt động, từng xã chủ động tổ chức binh vận, tấn công và nổi dậy cho kịp thời cơ. Truy bắt cho hết bọn điệp ngầm. Trong 2 ngày 1 đêm phải tổ chức đào xong hầm hố chống phi pháo, rào làng chiến đấu. Ngày đêm đều cho quần chúng thanh viện, phát loa uy hiếp tinh thần địch. Huy động hàng loạt thanh niên vào việc vận chuyển lương thực lên căn cứ cách mạng. Du kích phải đứng trên đường số một, cắm biển ghi rõ "Vùng giải phóng", hoặc "Quân Giải phóng đang kiểm soát". Tôi ghi chép đầy đủ ý kiến chỉ đạo của anh Lợi và lên đường.
Trạm giao liên nằm ở một nơi thấp, bị núi chắn nên đêm nay tôi không thể nhìn xuống đồng bằng mà xem những chớp lửa tiến công của ta được.
Ngày 14/4/1972
Về tới Hoài Châu, gặp dân, lại được sống trong không khí tấn công sôi nổi và trong tình thương yêu sâu sắc. Chốt Gò Vàng đã bị diệt. Chốt Liễu An đã tháo chạy. Bởi vậy, chúng tôi xuống núi rất sớm. Nghe tiếng súng nổ ròn ở phía đường cái - du kích đang đánhbọn địch rút chạy. Đồng bào thể hiện niềm phấn khởi ra mặt, cười nói hể hả. Tuy nhiên, cán bộ thì đang lo sốt vó. Thế là để xổng mất một chốt địch rồi! Nếu cứ để tiếp tục như vậy, sau này sẽ khó khăn cho ta, nhiệm vụ khởi nghĩa của địa phương không hoàn thành.Anh Đức chạy xuôi chạy ngược, đôi khi phải hò hét nữa, để đốc thúc công việc.
Khuya, xuống Tam Quan Bắc một cách dễ dàng.
Ngày 15/4/1972
Đi tìm gặp bộ phận tiền phương của Huyện uỷ. Đang đi thì thấy từ phía thị trấn Tam Quan bùng lên một chớp lửa đỏ đậm và một tiếng nổ lớn. Tiếp đó, hàng loạt tiếng nổ hoà theo rộn rã: súngliên thanh, lựu đạn, B40... Lúc ấy là 1 giờ 10 phút. Địch hốt hoảng bắn đèn sáng rực.
Cùng với tiếng súng tiến công của quân Giải phóng, khắp nơi vang lên tiếng trống mõ, thanh la, thùng thiếc thanh viện của quần chúng.
Tiếng nổ vẫn rộn vang. Vào khoảng phút thứ 15, 20, một tiếng nổ lớn lại bùng lên, một khối lửa đỏ đậm phụt lên cao rồi khói đen, khói vàng cuồn cuộn bốc lên. Bầu trời đang được pháo sáng hắt vào tạo thành mầu trắng xanh bỗng mờ đi, chuyển thành mầu nâu sẫm. Khói bao phủ cả bầu trời thị trấn Tam Quan.
Ở một nhà, tôi thấy một bà già người nhỏ, ốm, cầm ra một miếng tôn lớn. Bà kêu: "Thanh viện đi chớ! Vả, sao không đánh đi?". Bà dùng cây đập rất mạnh vào tấm tôn. Có lúc mỏi quá, bà đặt xuống nghỉ rồi lại đánh. Một ông già đem cái chuông đồng ra ngõđánh kêu keng keng. Mọi người nói "Đem đến gần điểm đánh cho nó nghe rõ, nó sợ!" và xách dụng cụ ra ngõ đánh.
Khoảng 25 phút, trận địa im đi một lúc rồi lại rộ lên. Tiếng nổ nổi bật là tiếng mìn hoặc B40 - nổ rất to, bùng lên những khối lửa lớn. Rồi đến tiếng AK nổ đanh, gọn mà ấm. Có những tiếng đại liên xổ từng tràng dài.
Khoảng 4 giờ sáng thì cơ bản im tiếng súng. Địch phản ứngpháo rất dữ. Có 2 chiếc Đa cô ta bay cao tuốt trên trời, bật đèn đỏ lập loè, xổ ra hàng dây đạn lửa đỏ rực, rống lên ồng ộc.
Chúng tôi ra Trường Xuân để giảm bớt số người ở phía trước, đề phòng phi pháo. Trời gần sáng rồi. Vội vàng leo lên xuồng chống đi. Nước cạn quá, phải lội xuống đẩy. Lúc sâu lại leo lên chống. Người ướt mèm. Hừng đông rồi. Con sông nằm trong tầm mắt của 2 chốt địch. Súng nổ rộ khắp nơi. Chúng tôi cột thuyền, chạy lên bờ, vượt một bãi đất nữa rồi chạy dọc một mép sông. Nghe bên bờ bênkia có tiếng gọi: "Qua đây!". Chúng tôi chạy qua. Đồng bào đã chờ sẵn. Giữa sông có một chiếc thuyền nhỏ đặt một mô hình khẩu súng lớn - có lẽ để nghi binh địch.
Vào xóm Xuân Lạc. Đồng bào đang chuẩn bị nổi dậy. Một phụ nữ vác một cái giáo dài, kêu: "Mau mau đi chứ!". Có những tiếng gọi nhau, tiếng chỉ thị tập trung đại đội, trung đội... Tất cả sắp xếp vào đội ngũ để có lệnh là tiến tới vây đồn địch.
Chiều, tôi làm việc với các đồng chí trong bộ phận tiền phương của Huyện uỷ, truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ huy mặt trận tiền phương và nắm tình hình chung trong toàn huyện. Có những tin tức từ thị trấn Tam Quan báo về: Nhiều khu địch ở trong thị trấn đã bị đánh nát. Ta đánh tiêu diệt toàn bộ chi khu, đánh thiệt hại nặng quận lỵ. Diệt gọn 1 đại đội pháo Cộng hòa của tiểu đoàn 30 gồm 6 khẩu pháo. Diệt 1 đại đội Bảo an giữ chi khu. Tên
thiếu tá chi khu trưởng, 2 tên cố vấn Mỹ và tên phó quận trưởng bị chết. 2 kho đạn, 1 kho xăng bị phá huỷ. Nhiều tên Bảo an khác bịdiệt. Đồng bào xôn xao bàn tán, hả hê vui mừng trước thắng lợi của ta. Những bà mẹ, cô gái kể tội bọn ác ôn trong thị trấn cho chúng tôi nghe: đánh đập, lột quần áo, giam giữ, hạch sách...
Ngày 16/4/1972
Ở tại thôn An Thái. Mới hôm qua, đồng bào chuyển thương binh tới đây chăm sóc để chuyển về tuyến sau. Ai cũng thấy rõ sức mạnh của ta, thấy sự suy yếu của địch. Bà con so sánh sự phản ứng của chúng bây giờ đã yếu hơn trước nhiều: "Trước kia mà đánh thế thì chúng vãi bom vãi đạn vào đây. Bây giờ thì chỉ có ít quả pháo". "Trước kia mà đánh thế thì trực thăng nó chụp quân liền. Bây giờ cả ngày không có một chiếc!".
Cô Canh về báo: du kích, đồng bào đã vây chặt chốt Tân Thành, Cống Thạnh.
Đêm 15 rạng 16-4, ta cũng đánh vào khu Nhà thờ Dốc (trụ sở của Trung đoàn bộ Trung đoàn nguỵ số 40). Sáng nay địch còn bắnpháo về phía đó, có lẽ ta còn làm chủ trận địa. Đường số một đã bị cắt đứt.
Ngày 17/4/1972
Bộ đội đóng trong thôn. Anh em đều trẻ, khoẻ, chắc nịch. Sau khi đánh Tam Quan, anh em lại về phối hợp với du kích đi đánh bọn địch trài (nống ra xung quanh), đánh những đồn lẻ. Ngày nào địch cũng chết. Hôm kia, du kích bắn B40 vào chốt Công Thạnh, sập một số lô cốt, chết 6 tên. Hôm qua, du kích bắn cối vào Trung đội Dân vệ số 4 (người ta gọi là Trung đội thằng Trà, thằng ác ôn khét tiếng), chết và bị thương 6 tên. Các chốt khác cũng bị du kíchém, bia tỉa suốt. Địch rất hoảng sợ, xoay xở lung tung mong thoát chết. Chúng ra ngoài rào hoặc rúc trong bờ trong bụi mà trốn. Chúng kêu pháo, cối bắn lung tung. Sau nhiều năm im ắng, bây giờ pháo, cối lại nổ giữa thôn xóm. Một quả cối nổ trước sân bà Tịnh làm Bích bị thương.
Ngày ngày, đồng bào vẫn đi vây đồn bốt. Hai ngày đầu khí thế tốt, địch xoa dịu. ở Mỹ Lộc, đồng bào đã giật lựu đạn của một tên lính. Nhưng hôm nay thì chúng quay ra đàn áp. Hai người đã bị thương vì chúng bắn. Nhiều người bị chúng đánh.
Ở miền Bắc, giặc Mỹ cũng leo thang bằng không quân, đánh tới Hà Nội, Hải Phòng, bị ta bắn rơi 12 chiếc, có một B52.
Gần đến ngày chết, kẻ địch dãy dụa thật điên cuồng. Nhưngchúng ta quyết làm quyết liệt hơn nữa. Đồng bào nói: "Cứ đánh tới đi, đừng dừng lại, đừng để chúng quay lại giày xéo bà con!".
Tôi gặp gỡ bà con, du kích, bộ đội, lấy thêm tài liệu, viết một bài ghi nhanh như sau:
Tam Quan, những ngày đầu tấn công và nổi dậy
Đêm nay, đồng bào Tam Quan không ngủ. Mọi người ùa ra các sân nhà, leo lên các nóc hầm vui sướng nhìn về phía thị trấn đang rung chuyển trước đòn tiến công của quân Giải phóng. Hàng loạt tiếng nổ vang lên ròn rã như pháo tết. Một tiếng nổ lớn vang lên giữa thị trấn làm cho những mái nhà tôn khẽ rung lên, kêu ken két. Một cột lửa bốc cao, cuộn khói mù mịt, chuyển bầu trời thị trấn từ mầu sáng bạc qua mầu nâu sẫm. Một người đàn ông kêu lên:
-Rồi đó! Kho xăng, kho đạn nổ tung rồi đó!
Mọi người nhón gót cao lên như muốn nhìn tận mắt sự đền tội của kẻ thù. Trong niềm vui đột ngột, mọi người quên bẵng đi công việc mà mình phải làm. Lúc ấy, một bà má bỗng kêu lên:
-Ủa, im khô vầy sao? Thanh viện đi chớ!
Bà chạy vô nhà, xách ra một cái kẻng làm bằng mảnh bom, dang tay dùi gõ mạnh. Tiếng kim khí vang lên lanh lảnh. Những người khác cũng vội vàng xách thùng thiếc, chuông, trống ra gõ liên hồi. Một ông già xách cái chuông đồng vừa gõ vang vừa nói:
-Xịch ra ngoài này, gần chốt điểm, gõ cho bọn nó nghe rõ, bọn nó càng hoảng.
Mọi người đi theo ông ra sát rào, tay vẫn gõ mạnh những dụng cụ gây tiếng động. Bọn địch trong các chốt điểm quanh đó hoảng sợ bắn như vãi đạn ra tứ phía. Nhưng bao trùm lên hết thảy, rộn rã khắp xóm làng, vẫn là tiếng trống, mõ, thanh la của đồng bào, tiếng động báo hiệu những ngày nổi dậy bắt đầu.
Ở Tam Quan, chưa bao giờ bình minh lại đến bằng cái huyên náo, sôi nổi, vui hoạt như những ngày giữa tháng 4 này:
-1 giờ 10 phút, quân Giải phóng tiến đánh vào tận hang ổ địch trong thị trấn.
-1 giờ 20 phút, toàn dân thanh viện.
-Từ đó đến sáng, du kích bắn bia tỉa và bắn cả đạn cối, đạn B40 tiêu diệt bọn Bảo an.
-5 giờ sáng, các đội quân khởi nghĩa sẵn sàng lên đường bao vây đồn bốt địch.
Khi chúng tôi đến thôn Công Thạnh thì gặp mấy du kích xách súng chạy tới. Một du kích trẻ măng, dáng người chắc nịch, vác khẩu B40, vừa cười vừa khoe:
-Quả B.40 của em phá sập 1 lô cốt rồi!
Anh kéo bạn chạy tới chỗ Tì - Chính trị viên xã đội. Tì bị thương ở tay trái vào những phút đầu tiên của giờ nổ súng. Nhưng anh nhất định không chịu về tuyến sau. Tì gặp mấy du kích, truyền lệnh:
-Ngay bây giờ, các đồng chí áp sát các mục tiêu đã được phâncông. Đúng 5 giờ, bắn 5 quả cối 60 và 15 phút sau bắn 2 quả B.40 vào chốt Công Thạnh!
Chúng tôi lội qua con sông nước mặn, vào thôn Trường Xuân. Lúc này, trong thôn chỉ có một số trẻ em, người già và thấp thoáng bóng mấy phụ nữ chạy qua chạy lại. Hầu hết đồng bào ở đây đã tập trung về nơi quy định để thực hiện mệnh lệnh khởi nghĩa. Một phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi vác một cây đòn xóc nhọn hoắt chạy theo một ông già, nói gấp gáp:
-Bác về kiểm tra lại Trung đội của bác xem còn thiếu ai thì kêu gấp tới cho kịp.
Chúng tôi nhìn theo hướng chị chạy, thấy một đoàn người vác giáo, mác, gậy gộc đang đổ về phía Nam...
Chúng tôi trở lại nơi làm việc của Ban Khởi nghĩa xã. tại đây, lúc nào cũng bận tíu tít công việc. Mọi người thắp đèn làm việc cả đêm, mắt trũng sâu xuống nhưng vẫn phấn chấn lạ thường. Mới qua ba ngày tấn công và nổi dậy, tình hình đã biến chuyển khác thường. Nổi bật lên là hoạt động của du kích xã, thôn. Lúc này, lối tính nhẩm số địch do du kích diệt trở nên bất lực, vì nó luôn luôn tăng vọt. Ngay cả việc ghi vào sổ cũng không kịp, chỉ ghi được mấy trận chính:
-Trưa 15/4, du kích diệt 7 tên Bảo an tại chốt Công Thạnh.
-Ngày 16/4, du kích vây chặt đồn An Thái, đồng thời đánh tan tác trung đội Dân vệ số 4 khét tiếng gian ác. Cùng ngày, du kích phối hợp với bộ đội đánh và làm chủ phố Tân Thành, làm chủ vùng 2, vùng 3 và nhiều thôn khác.
-Chiều 16/4, du kích bắn cối 60 diệt 6 tên thuộc Trung đội Dân vệ số 4.
Bọn địch quay cuồng chống đỡ, nháo nhào trốn chạy. Lúc thì chúng chui vào lô cốt bắn vãi đạn ra tứ phía. Lúc thì chúng bỏ đồn, chui rúc trong bờ bụi để tránh đòn mật tập khủng khiếp của du kích. Nhưng, Ban Lãnh đạo khởi nghĩa đã kịp thời ra những mệnh lệnh trừng trị chúng:
-Trung đội số 4 đang dã ngoại. Điều cối 60 tới dập khi chúng qua đồng.
-Đêm nay, lũ Bảo an chốt Thiện Chánh cụm trong lô cốt, cho B40 bắn vào lô cốt trung tâm.
-Lũ Bảo an đóng ở cầu đã bỏ chốt xuống trốn dưới chân cầu. Cho một tổ vòng vào hướng Nam bắn lên.
-Tạm dừng việc bắn vào chốt Thạnh Mỹ, đưa đồng bào tới vây, có khả năng bức chúng hàng.
Anh Thưa, Trưởng ban Khởi nghĩa xã, vừa làm việc xong với cán bộ các thôn thì anh Bình, chỉ huy trưởng đơn vị X quân giảiphóng Bình Định, đến nói:
-Anh cho dân công đi chuyển đạn lớn về.Bình nhìn đồng hồ lo lắng:
-Mà lúc này khuya rồi, sợ nước lớn.Thưa cười:
-Nước lớn đã có thuyền, lo gì. Mà các anh cần bao nhiêu dân công nào?
Binh đứng dậy:
-Để tôi cho bộ đội cùng đi.Thưa níu lại:
-Khoan đã, cho anh em ăn cháo vịt rồi hãy đi. Cháo, đồng bào ủng hộ đó!
Công việc của một ngày tưởng đã hết, bỗng có người đến báo:
-Báo cáo anh có 20 dân công phía trong ra.
Thưa nhíu mày:
-Chà, dân công tải thương, tải đạn đều có đủ cả rồi. Hay là cho số này về?
Nghĩ một lát, anh lại nói:
-Đưa 20 dân công mới đến ra đào hào tác chiến tại thôn Công Thạnh.
Lát sau, tiếng cuốc đã vang lên thình thịch. Xen vào đó là tiếng những bước chân rậm rịch, hối hả. ở một xóm nào đó, tiếng gà đã gáy rộn rã. Nhưng tiếng gà không còn tác dụng báo thức nữa, bởi vì mọi người không ngủ. ở đây, ngày và đêm đã được nối liền bằng những hoạt động tấn công và nổi dậy sôi nổi của con người.
Ngày 18/4/1972
Tôi về lại Hoài Châu. Tại các thôn An Quý, Liễu An, Tuy An, ta đã làm chủ vững, ở suốt ngày. Ngày hôm nay, ta đưa gia đình binh sĩ lên đồn Hy Thế đấu tranh. Mấy ngày nay, đồng bào vẫn kéo lên vây đồn bốt địch. Hôm vây chốt Hội An, có tới 6.000 người. Hôm vây chốt Hy Thế, đồng bào đã xông vào giật súng địch nhưng chưa được.Địch bắn chết 1, bị thương 2 người. Đồng bào kéo lên hỗ trợ cho HyThế, bọn Bình Đê bắn qua làm chết 2 phụ nữ. Hôm nay, đồng bàođưa xác chết lên Bình Đê đấu tranh.
Lúa ngoài đồng đang chín vàng. Một số đồng bào tạm nghỉ đấu tranh để đi gặt, đập. Trên mấy thửa ruộng, tiếng đập lúa đã vang lên thì thụp.
Ngày 19/4/1972
Du kích bắn M.79 trúng vào một kho đạn của chốt Tân An. Bọn này vội bỏ chạy xuống chốt Hội An.
Hồi trưa, địch dùng ô tô chở quân và tre, cọc sắt xuống lăm le chốt lại Liễu An. Du kích bắn ra, chúng vội bỏ tre, cọc, lên xe chạy một mạch. Chúng gọi pháo bắn tới làm bị thương hai em nhỏ, chết một con bò.
Ngày 20/4/1972
Gần sáng, đang ngủ tại An Quý thì nghe có những tiếng nổ lớn phía đồn địch. Choàng dậy nhìn về phía ấy. Những chớp lửa vẫn liên tiếp loé lên kèm theo những tiếng nổ vang. Không thấy tiếng súng nhỏ đáp lại. Nhưng khoảng 10 phút sau, nghe những tiếng súng của địch phản ứng rất dữ. Cây đại liên nổ hàng tràng dài.Tiếng M.79 nổ "Pốc...Đùng! Pốc... Đùng!". Pháo từ Đồi 10, Nhà thờ Dốc bắn tới nổ chát chúa. Thỉnh thoảng lắm mới nghe tiếng lựu đạn.
Khoảng hơn một tiếng sau, nghe tiếng gọi người đi cángthương. Ca thương đầu tiên đã về: đó là Đức. Gần sáng bạch rồi, vộichuyển về tuyến sau. Đức được đưa về trạm sơ phẫu. Đức nằm trong võng, đắp một tấm dù mỏng, người, mặt bôi nhọ nồi đen thui. Hai vết thương ở bên sườn và đùi còn chảy máu. Cô y tá rửa vếtthương, Đức kêu:
-Nóng quá!
-Không nóng đâu, rát đấy!
-Không, nóng quá, rát tôi chịu được!
Đức cắn răng nằm im cho cô y tá rửa.
Lát sau, một cáng nữa về: Tài. Nghe có những tiếng xôn xao: "Chết rồi, chết rồi". Có một người gọi: "Chết thì để lại cấp táng, đừng khiêng đi". Tài chưa chết, chỉ lịm đi vì mệt quá - Tài đã bò từđồn địch ra tới nhà cô Đượm - đoạn đường dài khoảng 1 km.
Chờ mãi vẫn không còn người nào về nữa. 5 đồng chí kia đã hy sinh!
Được tin địch khiêng xác 5 du kích lên Đồi 10. Bọn địch thường lấy xác anh em ta, bắt gia đình chuộc 5 - 7.000 đồng mới cho đem về chôn. Ban binh vận xã cho người đi tìm cách đưa xác 5 anh em về. Xế chiều thì đã khiêng được về hết.
Lòng quặn đau khi nhìn những xác đồng chí mình đầy vết đạn, loang lổ máu. Thảo - xã đội trưởng - bị một viên đạn xuyên vào gò má bên phải. Mới cách đây ít lâu thôi, Thảo còn ngồi kể cho tôi nghe về chiến công của đội du kích xã tiêu diệt chốt An Quý, chốt cầu 99.
Đứng quanh xác đồng chí, những cô du kích khóc nức nở. Ai mà cầm lòng cho đậu khi phải vĩnh biệt những người đồng chí từng sát cánh chiến đấu với mình, từng chung vui, chung lo, nhường cơm xẻ áo cho nhau? Tôi cũng vậy. Tuy nhiên, tôi không khóc - tôi chưa hề khóc trước một cái tang nào, mặc dù những lúc ấy tôi thấy tim mình đau nhói, lòng mình quặn thắt. Có điều, tôi suy nghĩ, suy nghĩ triền miên. Suy nghĩ sâu nặng về cái sống và cái chết, về tìnhđồng chí, về công việc của mình. Đã nhiều lần tôi đi thẳng tới những nơi mà cái chết đang rình mò, lòng vẫn thanh thản và tự đặt cho mình 3 cách xử lý: một là, diệt địch để sống, hai là chạy thoát, ba là chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Những người du kích đã hy sinh, nhưng quê hương còn ghi nhớmãi chiến công của họ. Đêm ấy, họ không có B.40 vì cho xã bạn mượn - nên không diệt được lô cốt đại liên. Tuy nhiên, họ đã diệt được 6 lô cốt với 2/3 số địch trong Trung đội Bảo an đóng ở đây.
Tình hình vẫn phát triển rất thuận lợi. Ngày 19-4 quân ta đãgiải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân. ở ba xã phía Tây Bắc Hoài Nhơn này, địch rút chạy khỏi hàng loạt chốt, dồn xuống phía đông.
Du kích An Quý kết hợp với du kích xã vẫn liên tục bao vây, bia tỉa địch ở Trường Cơ bản (chốt An Quý). Bọn địch đã bổ sung một số quân về đây, đang xây lại công sự. Bốn phát M.79 của du kích bia vào diệt được 2 tên địch. Chúng kêu pháo dập tới liên hồi. Chúng tôi nhìn thấy một ngôi nhà tôn tung lên rồi tan biến đi trong khói bụi. Thiệt dẫn mấy cậu du kích chạy về, thở hào hển rồi xây
qua cười đùa ầm ĩ. Các cậu đua nhau kể lại cái nháo nhác của kẻ thù khi chúng bị bắn tỉa.
THƯ GIA ĐÌNH
Ngày 20/4/1972
Long yêu quý của me!
Hôm nay được tin anh San vào chỗ con, cả nhà viết thư thăm con, trừ có em Ngọc vắng nhà và em Việt đi bộ đội là không viết thôi. Thư trước bố gửi vào ngoài tết không biết con đã nhận được chưa, hôm nay mẹ gửi vào cho con 1 ảnh của mẹ và 4 em vì hôm tết cơ quan mẹ có đến chúc tết gia đình B+C và chụp ảnh cho gia đình để làm kỷ niệm, vì chụp trong nhà nên không đẹp lắm nhưng cũng cần gửi cho con vì là kỷ niệm. Tết, cơ quan con có đem thiếp chúc tết và kẹo bánh đến gia đình ta, như thế là tết nhà ta được 3 cơ quan biếu quà, cơ quan bố con tức là ở Bộ và cơ quan mẹ, cơ quan con. Tết đến làm cho mẹ lại càng nhớ và thương con nhiều, tết năm nay mẹ cũng buồn vì lại vắng thêm em Việt nữa, tuy nó ở Sơn Tây nhưng cũng không được về.
Em Việt đi công an võ trang đã được 7 tháng rồi và khi em đi bố đã gửi thư và ảnh bộ đội của em vào cho con rồi chả biết con cónhận được không. Đến nay em mới vào khu 4 rồi, em mới đi được 1 tuần thôi, chưa biết em ở đâu vì từ Nghệ An đến Vĩnh Linh chưa biết chỗ nào chính xác cả, mẹ đang sốt rột chờ thư của em vì hôm em đi đã có máy bay bắn phá rồi
Con ạ, nhiều khi mẹ sốt ruột quá nhưng chả biết làm thế nào.
Bây giờ mẹ kể tình hình cụ thể của gia đình cho con nghe. Nhà ta bố mới được phân phối nhà ở khu Kim Liên, nhà mới xây, nhà C11, số nhà 5, rộng 21m2, có bếp, nhà tắm, hố xí chung 4 nhà 1, vàcái mừng nhất là nhà ta đã chuyển cả hộ khẩu cả nhà lên khu ĐốngĐa và nhập vào Kim Liên rồi. Mẹ và các em cố gắng nuôi lợn năm vừa rồi cũng bán được hơn 300đ tiền lợn, nhưng nếu về Kim Liên thì lại không nuôi được nữa, mẹ chỉ định nuôi lợn khi nào con được
ra là dù to nhỏ mẹ cũng thịt để liên hoan ăn mừng nhưng chả biết bao giờ mới đến ngày ấy con ạ. Nhà ta bây giờ cứ đến tối thứ bẩy và ngày chủ nhật là quây quần đông đủ, còn ngày thường chỉ có mẹ và Diệp - Lan - Thuỷ ở nhà thôi, còn em Phúc khoảng tháng 11 dương lịch này thì em về; mẹ gửi cả ảnh của người yêu của em vào cho con, tên nó là Thành, trông người cũng được trắng và cũng tháo vát nội trợ, khâu vá cũng khá, nó cũng ngoan. Hàng tháng nó vẫn đến nhà ta thường xuyên, thấy gì thì làm như con trong nhà thôi. Có lẽ emPhúc về cũng lo cho em cho yên trí, còn việc gia đình của anh Đức thì bây giờ chưa dứt khoát.
Đấy mẹ kể qua tình hình thế để con nắm được, kỳ này mẹ định gửi cho con 100đ, nhưng vì nhà mới có, phải sắm đồ đạc cần thiết và còn lo tiền cưới vợ cho anh và cho em Phúc cho nên mẹ gửi vào cho con 50đ, con tiêu tạm vả lại mẹ thấy con nói được tăng mức sinh hoạt nên mẹ cũng an tâm. Anh San bảo mẹ không mua bút nữa là vì anh San nói là anh có cái bút Kim Tinh để làm quà cho con, kỳ này mẹ không đổi được tiền mới nhưng anh San bảo cũng được vì vào đấy sẽ đổi tiền Miền Nam cho con.
Mẹ gửi thêm cả ảnh của Việt và của bố, em Việt trông ở ngoài khoẻ hơn trong ảnh.
Dạo này giặc Mỹ lại bắt đầu leo thang ra Miền Bắc, các cơ quan đang chuẩn bị sơ tán, mẹ chưa biết bao giờ đi sơ tán.
Vừa qua, bố mẹ và tất cả các em kéo cả về Ninh Bình, quê bố, nhưng về nhà quê Phát Diệm chứ không ở thị xã, về quê chỉ còn các bác con nhà bác Tứ và các cháu thôi, đông lắm và vui lắm. Như thếlà 26 năm bố mẹ lại mới về quê, còn hè vừa rồi, bố mẹ và anh Đức lên Hà Giang, lên bà trẻ và nông trường chỗ cậu Hiếu, cụ nội vẫn khoẻ năm nay cụ 93 tuổi rồi, còn bà vẫn khoẻ. Nói chung là cả nhà vẫn khoẻ cả, cậu Hiếu đã có 3 em rồi. Cô Chung, nhà vẫn ở chỗ cũ, còn công tác thì cô đổi sang Bệnh viện E rồi, hôm nay mẹ vội quá không ra báo cho cô viết thư cho con được. Em Tiến đã về dưới này ở rồi và đã đi học lớp công nhân nguội rồi, nó to lớn lắm, cũng khám nghĩa vụ rồi, có lẽ cũng sắp đi bộ đội rồi.
Thôi mẹ viết cho con đã tương đối đầy đủ. Mẹ chỉ mong con khoẻ mạnh và giữ gìn sức khoẻ cho tốt để khi giải phóng miền Nam con được về sum họp gia đình, con cần phải cẩn thận, đừng chủ quan con ạ.
Con gửi ít thư về nhà quá làm mẹ lo lắm.
Thôi mẹ chúc con công tác tốt và cho mẹ gửi lời thăm tất cả anh em trong ấy.
Mẹ Hạnh
Hà Nội ngày 20/4/1972
Long thân yêu của bố!
Lần trước, bố đã viết thư cho con khá dài, lần này nhân có anh San vào trong đó, bố lại viết vài dòng để con biết tin gia đình. Bố đã nghe báo con viết, đọc trên đài, và đăng trên báo Quân đội nhân dân, nhất là bài "Phá đồn"được phát thanh nhiều lần. Bố cũng biếttin con đi công tác ở Bình Định, chắc là để góp phần vào việc chuẩn bị cho thắng lợi "vĩ đại" hiện nay.
Ở ngoài này công cuộc xây dựng hậu phương lớn đạt được nhiềuthành quả đáng mừng. Đời sống nhân dân được nâng cao hơn so vớihồi con ở nhà. Vừa qua Đế quốc Mỹ lại oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng,nhất là Hải Phòng. Điều này chỉ chứng tỏ Níc Xơn hoảng hốt làm liều.
Gia đình ta vẫn được bình yên. Bố mới được phân phối một phòng ở Kim Liên. Cả gia đình đều được chuyển hộ khẩu về Kim Liên (Nội thành Hà Nội).
Hiện nay gia đình vào tạm ở Mễ Trì, chỉ có Bố và anh Đức ở Kim Liên. ít ngày nữa, nếu tình hình yên hơn, mẹ và các em sẽ chuyển sau. Nếu con có dịp ra thăm gia đình, con sẽ đến khu Kim Liên.
Mẹ và các em tăng gia lợn liên tục. Anh Đức dịch thêm tài liệu và sách. Bố dịch và duyệt sách, viết bài cho một vài tập san. Thu hoạch gia đình khá hơn trước.
Thôi nhé, thư trước viết dài rồi. Chúc con mạnh khoẻ, lập nhiều thành tích mới.
Thân mến
Bố
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1972
Anh Long kính mến
Hôm nay, nhân lúc anh San bạn anh đến báo là anh ấy sắp đi vào trong chỗ anh nên em vội ngồi viết thư để hỏi thăm sức khoẻ của anh. Anh có khoẻ không, nếu khoẻ thì em cũng rất mừng.
Ở nhà, em và bố mẹ cùng anh chị vẫn khoẻ cả. Bây giờ em, chị Diệp và em Thuỷ đang chuẩn bị ôn thi để thi hết năm, nên cũng rất bận. ở nhà mình vừa bán lứa lợn rồi anh ạ, mẹ lại mua tiếp một đôi nữa anh ạ, đôi này nuôi cũng rất chóng lớn. Mẹ bảo đôi này nuôi thật to để đợi anh về là mổ lợn ăn mừng đấy anh Long ạ. Tuần vừa rồi em cùng bố và em Thuỷ lên thăm anh Việt (ở Sơn Tây) vì anh Việt cũng sắp đi vào khu bốn để công tác. Thời gian rất gấp nên anh ấy cũng chả về nhà được. Anh Việt vẫn khoẻ và béo ra rất nhiều. Hôm nọ, tàu bay địch nó cũng đến Hà Nội anh Long ạ, nhưng cả gia đình vẫn bình yên, chúng em đang đào hầm đấy anh ạ. Thôi! Em tạm dừng bút ở đây vì thư đến đây đã dài.
Cuối cùng, em chúc anh cùng các bạn anh có sức khoẻ tốt, công tác tốt và em cũng xin hứa với anh là học tập giỏi, chăm cho đôi lợn thật to, béo để khi nào anh về thì mổ để ăn nhé!
Người em ngoan của anh Phạm Thuý Lan
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1972
Long thân mến!
Nhân có người bạn Long trở lại trong ấy, anh biên mấy dòng thăm Long. Hôm nay nhẽ ra anh không về nhà, nhưng tình hình khẩn trương, anh về qua nhà xem các em có đi sơ tán đâu không?
Nhà rất mong thư em. Mỗi lần được thư, cả nhà đều mừng, nhất là bố mẹ mừng vì em vẫn khoẻ mạnh và lại có nhiều cố gắng trong công tác, trong tu dưỡng, có tiến bộ đáng kể. Cả nhà vẫn khoẻ mạnh. Phúc thực tập ở Liên Xô đến khoảng cuối năm thì về. Việt đã nhập ngũ từ tháng 9/1971, đã qua 6 tháng luyện tập, vừa rồi vì tình hình khẩn trương nên đã được lệnh vào Thanh Hoá rồi, từ đó cũng chưa được tin tức gì.
Mấy ngày hôm nay giặc Mỹ bị thua đau ở trong Nam đã điêncuồng cho máy bay đánh phá miền Bắc và cả Hà Nội nữa. Đối với anh thì ngày 16/4 vừa qua là lần đầu anh được chứng kiến trận chiến đấu của ta đấy. Giặc Mỹ đã bị trừng trị đích đáng. Tình hình vẫn căng thẳng, tất cả đều chuẩn bị tinh thần, chuẩn bị sơ tán để quyết chiến. Tổ anh có 12 chị nữ thì 10 chị có con nhỏ, từ mai sẽ bắt đầu nghỉ việc đi sơ tán đấy. Tình hình gay go, nhưng thực ra mọi người không hề lo sợ mà lại có một niềm phấn khởi lớn, vì hành động điên cuồng của giặc Mỹ chỉ nói lên thất bại nặng nề của chúng, và sự chuẩn bị của ta, như vậy cũng nói lên rõ quyết tâm của ta hứa hẹn trước những thắng lợi rất lớn trong thời gian tới. Ngày chiến thắng sẽ chẳng còn xa, em lại trở về, cả gia đình lại đoàn tụ, ngày ấy sẽ vui biết mấy.
Thôi Long nhé, anh dừng bút ở đây. Chúc em công tác ngày càng kết quả, góp sức được nhiều vào thắng lợi chung. Anh em ta sẽ gặp lại nhau trong ngày hội chiến thắng.
Anh Mạnh Đức
Ngày 21/4/1972
Đang đi trên một bãi đất trống rộng thì thấy một quả đạn khói do cối bắn đến nằm giữa đường cái, cách chúng tôi không xa. Tưởng địch bắn điểm để kêu pháo, chúng tôi vội chạy xa chỗ đó, lao thẳng về phía luỹ tre bìa làng trước mặt, kiếm chỗ núp pháo. Chợt nghe hàng tràng đại liên nổ thẳng vào mình. Chúng tôi vội bật qua phải, chạy ngược về thôn Tân An. Tiếng súng nổ như bắp rang điên loạn: "Tốc... Tốc... Tốc... Tốc... Chíu... Chíu... Tốc..." Phần lớn đạn đi vọt qua đầu chúng tôi. Một quả M.79 rơi cách tôi chừng 2 mét, tung cát lên. Quái lạ, sao không thấy mảnh nào văng vào tôi cả. Bãi đất quá rộng, chạy muốn đứt hơi. Mãi đến khi chúng tôi chạy lọt vào xóm, tiếng súng mới dứt. Bác Tá mệt quá, vấp cái hè nhà ngã xóng xoài. Chúng tôi nằm dài trên giường, vừa tức vừa buồn cười. Thật tụi lính ngu như bò, đến giờ này rồi mà còn cầm súng theo giặc, còn ngoan cố bắn bừa bãi. Nhưng bọn mày bắn cũng dở ẹc. Nằm một lúc, nghe pháo nổ ùng oàng phía trong xóm. Có lẽ bọn địch đoán chúng tôi đã chạy tới đó nên kêu pháo bắn chặn. Sau loạt pháo, chúng tôi ra ngõ nhìn qua bãi trống. Phía xóm nhà bên kia, có những tốp lính mang ba lô đi vào cấm. Chúng đi vào lại đi ra, quanh quẩn 3, 4 vòng. Có một mũi tiến vào cấm, đi về phía xóm chúng tôi ở. Chúng tôi chào gia đình, đi lên giữa xóm. Nghỉ một lúc lâu, nghe một chị phụ nữ kêu: "Ai mặc đồ xanh đi ngoài kia kìa". Tôi nhìn thấy ngoài rào cách nhà này mấy chục mét có một thằng lính cõng ba lô đi ngang qua. Lại rủ nhau chạy ngược lên Thành Sơn.
Đồng bào cho biết chính bọn này hồi trưa kéo lên Liễu An bị du kích bắn chết 2 tên. Mấy cậu du kích xách súng rượt bọn địch đông gấp mấy mình chạy tán loạn trên đồng, rượt tuốt tới đập nước.
Có lẽ địch muốn chốt lại Liễu An. Xã triệu du kích các thôn về bàn kế hoạch trị chúng.
Ngày 25/4/1972
Về làm việc tại căn cứ của Xã ủy. Nhận được Chỉ lệnh của Tỉnh:
-Các gia đình quanh thị trấn về nông thôn.
-Đào hầm hào.
-Sắp tới có xe tăng của ta, chú ý tránh lầm với xe tăng địch.
Xã ủy họp gấp nghe sơ kết 10 ngày đầu của chiến dịch A1:
-Diệt, bức rút, bức hàng 42 chốt của địch.
-Trung đoàn 40 ngụy đại bộ phận bị diệt. Địch điều về TamQuan 1 Liên đội Bảo an. Địch co cụm trong các chốt, phản ứng chủ yếu dùng cối, pháo bắn. Bọn Bảo an, Dân vệ chưa bị diệt gọn nhiều nên còn hung hăng, bị lừa bịp, thúc ép giữ chốt. Ngụy quyền: một số bị diệt, bị bắt, một số trốn sâu trong quận lỵ.
-Ta: Các thứ quân đều đồng loạt nổ súng. Quần chúng bao vâynhiều chốt điểm. Khá nhất là phía Đông - Nam, trong đó xã Hoài Hương đồng bào tước được súng địch, giải phóng toàn bộ địa bàn. Bộ đội chủ lực khi tiến công mới diệt được sinh lực địch nhưng chưa làm chủ được trận địa, chưa đánh ban ngày, thương vong nhiều. Bộ đội huyện diệt chưa gọn mục tiêu. Du kích xã, thôn: có lúc sử dụng còn lãng phí lực lượng, bổ sung quân chậm. Nổi dậy chưa liên tục, chưa thực hiện đầy đủ mục tiêu là bức hàng mà đại bộ phận là bức rút các chốt địch.
-Nguyên nhân: Cấp ủy còn đánh giá địch cao, chưa thấy hết khả năng của quần chúng và sự tan rã mau chóng của địch, sự phát triển mau chóng của tình hình. Xuất hiện tư tưởng thỏa mãn, mệt mỏi, ỷ lại lực lượng trên. ý thức tổ chức, kỷ luật còn lỏng lẻo.
Huyện ủy chỉ đạo như sau:
-Quân sự: Đánh liên tục vào các mục tiêu và chống phản kích. Diệt ác. Xây dựng làng chiến đấu. Xây dựng đội ngũ dân quân.
-Quần chúng: Nổi dậy, dứt điểm từng xã một. Tước súng, phá đồn địch. Khi đã giải phóng được xã rồi thì cho 2/3 lực lượng sanghỗ trợ xã bạn. Đảm bảo chỉ tiêu đi dân công, thanh niên tòng quân (Dân công lúc nào cũng phải sẵn sàng - dân công dài hạn đi 2 tháng, ngày 27 tháng 4 phải có mặt, dân công thường trực ngày 30 có người nhận). Tiến hành thu nghĩa vụ lương thực trong 10 ngày, sau đó mua; Cấm chuyển gạo ra vùng địch.
-Binh vận: Chỉ thị cho các binh sĩ đã theo cách mạng hành động ngay. Phá rã các lực lượng quân sự phụ trợ.
Anh Đức phổ biến tinh thần chỉ đạo nói trên cho cán bộ xã và các thôn và mọi người nhanh chóng tỏa về địa bàn của mình để triển khai thực hiện.
Tôi hiểu rằng tình hình còn căng thẳng và quyết liệt nhưng trận bão tấn công và nổi dậy sẽ không kẻ địch nào ngăn chặn nổi.
Ngày 27/4/1972
Bọn lính đóng ở chốt An Quý đã bỏ chạy. Khi chúng tôi đến, đồng bào đã san xong các lô cốt, đang vác cây về. Gặp một bà già người gầy, má hóp vác tới 2 cây lớn. Bà nói: "Tôi mừng quá, vác 2 cây". Bà con đang rũ các bao công sự đổ cát ra, san lấp các chiến hào, dỡ rào thép gai chuyển đi rào làng chiến đấu. Mấy cô gái chỉ vào một cái tủ sắt lớn, nói:
-Bữa trước lũ nó bắt chúng em nhốt trong đó, nóng muốn chết. Các cô phá banh cửa tủ, lật nhào nó xuống.
Ông già Mường mời bằng được chúng tôi về nhà ăn cơm. Ông cho biết ông có 4 người con, trong đó có một con gái đã hy sinh vànhà ông đã cháy 9 lần. Ông nói, hồi trước có lần ông phải đi moi mót từng củ sắn sượng mà nuôi con và bộ đội. Còn bây giờ, lúa rất nhiều, ông muốn 5, 7 bộ đội về ở nhà để ông nuôi.
Anh ông Mường khoe năm nay hoa sen nở nhiều. Ông Mường là trưởng xóm 3. Hồi trưa, tôi thấy ông tới hỏi anh Mai: "Số cây lớn để
tập trung lại chỗ anh?" và chạy đi hô hào đồng bào vác cây dồn vào một đống.
Ngày 28/4/1972
Hôm nay đồng bào đi vây đồn Quy Thuận. Tôi đi với đoàn củaHoài Sơn và Bình Đê. Tôi đem theo máy ảnh, muốn ghi cho được những hình ảnh về nổi dậy của đồng bào, đồng thời muốn đi cùng đồng bào để có tư liệu sống, viết cho chân thực và sinh động. Khá đông. Có cờ, băng rầm rộ. Khi đoàn đến gần chốt thì địch bắn cối 60 tới. Tôi đang đứng bên đường, vừa nói: "Bà con bình tĩnh, đừng chạy tản mát" thì nghe một tiếng nổ bụp. Nằm vội xuống, thấy bên kia đường cát bụi bay mù mịt. Tai ù lên. Quả cối chỉ nổ cách tôi 5, 6 mét nhưng nhờ nó nổ dưới lề đường nên tôi vô sự. Tình hình căng quá, phải tạm lui đội quân chính trị để đưa đội quân quân sự đến trấn áp bọn trong đồn.
Ngày 29/4/1972
Nhận được lệnh về tiếp quản Bồng Sơn. Đi qua Hoài Hảo được biết đồng bào đang vây chặt đồn Mỹ Bình. Số đông đã vào được chốt. Lãnh đạo khéo có thể bốc hàng (tức là vận động được bọn địch đầu hàng).
Qua Hoài Thanh được biết có một Trung đội Dân vệ đã cầm súng về tập thể và một số khác khoảng 2 Trung đội về lẻ tẻ.
Pháo biển bắn vu vơ dọc đường, tiếng nổ rền hơn pháo đất.
Quân ta vây chặt khu Nhà thờ dốc và lệnh cho địch 48 giờ sau phải đầu hàng. Chúng tôi đi gần nơi ấy, thấy điện vẫn sáng. Trên trời, một chiếc đa cô ta bay lượn dai dẳng, thả đèn dù liên tục và liên tiếp bắn xuống hàng dây đạn quanh cứ điểm.
Gặp anh Vân, Thường vụ Tỉnh ủy, được biết tình hình toàn huyện Hoài Nhơn từ đêm mở màn (12 tháng 4) đến nay như sau:
+ 10 ngày đầu: Đêm 12 tháng 4, bộ đội chủ lực đánh bọn Bảo an ở chốt Gò Vàng ( Hoài Châu) nhưng không gọn, đánh thiệt hại
nặng 2 trung đội Bảo an, diệt 22 tên, làm bị thương 17 tên. Đêm 14 rạng 15 và đêm 15 rạng 16 đánh vào các vị trí then chốt như TamQuan, Đệ Đức. Tại Tam Quan, ta đánh thiệt hại nặng 1 đại độipháo binh, 1 đại đội Bảo an, tiêu diệt 80 tên. Đã tấn công 1 phần 5số vị trí địch; riêng tại Đệ Đức, ta diệt 200 tên. Bộ đội địa phương diệt dược 1 chốt là đồi Giang Quang. Du kích xã chưa đánh chốt nào. Về nổi dậy, 10 xã phía Bắc đã họp quần chúng, phát lệnh khởi nghĩa, làm lễ ra quân ở 50 thôn. Ngày 13, quần chúng đã ra quân, bao vây 86 chốt và 5 trung đội địch trài ra ở các thôn xóm. 6 xã phíaNam, vùng địch kẹp chặt hơn, đồng bào cũng vây chốt Đồi Thường,Phú An và các thôn có bọn địch trài. ở Đồi Thường, 7 trung đội Bảo an, Dân vệ ngoan cố dùng mù cay, đạn thẳng phản ứng, nhưng đồng bào kiên trì bao vây, binh vận suốt 2 ngày đêm, cuối cùng bọn địch phải chạy qua chốt Kim Giao; quần chúng san bằng đồn, thu chiến lợi phẩm. Quần chúng tấn công bọn địch ở Diêu Quang, chúng gọi pháo bắn bừa bãi, làm chết 3, bị thương 1 người. Quần chúng vác xác người hi sinh, xông tới, cho đạn vào lon, đốt quăng vào đồn, đạn nổ, địch tưởng là bị pháo kích, cuối cùng, chúng phải bỏ chạy. Tới 22 tháng 4, đã bức rút, san bằng 39 chốt và 4 điểm thôn trài.
+ Những ngày tiếp theo: Ngày 25 tháng 4, bộ đội chủ lực diệt gọn 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn 41 chủ lực ngụy. Tới sáng 27, ta đã làm chủ đầu cầu nam Bồng Sơn. Chiều 27, một bộ phận quân ta đánh thọc từ phía Bắc xuống. Các đơn vị chủ lực đã ém sát các thônquanh Bồng Sơn: Trung Lương, Thiết Đính, An Bình, Đệ Đức. Chiều 28, nổ súng tấn công một số đơn vị địch, như đồn Quân cảnh,Đại đội Bảo An ở An Tây. Ngày 29, các mũi tiến rất nhanh, nổ súnglùa địch chạy như vịt, có một số chạy về Đệ Đức, Tam Quan. Bọn ở đồn Quân cảnh, chi Công an ngoan cố đánh trả, bị ta tiêu diệt. Ta phong tỏa tất cả các địa bàn phụ cận, bọn địch chạy ra tên nào bị bắt tên nấy. Trong khi đó, đồng bào ở Bồng Sơn đình công, bãi thị, đồng bào các xã xung quanh dấu thuyền, không cho bọn địch dùng để tháo thân. Quần chúng phía Tây ém xuống, phía Bắc ém lên đường số một, chặt đứt giao thông của địch. Từng xã chịu trách nhiệm làm chủ từng đoạn đường chạy qua xã mình, không cho địch sử dụng.
17 giờ ngày 29 tháng 4, ta giải phóng Bồng Sơn.
Ngày 30/4/1972
Có điện của anh Ba: Phải tổ chức trong quần chúng những đội cứu lính, dẫn lính, xáp vô các chốt dẫn lính ngụy về với cách mạng.
Không khí ngoại vi thị trấn Bồng Sơn đã khiến tôi náo nức. Bộ đội đào hầm dọc đường. Du kích cưỡi Honda ra vào thị trấn. Một toán tề, lính bị trói tay giải ra, nối nhau thành một dây dài. Số này còn rất trẻ, khoẻ.
Chiều, tôi nhờ người chở Honda vào thị trấn. Đầu thị trấn có một trạm kiểm soát người ra vào. Có nhiều người cưỡi Honda, xe đạp, gồng gánh sơ tán về Mỹ Thành.
Thị trấn là một dãy phố dài nằm dọc 2 bên đường số một. Nói chung, lúc này còn thưa thớt người -phần lớn đã sơ tán khi cuộc chiến xảy ra.
Gặp một xác lính nguỵ nằm ngửa bên hè. Xa đó một chút có một xác chết mặc quần áo thường dân, nằm úp mặt giữa ngã ba đường. Anh em bộ đội cho biết đó là tên thiếu uý đại đội trưởng đại đội cảnh sát quận Hoài Nhơn. Khi bị bắt, nó đập đầu vào tường tự sát. Lúc này, máu còn chảy xuống đường. Gặp một xác lính nguỵ khác ở một hè phố. Tên này mang một bao đồ nhỏ, ngã úp mặt xuống rãnh. Có lẽ nó muốn chạy trốn nhưng không thoát.
Cờ của ta được treo trước một ngôi nhà. Đó là nơi làm việc của Uỷ ban Nhân dân cách mạng thị trấn. Một lá cờ khác nhỏ hơn được treo trước Chi thông tin quận. Chi cảnh sát ngổn ngang ảnh, tài liệu. Một chiếc xe gíp cháy còn bốc khói. Tôi vòng ra sau nhà, thấycó 2 hầm dài địch dùng để ngủ. Đồ đạc, màn vải... vứt bừa bãi. Những bao súng vứt lung tung.
Gặp 2 thanh niên bị thương nhẹ. Họ nói họ là Dân vệ, bị thương vì pháo, đã ra trình diện với cách mạng. Một người khác dẫn chúng tôi đi tiếp quản Chi thông tin. Anh ta nói anh ta làm nhân viên kỹ thuật của Chi này, cũng đã trình diện với cách mạng.
Ba tên khác hỏi thăm nơi đến trình diện. Một tên mặt to, daláng bóng. Đồng bào cho biết đó là tên thiếu uý cảnh sát rất gian ác.
Bắt về 3 tên nữa. Một tên có bộ ria mép con kiến, bị còng.Chúng nói chúng là dân thường. Đồng bào báo chúng là cảnh sát. Chúng tôi giải thích: "Bây giờ chưa rõ, chúng tôi tạm giữ các anh, để kiểm tra sau. Nếu các anh là dân thường, các anh sẽ được thả".
Phía cầu, có một số bộ đội gác. Dây thép gai dăng ra một phần đường, chỉ để một lối đi nhỏ.
Tôi đi nhờ một xe lam. Xe này chạy tới nhà thương chở thương. ở đây còn một số người bị thương, địch không chuyển đi. Người ta khiêng ra một thanh niên. Một người đàn ông nói: "Nhờ Cách mạng cứu mới sống đây". Xe vội vàng chuyển bánh về phía Long Mỹ vùng giải phóng -chở người bị thương về nơi cứu chữa.
Tôi ở tại ấp Thiết Đính. Ông già chủ nhà có một con trai đi Dân vệ, một con trai và một con dâu chạy lạc. Còn vợ ông và 4 đứa connhỏ mới đi sơ tán về. Ông hỏi tôi: "Lá cờ này trót vẽ, bây giờ xoá đichứ?". Tôi gật đầu. Ông lấy xẻng nạo tường cho tróc nước sơn vẽ lá cờ nguỵ đi.
Hồi chiều, vào một nhà gặp mấy bộ đội đang ngồi uống nước.Đồ đạc trong nhà còn nguyên vẹn. Mấy anh nói:
-Chúng tôi chiếm khu phố này ngay từ đầu. Ngôi nhà này chúng tôi ở suốt nên đồ đạc không bị phá phách.
Trên đường phố, có những thanh niên khoác súng, đeo băng đỏ: "Trật tự viên" đi lại. Một Honda chở 2 người vừa đi vừa gọi loa: "Lệnh không ai được lục lọi, phá phách các nhà". Một xe lam của thông tin chạy trên đường phố gọi loa binh vận, loan tin chiến thắng.
Ngày 1/5/1972
Con trai ông già chủ nhà tôi ở đã về. Cả nhà đều vui mừng. Anh ta có lẽ đã quen sống với bộ đội qua mấy ngày được dẫn đi nên đối xử với chúng tôi khá tự nhiên. Anh ta nói tên Trung đội trưởng ngăn anh ta đã bị anh ta bắn cho một băng đạn, gục trước cửa hầm.
Ngay buổi chiều, anh Ngô - anh lính dân vệ mới trở về - xoay trần ra mà làm thịt vịt liên hoan. Ngô có vẻ thành thạo về việc nấu ăn. Còn vợ anh ta cứ chạy lăng xăng bên cạnh. Không khí gia đình vui, cảm động như bất cứ gia đình nào có người đi xa về. Vợ anh Ngô nói anh Ngô đã trốn lính suốt 4 năm - 4 năm nằm hầm - cuối cùng cũng bị bắt.
12 giờ trưa hôm nay, Tam Quan đã được giải phóng.
Ngày 2 đến 3/5/1972
Bộ đội tiếp tục tảo trừ. Nhiều nơi còn địch lẩn trốn. Nhà thuốc Vinh - nhà của tên đại uý kiêm tư bản - không biết vì cớ gì đó cháy đùng đùng, nổ bôm bốp. Vẫn còn những người tay đùm tay mang chạy tất tưởi trên đường. ở nơi đón tiếp ngụy quân, ngụy quyền, tiếp tục có những người làm cho địch đến trình diện. Nhiều tên thực thà khai báo - trong đó có ấp trưởng Hoài Mỹ - đã được thả tại chỗ. Suối 2 ngày nay, số người trình diện về nườm nượp, ghi không kịp nữa.
Trưa 2 tháng 5, ta làm chủ căn cứ Đệ Đức. Chiều, bọn tàn binh tập hợp nhau lại được 2 tiểu đoàn, dắt díu nhau chạy về phía Hoài Xuân. Anh Sơn - cán bộ Tỉnh đội - chỉ huy bộ đội địa phương chặn bọn chúng lại. Chúng chạy thành từng tốp, vừa chạy vừa giơ tay đầu hàng, nhưng nếu thấy ít bộ đội thì chúng bắn trả và chạy tiếp, thấy nhiều bộ đội thì mới hàng thật. Chúng bắn anh Sơn hy sinh. Du kích diệt một số, bọn còn lại chạy về Hoài Hương. Lập tức, tatrang bị súng cho cán bộ và quần chúng. Đồng bào các xã Hoài Hương, Hoài Thanh, Tam Quan Nam chặn đánh địch suốt đêm, mỗi xã diệt trên 30 tên địch. Tuy nhiên, bọn tề điệp vẫn còn có tên ngoan cố, dùng thuyền chở 6 chuyến giúp bọn tàn binh ngụy chạy trốn.
Gặp một số binh lính của Trung đoàn 40 nguỵ đóng tại căn cứcủa trung đoàn ở Đệ Đức ra hàng. Họ mặc quần áo thường dân. Họ cho biết hầu hết lính đều muốn ra hàng nhưng bị bọn chỉ huy o ép rất dữ, rào lại, gài lựu đạn, mìn ở cửa, cấm không cho ra ngoài. Trong khi đó pháo của ta bắn tới rất dữ dội - tối qua, sáng nay pháo đã làm nổ tung kho xăng, đạn. Ngồi tại đây, tôi nghe rất rõ tiếng pháo ta đề pa, bay đi vun vút, nổ ùng ùng ở căn cứ địch.
Chừng 4 giờ chiều 2/5, có 3 chiếc khu trục và một chiếc L.19 quần lượn ở bầu trời thị trấn Bồng Sơn. Tôi phóng xe lao về phíaThiết Đính thì nghe bom rơi xoèn xoẹt. Xuống xe, nằm xuống, nghe bom nổ rền trước mặt, cách vài trăm mét, khói bụi tung lên mù mịt. Chưa kịp tìm thấy hầm hố đã nghe máy bay lao xuống. Bom lại nổ trước mặt. Tôi nhìn rõ cùng với khói, bụi, các mảnh tôn, bìa, gạch ngói bay tung lên như bươm bướm. Mảnh bom rơi rào rào. Lợi dụng lúc máy bay quần lượn, tôi lên xe phóng về phía đường số một, quặt ra Tam Quan. Lát sau, thấy một ông già đứng ngoài cửa, tôi hỏi:
-Có hầm không?
-Có!
Tôi xuống xe, dắt xe vào nhà và chui vào hầm. Chỉ nghe một tiếng "thịch", và thấy đất rung chuyển. Sau đó, chỉ nghe máy bay bay lượn trên cao. Ra đường nhìn, thấy bầu trời đầy những tàn lửa đen thui bay chấp chới. Một ngôi nhà bên đường cách nhà chúng tôi mấy chục mét đang cháy rừng rực, nổ đùng đùng. Lá, gạch phủ đầy đường. Có nhiều người dân kêu khóc, chạy về phía chúng tôi. Tôi chạy tới một ngôi nhà sập, thấy một phụ nữ mình đỏ máu, bồng một đứa nhỏ, kêu:
-Cứu con tôi với.
Một thằng nhỏ chừng 6, 7 tuổi khóc, níu lấy tôi:
-Chú ơi, chú cứu em cháu dưới hầm với!
Tôi tới hầm, thấy một em trai 3, 4 tuổi bị thương ở trán đang khóc. Chui xuống bế nó lên. Nó ôm chặt lấy tôi, nín khóc, một mắt
bị dính đầy máu. Chúng tôi chạy ra xa nơi nhà sập. Tôi lấy băng, xé đôi, băng cho chị phụ nữ và thằng nhỏ. Còn đứa bé bế trên tay bịthương nhẹ vào sườn, không có băng để băng. Đứa bé mặt xanh mét, nằm im, không khóc. Chỉ có mẹ nó và thằng anh 6, 7 tuổi là khóc. Tôi cố an ủi cho họ nín. áo tôi dính đầy máu.
Trở về. Qua ngôi nhà cháy. Trước ngôi nhà, một xe lam cháy rụi. Trong thùng xe, một xác đàn ông cháy đen.
Một phụ nữ bị thương nhờ tôi chở đi. Đi ra xa thị trấn, tôi dừng lại, xin băng của anh em băng cho chị. Chị bị thương ở gần bả vai và bên hông.
Nghe tin ta đã chiếm khu Nhà thờ Dốc ( căn cứ Đệ Đức) và tin ta đã giải phóng hòan toàn tỉnh Quảng Trị.
Kẻ địch sắp đến ngày diệt vong. Nhưng như con chó điên rẫychết, chúng cắn càn. Đồng bào ra 2 bên đường đào hầm hào.
Hà Huệ, Từ Quốc Hoài, Đoàn Tử Diễn lần lượt trở về. Diễn bị một mảnh bom nhỏ làm chảy máu ngón chân cái, bị gạch rơi sưng đầu và rơi mất chiếc đồng hồ. Huệ và Diễn đều bị mất xe đạp.
Con gái và con rể ông già cũng đã về. Thế là gia đình này được đoàn tụ. Cô con gái vừa cười vừa kể những ngày chạy lạc vất vả: nằm trên nền xi măng không có chiếu, muỗi nhiều, lạnh, không có củi nấu ăn có bữa phải nhịn, pháo biển bắn vào không ngủ được... Anh con rể kể cảnh chạy lộn xộn, cảnh bọn lính chạy lộn vào để thoát thân. Anh nói:
-Chúng tôi chạy vào nhà Mỹ ảnh, đóng cửa lại. Tụi lính kêu mở cửa. Thày Chùa la: "Lạy các ông, các ông đi nơi khác không có làm chết lây chúng tôi". Chúng chĩa súng bắn vào rẹt rẹt. Thày Chùa bàn: "Nếu không mở cửa, chúng sẽ bắn chết. Thôi, mở rồi chạy". Cửa vừa bật ra, chúng tôi chạy vội ra, tụi lính ập vô. Không nhà nào dám mở cửa vì sợ tụi lính chạy vô. Chúng tôi chạy lung tung, ra tới Kim Giao.
Trong ngày 1/5, tôi thấy một ông già vứt từ trong nhà ra một đống súng, đạn, áo quần lính. Tôi hỏi:
-Có kẻ nào lẩn trốn trong nhà không?
Ông già ghé miệng qua kẽ cửa (cửa nhà vẫn đóng chặt), nói:
-Tôi có thương các ông mới đưa súng đạn ra. Nếu có kẻ nào lẩn trốn, đời nào tôi lại để im?
Trên đường phố đã có những cổng chào, những khẩu hiệu của ta.
Mấy ngày nay, địch vẫn tiếp tục oanh tạc thị trấn. Cầu dài Bồng Sơn đã bị sập một nhịp.
Trong đợt tổng tấn công và nổi dậy này, chúng ta đã phá rã 56 trung đội Phòng vệ dân sự, 30 trung đội Thanh niên chiến đấu, bắt 190 ác ôn quận, 40 ác ôn xã, 15 ác ôn quân đội (cấp úy), 15 ấp trưởng, bức hàng, tước súng 447 tên, diệt tại chỗ 23 ác ôn, thu 2.736 súng, thu nhiều đạn, bức rút 62 chốt, bức hàng, tước súng 3 chốt, phá rã 3 chốt. Tính chung cả 3 thứ quân, đã đánh 23 trận, diệt
2.263 tên địch, làm bị thương 1.708 tên, bắt và diệt 550 tên ác ôn, diệt gọn ban chỉ chuy Trung đoàn bộ trung đoàn 40 chủ lực ngụy cùng nhiều đơn vị khác, phá hủy và thu hàng nghìn khẩu súng các loại. Về nổi dậy, chỉ từ 25 tháng 4 đến 2 tháng 5, quần chúng đã bắt 500 tên ác ôn, có 190 tên cấp quận, gọi hàng 800 tên, bắt 180 tên tàn quân, tước 500 khẩu súng. Trong thành tích diệt địch và tước súng, một nửa là của quần chúng và một nửa thuộc các lực lượng vũ trang. Toàn bộ hệ thống ngụy quyền xã, thôn đã tan rã và ra trình diện với chính quyền cách mạng. Trong khi đó, tỉnh và huyện đều chú ý chỉ đạo xây dựng vùng giải phóng: thu mua được trên 150 tấn gạo, huy động gần 2.000 lượt người đi dân công, bổ sung cho tỉnh một đại đội bộ binh, huy động được 377 thanh niên đi bộ đội chủ lực, bổ sung cho bộ đội địa phương 338 chiến sĩ. Các xã Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Xuân, Hoài Sơn, HoàiThanh, Hoài Mỹ, Hoài Đức, Bồng Sơn, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, mỗi xã đều có 2 trung đội du kích xã. Trong 83 thôn của
huyện có 80 trung đội và 20 tiểu đội du kích thôn, với 2.800 chiến sĩ. Phát triển được gần 10 nghìn hội viên các hội nông hội, phụ nữ, công đoàn, thanh niên, thiếu niên.
Ngày 4/5/1972
Sáng sớm, chúng tôi đi Tam Quan. Con đường số một vẫn nườm nượp người và xe cộ. Qua trụ sở Trung đoàn 40. Khu vực này rất rộng. Nằm sát đường có lẽ là khu gia binh. Bom đạn cày tung lên tất cả. Tất cả biến thành tro bụi. Còn nhiều đám cháy nghi ngút. Còn nhiều xác nguỵ nằm ngổn ngang. Người gồng gánh, xe cộ chen nhau mà đi tản cư. Suốt mầy ngày nay, máy bay thi nhau oanh tạc khu vực này.
Tuy giải phóng sau, Tam Quan vẫn có nhịp sống sôi nổi và đĩnh đạc hơn ở Bồng Sơn. ở Bồng Sơn còn có vẻ gì đó hơi ngơ ngác, sợ sệt.Còn ở đây, người ta hớn hở, cởi mở, vui ra mặt. Điều nổi bật là dọc phố có rất nhiều băng lớn với những dòng chữ:
-Hoan nghênh quân giải phóng đánh mạnh thắng to.
-Nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ chính quyền cách mạng.
-Toàn dân kiên quyết giữ vững vùng giải phóng.
Các nhà đều treo cờ, các tường đều dày đặc khẩu hiệu. Người ta vẫn giữ nhịp sống bình thường: sửa đồng hồ, bán giải khát, chữa xe. Bên cạnh đó, có cái mới: nắn nót viết khẩu hiệu, bản tin, hì hục đào hố cá nhân dọc đường. Một số thanh niên biết lái xe thì hăm hở ra lái xe lam, xe Zép, GMC tới dốc thu chiến lợi phẩm cho bộ đội. Hảo con trai nhà ảnh Kim Môn - kể rằng tại đó còn rất nhiều đồ dùng quân sự: xe tăng, pháo, máy bay, lương thực, thực phẩm... Một quả bom xăng nổ giữa đường, cách xe cậu ta chừng vài mét, phụt lửa lên. Nếu là bom mảnh chắc đã chết - cậu ta cười, bảo vậy.
Tôi vào một nhà. Nhà có 2 vợ chồng và mấy đứa con. Hai vợ chồng ngoài 40 tuổi, khá cởi mở. Họ nói, một nửa gia đình họ ở miềnBắc. Ông chồng kể: "Bữa ấy, 8 giờ sáng chúng rút, bắn lọan xạ mà
chạy. Mọi người đều đóng cửa chặt, nằm trong nhà. Tôi đứng trên bàn ghé mắt qua khe tường, thấy chúng xô nhau chạy. Tiếc quá, nếu bộ đội tới sớm, chắc chúng không chạy thoát. Một số du kích chặn chúng nhưng không nổi. Có chừng một Trung đội chủ lực là diệt gọn bọn này". Bà vợ cãi: "Chỉ cần một Tiểu đội thôi!".
Ông già chủ nhà tôi ở đã ngoài 70. Ông nói: "Bữa ấy uổng quá, tôi không kịp lấy khẩu súng ngắn của thằng lính. Nó chết ngoài đường. Tôi bò ra, gần tới nơi thì phải quay vô vì có hai thằng lính dìu một thằng khác tới. Hai thằng lượm mất. Lên tới quận, chúng cũng chết".
Ngày 6/5/1972
Tới Đệ Đức, căn cứ của Trung đoàn 40 thuộc sư đoàn 22 quân chủ lực nguỵ. Khu vực này rộng hàng mấy cây số vuông, trọc lốc cây cối, nát nhừ gạch ngói vì bom, đạn. Trên đường đi vào "Trại Bắc Tiến", không thể nào không bịt mũi và vẫn không thể nào cản được mùi hôi thối khăn khẳn xộc vào mũi - có nhiều xác lính chết rập dưới các đống tôn, gạch. Gặp mấy bộ đội. Họ đòi bằng được chúng tôi chụp ảnh cho để kỷ niệm những ngày vinh quang này. Rồi họ nói:
-Các đồng chí làm gì thì làm cho nhanh rồi về sơm sớm kẻo máy bay sẽ tới ném bom đấy.
Đi trên những con đường trải nhựa rộng thênh thang, lỗ chỗ những vết đạn pháo. Gặp hai chiếc xe tăng còn nguyên vẹn nằm im lìm bên trận địa pháo. Thấy 2 khẩu pháo 105, một khẩu đã xẹp lốp,gục nòng xuống và một khẩu còn nguyên vẹn. Đạn pháo rất nhiều, đạn trần có, đạn để trong hòm có.
"Trại Quang Trung" cũng bị tan nát như thế. Nhiều xe Zíp, GMC cháy đen, đổ ngổn ngang. Nhiều đạn cối 60, 81 nằm lung tung. ở một căn hầm sập, tôi thấy chất đầy những hòm đạn AR15. Gần một ngôi nhà, xác một tên lính nằm chổng mông lên trời, cháy vàng như chó thui. Thỉnh thoảng còn nghe những loạt súng, những tiếng lựu đạn nổ - bộ đội tảo trừ. Rải rác trong các hầm ngầm còn địch lẩn trốn. Thỉnh thoảng có những tên chui lên đầu hàng.
Ngày 7 - 9/5/1972
Trên đường phố, đồng bào tiếp tục dựng lên những cổng chào bằng gỗ chắc chắn và kẻ khẩu hiệu bằng sơn. ở chiếc cổng chào gần quận, người ta treo cả đèn nêông. Lại được sống những ngày na ná như ở Hà Nội. Có nước đá, chè đậu xanh, có điện, có phở, có xe đủloại... Đến các hiệu may đều thấy đang bận rộn may cờ Giải phóng.
Ngày 10/5/1972
Xẩm tối, đi xe Lam về Bồng Sơn. Thêm những ngôi nhà sập vì bom. Nhiều xe lam chở đầy ắp hàng hoá hối hả chạy về Tam Quan. Có những xe Honđa cột cồng kềnh những hòm xiểng, gỗ, tôn chạy về phía Mỹ Thành.
Ngày 11 - 14/5/1972
Đi về tỉnh. Qua các vùng trắng trước đây của Hoài Ân thấy đã có những thay đổi. Có những ngôi nhà tranh sơ sài được dựng lên và những vạt đất mới phát.
Tất nhiên, trong những ngày đầu này, cuộc sống còn nhiều khó khăn. ở chân đồi Thánh Giá, khu chuồng bò lúc này trở thành khu tạm cư của một số đồng bào bị dồn trong các ấp Long Mỹ, LongKhánh... Số này trên đường về Ân Hoà, Ân Hảo dừng lại để ra đồng mót lúa, kiếm thêm lương ăn cho những ngày sắp tới - những ngày chiến đấu với sự hoang vu mà làm nên cơ đồ.
Ngày 15 - 25/5/1972
Về tới Ban Tuyên huấn tỉnh. Vùng này hồi sau Tết bị B52 thả bom làm nhà cửa hư một số - nay ta sửa lại ở.
Gặp đầy đủ bạn cùng Khu: Văn Chi, Hà Xuân Phong, Cao Duy Thảo, trừ Bùi Thị Chiến bị ngã gãy chân còn nằm ở Phù Mỹ. Gặp Bích Anh trong niềm đau thương của chị: bom B52 đã giết mất đứa con gái bé bỏng của chị - cháu Thảo, mới 4 tuổi đầu. Hôm ấy, B52 dội bom trúng khu vực Ban Tuyên Huấn ở. Có quả trúng ngay cửa hang. Người hy sinh duy nhất là cháu Thảo. Anh Mai -phó Hiệutrưởng trường Đảng - bị thương vào tay.
Anh Lợi, anh Ba dành cho chúng tôi sự đón tiếp ân cần, niềm nở và thoải mái. Riêng anh Ba dành cho tôi cả một ngày để chuyện trò, phổ biến nghị quyết mới của Khu uỷ, Tỉnh ủy và yêu cầu của công tác tư tưởng thời gian tới. Anh chỉ rõ: Sắp tới, cần phát độngquần chúng nổi dậy, tấn công về chính trị. Đặc biệt là phải chịu ác liệt, trụ lại làng cũ, đào hầm hố tránh phi pháo, ổn định đời sống, lo làm ăn. Cán bộ phải trụ bám, dũng cảm, giải quyết công việc có lý, có tình. Du kích xã, thôn cần chú ý tác phong đúng đắn trong quan hệ với nhân dân. Hướng phục vụ là nông thôn và cao trào cách mạng ở thị xã. Trước mắt, cần mở ra giành dân và làm chủ ở nông thôn, đồng thời làm chủ ở thị xã bằng cán bộ cơ sở, chuẩn bị thời cơ. Phát huy mạnh phương thức đấu tranh hợp pháp, chống bắt lính, đòi lật đổ Thiệu, vãn hồi hòa bình. Cần giải quyết tư tưởng trông chờ, ỷ lại cú đấm quân sự của bộ đội chủ lực. Chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Là Bí thư Tỉnh ủy, anh Ba có tầm nhìn xa trông rộng, lại cũng rất gần gũi cán bộ cấp dưới. Giọng nói anh êm, ấm và thái độ anh rất cởi mở. Qua làm việc với anh Ba, tôi nắm tương đối toàn diện tình hình trong tỉnh cũng như ý đồ chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy.
Tới nay, quân và dân Bình Định đã đánh quỵ một nửa quân số địch, giải phóng 25 vạn dân, với diện tích trên 1.000 km2. Lực lượng vũ trang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quần chúng nổi dậy bức hàng, bức rút 107 chốt, bắt gọn 1 trung đội dân vệ, thu vũkhí. Riêng ở Đệ Đức, quân Giải phóng bắn vào 400 quả pháo, diệt nhiều tên địch, vây chặt 3 phía nhưng để một ngõ phía núi cho gia đình binh sĩ vào vận động, dẫn dắt được 800 binh sĩ ngụy ra vùng giải phóng. Phía Nam khó khăn hơn, nhưng cũng đã giải phóng hoàn toàn 6 xã, nối liền đông bắc Bình Khê với đông và tây An Nhơn. Toàn Khu Năm làm tan rã và bắt 5.000 tên địch thì Bình Định chiếm 4.000. Toàn tỉnh tăng được 2.500 du kích; huyện An Nhơn trong suốt 6 năm qua không có du kích, nay mỗi xã đều có 1 trung đội. Thành tích nổi bật của Hoài Nhơn là nổi dậy đồng loạt, chủ động (hình thành thế bao vây 66 chốt địch trong một lúc), chỉ trong 7 ngày giải phóng xong toàn huyện (dự kiến 20 ngày), cơ bảngiữ được dân. Hoài Ân xây dựng lực lượng nhanh. Phù Mỹ, từ 20 tháng 4 trở đi khí thế khởi nghĩa lên cao. An Nhơn nổi dậy đúng
khâu then chốt, phát triển nhanh lực lượng. Thị xã Quy Nhơn, lực lượng cách mạng phối hợp với chiến trường chung, làm địch rối loạn, bị tê liệt, tên tỉnh trưởng hô hào thành lập Chiến đoàn bảo vệ Quy Nhơn nhưng không có lính. Bình Khê, quân ta bám được trong dân, dân tự giải phóng, bung về, làm chủ quê cũ. Nét nổi bật chung toàn tỉnh là giải phóng phía Bắc nhanh, chọc thủng được tuyến phòng thủ phía Nam, cắt được đường 19 trong nửa tháng. Như vậy,Bình Định đã đánh bại căn bản chương trình bình định và làm thất bại nghiêm trọng kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của địch, làm chuyển biến rõ toàn bộ cục diện chiến trường. Bọn địch đang trong tình trạng lực suy, tư tưởng thất bại chủ nghĩa lan tràn. Nguyên nhân của tình hình trên là: Sự chỉ đạo đúng đắn, chặt chẽ của Khu ủy. Toàn đảng bộ và quân dân trong tỉnh quyết tâm cao, nỗ lực lơn, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên. Có sự hỗ trợ đắc lực của cú đấm quân sự - mà vai trò nòng cốt là Nông trường 3 (quân chủ lực). Có tác động của chiến trường chung. Tổ chức chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp, linh hoạt, chuyển biến kịp, bám sát chiến trường, bám sát trọng điểm. Tuy vậy, chiến thắng chưa tương xứng với khả năng. Tổ chức tiếp thu và phát huy thành quả chậm, có mặt bị động, không đáp ứng kịp yêu cầu sau giải phóng (tiếp thu địa bàn, quản lý tù, hàng binh, truy tróc tàn quân chậm, không chặt. Chậm ổn định đời sống nhân dân vùng thị trấn, quận lỵ mới giải phóng).
Bài học mà anh Ba rút ra là: Tốc độ càng nhanh thắng lợi càng lớn. Biết lợi dụng đúng thời cơ thì nơi yếu, nơi không có bộ đội chủ lực cũng giành được thắng lợi lớn. Tập trung cho trọng điểm, chuyển nhanh điểm ra diện. Tấn công, nổi dậy liên tục - liên tục cho tới khi dứt điểm.
Anh Ba đưa ra lời nhận xét chắc nịch: Địch đang trên đà suy sụp nặng, tiến tới tan rã hoàn toàn, không có khả năng hồi phục. Tuy vậy, chúng có thể lợi dụng sơ hở của ta, đổ quân chớp nhoáng vào vùng giải phóng. Chúng sẽ rút bớt chốt, co cụm lớn, cố giữ lực lượng để khỏi bị tiêu diệt, tăng cường đàn áp phong trào cách mạng ở thành thị, tăng cường phi pháo đánh phá vùng giáp ranh, trục giao thông, vùng giải phóng, thị trấn.
Trong khi tôi ngồi chăm chú ghi, anh Ba đứng dậy, châm một điếu thuốc rồi chuyển qua vấn đề phương hướng, nhiệm vụ thờigian tới: Đẩy mạnh tốc độ tác chiến, võ trang để liên tục tiến công, liên tục nổi dậy nhằm giải phóng toàn bộ nông thôn, đưa phong trào cách mạng ở thành thị lên thành cao trào. Phải nắm vững hướng tấn công và nổi dậy. Yêu cầu cao nhất lúc này là giải phóng thị xã.Động viên cao nhất nhân tài vật lực cho tiến công và nổi dậy. Anh chỉ rõ 6 công tác phải làm như sau:
1 Quân sự: Tác chiến tập trung, diệt sinh lực địch. Xây dựnglực lượng. Đảm bảo vật chất.
2 Nổi dậy: Không phải nổi dậy từng đợt, mà liên tục, cuốn chiếu, tiến tới dứt điểm. Không chờ cú đấm quân sự. Tiếp tục truy tróc tàn quân ngụy, thuần khiết nội bộ quần chúng. Bức hàng, bức rã các lực lượng kìm kẹp của địch tại chỗ, bung dân về. Phía Nam: bao vây chặt các thị trấn, chi khu, làm chủ từng đoạn đường chiến lược. Quân sự tạo cú đấm làm đòn xeo cho quần chúng nổi dậy.Càng sâu về phía Nam càng phải chú ý khâu binh vận. Đánh tới đâu giữ tới đó. Vấn đề then chốt là phải phát động quần chúng nổi dậy.
3 Thành thị: Chuyển lên cao trào công khai cách mạng. Khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ địch.
4 Xây dựng vùng giải phóng: Biến mỗi thôn xã thành một pháo đài cách mạng. Truy tróc sạch tàn quân ngụy, trấn áp bọn phản cách mạng. Thuần khiết quần chúng. Nhanh chóng ổn định đời sống. Nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chính trị phải mạnh
-quần chúng giác ngộ cao, căm thù địch sâu sắc, có ý thức tráchnhiệm, làm chủ. Phát động quân sự hóa toàn dân. Đẩy mạnh du kích chiến tranh, tòng quân nhập ngũ; chú ý tuyến du kích venbiển. Dân công thường trực. Đón và nuôi thương binh. Đẩy mạnh sản xuất - chuẩn bị tốt cho vụ tháng 8, giải quyết tốt vấn đề ruộng đất, thu mua lương thực. Làm tốt công tác văn hóa xã hội - thực hiện nếp sống văn minh, xóa sạch tàn tích của địch.
1 Binh vận: Tấn công ra phía trước làm tan rã hàng mảng lớn lực lượng địch. Cải tạo, sử dụng tốt tù, hàng binh, không để địch bắt trở lại hàng ngũ của chúng.
1 Xây dựng Đảng: Làm cho cán bộ, chiến sĩ chuyển biến mạnh mẽ, có nhận thức phù hợp tình hình - đánh giá đúng địch, ta, thấy rõ thời cơ lớn đang tiếp tục đến. Có quyết tâm giành thắng lợi quyết định - quyết tâm cao nhất, khẩn trương nhất, triệt để nhất. Khắc phục tư tuởng chủ quan, thỏa mãn, dừng lại xả hơi, hòa bình hưởng lạc, mất cảnh giác, ỷ lại, thiếu tự tin, sợ chết.
Phải chuyển nhanh về tổ chức và tổ chức thực hiện, phải đạt 4 yêu cầu: Có niềm tin vững chắc, nhận thức, hành động nhảy vọt. Hết sức khẩn trương. Táo bạo, làm việc quy mô, tập trung. Phải nhanh chóng hình thành và phát triển bộ máy quân, dân, chính, đảng.
Anh Ba dặn tôi khi viết phải thể hiện rõ chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng, chú ý đến vấn đề dân tộc, qua đó thuyết phục về giai cấp chứ không viết trực diện vấn đề giai cấp, thể hiện đúng tinh thần hòa giải dân tộc.
Tinh thần chỉ đạo nói trên của Đảng ta đã được Tỉnh ủy Bình định quán triệt đến từng cơ sở, cán bộ chủ chốt. Hôm nay, tôi được anh Ba phổ biến riêng, thể hiện sự tin cậy và chu đáo của anh đốivới tôi, cũng thể hiện sự coi trọng của đồng chí lãnh đạo Đảng đối với công tác thông tấn - báo chí, càng làm cho tôi phải có trách nhiệm hơn đối với nghề nghiệp, đối với sự nghiệp cách mạng.
Anh Ba tiễn tôi về ban Tuyên huấn. Đi đến đỉnh đồi, nơi có những bụi sim, mua mọc lúp súp, không còn rừng cây lớn ngăn cản gió đồng bằng đang thổi về nhè nhẹ, anh Ba đưa tôi xem một chiếc quạt làm bằng một loại gỗ thơm mùi trầm. Anh cười: "Cậu hít thử coi, một mùi thơm thoát tục, mình rất thích". Tôi thầm cảm phục anh, một bộ óc lãnh đạo thật sáng suốt và một tâm hồn thật thanh bạch. Tôi cũng thầm cảm ơn anh đã giúp tôi có nhận thức mới, toàn diện, hết sức bổ ích đối với nghề làm báo.
Tôi sẽ đi vùng Đông, chuẩn bị vào Quy Nhơn.
Ngày 26, 27/5/1972
Lên đường đi vùng Đông.
Ghé lại trường "Tổng hợp" của tỉnh. Tại đây có khoảng 50 học sinh của các địa phương gửi học làm công tác tuyên huấn và mấy đội "Tuyên truyền vũ trang" của tỉnh mới đi công tác về. Hầu hết làngười của hai huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân. Phía Bắc đã được giải phóng là nguồn cung cấp nhân tài, vật lực lớn cho toàn tỉnh.
Chúng tôi lên đường vào sáng 27. Một số nữ học sinh ở lại học tiếp đứng tiễn mà khóc sướt mướt. Những người ra đi thì hăm hở, tươi roi rói. Họ gồm những đội viên tuyên truyền vũ trang, binh vận, trinh sát võ trang... Cả tỉnh đang dồn sức cho phía Nam, chovùng Đông, cho Quy Nhơn.
Những năm tháng khó khăn, vùng Đông nổi tiếng là ác liệt"Vùng Đông đi dễ, khó về", "Vùng Đông gạo trắng, nước trong. Đã đi đến đó, không mong ngày về". Nơi này dày đặc khu dồn, dầy đặcđồn bốt. Còn bây giờ, mở ra, vùng Đông có bớt sự kìm kẹp của địch, nhưng vẫn còn đầy nguy hiểm.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Vũ Đảo. Ngày 27/5/1972
Thân gửi Văn Chi, Việt Long !
Mình đã nhận được thư của Chi và Việt Long. Thư của Long có gửi kèm cả 2 mẩu chuyện. Hồi này chắc là Chi và Long có nhiều việc đáng làm lắm, giải phóng rồi, nhiều vấn đề mới nảy ra, không suy nghĩ kỹ thì búi lên đó.
Anh em lại vừa làm một chuyến hành quân nữa, đến nay căn bản làm xong chỗ ở. Tuy vậy, công việc tin tức hàng ngày vẫn bảo đảm. Mình, Chu, Lợi vào chỗ chị Văn (Văn phòng Khu uỷ) từ đầu tháng, còn lãnh đạo thì lúc anh Huấn, nay anh Phương. Công việc khá bận nên viết thư không được nhiều cho Chi và Long, thông cảm nhé.
Anh Toàn đã về tới nhà 10/5, bị sốt mất mấy ngày. Hoàng Chu đi đón hai chuyến mới hết hàng.
Anh Hà cũng đã vào 14/5 (ra đi 14/4), xin được khá nhiều hàng, nhưng chưa chuyển về nhà được vì thiếu nhân lực, anh em lại yếunhiều. Anh Bình ra Bắc chữa bệnh. Anh Hồng, Đồng đi bệnh xá từ gần hai tháng nay rồi, tình trạng sức khoẻ cũng không tiến triển bao nhiêu- Anh Hoài, Phò cũng bị teo chân hoặc tay (bác sĩ khám nói là bị vôi xương và thoái hoá).
Anh Hà về có mang thư của anh Đỗ Phượng, chị Sáu. Vì thời gian gấp rút nên anh Phượng và chị Sáu viết thư chung, thông báo một số tình hình gia đình anh em. Cơ quan có gửi chung một số thuốc bổ, bệnh, một số thuốc hút... nhưng hãy còn ngoài đầu mối, chưa mang về. Dép cao su cơ quan cũng gửi vào một ít (mình xin 9 đôi, bên Hồng Sinh xin 10 đôi nhưng vì trọng lượng trên xe hạn chế nên có 9 đôi cả 2 bộ phận). Riêng mình nhận được thư gia đình và ảnh - cơ quan chụp, anh Hà chụp mang vào.
Cơ quan điện vào cho biết có 6 đồng chí đã lên đường vào: Hồng Phấn, Thanh Tụng, Phước Huề... và 2 cô nữ cho bộ phận Hồng Sinh; có lẽ cũng sắp vào tới nơi.
Chung, Quả, Ca, Quảng thường xuyên viết thư về. Quả có điĐắc Tô. Quảng bị sốt trận kịch liệt.
Còn công việc thì Long và Chi chú ý nghiên cứu tìm hiểu những nét mới nhất thể hiện: xây dựng vùng giải phóng, sản xuất... sinh hoạt của nhân dân ở nông thôn, thành phố.
Nếu thiếu tiền thì Chi, Long mượn của cơ quan Tuyên huấn sau thanh toán. Bây giờ gửi về không bảo đảm. Khi nào có điện thì về.
Thân thương.
Ngày 28/5/1972
Lại xuống trạm giao liên ở Cát Sơn, nơi mà cách đây một năm tôi đã đi qua. Hồi ấy, tôi đến trạm lúc tối đen, và phải hưởng một
trận pháo cấp tập. Hồi này, xuống khi còn ráng chiều, vừa lúc một chiếc trực thăng bay tới, rất thấp, chỉ cao hơn mái nhà một chút, nhưng không bắn phá gì. Hồi ấy, đi qua những xóm nhà đìu hiu không một bóng người. Bây giờ, nhà vẫn như xưa và người đông đúc: đồng bào đã phá khu dồn trở về, làm ăn, buôn bán; bộ đội, cán bộ mua hàng, đi công tác.
Tới gần đường số một, ngồi chờ giao liên đón ở một đám ruộng không vào xóm vì địch có thể phục kích. Trăng sáng vằng vặc. Mong có mây đến che cho trăng bớt sáng để vượt đường cho kín đáo. Tôi ngồi ở một bờ ruộng, ướt nước sương. Ruộng lởm chởm những gốc rạ khô gần mục. Nhìn ra đường số một, thấy phía trái có một cụm cứ điểm địch sáng lên với những pha đèn điện. Cụm này rất lớn, bao cả một khu vực từ dưới thấp lên lưng chừng núi. Từ phía đó, phát ra tiếng máy điện chạy mạnh, nghe như tiếng Honda rồ ga lên dốc. Thỉnh thoảng, cây pháo đặt trong đó lại bắn một phát, tiếng nổ mạnh làm tôi giật mình. Hình như đó là Sư bộ Sư 22 nguỵ hoặc căn cứ của bọn Pắc Chung Hy.
Gió vi vu, lành lạnh. Vẳng từ phía Nam lên tiếng kêu gì đó nghe trầm trầm, âm ấm, âm âm như tiếng kêu của một cây đàn dương cầm lớn mà hòm dây bị mở tung ra, đặt trước một trận giólớn. Lắng nghe lắm mới nhận ra đó là tiếng động cơ Đa cô ta - nơi ấy là sân bay Gò Quánh.
Gần 9 giờ, giao liên lên, phổ biến:
-Mấy hôm nay, địch kích liên tục ở đường cũ, do vậy, bữa nayphải đi đường khác. Đường này chỉ cách căn cứ địch 50 mét và cách cầu 20 mét. Khi vượt đường sắt, vượt đường số một, phải chui qua cống. Không được chạy qua mặt đường, mà phải chui qua cống. Bám sát đội hình, vượt nhanh, im lặng.
Sau khi nhấn mạnh mấy câu cuối, anh dừng lại một chút rồi dặn rất kỹ:
-Bọn lính gác cầu và trong cứ điểm hay hô tầm bậy, bắn tầmbậy. Đừng tưởng nó phát hiện ra mình mà chạy.
Bắt đầu đi hàng một, thưa.
Chạy theo một lòng suối khô thấp hơn đường tới hơn một thước, chui vào một cái cống ngầm xây bằng gạch. Cống thấp, phải lết.
Chui khỏi cống, lại theo lòng suối cạn chui vào một cống khác luồn qua đường số một. Cả hai cống đều dài tới hơn chục thước, lòng thấp, phải lết đi. May không có nước, nếu không chắc ướt hết. Tất cả đều yên tĩnh.
Vượt qua một cánh đồng. Vào rìa núi. Bầy te te đánh hơi người bay túa lên, kêu ầm ĩ. Một cứ điểm địch bắn loạn xạ. Từng dây đạn đỏ lừ vạch sáng bầu trời.
Ngày 29/5/1972
Đặt chân lên núi Bà. Cụm núi to nổi tiếng vì hồi trước (1969) cả sư đoàn Pắc Chung Hy càn quét và đã đụng độ dữ dội với quân cách mạng. Núi độc một loại cây thấp, cỏ tranh.
Nắng, nóng, mệt.
Đêm, trời tập kích một cơn mưa dữ dội làm nhiều người ướt sũng, phải trùm ni lông ngồi.
Ngày 31/5/1972
Vẫn đi trên đỉnh núi Bà. Có nơi đi cách một căn cứ Pắc Chung Hy chỉ một cánh đồng, thấy rõ tháp canh, lô cốt. Nhìn xuống thấy rõ vùng đồng An Nhơn, Phù Cát.
Đường vắt qua những tảng đá cheo leo, gập ghềnh thật khó đi.
Ngày 1/6/1972
Tới một trạm nằm tại xã Cát Chánh (Phù Cát). Sát biển rồi. Đi trên đồi trọc nhìn xuống thấy biển xanh rờn đằm thắm.
Chiều, theo trực (giao liên) về Quỳnh Tiến 2. Đi qua những cánh đồng mênh mông, hoang vu. Ruộng ở đây tốt nổi tiếng nhưngbây giờ không ai cấy trồng, cỏ mọc um tùm. Đi thẳng ra biển. Gặp lại những dấu tích cũ của một làng: nền nhà gạch, giếng nước, chum ghè bị tàn phá vì bom đạn, chìm dưới cỏ. Qua một rừng dương
dày, có nhiều cây bị pháo bắn đổ ngổn ngang, cháy đen hoặc vàng úa.
Theo dọc bờ biển. Ngoài khơi có hai chiếc tàu thuỷ lớn đậu nép vào 2 hòn đảo lớn. Sóng ì ầm. Tầm mắt được mở rộng, ngực được hít thở không khí khoáng đãng.
Cơ quan dựa vào các hang đá mà ở.
Ngày 2/6/1972
Anh Toàn, Phó bí thư Tỉnh uỷ phụ trách khu Đông, đón chúng tôi bằng sự nhiệt tình, niềm nở. Với vóc người hơi cao, nước da hồng hào, khuôn mặt vuông, trán cao, mái tóc hơi quăn tạo thành nếp gọn gàng, anh có dáng vẻ của một trí thức. Anh rất hiểu rõ tầm quan trọng của công tác báo chí. Anh rất mê chụp ảnh. Anh nói:
-Ước mơ của tôi là ra được một tờ báo cho thị xã Quy Nhơn. Tờ báo là tiếng nói, là bộ mặt của chúng ta mà. Tôi muốn các anh giúp cho thị xã ra được tờ báo.
Anh bàn thẳng vào những việc cụ thể để ra báo. Nhiệt tình của anh lôi cuốn tôi và Cao Duy Thảo vào không khí chiến đấu ở chiến trường mới một cách mau chóng.
Khu Đông nổi tiếng về muỗi. Bọc võng trở nên bất lực: mặc dù nó được phủ nắp kỹ, muỗi vẫn bò theo thành nó mà luồn vào được, mỗi đêm ít nhất có mấy chục con muỗi nhờ thủ đoạn đột kích ấy mà hút được máu người. Ngủ thiếp đi một lúc, muỗi cắn đau lại choàng dậy, nắm 2 thành bọc võng mở ra, khép lại tạo thành những luồng gió quạt chúng ra.
Ngày 4/6/1972
Ở với Tuyên Huấn thị xã, ngày ngày qua dự trực báo bên Thường vụ Thị ủy. Chúng tôi đều ngóng một tin từ Quy Nhơn ra: từ hôm qua, đã nghe đài địch nói đến một vụ nổ giữa thị xã, có đúng là vụ nổ do ta bố trí không?
7 giờ 5 phút, một phụ nữ người nhỏ nhắn bước vào phòng họp và mọi người đều ồ lên mừng rỡ. Anh Toàn nói:
-Cô đem tin phấn khởi đến cho anh em chứ, cô Kiên?
Kiên cười, bước lại ngồi ở ghế và nói luôn:
-Chà mừng quá, nổ đúng như kế hoạch. Khi tôi tới gặp anh L, anh ấy nói: "Phải đánh ngay trong sáng hôm nay vì tất cả bọn chỉhuy cao cấp của Bình Định đều tập trung họp ở Trung tâm hànhquân Bình Định". Nhưng không có kíp 4 giờ. Tôi đưa kíp 2 giờ. Anh ấy nhận, rất phấn khởi, nói: "Thôi, may rủi. Kíp 2 giờ, cấn quá nhưng ráng đánh. Có đổi bằng gì cũng phải đánh trong ngày hôm nay". 5 rưỡi sáng 2/6, anh ấy đem vào đặt giữa phòng họp dưới hầm ngầm, 7 giờ 15 nổ. Sập hết hầm, chết hết bọn nó. Cuộc họp này do tên đại tá Chức, tỉnh trưởng, chủ trì. Không biết có nó dưới ấy không nhưng từ hôm đó đến nay không thấy nó, bọn chúng đang đi kiếm. Chúng rào chặn đường không cho ai tới coi và cho 3 máy baycần cẩu tới trục hầm, lấy xác. Đợt đầu mới khiêng được 15 xác phía ngoài. Sau đó tôi đã gặp lại anh L, anh rất phấn khởi và cho biết không bị tụi nó nghi gì. Tụi nó bắt một nửa số lính bảo vệ trong khu này.
Mọi người sôi nổi bàn về ý nghĩa thắng lợi của vụ này. Tôi nhìn chị Kiên, hết sức thán phục. Chiến công này thuộc người lính nguỵ nội ứng kia một phần, nhưng phần lớn, phải dành cho người phụ nữ nhỏ nhắn, bình dị ấy. Chính chị xây dựng anh thành cơ sở, cùng anh xây dựng phương án và đưa thuốc nổ vào giữa thị xã đầy quân địch.
Chị Kiên kể tiếp:
-Sợ rủi ro, tôi đưa cả 6 kíp cho anh L. đánh một lượt.
Một anh nói xen vào:
-Tôi dành cả phần của chiếc tầu cho vụ ấy đấy. Tàu chở vũ khí đến, đánh ngon mà phải dừng, chưa đánh.
Chị Kiên lại nói:
-Anh L. nói, lúc 10 giờ anh tới coi, thấy hầm tung ra hết. Trụ sắt, máy móc biến thành những mảnh vụn. Lúc tôi vô, nghe 2 thằng lính nói chuyện với nhau: "Mày có vô Trung tâm hành quân chưa?"
-" Có, dễ sợ quá!". Biết là vụ của mình, tôi cố lắng nghe nhưngchúng không dám nói nữa. Tới Đập Đá, ngứa cổ, chúng lại nói: "Hầm ngầm của bộ chỉ huy ở Trung tâm mà còn sập, nói chi đến lũ mình". Chúng rùng mình, nói mãi: "Dễ sợ quá, dễ nể quá!". Còn thằng Lân, thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/10, mới thoát chết ở Hoài Nhơn về, cứ ngồi gục mặt than: "Không còn biết tin ai nữa".
Nghe chị Kiên kể chuyện, tôi lại tức cười cho sự tuyên truyềnlừa phỉnh của địch. Đài BBC, đài Manila đưa tin về vụ này: "Đặc công Cộng sản đặt chất nổ làm sập một hầm ngầm ở Quy Nhơn, chết 3, bị thương 15 người. Tên đặc công mặc giả sĩ quan không quân đã bị chết tại trận vì quả mìn nổ quá sớm. Chính phủ còn bắt được 9 đặc công khác!". Thật là dựng đứng chuyện mà không biết ngượng mồm.
Khi mọi người vừa thảo luận xong thì anh Châu - cán bộ binh vận tỉnh - tới. Anh Châu được cử đi công tác ở vùng ven, không biết tại sao lại về. Anh Toàn hỏi:
-Sao, ông Châu nghe gì chưa?
-Có chứ, nghe một vụ nổ ở thị xã.
-Thấy thế nào?
-Thấy thế nào, có bàn bạc gì không?
Anh Châu lúng túng, cười trừ.
-Dạ có, anh Vương có báo tin cho anh em bộ đội và phát động hoạt động mạnh để phối hợp, tôi có họp một số cơ sở động viên họ hành động.
-Hoạt động ra sao?
Anh Châu trả lời ngắc ngứ, rề rà, vòng vèo, đại ý: đơn vị bộ đội đi đánh mục tiêu đã định nhưng địch cho quân kích đường nên phảidừng lại, địch tập kích 2 lần vào xóm Đăng, có cả tàu rọ phối hợp. Anh em tản khai hết, chỉ để một số ở lại bố phòng, nhưng chúng tới nhanh quá, không kịp...
Anh Toàn ngắt lời:
-Thế có loan tin chiến thắng cho đồng bào nghe không? Có đưa đồng bào vào thị đấu tranh không?
-Dạ không!
-Đó, thế mới chết. Các ông chỉ thấy tầu rọ quần, lính kích mà lo cuống lên, không dám hoạt động. Anh biết không, cú đánh vừa rồi là cú đánh lớn lắm, làm bủn rủn hết bọn địch, nhất là bọn chỉ huy. Nó phối hợp với Phù Mỹ rất tốt. Nó giáng vào bọn đầu xỏ, làm cho số còn lại rụng rời tay chân. Cũng còn phải rất lâu chúng mới sắp xếp lại được tổ chức, ổn định lại được tinh thần. Anh biết không, chúng cho rằng đó là cú đánh mở màn để ta chiếm Quy Nhơn mà, chúng đánh giá ta cao lắm mà, chúng hoang mang dữ vậy mà. Nhưng, Quy Nhơn là chỗ cuối cùng của chúng, chúng phải cố giữ chứ, do vậy chúng mới đẩy quân ra giữ rìa. Làm vậy, màtrong bụng run lắm. Lẽ ra, ta phải hoạt động mạnh lên chứ. Đánh điểm không được thì phải chia ra đánh nhỏ chứ. Phải đưa đồng bào vào thị làm xôn xao dư luận, tấn công tư tưởng binh lính địch chứ. Chỉ cần kéo vào, hỏi thăm thôi: "Sao, mìn nổ thế nào mà dữ vậy?Ông tỉnh trưởng đâu không thấy lên ti vi nói, hay là bị lấp dưới hầm rồi?" v.v.. thì cũng đủ làm cho địch hoang mang rệu rã thêm rồi. Vậy, mà làm không được. Bỏ qua mất 2 ngày rồi.
Anh Châu cứ ngồi im mà nghe.
Những ngày tiếp theo, tôi tranh thủ gặp một số cơ sở từ trongthị xã ra khai thác tài liệu để viết tin, bài. Đồng thời cùng Cao Duy Thảo, Mai ái Trực biên tập số báo đầu tiên cho thị uỷ Qui Nhơn. Bài vở cũng khá phong phú. Chúng tôi cố gắng viết ngắn cho phù hợp với tờ báo khổ nhỏ và với điều kiện lưu hành bí mật trong vùng địch kiểm soát. Việc in ấn được tổ chức ngay tại chỗ, vì nhà in tỉnh đã chi việncho vùng Đông cả máy móc, chữ, khuôn, cả công nhân in.
Tại đây, tôi được nghe nhiều chuyện cảm động của vùng Núi Bà này những năm gian khổ, ác liệt. Có thời gian, địch bao vây dữ quá, hết cả thức ăn, phải xoay đủ thứ mà nuôi thân. Hồi ấy có anh Sang nổi tiếng về bắt chuột: đêm, anh nằm trong hang đá, để bàn chân nhử chuột - lũ chuột ở đây rất dữ, dám gặm cả chân người khi chuột tới gặm bàn chân, anh nhanh chóng co gối, làm sập chiếc bẫy làm bằng chiếc thau nhôm lớn. Có đêm, bắt được 5 - 7 con chuột to sù. Có trận, bom làm sập một lèn đá, nhốt chặt một cô gái trong đó. Lèn đá không sập hẳn, không đè chết cô, nhưng bịt chặt mọi ngõ ra. Anh em phải đưa thức ăn, nước uống qua khe đá vào cho cô. Nuôi cô trong sự bất lực, chỉ là sự an ủi khắc khoải của một sự sốngkhông lối thoát. Được gần một tuần lễ, địch càn lên, đành đặt vào miệng hang những khẩu phần cuối cùng, nắm bàn tay gầy guộc của cô lần cuối cùng, rồi gạt nước mắt chuyển sang ngọn núi khác. Khi địch rút, quay lại, chỉ còn nhận được mùi tử thi...
Đài tiếng nói Việt Nam phát lại nhiều lần bài viết sau đây của tôi đăng trên Bản tin đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã:
Hoài Nhơn, bão táp và ngày mùa
Hà Nội (VNTTX 4-6-1972) - Lòng tràn ngập niềm hân hoan phấn khởi, chúng tôi hăm hở tiến về thị trấn Bồng Sơn vừa được giải phóng. Ngay từ vùng ngoại vi thị trấn, không khí đã vô cùngsôi nổi. Đây là ấp chiến lược T vừa được giải phóng, chính quyền cách mạng đã thành lập. Ngày cũng như đêm, ở đây rầm rập bướcchân người. Đồng bào đào hầm hố trú ẩn, hào giao thông dọc đường. Buổi sáng trên đường, hàng đoàn tù binh từ thị trấn kéo ra. Hàng chục chiếc xe ô tô, Hon đa chở đầy những vũ khí thu được của địch. Người cưỡi xe, kẻ đi bộ, người gồng gánh, kẻ khoác ba lô... tất cả đều hối hả. Ai nấy mang trong lòng niềm vui tràn ngập...
Trên đường phố Bồng Sơn đầy những mũ sắt, giầy vải, những băng đạn, những đống quần áo lính, và những khẩu súng của quân địch vứt lại.
Nổi bật trên những tường nhà là những khẩu hiệu mới viết còn tươi nét mực: "Không có gì quí hơn độc lập tự do", "Toàn dân kiên quyết giữ vững vùng giải phóng"... Ngay ngã ba bên Chi Thông tin cũ, hai cổng chào lớn được dựng lên. Cờ Cộng hoà miền Nam Việt Nam phấp phới trước các ngôi nhà, dọc đường số một. Trước một ngôi nhà gạch có treo tấm biển "Trụ sở Uỷ ban Nhân dân cáchmạng thị trấn Bồng Sơn". Kề bên đó là nhà "Đón tiếp binh lính, sĩ quan nguỵ trở về với nhân dân". Cả hai nhà đều chật ních những người.
Những người trước đây làm cho địch lần lượt đến trình diện với chính quyền cách mạng. Họ gồm đủ loại: binh sĩ Cộng hoà, Bảo an, nhân viên hành chánh, đại diện xã, ấp trưởng...
Rời thị trấn, chúng tôi vào nhà ông Ngô. Ông có người con trai thứ hai đi lính vừa mang súng trở về. Anh ta kể:
-Em muốn về từ bữa đầu nhưng bọn chỉ huy kẹp chặt quá. Hôm sau vừa thấy em lên khỏi hầm, thằng Trung đội trưởng đã quát: "Lên tao bắn!". Em liền lia cho nó một băng đạn. Nó gục trước cửa hầm. Em chạy thoát. Thấy vậy, nhiều anh em khác cũng chạy theo.
Lực lượng địch tan ra từng mảng. Chỉ sau mấy ngày bị tấncông, hơn 100 trung đội dân vệ, phòng vệ dân sự đã tan rã. Đồng bào ở nhiều xã đã vào tận đồn bốt địch, thậm chí vào cả trong trận địa, kêu gọi binh sĩ bỏ hàng ngũ địch về vùng giải phóng.
Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện thì ở phía tây nam, tiếngpháo 105 ly vẫn gầm dữ dội. Ông Ngô bảo:
-Pháo của ta bắn vào Đệ Đức đấy!
Những quả đạn pháo lao vun vút qua đầu chúng tôi, dội bão lửa xuống căn cứ địch đang bị vây chặt.
Trưa hôm sau, tôi gặp một đoàn hàng binh từ căn cứ Đệ Đức tới. Nguyễn Chất, binh nhì, thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 40, kể lại những giờ phút kinh hoàng ấy:
-Bị bao vây, chúng tôi rất khiếp sợ, pháo của các ông bắn quá trời. Hôm qua pháo nổ trúng kho đạn, máy bay tới thả dù tiếp tế nhưng bay quá cao, thả ra ngoài đồn hết...
Câu chuyện đang dở dang thì có người tới báo tin căn cứ ĐệĐức đã bị quân ta tiêu diệt. Thế là toàn huyện Hoài Nhơn đã được giải phóng. Chúng tôi theo đường số một tiến thẳng về Tam Quan. Kỳ diệu biết bao, chiến công của 22 ngày tiến công và nổi dậy, quân dân Hoài Nhơn đã cuốn 80 chốt điểm và 2 chi khu quân sự vàohàng kiên cố nhất của địch tại tỉnh Bình Định.
Thị trấn Tam Quan rực rỡ cờ và khẩu hiệu cách mạng: "Nhiệt liệt hoan hô quân giải phóng đánh mạnh, thắng to!", "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi!".
Trên cột cờ giữa thị trấn, lá cờ Cộng hoà miền Nam Việt Nam cỡ lớn tung bay phần phật, nổi bật lên giữa màu xanh đằm thắm của những vườn dừa. Dừa êm ả toả bóng mát xuống đường phố, nườm nượm người qua lại. Các nhà hàng, hiệu buôn vẫn mở cửa.Bận rộn nhất có lẽ là các hiệu may và các nghiệp đoàn xe lam. Đồng bào đua nhau may cờ Cách mạng, các thợ may phải làm việc ngày đêm và phải vét hết vải màu ra mà vẫn không đủ. Còn các thanh niên lái xe lam thì rất hãnh diện được lái xe phục vụ cho yêu cầu của Cách mạng. Công nhân xe lam cũng như những người đánh cá, những thợ tiểu thủ công... đã lập những tổ công đoàn để giúp đỡ nhau và phục vụ Cách mạng tốt hơn. Một thanh niên vui vẻ nói:
-Sớm nào chúng tôi cũng lái xe tới Đệ Đức để chờ súng đạn, gạo. Chu cha, nhiều lắm! Hàng dẫy kho. Cả xe tăng, pháo và những hòm đạn còn nguyên vẹn nữa.
Đường phố Tam Quan nô nức, nhộn nhịp trong khí thế chiến thắng và cảnh giác. Có chiếu phim, có văn công, có cả những lớp huấn luyện về sử dụng vũ khí, cứu thương và xây dựng chiến hào.
Rời thị trấn, chúng tôi về vùng nông thôn. Qua mỗi thôn xã, chúng tôi đều gặp những trụ sở Uỷ ban Nhân dân cách mạng, có cán bộ đang giải quyết công việc cho dân. Chính quyền cách mạng từ huyện đến xã, thôn nhanh chóng phát huy hiệu lực của mình.
Về Hoài Châu, những thay đổi trong các thôn xóm làm tôi càng ngạc nhiên và sung sướng! Những con đường từ đồng vào thôn xóm được dọn sạch sẽ. Các rìa làng được rào kỹ lại. Trên trục đường, cứ 5,7 thước lại có một hố trú ẩn. Rất nhiều đường hào chạy ngoằn ngoèo dọc các con đường lớn hoặc len lỏi trong những vườn dừa. ở những vị trí xung yếu đều có du kích gác.
Gặp chúng tôi, anh Huỳnh Chí Đức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng xã, vồn vã mời tới họp. Uỷ ban đang phải lo giải quyết hàng loạt công việc của chính quyền cách mạng. Các anh các chịđang bàn tổ chức Đại hội nghĩa binh của những người trước đây ở trong quân nguỵ đã lập công trở về với nhân dân.
Anh Đức nhắc cán bộ trong thôn chú ý lãnh đạo đồng bào gieo đủ mạ để cấy vụ tám, khẩn trương cấy cho kịp thời vụ giống lúa ngắn ngày và chú ý trồng thêm rau màu. Tôi nhớ lại cách đây ít ngày, khi xã huy động toàn dân đi vây đồn địch thì lúa đang chín rộ, vàng rực cả cánh đồng. Lúc ấy, đồng vắng tanh, vắng ngắt. Cầm bông lúa nặng trĩu, vàng khô, tôi không khỏi lo lúa bị rụng hết. Nhưng khi đồn địch đã bị san bằng thì Hoài Châu lại dốc toàn lực ra đồng, làm không kể ngày đêm, thu vụ lúa tốt chưa từng có.
Trời tháng 5 vẫn dội nắng lửa xuống và cánh đồng vẫn rợp bóng người. Từ những cánh đồng Liễu An, An Quý, Thành Sơn,Bình Đê... tiếng cười nói của những người cày bừa, gieo cấy vang lên rộn rã.
Một mùa lúa bội thu đã được gặt và cất giấu kỹ lưỡng, gọn gàng. Người dân Hoài Nhơn lại bắt tay vào vun xới cho một vụ mùa tới với niềm tin sẽ được thu hoạch những thành quả to lớn hơn, rực rỡ hơn.
Việt Long (Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng)
Ngày 8/6/1972
Theo các anh ở Thị Uỷ, bài viết nói trên có sức cổ vũ lớn đối vớivùng Đông, ngay cả đồng bào trong Quy Nhơn cũng nghe, và mong sớm đến ngày tấn công, nổi dậy giải phóng quê hương như đồng bào Hoài Nhơn.
Thứ sáu 16/6/1972
11 giờ rưỡi, sau bữa cơm trưa, tôi cầm quần áo đi tắm. Mới tới quá hang đá nhà bếp, nghe 2 tiếng nổ rầm rầm. "B.52!" - thoáng nghĩ vậy, tôi bật trở lên. Bom nổ rền hàng dây. Chạy vấp đá, ngã mấy lần. Lượng sức không chạy kịp lên cửa hang, tôi nhìn qua phía tay trái, thấy một cửa nhỏ thông vào hang. Vội vứt hết quần áo, khom người, đưa 2 tay ra phía trước, nhảy phóng tới như người nhảy xuống nước để bơi. Vừa chạm đáy hang, nghe một tiếng nổ "Rầm" nữa. Tối tăm hết thảy. Những vật gì đó nặng trịch đè lên đầu, lên mình tôi. Những tiếng nổ vẫn dội lên liên tiếp. Tôi nghĩ: "Rồi đó, chuyến này chắc đi đời rồi!". Im lặng. Tôi vùng lên. Mở mắt ngó quanh thấy khói bụi bốc lên mù mịt. Quanh tôi, mấy cô gái bò lê, quần áo rách bươm, máu me bê bết. Mấy cô la lên:
-Chết thôi anh ơi, bây giờ làm sao!
Tôi nói:
-Cứ ngồi im!
Nhìn quanh, thấy hang trống rỗng, tôi nói:
-Các em lên hang phía trên đi.
Phía cửa hang phía trên, Hạnh nằm gục, kêu "Khò! Khò!" như tiếng rống quái dị. Tôi không thấy đầu cô ta đâu, chỉ thấy nửa thân mình phía dưới của cô trần truồng, lấm bụi đất. Trong khi 5 cô gái kia dắt díu nhau chạy lên hang trên thì tôi lại moi đất, kéo Hạnh dậy. áo Hạnh rách bươm hết. Quần Hạnh chỉ còn 2 ống chân. Tôi thấy một vết thương lớn sau lưng cô. Hạnh kêu:
-Gì mà tội thế này anh ơi!
Tôi đặt Hạnh nằm ngay thẳng, vơ một chiếc khăn mặt rách băng vết thương lại, lấy mấy miếng dù rách phủ lên thân thể loã lồ của cô. Tôi chạy lên gọi thêm người xuống thì gặp Mai ái Trực. Hai người trở xuống. Lúc này, tôi mới thấy cánh tay trái của Hạnh bị gãy nát. Tôi mở một cái ba lô nằm lăn lóc dưới đất lấy một cái quần đưa Trực mặc cho Hạnh và kiếm giẻ buộc tạm cánh tay Hạnh lại. Tôi và Trực vực Hạnh dậy, nhưng đuối sức quá. Trực lên gọi Hà xuống. Chúng tôi khiêng Hạnh lên hang đá lớn, đặt nằm ở giường, băng lại cho kỹ hơn. Nhìn cánh tay, tôi đau lòng quá: nó nát hết xương rồi, chỉ còn lại một ít thịt bầy nhầy. Tôi bẻ que, bó cố định. Máy bay địch tiếp tục đến oanh tạc. Bom phá. Bom xăng. Bom bi. Các loại bom tiếp tục dội xuống. Pháo biển bắn tới rầm rầm. Hạnh vừa rên, vừa nói:
-Bắn nó rớt mấy cái cho nó hoảng! Anh ơi giúp giùm em với!
Hạnh kêu khát nước. Chúng tôi không cho Hạnh uống.
Xế chiều, địch ngừng bắn phá. Chúng đưa tàu chiến, bo bo, xà lan cặp sát bờ biển, đổ bộ chừng 2 đại đội. Súng nhỏ nổ rộ phía núi sát biển. Trực thăng cũng quần lượn, phóng pháo dưới đó. Chúng tôi thu dọn đồ đạc, đưa hết anh em lên hang đá Hội trường. Hang đá rộng, đông người
Hai quả bom nổ cách nhà bếp từ 5 đến 10 mét làm tanh bành tất cả. Quần áo bay tung lên, mắc vào cành cây. Những ống đạn pháo dùng đựng nước biến mất hết. Gạo đổ vung vãi trong hang.
Kiểm tra lại, tổn thất của chúng tôi gồm: Hương (công nhân in, vừa ở tỉnh xuống với tôi) hy sinh, Hạnh bị thương nặng, Hoa, Tuyết bị thương vừa, Nào, Thanh, Thuỷ bị sức ép làm tức ngực, mệt. Hương định đi tắm, vừa tới cửa hang dưới thì trúng bom! Hương làcon trai của anh Đức - Bí thư Xã Uỷ Hoài Châu, người mà tôi rất khâm phục, đã ghi chép chân dung khá kỹ. Tôi giở sổ vẽ sơ đồ khu vực bị bom, hang đá, nơi chôn Hương để nếu có dịp thì trao cho anhĐức.
Tôi cũng bị sức ép làm bùng tai, mệt nhoài. Từ hôm nay, tôi bắt đầu được tiếp xúc thêm với một thế giới lạ lùng, thế giới của những tiếng kêu liên tục: tiếng o o như ve sầu, như dế mèn kêu, tiếng xạo xạo như tiếng những bước chân trên cát, tiếng u u như tiếng máy biến thế điện. Còn những âm thanh ở bên ngoài dội tới trở nên xa xăm hơn, nghe văng vẳng. Khái niệm về âm lượng bị lu mờ làm cho tôi không rõ mình nên nói tới mức nào cho mọi người vừa nghe.
Ngày 17/6/1972
Hạnh tiếp tục rên la vì đau đớn, vì khát nước. Suốt buổi sáng, cô tỉnh táo, nói nhiều. Cô đòi uống nước, đòi thay quần áo, đòi tắm, đòi mở băng. Cô la mọi người làm biếng, nước ở suối mà không chịu vác về. Cô rủ Tuyết đi xuống suối. Cô gọi tên tôi, Trực.
Tôi đến ngồi bên, an ủi Hạnh. Thương vô cùng. Cô bé này 18 tuổi, ở Phước Hậu (ven thị xã Quy Nhơn), mới đi thoát ly ít tháng. Hồi mới ra, cô luôn khóc, đòi về, nhưng qua những ngày sống với tập thể, được giáo dục, cô rất phấn khởi, luôn vui hát và đang học đánh máy.
Hạnh đòi xuống đất nằm, vì nằm võng tức. Tôi lấy tấm đệm và tấm ni lông trải cho Hạnh nằm. Hạnh vật vã kêu đau, kêu khát, đói. Tôi hoà bột đậu xanh với đường cho Hạnh uống. Hạnh mửa ộc ra. Tôi lấy lon hớt vào, lấy khăn lau cho Hạnh. Hạnh nhìn tôi, nói:
-Tội anh Long quá!
Thay băng cho Hạnh. Vết thương bị bẩn quá, rất hôi. Lúc này, tôi tìm ra thêm một vết thương nữa ở mông trái của Hạnh. Vội chỉ cho y tá rửa, băng lại. Vết thương này đã nhiễm trùng. Phải lấy kéo cắt đi những chỗ thịt thối. Kéo tụt một bên quần Hạnh xuống. Hạnh cứ nắm lưng quần, kéo lên, kêu:
-Người ta đông um sùm mà, đậy lại cho em, anh!
Tôi lấy tấm dù phủ ngang bụng cô, nói:
-Em nằm im cho chị Tùng chữa mới lành, anh đắp kín cho em rồi.
Sau khi rửa vết thương, Tùng dùng kéo cắt lưng quần để cởi ra, thay quần khác. Hạnh níu không được, la:
-Thôi rồi, bắt tôi ở truồng!
Rửa qua vết thương ở lưng. Vết thương sâu quá, thọc panh vào lút đến 2, 3 phân. Hạnh kêu, khóc:
-Trời ơi, làm thịt tôi đấy à! Thương dùm tôi với, anh Long đỡ em dậy.
Băng lại vết thương ở tay. Hạnh vật vã. Tôi hiểu Hạnh đau đớn vô cùng. Lòng tôi như có muối xát. Tôi nắm tay Hạnh, vuốt tóc, vuốt má Hạnh, dỗ dành cô mong làm dịu được chút nào nỗi đau đớn ấy.
Lại dùng kéo cắt áo Hạnh, cởi ra. Cô cũng níu lại, kêu:
-Thôi thế là quần không có, áo không có.
Mặc quần rộng, áo rộng cho Hạnh, Hạnh kêu:
-Mặc gì lạ vầy? Như ông thày chùa!
Gần tối, đưa Hạnh, Hoa, Tuyết đi bệnh xá. Riêng Hạnh thì đi mãi mãi! Tới gần trạm xá, Hạnh đã tắt thở!
Ngày 18/6/1972
Đã thu dọn xong đồ đạc, bắt tay vào công tác chuyên môn. Anh Khiết hướng dẫn một số thanh niên nhặt xếp lại chữ máy in. Bomhất đổ mất mấy bát chữ. Đó là những bát chữ chuẩn bị cho số báođầu tiên của Thị uỷ Quy nhơn. Đã hốt lại, chữ lẫn với đất cát. Dù sao, mấy ngày nữa sẽ ra báo.
Thư gia đình
Phạm Hùng Việt. Miền Tây, 18/6
Anh Long thân mến!
Đã lâu, hôm nay em lại nhận được thư anh gửi vào cùng vớithư của gia đình. Đọc thư anh em rất phấn khởi với tình hình công tác cũng như sức khoẻ của anh
Sau khoá huấn luyện tân binh em được bổ sung về đồn biên phòng 53 Công an vũ trang Nghệ an, nằm giữa vùng biên giới Việt Lào, giáp với tỉnh Bu Li Khăm Xay của bạn. Thời kỳ đầu chắc anh cũng hiểu em cảm thấy rất vất vả trong mọi mặt công tác cũng như sinh hoạt. Vùng em ở ngay dưới chân Trường Sơn, leo qua Trường Sơn là sang nước bạn, do vậy đường đi rất khó khăn, ra khỏi cổng đồn là phải trèo núi. Dân ở đây toàn đồng bào dân tộc gồm Thái, Tày, Mèo. Công tác trung tâm của đồn em là làm công tác cơ sở, nắm tình hình chung để bảo vệ biên giới, hàng tháng có đi công tác ngoại biên sang bạn. Cho đến nay, trải qua hơn một năm em đã tương đối quen với công tác và có thể chịu đựng được gian khổ, kể cả việc đi bộ hàng 7-8 ngày đường rừng. Do học tiếng dân tộc nhanh nên em đã nói chuyện được bằng tiếng dân tộc với mọi người nên phục vụ được tốt cho công tác. Dân ở đây rất tốt nên công tác tiếnhành cũng thuận lợi. Ăn uống, sinh hoạt ở đây gặp nhiều khó khăn, hiếm rau, em đã gặp và phải chịu đựng nhiều cái thiếu thốn như thời gian đầu tiên mới vào trong đó anh đã gặp. Lúc đầu, những cái đó đối với em rất vất vả.
Tình hình biên giới ở đây cũng tương đối phức tạp vì bên bạn mới giải phóng, chính quyền còn non yếu. Từ tháng 10-12 tình hình
càng rắc rối vì địch đổ quân về chiếm lại, dân đó là dân Mèo nên đại đa số theo địch, hồi đó cơ động ở đồn em phải đi hết, tỉnh cũng phải điều cơ động lên, vất vả đến 3- 4 tháng mới yên được.
Về sức khoẻ, em vẫn giữ được như thời gian mới lên. Cũng như anh, em chưa hề bị sốt lần nào cả, trong khi đó đơn vị sốt rét rất nhiều, có đồng chí mới đến đã sốt liên tục, phải đi điều trị hàng tháng. Qua những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay em đã quen với công tác cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong thư anh trao đổi với em về việc tu dưỡng, phấn đấu, những điều anh nói rất có ích cho bản thân em. Hồi đầu mới về, nghe hai tiếng "sinh viên", một số đồng chí có những ấn tượng nọ kia với em (sau này em mới hiểu) nhưng rồi qua công tác, lao vào thực tế, em đã cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao như làm công tác trị an, vận động quần chúng, củng cố các đoàn thể thanh,thiếu niên... dần dần em đã được tập thể tin tưởng. Đúng như anhnói, phấn đấu vươn lên Đảng rất khó, nếu động cơ không đúng đắn, tỏ ra nóng vội thì dù tích cực đến mấy, nói hay biết mấy anh cũng không đạt được, em sẽ ghi nhớ lời anh, coi đó là những kinh nghiệm trong cuộc sống. Về bản thân, đầu năm nay em đã được chi đoàn đềnghị và Chi bộ đã công nhận vào hàng ngũ đối tượng Đảng. Đó là nguồn động viên lớn đối với em nhưng đó cũng chỉ là những cái ban đầu. Em hiểu muốn đạt được ước mơ của mình, em còn phải chịu khó rèn luyện hơn nữa, học tập và phấn đấu hơn nữa. Rất tiếc là ở xa anh quá, em không được sự giúp đỡ và trao đổi thường xuyên của anh.
Một số thằng bạn cùng đi với em đã được gọi về trường tiếp tục học hết chương trình để sử dụng chuyên môn. Về việc này, nghĩ lại quá trình học tập em nghĩ nếu được học thêm thì càng tốt nhưng nếu không em vẫn tin tưởng, yên tâm phục vụ lực lượng, phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Về viết, vì ít thời gian quá, tuy vậy em vẫn viết bài gửi cho báo Công an vũ trang, mới đây hồi tháng 1-2 em được Ban chính trị tỉnh điều về đi công tác trong 2 tháng ở một đơn vị Công an vũ trang, viết về những con người, những thành tích của đơn vị đó. Em viết được 3 bài thuộc thể loại người tốt, viẹc tốt, có lẽ
cuối năm nay bài mới được in, khi đó gửi được để anh góp ý thì hay quá.
Về gia đình ta, chắc bố mẹ, các anh và các em đã gửi thư kể cho anh nghe, em không nhắc lại nữa, chỉ mong khi nào anh em được về gặp nhau, gia đình sum họp đông đủ thì vui quá. Về chuyện riêng, anh đã nghĩ đến việc xây dựng gia đình chưa? ở hoàn cảnh như anh bây giờ cũng khó, cả em cũng vậy, tuy nhiên em còn ít tuổi nên chưa phải lo đến chuyện đó.
Em luôn mong nhận được thư của anh, nếu gửi ra được anh cứ gửi theo địa chỉ hòm thư cho em thì rất tốt.
Cuối thư, chúc anh luôn khoẻ mạnh, dày dạn trong cuộc sống, vững vàng trong nghề viết.
Luôn nhớ tới anh
Em trai Hùng ViệtĐC: HT:6256.VG
Từ 22 đến 30/6/1972
Dự hội nghị Thị uỷ mở rộng.
Anh Toàn phân tích tình hình: Thế của địch đã bị đảo lộn nghiêm trọng. Cả một hệ thống phòng ngự của chúng ở phía Bắctỉnh đã bị quét sạch. Đường số một bị cắt đứt từ Bình Khê tới ĐèoNhông. Đường 19 bị ta khống chế một thời gian dài. Địch bị bao vây, chia cắt không sao gỡ nổi. Trong toàn tỉnh, địch có 2 trung đoàn Cộng hòa - bị đánh tan tác, nay tập hợp lại tương đối đủ về số lượng nhưng ô hợp, binh lính hoang mang dao động, cầu an, số đào, rã ngũ tăng. Quân số địch trước chiến dịch A1 là 4 vạn, bị ta diệt khoảng 2 vạn tên, số còn lại phần lớn là địa phương quân. Quân giữ thị xã Quy Nhơn phần lớn là địa phương quân, với cấu trúc công sự không phải mạnh. Về lực lượng cách mạng tại Quy Nhơn: thế càng cao, lực càng mạnh, tạo được thế tấn công, chia cắt địch, có hậu
phương gần gũi, vững chắc là các huyện phía Bắc tỉnh, đồng thời có nhiều vùng giải phóng nằm sâu trong lòng địch.
Anh Toàn nhấn mạnh về quyết tâm của chúng ta: Tiến tới giảiphóng toàn bộ tỉnh Bình Định. Dốc toàn bộ lực lượng cho phía Nam, giành toàn bộ nông thôn. Binh vận phải đưa lên quy mô lớn hơn. Kết hợp với phong trào quần chúng phải tổ chức được binh biến ly khai trong quân đội Ngụy. Với Quy Nhơn, sẽ giải phóng bằng 3 mũi giáp công. Cú đấm quân sự sẽ mạnh chưa từng có. Trách nhiệm của địa phương là phải đưa cú đấm nổi dậy và binh vận lên mạnh tương ứng.
Suốt mấy ngày thảo luận để quán triệt tình hình, nhiệm vụ và xây dựng phương án. Gay nhất là phương án - làm sao phải truyền được hơi thở mới này vào quần chúng, xây dựng thực lực nhanh, đưa quần chúng vào tổ chức và hành động mạnh mẽ? Những cán bộ hợp pháp hoạt động trong Quy Nhơn phát biểu rất sôi nổi.
Ở đây, tôi gặp một cô gái 18 tuổi, hoạt động hợp pháp tại Quy Nhơn: Phương. Người Phương nhỏ bé như con gái 14, 15 tuổi. Cô có đôi bàn tay rất đẹp với những ngón tay búp măng trắng hồng. Phương hồn nhiên, nhí nhảnh nhưng lại bị địch tra tấn ảnh hưởng tới thần kinh. Ngày nào Phương cũng lên cơn, sau đó nói nhảm như người mất trí chừng 2 giờ. Từ năm 12 tuổi, Phương đã nghi trang 8 công sự cho cán bộ. Có lần địch nghi có công sự, xăm khắp nhà Phương, ném lựu đạn vào hầm pháo rồi bắt Phương vào kiểm tra. Phương lấy lưng che chỗ vách hầm sạt để các anh trong công sựnghi trang lại và nói với địch "Không có gì". Địch đem Phương ra đánh đập, treo lên ngọn dương. Khi địch rút, các anh đi kiếm mãi mới thấy Phương đã chết ngất trên đó. ở xã Mỹ An của Phương có thằng thiếu uý Thành gian ác có tiếng. Nó bắt đồng bào kêu nó là"Ông Thần". Ai kêu là chú, là ông... nó đánh liền. Có lần nó bắt phụ nữ tập trung, kêu những chị có con đang bú ra vạch vú, vắt sữa cho nó coi. Phương tức quá, nói "Hồi giờ ông ấy không thấy vú hay sao?". Nó nghe thấy, lôi Phương ra đánh cho một trận tơi bời. Nhưng sau đó, nó đã bị Phương trừng trị. Phương để trái mìn mo trong rổ, đem tới đặt ngay trong góc nhà nó ở. Mìn nổ, nó nằm trên võng mà chết, 4, 5 đứa khác cũng chết theo nó. Phương bị bắt.
Nhưng Phương đã thoát khỏi tù. Phương lại dùng mìn mo diệt 12tên Bảo an khác và lại bị bắt cùng 5 cô bé khác. Địch tập trung dân, đưa các cô ra tuyên bố xử bắn. Chúng đưa cho mỗi cô một bát mì tôm, một cốc côca để ăn, uống trước khi chết. Các cô hốt cát bỏ đầybát, cốc. Địch kéo các cô tới bãi bắn. Đồng bào ùa tới giằng súng của bọn lính, cởi trói cho các cô. Phương chạy thoát, trốn vào một nhà dân. 18 tuổi, Phương đã bị bắt 4 lần, bị hành hạ đủ kiểu. Phương nói lần bị bắt thứ 2 "thảm nhất". Nhưng Phương không thể kể vớitôi "thảm" như thế nào, vì Phương sợ quá xúc động, lại lên cơn. Đòn thù không làm Phương mất hồn nhiên, mất sôi nổi, hăng say công tác. Họp, Phương phát biểu rất sôi nổi. Khi hăng hái quá, Phương bị cà lăm, cứ ngấp ngứ mãi mới nói được một tiếng - chính vì bị tra điện nhiều quá mà Phương bị tật này.
Chào tạm biệt Phương, tôi nắm mãi đôi bàn tay nhỏ nhắn, có những ngón búp măng xinh xinh. Chúc đôi bàn tay đẹp làm nên những chiến công mới xuất sắc. Phương lại trở vào thị xã xây dựng cơ sở, tổ chức những vụ đấu tranh chính trị, và quan trọng hơn nữa, sẽ cùng với các đồng chí của mình góp gió thành bão trong mùa nổi dậy sắp tới.
Thứ 7 ngày 1/7/1972
Kỷ niệm 26 năm ngày sinh của tôi
Trời cao xanh, nắng vàng óng ả.
Gió biển thổi về lồng lộng.
Cùng Trực, Thảo duyệt, sắp xếp bài cho tờ "Quy Nhơn", tờ báo đầu tiên của thị xã. Mai mốt, báo sẽ ra đời và chắc sẽ đem lại cho người Quy Nhơn tình cảm, suy nghĩ mới. Nghĩ vậy, thấy vui vui.
Đây là một trong những bài trong tờ báo Quy Nhơn:
Mẫu chuyện chống bắt lính
Giữa những ngày bọn tay sai của Thiệu ở tỉnh Bình Định ráo riết bắt lính, thì trên đường Lê Lợi, trong thị xã Qui Nhơn, xảy ra một việc làm xôn xao cả dư luận công chúng.
Hôm ấy, một thanh niên bị một cảnh sát chặn lại:
-Ê! Đưa giấy tao coi!
Anh thanh niên vội vã móc túi, nhưng không đưa ra tờ giấy hoãn quân dịch, mà là một khẩu súng ám sát đã lắp sẵn đạn. Tên cảnh sát hét: "A, muốn trốn lính hả?" và hùng hổ xông lại. Anh thanh niên chĩa súng bắn liền. Tên cảnh sát hoảng sợ lùi lại. Anh thanh niên nhanh chân leo tuốt lên lầu cao. Cùng lúc, đồng bào hai bên đường ùa tới, vây lấy tên cảnh sát:
-Này, đừng đuổi theo anh ta nữa, anh ta lắp thêm đạn rồi, coi chừng mà toi mạng, bỏ vợ bỏ con đó!
Một bà già khuyên:
-Thôi, bắt cậu ấy vào lính làm gì cho khổ gia đình cậu ấy, màcó lợi gì cho ông? Ông đi chỗ khác đi, để cậu ấy về nhà.
Mọi người đồng tình:
-Phải đấy, ông đi nơi khác đi. Ông mà dồn anh ta vào thế bí, anh ta bắn lại thì uổng mạng đấy.
Tên cảnh sát ấp úng mấy câu rồi lảng ra.
Anh thanh niên leo xuống khỏi lầu, đi vào giữa đám đông. Một chị phụ nữ ghé vào tai anh ta, nói nhỏ:
-Trốn mãi rồi cũng không thoát. Ra ngoài vùng giải phóng là hơn hết.
Ở thị xã này có rất nhiều thanh niên đã chống bắt lính mộtcách quyết liệt như anh thanh niên nọ. Đồng bào cũng đã bằng
nhiều cách chỉ cho nhiều thanh niên lối thoát hay nhất là ra vùng giải phóng học tập hoặc tham gia cách mạng.
Ngày 2/7/1972
Chuẩn bị lên đường về Khu - ngoài ấy điện gọi về.
Đêm, ngồi trên hòn đá cao gần đỉnh núi mà nhìn về Quy Nhơn. Thị xã chạy dài với hàng dãy đèn điện sáng nhấp nháy. Phía đông, biển và trời nối liền nhau, không phân biệt được. Chỉ thấy nổi bật lên là những đốm sáng lấp lánh của hàng chục ngọn đèn măng sông của đồng bào làm biển - trông chúng như những ngôi sao.
Thật tiếc, chưa làm được gì mấy, đặc biệt là chưa nuôi dưỡng được tờ báo bao lâu, đã phải về. Anh Toàn và các anh chị trong Thị uỷ đều rất tiếc và rất lưu luyên tiễn chúng tôi ra đi.
Ngày 3, 4/7/1972
Lên đường. Lại leo núi Bà. Hồi này, địch bắn pháo dữ dọc đường nên đi khá căng. Nhiều đoạn phải chạy, mệt đứt hơi. Nắng và nóng. Những hố đạn pháo. Những cây đổ, cành gẫy. Những lỗ bom bi.
Địch càn Tây đường nên chưa qua được, phải nằm chờ ở trạm Huệ.
Ngày 5/7/1972
Trưa, pháo địch dội tới rầm rầm. Một quả nổ trúng hòn đá trước cửa hang. Ngồi dưới hang, thấy lửa chớp rồi tất cả bỗng tối đen. Một lát sau mới thấy sáng dần. Từng cuộn khói thuốc pháo đen đặc lùa vào cửa hang đang tan dần. Mùi thuốc pháo pha lẫn mùi đá, lá cây tạo nên mùi khét, tanh, nồng dễ sợ làm chúng tôi ngột ngạt, nôn nao.
Pháo hết bắn. Ra ngoài hít thở không khí trong lành. Hòn đá trước cửa hang vỡ tung ra. Cũng lạ, những đồ đạc chúng tôi để cách đó mấy mét gồm chén sứ, ăng gô, sữa lon... đều không bị sứt mẻ.
Chiều, đi xuống. Trời dội cho một cơn mưa tầm tã. Ướt mèm.Vẫn phải vác lá nguỵ trang đi lom khom. Địch mới chốt thêm 2 chốt gần đây, rất dễ thấy chúng tôi. Chờ ở rìa núi, tối hẳn mới xuống. Phía Tây Nam, địch dội pháo nổ vang rền. Pháo bắn liên hồi, tôi đếm được khoảng 6, 700 quả. Phía đường chúng tôi đi thì tĩnh. Rấtgần đồn địch. Thấy tên lính gác lia đèn pin qua lại. Đèn dù cũng thi nhau nổ bụp, phát sáng. Mỗi lần như thế, lại phải nằm rạp xuống ruộng.
Qua đường một cách bình yên. Tới đường sắt, gặp một tốp du kích đang nằm chờ đánh lính tuần.
Lên tới Tây đường, phải chờ rất lâu. Địch đang càn quét vùng rìa núi. Chúng mới đưa thêm lên 2 cây pháo, 13 xe tăng. Giao liên phổ biến: phải lách giữa 2 cánh quân Cộng hoà và Pắc Chung Hy mà đi, do vậy, phải im lặng tuyệt đối.
Chúng tôi lặng lẽ theo giao liên. Mới ra khỏi làng một lúc, anh Giang đã không theo kịp. Anh hét tướng lên: "Chờ với chứ!". Mọi người đều rợn tóc gáy. Tuy nhiên, anh chàng phá bĩnh ấy đã khiến giao liên phải đi chậm lại. Nếu không, anh ta lại hét tướng lên nữa và nếu địch nghe thấy thì trời mà đoán được hậu quả sẽ tai hại thếnào? Lầm lũi đi. Đường vòng rất xa. Không gian im ắng. Không mộttiếng pháo. Không một tiếng súng nhỏ. Lên đến đèo Nguỵ. Đèo này vốn nổi tiếng là trọng điểm pháo kích của địch. Cây cối hai bênđường tơi tả, gãy gục. Tuy nhiên, lúc này cũng im ắng lạ lùng. Đi tới 4 giờ sáng mới đến trạm.
Ngày 6 - 10/7/1972
Về tới Ban Tuyên Huấn tỉnh.
Mưa rào. Gió đùng đùng. Trời bão mấy ngày.
Ngày 11/7/1972
Lên đường đi Hoài Nhơn để về Khu. Qua khu nhà cũ. Vắng đìu hiu.
Ngày 12/7/1972
Tới thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa, Hoài Ân). Nơi này, cuộc sống đang xanh tươi lại và thật náo nức. Hồi trước, đi qua chỉ thấy cây cối, bụi rậm. Bây giờ đã thấy nhà tranh mọc lên san sát, thấy những vạt bắp xanh mượt bồng con. Con đường được mở rộng, xe GMC chạy được. Một anh thợ cắt tóc cho biết ở đây đã thực hiện việc làm hợp tác. Cả thảy có 90 lao động. Trâu bò, cuốc rựa được chính quyền chu cấp đầy đủ. Hiện nay, bà con đang bừa lần cuối để cấy. Mạ cũng đã đủ. Xẩm tối, tôi mới thấy bà con vác cuốc từ đồng về.
Ngày 13/7/1972
Sáng sớm, đạp xe đi Bồng Sơn. Qua những xóm bị địch đánh cháy rụi.
Thị trấn vắng vẻ, đổ nát.
Riêng các thôn ngoại vi thì đời sống vẫn nhộn nhịp. Đồng bào đang tập trung làm cỏ lúa.
Ngày 14/7/1972
Tôi tranh thủ làm việc với ủy ban thị trấn Bồng Sơn. Ngày 8 tháng 5, ta đã công bố bộ máy chính quyền cách mạng gồm 7 người;ngày 9 đã hình thành bộ máy các ngành, giới ở xã, thôn. Đã thanh lọc, đảm bảo không còn tề điệp chui trong hàng ngũ cách mạng. Lực lượng du kích từ số không, nay đã có 50, còn bổ sung cho bộ đội 20 người, đã hình thành xã đội, thôn đội. Về đời sống, nông thôn tương đối ổn định, tăng thêm diện tích canh tác, chính quyền giúp cho dân4 máy bơm nước. Đã tích cực thực hiện các biện pháp chống phản kích: 80% địa hình đã được cải biến, có giao thông hào, chông - ngày đi sản xuất, tối về đào hào. Về an ninh, đã quét ráp hết từ dân vệ trở lên, hiện đang tổ chức cho bọn ngụy cũ - từ liên gia, xóm trưởng tới phòng vệ dân sự - học tập cải tạo. Về văn hóa, cấp một có 5 lớp, với trên 1.200 học sinh. Chuẩn bị mở lớp bình dân học vụ.
Ngày 16/7/1972
Thị trấn Tam Quan cũng bớt nhộn nhịp. Một số gia đình đã dỡ nhà, dời về vùng nông thôn ở.
Sáng, mấy chiếc trực thăng quần lượn sát ngọn dừa. Ngồi trong nhà, chúng tôi cũng nhìn thấy tụi giặc lái lăm lăm súng ngồi trong máy bay nhìn xuống. Khi máy bay vòng về phía Nam, nghe có những loạt súng bắn lên.
Ngày 17/7/1972
Về Hoài Thanh họp. Được tin du kích Bồng Sơn đã bắn rơi một trong những chiếc trực thăng bay thấp hôm qua. Năm du kích leo lên lầu cao - có đại liên, AK, AR15... trực chiến. Lúc máy bay bay ra, không ai kịp bắn. Họ tiếc quá, nghênh súng chờ. Khi máy bay bay vào, họ đồng loạt nổ súng. Chiếc máy bay bị trúng đạn, lạng về phía Tây. Phía đó, súng lại nổ. Nó lạng về phía Hoài Xuân. Năm du kích Hoài Xuân kê súng vào thân dừa, đồng loạt bắn. Khắp trời vùng giải phóng đều dăng lưới lửa hạ nó. Nó rơi ở vùng Hoài Xuân.Đồng bào, du kích liền tràn tới cưa súng, tháo rốc két đem về rồi đốt máy bay. Bọn địch hèn hạ cho phản lực tới thả bom làm chết 17 đồng bào.
Đêm đêm ở đây vang lên tiếng trống mõ. Đó là cách dùng âm thanh uy hiếp tinh thần địch mà bà con gọi là thanh viện.
Bom, pháo vẫn nổ rền ở phía Nam.
Ngày 18/7/1972
Dự cuộc họp Huyện ủy. Tình hình chung toàn huyện HoàiNhơn đến nay như sau: Đã truy bắt căn bản hết tàn binh ngụy. Thuần khiết nội bộ, đưa 271 tên ngụy đi cải tạo, giáo dục 400 têntại xã. Đã phá căn bản hết đồn bốt địch, lấy vật liệu xây dựng thôn, xã chiến đấu. Quần chúng đóng góp nhân lực, trong 10 ngày chuyển được 450 tấn lương thực. Trên 3.000 ngươì đã đi dân công. Các xã đều huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự cho du kích. Tuy vậy, về thực lực của ta, đủ về số lượng nhưng chưa bảo đảm về chất lượng. Chưa hình dung ra biện pháp tiến hành 3 mũi giáp công cho phù hợp.
Một con số thống kê làm tôi suy nghĩ mãi: Trong đợt tổng tấn công, nổi dậy từ 12 tháng 4 đến 2 tháng 5 năm 1972, Hoài Nhơn có 36 quần chúng hy sinh, trong khi đó du kích, bộ đội địa phương hy sinh 27 người! Tôi càng thấm thía bài học về nhân dân - nhân dân bao giờ cũng chịu đựng khó khăn, ác liệt nhất, hy sinh nhiều nhất và nhân dân chính là nền xây nên những tượng đài chiến thắng!
Ngày 19/7/1972
Kẻ địch muốn nống lấn, chiếm lại vùng giải phóng. Chúng đưaquân ra vùng Phủ cũ, Hoài Đức. Bị đánh, chúng bật lui, kêu bom pháo. Sáng nay, B.52 Mỹ dội bom 7 đợt với 21 lượt chiếc. Tiếp đó, phản lực, pháo cũng nã tới. Chúng đổ quân ở một số điểm cao. Pháo binh ta, 8 khẩu bố trí thành một đường vòng cung, dội bão lửa xuống đầu chúng. Chúng ta quyết giữ vững vùng giải phóng. Người già, trẻ em ở những nơi xung yếu được sơ tán về vùng nông thôn. Toàn dân sẽ vũ trang đánh địch.
Từ 21 đến 24/7/1972
Địch liên tiếp dội B.52: Hoài Hảo 5 đợt, Hoài Châu 2 đợt, giáp Quảng Ngãi 2 đợt, nhưng chỉ rải trên rìa núi, trong khi quân ta đã áp xuống đồng bằng, nên chẳng ai chết cả. Tiếng rằng nhiều đợt, nhưng số lượng bom đạn cũng chỉ bằng một đợt của những năm 68 69 vì máy bay hồi này chở ít bom quá. Sau khi B.52 oanh tạc, đến phản lực, pháo, trực thăng bắn phá. Rồi địch đổ quân ở một số điểm cao. Chúng đã có mặt ở Tam Quan, Hoài Thanh, Hoài Tân, Bồng Sơn. Chúng ta đang chặn đánh chúng. Bom, pháo ùng ùng suốtngày đêm. Trong những ngày đầu, ta diệt một đại đội ở Thiết Đính,2 đại đội ở Hoài Thanh và Hoài Ân. Nghe đồng bào nói lại, bọn lính rất bạc nhược, có thằng bị đẩy ra khỏi máy bay là khóc. Chúng chỉ dựa vào bom đạn Mỹ. Không biết lũ máy bay, pháo binh đã dội xuống những vùng đất mới giải phóng này bao nhiêu tấn bom đạn? Nhà sập đổ. Người chết. Thị trấn tan hoang. Vùng nông thôn đông đặc những đồng bào ở thị trấn sơ tán về.
Ngày 25/7/1972
Tạm biệt Bình Định, về Khu. Đứng trên núi, nhìn thấy phía biển Tam Quan mấy chiếc tầu chiến đứng hầm hè. Còn phía biển Quảng Ngãi thì vắng lặng.
Ngày 26/7 đến 4/8/1972
Về Khu theo đường dưới - đường Tây Quảng Ngãi. Phần lớn đường chạy qua những đồi sim, đồi trọc hoặc rừng cây thưa thớt, thỉnh thoảng chạy qua những khu ruộng bậc thang. Theo trạm ít ngày rồi chúng tôi tách, rẽ về phía sông Sà Lò, sông Tang. Gặp lại con đường hồi năm 1970 tôi đi cõng gạo với Tạo, Nghị. Nhớ như in từng chỗ nghỉ, chỗ lội sông, chỗ nấu ăn. Sống lại những kỷ niệm thân thương, trong đó đầy vất vả.
Chương 4
ĐI TỚI TOÀN THẮNG
Từ ngày 5 tháng 8 năm 1972
Về tới Ban. Cơ quan hồi này rất đông, có hàng chục cán bộ mới ở miền Bắc vào. Phân xã chúng tôi có 12 người với đủ bộ phận: tin, ảnh, buồng tối. Chuyến công tác vừa rồi, Hồ Ca hy sinh tại đường 19 (Gia Lai). Anh đã bám sát cuộc chiến đấu của đơn vị Quân giải phóng đánh đoàn xe địch trên đường, cùng đào hầm, chĩa ống kính máy ảnh chờ chộp được cảnh đoàn xe địch bốc cháy. Một quả đạn DKZ của địch đã rơi trúng công sự của anh!
Anh em khác đều khoẻ mạnh. Tôi nhận được thư gia đình, đều là những tin vui.
Tôi làm tin đều đều, đồng thời viết một số bài ghi chép, truyệnngắn. Sau đây là một tuỳ bút tôi viết về những cô gái Bình Định mà tôi đã gặp trong chuyến công tác vừa qua:
Những người con gái quê hương
Phù Mỹ, mùa hè.
Đến một xã thuộc vùng Đông, tôi được xem một lá thư của một người con gái từ trong tù gửi ra:
"Các anh ơi, lũ nó tra hỏi em dữ lắm. Em chỉ nói: "Tôi là đàn bà, biết gì chuyện súng đạn mà các ông bắt? Các anh cứ yên tâm, chúng nó chẳng có bằng cớ gì đâu, em sẽ về với các anh.
Các anh ơi, em nhớ các anh lắm. Quê ta nhổ được mấy chốt rồi? tiếc quá, không được về góp sức với các anh giải phóng quê hương.
Em gái Hai."
Tôi đọc đi đọc lại lá thư ngắn ngủi, nhàu nát với những dòng chữ nguệch ngoạc ấy. Tôi chăm chú nghe Nhu - Bí thư xã - kể về Hai. Vào một ngày đẹp trời của mùa xuân, Hai lên đường làm nhiệm vụ. Với chiếc nón trắng duyên dáng trên đầu, với khẩu súng ngắn dấu trong cái xắc ni lông, Hai đi sâu vào vùng địch, tới giữa chợ đông dày lính tráng, mật vụ, tìm diệt thằng xã trưởng ác ôn khét tiếng. Với 2 phát súng, cô bắn gục nó. Lẽ ra, Hai có thể chạy thoát nhưng thấy nó còn dãy dụa, sợ nó chưa chết, Hai quay lại, nã thêm đạn vào đầu nó. Cô chỉ kịp dấu khẩu súng ngắn, bọn địch đãbâu lấy cô. Sáng hôm ấy, cả phiên chợ xôn xao. Đồng bảo hởi lòng hởi dạ. Kẻ thù bàng hoàng khiếp sợ.
Thế là Hai bị bắt - Nhu kể tiếp - chúng nó đánh Hai dữ lắm, vậy mà Hai không kể vào thư. Cơ sở nói lại, bọn chúng dằn ngửa Hai, dấp một cái khăn mặt bông lên mặt, đem một bình nước ớt xối từ từ xuống làm cô sặc sụa muốn chết. Chúng thay nhau đấm đá làm người cô sưng mọng lên như quả bồ quân chín. Thế mà cô ấy không kể vào thư. Thường ngày cũng vậy, Hai không bao giờ nói đến khó khăn của mình, chỉ lo cho đồng chí!
Lá thư cứ vang lên mãi trong lòng tôi như có ai thủ thỉ hoài bên tai và một niềm tin cứ đinh ninh trong óc tôi: nhất định Hai sẽ chiến thắng trở về. Người con gái đầy nghị lực, đầy niềm tin ấy sao lại không chiến thắng trở về được!
Đem theo niềm tin ấy, tôi đi tìm Hai trên khắp quê hương giải phóng. Tôi chưa được gặp Hai, nhưng lại gặp bao cô gái khác có những nét giống Hai kỳ lạ...
* * *
Thuý năm nay ngoài 20 tuổi , người thấp, lưng hơi gù. Về hình thức, cô là một cô gái khá xấu. Nhưng chính trong cái hình thức hơi thô kệch ấy lại chứa đựng một tâm hồn tinh tế, đẹp đẽ lạ lùng, một tâm hồn đầy chất thơ. Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, buổi chiều có những cơn mưa dông dữ dội, chúng tôi ngồi nói chuyện với Thuý. Thuý đòi chúng tôi đọc thơ cho nghe. Trong khi chúng tôi chậm rãi đọc thơ thì Thuý ngồi im lặng, lưng gù gù như sắp chồm lên phía trước, đôi mắt hơi lé nhìn vàomột điểm nào đó xa xăm. Chúng tôi vừa ngừng đọc, Thuý bỗng ngẩng lên, đôi mắt bừng sáng đầy hạnh phúc. Cô nghiêng nghiêng đầu, miệng lẩm nhẩm - thật là một đầu óc thông minh kỳ lạ, cô đọc lại nguyên văn bài thơ chúng tôi mới đọc cho cô nghe lần đầu. Rồi cô lại đòi chúng tôi đọc cho cô nghe bài khác. Khi anh Thu Hoài đọc một bài thơ do anh ấy sáng tác xong, Thuý suy nghĩ một lát rồi dụt dè nói:
-Cho em nhận xét nghen!
-Ồ, tốt quá, cứ nhận xét đi.
Thu Hoài hào hứng trả lời.
Đôi má Thuỷ ửng hồng lên:
-Trong thơ có câu : "Chiếc sóng con bằng giấy. Anh thả vào dòng mưa". Em thấy dùng chữ "thả theo - anh thả theo dòng mưa" hay hơn, chữ "theo" có tình cảm hơn, có phải không anh?
Tôi lặng đi trong niềm xúc cảm. Thật khó mà không xúc động được trước một tâm hồn phong phú, ý nhị như vậy, nhất là lại biết rằng người có tâm hồn đẹp đẽ ấy là một cô gái đã từng vào tù, ra tội bao lần, đã từng chiến đấu giữa lòng địch và chiến thắng trở về. Tôi hỏi Thuý:
-Em có làm thơ chứ!
-Dạ, có. Hồi bị địch giam, em có làm thơ. Tiếc quá, em không chép lại được. Em không còn nhớ bài nào nữa. Bọn địch tra tấn làm em ngớp luôn, đầu óc rối mất, không nhớ nổi.
Thuý thoáng trầm ngâm, rồi lại vụt trở lại cái hồn nhiên của tuổi trẻ:
-Nói là thơ nhưng đâu phải thơ, em viết dở lắm, nếu có nhớ, cũng chẳng dám đọc cho các anh nghe.
-Những bài thơ ấy viết về những gì?
-Ôi, có được gì mấy? Chỉ quanh quẩn chuyện hoạt động của chúng em thôi.
-Chắc chuyện hoạt động của Thuý có nhiều cái hay lắm nhỉ, kể cho anh nghe đi.
Thuý khiêm tốn:
-Ôi cha, không, chuyện vụn vặt, có gì mà kể.
Chúng tôi phải động viên mãi và thậm chí phải doạ thôi không đọc thơ nữa nếu Thuý cứ từ chối như vậy, Thuý mới chịu kể. Qua câu chuyện của Thuý, tôi hình dung ra một người con gái hoàn toàn khác Thuý lúc này. Người con gái ấy mặc áo rộng cổ, mặc quần chật ống. Ngoài những lúc cười nói bả lả với tụi lính, người con ái ấy luôn khinh khỉnh, ít nói và nếu có nói thì cũng chỉ bằng những lời cộc cằn dễ ghét. Người ta chỉ thấy Thuý là một cô gái ngông nghênh, khó chịu, thế thôi. Người ta không hiểu rằng đêm đêm Thuý lần mò vào những ngóc ngách mà địch hay đi, đặt mìn giết chúng. Có hôm, Thuý đặt mìn rồi trốn vào một đám mía, ngồi đợi thằng ác ôn khét tiếng trong vùng đi qua để diệt. Quy luật của nó là hay qua đoạn đường này vào buổi sáng. Nhưng chờ tới trưa rồi vẫn không thấy nó. Trời mùa hè nóng bỏng như chảo rang. Những lá mía khô đi, quăn lại, phả hơi nóng hầm hập. Thuý vẫn kiên nhẫn chờ. Giữa lúc ấy thì Thuý bị ngớp, đó là hậu quả của những trận tra tấn của địch. Thuý nằm lăn dưới gốc mía bất tỉnh. Thuý nấc nấc,ngáp ngáp như cá lên cạn. Nóng, khát, trời vẫn dội lửa xuống. Đầu óc Thuý muốn nổ tung ra. Thuý dãy dụa. Chỉ có một mình Thuý thôi. Và nắng, nắng dữ dội. Hàng trăm ngàn đốm lửa xao động trước mắt Thuý. Những thằng ác ôn hiện lên với những khuôn mặt
quái dị. Roi vọt. Nước ớt, nước xà phòng sặc sụa. Thuý lăn lộn. Nửa giờ, rồi một giờ qua đi, vẫn chỉ mình cô vật vã trong đám mía, dưới ánh nắng gay gắt. Mồ hôi ướt đẫm áo quần, đọng thành giọt trên mặt Thuý. Cuối cùng, cơn ngớp qua đi. Thuý ngồi dậy, ngơ ngác ngó quanh. Phải mất một lúc bàng hoàng, Thuý mới nhớ lại được những việc vừa xảy ra. Và ngay lúc ấy, Thuý nhớ tới nhiệm vụ của mình. Thuý lại căng mắt nhìn ra đường. Một cơn khát dữ dội hành hạ Thuý. Không có nước. Không thể rời khởi chỗ này đi kiếm nước được, vì như vậy sẽ bị lộ. Thuý có cách rồi: uống nuớc tiểu của chính mình. Với ý chí sắt đá ấy, Thuý đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau nhiều vụ đánh địch khác, Thuý bị lộ. Huyện chuyển cô về vùng khác, làm công tác đấu tranh chính trị.
Kể đến đấy, Thuý đột ngột cười:
-Có lần tụi địch kêu em là con điên anh à.
-Sao vậy?
-Hôm ấy, em cùngmột số cơ sở tổ chức một cuộc đấu tranh ở cầu Cương. Bọn địch ngoan cố lắm anh à, nó bắt mấy chị đi đầu lột hết nón rồi lại định lột áo. Chúng nó đánh, mấy chị ấy không ngán, nhưng chúng nó làm thế, mấy chị ngán quá, chạy lùi hết lại. Nòng cốt đã lùi thì cả đoàn biểu tình cũng lùi. Lúc ấy em ở phía sau chỉ đạo. Không thể để cuộc đấu tranh bị mất thế. Em vượt lên hàng đầu. Có mấy chị quát em:
-Mi điên hay sao mà chạy lên đó, chúng bắt thì sao?
Có chị cơ sở nói: "Thuý, chớ lên, phải giữ thế hợp pháp chớ!"
Em vẫn chạy lên. Em nghĩ, hợp pháp là để đấu tranh, chớ không phải để đứng sau cuộc đấu tranh. Thằng đồn trưởng thấy em vừa xông tới, vừa hô khẩu hiệu thì tức giận hét bọn lính níu chặt lấy em. Nó trợn trừng mắt: "Mày ưng khẩu hiệu lắm hử? Thì cho mày khẩu hiệu". Bọn lính dằn em xuống, viết khẩu hiệu phản động lên áo em, rồi đẩy em nhào trở lại.
Thuý dừng lại một lúc, ngập ngừng như đắn đo điều gì, rồi lại nói:
-Em liền cởi áo ra, vứt vào mặt bọn nó. Mấy thằng lính cười hô hố: "Con nhỏ điên bay ơi!". Nhưng thằng đồn trưởng thì tím mặt lại, há hốc mồm mà nhìn em. Và lúc ấy, đồng bào lại xông lên.
Cuối câu chuyện, Thuý thích thú đưa ra một nhận xét: "Anh thấy không, con gái chúng em sướng hơn các anh nhiều. Này nghen: biết đường nhựa, biết thị xã, lại biết cả đường dốc, biết cả núi rừng, biết hông đa lại biết cả cõng ba lô leo núi". Lời nhận xét ấy quả là một cách tổng kết cô đọng về phương thức hoạt động của những cô gái hợp pháp giữa lòng địch, những người luôn luôn thay đổi về hình thức và phong cách sống, duy chỉ có một điều không thay đổi: lòng căm thù Mỹ nguỵ, ý chí quyết thắng và niềm tin tuởng mãnh liệt đối với cách mạng, đối với chính mình. Tuy nhiên, tôi biết Thuý dùng chữ "sướng" ở đây là theo một khía cạnh khác chứ không đơn thuần ở cái nghĩa thông tục. Bởi vì những cô gái hoạt động trong vùng địch, sống va chạm với địch có rất nhiều nỗi khổ, khổ cả về thể xác, và khổ rất nhiều về tinh thần. Câu chuyện của Thu đã cho tôi những ấn tượng mạnh mẽ về nỗi khổ đó.
Căn cứ Bình Định, tháng 6.
Mới di chuyển đến nơi này, chúng tôi phải ở nhà tăng. Không có bàn ghế, phải cột võng mà ngồi trò chuyện. Trời lại dội mưa xống sầm sập. Tôi gặp Thu trong hoàn cảnh như thế. Thỉnh thoảng,một cơn gió thổi thốc tới làm tạt nước mưa vào lạnh ngắt, làm ngọn đèn dầu chao đi, muốn tắt. Những con mối theo ánh đèn bay tới bu đầy cổ làm tôi khó chịu vô cùng. Vậy mà Thu, cô gái ở thị xã mới về họp, thì lại hết sức thích thú trước cái cảnh sống tùm hum chật chội ấy. Nhìn tôi nhăn nhó, vơ mấy con mối bay sà trước mặt, Thu cười ngặt nghẽo và đôi mắt ánh lên sự hồn nhiên.
-Anh để cho nó bay, tội nó mà, đừng giết nó.
Tôi với tay đập con mối từ phía ngoài đang lao thẳng vào mặt, làm chiếc võng tôi ngồi chao đi, ngôi nhà tăng rung lên. Chiếc võng của Thu cũng chao theo. Cô đung đưa người theo nhịp võng và vừa lắc đầu, vừa cười, cười ròn khanh khách. Tôi chăm chú nhìn Thu, không khỏi ngạc nhiên. Khi mới được các đồng chí trong ban Binh
vận giới thiệu thành tích của Thu, tôi cứ hình dùng cô là một người con gái sắc sảo, nghiêm nghị, có giọng nói đĩnh đạc của người từng trải. Không ngờ cô lại hồn nhiên, ngây thơ như vậy. Chà, thật hiếm có một người con gái có điệu cười thoải mái như thế. Thu bỗng ngừng bặt tiếng cười, bối rối như mình vừa làm một điều gì lố bịch.
-Chu cha, anh! Dị quá à! Em.... em cười quá nhiều hả anh?
Rồi Thu nói tiếp, giọng êm êm, tha thiết:
-Anh à, đừng rầy em nghen. Sống với tụi nó, không khi nào em được cười thật sự. Về căn cứ, gặp các anh, em thấy sung sướng quá, em chỉ thích nô dỡn thật nhiều. Lắm khi em đuổi nhau với lũ bạn,chạy huỳnh huỵch. Đến khi nhớ lại, thấy các anh ngó, mắc cỡ quá, lại sợ các anh rầy nữa!
Tôi vội giải thích:
-Không, các anh không rầy em đâu em à. Không những thế, được thấy các em vẫn giữ được lối sống hồn nhiên, tươi trẻ, các anh rất vui. Chắc em sống trong đó ngột ngạt lắm hả? Em kể chuyện đi.
Thu ngồi im lặng, hai tay nắm mép vòng, mắt chăm chú nhìn ngọn đèn. Ngọn đèn lung linh, nô dỡn trong đôi con ngươi đen láy của Thu. ánh đèn dầu hắt vào mặt, làm làn da bánh mật của Thu hồng lên. Thu bắt đầu bằng giọng nói âm ấm, đều đều, thủ thỉ như dòng sông La Tinh dịu hiền của quê hương cô:
-Cha em đi tập kết. Mẹ em làm công tác trên tỉnh. Em còn nhỏ, ở với bà. Em nhớ mẹ, khóc hoài, đòi bà đi tìm mẹ. Bà em phải lôi em vào buồng, dỗ: "Im đi con, rồi má con sẽ về. Con nói tới má, thằng xã trưởng bắt cả nhà bây giờ". Chính những lúc ấy, má em về hoạt động tại xã. Sau này nghe nói lại, em mới biết. Có hôm má em ngồi trong bụi cây, thấy em đi ngang mà không dám gọi. Má bặm miệng, ngó theo em hoài. Rồi một lần đi công tác, má em bị địch phục kích, bắn chết. Lúc ấy em đã biết nghĩ rồi. Em xin vào du kích để trả thù cho má. Mấy chú không cho, nói em còn nhỏ, yếu quá. Mấy chú giao cho em nghi trang công sự cho mấy anh. Hôm ấy, em vừa cảnh giới,
bám sát thằng xã trưởng, vừa nghi trang công sự cho ba anh du kích. Khi nó sơ hở, em bật nắp công sự cho mấy anh lên. Diệt thẵng xã trưởng xong, mấy anh lại xuống công sự an toàn. Còn em thì bị tụi nó bắt. Chúng nó đánh em dữ lắm, nhưng em chỉ nói: "Chuyện tai bay vạ gió, tôi không biết". Cuối cùng, chúng phải thả em. Em nhớ lại lúc em bị đánh mê man bất tỉnh, có một người lính tới xoa dầu cho em. Em liền liên lạc với anh ta, xây dựng anh ta thành cơ sở binh vận. Mấy chú bảo em làm công tác binh vận giỏi, đưa em vào luôn ngành đó. Em vẫn giữ được thế hợp pháp của mình nên các chú đưa em vào hoạt động thị xã. Em quen sống ở nông thôn, phải chuyển qua hoạt động thị, bỡ ngỡ lắm. Phải học đủ cách ăn mặc, khi thì mặc theo lối "híp pi" quái gở, khi thì nón mê áo rách, gánh hàng rong. Chị Kiên bày vẽ cho em từng chút một, từ cách nhìn nhận, đánh giá binh lính nguỵ đến cách đi đứng để tránh sự theo dõi của bọn mật vụ. Hai chị em thường ra bãi biển gần thị xã. Em không muốn ra đó chút nào hết, ở đó dơ dáy lắm. Lũ lính Mỹ, lính Nguỵ nô dỡn với bọn gái điếm như ở trong buồng nhà nó. Em kinh tởm quá. Nhưng chị Kiên cứ dẫn em đi. Chị bảo: "Nơi đó tập trung nhiều cái ô uế, nhưng lại cũng có những người chán ghét hàng ngũ địch!". Chị nói quả không sai. Có một hạ sĩ quan nguỵ đimột mình trên bờ biển, đầu cúi nặng nề. Đôi mắt anh ta thâm quầng, rầu rĩ. Hai chị em lại làm quen. Biết anh ta tên là ý. Quả vậy, ý đang chán nản, buồn rầu: cha anh bị tụi lính bắn chết, emgái anh lại mới bị xe của bọn Đại Hàn cán gẫy tay, mẹ anh phải sống trong khu đồn ngột ngạt. Qua nhiều lần gặp gỡ, chị Kiên phân tích cho anh ý vì sao mà khổ, chuyển hoá anh thành một người có cảm tình với cách mạng. Chị nhận nhiệm vụ mới, trao lại cho em nhiệm vụ tiếp tục giác ngộ người lính nguỵ ấy. Một buổi tối, đi bên anh ta, em hỏi:
-Anh ý, anh có biết vì sao mà gia đình anh khổ như vậy không?
Anh ý trả lời:
-Vì chiến tranh.
-Chiến tranh do ai gây ra?
-Do ngoại bang.
-Anh đang cầm súng chiến đấu cho ai?
Anh lặng im. Em liền nói:
-Anh à, gia đình anh khổ, gia đình bao bà con ta khổ, đều do thằng Mỹ xâm lược gây ra. Anh cầm súng ấy, vô tình đã làm hại gia đình, bà con mình.
Anh ý trầm ngâm:
-Lỡ rồi, biết làm sao.
-Anh có muốn thoát khỏi con đường đen tối ấy không?
-Có chớ.
Cứ như vậy, em chỉ cho anh những việc làm có lợi cho cách mạng. Lúc đầu chỉ là nắm tình hình đi lại của địch trong căn cứ anh đóng. Sau đó là rải truyền đơn, rồi vẽ sơ đồ. Em kiểm tra thấyanh ấy làm đều tốt. Đến một hôm em nói với anh:
-Anh có muốn làm chiến sĩ Giải phóng quân không?
-Tôi mà làm được chiến sĩ Giải phóng quân à? - Anh ngạc nhiên hỏi.
Em giải thích:
-Bấy hôm anh vẫn làm công việc của chiến sĩ Giải phóng quân đấy.
Mắt anh sáng lên sung sướng:
-Thiệt na?
-Thiệt chớ. Các anh ở trên khen anh lắm. Các anh ấy có ý định kết nạp anh vào quân Giải phóng, muốn anh trở thành chiến sĩ Giải phóng hoạt động trong lòng địch, anh thấy thế nào?
-Được vậy thì sướng quá!
Rồi em đưa anh ấy ra vùng ven tổ chức kết nạp vào "đội nghĩa binh". Buổi lễ có ảnh Bác, có cờ Mặt trận, có cấp trên về dự, tuy đơn sơ mà rất trang trọng. Anh ý lên đọc lời thề: chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng. Anh ấy rất xúc động. Em cũng vậy, sung sướng, bồi hồi lắm. Trước nay, em đã xậy dựng được khá nhiều cơ sở binh vận, nhưng chưa lần nào lại có ý nghĩa như lần này: xây dựng cơ sở giữa hang ổ kiên cố nhất của địch, có điều kiện đánh những trận lớn.
Từ đó, để tiện việc bàn bạc, em đến thẳng nhà riêng gặp anh ấy. Nào ngờ, một chuyện gay go đến với em. Vợ anh ấy ghen. Mấy lần đầu em tới, chị ấy còn hấm hứ. Nhưng rồi một lần chị ấy chỉ thẳng vào mặt em mà nói giận dữ: "Tôi không ưa những người như cô. Cô ra khỏi nhà đi. Cô định cướp chồng tôi hả?". Lần ấy, em không thể kìm chế nổi, em bỏ đi. Ra ngoài gặp chị Kiên, em khóc: "Thôi chị ơi, xấu hổ lắm, em không đến nữa đâu, giao cho em nhiệm vụ khác". Chị Kiên phân tích: "Em đừng lo, chị ấy nói như vậy đủ biết chị ấy là người tốt. Em đã thấy mấy con vợ lính đánh ghen chưa? Chỉ mới thoáng thấy một cô gái đi bên chồng thôi, nó đã xông ra cào cấu vào mặt mà hét rầm lên giữa phố: "Con đĩ cướp chồngtao". Đằng này chị ấy không vội, chị ấy chỉ nói với em. Em cứ từ từ và xây dựng đi, chị ấy sẽ có ích cho chúng ta đấy!". Em lại trở vàothị xã. Đợi những lúc anh ý không có nhà, em đến thăm chị ấy. Chị ấy không mắng em nữa, nhưng thái độ rất lạnh nhạt. Em lại chuyện trò với lũ con chị, tắm rửa cho chúng. Lần lần, chị nói chuyện với em. Em phân tích cho chị hiểu vì sao gia đình chị khổ. Em nắm tay chị, nói thẳng: "Em biết gia đình chị cũng nghèo, có thù với lũ giặc, em muốn giúp đỡ anh ý đi vào con đường đúng đắn để trả thù nhà, nợ nước". Chị ôm lấy em, khóc: "Trời ơi, sao cô không nói vói tôi từ trước. Tội nghiệp quá!". Thế là chị trở thành cơ sở đáng tin cậy của em.
Sau nhiều ngày điều tra, em vạch kế hoạch cho anh ý đánh một trận lớn ở khu vực X. Anh hứa sẽ tiếp tục điều tra và sẽ trình bày với em phương án đánh cụ thể.
Thế là kế hoạch tỉ mỉ cho trận đánh được vạch ra. Hôm em đưa chất nổ vào và bày cho anh ấy cách dùng, kiểm tra lại phương án đánh của anh ấy, anh ấy cười: "Thật chịu cô! Chính trị đã giỏi mà quân sự cũng tài nữa!" Ngay trong đêm ấy, kho xăng giữa thị xã nổ tung. Em vui vô cùng, thế là ngọn lửa hai anh em cùng nhau nhen nhóm đã bùng cháy thành khối lửa dữ dội giữa hang ổ địch. Cuộc đời chúng em những lúc ấy là vui nhất.
-Em ra vào thị xã luôn, có hay bị lục soát không? - Tôi hỏi:
Thu mỉm cười:
-Tránh sao khỏi anh? Không những chúng lục mà chúng còn bắt ẩu nữa - hơi nghi là bắt, là đánh.
-Em bị bắt mấy lần rồi?
-Dạ, không nhớ nổi nữa anh à. Riêng năm ngoái em bị bắt 5 lần, tết cũng bị nhốt trong xà lim. Chúng nó tra nước dữ quá, em bị ngớp hoài.
Vẫn với giọng bình thản, Thu kể tiếp:
-Chuyến trước lên trên này họp, khi qua khỏi khẩu, em đi với mấy anh bộ đội. Tối ấy mấy anh em ở chung một nhà tăng. Chẳng dè em lên cơn ngớp, đang nằm trên võng bỗng nhào xuống đất. Người em mệt dữ dội, mắt quáng, miệng khát. Mấy anh mới vực em lên võng và cuống quýt hỏi nhau:
-Cô ấy bị trúng gió hay sao ấy! Dầu đâu?
Em nghe hết, nhưng lưỡi cứ cứng lại không nói cho các anh rõ được. Thế là các anh ấy nắm tóc mai em giật, rồi lấy nước tiểu đổ vào miệng em. Trời ơi, khai quá!".
Kể đến đó, Thu đột nhiên cười rúc rích như vừa nói đến một chuyện vui nào đó chứ không phải là nói đến nỗi đa truân của chính mình. Còn tôi, tôi thấy tràn ngập một sự xúc động, tràn ngập tình
thương và lòng kính trọng. Kẻ thù đã gây bao tội ác trên quê hương chúng ta, đã dày vò biết bao người con gái đáng yêu của quê hương chúng ta. Nhưng, sức sống của quê hương chúng ta vẫn ngời ngời lên, vẫn vượt lên hết thảy. Chỉ cần nhìn vào những người con gái ấy thôi, chúng ta cũng có thể thấy rất rõ quê hương chúng ta đau thương và bất khuất như thế nào.
Tôi gặp Thuỳ trong một trường hợp đặc biệt: chị đang lên cơn động kinh. Chị ngã lăn trên một tảng đá lớn, giãy giụa. Anh em vội xúm vào giữ chị. Phải 4 người ghì 2 chân, và 2 tay, một người giữ đầu chị mới giữ cho chị khỏi dãy tung ra. Mắt chị nhắm nghiền. Miệng chị la:
-Ươi trời ơi! Nóng quá chịu sao nổi? Các ông biểu tôi tiếp tế cho Cộng sản, tui không biết đâu!
La rồi chị cố chồm dậy. Các anh phải ráng hết sức ghì cho chặt mới giữ cho chị nằm im. Mặt chị nhăn lại, đỏ bừng như người say nắng, mồ hôi thấm ra lấm tấm. Chị nằm im, nấc nấc như bị ngạt.Đột nhiên chị hét ré lên, giãy giụa, la vang:
-Các ông biểu tui là Cộng sản. Tui không biết Cộng sản là gì! Nếu tui là Cộng sản thì cả nước Việt Nam này là Cộng sản! Nước Việt Nam này rộng lắm, đông lắm. Các ông có đi bắt hết được không? Trời ơi, nóng quá chịu sao nổi. Hồi mai giờ các ông đánh tui, cây gỗ phải gẫy, cây sắt phải cong, thịt da nào chịu nổi? Khát nước quá, đưa tui một hớp nước lạnh. Không, đưa cô ca làm gì? Tôi không uống! Các ông có biết tiền mua cô ca ở đâu ra không? ở máu bà con tui đây này. Các ông biểu tui uống nước đái, các ông khôn hơn, các ông đem về cho cha mẹ các ông uống...
Chị oằn mình, rú lên một tiếng rồi lịm đi. Anh em cho biết chị sẽ lên cơn suốt 3 tiếng đồng hồ. Trận đánh dữ nhất của địch kéo dài bao lâu thì cơn động kinh kéo dài chừng ấy. Chị là giao liên hợp pháp. Chị dẫn đường cho anh em ra vào, chị chở vũ khí, tài liệu ra vào một vùng quan trọng. Với chiếc xuồng nhỏ bé, chị đi lại như con thoi nối liền những con đường chiến đấu. Một tên phản bội khai báo ra chị. Trước khi bị bắt, chị đã kịp nhận chìm xuồng, giấu hết vũkhí. Địch đánh chị bằng đủ mọi đòn dã man: đổ nước, tra điện, đóng
đinh vào tay. Chúng không tài nào làm được tờ cung. Chúng bèn tự viết ra một tờ cung, bảo chị ký vào. Chị cầm bút, gạch một đường lớn vào giữa tờ cung. Chúng lại đánh chị. Nhưng chúng vẫn thua. Bây giờ, chị đã trở về với chúng tôi. Chị nằm đó, thở phập phồng. Với khuôn mặt bầu bầu, sống mũi dọc dừa, trông chị thật hiền từ, đôn hậu. Nhưng với kẻ địch, chị dữ dội thế đấy. Theo dõi cơn động kinh của chị, ta có thể hình dung rất rõ cuộc chiến đấu của chị trong phòng tra, thấy rõ thằng ác ôn đang làm gì, chị chống trả ra sao.
Bốn lăm phút trôi qua. Chị hơi cựa mình, tay bắt đầu nắm lại. Phải thay 5 người khác vào giữ chị. Chị lại sắp giãy. Vừa kịp ghì lấyngười chị, thì chị nắm chặt tay lại, oằn oại. Đôi mắt chị nhắm nghiền và miệng chị lại la:
-Đánh tôi quá chừng quá đỗi chịu sao nổi! Sao mà ngu dữ vậy? Còn một cái cung nữa mà đánh dữ vậy. Các ông đánh vợ con các ôngvậy được không? Thôi! Đưa cây đây tôi đánh các ông thử coi! ứ ớ!...
Chị giãy đùng đùng, lặng đi một lúc chị lại hét lên:
-Để tao chết luôn, chích kim làm chi? Bay đánh tao chết cònbày chích thuốc làm chi? Đừng có đạo đức giả! Thả ra, thả ra, tôi đạp đây nè.
Chị nấc nấc một lát rồi tiếp:
-Đánh đi! Các ông có giỏi thì đánh miết tới 12 giờ khuya. Ba, bốn đứa đánh chết chứ chịu sao nổi? Bay lấy gậy sắt đánh tao gẫy tay. Bay trở roi điện đánh tao cháy da. Nhưng bay mới lóc tới thịt, chớ chưa tới xương tao. Bay đánh cho chết luôn đi rồi xả thịt làm mắm cho vợ con bay ăn. Sao bay ngu quá chừng vậy.
Chị ngừng lại, nấc nấc như người bị ngợp nước, ngực giật giật từng hồi và thở hổn hển. Rồi chị nằm im, thở đều đều như người ngủ say. Một lát sau, chị kéo chiếc võng mà chúng tôi đắp cho chị lên ngửi rồi nói:
-Chu cha, tanh quá, máu tanh quá.Chị ném chiếc võng đi và lại kêu:
-Lính, đem nước tao uống! Đồ quỷ, nó bỏ, nó đi hết.
Chị nằm im một lúc, nói giọng tỉnh táo hơn: "Đau đầu quá".Đồng chí y sĩ lấy thuốc trợ sức tiêm cho chị. Chị không biết gì. Chị duỗi bàn tay ra. Anh em cũng buông chị ra. Chị ngồi dậy, đầu tóc bơ phờ. Chị nhìn chúng tôi, vuốt sợi tóc loà xoà trước trán, thoáng cười và bảo: "Các anh ngồi lâu lắm rồi hả, có mệt không? Thôi, vô nghỉ đi!" Chị đưa tay sửa lại áo, hai cổ tay bị giữ chặt lâu quá, bầm tím.
Tôi ngồi lặng im nhìn chị mà muốn hỏi chị nhiều chuyện. Nhưng tôi không dám hỏi. Bởi vì, nếu chị kể lại chuyện đời mình, chị sẽ không tránh khỏi xúc động và rồi chị sẽ lại lên cơn. Tôi không cầm lòng được trước cơn động kinh của những người con gái ấy. ởBình Định này, tôi đã gặp biết bao cô gái như vậy. Người làm công tác võ trang, người làm công tác binh vận, người làm công tác đấu tranh chính trị, giao liên - mỗi người trên một mặt trận thầm lặng và mỗi người đều vượt qua những đau thương, gian khổ mà lập nên những chiến công thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao. Kẻ thù tàn bạo, dã man quá, chúng hành hạ chị em của chúng ta bằng những dụng cụ hiện đại nhất của "văn minh Huê kỳ" và bằng phương pháp tồi tệ nhất của thời trung cổ. Nhưng, chúng không khuất phục được những người con gái ấy.
* * *
Khi tôi viết những dòng chữ này, tôi đã ở xa những người con gái ấy hàng trăm cây số. Tôi ân hận mãi là chưa gặp được Hai người con gái Phù Mỹ kiên cường. Khi được tin cô đã chiến thắng trở về, tôi ở xa quá, không đến thăm cô được. Khi tôi về thăm Hai tại quê hương cô thì Hai đã được điều lên huyện nhận công tác mới.
Những người con gái ấy vẫn đang trên đường chiến đấu vẻ vang của mình. Hai làm công tác an ninh. Thùy trở về chiến trường với chiếc thuyền nhỏ xuôi ngược trên các dòng sông, luồn lách giữa hang ổ địch. Thu đang tiếp tục chiến thắng những thử thách lớn lao mới trong trại giam của địch. Còn Thuý, người con gái có tâm hồn
đầy chất thơ, đã đi xa rồi, xa mãi, để lại trong tôi những hình ảnh trong sáng, những suy nghĩ cháy bỏng.
Sống giữa những người con gái như thế, sống giữa cuộc chiến đấu hào hùng như thế, tôi thấy mảnh đất mà mình mới đặt chânlên ít lâu, bỗng trở nên gắn bó, đầy tình sâu nghĩa nặng. Đã bao lầntôi thầm gọi Bình Định - mảnh đất "dẫu chẳng nơi đây cất tiếng chào đời" là quê hương với cái nghĩa thân thương và trân trọng nhất.
Xin cảm ơn những người con gái quê hương.
Ngày 2 - 6/9/1972
Cơn bão số 5 đã ảnh hưởng trực tiếp đến mảnh đất này. Suốt mấy ngày nay mưa sầm sập.
Quân ta đã mở mặt trận mới ở chỗ địch không ngờ: Tiên Phước
-có cả xe tăng xuất kích. B52 thả bom phía đó, rung cả đất ở đây.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 9/9/1972
Việt Long yêu dấu của bố mẹ.
Đã gần 1 năm, kể từ khi anh San, bạn con, ra ngoài này đến thăm bố mẹ và đưa thư của con, bố mẹ chưa nhận được thư của con. Tuy nhiên bố mẹ cũng được biết tin con xuống công tác ở BìnhĐịnh. Tháng vừa qua, anh ổn và chị Sáu ở VNTTX đến thăm bố, báo tin con vẫn được mạnh khoẻ, công tác tốt, và mới được tặng thưởng Huy chương Giải phóng. Bố mẹ và các em rất mừng. Bố rất vui vì có đứa con tiếp tục được sự nghiệp cách mạng của cha, nối tiếp được truyền thống cách mạng của dân tộc. Bố thường nói với các em con, anh Long có lý tưởng cách mạng rõ rệt, có tinh thần quyết tâm vượt khó khăn gian khổ để thực hiện lý tưởng đó và có phương hướng mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Bố cũng hình dung được
những gian khổ, khó khăn con vừa trải qua, góp phần bé nhỏ vàothắng lợi lớn lao của Bình Định kiên cường.
Về tình hình ngoài này, chắc con theo dõi qua đài và báo chí cũng rõ, toàn dân miền Bắc đang ra sức đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại điên rồ của Níc Xơn. Chiến đấu, sản xuất, sơ tán, vất vả hơn lần trước, song mọi người cảm thấy thắng lợi gần hơn.Mỗi khi được tin thắng lợi của Bình Định, Quảng Nan, bố lại nói chuyện đến con đang hoạt động trong đó cho các em nghe.
Gia đình ta cũng sơ tán từ tháng 4/1972, lần này sơ tán gần thôi, không xa như lần trước. Thuỷ, Lan, Diệp sơ tán với mẹ cáchthị xã Hà Đông 5 cây số, vào phía trong làng. Ngọc hiện nghỉ hè cũng ở đấy. Cho đến nay gia đình vẫn bình yên, mạnh khoẻ. AnhĐức vẫn công tác tại Trung tâm Hà Nội, anh vẫn khoẻ, công tác tốt.
Gia đình mới nhận được thư của Phúc. Anh chàng Phúc đang chuẩn bị về nước công tác sau 3 năm rươĩ thực tập ở Liên Xô, trong cái tỉnh bé nhỏ, nước cộng hoà Ucraina.
Anh lính trẻ Việt đang làm nhiệm vụ của một chiến sĩ công an vũ trang vùng núi Nghệ An. Việt đã quen được với cuộc đời chiến sĩ, đôi lúc nhớ nhà, có chiều hướng công tác tốt.
Ngọc thi lớp 10 đậu, và thi vào Đại học đạt điểm số rất cao (20 điểm; 13 điểm là đạt tiêu chuẩn). Nhẽ ra Ngọc được chọn đi Liên Xô để học ngoại ngữ, nhưng đã có 2 anh vừa đi nước ngoài, nên phảidành chỗ cho bạn khác. Ngọc sẽ vào học trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ, và sẽ trở thành cô giáo dạy tiếng Anh. Ngọc học giỏi toàn diện (văn hoá tiên tiến, ngoại ngữ tiên tiến, đoàn viên tiên tiến) phong thái vẫn cù mì, cục mịch như khi con còn ở nhà.
Diệp năm nay lên lớp 9, học đạt loại A3, khá về toán, lý hơn cả; nhanh nhẹn, tháo vát, khoẻ và luôn luôn lạc quan yêu đời. Em sẽ sơ tán theo trường của em.
Lan lên lớp 6, cũng học khá loại A3, đã gánh được 2 thùng nước đầy mà bố xách không nổi, giống Ngọc về vóc người, sẽ to lớn như chị, song sôi nổi hơn chị.
Thuỷ năm nay lên lớp 5, là học sinh cấp II rồi mà trông vẫn còn bé như đứa lên lớp 7, đêm nằm thỉnh thoảng còn sờ vú mẹ. Vẫn gầy tuy ăn khoẻ, càng lớn lên càng giống mẹ.
Lan và Thuỷ sẽ học tại trường cấp II, nơi trường sơ tán.
Mẹ con vẫn khoẻ, vẫn công tác ở trường Ngoại ngữ, thường xuyên nhớ con, thương con và nhắc đến con luôn, đặc biệt là khi gia đình có dịp sum họp đông đủ, chỉ vắng con.
Thấm thoát bố đã 56 gần 57 tuổi rồi, sức khoẻ gần đây có yếu hơn trước, song bố vẫn công tác bình thường. Bố rất mừng vì đã nhận được phòng ở tại khu Kim Liên, chiếc phòng trên 25m2, song có đủ tiện nghi nhà tắm, bếp ăn, hố xí... như vậy là bố có nhà ở lâu dài, về hưu trí không còn phải lo đến chỗ ở.
Gia đình nhà ta như thế là tạm ổn định; 4 con trai đều công tác cả. Ngọc trở thành sinh viên đại học. Bố mẹ chỉ còn phải lo cho 3 em, mà với đà học tập, đạo đức và tác phong của các em, bố thấy em nào cũng có triển vọng cả. So với trước kia, bố mẹ phải nuôi và lo cho 8 con, thì nay rõ ràng là một bước tiến lớn.
Bình quân thu hoạch cao hơn trước gấp 2. Bố, anh Đức, em Ngọc, em Diệp đều có xe đạp tốt. Nhà có đài điện, đài bán dẫn, máy khâu. Cùng với sự tiến triển của cách mạng, gia đình ta cũng được tiến thêm về chính trị + kinh tế.
Mẹ con trước lo cho con nhiều, chỉ mong con chóng trở về miền Bắc, có dịp sum họp gia đình đông đủ, nay sự suy nghĩ đã khác, mong con dũng cảm, mưu trí trong công tác, và đạt nhiều kết quả lớn hơn. Mặt khác, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, đâu cũng có khó khăn nguy hiểm, nên mẹ con cũng thấy công tác ở đâu cũng thế, miễn là tích cực song thận trọng.
Bố chúc con khoẻ mạnh, vượt mọi gian khổ khó khăn, linh hoạt, sáng tạo, thận trọng trong công tác cách mạng, đạt nhiều thành tích mới. Có dịp biên thư cho bố mẹ và các em, nhờ phòng Tổ chức VNTTX chuyển cho, địa chỉ biên thư cho gia đình như cũ.
Bố của con
Phạm Đức Hoá
Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10/1972
Những ngày này, hoạt động của ta được đẩy mạnh ở vùng ven Sài Gòn, Tây Nguyên. Trên mặt trận ngoại giao, ta tiếp tục lên án lập trường ngoan cố của giặc Mỹ ủng hộ chế độ Việt gian Nguyễn Văn Thiệu. Vụ giặc Mỹ cho máy bay đánh vào trung tâm Hà Nội, bỏ bom phá hủy tổng lãnh sự Pháp bị ta tố cáo mạnh. Các nước cũng rộ lên một phong trào phản kháng Mỹ. Kít Sin Giơ chạy lung tung, hết qua Pari lại qua Sài Gòn. Chúng tung dư luận sắp đạt được mộtgiải pháp. Đài, báo của ta luôn luôn phát đi những bài bình luận, xã luận vạch trần thủ đoạn lừa mị của chúng, khẳng định quyết tâm chống Mỹ cứu nước của ta.
Nhưng, ở bên trong, chúng tôi được phổ biến: sắp tới, có khả năng đạt được một giải pháp theo đúng yêu cầu của ta. Lúc ấy, có khả năng tồn tại hai Chính phủ, hai quân đội. Bên trên, có Ban hoà giải dân tộc và Uỷ ban quốc tế. Vấn đề đặt ra bây giờ là phải bố trí thế trận sẵn sàng, khi có thời cơ là tấn công ào ạt, chiếm nhiều đất đại bộ phận nông thôn và một số thị trấn, quận lỵ, chiếm trục giaothông - giành nhiều dân, giành lòng dân. Được tin, bọn địch đang chuẩn bị ráo riết để đấu tranh chính trị với ta khi có giải pháp. Chúng bắt nhân dân mua tôn có vẽ cờ 3 que cả hai mặt về lợp nhà. Chúng chuyển nhiều sĩ quan cấp uý về làm cán bộ thôn, xã. Chúng ta cũng phải chuẩn bị rất khẩn trương. Nhiều cán bộ đã được tung đi các địa phương làm công tác phong trào. Nhiều tài liệu, truyền đơn được viết, nhiều áp phích được vẽ để tuyên truyền đại thắng lợicủa dân tộc. Điều đáng lo là cán bộ - chắc sẽ thiếu. ở phân xã, không ai biết tiếng Anh, đó là một điều gay go.
Hôm nay, trong bữa ăn, một anh nói: "Miền Bắc bắn rơi 4000 máy bay rồi". Anh khác cướp lời: "4 nghìn lẻ 2 chớ 4.000?". Dương Hương Ly cười: "Giá mà khi có giải pháp, bắn rơi tròn 4.000 thì haynhỉ". Đặng phê phán: "Quan điểm của ông Quốc là muốn dừng lại, đừng bắn nữa hả?" . Quốc lại cười: "4.000 để làm thơ cho hay - 4.000 năm dựng nước, bắn rơi 4.000 máy bay".
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Bố mẹ kính mến!
Mùa mưa lại đến với căn cứ chúng con. Lúc này đây, trời mưa sầm sập. Tuy vậy, tiếng động của đất trời vẫn không át tiếng súng tiến công từ Tiên Phước vọng về. Hôm nào nơi ấy cũng rền vang tiếng pháo 130mm của ta, xen cả tiếng súng các loại. Chiến trường rất sôi động.
Chúng con học tập ở hậu cứ mà cứ bồn chồn muốn lao ngay ratiền phương. Đến hôm nay, rất đông anh em trong cơ quan đã đi công tác. Nhưng con vẫn phải ở nhà, lần này, con nhận trách nhiệm thường trực bộ phận để biên tập. Con tiếc lắm, vào những ngày cuối của cuộc chiến tranh này lẽ ra phải được xông xáo ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu để được đóng góp nhiều nhất sức mình vào cuộc chiến đấu và đặc biệt với nguời viết, để chứng kiến những chuyển biến trọng đại nhất của lịch sử, làm giàu thêm nhận thức, hiểu biết thực tế. Tuy vậy, con vẫn xác định phải yên tâm làm tốt nhiệm vụ ở tuyến sau.
Bố mẹ ạ, con vẫn khoẻ, sức khoẻ khả quan lắm. Bác sĩ khám cho con phải thốt lên: "Chà, đồng chí không sốt hay sao mà gan, lách tốt thế?"
Thể trạng của con vẫn gầy giống khi ở ngoài đó vậy, nhưng không thể coi nó là biểu tượng của sức lực bên trong được, cho nên khi xem ảnh con, bố mẹ thấy có xương xẩu đôi chút cũng đừng lo nhé. Con khoẻ lắm, ăn khoẻ, ngủ khoẻ, làm việc khoẻ.
Trong công tác, con vẫn tiếp tục cố gắng phấn đấu. Những công việc hàng ngày, con đều giải quyết kịp thời và không phạm sai sót gì. Con đang sắp xếp thời gian để viết một ít bài thuộc thể loại văn nghệ - tập sáng tác. Con đang cố tập để viết cho được, cho tốt. Vềmặt Đảng, thế là con đã trở thành đảng viên chính thức hơn 1 nămrồi. Trong Đại hội chi bộ vừa rồi, con được bầu vào Chi uỷ chi bộ cơ quan, chuyên trách về thanh niên. Thực ra, trong cuộc sống, cả vềbên Đảng cũng như chính quyền, con không có ý muốn nhận một chức vụ nào cả, chỉ muốn là một đảng viên 4 tốt, một cán bộ chuyên môn tốt thôi. Nhưng bây giờ, con không thể từ chối trách nhiệm mới này được, con sẽ cố gắng học tập các đồng chí đi trước, cố gắng làmtròn nhiệm vụ. Ước mơ lớn nhất của con, con vẫn phải dùng ngòi bút để thực hiện chứ không phải là dùng bậc thang...
Về sinh hoạt, đời sống chúng con ngày càng no ấm, vui tươi. Vừa rồi, miền Bắc có gửi cho chúng con một số quà. Do vậy, những trang bị cho cuộc sống, con khá đầy đủ, chẳng phải lo gì. Phân xã Thông tấn xã của chúng con cũng lớn mạnh hơn nhiều. Bố mẹ cứ xem những cái ảnh phóng ở núi rừng này cũng hình dung về kỹ thuật, chúng con đã có những bước tiến thế nào (hồi trước, con chỉ gửi ra những ảnh in bé tý chứ không phóng to). Từng đợt, chúng con toả đi các tỉnh công tác rồi 5, 6 tháng sau lại về - ríu rít trong một nhà như bầy chim về tổ ấm. Chúng con hiểu nhau, quan tâm đến nhau, thương yêu nhau như ruột thịt. Chúng con trang bị lẫn cho nhau những gì bạn còn thiếu, ăn chung nhau, đi xa về lại đem quà cho nhau, chăm sóc nhau khi đau ốm... Những tình cảm ấy đã bù đắp rất nhiều cho sự thiếu thốn tình cảm gia đình.
Vừa rồi, bọn Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, gia đình ta cósơ tán không? Anh Đức đã có vợ chưa? Bà, cụ, cậu mợ Hiếu, ông bà trẻ và cô chú Phương cùng các em có khoẻ mạnh, vui tươi không? Con hết sức mong thư của gia đình nhưng chỉ nhận được thư bố mẹ,anh Đức (trong năm nay, con chỉ nhận được 2 lá thư do bố gửi vào thôi).
Cuối cùng, cho con gưỉ lời thăm các cô, chú trong cơ quan bố, mẹ.
Gửi đến Ngọc, Diệp, Lan, Thuỷ tình thương yêu, nhớ da diết của người anh.
Còn Việt, hiện đang chiến đấu ỏ đâu?
Con gửi một số ảnh của con cho bố, mẹ, có gì bố mẹ gửi lên cho bà, trẻ trên nhà, cho các em ở xa.
Sắp tới, anh Hà có thể ra. Nếu vậy, khi ah ấy vào mẹ có thể gửi thư và những thứ cần thiết. Mẹ hỏi xem anh San và anh Thành cóvào không để gửi các anh ấy. Có gì, mẹ hỏi thêm anh Đồng sẽ rõ.
Mong thư, ảnh gia đình
Con
Việt Long
Bài đăng báo Cờ giải phóng và Bản tin Đấu tranh thống nhất:
Ba cha con chung một chiến hào
Hà Nội (VNTTX 22-10-72) - Cuộc chiến đấu đang diễn ra quyết liệt, bọn địch cố xông lên hòng đánh bật các chiến sĩ bộ đội, du kích ra khỏi xóm nhà phía Tây Nam Phước Lý (vùng ven Quy Nhơn,Bình Định). Chúng bị đẩy lùi, để lại mấy xác chết và nhiều tên bị thương nằm rải rác trên đường. Chúng phải cầu cứu đến phi pháo. Những chiếc máy bay lên thẳng sà tới, bắn như vãi đạn xuống trận địa. Những chiếc "bo bo" cũng cập sát bờ biển nã cối tới như mưa rào. Nhưng, bọn bộ binh vẫn nằm chết dí tại chỗ.
Trong khi đó, ở phía sau, bọn ác ôn nguỵ quyền đang cùng bọn chỉ huy nguỵ quân bóp đầu bóp trán tìm cách gỡ thế bí. Tên Trầm, xã trưởng, chỉ vào hai người đàn ông bị trói ngoài sân, nói:
-Người nhà Cộng sản đó. Đưa chúng vào khiêng những thương binh ra!
Tên thiếu uý Bảo an đồng tình:
-Được đấy, đưa thằng con nó ra trước, còn lão già này để lại làm con tin.
Bọn lính xông tới, xốc anh thanh niên dậy, mở dây trói, đẩy đi. Thằng Trầm doạ:
-Mạnh, mày mà chạy thì cha mày sẽ chết!
Mạnh bước đi trước mũi súng của lũ Bảo an qua những hàng dương xơ xác vì bom đạn. Phía trước kia đã là trận địa của bộ đội, du kích. Mạnh vẫn bước tới. Tụi lính bước chậm lại. Một thằng quát:
-Lên cõng thương binh rồi chạy trở lui mau!
Mạnh lầm lũi bước đi. Tụi lính dừng hẳn lại, tản khai sau những gốc dương. Trận địa im lặng. Mạnh ngước nhìn lại phía sau rồi vụt chạy. Những loạt AR15 nổ rộ lên. Mạnh vẫn chạy tới. Một loáng, anh đã khuất sau những hàng dương. Anh lao vào một giao thông hào. Các chiến sĩ bộ đội và du kích theo dõi sát từng hành động của anh, niềm nở đón anh. Một du kích trẻ từ một góc chiến hào đứng sững nhìn anh rồi chạy bổ tới, reo lên:
-Anh Mạnh!
Mạnh cũng reo lên:
-Phúc, em Phúc!
Hai anh em ôm chặt lấy nhau.
Người em đi du kích, người anh còn sống trong vòng kìm kẹp của địch, không ngờ lại gặp nhau trên chiến hào giữa cuộc chiến đấu quyết liệt này. Mạnh nói:
-Ba còn bị chúng giữ. Súng đâu, đưa anh một cây!
Anh em du kích đưa Mạnh một khẩu AR15 mới thu được của địch. Phúc hướng dẫn anh cách sử dụng. Hai anh em lại cùng đồng đội bám chiến hào, đánh lui các đợt phản kích của địch.
Được tin Mạnh chạy trốn, tên thiếu uý Bảo an tức giận định giết ông Châu, cha của Mạnh. Nhưng thằng Trầm ngăn lại.
-Khoan, bắt lão lên kêu con lão về, lão mà lôi thôi, trảy đầu vẫn chưa muộn.
Nó túm ngực ông lão, lôi dậy, gằn giọng.
-Lên kêu con mày về!
Ông Châu gượng đứng cho vững. Những quả đấm, cú đá bọnlính mới nện trên khắp cơ thể làm ông nhức nhối. Ông nhìn xoáy vào mặt thằng ấp trưởng. Những ngày tháng đau khổ lại hiện lên,quặn thắt lòng ông. Ông vốn không phải người Phước Lý. Quê ông ở Cát Chánh, làng ông nằm bên bờ biển lộng gió, có những hàng dương xanh thắm. Gia đình ông làm ăn lương thiện bằng nghề cá. Nhưng máy bay, pháo biển của địch thi nhau dội bom đạn xuống, phạt cụt ngọn những hàng dương, phá trụi xóm làng. Bọn địch dùng bom đạn và hành động tàn sát hòng thực hiện âm mưu "bình định" của chúng. Gia đình ông cùng bà con bật chạy lên núi. Bọn lính càn theo, bắt từng người dồn về Phước Lý. Sống trong vòng kìm kẹp của chúng, mất tự do, cuộc đời cực khổ trăm chiều. Người dân biển vốn cần cù, dậy sớm, thức khuya, lênh đênh trên biển. Nhưng bọn địch buộc họ phải đi muộn về sớm, sáng 8 giờ chúng mới cho rakhơi, chiều 4 giờ đã bắt về. Đánh được con cá ngon, chúng cũngcướp giật. Bây giờ, chúng còn muốn hành hạ ông. Ông nghĩ: "Được, dù chết tao cũng chạy khỏi vòng kìm kẹp của bọn bay. Sống tủi nhục chừng ấy quá đủ rồi!".
Bọn lính thúc ông đi. Ông giả bộ sợ sệt: "Các ông đi trước, tui sợquá!". Bọn lính quát: "Đi! Muốn ăn đạn hả?". Chúng đẩy ông đi theo con đường nhỏ len lỏi giữa làng. Con đường quanh co, gấp khúc quanhững ngôi nhà. Ông mừng thầm: "Tao chỉ cần chạy qua ngôi nhàkia là thoát!". Đang đi, ông bỗng dừng lại, núp sau một vách nhà,
kêu: "Chết! Chết rồi mấy ông ơi! Họ đông quá, đang chĩa súng vềđây!". Bọn lính sợ xanh mắt, chạy lùi lại. Ông Châu vụt chạy tới.
Được anh em du kích đón tiếp, ông Châu sốt sắng bắt tay ngay vào việc phục vụ anh em chiến đấu.
Trời đã tối, anh em bộ đội, du kích thu dọn chiến lợi phẩm, trở về căn cứ. Trên bến đò, ba cha con ông Châu gặp lại nhau, vuimừng khôn xiết. Tất cả đều lên đường. Ông Châu đứng cầm lái, hai con ông cầm chèo, đưa con thuyền chở nặng vũ khí lướt tới.
Việt Long (Thông tấn xã Giải phóng)
Ngày 23 - 25/10/1972
Một số kế hoạch chuẩn bị cho ngày lễ mừng đại thắng phải tạm hoãn. Số người đi làm khán đài nay ở lại. Ngày 23, 24, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục đánh phá miền Bắc. Ngày 24 Thiệu đọc diễn văn trước vô tuyến truyền hình với giọng điệu lưu manh, hiếu chiến, điên cuồng và sợ hãi. Có lẽ, nó rất sợ một giải pháp hoà bình. Còn Mỹ thì vẫn đang lập lờ. Ngay lúc này, khó có thể dự đoán chắc chắn là khả năng nào trong hai khả năng sẽ xảy ra? Thời gian sẽ trả lời chúng ta. Thời gian ủng hộ chúng ta. Chúng ta khẳng định quyết tâm của chúng ta một lần nữa: kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Chúng tôi nghe rất kỹ bài xã luận báo Nhân dân và bình luận báo Quân đội Nhân dân nói về quyết tâm ấy.
Bây giờ là mùa mưa. Song, năm nay mưa nhỏ và mưa rất ít. Thường là trời nắng, bầu trời xanh hoặc dày mây trắng.
Ngày 26/10/1972
Trưa nay, trong buổi phát thanh đặc biệt, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi bản tuyên bố của Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về tình hình cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam hiện nay. Chúng tôi nghe kỹ 2, 3 lần. Tối, cơ quan tổ chức mít tinh. Chúng tôi đều thấy rõ bộ mặt xảo trá, lật lọng, đê hèn của đế quốc
Mỹ, thấy rõ thiện chí của ta, đồng thời khẳng định quyết tâm: kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Trong công tác, chúng tôi vẫn chuẩn bị hai khả năng: làm ảnh, nghiên cứu chính sách để làm việc thật tốt khi có giải pháp, đồng thời lo đi gùi cõng lương thực, thực phẩm, lo sản xuất, di chuyển để đảm bảo sức chiến đấu lâu dài.
Ngày 27/10/1972
Trời mưa lớn. Rồi tạnh. Lại mưa. Lúc thì chói nắng, lúc lại mưa sầm sập.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 29/10/1972
Bố mẹ kính mến! Các em thân!
Con viết thư này về gia đình giữa những ngày cả nước ta đang sôi nổi hưởng ứng bản tuyên bố mới đây của Chính phủ ta. Con nghĩ càng thấy căm thù thằng Mỹ, nó thật lật lọng, đê hèn, nếu nó tôn trọng lời cam kết thì đất nước ta đã được hoà bình trong độc lập, tự do rồi. Lúc ấy, tuy cuộc đấu tranh còn diễn ra gay go và quyết liệt, nhưng đã mở ra hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, trong đó có gia đình ta. Còn bây giờ, chắc bố mẹ đều nghĩ như con: chiến đấu đến cùng để giành độc lập, tự do, lúc ấy sẽ có vui đoàn tụ.
Chúng con vẫn đứng vững trên vị trí công tác, khẩn trương tiến hành mọi việc, vừa chuẩn bị triển khai công tác thật nhanh, mạnh khi có giải pháp, vừa chuẩn bị tốt để kiên trì và đẩy mạnh chiến đấu. Con vẫn khoẻ, phấn khởi. Bây giờ, con vẫn ở căn cứ, vừa biên tập tin, bài các nơi gửi về vừa viết thêm một số theo tài liệu đã ghi chép được trong chuyến công tác trước.
Chúng con vẫn khoẻ. Nhờ khâu tổ chức của cơ quan tốt và tình hình thuận lợi, chúng con đỡ lao động vất vả, có nhiều thời giờ làm công tác chuyên môn.
Con xin giới thiệu với gia đình, người đưa thư này đến nhà là anh Vũ Hồng - cán bộ trong cơ quan con ra Bắc chữa bệnh. Chắc anh Hồng sẽ kể nhiều chuyện cho bố mẹ và các em nghe.
Còn gia đình ta hiện nay ra sao? Các em có sơ tán không? có ngoan, học giỏi không? Bố, mẹ có khoẻ không? Mà mẹ đã bỏ thuốc lá chưa đấy? Con chẳng thấy mẹ nói gì về chuyện này cả. Mẹ vốn không khoẻ lắm, nếu hút thuốc càng có hại, điều đó làm con không yên tâm chút nào cả. Thư sau, mẹ phải nói cho con rõ về chuyện này đấy! Con vào đây vẫn như ở nhà, không nghiện trà, thuốc, rượu, bia... gì hết. Chỉ tranh thủ bồi dưỡng sức khoẻ để làm việc tốt thôi.
Bố mẹ cho con gửi lời thăm cụ, bà, ông bà trẻ, cậu mợ Hiếu, cô chú Phương và các chú, bác trong cơ quan.
Con mong thư gia đình
Anh mong thư các em
Con
Việt Long
Ngày 5/11/1972
Lại một tin đau đớn nữa đến với chúng tôi: Hoàng Chung, phóng viên ảnh, đã hy sinh tại Kỳ Thịnh (Tam Kỳ, Quảng Nam). Như vậy, trong cả 3 đợt ra quân của phân xã chúng tôi, đều có hy sinh: Lần thứ nhất - Lê Viết Vượng, lần thứ hai - Hồ Ca, và lần này
-Hoàng Chung.
Bao giờ cũng vậy, cứ nghe tin đồng chí mình hy sinh, tôi lại nghĩ về những kỷ niệm thân thương với đồng chí. Hoàng Chung vào đây năm 1971. Anh người Hà Tĩnh, dáng bé nhỏ. Chung thẳng thắn, trung thực, sống rất rộng rãi. Trong chuyến đi công tác Công Tum vừa qua, anh sắm được một số đồ dùng. Về nhà, anh lại cho
anh em hết: võng dù cho Quảng, anh nằm võng kaki cũ, mấy chéodù hoa cho Chu và anh Đảo, anh đắp tấm dù nhỏ. Anh thể hiện rất rõ thiện cảm với tôi. Tính nóng, nhưng khi nói với tôi, bao giờ anh cũng dành cho tôi những lời dịu dàng, thân ái. Anh thường nói rất mong được đi công tác với tôi một chuyến. ý đồ ấy chưa được thực hiện thì anh đã mất. Lòng tôi lại thêm một nỗi trống trải. Trong cuộc chiến đấu ở tiền tuyến này, xa gia đình, anh em trong phân xã chúng tôi đã mặc nhiên coi nhau như anh em ruột, thương yêu, lolắng cho nhau. Anh Đảo thưởng nói: "Thả các cậu về địa phương ngày nào là mình lo ngày ấy". Tôi cũng vậy, lúc nào cũng lo lắng đến từng bước đi của đồng chí mình, cầu mong họ sẽ thắng lợi trở về, tuy rằng tôi vẫn biết lăn lộn ở tiền phương, sự hy sinh khó tránh khỏi.
Bây giờ chính là mùa mưa. Cơn bão số 8 đã đến. Nhưng trời không mưa dầm dề dai dẳng như các mùa mưa trước mà chỉ có những cơn mưa lớn ào ạt dội nước xuống trong mấy giờ hoặc một vài ngày rồi lại nắng rực rỡ. Cơ quan rục rịch di chuyển.
Ngày 8/11/1972
Nhận được điện của Quảng Nam: "Theo tin cơ sở Bắc Tam Kỳ báo, đồng chí Chung bị địch bắt sống ở thôn Tư Kỳ Mỹ. Tất cả đồdùng, máy móc, tài liệu bị địch lấy mất hết". Anh Đảo đọc xong điện, cả nhà đều trầm lặng. Trong lòng dấy lên những cảm xúc mãnh liệt nhưng không rõ ràng gì hết: buồn hay vui? Lẽ ra phải vui, vì như vậy là Chung chưa chết. Tuy nhiên, anh lại sa vào tay giặc, chúng tôi không buồn sao được? Mà đôi khi, thà chết còn nhẹnhàng hơn - chết là hết biết mọi chuyện. Đằng này lại bị bắt, thoát sao khỏi những cực hình của địch, rồi còn bao chuyện phức tạp khác!
Trong bữa cơm, sau khi nghe tin Chung bị bắt, có đồng chí bàn tán với vẻ trách móc: "Tại sao có súng lại không bắn, lại để bị bắt sống?". Nghe câu nói đó, tôi thấy chạnh lòng. Tại sao, điều đầu tiên anh lại không nhìn vào mặt tích cực của đồng chí để suy xét, mà lại cứ xoáy vào mặt tiêu cực? Anh nói như vậy, có nghĩa là bảo Chung thủ tiêu chiến đấu chứ gì? Tôi công nhận một điều: trong cuộc chiến
đấu gay go và phức tạp này, phải đánh giá con người toàn diện, không những nhìn vào mặt tích cực, mà còn phải nhìn vào mặt tiêu cực. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, cần phải nắm chắc mọi diễn biến rồi hãy đánh giá, và cứ đánh giá mọi sự việc theo góc cạnh tích cực trước đã rồi hãy hay. Tôi nhận thấy trong cơ quan, có nhiều đồng chí khi đánh giá việc làm của đồng chí mình, bao giờ cũng đứng ở góc cạnh xấu của đồng chí chưa chắc đã có, mà do họ cảm thấy có, để rồi suy diễn, vặn vẹo. Tôi không tán thành chút nào lối nhìn ấy.
Ngày 14/11/1972
Nhận được bài ghi nhanh "Lòng dân đã quyết" của Dao Thuỷtừ Bình Định gửi về, ghi lại vài nét dư luận và hành động hưởng ứng bản tuyên bố ngày 26-10 của Chính phủ ta. Bài ghi nhanh ngắn, gọn và cũng có những chi tiết bình thường thôi, nhưng tôi vàanh Đảo đánh giá rất cao. Khi Chính phủ ta mới ra tuyên bố, chúng tôi rất mong có một bài như thế. ở đây thể hiện sự nhạy bén của người làm báo, thông tấn. Chỉ cần một vài bài kiểu nhạy bén chính trị như thế đã có thể đáp ứng rất tốt yêu cầu tuyên truyền củaĐảng trong từng giai đoạn, hơn cả những bài dài dòng, "cỡ lớn". Không biết tại sao mấy phóng viên nhà mình chưa có một bài ghi nhanh nào như vậy? Dao Thủy tức Cao Duy Thảo (còn có bút danhlà Cao Duy Thao) ở tiểu ban Văn nghệ cùng đi công tác Bình Địnhvới tôi. Đợt trước, thấy tôi viết được nhiều tin, bài, các anh ở Ban Tuyên huấn tỉnh có ý chê anh em Văn nghệ thiếu nhạy bén, làm ăn thiếu năng suất. Tôi hiểu, các anh chưa thấy sự khác biệt về nghề nghiệp giữa thông tấn và văn nghệ. Thông tấn đòi hỏi nhanh nhạy, ngắn gọn. Văn nghệ lại đòi hỏi lắng đọng, đi sâu vào lòng người. Có lẽ Thảo đã suy nghĩ nhiều, thấy rằng do yêu cầu của cách mạng, phải biết kết hợp cả hai nghề, nên đã làm thêm "tay trái" như vậy. Thế mà Thông tấn ra trò!
Trời thoắt mưa, thoắt nắng, ỡm ờ như một cô gái mới lớn bắt đầu yêu: thoắt vui, thoắt buồn, thoắt tinh nghịch, thoắt hờn giận.
Từ 15/11/1972
Huề đang ngồi làm việc, chợt nhìn ra rừng, nói:
-Chà, nàng Kỳ nhông đến tình tự với chúng ta !
Chúng tôi nhìn theo tay anh, thấy một con kỳ nhông mầu gạch cua đang bám vào một thân cây. Huề và Phấn vội chạy ra, mỗi người cầm một cây gậy, dò tới. Con kỳ nhông thấy động, ngỏng cao đầu làm những cái gai trên gáy dựng lên. Nó bò xung quanh cây. Huề đến sát gốc cây. Phấn dặn: "Cẩn thận nhé, chứ như chàng kỳ nhông hôm nọ, mới tát yêu một cái đã giận dỗi bỏ đi luôn là buồn lắm đấy". Huề dơ cao gậy, đập mạnh làm con kỳ nhông văng xuống. Phấn nhào theo đập lấy đập để. Huề xách vào, đưa lên lửa đốt, rồi lột da, rửa sạch. Rồi xát muối, nướng lên vàng rộm. Con kỳ nhông bé bằng nửa cổ tay được chia làm 4 cho 4 anh em. Dù sao, đó cũng là chất đạm. Bác sĩ Phi đã từng nói: "Không kể con gì, cứ có chất đạm là nên ăn để bồi dưỡng cơ thể!". ở căn cứ thiếu thốn, chúng tôi đã tìm ra nhiều thứ thịt, trong đó thịt rắn, thịt kỳ nhông được liệt vào hàng ngon nhất trong những sinh vật nhỏ dễ kiếm.
Bắt đầu những ngày mưa dầm. Trời lúc nào cũng có nước rơi xuống, khi thưa, khi mau, khi bay nhè nhẹ, khi dội sầm sập. Cơ quan đau ốm nhiều, phần lớn là cúm. Có lẽ đến 20 người phải nằm rồi. ở nhà, tổ y tế chỉ có Thuý Ngân - cô y tá mới bên quân đội chuyển sang. Cô bận túi bụi với công việc: xách thuốc đi các nhà tiêm cho bệnh nhân, bưng cơm cho những bệnh nhân nặng, đun nước xông cho một số bệnh nhân khác. Lúc nào người Ngân cũng ướt lướt thướt. Bàn chân cô bị nước ăn bợt trắng. Chúng tôi bảo: "Coi chừng y tá cũng gục đấy!". Cô cười: "Chừng nào đau hãy hay, bây giờ phải làm vậy chứ biết sao?". Quả thật, chỉ mấy ngày sau là Ngân bị cúm. May có bác sĩ Sâm mới về.
Trời mưa mãi, nước sông lên cao, không đi gùi cõng được. Gạo nhà bếp sắp hết. Nhung và Sang phải xông pha xuống nước Y, bơi qua sông, cõng về 2 cõng. Mưa ít ngày nữa, sẽ gay về lương thực.Định đi vòng phía Trà Niêu, nhưng nước suối cũng lớn, không lội được. Xông pha lắm, giỏi lắm cũng chỉ có thể lấy gạo từ kho đột xuất về - mà kho ấy cũng chỉ còn 3, 4 cõng. Cơ quan không có lương thực dự trữ, gay thật.
Một số bộ phận làm thêm hoặc sửa nhà ở. Chật chội quá, mưa lép nhép, ai mà chịu nổi!
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội ngày 1/12/1972
Long yêu dấu!
Từ khi bố lên Bộ đại học công tác, sức khoẻ nói chung tốt hơn trước tuy tuổi ngày càng cao, thấm thoắt đã sắp sang tuổi 57 rồi đấy con ạ. Còn 2, 3 năm công tác nữa, bố đang cố gắng giúp Bộ tổng kết kinh nghiệm dạy và học ngoại ngữ ở ngành đại học để tìm ra phương hướng, biện pháp nâng cao chất lượng ngoại ngữ của toàn ngành đại học lên một bước, đồng thời chuẩn bị cho miền Nam. Cùng với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới, lượng thông tin khoa học thế giới rất lớn, nếu không có ngoại ngữ thì làm sao tiếp thu nổi. Bố nghĩ đến con, chắc con không có đủ thì giờ mà học ít nhất một ngoại ngữ. Giá con tranh thủ mà học một thứ tiếng ví dụ như tiếng Anh hoặc tiếng Nga thì tốt. Bố đã biết 5 ngoại ngữ mà thấy vẫn thiếu, có lẽ bố sẽ tự học thêm tiếng Tây Ban Nha nữa. Một kết luận bố rút ra được sau 27 năm cách mạng là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ vị trí nào, cần phải có một mơ ước và đem hết tâm sức, với lòng say mê thực hiện, thì sẽ đạt được. Bố thường nghĩ phải làm được cái gì phục vụ tốt cho cách mạng để khi về hưu, nhất là khi về già, không có chút gì hối hận khi nhìn lại quãng đời cách mạng đã đi.
Bố rất mừng với những thành tích con đã đạt được. Thành tích tuy ở bước đầu nhưng rất tốt. Tuổi con còn trẻ, con còn sức để bay cao nhiều hơn nữa. Con đã có ước mơ chính đáng và lòng say mê để thực hiện. Bố tin rằng con sẽ đạt được ước mơ đó.
Tình hình gia đình mẹ con và em Ngọc đã nói rõ. Nói chung là rất đáng phấn khởi về mọi mặt. Song còn vất vả trong hoàn cảnh sơ tán do sự phản bội của bè lũ Níc Xơn đối với bản thoả hiệp đã được ký kết, song các em con đã khôn lớn đã biết tự túc được về mặt đời
sống, nên cũng đỡ lo. Mẹ đã nói rõ về tình hình các em con. Thời gian qua, cả gia đình sống vui vẻ, ở nhà mới, song hiện nay lại chuẩn bị sơ tán đề phòng âm mưu thâm độc của Mỹ, Thiệu.
Mong thư này và ảnh chóng đến tay con, và rất mong thư của con
Bố
Từ 19 đến 25/12/1972
Nghe tin máy bay Mỹ lại đánh phá phía Bắc miền Bắc - đặc biệt dã man là chúng cho cả B.52 tập trung đánh ồ ạt có tính chất huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng chúng đã bị quân và dân ta trừng trị đích đáng: từ 18 đến 24-12, bắn rơi 53 máy bay, có 17 B52, 5 F.111, bắt sống nhiều giặc lái. Chúng tôi chăm chú nghe đài, theo dõi tin và các bài tường thuật, xã luận, bình luận... Nghe những tin này, chúng tôi đều thấy tràn lên đau xót, đồng thời thấy quá kinh tởm kẻ thù, thấy vô cùng cảm phục đồng bào miền Bắc. Tôi nhớ đến Hà Nội, nơi tôi đã được học hành suốt 10 năm phổ thông, đã từ đó mà bước vào đời. Khi bọn địch tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại thì tôi đang học lớp 10 - lúc ấy, cả trường lập tức bừng lên một khí thế mới: thi đua học tập và xây dựng nếp sống quân sự hoá. Tôi nhớ mãi những buổi tối chúng tôi tập hành quân: ba lô nho nhỏ, nhè nhẹ sau lưng, cành lá nguỵ trang nối hàng hai hăm hở đi qua đườngÔ Chợ Dừa, đường Nam bộ, vòng mãi qua bệnh viện Bạch Mai,vòng về Ngã Tư Sở. Đi trên đường bằng, cõng ba lô nhẹ, vậy mà người vẫn đẫm mồ hôi và lòng rộn ràng lên với ý nghĩ rằng mình đã bước đầu bước vào cuộc sống của người lính chiến. Tôi hiểu, không bom đạn ác liệt nào có thể khuất phục được người Hà Nội. Khi một viên đạn xuyên qua trái tim một con người, trái tim ấy ngừng đập và cả cơ thể sẽ chết theo. Nhưng khi hàng trăm nghìn quả bom xuyên vào trái tim của một Tổ quốc, thì trái tim ấy càng đập nhịp nhàng, mãnh liệt, và Tổ quốc càng vươn lên với sức sống kỳ diệu. Hà Nội là trái tim bất tử của Tổ quốc chúng tôi. Nghĩ đến Hà Nội là nghĩ đến đau thương - không đau thương sao được khi hàng trăm máy bay các loại đã và đang đánh phá huỷ diệt cả thiên nhiên và con người ở đó -đồng thời, nghĩ đến thương yêu và tự hào, tự hào tới
mức có thể nghĩ rằng con người Hà Nội sinh ra là để chiến thắng kẻ thù.
Kẻ thù ngoan cố và chúng ta quyết tâm chiến đấu đến cùng vì độc lập, tự do! Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu lâu dài và đang bước đi với phong thái vừa hào hùng quyết liệt, vừa ung dung đĩnh đạc. Trên mặt trận nghiệp vụ, chúng tôi vẫn tiến công: ra đều đặn bản tin hàng ngày gửi về miền Bắc và phổ biến trong Khu bộ, làm hàng chục bộ ảnh phát huy khí thế chiến thắng của quân và dân trong miền. Tôi tìm tài liệu viết thêm bài, mẩu chuyện. Còn trong sinh hoạt, chúng tôi cũng tiến công: kiến thiết lại nơi ăn ở cho đàng hoàng, sạch sẽ, làm cho cuộc sống ở căn cứ thêm tươi tắn, lạc quan. Hà Xuân Phong - hoạ sĩ - là người đầu tiên phát minh ra cách làm bàn bằng rễ cây. ở rừng già, thật lắm rễ cây lạ: mỏng thôi nhưng to như tấm phản. Chúng tôi làm theo Phong, chặt về một rễ cây lớn, làm một cái bàn, hình từa tựa một con cá quẫy đuôi. Rồi đóng ghế chí cha chí chát. Nhà cửa được lợp lại, che thêm bằng gỗ, vừa đẹp, vừa kín. Chúng tôi lại còn lấy phong lan về treo quanh nhà. Trông nơi ở thấy sáng sủa, đẹp đẽ thật đáng yêu.
Cùng dự buổi trao đổi về tình hình, nhiệm vụ với một số đồng chí viết văn ở Ban và Quân khu. Anh Vương Linh nói rằng trước tình hình này, trong lòng thấy tràn ngập cảm xúc và thấy phải viết, viết để góp phần vào cuộc chiến đấu này. Anh làm thơ, thấy chưa đủ, xoay qua viết văn. Tuỳ bút, bút ký viết chưa quen, xoay qua viết nhật ký. Mấy ngày này anh viết 50 trang rồi, chưa biết tác dụng ra sao, nhưng cứ viết ra đó, viết để thể hiện tấm lòng mình. Tôi cũng có chung tình cảm như thế. Có điều viết gì, viết như thế nào quả là một việc hắc búa. Phải suy nghĩ nhiều, đầu tư trí tuệ vào đó thật nhiều!
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 20.12.1972
Ngân thân mến!
Tuy không nhận được thư em viết về, anh vẫn viết thư cho emđây. Lẽ ra, người đi phải viết về trước mới phải. Đừng nên im lặng như thế em nhé.
Thật đáng tiếc, hôm em ra đi, chúng ta không một lời chào nhau. Sáng hôm ấy, anh lên nhà, lấy sẵn ảnh mà em thích, chờ em lên sẽ đưa. Nhưng chờ mãi không thấy, anh xuống tìm em thì em đã đi rồi. Có lẽ, em vội theo cho kịp mấy anh cõng gạo phải không?
Ngân ơi, anh và em biết nhau chưa lâu, sống với nhau chưa nhiều, nhưng những giây phút hiếm hoi sống bên nhau đã để lại trong anh những kỷ niệm dịu êm và trong sáng. Những nét hồn nhiên, tươi tắn và tác phong làm việc cần cù, tận tuỵ của em làm anh rất mến. Anh nhớ mãi những hôm trời mưa dầm dề, em chạy hết nhà này đến nhà khác chăm sóc bệnh nhân, người ướt lướt thướt mà đôi môi vẫn nở nụ cười hồng tươi. Anh nhớ mãi những câu chuyện em nói về gia đình, về sự tan nát của gia đình em do quân thù gây ra, về những nỗi vất vả mà em đã vượt qua. Em thân yêu ạ, chính những điều ấy đã đưa em lại gần anh rất nhiều, làm cho anh bỗng cảm thấy rằng anh hiểu biết em đã lâu rồi, đã thân thiết với em từ lâu rồi. Không biết em nghĩ thế nào về mối quan hệ ấy?
Ngân ạ, anh rất tiếc là chúng ta không được tiếp tục sống gần nhau. Tuy nhiên, anh nghĩ rằng, không phải chỉ khi sống bên nhau, người ta mới thực sự gần nhau, nhiều khi, sống xa nhau hàng vạn dặm, người ta vẫn thấy gần gũi nhau, nếu như người ta luôn nghĩ đến nhau. Em có nghĩ như thế không? Mong rằng, anh và em sẽ tiếp tục liên hệ thường xuyên với nhau qua thư từ và cả hai đều hy vọng ở ngày gặp lại. Anh luôn nghĩ đến em. Em thân yêu của anh ơi, nói riêng với em điều này, em đừng cười anh nhé: nhớ em, nhớ em, nhớ em biết mấy! Ngồi trên võng, bên bếp lửa hồng, anh nhớ buổi tối hôm nào em ngồi nói chuyện bên anh trong ánh lửa bập bùng và lại thấy ngọn lửa lung linh như ánh mắt em nhìn lưu luyến...
Hôm nay, anh làm một điều trái với lời em dặn: gửi ảnh tới chứ không chờ gặp mới đưa ảnh cho em. Mong em vui lòng. Em nói rằng khi gặp hãy đưa ảnh, ở đây anh lại gửi ảnh lên, thì chúng ta cứ coi như được gặp nhau, em nhé! Anh không hài lòng về những tấm ảnh
anh chụp - nó chưa phản ánh trung thực những nét xinh tươi của người đứng trước ống kính. Nhưng thôi, cứ tạm giữ lấy làm kỷ niệm nghe em. Hẹn một ngày nào đó, chúng ta sẽ có những tấm ảnh thật đẹp, thật vừa ý. Số ảnh chụp lần này, anh mới phóng mỗi thứ một tấm, gửi em xem thử, nếu thích thì viết thư nói anh phóng thêm, em có thích phóng to gấp đôi loại này không? Có 2 kiểu anh thích, anh gửi lên 4 ảnh, em giữ 2, còn 2, em viết vào đó những chữ lưu niệm rồi gửi lại cho anh nhé. Nhớ viết thư và gửi ảnh về đấy. Sau khi gửi thư đi là anh đã mong thư em về rồi (chẳng khác nào mong gặp em vậy).
Em thân thương, hôm em đi chắc vất vả lắm nhỉ. Ngồi nhà nhìn trời mưa mãi, biết nước suốt rất lớn, anh thật lo ngại cho em. Mãi đến khi gặp anh Hồng Anh, biết em đã tới nơi, anh mới yênlòng. Đến nơi, đã bắt tay vào công việc chưa em? Mong em mau chóng hoà mình vào tập thể mới, công tác và phấn đấu tốt, luôn sống vui khoẻ. Theo anh biết, ở bên ấy đỡ bận rộn hơn ở Ban. Nếu em tranh thủ thời gian học thêm văn hoá thì tốt, nếu không, cũng nên chăm đọc sách, báo. Sách, báo sẽ giúp người ta mở rộng tầm hiểu biết của mình và đem lại cho người ta những tình cảm tốt đẹp. Anh cũng vậy, luôn tranh thủ thời gian để đọc sách, càng đọc càng thấy mình dốt và càng muốn đọc nhiều hơn nữa.
Ở gia đình anh, mọi công việc vẫn tiến hành nhịp nhàng và sôinổi. Anh Đảo, Phấn và anh vẫn khoẻ. Anh Huề đang sốt. Các anh ấy luôn nhắc đến em với mối thiện cảm đặc biệt.
Còn lá thư em gửi ra Bắc, anh đã nhờ người chuyển đi. Chắc nó sẽ đến tay ba em.
Thôi nhé, chúc em khoẻ, công tác tốt.
Mong thư em,
Thân thương.
Ngày 24 tháng 12 năm 1972
Em nhớ thương!
Anh mới viết thư cho em, chưa kịp gửi thư đi thì nhận được thư em. Vui lắm em ạ. Anh vội bóc ra đọc ngay, rồi đọc đi đọc lại mãi, cảm thấy như đang nói chuyện với em vậy. Anh viết tiếp lá này gửi kèm với lá cũ, em chịu khó đọc nhé!
Ở gia đình Thông tấn của anh hồi này khá vui. Mấy hôm nay trời nắng rực rỡ, con người cũng thấy thoải mái hơn nhiều. Bọn anh dẹp việc chuyên môn, xúm vào sửa nhà. Nếu em đến chơi, sẽ thấy nhà bọn anh khác nhiều: sáng sủa ra, có bàn ghế xinh xắn, ngồi khá thoải mái. Còn tối tối, mấy anh em lại quây quần bên bếp lửa mà trò chuyện. Vẫn ấm cúng lắm em ạ. Chỉ có điều, anh cảm thấy hơi trống trải đi, vì thiếu em đấy! Từ khi em vắng nhà, anh vẫn để phần cho em đầy đủ: niềm vui và cả những gì đầm ấm nhất của tình cảm. Không khi nào anh muốn em buồn. Anh nhận thấy em ít dấu được tình cảm, có gì buồn là lộ ra trên nét mặt, ai cũng biết.Đừng nên buồn em nhé. Em nên tin rằng, phía trước cuộc đời em là cả một bầu trời trong sáng và hạnh phúc. Em thân thương ạ, anh rất thông cảm với hoàn cảnh gia đình em, ai chẳng thấy cô đơn khi đã mồ côi cha mẹ, lại không còn anh em? Nhưng hoàn cảnh bắt buộc vậy, biết làm sao khác được? Chỉ còn cách lấy công tác làm vui và lấy tình cảm đồng chí, bè bạn làm tình gia đình. So với em, cuộc sống của anh êm ấm hơn nhiều: còn đầy đủ bố, mẹ, anh em. Anh mới nhận được thư và ảnh gia đình, cả nhà đều khoẻ mạnh, vui vẻ. (Khi nào gặp, anh đưa em xem). Giá như anh san sẻ được phần nào sự ấm cúng của gia đình ấy cho em nhỉ!
Anh muốn gửi cho em nhiều sách để em đọc, nhưng khó kiếm quá. Sách của Văn nghệ có, nhưng chỉ mượn đọc tại chỗ được thôi, xong phải trả ngay. Anh chỉ có mỗi cuốn sách nhỏ này (Văn nghệ giải phóng), không hay lắm, gửi em xem tạm. Em giữ lấy nó làm kỷ niệm vì trong đó có một truyện ngắn anh viết về một chuyện ở quê hương em. Sau này, nếu tìm được sách, anh sẽ gửi tiếp cho em.
Ngân thân mến! Đọc thư em, các anh ở nhà đều vui. Vì bận quá, các anh ấy không viết thư thăm em được, bảo anh viết thay.Anh Huề khỏi sốt rồi. Anh Đảo, Phấn khoẻ lắm, vi khuẩn cúm sợ không dám đến làm thân. Anh thì vẫn vậy, gầy nhưng không đau ốm gì, ăn ngủ điều hoà.
Bây giờ đã gần 11 giờ khuya rồi, anh dừng bút nhé. Chúc em ngủ ngon. Có thể trong giấc mơ anh sẽ gặp em đấy, em thương yêu ạ.
Anh rất mong thư em. Có anh Nhị đi cõng sẵn qua, em tranh thủ viết gửi anh ấy đem về cho anh là tốt nhất. Như thế là chiều em nhận thư, thì tối em phải viết rồi, để sáng gửi cho kịp. Chịu khó em nhé.
Anh của em
Ngày 27/12/1972
Nghe tin đêm 26-12, giặc Mỹ cho máy bay B.52 ném bom huỷ diệt phố Khâm Thiên. Trong lòng lại nhói đau. Nơi ấy, biết bao thân thiết: nơi tôi thường đi xe đạp qua trên đường từ nhà tới Bờ Hồ, nơi tôi đã tập hành quân nhiều tối. Nơi ấy rất đông vui, sầmuất, nhà cửa san sát. Đánh vào đó, giặc Mỹ đã giết bao nhiêu đồng bào của tôi? Vậy mà chúng xoen xoét chối cãi, nói rằng chỉ đánh vào mục tiêu quân sự. Ai có thể tin lời chúng được? Trừng trị chúng, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 5 máy bay B.52!
Năm 1973
Chủ nhật 1/1/1973
Năm nay bắt đầu bằng một ngày trời trong xanh, nắng rực rỡvà lại hơi lạnh. Đến đêm, trời hơi mưa lắc rắc.
Từ 2 đến 15/1/1973
Nghe tin Mỹ đã buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và lại nối tiếp các cuộc mật đàm với ta. Rõ ràng bọn chúng đã bị thất bại nặng nề. Khả năng một vẫn còn.
Ngày 16/1/1973
Theo tin tham khảo, Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt đánh phá miền Bắc. Chúng tôi vui, một niềm vui nao nao khó tả. Nó không sôi động, náo nức vì đây chưa phải là tin phổ biến chính thức, mà nó trầm trầm, sâu lắng bên trong. Buổi sáng, vui đến mức không muốn ăn cơm.
Chúng tôi ráo riết chuẩn bị để làm việc tốt khi khả năng một xảy ra. Bộ phận ảnh phóng nhiều bộ ảnh cỡ lớn để triển lãm.
Anh Phi (Phó ban), Hoài Nam (Tuyên truyền) và Lợi (đánh máy) đã vào thường trực ở Thường vụ Z11.
THƯ GIA ĐÌNH
Phạm Đức Hoá
Long yêu dấu
Chắc con nóng lòng mong tin của bố mẹ và các em. Bố vừa ở nơi sơ tán về, vội biên mấy dòng để con yên tâm. Qua 11 ngày giặc Mỹ điên cuồng oanh tạc miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, gia
đình ta đều bình yên cả. Hôm 2/1/1973, mẹ và các em lại tiếp tục sơ tán ở Mỹ Hào, Hải Hưng, đề phòng giặc Mỹ tráo trở. Còn bố về Hà Nội vài ngày, xong lại đi sơ tán theo cơ quan Bộ. Gia đình cô Chung vẫn bình yên và ở nơi sơ tán. Các bà về ăn cưới các em Phúc + Thành đã về Hà Giang cuối 11/1972 và gia đình trên ấy vẫn được bình yên.
Hà Nội tuy bị oanh tạc, nhân dân tuy bị thương vong, song vẫn hiên ngang sau chiến thắng vĩ đại. Gia đình lại mới nhận được thư và ảnh của con đề tháng 10/1972. Gia đình rất phấn khởi, chỉ tiếc không được gặp Hoàng Trà, bạn của con, vì gia đình đi sơ tán cả.
Gia đình ta đã dọn về phòng mới ở Kim Liên, sum họp được 2 tháng thì sơ tán.
Bố mẹ, anh Đức và các em vẫn được khoẻ mạnh. Còn em Ngọcthì đến 5/1/1973 vào năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ ở nơi sơ tán. Em học tiếng Anh đủ 3 năm (lớp năng khiếu tiếng Anh) và nay tiếp tục học. Nhẽ ra em đi học ở Liên Xô, song gia đình đã có 2 anh đi nước ngoài rồi nên phải nhường cho các bạn.
Bố gửi cho con mấy tấm ảnh do em Phúc chụp và rửa để con làm kỷ niệm.
Bố đang vội giải quyết một số việc nên viết thư ngắn. Chúc con mạnh khoẻ, dũng cảm nhận thêm nhiệm vụ cách mạng.
Thân yêu
Bố
Phạm Đức Hoá
Ngày 24/1/1973
Đài Phương Tây đưa tin trưa nay Nixơn sẽ đọc một bài diễn văn về Việt Nam. Chúng tôi đều bảo nhau chú ý nghe đài TNVN vì có thể sẽ có nhiều tin quan trọng.
Quả vậy, 10 giờ rưỡi, buổi thời sự đã đọc một bản thông cáo của Bộ Ngoại giao nước ta nói rằng Mỹ và ta đã ký tắt Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.
Tối, cơ quan họp. Anh Nhớ - Phó Ban - nói lại thông báo trên và cho biết cơ bản thì bản Hiệp định này vẫn như bản Hiệp định thảo ra hồi tháng 10.
Nửa đêm, đài công bố Hiệp định và 4 Nghị định thư kèm theo. Chúng tôi nằm trên võng, bên bếp lửa lắng nghe và bàn tán sôi nổi. Các văn kiện nói lên rất rõ sự thất bại của Mỹ, Thiệu. Nghị định thư về việc Mỹ tháo gỡ mìn ở các hải cảng, sông ngòi làm chúng tôi thật thú vị.
Chúng tôi chụp chung với nhau một tấm ảnh ngồi bên bếp lửa.
Ngày 25/1/1973
Huề lên đường đi Bình Định - ở đó có một địa điểm trao trả tù binh hai bên.
Tôi nóng lòng sốt ruột muốn lao ngay xuống địa phương để được cùng đồng bào đón ngày đại thắng. Thật gay, nhà chỉ còn tôivà anh Đảo làm tin, biên tập, không thể đi được.
Tôi xuống chỗ hội nghị của Khu để gặp đại biểu một số tỉnh lấy phát biểu cảm tưởng của họ trước tình hình mới.
Ngày 27/1/1973
Hôm nay, Hiệp định Pari về Việt Nam đã được ký kết. Chỉ sáng mai thôi, hoà bình, niềm ước vọng tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam, sẽ đến với Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Nhận được tin địch lấn chiếm vùng giải phóng, ta chặn đánhquyết liệt, đồng thời tấn công chiếm thêm một số vùng. Đêm, súng nổ rền vang khắp nơi. Chỉ mấy tiếng nữa thôi là hoà bình đến. Nhưng các chiến sĩ của chúng ta vẫn chiến đấu ngoan cường, vẫn
hy sinh. Tôi nghĩ, cái chết lúc này đắt giá gấp mấy cái chết những lúc trước.
Ngày 28/1/1973
Ngày hoà bình đầu tiên.
Sáng sớm, mưa lắc rắc, trời lành lạnh.
Nghe anh Tường giải thích về hiệp định và anh Năm chúc Tết (Anh Năm Công, tức Võ Chí Công, là Bí Thư Khu Uỷ). Anh Năm cười vui vẻ nhưng nói rất rắn rỏi, biểu hiện niềm sung sướng, tự hào nhưng rất quyết tâm, cảnh giác. Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ hết sức gay go, phức tạp.
Buổi chiều, trời lại hửng nắng. Tôi và hai Cường ra nước Y. Dòng suối vẫn chảy đều đều và reo róc rách. Những tia nắng xuyên qua những bông lau làm chúng óng lên, mỡ màng. Không còn nghe tiếng máy bay chiến đấu, chỉ có tiếng máy bay vận tải nặng nề. Nằm trên đá ngắm thiên nhiên, lại nhớ Hà Nội, nhớ gia đình dadiết. Ôi, mới ngày nào, nghĩ đến hoà bình còn thấy xa vời quá. Vậy mà nó đã đến, đến thực sự rồi. Nghĩ lại cứ thấy ngỡ ngàng như vừa ngủ mơ xong! Tuy nhiên, cho tới nay, tôi vẫn hiểu rằng ngày về thăm nhà (thăm thôi) vẫn còn xa xôi lắm! Biết bao công việc đã bầy ra trước mắt. Không thể vắng mặt trong cuộc chiến đấu mới này.
Gặp đoàn cán bộ tập trung để đi Quảng Ngãi phục vụ việc trao trả tù binh. ở đây có Xuyến, y sĩ ở bệnh viện một. Cô người Phú Thọ nhưng sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cô gái 22 tuổi ấy có vóc người khoẻ mạnh, có tác phong mạnh bạo. Lần này là lần thứ 3 tôi gặp và nói chuyện với Xuyến. Buổi tối, cùng ngồi xem phim với Xuyến, nói chuyện nhiều. Tất nhiên, chỉ nghe tiếng nói nhẹ nhàng, thanh thoát của con gái Hà Nội thôi, cũng đủ thấy ấm áp và êm dịu rồi. Cô gái này có những nét độc đáo: đối với một số người thì rất bướng bỉnh, với một số khác lại rất tình cảm; yêu nhạc, thích thể thao và tâm hồn cũng khá lãng mạn.
Ngày 29/1/1973
Sáng sớm Xuyến đã đi. Không kịp bắt tay tạm biệt Xuyến.
Trời rực nắng một chút rồi lại u ám.
Về nhà. Anh Đảo đang cúm, nằm trong võng, phủ bọc kín mít. Tin để ùn lại, tôi cầm cả tập. Nổi bật là tin Mỹ nguỵ vi phạm Hiệp định.
Đang ăn dở cơm thì phải chạy xuống nghe điện thoại. Đỗ Phú hổn hển đọc tin: lại tin vi phạm Hiệp định. Tôi không hài lòng lắm vì tin viết lộn xộn, không có những chi tiết tốt. Tôi nhắc Phú nhớ khai thác kỹ điện: tố cáo thằng địch phải có bằng chứng cụ thể, do vậy tin phải hết sức chi tiết, rõ ràng.
Mưa nặng hạt. Lạnh.
Vừa biên tập tin, tôi vừa khai thác các tài liệu ghi chép đượctrong chuyến đi Bình Định vừa qua, viết một số bài, mẩu chuyện. Bài viết sau đây vừa đăng ở báo Cờ giải phóng Khu Năm, vừa đăngở Bản tin Đấu tranh thống nhất:
Lớn lên với sức sống mùa xuân
Hà Nội (VNTTX 29-1-1973). Từ sau ngày tết Nhâm Tý, HoàiÂn đi vào mùa xuân với nhịp điệu thật sôi nổi, rộn rịp ở khắp các thôn ấp. Bà con học tập, thảo luận về tình hình, nhiệm vụ, tổ chức đội ngũ, sẵn sàng nổi dậy. ở các khu dồn dân, bà con đấu tranh buộc địch để đồng bào về làng sản xuất. Bằng mọi cách, bà con chuyển dần tài sản về quê hương, nơi vườn xưa, ruộng cũ. Dần dần, những vùng đất trắng đã trở lại màu xanh và đây đó mọc lên những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh.
Đến tháng 4-72, phong trào tấn công và nổi dậy đã bùng lên,đem lại những thay đổi lớn nhất. Quân và dân Hoài Ân giành toàn bộ chính quyền về tay mình. Từ các khu dồn dân, đồng bào trở về làng cũ tổ chức lại đời sống, xây dựng thôn xã chiến đấu. Chỉ trong thời gian ngắn, đồng bào đã đẩy lùi cảnh đen tối, hoang vu do MỹNguỵ gây ra. Suốt từ Ân Hoà, Ân Hảo đến Kim Sơn, Ân Nghĩa, đâu đâu cũng thấy dựng nhà, khai hoang, trồng tỉa tấp nập. Bà con thi
đua sản xuất, đào hầm hào tránh phi pháo, lập làng chiến đấu nhộn nhịp.
Giữa những ngày ấy, Mỹ Nguỵ lại điên cuồng pháo kích, hòngchiếm lại Hoài Ân. Chúng gây thêm tội ác mới bằng máy bay B.52, bằng những cuộc càn quét. Nhưng quân địch dù hung hãn, cũngkhông thay đổi được tình thế. Đồng bào Hoài Ân càng thêm dày dạn, càng đứng vững trên quê hương giải phóng, giáng cho chúng những đòn quyết liệt.
Ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu, lực lượng vũ trang Giải phóng huyện không ngừng lớn mạnh, đã lập nhiều thành tích vẻ vang. Mùa xuân năm ngoái, đội pháo binh gái của huyện chỉ có ít cô gái trẻ và một khẩu cối 50 ly. Hồi ấy, các cô mới làm quen với súng, lấy tầm chỉnh hướng còn ngượng ngùng, lúng túng. Hiện nay, đội đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Trừng trị bọn địch lấn chiếm vùng giải phóng, đội bám sát bãi đổ quân của chúng, rót những quả đạn chính xác, diệt 20 tên, phối hợp với các đơn vị bạn đánh tan 10 đợt phản kích của địch, diệt gần hết một tiểu đoàn nguỵ, bắn cháy 10 xe tăng. Các đơn vị vũ trang Giải phóng khác đều lập nên những chiến công chói lọi, và những tên gọi quen thuộccủa Hoài Ân như Du Tự, Cầu Bến, Phú Vân, Thế Thạnh... đã trở thành mồ chôn xác giặc.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa phục vụ bộ đội Giải phóng,đồng bào Hoài Ân đã góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ và xâydựng quê hương. Đồng bào tổ chức đổi công và bước vào chiến dịchsản xuất Đông xuân sôi nổi.
Các chiến sĩ du kích vác súng lên đồi cao sẵn sàng đánh địch bảo vệ đồng bào sản xuất.
Những tấm gương sáng về tinh thần tấn công địch đua nở như hoa mùa xuân. Chị Mười, khi quê hương mới giải phóng, còn bỡ ngỡ với công việc, nhưng chỉ sau một thời gian đã cùng đồng bào và du kích đánh bại 5 đợt phản kích điên cuồng của địch, giữ vững quê hương giải phóng. Hai vợ chồng cụ Năm mặc dù địch đốt nhà,
khủng bố, vẫn bám trụ ở vùng sát nách địch, theo dõi hoạt động của chúng báo cho bộ đội, du kích.
Cùng với những người cha, người mẹ anh dũng, những chiến sĩgiải phóng kiên cường, lớp lớp thanh niên Hoài Ân, mang nặng mối thù nhà, đã hăng hái lên đường tòng quân để bảo vệ quê hương, làng xóm.
Xuân Quý Sửu đang tới, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh,lập lại hoà bình đã được ký kết, nhưng nhân dân Hoài Ân vẫn cảnh giác với hành động lật lọng của địch. Năm ngoái, đồng bào và chiếnsĩ Hoài Ân lấy hoa mai trang trí cho buổi lễ xuất quân. Đầu xuân này, những người cha, người mẹ, những chiến sĩ du kích, bộ đội địa phương, lớp lớp nam nữ thanh niên anh dũng kiên cường lại đem những cành mai nở rộ đem cắm trên những chiến hào chiến thắng.
Việt Long
(Thông tấn xã Giải phóng)
Ngày 30/1/1973
Nhận được điện của anh Đỗ Phượng ngoài VNTTX báo tin giađình bình an, mạnh khoẻ sau những trận B.52 dữ dội vừa qua. Đây là món quà đầu năm quý báu nhất. Vô cùng biết ơn cơ quan trước sự quan tâm chu đáo ấy.
Ngày 31/1/1973
Nhận được tin: đi theo đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên làm tin, ảnh, đóng vai sĩ quan. Chưa biết cụ thể ra sao.
Ngày 1/2/1973
Chạy nháo khắp nơi để liên hệ về việc đi công tác. Mệt bã ra, không muốn ăn uống gì cả.
Gặp Như Cảnh - thiếu tá - anh quen tôi từ trước và chuyến nàycùng đi trong đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên vào Đà Nẵng. Vui quá. Anh cho biết: sẽ chuyển qua sinh hoạt quân đội - trang bị cũng vậy. Sáng mai sẽ đi Trà Mi - có máy bay lên thẳng đón ở đó.
Các anh lãnh đạo căn dặn khá nhiều. Vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề - tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Trời xám xì mầu xi măng.
Ngày 2 đến 10/2/1973
Những ngày chờ đợi sốt ruột. Nằm ở gần sân bay mà đón Tết,một cái Tết long đong, nghèo về vật chất mà háo hức. Đêm 30, ngồi trên võng, dưới những lùm chuối, đón giao thừa. Bắt đầu từ ngày một, sáng nào cũng ba lô gọn gàng chờ ra sân bay mà hụt mãi. Cơm thì chỉ có rau với mắm.
Trong những ngày rỗi rãi này, có dịp ngồi suy nghĩ về những niềm riêng. Giữa những ngày xuân này, tôi có bước ngoặt khá lớn: bước vào một tình yêu! Thuý Ngân đã trở thành người yêu của tôi. Nghĩ lại mối quan hệ giữa hai đứa, cũng có nhiều cái lạ: hình như chẳng có khi nào tán tỉnh, tấn công lẫn nhau, như nhiều đôi trai gái khác, mà chỉ phát triển dần dần từ sự thông cảm lẫn nhau thành tình yêu. Cũng như nhiều cô gái miền Nam khác, Ngân không có được niềm hạnh phúc gia đình toàn vẹn và phải vất vả từ nhỏ. Má chết sớm, ba bị bom đạn Mỹ giết hại, Ngân chỉ còn ba nuôi hiện đang ở miền Bắc. Thoát ly địa phương từ 15, 16 tuổi, Ngân đã lớn lên với cuộc sống đầy gian khổ ở căn cứ. Khi ở quân đội chuyển qua, Ngân làm y tá ở cơ quan này và tỏ ra rất siêng năng, tận tâm với công tác. Trong những ngày mưa, thấy Ngân chạy hết nhà này đến nhà khác chăm sóc anh em đau, người ướt lướt thướt, tôi thấy thương cô bé quá. Ngân thỉnh thoảng cũng lên chỗ tôi chơi. Cô rất mến anh em trong bộ phận này và cũng được anh em rất mến. Ngân hay kể chuyện về gia đình, về người cha nuôi nghiêm khắc, về những năm tháng gian truân bên quân đội. Ngoài những lúc chuyện trò chung với anh em khác trong nhà, tôi và Ngân rất ít khi
nói chuyện riêng với nhau. Vậy mà thấy có cảm tình với nhau đặc biệt. Rồi Ngân chuyển về Xưởng phim. Xa, thấy nhớ lạ lùng. Trong những lá thư gửi Ngân, tôi cũng chẳng rào đón, giấu giếm gì tình cảm đặc biệt của mình với Ngân.
Mãi tới gần Tết chúng tôi mới lại được gặp nhau. Khi ấy, tôi sắp lên đường công tác. Ngân cuống quýt lên khi biết tin ấy. Nhưng chúng tôi không có thời giờ để nói chuyện riêng với nhau - tôi phải giải quyết gấp nhiều công việc, mà thời gian thì quá ít. Khi chia tay nhau, Ngân đưa tôi một lá thư và một chiếc khăn tay. Trong thư, Ngân đã đáp lại tình cảm của tôi bằng tình cảm thật đằm thắm, sôinổi. Ôi, giá như chúng tôi được ngồi chuyện trò với nhau trong ít chục phút thì hạnh phúc biết mấy. Vậy mà không được, cuộc sống khắc nghiệt quá.
Chính trong những ngày này, khu V chúng tôi lại diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ địch. Chỉ sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam có hiệu lực 3 ngày, địch dã giở mặt, lấn chiếm vùng giảiphóng. Ta phải chống lấn chiếm. Địch nống ra vùng giải phóng. Ta tổ chức nhiều mũi nhọn thọc sâu vào các thị trấn, thành phố tạm thời dưới quyền kiểm soát của chúng, làm cho hậu cứ của địch mất ổn định. Khẩu hiệu của chúng ta là Một tấc đất, một tấc vàng - Một góc gíang san, một dòng máu đỏ, quyết giữ các chốt điểm, nơi cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng. Chiến sự diễn ra phức tạp và ácliệt. Địch đã chiếm được chốt điểm Bàn Tân - Lâm Phụng trêntuyến đường 14 của ta, nằm trên vùng đất Đại Lộc. Chiến sự tiếp tục ác liệt. Mười ngày sau, chúng chiếm chốt điểm trên đồi Dương Thông thuộc huyện Duy Xuyên.
Ngày 11/2/1973
Được thông báo trước, anh em vệ binh đem vải trắng ra sân bay làm dấu hiệu cho máy bay xuống: căng thành một hình chữ thập, mỗi chiều dài 30 mét. Hôm nay, máy bay lên thẳng Mỹ sẽ đưa anh Diễm, sĩ quan liên lạc của đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam trong ban Liên hợp quân sự 4 bên ở Trung ương đến.
12 giờ 45 phút, có tiếng động cơ phành phạch, lượn rất thấp. Vì ở xa, khuất cây, chúng tôi không nhìn thấy máy bay. Tiếng động cơ cứ nổ rền vang mãi. Khoảng 10 phút sau thì nhỏ dần và tắt hẳn. Ngoài sân bay gọi điện thoại vào cho biết: chúng chỉ đưa anh Diễm xuống, hẹn ngày 12 sẽ đến đón anh Diễm và ngày 13 tới đón cả đoàn đi.
Mãi vẫn không nghe tiếng máy bay cất cánh. Anh Dũng nói: "Hơn nửa giờ rồi, bọn này ở lâu hè, thiện chí hè". Anh cười, nói thêm: "Bọn nó thường chỉ xuống bắt tay mình rồi xin lỗi, đi luôn, đâu có dám ngồi lâu nói chuyện với mình?"
Gần 2 giờ sau, anh Diễm đến. Anh xách một cái túi du lịch nhỏ, đi giày đen, mặc bộ quân phục bay bằng vải K.T khá đẹp. Anh em xúm lại thăm hỏi anh. Anh cho biết bọn Mỹ, nguỵ lái máy bay rất sợ hãi khi phải bay vào vùng giải phóng. Trước khi đi, chúng đòi anh ký vào biên bản bảo đảm an toàn cho chuyến bay. Anh không chịu ký, với lý do: "Tôi đi từ Sài Gòn ra đây, đi trong vùng các ông kiểm soát rất nhiều mà có cần các ông viết giấy bảo đảm đâu?". Bọn chúng đùn nhau, không thằng nào chịu lái đi. Có lẽ chúng không muốn là kẻ chết cuối cùng của cuộc chiến tranh này.
Khi bay, chúng luôn giở bản đồ chỉ đường bay cho anh Diễm xem và hỏi: "Liệu phía các anh có bắn lên không?". Anh Diễm trả lời: "Tôi cùng ngồi trên máy bay nên cũng không trả lời chắc chắn cho các anh được. Nhưng lực lượng vũ trang của chúng tôi rất tôn trọng Hiệp định".
Tới sân bay, chỉ một chiếc hạ cánh, còn một chiếc chỉ quần lượn quanh sân bay. Các sĩ quan liên lạc Mỹ, Sài Gòn, cả phi công, đều vội vàng bắt tay, chào ta rồi lên máy bay đi, không vào nhà uống nước.
Anh Diễm cho biết, khi từ Lộc Ninh vào Tân Sơn Nhất, anh và đồng chí trưởng đoàn vừa xuống khỏi máy bay, liền bị bọn quân cảnh vây quanh. Chúng nhìn chòng chọc vào mặt và chụp ảnh lia lịa, chụp từ đầu tới chân. Phải phớt lờ, coi như không có chúng.
Anh em tiếp tục nghiên cứu Hiệp định và các Nghị định thư, đồng thời bàn kỹ phương án đấu tranh với đối phương.
Ngày 13/2/1973
Máy bay đến chở anh Diễm về.
Sân bay của ta có 2 cột cờ cắm cờ cách mạng miền Nam Việt Nam và cờ hoà bình. Nhà tiếp khách lợp tranh nhưng trang trí cũng khá đẹp mắt.
12 giờ 50 phút, có tiếng máy bay từ hướng Đông. Sau đó, xuất hiện 2 chiếc bay khá thấp. Anh em vệ binh ném một quả mù, toả khói vàng mù mịt. Vẫn như hôm qua, chỉ một máy bay hạ cánh, còn một chiếc quần lượn quanh sân bay. Các sĩ quan và phiên dịch Mỹ, Sài Gòn bước xuống, chụp ảnh lia lịa. Một phiên dịch Sài Gòn mượn cái mũ cứng của anh phiên dịch ta, có gắn quân hiệu Sao vàng trên nền xanh đỏ, để đội vào chụp ảnh kỷ niệm. Lần này thì họ vào nhà tiếp khách trong khi phi công vẫn ở máy bay và máy bay vẫn nổ máy.
Ta tiếp đón cũng khá lịch sự. Mọi người đều bắt tay nhau, cườivui vẻ. Sĩ quan liên lạc Mỹ là đại uý Đanien, người không cao to lắm, tóc mềm, màu hung, da đỏ hồng, hay cười. Còn sĩ quan liên lạc Sài Gòn là đại uý Lộc, người nhỏ bé - anh ta có một cái máy ảnh nhỏ, chụp rất nhiều. Phía ta, có anh Diễm và anh Thanh, thiếu tá. Bia, kẹo, thuốc bày ra nhiều nhưng dùng ít. Trong tiếng máy bay rền vang, câu chuyện tiếp diễn khá khó khăn và vội vã. Cuối cùng, đã giải quyết chớp nhoáng mấy vấn đề:
-Trao đổi tần số, giờ liên lạc máy PRC 25.
-Đồng ý để anh Thanh và Hanh (phiên dịch) vào Đà Nẵngtrước, bàn về chỗ ăn ở. (Điều này tưởng sẽ khó khăn nhưng lại khá dễ dàng được giải quyết).
-Đanien hẹn sáng mai, 8 giờ, sẽ đưa máy bay đón đoàn đi (nếu ta đồng ý). Mỗi chuyến 3 chiếc - cứ 2 giờ 45 phút một chuyến. Chở
đến hết thì thôi và Đanien sẽ ở lại sân bay điều khiển việc lên xuống máy bay.
Anh em đem thuốc và bia ra cho phi công Mỹ - 3 đứa. Lái chính là một tên khá già, ria mép màu hung, rậm, dài, người cao to sù sụ. Hai tên kia còn rất trẻ, cao nhưng không to lắm. Chúng uống bia, hút thuốc và cám ơn ta. Anh Kháng đưa một bao Thăng Long cho một tên, nó đưa lại một bao thuốc Mỹ và nói: "Hoà bình! Hữu nghị!". Nói chung, bọn Mỹ rất sốt sắng trong việc liên lạc với ta, rút quân. Có lẽ chúng cũng quá ê ẩm với cuộc chiến tranh thua thiệt này. Tuy nhiên, chúng không chịu phá bỏ căn cứ quân sự mà chuyển giao cho quân nguỵ.
Trời nắng nhưng nhiều mây.
Ngày 14/2/1973
Theo hiệp đồng, hôm nay máy bay Mỹ sẽ đưa anh Thanh trở lại.
Đêm trước, trời tập kích một trận mưa dữ dội. Hôm nay cũngmưa lắc rắc. Đợi mãi không có máy bay.
Một số vị đến định tiễn đoàn đi: anh Hồ An và một số ở Mặt trận, Phụ nữ, cả anh Phú và Trần Đống (điện ảnh) nữa - vì tưởng hôm nay đoàn lên đường, sẽ quay phim làm tài liệu.
Theo điện của anh Diễm, sự việc diễn biến như sau: máy baykhông đáp tại nơi ở của đoàn mà đáp tại sân bay Đà Nẵng. Bọn nguỵ bắt thiếu tá Thanh và thượng sĩ phiên dịch Hanh làm giấy căn cước và gửi 2 anh lại sân bay - 2 anh không chịu làm - đòi đưa trở lại Trà Mi - chúng đồng ý và hẹn sẽ đưa về trong ngày nay nhưng tới tối, vẫn không thấy máy bay lên.
Phải dự kiến trước phương án đấu tranh nếu địch bắt giữ 2 đồng chí của ta. Anh Chính được phân công viết điện báo cáo lên trên. Anh Cảnh viết sẵn tuyên bố về việc đó, khi cần là công bố để đấu tranh.
Các đơn vị, địa phương đang chuẩn bị để tiễn đưa đoàn vào ĐàNẵng cho có khí thế: tổ chức đội ngũ, cờ, hoa, khẩu hiệu. Đoàn cũng đã chuẩn bị diễn văn để đọc tại sân bay.
Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra sôi động ở khắp nơi. Ngồi đây, nhìn thấy cờ hoà bình bay phấp phới trên cột cờ đầu sân bay, và vẫn nghe rõ tiếng pháo nổ uỳnh oàng phía Bắc, thỉnh thoảng nghe mấy loạt B52 nổ rền phía xa.
Ngày 15/2/1973
Anh Thanh điện về: hôm đến sân bay bị đối phương bắt làm thủ tục, anh không làm. Tới đó, các anh ở chỗ đoàn quân sự Mỹ.Sáng hôm sau, Đanien và Lộc đến báo giấy tờ đã làm xong, mời về chỗ Ban Liên hiệp quân sự 4 bên ở. Anh Thanh đến kiểm tra, thấy chỗ ở chưa ổn: nhà trưởng, phó đoàn chưa có, cán bộ thì xếp ở tậpthể. Đang tiếp tục bàn, đòi tạo điều kiện ở tốt hơn. Sáng mai, máy bay sẽ đưa anh Thanh về.
23/2/1973 - Lần thứ 3 giáp mặt
Theo hợp đồng, hôm nay đối phương đưa đồng chí Thanh vềbáo cáo với đoàn. Đồng chí Thanh sẽ làm việc khoảng 3 - 4 tiếng,sau đó lại vào Đà Nẵng. Trong khi đó, sĩ quan liên lạc và phi công đối phương sẽ chờ tại sân bay.
9 giờ 45, có tiếng máy bay phành phạch. Lát sau, từ phía Bắc xuất hiện một chiếc trực thăng. Nó bay thẳng tới hướng sân bay với cái vẻ hăm hở và thành thạo. 4 khoanh mầu đỏ da cam sơn quanh đuôi, quanh bụng nó nổi lên khá rõ. Nó sà tới, vòng một vòng rồi hạ xuống sân bay. Khác hẳn mấy lần trước, lần này không có một chiếc khác quần trên bầu trời yểm trợ cho nó và nó không nổ máy rền rĩ trong khi chờ đợi nữa. Nó đứng im lìm giữa sân bay, cánh quạt giang rộng, hơi trùng xuống, như con chuồn chuồn khổng lồ đang ngủ.
Anh Thanh về thẳng nơi làm việc.
Sĩ quan và phi công đối phương được mời vào nghỉ ở phòng khách. Những chiến sĩ bảo vệ được phân công gác máy bay, bồng súng đứng nghiêm túc. Thái độ thiện chí của ta làm những phi công Mỹ yên tâm và họ mau lẹ rời khỏi máy bay, vào nhà khách. Trời nắng và nóng điên người. Trong nhà có bia, nước trà "Thanh Tâm", rất cần thiết cho họ.
Đầu tiên vẫn là những câu chuyện xã giao. Thiếu tá Giôn Pi Kennơđi - trưởng phi hành đoàn - nói anh ta 32 tuổi, có vợ, con bên Mỹ, nhà có cả ô tô. Anh ta tóc đen, mày rậm, mắt xanh đậm đà, môi đỏ chót - nói chung, trông mặt anh ta màu sắc loè loẹt như một convẹt. Đại uý Lộc - sĩ quan liên lạc nguỵ - hỏi đến lương, anh ta khoe được 2.000 đôla một tháng. Nhân đó, Thành - phiên dịch viên nguỵ
-hỏi:
-Còn lương các ông bao nhiêu?
Một sĩ quan ta trả lời:
-Quân đội Giải phóng không ăn lương. Đồng bào cung cấp bao nhiêu thì chúng tôi có bấy nhiêu.
Lộc nói rằng anh ta đã đóng quân nhiều ở miền núi: Tu Lang, Bến Giằng, Tiên Phước, Trà Mi. Một sĩ quan ta hỏi:
-Về đời sống, anh thích gì?
-Tôi thích hội hoạ.
Anh ta cười, trả lời bằng giọng Huế khá lịch thiệp. Anh ta nói tới những bức tranh đẹp. Với con mắt nhìn ra xa, hơi mơ mộng, có vẻ đang quay về với dĩ vãng, anh ta nói:
-Trước tôi làm đại đội trưởng, đóng đồn ở Trà My, trên gò cao kia. Tôi muốn trở lại thăm nơi ở cũ, xem còn kỷ niệm gì, các anh cho phép chứ?
Anh Tiết, phụ trách sân bay, vội đáp:
-Cũng được thôi!
Thiếu tá Nhung - phụ trách vấn đề bảo vệ của đoàn - cười cười:
-Đại uý đi cũng được, nhưng bây giờ lau lách mọc đầy, sợ phải chui rúc, mệt.
Lộc hỏi lại:
-Vậy ra không có đường lớn?
-Đại uý coi đấy, trước đây có ai ở vùng này, lau lách, cỏ dại mọc đầy cả. Bây giờ có chuyện đón đoàn, chúng tôi mới về đây phát sân bay, dựng tạm mấy ngôi nhà.
Lúc này, Thành chăm chú lắng nghe. Anh ta khá cao, mặt đầy những mụn trứng cá, trông sù sì và đỏ như da gà trọi. Anh ta chợt đề xuất:
-Nóng quá, chúng ta ra sông tắm được chứ?
-Vâng, mời các anh đi!
Sĩ quan ta đáp ứng ngay lời yêu cầu ấy. Mọi người đi dọc sân bay, rẽ qua phải, xuống bờ sông. Qua mấy hố bom mà bọn B.57 thả cách đây ít ngày, khi lệnh ngừng bắn sắp có hiệu lực, không ai nói một lời nào. Những phi công liếc nhìn những hố bom với đám cây cỏ nát nhừ còn xám ngoét màu thuốc nổ, rồi vội nhìn ra sông. Còn sĩ quan của ta thì nhìn thẳng vào mặt họ. Lúc này, tốt nhất là để sự thật nói lên lời.
Bãi sông trắng loá, trống trải, chẳng có gì hấp dẫn cả. Nhìn xuôi, nhìn ngược cũng chỉ thấy cát và đá trắng cùng với làn không khí bị nung nóng khẽ xao động. Mọi người đi dạo trên bờ sông chứ không tắm. Rồi lại quay về.
Càng về trưa, câu chuyện càng sôi nổi. Lộc có vẻ cởi mở:
-Tôi nhập ngũ năm 1952, nhanh thật, 21 năm rồi!Có lẽ vì cái không khí cởi mở ấy mà một sĩ quan ta buột miệng:
-Anh cũng giống tôi, cùng năm nhập ngũ, cùng cấp bậc!Lộc cười rộng miệng, nheo cả mắt lại.Tới giờ ăn cơm, đoàn để 2 sĩ quan tiếp "khách". Bữa ăn khá
đàng hoàng: gà quay, khoai rán, miến xào, canh cải. Khi chúng tôi trở lại, hai phi công đã ra máy bay và mọi người vẫn đang nói chuyện rôm rả. Thấy tôi, Thành khoe:
-A, anh có cái ảnh chụp với tôi rất đẹp.
Tôi nhớ hôm nọ lúc tôi đứng gần Thành, Lộc có đưa máy lên chụp. Tôi cười:
-Vâng, cảm ơn anh!Lộc ngồi tận phía trong, nói to:
-Chà, ảnh đẹp lắm, ai coi cũng nói anh Thành chụp chung với con gái. Bây giờ thì thấy đó, con trai chứ không phải con gái đâu nghe!
Hai sĩ quan Mỹ ngơ ngác nhìn và khi được nghe dịch lại, họ cũng cười thích thú.
Câu chuyện lại tiếp diễn và Lộc cứ khen mãi bữa cơm thịnh soạn. Anh ta xuýt xoa:
-Rô ty gà thật giỏi, vừa ngon. Rô ty gà là khó lắm nghe, quá là cháy, còn không lại sống!
Thành vừa san sẻ 2 cốc nước qua nhau cho mau nguội, vừa gật gù:
-Khó thật đó! Không biết là có bàn tay phái đẹp trong ấy không? Chà, cũng muốn thấy mặt các cô quá!
-Tới hôm đoàn đi, ở đây tiễn đưa, sẽ thấy!Một sĩ quan ta trả lời và biết mình lỡ lời, anh vội im.Rót một cốc nước khác, lại san sẻ qua cốc khác cho mau nguội,
Thành tấm tắc:
-Nấu nướng khéo thiệt đó. Ngay cả mấy lát khoai cũng cắt thành hình ngôi sao, rán vàng thật đẹp.
Thiếu tá Nhung cười:
-Anh em chúng tôi cũng yêu mỹ thuật lắm. Tuy ở rừng núi, chúng tôi làm việc cũng có giờ giấc, vẫn vui hát, chơi thể thao.
Lộc tán dương:
-Tôi cứ nghĩ các ông ở rừng chắc xanh xao lắm, không ngờ lại đỏ đắn, mạnh khoẻ vậy. Các ông cũng có chơi ban à?
-Có chứ, bữa tết, anh em chúng tôi tổ chức đấu bóng chuyền, vui lắm.
Thành mừng rỡ:
-Vậy à? Vậy thì chúng ta tới sân bóng, đánh chơi!Lộc tán thành:
-Phải đó, nếu cần thì phía Việt Nam mình ở một đội, cho phía Hoa Kỳ một đội, đấu thử!
Đanien khoái chí:
-Được, chúng ta đánh bóng với nhau!
Anh Nhung cười:
-Vâng vâng, chúng tôi sẵn sàng đánh ban với các anh, nhưng để khi xuống đó đã. Chứ sân ban ở xa lắm, lại sắp tới giờ các anh phải đi rồi, làm sao kịp?
Thành xoa xuýt vẻ tiếc rẻ:
-Vậy à, ra các anh ở xa lắm à!
Chúng tôi tiếp tục mời "khách" ăn kẹo, bánh. Thành và Lộc ngắm nghía mãi những chiếc kẹo "Hải Châu" sản xuất ở Hà Nội. Cả hai đều chọn trong đĩa kẹo lộn xộn các loại, cả miền Bắc, miền Nam, lấy mấy cái. Lộc nói:
-Xin các anh mấy cái về làm quà cho các cháu!Thành tiếp:
-Xin cho mỗi đứa nhỏ một chiếc thôi, tôi 5 đứa, 5 chiếc. Lộc nhón lên một cái kẹo chuối của miền Nam sản xuất, hỏi:
-Cái này có phải không hè? Tôi muốn mỗi thứ một loại. Thành có vẻ thành thạo:
-Không phải, ông cứ xem cái nào có chữ "Quốc doanh" là đúng! Lộc cười:
-Đem về cho lũ nhỏ coi, rồi cất kỹ làm kỷ niệm thôi, đâu dám ăn?
Tôi nói:
-Cứ cho các cháu ăn cho chúng biết vị ngọt của kẹo chúng tôi, rồi giữ giấy làm kỷ niệm cũng được chứ sao.
Thành nói:
-Sau này quan hệ bình thường, chắc những thứ này sẽ nhiều!
-Vâng, chúng tôi đều mong muốn quan hệ Bắc Nam chóng trở lại bình thường.
Chúng tôi trả lời vậy và đưa Thành một gói trà miền Bắc. Anh ta cầm gói trà, ngắm nghía, đọc nhãn hiệu "Thanh Tâm" và gật gù:
-Uống trà này thì tâm hồn lúc nào cũng thanh bạch.
Anh ta đưa cao gói trà về phía Lộc, nháy mắt rồi với cái áo khoác vắt ở thành ghế, đút vào túi. Trong câu chuyện, Thành luôn ca thán nhà đông con, nghèo, làm ăn vất vả. Anh ta nói:
-Trước tôi ở bên dân sự, có Hiệp định mới qua bên quân sự làm thông dịch.
Với giọng phân bua, anh ta tiếp:
-Cũng không muốn qua bên này, nhưng vẫn phải qua, vì làm nghề này có tiền nuôi các cháu - nhà tôi đông con, nghèo lắm.
Để phụ hoạ thêm cho giọng nói, anh ta ngửa hai bàn tay, đưa ra phía trước. ánh nắng bên ngoài rọi vào chiếc đồng hồ loại hảo hạng đeo trên cổ tay trái anh ta, loé lên như một tia chớp.
12 giờ 30 phút, Đanien sốt ruột hỏi:
-Thiếu tá Thanh đã làm việc xong chưa?
-Có lẽ còn phải làm việc một thời gian nữa.
-Vậy đến giờ, chúng tôi về, ngày mai sẽ tới đón thiếu tá được không?
-Chắc thiếu tá làm việc khoảng một tiếng nữa thôi, đại uý có thể chờ được chứ?
-Vậy để tôi cho máy bay cất cánh lên cao, báo về Đà Nẵng cho thượng cấp chúng tôi biết?
-Vâng, nhưng đại uý chờ chúng tôi gọi điện thoại hỏi ý kiến cấp trên chúng tôi!
Ngoài sân bay, hai phi công Mỹ đang lúi húi, chỉ trỏ vào bộphận nào đó ở đầu máy bay. Họ có vẻ tận tâm với nghề nghiệp. Đểgiảm bớt sự sốt ruột của Đanien, anh Nhung hỏi:
-Chiếc máy bay kia trị giá bao nhiêu đô la?Thành trả lời:
-Đắt lắm, tới mấy vạn đô la.Anh ta nói thêm:
-Đây là loại mới, đã cải tiến, cái ống xả hơi của nó làm vểnh lên chứ không cụp xuống như loại cũ.
Lộc giải thích:
-Như vậy, hơi nóng toả lên trên sẽ được cánh quạt quạt phân tán hết, giảm nhiệt, chống được tên lửa tìm nhiệt.
Và Lộc lại khoe:
-Cái ghế bên cạnh dùng cho xạ thủ đại liên.
-Ồ, hẹp vậy thì để đại liên chỗ nào?
-Không, đại liên gắn phía ngoài, xạ thủ ngồi ghế, chúc súng xuống đất mà bắn.
Liên lạc về báo cấp trên đồng ý để máy bay lên cao liên lạc vớiĐà Nẵng.
Đanien đề nghị:
-Mời các anh cùng lên máy bay với chúng tôi.
Đanien đứng dậy kéo anh Tiết cùng đi. Mọi người cùng đứng dậy. Cả Lộc và Thành đều sốt sắng:
-Đi, mời các anh cùng đi chơi!Tôi lưỡng lự:
-Thôi, để một số đi, kẻo chật.Thành dắt tay tôi:
-Không, không chật đâu, đi cho vui.
Tôi liếc nhìn anh Nhung. Thấy anh cười và bước ra cửa, tôi cũng bước theo. Thành tỏ vẻ rất cởi mở, thân mật với tôi. Làm như vô tình, anh ta hỏi độp một câu:
-Anh vào đây năm nào?Tôi trả lời:
-Tôi sinh sống ở đây lâu rồi anh ạ!
Khi lên máy bay, Thành cẩn thận buộc người tôi vào ghế bằng dây bạt có móc sắt.
Máy bay rồ máy. Bao quanh mang tai tôi là một mớ âm thanh ồn ào, náo động. Không còn nói chuyện được nữa. Cánh quạt quay tít, làm bụi cuộn thốc lên. Máy bay bốc lên cao khá nhẹ nhàng. Lên được một đoạn, nó đứng sững lại rồi quay từ từ 180o. Sau đó, nó vừa lên cao vừa tiến tới phía trước. Tôi có cảm giác như đang ngồi
xe ô tô leo ngược lên dốc, có điều êm hơn chứ không xóc lộn ruột như khi đi ô tô.
Tôi chú ý quan sát dưới đất xem lũ giặc lái phát hiện quân ta như thế nào. Bây giờ mới hiểu rằng trước mình "điếc không sợ súng", quá chủ quan. Tôi nhìn rõ sân bay với chữ thập trắng, với những đường đi ngang dọc, với mấy ngôi nhà tranh, với lá cờ bay phấp phới và thấy rõ cả mấy đồng chí vệ binh đứng nghiêm bồng súng. Máy bay lên cao, lượn vòng theo hướng tay trái. Thân máy bay nghiêng đi, muốn đổ mọi thứ ra ngoài. Nhìn về bên phải thấy điệp trùng những núi - những dẫy núi cũng chênh đi như sắp đổ. Nhìn xuống dưới thấy rất rõ mặt đất. Mặt đất đẹp, hiền và đáng yêu quá. Những thửa ruộng lúa xanh rì, những vạt rừng non thưa thớt, và dòng sông nước trong vắt chảy gợn sóng lăn tăn xen vào nhau, nổi bật lên như một bức tranh màu đẹp đẽ. ồ, ở độ cao 7 - 800 thước mà nhìn rõ cả gợn nước, những phiến đá và mấy người đi trên bãi sông. Kia nữa, thấy rõ hai chiếc áo trắng ai phơi trên bãi cỏ, thấy một anh bộ đội đang đi ngoái lại ngước nhìn lên. Thấy căn nhà tôn, mấy ngôi nhà tranh nấp dưới mấy bụi chuối, lùm cây. Máy bay vòng lại sân bay. Thấy bóng máy bay in trên sân bay với cái cánh quạt quay tít mù ngồ ngộ. Thấy gần bờ sông một ngôi nhà và rấtnhiều người đứng ở sân. Được 20 phút, máy bay hạ cánh. Người cảm thấy bị hẫng, nhưng không nôn nao. Mát quá, vì suốt quá trình bay, gió lùa vào lồng lộng.
Ra khỏi máy bay, Đanien kéo Lộc và Thành lại bàn bạc gì đó.
Vào nhà, Thành báo:
-Đại uý Đanien nói rằng đã liên lạc về Đà Nẵng, thượng cấp đồng ý để chúng tôi 2 giờ rưỡi về.
-Vâng, vâng, đúng một giờ rưỡi chúng tôi, thiếu tá Thành sẽ ra.
Thành giải thích:
-Hồi này Hoa Kỳ thực hiện chương trình rút quân, việc nhiều mà máy bay ít nên bố trí giờ giấc xít xao lắm.
Lộc nói thêm:
-Sợ rằng sau phi vụ này phải thực hiện phi vụ khác nên phải báo về trên.
Thành hỏi:
-Các anh bay thấy ngợp không?
-Gió quá, lúc bay thường chắc phải đóng cửa lại chứ?
-Đóng bí hơi lắm.Thành giảng giải:
-Hồi nãy phải quần và phải bay cao để liên lạc nên bay mệt, chứ khi thường chỉ bay 5 - 600 mét, bay thấp là là, êm lắm.
Lộc hỏi:
-Hồi nãy thấy cái nhà nào phía sau cột cờ đó hè?
-Nhà anh em ở đó anh ạ.
-Phía ấy là gì mà thấy đông người quá?
-Đường anh em đi lại đó mà.
-À, thấy cả phụ nữ nữa, tôi muốn qua chụp ảnh với các cô ấy được không? - Lộc hỏi.
Thành phụ hoạ:
-Ồ, có cả phụ nữ. Bữa trước bay lên thấy mấy cô tắm ở suối nữa (vừa nói anh ta vừa cười thích thú), giá được sang chụp ảnh thì hay đó!
Thiếu tá Nhung trả lời:
-Chắc các anh cũng biết tính nết phụ nữ Việt Nam hay e thẹn, sợ các anh lạ, mấy cố ấy không chịu chụp, đi mất công chớ.
Thành tán:
-Hay đại uý muốn thì xin ở lại luôn!Lộc cười:
-Sợ nhà đương cục địa phương không cho phép.Anh Nhung nói:
-Sợ các anh không có thời gian thôi. Khi nào có điều kiện thì mời các anh ở chơi.
Thành nháy mắt, vỗ vai Lộc:
-Mà ở đây thôi, chứ không được qua với mấy cô đâu nghe! Anh ta hất hàm về phía bờ sông và nói thêm:
-Ở thì vui, chỉ tội mấy con gà chết oan!Anh Nhung đáp:
-Gà anh em chúng tôi tự nuôi đấy. Chắc chúng nó cũng vui lòng khi được chết vì mối tình thân thiện của chúng ta.
Sắp tới giờ cất cánh, mấy sĩ quan Mỹ và anh em ta trao đổi vớinhau những vật kỷ niệm nhỏ. Anh Nhung tặng Đanien một quyển lịch "Quân giải phóng", anh ta cảm ơn và cười:
-Nhưng ông nhớ là tôi vẫn có những cú đập rất mạnh khi gặp ông trên sân bóng đấy!
Anh ta có vẻ quan tâm thực sự tới chuyện thể thao.
Tôi và Bé - phiên dịch - ra máy bay nói chuyện với phi công Mỹ.
Hỏi chuyện viên phi công có bộ ria mép dài hung hung mà bữa trước tôi cho là già mới biết anh ta có 25 tuổi thôi. Với giọng ồm ồm, anh ta kể:
-Tôi có 1 vợ, 1 con lên 4 tuổi. Tôi qua Việt Nam năm 69, 70 rồi về nước, sau đó lại qua, được 3 tháng rồi.
Anh ta cười, nụ cười có vẻ bình dị. Nhìn nụ cười, nghe giọng nói thấy anh ta có vẻ nông dân. Anh ta là chuẩn uý. Bé đưa tặng anh ta quyển lịch, anh ta cảm ơn, mở ra coi và hỏi:
-Hồ Chí Minh?
Anh ta chỉ vào tấm ảnh Bác và chữ Hồ Chí Minh dưới một câu ghi lời Bác. Anh ta ngắm nghía, gật gật đầu và cười. Anh ta tên là Hogan.
Tôi qua hỏi chuyện Henson - 19 tuổi. Anh ta cao nhưng không to, có nét mặt thư sinh và tính tình có vẻ e dè, hay thẹn. Hồi sáng, khi mọi người xúm đến hỏi, anh ta lúng túng ngó quanh và ấp úng không biết nói gì. Lúc này anh ta đang ngồi trên ghế, cầm cái mũ bộ đội Giải phóng ngắm nghía rồi đội lên, gật đầu vui thú. Anh ta ra hiệu cho Kennơđi chụp ảnh anh ta với chiếc mũ đó. Tôi lại ngồi bên cạnh và nhờ Bé hỏi chuyện. Henson cho biết anh ta sang Việt Nam 2 năm rồi. Tôi hỏi:
-Anh có thể cho biết cảm tưởng của anh khi tới gặp chúng tôi tại đây?
Anh ta cười và nói nhỏ một câu gì đó. Lúc ấy, Hogan chuyển xuống một can nước bằng nhựa. Henson đỡ lấy, dùng nắp hứng và
ấn nút cho nước chảy ra mời tôi uống. Đó là thứ nước máy nồng nặc mùi Clo, tanh vô kể. Bé dịch lại lời anh ta:
-Thật khó nói quá!
Kennơđi đang ở buồng lái cũng chồm người qua ghế góp chuyện với chúng tôi. Có lẽ anh ta sợ anh chàng Henson ngây thơ nói những điều hớ hênh với chúng tôi chăng?
Đúng 1 giờ 30' anh Thanh ra. Chúng tôi nắm tay anh, chúc anh hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người tiễn biệt nhau. Lộc, Thành bắt tay tôi. Lộc chỉ vào tôi và Thành, nói:
-Đôi này có vẻ ăn ý với nhau lắm!
Tôi cười và thầm nghĩ: "Cuộc chiến đấu trên mặt trận ngoại giao thật phức tạp, tế nhị, phải hết sức cảnh giác".
Bắt tay và chào nhau lần cuối, Lộc nhắc lại lời cảm ơn: "Quý vị đã cho chúng tôi một bữa ăn thật thịnh soạn". Có lẽ, đó là câu nói chân thành nhất của anh ta trong ngày hôm nay.
Về nhà tổng kết về buổi tiếp xúc này, rút ra nhiều điều hay. Anh em dự đoán Thành là tình báo CIA, cấp bậc có thể ngang hoặc cao hơn Lộc, Lộc là tình báo quân đội. Cả hai đều tìm cách dò hỏi và muốn đi quan sát nơi ăn, chốn ở của ta. Riêng tôi, tôi thấy Thành có vẻ muốn dùng đòn ngọt với tôi để lợi dụng khai thác những gì có lợi cho hắn. Có thể hắn đánh giá tôi "ngon ăn" bởi thái độ ôn hoà, "cởi mở" của tôi.
Trong buổi tiếp xúc, anh em ta cũng có nhiều chỗ hớ: nói lộ lý lịch mình, lộ việc, chưa thực hiện nghe nhiều để tìm hiểu địch, phiên dịch chưa lắng nghe xem bọn Mỹ - Nguỵ bàn riêng gì với nhau, cảnh vệ chưa chú ý quan sát bọn địch khi chúng đi vệ sinh xem chúng có làm gì khác không...
Trong khi tiếp xúc với địch, cần phải biết hỏi để moi tin, biếttrả lời có vẻ cởi mở mà chung chung. Hanh - phiên dịch, mới đi Đà
Nẵng về - cho biết câu chuyện giữa Hanh và tên lính nấu ăn của bọn sĩ quan nguỵ như sau:
-Các anh ăn bao nhiêu tiền một ngày?
-Cấp trên chúng tôi cấp bao nhiêu thì chúng tôi nấu ăn bấy nhiêu.
-Thường thường nhà ăn này có bao nhiêu người ăn?
-Dạ, lúc thì nhiều, lúc thì ít người ăn.
Một tên lính còn biết trả lời như vậy, nói chi đến những tên sĩ quan, nhất là những sĩ quan được phân công tiếp xúc với ta.
Chân tình là bản tính của anh em ta - quen sống với nhau cởi mở, thương yêu nhau mà! Nhưng với kẻ địch thì phải biết sống cho có thủ đoạn, biết nói dối như thật.
Từ tháng 3 năm 1973
Tiếp tục những ngày chờ đợi, nhưng chưa thấy triển vọng gì vềhoạt động của đoàn Liên hiệp quân sự. Đối phuơng vẫn cố tình phá hoại việc thi hành Hiệp định.Tôi vẫn làm việc theo dõi tin tức qua đài và qua các báo cáo để tổng hợp tình hình thời sự giúp đoàn. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 2, ở các tỉnh đồng bằng Trung Trnng bộ đã có 648 vụ địch vi phạm Hiệp định, trong đó có 323 vụ bắn pháo vào vùng giải phóng (có những trận dùng 8 đến 20 khẩu pháo bắn từ 1.000 đến 3.000 quả đạn vào một thôn), 224 vụ dùng bộ binh từ 1 đại đội đến 4 tiểu đoàn có xe tăng, bọc thép đánh phá vùng giải phóng. Chiều mùng một tết âm lịch vừa qua, tại Quảng Ngãi, một đoàn thiếu nhi xã Nghĩa Thuận xuống Mỹ Lợi, Nghĩa Kỳ huyện Tư Nghĩa tổ chức đón binh sĩ ngụy về mừng xuân hòa bình, bọn pháo binh ở Gò Huỳnh dùng cối 82 và súng DKZ bắn vào xã Mỹ Lợi, làm chết 2 em, bị thương một số em. Bọn bộ binh còn tới bắt một số em.Tại Quảng Đà, bọn ngụy huy động pháo binh, bộ binh, xe tăng, xe bọc thép lấn chiếm các xã Xuyên Hòa, Xuyên Thanh, Xuyên Khương (Tây Duy Xuyên) dài ngày, có ngày máy bay thả bom phá,
hàng trăm bom bi vào xã Xuyên Thanh làm chết và bị thương hàng trăm thường dân, phá hoại hoàn toàn nhà cửa, hoa mầu. Tại Tây nguyên, có 178 vụ địch vi phạm Hiệp định, với 57 vụ bắn pháo, 59 vụ máy bay, 62 vụ bộ binh; riêng trục đường 14, 19 có ngày chúng bắn tới 1.202 quả đạn pháo.
Tôi mở một lớp đào tạo cấp tốc về nhiếp ảnh cho anh em trong đoàn. Mọi người rất hăng hái theo học và nhanh chóng nắm bắt những kiến thức cơ bản, biết chụp ảnh, tráng phim.
Ngoài Hà Nội vẫn tiếp tục sử dụng tin, bài do Khu Năm gửi ra, trong đó có bài của tôi gửi ra cách đây ít lâu:
Bài đăng trên Bản tin đấu tranh thống nhất
Một cuộc dàn xếp
Hà Nội ( VNTTX 1-3-1973) - Hòng thực hiện âm mưu lấn đất, bọn chỉ huy quân đội Sài Gòn ở Quảng Nam đã thúc ép đơn vị X hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta sau ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Kiên quyết bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, các chiến sĩ Giải phóng đã chặn đánh quyết liệt, buộc chúngphải cụm lại trên các điểm cao. Đơn vị X quân đội Sài Gòn lâm vào tình trạng nguy kịch, thương binh không được chuyển đi cứu chữa, lương thực không được tiếp tế, trong khi đó, tiếng loa của các chiến sĩ Giải phóng vẫn vang lên.
-Hỡi anh em binh sĩ Sài Gòn! Hiệp định Pa ri đã ký, hoà bình đã được lập lại. Anh em hãy trở về vị trí của mình, đừng cầm súng đánh nhau nữa!
Toàn bộ binh sĩ đều im lặng lắng nghe. Anh em binh lính yêu cầu chỉ huy phải ra dàn xếp với quân Giải phóng. Trước tình hình ấy, ban chỉ huy đơn vị quân Sài Gòn đã liên lạc với quân Giải phóng.
Tới chỗ hẹn, viên sĩ quan được một cán bộ quân Giải phóng dẫnvào nhà. Đồng chí cán bộ mời viên sĩ quan ngồi và hỏi:
-Chắc anh mệt và đói lắm?Viên sĩ quan khẽ thở ra, đáp:
-Cảm ơn ông. Suốt mấy ngày nay chúng tôi không được tiếp tế...
Đồng chí cán bộ rót nước đưa anh ta uống rồi lấy gói cơm nắm đưa anh ta:
-Mời anh ăn bữa cơm của quân Giải phóng.Trước thái độ chân tình của đồng chí cán bộ, anh ta cám ơn rồi
cầm lấy nắm cơm ăn ngon lành. Sau đó, viên sĩ quan nói:
-Thưa ông, tôi được cử đến đây để dàn xếp với các ông về việc đổi khu vực trú quân.
Với giọng vừa ôn tồn vừa kiên quyết, đồng chí cán bộ nói:
-Có lẽ anh lầm. Anh phải nói là đến để bàn giao đất cho chúng tôi mới đúng vì đây là vùng giải phóng. Các anh lấn chiếm sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Viên sĩ quan lúng túng:
-Dạ, tôi cũng không nắm vững việc này.Đồng chí cán bộ hỏi:
-Có lẽ anh chưa được nghiên cứu Hiệp định và các Nghị định thư?
Viên sĩ quan vội đáp:
-Vâng, cấp trên chúng tôi chỉ phổ biến sơ qua.
Đồng chí cán bộ rút trong cặp ra mấy xếp giấy đánh máy, đưa anh ta và căn dặn:
-Đây là các văn bản của Hiệp định, anh đem về cùng anh em đọc cho kỹ. Thật tai hại, cấp trên các anh cố tình bưng bít sự thật, cố tình đẩy các anh vào chỗ chết.
Ngừng lại một chút, đồng chí cán bộ hỏi:
-Chắc các anh gặp nhiều khó khăn trong việc cứu chữa thương binh?
Viên sĩ quan gật đầu:
-Bị các ông vây chặt, chúng tôi không chuyển thương binh về hậu cứ được, thuốc men cũng thiếu.
Đồng chí cán bộ lấy ra một số thuốc, bông bằng rồi nói:
-Chúng tôi biết rất rõ tình trạng nguy khốn của các anh. Bây giờ, chúng tôi có đủ điều kiện để tiêu diệt các anh. Nhưng thi hành đúng đắn chính sách hoà giải và hoà hợp dân tộc, chúng tôi muốn cứu các anh. Anh cầm số thuốc này về tạm băng bó cho anh em và báo cáo với chỉ huy các anh là chúng tôi đồng ý cho các anh chuyển số thương binh về nơi an toàn theo hành lang chúng tôi qui định. Mặt khác, trong khi chờ bàn giao đất, các anh phải nằm tại chỗ, không được bắn phá bừa bãi.
Trước lý lẽ đúng đắn và thái độ thiện chí của quân Giải phóng, binh lính và sỹ quan đơn vị X. quân đội Sài Gòn nhận ra lẽ phải, hết sức cảm động. Họ nói với nhau:
-Hoà bình rồi, tội gì mà đi đánh nhau cho chết uổng mạng? Nếu mấy ông Giải phóng mà làm hung, chắc bữa nay mình không còn mà đón xuân!
-Phải đó. Rút đi. Thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định là tốt nhất!
Qua một ngày bàn bạc với các chiến sĩ Giải phóng, ngày hôm sau, cả đơn vị quân Sài Gòn đồng loạt rút theo con đường mà quân Giải phóng đã vạch sẵn.
Việt Long (TTXGP)
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 8/3/1973
Bố mẹ kính mến !
Đáng lẽ ra con phải viết thư cho bố mẹ vào đúng ngày hoà bình đầu tiên cho bố mẹ mừng mới phải, nhưng vì bận nhiều việc quá, vả lại không có người ra nên bây giờ con mới viết. Hồi tết, trong bức điện chung gửi ra VNTTX có tên con, anh Phượng có báo cho gia đình biết không?
Bố mẹ yêu quý ạ, điều đáng mừng là cho tới ngày toàn dân tộc giành được đại thắng lợi, con vẫn tiếp tục đóng góp được sức mình, vẫn tiếp tục tiến bộ và rất khoẻ. Bây giờ, con được cử đi công tác ở một nơi khá đặc biệt, với trách nhiệm nặng nề hơn. Con rất phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ, đã hứa sẽ công tác thật tốt, xứngđáng với sự tin cậy của Đảng.
Hôm Hiệp định được ký chính thức, anh Đỗ Phượng có điện vàobáo tin gia đình ta vẫn bình yên, mạnh khoẻ. Điều đó làm con vui mừng hết sức. Hồi bọn Mỹ tập trung B52 ào ạt dội bom Hà Nội, con lo cho gia đình quá! Bây giờ, chắc cả nhà đã về Hà Nội rồi? Căn nhà mới nhà ta được cấp ở Kim Liên có bị máy bay Mỹ phá mất không?Các em Thuỷ, Lan, Diệp, Ngọc đã về Hà Nội học chưa? Anh Đức đã cưới vợ chưa? Còn Phúc, sao bố mẹ đã lo chuyện vợ con cho nó sớm thế? Em Việt hiện ở đâu?
Con đang viết thì có người đến lấy thư đi vội, con gửi cho gia đình đỡ mong.
Con.
Ngày 1/4/1973
Thời hạn hoạt động của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên đã hết. Vậy mà chúng tôi vẫn ở căn cứ. Nay sẽ chuyển qua hai bên, nhưng khi nào triển khai công tác thì chưa rõ, còn phải đấu tranh nhiều ở Trung ương.
Có việc về Xưởng phim, đinh ninh sẽ gặp Thuý Ngân, sẽ có dịp gần em một chút.
Thấy tôi đến, Đệ gọi ầm lên: "Ngân ơi, mày có khách nhé!" Song, không thấy Ngân đáp lại. Thật thất vọng: Ngân đi lấy lá, có lẽ chiều mới về.
Thế là những giây phút rỗi rãi của buổi sáng chủ nhật này trở thành những giây phút trông đợi - ngong ngóng mãi không biết bao giờ Ngân về. Em ạ, giá như biết em làm ở chỗ nào, anh sẽ đến tận nơi đón em!
Mãi chiều Ngân mới về. Trong khung cảnh nhà cửa đang làm ngổn ngang, đông đúc người đang làm việc, chúng tôi không thể vồ vập nhau được. Cũng không có thì giờ để mà ngồi nói chuyện với nhau nữa: tôi sắp phải đi cho kịp giờ tới đơn vị, Ngân phải tiếp tục với công việc. Ngân nói với tôi rằng em không có gì buồn cả, và em cười thật tươi. Nhìn Ngân cười, thấy thương vô hạn. Anh biết, em cũng có những day dứt trong lòng, nhưng cố tươi cười cho anh vui lòng. Bắt tay tạm biệt nhau, muốn nắm mãi tay em.
Ngân đưa tôi một chiếc khăn trắng, thêu rất đẹp. Thật không ngờ em lại thêu giỏi đến thế. Biết rằng em rất bận, muốn thêu được như vậy chắc em phải dành mọi giờ rỗi mà ngồi cắm cúi thêu. Chiếc khăn chứa đựng biết bao tình cảm tha thiết của em!
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 1 tháng 4 năm 1973
Ngân ơi!
Gặp em, anh vui, song cũng buồn. Thương em nhiều!
Anh cứ nghĩ mãi, tại sao chúng ta lại chỉ có thể gặp nhau, nói chuyện với nhau như hồi chiều? Lẽ nào chúng ta không có quyền sống với nhau đàng hoàng? Không, trăm lần không phải như thế! Anh không muốn như thế! Chúng ta yêu nhau, tình yêu ấy là chính đáng. Cho nên, em của anh ạ, không có gì đe doạ được tình yêu ấy. Tất nhiên, bây giờ còn là vào thời gian tế nhị, chưa có thể để tất cả mọi người biết được. Cho nên, còn phải có những sự kín đáo cần thiết. Nhưng không nên vì thế mà phải đặt quan hệ của chúng ta vào tình trạng lén lút, vụng trộm. Khi có những điều kiện thuận lợi, anh muốn sẽ đưa tình yêu của chúng ta ra công khai để mọi người chứng nhận và vun đắp cho. Em có muốn như vậy không? Hãy suy nghĩ cho chín chắn, em nhé!
Em yêu thương! Chỉ khi nào trực tiếp nói chuyện với em, anh mới có thể bộc lộ được hết những suy nghĩ của anh về em, về mối quan hệ giữa hai đứa, giải thích vì sao anh yêu em và những ước muốn vun đắp hạnh phúc với em! Nhưng em hãy tạm hiểu rằng: trong cuộc đời, anh chỉ muốn yêu một người, khi đã yêu thì gửi trọn tình cảm vào người ấy, và bây giờ thì người ấy là em!
Em ạ, với anh Đảo, anh Phấn, anh không dấu diếm điều gì cả trong tất cả mọi chuyện của cuộc đời, ngay cả chuyện này cũng vậy.Đó là hai người bạn, người anh, người đồng chí hết sức yêu quý, thân thiết của anh, chẳng khác nào ruột thịt. Các anh ấy đều tán thành việc của chúng ta, đều nhiệt tình muốn vun đắp cho chúng ta. Em nên có quan hệ mật thiết với các anh ấy. Chắc các anh ấy sẽ có những lời khuyên bảo, tâm tình cần thiết cho em. Nếu không có điều kiện gặp, em nên viết thư cho các anh ấy! Có gì vướng mắc, khó khăn cũng nên nói với các anh ấy, các anh ấy sẽ giúp cách giải quyết.
Em thân yêu! Em nói đã thêu cho anh một cái khăn thật vừa ý. Song, anh chưa vừa ý đâu. Không phải vì xấu - em của anh thêu đẹp quá, không thể chê được. Nhưng vì em thêu tên anh đứng trơ trọi một mình, thế thì buồn chết. Tìm mãi không thấy tên em đâu? Bắt đền em đấy!
Em đừng buồn mà hãy vui, sôi nổi lên nhé. Yêu em nhiều. Anh của em.
TB: Viết thư cho anh, gửi qua anh Đảo hoặc anh Phấn.
Chủ nhật sau nữa (15/4) có thể anh sẽ về. Nếu em sang bên Ban thì tốt.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 10/4/1973
Bố mẹ Yêu quý của con!
Thật vui mừng hết sức, con đã nhận được thư của bố đề tháng 1/1973. Biết được tình hình gia đình bình an, mạnh khoẻ, con rất phấn khởi. Chắc chắn sẽ có ngày gia đình ta được đoàn tụ, liên hoan mừng đại thắng của dân tộc, của gia đình.
Bố mẹ kính yêu! Xa gia đình, con luôn nhớ gia đình và muốnbiết tường tận tình hình gia đình. Con tiếc là anh Đức cũng như các em ít chịu viết thư cho con quá, và có viết thì cũng viết sơ sài, ít có tính chất tâm tình về cuộc sống riêng tư. Con cũng không rõ hiệnnay việc xây dựng gia đình của anh Đức tới đâu rồi, có trở ngại gì? Phúc cũng vậy, từ khi về nước đến nay, nó không viết cho con lá thư nào. Ngay cả việc tìm hiểu rồi xây dựng gia đình của nó, con cũng không được nghe nó nói lấy một câu. Tuy nhiên, qua thư mẹ viết, con cũng biết sơ qua và mừng cho nó là đã chọn được cô vợ tốt, đem về cho gia đình một đứa con ngoan. Bây giờ 2 em ở chung với gia đình, tuổi lại còn non, chắc không khỏi có những bỡ ngỡ, lúng túng. Con cũng rất mừng khi được biết các cô em gái của con lớn, học giỏi, chăm ngoan. Con thương nhất Việt, cậu em sớm bước vào đời, chịu vất vả, rất giầu tình cảm. Tuy nó cũng ít viết thư cho con, nhưng con hiểu rằng vì nó khó kiếm chỗ gửi được, và thư nó viết rất tỷ mỉ, rất tâm tình. Qua thư nó, con hiểu được tình hình gia đình, nhất là tình hình riêng tư của mấy anh em một cách cụ thể hơn. Qua thư nó, con cũng thấy rõ bước tiến bộ dài của nó: cả trong suy nghĩ và
hành động - nó suy nghĩ khá sâu sắc, có nhiều triển vọng. Không biết bây giờ nó đóng quân ở đâu, công tác và phấn đấu ra sao?
Bây giờ, con xin nói về con cho gia đình rõ. Sức khoẻ của con tiếp tục tốt, lâu lắm rồi con không sốt. Nếu như bố mẹ thấy ảnh con gầy, thì đó không phải điều đáng lo, vì tạng người con từ nhỏ vậy mà, không phải yếu đâu. Về công tác, phấn đấu, con tiếp tục đi lên. Vừa qua, con được cử đi trong đoàn đại biểu quân sự của ta thamgia Ban Liên Hợp quân sự 4 bên khu vực 2 (Đà nẵng) với cấp bậc thiếu uý. Kể ra cũng ngược, người ta vào quân đội thời chiến, thì nay hoà bình, mình lại vào quân đội. Nhưng con vẫn làm chuyên môn cũ chứ không phải chuyển hẳn ngành. Nếu như mọi công việctriển khai tốt, thì con đã được vào Đà Nẵng mà viết rồi. Do bọn địch không thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, đoàn của ta chưa triển khai được. Nay thì thời hạn của 4 bên đã hết, đoàn chuyển qua 2 bên. Tuy nhiên, vẫn là thời kỳ chờ đợi chứ chưa triển khai công tác. Có thể con sẽ đi với đoàn một thời gian, sau đó lại về cơ quan cũ, cũng có thể con đi khá lâu. Như vậy là nhiệm vụ của con đối với cách mạng miền Nam càng nặng nề và còn lâu dài, con chưa dám nghĩ tới ngày về thăm gia đình, tuy con tin rằng ngày ấy sẽ đến.
Vừa qua, nghe các anh ở ngoài vào nói, con biết là Đảng có đề ra chính sách mới đối với gia đình đi B: Số anh em chưa có vợ con cũng được để lương ngoài đó (lương chính + 25% khu vực - 18đ với cán bộ cơ sở hoặc 24 đ với cán bộ sơ cấp. Bắt đầu thực hiện từ tháng 7/72).
Hồi bắt đầu đi, lương con 52đ, vào trong này được xếp là cơ sở. Nay thì con đã được đề bạt lên thẳng sơ cấp (không qua hưởng sơ cấp) nên nếu so sánh ra thì mức lương ngoài đó sẽ phải tăng theo. Bố mẹ chú ý hỏi phòng tổ chức cơ quan con xem sao nhé.
Bố, mẹ ạ, tuy không có điều kiện gửi thư cho gia đình trên nhà, con vẫn luôn nhớ da diết cụ, bà, ông bà trẻ, cậu mợ Hiếu và các em. Con biết, bên cạnh công ơn của bố mẹ, chúng con mang rất nặng công ơn của các bà. Từ khi bắt đầu đi làm, con đã có ước vọng được đền đáp công ơn ấy, đặc biệt là đối với ông, bà trẻ - những người đã dành cho chúng con tình cảm đằm thắm và đã hy sinh rất nhiều cho chúng con. Tiếc rằng vì việc nước, con không được ở gần các bà
mà làm tròn chữ hiếu. Nghe bà, cậu mợ Hiếu sinh sống khá khó khăn, vất vả, con hết sức băn khoăn. Còn ông, bà trẻ nữa, nay đã già yếu rồi, lại không có con cái gì, lấy ai nuôi dưỡng, chăm sóc? Con biết bố, mẹ cũng rất chu đáo trong việc này, nhưng con vẫn cứ nói với bố mẹ như vậy, vì đây là điều thôi thúc trong tình cảm của con từ lâu, không nói ra không được...
Bố mẹ ạ, hồi này đời sống chúng con khá hơn trước nhiều. Đường ô tô đã làm tới nơi chúng con ở, vui tấp nập. Nếu đi xe con ra đó chỉ mất khoảng 8-9 ngày. Như vậy, thư từ sẽ dễ hơn. Con chỉ mong thư gia đình thôi. Bố mẹ không cần gửi cho con tiền, quà gì hết. Nếu bố, mẹ được lĩnh tiền con để lại thì bố mẹ dùng để chi tiêu trong gia đình và nuôi dưỡng bà, ông, bà trẻ chứ đừng lo gì cho con cả.
Nhìn ảnh gia đình, con vui lắm. Anh em ở chỗ con đều chung vui với con, khen bố, mẹ vẫn trẻ, khoẻ, các em lớn, dễ thương. Ngọc lớn quá rồi, ra dáng một thiếu nữ rồi còn gì. Diệp thì vẫn gầy song đã lớn nhiều. Lan còn hay hát không? Thuỷ hết sún răng chưa? Mẹ bỏ thuốc lá chưa? Sao mẹ không trả lời con về việc ấy? Con không muốn mẹ hút thuốc một chút nào hết, vì rất hao sức khoẻ.
Cô chú Phương đã đưa các em về Hà Nội chưa? Con rất nhớ cô, chú và các em.
Cuối thư, con chúc gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc và gửi lời thăm các cô, chú trong cơ quan.
Con của gia đình.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 15/4/1973
Long yêu dấu của bố mẹ!
Trong một trường hợp đặc biệt, bố mẹ gặp đ/c Thắng, thủ trưởng của con, người đã cùng con sống và chiến đấu trong nhữngnăm gian khổ của cách mạng miền Nam. Đồng chí Thắng kể cho bố
nghe nhiều chuyện về con kể từ năm gian khổ 1968 đến khi đồng chí Thắng ra ngoài này. Qua nhiều lần nghe kể chuyện về con, bố cũng hình dung được cuộc sống của con trong ấy, nhất là tinh thần phấn đấu của con, sự đoàn kết của con với đồng bào, đồng chí. Con thật đã cố gắng nhiều lắm, nên trong thời gian không lâu đã trởthành Đảng viên của Đảng Lao động quang vinh, lại mới được vào cấp uỷ với sự tín nhiệm của đa số. Bố mẹ và các em rất mừng rỡ trước sự trưởng thành nhanh chóng của con trong thực tế cách mạng.
Hiện nay, bố mẹ và các em có một mong muốn là được gặp con một số ngày cho bõ nỗi nhớ nhung. Mong con được ra ngoài này điều dưỡng sau mấy năm công tác gian khổ.
Gia đình ta đã về ở khu tập thể Kim Liên. Buồng ở tuy không rộng, song ấm cúng, tiện nghi đầy đủ. Con biên thư cho gia đình, thường quan tâm đến sức khoẻ của mẹ, mong mẹ đừng hút thuốc lá nữa. Con ạ, mẹ con vẫn khoẻ mạnh, vẫn "chưa chừa" được thuốc lá, song ngày càng béo khoẻ, hết lòng hết sức chăm sóc gia đình và là người nhớ đến con nhiều nhất, thường nói chuyện đến thằng Hai, lo cho nó lúc bé ăn như người "ăn chay", bây giờ sống trong hoàn cảnhmới thì làm sao mà kiêng được. (Đ/c Thắng nói cho bố biết con biết ăn đủ mọi các thứ mắm, các thứ rau, kể cả mướp đắng).
Bố mẹ rất phấn khởi vì nhìn thấy đàn chim 8 con đã trưởng thành. Những ngày chủ nhật và ngày lễ là những ngày gia đình sum họp đông đủ.
Anh Đức vẫn làm công tác ở uỷ ban khoa học kỹ thuật, gắn bó với Phòng tính toán, cả mấy đợt giặc Mỹ oanh tạc Hà Nội đều có mặt ở Thủ đô, lại mới đi cùng đoàn cán bộ sang công tác tại Cộnghoà dân chủ Đức hơn hai tháng, mới trở về nước ngày 3/4/1973, mẹthường nói anh Đức nghiêm nghị, đứng đắn, "ra vẻ anh cả", chỉ có cái là chậm đường vợ con.
Em Phúc từ khi thành lập gia đình trở nên chín chắn, tay nghề của em rất vững, nhất là sau khi đi thực tập 3 năm ở Liên Xô trở về. Thành, vợ Phúc, công nhân kỹ thuật cơ khí, cùng công tác với
Phúc ở Đại học Bách Khoa. Hai vợ chồng sống vui vẻ, đầm ấm,trong một gia đình công nhân kỹ thuật. Đến độ tháng 9/1974 hai vợ chồng em Phúc sẽ có đứa con đầu lòng, bố sẽ được sống thêm trong tình cảm của người ông đối với cháu nội. Con sẽ thêm trách nhiệm của một người bác ruột. Còn Việt, đứa em gầy còm của con trước kia, đã trở thành chiến sĩ công an vũ trang ở biên giới Lào Việt. Emcũng phấn đấu rất tốt, đã trở thành đối tượng của Đảng, và đangtiếp tục phấn đấu để được trực tiếp chiến đấu dưới lá cờ của Đảng, và theo lời em viết "tiếp tục truyền thống của cha, anh, của gia đình".Một số bạn của em ở đơn vị mới qua Hà Nội, đến thăm gia đình cho biết tin em rất khoẻ, vượt được nhiều thử thách và hiện nay là một trong những chiến sĩ cốt cán của đơn vị.
Còn em Ngọc càng lớn càng khoẻ, càng to, đã trở thành sinhviên khoa tiếng Anh trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em học tiếng anh vào loại giỏi và đang học thêm nhạc (ghi ta). Bố mẹ không phải lo về mặt học tập và đạo đức của em Ngọc. Ngọc lì sì bao nhiêu thì bé Diệp hoạt bát bấy nhiêu. Lúc nào Diệp cũng hoạt động, học xong là làm, học rất chăm chỉ, phải cái hay trêu trọc các em nên mọi người gọi cô ta là "cái dầm". Tuy vậy rất dễ thương và hồn nhiên, vui tính.
Em Lan học lớp 6, hiện nay trở thành cô quản lý gia đình về các mặt tem phiếu, đi chợ, nấu ăn. Học ít nhưng chóng nhớ, kiến thức tương đối vững, khoẻ và vững, rất thương bố, thường giặt quần áo cho bố.
Bé Thuỷ cứ vẫn chậm lớn, đêm thường quên, sờ tí mẹ tuy đã làm "sinh viên lớp 5" rồi. Em học tiến bộ hơn trước, cả nhà đều yên tâm và chiều con gái út.
Cụ nội, trẻ Nghiêm, ông Thành, cô cậu Hiếu và 4 cháu vẫn được khoẻ mạnh. Còn cô Chung đã 2 lần chuyển công tác, Chồng cô Chung đã về hưu non, 3 đứa con đều nghịch ngợm, học kém.
Bố đã cảm thấy cái già đã tới, 57 tuổi rồi. Tuy nhiên bố vẫn đi làm đều đặn, chưa có tư tưởng về hưu, phấn khởi với đàn con đang trưởng thành. Trước còn lo chưa có nhà, các em con còn bé... nay
tình hình gia đình đã tương đối ổn định, kinh tế gia đình ngày một tốt, nhất là khi được nhận phụ cấp của con để lại (chính sách mới, mỗi tháng 47đ). Tuy nhiên theo sự suy nghĩ của bố, bố chưa muốn nghỉ ngơi, mà nếu 2,3 năm nữa có về hưu thì cũng tìm việc làm thêm hoặc viết, hoặc dịch, hoặc dạy ngoại ngữ ở đại học...
À bố thường tự hỏi: "Con đã lớn, tại sao không thấy con nói chuyện về việc vợ con". Hình như con có người yêu ở ngoài này phải không? Nếu có, con cứ giới thiệu với gia đình để giữ mối liên hệ cho bền vững.
Nhớ con nhiều lắm
Bố
Chủ nhật 22/4/1973
Không biết nên nói rằng hôm nay là một ngày vui hay một ngày buồn? Hôm nay gặp Ngân -vừa thấy thật thân thương, gần gũi, vừa thấy thật xa lạ, lạnh lùng.
Gặp Ngân lần này tại Điện ảnh trong khung cảnh đỡ bề bộn hơn trước vì nhà cửa đã tạm xong. Chúng tôi có nhiều thời giờ riêng để nói chuyện với nhau. Từ lúc đi đường, tôi cứ đinh ninh rằng lần này chúng tôi sẽ được sống với nhau những giây phút thật đầm ấm. Không ngờ Ngân lại đưa tôi một lá thư Ngân đang viết dở dang. Trong thư, Ngân nói với tôi rằng Ngân rất quý, rất thương, rất kính trọng tôi, nhưng "không dám" nhận là người yêu của tôi, mà chỉ mong là một người em, người bạn, người đồng chí mà thôi. Ngân lý giải rằng hoàn cảnh sống của hai đứa có những sự cách biệt nhau, trình độ lại chênh lệch nhau quá, Ngân không xứng đáng là người yêu của tôi. Ngân lo rằng rồi đây gia đình tôi sẽ chê bai Ngân, bè bạn tôi sẽ dèm pha Ngân, do vậy tôi sẽ chán nản và hạnh phúc giữa hai đứa sẽ không được bảo đảm.
Đọc thư, bối rối trăm chiều, lòng bề bộn những câu hỏi, nhữngsự day dứt, những cách lý giải. Ôi, biết nói thế nào với Ngân để Ngân hiểu và tin tôi bây giờ? Em ơi, tuy sống với em không được
bao lâu, nhưng anh đã tìm hiểu em khá kỹ, đã tham khảo những ý kiến của những đồng chí thân cận anh về em rất nhiều và từ đó đặt ra cơ sở vững chắc để xây dựng tình yêu với em. Rồi anh yêu em với tất cả tình cảm mãnh liệt, thiết tha của mối tình đầu. Tình yêu ấy thật là sôi nổi nhưng lại chín chắn chứ không bồng bột đâu em ạ! Khi nhận được thư em đáp lại tình yêu của anh, anh sung sướng, hạnh phúc biết bao nhiêu và đã thầm nhủ mãi rằng: anh sẽ yêu em trọn đời, chúng ta sẽ chung sống với nhau thật đầm ấm như bố mẹanh đã chung sống với nhau. Ước mơ cháy bỏng như vậy đấy, có thể nào anh lại từ bỏ tình yêu của anh, từ bỏ em được? Trong cuộc đời anh, anh đã gặp nhiều người con gái, đã có những lần cảm thấy yêu, nhưng chưa bao giờ anh thổ lộ tình yêu, rồi do nhiều điều kiện, anh lại gạt bỏ nó đi, do vậy chưa một lần nào anh nói trực tiếp với một người con gái hai chữ "yêu em". Nhưng lần này anh đã nói với em, đã được nghe em nói lại hai chữ "thương yêu". Anh đã nói ra như vậy và anh sẽ giữ mãi nó, sẽ thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó trong quan hệ với em - và chỉ với em mà thôi, không thể với bất kỳ một người con gái nào khác! Lẽ nào anh không thể thực hiện được ước mơ chính đáng của mình chỉ vì những lý do rất xa xôi như em đã nêu ra?
Nghĩ như thế nhưng không thể diễn đạt thành lời được. Ngân thì vẫn vui vẻ nói chuyện với tôi. Không biết nói với Ngân như thế nào bây giờ. Tôi bảo Ngân:
-Anh mong rằng những điều em viết cho anh là những lời nói đùa!
Ngân đáp:
-Không phải đùa, em nói thật đấy.
-Anh không muốn em so sánh như thế.
-Không, trong quan hệ nếu không có so sánh thì không thực với lương tâm!
-Em so sánh cũng được, nhưng cần so sánh cho đúng và giải quyết cho đúng. Em hãy rút lui ý kiến của em đi. Anh chỉ có thể chấp nhận những điều em nói trong lá thư trước tết.
-Bây giờ anh nghĩ như thế, nhưng sau này anh có thể nghĩ khác.
-Hay là do em không yêu anh nên em nói tránh ra như thế?
-Không, không phải như vậy.
-Em thật khó hiểu, em làm khổ anh!
-Không đâu, anh làm khổ anh đấy!
-Em ạ, em đừng lo về gia đình anh, gia đình anh sẽ hoàn toàn đồng ý với anh. Anh chỉ lo ba không đồng ý thôi, ba nghiêm khắc lắm mà.
-Không, ba tình cảm lắm anh ạ, khi mới gặp thì ba ít nói, nhưng khi đã quen, đã thân thì ba nói chuyện tình cảm lắm.
Buổi chiều qua đi. Ngân hẹn tôi tối sang gặp em. Lúc này, tôi không còn đủ sáng suốt để nhận định vấn đề gì hết.
Tối, Ngân sang C8 tiêm thuốc cho Đệ. Thấy tôi ở dưới bếp, Đệgọi: "Lên đây em bảo cái này!" Khi tôi đến, Đệ bảo Ngân ngồi lênvõng, bảo tôi ngồi vào chiếc ghế cạnh đó, còn Đệ ngồi xuống đất, vớilý do "cho đỡ mỏi". Chắc Đệ đã rõ phần nào quan hệ giữa tôi và Ngân. Cô gái Hà Tây này rất hồn nhiên song cũng khá tế nhị, tâm lý. Ngoài 3 chúng tôi, còn một anh chàng nào đó nằm võng tận ngoài đầu hè.
Tất nhiên lúc này câu chuyện không có gì đặc biệt cả. Ngân nằm trên võng, để một cánh tay qua phía tôi, đu đưa võng. Tôi cầm lấy bàn tay Ngân. Ngân rụt lại và nói: "Tay em nông dân đầy chaichứ không như tay anh trí thức!" Ôi, sao em cứ cố tìm ra những sự ngăn cách giữa 2 đứa? Tôi nắm lấy tay Ngân, khẽ vuốt ve và bảo:
"Không, em xem đây, tay anh cũng đầy chai. Anh phát rẫy giỏi lắm chứ!".
Sau khi nói chuyện một lúc, Đệ cầm đèn pin đi ra ngoài: "Tao có việc ra ngoài một tý, khi nào tao về mày mới được về đấy Ngân nhé!". Ngân xuống võng. Tôi bảo nhỏ: "Khoan hãy về em!". Ngân lại nằm lên võng. Tôi lại cầm lấy tay Ngân vuốt nhẹ và đưa lên môi hôn. Ngân không nói gì hết. Không kìm nổi tình cảm tha thiết của mình, tôi choàng tới, hôn lên má Ngân, hôn lên môi Ngân - làn môi mọng và ấm. Tôi thì thầm: "Yêu em, yêu em, yêu em biết mấy". Tôi không nhớ rõ thái độ của Ngân lúc ấy như thế nào? Lẽ ra, chúng tôi phải ôm hôn nhau thật thắm thiết, chúng tôi yêu nhau cơ mà? Nhưng còn chuyện lá thư Ngân viết cho tôi hồi chiều? Tôi bối rối,băn khoăn, lo lắng. Em, em có giận anh không? Lát sau thì Đệ về. Ngân cũng về và dặn tôi: "Lát nữa anh qua nhé".
Khoảng gần 9 giờ tôi sang. Gặp Ngân ở nhà ăn, Ngân bảo: "Anh đến nhà anh Thanh chơi!". Tôi đi đến nhà Thanh. ồ, lúc này tôi không còn tỉnh táo gì cả, tôi chỉ làm theo Ngân như một cái máy. Trong nhà, anh em đang nói chuyện vui vẻ. Anh Tầm bảo Ngân: "Em đi lấy nước mời khách chứ!".Ngân cầm ấm chạy đi. Khi Ngân về, anh Tầm nói: "Nào, pha đường sữa mời khách chứ". Ngân cười: "Nghèo quá, không có nhà, không có đường, có bạn đến chẳng biết làm sao cả!".
Tôi cầm đàn ghita, dạo nhạc. Tôi và Thanh hát mấy bài hátNga. Âm điệu của những bài hát gợi lại trong tôi những ngày còn đihọc cấp 3 thường cùng bè bạn đàn hát. Ôi, tuổi trẻ, tuổi trẻ hồn nhiên thích quá. Bây giờ làm sao tôi có thể trở lại hoàn toàn với sự hồn nhiên, vô tư ấy? Tránh làm sao khỏi những sự phức tạp, va vấp? Tôi đã bước vào đời từ lâu rồi mà. Và bây giờ thì tôi đang yêu. Tình yêu đem đến cho tôi hạnh phúc, song cũng đem đến cho tôi nỗi đau buồn và nhiều loại cảm xúc gì đó rất phức tạp, rất khó tả nữa. Mới hay rằng yêu không phải là dễ và xây dựng một tình yêu thật chân chính, thật đẹp đẽ lại càng khó.
Nghe âm điệu buồn buồn của bài "Sulicô" tôi thốt lên: "Bài hát đầy mầu tang, lúc này mình không thích nghe!". Ngân vẫn ngồi đu đưa võng. Tôi ngắm nhìn Ngân mãi qua ánh đèn dầu mờ nhạt. Tôi
có cảm tưởng Ngân như con chim vàng anh xinh đẹp và đáng yêu đang vỗ cánh chuẩn bị bay vút lên vượt khỏi tầm tay tôi, bay lên cao mãi.
9 rưỡi, tôi bắt tay mọi người, ra về. Thấy tôi không bắt tay Ngân, anh Tầm nói đùa một câu gì đó làm mọi người cười ầm lên.Đã ra đến sân, tôi nói lại: "Còn đồng chí Ngân muốn gửi gì cho anhĐảo thì gửi nhé".
Tôi bước đi trong màn đêm. Đi thật ư? Lại xa Ngân ư? Bao giờ gặp lại? Không có thể nói với Ngân những suy nghĩ của mình ư? Tôi đứng lại nhìn qua phía nhà anh Thanh. Có ánh đèn pin rọi ra phía cửa. Chắc Ngân về. Tôi đứng chờ.
Trong nhà bếp, chỉ cột có 2 võng: võng Ngân và võng Hải. Hải đi chơi bên C8 chưa về. Ngoài nhà ăn, mọi người đều nghỉ ngơi trên võng của mình. Ngân đốt đèn, lục tìm trong ba lô, lấy cuốn an bom,lấy mấy cái phim đưa tôi. Tôi hỏi: "Đưa anh xem cuốn anbom được không?". Hồi trước tết, tôi có gửi cho Ngân một cái ảnh 2 đứa nguyên là ảnh tôi phóng tách từ ảnh chụp chung với đông đảo anh em khác ra. Không hiểu Ngân còn giữ không? Ngân cất cuốn ambom đi và bảo: "Không, em không đưa anh xem đâu".
Mỗi đứa ngồi một võng nói chuyện với nhau. Nối liền 2 đứa là một vùng ánh sáng khá lớn của ngọn đèn dầu. Tuy vậy, tôi cũng không nhìn Ngân thật rõ được.
Tôi nói:
-Ngân ạ, anh không ngờ em lại viết cho anh lá thư như thế. Khi đi đường chuẩn bị vào gặp em, anh nghĩ đến bao nhiêu chuyện vui...
Ngân ngắt lời tôi:
-Đúng, vui là đúng chứ anh, gia đình anh ấm cúng thế mà!
-Gia đình anh ấm cúng, nhưng anh không thể vui nếu như trong đó không có em!
-Thì trước đây vẫn không có em!
-Đó là trước đây! Chẳng thà đừng gặp em, đừng yêu em, đừngđược em yêu. Đằng này mới yêu như thế mà bỗng chốc thay đổi hết cả, anh vui sao được? Tại sao hồi trước tết em lại viết cho anh lá thư như thế?
-Hồi ấy khác, bây giờ khác.
-Mới có mấy tháng mà tình cảm em đã thay đổi vậy sao?
-Không phải thay đổi, nhưng phải lường cho sâu anh ạ. Không biết anh có nghe người ta nói những chuyện về em trước đây không?
-Ồ, anh biết chứ, anh nghe rất nhiều, trong đó có những điều nói về em thật tệ hại. Nhưng, nghe thì phải điều tra, chứ tin ngaysao được? Em không biết đấy thôi, anh Phấn, anh Đảo đã giúp anh điều tra những chuyện ấy. Anh biết có những người ác ý, ghen ghét, cố tình nói xấu, dèm pha em. Thấy thực tế không có gì nên anh không nói gì với em đó thôi.
-Anh ạ, không phải là em thanh minh, nhưng anh xem đấy, từ nhỏ em sống với ba, sống trong quân đội, mãi tới tháng 6 năm 72 em mới qua Văn công rồi về Ban, làm gì tệ đến như thế được? Thực ra em sống có rất nhiều người mến, có những anh đặt vấn đề với em. Không phải là em kén chọn, nhưng em thấy không phù hợp cho nên em không đồng ý do vậy có những anh đã nói xấu em.
-Anh biết chứ. Anh nghĩ bên quân đội kỷ luật rất nghiêm minh, làm sao lại có thể xảy ra những điều xấu xa như vậy được?
Ngân tỏ ra yên tâm khi tôi nói những điều như vậy. Rồi Ngân lại nói:
-Bây giờ ở rừng núi chỉ có anh và em thì được. Nhưng sau này xuống đồng bằng, em già đi, xấu đi, lại dốt, rồi gia đình anh mỗi người nói một câu, anh sẽ khổ.
Tôi đáp:
-Em ạ, thực ra khi quyết định yêu một người không thể không đắn đo, suy nghĩ, so sánh. Nhưng anh nghĩ không thể lấy tuổi tác và sắc đẹp làm cơ sở cho tình yêu - tuy nó cũng quan trọng. Bởi vì nếu đặt cơ sở như vậy thì không vững chắc - thời gian sẽ làm cho tuổi trẻ và sắc đẹp phôi phai đi. Anh muốn đặt tình yêu trên cơ sở hiểu biết, thông cảm, thương nhau và chung thuỷ với nhau. Và anh đã đến với em với tình cảm như thế.
-Nhưng nếu người ngoài dư luận dèm pha thì anh nghĩ thế nào?
-Khi đã xác định rõ mọi chuyện, anh sẽ đạp trên dư luận xấu mà đi đến mục đích của mình. Cũng có thể có một số người tung ra dư luận xấu đấy, nhưng anh không ngại. Ngược lại, có rất nhiều người ủng hộ chúng ta. Em biết không, hôm nọ anh Nguyễn Khắc Phục đưa thư của anh cho em, anh ấy đứng chờ em suốt từ 10 giờ đến 11 rưỡi khuya đấy. Bạn bè thân thiết của anh đều tôn trọng tình yêu này và vun đắp cho nó.
-Bây giờ thì tôn trọng, nhưng sau này...
Câu chuyện còn tiếp diễn, nhưng chung quy lại Ngân vẫn không rút lui ý kiến của mình.
10 giờ Ngân bảo tôi về nghỉ và đưa tôi một hộp đường bảo đem về ăn. Tôi cất nó lại chỗ ba lô Ngân.
Đêm, nằm trăn trở mãi trên võng, không thể nào ngủ được. Suy nghĩ mãi về Ngân. Xuất phát từ đâu Ngân nêu ra những ý kiến trên? Ngân lo lắng thực sự đến quan hệ với tôi sau này hay do Ngân đã có sự thay đổi về tình cảm?
Nếu Ngân đã thay đổi tình cảm với tôi, đã có một người nào đó vừa ý hơn, thì có lẽ tôi sẽ rút đi một cách nhẹ nhàng thôi, tuy không tránh khỏi đau buồn. Cái đó hoàn toàn do Ngân quyết định. Tôi không có quyền ép buộc Ngân. Tình yêu là một thứ tình cảm hoàn toàn tự giác, không thể dùng sự thúc ép bên ngoài mà kéo nó đến mình được. Tôi cũng không ghen tuông. Ghen tuông là biểu hiện cho sự bất lực của tình yêu. Mối tình mới bắt đầu và đang phát triển. Nếu Ngân thuỷ chung với mối tình ấy, tôi sẽ nâng niu và dồn cả tình cảm của mình vào vun đắp cho nó phát triển lên mãi. Còn nếu như Ngân đã vội thay lòng đổi dạ, tôi sẽ hoàn toàn không tìm cách ngăn cản Ngân.
Nếu như Ngân thực sự lo lắng là trong tương lai, do những hoàn cảnh khách quan, tôi sẽ thay đổi tình cảm, thì tôi sẽ phải tìm mọi cách làm cho Ngân yên tâm về điều đó. Trong cuộc đời, đây là lần thứ 3 tôi tự quyết định những bước ngoặt lớn cho mình.
Lần thứ nhất: tôi quyết định không học đại học. Khi ấy, tôi tốt nghiệp lớp 10, được chọn vào học khoa Xây dựng, trường đại học Bách khoa. Nơi ấy là mơ ước của nhiều thanh niên. Nhưng riêng tôi, tôi không phấn khởi chút nào khi đến nơi ấy, vì không hợp nguyện vọng của tôi, tôi chỉ yêu ngành văn thôi. Nghe VNTTX mở lớp phóng viên, tôi liền đến xin vào học. Bố tôi nói với tôi: "Tuỳ con đấy. Nhưng con hãy suy nghĩ cho kỹ". Tôi nói: "Con suy nghĩ kỹ rồi.Đi vào ngành ấy phù hợp với con hơn, con sẽ phát huy được năng khiếu của mình". Bố tôi lại hỏi: "Nếu như trên gọi con đi học nước ngoài, con có bỏ lớp phóng viên không?" -"Không, con đã theo thìcon không bỏ". Bố tôi dặn: "Được, con hãy làm theo quyết định của con và làm tới cùng, đừng bỏ giữa đường". Thế là tôi rời trường đại học, đi học lớp báo chí. Cho tới nay đã 7 năm trôi qua, tôi vẫn thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn và ngày càng thấy yêu nghề của mình hơn.
Lần thứ 2, tôi quyết định vào Nam công tác. Khi ấy, khí thế tấn công và nổi dậy trào dâng khắp miền Nam. Tiền tuyến cần người.Đồng chí Tố Hữu đến VNTTX nói chuyện với chúng tôi: "Bây giờ phóng viên phải đứng trên 4 phương thành Huế mà viết tin, chụp ảnh". Tôi viết giấy tình nguyện vào Nam. Bố tôi lại nói với tôi: "Tuỳ
con, con suy nghĩ kỹ đi". Bao giờ cũng vậy, bố tôi chỉ gợi ý cho tôi suy nghĩ sâu hơn và tự quyết định chứ không bao giờ quyết định thay tôi những việc tôi sẽ làm. Bố tôi nói tiếp: "Thanh niên ngày nay sống phải có lý tưởng, phải sôi nổi. Con xung phong vào tiền tuyến là đúng. Nhưng con phải thấy trước những khó khăn, ác liệt sẽ đến với con để chuẩn bị tinh thần mà vượt qua. Khi đã quyết định đi, thì đừng vì gặp khó khăn, ác liệt mà chùn bước, thối lui". Thế rồi bố tôi tiễn tôi đi. 5 năm đã qua, tôi đã chịu đựng bao nhiêu khó khăn, gian khổ, ác liệt, có lúc tưởng đuối sức không vượt qua nổi và tôi vẫn lớn lên về nhiều mặt. Chính ở nơi đây tôi đã được kếtnạp Đảng. Chính ở nơi đây tôi đã có những tiến bộ đáng kể về nghiệp vụ, về chính trị và đã thu lượm được kha khá tài liệu thực tế để nâng cao nhận thức và để phục vụ cho ý đồ viết sau này. Tới nay hoà bình rồi, tôi vẫn thấy rất cần thiết phải có mặt tại đây, thấy rất gắn bó với mảnh đất này. Tuy nhớ da diết gia đình, tôi vẫn xác định rằng còn phải chiến đấu trong này rất lâu dài và rất thanh thản chấp nhận thực tế ấy. Vậy là trong lần thứ 2 này, tôi cũng hoàn toàn đúng đắn, không có gì phải ân hận cả.
Còn trong bước thứ 3 này? Thuý Ngân đã gợi ý cho tôi suy nghĩlại cho chín chắn. Đó là điều cần thiết. Song cũng như 2 lần trước, tôi đã quyết định rồi sau khi suy nghĩ, đắn đo, tôi theo đuổi nó đến cùng.
Suy nghĩ lại, tôi thấy chắc rằng Ngân không có sự thay lòng đổi dạ nào đâu. Ngân đối xử với tôi vẫn thân thiết như buổi đầu. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh Ngân, sẽ thấy những điều Ngân nói là có cơ sở thực tế. Thường phụ nữ hay tính toán, lo xa hơn đàn ông. Có lẽ Ngân sợ tôi xốc nổi, say đắm quá mà không nhìn vào thực tế? Người ta thường nói khi người phụ nữ đã yêu, thì họ muốn cho người yêu của mình có đầy đủ hạnh phúc. Ngân sợ rằng Ngân không có khả năng đem lại hạnh phúc đầy đủ cho tôi sao? Không, Ngân ơi, em hãy nhìn lại em đi, em không thấp như em tưởng đâu. Tuy học hành không được mấy, nhưng em rất thông minh và tỏ ra biết nhận thức đúng đắn cuộc sống, có hiểu biết về xã hội, về quan hệ giữa con người với con người, về cái đúng, cái sai. Nhiều người đã nhận xét về em như thế và anh cũng thấy đúng như thế. Riêng việc
em sợ sau này anh sẽ khổ nếu như lấy em thôi cũng đủ cho anhthấy hạnh phúc rồi. Điều đó nói lên em quan tâm đến anh biết mấy.
Kỳ lạ thật, chuyện này xảy ra, về hình thức thì hầu như đã đẩy tôi ra xa Ngân, nhưng thực ra về nội dung lại kéo tôi lại gần Ngân rất nhiều. Thật sung sướng khi phát hiện thêm những điều tốt đẹp của người yêu của mình. Thấy yêu Ngân hơn nữa, yêu một cách sâu sắc và đậm đà. Càng thấy gắn bó với Ngân hơn, càng thấy rằng từ đây trong cuộc đời không thể nào thiếu Ngân được.
Một đêm sắp qua rồi.
Ngân hẹn chủ nhật này sẽ về ban.
Chủ nhật, 29/4/1973
Về thăm cơ quan. Phân xã TTX chúng tôi có thêm hơn 30 người
-phần lớn là sinh viên đại học Tổng hợp ra, học lớp phóng viên rồi vào đây. Với lứa tuổi 22 - 25, những anh chị em này rất sôi nổi. Trong số này lại có 4 cô gái nữa - 1 phóng viên ảnh, 3 phóng viên tin. Nhà đông vui, nhộn nhạo hẳn lên. Mọi người bắt tay ngay vào việc gùi cõng gạo và làm nhà ở, tạo cơ sở vật chất đầy đủ để rồi bước vào công tác chuyên môn.
Khoảng 8 rưỡi sáng, Thuý Ngân và Đệ đến. Anh em trong phân xã đều vui vẻ đón tiếp 2 người.
Đặc biệt anh Đảo, Phấn, Quảng đã chiều tôi rất nhiều, đã đón Ngân như đón một đứa em trong gia đình, tạo cho Ngân không khí vui vẻ, thân mật. Tôi rất hài lòng và rất hàm ơn trước cách đối xử ấy.
Tôi cũng rất hài lòng ở thái độ của Ngân. Ngân đến thăm hỏianh Đảo, thăm hỏi mấy cô bạn gái trong nhà, gây được cảm tình với những người bạn mới một cách nhanh chóng.
Khoảng 10 rưỡi, nhớ đến ảnh Ngân còn phơi ở sân gần buồng tối, tôi đi lấy. Ngân chạy theo. Tôi hỏi:
-Sao, đồng chí em, đã suy nghĩ lại những điều trao đổi với nhau hôm nọ chưa?
Ngân trả lời lấp lửng:
-Em thì trước sau như một.
-Anh cũng trước sau như một.
Thuỳ - cô phóng viên ảnh mới - đang chọn ảnh. Thấy chúng tôi xuống, cô vội cầm mấy cái ảnh, đi lên. Tôi ngồi xuống cầm ảnh Ngân lên cắt cạnh. Ngân nói dịu dàng:
-Anh, vào trong mát ngồi cắt không có đau đấy.
Chúng tôi đem ảnh vào trong nhà phóng ảnh, ngồi bên nhau vừa xem ảnh, vừa nói chuyện. Tôi bảo:
-Em sợ anh đau, anh gầy mà lại viết cho anh lá thư như hôm nọ à? Hôm ấy anh thức suốt đêm. Riêng chuyện đó cũng đủ làm anh gầy đi bao nhiêu.
-Ai bảo anh nghĩ, anh thức cho khổ?
-Không nghĩ sao được?Chúng tôi ngồi sát lại nhau.Tôi hỏi:
-Ngân, em sinh năm 1952 phải không?
-Dạ!
-Thế ai bảo là em ít hơn anh 4 tuổi?
-Em không hỏi nhưng nghe mấy anh nói anh 25 tuổi.
-Không phải đâu nhé, anh 27 rồi, hơn em 6 tuổi cơ đấy. Em có biết Các Mác và vợ như thế nào không?
-Có, vợ Các Mác hơn Các Mác 4 tuổi.
-Vậy mà hai người sống rất hạnh phúc.
-Dạ.
-Em thấy đấy, tuổi tác có quyết định được hạnh phúc vợ chồng đâu? Còn ở đây, chúng ta lại không nằm trong tình trạng ấy, emnhỏ hơn anh nhiều, em rất trẻ. Điều quyết định cho hạnh phúc vẫn là sự hiểu biết, thông cảm nhau sâu sắc, hợp nhau, chung thuỷ với nhau.
Ngân ngồi im lặng bên tôi. Cầm tấm ảnh Ngân lên, tôi nói:
-Ai cũng khen ảnh em đẹp!
-Đẹp gì, già gần chết rồi mà đẹp gì?
Tôi quay sang ngắm nhìn Ngân. Khuôn mặt em thân yêu biếtbao. Đây này, đôi mắt em to vừa phải, trong sáng lạ lùng, rất đẹp. Anh có thể ngồi ngắm đôi mắt em suốt ngày không chán. Sống mũi em hơi cao, thẳng, thật thanh tú. Làn da em mịn màng, hồng hào.Đôi môi em mọng đỏ. Em nhìn lại em đi. Với anh, em là người đẹp nhất trên đời.
Tôi choàng qua Ngân. Ngân hơi cười... Cơ thể Thuý Ngân săn chắc truyền sang tôi một sức sống mãnh liệt...
Gần 3 giờ chiều, Ngân chuẩn bị về. Tôi sửa soạn gùi cho Ngân. Ngân quấn quýt bên tôi. Tôi lấy khăn gói số thuốc Ngân lĩnh, lấy dây dù buộc gùi cho Ngân. Tôi băn khoăn:
-Dây dù nhỏ thế này đau vai đấy em ạ.
-Không, mang thế này là sướng lắm rồi.
Được chăm sóc người yêu thật là một điều hạnh phúc. Chúng tôi ít được ở gần nhau để chăm sóc lẫn nhau, cho nên những giây phút này thật quý giá. Ngân đứng bên tôi. Tôi nhìn Ngân. Ngân nhìn tôi. Ngân bảo:
-Hôm nào anh qua lấy cái quạt nhé.
Bữa trước, Ngân khâu cho tôi một cái quạt mà chưa xong.
Tôi hỏi:
-Sao em không đem qua cho anh?
-Đem ngại quá. Anh sang nhé.
Trời xầm xì muốn mưa. Mấy hôm nay chiều nào cũng mưa giông. Tôi tiễn Ngân đi một quãng đường...
Trời chỉ dậm doạ mà không mưa.
Ngày 30/4/1973 - Thứ 2
Kỷ niệm 5 năm ngày tôi rời miền Bắc vào Nam.
Bầu trời mùa hè cao xanh vời vợi. Nắng vàng óng ả. Nhưng đến chiều thì giông nổi lên, gió cuốn ào ào vít cây cối xuống. Một cành cây to gẫy răng rắc, suýt nữa rơi trúng nhà tiểu đội quân sự làmmọi người hốt hoảng chạy dạt ra. Đã sắp đến mùa mưa giông rồi. Buổi chiều, trời hay dở chứng, làm mặt giận dữ.
Nhớ lại cách đây 5 năm, cũng vào buổi chiều, chúng tôi lên ô tô bắt đầu cuộc hành quân lớn. Khi ấy, tôi còn là một thanh niên măng sữa, lòng đầy nhiệt tình, nhìn cuộc đời lúc nào cũng thuần khiết một mầu hồng. Những năm gian khổ đã dậy tôi nhìn sâu vào cuộc sống hơn, thấy mặt phải và cả mặt trái của cuộc sống. Nhiều lúc phải rùng mình ghê sợ vì thấy những biểu hiện đê tiện, xấu xa quanh mình, ngay trong đồng chí mình. Nhiều lúc thấy sung sướng, ngạc nhiên trước những biểu hiện đẹp đẽ, cao cả mà mình không
hình dung ra được. Và phải nói, cũng có những lúc thấy xấu hổ với chính mình, vì những việc làm không tốt của mình mà mọi người không biết. Nhưng điều cơ bản là tôi vẫn giữ nguyên được bầu máu nóng, giữ được nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ và cũng không để hoài để phí những ngày đã qua.
Năm năm, so với cuộc đời không phải là dài. Nhưng năm năm qua là một giai đoạn rất quan trọng đối với tôi, 5 năm đặt nền móng cơ bản cho tôi xây dựng cuộc đời. Trong khoảng thời gian ấy, tôi đã bước vào vị trí chiến đấu và đứng vững ở vị trí ấy, đã phấn đấu tốt, được kết nạp đảng và trở thành đảng viên chính thức, được bầu vào chi uỷ, đã rèn luyện về nghiệp vụ và cống hiến khả năng chuyên môn của mình cho cách mạng. Tuy nhiên, về nghiệp vụ mà nói,bước tiến của tôi còn chậm quá. Đứng trước một thực tế rất phong phú và đã lăn lộn trong thực tế ấy, lẽ ra tôi phải viết được nhiều, được hay hơn. Tôi vẫn chưa đầu tư nhiều thời gian cho việc viết, nhất là viết văn.
Nhìn về tương lai, tôi thấy lòng đầy tin tưởng. Khó khăn cònnhiều, song thuận lợi lại rất nhiều. Điều kiện sống dễ chịu hơn, đỡ phải lo xoay xở về vật chất cho cuộc sống, chúng tôi có nhiều thời gian để đi sâu vào công tác chuyên môn. Bên những người bạn đồng nghiệp lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, tôi có thêm một đội ngũ đông đảo bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, xốc nổi. Sống trong không khí ấy, nhiệt tình viết sẽ luôn được hâm nóng và luôn rút được kinh nghiệm.
Về đời tư, tuy xa gia đình, nhưng tôi vẫn luôn được sống trongtình gia đình đầm ấm. Anh Đảo, anh Nhị, những người anh cùng vào Nam một đợt với tôi, thương yêu tôi như một người em, luôn quan tâm đến hạnh phúc của tôi. Anh Phấn, Quảng, Quả... cũng sống với tôi thật chân tình, đằm thắm. Bên tôi lại có Thuý Ngân, cô gái miền Nam mà tôi yêu quý, đã đem lại cho tôi những niềm hạnh phúc riêng biệt. Tất cả những điều đó đã khiến tôi thực sự coi cơ quan là gia đình thứ hai, miền Nam là quê hương thứ hai của tôi, an tâm sống và chiến đấu lâu dài ở đó.
Nhớ lại ngày lên đường, cùng Vượng ngồi một ghế trên xe. Nay Vượng đã hy sinh rồi. Thương nhớ Vượng vô hạn. Chắc rằng nếu
còn sống, Vượng sẽ rất nhiệt tình xây đắp cho tình yêu của tôi. Trước khi chết, Vượng tỏ ra rất quan tâm đến điều đó, đã đi thăm dò để tìm "đối tượng" cho tôi mà chưa được. So với tôi, Vượng vất vả hơn nhiều. Suốt từ 1968 đến 1971, anh đã phải đánh vật với bệnh tật, với sự đối xử tệ của một số người và phần lớn thời gian phải lănvào sản xuất, gùi cõng. Đến khi điều kiện khách quan có nhiều thuận lợi để phát huy khả năng chuyên môn, được đi công tác, thì anh lại hy sinh. Hình ảnh Vượng luôn luôn rõ nét trong tôi: dáng người cao cao, gầy gầy, tính tình bộc trực thẳng thắn, hay châm biếm, yêu ai thì chăm sóc hết mức, ghét ai thì như đào đất đổ đi, dám bênh vực kẻ yếu, tuy bản thân không phải là người mạnh. Hồimới vào, tôi đưọc phân công chép Bản tin đọc chậm của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Một hôm, đài hết pin, anh Hầu - cùng Tiểu ban, chiuỷ viên -lĩnh pin thay cho tôi. Đài vẫn bắt sóng yếu, cứ bập bà bập bõm, tôi ghi chữ được chữ mất. Anh Hầu trách cứ tôi, cho rằng tôi thiếu trách nhiệm. Vừa hay hôm ấy Vượng ở bên Quân khu về. Anh bảo tôi đưa đài rồi mở ra, kiểm tra lại pin. Anh kéo tôi lại chỗ anh Hầu, đưa hai viên pin ra và bảo: "Pin này cũ rồi, có phải anh đổi không?". Anh Hầu chưa kịp trả lời, Vượng đã cầm chiếc đài của anh ấy, bật bao, lấy pin ra. Rõ ràng, đây là những cục pin mới. Anh Hầu ngượng ngùng trả lại pin cho tôi, không nói được câu nào. Vượng bị một số anh trong chi uỷ thành kiến, suýt nữa không được chuyểnĐảng chính thức, may có anh Huỳnh Ngọc Lý và mấy anh kháctrong Đảng uỷ và Chi uỷ bênh vực nên mới khỏi bị thành "bạch vệ"như anh nói. Vượng ra đi còn để lại ở quê hương một vợ, một con nhỏ. Tôi nhớ hồi hành quân qua Hà Tĩnh, đoàn dừng lại, Vượng được phép về thăm nhà - vợ anh mới sinh. Khi Vượng trở lại, tôi hỏi thăm, anh lúng túng không biết trả lời tôi con anh là trai hay gái. Anh cười: "Mình ngó nó đỏ hỏn, có dám bồng đâu mà biết nó ra sao".Đứa con đầu và là đứa con cuối cùng ấy của anh nay đã 5 tuổi, nhưng không bao giờ nó có thể được thấy mặt cha nó! Tôi cứ tâm niệm một điều: khi nào có dịp ra Bắc sẽ đến thăm gia đình Vượng, kể lại cho gia đình Vượng nghe về những năm tháng đầy gian khổ và cũng đầy yêu thương mà chúng tôi sống với nhau.
Ngày 10/5/1973
Vì một vết bỏng ở chân, tôi phải đi bệnh xá C.12.
Bây giờ, đường ô tô đã chạy vào tới Khu bộ. Đi theo đường xe ra sông Tranh. Gặp mấy chiếc commăngca đi vào hoặc đang đậu dọc
đường. Sau mấy cơn mưa chiều, con đường có nhiều đoạn bị đọng nước, lầy lội.
Tới sông Tranh, gặp con đường ô tô lớn. Một cái ngầm được đắp qua sông. Phía bên này, con đường đỏ tươi chạy bên bờ sông, bám theo các triền núi. Người ta đang làm thêm một con đường vòng lên trên ngầm, ở đoạn sông sâu - có lẽ bến phà sẽ là nơi ấy. Tiếng mìn phá đá nổ ầm vang, nối theo nhau.
Tôi đi nhờ một chiếc xe tải - nó chở đầy chất nổ đóng bánh.Đường xóc vô kể. Có những đoạn đường chui qua những vạt rừng già râm mát thật đẹp. Gặp khá nhiều trạm xe và nhiều xe. Xen vào tiếng xe chạy ì ì, thỉnh thoảng lại ầm vang tiếng mìn phá đá. Chúng ta tiếp tục mở đường và củng cố đường.
Từ 11/5/1973
Bắt đầu bản trường ca nhàn rỗi với những điệp khúc tẻ nhạt: sáng tập thể dục, ăn cơm, yên tĩnh, tiêm thuốc, trưa uống thuốc, ăn cơm, chiều thay băng, ăn cơm, tối tập "Cốc đại phong" và ngủ sớm. Cứ như vậy ngày tiếp ngày trôi qua. Tuy nhiên, sinh hoạt đảng và sinh hoạt hội đồng thương bệnh binh được duy trì đều.
Bệnh viện là nơi tập trung của các loại vi trùng, đặc biệt là vi trùng sốt rét. Chúng đến đây và đua nhau trổ tài hành hạ con người: có tên làm người ta sốt đùng đùng, có tên làm người ta sốt hâm hấp nhưng sưng lách, có tên làm người ta nằm liệt, mê man.Đặc biệt, đầu tháng 6 có một ca nguy kịch: đồng chí Hải, một thanh niên người miền Bắc, bị sốt ác tính. Bệnh viện cứu chữa Hải với đầy đủ thuốc và cho người trực suốt ngày đêm. Song, tình hình chưa có gì sáng sủa cả. Bệnh nhân gầy rộc đi, nằm thoi thóp. Cái chết đã hiển hiện trên khuôn mặt: má hóp, răng nhô ra, môi khô lạnh và đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt mở, không chớp, bạc mầu, dài dại, dường như không còn nhận biết gì mọi hình ảnh ngoài đời nữa.
Nằm ở đây nơm nớp lo bị vi trùng sốt rét tấn công. Do vậy phải chủ động tấn công nó trước và phòng ngự tích cực. Xẩm tối nào cũng đốt một đống lửa to rồi tấp lá tươi lên tạo thành đám khói dữ dội
bao trùm cả nhà, lùa vào các ngõ ngách xua muỗi đi. Rồi đi bít tất, thả tay áo cho dài và phủ bọc võng cho kín. Các cô y tá luôn đi kiểm tra bọc võng bệnh nhân. Rồi uống thuốc phòng nữa. Mong rằng ta sẽ thắng.
Ngày 13/5/1973
10 giờ 15', Đoàn Văn Hải từ trần. Vi trùng sốt rét đã đầu độc trung ương thần kinh và phá huỷ hồng huyết cầu với mức độ quyết liệt. Chúng tôi đưa Hải đi vào buổi chiều trời đầy mây. Hoàn cảnh tương đối thuận lợi này khiến chúng tôi có thể chôn cất Hải một cách đàng hoàng. Lòng bùi ngùi thương xót người đồng chí chưa từng quen ấy. Người thanh niên 24 tuổi ấy đang học năm thứ nhấtĐại học thì xung phong đi bộ đội và vào đây chiến đấu.
Có lẽ, ở chiến trường, bệnh sốt rét là kẻ thù lớn nhất trong các kẻ thù không vũ khí cướp đi sự sống của chúng tôi. Tôi còn nhớ, Thuý Ngân đã kể cho tôi nghe rằng, vào năm 1969, trung đội của Ngân đóng ở núi cao, giá lạnh, cả đơn vị bị sốt rét, sáng nào cũng cómột hai cô gái qua đời. Đâm ra ai cũng sợ giấc ngủ - cứ ngủ là thiếp đi luôn. Nguyên nhân chỉ vì sốt rét, kèm với bệnh ghẻ và cái lạnh hoành hành.
Trong chiến trường, qua 5 năm đối mặt với chiến tranh, tôi đã chứng kiến bao nhiêu cái chết, với bao nhiêu kiểu chôn cất khác nhau: Bị sát thương do bom đạn: bom bi, bom phá, bom na pan, đạn pháo, đạn súng cối, đạn súng cá nhân... Bị ốm đau mà chết: sốt rét, thương hàn, suy kiệt. Bị nạn: rắn cắn, hổ vồ, lũ cuốn, cây đè, núilở... Lại có bao nhiêu cảnh huống chết khác nhau: Đang ngủ bịtrúng bom, tan xác giữa giấc nồng. Đi đường bị địch phục kích, ngã gục bên vệ cỏ. Lãnh trọn một quả pháo, tan xác. Thiếp đi trên võng trong cơn sốt và lạnh dần, lạnh dần để rồi thầm lặng đi vào cõi vĩnh hằng. Vượt sông trong mùa nước lớn, bị nước nhấn chìm. Lại có biết bao kiểu chôn cất: Bọc trong võng, trong ni lông, hạ huyệt - đây là kiểu chôn cất chu đáo nhất có thể có được ở chiến trường, vì không thể nào tạo ra được bộ hòm áo quan. Mộ đá: có vùng toàn đá, không thể đào hố chôn cất được, đành để xác đồng chí nằm trên đá rồi khuân đá xếp dần, xếp dần thành ngôi mộ. Mộ nổi: đồng chí bị địch
phục kích hy sinh, khi đến thì thi thể đã thối rữa, không thể đi chuyển, đành tấp ni lông lên, lấp đất, đắp dần thành ngôi mộ. Lại có trường hợp bị chết trôi trong mùa bão lũ, xác vướng vào ngọn cây, khi nước rút, xác gác trên ngọn cây. Chết nhiều kiểu. Chônnhiều cách. Nhưng có một điều chung: Hy sinh vì Độc lập, Tự do của Dân tộc.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 5 tháng 6 năm 1973
Ngân thương yêu của anh!
Nếu như em đang buồn, thì bây giờ em hãy vui đi nhé. Anh của em lại về nói chuyện với em đây. Như anh đã nói với em, không khi nào anh muốn em của anh buồn, dù chỉ là buồn thoảng qua! Hơn thế nữa, không khi nào anh muốn em của anh phải khóc, anh không muốn những giọt nước mắt của em phải rơi hoài rơi phí, nếu em có để rơi thì hãy đợi anh về, anh hứng lấy mà uống vào lòng. Bởi vì anh yêu em lắm, Ngân ạ!
Thế mà chúng ta đã yêu nhau gần nửa năm rồi Ngân nhỉ! Trên 100 ngày yêu nhau mà chỉ được gặp nhau 3 lần, và nếu gom lại thì sống với nhau chưa trọn một ngày! Cuộc sống khắc nghiệt như vậy đấy. Nó thử thách tình yêu của con người một cách khá phũ phàng. Song, em thân yêu ạ, dù xa em bao nhiêu chăng nữa, anh vẫn luôn nhớ em và lúc nào cũng yêu em tha thiết. Biết bao nhiêu lần anh thầm gọi tên em trong giấc ngủ trăn trở. Anh ước ao mãi những giây phút sống bên em. Khi ấy, anh tha hồ yêu chiều em, đồng thời cũng có những điều khuyên bảo em nữa. Nhưng đó vẫn chỉ là mơ ước! Còn thực tế thì anh vẫn xa em và không biết đến bao giờ mới được đoàn tụ. Anh được biết đoàn của anh sắp triển khai công tácrồi, bây giờ ở vùng ranh (Hiệp Đức), chứ không vào Đà Nẵng nữa. Hôm trước Ban có viết thư sang Ban Hiệp định "đòi" anh về. Song bên Hiệp định nói rằng anh chính thức là người của đoàn, chính thức chuyển sang quân đội nên không cho về. Bây giờ lại bắt đầu vào công việc.
Hiện nay vết bỏng chưa lành, có thể nửa tháng nữa anh mới ra viện. Nếu em hứa rằng khi anh đến, em không đưa anh một lá thư nào như "lá thư viết dở" bữa trước, thì anh sẽ vào thăm em.
Anh đang viết thì anh Thanh vội đi. Anh tạm dừng bút nhé.
Hôn em nhiều. Anh của em!
Suy nghĩ trong những ngày xa em
Tháng sáu.
Bầu trời mùa hè cao xanh vời vợi. Không gian khoáng đãng,song vô cùng oi bức. Ánh nắng chói chang muốn thiêu đốt con người. Trong lòng anh cũng có một mùa hè cháy bỏng, đó là niềm thương nhớ em trong những ngày xa cách, em thân yêu của anh ạ! Nỗi nhớ nhung ấy vời vợi hơn bầu trời cao xanh, bao la hơn không gian khoáng đãng, rừng rực hơn ánh nắng mùa hè, muốn thiêu cháy trái tim anh.
Vào những năm trước đây, khi anh đang còn niên thiếu, những mùa hè đến với anh khác bây giờ rất nhiêu. Em biết không, vào những năm ấy, mùa hè đến với những hàng cây phượng vĩ trổ hoa đỏ rực trời, với tiếng ve kêu râm ran khắp các đường phố, với niềm vui rộn ràng của những người học sinh như anh: kết thúc một năm học, bắt đầu những ngày nghỉ ngơi thoải mái. Người ta nghĩ đến chuyện đi nghỉ mát ở những miền biển phóng khoáng, những vùng rừng núi xanh tươi, hoặc về quê thăm nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Riêng anh thì không nghĩ đến chuyện về thăm quê được. Biết gọi thế nào là quê của anh được nhỉ? Quê bố ở Ninh Bình, một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Quê mẹ ở mãi Móng Cái, một tỉnh thuộc vùng biển gần biên giới Trung Quốc. Còn anh thì lại sinh ra ở tận phố Ngô Khê, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, một vùng rừng núi hẻo lánh nằm ở phía Bắc Tổ quốc, cách Hà Nội đến gần 400 cây số. Quê hương, nếu theo nghĩa thông thường người ta hiểu, thì đó là nơi mình sinh ra và lớn lên, đồng thời ở đó có một ngôi nhà, một
mảnh vườn và có những người họ hàng thân thích của mình. CònNgô Khê? Đúng nó là nơi anh sinh ra, song anh không lớn lên. Mới sinh ra, còn đỏ hỏn, anh đã được bố mẹ đưa lên thị xã Hà Giang. Sau đó là những ngày rong ruổi trên đường kháng chiến.
Lúc ấy bố là một cán bộ quân đội, luôn luôn cơ động theo yêu cầu chiến đấu, do vậy gia đình cũng di chuyển theo. Anh đã từng ngồi trong quang thúng do bà, mẹ gánh, hoặc ngồi sau yên ngựa của bố mà đi qua Tuyên Quang, Phú Thọ, rồi lại từ Phú Thọ qua Tuyên Quang sinh sống, cũng có khi phải lẽo đẽo đi bộ hàng chục cây số nữa. Thời gian ấy, việc học hành của anh bị gián đoạn luôn, nên mặc dầu học khá thông minh, anh vẫn chẳng qua được lớp nào cả, Xem ra như vậy thì thời thơ ấu của anh cũng khá vất vả chứ chẳng được "bọc đường" như người ta tưởng đâu em ạ.
Mãi tới khi hoà bình lập lại anh mới cùng gia đình về Hà Nội ở, và từ đó mới được học hành tử tế. Anh cùng gia đình bắt đầu sống trong môi trường tập thể: cả gia đình đều sống trong khu tập thể của cơ quan. Mỗi lần cơ quan di chuyển là gia đình lại di chuyển theo, hết ở Bạch Mai lại qua Cầu Giấy, sau đó qua Gia Lâm rồi Mễ Trì. Nghĩa là anh đã sống cả 4 phương trời của Hà Nội, mỗi nơi sống một ít, nhưng chẳng sống ở đâu lâu để mà "bắt rễ" ở đó.
Suốt thời niên thiếu anh đã sống trong môi trường tập thể như thế, ngay trong những ngày hè, anh cũng nghỉ ngơi, vui chơi ở đấychứ không đi các nơi như bè bạn khác. Đặc biệt mùa hè nào anh cũng dành ra một vài tháng đi lao động ở công trường hoặc nông trường để rèn luyện mình, mặt khác để có tiền tự mua sắm áo quần, sách vở, anh ít thích phụ thuộc quá vào gia đình. Có khi anh gọi đùa những chuyến đi lao động ấy là những chuyến về thăm quê.
Anh nói những điều như trên là để em hiểu rõ thêm về anh, đồng thời để lấy cơ sở mà giải thích cho em về một số quan niệm của anh về cuộc sống.
Như em đã biết đấy, anh cũng có một nơi sinh, nhưng lại chẳng có một quê hương cụ thể nào cả. Anh sinh sống và lớn lên ở nhiều vùng của Tổ quốc, trên mỗi mảnh đất ấy anh đều có những kỷ niệm
yêu thương, đều thấy gắn bó với nó và đều có thể coi nó là quê hương của mình. Anh quan niệm rằng mảnh đất nào mà tại đó mình sống những ngày có ý nghĩa, mình có những kỷ niệm thân thương, thì mảnh đất ấy là quê hương của mình. Sở dĩ anh nói với mọi người quê anh ở Hải Dương là vì đó là địa bàn công tác đầu tiên của anh, từ đó anh thực sự bước vào đời. Cũng với quan niệm ấy, bây giờ anh có thể nói rằng miền Trung Trung Bộ là quê hương anh. Không gọi nó là quê hương sao được, khi mà tại đó, anh đã sống những năm tháng sôi nổi nhất của tuổi trẻ, đã bước những bước tiến quan trọng nhất của cuộc đời, đã cống hiến một phần nhỏ bé sức lực và trí tuệ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc? Bên cạnh đó, bây giờ anh lại có em, một cô gái anh rất yêu và cũngrất yêu anh. Điều đó càng làm anh gắn bó hơn với mảnh đất này. Anh rất biết ơn mảnh đất đã rèn luyện anh, đồng thời đã đem lại cho anh hạnh phúc.
Em là một trong những nguồn hạnh phúc lớn lao của anh đấy, em thân yêu ạ. Cứ mỗi lần nghĩ tới em là anh lại thấy lòng mình dào dạt tình yêu, cháy bỏng nhiệt tình và anh thấy cuộc đời đẹp đẽ quá, đáng sống quá. Trong những giờ phút ngắn ngủi bên em, anh muốn ngắm nhìn em thật kỹ để in sâu hình ảnh em vào trái tim anh, để khi xa em, hình ảnh ấy lại hiện lên rõ nét trong óc anh.
Trong những ngày nằm điều trị, không có việc gì làm, anh càng nhớ em da diết và dường như đêm nào anh cũng thầm nói chuyện với em, thấy như em đang ở bên anh. Biết rằng em cũng rất thương nhớ anh, luôn luôn nghĩ đến anh, anh thấy trái tim mình được sưởi ấm lên rất nhiều.
Nghĩ về em, anh lại nghĩ đến tương lai của chúng ta, ngày ấy không phải gần lắm, nhưng cũng không xa xôi lắm và nhất định sẽ đến. ấy là khi cuộc đấu tranh của chúng ta để gìn giữ và xây dựng hoà bình đã giành được những thắng lợi to lớn hơn bây giờ, khi anh hoàn thành nhiệm vụ trở về, chúng ta sẽ ở bên nhau. Khi ấy nhất định anh sẽ đưa em về Hà Nội thăm gia đình, anh sẽ nói với bố mẹ rằng:"Thưa bố mẹ, con đã đem về gia đình ta một người con đấy", và rồi bố mẹ sẽ đón em bằng tình cảm nồng thắm, bằng không khí ấm áp thực sự gia đình. Anh sẽ đưa em đến thăm ngôi trường cấp 3
Trưng Vuơng, nơi đã chắp cánh cho những ước mơ của anh, đưa anh bay bổng vào cuộc đời. Anh sẽ dẫn em đi dạo mát ở đường Thanh Niên, ngắm nhìn những chiếc thuyền của những đôi trai gái êm trôi trên mặt Hồ Tây, giữa ánh trăng thanh, đón làn gió mát rượi của mặt hồ bao la. Trong làn gió ấy có hương thơm ngan ngát của hoa sen, lại có lời thủ thỉ tâm tình của những đôi trai gái yêu nhau. Chắc rằng chúng ta sẽ hoà vào làn gió ấy lời ân ái dịu ngọt của chúng ta - của anh, của em - của hai người đang yêu nhau tha thiết. Anh sẽ dẫn em đi dạo chơi ở công viên Thống nhất. Tại đó có nhiều hoa lắm: hoa hồng, hoa cúc, hoa thược dược, hoa huệ, hoa lay dơn, hoa nhài... hoa nào cũng khoe mầu sắc rực rỡ, toả hương thơm ngào ngạt. Hoa cứ nhởn nhơ trước gió như thế, yêu chiều hết thảy mọi người như thế, nhưng chẳng về với riêng ai cả bởi vì hoa là củachung xã hội. Đi giữa vườn hoa ấy, em cũng là một bông hoa xinh đẹp, nhưng có điều khác là bông hoa ấy chỉ biết chiều anh thôi, bông hoa ấy là của riêng anh,
Em hãy tin tưởng vào tình yêu, tin tưởng vào tương lai em nhé. Tương lai đầy hạnh phúc sẽ đến với chúng ta, nếu chúng ta biết yêu nó một cách thực sự, biết chiến đấu, hy sinh vì nó. Anh nghĩ rằng nỗi đau xa cách hiện nay của chúng ta cũng là một sự hy sinh cho tương lai. Chắc rằng rồi đây chúng ta sẽ còn phải xa nhau, sẽ còn phải hy sinh tình cảm riêng tư nhiều hơn nữa. Anh tin rằng cả anh và em đều sẵn sàng hy sinh như vậy, đều có đầy đủ khả năng vượt qua mọi thử thách của nó để giữ vững mối tình này. Em sẽ đợi anh nhé. Chúng ta sẽ đợi nhau nhé. Chúng ta còn rất trẻ, còn có nhiều thời gian để đợi nhau. Trước đây nhà thơ Liên xô Ximônốp có viếtbài thơ "Đợi anh về":
"... Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi cứ đợi..."
Ngày nay chúng ta cũng đợi nhau như vậy. Nhưng chúng ta sẽ không phải đợi nhau trong "mưa dầm dề", "ngày dài lê thê" mà là trong những ngày ấm nắng mặt trời, những ngày sôi nổi của cuộc
đời. Xa nhau, thương nhớ nhau, nhưng chớ sầu bi mà hãy biến nỗi nhớ thương thành nhiệt tình công tác, học tập để rút ngắn thời gian xa cách lại.
Biết nói sao nữa em nhỉ. Chuyện yêu đương dài như nămtháng, chẳng bao giờ nói hết được. Đọc những dòng trên, em hiểuthêm về anh, em có thấy anh gần gũi với em hơn trước không? Đấy, anh cũng sinh ra từ một gia đình lao động, cũng đã từng chịu khổ từ nhỏ, cho nên anh rất quý những người lao khổ khác. Hoàn cảnh gia đình em chẳng những không làm cho em cách biệt anh, làm cho em hổ thẹn như em tưởng, mà ngược lại lại đáng làm cho em tự hào và càng làm cho em hoà hợp với anh. Em đừng nghĩ rằng đồng bào miền Bắc đều là những người giầu sang, đều sống cuộc sống phú quý như bọn tư bản trong này, cách biệt hẳn những người lao động. Hoàn toàn không phải như vậy. Hầu hết những học sinh, sinh viên, cán bộ, kỹ sư... ở ngoài ấy đều xuất thân từ đồng ruộng, nhà máy, đều đã chịu những nỗi cay đắng của cuộc đời, đều chịu chung cảnh nước mất nhà tan. Chỉ từ khi miền Bắc được giải phóng, xây dựng xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đời họ mới được sáng sủa lên, được học hành, lúc này học hành trở thành niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của mỗi một người dân đối với Tổ quốc, học là để tiếp thu tri thức khoa học mà xây dựng đất nước chứ không phải học là để xây dựng chỗ đứng cao cho cá nhân mình, để khinh miệt và đè nén những người khác.
Rồi đây, quê hương chúng ta cũng sẽ tiến lên như miền Bắc. Nhịp độ xây dựng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi có nhiều người lao động có kiến thức khá. Muốn đáp ứng tốt yêu cầu ấy, mỗi người chúng ta đều phải tích cực học tập em ạ. Anh cũng phải học, học nhiều hơn nữa vì anh mới học đưọc ít lắm. Em cũng phải học, học cho siêng năng. Khi chưa có điều kiện vào trường lớp chính quy thì chúng ta tự học: học các lớp bổ túc văn hoá, học qua sách báo, tài liệu khoa học. ở bệnh xá có những quyển sách về y rất hay, vừa dễ hiểu, vừa bổ ích, anh đã đọc và anh lại nghĩ đến em: giá như em có những quyển sách đó thì rất có lợi cho công tác chuyên môn của em. Tiếc rằng anh không xin được về cho em. Tuy nhiên, bây giờ miền Bắc cũng đưa vào khá nhiều sách, nếu chịu khó tìm kiếm thì cũng có những sách cần thiết mà đọc.
Em thương yêu! Đã có lúc nào em nghĩ đến ngày chúng ta sẽ chung sống với nhau chưa? Anh đã nghĩ như vậy đấy em ạ, ngày đó tất nhiên sẽ đến. Anh nghĩ rằng muốn cho khi về ở với nhau chúng ta sống hoà thuận, hạnh phúc, thì trong quá trình yêu nhau, chúng ta phải tìm hiểu nhau thật nhiều, thấy được ưu điểm và cả nhược điểm của nhau, thấy được những điểm phù hợp và cả những điểm chưa phù hợp nhau để cùng tìm cách giải quyết, đưa đến chỗ phù hợp nhau hoàn toàn. Có điều trở ngại là chúng ta ít được ở gầnnhau quá, ít có thời giờ ngồi trò chuyện với nhau. Để vượt qua trở ngại đó, anh nghĩ cách tốt nhất là chúng ta sẽ viết cho nhau thật nhiều: viết về mình để người yêu hiểu, viết về những suy nghĩ của mình, về quan hệ giữa hai người, về tình cảm yêu thương và cả những điều băn khoăn của mình, những điều mình chưa hài lòng ở người yêu.
Trong thư gửi em, anh có nói rằng anh cũng thấy ở em có một số nhược điểm, song không phải là nhược điểm cơ bản, có thể sửa chữa được. Bây giờ anh xin nói về một số nhược điểm ấy nhé. Nhưng trước hết, anh mong em hiểu rằng anh nói ra những điều sau đây không phải là để chê bai em, mà là để em thấy rõ thêm màthôi. Điều đó cũng thể hiện niềm tin yêu của anh đối với em, thực sự muốn chung sống với em (nếu không thì anh nói làm gì phải không em?):
Trong quan hệ với mọi người, em hồn nhiên cởi mở, được nhiều người mến, điều đó rất tốt. Song như thế vẫn chưa đủ em ạ, vì bên cái hồn nhiên, cởi mở, còn phải có sự dịu dàng, ý tứ, hay như các cụ thường nói là phải nết na. Người ta nói rằng em hơi "lanh chanh" anh thì chưa thấy như thế, nhưng cũng phải nhận rằng trong cách đối xử, có lúc em chưa được khéo léo, ý tứ. Có lúc người khác viết thư, em lại đứng xem rất tự nhiên, thậm chí đứng sau lưng, vịn vào vai người ta mà xem (mặc dù người đó là con trai). Không nên như thế em ạ. Cần thể hiện tính tự trọng mình và tôn trọng người khác. Em thử nghĩ xem, nếu em đang viết thư cho anh mà có anh chàng nào đứng xem thì em có khó chịu không? Do vậy phải giữ ý em ạ, thấy người khác đang đọc hay đang viết thì không nên xem, có khi phải tránh đi cho người ta viết tự nhiên là khác, trừ trường hợp người ta cho phép mình xem. Anh đã gặp trường hợp một người
chồng nhận được thư người khác gửi cho vợ, anh ta giữ nguyên như vậy về đưa cho vợ chứ không tự ý bóc ra xem, như vậy là anh ta biết tôn trọng vợ đấy em ạ.
Có những lần đến nhà, em đã làm anh không vui, tuy đó là những chuyện nhỏ nhặt thôi, nhỏ nhưng cũng cần xử xự cho đúng. Tại sao em vào nhà, anh mời em ngồi mà em cứ đứng mãi, đưa nước em uống mà em không chịu cầm, cứ dùng dằng mãi trước mặt mọi người? Làm như vậy anh không vui đã đành, lại còn mọi người nữa chứ, họ sẽ nhìn vào mà chê cười cả hai đấy! Chắc em cũng biết đấy, trong phép lịch sự thông thường, thì khi có khách đến nhà phải mời khách ngồi, uống nước (đó là lịch sự cần thiết, không phải là khách sáo đâu) và khi mình vào nhà người khác, họ mời thì mình phải ngồi, họ đưa nước thì mình phải cầm lấy -nếu mình không muốn uống thì cũng cầm lấy rồi để xuống, nếu mình thấy cần để người khác uống thì cũng cứ cầm lấy và đưa mời người ấy uống - như vậy có phải là vui vẻ cả không? Có khi anh bảo em mà em không nghe, anh nói với em những lời thân ái mà em đáp lại bằng những lời khô khan (có khi anh biết em nói nhỏ như thế nhưng không nghĩ như thế, nhưng đã không nghĩ như thế thì nói làm gì? ). Anh nghĩ rằng khi đã yêu thì cần trải lòng chân thật với người yêu, nghĩ sao nói vậy, yêu nói yêu, giận nói giận, khi yêu thì âu yếm nhau, khi giận thì phê phán nhau, chứ đừng có thái độ nước đôi, thoắt thế này, thoắt thế khác, khó hiểu. Có người con gái khi sắp yêu thì rất ngoan ngoãn nghe lời người con trai, nhưng khi yêu rồi, được người yêu chiều chuộng thì trở nên hợm hĩnh, bướng bỉnh, luôn luôn làm khổ người yêu. Lẽ ra phải biết nghe lời người yêu hơn nữa và cũng phải chiều chuộng lại người yêu mới phải chứ em nhỉ. Em không phải là người con gái như thế, nhưng anh nhắc em trước để em tránh, em có đồng ý không? Thực ra khi yêu thì người ta có thể làm nũng người yêu tý chút, nhưng phải trong điều kiện có riêng hai người thôi và dứt khoát không phải là sự nhũng nhẽo, bướng bỉnh. Anh nói như vậy không phải là anh khô khan đâu, trái lại anh sẵn lòng chiều em rất nhiều nếu sự chiều chuộng đó không làm hại em.
Còn có chuyện này, anh thấy cần nhắc em để em chú ý. ở trong này anh gặp rất nhiều cô gái rất vô ý: khi nói chuyện với con trai lại đứng dựa hẳn vào võng người ta, có khi lại tựa hẳn vào người ta,
khi cần lấy một vật gì nằm khuất sau người con trai thì không đi vòng để lấy mà với qua mặt người ta, thậm chí lại áp cả những bộphận cần giữ kín vào lưng, vào đùi người ta nữa chứ. Đó là hành động không đẹp mắt, anh thấy rất khó chịu. Những người con gái nết na không bao giờ đụng chạm vào người con trai và không bao giờ để người con trai đụng chạm vào cơ thể mình (tất nhiên là trừ quan hệ với người yêu, hoặc vợ chồng, nhưng cũng trong điều kiện là chỉ có hai người thôi). Em đừng nghĩ là anh quá phong kiến nhé, trong nếp sống mới, người ta cần xây dựng những điểm như thế đấy.
Trên đây là một vài điểm cụ thể của cuộc sống mà thôi. Nhìn chung lại, theo anh nghĩ, một con người, nhất là một người con gái, biết cởi mở nhưng lại biết kín đáo, biết hồn nhiên nhưng lại biết ý tứ, tế nhị, biết vui tươi nhưng lại biết tránh ồn ào, phô trương thì sẽ được mọi người quý mến và tôn trọng.
Bây giờ anh nói đến mặt hình thức. Em có biết em là một cô gái đẹp không Ngân? Thực đấy, em đẹp lắm Ngân ạ. Không phải vì anh yêu em mà anh khen em đẹp đâu, nhiều người khen em như vậy đấy. (Cũng nói thêm rằng không phải chỉ vì em đẹp mà anh yêu em đâu, tuy đó cũng là phần quan trọng). Mọi vẻ đẹp sẵn có trên cơ thể em, từ khuôn mặt đến đôi mắt, sống mũi, hàm răng, làn tóc... đốivới anh đều là vẻ đẹp hoàn hảo rồi, không cần tô vẽ gì thêm nữa. Ôi, giá như em cũng cạo lông mày cho nhỏ đi, cũng bịt răng vàng hoặc cũng tô vẽ diêm dúa như một số cô gái khác thì anh buồn lắm đấy.Đáng mừng là em không như thế. Hãy tiếp tục sống giản dị như emđã sống nhé! Những mầu áo em mặc, anh đều rất ưa nhìn. Đặc biệt anh rất thích cái áo xanh mầu nước biển của em vì đó là mầu anh ưa thích, vì cái áo đó anh thấy em mặc khi anh mới quen em. Chiếc áo ấy đã trở thành kỷ niệm của anh rồi, mỗi lần gặp ai mặc áo mầu ấy anh lại nhớ đến em với tình cảm đằm thắm lạ lùng. May quần, em đừng may bằng loại vải bóng láng nhé. Trong này có loại vải sa tanh ni lông bóng nhẫy anh rất ghét nhìn. Người mặc quần vải ấy đi ngoài nắng trông cứ bóng nhẫy lên, làm anh có cảm giác là bao nhiêu mỡ trong cơ thể họ đều chảy ra thấm ướt đẫm quần ấy, dễ sợ quá. Nói chung, trong đồ trang sức không nên dùng thử gì quá sặc sỡ, hào nhoáng. Em thử quan sát xung quanh mà xem, nhìn vào một vật có mầu rực rỡ, chói loà, cảm giác đầu tiên là thấy hấp dẫn,
muốn nhìn ngay, nhưng sau đó là cảm giác nhức nhối, khó chịu, không muốn nhìn nữa, nó có một sức đẩy đối với ánh mắt của con người, trái lại, một vật có mầu sắc dịu dàng, có bề mặt mịn màng, khi mới đến, người ta ít để ý nhưng khi đã thấy thì muốn ngắm nhìn mãi, ngắm nhìn không mỏi mắt - nó có một sức hút đối với ánh mắt của con người. Trong tính tình con người cũng vậy đấy, một cô gái nói to, cười lớn, nô dỡn ồn ào dễ làm cho người ta quen, biết, nhưng lại rất ít làm cho người ta yêu, còn một cô gái nói năng nhỏ nhẹ, kín đáo, không khoe mình ra trước mọi người thì khó được người khác để ý đến trong những lần gặp đầu, nhưng sau đó sẽ làm cho người ta quý mến, để lại những ấn tượng đậm đà trong tình cảm người ta khiến người ta muốn gặp, muốn nói chuyện mãi.
Anh nói thêm một điểm nữa về phong cách sống. Trong công tác cũng như trong đời sống riêng tư, biết độc lập suy nghĩ, hành động là đúng, mặt khác lại phải biết lắng nghe ý kiến của những người xung quanh thì mới dễ tiến bộ. Cần phải biết xem xét cách sống của những người xung quanh, thấy cái xấu của họ mà tránh cho mình, thấy cái tốt của họ mà làm theo. ở chỗ em có Hải được nhiều người khen về tính nết. Riêng anh cũng thấy cô ấy rất khéo léo trong cách đối xử, nói năng thì dịu dàng, lễ độ, quan hệ với mọi người thì đúng mực. Em nên học tập những điểm tốt ở cô ấy.
Em yêu thương của anh! Em đã nói với anh rằng khi đoàn tụ, em sẽ chiều anh gấp bội. Anh tin đó là lời nói chân thực của em, chắc chắn em sẽ làm đúng lời nói ấy. Những điểm anh nói trên đây là những điểm anh muốn được em chiều đấy. Em thấy có khó không? Chắc không khó đâu em nhỉ. Ngược lại, anh cũng sẽ chiều em rất nhiều. Có những điều gì em chưa hài lòng ở anh, có những điều gì em mong muốn, em cứ nói, anh sẵn sàng tiếp thu và sẵn sàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của em.
Anh nói những điều như trên, em có cho là anh quá xét nét, nhỏ nhặt không? em có cho là anh khó tính không? Anh thì thấycần phải như thế em ạ. Đó mới là yêu thực sự. Nếu thấy những nhược điểm của người yêu mà cứ nhắm mắt bỏ qua hoặc bao che cho nó thì chỉ làm hại người yêu mà thôi. Rồi đây trong quá trình sống với nhau, anh cũng sẽ làm như vậy đấy! Anh sẽ rất chiều
chuộng em và cũng sẽ rất nghiêm khắc với em. Đấy, anh đã giãi bày cho em rõ con người anh là như thế đấy, em có thông cảm được không?
Viết tới đoạn trên, anh bỏ bẵng mấy ngày vì anh say mê đọc cuốn tiểu thuyết của E-lê-na I-li I-na nhan đề "Tuổi trẻ Các Mác".Đọc xong cuốn sách đó, anh cầm bút tiếp tục viết cho em đúng ngày 1-7, ngày sinh của anh, ngày anh vừa tròn 27 tuổi. Vào tuổi này, nhiều thanh niên đã có vợ, có con rồi đấy, còn anh thì mới yêu, đang yêu tha thiết. Anh lại nói với em về tình yêu, nhưng không nói về anh nữa, mà nói về tình yêu cao thượng của hai con người mẫu mực trong nhân loại: Các Mác và Gien ni. Khi Các Mác hỏi Gien ni "Gien ni có yêu Các không? "và Gien ni trả lời: "Có, Gien ni rất yêu Các" thì Các 18 tuổi và Gien ni 22 tuổi. Từ đó hai người càng gắn bó mật thiết với nhau hơn, giữ gìn tình yêu như một thứ quý giá nhất trên đời, tuyệt đối trung thành với nhau. Họ đã xa nhau, chờ đợi nhau đằng đẵng 7 năm trời rồi mới được chung sống với nhau. Hai người yêu nhau với tình yêu cao thượng lạ thường: không bao giờ họ nghĩ về mình, vì mình, mà chỉ nghĩ về người yêu; vì người yêu, họ sẵn sàng hy sinh và thực tế đã hy sinh rất nhiều cho nhau. Các Mác đã nâng cái vẻ đẹp sẵn có của Gien ni lên mức tuyệt vời - cả về thân thể lẫn tâm hồn và lý tưởng. Còn Gien ni là người vợ vô cùng thân yêu, cao cả, là người bạn tuyệt đối trung thành, người cộng tác đắc lực của Các. Chính Gien ni đã đem lại hạnh phúc tràn trề suốt cuộc đời Các và đã góp phần chắp cánh cho tư tưởng vĩ đại và phẩm chất sáng ngời của Các lên đỉnh cao tuyệt đối của nhân loại.
Anh và em cùng đọc một đoạn trong tác phẩm tuyệt hay này nhé:
"... Lại không có thư từ gì của Gien ni.
Các khổ sở đoán già đoán non đủ thứ. Có việc gì xẩy ra chăng? Gien ni có khoẻ không? Hay Gien ni không yêu anh nữa rồi?
Cứ nghe tiếng chuông gọi cửa anh lại chạy ra... May ra có thư chăng? Nhưng bác đưa thư dường như quên hẳn anh...
Và bỗng một hôm ra phố gặp một người quen ở Tơ re vơ đến (Tơ re vơ là quê hương của Các Mác và Gien ni, nơi Gien ni sống), Các được biết qua người này rằng ở Tơ re vơ mọi sự đều vẫn như cũ, nhưng "Cô Gien ni, theo cách nói thông thường, đang có một "đám" khá chững chạc đến hỏi".
Các không nói gì, nhưng cảm thấy máu bốc lên nóng bừng cả mặt.
Trở về phòng, anh vơ lấy bút, giấy và hối hả viết cho Gien ni một bức thư đầy đau buồn và tuyệt vọng. Viết xong, anh lại ngẫm nghĩ một lát, xé vụn bức thư ra rồi viết một bức thư khác vắn tắt dè dặt. Anh nghĩ:
"Nếu đã thế thì tốt hơn là nên biết rõ hết mọi sự càng sớm càng tốt. Còn trong trường hợp như thế này thì thuyết phục hay van nài đều vô ích".
Anh cố gắng hết sức dằn lòng được để đợi thư trả lời. Hai tay run bắn lên vì xúc động, anh mở chiếc phong bì đang cất giấu những gì sẽ quyết định số phận của anh.
Đây rồi, những trang đầy những nét chữ thân yêu.
Gien ni viết:
"Các thân yêu, Các duy nhất của Gien ni!
Các rất yêu quý, Các không giận Gien ni nữa chứ! Không lo lắng nữa chứ?..
... Gien ni thật đến chết điếng đi được vì những nỗi ngờ vực của Các đối với tình yêu và lòng chung thuỷ của Gien ni. Các ơi, nói đi: Làm sao Các lại có thể viết cho Gien ni một cách lạnh nhạt như vậy, làm sao Các lại tỏ ý nghi ngờ chỉ vì Gien ni im lặng lâu hơn thường lệ một chút?... Chả nhẽ Các không tôn trọng Gien ni, không tin Gien ni?
... Ôi, Các ạ, cái khổ của Gien ni là ở chỗ mối tình đẹp đẽ, cảm động, nồng nàn của Các, những hình ảnh bay bổng tuyệt vời trong trí tưởng tượng của Các. Tất cả những cái đó có thể làm cho bất cứ người con gái nào cũng phải say sưa thán phục,nhưng riêng Gien ni lại thấy hoảng sợ và nhiều khi tuyệt vọng nữa. Gien ni càng buông mình trong niềm cực lạc ấy thì Gien ni lại càng lo sợ hơn cho số phận của mình khi tình yêu nồng nàn của Các sẽ qua đi và Các sẽ trở nên lạnh nhạt và dè dặt. Và chính nỗi lo âu ấy, Các ạ, chính nỗi lo sợ sẽ mất tình yêu của Các làm cho Gien ni không còn biết vui là gì. Gien ni không hưởng được hạnh phúc được Các yêu, vì Gien ni không dám tin chắc rằng tình yêu ấy vững bền. Mà đối với Gien ni không có gì đáng sợ hơn là mất tình yêu của Các.
Chính vì vậy mà Gien ni không được bồng bột như lẽ ra Gien ni có thể bồng bột, và trong lòng Gien ni không có được một niềm biết ơn tình yêu của Các đúng như nó xứng đáng được biết ơn. Chính vì vậy mà Gien ni hay nhắc cho Các nhớ đến thế giới bên ngoài, đến thực tại, trong khi lẽ ra phải toàn vẹn hiến mình cho tình yêu của chúng ta như Các muốn... Giá Các có thể cảm biết được tâm trạng day dứt của Gien ni, chắc Các sẽ đối xử với Gien ni một cách nương nhẹ hơn... Gien ni cảm thấy Các hoàn đúng về mọi phương diện, nhưng Các hãy tự đặt mình vào tình cảnh của Gien ni, hãy nhớ cho Gien ni rằng Gien ni dễ rơi vào những ý nghĩ u ám, hãy nghĩ cho kỹ một chút về hoàn cảnh chúng ta, rồi Các sẽ không quá khắc nghiệt đối với Gien ni như thế này nữa.
Các yêu quý, Gien ni thật khổ tâm sau khi đọc bức thư vừa rồi của Các. Chỉ cần thoáng nghĩ rằng sự tình có thể đưa đến một trậnđấu kiếm, Gien ni đã thấy hoảng hốt lên rồi. Đêm ngày hình ảnh Các cứ sừng sững trước mắt Gien ni: Các bị thương, máu Các chảy ròng ròng... nhưng xin Các tin cho rằng những ý nghĩ ấy chính lại không làm cho Gien ni đau khổ. Gien ni đã trở thành một người không thể có ai thay thế được bên cạnh Các. Gien ni sẽ cần thiết cho Các mãi mãi, và Các sẽ mãi mãi quý Gien ni. Các phó thác cho Gien ni những tư tưởng cao cả nhất, Gien ni sẽ ghi lại cho Các, và mãi mãi sẽ có ích cho Các.
Tất cả những điều đó Gien ni hình dung rất rõ rệt đến nỗi tưởng chừng như đang nghe thấy tiếng Các, đang lắng nghe tất cả những điều Các nói và cố ghi lại, giữ lại những tư tưởng của Các cho người sau.
Các đã thấy Gien ni tự vẽ ra cho mình những hình ảnh như thế nào chưa? Nhưng trong những giây lát như vậy Gien ni thấy hạnh phúc lắm, vì Gien ni biết rằng Gien ni là người duy nhất của Các.
... Các yêu quý, hãy viết ngay cho Gien ni, hãy nói cho Gien ni biết rằng Các khoẻ mạnh và vẫn quý Gien ni như trước.
Nhưng Các ạ, Gien ni phải hỏi lại Các một lần nữa, hỏi nghiêm trang: Làm sao Các có thể nghi ngờ lòng trung thành của Gien ni đối với Các? Chả nhẽ Gien ni lại có thể cho phép một người khác làm lu mờ hình ảnh sáng lạn của Các hay sao? Không phải Gien ni cho Các là người không ai bì kịp, nhưng bởi vì Gien ni yêu Các một cách không thể có lời lẽ nào diễn đạt được. Thế mà Gien ni lại đi tìm ở một người khác một cái gì xứng đáng được yêu hay sao?
.... Ôi Các ơi, Gien ni chưa bao giờ lừa dối Các một điều gì, ấy thế mà Các vẫn không tin Gien ni! Mà kể cũng lạ: người ta nói với Các về một người hầu như không bao giờ đến Tơ re vơ và chẳng ai có thể quen biết người đó cả, trong khi đó thì ai nấy đều thấy Gien ni giao thiệp với nhiều người khác. Gien ni biết cách tỏ ra vui vẻ và tinh nghịch, biết cười đùa với những người quen sơ, biết nói chuyện sôi nổi, nói tóm lại là biết cư xử với mọi người một cách mà Gien ni không thể có được khi ở bệnh cạnh Các, Các đừng ngạc nhiên nhé, sự thật là như thế đấy, Gien ni có thể nói chuyện thoải mái với bất cứ ai, nhưng chỉ cần Các đưa mắt một cái, là Gien ni đã cuống lên vì sợ hãi không thể thốt ra một lời nào, máu như thể ngừng lại trong các huyết quản, và tâm hồn Gien ni rung động hẳn lên".
Các à lên một tiếng. Điều này thật mới mẻ và bất ngờ đối với anh. Tưởng đâu kỳ vừa qua ở Ni đơ bơ ren, Gien ni cư xử tự nhiên và thoải mải, đó là chưa nói đến những lần gặp trước kia. Nhưng té ra với những người khác cô tự cảm thấy tự chủ hơn, tự tin mình hơn
hay sao? Có lẽ tình yêu nồng nàn, cuồng nhiệt của anh đè nén Gien ni chăng?
Gien ni như thế đấy! Các không thể tưởng tượng rằng Gien ni nhìn anh như một người đã từ lâu vượt xa cô về trình độ phát triển. ấy thế mà trong mỗi bức thư của cô vẫn chan chứa bao nhiêu tình săn sóc ân cần như mẫu tử!
"Nhiều khi - Các đọc tiếp bức thư - hễ bắt đầu nghĩ đến Các, là Gien ni im bặt, và lòng tràn đầy một nỗi sợ hãi khiến cho Gien ni không thể nói ra một tiếng nào. Và bản thân Gien ni cũng không biết tại sao như vậy nhưng quả khi Gien ni nghĩ đến Các là mọi sự đã trở nên phi thường đối với Gien ni. Cả cuộc sống của Gien ni vỏn vẹn chỉ là một ý nghĩ hướng về Các không ngừng.
... Đôi khi Gien ni nghĩ đến lúc Gien ni sẽ được ở với Các, và Các sẽ gọi Gien ni là người vợ nhỏ của Các.
... Các ơi, thật là kỳ diệu khi người ta có một người được mình yêu! Giá Các biết điều đó, Các sẽ không thể dung thứ được ý nghĩ cho rằng Gien ni có thể cảm tình với một người nào khác.
... Các của Gien ni, đừng giận Gien ni nữa nhé. Mà cũng đừng quá lo cho sức khoẻ của Gien ni như vậy. Bây giờ Gien ni đã thấy trong người khoẻ hơn trước. Gien ni uống thuốc, đi dạo, và làm việc rất chăm suốt ngày. Nhưng đáng tiếc là Gien ni không đọc được, bởi vì Gien ni không đủ sức dứt ra khỏi những ý nghĩ của mình.
Giá Gien ni tìm được một cuốn sách nào có thể lôi cuốn và khuây khoả Gien ni thì hay quá!
Nhiều khi Gien ni ngồi hàng giờ trước một trang sách duy nhất mà chẳng hiểu hút gì.
Các yêu quý của Gien ni ạ, sau này liệu Gien ni có học bù được không? Các sẽ giúp Gien ni tiếp tục học thêm nhé? Gien ni cũng sáng dạ Các ạ.
Các biết có sách gì Gien ni có thể đọc được không? Có điều nó phải là thứ sách thật đặc biệt cơ. Sách khoa học, nhưng đừng khó quá. Dù trong sách không phải cái gì cũng dễ hiểu, cũng được, nhưng phải sao cho Gien ni có thể có được một khái niệm chung chung về đối tượng.
Còn truyện cổ tích với thơ thì Các đừng gửi nữa.
Gien ni đọc những thứ đó đã no nê rồi.
Gien ni nghĩ rằng mình nên có cái gì cho đầu óc nó làm việc thì mới có ích. Trong khi thêu thùa trí óc chẳng biết làm gì cả.
Thôi, Các khoẻ nhé..."
Các đọc đi đọc lại mãi bức thư từ đầu chí cuối.
"Không, tuyệt nhiên mình không nhất thiết phải cụt mất tay phải" - Các mỉm cười nghĩ thầm trong khi thận trọng xếp thư cho vào phong bì cất. Anh hiểu rằng Gien ni sẽ là người bạn trung thành của anh suốt đời.
Làm sao anh lại có thể nảy ra cái ý nghĩ là Gien ni không yêu anh nữa nhỉ?
Hình như chưa bao giờ Các yêu Gien ni như lúc này, sau khi anh đọc bức thư giống như một bản tự thú ấy.
Và giờ đây Các còn hiểu rõ thêm một điều này nữa: ngay đến cả một tình yêu nồng nàn nhất, tưởng chừng như vững chãi nhất, cũng vẫn có thể dễ dàng mất đi, nếu không biết cách giữ gìn nó, nếu ngày này sang ngày khác không luôn luôn nuôi dưỡng nó.
Và anh liền viết cho Gien ni một bức thư trả lời để cho cô hoàn toàn yên tâm...."
Em thân yêu! suy nghĩ trên những trang sách đó, anh càng hiểu em hơn, hiểu lý do vì sao em viết cho anh lá thư ngày 22/4 vừa
qua. Anh hiểu rằng em đã nghĩ đến anh rất nhiều, đã vì anh mà nén tình cảm của mình lại rất nhiều. Và em cũng hãy hiểu cho anh rằng sở dĩ có lúc anh hờn giận em, và anh nói với em quá nhiều về lòng chung thuỷ để đến nỗi em có thể nghĩ rằng anh nghi ngờ lòng trung thành của em đối với anh, thì cũng chỉ vì anh yêu em vô bờ bến mà thôi, anh sợ hãi tình yêu ấy ngày nào đó sẽ bị tan vỡ đi! Khi người ta yêu quá cuồng nhiệt thì người ta dễ mất tỉnh táo. Nhưng khi bình tâm suy nghĩ lại, người ta mới thấy hết cái cao đẹp của người yêu, và người ta hoàn toàn yên tâm.
Em, nàng tiên kiều diễm của anh, con thiên nga xinh đẹp của anh, mặt trời nhỏ thân yêu của anh! Và hơn thế nữa, sau này em sẽ là người vợ hiền hậu và trung thành của anh.
Viết trong những ngày hè nóng bỏng.
Tháng 7/1973
THƯ CỦA NGÂN
Ngày 24/6/1973
Anh Long yêu!
Chắc giờ này anh của em đang nóng lòng mong thư em lắm nhỉ. Hôm nay chân đã khoẻ chưa. Chắc đau nhiều, nằm viện lâu anh khổ tâm lắm phải không anh. Em ở nhà cũng khá sốt ruột ghê, không biết sao mà lâu thế không thấy về. Biên cho anh thật nhiều thư rồi em huỷ đi, không biết anh về ở đoàn rồi hay nằm viện mà gửi thư. Sợ gửi không đến tay lại đến tay người khác, buồn lắm.Đúng gần 2 tháng xa anh rồi anh nhỉ, em cứ hình dung như đã 2 năm rồi. Long, em cảm thấy bồi hồi thương nhớ, cứ mong ngày anh khoẻ anh về. Từ ngày 5/6/1973 đến nay là 24 ngày dài trông anh.Đúng thật khó hiểu anh phóng viên quá, chắc bận hay đau nhiều mà không thấy biên thư cho em.
Anh Long yêu! Có nhớ em không, có buồn không, em nhớ anh nhiều, thương anh, mong anh khoẻ, anh về. Bao nhiêu hy vọng vào
ngày anh về. Anh Việt Long yêu, tuy thời gian quen anh, yêu anh gần 180 ngày rồi song những ngày gần em quá ít song em cảm thấy một niềm hy vọng khá lớn chiếm vào trái tim em và nhìn vào cuộc sống chắc sau này thì hạnh phúc và đẹp đôi lắm. Anh thương, thật ra mà nói yêu anh, thương anh nhiều lắm, ước gì những ngày đau ốm này sẽ có em bên cạnh để chiều chuộng anh một tý đỡ bận tâm anh . Hôm nay chân đã khỏi chưa anh, ăn uống được không, có nhớ nhà không? Chân có dấu hiệu xấu không anh. Sau này có xấu về em đổi hộ chân em cho nhé....
Chủ nhật ngày 1/7/1973
Đúng ngày này vào năm 1946 tôi đã cất tiếng khóc chào đời lần đầu tiên. Nhanh thế đấy, 27 mùa xuân của cuộc đời đã trôi qua rồi.
Hôm nay xứng đáng là một ngày của mùa hè. Những đám mây trắng xốp cuồn cuộn trên vòm trời cao rộng không ngăn cản ánhnắng, trái lại càng làm cho nó rực rỡ, chói chang hơn. Đầy rừng vang tiếng ve ngân. Phía dưới kia, nơi con đường xe chạy qua, tiếng động cơ luôn luôn rù rì, có khi gầm gừ như tức giận. Riêng trên mặt trận giao thông vận tải này thôi cũng thấy cách mạng tiến một bước khá dài. Các con đường lớn - chứ không phải đường mòn nữa -xẻ dọcTrường Sơn vươn tới và đua nhau xẻ ngang xuống phía Đông, phơimình đỏ chói hoặc trắng lốp dưới ánh mặt trời, rất kiêu hùng. Ô tô đầy rừng đầy núi. Có cả những chú xe xích nặng nề kéo theo những cỗ pháo 130mm đồ sộ nữa. Hàng hoá từ hậu phương lớn ùn ùn kéo vào. Bệnh xá C12 này được xe đổ xuống tới chục tấn hàng, vừa lương thực, thực phẩm, vừa thuốc.
Thỉnh thoảng có những chiếc máy bay trinh sát phản lực Mỹ bay xoèn xoẹt dọc đường xe hoặc những chiếc trinh sát OV10A quần lượn nhòm ngó đường xe. Có lẽ chúng ta chẳng cần giấu giếm gì những con đường ấy, và sự phơi bầy này càng làm kẻ thù hằn học và run sợ. Những con đường cứ vươn dài dần xuống phía Nam và toả xuống đồng bằng.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 3 tháng 7 năm 1973
Thương em hơi thở cũng thương Một làn tóc cũng vấn vương tơ lòng
Em thân yêu!
Em duy nhất của anh!
Không ngờ hôm nay anh lại nhận được thư em, lá thư chứa đựng biết bao tình yêu thương nồng thắm. Anh tưởng như không phải là đọc thư em, mà đang ngồi nói chuyện với em, em ngả vào lòng anh, phả hơi thơm và ấm áp vào anh, còn anh thì nhẹ vuốt làn tóc mượt mà của em, hít lấy hơi thở nồng nàn của em. Em ở xa, nhưng em vẫn gần gũi với anh quá!
Em của riêng anh ơi! Em có biết không, lá thư của em gửi anh đề địa chỉ chẳng rõ ràng gì hết, vậy mà vẫn đến tay anh. Có lẽ tình người gửi tha thiết quá nên lá thư đã chiều lòng người, cố tìm đến tận tay người nhận. Và cũng vì người đi xa thương nhớ người ở nhà vôhạn nữa đấy. Đêm hôm qua là đêm anh nghĩ đến em nhiều nhất, và đến trưa hôm nay thì anh được đọc thư em - hình như lá thư em gửi đã nghe tiếng gọi của anh nên đã bay gấp tới tay anh ấy em nhỉ?
Anh rất mong được gặp em trong giấc ngủ. Nhưng thật buồn, chẳng khi nào anh gặp cả. Có mỗi một lần anh mơ thấy em, nhưngsắp đến gần em thì em lại vụt đi mất. Ôi, giấc mơ sao lại giống thực tế đến thế, nó khắt khe với chúng ta quá. Thế là anh không dám mơ gặp em trong những giấc mơ nữa. Anh tìm gặp em trong ý nghĩ của anh vậy. Bắt đầu nằm là anh nghĩ về em, dòng suy nghĩ dài vô tận xuyên hết màn đêm, và anh cũng chẳng muốn bắt nó dừng -anh thầm nói chuyện với em, thầm gọi tên em. Còn ban ngày thì anh đọc đi đọc lại những lá thư của em, kể cả lá thư đã làm anh mấtngủ hẳn một đêm vì lo buồn ấy! Đối với anh, không một tác phẩm văn học nào hấp dẫn bằng những lá thư của em, tuy rằng anh rất mê đọc sách. Anh nói thế không phải vì anh cho rằng em viết hay quá, không ai viết được như thế, mà vì những dòng chữ ấy là tình em dành riêng cho anh, chỉ có anh mới được hưởng thôi. Sau khi đọc thư, anh đem ảnh em ra ngắm mãi. Bực quá đi, không một tấm ảnh nào đẹp bằng em bên ngoài cả, tuy rằng so với ảnh của biết bao cô
gái anh quen nó vẫn trội hơn hết. Anh ngắm mãi và anh lại hôn lên ảnh em nữa. Em thì cứ cười hoài, dường như chỉ biết cười thôi, chẳng hôn lại anh gì hết. Này, nếu cứ như vậy mãi thì anh giận đấy, cô gái xinh đẹp của anh ạ. Nhưng anh nói đùa thôi, anh chẳng giận gì em đâu, bởi vì anh hiểu rằng em yêu anh biết bao, tình yêu của em cao quý biết bao.
Thật là tuyệt diệu khi được cùng một người con gái vun đắp một mối tình. Anh thấy lòng mình tràn trề hạnh phúc, dường như không ai được hạnh phúc như anh. Em có nghĩ như vậy không? Giá như chúng ta cùng đọc được suy nghĩ của nhau như cùng nghĩ bằng một bộ óc, giá như những dòng suy nghĩ ấy là những sợi dây để chúng ta bện chặt nó vào nhau thì thú vị biết bao nhỉ. Nhưng thôi, chẳng cần đọc được suy nghĩ của nhau, chúng ta vẫn hiểu nhau rồi cơ mà, chẳng cần biến những ý nghĩ ấy thành sợi dây, chúng ta vẫn làm cho chúng quyện chặt vào nhau rồi cơ mà!
Đọc thư em, anh hiểu rằng em đã hoàn toàn yên tâm về những điều mà trước đây làm em lo lắng nhiều. Biết vậy, anh rất vui. Anh thương em vô bờ bến em ạ, và chính vì vậy mà khi thấy em vui, thấy em hạnh phúc là anh thấy mình sung sướng vô hạn. Anh yêu em với tình yêu không sao diễn đạt hết đưọc, anh tưởng rằng chỉ có cách hoà tan cơ thể anh vào cơ thể em mới có thể biểu hiện được một cách rõ ràng tình yêu nồng thắm ấy. Em thân yêu ơi! Tại sao em lại nghĩ rằng anh không nhớ đến em, anh thờ ơ với em? Có lẽ nào như thế được! Có lẽ nào anh lại lãng quên em! ý nghĩ của anh luôn luôn quấn quýt bên em, dõi theo từng nhịp thở của em. Có lúc anh nằm nghĩ: không biết giờ này em của anh đang làm gì nhỉ, có phải cũng đang suy nghĩ về anh không? Hình ảnh em như ánh trăng ấy, càng về khuya càng sáng tỏ trong tâm hồn anh. Anh không gửi thư cho em bởi vì cái đường dây của chúng ta lôi thôi quá, chạy linh tinh, sợ lạc mất thư. Mà thư viết cho em thì chỉ để cho em đọc thôi, chứ có phải bài báo đâu mà có thể công bố cho mọi người đọc? Không gửi nhưng vẫn viết, rồi em sẽ được đọc no nê. Em hãy tin rằng dù có cách em bao xa, xa em bao lâu, anh vẫn luôn luôn thương nhớ em và tình anh vẫn luôn luôn ấp ủ em, sưởi ấm trái tim em.
À này, cô bạn nhỏ, yên tâm về sức khoẻ của mình nhé! Gầy vẫn gầy song khoẻ lắm, máy móc chạy khoẻ, đều đặn và chính xác, đạt tiêu chuẩn quốc tế đấy! Chưa chắc cô bạn đã khoẻ bằng mình đâu, đừng chủ quan đấy !
Riêng cái chân thì xấu, rất xấu, này nhé: trên đùi 4 vết sẹo do bị lấy da, còn dưới ống chân thì một sẹo lớn. Tuy nhiên, đó là những bông hoa trời ban cho, anh chẳng đổi cho em đâu. Anh nói như vậy không phải là anh giàu tính hy sinh, luôn nhận phần xấu về mình đâu, mà là anh rất ích kỷ đấy! Em biết chứ, em là của anh, những gì đẹp trên cơ thể em đều thuộc quyền sở hữu của anh, do vậy nó càng đẹp thì anh càng được hưởng thụ nhiều và vì vậy nên anh dại gì mà đổi cho em những thứ xấu cơ chứ?
Ngược lại, nếu anh có gì đẹp là anh đổi cho em liền để em càng đẹp thêm. Tiếc quá, anh chẳng có gì đẹp cả, mà em lại đẹp lắm rồi. Tuy thế, em đừng chê anh, đừng chê anh nhé!
Con bồ câu nhỏ của anh ơi, đôi hàng mi em đã dài và cong lại như trước chưa? Anh rất oán trách ai đã xui em cắt nó đi. Mongrằng nó sẽ chiều lòng anh mà mọc lại như cũ. Đôi hàng mi cong cong, lúc nào cũng như một dấu hỏi về tình yêu ấy.
THƯ CỦA GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1973
Long thân mến!
Mẹ mới đến Thông tấn xã được biết tin có đoàn vào mẹ vội viết mấy chữ về tình hình gia đình cho con biết. Hồi tháng 4, mẹ mới nhận được thư của con, cả gia đình cũng mừng cho con là con vẫn khoẻ và lại nhận công tác mới hiện nay.
Hôm qua ngày 9/7 mẹ đến Thông tấn xã để gặp anh ổn và muốn gặp anh Tùng nhưng anh đi vắng, anh ổn cho mẹ gặp anh gì, tên mẹ không nhớ chỉ biết anh ổn bảo anh Phó Tổng biên tập, mẹ
nói chuyện cũng gần một tiếng và cũng đề nghị là muốn con ra thăm gia đình ít lâu vì hoà bình đã nửa năm rồi, và mẹ cũng được tin là con mới sốt và phải nằm quân y 20 hôm, mẹ cũng thấy lo cho sức khoẻ của con vì nếu sốt lại thì cũng gay go, nhất là đề phòng bệnh gan.
Em Việt có gửi cho con lá thư mẹ gửi vào đấy, mẹ mới gửi cho em 30đ để nó bồi dưỡng, độ đến tháng 10, 11 em sẽ được về phép thăm gia đình.
Còn vợ chồng Phúc thỉnh thoảng vẫn ra nhà. Hôm nay mẹ viết thư vội, nó không biết mà viết, vì mẹ bảo nó là chuẩn bị khi nào gửi thì mẹ bảo.
Còn tình hình công tác của con thì thế nào? Mẹ thấy hoà bình rồi những gia đình có chồng con đi xa phần nhiều là về thăm gia đình cả rồi.
Còn con xem có hoàn cảnh thuận tiện thì con cũng nên tranh thủ mà về thăm gia đình ít bữa, chứ bố thì cũng già yếu rồi, mẹ thì tuy chưa già nhưng sức khoẻ cũng sút đi nhiều, công tác cách mạng còn lâu dài con ạ, mẹ thấy liên miên lắm, không bao giờ nói là hoàn thành hoặc là xong cả, chỉ có cái là người ta biết tính toán thời gian làm sao cho vừa công tác mà vừa có lúc xả hơi hoặc là tình cảm gia đình, chứ mẹ thấy nhiều khi ai vùi đầu vào công tác cứ vùi, còn ai không vẫn không vì mẹ thấy kinh nghiệm bố con còn thanh niên, công tác cũng say sưa hơn con ấy chứ. Mẹ nói thế để con tự suy nghĩ và sắp xếp thời gian, kẻo một ngày kia tình thế thay đổi rồi con lại ân hận mãi là không được về thăm gia đình. Còn số tiền 50 đồng mẹ gửi anh San vào từ năm 72 con đã nhận được chưa? Con trả lời cho mẹ biết mấy. Nếu con gửi thư về con cứ gửi về Kim Liên hoặc chỗ bố cũng được.
Bố có cố gắng cũng chỉ hết năm nay thôi, sang 74 có khi về hưu thôi.
Gia đình chúc con khoẻ mạnh, công tác tốt.
Mẹ Hạnh
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 15/7/1973
Bố mẹ kính yêu của con!
Người chuyển giúp con lá thư này là anh Tấn Thành, người quen của con. Anh ấy ra công tác một thời gian rồi lại vào, do vậy bố có thể gửi anh ấy đem thư gia đình vào cho con. Anh Thành sẽ nói chuyện thêm với gia đình, và anh ấy sẽ là cái hòm thư đáng tin cậy của con đấy.
Con cứ hình dung rằng trong những ngày tháng này, gia đình ta đang được sum họp, đông vui và con thấy lòng con tràn đầy hạnh phúc, tuy rằng trong không khí ấm áp ấy thiếu mặt con. Giá như con, em Việt cũng có mặt trong những ngày này, cùng gia đình vui liên hoan thì gì bằng nữa. Con vẫn hằng ao ước như vậy. Song, con chưa thể thực hiện được niềm ước ao đó.
Bố mẹ kính yêu! Hiện nay, cùng với đồng bào miền Nam, chúng con đang ra sức xây dựng lực lượng, củng cố hoà bình. Trước sức lớn lên vùn vụt của căn cứ, con thấy sung sướng vô cùng. Nhớ lại những ngày chui rúc trong gai góc kiếm từng bụi sắn, bị giặc càn lên tận căn cứ phải chạy lên tận vùng cao, nhớ lại những người bạn thân của con bị chết gục trước làn đạn của tụi biệt kích trên những con đường mòn vắng vẻ giữa rừng sâu, nhớ lại tất cả cảnh cơ hàn ấy, con càng thấy vô cùng yêu quý cuộc sống hiện nay. So với những ngày ấy, những ngày này đã trở thành thần tiên rồi bố mẹ ạ. Bây giờ, chúng con xuống ở vùng thấp hơn, được tự do tiếp xúc với ánh nắng chan hoà, được tự do dựng nhà cao cửa rộng. Con đường ô tô xẻ dọc Trường Sơn đã chạy suốt từ hậu phương lớn, dọc sau lưng chúng con, vào sâu hơn nữa và vươn dài những cánh tay xuống đồng bằng. Các cơ quan quanh Khu đều có đường xe đến tận nơi, có xe ô tô để vận chuyển. Nhờ đó mà việc lao động bằng chân tay được giảm nhẹ đi, lương thực, thực phẩm có dồi dào hơn, đời sống được cải thiện rất nhiều. Các cơ quan đều có hội trường lớn để họp hành, chiếu phim, biểu diễn văn công, có sân bóng chuyền, bàn bóng bàn để rèn luyện và giải trí... Cuộc sống vui sôi động và đang đi vào nền
nếp chính quy. Các khu tập thể cơ quan được xây dựng khá đàng hoàng, nhà nào cũng cao ráo, sạch đẹp, không những có bàn ghế hẳn hoi mà còn có hoa phong lan làm cảnh nữa. Cuộc sống thay đổi như vậy là nhờ sự nỗ lực rất lớn của mọi người ở đây, và nhờ sự chi viện rất mạnh mẽ của hậu phương lớn. Rồi đây, những người ở căn cứ sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang thật lớn mạnh, xây dựng cả những nông trường và đẩy mạnh các mặt kinh tế khác để giải quyết thật tốt, thật cơ bản đời sống ở vùng căn cứ và vùng giải phóng đồng bằng. Những công việc đó đòi hỏi mỗi người chiến sĩ trong đó có con - phải nỗ lực rất nhiều. Không trực tiếp đóng góp vào những công việc đó, nhưng với khả năng chuyên môn của con, con có thể đóng góp một phần động lực nhỏ bé, thúc đẩy nó phát triển lên. Nhất là lại được đi trong đoàn đại biểu quân sự của ta làm nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh với địch nhằm bảo vệ và củng cố hoà bình, con càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Con tin rằng sự có mặt của con trên trận tuyến đó là rất cần thiết, rất có ích. Con không thể cho phép mình vắng mặt trong đội ngũ vào những ngày này. Bởi vậy, tuy thương nhớ gia đình da diết, con vẫn chưa thể xin phép về thăm gia đình được. Rồi đây, khi tình hình cho phép, con sẽ về thăm gia đình, nhất định như thế rồi, nhất định là khi nào con xin phép, khi ấy cơ quan con sẽ đồng ý cho con đi và bố mẹ sẽ được đón con trở về, người vẫn khoẻ mạnh và hoạt bát như xưa. Con biết rằng bố mẹ rất mong con về, nhưng chỉ mong con về với tư thế của người chiến thắng, có đúng không bố? Chắc rằng khi gặp con, bố mẹ sẽ thấy con tuy có già dặn hơn (năm năm trôi qua rồi còn gì), đã cứng cáp lên về nhiều mặt nhưng đặc biệt vẫn cứ hồn nhiên, tươi trẻ y như hồi còn học sinh - con vẫn giữ được tính lạc quan, yêu đời mà bố đã truyền và nuôi dưỡng cho con.
Con cũng có thể nói cho mẹ hoàn toàn yên tâm là tuy thể trạng bẩm sinh của con là gầy còm, song con rất chắc chắn, con là một luỹ thép rất khó đột nhập đối với các loại vi trùng. Qua 1, 2 năm đầu lao đao trước những đợt tấn công ào ạt của ký sinh trùng sốt rét, con đã rút được nhiều kinh nghiệm chiến đấu và bây giờ đã đánh bại nó rồi. Thế là con không còn bị một bệnh tật nào hết, kể cả bệnh sốt rét là bệnh phổ biến ở căn cứ. Vì mẹ ở ngành Dược -Y, con có thể khoe với mẹ mấy con số để mẹ yên lòng: Hồng cầu 4 triệu 20 vạn, bạch cầu 7..500, huyết sắc tố 105%, phản ứng Hero của gan: 1,7,
Mạch 83, nhiệt 37oC. Như vậy, mẹ có thể cấp cho con huân chương chữ thập đỏ rồi chứ?
Chắc gia đình ta đã về ở khu tập thể Kim Liên rồi phải không bố? ở mãi đó, mẹ đi làm tận Mễ Trì, xa quá, mẹ lại không đi được xe đạp thì làm thế nào? Chắc mẹ yếu hơn trước phải không mẹ? Mẹ đã bỏ hút thuốc lá chưa? Sao mẹ không nói gì về việc này cho con biết. Con tha thiết yêu cầu mẹ bỏ thuốc lá và tích cực bồi dưỡng bằng chất ngọt, chất đạm. Bố hàng ngày về khu Kim Liên hay chỉ chủ nhật mới về? Con nghĩ bố nên ăn ngủ tại cơ quan, chủ nhật hãy về nhà để giữ sức khoẻ, vì bố cũng luống tuổi rồi.
Anh Đức đã cưới vợ chưa? Trong mọi chuyện anh đã ít lời, trong chuyện này anh càng ít lời. Em chẳng có thể góp ý với anh gì về cái việc mà anh nói là "ít được mọi người tán thành" ấy - em chỉ biết chúc anh hạnh phúc.
Phúc và Thành có ở riêng không, hay vẫn ở chung với gia đình? Hai em sắp có cháu bế chưa? Thế là cô cậu đã đoạt giải nhất trongcuộc đua không tuyên bố đến cái đích lớn của cuộc đời rồi đấy. Đã đến đích ấy rồi thì cần củng cố lực lượng mà tiến lên các đích quan trọng khác chứ đừng dừng tại chỗ nhé.
Em Việt con hiện đóng quân ở đâu, có viết thư về gia đìnhkhông? Đọc thư nó, con rất mừng vì nó đã tiến bộ rất dài về tư tưởng, sức khoẻ.
Các cô Ngọc, Diệp, Lan, Thuỷ chắc lớn lắm rồi nhỉ, học hành chắc vẫn giỏi chứ? Cô Ngọc 19 tuổi đã có thể coi là lớn rồi đấy, song chớ vội nghĩ đến chuyện gia đình riêng nhé, để tốt nghiệp đại học, ra công tác hẵng hay.
Còn Diệp, Lan, Thuỷ thì anh chẳng phải dặn gì nữa vì anh biết các em rất chăm ngoan, chăm ngoan hơn anh hồi bé (thực ra hồi bé anh hư lắm, lười và hay làm phiền bố mẹ). Các em tiếp tục học cho giỏi nhé.
Bố mẹ có nhận được thư của trên nhà không? Nhiều khi nằm nghĩ, con thấy thương các bà và ông vô hạn, thương đến quặn thắtlòng lại. Ông, bà vất vả quá, đến cuối cuộc đời vẫn còn vất vả. Nhất là ông bà trẻ, khi còn khoẻ thì làm đầu tắt mặt tối nuôi các cháu, khi già rồi lại sống cô độc trên rừng núi hiu quạnh, lấy ai chăm sóc khi đau yếu? Không hiểu ông, bà trẻ bây giờ sinh sống bằng công việc gì, có túng thiếu lắm không? Thương vậy, nhưng con cũng chỉ biết để trong lòng hoặc nói ra miệng mà thôi chứ không thể biến thành việc làm được. Bởi vì con biết rằng, con còn phải ở miền Nam lâu dài - thời gian cống hiến còn lâu dài, chưa đến thời gian vừa cống hiến vừa hưởng thụ để lấy cái phần được hưởng thụ của mình san sẻ cho người ruột thịt.
Cô Chung, chú Phương và các em có khoẻ không? Cô Chung đã công tác ổn định hẳn ở một cơ quan chưa? Nếu công tác không ổn định, nay cơ quan này, mai cơ quan khác thì khó tiến bộ lắm. Cháu không biết rõ địa chỉ của cô ở đâu nên không biên thư riêng cho cô được. Cô biên thư cho cháu với nhé.
Bố mẹ yêu quý của con! Trong khung cảnh hoà bình của đất nước, bố mẹ hãy tin rằng không còn có gì đe doạ tính mạng đứa con của bố mẹ nữa nhé. Trong chiến tranh, nó đã vượt qua được nhiều bước hiểm nghèo rồi, và nay nó vẫn cảnh giác, biết xông pha nhưng cũng biết tự bảo vệ tính mạng của nó. Nó hiểu rằng đó là trách nhiệm đối với chính nó và đối với cả những người mà nó yêu quý vô bờ bến nữa. Nó không có quyền cẩu thả để đến nỗi làm tắt hy vọng của những người ruột thịt của nó ở nơi xa đang ngóng về nó từng giờ, từng phút.
Về mọi mặt đời sống, con trình bày như thế, bố mẹ yên tâm rồi chứ? à, nếu như sau này con gặp một cô gái nhỏ dễ thương, con kết nạp vào gia đình ta thì bố mẹ có cho phép không?
Con sống khá đầy đủ, mẹ đừng gửi gì cho con ngoài thư và ảnh.
Cho con gửi lời thăm các cô chú ở cơ quan. Con vẫn chờ đợi để triển khai công tác theo đoàn đại biểu quân sự của ta trong Ban
Liên hiệp quân sự hai bên khu vực hai - Đà Nẵng. Bố mẹ nhờ anhThành chuyển thư cho con. Địa chỉ như cũ.
Kính chúc bố mẹ mạnh khoẻ.
Đứa con lúc nào cũng yêu quý gia đình.
Việt Long
THƯ ĐỒNG CHÍ
Hữu Quả - Bình Định, ngày 18/7/1973
Thân gửi các anh Vũ Đảo, Dương Đức Quảng, Hồng Phấn -Thông tấn xã Giải phóng.
Tổ phóng viên Bình Định hành quân đã tới đích an toàn, viết thư này về báo cáo với anh mấy nét:
Anh em ở nhà ra đi ngày 20/6 và tới Bình Định (Ban Tuyên huấn) ngày 13/7. Như thế là quá chậm có phải không anh? Lý do chậm là anh em bị sốt dọc đường. Cả 4 anh em đều sốt. Thoa sốt một lần đi được, Minh sốt 2 lần, có một lần phải nằm lại mất 5 ngày, Quả sốt kéo dài, lách sưng to nhưng vẫn ăn được và đi được; còn Mạch thì sốt 3 lần rồi, có một lần phải dừng lại 3 ngày. Hiện nay sức khoẻ anh em: Quả, lách vẫn còn sưng, Minh và Thoa đã bình thường, riêng Mạch khá gay. Theo y sĩ cơ quan sơ chẩn thì Mạch có thể bị sưng gan, có lẽ vài hôm nữa phải cho Mạch đi bệnh xá nằm điều trị đã, bao giờ khoẻ về mới phân công công tác, như thế cơ bản hơn.
Hôm đi xuống đường lo quá anh ạ, cứ sợ có đồng chí nào sốt ác tính thì nguy. Nay đến nơi có cơ quan, có địa phương rồi nên bớt lo hơn.
Anh em về Bình Định đúng vào thời kỳ cơ quan đang di chuyển, nhà cửa chưa làm được, chỗ ăn, chỗ ở chưa ổn định, 4 anh em tự làm một cái nhà tăng để ở. Tình hình sức khoẻ anh em như
vậy, cộng với tình hình khách quan là địa phương đang di chuyển cơ quan nên chưa thể bắt tay ngay vào công việc được. Thông cảm hoàn cảnh của địa phương, tất cả anh em đều phấn khởi khắc phục khó khăn, không hề kêu ca phàn nàn gì và bước đầu tranh thủ được thiện cảm của anh em trong cơ quan.
Các đồng chí trong cơ quan Ban Tuyên huấn tỏ rõ sự quan tâm đối với anh em. Ngay khi nghe tin đoàn mới về, mặc dầu cả cơ quan mới chỉ dựng xong một cái nhà ăn, nhưng các đồng chí trong ban lãnh đạo cho người ra đón anh em vào. Tất cả các đồng chí có trách nhiệm tỏ vẻ ái ngại, lo sức khoẻ anh em, lo chưa có nhà cho anh em ở để anh em phải tự làm, lo chưa ổn định nên ăn uống khamkhổ.v.v.. Kể ra Bình Định mà ăn uống như thế cũng kham khổ thật, chưa bằng mức ăn ở nhà (Ban Tuyên Huấn Khu). Nhưng vấn đề quan trọng là ở chỗ: "Một lời nói chân tình còn hơn nghìn mâm cao cỗ đầy". Tất cả anh em trong tổ đều thấy rõ điều đó và nhắc nhau lấy chuyện đó làm nguồn động viên nhau, khích lệ mạnh trong công tác. Riêng Quả thì có lẽ đây là lần đầu tiên được tiếp xúc với cơ quan địa phương K5 chân tình như vậy cho nên không thể không xúc động.
Sau vài ngày tắm giặt nghỉ ngơi, ban lãnh đạo cơ quan đã làm việc với anh em trong tổ: Truyền đạt nghị quyết Thường vụ Tỉnh uỷ, báo cáo một số nét về truyền thống và phong trào, địa phương. Xong, Quả và đồng chí phụ trách Ban sang gặp Thường vụ để báo cáo nội dung công tác và xin ý kiến giúp đỡ .
Qua mấy ngày tiếp xúc và làm việc với cơ quan địa phương, Quả thấy rõ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo đối với công tác thông tấn báo chí, bước đầu tạo thuận lợi cho anh em hoàn thành nhiệm vụ. Quả đã kịp thời lấy ngay chuyện này họp anh em lại nhắc nhở nhau cố gắng hết sức mình làm tốt công tác, góp phần tuyên truyền cho phong trào địa phương, đáp lại sự chân tình mong mỏi của cấp uỷ, của ngành ở đây. Xin nói thêm là trong khi làm việc với các đồng chí trong ban lãnh đạo Ban, các đồng chí có nêu lên 3 yêu cầu là: sau khi đoàn công tác của ta ra về xin để lại cho địa phương 3 cái: một là tập phim có giá trị tuyên truyền cho địa phương, hai là một tập các mẩu chuyện và người tốt việc tốt, ba là
giúp tỉnh đào tạo được một lớp thông tin viên và cộng tác viên biết làm công tác thông tấn báo chí.
Nói chung 3 yêu cầu của các đồng chí nêu lên trên đây cũng là phù hợp với công tác của mình nên bọn tôi hứa sẽ đáp ứng anh ạ. Tôi nghĩ làm được cái gì có lợi cho ngành, có lợi cho cách mạng thì cứ làm thôi, không nề hà từ chối.
Tuy vậy cũng lo, lo tài liệu thành văn không có, không biết chuẩn bị "giáo án" như thế nào đây để "lên lớp". Lâu quá lý luận cũng quên dần hết rồi.
Căn cứ nhiệm vụ, căn cứ tình hình sức khoẻ của anh em trong tổ cùng với sự gợi ý của địa phương, tôi tạm phân công công tác hai tháng 7 và 8 như sau:
Thoa + Mạch (nếu Mạch khoẻ) hoạt động các ngành xungquanh tỉnh, viết tổng hợp các vấn đề: Đấu tranh thi hành hiệp định (tố cáo địch nống lấn vùng giáp ranh và vùng giải phóng, tố cáo địch lập ấp gom dân, bắt bớ bình định, không thực hiện 12 điều dân chủở vùng địch kiểm soát. Đặc biệt nêu bật, sau 1 tháng có tuyên bố, địch vẫn không thi hành được khoản nào của Hiệp định mà còn gây nhiều vụ vi phạm mới). Viết về phong trào nhân dân trong vùng địch tạm kiểm soát rời bỏ khu dồn trở về làng cũ làm ăn, hoặc trài ra sản xuất ở những vùng trắng. Viết tổng hợp về các mặt xây dựng như sản xuất (chủ yếu là nông nghiệp mà trước mắt là khai hoang phục hoá), thương nghiệp, y tế giáo dục, xây dựng lực lượng vũ trang giữ gìn hoà bình (tòng quân nhập ngũ). Riêng Minh thì đi giao thông vận tải, vừa lấy hình ảnh công trường làm đường (hiện có vài nghìn dân công tập trung làm), vừa giao Minh viết luôn tin tổng hợp về giao thông. Sau khi đi giao thông về Minh sẽ đi thể hiện một số ảnh phong trào sản xuất nông nghiệp, trước mắt là khai hoang và thuỷ lợi.
Riêng Quả thì lúc đầu Quả định ở tại tỉnh khoảng 1 tháng, ít nhất cũng nửa tháng, vừa để viết một vài mặt tổng hợp, vừa để nắm tình hình chung đã. Thế nhưng Ban Tuyên huấn tỉnh yêu cầu Quả đi Hoài Nhơn với lý do là sắp tới có Uỷ ban Quốc tế về điều tra
vụ Tam Quan cho nên cần có phóng viên ở đó, mà đi thì cần có đồng chí có kinh nghiệm chứ mới e khó khăn. Mặt khác các đồng chí ấy nói Hoài Nhơn là nơi có phong trào khá nhiều mặt cần được báo chí phản ánh. Với hai lý do trên nên Ban Tuyên huấn tỉnh và Thường vụ nhất trí yêu cầu Quả đi Hoài Nhơn, vậy báo cáo để anh rõ. Một lý do phụ nữa cũng cần cân nhắc là, Hoài Nhơn cũng có ác liệt hơn một chút so với các nơi khác nên nếu mình chần chừ do dự, e địa phương sẽ hiểu một cách tế nhị lắm anh ạ.
Thời gian ít, công việc đang thúc sau lưng, anh cho phép Quả tạm dừng đây, chúc anh luôn mạnh.
Thân yêu!Xiết chặt tay anhĐịa chỉ:Hữu Quả TTXGP đang công tác tạiBan tuyên huấn Hùng Cường.
Ngày 24/7/1973
Ra viện, ồ ra viện mà cũng trở thành một niềm vui sướng. Tạm biệt, không, vĩnh biệt mới phải, cái khu rừng tù túng với bầu không khí sặc mùi thuốc tây. Vọt ra đường đón bầu trời khoáng đãng, nắng vàng rực rỡ, đi trên con đường ô tô đỏ tươi và thở phào khoan khoái.
Muốn ghé về thăm Ngân nên tôi đi theo đường mòn xuyên núi. Nằm mãi một chỗ nay mới đi bộ thấy mệt ghê gớm. Chật vật leo lên cái dốc lách nắng hầm hập. Khoảng 10 - 15 phút lại phải nghỉ lấy hơi.
Sự việc không diễn biến đúng theo điều tôi dự kiến: anh San không có nhà mà vẫn ở bệnh viện, Ngân đi thăm anh ấy chưa về.
Xế chiều Ngân về, song không qua C8 gặp tôi. Cô bé của tôi sao lại ngại ngần làm vậy? Buổi tối Ngân mới qua và tôi đã được sống những giờ êm ấm bên em - tới mãi 11 giờ khuya.
Sáng 25, đến bệnh viện thăm San. Tôi giật mình sửng sốt đến mức hoảng sợ vì thấy San gầy hốc hác, già xọm đi. Chiếm ưu thế trên khuôn mặt anh là đôi mắt to và đôi gò má cao. San nắm tay
tôi, khóc rưng rức. Tôi ngồi bên võng anh, vuốt nhẹ bàn tay anh vàan ủi: "Đừng khóc, đừng khóc". Anh nói: "Không, từ ngày vào viện, mình không khóc, thấy Việt Long mình thích quá mới khóc!". Thương San quá, lòng rưng rưng cũng muốn khóc theo.
Trưa lại về Điện ảnh và tất nhiên lại được quấn quít bên người yêu. Hôm nay, Ngân kể lại tường tận cuộc đời của mình, từ những ngày thơ ấu tới những ngày lớn lên trên căn cứ và đặc biệt đã nói lên cả những điều thầm kín của mình nữa.
Trước đây, trong quan hệ với Ngân, tôi có nhận xét rằng chắc Ngân đã từng có những va vấp trong tình yêu và chắc em đã từng chịu khổ đau trong những va vấp ấy. Tôi nghĩ thế, song không khi nào tôi hỏi Ngân về chuyện này cả - vì đó là chuyện cũ, tôi không có quyền bới móc ra, và nếu tôi hỏi, chắc sẽ xúc phạm đến lòng tự trọng của Ngân. Khi nghe mọi người dư luận xấu về quá khứ của Ngân, tôi không tin, song cũng có phần băn khoăn, thắc mắc! Nhưng tôi lại nghĩ chắc rồi sẽ có ngày Ngân kể cho tôi nghe về những điều đó.
Bây giờ thì Ngân đang kể về những chuyện ấy. Hồi ở với Ba, Ngân quen anh Truyền, công vụ của Ba. Anh ấy khá lớn tuổi nên Ngân gọi bằng chú. Sau này Ngân lớn mới gọi bằng anh. Anh Truyền rất cần cù, rất hiền nên Ngân rất mến. Tôi hiểu rằng trong quan hệ giữa một người con gái và một người con trai, khi quá thân tiết với nhau, thì dù không có quan hệ yêu đương, cũng không thể khẳng định là không yêu - Tình yêu ở đây không thể hiện rõ ràng, nhưng vẫn in bóng trong tình cảm 2 người, lúc ẩn, lúc hiện, trộn lẫnvào tình cảm anh em, đồng chí. Đúng là Ngân cũng có một tâm trạng như vậy. Khi anh Truyền sắp đi nơi khác nhận công tác mới, Ngân đưa cho anh ấy một chiếc nhẫn, sau đó lại một chiếc bút máy của Ba. Ba phát hiện ra, hỏi dồn mãi và cuối cùng thì Ngân trả lời: "Con yêu anh ấy!". Ba hỏi: "Tại sao mày lại yêu anh ấy?" Ngân trả lời: "Anh ấy đã phục vụ ba trong bao nhiêu năm, anh ấy rất tốt, chắc con yêu anh ấy Ba cũng đồng ý". Ba nổi giận, la mắng và đưa Ngân ra chi đoàn, ra đơn vị kiểm điểm. Tiếng xấu về Ngân bay khắp Trung đoàn. Sau đó Ba ra Bắc, Ngân ở lại. Lúc này, cuộc đời
Ngân đầy mây đen, Ngân sống bơ phờ, chán đời, quần áo rách không vá mà chỉ lấy dây cột lại. Lúc này, anh Truyền cũng đã đi xa.
Về sau, được cơ quan động viên, Ngân mới trở lại được với cuộc sống bình thường. Sau này, có một số người muốn yêu Ngân, song Ngân không yêu họ. Tuy nhiên, Ngân vẫn nhận thư của họ vàkhông tỏ rõ tình cảm của mình cho họ rõ nên họ vẫn hy vọng. Đó là một nhược điểm của Ngân. Chính điều đó lại đưa thêm những điều tiếng xấu đến cho Ngân. Gần đây, khi Ngân đã yêu tôi, vẫn có một anh bác sĩ viết thư tấn công Ngân. Tôi không ngăn cấm Ngân gì hết, song yêu cầu Ngân phải tỏ thái độ rõ ràng: "Có yêu thì nói rằng yêu, Không yêu thì nói một điều cho xong", đừng để anh ta hy vọng một cách vô ích. Còn nếu muốn yêu anh ta, cứ tự do, tôi sẵn sàng rút lui. Ngân khẳng định rằng Ngân không yêu anh ta, Ngân chỉ yêu tôi mà thôi, yêu trọn đời, nếu không lấy được tôi thì chỉ có chết mà thôi.
Tôi hiểu rằng Ngân nói rất chân thực, Ngân yêu tôi rất tha thiết. Trong 2 tháng rưỡi xa tôi, Ngân viết tới 14 lá thư dào dạt tình yêu và chứa đựng bao nỗi lo ấu phấp phỏng, riêng điều đó cũng tỏ rõ Ngân yêu tôi biết nhường nào. Chà, bây giờ tôi mới hiểu rằng một người con gái lại có thể yêu một người con trai một cách dữ dội, nồng nhiệt như thế. Bây giờ đây tôi đã hoàn toàn yên tâm, hoàn toàn tin tưởng ở Ngân. Không một người con trai nào có thể thay thế tôi trong cuộc đời của Ngân cả. Tôi yêu Ngân vô bờ bến, không lời nào diễn tả hết được, và cũng không một người con gái nào có thể thay thế Ngân trong cuộc đời của tôi.
Tối, lại ở bên Ngân tới 11 giờ khuya.
Thứ 7 - 27/7/1973
Tôi trở về Ban công tác, do địch lật lọng, chúng ta không triểnkhai được hoạt động của Đoàn Liên hiệp quân sự hai bên.
Ở Ban, ai cũng hỏi tôi về quan hệ với Ngân, đều tỏ ra quantâm, muốn vun đắp cho tình yêu của chúng tôi. Đã đến lúc cần báo cáo việc này ra cơ quan, chi bộ, đưa tình yêu của chúng tôi ra công khai. Tôi viết thư nhắn Ngân sang. Tối, Ngân đã tới.
Tối, chúng tôi dẫn nhau đi thăm những anh quen thân, dẫn nhau đi xem văn công. Rồi tôi đưa Ngân về ngủ với mấy cô gái khác ở một ngôi nhà cạnh nhà tôi.
Ngân nằm trên võng, còn tôi ngồi trên một chiếc ghế cạnh đó. Chúng tôi thủ thỉ tâm tình với nhau trong màn đêm tịch mịch, trong ánh sáng dào dạt của tình yêu. Bây giờ tha hồ mà ngắm nhìn khuôn mặt thân yêu của Ngân. Tôi vuốt nhè nhẹ trên mái tóc Ngân, trên má Ngân, trên sống mũi Ngân, trên làn môi âm ấm của Ngân. Em thân yêu, cả tâm hồn cháy bỏng yêu thương của em đã thuộc về anh, cả thân thể ngọc ngà của em đã thuộc về anh, thuộc về riêng anh tất cả. Anh sẽ giữ gìn, nâng niu nó suốt cuộc đời anh!
Tôi hỏi ý kiến Ngân về việc báo cáo với cơ quan, chi bộ quan hệ giữa 2 đứa, Ngân bảo: "Em đồng ý với anh, song em sợ người ta cười!"
Chủ nhật - 28/7/1973
Sáng, cùng Ngân sang nhà Nguyễn Khắc Phục, Dương Hương Ly và các anh trong chi Hội văn nghệ chơi. Lần đầu tiên dẫn người yêu đến nhà bạn bè, đón nhận nhiệt tình vun đắp của bạn bè với tình yêu của mình, sống trong không khí vui vẻ, thân mật, thấy thật sung sướng. Có những bạn gặp tôi, chào: "Chào con người hạnh phúc nhất cơ quan!"
Hơn 8 giờ sáng, Ngân ra về.
Tôi bắt đầu tiến hành công việc báo cáo. Thật là ngại ngùng, biết nói thế nào với các đồng chí lãnh đạo bây giờ? Tôi nhờ anh Nhị nói giúp. Anh Nhị nhận lời ngay. Sau đó, anh đã nói chuyện với anh Phi và Nam Sơn. Tình hình nói chung là ổn. Tôi nói chuyện với anh Hoài Nam - Bí thư chi bộ Thông tấn - Tuyên truyền. Anh Hoài Nam tán thành nhiệt liệt, tỏ ý sốt sắng giúp chúng tôi xây dựng quan hệ ngày một bền đẹp hơn. Bây giờ chỉ còn chờ Ngân báo cáo với cơ quan bên ấy thôi. Mong rằng mọi việc sẽ tốt đẹp.
Tối, đến nhà Nguyễn Khắc Phục chơi với mấy cậu bạn văn công. Tiếng đàn ghita bập bùng, tiếng viôlông réo rắt, tiếng hát êm đềm tạo nên một không khí âm nhạc thật hay, làm cho tâm hồn con người vừa bay bổng lên, vừa đi vào chiều sâu thăm thẳm, gợi nên nhiều suy nghĩ tốt đẹp. Giá như Ngân còn ở đây nhỉ. Tôi vừa nghĩ thế thì Phục đã nói: "Cô Ngân mà được sống trong không khí này nhỉ". Cảm ơn Phục, người đã quan tâm rất nhiều đến việc làm đẹpcho tâm hồn người yêu tôi. Đi vào thế giới âm nhạc, tâm hồn người ta như được tắm bằng một thứ nước trong mát, trở nên sạch sẽ, thơm tho hơn. Rồi đây, tôi sẽ cố tìm cách làm cho Ngân được sống trong không khí âm nhạc, văn học, giúp Ngân nâng bổng tâm hồn của Ngân lên.
Những ngày này được tin Hoàng Chung không chết mà bị bắt, hiện đã được địch trao trả và đang ở Hà Nội.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 3 tháng 9 năm 1973
Em thân yêu của anh!
Anh gửi trả em lá thư của anh Bản, nó nằm lạc trong cuốn sổ của anh. Nhân đây, anh nói thêm một số suy nghĩ của anh về tình yêu.
Về tâm lý mà nói, anh cũng như mọi người con trai khác, đều muốn yêu một người con gái ngây thơ, chưa trải qua mối tình nào. Tuy nhiên, nhiều khi cuộc sống không cho phép như vậy, thì cũng vui lòng yêu một người con gái đã trải qua đôi lần yêu thương và được yêu thương. Nhưng phải là người con gái có quan niệm đúng đắn về tình yêu, nghiêm túc và có trách nhiệm trước tình yêu chứ không coi tình yêu là một thú vui, muốn hưởng tình yêu của tất cả mọi người con trai.
Đọc thư anh Bản viết cho em, quả thực là anh không thích thú gì. Anh cứ nghĩ: Không hiểu quan hệ trước đây giữa em và anh ấy
thân thiết đến mức nào mà bây giờ anh ấy còn tha thiết đến thế? Không hiểu trước đây em đã hứa hẹn với anh ấy những gì mà anh ấy hy vọng nhiều như vậy, oán trách lắm như thế?
Chuyện cũ của em, thuộc về em, anh không có quyền ghen tức. Song, để xây dựng hạnh phúc với anh, em cần phải làm theo những lời khuyên của anh. Với người yêu, phải trung thực, có vậy mới chung thuỷ với người yêu. Có nghĩa là trong mọi chuyện, từ chuyện cũ đến chuyện mới, đều không nên dấu người yêu, càng không nênnói dối người yêu. Đã có người yêu rồi thì trong quan hệ với người khác, phải hết sức thận trọng, nghiêm khắc, tránh sa ngã, tránh cả chuyện hiểu lầm. Tuy chưa cưới em, song từ khi yêu em, anh vẫn tự coi mình là trai đã có vợ cho nên anh đã tự kiềm chế tình cảm của anh để giữ mối quan hệ trung bình (không quá thân thiết) đối với bạn gái. Do vậy, ngay trong chuyện thư từ, tâm sự, đi thăm hỏi với bạn gái, anh cũng giảm bớt, để thời gian và tình cảm dành riêng cho em, dành thật nhiều cho em. Phải nói rằng vì vậy mà anh ít nhận được thư bạn gái, hoặc nhận thì lời thư có phần nào lạnh nhạt hơn trước, ít có bạn gái thăm hỏi, đến chơi... Nghĩ qua thì thấy có lúc cũng buồn đi chút ít, song nghĩ kỹ thì lại thấy đó là điều đúng đắn, cần thiết. Còn nếu như cứ mơn trớn bạn gái, thì biết đâu, khi điều kiện cho phép, lại chẳng mắc phải sai lầm? Và thế có nghĩa là tự đập phá hạnh phúc của mình. Với cách công bố về người yêu của mình cho bạn gái rõ, thực sự anh đã tự lập một hàng rào để giữ cho mối quan hệ với họ được ở một khoảng cách cần thiết.
Với em, anh nghĩ đó cũng là điều cần thiết. Em hãy tự coi mình là gái đã có chồng, tự nghiêm khắc với mình và với bạn trai hơn nữa. Trong quan hệ hàng ngày, hoặc trong thư từ, đừng để cho họ hiểu lầm mình, tưởng rằng mình yêu hoặc có cảm tình đặc biệt với họ.
Em có lúc tỏ ra thương hại người con trai yêu thương mình mà thất vọng, muốn an ủi họ, làm họ đỡ tủi thân. Em nên nhớ rằng, với những người con trai đứng đắn, tự trọng, họ không cần sự thương hại đó. Họ chỉ cần tình yêu của em. Khi không được yêu, thì họ cần sự dứt khoát. Khi có sự dứt khoát rồi, họ sẽ tự rút lui và đi tìm hạnh phúc cho họ. Thái độ thương hại của em không đem lại hạnh
phúc cho họ, chỉ đem lại nỗi hy vọng khắc khoải rồi thất vọng, đem lại sự phiền hà cho họ, cho em, cho người yêu của em.
Anh không cấm em có quan hệ với anh Bản, song anh không cho phép em quan hệ một cách mập mờ với anh ấy. Khi người ta đã chịu sự vuốt ve của người con trai bằng lời, thì khi gặp, họ cũng dễ dàng chịu sự vuốt ve của người con trai bằng hành động.
Khi đã không yêu, thì cách tốt nhất là hãy dập tắt hy vọng ở người con trai yêu mình,
Chuyện về anh Bản chỉ là một trường hợp cụ thể, em nên từ đó mà rút ra bài học chung của cuộc đời để từ đó có một cách sống đúng đắn.
Với anh Bản, em nên viết thư giới thiệu anh cho anh ấy, nói rõ quan hệ của chúng ta, anh sẵn sàng làm một người bạn tốt của anh ấy. Khi cần, anh có thể viết thư cho anh ấy.
Em suy nghĩ cho kỹ đi, rồi nói cho anh nghe.
Hôn em rất nhiều
Anh của em.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Triệu Thị Thuỳ. Ngày 6/9/1973
Anh Phấn, anh Long kính mến!
Ngày qua chúng em ra tới sông Tranh thì đi nhờ được ôtô. Đêm qua chúng em tới đây lúc 10 giờ. Trời đã khá chu đáo cho bọn em một trận ướt hết quần áo. Các chú muỗi, vắt đón tiếp chúng em rất tốt. Em bị ngã hai cái điếng người. Tuy nhiên em vẫn béo như cũ.
Chỗ mình ở trong tương lai thì đẹp đấy hai anh ạ, còn giờ thì cũng hơi ngán vì rận, vắt, dốc và nghe nói là có cả hổ nữa. Quả là
cũng không ngon lắm. Tuy nhiên chỗ ở của mình ngay sát sông Trà Nô, nuớc trong vắt, lắm sỏi đá nên cũng rất thú vị.
Mọi tình hình chắc anh Quảng đã kể với 2 anh cả, em chỉ muốn báo thêm cho hai anh biết một tin buồn nhất trên đời là 13 bé gà xinh của nhà mình trên đường đi ôtô đã "hy sinh" cả. Em buồn đến phát khóc lên ấy. Mặc dù thịt gà kho với khế, em cũng không làm sao nguôi được. Các anh làm sao xin được gà đem lại để nuôi chứ còn trên này chúng em không biết xoay xở vào đâu cả.
Bữa cơm chúng em gồm có canh chuối, canh khế, ốc thì rất nhiều, nghĩa là cũng khá tươi. ổ đây nắng ghê gớm hai anh ạ, màanh Quảng thì trêu em suốt ngày. Đến phát khóc lên được. Nếu có hai anh ở đây chắc sẽ bênh em, còn bây giờ thì chẳng ai bênh em cả, họ lại còn cười rất thú vị nữa.
Em đã được bầu là béo ngang ấn rồi (nghĩa là nhất Thông tấn xã đấy).
Em định gửi khế cho các anh nhưng không kịp, thôi để lần khác vậy.
Em ngừng bút, mong hai anh khoẻ, chóng lên với chúng em.
Em
Triệu Thuỳ
Tối 23 - 24/9/1973 (Thứ 7-CN)
Sang với Ngân - ở bên em để rồi tạm biệt, sẽ di chuyển đến chỗ mới, còn Ngân vẫn ở chỗ cũ. Sống với nhau những giây phút thiết tha, nồng cháy.
Không khỏi băn khoăn khi biết rằng Ngân gặp những trở ngại khi yêu tôi. Trở ngại lớn nhất là anh bí thư chi bộ đơn vị Ngân công tác. Anh ấy lớn tuổi hơn tôi, đã có vợ, con, nhưng vợ đã chết. Anh ấy tấn công Ngân nhưng không được, bèn gây khó khăn đối với Ngân
trong công tác, phấn đấu. Mặc dù làm việc đầy trách nhiệm, Ngânvẫn chưa được đưa vào diện đối tượng kết nạp Đảng.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 25 tháng 9 năm 1973
Thuý Ngân thương yêu của anh ơi!
Chỉ còn 2 ngày nữa thôi anh sẽ tạm biệt mảnh đất đã nuôi dưỡng biết bao tình cảm yêu thương của chúng ta. Anh sẽ xa em để rồi sẽ mang nặng trong lòng mình niềm thương nỗi nhớ em da diết
Những ngày ngắn ngủi gần gũi em đã để lại cho anh biết bao kỷ niệm êm đềm và ấm áp. Chắc rằng trên đời này không có ai yêu thương em như anh. Chắc rằng trên đời này không có ai yêu thươnganh như em. Ôi, em đã yêu chiều anh biết bao, em đã cho anh đắm mình trong một biển sóng yêu thương. Sống trong biển sóng ấy, anh vừa thấy đắm say, ngây ngất, vừa thấy tỉnh táo, sáng suốt!. Anh đã làm tất cả những gì mà một người con trai có thể làm đối với người yêu, làm bằng một tình cảm rất cuồng nhiệt, cuồng nhiệt tới mức có thể làm em phát sợ lên. Nhưng, em thân yêu của anh ạ, chỉ đến mức ấy thôi, chưa bao giờ anh có ý định vượt quá cái mức ấy, ngay cả trong lúc anh gần gũi em nhất. Bởi vì anh muốn giữ cho tình yêu của chúng ta thật trong sáng, thật đẹp đẽ, để cho ngày cưới của chúng ta sẽ là ngày huy hoàng nhất của hạnh phúc lứa đôi, là ngày cả hai anh em đều bước vào bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời riêng tư. Chắc em cũng mong muốn như thế.
Em yêu thương vô bờ bến của anh! Có phải chăng trong khi yêu anh và xa anh, em vẫn mang trong lòng một nỗi lo sợ, day dứt?Chắc rằng em đã lường đến những khó khăn sẽ đến với em? Đúng vậy, em ạ, trên đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn của chúng ta còn nhiều khó khăn lắm, nhất là đối với em. Giá như anh ở bên em, anh sẽ cùng em suy nghĩ, hợp sức lại để vượt qua nó. Tiếc rằng anh lại đi xa. Nhưng em đừng vì thế mà cảm thấy bị cô độc. Quanh em còn có nhiều người tốt có thể giúp đỡ em. Chỉ cần em biết tin, mến họ,
tranh thủ được tình cảm của họ. Em ơi, nếu như sắp tới em có gặp điều gì buồn, thì em hãy đừng quá bi quan, em hãy nghĩ rằng đó là điều phải đến và rồi sẽ phải đi. Em tin rằng anh vẫn luôn luôn theo dõi, giúp đỡ em, đem hết khả năng của anh để tạo điều kiện tốt nhất cho em đi lên trong cuộc đời. Em vô vàn yêu thương của anh hãy nghĩ rằng bây giờ em sống không phải chỉ vì em, mà còn vì anh nữa, cuộc sống của em là nguồn sống của anh, bởi vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào em cũng nên sáng suốt, đừng bi luỵ hoặc làm liều... Khó khăn sẽ đến, rồi khó khăn sẽ qua và sau đó là hạnh phúc. Chúng ta đã vượt qua một phần khó khăn rồi. Chúng ta sẽ vượt qua phần khó khăn còn lại. Rồi chúng ta sẽ đi đến hạnh phúc toàn vẹn.Em cứ tin rằng rồi cuộc đời em sẽ sáng sủa, hạnh phúc. Đó là sự thật. Không một kẻ xấu xa nào có thể phủ nhận sự thật ấy. Em hãy tin vào anh, tin vào những người tốt, tin vào cuộc đời, tin vào tương lai tươi sáng của em.
Thật kỳ lạ là tình yêu của con người. Bước vào rồi anh mới hiểu rằng đó là mảnh đất đầy hoa thơm quả ngọt, song cũng đầy gai góc, rác rưởi. Muốn hái hoa và ăn quả, thì chúng ta phải quét rác, nhặt gai đi. Cho nên, khi yêu rồi, gặp khó khăn thì chỉ còn có cách vượtqua nó thôi. Đừng vì sợ khó khăn mà sợ tình yêu. Đừng vì gặp khó khăn mà quay ra oán trách tình yêu. Không, một tình yêu chân chính không bao giờ có lỗi cả, không bao giờ đáng trách cả. Chỉ những người ngăn cản nó, muốn phá vỡ nó thì mới có lỗi và đáng trách. Anh nghĩ chắc rằng trên đời này không có một đôi lứa nào xây dựng hạnh phúc lại không gặp khó khăn. Cho nên, việc chúng ta gặp khó khăn là lẽ thường tình, chúng ta cứ thản nhiên bước qua nó em nhé!
Em yêu thương duy nhất của anh. Trong giấc ngủ trưa nay, anh nằm mơ thấy anh và em đang ở nhà thì bố mẹ vào. Anh ôm lấy mẹ mà khóc. Sau đó thì mẹ nói với anh rằng mẹ đã biết hết chuyện của chúng ta, mẹ gọi em là con. Cả nhà đều cười sung sướng. Rồi anh chợt tỉnh, tiếc ngẩn tiếc ngơ. Anh lại nhớ bố mẹ vô vàn. Anh lại nhớ em vô cùng.
Đến xẩm tối hôm nay anh đem chiếc áo của em ra mặc thử. Thế mà anh mặc chật đấy em ạ. Rồi anh nằm trên võng ôm ấp chiếc áo
ấy, hít hơi thơm của chiếc áo ấy, tưởng rằng đang ở bên em. Đêm nay anh sẽ đắp chiếc áo ấy mà ngủ. Chiếc áo ấy sẽ ủ ấm cho anh. Bởi vì nó là chiếc áo của em, đem theo hơi thơm và ấm của em.
Còn có bao điều muốn nói với em mà anh không thể nói hết được. Anh mong muốn em khoẻ, vui, luôn tiến về phía trước của cuộc đời. Anh luôn luôn ở bên em.
Gửi tặng em mấy tấm ảnh anh chụp trong những ngày sắp xa em.
Tạm biệt, tạm biệt và hẹn ngày gặp lại.
Hôn em nhiều như biển sóng mênh mông.
Anh duy nhất của riêng em.
TB: Em cố gắng học hết chương trình văn hoá. Nếu kiểm tra, lấy giấy chứng nhận được thì tốt.
Ngày 28/9/1973
Lên đường đi chỗ mới - vùng sông Trà Nô. Tạm biệt Trà My, nơi đã sống những ngày êm đẹp của tình yêu. Tạm biệt em thân yêu, bao giờ gặp lại?
THƯ CỦA NGÂN
Ngày 14/10/1973
Anh Long của em!
Kể từ ngày tạm biệt xa anh 23/9/1973 từ đấy em mang gạo Bình Sơn đến 31/9/1973 em mới về. Anh đi chỗ mới anh ạ, đi đường em đã có ý định là về tới nhà em sẽ biên thư cho anh thật dài, thế mà không đạt yêu cầu. 1/10/1973 em về ở nhà 1 ngày song bận việc, đến chiều cơ quan liên hoan, đông lắm, gần 70 người cả khách tuy
thế song em cảm thấy thiếu buồn vì vắng anh. Tối đến họp cơ quanđến 9 giờ 30 mà sáng mai Đệ lại phải đi xa nên em nói chuyện vớiĐệ, thế thì không biên thư cho anh được, chắc Đệ đến nơi anh mong thư của em lắm thì phải. Ngay sáng 2/10/1973 em phải đi ngay vì có người cơ quan ốm nằm dưới kho, chiều 2/10/1973 em đến khỏi đèo Ba Hương ở lại đấy đến khoảng 4-5 ngày thì bị lụt, ngoài trời mưa gió tầm tã một màu đen buồn bã thê lương lại nhớ khoảng cách đây tháng 10 năm ngoái hình ảnh của anh phảng phất vào trái tim em.
Tưởng đâu mùa mưa này em lại sưởi ấm trái tim anh nhưng lại nằm tại đây 11 ngày, là 11 ngày đêm nhớ anh. Xong trận mưa bão đấy em lại chuẩn bị đồ đạc về cơ quan thì lại mắc sông Trườngkhông về được, phải nằm lại 3 ngày 2 đêm. Đúng vào chiều thứ 7 em lại bơi sông về đến nhà mà lại tin nữa là anh Nam - Sơn đi họp, ngoài ấy chắc anh sẽ đoán em có biên thư cho anh. Có trông không hả anh yêu thương của em? Tối thứ 7 không làm gì chỉ móc võng nằm sớm nghĩ không biết giờ phút này anh đang làm gì hay nghĩ vềem. Đến chủ nhật em lại đến viện thăm anh San. Sáng từ nhà đi cứnghĩ may chi ngày này anh Việt Long cùng em đi đến viện. Đúng 7giờ em và Hải đi viện thăm cả anh Hạnh nữa. Đến khoảng gành đá gần sản xuất có một đoàn khoảng 4 người họ đánh cá, em và Hải bắt hôi cũng được 1 cân vậy, mà không may ướt đến cổ thế coi như quần áo như con mèo, vào sản xuất lại gặp anh Hạnh ra chơi, em và Hải nấu cơm ăn, coi như ăn cơm trưa tại đây. Cá đưa anh Hạnh đem về cho anh San. Em về nhà, quần áo ớn quá, em không vào viện.
Anh Long yêu của em, xa anh bao nỗi niềm thương nhớ, chỉ mong ngày gần nhất bên anh. Bữa nay còn giận em hết hả anh phóng viên ơi! Như tất cả nỗi lòng em đã nói với anh. "Dù xa anh nơi tận miền duyên hải, song tim anh và em vẫn cùng nhịp đập", không một giây phút nào em không nghĩ đến anh của em và còn một nỗi là lo cho anh yếu khi thời tiết thay đổi.
Cứ nghĩ từ ngày em yêu anh, chưa có gì mà chiều theo ý muốn của anh cả, thôi để dành nhé, khi nào có điều kiện gần em sẽ chiều, khi đau ốm, buồn, da diết lương tâm.
Anh của đời em!...
Em vẫn biết anh rất tha thiết yêu em và thương yêu, hiểu hết nỗi khổ của đời em và đã đạp vào chông gai. Như thế nếu sau này ta đã trở thành vợ chồng thì ơn ấy không gì sánh bằng đâu anh ạ!..."Ơn cao bể rộng, đất dày", ơn anh của em sánh như núi Thái Sơn.
Anh của em, còn về sức khoẻ từ ngày xa anh, em vẫn khoẻ như xưa, dạo này trời mưa khỏi phải ra nắng nên lại trắng gần bằng thời kỳ Dốc Voi, môi son, da trắng chỉ tội người hơi to không giống hồi Dốc Voi. Còn cuộc sống ở đây tất cả sự việc như hồi anh còn ở nhà, không gì thay đổi.
Nhiều lúc em nghĩ dại, hay hồi ấy yêu anh để im đừng báo cáo tổ chức để phản cho người ấy một trận cho biết mặt. Kẻo tức quá.
Thư biên cho anh khá dài song chưa hết, hẹn thư sau em biên tiếp cho anh nhé.
Lâu nay có nhận thư của bố mẹ không, anh Đức và các em không. Khi nào biên thư cho bố mẹ các em cho em gửi lời thăm gia đình có được không ?
Cuối cùng chỉ mong anh khoẻ, em vui nhất
Hôn anh rất nhiều
TB: Qua anh, em gửi lời kính thăm anh Phấn, anh Hường, anh Huề, Phú cùng tất cả gia đình anh nhé, em bận không biên kịp thư, hẹn dịp sau.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 16/10
Thuý Ngân, em vô cùng thương yêu của anh!
Có người ở chỗ em ra, anh mong được nhận thư em như mong gặp em.
Khi không có thư, anh thất vọng và buồn chẳng khác nào khi đi tìm em mà không gặp. Biết rằng em đang trên đường công tác gặp lụt chưa về nhà được, anh rất lo cho em. Thương em vất vả nhiều. Những lời tâm tình này có làm vợi được chút nào nỗi khó nhọc của em hay không?
Trời cứ mưa mãi thôi. Những con sông chảy quanh nơi anh ở nước dâng cao, đỏ ngầu, chảy cuồn cuộn. Nhìn dòng sông hung dữ, anh lại nhớ đến sông Trường êm ả trong ngày chủ nhật mà chúngmình ra chụp ảnh với nhau. Em có nhớ ngày hôm ấy không? Đó là một ngày thật đẹp: trời trong sáng, sông phẳng lặng, em ngoan ngoãn và lòng anh thì dào dạt tình yêu. Còn bây giờ, sông Trường cũng hung tợn lắm phải không em? Và em, chắc trong lòng cũng không tránh khỏi những cơn sóng gió. Em hãy nhớ lấy câu mà người đời vẫn răn nhau nhé:
"Sông sâu chớ lộiĐò đầy chớ qua"
Nói chung, trong cuộc đời thì phải như thế đấy, và nói cụ thể trong mùa mưa này em càng phải cẩn thận, đừng lội sông, suối ẩu mà nước cuốn mất thì khổ anh lắm đấy!
Bây giờ anh nói về anh cho em yên tâm nhé! Anh rất khoẻ em ạ
-ăn, ngủ đều khoẻ, không có gì tỏ ra là muốn sốt cả. Công việc kiến thiết chỗ ở đã xong, chỉ còn một số việc vặt thôi và lo chuyển lương thực về dự trữ. Hồi này công tác chuyên môn bận, anh ít có thời gian tham gia vào các việc khác. Nói chung, anh vẫn cứ làm việc theo nếp ở trong ấy: ngày, tối đều làm, ít có thời giờ rảnh - và khi rảnh thì lại nghĩ đến em. Ra đây, anh mất đi cái sung sướng của ngày chủ nhật đi thăm em. Thay vào đó là công việc, nếu không làm chuyên môn thì cũng dọn dẹp vệ sinh, trồng rau... cho nguôi nỗi nhớ em. Mới đây chỗ anh có làm được một bàn bóng bàn, lúc rỗi anh hay chơi nên người cũng thoải mái, vui thêm một chút. Các anh, chị trong gia đình ta cũng khoẻ, vui, hay hỏi đến em.
Từ hồi tháng 8 đến nay anh không nhận được thư gia đình. Chắc là do mưa lụt, đường đi lại trở ngại nên thư không vào được.
Em thương yêu của anh có nhớ anh nhiều không? Thư này là thư thứ 3 anh viết cho em kể từ lúc xa em đấy nhé. Vậy mà anh chưa nhận được thư nào của em cả. Thiệt thòi quá nhỉ. Em phải bù cho anh 100 cái hôn đấy nhé!
Em có nhận được thư của Ba và cô Lương không? Có lẽ nên nói chuyện cho gia đình biết dần đi em ạ, không nên giữ kín làm gì nữa. Chắc em vẫn khoẻ. Còn công tác và sinh hoạt ra sao, có nhiều khó khăn không?
Em đừng nên bi quan nhé! Anh có thể nói với em một cách chắc chắn rằng những khó khăn do những kẻ xấu cố tình gây nên để cản trở em sắp qua rồi. Em sẽ lại được sống trong sự công bằng và giúp đỡ của mọi người. Lúc ấy, con đường đi của em sẽ rộng rãi hơn và nếu em thật nỗ lực phấn đấu thì sẽ đạt được mục đích của mình.
Thuý Ngân yêu dấu của anh ơi! Lắm lúc anh chỉ muốn gọi em là vợ thôi, chẳng muốn gọi là em, bởi vì gọi là vợ thì mới biểu hiện được rõ tình sâu nghĩa nặng của mình. Em có muốn như vậy không? Em có tin rằng chúng ta sẽ sống với nhau hạnh phúc không? Chắc là tin chứ Ngân nhỉ.
Em có nhận được thư anh Bản không? Anh nghe nói anh ấy muốn tìm cách đến thăm em đấy! Còn anh Minh, Trinh thì thế nào? Mọi việc tuỳ ở em. Mong rằng em biết giải quyết đúng đắn theo lời anh đã khuyên.
Em thương yêu của anh! Có lẽ chưa bao giờ anh nghĩ nhiều về tình yêu, hạnh phúc như thời gian anh yêu em và được em yêu. Emcó biết anh mong muốn những gì ở người yêu của anh không? Điều trước hết là lòng chung thuỷ đấy em ạ. Anh nghĩ rằng bất kỳ một người đứng đắn nào cũng đều mong muốn như vậy. Anh nghĩ rằng trong cuộc sống riêng tư, người hạnh phúc nhất, sung sướng nhất là người chỉ yêu một người và được một người yêu. Muốn thế, nhiều khi phải biết tước bỏ đi một số quan hệ với một số người khác, phải biết từ chối thẳng thắn tình yêu của họ (có khi việc từ chối ấy đem lại sự phiền phức hoặc không vui cho mình, song vẫn cứ phải từ chối). Thế mà trong cuộc đời, anh biết có những người không nghĩ thế! Có cô gái tỏ ra thích thú, tự hào khi được nhiều người đặt vấn
đề yêu. Do vậy cô ta không từ chối tình yêu của ai cả, cô ta chấp nhận sự ve vuốt của tất cả, song thực chất cô ta lại không yêu ai. Cô ta cảm thấy rằng nếu cô ta chính thức yêu một người, từ chối tình yêu của những người khác, thì cô ta sẽ trở nên nghèo nàn, cô độc. Cô ta cứ phung phí tuổi xuân của mình trong thứ tình cảm rộng rãi đó và rồi tuổi xuân qua đi. Giật mình quay lại muốn xây dựng một tình yêu chân chính thì đã muộn rồi. Lại có cô gái có người yêu hẳn hoi, yêu người yêu tha thiết nhưng đồng thời vẫn cứ cảm mến những chàng trai khác, không phản đối tình yêu của họ, trái lại còn vui thích mà đón nhận nó, coi đó là một sự giầu sang về tình cảm. Anh nghĩ rằng nếu sống với quan niệm ấy, nhất định sẽ không có hạnh phúc. Nếu anh là một cô gái đã có người yêu thì khi một người con trai khác đã biết thế mà vẫn cứ lao vào yêu anh, vẫn viết thư tán tỉnh anh, thì không những anh không vui thú, mà anh còn xấu hổ vì bị xúc phạm và anh thấy căm giận chính con người đã yêu mình một cách mù quáng ấy. Trước đây em đã có lần nói với anh về những gương xấu cần tránh. Ví dụ sự tan vỡ trong tình yêu của chị Toàn và anh Sin. Em đừng nhìn đơn thuần về hình thức mà nói rằng do sự chênh lệch nào đó mà anh Sin chê chị Toàn. Thực ra, anh ấy chê chị ấy vì chị ấy đã yêu anh ấy, song lại rất "dễ dãi" với những thanh niên khác, quan hệ với những thanh niên khác chẳng khác nào với người yêu của mình. Vậy thì anh ấy phải bỏ, chứ còn cách nào khác?
Em thương yêu của anh! Thư đã dài rồi, anh tạm dừng bút. Cho anh gửi lời thăm anh Hạnh, Hải, Thôi, Thanh.
Mong thư em và những lời tâm tình của em.
Hôn em nhiều và tha thiết như anh đã hôn em.
Anh của em
THƯ ĐỒNG CHÍ
Hoàng Chu
Việt Long thân!
Mình vẫn đang ở Sơn Tịnh và thường xuyên phải di chuyển chỗ ở. Công tác ở một số xã chưa làm được vì địch càn. ảnh chụp dạo này khó khăn quá vì trời liên tục mưa, bão. Mình ở Tịnh Trà liền 1 tuần mà không chụp được tổ vần công số một. Mình mới chụp có 2 ảnh: Tổ cày và gia đình bác Mai đóng đảm phụ. Còn một số chủ đề nữa chưa làm được, mình sẽ cố gắng làm. Tất cả số phim mình gửi về cộng với phim của anh em trong phân xã ở các nơi nữa có thể làmthành bộ ảnh về vùng giải phóng. Nếu được, bàn với anh Đảo xem sao. Nếu thiếu mặt nào thì điện minh ngữ xuống phố 108 để cuối tháng 12 mình có thể về trên đó nắm một số tình hình và xem có thể di chuyển địa bàn công tác được không. Lần này về mình sẽ quăng chiếc máy ảnh Exerta đi cho xong vì nó làm đứt phim dữ quá, mỗi lần như vậy không có túi tháo lại phải đưa cuộn khác vào, mặt khác mình chụp chưa quen máy Exerta nên phim không nét mấy. Có lúc mình chán phát bực lên và muốn quẳng máy đi cho rồi.
Long thân! Anh em mình ở nhà dạo này có khoẻ không, có "cải thiện" hay "tụt tạt" được gì không? Còn mình thỉnh thoảng vẫn bị sốt rét. ở đồng bằng mà ít được ăn rau tươi quá Long ạ, có tuần liên tục ăn mắm cái. Thỉnh thoảng di động mình được ăn cá đồng nướng dầm với nước mắm - ăn ngon.
Mình cảm thấy công tác chạy chậm chạp quá, không hiểu anhem ta ở Quảng Đà, Quảng Nam ra sao, làm ăn có khá không. Viết thư gửi về phố 108 cho mình biết với nhé.
Cuối thư chúc Việt Long khoẻ.
Gửi lời thăm các đồng chí trong phân xã
Chào tạm biệt
Hoàng Chu
Từ tháng 10/1973
Thời gian này, anh Vũ Đảo đã được chuyển ra Bắc vì sức khoẻ kém. Tôi được Ban cử phụ trách Tiểu ban Thông tấn xã. Thông tấn xã của chúng tôi đã lớn mạnh, đông hơn, hiện đại hơn và vẫn giữ được truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau. Chúng tôi có buồng
tối làm ảnh, có đài minh ngữ. Anh em tập hơp thành từng tổ phóng viên toả đi khắp cả 6 tỉnh Trung Trung Bộ và 3 tỉnh Tây nguyên. Tôi ở nhà theo dõi công việc chung, trực tiếp biên tập tin, bài, raBản tin đều đặn phục vụ Khu và gửi ra Bắc. Lại như anh Đảo ngày xưa, mỗi khi nhận thư của ngoài Bắc gửi vào cho anh em Thông tấn, tôi bóc ra xem rồi tóm tắt nội dung báo cho đồng chí mình biết. Chúng tôi coi nhau như người ruột thịt, chẳng có gì phải giấu nhau cả, mặt khác sợ rằng gửi bản chính đi, dễ thất lạc.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Hoàng Chu. Ngày 24/10/1973
Việt Long thân!
Mình vừa nhận được thư của Long và tiền gửi xuống. Mình rấtphấn khởi khi được biết tình hình phân xã, anh em vẫn khoẻ. ĐượcLong tóm tắt thư của Ngọc Điệp gửi cho mình và quà nàng gửi càng làm cho mình phấn khởi hơn. Mình đã mất ngủ và đau đầu kéo dài, được tin này lại thức trắng đêm (Long hiểu chứ).
Mình đang công tác ở cánh Nam, Tuyết Trinh + Oai ở cánh Bắc. Mình đang chuẩn bị tài liệu để cho 3 ngày lễ lớn: 19, 20, và 22/12.
Tình hình ở Quảng Ngãi hiện giờ nhìn chung có yên hơn trước, nhưng địch cũng đang có kế hoạch mới để càn quét, lấn chiếm. Bị ta đánh, địch co lại giữ đất đã chiếm. Chúng tập trung quân giữ chốt,đánh chốt của ta, giữ trục đường số một và các cửa khẩu. Đồng thời liên tục tung gián điệp biệt kích vào sâu vùng hậu cứ để nắm tìnhhình và phá hoại. Đất hoạt động của anh em mình quá hẹp, duy chỉ còn miền núi mà thôi.
Mình đã chạy được một số ảnh về xây dựng vùng giải phóng nhưng phim phải mua và mượn của Tuyên huấn tỉnh.
Phim Trung Quốc mốc hết, chụp phim Trung Quốc làm máy mình hóc liên tục. Mỗi cuộn phim chỉ được một vài kiểu là bỏ và kéo
ra vì rất bức xúc. Số phim chụp được để mình mang về vì gửi sợ mất, mà có gửi cũng không cần thiết lắm (vì ít).
Nếu cậu Phạm Biết xuống công tác lại Quảng Ngãi thì nên phát cho phim mới (nếu có). Tôn đã chụp ảnh ở sông Hrê được đến đâu rồi, mình định về đó làm một số vấn đề về thuỷ lợi, nhân giống mới, và cách làm ăn mới của đồng bào Hrê trong sản xuất và xây dựng đời sống.
Làm tin ảnh tố cáo rất khó, sự việc và điển hình thì có nhưngkhông có cách nào làm được. Địch đánh phá rồi chốt lại, dân phảichạy như Phổ An, Phổ Hiệp, Đức Hoà...
Về việc riêng: Quà của Ngọc Điệp gửi cho mình Long giữ hộ để khi về mình nhận. Duy chỉ có cái áo sơ mi trắng thì Long mang ra mà "diện" nhé. Vì như Long nói "chúng mình là một". Long có quần Pôlite mà dường như chưa có áo. Còn mình thì thế nào cũng xong vì "vắng nàng trang điểm với ai, nàng ở miền Bắc chàng thì miền Nam".
Việc riêng của Long mình đã rõ, như vậy là cậu đã xây thành ở quê hương Quảng Nam. Mình chúc cậu + Ngân sẽ mãi mãi hạnh phúc.
Qua thư cho mình thăm sức khoẻ các anh và các đồng chí trong phân xã.
Thân nhớ
Hoàng Chu
Chú ý: Nếu Phạm Biết trở lại Quảng Ngãi công tác thì đi đường Sơn Hà - Sông Hrê cho đỡ vất vả.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 1 tháng 11 năm 1973
Em thương yêu của anh!
Lẽ ra anh vào khu B triển khai công tác của Đoàn và... gặp em. Song công việc bận quá, anh Quảng lại đi sông Tranh cõng hàng, không có người làm thay anh, nên anh đành ở lại. Em có tiếc không?
Anh đã nhận được thư em do Biết chuyển. Đọc thư càng nhớ em. Nhớ những kỉ niệm nho nhỏ nhưng rất thú vị khi chúng mình gần nhau. Song lại nhớ tới cả những chuyện không vui nữa. Nhiều khi anh cứ tự hỏi: mình có đòi hỏi quá nhiều ở người yêu hay không? Mình có quá khó tính hay không? Song, suy nghĩ kỹ lại, anh thấy những điều anh mong muốn ở em chỉ là những đòi hỏi rất bình thường và chính đáng của một người biết yêu đối với một tình yêu mà thôi.
Trước hết em hãy đừng hiểu lầm anh giận em vì em đã không âu yếm, chiều chuộng anh hết mức. Anh đã nhiều lần nói với em rằng anh chưa hề đòi hỏi như vậy. Anh thấy em chiều anh như vậy là đầy đủ lắm rồi, anh hài lòng lắm rồi. Còn thì phải để dành chongày chúng ta thành vợ thành chồng. Điều đó thì còn phải "để dành" cũng như em nói. Và khi gần em, rất gần em, anh vẫn để dành đấy thôi?
Tuy nhiên, còn có những điều em nói là "để dành" nhưng anh không đồng ý với em như vậy, đó là những chuyện thuộc về tình cảm, thuộc về chuyện xây dựng tình yêu.
Muốn cho sau này quan hệ vợ chồng thật tốt đẹp, thì khi mới yêu, người ta đã phải làm tốt những điều thuộc về quan hệ tình cảm. Tình vợ chồng là kết quả và là sự nâng cao của tình yêu. Tình yêu nào sẽ dẫn đến tình vợ chồng ấy. Ví như người trồng cây ấy, chỉ khi chọn giống tốt, gieo hạt trên đất tốt, chịu khó vun xới, tưới tắm, bắt sâu cho cây, thì sau này cây mới xanh tốt, mới ra quả ngon. Còn nếu cứ gieo hạt bừa ra đấy, kệ cho cỏ rác lu lấp, kệ cho sâu bọ phá hoại, thì làm sao bỗng nhiên lại có quả ngon được? Chẳng lẽ nào ta lại để dành khi quả chín rồi mới bắt sâu ? Lúc ấy bắt sâu sẽ vô ích, bởi vì có bắt thì quả vẫn cứ không ngon lại được.
Khi chưa yêu, anh cứ nghĩ rằng tình yêu là cả một vườn hoa rực rỡ, chỉ có sắc đẹp và hương thơm. Nhưng khi yêu rồi anh mới hiểu rằng không phải chỉ có thế, mà còn có nhiều gai góc, dây nhợ nữa. Tuy nhiên, điều đó không làm anh thất vọng. Anh vẫn cứ tintưởng ở tình yêu. Điều đó giúp anh có thêm sự sáng suốt và sức mạnh vượt qua những trở ngại.
Ngân ơi, anh thương em biết bao nhiêu. Có lẽ chính em cũng chưa hiểu được anh thương em đến mức nào. Em đã khổ nhiều quá, khổ từ tấm bé khổ đi, đến lớn vẫn cứ còn khổ. Anh không muốn em phải khổ nữa. Anh cố gắng tìm mọi cách đem lại niềm sung sướng cho em. Em cũng đừng cam chịu sự khổ cực, mà cũng phải tìm cách gạt bỏ nó đi..
Em thương yêu của anh! Khi xa em là lúc anh nghĩ đến em nhiều nhất. Chắc em cũng đang nghĩ về anh phải không? Trong những điều anh nói với em, có điều gì em không đồng ý? Nếu có thì cứ nói thẳng với anh, chứ không thì anh biết đằng nào mà sửa chữa?
Anh yêu em là vì anh yêu em, chứ không phải anh muốn làmơn đối với em, anh muốn em biết ơn anh. Đừng biết ơn anh nhé, vì như vậy sẽ làm cho quan hệ của chúng ta thiếu bình đẳng. Anh không phải là người cứu vớt em đâu. Anh chỉ là người bạn đời tận tuỵ của em. Khi đem lại hạnh phúc cho em thì chính anh đã đem lại hạnh phúc cho anh.
Anh Phấn, anh Huề đều gửi lời thăm em đấy.
Còn những khó khăn do bên ngoài đem lại, đừng lo, vì nó sẽ phải đầu hàng chúng ta. Khi yêu em, thì không một trở lực bên ngoài nào ngăn cản được anh.
Thư này là thư thứ 5 anh gửi cho em. Có nhận được đầy đủ những thứ anh gửi cho em không, sao không nói?
Anh vẫn khoẻ, em đừng phải lo cho anh.
Chúc em vui, hạnh phúc.
Hôn em rất nhiều
Anh của em 12 giờ trưa, trời nắng
Ngày 3/11/1973 (Thứ bẩy)
Có việc vào Trà My - thế là lại được gặp Ngân. Hồi này Ngân khoẻ, người to béo, má đỏ hây hây. Chưa bao giờ Ngân thể hiện tình yêu với tôi một cách mạnh mẽ, tha thiết và lại tế nhị như lần này. Chỉ được sống với nhau một tối thứ 7, một ngày và một tối chủ nhật, thực ra chỉ được bên nhau mấy tiếng đồng hồ, vì Ngân bận việc cơ quan, song thấy thật hạnh phúc. Muốn quấn quít mãi bên nhau.
Ngày 6/11/1973 (12/10 âm lịch)
Suốt mấy ngày nay trời mưa sập sùi mãi. Nước các con suối bắt đầu dâng cao.
Buổi trưa, trên đường ô tô, tôi thấy một cô gái ngồi bệt bên cạnh một gùi sắn, người ướt sũng. Tôi thầm nghĩ: "Cô nào mà tộinghiệp thế kia?". Đến gần mới nhận ra đó là Đệ - cơ công trong bộ phận kỹ thuật của chúng tôi. Cô người Hà Tây, vào đây năm 1972.Đệ ngước nhìn tôi, miệng cười, chào, mà mắt thì khóc đỏ hoe. Tôiphải tránh không nhìn vào đôi mắt ấy. Tôi bảo Đệ để tôi gùi giúpsắn, Đệ nói:
-Gùi bẩn lắm, để em gùi!
Phải nói mãi, Đệ mới đồng ý đổi gùi cho tôi. Đệ đi chân hơikhập khiễng vì vừa trượt ngã. Nói chuyện một lúc, Đệ đã cười khúc kha khúc khích. Cô gái ấy thật hồn nhiên, nỗi buồn tủi không đọng được lâu trong tâm hồn.
Càng về chiều, trời càng mưa. Đoàn 5 anh em lúc nào cũng đi sát bên nhau. Suối nước dâng cao tới ngực, tới cổ. Dìu nhau qua cảchục con suối như vậy. Nhìn Đệ người ướt sũng, quai ba lô chằng kéo bộ ngực, tôi thấy thương vô cùng. Lại liên hệ đến người yêu của mình - hôm nay em cũng đi cõng gạo, chắc cũng vất vả thế này.
Gần về đến nhà, lạnh quá, tôi đi trước. Tôi đi theo đường thồ. Con đường này chạy vòng nên không phải lội qua suối. Thực ra, dòng suối bây giờ nước đã dâng tràn bờ, còn hung dữ hơn cả nhữngcon sông. Đệ và 3 người kia đi theo đường C.9 (nhà máy In), tuy gầnhơn nhưng phải lội qua suối. Rồi, trong khi anh em còn nghỉ, Đệ rabờ sông trước. Không ngờ Đệ mất tích luôn. Lúc ấy là 4 giờ chiều.
Anh em nháo nhác đi tìm. Hai người bơi dọc theo suối, dọc theosông tới 2km. Song, Đệ không còn nữa.
Ngày 9/11/1973
Sáng nay, tiếp tục đi tìm Đệ dọc sông Trà Nô. Tôi và Huề đitheo bờ trái sông. Bên kia có ái và Minh. Đường đi, chỗ thì gai góc, chỗ thì ghềnh đá, thật khó đi. Nhiều chỗ không đi được, phải lội xuống sông, bơi xuôi theo nước. Nước đục ngầu, đầy rác rưởi, ngầu bọt và lạnh ngắt. Dọc bờ sông, tiếng quạ kêu ai oán, nghe âm u và tang tóc. Chắc rằng tiếng quạ lúc này sẽ ăn sâu vào tâm khảm tôi, giữ mãi trong tôi một xúc cảm thê lương, không thể nào phai mờ.
Đến trưa mới thấy Đệ: cô nằm mắc vào một bụi rù rì giữa dòng nước, đầu chìm dưới nước, chân phơi trên mặt nước.
Chúng tôi kéo Đệ lên. Mình mẩy Đệ bị đập vào đá sưng tím, mặt sưng to, tròn, không thể nhận ra. Cánh tay phải bị gãy nơikhuỷu. Lúc đưa xác Đệ lên bờ, từ mũi cô, máu trào ra thành haidòng, sủi ngầu bọt. Đau lòng quá Đệ ơi!
Chúng tôi tổ chức mai táng Đệ khá chu đáo. Thực ra, cũng chỉ bằng cách quấn thi hài vào võng, vào tấm ni lông và tăng rồi hạ huyệt trên sườn đồi. Chỉ có điều khác là trên ngôi mộ, chúng tôicăng ni lông thành một cái lều nhỏ che mưa che nắng. Thôi nhé, Đệ ơi, em hãy ngủ yên trong cánh rừng non quạnh vắng này! Lối mòn
chạy ven sườn đồi, xuyên cánh rừng non này nối liền Ban vói Nhàmáy in và Đài minh ngữ, thỉnh thoảng có bạn bè qua lại, em sẽ bớt cô đơn!
Dòng sông nhấn chìm Đệ, cuốn trôi luôn cả ba lô của tôi với hầu hết đồ dùng của cuộc sống. Tiếc nhất là chiếc máy ảnh Pentax do cơ quan ngoài Bắc gửi vào với một cuộn phim đã chụp, nó là vũ khí chiến đấu, là người bạn thân thiết của tôi.
Từ ngày 10/11/1973
Suốt trong thời gian này trời mưa tầm tã. Nước sông Trà Nô đỏ ngầu, dâng lên cao kinh khủng. Lòng sông bỗng nhiên rộng ra một cách lạ lùng. Nước tràn qua phía tả ngạn. Dòng chính bỗng trở thành dòng phụ, còn nơi trước đây là bãi đá, lau lách, bỗng trở thành dòng chính. Nước cuộn băng băng, vít các ngọn cây xuống lúc thì chìm nghỉm, lúc lại nổi bập bềnh, rung bần bật. Nước cuốn những cây gỗ to hàng người ôm, những bè rác rưởi trôi veo veo, nhìn chóng mặt. Thỉnh thoảng, một cây gỗ lại đâm sầm vào một bụi cây, mắc kẹt ở đó, cản rác rưởi lại thành đống lớn. Nước ngập lút mái nhà bếp, lút bàn nhà ăn, chia cắt cơ quan thành 3, 4 khu vực. Phải lấy gạo về nấu ăn riêng. Có nơi phải chạy sang C.8 ở vì nước đã tràn vào nhà. Thỉnh thoảng nghe tiếng nổ rền, âm - đó là tiếng núi lở. Cây cối càng trôi xuống nhiều hơn, thân xơ xác như bị đánh bom. Nước đỏ ngầu, đặc quánh lại. Nhiều đoạn đường đã bị lấp do núi lở. Cả một tiểu đội hậu cần đi cõng gạo, ngủ bên suối đoạn gần sông Trà Nô, bị đất núi vùi lấp, không còn một dấu tích.
Nước rút để lại phía tả ngạn một bãi bằng phẳng, đầy phù sa và phía hữu ngạn một bức thành rác rưởi cao mấy mét.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 12 tháng 11 năm 1973
Thuý Ngân, em yêu dấu của anh!
Tuy chưa có người vào trong đó để gửi thư cho em, anh vẫn cứ viết. Anh đang rất buồn, và càng buồn lại càng nhớ em.
Đệ không còn nữa rồi, Ngân ạ! Phải chứng kiến cái chết thêthảm của Đệ, anh đau lòng vô hạn. Tạm biệt em ra về, trưa hômsau anh gặp Đệ đi cõng sắn về. Từ xa, anh thấy một cô gái ngồi bệt giữa đường, bên cạnh là một gùi sắn lớn. Tuy chưa rõ là ai, songnhìn thấy thế, anh cũng thấy thương thương. Đến gần mới nhận raĐệ. Đệ cười chào anh, nhưng mắt lại khóc đỏ hoe. Anh cũng cười,tránh không nhìn vào đôi mắt Đệ với những giọt nước mắt longlanh. Rồi anh bảo Đệ để anh cõng giúp gùi sắn. Đệ nói: "Gùi bẩnlắm, anh cõng lấm hết quần áo, để em cõng". Phải nói mãi Đệ mớiđổi gùi cho anh. Đi nói chuyện một lúc, Đệ đã lại cười khúc khích.Đệ thật hồn nhiên, ít u buồn lâu. Trời vẫn mưa dầm dề. Nước suốimỗi lúc một dâng cao. Anh, Đệ và 3 người nữa ở C8 đi bám lấy nhau, dìu nhau qua khoảng hơn chục khúc suối sâu, nước tràn tới cổ hoặc ngực, chảy rất xiết. Khi gần về đến nhà, hết suối lớn rồi, anh lạnh quá nên đi trước. Anh đi theo đường thồ, không phải lội suối nữa. Còn lại 4 người đi theo đường C9, phải lội một con suốinữa. Lúc vào C9, anh em nghỉ, Đệ nói Đệ đau chân, đi dần ra bờ sông trước. Anh em đi sau có mấy phút, vậy mà tới bờ sông đãkhông thấy Đệ đâu nữa. Tất cả vội nháo nhác đi tìm Đệ. Anh Sinh
+ Tùng bơi dọc theo sông 2 cây số cũng không thấy gì. Sáng hôm sau lại đi tìm cũng không thấy. Lúc này sông nước mênh mông, đục ngầu, rất hung dữ. Sang ngày thứ 3, nước rút, anh, anh Huề và 2anh nữa lại đi dọc theo sông tìm - đến 11 giờ trưa mới thấy xác Đệtấp vào gần bờ, mắc ở một bụi cây nhỏ. Em ạ, trông Đệ thảmthương lắm... Sau đó, cơ quan đã tới tổ chức mai táng Đệ chu đáo.
Em ơi! Cho đến lúc này, những cảm xúc đau thương trước cáichết của Đệ vẫn còn đè nặng trong trái tim anh. Hôm ấy, nhìn Đệ cõng ba lô, quai ba lô chằng kéo, đè bộ ngực xuống, anh thấy thương vô cùng. Anh lại nghĩ đến em, hôm ấy em cũng đi cõng gạo, dây gùi chắc cũng lại đè nén bộ ngực của em như thế. Bao giờ những người con gái ở Miền Nam mới hết phải khổ cực như thế này? Anh nhớ lạinhững kỷ niệm nhỏ mà sâu sắc với Đệ. Anh vẫn thường nói với emđấy, Đệ rất hồn nhiên, ngoan ngoãn, anh rất mến. Đối với Đệ, anhkhông phải ngần ngại, e dè như đối với các cô gái khác. Khi Đệ
thiếu thốn, anh cho Đệ một cách tự nhiên, không sợ Đệ tự ái. Khicần Đệ giúp, anh hỏi thẳng, không ngần ngại. Đến việc may quầnlót anh cũng nhờ Đệ làm, thậm chí có chiếc quần lót mặc quá rộng,anh cũng nhờ Đệ chữa hộ. Những lần ấy, Đệ đều vui vẻ nhận, sốt sằng làm và làm rất nhanh, chu đáo, không để anh phải đợi lâu. Anh thấy ít có cô gái nào lại tạo được sự thông cảm với anh như thế, lại nhiệt tình, chu đáo và vô tư với anh như thế.
Em thương yêu của anh! Ngay trong tình yêu của chúng ta, Đệ cũng rất nhiệt tình vun đắp. Thấy có việc gì có hại đến tình yêu củachúng ta, Đệ đều nói cho anh biết để anh ngăn chặn. Anh nhớ mãihôm anh ở viện về, em làm anh không vừa lòng, anh ngồi chơi với Đệ,không sang với em, Đệ cứ giục anh: "Anh sang bên đó đi". Lát sau Đệ lại giục: "Hay anh cứ sang đó một lúc. Anh giận được mãi à?"
Em yêu thương của anh! Nói với em về tình cảm của anh vớiĐệ, anh muốn giải thích thêm nguồn gốc của tình yêu của anh đối với em. Sống ở chiến trường, anh rất thông cảm với đồng chí, thấu hiểu những khó khăn, gian khổ của đồng chí mình, và từ đó xác định cho mình cách đối xử đúng đắn với đồng chí. Chính anh đã đến với em bằng tình cảm như thế đấy. Lúc đầu, nghe em kể về hoàn cảnh gia đình, anh thấy thông cảm, dễ chan hoà. Khi gần em, hiểu em hơn, anh càng thông cảm hơn. Và khi yêu em, hiểu sâu sắc những chi tiết của cuộc đời em, thì anh thấy rất thông cảm với em, rất thương em, muốn bù đắp cho em những gì em thiếu thốn. Cho nên, em hãy tin ở tình yêu của anh, nó bắt nguồn từ những suy nghĩ sâu sắc, nó vững bền. Nếu em nghĩ rằng vì em đẹp rực rỡ mà anh yêu em, thì đó là ý nghĩ không đúng! Em hãy đừng tự hào khi được yêu như thế, mà em phải ghê sợ nó, vì nó không có cơ sở vững chắc, nó dễ tan vỡ. Anh không bao giờ yêu bằng một tình yêu như thế và anh không muốn người khác yêu anh bằng một tình yêu như thế.
Ngân ạ, trong chuyện rủi ro của Đệ, anh cũng chia xẻ một phầnnhỏ: anh bị nước cuốn mất toàn bộ ba lô (vì Đệ mang của anh). Chiếc máy ảnh mới toanh ngoài Bắc gửi vào cho anh cũng mất theo. Chiếc khăn kỷ niệm của ba mà em đưa anh cũng mất theo. Em đừng trách anh vì anh đã làm mất vật kỷ niệm ấy nhé. Em thương yêu ạ, mỗi một vật dụng của em đưa anh, dù là nhỏ bé, bình
thường, anh đều quý trọng vô cùng, anh đều nâng niu, giữ gìn nó cẩn thận - vì anh nghĩ rằng nó chứa đựng tình cảm của em, nó biểu hiện sự chăm sóc của em đối với anh. Nhất là chiếc khăn ấy, anh càng quý, vì nó còn chứa đựng tình cảm của Ba nữa. Vậy mà anh không giữ được nó, anh tiếc ngẩn ngơ.
Trước sự việc này, em đừng quá lo cho anh nhé! Những gì cần thiết nhất cho cuộc sống của anh bị mất đi thì đã có cơ quan, anh em bù đắp cho. Chỉ có cái áo len là chưa có! Em xem nếu được thì đến Lan lấy cái áo xanh của em về, để rồi anh kiếm thêm len, đan thành cái áo của anh. Và nếu không khó khăn, thì em nhờ may cho anh một cái mũ. Vậy thôi, em đừng lo gì nhé.
Mấy hôm nay trời vẫn mưa sập sùi suốt. Nước sông dâng lên cao chưa từng thấy. Nước ngập tràn cả nhà bếp. Bọn anh phải nhận gạo về tự nấu ăn. Với sức mạnh điên cuồng như thế, chắc nước còngiết chết nhiều người. Hôm vừa rồi, Đào (ở đấu tranh chính trị) đã bị nước cuốn chết rồi. Thật tội nghiệp cho cô gái "hồng nhan bạc mệnh". Nước càng lớn bao nhiêu, anh càng lo cho em bấy nhiêu. Anh luôn luôn sống trong tâm trạng nhớ em, nơm nớp lo sợ những điều bất trắc đến với em. Em phải hết sức chú ý nhé. Trước một con suối nhỏ cũng phải đắn đo, lường xét kỹ rồi hãy lội qua. Trước những con suối lớn, chỉ lội qua khi đi cùng các anh khoẻ, biết bơi giỏi. Trước dòng nước lũ, tuyệt đối không được lội qua - dù có phải ngồi bên bờ chịu đói chịu rét cũng đành chịu chứ đừng lội qua. Hôm trước em ngồi trên bè chuối bơi qua sông Trường là quá liều mạng đấy, anh rất phiền lòng. Trong việc này em phải tuyệt đối làm theo lời anh, nghe không em?
Chị Nga, Lan đã học xong chưa, có đến chỗ em không? Sau khi 2 chị ấy về đây họp rồi, em có thể sẽ có chuyện vui. Song, trước mắt, em phải yên tâm công tác, làm thật chu đáo mọi việc được giao, từ lời nói đến việc làm đều phải giữ ý, đừng để xảy ra đụng chạm với người kia. Những việc ấy để anh làm. Hôm nọ Hải lên nhà ấy nói chuyện khuya mà em lên gọi là rất hư, không làm theo lời anh việc của người khác kệ họ, mất gì mà dính vào cho phiền, nhất là em lại đang ở trong thế bất lợi. Tốt nhất là em hãy nhớ kỹ mọi
chuyện, thu thập bằng chứng cung cấp cho anh, anh ở thế lợi hơn, anh sẽ có cách...(Những lá thư của hắn mà em giữ lại là tốt nhất).
À, em nhớ đổi sợi dây chuyền mà đeo nhé. Em trắng, đeo dây chuyền sẽ đẹp.
Em hãy đọc lại những thư trước của anh, có chỗ nào không thống nhất với cách nghĩ của anh thì nói cho anh biết.
Rất mong thư em.
Hôn em rất nhiều
Anh của em, của riêng em.
THƯ CỦA NGÂN
Anh Long yêu của đời em
Chắc có lẽ, ngày chúng mình sống bên nhau thì còn xa anh nhỉ, thôi thế cũng được, chỉ mong khoảng 1 tháng chúng mình gặp nhau 1 lần là hạnh phúc lắm rồi. So với những đôi trai gái khác còn hơn chán.
Anh yêu của em!
Tuy thế song anh vẫn thấy ở em cái gì anh chưa hiểu phải không anh. Chẳng hạn như anh bảo em không thích sống gần anh mà khi được gần nhau thì lại xa lánh anh đi, hoàn toàn không phải thế đâu anh ạ, người em chứ dễ như chiếc bánh thì em sẽ bóc cho anh xem nhé! Chắc anh không hiểu nỗi tha thiết ngày gần nhất ta sẽ được bên nhau. Nếu không yêu nhau thì thôi chứ đã yêu nhau thì thích sống gần người yêu sưởi ấm tâm hồn nhau, chăm sóc chiều chuộng nhau, trong lúc đau ốm, buồn tẻ hả anh.
Đúng sự thật em không muốn xa anh nửa bước, chỉ muốn rằng chúng mình có điều kiện cưới nhau như cảnh hoà bình đàng hoàng. Cùng làm, cùng ăn, cùng ngủ với nhau một phòng kia anh ạ!
Anh yêu thương! Sáng hôm ấy trời mưa nước sông lớn, đường xa hẻo lánh chỉ một mình lặn lội. Giá như ở nhà chỉ một mình em và anh thì em không cho anh đi đâu song vì nhiệm vụ cách mạng nên ta tạm gác mọi tình cảm riêng tư một bên. Từ sáng 4/11 ta chia tay nhau, anh đi cánh nam sông Tranh, em ra tận cây số 68 sông Nước Mỹ nhận gạo, từ nhà ra đi một ngày đến sáng hôm sau trời tiếp tục mưa tầm tã, hạt mưa tranh nhau rơi, không biết anh của em đã đến đâu rồi, từ đó em phải tiếp tục hành trình hai ngày nữamới đến nơi. Đến nơi xong khi về khoảng 10 cây số theo đường ô tô thì bị mắc lụt phải nằm lại đấy một ngày mà lòng dạ phải lo không biết có về nhà được không, đường về cơ quan còn xa quá. Sao mùa mưa này dữ tợn quá, các cơn mưa cứ tiếp nhau, và các con sông thì càng ngày càng cuồn cuộn chảy, đã cuốn đi bao nhiêu người và bao nhiêu gùi hàng. Anh yêu của em ạ!... tâm trạng của anh hay của em lúc này cứ lo nghĩ cho nhau. Sau đó về sông Nước Oa các anh về hết, chỉ một mình em và anh Tám Tuyên ở lại giữ gạo, còn mọi người thì bơi sông về hết. Mãi đến sáng 21/11 nước cạn trở lại đón em và anh Tuyên, thế là chiều 21/11 em mới về đến nhà. Tổng cộng chuyến đi mang gạo là 17 ngày mới về nhà nghe ngóng tin anh. Vềnhà mọi người họ bảo em là anh bị nước cuốn mất, cả Đệ nữa. Đầu tiên chưa hiểu là sự thật chỉ tin là anh của em đã xuống suối vàng, không cầm được nước mắt khi nghe tin "sét đánh ngang tai", thế là từ đây xa nhau mãi mãi mà nghĩ trời đã không định cho chúng mình hưởng một cuộc đời trọn vẹn.
Anh Long ơi! Đi về lúc này qua trận lụt 20 ngày người trở nên nhếch nhác, tiều tuỵ lắm, tâm hồn em lúc này chẳng nghĩ ra chút gì nữa. Mãi đến tối anh Hạnh nói anh bị mất hết ba lô song người vẫn còn. Lúc ấy vui buồn lẫn lộn, đêm 21/11 này em không sao ngủ được vì thương anh mà chưa lúc nào em nghĩ về anh nhiều như lúc bây giơ, ước gì lúc này em sẽ có đôi cánh bay đến ấp ủ, sưởi ấm anh trong những giây phút đáng yêu thương.
Anh yêu của em!
Cảm thấy anh yêu thương em quá nhiều. Mà chẳng lấy gì làm vui lòng anh cả và nhận được thư nào cũng chỉ thấy tình yêu thương nồng cháy và mẫu mực đến thế và luôn suy nghĩ về em.
Anh Long yêu, mà cũng thời gian này là thời gian anh suy nghĩ về em hở anh. Trước tiên chỉ thấy có dịp mình cùng công tác mà ônlại những ngày dĩ vãng... Đầu tiên nói việc chung là niềm tin yêu của em thì mơ ước vậy. Còn hiện tại ta vẫn xa nhau. Từ hôm đi về đến nay có khoẻ không anh. Buồn lắm không anh. Còn đồ đạc thì nghe đâu mất hết cả hả anh, chắc những ngày này thì em ở xa song vẫn biết anh buồn và lo nghĩ. Thôi anh ạ! đừng nghĩ gì việc mất mát nữa nhé. "Còn người còn tất cả, còn những ngày vui đạt mọi nguyện vọng".
Anh yêu của em! nói thì vậy song chỉ mong làm sao gặp được anh để chia bớt nỗi buồn lo ấy, và chỉ ước ngày này mà có em thì ấm thêm để giải bớt mùa đông giá lạnh, em hỏi anh có khoẻ luôn không chứ em biết anh không khoẻ lắm mà lại gầy thêm. Nếu có gầy đau yếu thì hãy hoãn lại để ngày ta bên nhau đã nhé.
Đáng ra em còn biên thật nhiều cho anh nhưng em phải đi ngay nên em tạm dừng ở nơi đây, chỉ mong anh khoẻ mạnh, em vui nhất. Còn mất mát anh đừng lo nhé. Ta sẽ sớm trở lại nhé.
Trong này không có gì mà gửi cho anh hết, còn tiền thì như em đã nói với anh là đổi dây chuyền hết rồi, nếu có ai đi đồng bằng thì em sẽ bán đồng hồ sắm lại tất cả cho anh nhé.
Em gửi Hạnh mang giúp đến cho anh chiếc khăn len, khăn mặt, một hộp dầu cao còn em khoảng hết tháng này em về Ban, em sẽ mang các thứ cho anh, à gửi anh cây bút anh làm việc nhé.
Anh chuyển lời em đến thăm toàn thể gia đình nhé và em gửi thư của chú và cô em cho anh đây.
Mong anh ngủ ngon đêm nay, ngày mai khoẻ mạnh.
Tất cả hẹn ngày vui đạt mọi nguyện vọng.
Em. Thuý Ngân
À anh thay mặt em thăm Lệ nhé, em định gửi bọc võng sang em chợt nhớ anh còn màn tuyn.
THƯ GỬI NGÂN
Ngày 30/12/1973
Em thương của anh!
Anh gửi em xem quyển "Sống lại" - một quyển sách rất hay. Em xem xong, gửi qua, anh sẽ gửi tiếp tập hai cho đọc. Còn sách văn hoá anh Mai nói bên ấy có, nên anh không gửi qua.
Thuỳ có gửi cho em một chút quà nhân dịp năm mới, anh chuyển cho em đây.
Vừa rồi, anh Hà, Mai, Tuấn đã mời anh H.A đến gặp, giải quyết chuyện liên quan đến em. Nói chung là đạt yêu cầu của ta. Anh H.A sẽ gặp em để nói chuyện cho thanh thản. Nếu em gặp anh ấy, thì trước tiên gặp anh hoặc anh Tuấn để thống nhất với nhau những điều sẽ nói với anh ấy cho phù hợp. Phải gặp hai anh trước mới được, nếu không thì chưa nên nói chuyện gì hết.
Em đừng gửi thuốc cho anh, anh không tiêm đâu. Anh vốn rất ghét tiêm. Hiện nay vẫn còn khá nhiều thuốc bổ, song anh chỉ bỏ xó thôi. Tiêm không phải là cách tốt nhất để nâng cao sức khoẻ đâu. Mặt khác, vì em là y tá, cho nên anh không muốn nhận bất kỳ thứ thuốc gì em đưa - cho dù đó là thuốc em mua hay xin riêng. Chúng ta cần phải giữ ý trong việc này.
Còn tiền, anh vẫn muốn em mua đài. Hôm nào gặp anh sẽ đưa lại. Anh vẫn có tiền để mua các thứ cần thiết, em không lo. Em chăm sóc anh về đời sống vật chất, anh rất quý. Song, điều anh mong muốn hơn nhiều, là sự chăm sóc về tinh thần, tình cảm. Anh phải nói thật với em rằng em đã làm anh phiền lòng nhiều. Em hãy giải thích cho anh rõ: tại sao ảnh của bố mẹ, anh em anh, anh để cẩn thận trong sổ, em lại lấy ra, để lộn đầu xuống? Do vậy, anh đã
lấy lại, cất đi, vì không muốn để ảnh những nguời mà anh kính yêu nhất trên đời bị em quăng quật như những lá thư của anh. Có lẽ những nỗi bực bội ấy làm anh gầy đi nhiều. Anh chưa bị bệnh gì mà! Em chúc anh "Vạn sự như ý" - Vậy em hãy làm như thế đi. Thôi, chúc em khoẻ.
Hôn em. Anh của em
Việt Long.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 4/1/1974
Bố mẹ kính yêu của con!
Món quà đầu năm, con gửi đến gia đình là: con rất khoẻ, có lẽ quên sốt rồi! Hồi này con ở nhà làm công tác biên tập, khó được đi xa, vì anh em mới vào viết nhiều, tin, bài lắm, cần có người biêntập. Được bầu vào Đảng uỷ, trực tiếp làm bí thư chi bộ, con càng thêm bận. Con muốn dành nhiều thời gian cho công tác chuyên môn, đọc sách, đi sâu vào đời sống của quần chúng, tích luỹ vốn sống, song nay được giao trách nhiệm như trên, con không dám thoái thác, phải hoàn thành tốt. Con còn có một điều mong muốn là được đi học - học đại học, hoặc học lý luận, chính trị càng tốt, qua đó có dịp về với gia đình thân yêu. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế, con thấy hiện nay và trước mắt chưa phải là giai đoạn thực hiện mong ước ấy! Kẻ địch ngoan cố phá hoại hiệp định Pari, chúng con cũng như đồng bào miền Nam nói chung, chưa được hưởng một ngày hoà bình thực sự. Và chúng con, lòng thanh thản, lại tiếp tục truyền thống kháng chiến gian lao...
Bố mẹ yêu quý của con! Thấm thoắt xa nhà đã gần 6 năm rồi. Sáu năm qua, con có những bước trưởng thành đáng mừng, mặt khác con cũng già dặn thêm nhiều, đó là quy luật của cuộc sống. Cũng chính theo quy luật của cuộc sống, con không thể không nghĩđến chuyện xây dựng gia đình. Ôi! Đó là cả một loạt vấn đề phức
tạp, khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh ở chiến trường. Suốt 5 năm qua, con đã cố gắng dẹp nó đi, song nó vẫn cứ đến với con. Giá như con ở bên bố mẹ, được bố mẹ chỉ bảo, được xin ý kiến bố mẹ về người con gái nào đó mà con muốn yêu thương... Giá như con có một người bạn gái, người bạn gái ấy thường đến với gia đình, quen biết rồi thân thiết gia đình và cuối cùng được gia đình yêu mến, được bố mẹ gọi là "con"... Giá như thế thì con sung sướng biết bao! Nhưng đằng này, con không được như thế. Con đành lấy cơ quan làm gia đình, lấy đồng chí làm bố mẹ, anh em và con hỏi ý kiến những người ấy như hỏi ý kiến gia đình vậy. Và rồi, khi đã tham khảo ý kiến đầy đủ, đã quyết định dứt khoát, con mới báo tin để gia đình rõ. Sự việc nó lại đi ngược như thế. Song chắc bố mẹ tha thứ cho con về sự quyết đoán ấy - hoàn cảnh không cho phép con làm xuôi chiều. Do vậy, hôm nay con xin chính thức báo cho gia đình về chuyện ấy: hiện nay con đã có người yêu, tên là Thuý Ngân, y tá trong cơ quan con. Việc này được toàn thể anh em xung quanh, được tổ chức cơ quan tán thành. Bây giờ con xin giới thiệu để bố mẹ và gia đình hiểu qua về Ngân.
Ngân sinh năm 1952 (nhỏ hơn con 6 tuổi) tại Phước An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nông dân. Má của Ngân chết vì đau đã lâu. Ba Ngân là liệt sĩ - hy sinh trong giai đoạn tổng tấn công tết Mậu Thân. Các em đứa thì bị bom đạn chết, đứa thì lưu lạc, hiện không còn ai. Trong họ hàng có một số người đi tham gia cách mạng, trong đó có một người cô hiện đang công tác ở Hội phụ nữ huyện Tiên Phước.
Ngân còn một người ba nuôi, trước làm Phó Chính uỷ một Trung đoàn quân Giải phóng trong này, sau đó ra Bắc, là trung tá, vừa qua đi trong đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên vào Sài Gòn, rồi lại ra Bắc, hiện chưa rõ ở đâu. Ngân lên căn cứ từ cuối 1966 - lẽ ra ra Bắc học, song do đau ốm, trắc trở, không đi được nên ở lại tham gia công tác ở bên quân đội. Tới giữa năm 1972, Ngân chuyển về cơ quan con. Qua quá trình tìm hiểu, chúng con có sự thông cảm nhau thực sự, và đã thương yêu nhau. Tuy sống ở rừng núi lâu, Ngân vẫn rất khoẻ mạnh, người mập, chắc, trắng trẻo, có phần cục mịch. Về tính nết, Ngân chân thật, vui vẻ, có phần vụng về, không được khéo léo, tinh tế như con gái miền Bắc. Con gửi ảnh Ngân cho bố mẹ đây
nhé! Mong rằng bố mẹ và gia đình sẽ coi Ngân là người con thực sựcủa gia đình. Được con nói chuyện về bố mẹ, gia đình, Ngân rất quý, mong có ngày về trong tình thương của những người ruột thịt. Song khi con bảo viết thư thì cô ấy ngại, không dám viết. Chắc bố mẹ thông cảm về sự ngại ngùng ấy của một người con gái vốn e dè, hay tự ti. Con rất mong bố mẹ viết thư cho Ngân trước, cho phép cô ấy là con của bố mẹ, tạo cho cô ấy cái đà để vượt qua những nỗi ngại ngùng, e sợ ban đầu.
Bố mẹ ạ, vừa rồi con đã sống trong trận bão lụt lớn nhất từ khi con vào đến nay. Núi lở, nước dâng thật dữ dội. Nhưng khu vực con ở vẫn an toàn. Do một sơ suất của người khác, con bị trôi mất toàn bộ ba lô (con nói rõ là do sơ suất của người khác, chứ không phải do con, để bố mẹ khỏi hiểu lầm là con suýt chết đuối).
Trong ba lô, nói chung là những thứ khá tốt của con: máy ảnhPentax (anh Đỗ Phượng mới gửi cho con), quần áo, áo len... Hiện nay, được sự giúp đỡ của cơ quan, bè bạn, con đã bù đắp lại tương đối đầy đủ số tài sản bị mất. Con chỉ còn thiếu một cái áo len và một bộ quần áo tương đối đẹp để mặc trong ngày lễ, trong các cuộc hội nghị... Trước đây con đã điện nhờ VNTTX báo giúp gia đình như thế. Nếu dễ dàng thì bố mẹ hãy mua áo len cho con, nếu khó, đắt thì thôi, con có thể tìm cách mua ở trong này được. Con thích loại len xốp, mịn, mầu tím than hoặc xanh đậm, đan thường, cổ chữ V (chứ không phải cổ quả tim, cổ lọ). Còn quần, con thích vải symyly pha nilon, mầu tín than hoặc ghi xám (nói chung màu đậm), áo pôpơlin pha ni lông mầu xanh da trời, hoặc trứng sáo, hoặc nước biển (nói chung là mầu sáng một chút, song nhã, không phải là màu trắng). Nếu có, bố mẹ gửi vào cho con càng sớm càng tốt. Bố mẹ cứ nhờ chị Sáu (tổ chức VNTTX) chuyển là tốt nhất, chị ấy phụ trách vấn đề cán bộ B, mặt khác chị ấy biết chỗ gặp cán bộ trong này ra vào, gửi nhanh.
Các cô em gái của con ra sao? Cô Ngọc lớn quá rồi. Vào thời kỳ mà các em đang lớn, chuẩn bị bước vào đời, con rất muốn được gần gũi các em, lấy kinh nghiệm khi mình bước vào đời để chỉ bảo chochúng. Điều đó không có nghĩa là con lo lắng ở sự dạy bảo của bố mẹ với các em. Song những kinh nghiệm khi bố mẹ bước vào đời lại ở giai đoạn khác của xã hội, ít phù hợp với bây giờ. Mặt khác, con là
anh trai, dễ tâm tình hơn. Đặc biệt với em Ngọc, con muốn nó tập trung vào việc học hành, đừng vội nghĩ đến chuyện yêu đương. Theo con biết, hầu hết các học sinh trường đại học khi đã tới năm thứ 2, thứ 3 đều bước vào con đường yêu đương, và hầu hết tình yêu của họ đều không bền vững, không dẫn đến tình vợ chồng. Con không muốn để các em gái con đi vào tình trạng chung ấy! Trước đây, bố mẹ cũng thường giáo dục con về việc này. Song theo nhận thức của con, thì khi ấy, bố mẹ, đặc biệt là bố, dùng biện pháp nghiêm khắc, làm con sợ nhiều hơn là dùng biện pháp tâm tình, làm con hiểu, hiểu sâu sắc để có hành động đúng trong việc này. Con mong rằng trong việc giáo dục các em con, bố mẹ chú ý về mặt chỉ bảo, phân tích, tình cảm nhiều hơn nữa.
Các em Diệp, Lan, Thuỷ chắc cũng lớn nhiều rồi. Nhớ các em quá, song làm sao bây giờ!
Mong thư các em gái. Các em có muốn có một người chị miền Nam không? Anh đưa về cho các em một người chị nhé, các em vui đón chị của các em đi.
Cuối thư, con gửi lời thăm cụ, bà, ông bà trẻ, cô chú Phương.
Con mong thư gia đình.
Việt Long
Ngày 22/1/1974 (Thứ ba - 30 tết Quý Sửu)
Đêm giao thừa này tôi ở C.9 (Nhà máy in của Ban) - nơi mà Ngân mới chuyển về công tác. Anh em tổ chức đón xuân thật vui. Cùng đón giao thừa, vui văn nghệ. Sau đó về nhà. Lần đầu tiên được cùng Ngân đón giao thừa. Ngân nói rằng đây là giao thừa đầu tiên Ngân không khóc. Thức với nhau tới 2 rưỡi sáng.
Ngày 23/1/1974
Cả ngày và đêm này Ngân vui xuân với tôi. Trời nắng và ấm áp.
Ngày 10 - 11/2/1974
Gia đình tôi viết thư cho tôi. Mọi người đều quan tâm đến quan hệ của tôi với Ngân và ngày tôi về thăm gia đình..
Mẹ tôi viết: "Mẹ rất buồn ngồi viết cho con bức thư này, vì rằng lần này mẹ nhận được thư của con mẹ thấy ngày về thăm gia đình của con mờ mịt quá, mẹ thấy rằng nếu còn chiến tranh thì mẹ không yêu cầu đâu nhưng vì hoà bình rồi, mặc dầu trong Miền Nam vẫn chưa được hoà bình nhưng mẹ thấy bao nhiêu người họ cũng biết tìm về gia đình quê hương thăm hỏi thời gian ngắn còn con hình như con có trách nhiệm với tập thể quá cao cho nên con quên cả gia đình, chứ mẹ thiết tưởng xe cơ quan con cũng có vào đấy được mà gì con chả về nhà được thời gian, mẹ thấy như bộ đội còn chả đến nỗi thế nữa là con.
Cộng vào việc bây giờ cơ quan con họ lại giục con lấy vợ người trong ấy, như thế là coi như cơ quan họ đã xây cho con một cái móng rất chắc trong ấy rồi.
Rồi một ngày kia vợ con rồi thì có lẽ con là người trong ấy thôi chả còn ý nghĩ gì về gia đình đâu. Trước đây mẹ đã viết cho con một thư nói về chuyện xây dựng gia đình của con, nhưng chắc con không nhận được, con còn đang trẻ do đó sức cống hiến của con còn tốt, mẹ cũng không dám nói gì chuyện ấy, mà mẹ cũng không phải là lạc hậu lắm đâu nhưng về mặt tình cảm thì mẹ hay đòi hỏi vậy con cũng đừng trách mẹ, không một bà mẹ nào mà nuôi con 20 năm trời rồi đi biệt không được trách nhiệm lo lắng gì cho con mình về một gia đình riêng mà lương tâm không cắn rứt con ạ. áo len gửi vào nó không được đẹp lắm, nếu sau này có hoàn cảnh, có áo len khác thì để áo ấy cho em Việt mặc chứ đừng cho ai, mẹ dặn thế là vì mẹ biết tính con hay phóng khoáng quá, con nhớ rằng bố mẹ còn phải nuôi 3 em. Ngọc cũng chưa hết nhiệm vụ phải nuôi đâu, em Việt ở bộ đội thiếu thốn, thỉnh thoảng mẹ cũng phải gửi tiền cho nó thêm.
Đến cuối tháng 2 này em cũng mới được về phép. Thế là em cũng đã xa nhà 3 tết rồi.
Bố con dạo này ốm yếu nửa người gần như sắp bị liệt và bố rất buồn vì con không được về thăm gia đình. Bố bị nhiều bệnh lắm, trông người thì không đến nỗi nhưng bệnh trạng thì chết lúc nào không biết.
Mẹ thì cũng yếu nhiều, cả tuần mẹ ở trong trường đến chiều thứ 7 mới về nhà sáng thứ 2 lại đi.
Vợ chồng Phúc cứ cách một tuần lại cho con ra ông bà một ngày. Con bé cháu hay lắm, kỳ này gửi cả ảnh vào cho con đấy.
Thôi mẹ viết thế để con suy nghĩ thêm, còn việc gia đình riêng nếu mà con còn ở trong ấy lâu thì tuỳ con lo liệu lấy, chúc con khoẻ mạnh.
May quá anh đi tìm 2 ngày mua được cho con một bộ quần áo chả biết có vừa ý con không nhưng không thể hơn được nữa, phải mua ở hiệu ngoài đấy, mậu dịch không có."
Cô Chung tôi viết: "Sao độ này cháu vẫn khoẻ chứ? Cô khẳng định như vậy (còn công tác của cháu nhất định phải tiến bộ nhiều theo cô hiểu). Song cô cũng nhắc cháu vài điều và nói lại tình hình hiện nay để cháu rõ. Hiện nay cô rất bận, và bận lắm. Cô công tác tại bệnh viện E, thuộc hệ B - cô ở khoa ngoại sản còn chú thì đã về hưu rồi, em Tiến đang đi học công nhân cơ khí, em Quang đang đi học cơ khí ô tô, chuẩn bị đi công nhân nước ngoài, còn em Chiêu đang học lớp 5. Hiện nay cô chú đỡ vất vả hơn trước, còn cô chú hiện nay cô đã về ở khu Kim Liên cùng chỗ ở của bố mẹ cháu nên cũng rõ về cháu nhiều hơn, cô chú thực là rất lười viết thư, nhưng không phải thế mà quên hết cả đâu, cô nhớ lắm, nhớ cháu nhiều nhất. Và rất thương cháu vì cháu bé quá, còn non trẻ mới bước vào đời đã phải xa gia đình, xa tình thương, xa tất cả mọi người thân thiết nhất, và sức khoẻ của cháu cũng chẳng lấy gì làm khoẻ cho lắm nên cô rất lo cho cháu. Long ạ, trong lúc như thế này cháu nên tranh thủ ra thăm gia đình thì tốt hơn vì đang có điều kiện thuận tiện nhiều, cô nghĩ như vậy không biết có đúng hay không, hay cháu cho là cô lạc hậu. Nếu như vậy thì cũng được, cô thấy rất nhiều người ở trong ấy, họ ra điều dưỡng ngoài này, ở ngay bệnh viện của cô,
khám và chữa khoẻ rồi bác sĩ quyết định là đủ sức khoẻ để vào Bthì họ nhất định không vào. Đấy là người quê ở Quảng Đà rất nhiều ra đây, và Quảng Nam cũng nhiều, hầu hết là Khu 5 không, còn người Bắc mà vào đấy công tác thì khó được ra Bắc trở lại lắm là vì có nhiều khả năng, chẳng hạn như cháu! Có khi lại xin xung phong ở lại trong ấy là đằng khác.
Long của cô, cô cũng như mẹ cháu, rất muốn nói nhiều với cháu nhưng cũng rất khó, thật là khó quá. Vài hôm nay mẹ cháu và các em cháu cũng như cô nhận được thư của cháu, cả nhà rất buồn, buồn vì cháu vừa qua mất mát quá nhiều, mẹ phải đi lo mua bán gửi vào cho cháu, buồn về cái thứ hai không hy vọng gì về cháu có thể được ra ngoài này để thăm lại bố mẹ cháu và các em cháu, và hơn nữa lại nghe thấy cháu có người quen là gái người Khu 5, thật là gia đình chẳng ai bằng lòng cả, cô nói thật. Bố cháu bây giờ chân tay gần như bại liệt đi lại khó khăn lắm, yếu lắm không biết có sống để chờ ngày nào đó may ra cháu có được ghé qua Bắc để thăm lại người thương không? Còn mẹ cháu vẫn hút thuốc.
Long của cô, chắc cô nói quá thực với cháu, chắc cháu không tán thành lắm về lời nói của cô, nhưng cô có thể nói rõ để cháu hiểu hơn. Nếu cháu không có ý định ra quê hương thì cháu lấy vợ ở trong ấy thì tuỳ, còn nếu cháu còn có tí gì ý nghĩ về gia đình, muốn gặp lại bố mẹ và anh em, thì theo cô chưa nên xây dựng vội vã rồi sau này khó khăn lắm. Cô nói thực đấy, cô công tác ở cái bệnh viện này hàng ngày cô tiếp xúc với những người như vậy, thật là khó chịu lắm !!!
Không có tí gì là tế nhị cả, nói chung là không ưa gì được cả, cả những cô gái chưa có chồng cũng vậy, người nào họ cũng mang trong người họ ít nhất là 5 thứ bệnh, trông bình thường thì khó mà ai có thể hiểu được họ là có bệnh gì, nên cô rất sợ, còn nếu như cháu thấy là cô gái ấy khoẻ mạnh mà vừa ý thì tuỳ cháu. Còn gia đình thì thú thực chẳng ai có ý kiến gì cả đâu. Cô nói thực đấy, riêng cô thì cô rất là buồn, và không muốn cháu lấy vợ vội quá như vậy.
Cô rất thương và nhớ cháu lắm, rất mong cháu ra thăm lại gia đình.
Thôi nhé để thư sau cô nhận được thư trả lời rồi cô sẽ chuẩn bị lá thư sau cho chu đáo. Thôi nhé cậu nhà văn nếu tôi có viết sai hay không hay thì cậu đừng cười nhé.
Cô đang bận lắm, chú thì đi vắng nên không có thư cho cháu."
Anh Đức tôi viết: "Long thân! Qua những thư từ em viết về, biết em đã có rất nhiều tiến bộ trong công tác và trưởng thành nhiều về mặt chính trị, anh rất mừng. Nhất là bố thì rất hãnh diện về điều đó, thường vẫn nói đến những tiến bộ lớn đó của em với các chú, các bác bạn bố, bố rất mừng về điều đó.
Đấy là phần trả ơn, trả nghĩa rất lớn của em đối với bố mẹ.
Thư vừa rồi em có giới thiệu với gia đình về người con gái mà em thương yêu. Anh cũng đồng ý rằng ở hoàn cảnh công tác như em, không thể làm khác được. Mà ở tuổi như anh em mình thì việc lo nghĩ đến chuyện đó là điều tất nhiên. Anh cũng tin rằng em đã suy nghĩ và cân nhắc đầy đủ rồi, vì ở lứa tuổi của chúng ta thì sự suy nghĩ cũng đã chín chắn, không còn bồng bột, sốc nổi như ngày xưa nữa. Anh có lời mừng cho em, mong cho hạnh phúc của em được trọn vẹn, cho anh gửi lời hỏi thăm Thuý Ngân nhé. Bảo với Ngân rằng gia đình ta là một gia đình đoàn kết thương yêu nhau, bất cứ ai là thành viên trong gia đình cũng đều sẽ được quý mến như nhau.
Chuyện nhà ta, bố mẹ chắc đã viết cho em nhiều rồi, anh không phải viết nữa. Chỉ có bố mẹ đều đã già yếu hơn trước và mong có ngày cả gia đình đoàn tụ, vui vẻ. Nếu trong thời gian tới, em về thăm nhà được, cả Ngân cũng ra được thì bố mẹ sẽ sung sướng biết bao nhiêu. Cuộc đấu tranh của chúng ta còn dài, nhiệm vụ còn nặng nề, anh nghĩ rằng không thể chờ đến ngày thắng lợi hoàn toàn được. Ta có làm việc, công tác và sống một cách đàng hoàng, có lao động, có nghỉ ngơi thích đáng và hợp lý.
Còn về phần anh! So với trước đây anh cũng có nhiều thay đổi. Cũng già đi, và cũng có trưởng thành lên. Giờ đây anh không còn là một cậu bé rụt rè, dút dát như xưa đâu. Tuy vẫn còn giữ được phần
nào những nét ấy, khiến người mới gặp đều có nhận xét anh là một người hiền lành, nhưng hiền một cách khác đi rồi (các cô gái khi đã biết rõ anh thì đều nói: anh bạo lắm!) Giờ đây anh có thể kể qua cho Long và cả Ngân nữa nghe về những điều anh đã vấp váp trong những năm qua, bù lại cho thời gian dài im lặng nhé. Anh bắt đầu từ thời gian đi học em nhé. Long cũng đã biết, hồi ấy anh có một người bạn gái thật dễ thương và cũng rất xinh, đó là Nga. Bọn anh thân với nhau vô cùng, thân nhau vì có nhiều điều phù hợp trong cách sống, trong suy nghĩ và trong tâm hồn. Chỉ một năm học với nhau, thời gian thật ngắn ngủi, rồi xa cách nhau 6 năm trời mà đến bây giờ tình bạn vẫn không hề kém phần thân thiết thì em có thể hiẻu tình bạn ấy đã được xây dựng trên cơ sở vững chắc như thế nào. Hồi ấy bọn anh đều còn rất trẻ, tuổi trẻ thật là thơ mộng, thật là hồn nhiên và vô tư. Chính vì vậy mà dù xa nhau thì nhớ, học hành chỉ muốn ngồi bên nhau suốt, nhưng thực tình thì hồi ấy những mơ ước xa xôi về một cuộc sốg lứa đôi chưa hề hình thành. Cũng không thể tránh khỏi có những giờ phút bâng khuâng, nhưng còn thật là mơ hồ. Rồi thì thời gian xa cách đến, thư từ qua lại với những lời lẽ tâm tình, thủ thỉ với nhau những suy nghĩ riêng tư. Hồi ấy Nga đã có một người bạn trai rất thân khác, thân từ khi còn học lớp 6, thân vì là người bạn láng giềng. Và giờ đây Nga không được đi, có điều kiện ở gần người bạn ấy, chính vì vậy mà Nga đã nhận lời yêu người bạn ấy. Khi biết chuyện, qủa thật anh cũng buồn, một nỗi buồn thật lạ lùng. Nhưng cũng chính trong lá thư ấy Nga đã nói nhiều đến tình bạn giữa anh và Nga, rằng không vì có tình yêu mà phai nhạt tình bạn, rằng cả Viện, tức là người yêu của Nga, cũng sẽ tôn trọng và quí mến những người bạn của Nga. Thế rồi cho tới nay khi Nga đã cưới, đã có con, tình bạn giữa anh và Nga vẫn thắm thiết, trong sáng và cũng vẫn hồn nhiên như xưa. Anh yêu quý vô cùng tình bạn đó, và do vậy đối với người con gái nào mà anh yêu, anh cũng yêu cầu phải tôn trọng tình cảm đó.
Trong thời gian học tập ở bên Đức, em cũng có thể hiểu là đối với một người sống nặng về những xúc cảm bên trong chứ không phải bằng sự ồn ào bên ngoài, thì anh cảm thấy buồn như thế nào. Thời kì ấy anh quen một người con gái quê Sài Gòn. Chị ấy học sau anh một lớp, nhưng nhiều tuổi hơn, học lại vất vả. Gần nhau thì phải giúp nhau học tập, đó là điều thật hợp lẽ tự nhiên. Chính
trong sự gần gũi ấy, với tình cảm bồng bột của một thanh niên trẻ chưa hề biết tới hạnh phúc của tình yêu mà tình yêu giữa anh và chị Mây, tên người con gái đó, đã nảy nở. Nội quy cấm yêu, nhưng tình yêu thì nó vẫn đến. Biết làm sao, khi nó đến thì nó phải đến, thật nực cười với cái nội qui quá trẻ con đó! Dù sao thì nội qui đó vẫn tồn tại, người ta vẫn bắt mình phải tuân theo, và thế là những người yêu nhau phải yêu lén lút, phải đưa ra những chiêu bài này khác. Ngay cho tới bây giờ, anh cũng không nhận và sẽ không bao giờ nhận rằng yêu như vậy là sai cả. Học tập của anh không hề bị ảnh hưởng: anh vẫn luôn đạt điểm tốt và được nhà trường khen thưởng. Người ta vẫn nói, vẫn muốn đưa chuyện anh ra, nhưng đều thất bại và bất lực vì không có một lý do nào cả. Chỉ có một điều mà anh phải ân hận, đó là hậu quả của sự bồng bột đã lao vào yêu đương mà chưa có sự suy nghĩ đầy đủ, không hề có một sự tham khảo ý kiến nào của ai khác. Biết làm sao! Người ta chỉ thực sự nhận ra sai lầm khi đã thấy rõ những hậu quả do sai lầm đó gây ra mà thôi.
Sơ qua về chị Mây: Người gầy dong dỏng, không đẹp nhưng có những nét đáng yêu, có duyên. Thế nhưng gần nhau nhiều thì mới hiểu hết tính nết của nhau. Dần dần anh mới thấy rõ rằng chị Mây là một cô gái thật dễ tự ái (chứ không phải tự trọng cao), hay giậndỗi, nhất là đối với người thân. Đã giận thì lại giận rất lâu và không quên chuyện đó. Tóm lại: bụng dạ nhỏ hẹp, hay chấp nhặt, sự độ lượng thấp hơn mức bình thường ở một người con gái. Tuy vậy, đã yêu nhau nhiều năm, anh nghĩ đến trách nhiệm, nghĩ đến thời gian nặng tình nghĩa đã qua, nên anh đã quyết sẽ duy trì tình cảm đó, biết những nhược điểm của Mây để chiều Mây. Thế nhưng khi về nước thì lại có những phức tạp mới: Bố mẹ, các em đều không tán thành mà má của Mây thì cũng kiên quyết không tán thành, lại nữa Mây hay ghen bóng gió, không tôn trọng tình bạn của anh với Nga, còn ghen với tình bạn đó, rồi lại không có quan hệ bình thường với những người cùng phòng với anh, nhất là số các cô gái. Anh cố chịu đựng những chuyện đó, khuyên giải nhiều lần nhưng đều vô hiệu quả. Quả thật tính nết của một con người thật khó sửa.
Thế rồi mối tình ấy cứ kéo dài mãi, không nỡ cắt đứt, mà cũng không đẩy tới được. Mãi cho tới đầu năm 1973, anh và chị Mây mới
đi tới một quyết định dứt khoát: mỗi người sẽ đi con đường riêng của mình, tuy nhiên vẫn đối xử với nhau tử tế, quên đi, bỏ qua cho nhau những điều dở, giữ lại trong tình cảm những điều hay. Vừa rồi Mây đã lấy chồng: một người cùng quê Sài Gòn, cũng quen biết với gia đình Mây, đã để ý tới Mây từ một thời gian trước, cũng biết Mây đã có người yêu và biết cả rằng tình yêu ấy có nhiều vưỡng mắc khó đi đến kết quả cho nên đã chờ đợi Mây cho tới giờ phút này. Anh cũng mừng cho Mây, còn phần anh cũng thấy thanh thản, thoải mái và thoả mãn với kết thúc của sự việc. Mọi người ai cũng cho rằng giải quyết như vậy là hợp lý.
Sau chuyện này, anh muốn nghỉ ngơi một thời gian, giải phóng đầu óc khỏi những chuyện hao phí tinh thần đó: anh đi học đàn ghita, một thứ đàn anh rất yêu thích. Anh cũng không thể biết được rằng chính ở nơi đây anh đã tìm được hạnh phúc. Một tối nọ đang giờ học, chợt có người mở cửa, một cô gái còn rất trẻ bước vào với một nụ cười thật đáng yêu. Vì sao mà anh lại thấy rung động trong lòng vậy? Cô gái bước vào không nhìn ai, gặp thầy giáo ( anh TạĐắc, em Tạ Tấn, anh Đắc còn là đấu thủ bóng bàn loại cứng, Long còn nhớ chứ) rồi về ngay. Về nhà anh cứ thấy vấn vương: chỉ một cuộc gặp gỡ tình cờ như trăm nghìn cuộc gặp gỡ khác, hay đây chính là hạnh phúc? Thế rồi qua hỏi thăm, qua những lần tới nhà trò chuyện, anh càng thấy có nhiều điểm, rất nhiều điểm trùng hợp nhau. Rồi hạnh phúc đã đến, cô gái ấy sau một thời gian hiểu anh, hiểu gia đình ta, được ý kiến đóng góp vào của bố mẹ cô gái ấy, của các anh con ông bác, đã nhận lời yêu anh. Anh kể sơ qua cho embiết về cô gái ấy nhé: tên là Hoà, sinh năm 1954, quê ở Vân Đình -Hà Tây. Hoà người nhỏ nhắn, trắng hồng, học sư phạm 10+3 về nhạc, hiện dậy ở trường cấp II Tân Trào ngay ở phố Hàng Bông -Nhuộm. Tính Hoà rất dịu dàng kín đáo và hay e thẹn, một tâm hồn còn rất trong trắng và thơ ngây. Hoà còn 3 em: 2 gái, 1 trai, em trai út 6 tuổi. Cha mẹ Hoà đều còn sống và còn làm việc. Bố Hoà làm ở Bộ Văn hoá (phụ trách vật tư), mẹ Hoà làm ở cửa hàng Mậu dịch may mặc (số 4), nhà Hoà cũng nghèo, sống giản dị, chân thành. Cả bố mẹ và các em Hoà đều rất quý mến anh, đó là điều thuận lợi rất lớn. Nhà Hoà cũng từ kháng chiến ở Việt Bắc trở về, có nhiều điểm giống với gia đình mình. Trước khi đặt vấn đề với Hoà, anh có rất nhiều điều phải đắn đo. Anh đã từng trải nhiều, còn Hoà là một cô
gái hoàn toàn còn ngây thơ trong trắng, như vậy liệu anh có xứng đáng với tình yêu của Hoà không? Nhưng rồi anh tin rằng với những vấp váp đã qua, với những kinh nghiệm đã trải, anh sẽ đảm bảo cho Hoà một cuộc đời hạnh phúc, không chịu một thiệt thòi gì trong tình yêu dù anh không thể dành cho Hoà mối tình đầu được nữa. Tất cả những điều ấy anh cũng đều đã nói với Hoà, không dấu Hoà điều gì. Có vậy thì tình yêu mới bền chặt được, phải không? Anh và Hoà cũng rất nhất trí với nhau về một số điểm cơ bản: hoàn toàn bình đẳng về mọi mặt, tôn trọng nhau, tôn trọng những tình cảm riêng mà mỗi người yêu quý.
Chắc rằng với những sự phù hợp, với những thuận lợi về mọi mặt như vậy thì ngày cưới cũng sẽ không còn xa lắm. Có điều duy nhất Hoà còn đang e ngại: Hoà còn trẻ quá, trẻ nhất lớp mà lại cưới trước các bạn khác thì xấu hổ chết!
Thôi Long nhé, Anh kể sơ qua như vậy cũng đủ để em hiểu phần nào. Có dịp gặp nhau thì sẽ còn có thể nói nhiều chuyện khác nữa. Còn các mặt khác: hiện nay vẫn rất thích đá bóng và bóng bàn. Suốt 6 năm học tập, không bao giờ anh vắng mặt trong đội bóng của đoàn lưu học sinh Việt Nam ở Dresden với chân số 9 hoặc
10. Về đây anh vẫn còn tham gia đội bóng cơ quan. Bóng bàn vẫn ham, nhưng ít có điều kiện chơi (ở chỗ ở không có bàn, mà bây giờ cũng không thể mua đâu được một quả bóng). Ghi ta cũng chơi được, nhưng chỉ chơi được nhạc viết sẵn (không có Fantasie).
Thôi anh em ta tạm biệt ở đây nhé! Anh gửi lời hỏi thăm anh em, đặc biệt là thăm Ngân, chúc hai em hạnh phúc"
Em Bích Ngọc viết: "Hiện nay chúng em vẫn khoẻ. Riêng em đã bước sang học kỳ II của năm thứ 2, vừa rồi em đã học quân sự, cũng hành quân, cũng bắn súng, lăn lê bò toài... trời rét nhưng em cũng vẫn cố gắng tập tốt. Sang đến tuần này thì em bắt đầu bước vào học tập chính thức, nói chung học cũng vất vả, sống nội trú thì tất nhiên thiếu thốn nhiều, nhưng được cái ở tập thể rất vui, cùng giúp đỡ nhau học tập... cho nên cũng đỡ buồn.
Đọc thư anh, thấy anh vẫn khoẻ và công tác tốt, em rất mừng. Chúng em cũng rất mong có dịp gặp mặt "chị dâu tương lai" của chúng em.
Thôi nhé, em còn phải nhường lời cho 3 cô em gái của anh nữa cơ. Cuối thư chúc anh mạnh khoẻ, luôn vui vẻ và công tác thật tốt."
Em Thúy Lan viết: " Hôm qua (10/2) nhà mới nhận được thư của anh mới gửi ra, cả nhà rất mừng vì thấy anh được khoẻ mạnh. Em cũng thế, em càng mừng khi biết anh sắp có "tin vui". Em đã được xem ảnh của chị ấy. Em vẫn còn khoẻ lắm, học hành vẫn bình thường. Năm nay ở trong ấy anh ăn tết có vui không, năm nay cả nhà ăn Tết vui lắm, chỉ hơi buồn vì anh không được ra để ăn Tết với gia đình. Chị Thành với anh Phúc cũng bế cháu ra ăn Tết, nó khoẻ mà ngoan lắm anh ạ. Thôi, em chỉ viết mấy dòng cho anh mừng. Thư sau em viết dài hơn. Cuối thư em chúc anh mạnh khoẻ, công tác tốt để cả nhà mừng. Cà nhà mong anh về lắm. Khi nào tiện anh về nhà chơi anh nhé, mà chắc anh cũng chả về được vì còn bận công tác. Thôi em chúc anh mạnh khoẻ."
Ngày 31/3/1974
Hậu phương lớn đang chuẩn bị xây dựng Lăng Bác. Khu Năm lập ra Ban khai thác gỗ miền Trung Trung bộ, gồm các đồng chí Võ Chí Công (tức Năm Công - Bí thư Khu ủy), Bình, Sáu, Thể, Quyết và tổ chức khai thác, vận chuyển gỗ ra Bắc đóng góp vào việc dựng Lăng. Một công trường khai thác gỗ đặc biệt được mở ra ở khu vựcsuối Blau, xã Phước Hiệp huyện Phước Sơn. Anh Tô Đình Cơ, Phó trưởng Ban Lâm nghiệp Khu, được cử làm Chỉ huy trưởng công trường. Hôm nay, Khu ủy tổ chức lễ khai mạc công trường, chặt cây gỗ đầu tiên. Anh Năm Công chặt những nhát rìu đầu tiên vào cây gỗ hương, một trong những loại cây gỗ quý nhất của rừng núi khu Năm. Ba lực lượng chính được huy động vào việc này: Lâm trường Trà Mi - chuyên chặt hạ gỗ. Bộ đội các binh chủng và lực lượng giao thông vận tải chịu trách nhiệm cưa xẻ. Lực lượng công binh làm đường. Ngoài ra, còn có lực lượng nhân dân đi tìm gỗ và khiêng gỗ. Tôi đến công trưòng chụp ảnh và làm tin về những ngày đầu sôi nổi của công trường.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 8/4/1974
Bố mẹ kính yêu của con!
Hôm nay có anh Phấn ra, con gửi thư này nhờ anh ấy cầm đến tận nhà. Anh Phấn là một trong những người con thân nhất ở đây.
Con vẫn khoẻ, công tác tốt. Con rất thương nhớ gia đình, rất mong được ra thăm bố mẹ, song điều kiện ra không phải dễ dàng. Bố mẹ gặp những người ra thì biết đấy, đó là những anh lớn tuổi, sức quá yếu, vào đã quá lâu hoặc ra có công tác đặc biệt. Con không nằm trong những trường hợp ấy. Còn nói đến chuyện phép tắc thì phải vài ba năm nữa may ra mới có thể có được. Vì bố mẹ hiểu cho con rằng tuy đất nước ta đã có hoà bình trên danh nghĩa, nhưng chúng con - những người ở chiến trường - vẫn phải sống trong cảnh chiến tranh, do vậy phải chịu đựng những thảm hoạ của chiến tranh. Việc hy sinh tình cảm cũng là một trong những sự chịu đựng ấy. Trước tình cảnh chung ấy, con không thể vượt ra ngoài được, con đành nén tình cảm lại, chịu đựng một sự hy sinh ngấm ngầm. Giá như con được động viên, thì con sẽ vợi bớt nỗi đau xót trong lòng đi. Song, nhận những lời trách móc của mẹ, con chỉ thấy đau xót thêm mà thôi.
Con cứ nghĩ rằng sống trong một đất nước đầy đau thương này, thì gia đình ta là một gia đình hạnh phúc vô cùng. Nếu chỉ kể trong nhà, thì chưa có người nào phải đổ máu cho đất nước. Trong khi đó, bao nhiêu người đã ngã xuống rồi. Gia đình người ta tan tác mỗi người một ngả. Gia đình mình chỉ có con và Việt phải đi xa thôi. Con và Việt coi như được gia đình phân công đóng góp cho đất nước phần trách nhiệm phải đi xa ấy. Thế là nhà ta đã đoàn tụ lắm rồi. Tất nhiên, con cũng như mọi người, đều muốn sống đoàn tụ, ấm cúng. Song khi chưa được vậy thì phải chịu chứ làm sao?
Còn thèm khát được nhìn thấy bố mẹ, thấy Việt, Ngọc, Diệp, Lan, Thuỷ còn hơn thèm khát những gì sung sướng nhất của vật chất.
Con nhận quá ít thư gia đình, trong khi anh em người ta nhận đủ loại thư.
Buồn vô hạn.
Con: Việt Long
Những ngày tháng 4/1974
Trong khi chỉ đạo đẩy mạnh tấn công trừng trị bọn địch vi phạm Hiệp định, giữ vững vùng giải phóng, Khu ủy cũng chỉ đạotăng cường xây dựng căn cứ cách mạng. Đánh giá tình hình, Khu ủy tự thấy chưa có kinh nghiệm về lãnh đạo và xây dựng kinh tế, quản lý sản xuất theo tình hình mới. Khu ủy cũng phê phán chế độ quản lý hành chính phân phối hiện không còn phù hợp, cần từng bước vững chắc chuyển qua chế độ quản lý có kế hoạch, hạch toán. Hướng phát triển về kinh tế là xây dựng một nền kinh tế dân chủ nhân dân, độc lập tự chủ, xóa bỏ mọi ảnh hưởng của kinh tế thực dân kiểu cũ, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, đời sống, làm giàu cho Tổ quốc. Lấy nông nghiệp và lâm nghiệp làm then chốt, sản xuất lương thực, thực phẩm làm trọng tâm.
Năm nay, toàn Khu có bước tiến khá dài về xây dựng vùng giảiphóng: Đồng bằng phát triển ruộng vườn, miền núi định canh định cư. Khai hoang, phục hóa 2 vạn héc ta ruộng (kể cả năm 1973). Trồng gần 24.000 héc ta sắn, cao nhất từ trước đến nay. Chăn nuôi
53.800 con trâu, bò (tăng 20%), 180.000 con lợn (tăng 30.000 con). Trồng 2,5 triệu cây quế, 2 vạn cây dừa, 50 vạn cấy mít, 20 vạn cây cam. Phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp. Có 2 lâm trường, 2 xưởng gỗ. 8 tỉnh có màng lưới điện thoại... Miền núi đã vượt khỏi đói, rách, nhạt muối.
Đoàn 773 được thành lập từ năm 1973, với trách nhiệm sản xuất, huấn luyện quân sự (lực lượng hậu bị), giúp địa phương sảnxuất, có cơ sở ở Khâm Đức, Hiệp Đức, Đak Lon, Đức Cơ, đã khai hoang được gần 1.500 héc ta để trồng lúa, chăn nuôi gần 1.000 trâu bò, lợn giống, đắp 7 đập, đưa lò vôi vào hoạt động, mỗi tháng cho ra lò 12 tấn vôi...
Tôi đến một đơn vị sản xuất viết bài về việc thực hiện chủ trương đó.
Những người gieo mầm xuân trên vùng kinh tế mới
Hà Nội (VNTTX 10-4-74) - Họ là 85 người trong đội sản xuất 10 thuộc đoàn 773, lên thung lũng T (Tây Nguyên) quyết biến đất hoang thành ruộng cày, cấy, đồng thời giúp đỡ những đồng bào bung từ khu dồn dân của địch về xây dựng cả khu vực rộng lớn trở thành vùng kinh tế mới.
Việc đầu tiên khi đoàn quân đặt chân lên "trận địa" mới này là phát, dọn, chuẩn bị đất cho máy cày hoạt động. Vũ khí của họ là dao, cuốc, và ý chí sắt đá quyết hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng.
Đồng ruộng bị bỏ hoang 7,8 năm, đã biến thành rừng cỏ, lớp này chồng lên lớp khác dày đặc. Mảnh bom, đạn của địch còn vương vãi khắp nơi. Dao chém xuống gặp phải dây kẽm gai bùng nhùng, văng trở lại, có nhiều chỗ phải 3,4 nhát rựa mới đứt một lớp cỏ. Có những lúc trời mưa dầm dề, buốt lạnh thấu xương.
Nhưng, những khó khăn, gian khổ ấy không làm chùn bước những chiến sĩ chỉ biết chiến thắng. Phong trào thi đua "Bám đồng ruộng như bám chiến trường", cải tiễn kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động phát triển rầm rộ, đều khắp. Ban chỉ huy đội bám sát các tổ, vừa trực tiếp lao động, động viên anh em, vừa nghiên cứu kếhoạch sản xuất cho thích hợp. Đội trưởng có sáng kiến dùng rựa cán dài thước hai, dang thẳng tay phát, đưa năng suất từ 80 lên 200 mét vuông một ngày.
Tổ anh Ký, anh Tề phát huy sáng kiến, đưa năng suất phát gailên gấp đôi lúc đầu. Các đồng chí Chính, Đoàn, Bảy, Thông, Tề, Ký, Nhiệm... luôn luôn đạt ngày công và năng suất cao, được nêu gương cho toàn đội học tập.
Nạn lụt bão hồi tháng 11 năm ngoái đã cuốn trôi hết cả nhà cửa của đội, nay anh em phải vừa dựng lại nhà, vừa tranh thủ dọn những bãi đất cao. Khi nước rút, mọi người lại tràn xuống thấp dọn, phát...
Giành được thắng lợi bước đầu, đội tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "Tấn công đồng cỏ". Các tổ dàn quân trên đồng cày, cuốc. Tổ máy kéo bắt đầu ra quân. Chỉ trong thời gian ngắn, thung lũng T đầy cỏ hoang, gai góc đã trở thành cánh đồng rộng bát ngát.
Cùng với việc làm đất, đội 10 khẩn trương xây dựng các công trình thuỷ lợi. Những hố bom của địch được cải tạo thành những hồ chứa nước nhỏ. Một con đập nước chắn ngang dòng suối lớn, dâng nước lên cao, chảy theo con mương dài trên 2 ki lô mét uốn quanh sườn đồi, tưới mát cho hàng chục héc ta ruộng đất.
Cùng thời gian này, mạ được gieo xuống, khoai được lên luống.Đến ngày cấy, toàn đội đổ xuống đồng, đông vui như hội. Anh Tuân,cán bộ kỹ thuật, cùng các cô Ngát, Đạo, Bảy... làm nòng cốt trong việc cấy chăng dây, thẳng hàng. Những hàng lúa thẳng tắp thi nhau mọc lên phủ kín dần cánh đồng./.
Việt Long (TTXGP)
Từ 22 đến 25/4/1974
Tôi được cử đi dự đại hội Đoàn thanh niên Khu bộ lần thứ nhất. Ban chấp hành mới của đoàn Khu bộ có 17 người, trong đó tôi là ủy viên, phụ trách công tác Tuyên huấn .
Từ 28/4 đến đầu tháng 5 năm 1974
Quân khu Năm tổ chức Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩthi đua toàn Quân khu. Tôi thay mặt Phân xã vào dự Đại hội, được gặp nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua từ khắp các địa phương về, thu thập được nhiều tài liệu quý. Anh Nguyễn Chí Trung chủ trì việc biên soạn một cuốn sách loại gương điển hình chiến đấu của
các lực lượng vũ trang Khu Năm. Chúng tôi hăng hái tham gia, mỗi người một bài - tôi viết bài về bệnh xá 78 ở Quảng Nam.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Trần Hồng Cơ
Anh Việt Long kính mến!
Thư trước viết vội cho anh, thư này lại "vội viết" (cái số rứa đó).Chỉ vài phút nữa, Đồng, Phú về, Cơ viết vài điều sau:
-Tình hình Quảng Đà: Sau cái Nông Sơn - Trung Phước, vừarồi Thượng Đức, người ta chờ đợi một An Hoà - Đức Dục nhưngmãi... nên "bà con" cũng hơi... Nói chung Quảng Đà đã nổi dậy tốt nhưng cũng nhiều cái gay go lắm.
-Anh Quảng, Thụ đi Điện Bàn và Duy Xuyên nhưng không thấy gửi bài, phim gì về cả.
Anh Quảng đi Điện Bàn hơi căng. Thụ đi Duy Xuyên quá "lạ nước lạ cái" nên nghe nói là không làm gì được (có phần nguy hiểmnữa). Đán thì không có tin tức gì cả.
-Cơ: vẫn ở nhà trực, làm tin, nhưng bài thì bí quá vì Cơ không đi đâu.
-Đồng, Phú xuống nằm chờ mấy ngày nhưng không làm gì được. Anh Chu không biết ở đâu cả. F bộ thì Cơ cũng chịu thôi vì vậy đành để 2 cụ lên đường về nước vậy.
Tình hình sơ lược về Quảng Đà:
-Duy Xuyên: nổi dậy tương đối tốt ở một số vùng (chủ yếu là Trung Duy Xuyên) bức rút khá nhiều chốt, dân làm chủ chốt. Nhưng bà con lo địch phản kích.
- Đại Lộc: chủ yếu là dân từ An Hoà - Thượng Đức - Đức Dục -Nông Sơn... "tự giải phóng" về làng được khá nhiều (tất nhiên có ta tổ chức đưa về).
-Điện Bàn: Quân phản kích đông quá, căng thẳng.
Vài nét để anh nắm thêm tiện biên tập cho Quảng Đà.
Dân họ bảo "Quảng Đà ngày xưa là túi chứa Mỹ, nay là túi chứa nguỵ".
Thôi Cơ dừng bút, chúc anh khoẻ. Tình hình Quảng Đà chỉ có thế thôi.
THƯ NGÂN
Ngày 11/5/1974
Anh Long yêu quý của em!
Xa anh 1 tháng rồi làm sao khỏi nhớ anh. Chắc anh không thể hình dung được sự trông mong anh về, và nhớ anh đến đâu anh nhỉ.
Em bị ốm xuống nằm tại y xá Ban hôm nay đã 1 tuần rồi. Đau nhiều, ăn rồi chỉ nằm võng khóc thôi vì nhớ anh. Mà rất trách cho số phận từ lúc yêu anh chưa bao giờ em ốm có anh ở nhà. Lần này đau có khác nhiều lần khác anh ạ! Bị phù thận, đi kiểm tra bệnh viện đề nghị ăn nhạt 20 ngày, thế có khổ không. Mỗi bữa chỉ ăn được 1 bát cơm thôi, người xanh xao, chiều đến em cũng hay đến nhà các anh Thông tấn chơi song em cảm thấy mình lạnh lẽo quá vì vắng anh, em ước gì anh về ngay lúc này chắc em sẽ bớt đau, vì nhớ anh nhiều.
Anh Long yêu nhất của em! Chắc lúc này anh đang bận và mong thư em lắm thì đúng. Vì em biết anh rất yêu em, anh nghỉ tay một lúc nhé. Anh ngồi xích lại gần em, em kể chuyện cho anh nghe nhé, kẻo em giận đấy. Em đang đau, nằm trên võng thì bỗng
thấy thư của anh, em vô cùng sung sướng, hình dáng anh đang hiệnra trước mắt em và đang hôn em trong lúc em khóc. Đọc thư anh, em lại thêm phần nghị lực đấu tranh với bệnh.
Một tháng xa nhau rồi - 30 ngày không ít đâu anh nhỉ, vì em cứ nghĩ rằng khi đã yêu nhau rồi thì không thể rời nhau một bước mà nay đã hàng tháng xa nhau rồi mà, trong lúc đó lại đau nữa.
Anh yêu của em!... Khi vắng bóng anh, em đem thư ra đọc hết từ cái thư mà đã làm cho em suốt đêm không ngủ, đem ảnh ra xem, xem hoài, xem kỹ, có đoạn em thuộc lòng mà ngẫm nghĩ trên đời này chưa có ai có thể yêu em như anh cả, từ đó em cảm thấy em rất khuyết điểm với anh, rất nhiều, điều đó anh sẽ tha thứ tất cả cho em anh nhé. Mà mong anh lần này về hãy thương em hơn bao giờ hết. Anh có đồng ý với em không nào. Khi về anh hãy hôn em ngay nhé!
Em rất yêu anh, và hiểu anh. Trong lúc anh dỗi với em thì anh lại lạnh nhạt và không bao giờ hôn em, em rất đáng sợ anh chồng nghiêm khắc và chiều chuộng đó, em cứ nghĩ chắc lúc cưới nhau rồi, em biết điều và ngoan hơn, thì có thể nói rằng em là một cô gái có số phận chưa ai từng có, vì em thấy anh chiều em quá, anh cưng em quá nên có lúc em lên mặt với anh, điều đó em rất nghiêm khắc. Trong lúc xa nhau này em sẽ mong anh hãy quên đi những sai sót của em anh nhé!...
Từ lúc anh đi em ở nhà cứ trông anh mau về. Em chóng khỏi để anh khỏi buồn. ở nhà bạn bè của anh cũng hay đến đây lắm, trưa hôm nay có anh tên là Lài người Thanh Hoá ở tiểu đoàn 773 cũng đến thăm anh. Qua chuyện trò với em, thấy anh nói chuyện tử tế lắm anh ạ!... Vừa rồi em lại nhận của anh thư nữa, em biết anh quan tâm đến tình cảm của em quá, chỉ có anh Việt Long mới có cái đạo đức mẫu mực như thế. Trong lúc này em yêu anh hơn bao giờ hết.
Thôi nhé, vì em còn phải biên thư đi Bắc nên em tạm dừng bút.
Chúc anh ngủ ngon nhé!
Em
TB: Vừa rồi bố mẹ gửi cho em đôi dép, em gửi cho cô Lương, anh chuyển giúp em nhé và nghe tin cô bị đau gan, em gửi 2 lọ sirepa, 2 cái kẹp, gói đẳng sâm anh chuyển hộ em cho cô ấy nhé.
Về đây em sẽ thưởng.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 16/5/1974
Bố mẹ kính yêu của con!
Con đã nhận được thư của bố mẹ, anh Đức, các em, 7 cái ảnh và đầy đủ quà mẹ gửi cho con.
Nhìn ảnh gia đình, con thấy mừng vì các em đã lớn vọt lên rồi, đứa nào cũng mạnh khoẻ, khôi ngô, song con cũng lo là vì thấy bố đã già yếu đi nhiều. Con muốn có mặt ngay tại nhà để chăm sóc bố trong những ngày này. Chưa thực hiện được mong ước đó, con thấy lòng đau như cắt. Mẹ và nhất là cô Chung thì trách móc đến gần như mắng mỏ con vì con "không chịu" về thăm gia đình. Con đành chịu đựng lời mắng ấy. Con hiểu, con đã bất hiếu rất nhiều, đã làm cho gia đình lo âu, buồn khổ rất nhiều.
Song, con chưa biết làm thế nào để chuộc lại tội lỗi của mình. Do vậy, con càng đau khổ. Con dằn vặt, suy tính, có lúc muốn từ bỏ tất cả để trở về với gia đình. Song con không được phép làm như vậy, và chắc bố cũng không tán thành con làm như vậy. Còn xinphép ra thăm một thời gian rồi lại vào? Đó là điều có thể thực hiện được, song cũng còn phải chờ thời cơ nữa chứ. Vừa rồi cơ quan con có giải quyết một số trường hợp như vậy, song ít lắm, đếm không hết đầu ngón tay, mà cơ quan lại rất đông.
Trong cái chuyện "xếp hàng" này, lẽ nào con lại lấn lên trước được, khi còn có nhiều người đi trước mình rất nhiều, cần được ưu tiên. Do vậy, tuy nguyện vọng rất tha thiết, con vẫn nén lại, chờ thời cơ. Chắc bố mẹ không nghi ngờ gì lòng tha thiết của con mong
về gia đình, song nếu bố mẹ hiểu rõ hơn những khó khăn cụ thể của con trong này thì bố mẹ sẽ thông cảm cho con nhiều. Ai mà chẳng muốn gần gia đình, muốn được sống ở hậu phương - đã được hưởng hoà bình, sự dễ chịu về vật chất, lại có điều kiện thể hiện sự hiếu thảo của mình.
Còn việc con xây dựng gia đình riêng thì không có mâu thuẫn gì với việc con trở về quê hương cả. Ngân là một đứa trẻ mồ côi, không có gì ràng buộc cô ấy hết. Mặt khác, nếu về gia đình ta, con tin rằng Ngân sẽ biết sống phải phép gia đình, không làm bố mẹ phải phàn nàn đâu.
Nhiều khi, con nhớ gia đình quá, đem giấy ra viết thư, tuy không biết gửi ai cả, viết để giải quyết tình cảm cho chính mình.
Cuối thư, con kính chúc bố mẹ mạnh khoẻ.
Con
Việt Long
Từ 22/5 đến 20/6/1974
Các cánh quân Thông tấn xã tỏa đi các tỉnh Quảng Đà, QuảngNam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc... đều bám sát chiến trưởng, tích cực viết tin, bài phản ánh khí thế tấn công và nổi dậy ở địa phương. Bên cạnh việc chuyển tin qua hệ thống điện đài, anh chị em còn gửi thư từ, phim ảnh qua đường giao bưu. Tôi quí trọng từng lá thư, đọc đi đọc lại, rồi lại ngồi viết thư trả lời cho cácbạn. Tổ Bình Định viết thư nhiều nhất, tỉ mỉ nhất. Tổ này do Hồ Phước Huề làm tổ trưởng, cùng các phóng viên trẻ là Cao Tân Hòa, Nguyễn Long Phi, Nguyễn Thành Vinh. Giống như tôi hồi năm 1972, các bạn hăm hở lao xuống đồng bằng, đằm mình trong tìnhthương yêu, đùm bọc của đồng bào Bình Định, trong đó có cáchuyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát.
Thư của Cao Tân Hòa có đoạn: "Từ ngày 20/5 Hoài Nhơn bắt đầu nổ súng bước vào cao điểm. Anh Huề đã mang máy ảnh đi xã
Hoài Châu, còn em thường xuyên ở Văn phòng Huyện uỷ để trực tin. Thỉnh thoảng em xuống xã Hoài Châu nắm tình hình quần chúng chuẩn bị nổi dậy và xuống đường đấu tranh. Cả ngày nay em ở xã Hoài Châu định đi theo một mũi tấn công chính trị của quần chúng nhưng địch bắn phá ngăn chặn dữ dội, quần chúng chưa xáp vào được.
Lần đầu tiên sống trong không khí sôi động của chiến trường em cứ rạo rực hồi hộp thế nào ấy. Mấy đêm nổ súng em không thể nào ngủ được. Lúc nào em cũng cảm thấy vội vã."
Thư của Long Phi viết: "Từ ngày 18/5 chiến dịch bắt đầu mở, tôi và Vinh cũng đi với ban chỉ đạo, chỉ huy hoạt động, có bám sát chiến trường, nhất là ở các vùng trọng điểm như Mỹ Tài, Mỹ Chánh. Tin, bài, ảnh có làm được kịp thời và đã gửi về tỉnh. Chiến trường bom đạn nhiều và nhiều lần bị phục kích, chúng tôi vẫn công tác. Tất nhiên trong tư tưởng có phần lo chưa quen với cảnh đánh nhau thật sự. Song, tiếng bom, đạn, súng ống, đồng bào.... dần dần nó cũng quen đi và trở thành lẽ tất nhiên.
Cho đến hôm nay, 3 xã trọng tâm Minh, Tài, Chánh Cát đã giải phóng hoàn toàn cộng với 2 xã Cát Tài, Cát Minh (Phù Cát) cũng trong khu vực 4 đã giải phóng rồi. Chúng tôi đều làm việc tốt. Thỉnh thoảng, cũng về qua 1,2 ngày ở hậu phương làm việc, phản ảnh phong trào phục vụ chiến đấu, xây làng chiến đấu...
Tình hình lớn, công việc nhiều, chúng tôi tuy vậy cũng cố gắng làm, dù là mình chưa lành nghề lắm.
Kết quả: Tôi đã viết 17 cái cả tin và bài gửi về tỉnh. Vinh có gửi 40-50 kiểu phim về và một số bài nữa. Có số lượng vậy đó, song chất lượng còn chờ ý kiến các anh. Nhiều lúc chúng tôi nghĩ mình làm tưởng hung vậy, song có đáp ứng được yêu cầu ở trên không. Chúng tôi rất lo. Tin chiến thắng, tin quần chúng nổi dậy gửi về tỉnh cả rồi. Nhưng sao đài Hà Nội, Giải Phóng chưa đưa tới Phù Mỹ. Mặt khác ở Tuyên huấn tỉnh gửi tin tổng hợp về huyện thì trật hết. Có xã giải phóng như Mỹ Thọ, lại nói diệt 2 ác ôn, có xã chưa nổi dậy lại nói là đã nổi dậy".
Thư của Phước Huề viết: "H đi Hoài Nhơn được 20 ngày. Dự định thì lớn nhưng thực tế diễn ra chưa theo mong muốn. H chỉ chụp được một số phim và tráng gửi về phân xã. Các đồng chí nghiên cứu sử dụng. Máy hỏng, tôi ức quá, mở ra chọc bậy, thế rồi cũng chụp được. Không đến nỗi nào. Thật là chó ngáp phải ruồi.
Xuống Hoài Nhơn tôi có đi với E12, D6 dự một trận đánh đề chụp trận địa. Nhưng đến phút thứ 7 của trận đánh pháo, cối địch dập vào trận địa ghê quá. Sau đó lại máy bay ném bom. Suýt nữa tôi bỏ xác tại trận. Tôi cùng đơn vị rút ra và chạy một bữa bở hơi tai (5km hành quân chạy). Rút cục không chụp được cảnh ta làm chủ trận địa, thu vũ khí, san bằng chốt của địch.
Tình hình Bình Định diễn ra rất sôi nổi, đánh khắp nơi. Sôi nổi nhất là từ Phù Mỹ (phía Nam) và Bắc Phù Cát. Ta giải phóng 5 xã liền mảng với trên 30.000 dân, bức rút, san bằng hàng chục đồn bốt. Phá banh 3 khu đồn lớn. ở đây có Vinh - Phi làm ăn được. Vinh
-Phi có gửi một số tin, bài về rồi. Vinh có phim gửi luôn với tôi đây.
Các anh, chị em thân yêu! Bình thường thì không sao nhưng lúc chiến sự nổ ra thật là nhiều vấn đề mà mình không sao làm xuểđược. Được cái này, bỏ mất cái kia. Thời cơ quan trọng lắm. Tôi nhiều lúc ước gì 3 đầu, 6 tay để làm. Hơn nữa điều kiện đi lại khó khăn và vất vả quá nên cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt.
Hiện nay địch đang tập trung nống lấn trở lại. Ta đang tích cực đánh địch kiểu du kích, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Giờ đây tin tức tuyên truyền của tổBình Định sắp tới cũng tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm đó. Tin ở tỉnh đưa được nhiều và nhanh hơn các huyện. Tin huyện về đưa quá chậm do đường dây mặc dù mỗi phong bì có 2 chữ đỏ là "Thượng khẩn" hay "Hoả tốc".
Nhiều lúc phát hiện thấy một vài tin, muốn lao đi ghê gớm. Nhưng lúc anh em xuống đó thì gợi ý, viết gửi xuống chừng gần 10 ngày mới nhận được thì chậm mất rồi. Còn những huyện anh em không có thì không biết khai thác ở đâu được. Màng lưới thông tin viên, cộng tác viên ở đây tôi chưa tổ chức được. Tôi có ý định sắp tới
Ban Tuyên truyền mở lớp cho các huyện xã, mình sẽ tranh thủ tổ chức cộng tác viên. Nhưng chiến sự nổ ra, lớp học hoãn, chưa biết bao giờ mở được.
Tôi đành thất vọng chờ dịp khác. Tôi quyết tâm làm bằng được dù bây giờ chưa biết kết quả thì sau này các tổ khác xuống cũng có cơ sở ban đầu đi bước tiếp thuận lợi hơn".
Thư của Thành Vinh viết: " Phù Mỹ vừa qua có phong trào tiếncông nổi dậy rất tốt. Đánh, bức hơn 10 chốt trái phép. Quần chúng ở 5 xã (Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Tài thuộc Phù Mỹ, 2 xã Cát Minh, Cát Tài thuộc Phù Cát) nói chung rất phấn khởi tin tưởng cách mạng nhưng cũng có một số hoang mang dao động. Nổi dậy lần này rất khác hồi năm 1972: dân đông và bám trụ cả. Riêng một số ít có chạy vào vùng địch. Sau khi giải phóng ta đã vào làm công tác ngay: bề nổi rất nổi, bề chìm cũng làm tốt. Quần chúng ủng hộ nhiều cho cách mạng.
Thời gian sau, địch có nống lấn, đổ quân và đánh phá trở lại rất ác liệt. Hiện nay chiến sự xảy ra rất căng.
Vùng sau thì cũng làm tốt công tác như vận chuyển hàng, cổ động, tuyên truyền thắng lợi, cũng nổi.
Đặc biệt vừa rồi (9-6) địch đã tập kích vào hậu cứ (xã Mỹ Thọ) bằng xe tăng, bộ binh. Hiện nay coi như vùng Mỹ Thọ đang bị nó kiểm soát.
Em và Phi đi theo Ban Chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch, vào trong lòng địch làm nhiệm vụ. Cũng rất nguy hiểm vì bom pháo suốt ngày và cũng rất vui vì được chứng kiến tiến công nổi dậy.
Em đã làm được một số ảnh quí về nổi dậy và một số tin bài mẩu chuyện.
Theo ý kiến của anh B (thường vụ tỉnh, chính uỷ mặt trận) bọnem về rút kinh nghiệm, thì ngay ngày hôm sau là địch tập kích. Đời chinh chiến cũng có cái may phải không anh? Chứ bọn em ( Vinh,
Phi), cũng nói cho các anh biết để vui thôi, cũng bị chết hụt nhiều lần, số cũng đang còn nhợt nhợt chứ chưa phải bạc, ha ha!..."
Qua thư Hoàng Dục, Lâm Quý, Nguyễn Thụ, tôi được biết hoạtđộng nghiệp vụ của các tổ phóng viên Gia Lai, Đắc Lắc, QuảngNam khó khăn hơn ở Bình Định, nhưng đội quân Thông tấn vẫn tràn đầy nhiệt tình, xoay xở đủ mọi cách để viết tin, chụp ảnh.
Nguyễn Thụ viết: "Đi gần nửa tháng trời mà chưa làm được chi hết, mấy ngày tôi qua Xuyên Phú (vùng Tây Duy Xuyên) nhưng chỉ chạy càn mất nhiều thời gian. Sau khi mất nhiều cứ, địch điều nhiều quân tràn vào các xã vùng này cho nên các đơn vị vũ trang địa phương và lực lượng chính trị đã phải rút ra, tôi cũng phải ra.Đã ở ngoài này (Tuyên huấn) gần một tuần rồi, bây giờ lại trở lại vùng cũ để tiếp tục làm việc. Mấy bữa trước "kén chọn" nhiều quá cho nên chưa lấy được gì hết. ở vùng Tây này cũng có một số khu dồn, trong thời kỳ vừa rồi cũng nổi dậy về quê cũ (nói quê cũ nhưng ra các vùng xung quanh) và địch thì vẫn đóng ở các vùng đó, chỉ hoạt động ban đêm được cho nên không được bức ảnh theo ý đồ nào cả. Kỳ tới nếu tình hình mở ra khá thì điều kiện làm ăn cũng có. Bây giờ thì vẫn trong giai đoạn mai phục đã và theo dõi tình hình, chiều hướng sẽ xảy ra".
Hoàng Dục viết: " Khi đến đất Tây Nguyên, chúng tôi bị ốm đau, chủ yếu là sốt. Gia Lai sốt rét rất hung lại hay xẩy ra bệnh cúm. Anh em chúng tôi, những lính mới, cũng khó khăn trong việc phòng bệnh, vì sức khoẻ phần nhiều đã giảm khi đi trên đường từ Khu vào đây.
Hiện nay chúng tôi đã khoẻ. Thời gian đầu chúng tôi nắm tình hình chung ở tỉnh một vài tuần, sau đó sẽ xuống các vùng trọngđiểm của tỉnh. Nhưng thực tế diễn ra không theo ý muốn. Đã gần một tháng rưỡi nay, tình hình ở huyện 5, huyện 4 - nơi trọng điểm của tỉnh về chống lấn chiếm, bình định - đi lại rất khó khăn. Vì trên các đoạn đường 19, 21, 14 - những cửa ngõ đi xuống các huyện này địch kiểm soát rất gắt, việc đi lại hầu như bị gián đoạn.
Anh em cán bộ của tỉnh xuống công tác ở những nơi này cũng phải nằm lại. Anh em bảo vệ đường không cho đi. Trước tình hình đó, chúng tôi tiến hành đi nắm tình hình một cách sâu hơn ở những cơ quan, đơn vị chủ yếu của tỉnh. Qua những đơn vị này có thể hiểu thêm những vấn đề cơ bản của tỉnh, đồng thời cũng sẽ có tài liệu để viết được một số tin, bài tổng hợp".
Lâm Quý viết: " Sau 50 ngày vất vả hành quân vượt 3 con đường của địch nay đã đến nơi bình an vô sự, không ai sốt dọc đường. Tình hình sức khoẻ của tôi, Nhân, Khang đều khoẻ cả. Trên đường đi có thuận lợi và cũng có khó khăn. Song anh em chúng tôi đều khắc phục được, ai cũng vui vẻ lên đường đi đến nơi. Sau hai ngày nghỉ ngơi sáng nay chúng tôi có họp, rút kinh nghiệm đi đường và bàn phân công công tác. Thời kỳ đầu chúng tôi nhờ xe ôtôxuống đến Bình Định, sau đó cuốc bộ từ đó lên đây. Chúng tôi nghĩ thật là một chuyến đi kinh khủng - xa và nắng. Như vậy là qua 6 tỉnh rồi còn chi."
Cô phóng viên ảnh Triệu Thị Thùy "béo nhất Thông tấn" và hay làm nũng chúng tôi, cũng xông vào trận địa ở Quảng Ngãi để chụp ảnh và đã bị thương. Liên tiếp, tôi nhận được 2 thư của Thùy:"Đáng lẽ em phải viết thư về báo tin trước để các anh biết trường hợp em bị thương. Song vì lúc mới bị thương em cũng không biết tình trạng ra sao, sợ báo tin về các anh lo thì cũng phiền nên mãi đến tận hôm nay, sau một tháng nằm viện, vết thương của em về cơ bản đã lành, em mới viết thư về để các anh được rõ.
Ngày 28/4 em từ Tịnh Minh sang Tịnh Trà làm việc với Văn phòng Huyện uỷ Sơn Tịnh. Sau khi nắm tình hình, em thấy có Tịnh Bình nam nổi về 3 mũi giáp công và Tịnh Sơn về phong trào du kích chiến tranh nên ngày 2/3 em về Tịnh Sơn. Làm việc được một ngày thì địch nống lên, em và cán bộ xã phải nhảy hết sang Tịnh Bình nam, ở đây em làm việc với cán bộ xã Tịnh Sơn, em định sang Tịnh Sơn chụp ảnh nhưng đi được nửa đường phải quay về vì các ngả đường vào, địch bia tỉa, không cho dân đi lại. Em chuyển sang làm việc ở Tịnh Bình nam, ở đây về 3 mũi giáp công họ đang làm chứ kết quả chưa có nên em định làm một số ảnh. Ngày 8/5 em theo bộ đội và du kích xã lên trận địa bắn sang đồn địch. Trận địa hẹp,
xung quanh có gài nhiều mìn. Em vừa chụp được một pô bắn đại liên địch bốc cháy, em định đưa máy sang chụp phía đồn địch thì quả B41 của ta bắn sang. Dưới sức ép của B41 mìn gài trên trận địa nổ tung. Em bị thương 2 chỗ vào chân trái. Em tê dại chân không thể làm việc được, vừa lúc ấy pháo địch bắn sang. Chúng em phảirút lui. Đêm đó họ đưa em vào bệnh xá huyện. Gần chục ngày đầu em nằm liệt giường không đi lại được. Sau đó đi lần đến hôm nay em đi lại đã tương đối bình thường, nhưng ở vết thương mảnh vẫn còn nằm trong đó nên cũng hạn chế."... " Em đã ra viện được vài ngày nay, em và anh Quả anh Huynh gặp nhau ở Sơn Tịnh rồi cùngvề Tư Nghĩa ngày 14/6/1974. Đáng lẽ em về cùng anh Quả về tỉnh song vì hiện nay cái chân em chưa bình thường, đi ở đồng bằng cũng rất chậm và đau nên không thể leo dốc về tỉnh được vì thế hiện nay anh Quả phân công em và anh Huynh ở lại cánh Bắc. Em ở lại làm việc Tư Nghĩa và điều trị luôn. Em gửi về 10 kiểu ảnh em chụp trong thời gian qua.
Theo bình thường thì cuối tháng 9 này em phải về khu nhưng hiện nay do hoàn cảnh sức khoẻ, hơn nữa thời gian em đi xuống đây chưa làm được gì cả, nên mặc dù em cũng muốn về (vì nhiều lý do lắm) song do điều kiện nên em xin các anh được ở lại để làm việc đã. Mong các anh cho em biết ý kiến trong lá thư gửi cho em sắp tới."
Sát cánh bên nhau trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến trường, của núi rừng Trường Sơn, chúng tôi có tình đồng chí thắm thiết, như ruột thịt, không giấu nhau điều gì.
Nỗi khao khát về gia đình, tình cảm thắm thiết với vợ của Lâm Quý trở thành nỗi khao khát chung của chúng tôi, khi Quý viết: "à! Anh Chu, anh Long, dạo này có thấy thư của tôi không anh? Nếu có thư của bà xã tôi anh cứ xem, bí mật cũng được, rồi anh giữ kỹ cho tôi nhé! Nếu có thể anh viết nội dung lên cho tôi thì hay quá."
Còn Hồ Phước Huề thì tâm tình: "Thật buồn cho tôi khi nghe tin Thuỳ bị thương. Tin đó do Hữu Quả viết cho và mãi một tháng sau tôi mới nhận được (6/6/1974).
Tôi chưa có điều kiện để nói với các đồng chí rõ nhưng Việt Long và các anh, chắc biết rồi. Với lại tôi cũng định để một thời gian tìm hiểu nhau thêm. Nếu thuận lợi thì hết đợt công tác này về tôi sẽ báo cáo chi bộ (Tức là đầu năm sau).
Chưa nói ra nhưng chúng tôi đối xử với nhau đã vượt cao lên trên tình bạn.
Nhận được tin này tôi bàng hoàng, sửng sốt và không thể tin được, dù đó là có thật. Rồi tôi lo lắng, bồn chồn mãi, không biết sự việc cụ thể ra sao. Thú thật với các đồng chí là không an tâm mà ngồi làm việc được. Cứ muốn đi thăm rồi mới xuôi xuôi được. Nhưng vì nhiệm vụ của mình tôi không thể đi được. Tôi phải cố nén tình cảm của mình lại. Tôi viết thư động viên Thuỳ yên tâm điều trị cho vết thương chóng lành và đừng lo nghĩ gì ảnh hưởng đến sức khoẻ. Lúc này tôi thấy mình phải chăm lo cho Thuỳ nhiều hơn và tráchnhiệm phải nặng nề hơn. Đường sá cách trở quá không biết những bức thư của tôi có đến tay Thuỳ không? Tôi đành trông cậy vào các đồng chí trong tổ Quảng Ngãi và các đồng chí ở nhà lo liệu thôi. Tôi tin rằng Thuỳ sẽ khỏi và trở về vị trí chiến đấu. Niềm tin đó giúp tôi an tâm công tác. Thuỳ bị thương cũng là một điều nhắc nhở cho tôi và cho các tổ khác đi các tỉnh phải có trách nhiệm hơn nữa đến các đồng chí phóng viên của chúng ta.
Các đồng chí ở nhà nhớ nhắc nhở luôn các đồng chí mới vào phải hết sức cẩn thận, không nên chủ quan khinh thường. Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn, bom đạn, quân thù còn đó, chúng ta vẫn còn cùng đồng bào, chiến sĩ đứng ở vị trí tuyến đầu. Máu chúng tacòn đổ. Đó là tất nhiên. Nhưng chúng ta phải hạn chế được đến mức tối đa sự mất mát, hy sinh do chiến tranh gây ra, có phải không các đồng chí."
Thông tấn xã chúng tôi cũng tích cực tham gia những công việc cố hữu ở căn cứ: gùi cõng và sản xuất. Cao Tiến ất, Trần MinhPhượng, Phan Đình Khôi chăm chỉ với công việc nhà nông. Khôi viết thư kể: "Từ hôm Phượng vào đây, rồi anh Việt Long về ngoài đó, ở đây anh em đều mạnh khoẻ cả. Công việc nhà nông cứ đều đặn tiến hành. Trước đây định đắp đập làm ruộng nhưng kế hoạch
không thực hiện được nên anh em làm việc có nhàn hơn. Ngoài việc chính làm cỏ cho sắn, thu hoạch ngô khoai thì xay lúa, giã gạo... Không khác gì cảnh gia đình, nên nhớ nhà ghê anh ạ.
Phong trào đoàn thanh niên sôi nổi hơn và vui hơn trước nhiều.Đời sống cũng có phần được cải thiện. Rau cỏ thì đảm bảo đầy đủ."
Qua hệ thống điện minh ngữ, tôi truyền đạt ý kiến chỉ dạo của Ban Tuyên Huấn Khu:
Gửi các tổ Quảng Đà, Quảng ngãi, Phú Yên:
Ban nhắc: Ngoài việc đưa tin nổi dậy, chống Bình Định, lấn chiếm thường xuyên, cần viết thêm tin về các mặt khác. Trước mắt viết tin về một số xã có thành tích khá về sản xuất, về văn hoá giáo dục, tin về vùng mới giải phóng, các vùng dân về, tin hoạt động của chính quyền, của các đoàn thể. Nội dung tin có so sánh với trước để thấy sự đổi mới.
Mỗi tuần điện về ít nhất 2 - 3 tin về các mặt trên. Chú ý đưa tin tổng hợp về nổi dậy, binh vận, đấu tranh chính trị tháng 6, 2 tháng qua, 6 tháng qua.
-Đã nhận thư, điện của Hữu Quả, phim của Huynh.
-Trinh chờ Thuỳ cùng về
-Đã nhận thư, tin của anh Thạnh. Không thêm người vào Phú Yên..
Ngày 21/6/1974
Tôi dự giao ban của Ban, tổng hợp tình hình tình miền Trung Trung bộ từ 21 tháng 4 đến 15 tháng 6 năm 1974 như sau: Ta tấn công tiêu diệt và làm bị thương 12.500 tên địch, 13 tiểu đoàn, 47 đại đội, 113 trung đội, san bằng 250 cứ điểm, phá bung 30 khu dồn, giải phóng 10 vạn dân. Bản tin Thông tấn xã của chúng tôi ra đều, trong đó đưa tin khá tốt về binh vận, tố cáo tội ác của địch, chiến sự
và xây dựng lực lượng cách mạng. Có những tin nổi bật như: BìnhĐịnh, Quảng Nam - binh lính ngụy chống lệnh hành quân. Hàngngàn đồng bào người nhà binh sĩ ngụy ở Bình Định đấu tranh đòi chồng con em về nhà làm ăn. Trong 10 ngày (18 - 28 tháng 5),
15.000 đồng bào Hoài Nhơn, Phù Mỹ bao vây, bức rút 11 đồn bốt, thu hồi về vùng giải phóng 3 xã. Ngành Nông nghiệp miền Trung Trung bộ giúp đồng bào mới ở khu dồn về nông cụ, giống để sản xuất: 6.000 lưỡi rựa, 1.000 lưỡi cuốc, 55 ki lô gam hạt rau giống, 1 tấn phân đạm. Có một số bài đã tập trung cho trọng điểm tuyêntruyền: nêu bật khí thế nổi dậy của đồng bào (Đẩy lùi xe tăng địch, San bằng đồn bốt địch, Như chim sổ lồng), công tác binh vận (Sự tỉnh ngộ của trung úy K'Rông, Con đường sống duy nhất của người lính Sài Gòn, Cuộc hành quân phải bỏ dở). Bài về xây dựng cũng khá (Thăm trường cấp một nội trú đầu tiên của tỉnh Gia Lai, Một buổi tập luyện đánh chốt).
Ngày 1 tháng 7 năm 1974
Sinh nhật lần thứ 28 của tôi trong không khí sôi động của toàn chiến trường. Trời trong xanh, nắng vàng dịu.
Thư từ, tin tức của anh em từ khắp nơi của miền Trung gửi về truyền cho tôi cái hừng hực của phong trào, giúp tôi có thêm "lửa" cho trái tim đồng thời giữ được cái "lạnh" của đầu óc để biên tập tin cho có chất lượng (các thầy dậy tôi: nghề làm báo vừa phải có trái tim nóng đầy nhiệt tình với cuộc sống, lại phải có cái đầu lạnh để tỉnh táo xem xét hiện thực).
Phân xã của chúng tôi đã có tới 42 người, gồm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật ảnh, kỹ thuật máy ảnh, trong đó 22 đồng chí được biên chế vào các tổ phóng viên tỏa về 9 tỉnh làm nghiệp vụ. Trong 6 tháng đầu năm 1974, toàn Phân xã của chúng tôi phát được 493 tin, bài (có 97 bài, mẩu chuyện), trong đó có 47% về quân sự, 34% về chính trị, 7% về binh vận, 7% về kinh tế, còn lại là về văn xã, 7.295 tấm ảnh các loại, trong đó phát cho các báo Cờ giải phóng, Văn nghệ, Hình ảnh Việt Nam 135 tấm và triển lãm 1.602 tấm. Tin, bài, ảnh của chúng tôi gửi về Tổng xã phần lớn được phát,là nguồn phong phú cho các báo, đài ở Miền Bắc và Đài Giải phóng,
cho các cuộc triển lãm và cho yêu cầu tuyên truyền của các địa phương.
Ngày 7/7/1974
Xuân Quang, phóng viên ở tổ Quảng Nam viết thư cho tôi. Có lẽ đây là lá thư duy nhất tôi nhận được nói đến chuyện không vui trong quan hệ công tác: "Nhân tiện đây, em muốn tâm sự với anh một chuyện trong thời gian qua mà theo em được biết, dường nhưcác anh và các bạn ở nhà quá quan tâm và lo lắng. Đó là chuyện giữa em và cơ quan mình đến công tác trong mối quan hệ. Những khuyết điểm của em như anh đã biết. Có! Em mạnh dạn dám nhận là thời gian qua em có mắc một vài thiếu sót: tự động dùng máy chữ mấy lần (trong đó có một lần nặng tự ý bỏ tập giấy đang đánh dở ra mà không hỏi ý kiến của ai, chỉ cốt làm được việc mình), có lần làm việc mệt quá ngủ thiếp trên bàn, đi khỏi nhà ít khi báo cho cơ quan. Những thiếu sót đó em đã nhận và sửa chữa. Còn quan hệ với cơ quan, với các đồng chí lãnh đạo như thế nào cho đúng mực, phải tôn trọng địa phương... thì những cái đó em không mắc khuyết điểm gì. Cho đến nay sự quan hệ giữa em và mọi người ở đây vẫn bình thường, trên tình đồng chí. Ngoài công việc của mình, em vẫn tham gia những việc làm ở cơ quan thấy hợp với sức khoẻ và thấy cần thiết. Anh có thể yên trí rằng: Em vẫn yên tâm công tác được ở đây.
Anh dạo này vẫn khoẻ đấy chứ, hơn 3 tháng nay chưa được gặp anh, mong một ngày gần đây về nhà chơi để tâm sự với anh. Em nghe tin anh Chu, Minh, Mùi đã đi chiến dịch. Các bạn ở nhà vẫn khoẻ và rất bận. Tuyết Trinh đi đón Thuỳ về, không hiểu tình hình Thuỳ ra sao, lo cho Thuỳ quá... Còn Phú thì đi viện. à, nghe Yên nói em còn sữa hộp ở nhà, anh nhớ gửi hộ em cho Phú một hộp nhé. Thôi chào anh.
Chúc anh và các bạn ở nhà khoẻ.
Thân. TB. Anh Long ạ!
Rất buồn là cho tới hôm nay, Minh ngữ vẫn chưa hoạt động được (hết pin), thành thử đã từ lâu chúng em phải gửi tin, bài về
bằng đường dây, do đó rất chậm và hình như có phần không bảo đảm (không hiểu sao lâu lắm không có một tin nào nói về Quảng Nam. Vừa qua, bên cạnh đưa tin về chiến sự, chúng em có đưa tin về vùng giải phóng.)
Ở trên này, giữa cơ quan có trách nhiệm và người làm việc phát tin thiếu sự thông cảm với nhau về nghề nghiệp, cho nên lâu nay thường trắc trở về khâu này. Mấy hôm nay, anh điện báo viên đài minh ngữ đã về Khu để trình bầy tình hình thực tế dưới này cho anh Sinh biết. Không biết kết quả ra sao. Em rất lo khi chiến dịch nổ ra, mà tình trạng ngừng trệ hoạt động của bộ phận phát tin như hiện giờ kéo dài mãi thì thật là phiền phức, không hay ho gì cả, sẽ ảnh hưởng tới công việc chung."
Ngày 11/7/1974
Tôi làm việc với anh Phương, Phó trưởng Ban Tuyên huấn khu. Anh còn có tên là Hồ Dưỡng, nguyên là Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân. Là một người đầy kinh nghiệm trong khâu biên tập, anh đã sửa từng dòng tin do tôi trình duyệt, với độ chuẩn mực về chính trị và sắc sảo về nghiệp vụ đến lạ lùng. Bao giờ tôi cũng đọc kỹ chỗ anh sửa để rút kinh nghiệm cho bản thân về cách viết, cáchbiên tập. Anh căn dặn tôi: Đối với phóng viên, cần giúp anh em nắm được nhiệm vụ, yêu cầu tuyên truyền chung, yêu cầu tuyên truyền trong từng thời gian (tổ chức cho anh em nghiên cứu Nghị quyết của Khu ủy, Tỉnh ủy...) Cần thường xuyên trao đổi, bồi dưỡng, rút kinh nghiệm cụ thể về nghiệp vụ với từng phóng viên - tổ ở tỉnh xa có thể đi lâu, tổ ở tỉnh gần thì một vài tháng tổ trưởng về Khu làm việc với phân xã một lần. Chú ý đưa tin đều về 3 mũi giáp công, 3 vùng chiến lược (nông thôn đồng bằng, miền núi, đô thị), cân đối tin chiến đấu và xây dựng. Về ảnh, nên có phương hướng cung cấp cho tỉnh, tiến tới dùng ảnh làm phương tiện giáo dục, tuyên truyền quần chúng (có thể giúp tỉnh có ảnh để triển lãm).
Anh Phương vào trong này đã lâu, có vợ công tác bên Phụ nữ Khu - chị tên là Lụa. Vốn tính hài hước, anh Phò hay đùa là anh Phương thích nhất điệu múa Lụa! Anh Phương rất hiền, chỉ cười.
Ngày 12/7/1974
Cơ quan chúng tôi tổ chức đào ao thả cá. Tới hôm nay, các bộ phận đã góp được 338 công. Cùng với 5 đơn vị bạn, Thông tấn xã của chúng tôi được Ban biểu dương về tinh thần đóng góp và hiệu quả lao động. Chúng tôi đã tạo thành hình ao, đang làm mương dẫn nước, thoát nước để ngày 15 này đưa nước vào. Chúng tôi cũng lập được một đội bóng chuyền, tập luyện thường xuyên vào chiều thứ bẩy và các sáng chủ nhật.
Ngày 18/7/1974
Họp Phân xã. Chúng tôi bàn biện pháp phát huy tác dụng tuyên truyền của ảnh Thông tấn. Cử người đi quanh Khu nắm và điện cho ban Tuyên huấn các tỉnh nắm nhu cầu về ảnh để đáp ứng. Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp cho mỗi huyện trong Khu một bộ ảnh vào dịp này. Không những chúng ta triển lãm ảnh ở vùng giải phóng, mà còn phải đưa ảnh cách mạng vào sâu trong vùng địch kiểm soát. Chúng tôi cũng điện ra Hà Nội xin Tổng xã cấp cho giấy ảnh số 3 có độ đen trắng tốt, phù hợp với điều kiện in, phóng ảnh trong này.
Từ 20 đến 25/7/1974
Anh em ở các tổ phóng viên và gia đình liên tục biên thư cho tôi.
Những lá thư của các bạn từ Bình Định, Quảng Đà, Quảng Nam... không những phản ánh tình hình thực tế mà còn thể hiện nỗi trăn trở về nghiệp vụ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ nhà báo trẻ trước cuộc sống. Cao Tân Hòa bị sốt suốt một tuần, nhưng dứt sốt lại lần xuống xã Hoài Châu để viết tin. Hòa đề nghị được ở thêm địa phương, tới tháng 12 mới về. Hoàng Chu viết sôi nổi: "Như vậy là cứ điểm Nông Sơn đã được giải phóng, mình đã viết bài tường thuật về trận chiến đấu diệt gọn 2 tiểu đoàn địch này. Bài viết gửi ngày 19/7/1974, ngay sau khi Nông Sơn giải phóng. Nhưng đồng chí Văn - báo quân giải phóng - ở A4 nói chưa có, mình viết lại có cụ thể hơn một chút để gửi tiếp một đồng chí
cán bộ về A4. Nhưng sợ không về tới nơi, mình lại gửi bài viết nàycó chữa lại và gửi qua Tuyên huấn Quảng Đà để điện về nhà (Bài này mình viết để phục vụ cả cho sư đoàn, để sư đoàn đánh máy gửi xuống các đại đội).
Mình đang ở Phòng Tham mưu F để tiếp tục theo dõi, chuẩn bị tài liệu viết bài tổng hợp chiến dịch. Có thể chiến dịch phát triển đánh trận quyết định, mình sẽ đi chứ không ở Phòng Tham mưu F nữa. (F: Sư đoàn).
Bộ chỉ huy tiền phương chuyển luôn nên làm nhà, đào hầm thường xuyên và mệt (mình cũng phải đi cõng gạo).
Tuy vậy viết bài không biết gửi về nhà bằng cách nào cả, mình tìm mọi cách, hỏi mọi nơi để tìm cách gửi nhanh nhất mà cũng khó khăn. Anh Trung có hứa sau khi Nông Sơn giải phóng sẽ có công vụ đến đưa bài đi nhưng không thấy.
Còn ảnh thì không hoàn thành được (Khi về mình sẽ báo cáo lại vấn đề này). Giờ mình trình bày sơ lược thế này:
-Hà không thực hiện chương trình, phương hướng công tác của tổ (mình và anh Trung bàn). Hà tự do đi làm theo ý của mình nên mình hẹn ngày phải có mặt ở D8 đánh cứ điểm Nông Sơn, Hà đã không có. Hà đi mũi của một E dự bị của chiến dịch nên không làm được ảnh. Khi Nông Sơn đánh xong mình hẹn phải về sư đoàn bàn công tác, không về. ở chỗ này Hà đã làm cho anh Trung và mình băn khoăn và khó chịu (Tất nhiên có vấn đề ý thức, về tư tưởng ngại gian khổ).
Như vậy Hà đã không có ảnh về Nông Sơn. Mặc dầu trận đánh Nông Sơn rất đẹp và có đủ điều kiện làm ảnh. Mình đang xin phimcủa đồng chí Thôi, phóng viên của F. Đồng chí Thôi chụp được 6 cuốn, đủ các vấn đề: từ lúc nổ súng đến khi giải phóng, dân trở về. Mình sẽ gửi phim về để ở nhà kịp tuyên truyền cho Nông Sơn.
Đến hôm nay E1 và D31 đã đánh giải tỏa diệt 2 tiểu đoàn, nhưng Hà vẫn chưa thấy về, mình đã viết thư gọi về. Mình rất buồn vì ảnh Nông Sơn ta không làm được.
Tình hình có vậy, mình có bàn với Yên cố gắng đến nơi dân về, trại tù binh để khai thác, chắc ở nhà cũng cử phóng viên đi rồi.
Mình rất khó đi vì đường xá không biết, hơn nữa đi rồi cơ quan chuyển, lại không về kịp thì rất gay. Mình chỉ làm được một việc về chiến đấu mà thôi."
Nguyễn Thụ vừa đến Quảng Đà là lao xuống huyện Duy Xuyên ngay. Tuy vậy, " khu vực đó khó làm ăn quá, nhất là ảnh nữa. Hoạt động chủ yếu vùng này về quân sự tập kích lẻ tẻ, phát động quần chúng, tuyên truyền và chỉ hoạt động ban đêm. Một số ý đồ khác nữa thì thấy cứ nằm ở rừng thì không làm ăn gì được. Tôi quyết định lên vùng tây Duy Xuyên. Hiện nay chiến sự đang diễn ra lớn ởAn Hoà - Đức Dục (chưa biết cụ thể). Số dân đưa về vùng giải phóng cũng đang có chiều hướng tốt, còn phương thức hoạt động thế nào nữa thì phải xuống đó nắm cụ thể. "
Nguyễn Xuân Quyết đến Quảng Nam là "bay" ngay về Nông Sơn mà vẫn không kịp, dân đã ra hết rồi, chỉ còn một số ở lại giữ của thôi. Mấy hôm nay ở Nông Sơn vui lắm. Bộ đội, du kích vẫn một mặt đón đánh bọn địch tới giải toả, một mặt truy lùng tề điệp, ác ôn và tàn binh. Dân chưa ổn định lắm, mật độ bom pháo vẫn dày, trị an còn gặp khó khăn. Hôm tôi xuống không kịp làm về dân bung ra, mà chỉ ra ngay được phía truớc gặp số phòng vệ dân sự mới quay súng trở về đang làm công tác ở ngoài đó để chụp một số ảnh tại chỗ.
Đợt vừa rồi đi Nông Sơn cũng chưa kịp đi sâu tìm hiểu gì nhiều lắm, qua tìm hiểu sơ bộ tại chỗ, và qua những điều tai nghe mắt thấy từ hôm 20/7 đến nay, tôi có viết 3 bài gửi kèm về đây để cácanh xem xem có sử dụng được không. Đó chỉ mới là những ghi chép sơ bộ, có gì các anh sửa chữa lại cho thích hợp. Viết hơi vội không kịp chép lại, tôi gửi nguyên cả bản gốc về để kịp với yêu cầu, các anh thông cảm. ở nhà có gì góp ý hoặc có chỉ thị gì mới các anh cứ
gửi xuống HT 435 Quảng Nam (Cổ Vũ) nhờ họ chuyển cho tôi (nhất là về ý đồ tuyên truyền)".
Riêng Hồng Tiếu, cán bộ Ban Hiệp Định, tỏ ra rất quan tâm đến hạnh phúc riêng của tôi. Anh viết: "May chiều nay lại gặp Ngân vào công tác, anh em gặp nhau vui vẻ, tình cờ gặp được đồng hương.
Trước đây thú thật mình không hiểu tại sao chàng thanh niên thủ đô Hà Nội mà có thể đặt chân tại xứ Quảng với một quyết tâm vững chắc như thế. Bây giờ được giải đáp rồi, qua câu chuyện với Ngân rất cởi mở, vui vẻ như anh em quen thân từ lâu. Bây giờ thì tớ hoàn toàn nhất trí và chúc hạnh phúc trăm năm của cậu và Ngân."
Bố mẹ, anh Đức và các em tôi đều có thư cho tôi, đặc biệt là thể hiện sự đồng tình vun đắp cho hạnh phúc của tôi với Ngân.
Anh Đức viết: "Anh vừa nhận được thư Long. Đọc thư, biết là em đang buồn phiền vì ý kiến của mẹ, của cô. Anh viết cho em ít dòng để em hiểu rõ việc đó mà yên tâm. Thực ra thì vấn đề không có gì là gay gắt đâu. Chính em đã dùng cái chiến thuật nặng nề như vậy kia mà! Chẳng qua gia đình mong em được ra đây, được về thăm nhà, gia đình có ngày sum họp đầy đủ nên có lẽ mẹ và cô mới nói hơi nặng như vậy thôi. ở nhà mọi người đều rất thương nhớ và thông cảm những khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần của em ở trong đó. Nhất là anh cũng đã từng đi xa, tuy cũng chịu đựng những thiếu thốn về tình cảm nhưng về vật chất thì lại quá đầy đủ, mà thời gian không lâu lắm nên anh càng phải và càng có thể thông cảm với em hơn. Anh biết là ở nơi em công tác, thiếu thốn nhiều, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn thì tất nhiên sức khoẻ cũng không thể nào tốt được. Nếu thực em khoẻ, không bị bệnh tật gì là điều đáng mừng lắm rồi.
Về chuyện riêng của em, dù em lấy ai thì bố mẹ, anh và các em sẽ vẫn quí mến người đó, coi đó là người con, người em, người chị mến yêu trong gia đình ta.
Anh gửi lời chào Ngân nhé, chúc hai em hạnh phúc. "
Mẹ tôi còn gửi quà cho tôi và Ngân. Mẹ tôi viết: "Còn về việc 2 con tổ chức thì mẹ cũng đã viết thư gửi anh Hường nói rõ cho 2 con biết rồi, mẹ chỉ gửi thêm cho 10 bao thuốc để anh em liên hoan vui thôi, à mẹ có gửi cả 5 ảnh của các em và gia đình cho 2 con kèm cả phim nữa, có điều kiện con rửa to ra thì tốt.
Con gửi mỳ chính ra hợp thời quá vì rằng thời gian này rất hiếm, phải mua ngoài 25đ 1 lạng để ăn, mẹ thấy con cũng chả có tiền cho nên mẹ cũng chả dám nhắn con mua gì cả mà mẹ cũng chả nắm được tình hình thế nào cả.
Còn mẹ mấy cô Chung có trách con chẳng qua là xuất phát từ chỗ thương nhớ con quá thôi, chứ mẹ lại không biết con thì còn ai biết nữa. Thư Ngân gửi ra gia đình chưa nhận được có lẽ đến chậm thôi.
Bố mẹ, anh Đức, Phúc mới về qua Phát Diệm ra xong. Như thế là chỉ thiếu có con và Ngân chưa về quê thôi. Bao giờ con và Ngân được về thì mẹ sẽ cho về nốt. ở quê các chú, các bác mong lắm,"
Bố tôi viết: " Gia đình ta nói chung bình yên, riêng có bố trong 2 năm trở lại đây sức khoẻ có giảm sút, tự nhiên bị liệt nhẹ nửa người bên phải, bác sĩ chẩn doán là do sơ nghẽn động mạch não bên trái. Có thể cũng là do quá trình công tác trong gian khổ, thiếu thốn, trong suy nghĩ đêm ngày, qua 2 cuộc kháng chiến, và nhất trong trong 3 năm vừa sơ tán, vừa xây dựng trường Ngoại Ngữ thành trường đại học với 5 khoa tương đối hoàn chỉnh. Bố đã dùng nhiều thuốc, kể cả thuốc Tây, Nam, Bắc... đến nay cũng thấy đỡ được một phần, vẫn đi lại được, song chậm chạp hơn trước, gần đây thấy có chuyển biến tốt hơn.
Mẹ con vẫn khoẻ, và vẫn quán xuyến việc gia đình. Anh Đức và vợ chồng Phúc công tác tốt. Em Việt vẫn ở Công an vũ trang nhân dân, vừa mới nghỉ phép hơn nửa tháng về thăm gia đình. Em công tác rất tốt, phấn đấu với lý tưởng rõ rệt, đang là đối tượng kết nạpĐảng. Ngọc vào hè là sinh viên năm thứ 3 đại học, em học tiếng Anh vào loại giỏi. Diệp đang chờ kết quả thi đại học, Lan đang chuẩn bị thi vào lớp 8 sau khi đã tốt nghiệp cấp 2. Bé Thuỷ được lên
lớp 7. Cứ cách một tuần, nhân ngày chủ nhật, Phúc và Thành lại bế bé Trang về thăm ông bà, cả gia đình sum họp trong chiếc buồng tuy hẹp nhưng ấm cúng, chỉ thiếu các con và Việt thôi. Chắc chắn sau một năm nữa thì Việt hết hạn nghĩa vụ, trở về với gia đình để tiếp tục hoàn thành bậc đại học. Bố mẹ và các em mong sắp tới đây, hai con sẽ được phép ra ngoài này sum họp với gia đình. Gia đình nhớ các con, thường đem ảnh ra xem, mẹ con và các em thường xem ảnh Thuý Ngân và nói rằng Ngân hiền lành, thuỳ mị, và nhìn ảnh con đều có cảm tường rằng con gầy, yếu, nên rất lo cho sức khoẻ của con.
Hai con ạ! Thấm thoát đã 6 năm rồi, bố mẹ không được gặp Việt Long, nên lòng mong muốn của bố mẹ và các em là trong thời gian gần đây, được may mắn sum họp với các con, dù là chỉ một ít ngày trong gian phòng chật hẹp và ấm cúng này.
Bố mẹ có dịp dẫn các con về quê nội để nhận họ hàng và quê hương."
Vẫn với đức tính chu đáo, luôn luôn lo lắng cho người thân, mẹ tôi căn dặn tôi: "Mẹ thấy anh em trong ấy ra nói rằng các thứ bánh kẹo, thuốc hoặc hàng tiêu dùng trong ấy hay bị thuốc độc cho nên mẹ sợ lắm, con cũng phải cẩn thận."
Tôi gửi một bức điện cho Ban tuyên Huấn Bình Định:
"Đồng chí Hoà tiếp tục ở lại công tác. Khi nào về sẽ báo trước nửa tháng.
Hoà trả lời gấp: trong tin 6 tháng về Hoài Nhơn, có con số du kích diệt gần 10 trung đội địch. Vậy cụ thể là mấy, 7, 8 hay bao nhiêu? Những con số loại này nên đưa số tròn.
TTXGP - K5"
Ngày 4/8/1974
Trong tháng 7, phân xã chúng tôi phát 149 tin, bài (25 bài), có 42 % về quân sự, 25% về chính trị, 14% về binh vận, 1.280 tấm ảnh, chữa 3 máy ảnh. Chúng tôi còn góp 42 công đào ao (vượt định mức 7 công), 7 công gùi cõng (vượt 1), cử 2 người tham gia sản xuất ở Trà Mi, 1 người tham gia xây dựng trường Tuyên huấn.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 5/8/1974
Bố mẹ kính yêu của con!
Con mới nhận được thư bố viết tháng 7, mọi thứ gia đình gửi từ thư, ảnh đến quà, con đều nhận đầy đủ và sớm. Như vậy là đường liên lạc tương đối thông suốt phải không bố?
Hiện nay, sức khoẻ của con bình thường, vẫn gầy. Công việc cũng khá bận, nhất là bây giờ đang thời kỳ chiến dịch. Con và Ngân thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, tình cảm ngày càng gắn bó. Chúng con thông cảm với nhau và rất thương nhau. Trước đây Ngân đã viết thư cho bố mẹ, gia đình đã nhận được chưa? Ngân đọc thư bố, thấy bố hỏi thăm thì rất mừng. Ngân rất khao khát tình cảm gia đình. Do đó, một lá thư ngắn của bố mẹ cũng là nguồn động viên lớn đối với Ngân.
Hiện nay anh Hường vẫn chưa vào. Chiến dịch đang tiếp diễn.Do đó chúng con chưa tổ chức được. Đành lui lại một thời gian, song chưa biết là bao lâu.
Biết bố mẹ già yếu, con rất lo lắng bồn chồn, muốn ra thăm, chăm sóc bố mẹ. Song con chưa có điều kiện đi vì có nhiều cái khó. Cho nên bố mẹ hiểu cho con và tha thứ cho con vì sự xa cách này. Con nghĩ cái gì cần đến rồi sẽ đến, song phải qua một quá trình vận động. Không thể nôn nóng được, vì như thế sẽ dễ hỏng việc.
Con gửi lời thăm các em. à vừa qua con đã gặp Minh Đức - conchú Dư - chuyện trò, biết rõ thêm tình hình ngoài ấy. Hiện nay Đức
ở trường Y, cách con 2 ngày đường. Con gửi lời thăm gia đình chú Dư.
Mong thư bố mẹ
Con của gia đình
Việt Long
Từ 7 đến 10/8/1974
Những đồng chí ở tuyến trước lại gửi một loạt thư cho tôi.
Từ Quảng Đà, anh Hồ Điển, cán bộ Công đoàn Khu viết: "Tôixuống Quảng Đà gần 20 ngày nay, hôm nay xin gửi về các anh bài "Nỗi kinh hoàng của bọn lấn chiếm ở quân đoàn I" (viết theo phảnánh của cơ sở ta ở Đà Nẵng đã lượm lặt được).
Chỗ tôi là bộ phận phía trước của Liên hiệp Công đoàn QuảngĐà. ở đây, thỉnh thoảng lại có "khách" từ Đà Nẵng ra. Mười ngày nay, bị thua đau, địch kiểm soát gắt đường đi. Thành thử vắng "khách".
Xin báo tin để các anh rõ:
-Tập ảnh (5 bộ) được các anh cung cấp và in giúp đã được phânphối cho cán bộ ta đem ra các bàn đạp gần sát Đà Nẵng để các "khách" từ nội thành ra xem. Anh em cán bộ ở Ban Công vận vàBan Mặt trận - Thành phố của Quảng Đà rất hoan nghênh mấy tập ảnh, cho rằng đấy là những tài liệu rất có giá trị đối với quần chúng đô thị; tuyên truyền bằng hình ảnh có sức thuyết phục rất nhạy.
Các anh ấy chỉ tiếc một điều: hình ảnh miền Bắc quá ít (đồng bào trong đó - đô thị - nhất là giới trí thức - rất mong mỏi được thấy tận mắt một số hình ảnh miền Bắc XHCN).
-Phim chụp lại hình ảnh Bác và phim chụp lại hình ảnh VõThị Thắng (do anh chụp) đã vào lọt Đà Nẵng rồi. Ta có một cơ sở bí
mật làm ảnh nghệ thuật ở trong đó. Cơ sở nhận được phim, lấy làm mừng lắm và hứa sẽ in phóng thật đẹp để phát cho nhiều nơi.
Họ đã đưa tôi chụp lại 4 tấm ảnh 9x12 vừa gửi từ Đà Nẵng ra. Hôm nay, tôi xin gửi về anh 4 tấm phim ấy. Nội dung của 4 phim như sau:
1 Phim số 14-15: Tuổi thơ Đà Nẵng bơ vơ lạc lõng bên rào thép gai của chế độ Thiệu.
2 Phim số 16-17: Trên bờ biển Đà Nẵng: Đây, những nạn nhân được gọi là "Việt cộng" trong cuộc chiến tranh ghê tởm của đế quốc Mỹ! (hai em bé cụt chân).
3 Hè phố Đà Nẵng không thiếu gì cảnh nức nở của những em bé mất cha, mất mẹ vì cuộc chiến tranh của Mỹ - Thiệu, như em bé trong ảnh này (Phim 18-19).
4 Phim 20-21: Đà Nẵng trong tủ kính và Đà Nẵng của những em nhỏ lòng không dạ đói (Em bé đói bụng thèm thuồng đứng nhìn những món ăn bày trong tủ kính của một hàng bánh mì gà, pa-tê, chả).
Rất tiếc là xoay mãi mới có 1/2 cuộn phim và chỉ 1/2 mà thôi, nên không thể chụp thêm những cảnh khác.
Đây là 4 tấm phim duy nhất, xin gửi cả về anh để xem có thể phát ra Bắc được không? Dù được hay không cũng đề nghị anh và các anh phóng hộ 4 tấm ảnh 9x12 để tôi báo cáo những hình ảnhthật của Đà Nẵng với các anh lãnh đạo. Nhờ các anh giữ hộ phim.
Có một chiếc mấy ảnh trong tay, nhưng không phim, nên có nhiều hình ảnh tốt muốn chụp để gửi về các anh sử dụng mà không sao làm được. Quanh chỗ tôi ở, quân ta đánh dữ quá! Phim vùng địch không ra được. Và cũng chưa được duyệt tiền mua. Tiếc quá! Hôm trước, tôi ngỏ ý xin 1-2 cuộn phim với anh Hà, nhưng anh Hà bảo hết. Có lẽ anh Hà chưa hiểu tôi xin phim làm gì, cực thế!
Nếu nhận được bài và phim, xin anh báo cho tôi biết ngay. Địachỉ: Hồ Điển đang công tác ở Công đoàn Quảng Đà. Mong thư anh, xin gửi lời thăm anh và các anh chị em đồng nghiệp.
Hẹn gặp anh
Vẫn với giọng bỡn cợt, nhưng với suy nghĩ hết sức nghiêm túc, Trần Hồng Cơ viết: "Thủ trưởng của ..."em"
Nhận thư thủ trưởng lâu rồi mà hôm nay mới thực sự ngồi viếtthư trả lời được. Đầu thư chân thành chúc thủ trưởng vui, khoẻ, mau mau chung... võng với phu nhân N (mà nghe nói chi đoàn làm cho thủ trưởng cái giường to lắm mà - nhưng giường to quá không lợi đâu, giận nhau khó làm lành).
Đùa cho vui tí, bây giờ Cơ nói chuyện với anh Long nhé!
Đọc thư anh Long, Cơ vừa vui vừa buồn, cũng chả hiểu vì sao nữa. Anh Long có nhã ý động viên Cơ ghê quá. Nhưng Cơ cần một cái gì đó chứ những lời khen và động viên thì... nghe cũng vui tai nhưng chẳng vui lòng được. Nhưng Cơ rất vui là qua những lời khen ngợi, động viên ấy Cơ thấy quả thật anh Việt Long rất quan tâm đến Cơ - một điều Cơ không ngờ tới. Cơ quí tấm lòng đó thôi còn lời khen hay lời an ủi kia Cơ không thích lắm.
Anh Long có nói với Cơ về nghề nghiệp. Cơ cũng tưởng là Cơ nói giữa cuộc họp vậy thôi chứ ai ngờ, có người lại nghĩ và nhớ lời Cơ nói đến như vậy. Trừ bì đi cái phần "trách nhiệm thủ trưởng" thì vẫn còn nguyên vẹn một tấm lòng rất thành thực. Cơ rất cảm động. Cơ chẳng biết nói gì hơn. Cơ tin tưởng một cách chắc chắn rằng anh Long rất hiểu Cơ.
Nói về tình yêu nghề nghiệp thì đó là chuyện cả đời người chứ đâu phải chuyện một vài lời nói (dù rất thâm thuý). Không dễ gì có được lòng yêu nghề thực sự đâu, chắc anh Long hiểu rõ hơn Cơ về việc đó.
Nghề "ta" Cơ nói, là "hời hợt" là theo cách cảm nghĩ của Cơ. Còn tác dụng khách quan của nó thì Cơ không phải không hiểu đâu. Nhưng dù sao thì ý thức trách nhiệm vẫn là yếu tố tốt nhất có thể đem thay thế cho tình yêu (tất nhiên tình yêu gắn với ý thức trách nhiệm). Còn cái nghề xưa kia em yêu thì nó "xưa kia" lắm rồi, em không nghĩ tới nữa đâu. Khi em nói ra ước mơ xưa kia của em cónghĩa là em đã từ bỏ nó rồi. Ước mơ bao giờ cũng sống với nội tâm thôi anh Long ạ (em nghĩ vậy). Anh cũng đừng lo gì về lòng yêu nghề của Cơ cả. Cơ rất yên tâm nghề nghiệp và cố gắng làm tròn trách nhiệm anh Long ạ.
Tình hình công tác của Cơ: Tin bài thì Cơ không nói gì vì ở nhà nhận được cả rồi. Công tác cụ thể dưới này thì Cơ nói vắn tắt thôi.Xuống Quảng Đà được một đêm (đêm 28/3) sáng hôm sau đi họpTuyên huấn 3 ngày rồi đi Điện bàn luôn (Đi Điện bàn hôm 2/4). Đợtấy đi 1 tháng. Dạo ấy Điện bàn chưa vui như bây giờ vì chả có ai xuống cả và không khí còn "phát quang cày ủi" lắm. Trở về ở nhàtrực được 2 tuần Cơ lại tiếp tục đi Điện bàn 1 tháng nữa. Lần nàyCơ đi chủ yếu giúp Đán chụp ảnh chiến sự. Đi 2 lần 2 tháng trời ở một mảnh đất ác liệt nóng bỏng như thế mà Cơ chả viết được gì cả ngoài mấy mẩu chuyện con con, Cơ tức quá mà không biết làm saođược. Cơ sống ở Điện bàn 2 tháng, đi rất nhiều, ghi đặc cả mấy cuốn sổ, nghĩ rất nhiều, và cảm thấy biết được cũng kha khá, đặc biệt Cơrất xúc động. Đi xuống gặp dân, Cơ khóc luôn (nhiều người đi với Cơ dạo ấy cũng thế thôi). Dân cực lắm và anh hùng lắm. Chúng ta chưa nói được gì nhiều về dân lắm đâu, anh Long ạ (Cơ nghĩ vậy).Thôi, chuyện đó hôm nào về Cơ sẽ nói chuyện. Đấy, thời gian đi 2 tháng đó Cơ lấy nhiều tài liệu mà không viết được gì cả. Chỉ vì Cơchưa biết viết thôi anh Long ạ (nói thiệt đó). Đến nay Cơ chỉ thấy mang máng là viết tin và mẩu chuyện thế nào thì ra tin ra mẩu chuyện. Còn bài (phóng sự, ghi nhanh, tường thuật gì đó) Cơ chưa biết xoay xở thế nào cho nó ra bài cả.
Tất nhiên đó là điều rất bậy và cũng là sản phẩm của cách nghĩ về cái nghề "hời hợt" mà ra thôi. Biết sao được, Cơ sẽ cố gắng học và tập.
Lần này ở nhà trực gần 2 tháng, Cơ mới viết được mấy cái tin (mà luộm thuộm quá đi mất). Hôm nay anh Quảng về rồi, Cơ lại được đi. Cơ thích đi lắm, đi lâu bao nhiêu cũng được, đi đến đâu cũng thích, không nghĩ gì đến chuyện hiểm nguy ác liệt đâu.
Lần này đi Cơ sẽ cố tập viết mấy cái bài xem cái sự viết lách của mình ra làm sao.
Công tác đoàn thì chỉ được dự một buổi lễ kết nạp còn chả thấy họ họp hành gì cả. Quan hệ với địa phương thì tốt thôi. Nhưng mà cũng không phải "êm đẹp" hết. Cơ đã nổi tự ái mấy bữa rồi. Nói năng, cư xử thì cũng hơi "tự do bừa bãi" chút ít. Nhưng mà không có tội gì tày đình cả đâu, anh yên tâm. Còn tội nhỏ và vừa thì hôm nào về họp Cơ sẽ "xưng tội" hết.
Không viết thư cho anh Cầm và các bạn ở nhà được. Anh Long thông cảm hộ em nhé. Vả lại có gì mà phải viết. Công tác đoàn thì cũng chả có gì để báo cáo.
Thôi anh Long nhé. Cơ dừng bút."
Dương Đức Quảng, tổ trưởng tổ phóng viên Quảng Đà, viết:"Mình vừa đi công tác Điện bàn về. Chuyến đi vừa rồi của mình khá vất vả và nguy hiểm nhưng công việc làm chưa được bao nhiêu. Mình đi theo bộ đội và quyết tâm làm về nổi dậy nhưng cứ "đuổi"theo sự kiện mãi mà chưa "bắt" được. Điện bàn vừa rồi hoạt động tốt, có khí thế, nhưng địch phản ứng cũng rất quyết liệt, tập trung. Mình đã sống những ngày vất vả, nguy hiểm nhất trong suốt tất cảcác đợt mình ra công tác Quảng Đà từ trước đến nay. Nhưng được cái là rất vui.
Mình đi theo đơn vị chủ công của tỉnh đánh căn cứ tiểu đoàn và một đại đội Bảo an địch đóng trái phép tại ngã 3 Trùm Giao. Chuyến đi có nhiều kỷ niệm. Trước khi đánh, kế hoạch bị lộ, địch đề phòng rất kỹ. Tối hôm tiếp cận có đồng chí lại vấp mìn địch do đó địch càng đề phòng. Nhưng với quyết tâm cao, bộ đội vẫn vào sát đồn bí mật, an toàn ngoài dự kiến. Nhưng cũng chính vì bảo đảm tiếp cận thật bí mật nên vào đến vị trí nổ súng thì đã 4 giờ. Cuối
cùng phải tới 4h30 mới nổ súng được. Vừa nổ súng độ 3 phút pháo địch đã bắn cấp tập vào điểm và chung quanh điểm. Ta làm chủ được nhưng vì pháo dập quá (có thể nói như mưa mà không sợ ngoa) nên sau phải rút. Lúc đó trời đã sáng rõ. Bọn mình được một bữa chạy "tương đối" ngay dưới mắt bọn địch ở trên núi Cấm, núi Bồ Bồ mà không ai sứt mẻ gì, chỉ riêng có Nguyễn Xuân Thâm (Văn nghệ) bị mất khẩu súng K.59 thôi! Tối hôm nổ súng đó mình có chụp độ 10,12 kiểu phim gì đó nhưng không biết kết quả ra sao? Mình hy vọng được 1 hay 2 kiểu chụp đúng lúc đang nổ súng (vì mình ở sát điểm - cách độ 100m), nhưng không hiểu kỹ thuật chụp ảnh loại bét của mình có đáp ứng được hy vọng đó của mình hay không? phim đó mình vẫn đang giữ mà không dám tráng lấy, sợ hỏng.
Sau chuyến đi Trùm Giao, mình về các xã Điện thọ, Điện Hoà,Điện An - sát đường Một. Tưởng rằng có thể "làm ăn" được, nhưng kết quả cũng không làm được bao nhiêu. Ban ngày phải mặc hợp pháp mà lại không được đi lại vì rất gần địch, ban đêm thì chịu không thể chụp ảnh được. Hơn nữa mấy hôm mình xuống dưới đó là mấy hôm Trung đoàn 54 nguỵ và 2 Tiểu đoàn Bảo An nó càn (giải toả) khu vực mà mình đứng công tác hòng bao vây, tiêu diệt lực lượng ta. Suốt ngày dội bom, pháo. Dân một số lớn bị bom pháo,địch đánh quá nên chạy dạt ra Đà Nẵng và các xã khác, số còn lại không bao nhiêu cũng chạy "xà quần" suốt ngày; còn dân ở thành phố và khu đồn thì hầu như không về trong những ngày đó. Vì vậy công việc của mình cũng không được thuận lợi. Thằng địch thì nó quyết liệt đánh vào dân để dân không về, còn ta giành từng ngườidân, thật giằng co, quyết liệt. Trước đó mấy ngày, hôm dân Điện Thọ đấu tranh bức rút đồn sau đó phá đồn Dốc Ba Lê thì mình lại đi theo mũi chủ công của tỉnh, không có mặt. Lúc mình có ở đấy thì dân lại tạm thời dạt đi tránh pháo. Thật chụp được cái ảnh nổi dậy quả là khó!"
Nguyễn Long Phi viết: " Tôi đã nhận được thư anh và tin, bài anh gửi lại để rút kinh nghiệm. Qua thư biết cơ quan năm nay làm việc khoẻ và vui tôi rất mừng. Nhân tiện đợt này, có người về K, tôi giúp anh mua 1m80 vải may áo cưới, và gửi về.
Riêng tôi, thời gian tháng 8, 9 có đi vô Phù Cát, đi nhiều nhưng làm được ít việc. Tôi thấy cũng buồn. Vả lại Vinh cứ ốm hoài và nặng, mà tư tưởng nó cứ quanh co ở Vinh. Vinh càng bi quan vớisức khoẻ, tôi càng thấy ngại... Đi có 2 anh em, tôi không rời Vinh lâu được. Gặp Vinh lại chạy mua thuốc men, mua đường sữa, ra, vào trạm luôn mệt quá.
Sức khoẻ tôi vẫn không mạnh lắm. May mà nó không sốt rét, nên còn đi lại được.
Về tình hình công tác:
Vinh những ngày đầu tháng 9 tuy có sốt song vẫn cố viết hoàn chỉnh một số tin, bài về Phù Mỹ, còn ảnh không làm được.
Tôi trở lại Phù Cát, chống phản kích mạnh, tự mình, tôi thấy cần phải xông xáo ở đó để lấy tin tức. Lần này đi một mình, có buồn hơn các lần đi trước, song tôi vẫn bám được với bộ đội và địa phương mà làm việc. Có điều bom, đạn liên tục, dữ dội vả lại những ngày này riêng cán bộ, du kích địa phương ở 2 xã Cát Minh, Cát Tài bị tổn thất bất ngờ quá, chỉ một đêm mất 5, 6 đồng chí liền, trong khiđó, dân chạy không còn một người. Đi đến các tiểu đoàn, anh em bộ đội đánh phản kích tốt, tuy vậy công tác tư tưởng cũng có phần kém hơn những ngày đầu chiến dịch.
Tự kiểm điểm, tôi thấy chỉ viết được tin thôi.
Thôi, chuyện báo cáo tạm thời vậy, các anh góp ý cho."
Nguyễn Xuân Quyết viết: "Đợt vừa qua tôi đi hai điểm ở phía trước để cố làm cho được ảnh nổi dậy mà vẫn không được. Nay theo ý kiến anh Thành (Thường vụ Quảng Nam) đứng cánh ở đây, tôi lại mấy xã vùng Trung (tức phía dưới đường 105, sâu trong vùng địch) để may ra có thể kiếm được mấy miếng phim nổi dậy.
Về công tác, ở dưới này có nhiều khó khăn, nhiều địa phương ngại ác liệt và thiếu công sự nên không dám nhận anh em phóng viên xuống công tác, họ viện đủ lý do và kiên quyết từ chối. Mấy
anh quay phim xuống đây cũng đang nằm dài. Mặt khác càng đi ra phía trước thì càng không mua ra gạo ăn. Muốn có gạo phải về tận Sơn - Long mới lấy được thành ra căng lắm, trong lúc đó đi phía trước và vượt đường đòi hỏi trang bị gọn nhẹ và không phải lúc nào cũng an toàn.
Vừa qua lấy được một số tài liệu tôi cũng đang cố gắng viết để kịp gửi về. Tôi gửi kèm đây hai bài, bài Bức chốt ghi lại xã Phú Hương, sự việc xảy ra xong rồi tôi mới được biết thành ra chỉ khai thác ở những người có tham gia đó thôi còn ảnh không chụp được vì hôm tôi xuống họ không cho ở như đã nói ở trên. Bài Em bé dũng cảm thì lấy tài liệu ở xã Phú Thọ, do một số cơ sở ta và một số cán bộ địa phương kể lại, các chi tiết hoàn toàn đúng sự thật (bọn địch cũng thừa nhận là em này gan, các anh xem và chữa giúp)"
Trong các địa bàn công tác, Phú Yên là nơi xa xôi và gian khổ nhất. Từ Phú yên, Nguyễn Hưng Thạnh viết: "Tôi đi xuống huyện Tuy Hoà 1 về được 1 tuần nay. Tôi đi từ 13/6, đáng lẽ đầu tháng 7/1974 về nhưng bị kẹt đường liên tiếp 2 lần không về được, thành ra đi suốt 1 tháng 20 ngày. Từ khi vào đây đến nay tôi vẫn khoẻ, không đau ốm gì.
Về phần công tác, có một số vấn đề phải trao đổi với các anh ở Ban Tuyên huấn tỉnh để làm việc được. Thường sang văn phòng tỉnh thì các anh ấy bảo tài liệu đã tổng kết gửi sang Tuyên huấn. Về TH thì có khi có, có khi tìm không ra. Mà các anh ở Ban cũng làm tin dựa vào tài liệu đó để gửi về K.
Đi sang các cơ quan quanh tỉnh cũng có ít tài liệu thôi, do đó công việc đưa tin, bài nói chung là không làm được bao nhiêu.
Một nhận xét của tôi là các anh ở đây muốn mình đi địa bàn nhiều.
Tất nhiên đi các huyện, xã nhiều là mong ước của tôi. Song nghĩ đến nhiệm vụ của mình, nếu đi nhiều thì mất tin ở tỉnh, lại không sao quét hết các nơi. Tôi sẽ cố gắng giải quyết tốt bằng cách
đi tranh thủ chừng 10-15 ngày thì về, khi ở tỉnh đi qua văn phòng, các cơ quan xung quanh tỉnh... như vậy sẽ tốt hơn.
Quan hệ với các anh chị em ở trong cơ quan bình thường, không có gì đáng ngại. Tôi làm như phương hướng của Ban ta: góp phần sản xuất, cõng gạo, cải thiện đời sống cơ quan... việc gì làm được là tôi làm, do đó không có sự cách biệt gì cả. Mong là các anh yên tâm.
Các anh thân mến, nghe tin anh em ta ở các nơi làm ăn khá, tôi nóng ruột lắm. Kể ra một mình ở trong này cũng buồn, song cũng cố làm việc trong khả năng và điều kiện mình có thôi.
Cuối cùng chúc tất cả anh em vui, khoẻ, công tác tốt nhất."
Việc phối hợp với Ban Hiệp định để làm tin tiến triển tốt. Bản tin của chúng tôi cung cấp cho các cơ quan quanh Khu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Anh hào Hiệp ở Ban Hiệp định viết: " Từ 2/8 đến nay chúng tôi (Hiệp định) chưa nhận được Bản tin hàng ngày của TTXGF, chưa rõ lý do nào mà gián đoạn, bản tin ấy, chúng tôi rất cần, ghi lại những tư liệu trong đó để phục vụ cho nhiệm vụ lâu dài của Liên hiệp Quân sự 2 bên.
Đề nghị anh kiểm tra lại và cho gửi sang chúng tôi thật đều đặn, coi như công văn "có phong bì, có địa chỉ" để tránh thất lạc. Hết sức mong các anh lưu ý cho.
-Tội ác mới của E4 ở Quảng ngãi
+ Phá chùa xã Bình Thanh - Đông Sơn.
15h00 ngày 27/7/1974 E4 cho HU1A bắn 50 rốc két và hơn ngàn đạn 20ly và đại liên xuống chùa.
Sáng 28/7 các trận địa pháo Bạc Hà, Bình Liễn và quận lỵ Sơn Tịnh bắn gần 1000 quả vào chùa, sau đó C2, D2/4 xông vào đập phá, cướp... Chúng đã phá huỷ 5 ngôi chùa, 1 mả tổ, toàn bộ tượng Phật, bàn thờ, đốt hết kinh phật, bắn chết 6 bò, phá hoại vườn chùa hơn 1 mẫu tây, hàng ngàn cây ăn quả, đánh bà sư chết ngất, cướp
100.000 đồng tiền mặt của nhà sư, của chùa, cướp phá các tài sản khác trị giá trên 8 triệu đồng.
+ 2 ngày 27, 28/7/1974 D1/4 còn phá thôn Nhơn Hoà(xã Bình Tân), đốt 6 nóc nhà, đánh sập 100 hầm trú ẩn, giết chết 6 người dân, bắn bị thương 6 người, cướp phá nhiều tài sản khác trị giá trên
500.000 đồng.
Đề nghị kết hợp tố cáo tội ác của bọn nguỵ quân trên đài."
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 1974
Hai con yêu quý !
Mẹ gửi quà cho hai con qua anh Hường vào chắc đến 15 này là 2 con đã nhận được rồi, nếu không trắc trở gì.
Nếu con nhận đủ viết thư ngay cho bố mẹ yên tâm. Việc học của mấy em con, em Lan đỗ lớp 7 và được lên thẳng lớp 8 không phải thi lên, còn em Diệp thì cũng đạt được điểm vào đại học rồi, như thế là mẹ cũng khỏi phải lo nữa, mẹ chỉ sợ 2 đứa không đỗ thì khổ. Vừa rồi có anh Lưu - cán bộ Phòng Tổ chức VNTTX - đến Bộ và có báo cho bố biết là đoàn xe anh Hường vào, khi nào xe ra thì Việt Long sẽ ra, chả biết anh ấy nói có đúng không mà làm cả nhà mừng quá. Còn mẹ sang anh Sâm chơi có nói chuyện, muốn xin cho 2 con ra thăm nhà ít bữa thì anh Sâm có nói là anh đã nói với các anh ấy vào sẽ sắp xếp cho cả Ngân và con ra với điều kiện là nếu cưới rồi, mẹ chắc lần này anh Hường vào thì 2 con tổ chức chứ gì. Kỳ vừa rồi mẹ định gửi anh Hường thêm tiền vào để con xem có mua được đài Nhật, mua cho mẹ một cái vì cái đài pin ngoài này bị hỏng rồi nhưng mẹ chả biết cụ thể ra sao đành thôi, con xem nếu ra được thì thôi mà nếu không có ai ra thì viết thư cụ thể cho mẹ biết và gửi tiền ai chắc chắn, cần bao nhiêu thì cho mẹ biết nhé. Kể cả len tốt nếu không đắt lắm thì mẹ cũng muốn mua, đan một cái áo dài tay, len ngoài này xấu mà đắt lắm.
Còn quần đen con cứ tưởng tượng hồi con ở đây, con có tiền con còn mua cho mẹ được cái quần lụa chứ bây giờ thì không thể có được. Nhưng nói thế thôi chứ điều kiện đâu ra mà con mua tất cả những thứ mẹ cần được.
Bố, mẹ các em vẫn khoẻ, anh Đức định cuối năm nay cưới nhưng chưa biết có được không.
Chúc 2 con vui khoẻ, công tác tốt, hạnh phúc tốt.
Cả nhà mong gặp 2 con ngày gần đây.
Mẹ
Hạnh
Ngày 17/ 8/1974
Được tin ta đánh thắng trận Thượng Đức vào 5 giờ sáng ngày 7tháng 8. Đây là Chi khu quân sự đồng thời là quận lỵ nằm trênthôn Hà Tân cách Đà Nẵng 45 Km, là vị trí xung yếu của địch. Trong đêm đầu, ta chỉ bóc được lớp vỏ bên ngoài. Sau đó, suốt 8 ngày đêm, ta dùng chiến thuật bao vây đánh lấn mới giải phóng được hoàn toàn khu vực này, bắt sống trên 300 tên địch, giải phóng
20.000 dân.
Ngày 18-21/8/1974
Các tổ phóng viên Bình Định, Quảng Đà, Quảng Nam đều viết thư cho tôi.
Bình Định vẫn là mảnh đất sôi động nhất và hoạt động nghiệpvụ ở đây có điều kiện phát triển tốt nhất. Tổ Bình Định có ý thức phấn đấu tốt, trong đó thể hiện rõ tinh thần phấn đấu trở thànhđảng viên của Đảng Nhân dân cách mạng.
Nguyễn Thành Vinh viết: "Tình hình Bình Định chắc anh đã biết, rất sôi động, nhất là sự nổi dậy của quần chúng. Phi đã đi
Nam Phù Cát. Anh Huề cũng đi phía trước. Hoà mới về trực. Em lên tỉnh làm phim. Vừa qua em đi Phù Mỹ có nhiều chuyện hay. Em đã làm được một số phim nổi dậy đợt 2 này và đã gửi về .
Như thư anh nói về tin bài của em, em phấn khởi quá, càng động viên cho em lao vào công tác. Thời gian qua ở Phù Mỹ em cũng gắng làm hết sức anh ạ, nhiều lúc kể ra cũng khá nguy hiểm nhưng nghĩ về nghề nghiệp, trách nhiệm nên em chẳng quản. Về công tác ở xã Mỹ Lợi, em cũng hút chết mấy lần. Các anh ở xã Mỹ lợi hỏi thăm anh nhiều. Anh Nhu thường vụ P gửi lời thăm anh và kểchuyện hồi năm anh về đó. Đầm Trà năm nay nhiều cá chép vô kể,đó là thực phẩm chính của bọn em. Đường sá năm nay căng nhiều vì bị đánh các nơi, địch tập trung xung quanh trục đường Một. Em phải đi luôn nên cũng chờn.
Anh Việt Long - chuyện kế hoạch tháng 8 hoãn thì anh đã có ýđịnh đến bao giờ chưa. Em hỏi Năm (Điện ảnh đi Bình Định) thì nghe nói anh gầy đi nhiều vì công tác quá bề bộn. Về phần em dạo này bị ốm đau luôn nên gầy và đen nhiều. Có thể anh không nhận ra khi gặp lại. Song trước tình hình cách mạng biến chuyển từng giây, từng phút em cũng quên hết ốm đau. Hơn nữa thư nhà gửi vào báo mọi sự tốt lành là một nguồn động viên lớn đối với em. Giờ em chỉ lo công tác, phấn đấu để đứng trong hàng ngũ tin cậy củaĐảng. Gặp được anh cũng là điều vô cùng thuận lợi đối với em, có gì nhờ anh tận tình chỉ bảo em như người em của anh vậy.
Em mong anh khoẻ."
Cao Tân Hòa viết: "Em đã nhận đượcthư, tin bài của anh gửicho tổ Bình Định và đã gửi xuống huyện cho Phi, Vinh cùng rút kinh nghiệm. Em mới được nghe anh Chi ở tiểu ban tuyên truyền xuống kể chuyện ở nhà và lại mới nhận điện động viên của phân xã, em rất phấn khởi.
Đọc thư anh em rất cảm động, em biết anh bận rộn nhiều vì công việc nhưng vẫn quan tâm săn sóc từng phóng viên ở các địa phương. Anh gầy lắm à anh Long, anh còn đau nhiều không? Em không thể hình dung ra anh nếu như anh gầy đi nữa. Nghe anh Chi
tả lại anh em rất thương và lo cho anh. Anh sống bằng sức mạnh tinh thần sao? Dù thế nào anh cũng cố gắng tu bổ cho lại sức anh nhé (anh cứ không chịu khoẻ lên thì em Ngân của anh đến chuyển nghề mất).
Những ngày cuối tháng 6+7 ở dưới Hoài Nhơn em bị đau đầu liên tục nên gầy tong, thật hổ mặt người nuôi, anh ạ; mấy hôm nay về tỉnh em khoẻ dần, có lẽ vì năm nay tuổi hổ nên em phải về rừng mới hợp. Anh Quảng thì lại ngược với em, cũng đúng luật bù trừ thôi, anh L nhỉ. Em về trực tin ở tỉnh để anh Huề đi Phù Cát, Phù Mỹ. Hiện nay anh Huề và Phi đang ở Phù Cát. Vinh cũng mới về Ban 3 hôm nay để làm ảnh. Vinh cũng mới bị sốt rét dậy, nay khoẻ rồi, anh Huề bình thường, Phi suýt chết ở Cát Nhơn. Hôm ấy P đi cùng 5 người đến một đám tre có mấy lùm rơm ở Cát Nhơn thì máy bay đến bắn phá, rơm cháy, 5 người bị thương nặng còn Phi thì bị một bữa hú vía.
Bình Định đang họp sơ kết chiến dịch Hè thu nhưng em không được dự, cũng tiếc. Trước đó em đã nhận lời mời đi dự hội nghị này nhưng sáng hôm khai mạc khu vực họp bị bắn phá và thành phần dự phải thu hẹp. ở các vùng mới mở ra địch đang phản kích tuy chưa mạnh nhưng việc đi lại làm việc khó khăn hơn hồi trước. Riêng Hoài Nhơn đồng bào vẫn giữ khí thế đấu tranh, giá như em còn ở đây đến bây giờ thì hay quá. Trận càn ở Hoài Hương khá lớn nhưng khai thác tài liệu qua báo cáo làm tin tố cáo bị hạn chế. Tin tố cáo bọn địch giết đồng bào ở Tuy Phước sáng nay điện về, em rất áy náy vì không biết được tên của em bé bị giết đó. Em đã nhờ văn phòng điện hỏi nhưng không kết quả, em cũng gửi về để các anh nghiên cứu thêm.
Hồi tháng 6, đi Đông đường Hoài Nhơn em viết một số bài đến khi về tỉnh chỉ nhận 1 tin; tin bài của Phi cũng bị thất lạc một số.
Em mong anh mau khoẻ. Anh nói Ngân, em gửi lời hỏi thăm, em vẫn nhớ Ngân, nhớ hết cả anh em phân xã."
Hồ Phước Huề viết: " Xa Long và Ngân 4 tháng rồi, nhớ Long, Ngân và các bạn ở nhà quá.
Ở nhà thì thấy thường thường thế mà xa nhau ít bữa là đã thấy nhớ kinh khủng Long ạ. Bởi vì cái "gia đình lớn" đó đã gắn bó cuộc đời ta trong những năm tháng chiến đấu ở chiến trường này. Nhiều lúc mong nhận được một lá thư của anh em phân xã, nhìn nét chữ quen thuộc là gợi nhớ trong ta bao kỷ niệm đã qua, lưu luyến nhớ thương. Mặc dầu bức thư chỉ là vài lời thăm hỏi bình thường, mong và cầu chúc cho nhau mọi sự bình an.
Có lẽ mình cũng thuộc phái "tình cảm mạnh hơn lý trí".
Đọc thư Long thấy các anh ốm, sức khoẻ giảm sút, H thấy lo quá. Một ông tướng đã gần 2 năm nay "khinh sốt" lại bị quật ngã, coi chừng đấy không lại bị quật liên tiếp thì gay. Long đã gầy mà bị cơn sốt, mất bao nhiêu hồng huyết cầu thì không làm được việc đâu và "việc cưới xin" cũng phải "hoãn" lại thôi. Không được "sốt ruột" Long ạ.
Ngân cũng vậy nhưng nếu Ngân gầy đi lại "hoá xinh" hơn, thon thon hơn chứ không là "mình bé nhỏ của tôi ơi" như Long hay đùa. Nói đùa cho vui vậy, H mong Long và Ngân cần giữ gìn sức khoẻ tốt hơn, bây giờ là "Hai anh chị" phải bồi dưỡng vào. Có bao nhiêu đường sữa, thuốc bổ là phải chén bằng hết, uống bằng hết. Vừa rồi Long gửi thuốc cho mình làm gì. ở đồng bằng ăn một con cá biển tươi là đủ chất rồi. Sữa đường cứ đem bồi dưỡng đi, không để dành gì ráo. ở đây hàng hoá tuy có đắt hơn trước nhưng đủ thứ, không thiếu đâu. Chỉ khát khao 2 chữ "Miền Bắc" lấy hơi vậy thôi.
Nếu có gì tiêu chuẩn Long cứ tự ý sử dụng, đừng ngại gì hết. Long nhắc Ngân giữ gìn sức khoẻ cho tốt nhé, đừng phí sức. Long bảo là mình cũng nhắc thế.
Long, Ngân thân yêu! Công việc của 2 bạn đủ điều kiện thì cứ tiến hành. Chắc H khó về được, Long, Ngân thông cảm nhé! "Cách mạng Miền Nam" mà .
Nếu H biết được trước ngày đó thì dưới này tổ Bình Định cũng mở tiệc liên hoan đúng ngày vui của 2 bạn. H dự định thế. Tổ Bình
Định gửi điện chúc mừng niềm vui của 2 anh chị. H mong buổi liên hoan phải thật vui vì đây là "đám cưới đầu tiên" của Thông tấn xã Giải phóng Trung trung bộ mà lỵ. H tin chắc anh em ở nhà sẽ bày ra nhiều sáng kiến hay, vui, dí dỏm. Nếu có thể H lại vác cái "máy thâu băng" ni vi cô au to stop đến phỏng vấn 2 anh chị rồi phát ra loa cho buổi liên hoan được bữa cười thoải mái.
Long thân yêu! Hôm nay H vừa nhận được điện Phân xã báo tin Thùy đã về đến nhà, khoẻ và nhận được 2 thư anh Quả, 1 thư của Trinh báo ở Quảng Ngãi. H yên tâm lắm.
Nói thật với Long lúc đầu H cũng áy náy, nóng ruột lắm, làm việc cứ bồn chồn. Nhưng H đã đấu tranh với bản thân mình trong điều kiện thực tế của chiến trường. H hiểu rằng không thể rời vị trí chiến đấu của mình được. Cái "hoàn cảnh chiến trường" và cái "không gian ngăn cách" nhiều lúc tai ác đối với lòng người vậy đấy, có phải không Long. Một cách "đổ lỗi" cho khách quan. Nếu chúng ta hiểu nhau nhiều thì làm gì lại dám trách cái hoàn cảnh như vậy.
Long ơi! Trong thời gian Thuỳ bị thương, T không hề cho H hay một tin gì cả. Từ hôm xa nhau đến giờ T viết cho H một lá thư trước lúc đi cánh Bắc mà viết trong điều kiện "bắt buộc". H hơi "tự ái" nhưng thấy T bị nạn thương quá viết thư động viên liên tục, có đến 6,7 lá gì đó. Thế mà lúc lành ra viện, về Phân xã. H cũng biết qua thư của anh Quả, Trinh, và điện ở nhà. H buồn quá
Nghe tin T đã khoẻ nhưng cũng buồn và thắc mắc không nhận được thư T. Về nhà có anh, có em vui rồi, H sẽ không viết thư cho T nữa đâu chừng nào chưa nhận được thư T. T về nhà cũng vui nhưng cũng suy nghĩ nhiều về công tác chưa làm được gì đã bị thương, rồi về nhà công việc quanh quẩn nếu Long không giao việc cho T mà cứ để nhàn như hồi trước bên kia sông thì T buồn đấy. Long động viênT nhé. Động viên cô "cháu gái" hay mách "ông" ấy là động viên H đấy. Cô bé ấy có nhiều tình cảm, hay xúc động lắm nên coi chừng nước mắt chảy quanh mỗi khi buồn đến. Cho T làm việc nhiều nhiều vào bù lại thời gian Long ạ. H mong thế.
Bình Định đang chuẩn bị đợt "làm ăn" mùa thu. H và tổ đã rút kinh nghiệm đợt qua, phấn đấu đợt này làm ăn khấm khá hơn.
Vinh, Phi đi Phù Mỹ. H trực ở nhà khoảng cuối tháng 8 nữa mới đổi địa bàn được. Hoà, Vinh, Phi thỉnh thoảng có sốt rét cơn nhưng không ảnh hưởng công tác mấy. H sức khoẻ thường lại đi đồng bằng là "cơn sốt " chạy đâu mất từ hôm Tết đến giờ. Còn Hoà, Vinh, Phi do chưa quen khí hậu đồng bằng thôi, thay đổi môi trường sống mà.
Hẹn ngày gặp nhau tâm sự nhiều
Thân yêu."
Dương Đức Quảng viết: " Công việc của bọn mình ở ngoài này vẫn bình thường. Tuy có khó khăn về địch nhưng tất cả đều phấn khởi và đã triển khai được công tác hết. Mình về được ít bữa, sau khi trao đổi với Cơ công việc xong và Cơ đã viết hết những tài liệu có trong thời gian qua, ngày 16/8 vừa rồi Cơ đã đi công tác vùng B -Đại Lộc. Mình đã viết thư lại cho Đán (Cơ mang theo) trao đổi vớiĐán về công việc của bọn mình ở dưới này và đề nghị Đán tiếp tục ở trên đó hết tháng 9, cùng Cơ chụp ảnh, viết tin bài về tiến côngquân sự, chương trình binh vận ở vùng Đại Lộc - nhất là chụp ảnhnổi dậy trên đó. Từ bữa Đán lên trên đó mình đã viết thư lên luônnhưng chưa nhận được tin tức gì của Đán cả. Mình sốt ruột, khônghiểu có làm ăn được gì trên đó không (nhất là ở Thượng Đức). Còn Thụ thì vừa về nhà được một tuần nay. Chuyến đi của Thụ vừa qua vất vả lắm, gặp địch luôn. Anh ta về cười hì hì: "Cứ ngỡ là ở Kông Tum; may quá, tý nữa mang cả ba lô xuống đó thì thật gay, không chạy nổi!" Thụ chưa chụp được một cái ảnh nào. Mình trao đổi với Thụ là cứ chụp ảnh các mặt (kể cả chiến đấu, sản xuất, xây dựng vùng ta...) không nhất thiết là chỉ chụp về nổi dậy (mà ngay trong nổi dậy cũng chỉ chờ chụp quần chúng với dao, mác, gậy gộc đi phá các hình thức kìm kẹp của địch như một số anh em mình, ngay cả mình lúc đầu quan niệm thôi, cũng khó có được ảnh). Thụ nhất trí và cũng thấy tiếc là chuyến đi vừa rồi vất vả quá mà chưa làm được gì. Mình có trao đổi với Thụ đề nghị Thụ viết tin bài và Thụ đã viết 1 bài, 1 mẩu chuyện điện về rồi, mình xem thấy viết tốt. Có gì Long trao đổi và động viên thêm để Thụ có thể viết tốt hơn.
Sau khi đã làm xong việc ở nhà, hôm qua Thụ đã lại lên đường ra ngoài khu Tây Duy Xuyên.
Còn mình, hiện ở nhà trực và viết về những gì đã suy nghĩ và khai thác trong chuyến đi vừa qua. Mình định hôm nào tranh thủ về kết hợp một lúc giải quyết một số việc cần thiết khác và nhất là nếu được, ta họp chi bộ rồi tổ chức kết nạp luôn cho Trinh và Cầm. Thời gian ra sao thì Long bố trí rồi điện cho mình biết để về.
Bây giờ mình nói qua tình hình địa phương và trao đổi vài việcliên quan đến tuyên truyền cho Quảng Đà.
Tình hình địch thì Long biết rồi, chúng tăng đột ngột cả quân bộ lẫn phi pháo. Từ tháng 7 đến nay nó đã điều thêm quân vềQuảng Đà 2 lữ dù, 1 liên đoàn biệt động, 2 trung đoàn bộ binh và khoảng gần 100 khẩu pháo từ 105 đến 175 ly. Hiện nay nó đang cố đánh lấy lại những vùng đã mất, đổ quân chủ lực quét dọc núi từHoà Vang qua Đại Lộc tới Duy Xuyên. Chỗ mình ở một tuần nay bị địch uy hiếp liên tục, ngày, đêm nào cũng có pháo, bom, còn bộ binhchúng thì ở quả đồi trước mặt. Dưới đồng bằng Điện Bàn thì địch đánh phá quyết liệt, một số xã du kích cũng tạm thời bật lên núi. ở tỉnh đang tiếp tục động viên khí thế quần chúng, cán bộ để tiến lên giành và giữ thắng lợi. Trong cái chung và cái riêng ấy nên hiện nay tình hình rất phức tạp, do đó có ảnh hưởng tới công việc chung của anh em mình trong Khu ra đây, khó có thể thực hiện được đúng ý định từ ở nhà.
Đài, điện ảnh và ngay cả anh em mình nữa cũng đang xà quần ngoài này, chưa dễ chi làm được đâu.
Còn mình có theo dõi tin trên đài đưa về Quảng Đà thì thấy tin chiến sự nhiều khi đưa không đúng, và không thống nhất, ví dụnhư có tin nói là Quảng Đà đánh sập Cầu Giáng (mình xem trênbáo ND và QĐND cũng thấy đăng như vậy) thì thật là lạ, vì ở Giáng La không có chiếc cầu nào, ngoài chiếc cầu... tre bắc qua một khe nước rất cạn mà mình đã được đi qua. Hay là những trận đánhxung quanh An Hoà, Đức Dục, Thượng Đức v.v... lúc thì nói là củaQuảng Nam, lúc thì nói là của Quảng Đà.
Thôi, mình sơ qua tình hình cho Long biết. Mình chúc Long và anh em mạnh khoẻ.
Quảng.
TB: Tình hình có khó khăn như vậy nhưng anh em vẫn khoẻ, phấn khởi, lại được các anh ở Tỉnh uỷ, ở Ban Tuyên huấn quan tâm, tạo mọi điều kiện để làm việc nên cũng thuận lợi và vì thế công tác chung vẫn tốt, ở nhà cứ yên tâm (viết vội, ngoáy, thông cảm Long nhé!)."
Trần Hồng Cơ viết: " Thư của anh em đã nhận được rồi. Định viết thư cho anh thật dài nhưng lại lắm "đột xuất" quá nên hẹn anh thư sau em sẽ nói nhiều.
Quảng Đà hiện nay chỉ còn mỗi mình em ở nhà trực thôi. Gọi là hậu cứ nhưng căng thẳng lắm. Bom pháo suốt, không yên tĩnh gì cho lắm. Hôm nay ban Tuyên huấn (cùng Thường vụ) chuyển chỗ ở, để "trốn pháo bom". Chuyển nhà, đồ đạc mấy hôm nay mệt quá.
Điện báo Quảng Đà bị kẹt. Cường bị thương đi viện. Dũng thì đi tiền phương. Hiện nay chưa có ai làm việc cả. Nóng ruột lắm. Em gửi các tin về cho anh (vớt vát). Anh Chu có đến chỗ em nhưng em đi vắng không gặp được. Anh ấy ở F bộ, tiếng là "tiền phương" nhưng lại ở phía sau em đó (cũng vui).
Thôi anh nhé. Mai 4 giờ em lại phải mang đồ đạc đến chỗ ở mới rồi (đi 3 tiếng - 2 dốc). Em xin dừng bút chúc anh khoẻ. Em gửi kèm thư anh Chu gửi anh.
Cơ.
TB: Anh Thụ đi tây Duy Xuyên rồi (nổi dậy ghê lắm). AnhQuảng đi Điện Bàn, còn Đán em không rõ đi đâu, em phải ở "tù" cho hết chiến dịch".
Ngày 22/8/1974 (5/7 giáp dần)
Bước vào bước ngoặt nữa của cuộc đời: cưới vợ.
Rối tinh rối mù, chạy lung tung mà chẳng làm được việc gì cả. Anh em thật nhiệt tình, làm giúp hết. Cầm lo vật chất, lo bù cả
đầu, thật tội. Đoàn Nguyên vẽ thiếp và trang trí phòng cưới. Các cô gái trong Tiểu ban làm hoa giấy. Chỉ gần 2 ngày, mọi việc đã đâu vào đấy.
Gần đến giờ hẹn đón dâu về, tôi cứ lúng túng mãi. Thông tấn xã sẽ có một đoàn đi đón dâu -tất nhiên rồi, họ nhà trai mà. Nhưng tôi? Hoàng Chu thì bảo phải đi đón. Thanh Tụng lại bảo rằng theo phong tục thì không. Dùng dằng một lúc rồi đi... cho vui.
Xẩm tối, gặp nhau giữa đường. Thanh Tụng chụp ảnh, còn Nguyễn Soạn thì xách máy ghi âm theo, làm phóng viên "nhà đài".
Tối nay, trời thanh tao. Sông Trà Nô khẽ rì rào đổ nước về xuôi. Phòng cưới lớn, ngập tràn ánh điện. Trang trí không sặc sỡ, song đẹp, nổi. Nổi bật trên tấm phông nhung màu huyết dụ là hình cắt bình hoa lớn, có những bông sen toả ra, bên cạnh có một dòng nhạc và một dòng chữ: "Chúc mừng hạnh phúc". Vậy thôi, không phô trương, công thức. Người đông quá, tràn ra cả ngoài phòng - phải kê thêm nhiều ghế. Các cô trong Tiểu ban Thông tấn xã hát tốp ca bài Cây trúc xinh đẫ được đổi lời nói về mối tình của chúng tôi. Bạn bè thay nhau hát, hô bài chòi... Buổi lễ kéo dài khoảng 45 phút, vui náo nhiệt.
Anh em đã làm cho 2 đứa một ngôi nhà xinh xinh bên gốc cây muồng có hoa vàng. Tình bè bạn thật bao la, sâu nặng.
Ngày 24/8 - 3/9/1974
Anh Ba, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đã chuyển về Khu làm Trưởng Ban An Ninh, với tên mới là Tám Lý. Không đến dự đám cưới của chúng tôi, nhưng với tính chu đáo, anh viết thư cho chúng tôi:" Rất tiếc là tôi nhận được thiếp mời dự lễ thành hôn của 2 đồng chí quá muộn (lúc 7 giờ tối ngày 22/8 mới nhận được), vì vậy không có cách nào đi kịp được nữa, mong 2 đồng chí thông cảm cho.
Hôm nay, viết thư này cho 2 đồng chí để tỏ sự vui mừng của tôi về hạnh phúc của các đồng chí, chúc 2 đồng chí dồi dào sức khoẻ,
tận hưởng hạnh phúc, tiếp tục chiến đấu, công tác hăng say, việc chung việc riêng đều trọn vẹn...
Nhân dịp vui mừng này, tôi gửi tặng 2 đồng chí 2 đoá hoa để làm kỷ niệm. Ngoài ra, không biết tặng gì khác.
Hôm nào rảnh, tôi sẽ đến trực tiếp thăm 2 đồng chí, hoặc 2đồng chí có dịp thì đến nhà tôi thăm chơi càng tốt. Đừng ngại đến An ninh gì cả nhé.
Một lần nữa, chúc 2 đồng chí hạnh phúc
Thân"
Bình Định, Quảng Ngãi cũng có thư cho tôi. Riêng Quảng Ngãi, không phải là thư của phóng viên mà là của anh Hồng Nhân, phụ trách ban Tuyên Huấn tỉnh: "Nhân có anh Hữu Quả về K, tôi tranh thủ viết thư này trước hết kính thăm anh và tất cả anh chị em trong cơ quan Thông tấn K. Kính chúc anh và anh chị em luôn luôn dồi dào sức khoẻ. Qua anh, cho tôi và anh em Quảng Ngãi gửi lời thăm sức khoẻ Hoàng Chu, Tuyết Trinh, Triệu Thuỳ, Quốc Oai... Quảng Ngãi mãi nhớ những đồng chí đã có những ngày tháng lăn lộn cùng công tác chiến đấu, cùng hoà xương máu với mình. Sức khoẻ của các đồng chí ấy, nhất là đồng chí Thuỳ, hiện nay ra sao anh?
Anh Việt Long kính,
Vừa qua, các đồng chí Thông tấn K về Quảng Ngãi công tác nói chung là tốt, nhiệt tình, xông xáo vào các trọng điểm, giúp đỡ địa phương được nhiều. Riêng anh Quả, ngoài hiệu xuất công tác cao,còn có quan hệ tốt với cơ quan, giúp đỡ Đoàn văn công tốt. Mới đây, anh Quả có theo chủ lực vào tận chiến trường Minh Long lấy được nhiều hình ảnh tấn công và nổi dậy.
Để phát huy chiến thắng, động viên quân dân toàn tỉnh tiếp tục xông lên giành thắng lợi mới, chúng tôi rất thiết tha mong các anh giúp đỡ Quảng Ngãi:
-Có được một áp phích ảnh về chiến thắng Minh Long.
-Một số ảnh bảng kẽm về Quảng Ngãi để dùng cho báo tỉnh.
-Một máy ảnh và một số phương tiện làm ảnh.
Kính mong được anh quan tâm giúp đỡ. Chúng tôi rất biết ơn.
Có điều kiện, mời anh ghé ngang về Quảng Ngãi một chuyến để anh em mình được biết nhau chứ anh.
Một lần nữa, kính chúc anh khoẻ, tôi mừng."
Phước Huề viết: "Nhận thư Long sau khi H vừa rời chiếntrường khu Đông ác liệt và nắng gió về. Đọc thư Long, Trinh, Thoa được biết tình hình phân xã vẫn bình thường, ngày càng làm ăn tốt, H phấn khởi quá.
H vừa đi khu Đông về (nam Phù Cát). Lực lượng vũ trang đánh thì khá mà dân chạy ráo nên khó viết quá. Phi cũng đi với mình 15ngày. Đợt này để Hoà trực ở tỉnh, H tranh thủ đi với Phi, Vinh một thời gian để rút kinh nghiệm về phong cách của phóng viên với cácđồng chí mới. Đồng thời làm một số ảnh. H chụp được 2 cuộn, tráng phim rồi và gửi về luôn đợt này. Phim hết nên H phải về tỉnh mượn hoặc mua để chụp vì chưa biết ở nhà có gửi vào không. Cũng là mới tập chụp nên còn yếu quá, cả chủ đề và bố cục kỹ thuật. Mong được sự góp ý của bộ phận xử lý ảnh. Phim chụp thì nhiều nhưng phim đạt ít quá. Xong đây H định đi Hoài Nhơn - Phù Mỹ để hiểu thực tế hơn vì từ hôm xuống đến nay trực miết ở Tỉnh, có đi một số nơi nhưng thời gian ngắn quá.
Phi sau khi đi khu Đông, sẽ ra Bắc Phù Cát (Cát Tài, Cát Minh) ở đây dân đang lần lượt về nhà cũ làm ăn, trụ bám.
Về công tác, Phi khai thác tài liệu tương đối sâu nhưng khi viết cứ lúng túng chọn chi tiết, bố cục và thể loại còn bỡ ngỡ nên viết còn yếu quá. H phải sửa rất nhiều trước lúc điện và góp ý kỹ mỗi tin
bài. Đấy là bước đầu thôi chứ Phi xông xáo, chịu khó đi sâu vào thực tế (nhiều phen suýt "quắp tai").
Một điểm tồn tại của Phi cũng như một số đồng chí là chưa "thông tấn" mấy, tài liệu có nhưng đưa tin, bài chưa nhanh. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa đi và viết. Nhiều lúc để lâu quá, tài liệu không dùng được nữa. Sức khoẻ Phi thường thường, không khoẻ lắm, thỉnh thoảng có sốt.
Vinh thì khoẻ nên xông xáo hơn. Phim chụp gửi về nhà H không được xem hết, còn tin bài thì đã sửa, góp ý và điện về nhà cả. Tin, bài là việc làm thêm nhưng Vinh làm khá tốt. Nhiều lúc H nhắc nên cố gắng đầu tư thời gian hơn nữa để thể hiện ảnh tốt hơn. Vì đó là nhiệm vụ chính của Vinh. Vinh có sự tiến bộ đáng kể. Hthay mặt tổ Bình Định đề nghị chi bộ, chi đoàn động viên Vinh phát huy kết quả của mình, cố gắng đạt kết quả cao hơn.
Hoà đi Hoài Nhơn về trực ở nhà đã rút được nhiều kinh nghiệm, nhất là quan hệ công tác và khai thác tài liệu viết. Trong thời gian ở Hoài Nhơn, Hoà bị đau mất một thời gian nên tin, bàiviết có ít. Ở Hoà có nhược điểm giống Phi là thiếu nhạy bén và nhanh chóng chớp thời cơ viết, gửi tin bài về ngay. Bài Hoài Nhơn tháng 8 là một ví dụ. Hoà về nhà, H cung cấp tài liệu, lập dàn bài chi tiết và gia hạn trong 2 ngày viết xong. Nếu Hoà cứ ở Hoài Nhơn chắc không viết được vì thời gian đó Hoà sốt, cơ quan huyện xuốngĐông đường, tài liệu không nắm cụ thể, Hoà lại ở Tây đường.
Tồn tại chung của tổ Bình Định vừa qua là ít viết tin quá, nhất là các đồng chí đi các huyện. Cách tổ chức, khai thác tài liệu để đưa tin thường xuyên về một huyện, các xã còn nhiều vấn đề rút kinh nghiệm, cả điều kiện khách quan và chủ quan.
H gửi lời chào thân thiết đến cả gia đình Thông tấn ta."
Nguyễn Long Phi viết: "Đến bữa nay cũng vừa một tháng, tôi đứng chân tại Phù Cát, ngày 1/9 không may ở Cát Minh, lại thấy một chồng 4,5 lá thư của anh và Thuỳ, Hoà... gửi cho.
Nhận được thư anh, biết các anh ở nhà bận và công tác tốt, tôi rất mừng. Hai nữa qua một số tin, bài các anh biên tập rồi gửi lại cho tôi rút kinh nghiệm, nhận được tôi thấy phấn khởi lắm.
Một thời gian công tác ở Phù Cát, nhất là gần 20 ngày sống ở phía Nam, công tác có nhiều vất vả lắm, tôi cố gắng làm việc nhưng cuối cùng thấy không sao làm được như hồi ở Phù Mỹ được. Có lẽ cũng do ngoại cảnh là chính, nó ác liệt quá, dân không có mà quân cũng tổn thất... Hiện nay anh Huề đi tỉnh rồi. Hẹn tháng 9 gặp nhau ở Phù Mỹ sẽ rút kinh nghiệm đợt vừa qua và triển khai đợt khác.
Ngày nay 3/4 về Phù Mỹ, gặp Vinh còn đang ốm, ảnh chụp ít, song Vinh vừa viết được nhiều tin, bài...
Tình hình Phù Cát vẫn còn đang căng thẳng, chống phản kích và kéo dân về. Tôi đang định viết một số mặt phản ảnh không khí xây dựng làng chiến đấu của một số gia đình cách mạng ở lại. Tình cảm của gia đình cách mạng với anh em bộ đội, cán bộ mình sâu nặng lắm. 9,10 năm nay vắng bóng bộ đội miền Bắc, nên bây giờ có bộ đội miền Bắc vô, họ nghe, họ nói, họ thương... đủ mọi chuyện. Tôi và Hưng đã phải mất một tuần liền thức gần sáng kể chuyện miền Bắc và chuyện cách mạng "ở núi" cho bà con nghe...
Ngoài ra, do bị "chết hụt" nhiều lần quá nên thời gian ở Phù Cát, không có lúc nào yên cả để mà viết tin, bài. Tôi định xin ý kiến anh Huề sẽ trở lại Phù Cát ít ngày nữa, lấy thêm tài liệu để làm việc cho hoàn chỉnh ý đồ của mình hơn.
Anh cho tôi gửi lời thăm anh em toàn cơ quan. Nhắn tin là tôi đã nhận được thư Thuỳ, phấn khởi lắm. Còn Hoà, cũng 4 tháng nay không gặp nhau. Vừa rồi tôi có gửi một cái gương soi ở Phù Cát cho Hoà nhưng tiếc rằng gương về thì Hoà đã cắt mất tóc cụt lủn mất rồi...
Chào các anh "
Ngày 14/9/1974
Việc các tổ trưởng phóng viên ở các tỉnh về Phân xã trao đổi kinh nghiệm đã thành nền nếp. Hôm nay, tổ Quảng Nam về làm
việc với chúng tôi. Tuy anh em đã bám sát chiến trường, thâm nhập sâu vào đời sống chiến sĩ, nhưng chỉ viết được, còn chụp ảnh rất khó khăn, vì không có ánh sáng, vì đạn pháo nổ mạnh, gây chấn động,ảnh bị nhòe. Đặc biệt, chụp ảnh về nổi dậy chưa được, vì anh em chưa nắm vững nổi dậy là thế nào. Kinh nghiệm rút ra là trang bị phải gọn nhẹ, bám sát trọng điểm, nắm chắc ý đồ chiến dịch, bám sát mũi chủ công. Riêng về nổi dậy, có rất nhiều chủ đề, như sự chuẩn bị của quần chúng, việc phá khu dồn, san đồn bốt, xây dựng vùng giải phóng. Ngoài ra, rất cần ống kính tê-lê cho anh em chụp cảnh chiến đấu - cần phải điện gấp xin Tổng xã.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Nguyễn Thành Vinh.
Ngày 18/9/1974
Anh Việt Long kính nhớ!
Em gắng ngồi dậy ghi vài dòng báo tin tình hình để anh rõ.
Thời gian ở Phù Mỹ, em bị đau nặng, không làm được công tác. Phi nay về Phù Mỹ sau một thời gian ở Phù Cát. Còn anh Huề và Hoà ở tỉnh sau không thấy biên thư xuống, nghe đâu anh Huề bị đau.
Anh Việt Long! Lần trước em có nhận được thư anh. Em đã trả lời, anh nhận được thư chưa?
Anh ạ, còn phần em rủi quá. Em ốm đau lai rai từ 11/8 nhưng cứ thấy việc bề bộn nên làm cố. Sức khoẻ ngày càng yếu và từ ngày 2, 3/9 là sốt nặng (41oC). Sau 5 ngày không ăn uống chi, thế là đành phải vào bệnh viện quân y tiền phương. Các thầy thuốc cho biết vì sốt rét ác tính nên ảnh hưởng lớn làm rối loạn tiêu hoá và sưng gan. Suốt mấy ngày em chỉ uống được vài thìa sữa thôi. Những ngày đầu vào các thầy thuốc thấy rất lo ngại về bệnh gan
của em. Nay có đỡ đi một ít. Đang tiếp tục tiêm sirepa và truyền huyết thanh ngọt.
Anh Việt Long, thật em không ngờ bệnh lại đến hiểm nghèo như vậy. Em quá bi quan, may có Phi động viên, giúp đỡ nên ít lo, phiền não.
Anh!... Có thể giữa tháng 10 mới có thể ra viện. Lúc nào ra thì em về ngay K để có thể điều trị kịp thời. Em nóng ruột quá.
Nhận được thư này anh biên thư kẻo em mong anh nghe. Em gửi lời thăm chị và các bạn.
Em. Vinh.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 24/9/1974
Bố mẹ và các em yêu mến!
Có lẽ sau lá thư này, gia đình sẽ lâu nhận thư con, vì đã bắt đầu mùa mưa rồi, xe không chạy được.
Hiện nay con và Ngân đều khoẻ. Sau khi cưới, Ngân lại về nhà in công tác, cách chỗ con khoảng 3,4 cây số. Chúng con vẫn hay gặp nhau, sống vui, hoà trong cuộc sống tập thể. Anh em có làm cho con ngôi nhà tranh xinh xắn, cũng có bàn, ghế, giường chiếu đàng hoàng. ở chiến khu này, được như thế là sung sướng lắm rồi.
Dạo này do ta đánh mạnh, địch co lại, nên tình hình yên hơn. Tại cơ quan thì chúng con được sống trong không khí khá hoà bình.Đời sống vật chất được cải thiện dần. Nhờ có cơ giới, chúng con khỏi phải gùi cõng vất vả. Tuy nhiên, nhằm tiến tới tự túc hoàn toàn lương thực, thực phẩm, chúng con cũng tham gia sản xuất khá nhiều.
Con đỡ bận hơn trước, các anh ngoài cơ quan tăng cường vào đảm nhận nhiều việc, bây giờ con chỉ còn lo việc chuyên môn và chi bộ thôi. Con mong có nhiều thời giờ để viết. Vừa rồi mất nhiều thời gian vào công việc sự vụ quá, chẳng viết được gì.
Thời gian càng trôi đi, con càng thương nhớ gia đình da diết. Do hoàn cảnh chưa cho phép con phải nén tình cảm lại. Và càng nén lại, càng đau xót. Có lẽ, trên đời này không một ai lại không mong được sum vầy trong gia đình. Nhưng, cuộc đời cũng ít chiều theo sự mong muốn của con người. Tuy nhiên, con vẫn hy vọng có ngày sẽ về gặp lại gia đình. Chắc rằng tổ chức sẽ không quên những người đáng nhớ.
Chắc bố, mẹ, anh Đức và các em đã xem ảnh, nghe băng ghi âm buổi lễ thành hôn của chúng con. Gia đình có hài lòng không? Hôm nay con gửi thêm mấy cái ảnh nữa.
Nghe gia đình vẫn sống hoà thuận, vui vẻ, các em tiến bộ, con rất mừng. Mong rằng tất cả các em đều tiến vững chắc. Còn anhĐức đã "vận động" được chị Hoà tiến hành xây dựng tổ ấm chưa? Viết thư nói kỹ cho em biết và mừng với. Cháu Trang mũm mĩm quá nhỉ. Tuy nhiên, chú Phúc phải đi vào kế hoạch đấy nhé, kẻo mà vất vả lắm, Phúc có học hàm thụ đại học không?
Cứ nhìn hàng hoá - từ cây kim sợi chỉ - ở miền Bắc ùn ùn vào, con biết hậu phương phải thắt lưng buộc bụng lo cho chiến trường, con cũng hiểu phần nào những khó khăn mà đồng bào, trong đó có gia đình ta ngoài ấy, phải vượt qua.
Bố mẹ có đi xem phòng triển lãm một số hình ảnh miền Nam đấu tranh và xây dựng vùng giải phóng không? Con có ảnh "Nhân dân miền Nam trong vùng địch kiểm soát phá ấp chiến lược Mỹ -Thiệu trở về làng cũ làm ăn" trưng bày ở đó đấy. (Báo Nhân dân ngày 9/6/1974 có đăng ảnh giới thiệu).
Gia đình đừng gửi gì cho con cả, con sống tương đối đầy đủ rồi.
Cuối thư, con hẹn sẽ có ngày sum họp trong gia đình.
Con gửi thư này nhờ anh Phương, phó Ban Tuyên huấn khu, chuyển. Gia đình hỏi thêm anh Phương, sẽ biết thêm nhiều chuyện. Anh Phương đã xa vợ và con 15, 16 năm trời, nay mới được ra đấy.
Con của gia đình.
THƯ NGÂN GỬI GIA ĐÌNH
Bố mẹ kính yêu!
Thư này là thư thứ tư con viết cho bố mẹ, nhưng chưa có thưnào con viết dài và thư riêng cho anh Đức và các em.
Lần này, cơ quan có người ra, con viết thư cho bố mẹ đây. Trước tiên con xin gửi đến bố mẹ lòng chân thành, mong bố mẹ mạnh khoẻ vui tươi trong tuổi già.
Bố mẹ ạ! Tuy chưa gặp mặt bố mẹ, anh Đức và các em, song con cảm thấy tình cảm của gia đình ấy vẫn sưởi ấm tâm hồn con trong những ngày sống công tác nơi chiến trường.
Bố mẹ của con!... Chắc về phần con thì anh Việt Long đã biên thư và nói cụ thể cho gia đình rõ về con rồi nhỉ?... Con sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh trong vùng tạm chiếm, cha hoạt động cáchmạng đã hy sinh, mẹ bị ốm chết năm 1962. Được 4 anh chị em, tất cả sống cùng ông bà nội. Con đã thoát ly gia đình từ hồi 15 tuổi. Trong điều kiện khó khăn của tập thể đã nuôi con lớn, rèn luyện cho con nhiều năm, nay con đã 22 tuổi, cho nên sự học tập như mọi người khác ở Bắc thì không có, con chỉ học hết 4 thôi.
Bố mẹ kính yêu!...
Chắc trong thâm tâm của ai cũng vậy, gia đình đàng hoàng thì cũng muốn tìm cô con dâu đàng hoàng như chị Hoà hay chị Thành chẳng hạn, và con thì học hành thì ít, cuộc sống va chạm thì không có mới lại sớm sống công tác nơi chiến trường nên bệnh tật khá nhiều. Trước anh Việt Long con cảm thấy con quá kém cỏi. Bên
cạnh lúc con quen anh Việt Long thì con cảm thấy rất quý anh ấy, nhưng thấy anh ấy cũng rất quý con từ đó chúng con thân nhau, hiểu nhau nhiều, từ đó con được xem ảnh và thư của gia đình bố mẹ, các em, lòng con rộn lên bao niềm vui sướng.
Ước mơ sẽ có ngày con được đứng vào bên cạnh tấm ảnh ấy. Thế ước mơ đã đem đến sự thật ngày nay con đã nhận được nhữngcái thư của bố mẹ, anh Đức viết cho con hay là thư của các em nữa.
Bố mẹ của con!... con viết thư cho gia đình làm sao con nói lên hết tình cảm của con đối với gia đình hả bố mẹ, con rất biết ơn bố mẹ đã đẻ ra và nuôi dưỡng trưởng thành cho con một nguời chồng đáng yêu quí. Chúng con sẽ sống và công tác thật xứng đáng công nuôi dưỡng và sự mong ước của bố mẹ.
Anh Long nhận quá nhiều quà và thư, sự quan tâm lớn của gia đình rồi, nên lần khác bố mẹ cũng đừng nên gửi gì cho con cả để bố mẹ ăn uống cho khoẻ, các em ăn bận đầy đủ. Con trong này chỉ khao khát tình ấp ủ của bố mẹ và các em còn vật chất thì không thiếu thốn lắm đâu.
Chỉ vậy, con chúc bố mẹ, anh Đức, các em khoẻ .
Con dâu
Nguyễn Thị Kim Ngân
TB: Qua thư Bố mẹ cho con gửi lời đến thăm gia đình cô Chung và bà con nội ngoại.
THƯ ĐỒNG CHÍ
Nguyễn Long Phi. Phù Mỹ ngày 26/9/1974
Anh Long và các anh kính mến!
Nhân tiện có anh Phong (Ban Binh vận huyện Phù Mỹ) lên K họp, tôi có mấy lời thăm các anh và các đồng chí trong cơ quan.
Cho đến bữa nay 26/9, tôi và Vinh vẫn ở Phù Mỹ. Vinh còn điều trị ở phẫu tiền phương. Hiện giờ địch đang lấn chiếm 2 xã MỹThành, Mỹ Thọ là vùng quản lý của ta. Đến đêm qua 25/9 chúng đã đóng quân có tăng yểm trợ tại ngã tư Chánh Trực (Mỹ Thọ). Có thể ngày nay và vài ngày tiếp nữa chúng phát triển mạnh hơn vào cả các xã giáp Mỹ An, Mỹ Thắng...
Không khí chống địch càn quét rất khẩn trương. Dân các xã MỹThành, Mỹ Thọ đã được đưa hết ra Mỹ Thắng, Mỹ Đức. Còn lại lực lượng D50, D55 của tỉnh chống, giữ.
Cuộc chiến đấu diễn ra 3 ngày nay ở 2 xã này rồi. Còn ở mảng 5xã Nam Phù Mỹ, Bắc Phù Cát không có súng nổ. Địch đang tậptrung vào "Bình Định".
 m mưu địch đánh sang vùng ta, và nhân lúc lực lượng ta yếu chúng phát triển hòng tiêu diệt sinh lực.
Tôi vẫn bám chiến trường ở 2 xã này. Vinh có giao cho máy ảnh từ tháng 8, tôi đang làm và có làm một số ảnh. Càng tin tưởng làm một số ảnh về xe tăng địch bị ta bắn cháy (2 chiếc, 5 chiếc hỏng trong 3 ngày,) và một số ảnh về tù binh, ảnh về chúng đốt phá...
Vì tình hình còn đang căng, nên mò theo các đơn vị cũng ở tình trạng cơ động chạy nên khó quá.
Bây giờ súng còn nổ và đang căng. Tôi vội có mấy lời báo cáo các anh như vậy.
Tin tức tôi gửi về tỉnh rồi. Không biết nhà nhận được chưa.
Ta địch còn đang tranh chấp ở các cao điểm Đá Tân, Đá Hoa, Mỹ Thành....
Thôi vội quá. Có gì báo cho các anh sau.
Còn một mình làm không xuể các anh ạ.
Sức khoẻ tôi gầy và đen (cháy nắng) nhiều.
Nhớ nhà quá. Chào các anh.
Nguyễn Long Phi
Ngày 26 - 28/9/1974
Làm việc với tổ trưởng các tổ Quảng Đà, Quảng Ngãi, QuảngNam, Bình Định. Lần này, ngoài việc trao đổi về kinh nghiệm nghiệp vụ, anh em còn cung cấp cho Phân xã tư liệu về từng địa phương - khá đầy đủ và chi tiết, rất có ích cho công tác biên tập. Nói chung, các tổ phóng viên bám sát nhiệm vụ, gắn bó với địa phương, được sự giúp đỡ và phối hợp của Ban Tuyên huấn các tỉnh. Riêng tổ Quảng Nam gặp khó khăn hơn, còn có một số cán bộ lãnh đạo chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của công tác báo chí - tuyên truyền nên chưa nhiệt tình tạo điều kiện cho phóng viên nắm tình hình làm tin tức. Anh Sĩ - Phó trưởng ban Binh vận tỉnh - nói: "Có phóng viên Khu xuống thì Quảng Nam vẫn là mảnh đất trung dũng kiên cường, không có phóng viên Khu xuống cũng vẫn kiên cường trung dũng". Có một việc cần rút kinh nghiệm là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phóng viên và điện báo viên, làm sao cho phóng viên viết thật nhanh, nhậy, còn điện báo viên thì phải nhanh chóng chuyển về Khu bằng máy 15 WAT. Có lẽ do ngại đánh mooc dài, cậu Huệ - điện báo viên ở Quảng Nam -đã tự "sáng tác" ra điện của Phân xã gửi xuống: Quảng Nam viết dài lê thê, cần viết thật ngắn! Vừa buồn cười vừa giận anh bạn điện báo viên trẻ người non dạ, đã dám làm cái việc tày đình ấy. Một mặt, tôi dặn anh em phóng viên phải viết cô đọng, tránh dài lê thê, mặt khác bàn với anh HồngSinh, trưởng Đài Minh ngữ, động viên anh em điện báo viên phối hợp chặt chẽ với phóng viên để làm thật tốt công tác.
Ngày 1 đến 4/10/1974
Ban Tuyên huấn tổ chức nghiên cứu Nghị quyết 02 hội nghị A15.2 của Khu ủy. Chúng tôi được nghe phổ biến khá sâu vê tình hình, nhiệm vụ, phương hướng của toàn Khu trong thời gian tới.
Về tình hình địch - ta trong Khu:
-Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1973, địch tiếp tục chủ nghĩa thực dân mới, tiến hành chiến tranh, dùng chiến thuật bình định, lấn chiếm. Ta chưa thấy hết âm mưu địch; bộ đội chủ lực của ta đi vào huấn luyện. Ta có khuyết điểm trong chỉ đạo - đối phó ít, kếtquả ít, biện pháp chưa thật thích hợp. Địch đạt được một số kết quả
-lấn chiếm được một số vùng, giành được một số dân, "bình định" được một số vùng mới.
-Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1973: Khu ủy có Nghị quyết 21. Thấy rõ địch hơn, nhất là về âm mưu chiến lược và bản chất ngoan cố của đế quốc Mỹ, đặt nhiệm vụ trung tâm là chống bình định, lấnhiếm. Địch tiến hành chiến tranh, ta phát động chiến tranh nhân dân đánh lại địch.
-Từ tháng 9 năm 1973 trở đi: Có bước chuyển biến mới, thắng lợi lớn. Tình hình đã sáng tỏ về khả năng ta đánh bại bình định lấn chiếm của địch, nhất là các thủ đoạn cơ bản như đóng chốt, dồn dân. Bộ đội chủ lực của ta có khả năng tiêu diệt đơn vị tương đối lớn, chi khu quan trọng có công sự khá vững, giữ được trận địa, mở ra từng mảng vùng giải phóng, căn cứ cách mạng được củng cố, phát triển. Bộ đội địa phương và quần chúng tấn công tiêu diệt, áp đảo địch. Trong chiến dịch hè - thu, ta loại khỏi vòng chiến đấu
41.000 tên địch, 40 tiểu đoàn, 549 lượt đồn bốt, giải phóng 31 xã, 99 thôn. Tính chung 8 tháng của năm 1974, toàn Khu loại khỏi vòng chiến đấu 55.000 tên địch (có 13.000 tên rã ngũ, trong đó có 700 người về vùng giải phóng), 4 quận lỵ, chi khu, nổ ra 85 vụ binh biến trong quân ngụy, 14 vạn dân được giải phóng, giành quyền làmchủ. Đây là thời kỳ mà bọn địch xuống dốc ngày càng nhanh hơn.
Trong vùng giải phóng, chúng ta khai hoang, phục hóa 6.700 héc ta, gieo trồng 100.000 héc ta, chăn nuôi 47.000 con trâu bò, thu nghĩa vụ 600 tấn lương thực, mua 3.000 tấn gạo, làm mới 1.224 ki lô mét đường giao thông, 5 vạn người đi học, có 118 bệnh viện, bệnh xá.
Dự kiến tình hình sắp đến: Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu cơ bản - giữ miền Nam trong quỹ đạo chủ nghĩa thực dân mới,nhưng trước mắt không đưa quân vào miền Nam. Địch tiếp tục suy yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, mâu thuẫn nội bộ phát triển thêm. Ta có điều kiện tiếp tục giành thắng lợi lớn hơn, tạo ra so sánh lực lượng có lợi cho ta. Phải qua nhiều nỗ lực nữa ta mới tạo được ưu thế rộng rãi hơn đối với địch.
Hướng sắp tới của chúng ta: Phải nắm vững quan điểm bạo lực. Phát động chiến tranh cách mạng đánh bại Việt Nam hóa chiến tranh của địch. Phải nắm vững tư tuởng tấn công, tấn công ở phía trước, tấn công trong xây dựng. Phải bám dân, bám địa bàn. Quần chúng phải nổi dậy bằng 3 mũi giáp công. Phải kết hợp 3 thứ quân, đẩy mạnh 3 mũi giáp công, 3 quả đấm, đánh bại một bước quan trọng âm mưu bình định lấn chiếm của địch.Từng bước hoàn chỉnhcăn cứ cách mạng ở miền núi. Đưa phong trào cách mạng ở thành thị lên, tiến tới tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc của địch ngay trong lòng địch.
Mục tiêu trước mắt của chúng ta là: Đánh bại bình định, lấn chiếm. Mở rộng và xây dựng vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng. Nhiệm vụ trọng tâm số một là tấn công, nổi dậy, số hai là xây dựng vùng ta.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Bảy Hữu - ủy viên thường vụ Khu ủy - hệ thống hóa lại vấn đề giành dân trong lịch sử Khu Năm thời chống Mỹ như sau: Từ năm 1961 trở về trước: Phá rào vi, đánh tháp canh, đánh dân vệ. Từ 1961 đến 1962: Diệt kẹp, giành dân, phá khu dồn, đánh bọn ứng chiến. Từ khi Mỹ đưa quân vào miền Nam: Diệt ác, phá kèm, phá khu dồn, đập vỡ tuyến phòng thủ, đánh bại mọi cuộc ứng chiến. Anh nhấn mạnh: Thời cơ hiện nay, chúng ta tạo ra sau 19 năm kháng chiến và 15 tháng thi hành hiệp định Pari, là vô cùng thuận lợi, phải chớp lấy để giành thắng lợi mạnh mẽ nhất, đầy đủ nhất, tiến tới toàn thắng. Tôi nhận ra anh Bảy chính là anh Lợi, người cán bộ lãnh đạo mà tôi đã được gặp vàlàm việc trong thời gian ở Bình Định năm 1972 tại Ban chỉ huy tiền phương - vẫn dáng người cao to, khuôn mặt vuông cương nghị, bộ râu quai nón cạo nhẵn và đôi mắt sáng, giọng nói sang sảng... Còn
anh Ba, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định hồi đó, bây giờ lấy tên là Tám Lý, được giao trách nhiệm Trưởng ban An ninh khu.
Cả căn cứ rộn ràng lên trong không khí thi đua thực hiện bằng được Nghị quyết của Khu ủy, biến tinh thần Nghị quyết thànhhành động cụ thể. Đối với Phân xã Thông tấn xã của chúng tôi, đây là ánh đèn pha tập trung soi rọi thực tiễn để chúng tôi làm tin, chụp ảnh có kết quả cao.
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Việt Long - 3105 Vinh Quang. Ngày 4/10/1974
Bố mẹ yêu quý của con!
Các em thân yêu của anh!
Con mới nhận được thư của mẹ viết cho con (mẹ gửi tháng 7).Được biết gia đình vẫn mạnh khoẻ, êm ấm, con rất mừng.
Hôm nay có anh Nghĩa - cùng cơ quan với con - ra chữa bệnh, con gửi lá thư này cho gia đình.
Điều đầu tiền con cần nói cho mẹ yên tâm là con rất khoẻ.Đúng là vừa rồi con có đi bệnh xá một thời gian, nhưng là vì một vết bỏng ở chân chứ không phải do sốt. Cả năm nay con không bị sốt. Cả thời kỳ bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, hầu như mọi người trong cơ quan con đều sốt, con vẫn khoẻ mạnh. Gan, lách con chưa bị sưng bao giờ. Nếu như bệnh viện cần một người đến để họ huớng dẫn cho các học sinh y tế cách gõ, nghe và kết luận là gan, lách tốt, thì nhất định họ phải mời đến con.
Hiện nay, do việc triển khai của đoàn Liên hợp quân sự gặp nhiều trở ngại, con đã trở về Ban Tuyên huấn công tác. Con lại làm công tác biên tập, rất bận vì công việc nhiều mà người thì ít. Công tác của con vẫn gặp thuận lợi, tiến bộ.
Vừa rồi, con được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan,đồng thời làm Phó bí thư Đoàn uỷ cơ quan, do vậy càng bận. Con nghĩ, khi đã được tín nhiệm, trao nhiệm vụ thì phải hoàn thành thật tốt.
Mẹ thân yêu của con ơi! Đọc thư mẹ, con hiểu rằng mẹ thương nhớ con biết bao, mẹ mong gặp con biết bao. Có lẽ vì thế mà mẹ thoáng có ý trách con chỉ lo công việc mà ít nhớ đến gia đình chăng?Đúng là bây giờ con rất bận rộn, rất lo công việc. Con chưa thể về thăm gia đình được. Mẹ cứ nhìn những người đã ra ngoài ấy thì hiểu rằng con chưa ra là phải. Vì đó là những anh lớn tuổi, có người có tuổi đảng bằng chính tuổi đời của con, đã cống hiến nhiều gấp mấy chục lần con, bây giờ gần kiệt sức rồi, cần nghỉ ngơi, hoặc những người trẻ tuổi thì bị bệnh tật huỷ hoại cơ thể quá rồi, phải ra chữa, một số khác thì cần ra để học. Con thì sao? Còn trẻ, mới cống hiến được ít năm, sức khoẻ tốt, (nếu con ra mà sức khoẻ tàn tạ, chắc mẹ cũng không thích) vậy thì con ra sao được trong lúc này. Nhất là trong điều kiện có hàng chục thanh niên vào thêm, cần có người tương đối có kinh nghiệm công tác kèm cặp, con càng chưa thể ra được. Chính vì thế mà con chưa dám nghĩ đến chuyện đi nghỉ phép.
Nhưng không phải vì thế mà con nguôi thương nhớ bố mẹ kính yêu, nguôi thương nhớ những đứa em ngoan ngoãn. Nhiều khi con chỉ ước được gặp gia đình trong giấc mơ, mơ cho thật rõ, thật lâu. Có khi con nghĩ rằng con có thể đổi một vài năm sống của đời con để lấy một vài tháng sống trọn vẹn với gia đình trong tình thương yêu của bố mẹ, trong tiếng nói cười ríu ran của bầy em. Nghĩ lại những ngày còn sống trong sự chăm sóc của bố mẹ, con thấy quý giá vô cùng, con khao khát, con ước mong được trở lại những ngày đó. Và nếu được phép về thăm gia đình, con có thể vứt bỏ tất cả đồ dùng, có thể đi bộ vượt trạm để băng về nhà cho thật nhanh. Rồi nghĩ lại, thấy rằng còn phải xa gia đình nhiều năm nữa, con thấy đau nhói trong lòng, có lúc tưởng như không chịu đựng nổi nữa! Song con cứ nghĩ đến muôn vạn người xung quanh, con lại cảm thấy cứng rắn lên. Có gia đình nào không tan nát đâu, ở Miền Bắc có gia đình nào không có con em vào Nam hoặc đi bộ đội, hy sinh đâu? Gia đình ta so với nhiều gia đình còn hạnh phúc lắm - còn toàn vẹn, được làm việc thuận lợi, được ăn học đàng hoàng - nghĩ như thế, con lại thấy
phấn khởi, yên tâm công tác. Và mẹ hãy yên tâm, rồi nhất định con sẽ được ra thăm gia đình, cơ quan con không quên con đâu, khi nào thấy có thể được, nhất định cơ quan con sẽ cho con về thăm mẹ, thăm bố, thăm anh em ruột thịt của con. Lúc ấy, con trở về mạnh khoẻ, đàng hoàng và gia đình ta sẽ vui như hội.
Mẹ ạ, tiền mẹ gửi cho con, con đã nhận được. Con không thiếu áo len đâu, vì con đã có một áo len rất tốt, mới đây lại được lĩnh một chiếc mới, thế là thừa. Ngoài ra, các đồ dùng khác của con khá đầy đủ. Mẹ đừng gửi gì cho con ngoài một chiếc vợt mút và một tá bóng bàn để con chơi thể thao cho vui.
Anh gửi tới các em tình thương yêu tha thiết.
Con của bố mẹ. Việt Long
Ngày 12/10/1974
Phân xã đã tổ chức các bộ phận chuyên môn để có điều kiện hoạt động tập trung hơn, có hiệu quả hơn: Tổ tin phổ biến, Tổ tin tham khảo, Tổ ảnh... Tôi vừa phụ trách chung, vừa trực tiếp làm tổ trưởng Tổ tin phổ biến.
Chúng tôi họp Tổ tin phổ biến để bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết 02 A15.2. Tổ có tôi, Hoàng Chu, Hồ Phước Huề, Kim Thoa,Thế Phương, Nguyễn Xuân Soạn, Phạm Đức Yên. Nhiệm vụ cụ thể đưọc xác định là:
-Ra Bản tin hàng ngày phục vụ Khu và điện ra miền Bắc. Tin quân sự khai thác từ nguồn của Quân khu. Tin nổi dậy dựa vào các tổ phóng viên và tổng hợp tình hình của Khu ủy. Tin binh vận chú ý cả tin thời sự, mẩu chuyện và tin tổng hợp. Tin kinh tế chú ý tin thời sự, điển hình về sản xuất, xây dựng vùng giải phóng. Tin thành phố dựa vào các tổ phóng viên, vào Ban đấu tranh chính trị. Tin văn hóa xã hội khai thác từ nhiều nguồn, cần đều hơn, có tổng hợp. Chú ý đưa tin về hoạt động của Chính phủ và các đoàn thể.
-Liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quanh Khu. Dự đều giao ban Khu ủy. Cử phóng viên trực ở 2 khối - chính quyền và dân vận, mặt trận, vừa làm tin chung vừa đi chuyên đề.
-Biên tập viên phải nhận xét từng tin, nhận xét chuyên môn của phóng viên theo định kỳ và thông báo cho các tổ phóng viên. Hướng dẫn các tổ phóng viên về hoạt động nghiệp vụ.
-Xây dựng tư liệu.
-Tổ chức thông tín viên, cộng tác viên.
Tôi trực tiếp phụ trách Bản tin hàng ngày, và cùng với Xuân Soạn biên tập tin. Phước Huề phụ trách khối chính quyền. Hoàng Chu phụ trách khối dân vận, mặt trận.
THƯ GIA ĐÌNH
Ngày 2/11/1974
Long Ngân yêu quý!
Mẹ đã nhận được đủ quà con gửi anh Tầm về rồi, và hôm vừa rồi bác Nhung ra cũng lại đưa quà và thư con gửi. Bác Nhung có nói chuyện là con đến chỗ bác và bác bảo là con gầy nhưng khoẻ, bác chỉ tiếc là chưa gặp được Ngân thôi, có thể ngoài tết Bác mới vào, dạo này, mẹ chậm thư cho 2 con là vì bố đi chữa bệnh ở Quế Lâm -Trung Quốc đã được một tháng rưỡi rồi bố đi từ 15 tháng 9 thành ra không có ai liên hệ với TTX được, bố con sang Trung Quốc như thế là chữa về thần kinh là chủ yếu vì bên tay phải đã bắt đầu hơi run và chân đi thì lệt xệt, sang được một tháng đã lên được 5kg và điều kiện chữa bệnh thì tốt lắm, ăn uống thoải mái, bố viết thư về nói là tay đã đỡ run và bàn tay đỡ cong rồi, chân cũng đỡ. Sang đấy chữa ít nhất cũng phải nằm 4 tháng như thế đến gần tết thì bố về, bố đi như vậy chỉ trừ tiền ăn 21đ/một tháng, còn sang Trung Quốc thì được lĩnh 8đ tiền Trung Quốc để tiêu vặt nhưng bố bảo chả phải tiêu gì, chỉ để khi về sắm các thứ cần thiết thôi, mà tiền bạn thì giá
trị lắm, họ tiêu từ 1 xu cho đến 1 hào. Như thế các con cũng mừng cho bố mẹ là trước khi về hưu được đi chữa bệnh thời gian và được bồi dưỡng sức khoẻ để về hưu cho phấn khởi.
Con gửi cao gấu và mật gấu về chắc bố mừng lắm, mẹ đã ngâm rồi, mẹ chắc cao gấu thì ngâm rượu uống như các loại cao khác, còn mật gấu thì tất nhiên là phải dùng cẩn thận rồi, nó chỉ dùng vào loại xoa cho tan máu là tốt nhất còn về uống thì mẹ phải hỏi cẩn thận, cao con mua có đắt không, giá có cao hổ cốt tốt thì tốt nhất vì nó chữa thấp khớp công hiệu nhất, còn mật gấu thì thôi con đừng mua nữa, bao giờ cần mẹ sẽ nhắn sau.
Mẹ thấy 2 con gửi quà ra mất nhiều tiền quá thế còn tiền đâu mà bồi dưỡng nữa, bao giờ bác Nhung vào mẹ lại gửi quà vào và gửi ít tiền vào cho các con để thêm và có khi nào mua quà ra còn có tiền mà mua. Mẹ thấy con nói đài thích quá nhất là cái đài loại 500đ ấy nhưng làm thế nào mà đổi tiền ở ngoài này được, mà gửi tiền vào thì con có đổi được không?
Anh Hà từ hôm ra có mỗi lần đến đưa quà ngồi được vài tiếng bố mẹ mời ở lại ăn cơm anh cũng không ở. Hôm nào mẹ đến 103 Quan Thánh để tìm xem có gặp anh ấy không Cô Chung nhận phần mua áo con cho Ngân nhưng chưa biết có ai vào không mà gửi, con còn gửi sữa ong chúa ra làm gì, 2 con không để mà dùng, thuốc bổ trong ấy cần dùng hơn ngoài này vì bố cũng có đủ thuốc rồi, con không phải lo nữa. Từ nay con đừng gửi thuốc bổ nữa, con để mà uống.
Bố mẹ và cả gia đình đều mong làm sao 2 con tranh thủ ra chơi được ít lâu, nhất là nửa tháng cũng được, mẹ thấy nói đi ra có 5,6 ngày mẹ lại càng sốt ruột, cứ nghĩ là thời gian đi có thế mà tại sao cơ quan không thông cảm mà tạo điều kiện cho 2 con đi kết hợp thời gian ngắn thôi cũng được thế mà càng mong càng thất vọng, có lẽ sang năm 75 con nên đề nghị xem vì gay go như bộ đội trong ấy mà họ cũng còn được về phép nữa là.
Em Diệp đang chờ vào Sư phạm Ngoại ngữ, còn em Lan và Thuỷ học lớp 8, và 7 gần nhà, cháu Trang đã cai sữa rồi, cháu được
một năm ngày 2-10-1974. Cháu mặc 2 bộ quần áo bác gửi về vừaquá và trông xinh lắm. Còn việc anh Đức có lẽ đầu năm 75 mới cưới được vì một là bố đi vắng vả lại chị Hoà cũng chưa muốn cưới vội. à con đừng mua áo chăn nhé, mẹ mua rồi, còn vải quần cũng vậy đừng mua nữa ngoài này mới mua đủ rồi. Các con để tiền mà tiêu, cái quần con gửi ra vải đẹp đấy nhưng chỉ phải cái may hơi chật, mẹ mặc tạm cũng được.
Thôi mẹ chúc hai con khoẻ mạnh.
Mẹ. Hạnh
Ngày 7/11/1974
Họp tổ tin phổ biến. Trong tháng 10, chúng tôi phát 87 tin, nội dung tương đối bám sát tinh thần chỉ đạo của Khu, tương đối kịp thời, tuy vậy, tin còn ít, tin về xây dựng lực lượng vũ trang còn yếu. Chúng tôi cũng đã hoàn chỉnh một bộ tư liệu về thành phố. Hướng đưa tin tháng 11, 12 là: Phải làm nổi vấn đề văn hóa, xã hội, kinhtế. Đưa nhiều tin tổng hợp, trong đó có tổng kết thành tích các đơn vị, cá nhân tiêu biểu. Chú ý đưa tin về phong trào đấu tranh ở thành phố. Xây dựng tư liệu về phong trào cách mạng ở thành phố và về hoạt động tấn công, nổi dậy toàn Khu năm 1974.
Từ cuối tháng 12/1974
Năm nay mưa muộn lạ kỳ. Tháng 10, 11 là tháng mọi năm mưa sầm sập thì năm nay mưa rất ít. Cuối tháng 11 mới có lụt. Nước thấp hơn mọi năm. Vậy mà cũng cuốn mất Hà Xuân Phong.
Hôm ấy nước bắt đầu rút, Phong cùng Thảo đi thuyền do Nghiêm, Thi chở qua sông Trà Nô. Nước xiết quá, thuyền vừa được đẩy ra, chưa kịp chèo thì đã lật nhào. Thảo không biết bơi, được Tiến vớt. Phong bơi giỏi, vượt qua bờ bên kia. Vậy mà gần đến bờthì chìm mất luôn. Đoạn sông này có nhiều ghềnh đá. Hơn một tuần sau mới vớt được xác.
Vậy mà từ 7/12 - mọi năm bắt đầu dứt mưa - lại mưa dầm dề, dai dẳng. Mưa không to hạt nhưng liên tục, làm nước dâng lên cao không kém mưa lớn.
Tôi vừa biên tập, vừa xử lý những tài liệu đã khai thác đượctrong khi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua Khu, trong đó có bài như sau:
Dũng sĩ Trương Văn Hoàsau khi được tuyên dương anh hùng
Hà Nội (VNTTX 17-12-74) Gặp Trương Văn Hoà trong đại đội liên hoan đơn vị anh hùng, anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng khu Trung Trung Bộ lần thứ tư, tôi nhớ ngay tấm ảnh anh, với nụ cười hồn nhiên, in trên báo Quân đội Nhân Dân cách đây mấy năm. Hồi ấy cả nước biết tên anh với danh hiệu dũng dĩ diệt Mỹ và thành tích diệt 167 tên Mỹ trong 6 tháng. Năm 1967 anh được Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên dương danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.Sau đó, trong một trận chiến đấu tại quê hương Quảng Đà, anh bị thương, rồi bị địch bắt. Bọn Mỹ - Thiện đã đưa anh qua khắp nhữngtrại giam của chúng từ Đà Nẵng vào Nam Bộ, ra tận đảo Phú Quốc. Chúng không thể ngờ rằng chính tại hòn đảo chơi vơi giữa biển này, anh đã tự thoát khỏi nanh vuốt của chúng, trở về đội ngũ, cầm súng tiếp tục chiến đấu tiêu diệt chúng. Bây giờ, anh lại đã đứng trên mảnh đất quê hương. Những chặng đường mà người anh hùng đã vượt qua biết mấy gian truân... vậy mà anh kể lại bằng giọng nói trầm trầm, hiền hiền, nghe thật bình dị.
"... Sau khi đánh đập, tra khảo đủ cách, buộc tôi phải ký vào bản cung không được, cuối tháng 8-1968, bọn địch đưa tôi ra đảo Phú Quốc. Chúng bắt tôi phải khai là "tù phiến cộng". Tôi đáp:
-Tôi làm cách mạng, không phải làm phiến loạn, các ông không được gán tầm bậy!
Chúng xúm vào hành hạ tôi. Vẫn những ngón đòn tàn ác mà quen thuộc: quay điện, đổ nước vôi, nước ớt, đấm đá... hồi nớ, người
tôi rất mập, mạnh, nên sau những trận đòn của chúng tôi chưa đuối sức. Nhìn vào tình hình chung ở trại giam, tôi thấy đáng lo. Ngày nào bọn địch cũng sục vào trại giam đánh đập tù nhân. Phong trào đấu tranh trong tù yếu. Do vậy chúng càng thả sức hoành hành. Có ngày, chúng đánh chết 3,4 tù nhân một lúc. Phải tổ chức đấu tranh. Muốn vậy, phải tìm được những đồng chí trung kiên nhất lập ban lãnh đạo trại giam. Tôi bắt đầu theo dõi. ở trong tù, khí tiết người cách mạng được biểu hiện rất rõ, ngay trên những hành động cụ thể: chịu đựng mọi cực hình, không khai báo, không khuất phục kẻ thù, thương yêu, chăm sóc đồng chí. Chẳng bao lâu, tôi liên lạc được với 5 đồng chí trung kiên khác và lập ban lãnh đạo trại giam. Chúng tôi nhận định: "Phong trào đấu tranh còn gặp khó khăn vì tình hình trại giam còn phức tạp. Ngoài thì bọn quân cảnh đàn áp. Trong thì bọn "chiêu hồi" (tức bọn đầu hàng) chỉ điểm. Muốn đẩy phong trào lên, phải diệt bọn chỉ điểm trà trộn trong tù nhân". Chúng tôi phân công nhau phụ trách từng khu vực rồi bố trí tiêu diệt địch. Tối hôm ấy, chúng tôi phục trên đường ra cầu tiêu, dùng cọc lều đập chết 6 tên, gồm 1 trưởng ban an ninh, 1 đại diện "chiêu hồi" và 4 tên chỉ điểm khác. Sau một thời gian, chúng tôi đã diệt sạch bọn chỉ điểm trà trộn trong tù nhân. Phong trào đấu tranh lên mạnh. Trong suốt quá trình này, tôi đều ở trong ban lãnh đạo trại giam...".
Trương Văn Hoà ngừng kể, đứng dậy hít liền mấy hơi dài. Biết anh mệt, tôi không hỏi gì thêm. Lát sau, anh ngồi xuống, kể tiếp:
"Chắc anh rõ, ai ở trong tù mà chẳng khao khát được trở về cuộc sống tự do. Chúng tôi luôn luôn tìm cách vượt ngục. Lần đầu tiên, vào đầu năm 1971, tôi và một số đồng chí định vượt rào ra ngoài. Bọn địch giăng tới 11 lớp rào. Chúng tôi bò. ánh đèn pha luôn quét qua, quét lại. Và bọn lính gác thỉnh thoảng lại bắn vu vơ mấy tràng đại liên. Tôi trườn tới, trườn tới. ý nghĩ duy nhất của tôi lúc này là trườn cho khéo, mau mau ra khỏi hàng rào. Nhưng, thậtkhông may, một đồng chí làm lộ. Đèn pha tập trung rọi tới, sángnhư ban ngày. Đại liên rít chiu chíu, đan dày sát hàng rào. Mặc, tôi cứ bò. Qua khỏi hàng rào thứ 5 rồi. Cố lên! Song không được, bọn địch đã đến...
Bọn địch đưa tôi về trại giam, đánh đập, hỏi:
-Tại sao mày dám vượt ngục?Tôi trả lời:
-Con người có một lần chết. Vượt ngục, nếu thoát, lại được cầm súng chiến đấu diệt bọn bay. Còn không, thì thà chết ngoài rào còn hơn sống trong rào.
Địch tăng cường kiểm soát trại giam. Nhưng chúng tôi khôngchịu bó tay. Chúng tôi đào địa đạo. Lần này lại bị lộ. Địch bắt 2 đồng chí, đánh đập thậm tệ, bắt khai ra người lãnh đạo. Hai đồng chí này còn non nớt, có thể sẽ không chịu đựng được. Nhận định như thế, tôi bàn với ban lãnh đạo để tôi đứng ra nhận, bảo tồn cơ sở. Các đồng chí nhất trí. Từ trong khám, tôi bước ra cửa rào, nói:
-Đừng đánh hai anh ấy nữa. Chính tôi là người tổ chức, chỉ huy.
Như bầy thú dữ bắt được mồi, bọn địch nhào cả lại xâu xé tôi. Gậy giáng lên lưng. Gậy giáng vào ống chân. Một trận mưa gậy phủ kín người tôi. Tôi lịm đi. Chúng đưa tôi lên phòng nhì, dẫn 8 đồng chí khác đến, hỏi:
-Những người này ở trong tổ chức của mày, mày có biết không? Tôi lắc đầu:
-Không phải! Chỉ có 2 người kia thôi.Chúng đe doạ:
-Mày không khai thì phải chịu đòn của cả 8 thằng này. Tôi nói:
-Bọn bay đánh cả ngàn gậy ta cũng chẳng nề hà.
Chúng xô đến đánh tôi ngã ngửa ra, lấy dây điện quấn vào chân tôi, quay máy. Luồng điện truyền nhanh quất vào từng mạch máu, thớ thịt tôi. Tôi không nói một lời. Chúng đánh chừng chừng cho thấm đòn. Chúng gõ côm cốp vào gót chân tôi, bảo:
-Đánh thế này cho mày hết cách chạy.
Rồi bọn quân cảnh tới, đứng bao quanh tôi, đánh tôi nhào qua, nhào lại.
Không khai thác được gì ở tôi, chúng đưa tôi đi biệt giam. ở đây, điều kiện sống thật khắc nghiệt. Riêng chuyện chật chội, thiếu không khí cũng đủ làm những đồng chí yếu bị ngất xỉu. Chúng tôi lại tìm cách vượt ngục. Lần này thì thành công. Tôi và 27 đồng chí khác ra tới khu du kích trên đảo. Liền sau đó, chúng tôi phối hợp với anh em địa phương lập đơn vị chiến đấu. Tôi được cử vào ban tham mưu, chuyên đi chuẩn bị chiến trường và vạch phương án tác chiến".
Trương Văn Hoà ngừng nói, suy nghĩ một lát rồi hỏi tôi:
-Dạo cuối năm 1971, anh có nghe đài nói ta tấn công vào thị trấn Phú Quốc không?
Tôi trả lời:
-Có, nhưng chưa rõ đơn vị nào đánh vào.
Anh kể tiếp:
-Chính là đơn vị chúng tôi đấy. Suốt 29 năm nay, bọn địch ở thị trấn Phú Quốc chưa bị tấn công lần nào. Rứa là chúng tôi quyết định vào nơi mà bọn địch tưởng là an toàn nhất, đánh vào bọn trùm ác ôn trên đảo. Tôi được phân công đi trinh sát, chuẩn bị chiến trường. Tuy đi vào địa bàn lạ, bỡ ngỡ, dày đặc quân địch, song tôi vẫn lợi dụng được những sơ hở của chúng, vẽ sơ đồ tỉ mỉ về cùng anh em lập phương án tác chiến rất cụ thể. Trận này, chúng tôi đã
giành thắng lợi: tiêu diệt 2 đại đội Bảo an, 1 trung đội "chiêu hồi", giết chết tên quận trưởng cùng vợ hắn là thiếu tá an ninh, và tên quận phó, phá huỷ 1 tàu quân sự.
-Sau đó, các anh hoạt động ra sao? - Tôi hỏi:
Trương Văn Hoà đáp:
-Chúng tôi đánh lai rai suốt, lúc thì chặn bọn địch đi lùng sục, lúc thì tập kích vào nơi chúng sơ hở. Tính ra, trong khoảng hơn 2 năm, lực lượng vũ trang đảo đã loại khỏi vòng chiến đấu 700 tên địch, thu 400 khẩu súng.
Câu chuyện của TrươngVăn Hoà đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng thật sâu sắc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người anh hùng ấy cũng ở tư thế tấn công và luôn luôn chiến thắng. Giờ đây, anh đang sát cánh cùng đồng bào, đồng chí tại quê hương chiến đấu đánh bại bọn "bình định" lấn chiếm.
Việt Long (TTXGP)
Sắp tết, gia đình hết sức chu đáo, gửi thư và cả quà cho tôi và Ngân.
Mẹ tôi viết: "Hôm nay có anh Sâm vào, gia đình gửi ít quà vào cho 2 con gọi là quà Tết, vì anh Sâm cho biết tin muộn quá, thành ra mẹ nấu vội gửi cho 2 con ít mứt. Mứt sen, 2 con ăn trước, còn mứt mẹ nấu gừng, dừa, khoai tây để ăn dần sau cũng được, mẹ đã viết sẵn một thư từ khi bố đi Trung Quốc chữa bệnh mà chưa gửi ai vào được, đến nay bố đã về rồi mới có người vào mẹ lại viết thêm một lá thư nữa và mẹ gửi cho Ngân 3 cái áo con, còn cô Chung gửi cho mấy cái mẹ không biết, mẹ nhờ cô mua đấy chả biết mặc có vừa không.
Gia đình thấy anh Sâm nói là đã làm việc cho con ra ngoài này, rồi kỳ này anh Sâm vào thì hai con có thể ra được đấy, còn thời gian thì chưa biết, mẹ có đề nghị mới anh Sâm là cho cả 2 vợ chồng con ra đấy, giá mà được ra kịp tết thì vui quá nhỉ.
Mẹ định ngoài tết bác Nhung vào mẹ gửi vào 500 đồng, cho con đổi mua đài cho mẹ được không, anh San có đến thăm gia đình, anh ấy bảo đổi tiền ở ngay bến ô tô dễ lắm, con xem thế nào viết thư cho mẹ biết nhé. Bác Nhung là bác ở cạnh nhà ta mà con gửi quần và mật gấu cho mẹ ấy mà, gửi tiền bác ấy vào là chắc nhất.
Mẹ gửi anh Sâm vào cho 2 con 50đ, gia đình thấy nói con sắp được ra thì mừng quá, nhất là các em, các con làm sao đề nghị ra sớm ngày nào hay ngày ấy.
Thôi mẹ chúc hai con khoẻ mạnh, gia đình rất mong ngày gần đây được gặp lại 2 con."
Bố tôi viết: " Ngân, Long yêu dấu của bố mẹ !
Bố viết thư thăm hai con nhân dịp đồng chí Sâm vào trong đó công tác, cũng là ngày bố mới đi chữa bệnh ở Trung Quốc về. Bố đi chữa bệnh ở Quế Lâm, Trung Quốc từ ngày 15/9/1974 đến ngày 19/12/1974, vừa được 3 tháng. Bệnh tật có thuyên giảm được một phần, lên được 4kg và sở dĩ bố không ở lâu bên đó vì bệnh của bố, bệnh sơ cứng động mạch là một loại bệnh của người già, nên không chữa khỏi hẳn được, chỉ chữa đến mức tương đối mà thôi, phương hướng chữa bệnh hiện nay của bố là tiếp tục uống thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng mỡ và thể dục, đi bộ. Bố vẫn nghỉ ở nhà đến 1975 lại tiếp tục đi làm. Bố dự định năm 1975 là năm vừa công tác, vừa chuẩn bị thủ tục để đầu 1976 thì về hưu, cũng vừa kết hợp với nghỉ ngơi dưỡng bệnh.
Khi bố ở Quế Lâm, bố gặp rất nhiều cán bộ trẻ của Khu 5 rađiều trị, song các đồng chí phần lớn ở Bình Định, Quảng Ngãi nên không biết con. Bệnh sơ cứng động mạch ảnh hưởng đến tim và tay chân, nên bố sức khoẻ giảm sút tương đối nhiều so với trước, khi còn sức đánh bóng bàn với Long ở Mễ Trì. Sau 3 tháng điều trị ở Trung Quốc, bệnh có giảm, sức khoẻ có lên, chân phải đỡ, và tay đã gần hồi phục. Bố đang nghiên cứu cách dùng mật gấu của con gửi ra, vì mật gấu có tác dụng làm tản máu tụ trong các động mạch.
Gia đình ta vẫn yên vui. Việt mới biên thư ra, em vẫn khoẻ mạnh, công tác ở đơn vị cũ.
Vắn tắt vài lời, chúc các con mạnh khoẻ, hạnh phúc, công tác tốt."
Anh Đức tôi viết: " Hai em Long, Ngân!
Gia đình đã nhận được thư, quà và ảnh, băng ghi âm lễ cưới của hai em. Mọi người đều vui mừng cho hạnh phúc của hai em, chỉ tiếc là không có điều kiện góp phần tổ chức cho hai em thôi. Cả nhà đều nhớ và mong có dịp hai em ra ngoài này thăm gia đình. Long đã 7, 8 năm nay không được ăn tết ở nhà rồi đấy, còn Ngân thì gia đình cũng chỉ mới biết qua thư và ảnh thôi. Cố gắng đừng bỏ lỡ dịp ra thăm bố mẹ, anh em nhé. Ra nghỉ một thời gian, thăm lại người thân, lấy thêm sức lực để còn làm việc tiếp nữa, công việc làm suốt đời cũng không thể hết được.
Ngoài này, tình hình cũng có nhiều chuyển biến đấy hai em ạ. Tình hình sau chiến tranh có nhiều phức tạp, đời sống của cán bộ, công nhân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ta đang cố gắng khắc phục từng bước. Riêng gia đình ta thì mọi việc không có gì thay đổi lớn cả. Bố già yếu đi nhiều, vừa rồi Bố được đi chữa bệnh 3 tháng ở Trung Quốc, kết quả tương đối tốt, sức khoẻ cũng phục hồi được một phần. Mẹ vẫn làm trong trường Ngoại ngữ, đi lại cũng vất vả nên một tuần mẹ chỉ về nhà được 2 lần thôi, mọi công việc nhà đều do các cô em gái quản lý.
Còn anh thì vẫn khoẻ mạnh, công tác bình thường. Thực sự thì công việc không làm anh hứng thú lắm, nhưng không thể giải quyết cách khác được. Công việc không hợp ngành nghề lắm, ngành nghềbọn anh học thì ở ta lại chưa có cơ sở công nghiệp. Đó cũng là tình trạng chung, là thiếu sót trong kế hoạch đào tạo của ta, bây giờ nhiều người đi học về không bố trí được công tác. Nước ta đang ở thời kỳ quá độ, còn nhiều khó khăn lúng túng lắm.
Còn việc riêng của anh thì vẫn chưa dứt điểm trong năm nay đâu. Gia đình chị Hoà giục cưới trong năm nay, nhưng chị Hoà
muốn để sang năm để chuẩn bị cho kỹ, đỡ vội vàng cập rập. Nếu sang năm hai em ra thăm gia đình được thì rất hay. Năm 75 cũng là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn đấy.
Hai em thân mến! Chỉ còn một tháng nữa là tết rồi. Anh nhớ lại những cái tết anh phải xa gia đình trước đây, anh rất thông cảm với hai em. Hồi ấy anh tuy xa gia đình nhưng lại được sống trong điều kiện đầy đủ sung túc. ấy thế mà chính những ngày vui ngày lễ lại là những ngày bọn anh cảm thấy buồn, cảm thấy thiếu thốn tình cảm nhất. Những ngày ấy thì sự đầy đủ về mặt vật chất cũng không thể nào bù đắp lại được sự thiếu thốn không khí thân mật, đầm ấm trong gia đình. Năm nay đón xuân, hai em có niềm vui của hạnh phúc mới mẻ, song anh chắc rằng các em cũng không thể quên được tình cảm gia đình.
Thôi, anh viết ít dòng thăm hai em vậy nhé. Mong rằng, một ngày không xa, anh và gia đình sẽ được đón các em trong ngày đoàn tụ cả gia đình ta.
Chị Hoà gửi lời hỏi thăm và chúc mừng năm mới cho hai em."
Em Diệp viết: "Anh chị ạ, hiện nay em đã vào học ở Đại học Sư phạm ngoại ngữ (khoa Pháp). Em ở nội trú. Tất cả ăn, ở nhà trường đều lo liệu. Bọn em sống ở trường cũng vui lắm. Sáng ra mỗi đứa lĩnh một nửa chiếc bánh mỳ, còn trưa, chiều ăn cơm. Mà anh biết đấy, học trò thì thiếu gì trò ma quỷ, nghịch ngợm. Có dịp là bọn em trêu nhau chết thôi, rồi ôm bụng mà cười, vui lắm. Cứ chiều thứ bẩy là bọn em chỉ mong chóng "vù" về nhà thôi. Nói qua tình hình của em như vậy cho anh chị biết. Còn tình hình gia đình thì vẫn bình thường
À, mà bố đi an dưỡng về béo khoẻ lên nhiều, chân bố đỡ sệt hơn, anh có thể yên tâm về sức khoẻ.
Còn tình hình của anh, chị dạo này thế nào? Chắc là vui vẻ hơn xưa nhỉ. Mà khi nào anh chị về nhà được thì vui vẻ quá, có khi lại thêm cô cháu nữa ấy chứ lại.
Anh Phúc, chị Thành dạo này cũng vẫn mạnh khoẻ, mà cái Trang thì thích lắm, biết đi, biết nói rồi, hay lắm cơ. Hôm nào anh, chị ra rồi biết.
Thôi, cuối thư em chúc anh chị mạnh khoẻ, vui vẻ, hạnh phúc "
Chú Lê Phương, chồng cô Chung tôi, viết: "Đã mấy năm qua rồi Long nhỉ. Chú chẳng một lá thư nào thăm đứa cháu thương đã phải xa nhà vì nhiệm vụ, thiếu mất tình cảm ấm êm của gia đình, chú nhận khuyết điểm nhưng sửa chữa kể ra cũng rất khó đấy Long ạ! đừng cười chú nhé vì là bản chất chú vốn là ngại và lười viết thư. Long cháu thông cảm cho chú nhé.
Chú nghỉ làm việc nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác khối phố vì cuộc sống chú cũng phải làm thêm sản xuất thủ công để có đôi chút thu nhập nên chú cũng bận nhiều, còn cô và các em thì vẫn làm việc và học tập. Tiến thì em đang chuẩn bị học nghề còn cậu Quang học cơ khí ô tô, cậu Chiêu thì còn dẫm chân ở lớp 5, em của cháu học dốt lắm, thích chơi hơn học, nhưng nói chung gia đình cô chú đều mạnh khoẻ, thuận lợi nhất là hiện nay 2 gia đình bố mẹ cháu và cô chú ở cùng một nhà. Gần nhau chạy lên chạy xuống hàng ngày.
Hai gia đình rất mong nhớ cháu và đang hy vọng và chờ đợi ngày gần nhất sẽ đón hai cháu ra Bắc về thăm gia đình để thoả nỗi mong nhớ trong mấy năm qua. Bố mẹ cháu ngày càng có tuổi, sức khoẻ cũng suy kém hơn trước nhiều, các em thì lớn cả cũng như đối với Long, cháu cũng đã nhớn và trưởng thành trong khói lửa và cách mạng. ở chiến trường là nguy hiểm là gian khổ - nhưng hiện nay cô chú đỡ lo lắng và tạm yên tâm hơn trước vì bên cạnh cháu nay đã có Ngân - người bạn đời thân yêu nhất của cháu - ngoài tình thương và sự giúp đỡ của lãnh đạo, của tập thể còn có tình yêu của Ngân. Hai cháu sẽ dẫn dắt nhau, giúp đỡ an ủi và động viên trong công tác trong vui buồn và gian khổ. Ngân là y tá cũng là đồng nghiệp với cô chú và cũng là người cháu dâu đồng hương. Tuy có quan niệm và ấn tượng với một số anh chị em người miền Trung, nhưng riêng đối với chú có khác, từ khi Long biên thư về lần đầu kể qua về Ngân. Qua kinh nghiệm, hoàn cảnh cũng như tâm tư của
người đi chiến đấu xa gia đình và quê hương, chú rất đồng tình với Long, chú chỉ hơi ngại là Long có cân nhắc, đắn đo và suy nghĩ kỹ về tình yêu và xây dựng hạnh phúc gia đình chưa? - Nếu đã quyết tâm thì tốt thôi, và Long và Ngân đã trả lời cho chú rõ rồi - nghĩa là hai cháu đã thành vợ chồng. Một lần nữa chú chúc hai cháu Long và Ngân hạnh phúc, luôn mạnh khoẻ và tiến bộ nhiều trong công tác. Nhớ đến gia đình và cô chú là nhớ đến gìn giữ sức khoẻ và sự tiến bộ trong công tác Long, Ngân nhé.
Chú cô chúc hai cháu luôn vui trong hạnh phúc
Chú Phương
Cô Chung tôi viết: "Hai cháu thông cảm cho cô, độ này cô quá bận, nên chỉ gửi kèm theo vài hàng trong thư chú. Cô quá nghèo nên cô chỉ gửi cho Ngân có 2 cái xu chiêng, 1 cái số 2 và 1 cái số 3.
Cháu mặc xem cái nào vừa gửi thư ra bảo nhé, nếu cái nào không mặc vừa thì xem ai cần cho họ cũng được, thôi chúc hai cháu khoẻ và hạnh phúc. Cả nhà lúc nào cũng chờ mong 2 cháu ra và rất mong."
Cô Chung
Năm 1975
Ngày 14/1/1975
Trời hửng nắng.
Thế là mưa ròng rã hơn một tháng rồi, nay mới chịu tạnh.Đáng sợ thật, hơn một tháng trời không một ngày ngừng mưa!
Liệu đã kết thúc mùa mưa chưa?
Trong Nam Bộ, tình hình phát triển tốt quá. Ta đã giải phóng tỉnh lỵ Phước Long - lần đầu tiên tiêu diệt được cả tiểu khu quân sự địch. Chắc Trung Bộ cũng sắp đánh.
Chúng tôi đi Trà Mi vào đầu năm 1975. Vẫn mưa. May cóđường ô tô nên khỏi phải vượt nhiều suối sâu. Đường lép nhép, đỏquạch. Đến sông Tranh, nước lên lớn quá, mấy vị lái đò không chịu chở. Cà rà tán mãi mà chẳng ăn thua. Bên kia bờ, có mấy người đứng, gọi tên anh lái đò ầm ĩ. Anh ta càu nhàu: "Qua đây, ai biết tên tôi mà chẳng cố nhớ mà kêu!". Mãi sau, nhận ra người quen, anh mới lấy thuyền ra bến.
Thuyền cao su bơm căng hơi, chở được 4 người, kể cả lái. Anh lái thuyền to, mập, khoẻ mạnh. Ra giữa dòng, nhìn nước chảy chóng cả mặt. Anh lái quạt mạnh mái chèo, mũi thuyền vừa hơi quay ngược với dòng nước thì đã tạo ra một con sóng lớn muốn chồm vào thuyền. Anh bảo: "Cứ ngồi im". Thuyền tiến vào bờ, cập đúng bến. Anh chèo khoẻ thật, chỉ trôi chừng mấy mét thôi.
Từ 8/3//1975
Suốt mấy hôm nay không khí chung cũng như cơ quan thật sôi động. Chuẩn bị một đoàn công tác gồm nhiều bộ môn để xuống vùng mới giải phóng.
Ngày 4, ta đánh, cắt đứt đường 19.
Ngày 8, ta giải phóng quận Thuận Mẫn (Đắc Lắc)
Ngày 9, ta giải phóng quận Đức Lập (Đắc Lắc)
Sớm 10/3, đánh Phước Lâm, Tiên Phước, diệt 17 điểm chốt xung quanh. Chiếm 2 đường phố của thị xã Buôn Mê Thuột. Các thị xã Kon Tum, Plâycu nằm chơ vơ, không còn đường bộ tiếp tế. Trongkhi đó, các sư 3, 2, 22 nguỵ đang rải ra ở đồng bằng (Quảng Đà,Quảng Ngãi, Bình Định). Việc điều bọn này đi ứng chiến đâu phải chuyện dễ.
Ngày 10/3/1975
Tôi được phân công tham gia chiến dịch: làm Phó trưởng đoàn đội quân tuyên truyền khu xuống vùng mới giải phóng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng, ổn định tình hình.
Đoàn chúng tôi có 72 người, do anh Nguyễn Văn Bình làm trưởng đoàn. Cùng đi, có 2 đoàn Dân ca và Tuồng của Khu. Nhà văn Phan Tứ được Thường vụ Khu ủy cử cùng đi với đoàn chúng tôi.
Tôi đi trước bằng xe con để kịp thời nắm tình hình làm tin. Buổi trưa, tạm biệt hậu cứ, với những người đồng chí thân mến và người vợ trẻ, tôi khoác ba lô bước lên xe để tiến về Tiên Phước - quê hương của vợ tôi, cũng là cửa ngõ chiến dịch xuống đồng bằng của quân Giải phóng. Xe bon bon trên những con đường ô tô ta mở xuống tận cơ quan huyện. Dọc đường, đầy những xe tải chở vũ khí, quân đội, có cả những chiếc xe tăng hùng dũng.
Chiều, thấy 2 chiếc AD6 quần thả bom Tiên Phước. Chúng bay trên cao. Những chùm đạn cao xạ của ta nổ bùm bụp, toả khói trắng xung quanh.
Đêm, một C130 quần lượn, bắn ò ò một hồi rồi cũng cút. Địch phản ứng yếu.
Ban chỉ huy tiền phương của chúng tôi đóng ở một vùng rừng thưa, không dân, cách Tiên Phước khoảng trên chục cây số. Phải
đào hầm phòng phi pháo. Tối, làm việc sơ với Huyện ủy mới. Tình hình phát triển rất nhanh. Toàn bộ địch ở Phước Lâm bỏ chạy. Ta cũng đã tiến vào quận lỵ Tiên Phước. Kiểu này sẽ có nhiều tàn binh lẩn trốn.
Có buổi, chúng tôi đang họp nghe báo cáo tình hình chiến sự thì địch dội pháo tới, mảnh văng sàn sạt quanh hầm. Tôi muốn lao ngay vào Tiên Phước, nhưng Ban chỉ huy vẫn trụ lại nơi này.
Ngày 11/3/1975
Trời nắng. Nghe pháo nổ ì ầm phía Tiên Phước. Nghe đã bắt trên 100 tù binh, thu 10 pháo, 11 xe.
Ngày 12/3/1975
Ra trại tù binh. Trại này nhốt toàn lính Bảo an, Dân vệ.
Gặp anh Duk, người dân tộc Ka dong, du kích Bắc Bền, đang đứng đón tù binh vào trại, tôi hỏi có bao nhiêu tên, anh cười hồn nhiên: "Nhiều quá, mình không biết đếm!"
Anh em trong trại mời tôi nói chuyện với bọn tù binh. Tôi nhấn mạnh rằng tình hình chiến sự đang sôi động, quân cách mạng đã toả xuống đồng bằng, làm chủ hầu hết địa bàn, do vậy, tốt nhất là ở yên trong trại, đừng tìm cách trốn chạy mới mong an toàn tính mạng. Có một tên chuẩn uý Bảo an mắc bệnh xã hội, lở lói cùng mình, tôi bảo anh em coi trại thả ra, cho nó về nhà chữa bệnh.
Từ ngày 13/3/1975
Sốt ruột quá, tôi rời Ban Chỉ huy tiền phương để vào Tiên Phước. Không thể cứ ngồi ở căn cứ mà nghe ngóng mãi. Phải tận mắt chứng kiến những biến động lịch sử hiện nay, tận mắt chứng kiến cảnh nhân dân phá khu dồn, về vùng giải phóng và làm chủ vùng mới giải phóng. Hai xe của đoàn anh Bình đã đi Tiên Phước trước tôi rồi.
Nghe tin cả 2 xe của đoàn bị đổ. Chắc chạy đường rộng, tốc độ nhanh, không quen! May không ai chết.
Hồi nửa đêm về sáng nghe pháo ta nổ cấp tập hướng Dương Con. Bọn Biệt động lên phản kích đóng ở chân núi này.
Thị trấn dưới quyền kiểm soát của chúng ta có gương mặt sáng lạn, hồ hởi. Tôi viết một bài ghi nhanh gửi về Khu, sau đó nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam đã thấy phát sang sảng. Tôi làm việc cật lực: khai thác tài liệu, viết tin, rồi ngồi quay ragono (máy phát 15 Wat) để điện báo viên chuyển tin về Khu... Khoẻ mạnh và hồ hởi, ít ăn, quên ngủ, lòng tràn ngập niềm vui.
Thật là sung sướng, Thuý Ngân, vợ tôi, cũng được tham gia chiến dịch và dịp này đã nhập vào đoàn quân của tôi. Thế là không những chúng tôi được kề vai sát cánh trên chiến khu cùng nếm trải mọi nỗi nhọc nhằn, mà còn được gắn bó với nhau trên đường giải phóng quê hương đầy vinh quang. Chúng tôi gặp được người nhà của Ngân vừa bung từ khu dồn về, mừng mừng tủi tủi, ôm nhau khóc hoài. Má Nga - mẹ kế của Ngân, người đã có công nuôi Ngân từ tấm bé - đang ở tạm nhà của một người dân ở xã Phước Kỳ, gần thị trấn Tiên Phước, kể cho chúng tôi nghe chuyện khổ cực những tháng năm nằm trong vùng kìm kẹp của địch. Vậy mà Má vẫn giữnguyên 5 chỉ vàng do ba Ngân giao cho lúc Ông sắp hi sinh, và dúivào tay Ngân! Ôi, lòng người mẹ nào cũng mênh mông như trời biển, không ai lường hết được tình yêu thương, đức hi sinh cao cả của Người! Chúng con xin nhận ở Má trọn vẹn tình cảm sâu nặng, còn hơn ruột thịt, nhưng xin Người giữ lấy chút của để về quê gây dựng cuộc sống mới! Bây giờ, Má thiếu mặc, thiếu cả muối. Chúng tôi đang trên đường đi chiến dịch, chỉ kiếm được cho Má 3 lon muối và mấy bộ quần áo cũ!
Tình hình dân bung từ các khu dồn về cũng giống gia đình má Nga: thiếu gạo, muối, mì chính. Chính quyền cách mạng đã tổ chức cho quần chúng mua lương thực, mở các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm cho dân ở Phước Hiệp, Kỳ Sơn. Tuy vậy, nhiều người cũng không có tiền để mua hàng hóa. Chính quyền giải quyết bằng cách vận động nhân dân giúp nhau, trường hợp quá khó khăn thì cho mua chịu.
THƯ GIA ĐÌNH
Hà Nội, ngày 17/3/1975
Long yêu dấu của bố mẹ!
Ngân dâu hiền của bố mẹ!
Dịp Tết gia đình đã nhận được thư của hai con. Đọc thư của Ngân, bố mẹ rất cảm động vì thấy rõ tính chân thật và hiền lành của con. Bố mẹ rất mừng vì đã có dâu hiền. Bố được nghe 2 lần băng ghi âm lễ cưới của các con trong ấy, nghe được tiếng của con trai và con dâu của bố mẹ. Chân thành cám ơn sự quan tâm của các đoàn thể trong đó trong việc xây dựng hạnh phúc và tương lai của hai con, chỉ còn mong các con được nghỉ phép một số ngày để ra thăm bố mẹ, các em và họ hàng. Mong thì mong như vậy, song cũng thấy rõ ràng cách mạng miền Nam, đặc biệt trong lúc bố viết thư này, đang có một sự chuyển biến lớn. Miền Nam đang cần có những cán bộ có đạo đức và khả năng, như vậy việc con nghỉ phép ra ngoài này khó mà có thể thực hiện được. Tuy nhiên mong thì vẫn mong, nhất là mẹ con thì mong ngày mong đêm, mong sao được gặp con trai và con dâu, dù chỉ trong một ít ngày. Bác Nhung ở trong đó ra ngoài này đã kể chuyện gặp Long cho bố mẹ nghe. Các thứ con gửi ra ngoài này như khăn voan, bít tất, quần áo cho cháu Trang... mẹ đều nhận được đủ cả.
Bố đi chữa bệnh ở Quế Lâm (Trung Quốc) từ 15/9 đến 19/12/1974 thì về nước. Lúc mới về, sức khoẻ có hồi phục được một phần, đi lại cũng khá, nhưng đến nay bệnh lại trở lại. Bệnh chính là xơ cứng động mạch kèm theo xơ nghẽn mạch não. Chân tay phải bị yếu và hơi bị liệt. Bố đã dùng cao gấu con gửi ra. Bố thấy sức khoẻ chung có đỡ, song chân tay mỗi ngày một yếu thêm.
Bố rất lo nếu bệnh phát triển theo hướng xấu thì sẽ bị liệt hẳn. Mẹ cũng lo chạy thuốc cho bố nhiều lắm.
Từ khi đi chữa bệnh ở Trung Quốc về bố vẫn nghỉ và chữa bệnh ở bệnh viện Việt Xô, ngoại trú, thuốc men mỗi ngày một hiếm con ạ. Hết năm nay bố sẽ về hưu đúng tuổi.
Các em ở nhà vẫn đi học như thường. Thuỷ năm nay hết cấp 2, học lực yếu, nên cũng lo. Lan học khá, em được vào thẳng lớp 8, không phải thi. Em học khá lại quán xuyến được việc nhà.
Em Diệp đang học tiếng Pháp ở Khoa tiếng Pháp trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Em học tốt, tiến bộ nhanh, có triển vọng. Bố vẫn phù đạo thêm cho em.
Ngọc vẫn học tiếng Anh ở Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Em vẫn học tốt, song chưa có từ điển Anh Việt, em cũng bị hạn chế.
Con xem trong đó có từ điển Anh - Việt và Anh - Anh con mua cho em, tạo điều kiện tốt cho em đọc sách.
Thư con gửi nên đề địa chỉ về khu tập thể Kim Liên, đừng gửivề Bộ Đại học vì bố được phép làm việc ở nhà, chỉ lên Bộ khi có hội nghị, hay họp làm việc mà thôi.
Vợ chồng em Phúc và cháu Trang vẫn khoẻ mạnh, sống hoà thuận vui vẻ. Còn em Việt từ Tết đến giờ chưa biên thư về, mẹ hơi sốt ruột.
Anh Đức đến 22/3 này thì cưới vợ. Anh đã chọn chị Hoà, sau một thời gian tìm hiểu và tự anh quyết định.
Các con nên năng biên thư cho bố mẹ. Long có đi công tác lâu thì Ngân biên thư về. Tuy chưa gặp mặt song bố thấy Ngân có nhiều đức tính tốt, qua thư Ngân viết cho bố mẹ.
Chúc hai con khoẻ mạnh, hạnh phúc.
Bố mẹ
Phạm Đức Hoá
TB. Anh Sâm vào, mẹ gửi cho con 50 đ + hơn 1 kg mứt mẹ làm.
Bài đăng trên Bản tin đấu tranh thống nhất, trên báo Cờ giải phóng, phát trên đài Tiếng nói Việt Nam:
Tiên Phước những ngày sôi động
Hà Nội (VNTTX 21-3-1975) Suốt mấy ngày nay, cả huyện Tiên Phước sống trong bầu không khí sôi động lạ thường. Cái ổ ung nhọt lớn của bọn Thiệu gây nhức nhối bấy lâu trên vùng đất này, đã bị quân và dân ta phá vỡ. Hai chi khu quân sự, 74 chốt điểm địch đã dày công xây dựng bỗng chốc biến thành tro bụi. Sáu tiểu đoàn bảo an, 39 trung đội dân vệ, 32 liên toán phòng vệ dân sự, cùng toàn bộ hệ thống kìm kẹp của bọn Thiệu bị đánh tả tơi.
Trong những ngày đầu giải phóng, đi trên những con đường ô tô xuyên huyện hoặc những con đường mòn xuyên xã, tôi gặp nhiều tù binh lếch thếch kéo nhau về trại. Bên bờ sông Tiên, chừng gần trăm tên đang ngồi chờ dẫn lên tuyến trên. Tôi gặp một tù binh tên là Lê Trường Sổ, 17 tuổi, cấp bậc binh nhì, thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 135 địa phương quân, đóng ở Dương Bàn Quân. Sổ cho biết trước khi bị tấn công, đơn vị hắn đã nhịn đói hai ngày vì sợ nấu cơm có khói, quân Giải phóng pháo kích. Hôm bị tấn công, ngay từ mấy loạt pháo đầu, cả đơn vị hắn đã bỏ chạy, vậy mà cũng không tránh khỏi những đòn trừng trị. Hẳn kể: Sáng ngày 10-3, đạn pháo của quân Giải phóng nổ trúng ngay giữa đồn, giết chết 20 tên. Tên Truyền, tiểu đoàn trưởng, nói với bọn hắn: "Pháo quá trời, chịu chithấu, chạy bớ tụi bay". Rồi tên Truyền biến mất. Đơn vị hắn chạy tan tác mỗi đứa một ngả. Hắn mò đến chân núi thì vì mệt và đói, không chạy nổi nữa.
Được biết trong số tù hàng binh có tên thiếu uý Thê, phân chi khu trưởng phân chi khu Phước Lộc, sau khi bị bắt, đã dùng loa kêu gọi đồng bọn ra hàng, tôi liền đến hỏi chuyện. Thê cho biết, tuyđồn hắn chưa bị tấn công, nhưng thấy đồng bọn ở Dương Ươi bị tê liệt trong phút chốc và bị mất liên lạc với chi khu, hoảng sợ quá, đơn vị hắn đã bỏ chạy. Tôi hỏi hắn nghĩ thế nào mà kêu gọi đồng bọn ra hàng, hắn nói, trước đây hắn bị lừa dối, nay bị bắt, được cách mạng đối xử nhân đạo nên làm việc đó để lấy công chuộc tội, và cũng để đồng ngũ được hưởng lượng khoan hồng như hắn.
Tôi còn hỏi chuyện các tên trung uý Phan, thiếu uý cảnh sát Nguyễn Minh Cứ, thiếu uý Trần Văn Song và nhiều tên khác, tên nào cũng thể hiện sự khiếp sợ của mình trước sức tiến công vũ bão của quân Giải phóng, và oán trách cấp trên của chúng đã cưỡng bức, lừa dối. Họ đều biết ơn cách mạng đã đối xử nhân đạo với binh sĩ Sài Gòn bị bắt.
Rời đám tù binh, tôi đi tới trạm lương thực của huyện. ở đây, công việc thật nhộn nhịp, xe tới lui, người qua lại chuyển gạo như thoi đưa. Tôi gặp đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạnghuyện, đẫm mồ hôi, đang vác một bao gạo lớn chất lên xe. Đồng chí Chủ tịch tuy bận việc suốt ngày đêm, nhưng hôm nay cũng tranh thủ ra giúp đội công tác chuyển gạo về vùng mới giải phóng. Vùng giải phóng mở ra rộng, thật phấn khởi, đồng thời cũng thật nhiều công việc phải lo toan. Việc trước mắt là phải thu xếp nơi ăn, chốn ở cho đồng bào từ các khu dồn về, hoặc sơ tán từ những nơi ác liệt đến. Gạo trên đã cấp, huyện phải lo chuyển tới tận tay bà con. Công sức dồn vào đây không phải ít. Hàng chục thanh niên xung phong và cán bộ phía sau của huyện hăng hái làm việc đó.
Với tấm lòng "nhiễu điều phủ lấy giá gương", đồng bào vùng giải phóng cũ đã cùng cán bộ dựng nhà giúp đồng bào mới giải phóng. Những ngày trước đây, bà con đã chuẩn bị sẵn mỗi nhà 10 cây tre, tranh, hom, lạt... Bởi vậy nhà cửa cứ đua nhau mọc lên. Trong khi ấy, đồng bào cũng đua nhau bung về. Từ 10, 20 tăng lên 50, 55 người. Lo cho dân ăn ở, chính quyền cách mạng còn chăm lo sức khoẻ cho dân nữa. Anh Hoàng, phụ trách y tế huyện, cho biết: huyện đã tổ chức được một nhà thuốc, lập hai đội phẫu, một đội sơ cứu, 10 tổ y tế lưu động đi khắp các xã, thôn chăm nom sức khoẻ cho đồng bào. Tới một khu nhà mới dựng, xung quanh quét dọn sạch sẽ, tôi gặp hai cán bộ y tế đang phun thuốc trừ muỗi. Anh Hoàng cho biết đồng bào ở trong khu đồn sống cơ cực nên sức khoẻ yếu. Vì thế, chính quyền cách mạng đã lo ngăn chặn dịch bệnh cho đồng bào từ đầu. Tất cả bà con mới về đều được uống thuốc phòng sốt rét kèm thuốc bổ để trợ sức.
Đem theo niềm vui của những người dân mới được giải phóng, tôi rảo bước theo con đường tiến về quận lỵ. Nhìn cảnh những chốt
điểm, đồn bót địch như Dương Dẽ, Dương Ươi, điểm cao 211 v.v.. tan hoang xơ xác, nằm phủ phục dưới bầu trời trong xanh, nhìn cảnh những xóm làng vừa thoát khỏi ách kìm kẹp của địch đang đổi sắc thay da, lòng người nào chẳng bồi hồi xúc động. Cuộc sống thay đổi nhanh quá. Chỉ vài ngày sau khi bọn địch bị quét sạch, chính quyền cách mạng các thôn, xã đã ra mắt, lãnh đạo nhân dân ổn định đời sống. Cán bộ tỏa đi tìm dân tạm lánh khi xảy ra chiến sự,đưa về nhà cũ. Cán bộ trông nom, bảo vệ tài sản cho dân. Đồng bào trở về nhà ngày càng nhiều; khắp các xã đều có những cuộc mít tinh chào mừng ngày Giải phóng. ở xã Phước Lâm - nơi bọn tề lưu vongcủa quận Hậu Đức đặt làm quận lỵ - có tới trên 700 người dân dự mít tinh. Mọi công việc nhanh chóng vào nề nếp. Bà con cuốc khoai, xắt khoai, sửa lại bờ xe nước, đào hầm, dựng lại nhà cửa...
Và đây, quận lỵ Tiên Phước đã hiện ra trước mắt tôi với bộ mặtthật rạng rỡ. Đường tấp nập xe, người qua lại. Chợ quận và các cửa hàng tạp hoá, thực phẩm, gạo... người tới lui, mua bán tấp nập. Trên nóc nhà thông tin của địch trước đây, lồng lộng tung bay lá cờ xanh đỏ sao vàng. Nổi bật trên cổng chợ tấm băng đỏ mang dòng chữ lớn: "Kiên quyết đánh bại âm mưu phản kích lấn chiếm của địch, bảo vệ và giữ vững thành quả cách mạng". Tôi được biết băng khẩu hiệu đó do chính tay những thanh niên ở quận lỵ mới giải phóng này căng lên. Những thanh niên ấy giờ đây không còn phải trốn chui trốn lủi nữa. Họ hớn hở tự do đi trên đường phố làm những việc có ích cho quê hương. Họ xoá các dấu tích của địch, viết khẩu hiệu, treo cờ, dán thông báo, mệnh lệnh của cách mạng. Họ nhanh chóng đứng vào các tổ chức cách mạng. ở đây vừa thành lập bốn chi hội thanh niên giải phóng.Trong buổi lễ, thay mặt cho các bạn, cô Phấn phát biểu: "Em không nói nhiều nhưng những hành động của em và các bạn em sẽ nói lên tình cảm của chúng em đối với cách mạng". Tôi biết, trong mấy ngày qua, Phấn không nề hà một việc gì khi cán bộ phân công: nào viết khẩu hiệu, dán mệnh lệnh, nào vận động, tổ chức thanh niên vào đội ngũ. Cứ như thế, Phấn và lớp thanh niên ở đây đang mạnh bước tiến theo con đường mà cách mạng mở ra cho họ - con đường của người thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh.
Cùng với thanh niên, các đoàn thể quần chúng khác như thiếuniên, phụ nữ, phụ lão... đã được thành lập. Đội Thiếu nhi giải phóng mới thành lập đã trống dong cờ mở, đi cổ động, mừng cuộc
sống mới. Các bậc cha mẹ, anh chị gấp rút tiến hành những công việc góp phần giành giữ quê hương. Bà con nhanh tay đào nhiều hầm hào phòng tránh bom đạn. Bác Lê Tới là người đầu tiên đào hầm phòng tránh và vận động bà con trong phố cùng đào. Từ dãy phố ấy, hầm hố lan ra khắp nơi. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của người dân Tiên Phước đều nói lên lòng tin tưởng và quyết tâm giữ vững quê hương giải phóng của mình. Khi kể cho tôi nghe những chuyện trước đây về bọn địch, như chuyện một người lính nguỵ tự chọc kim và đổ mủ xương rồng vào mắt để khỏi phải ra trận, chuyện cả đại đội Bảo an góp tiền lo lót cho tên chỉ huy tiểu đoàn để khỏi phải đóng quân ở nơi nguy hiểm, chuyện vừa qua có đơn vị đã bỏ chạy trước khi bị ta tấn công, một công nhân xe thồ kết luận: "Chúng nó nhất định phải thua trước sức mạnh tấn công và nổi dậy của ta".
Tin vào chính sách khoan hồng của cách mạng, những gia đình có người thân cầm súng cho địch đã đi kêu gọi chồng con còn lẩn trốn trở về. Chị Vân ở thôn Bình An gọi về một lúc sáu lính dân vệ. Anh Niệm đã dẫn 7 lính tới đăng ký và nộp vũ khí cho cách mạng. ở các địa điểm đăng ký, lúc nào cũng có người đến xin được tiếp nhận. Tại nơi đăng ký ở trung tâm quận lỵ, một lính dân vệ xin trở lại nơi lẩn trốn để lấy vũ khí về nộp, sau đó đã về nộp 1 súng M.79 và nhiều đạn. Anh ta được cấp giấy và trở về nhà. Lúc tôi đến, bà mẹ vợ anh ta mừng mừng tủi tủi nói: "Thiệt may phúc, tôi tìm gặp, kêu được hắn về".
Bà con ở đây hiểu rằng, những người đã lầm đường lạc lối theo địch, nay ra đăng ký với cách mạng thật là có phúc lớn, nếu không sẽ chết uổng mạng. Con số người ra đăng ký tăng lên vùn vụt, từhàng chục lên hàng trăm. Đến nay, toàn huyện đã có gần 600 binh lính, sĩ quan, cảnh sát và nhân viên nguỵ quyền Sài Gòn đem theo nhiều vũ khí, tài liệu ra đăng ký với cách mạng và đã được đối xử tử tế.
Về chiều, quận lỵ Tiên Phước càng đông vui. Mọi người ra đường nghe loa truyền thanh, xem tranh ảnh, áp phích của cách mạng.
Tiên Phước sôi động, náo nức và cảnh giác. Trưa hôm nay 17-3, một máy bay A37 của địch mò đến xâm phạm vùng giải phóng đã bị quân và dân trong vùng quật tan xác, đâm đầu dưới chân núi Sấu.Đòn trừng trị lũ giặc trời, bảo vệ vùng giải phóng càng làm nức lòng quân dân Tiên Phước - động viên họ thừa thắng xốc tới lập những chiến công vang dội hơn nữa.
(Ghi nhanh của Việt Long - Phóng viên TTXGP).
Ngày 24/3/1975
Nghe tin giải phóng Tam Kỳ.
Dân túa ra đường vỗ tay reo hò. Có người khóc vì vui mừng. Những chiếc Honda lao vùn vụt về phía đường số một.
Ngày 25/3/1975
Tiến vào Tam kỳ. Đông vui tấp nập.
Lại gấp rút lấy tài liệu làm một bài ghi nhanh đầy không khí sôi động ở nơi này.
Ngày 26/3/1975
Đoàn công tác sẽ chia làm hai: một về Khu để chuẩn bị cho kế hoạch tuyên truyền lớn hơn, một tiếp tục ở lại Tam Kỳ. Vợ chồng tôi cũng chia hai - tôi về Khu. Bây giờ, Ngân trở thành người tiền tuyến, tôi là người hậu phương, lo cho Em nhiều.
Ngày 28/3/1975
Nghe tin sắp giải phóng Đà Nẵng. Lên ô tô xuôi xuống. Đường xấu, tắc luôn. Dọc đường, hàng hàng lớp lớp bộ đội hành quânxuống đồng bằng. Đêm mới tới đường số một.
Ngày 29/3/1975
Sớm tinh mơ. Đường đầy người, dân có, lính có, từ Đà Nẵng tràn về.
Mưa tầm tã.
Qua cầu Bà Rén.
Tắc đường, phải để ô tô lại. Đón Honda đi. Người chở tôi đi làmột trung niên, anh tự giới thiệu anh là y tá ở bệnh viện Đà Nẵng.Anh hết sức vui vẻ, tự giác chở tôi vào Đà Nẵng. Mưa như roi quất vào mặt. Qua cầu Câu Lâu. Cầu bị địch đánh sập khi sắp rút chạy. Xuồng máy đầy sông. Sóng nước dào dạt. Anh y tá mua dưa hấu mời chúng tôi. Dưa đỏ au, đầy cát, ngọt lịm.
Bon bon trên đường số một. Qua Duy Xuyên, Vĩnh Điện. Vàothành phố. Đông vui lạ thường. Còn nguyên vẹn cả. Vào các nhà dân, bà con xúm lại thăm hỏi, đón mừng. Bỗng đó mà đã ở thành phố rồi, đã được sống trong lòng dân rồi. Rất nhiều người muốn biếu tôi đồng hồ, quần áo, máy ghi âm, tôi cảm ơn và từ chối. Bây giờ được hưởng cái vinh quang của người chiến thắng, thật bõnhững ngày gian khổ, ác liệt. Đoàn công tác của Ngân từ Tam kỳcũng đã về đến Đà Nẵng. Thế là hai chúng tôi được đi với nhau đến tận cùng cuộc chiến!
Tôi viết nhiều tin, bài, trong đó có bài sau:
Phường nam phước giành chính quyền về tay nhân dân
Hà Nội (VNTTX 8-4-75) - Tới phường Nam Phước (Đà nẵng), tôi ghé vào thăm thím Học, công nhân khuân vác. Nghe tôi hỏi về cuộc sống trước đây dưới chế độ Thiệu, thím than vãn: "Tôi đi khuân vác kiếm tiền, lang thang rứa đó, bữa có việc thì có ăn, bữa không có việc thì đi mượn gạo không nổi!". Tôi hỏi tiếp:
-Trước lúc giải phóng, tình hình Đà Nẵng ra sao?
-Lúc đó cả thành phố các sắc lính nguỵ thua chạy tràn đường, ăn cướp, bắn giết không gớm tay. Nhưng bà con nổi dậy đồng thời phối hợp với quân Giải phóng nên bọn Thiệu phải thua...
Vừa lúc đó, nhà thím Học có khách và đó là dịp may để tôi được biết rõ mọi chuyện hơn. Trước khi nhận lời kể chuyện, ông khách có mái tóc bạc từ tốn nói với tôi:
-Xin lỗi, đồng chí cho xem giấy.
Sau khi xem kỹ tờ giấy giới thiệu có con dấu đỏ của Uỷ ban Nhân dân cách mạng thành phố, bác nói :
-Tôi là Sum, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng khómĐinh Thọ. Đồng chí thông cảm, hiện nay thành phố mới ổn định, cũng phải đề phòng bọn phản động đội lốt cán bộ.
Và bác kể cho tôi nghe chuyện phố, chuyện phường những ngày hỗn độn rồi những ngày sôi nổi vừa qua.
Cuối tháng 3, thị xã Tam Kỳ và thành phố Huế được Giảiphóng làm cho bọn địch ở Đà Nẵng vô cùng khiếp sợ. Binh lính nguỵ các loại từ "Cộng hoà", "Thuỷ quân lục chiến", biệt động quân tới địa phương quân, vốn đã vô chính phủ càng vô chính phủ, tha hồ cướp bóc, phá phách trước khi rút chạy. Ngoài đường, trong nhà luôn luôn xảy ra những vụ cướp, giết trắng trợn. Chỉ trong hai ngày27 và 28-3, ở khóm Đinh Thọ đã có 8 đồng bào bị tụi lính bắn chết giữa đường để cướp của. Ngoài ra, số bị đánh đập, bị thương không kể xiết. Tại chợ Cồn, chợ Hàn và khu thương mại Diên Hồng, tất cả các sạp hàng đều bị nậy nắp lấy đồ. Không hiệu buôn nào không bị phá cửa, cướp của. Tiếng kêu khóc, rên xiết và nguyền rủa của đồng bào vang lên khắp các đường phố, các ngõ hẻm.
Giữa lúc ấy thì được nghe lời kêu gọi ngày 28-3 của Uỷ banNhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà nẵng và tin quân Giải phóng đang từ ba hướng tràn về thành phố.
Đồng bào Nam Phước vô cùng phấn khởi. Thời cơ nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân đã đến. Tại làng Nam Dương, các bác Chính, Sum, Lực, Ba, Tấn, Liễu - những cán bộ và cơ sở cách mạng hoạt động bí mật trong lòng địch hàng chục năm nay - họp bàn kế hoạch hành động. Sau đó, từng người về các khóm trực tiếp chỉ đạo quần chúng nổi dậy. Dọc các đường phố, các ngõ hẻm, nhà nhà vẫn đóng cửa, nhưng bên trong đều chứa đựng một sự chuyển động như sóng ngầm. Súng do bọn địch cấp cho lực lượng gọi là "Nhân dân tự vệ" được tập trung lại, trang bị cho những thanh niên giác ngộ. Vải mầu được chuyển về gấp. Nhiều máy may được dựng lên, chạy liên tục không nghỉ, may hàng loạt cờ Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Từng băng khẩu hiệu lớn viết bằng sơn đỏ nhanh chóng xuất hiện. Và trưa ngày 29-3, lúc quân Giải phóng xuất hiện, tiến vào thành phố, thì nhân dân Nam Phước cũng xuống đường. Hai chiếc ô tô con chở cán bộ cách mạng và lực lượng tự vệ phường có vũ trang chạy chầm chậm trên đường phố. Tiếng loa phóng thanh vang vang:"Đồng bào hãy vùng dậy cướp chính quyền!", "Hãy lật đổ Thiệu!". Tiếng reo hò, hô khẩu hiệu của đồng bào lan khắp các đường phố, náo động cả không trung.
Chiếc xe đi đầu do anh Lượm, công nhân xe lam, lái chạy dọc đường Huỳnh Thúc Kháng. Bên cạnh lá cờ cách mạng và dòng chữ đỏ trên nền vải trắng "Hoan hô chiến thắng của Quân Giải phóng" là 10 chiến sĩ tự vệ súng chắc trong tay. Xe dừng lại trước trụ sở nguỵ quyền phường Nam Phước. Một thanh niên vác cờ cùng mộtphụ nữ xuống xe. Đó là Bùi Xuân Lan, 17 tuổi, học sinh lớp 11 trường Kỹ thuật, và chị Lê Thị Liễu, 30 tuổi, tù chính trị mới phá ngục ra sáng nay. Chị Liễu giúp sức em Lan leo lên hàng rào. Trong phút chốc, lá cờ Chính phủ cách mạng tươi thắm nở xoè trước gió, tung bay trên hàng rào trụ sở nguỵ quyền phường Nam Phước. Một tên nguỵ quyền ngoan cố chạy ra lên đạn, giương súng về phía em Lan, lập tức anh Lượm đập cửa, xông tới cướp khẩu súng của nó. Cùng lúc ấy chiếc ô tô thứ hai lách lên, tiến qua cửa, vào đỗ giữasân trụ sở. Bác Mai Xuân Lực, công nhân điện nước, và bác Đỗ Văn Kính, giáo viên, bước tới cột cờ hạ lá cờ ba que xuống, kéo cờ của Chính phủ Cách mạng lên. Lá cờ bay phấp phới vẫy gọi đồng bàokhắp các phố ùa đến. Ông Đỗ Văn Kỉnh đứng vươn cao người, trịnh trọng đọc lời kêu gọi của Uỷ ban Mặt trận dân tộc Giải phóng và Uỷ
ban Nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà nẵng.Ông vừa dứt lời, tiếng hoan hô của đồng bào dội lên như biển động:
-Hoan hô Quân Giải phóng!
-Hoan hô Chính quyền Cách mạng!
Tiếng reo hò, tiếng hô khẩu hiệu quyện vào nhau, truyền lan khắp các phố.
Chiếc xe tiếp tục chạy giữa hai hàng người nối dài vẫy chào. Xe bon bon lướt trên đường Phan Chu Trinh, Chu Văn An, quặt quađường Hoàng Diệu, vượt lên đường Lê Đỉnh Dương, thẳng tới đường Trưng Nữ Vương. Cờ cách mạng lần lượt xuất hiện trên nóc trụ sở nguỵ quyền các khóm. Hình cờ ba que vẽ trên tường nhà máy điện cũng được thay thế bằng lá cờ đỏ xanh sao vàng tươi thắm.
Đồng bào xuống đường mỗi lúc một đông. Anh Sơn, cán bộ cơ sở, và anh Chính, công nhân, cưỡi xe Hon - đa, từ làng Nam Dương tới thằng toà Thị chính thành phố treo cờ cách mạng. Lá cờ lộng gió tung bay trên nóc toà Thị chính, đánh dấu giờ phút trọng đại: chínhquyền phản động tại thành phố Đà nẵng đã bị đánh đổ, nhân dânĐà Nẵng đã hoàn toàn làm chủ thành phố quê hương. Lúc đó là 15 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 năm 1975.
Phường Nam Phước chuyển ngay qua nhịp sống mới. Uỷ ban Nhân dân cách mạng phường và các khóm được thành lập, đặt trụ sở tại các trụ sở nguỵ quyền phường, khóm cũ. Những người trước đây cầm súng hoặc làm việc cho địch lần lượt kéo đến các trụ sở Uỷ ban Nhân dân cách mạng trình diện, nộp vũ khí, tài liệu và nhận giấy chứng nhận của chính quyền cách mạng. Trong ngày 30 - 3 có tới 1.009 người tới trình diện, nộp vũ khí, tài liệu.
Lực lượng cách mạng vùn vụt phát triển. Mỗi nơi đều thành lập một trung đội thanh niên võ trang, thường xuyên canh gác, tuần tra, giữ gìn trật tự an ninh. Anh chị em công nhân, lao động phấn khởi đến nhà máy, xí nghiệp làm việc theo tinh thần mới, tinh thần xây dựng, làm người chủ thật sự. Anh em công nhân lái xe chạy
không biết mệt, chở đồng bào bị giặc cưỡng bức di cư trở về quê cũ. Thanh niên, học sinh hăng hái tham gia lực lượng sinh viên họcsinh bảo vệ thành phố Đà nẵng, làm nhiều việc cụ thể như cổ động, tuyên truyền chiến dịch, dọn vệ sinh đường phố v.v... Các mẹ, các chị tự động bảo nhau đem quà đến trụ sở Uỷ ban Nhân dân cách mạng để chuyển đến các chiến sĩ Giải phóng. Trước đây, trong giờ phút tàn lụi của chế độ Thiệu, bà con phải đóng chặt cửa bao nhiêu, thì nay sống với chính quyền cách mạng, bà con mở rộng lòng bấy nhiêu, chăm lo cho các chiến sĩ cách mạng.
Tạm biệt bác Sum và thím Học, tôi bước đi trên đường Huỳnh Thúc Kháng trong bầu không khí tĩnh mịch cuối đêm. Qua mỗi ngã ba, tôi lại gặp một tốp thanh niên đeo băng đỏ, bồng súng đứng canh cho giấc ngủ của thành phố. Phường Nam Phước và cả thànhphố Đà Nẵng đang ngủ ngon để chuẩn bị bước vào một ngày mới sôi nổi, khẩn trương ./.
Việt Long (Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng)
Ngày 10/4/1975
Báo Cờ giải phóng, cơ quan của ủy ban Mặt trận giải phóng khu Trung Trung Bộ, liên tiếp đăng tin, bài phản ánh khí thế tấn công và nổi dậy khắp nơi. Trong số 207 ra ngày 10 tháng 4, báo đăng tin ta đã giải phóng hoàn toàn khu Trung Trung Bộ. Báo đăng tin tổng hợp nêu rõ: Trong thời gian 1 tháng (từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 1975), quân và dân Trung Trung Bộ đã liên tục tấn công và nổi dậy, giành thắng lợi lịch sử: giải phóng hoàn toàn Khu, gồm 9 tỉnh, 3 thành phố và tất cả các thị xã, thị trấn với 5 triệu dân, loại khỏi vòng chiến đấu 30 vạn tên địch, thu hàng vạn súng các loại, thu và phá hủy 4.000 xe quân sự, bắn rơi, phá hủy và thu hồi 300 máy bay. Báo còn đăng bài, ảnh của anh em phóng viên Thông tấn xã chúng tôi từ khắp các chiến trường gưỉ về: Việt Longvới bài Đà nẵng tưng bừng ngày hội giải phóng cùng 2 ảnh về sinhhoạt ở vùng giải phóng, Dương Đức Quảng với bài Thị xã Quảng Ngãi ngày giải phóng vui như hội, Phước Huề với bài Số phận bi thảm của Sư đoàn 23 ngụy, Hồng Phấn với ảnh Công nhân nhà máy điện Công Tum kiên quyết bảo vệ nhà máy không cho địch phá
hoại và nhanh chóng đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường, và Quang cảnh trước hội trường Diên Hồng thị xã Plây - cu...
THƯ GIA ĐÌNH
Ngày 12/4/75
Anh Long, chị Ngân kính mến!
Chắc dạo này anh Long bận lắm nhỉ! Đi luôn để viết tin mà lị, bận nhưng chắc là vui lắm, nhưng dù bận đến đâu anh cũng hãy tạm vui lòng dừng lại để đọc những dòng tình cảm của em, đứa em gái nhỏ của anh, anh nhé.
Anh Long, chị Ngân ở trong đấy dạo này có được mạnh khoẻ luôn không? và đã sắp có cháu bế chưa? Lần sau viết thư ra anh phải nói rõ đấy nhé. Còn ở ngoài này thì gia đình vẫn mạnh khoẻ,duy có bố là hơi yếu thôi. Hôm vừa rồi cưới anh Đức, cậu Hiếu, cậu Minh cũng về dự, còn trước đó độ nửa tháng bà và bà trẻ cũng về chơi. Hai bà thương anh, chị lắm và chỉ mong gặp được mặt anh, chị thôi.
Hôm 4/4 anh Việt lại được về thăm nhà nên gia đình lại càng vui vẻ hơn và lại càng nhớ, nhắc anh, chị nhiều hơn. Chắc ở trong ấy anh, chị phải hắt hơi luôn ấy nhỉ? Dạo này anh Long đi đượcnhiều nơi lắm nhỉ, hết Quảng Nam, đến Đà Nẵng... tha hồ mà toại nguyện. ở ngoài này cả nhà đón nhận tin anh trong những tờ báo hay buổi phát thanh của đài. Mỗi khi đài phát bài của anh thì cả nhà lại ngồi im lặng để nghe anh ạ. Mừng cho anh, mà cũng lo cho anh nhiều.
Còn trong thời gian anh đi công tác chắc chị Ngân ở nhà một mình nhỉ, hẳn là cũng hơi buồn và luôn luôn lo lắng, đó là điều tất nhiên thôi, nhưng càng lo lắng bao nhiều thì càng làm cho anh Long phải cẩn thận, càng tốt chị Ngân nhỉ.
Hôm vừa qua em đã thi hết học kỳ I rồi và kết quả thì cũng tương đối, không đến nỗi tồi lắm anh ạ, còn Thuỷ thì cũng chuẩn bị thi hết cấp đấy. Anh chị tưởng tượng xem nó bé tí như học sinh lớp5 ấy, bé mà gầy lắm, không biết nó có thi nổi không! Độ này ở ngoài này lấy đi bộ đội nhiều lắm anh ạ, các thầy giáo cũng lấy đi. Thầy giáo em cũng sắp đi rồi. Chắc là người ngoài này bớt đi thì người trong ấy đông lắm và chắc là vui hơn trước nhiều anh chị nhỉ.
Thôi, em tạm dừng bút, chúc anh chị luôn luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, công tác tốt. Bao giờ được gặp lại mặt anh chị thì vui quá anh chị nhỉ.
Em của anh chị Bích Diệp
Long + Ngân của cô
Hôm nay nhân tiện có bác Nhung ở cạnh nhà lại vào tiếp tục công tác, cô tranh thủ viết thư cho hai cháu, và cũng là báo tin để hai cháu biết tình hình gia đình hiện nay. Câu đầu tiên cô không quên chúc hai cháu thật hạnh phúc. Long Ngân! Trước đây cô tưởng là chú Phương chỉ khi nào hoà bình thực sự thì chú mấy có ngày mong trở lại quê hương nhưng không, hiện nay chú đã không còn ở trên mảnh đất Bắc này nữa, mà đã ở đất của miền Nam từ ngày 21/3/1975 rồi. Thật là một sự không ai có thể ngờ được, một ông già đã về hưu mà lại ra công tác, trở lại về Nam một cách dễ dàng... Thế mới gọi là thời buổi chiến tranh. Chú đi vào vùng Tây Ninh đấy, gọi là đoàn xây dựng B2, chú đi công tác chuyên môn của mình thôi không phải vất vả gì. Khi nào Long có đi công tác qua đấy hỏi thăm xem may ra gặp chú, hỏi là ông Lê Phương - Y sĩ. Ban thống nhất TW gọi đấy. Còn hiện giờ các em vẫn ở gần cô. Tiến đang học điện ở Ba Vì, còn Quang đang học sửa chữa ô tô ở Bộ Giao thông -Hà Nội, ở ngay cạnh trường chỗ mẹ cháu làm. Còn Chiêu lại đúp ở lại lớp 5, học dốt lắm, em mải chơi nhiều hơn là học. Trước tình hình này có lẽ em Quang phải đi bộ đội thôi vì ở ngoài này hiện nay đang lấy bộ đội nhiều lắm. ở ngoài này có được xem mấy bài báo của Long viết, nói chung là được, đọc bài báo thấy phản ánh sự thực,cuộc sống thực tế. Còn Ngân độ này có khoẻ không? Đã có bụng chưa? Trong dịp này các cháu có ra cũng khó, là vì đang mùa làm ăn của Long phải không cậu. Nhưng thôi muốn thế nào đi nữa cháu
cũng cố ra thăm bố mẹ và cô, cùng các em, bố cháu độ này yếu lắm, nếu cháu không cố gắng ra rồi sau này lại ân hận suốt đời. Cô chỉ nhắc thế thôi, còn ở trên Hà Giang cụ nội vẫn còn sống - 100 tuổi rồi. Bà và bà trẻ độ này vẫn khoẻ, cậu mợ Hiếu cũng rất khoẻ, cậu sang lái xe ô tô rồi, như vậy cậu đã được 5 em rồi, 2 gái 3 trai đấy, đứa nào cũng xinh đẹp cả. Khi nào có viết thư thì viết hỏi thăm trên đấy.
Thành cũng hỏi thăm đến cháu luôn đấy.
Thôi nhé, cố thu xếp ra Bắc một lần. Long Ngân, cô chú thì nghèo nên không có gửi cho cháu gì cả, hôm nay nhân tiện có tiền cô gửi cho hai cháu chút ít để tiêu tạm. Cô để dành tiền mới gửi cho hai cháu, chỉ có số tiền rất ít nhưng nó chứa đựng tình thương các cháu không tả nổi. Tuy tiền ít nhưng lòng thương không bến bờ. Vậy cô gửi vào cháu (30đ) ba mươi đồng để cháu thêm thắt vào, chứ cô cũng biết các cháu cũng chẳng thiếu thốn gì! Hơn nữa việc cưới cho các cháu nếu là ở ngoài này thì chắc cũng tốn kém đấy. Vừa quacưới anh Đức cũng hết độ 1500đ đấy, còn nhiều cái phức tạp lắm, nhưng thôi cháu cũng không nên nhắc vấn đề ấy làm gì.
Thôi nhé để thư sau cô tiếp tục.
Chúc hai cháu hạnh phúc.
Cô Chung
Từ 13/4/1975
Những ngày này, ngoài Tổng xã đã cử thêm cán bộ vào phụ trách cơ quan Thông tấn xã Khu, nhưng tôi vẫn bận rộn với công việc của một cán bộ từ chiến khu về, phải giải quyết bao nhu cầu của cuộc sống mới. Hàng tuần dự giao ban với Ban Quân quảnthành phố Đà Nẵng, chỉ đạo việc làm tin và trực tiếp viết tin, bài. Lo đi tìm trụ sở cho cả Phân xã. Phát hiện nhà số 14 phố Lê Thánh Tôn của một viên tướng nguỵ bỏ chạy, đồng bào từ Huế di tản vào ở tạm, tôi dặn dò đồng bào khi rút đi phải giữ nguyên trạng. Sau đó,tôi làm việc với Uỷ ban Quân quản thành phố Đà Nẵng và Uỷ ban
đã làm giấy cho phép Thông tấn xã Giải phóng Khu Trung trung bộ sử dụng nhà này cùng với ngôi nhà số 36 Quang Trung liền ngay đó. Cũng vui, thấy tôi đi tìm nhà, một bác trung niên ở phường Thạch Gián chỉ cho tôi căn nhà ngay mặt phố, đang là cửa hàng gạo, bảo hiến cho cá nhân tôi, có giấy tờ đầy đủ. Tôi cảm ơn và từ chối, chỉ nhận ở bà con tấm lòng thơm thảo. Qua các phương tiệnthông tin, tôi biết rằng tại Sài Gòn, tình hình đang náo loạn. Đồng bào hàng ngày hàng giờ đóng kín cửa nhà, mở máy thu thanh ngheđài Giải phóng. Để giúp bà con không mắc mưu tuyên truyền của địch mà chạy theo chúng, yên tâm đón chờ quân Giải phóng, tôi nghĩ cách tốt nhất là phản ánh không khí thanh bình ở thành phố mới giải phóng này. Và tôi đi đến gặp dân, viết bài ghi nhanh sau:
Một ngày chủ nhật ở Đà Nẵng
Hà Nội (VNTTX 20-4-75) Sáng chủ nhật 13-4, đồng bào theođạo thiên chúa khắp thành phố Đà nẵng nườm nượm đến các nhà thờ làm lễ. Tại nhà thờ lớn thành phố, mặc dầu đã qua buổi lễ thứ 2, người đến dự vẫn chật cả phòng cầu nguyện, tiếng linh mục vang vang giảng đạo.
Sau buổi lễ, mọi người tràn ra cửa, cười, nói vui vẻ. Tôi thấy trong số đồng bào này cùng với phụ nữ, trẻ em còn có rất nhiềuthanh niên. Cao Sĩ Đài, 22 tuổi, trước đây là lính không quân nguỵ, dừng lại nói chuyện với tôi ở hành lang:
-Khi thành phố giải phóng, em ra trình diện, được cán bộ cách mạng giải thích chính sách khoan hồng, chính sách tự do tín ngưỡng. Rồi em được về nhà lo làm ăn và lại đi lễ nhà thờ đều đặn.
Bác Đặng Hoạt vui vẻ kể với tôi:
-Từ khi giải phóng đến nay, ngày chủ nhật nào gia đình tôi cũng đi lễ.
Tôi hỏi:
-Khi chưa giải phóng, gia đình bác có đi lễ đều và đầy đủ không?
Bác lắc đầu:
-Đâu có được! Tôi có thằng con trai phải trốn lính, đâu dám ra đường, đâu dám đến nhà thờ làm lễ.
Bác cười hồn hậu, nói tiếp:
-Cũng may phước là thành phố được giải phóng, con tôi khỏi trốn lính, cả nhà tôi được giữ đạo vẹn toàn, bà con tôi tự do đi lễ, không có ai chặn bắt cả.
Trở ra đường Độc lập, hoà vào dòng người náo nức, ngược lênphố Lê Đình Dương, tôi vào thăm chùa Tỉnh Giáo. Một bầu không khí thanh tịnh bao trùm cả khu chùa. Dưới bóng cây bồ đề toả bóngmát trước sân, mấy chú tiểu qua lại lo việc chùa. Ông Hoàng HữuKhai, phụ tá đặc uỷ hoàng pháp thuộc tỉnh hội Phật giáo Đà nẵng, và hai tín đồ vui vẻ đưa tôi vào phòng khách. Nghe tôi hỏi việc lễ bái, ông Khai trả lời:
-Nói thiệt tình, khi cách mạng mới đến, một số tín đồ còn chưa hiểu nên nghi ngại, chưa dám đi lễ chùa. Nhưng chỉ vài ngày sau, nghe phổ biến chính sách tự do tín ngưỡng và trước sự thực diễn ra trước mắt, bà con đạo hữu yên tâm, lại đi lễ như thường.
Ông cười rồi nói tiếp:
-Trước đây chính phủ Thiệu tuyên truyền là giải phóng đến đâu thì ở đấy không còn tôn giáo. Nhưng thực tế vừa qua đã xoá sạch những lời tuyên truyền ấy. Từ khi vào thành phố đến nay, quân đội Giải phóng không hề vào chùa lục soát, không hề cấm đoán việc lễ bái.
Tiễn tôi ra khỏi chùa, ông Khai căn dặn:
-Các ngày mồng một, ngày rằm là ngày bà con phật tử tới chùa làm lễ, anh nhớ đến chùa vào các ngày ấy, đông vui lắm.
Tôi bước ra đường. Hôm nay hầu hết số đồng bào Huế, QuảngTrị và các nơi khác bị bọn Thiệu cưỡng ép "di tản" vào Đà Nẵng đã được chính quyền cách mạng tạo điều kiện trở về nguyên quán. Tuythế Đà nẵng vẫn nhộn nhịp, đông vui. ở chợ Hàn, đã gần trưa mà người mua bán vẫn đông, các dãy hàng rau, hàng cá bán la liệt, nào sò huyết, cua bể, cá mực, cá chuồn, nào cà chua, bắp cải, raumuống... Các dãy bán tạp hoá, bán vải... hàng cũng khá đủ. Đợi chị chủ một quầy hàng đo vải cho một thiếu nữ xong, tôi đến nói chuyện. Chị cho biết chị là Trần Thị Dược, bán vải ở chợ này từ nhiều năm nay. Chị than thở:
-Trước khi chạy, lính Thiệu ăn cướp dữ quá. Chúng cậy cửa quầy hàng này lấy mất phần nửa số vải của tôi. May phước mà quân Giải phóng vô liền, nếu không, bà con ở đây còn mất của, chết người nhiều lắm.
Tôi hỏi:
-Chị mở lại quầy hàng vào ngày nào?
Chị đáp:
-Nghe cách mạng biểu đồng bảo trở lại buôn bán, làm ăn bình thường, tôi bầy hàng ra bán liền. Tôi thiệt không ngờ mới đó còn cướp bóc bắn giết loạn, mà khi quân Giải phóng vừa vào đã yên ổn ngay.
Buổi chiều, tôi tiếp tục đi thăm các phố phường ở Đà nẵng. Tôirẽ vào số nhà 34 phố Phan Chu Trinh. Đó là hiệu uốn tóc Hoàng My, một trong những hiệu lớn của thành phố. Trong căn phòng dài sáng ánh đèn có nhiều dãy ghế, bày đầy gương và những máy sấy, máy hấp. Tôi thấy nhiều thợ uốn tóc đang chăm chú làm tóc cho khách. Anh Nguyễn Vĩnh Ký cho tôi biết, ngay sau hôm giải phóng, phòng này đã mở cửa. Anh Lê Từ Hường nói xen vào:
-Trước đây bọn địch tuyên truyền là cách mạng không cho uốn tóc, cách mạng sẽ đập phá các tiệm uốn tóc, chừ so sánh những luận điệu ấy với thực tế trước mắt mà tức cười.
Tôi lại bước ra phố. Dòng người trên đường vẫn nối dài. Trên lề đường, mấy em nhỏ cầm từng chùm bóng đủ màu. Tới đường Hùng Vương, tôi rẽ vào một quán hàng.
Ông chủ quán nói rằng trước đây ông làm nghề may, nhưng thua lỗ quá, trù tính mở lại, nhưng sợ bọn lính trả lựu đạn thay tiền nên đang loay hoay, vừa khi ấy thì giải phóng, không còn cướp bóc, quỵt tiền nữa nên ông mở tiệm này. Các tiệm khác như Lộc Ngọc, Quỳnh Giao, Quỳnh Loan và hàng loạt tiệm ăn như MâyHồng, Đồng Phượng, Mỹ Lệ Hoan cùng bao nhiêu quán nước ngọt nữa đều mở cửa đón khách.
Ngày chủ nhật cũng là ngày người dân Đà Nẵng đi dự nhữnghoạt động giải trí bổ ích. Đồng bào rủ nhau đến Ty Thông tin đọc sách báo, xem hình ảnh của cách mạng hoặc đến các rạp xi nê xemchiếu phim. Tôi đến rạp Li Đô vào cuối giờ chiếu của buổi thứ hai. Xe đạp, Hon da xếp đầy ngoài cửa rạp. Trên biển quảng cáo ghi tên các phim: Em là thợ xây, Chỉ một con đường, Anh bộ đội xe tăng, Bác Hồ của chúng em.
Trước cửa rạp, tôi gặp hai bác công nhân lái xe Trần Thanh Cẩn và Lê Hữu Phúc. Bác Phúc tâm sự:
-Coi phim thấy Bác Hồ ngỡ là gặp Bác, tôi ứa nước mắt. Tôi muốn nhỏ lại để được Bác ôm vào lòng như các cháu bé trong phim.
Bác Cẩn so sánh:
-Tôi đã coi nhiều phim Sài Gòn, chỉ nhồi sọ sự đe doạ, chém giết lẫn nhau, còn phim của ta thì giáo dục thật toàn vẹn. Coi phim của ta, tôi thấy mình thay đổi hẳn, không còn phải băn khoăn về tương lai của mình và con cháu mình nữa.
Hai bác vội vã dắt xe xuống đường và giải thích:
-Phim Giải phóng hết là bọn tôi ra trước để qua rạp Tân Thanh coi phim khác ngay. Chủ nhật này tôi muốn đi khắp các rạp xem các loại phim của cách mạng cho thoả lòng mong ước.
Tôi đi tới đường Bạch Đằng thì thành phố lên đèn, tiếng chuông chùa vọng đến ngân nga, gió sông Hàn lồng lộng. Bên kia sông, đèn điện từ các dãy nhà toả sáng lung linh. Bên này sông, đèn trên các cột đèn cũng toả sáng. Xa xa, những ngọn đèn đỏ trên haicột phát sóng của đài phát thanh Đà Nẵng nhấp nháy như những đôi mắt nhìn xuống thành phố cảng thân yêu này.
Tôi gặp nhiều cặp vợ chồng dắt con đi dạo mát bên sông. ở mấy hàng ghế đầu nằm bên những gốc dừa tư lự có những đôi nam nữđang ngồi tâm sự. Không gian khoáng đạt và bình yên. Cả Đà Nẵng đang hưởng trọn một ngày chủ nhật đầy thoải mái và bổ ích để rồi lại bước vào một ngày mới với nhịp sống khẩn trương, sôi nổi./.
Việt Long (Phóng viên TTXGP tại Đà nẵng).
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 18/4/1975
Bố mẹ và các em yêu quý!
Anh Hà đã vào đến nơi, nói gia đình ta vẫn vui khoẻ, con rất mừng.
Con vừa nhận thư bố viết ngày 13/3 - chắc bố gửi đường dây.
Con và Ngân vẫn khoẻ. Cũng may mà cơ quan phân công 2chúng con đi chiến dịch một đoàn, nên khi về Đà Nẵng là được ở một chỗ ngay, có một phòng riêng khá xinh với khá đầy đủ tiện nghi.
Tình hình chung trong này phấn khởi và yên ổn. Bây giờ chúng ta đang tập trung sức xây dựng kinh tế. Lo đời sống cho dân. Có lẽ chuyến này Miền Bắc sẽ phải dốc sức cho Miền Nam nhiều hơn nữa.
Con của gia đình.
Ngày 22/4/1975
Sơ kết lại, thấy rằng tài sản quốc gia thu được rất lớn, gần nhưnguyên vẹn. Quần chúng rất phấn khởi. Đời sống trước mắt bình thường, có khả năng giữ được và nâng dần lên. Chúng ta triển khai lực lượng phòng thủ tương đối tốt nhưng chưa sâu trong quần chúng. Công tác phát động quần chúng, tuyên truyền chính sách tương đối tốt, nhưng chưa sâu. Tổ chức bước đầu tương đối tốt. Những mặt cần chú ý là: Lực lượng phản động còn đông, còn ẩn núpchờ thời (Đà Nẵng có 8 vạn quân ngụy ra khai báo, trong đó có khoảng 7.000 sĩ quan), nguời làm cho địch cần phải bắt thì bắt chưa hết. Còn hầm ngầm chưa khui. Vũ khí thu chưa hết, nhất là súngngắn, mìn. Điện đài địch còn hoạt động. Hệ thóng tổ chức của các đảng phái phản động còn. Có hiện tượng giả bộ đội, làm giấy thông hành giả, làm con dấu giả. Một số tài sản quốc gia bị phá (chủ yếu do quân ta), lãng phí. Thiếu cán bộ. Cán bộ thiếu kinh nghiệm. Nếu không có biện pháp về điều hành kinh tế thì đời sống đồng bào sẽ xuống. Tư tưởng đang tốt, nhưng đã xuất hiện tư tưởng công thần (nhất là quân nhân - quân phiệt rõ), tản mạn, cá nhân, hưởng lạc, an nhàn, trì trệ.
Khu ủy chỉ đạo thời gian tới phải làm tốt các nhiệm vụ sau: ổn định tình hình vùng mới giải phóng. Tiếp tục chiến đấu, giải phóng toàn bộ miền Nam. Xây dựng vùng giải phóng vững mạnh. Một số công tác cụ thể phải tập trung thực hiện là: Truy tróc địch, gắn với trật tự trị an. Tiếp tục đi sâu phát động quần chúng để quần chúng có nhận thức đúng, phân biệt được địch - ta, hiểu biết về chính sáchkhoan hồng và chuyên chính vô sản. Đưa nông dân trở lại ruộng vườn ở nông thôn để sản xuất. Tạo công ăn việc làm ở thành phố. ổn định nội bộ. Công tác kinh tế được coi là công tác lớn nhất. Tổ chức một đợt tuyên truyền tập trung về các hoạt động nói trên.
Ngày 1/5/1975
Nghe tin giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Vui, nhưng không phải là niềm vui bất ngờ.
Ngẫu nhiên, hay có hẹn trước mà chính ngày tôi cất bước đi chiến trường, sau 7 năm, lại là ngày toàn thắng của dân tộc.
Sáng, Khu và Thành phố tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Buổi lễ diễn ra tại sân vận động Chi Lăng, có diễu binh và diễuhành quần chúng. Đứng trên khán đài nhìn xuống những đội quân hùng dũng diễu qua, chợt nhớ da diết những người đồng chí đã hi sinh, trong đó hình ảnh Vượng và Nghị hiện lên rõ mồn một trong tôi. Rồi nước mắt cứ trào ra, nhoè hết mọi hình ảnh hiện tại, đưa tôi về quá khứ...
ĐÔI LỜI TÂM SỰ
Tìm mãi, tôi vẫn không thấy phần ghi chép giai đoạn nửa cuối năm 1971. Nhớ lại, lúc ấy sổ ghi bị hết, tôi xin một tập giấy để viết Nhật ký. Rồi trong một trận tập kích của địch, cái túi đồ của tôi, trong đó có tập Nhật ký, bị thất lạc. Rất tiếc, trong đó chứa đựng bao nhiêu chất liệu qúy, nhất là phần ghi lại cảm xúc của tôi khinghe tin Lê Viết Vượng, Nguyễn Mỹ hy sinh. Đành để trống giai đoạn này. Vẫn may là còn lại khá đầy đủ những gì tôi đã thu lượmbấy lâu nay. Đọc kỹ lại, nhất là các thư từ, tôi thấy rõ rằng hồi ấy cả mấy thế hệ đều đi vào cuộc chiến với lý tưởng rõ ràng, với ý thức dân tộc sâu sắc, với niềm tin ở chiến thắng và với tình cảm chân thành, nồng hậu. Những người như tôi hồi ấy chưa có gia đình riêng, đi B nhẹ tênh, cũng như những đồng chí cán bộ tập kết sống độc thân trở lại miền Nam, hoặc những người từ đồng bằng thoát ly lên căn cứ, đều được gọi là Bê trọc, không để lại cho người thân một chút quyền lợi nào. Mà ngay cả những Bê thường, có nghĩa là những người có gia đình, đi B được để lại phần lương ít ỏi cho gia đình, thì lại phải chịu đựng nỗi day dứt lớn hơn lớp trẻ chúng tôi bởi trách nhiệm của người chồng, người cha, người vợ, người mẹ, người chủ gia đình. Vậy mà tất cả đều hăm hở lên đường đóng góp sức mình cho cách mạng. Trong số đồng chí mà tôi quen biết suốt gần 7 năm kháng chiến ấy, một số đã hy sinh, một số ít do tuổi cao, sức yếu phải ra hậu phương chữa bệnh, số còn lại đã đi đến cùng cuộc kháng chiến. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức gặp mặt truyền thống, ai cũng nhớ đến những ngày ấy với niềm tự hào và với tình cảm hết sức đằm thắm.
Gần đây, tôi đã trở lại chiến trường xưa, thăm lại bà con, bạn bè. Riêng việc lên Núi Bà (vùng ven Quy Nhơn), không hiểu sao, mãi mà các anh ở Sở Văn hoá - Thông tin không bố trí đưa tôi lên được. Có anh đùa với tôi: "Trở lại nơi xưa, để tìm người cũ sao? Nơi xưa còn đó,người cũ đã già rồi!". Đúng vậy, những cô gái mà tôi quen thời chinh chiến giờ đã luống tuổi rồi thật, nhưng tôi đâu có tìm họ vì cái lãng mạn tuổi xuân, mà để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm kháng chiến sâu nặng tình người, cái đó không lúc nào già đi cả.
Tôi trở lại Hoài Châu, thăm lại gia đình Má Phùng cùng hai con của Má là các chị Thi, Vinh. Hồi đó, nhà Má Phùng nằm ở rìa núi - vùng ranh. Không xẩm tối nào không có cán bộ, bộ đội từ trên núi xuống ghé nhà ăn uống. Cứ vậy, ngày này qua tháng khác, ngày nào cũng một hai mâm cơm gia đình sắp sẵn nuôi bộ đội, cán bộ. Tôi cũng ăn ở đó nhiều bữa cơm, và đã được các chị canh chừng cho trong khi ăn, đề phòng lũ địch tập kích. Bao nhiêu miệng ăn, biết mấy núi đã lở rồi? Bây giờ, Má Phùng đã là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Má hỏi chúng tôi đi vô bằng gì. Biết chúng tôi đi bằng máy bay, Má bảo: "Tao lo cho lũ bay quá, máy bay rớt thì làm sao?". Chúng tôi cười, mà lòng ứa lệ. Các chị Vinh, Thi nay còn khoẻ mạnh, làm ăn cũng khá, gia thất đề huề. Các chị lại tíu tít kêu con cháu leo dừa lấy trái cho chúng tôi uống nước. Thứ nước trong vắt, mát ngọt, đậm đà ấy lúc nào cũng tràn đầy, bởi vì nó có nguồn từ thẳm sâu trong lòng Tổ quốc ta, Nhân dân ta.
Hà Nội, mùa xuân năm 1999 Phạm Việt Long
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro