Chương 9: Nghe chim hót, quần hùng khiếp đảm
Lý Thọ Nguyên chưa kịp trả lời, Viên Kiến Long đứng ở phía sau đã nói ngay:
- Ra mời họ vào đây ! Mau !
Bạch U U bỗng nhiên biến sắc, mụ lẩm bẩm:
- Thật là ma đưa lối, quỷ dẫn đường ! Oan gia lại chạm trán nhau ở đây !
Nhưng lúc này mụ không còn đường lẩn tránh mà cũng không có lý gì rút lui ngay được. Mụ đành mặt dạn mày dày ngồi chờ.
Chớp mắt đã thấy Dương Phát cùng Thiên Ngô lão nhân rảo bước đi vào.
Cả hai người này thân hình đều cao lớn đặc biệt, một người râu trắng phất phơ, một người râu quai nón mọc đầy mặt ra đến mang tai, tướng mạo khác thường.
Chưa vào đến nơi, Dương Phát đã cất tiếng oang oang hỏi:
- Lý lão đầu ! Phải chăng có kẻ muốn đến vặt lông điêu vàng ( Lý Thọ Nguyên biệt hiệu là Kim Điêu ) của lão ?
Lý Thọ Nguyên gượng cười đáp:
- Hai vị đã đến đây, xin mời lên coi sẽ biết.
Dương Phát nheo mắt nói:
- Lý lão đầu ! Lão còn muốn sống đến bao giờ nữa ? Ta trông lão chả giống con Kim Điêu chút nào, mà chỉ giống con chim ưng trụi đầu. Bọn ta đã đến đây, có lẽ đâu thỏng tay ngồi nhìn ? Có phải thế không Thiên Ngô lão nhân?
Dương Phát là người nóng nảy thẳng thắng, hơn nữa là có mối thâm giao với Lý Thọ Nguyên, dĩ nhiên y không ngần ngại gì về việc giúp Thọ Nguyên đánh lui địch nhân.
Nhưng Thiên Ngô lão nhân là người bụng dạ thâm trầm, lão đứng xa đã nhìn thấy mấy cây cột trong nhà sảnh đường bị nhấc ra để ngoài chân tảng, trong lòng lão thầm kinh hãi nên khi Dương Phát lớn tiếng bô bô hỏi, lão chủ ấm ứ không phát biểu ý kiến.
Lý Thọ Nguyên cười nói:
- Hại vị đã tới đây, đáng lẽ phải mời hai vị vào nhà khách sảnh ngồi chơi uống trà. Nhưng không hiểu trong đại sảnh có ông bạn nào đến làm bừa bãi ra thế kia, mong rằng hai vị thông cảm cho.
Lý Thọ Nguyên vừa nói vừa giơ tay ra mời hai người vào nhà.
Thiên Ngô lão nhân vừa bước vào đã thấy Thái Sơn yêu cơ Bạch U U ngồi bên thì nét mặt sa sầm nói:
- Lý trang chúa ! Trong võ lâm rất nhiều hạng yêu ma quỷ quái mà trang chúa lập trang ở đây, tiếng tăm đồn đại ra ngoài không chừng bọn yêu tà sẽ mò mẫm đến. Vậy trang chúa phải cẩn thận lắm mới được !
Lão nói mấy câu này rõ ràng để châm chọc BạchUU.
Viên Kiến Long đã bị Bạch U U chơi cho một vố cay đắng, nên khi nghe Thiên Ngô lão nhân nói vậy lấy làm khoái chí nói tiếp:
- Lý trang chúa ! Lời Thiên Ngô lão nhân nói rất đúng. Trang chúa hễ thấy người là mời là gọi, tất khó lòng tránh khỏi mắc tay yêu tà.
Bạch U U trong lòng căm giận đến cực điểm. Nhưng mụ không hé răng hé lợi gì, họ nói bóng nói gió thoá mạ yêu tà, chứ không phải chỉ mặt đặt tên, nếu mụ lên tiếng phản đối, chẳng hoá ra tự nhận mình là yêu tà ư ?
Lý Thọ Nguyên chỉ cười xã giao mấy tiếng, không nói hùa theo mà cũng không phủ nhận.
Thực ra Lý Thọ Nguyên cũng chẳng hoan nghênh Bạch U U cho lắm, nhưng mụ đã vào nhà, chẳng lẽ mở miệng xua đuổi.
Trang chúa thấy Bạch U U không lên tiếng, cũng mong mụ đứng dậy cáo từ. Nhưng Bạch U U vẫn ngồi yên chẳng nói năng gì.
Bốn người ngồi trong nhà sảnh đường, chỉ có Tử Kim Thần Long Dương Phát là cao đàm hùng biện. Y nhắc đến cả vụ uớc hội thần bí trong tòa cổ thành, bằng một giọng oang oang, y kể lại cái thơ không người thư danh đã làm chết uổng hai mạng anh hùng Lôi gia trang chúa Lôi Đại Khuê và Thiên Sơn Thần Hầu Lao Tất Hỷ.
Viên Kiến Long cùng Lý Thọ Nguyên thấy vụ này không liên quan gì đến mình, nên cũng chẳng để ý đến cho lắm. Chỉ có Vi Quân Hiệp đứng sau lưng Viên Kiến Long là rung động trong lòng. Chàng lẩm bẩm:
- Chủ nhân bức thư không thư danh đó mình đã gặp rồi. Hay là mình kể lại cho Dương Phát nghe ?
Chàng toan đem chuyện gặp quái nhân người cao như cây gậy trúc cưỡi lừa mà chàng đã gặp ở dọc đường lúc tìm về Lý gia trang. Nhưng chàng nghĩ lại thì các nguời ngồi đây toàn là những tay cao thủ võ lâm vào hạng tiền bối, nên chàng không tiện mở miệng chen vào đành đứng im.
Một lúc sau, đột nhiên có tiếng oanh vàng uyển chuyển rất dễ nghe vang lên. Nhưng tiếng oanh vàng này rõ ràng là tiếng người học tiếng chim. Nội công của người này cũng vào hạng cực kỳ thâm hậu nên thanh âm truyền đi rất xa mà lọt vào tai cục rõ ràng.
Gịong oanh vàng của người này giống hệt tiếng chim, khiến người nghe ai cũng chăm chú lắng tai và ngơ ngẩn xuất thần. Gịong oanh vàng tuy ở rất xa mà dường như chim hót ở ngay trên đầu.
Ai nấy không tự chủ được, cũng ngẹo đầu lắng tai nghe. Chỉ có một mình Bạch U U vừa nghe tiếng oanh vàng, thốt nhiên biến sắc đứng dậy.
Lúc này mọi người đang để hết tâm thần nghe thanh âm cực kỳ hấp dẫn nên không để ý đến mụ.
Trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, tiếng oanh vàng đột nhiên im bặt.
Tiếng oanh vàng vừa dứt thì từ góc tây bắc lại vang lên giọng chim Đỗ Quyên. Tiếng quyên gào cực kỳ thê thảm. Và lập đi lập lại câu "bất như quy khứ" (nên về đi thôi ) khiến người nghe phải nao nao trong dạ...
Bọn Thiên Ngô lão nhân bị tiếng quyện thê thảm thu hút không khỏi ngẩn mặt ra. Còn Vi Quân Hiệp công lực nông cạn hơn nên chỉ nghe một lúc là nuớc mắt chảy quanh.
Lúc này Bạch U U càng kinh sợ hơn nữa, mặt mụ xám ngắt. Mụ tiến lên hai bước nói:
- Lý trang chúa ! Tại hạ xin cáo từ !
Đoạn không chờ Lý Thọ Nguyên trả lời, chấp tay vái chào rồi bỏ đi luôn.
Tiếng quyên gào liên tiếp không ngớt và cũng trong khoảng thời gian uống cạn tuần trà thì ngưng lại.
Tiếng quyên vừa dứt thì vang lên tiếng chim yến hót ríu rít khiến người nghe tâm thần sảng khoái. Vi Quân Hiệp không tự chủ được, mắt còn ngấn lệ đã bật lên tiếng cười.
Viên Kiến Long nghe chàng cười bất giác quay đầu lại thì thấy mắt chàng còn ngấn lệ, không khỏi ngạc nhiên hỏi:
- Sao ngươi lại khóc ?
Lão vừa nói xong, đã thấy trên mặt ngứa ngáy, đưa tay lên sờ thì thấy một giọt nước mắt theo tay rơi xuống. Lão giật mình tự hỏi:
- Ơ hay ! Tại sao mình cũng vô cớ rơi lệ ?
Rồi lão thất thanh la lên:
- Hỏng rồi ! Trong tiếng chim này có điều quái gở ?
Thiên Ngô lão nhân, Dương Phát cùng Lý Thọ Nguyên ba người nét mặt đang tươi cuời lắng tai nghe tiếng yến hót đầy vẻ hứng thú tựa hồ như có những đứa cháu bé đến vuốt râu mình. Chợt nghe tiếng Viên Kiến Long la lên, họ mới giật mình thộn mặt ra và cũng cảm thấy tiếng chim quả có điềm không hay.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau đồng thời vận khí ngưng thần. Lúc này tiếng yến cũng thôi không hót nữa.
Từ góc tây bắc bỗng nổi lên tiếng nhạn yêu thương như bị hạ đàn. Thanh âm này với tiếng đỗ quyên lúc trước còn thê thảm hơn, khiến người nghe trong lòng kinh hãi, bắp thịt giựt lên từng cơn. Một là vì tiếng chim gần hơn trước nhiều. Hai là nhạn là giống vật ưa hợp quần, con nhạn nhỏ lìa đàn thì không khác gì đứa con nít mất cha mẹ, tiếng nó kêu bi ai đặc biệt. Lý Khẩu tả cái giọng bi ai của giống chim này bằng câu:
Thương cho chiếc nhạn xa lìa mẹ.
Đau đớn canh trường giọng nỉ non.
Mọi người trong nhà đại sảnh kể cả Thiên Ngô lão nhân đầu óc đều bị chấn động. Dương Phát không chịu nổi la lên:
- Ông bạn ở phương nào, sao lại giở trò buồn thảm này ? Mau đổi giọng cho dễ nghe hơn một chút đi thôi !
Lý Thọ Nguyên thấy Dương Phát nói vậy, vội bão:
- Dương huynh cần trấn tĩnh lại !
Nhưng đã chậm mất rồi ! Dương Phát vừa la hoảng thì đột nhiên có tiếng sẻ vàng kêu ríu rít như thúc giục.
Mọi người nghe tiếng sẻ chưa việc gì, mà Dương Phát đã như người điên, y đứng lên múa may quay cuồng.
Gỉa tỷ một cô gái tuyệt sắc nghe tiếng sẻ vàng động tâm, nhún nhảy múa theo điệu hót tất khiến cho lòng ngừơi thư thái. Nhưng Dương Phát là một đại hán mặt mũi râu ria xồm xàm mà cũng uốn éo nhảy múa thì lại khiến cho mọi người phải sửng sốt, râu tóc đứng dựng cả lên.
Thiên Ngô lão nhân lập tức quát lên một tiếng thật to, vươn tay ra nắm lấy vai Dương Phát. Nhưng Dương Phát sức mạnh vô cùng, Thiên Ngô lão nhân không giữ được y dừng lại.
Lý Thọ Nguyên thấy tình trạng này, bất giác gầm lên một tiếng, lão phóng người lên, vung chưởng ra đánh "bốp" một cái trúng người Dương Phát, Dương Phát loạng choạng mấy bước rồi ngã chúi về đằng trước.
Lý Thọ Nguyên cùng Thiên Ngô lão nhân hai người không hẹn mà đồng phát ra một tiếng hú rất dài.
Hai người cùng phát ra tiếng hú cùng một lúc nhưng công lực Thiên Ngô lão nhân thâm hậu hơn Lý Thọ Nguyên nhiều nên tiếng hú của Lý Thọ Nguyên bị tiếng hú của Thiên Ngô lấn át.
Lý Thọ Nguyên vốn biết người biết mình, lão tiến ra hai bước nâng Dương Phát dậy thì thấy y xám đen, ra chiều hoảng hốt.
Lý Thọ Nguyên lớn tiếng gọi:
- Dương huynh ! Dương huynh !
Dương Phát thở phào một tiếng hỏi:
- Phải chăng ta đang nằm mơ ?
Lý Thọ Nguyên không biết nói sao đành đỡ Dương Phát ngồi lên ghế
Giữa lúc Thiên Ngô lão nhân chưa dứt tiếng hú thì tiếng sẻ vàng đã im bặt. Tiếng hú của Thiên Ngô lão nhân chưa dứt tiếng hú thì tiếng sẻ vàng cũng đã im. Tiếng của Thiên Ngô lão nhân cũng hạ thấp dần rồi ngừng bặt.
Lúc này không thấy tiếng chim nào vọng đến nữa. Mọi người trong nhà đại đường chỉ có mình Dương Phát thở lên hồng hộc, còn ai nấy ngồi im không nói năng gì.
Hồi lâu Lý Thọ Nguyên mới cất tiếng hỏi:
- Thiên Ngô lão nhân ! Phải chăng là Bách Cầm chân nhân Công Dã Chiếu đã đến ?
Bách Cầm chân nhân Công Dã Chiếu, tự xưng là hậu nhân Công Dã Trường đã thông hiểu tiếng chim lại võ nghệ cao cường. Đến đâu lão cũng mô phỏng tiếng chim tung ra trước. Tính tình lão cực kỳ cổ quái. Thật là một người làm cho ai cũng phải nhức đầu nhức óc.
Thiên Ngô lão nhân lắc đầu đáp:
- Tại hạ chỉ nghe nói Công Dã Chiếu thông hiểu tiếng chim chứ chưa từng nghe ai nói y mô phỏng được các thứ tiếng chim, vả lại mấy lần tiếng chim này nổi lên, ít ra cũng cách xa đây năm ba dặm vọng lại mà Dương chưởng môn đã xúc động đến thế ! Công Dã Chiến đâu có công lực thâm hậu như vậy ?
Lý Thọ Nguyên cả kinh hỏi:
- Chẳng lẽ người này so với Công Dã Chiến còn lợi hại hơn ?
Thiên Ngô lão nhân lẳng lặng không đáp.
Viên Kiến Long ngoảnh đầu lại. Ngạc nhiên hỏi:
- Không hiểu ma đầu đi từ lúc nào ?
Thiên Ngô lão nhân cùng Lý Thọ Nguyên không khỏi biến sắc kinh nghi vì Bạch U U đi lúc nào hai lão điều không biết.
Dĩ nhiên vì lẽ khinh công Bạch U U quá cao mà lúc mụ ra đi tâm thần những vị này thảng thốt, lúc vui mừng, lúc bi thương vì tiếng chim quyến rũ, đến nỗi có người bọ đi cũng không biết mà dù có người đến thăm cũng không hay. Mấy vị này vội đưa mắt ra nhìn quanh bốn phía nhà, trong nhà đại sảnh không thấy có thêm một người nào.
Viên Kiến Long thở dài nói:
- Có lẽ người mô phỏng tiếng chim này là kẻ đối đầu, kẻ khắc chữ vào cột để lại ?
Lý Thọ Nguyên rút cây kim điêu phiêu đánh "soạt" một tiếng cầm trên tay, đồng thời một luồng kình phong lấp loáng, ánh thanh quang bay ra như cây phán quan bút nhưng chỉ dài độ một thước ba tấc, một đầu có móng. Kim điêu phiêu của lão là một thứ khí giới khác thường. Nó gần giống như móng của con Diều, sắc nhọn vô cùng. Ánh kim quang ở móng nhọn loé ra. Móng này cũng lớn bằng ngón tay người. Còn đầu kia vừa tròn vừa nhọn, vì thế có thể móc trước đâm sau được, đã có khí giới vừa ngắn ngủi vừa lợi hại nên Lý Thọ Nguyên đã sáng chế ra bảy mươi hai chiêu để tấn công kẻ địch gần mình. Chiêu nào cũng nhằm đánh vào huyệt đạo trọng yếu cực kỳ lợi hại.
Lý Thọ Nguyên cầm khí giới trong tay phóng chiêu đánh chát một cái, đầu nhọn đã cắm vào mặt bàn.
Giữa lúc ấy thốt nhiên một cơn gió nhẹ thoảng qua rồi không có một tiếng động, trong nhà đại sảnh đã thêm một người nữa.
Người này xuất hiện một cách đột ngột nên bọn người trong nhà đại sảnh ai cũng sửng sốt nhìn chằm chập vào y.
Vi Quân Hiệp vừa trông thấy, y đã hít mạnh một hơi dường như bị nghẹt thở vì người này đâu phải ai đâu ? Chính là cô gái tuyệt sắc đã chế nhạo chàng lúc trước và kêu là Tam cô nương.
Vi Quân Hiệp vội ngoảnh đầu qua phía khác.
Nữ lang cười khanh khách nói:
- Đừng dấu mặt nữa, ta đã trông thấy rồi !
Mọi người thấy nữ lang nói đột ngột như vậy, trông lòng không khỏi kinh hãi nên đều lặng yên coi chừng.
Vừa nghe nàng lên tiếng, Lý Thọ Nguyên mới hỏi:
- Cô nương ở đâu đến ? Nơi đây sắp xảy ra chuyện lôi thôi. Cô nương xa lánh đi là hơn.
Nữ lang không trả lời lão, nàng tiến lại phía trước, đưa tay ra chụp lấy cây Kim Điêu Phiêu còn cắm ở trên bàn.
Lý Thọ Nguyên nhờ cây Kim Điêu Phiêu này mà nổi danh. Cả cái ngoại hiệu "Kim Điêu"của lão cũng đặt theo món khí giới này.
Tuy lão chưa hiểu nữ lang có ác ý gì hay không, nhưng lão không muốn để người tuỳ tiện nắm lấy khí giới của mình. Nên lão vừa thấy nữ lang vừa đưa tay ra toan lấy cây Kim Điệu, lão cũng lập tức vươn tay ra nắm lại. Lão ra tay mau lẹ phi thường, thế mà cũng chậm mất một chút thành ra vào quãng không. Lão liền quay đầu lại xem thì cây Kim Điêu đã lọt vào tay nữ lang rồi...
Lý Thọ Nguyên trong lòng kinh hãi, vì lão không hiểu sao cây Kim Điêu Phiêu lại lọt vào tay nàng trước được. Lão ngẩn người ra, toan lên tiếng hỏi thì đã nghe nữ lang nói:
- Chà ! Cái món "bất cầu nhân" ( không cần ai ) này làm khéo quá !
Lý Thọ Nguyên nghe nàng nói toan trả lời nhưng lập tức im bặt không nói nữa. Sắc mặt lão biến thành vàng như nghệ.
Nguyên "bất cầu nhân" là một đồ vật làm bằng tre có răng để gãi ngứa còn cây " Kim Điêu Phiêu" là một thứ binh khí nổi tiếng lợi hại trong võ lâm.
Thấy nữ lang gọi khí giới của mình là "bất cầu nhân", Lý Thọ Nguyên tức quá nét mặt xám ngắt không biết nói sao.
Hồi lâu lão trầm giọng nói:
- Đây không phải là "bất cầu nhân" đâu !
Nữ lang cười khanh khách nói:
- Không phải "bất cầu nhân" thì là gì ?
Nàng vừa cười vừa giơ cây Kim Điêu Phiêu ra rất lẹ gãi vào mặt Lý Thọ Nguyên.
Lý Thọ Nguyên thấy mắt ánh vàng loé lên cả hai tả hữu đều bị chính khí giới của mình lại cào vào mặt. Trong thời gian chớp nhoáng này, mặt lão xám như tro, ngồi nhũn ra trên ghế, không nhúc nhích được.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro