Chương 5 - 5
Tôi ngừng than vãn, im lặng nhìn hắn.
- Cả ngày hôm qua cô luôn ngồi thất thần trên sofa, tay cầm khư khư huy hiệu Pawson. Tôi còn tưởng cô lại thất tình.
- Không phải Lite, là Peter Brown, anh có biết ông ta không?
- Thư ký của Andrew. – hắn trầm mặc – ông ta để cô lấy nó à?
- Tôi giật nó lúc ông ta mải suy nghĩ.
Nguyên Hải cười vui vẻ:
- Cái trò ấu trĩ này thì đúng là của cô rồi.
Tôi bĩu môi, đoạn nói với hắn:
- Nếu không làm vậy, có lẽ tôi đã chết. Nguyên Hải, tôi nhìn thấy ông ta tận tay bắn chết người rồi, tôi sợ lắm!
Hắn đặt tay tôi trong lòng bàn tay của hắn, tay của hắn rất lớn, tuy chai sần nhưng không giảm đi sự ấm áp vốn có.
- Đừng sợ, có tôi ở đây. Tôi sẽ không để bọn họ làm hại cô, được chứ?
Tôi gật đầu:
- Tôi đã để Peter trốn thoát.
Nguyên Hải xoa tay tôi, ừm khẽ:
- Cô làm rất đúng, Peter bị bắt chỉ làm chuyện thêm rối, mà bản thân cô cũng không được lợi gì.
Tôi sực nhớ ra, bèn hẹ giọng hỏi:
- Vết thương sao rồi?
- Ổn rồi.
- Còn đau không?
- Xoay mình thì hơi khó khăn, nhưng kiểu này sẽ lành sớm thôi. – Nguyên Hải đùa cợt – Lo à?
- Mơ đi.
Lại im lặng, đến Nguyên Hải lên tiếng:
- Sau này uống rượu ít một chút, hôm trước sốt 40 độ xem như bài học đi.
- Biết rồi.
Hắn buông tay tôi, để mặc tôi đến bên sofa nằm xuống. Cả hai không ai lên tiếng, ai lặng lẽ làm việc nấy, cả không gian chìm vào tĩnh lặng. Tôi quay mặt vào ghế, miệng nở nụ cười nhẹ nhõm.
Tiếng mèo kêu ngoài cửa sổ khiến tôi tỉnh giấc, xung quanh không có tiếng người nói chuyện, quả đúng là bệnh viện, tôi gãi đầu ngồi dậy trong bóng tối. Ấy là lúc tôi nhận ra không chỉ có mình tôi thức.
- Dậy rồi à?
Tôi dụi mắt nhìn kĩ lại, là Nguyên Hải. Hắn đứng bên cạnh ghế sofa, dõi mắt xuống từng cử chỉ của tôi.
- Sao không ngủ?
- Thời gian chỉ làm cô cao lên, không làm tiếng ngáy của cô giảm đi.
Tôi xấu hổ mím môi thành một đường thẳng, hắn nhích môi cười:
- Tôi đói rồi.
Rồi hướng sang bát cháo trên bàn, tôi không hiểu:
- Thế mau ăn đi.
- Tay tôi, di chứng sau phẫu thuật nên cử động không được. Tôi đợi cô thức giấc đã hai tiếng, chưa được ăn uống gì.
- Thật à?!
Giọng tôi cao hơn hẳn, chớp mắt ngạc nhiên. Anh trai tôi có nói gì về chuyện này đâu? Bên ngoài có đèn pha của xe đi ngang rọi vào, làm bật nên nụ cười cố nén của hắn, tôi nhăn nhó:
- Anh lừa tôi?!
Hắn thản nhiên cười, tôi liếc:
- Nằm mơ!
Nguyên Hải hít sâu, tôi nhận thấy bất an, vội vã can:
- Biết rồi, biết rồi, bệnh nhân mau ngồi lên giường đi, đừng đứng lâu mà đau chân, tâm tình sẽ bị ảnh hưởng, lục phủ ngũ tạng chẳng mấy chốc hoại tử, không tốt cho sức khỏe.
Tôi chịu đựng đút từng thìa cháo, Nguyên Hải liếc mắt sang hạc giấy tôi gấp đã xếp thành đống, khóe miệng nhếch lên hài hước:
- Cô vẫn không thôi trò này à?
- Còn đỡ hơn là ngồi nhìn không làm gì. – Tôi bĩu môi – Anh không thích, nhưng vẫn có người rất thích.
Nguyên Hải hơi chau mày, cùng lúc vang lên tiếng lộc cộc từ bên ngoài cánh cửa gỗ, tôi vơ lấy một nắm hạc giấy, rảo chân bước về phía cửa. Nhìn thấy anh Khánh Huy sau cánh cửa, nhăn mặt cầm hộp cơm, nụ cười trên môi tôi lập tức tắt ngấm. Không đợi anh trai mở lời, tôi nói nhanh với Nguyên Hải:
- Tôi đi trước.
Nguyên Hải gật đầu, tôi liền ra khỏi phòng, định bụng đợi anh trai đi rồi sẽ quay lại phòng bệnh. Hành lang bệnh viện sáng choang ngập mùi cồn y tế, chiếc TV cũ nát vẫn bật ở nhà ăn, ánh sáng chói mắt hắt vào chiếc bàn đối diện đã có người, bà lão nọ vịn vào cây truyền nước biển đứng dậy, lại ngã xuống mấy lần, tôi bèn chạy đến đỡ một tay.
- Cảm ơn cô.
Bà lão cười hiền, tôi cười nhẹ:
- Không có gì ạ.
Tôi định đi tiếp, bà ấy lại ngẩn người nhìn tôi hồi lâu, gương mặt khốn khổ không giấu nổi nét kinh ngạc:
- Cô...cô có phải...là cháu bé bị sốt đó không?
Tôi ngơ ngẩn không hiểu, bèn dò hỏi:
- Cô là...?
- Tôi là người giúp việc già hôm đó được mẹ cô gọi đến phụ giúp đây.
Dường như trong tiềm thức cũng nhận ra nét gì quen thuộc, tôi cười phấn khích:
- Là cô!!
- Đúng là cô rồi! Cô vẫn ổn chứ?
- Vâng, rất ổn ạ. Còn cô sao lại ở đây? Cô không sao chứ?
Bà ấy khẽ phả môt hơi thở nặng nhọc, trỏ phần ghế bên cạnh bảo tôi ngồi xuống:
- Ngày hôm đó mẹ cô không an tâm để ông Bình đưa cô đi bệnh viện, bèn nói tôi chạy theo giúp đỡ.
- Hôm đó cháu sốt sao ạ? – Tôi ngạc nhiên, tôi không nhớ gì về buổi tối hôm ấy.
- Đúng, cô sốt ngày càng cao, được một lúc sau bữa tối thì ngất lịm. Cả mẹ cô lẫn ông Bình đều rất sợ, ông Bình nói quen biết một bác sĩ mát tay ở gần đó, nên tức tốc bế cô đi. Cả thằng bé hay chơi với cô...à...tên gì ấy nhỉ...
- Minh Khôi. – Tôi đoán.
- Đúng, là cậu ấy, sau đó có cả vợ ông Bình. Ai cũng lo lắng chạy theo tôi, mẹ cô sốt ruột ở nhà một mình. Nhưng tôi không ngờ... - Bà ấy lắc đầu liên tục, nước mắt giàn giục trên hốc mắt nhăn nheo vì lớn tuổi. – Tôi vô ý quá, đáng lẽ tôi nên ở bên cạnh mẹ cô.
Tôi nhìn bà ấy ôm mặt khóc lóc, trong lòng dấy lên nỗi sầu muộn, muốn trấn an bà ấy nhưng lại không biết ăn nói, bản thân nhắc đến chuyện của mẹ cũng bối rối, nên đành để bà ấy khóc một lúc lâu. Đợi mãi đến lúc bà ấy nguôi ngoai, tôi khẽ hỏi:
- Còn anh cháu thì ở đâu ạ?
- Anh trai cô hôm ấy đi xin việc làm ở bệnh viện tỉnh, không kịp về nhà. – Bà ấy dừng một chút, nhíu mày nhìn tôi – Cô không nhớ gì à?
Tôi nhăn mặt lắc đầu, lời nói của bà ấy cùng hình ảnh mê loạn trong trí nhớ tôi quấn lấy nhau, mơ hồ dựng nên một buổi tối đầy bi kịch. Tôi bị sốt? Anh trai tôi không có ở nhà? Bác Bình bế tôi đưa đến bệnh viện? Đầu đột nhiên đau buốt, hình ảnh tối hôm đó hỗn loạn xoay mòng. Tất cả những gì tôi nhớ là buổi sáng hôm sau, giữa dòng người xung quanh đều gào khóc oán thán, tôi tuyệt vọng giương mắt nhìn thi thể mẹ cháy khô bị người ta đưa đi.
Bà ấy nhẹ cất tiếng gọi:
- Hôm ấy tôi còn thấy một việc rất lạ. Xung quanh khu này rất ít người, vậy mà tôi lại tìm thấy một chiếc đèn pin còn bật sáng ở phía sau nhà.
- Sao cô không đưa cho cảnh sát?!
- Tôi có, nhưng họ chỉ bảo chắc là chó tha đến, nói là một vụ tai nạn rồi bỏ đi. Sau khi tôi sống sót khỏi vụ cháy, họ bảo tôi cũng là hung thủ, bảo tôi bị điên, ném đồ vào tôi. Lời truyền miệng thật đáng sợ, dù đúng dù sai, dù có lý dù vô lý, vẫn được lấy ra làm lý do phán xét một con người. Đối với tôi mà nói, ngất một cái liền có chỗ ăn chỗ ngủ, cũng là một điều thật tốt. Khi nào chợt nhớ lại đến thắp cho mẹ cô nén nhang, mong bà ấy tha thứ.
Tôi chợt nắm tay bà ấy, làn da bánh mật khô sạm vì mưa gió, khẽ nói:
- Con xin lỗi cô.
Tôi thật sự muốn nói một tiếng "Xin lỗi", vì nếu không có nhà tôi, có lẽ bà ấy đã không lâm vào tình cảnh lang thang như hôm nay. Bà ấy vỗ vỗ vào tay tôi, khóe miệng hơi cong lên hiền từ, để lộ hàm răng nham nhở mà phúc hậu:
- Tôi không cần đâu, mẹ cô là một người rất tốt, bà ấy cho tôi chỗ ăn chỗ ngủ, luôn quan tâm đến tôi. Cuộc đời tôi có mỗi bà ấy đối xử tốt nhất, tôi bây giờ ra sao, nói thật cũng cam lòng.
Người xung quanh có hiếu kỳ, nhưng cũng mau chóng nghĩ là cảnh thăm nuôi xúc động mà gạt đi. Tôi dụi nước ngập trong khóe mắt, nghe bà ấy nói:
- Bây giờ nhìn cô như vậy, món quà cuối cùng bà ấy để lại cho hai anh em cô, hình như đã được sử dụng rất tốt. Bà ấy cũng sẽ yên lòng.
- Món quà cuối cùng? - Bà ấy gật đầu chắc nịch, nhưng lại không có ý muốn giải thích, tôi vội nói – Nhà của con ở ngay gần căn nhà cũ, con không ở đây, nhưng bình thường hay có các bác các dì đến chăm lo, nếu cuộc sống khó khăn quá, hay cô đến nhờ họ giúp đỡ một chút. Họ hàng cháu hơi khó tính nhưng rất tốt bụng, giống như mẹ cháu vậy.
Bà giúp việc già vỗ nhẹ vào mu bàn tay tôi như cảm kích, đôi mắt mờ đục xen lẫn ý cười. Lần đầu tiên tôi đối với một người lạ lại có nhiều cảm xúc đến như vậy. Sau khi bà lão đi, tôi không sức lực, lười biếng thừ mình trên chiếc ghế lạnh dần, tâm trí rỗng không dán vào trần nhà.
- Chị ơi!
Giọng nói trong trẻo đến từ cậu bé đang vẫy tay ở cửa nhà ăn, tôi mỉm cười đưa tay chào, cậu bé cất từng bước chân nhỏ chạy đến, hấp tấp té nhào vào một người đàn ông. Ông ta liền gầm lên:
- Thằng nhãi! Mày làm trò gì thế? Đổ mất bát cháo của tao rồi! Mau đền đây!
Cậu bé bị hù sợ điếng người, tôi còn chưa đến nơi, đã nghe giọng nam quen thuộc điềm nhiên đáp trả:
- Không đền.
Cháo vương vãi trên cơ thể nhỏ bé, cậu bé như sắp khóc, tôi vội vã ôm cậu bé mà dỗ dành.
- Còn bảo không? Đổ mất cháo của tao rồi! Chúng mày là bố mẹ nó à? Mau đền.
Tôi hết chịu nổi, nếu Nguyên Hải không đoán được mà chặn lại, hẳn tôi đã gào lên:
- Cái não heo của anh! Bất cứ ai nhìn vào cũng biết không có lý do gì để cậu bé này cố ý làm đổ bát cháo nóng của anh để chính bản thân mình bị bỏng. Còn đứng đấy la lối?!
Nguyên Hải chậm rãi thêm vào:
- Hơn nữa, anh vừa bước đi vừa xem điện thoại, mắt nào để nhìn đường? Vậy là anh sai hay cậu bé này sai đây?
Tôi tròn mắt nhìn Nguyên Hải, rồi nhìn người đàn ông nọ muối mặt, hừ mạnh rồi nhanh chóng bỏ đi trước khi nhân viên nhà ăn gọi bảo vệ đến. Tôi dắt tay cậu bé bệnh nhân vào rửa mặt, đoạn ngồi trên ghế chườm lạnh, cậu bé cười hì:
- Chị ơi, hạc của em đâu? Chị hứa sẽ gấp cho em mà.
Tôi lục túi, thả vào tay cậu bé mấy con hạc giấy đủ màu, nhìn nụ cười ngây ngô mà không nhịn được bực bội:
- Sao em lại không chú ý gì thế? Nhỡ bỏng nặng hơn thì sao?
Cậu bé dẩu môi, chỉ vào Nguyên Hải mà khoe:
- Chị ơi, chú này tốt bụng lắm! Dẫn em đi tìm chị, còn che để em không bị cháo làm bỏng nữa nữa.
"Phụt". Tôi nhịn không được cười nham nhở, bị Nguyên Hải ném cái nhìn sắc lạnh mới cố nén lại. Bởi vì bản tính lạnh lùng, lại vô tâm với mọi thứ, nên từ lúc tôi quen biết Nguyên Hải, chưa từng thấy lời khen tốt bụng nào về hắn. Nay được nghe, quả là buồn cười ngoài mong đợi.
- Em nhầm rồi, chú đó là người xấu đấy.
Nhìn vẻ mặt không hài lòng của Nguyên Hải, tôi lại thấy vô cùng hả dạ.
- Không phải! – Cậu bé ấy phản bác – Chú ấy nói chú ấy là chồng của chị, chị là người tốt, nên chú ấy cũng tốt.
"Phụt", đến tên đang ngồi yên trên ghế phì cười.
- Mau về ngủ đi, cô y tá đang đợi em đấy. Lần sau đừng trốn giờ ngủ như thế nữa.
- Vâng ạ.
Đợi dáng vẻ lon ton khuất hẳn sau cửa nhà ăn, tôi phá ra cười chảy nước mắt, đẩy Nguyên Hải mà dài giọng chọc ghẹo:
- Chú ơi chú!!!
- Thiển cận. - Hắn hừ lạnh.
Cười đến đau cả ruột mới nhận ra cháo còn dính trên chiếc áo bệnh nhân của hắn, tay đưa khăn, nhưng tôi vẫn không thể ngừng cười.
- Buồn cười lắm à?
- Sau này anh làm người giàu, tôi sẽ đem chuyện này ra uy hiếp đòi tiền.
Nguyên Hải mặt lạnh ngồi lau áo. Tôi cười chán, lồm cồm ngồi ngay ngắn trên ghế mới nghe hắn hỏi:
- Cậu bé đó là thế nào vậy?
- Tôi cũng chỉ vừa gặp thôi, ba em ấy...đi theo người phụ nữ khác, người mẹ trầm cảm một thời gian rồi tự vẫn. Cô nhi viện phát hiện em ấy bị hen suyển nhẹ nên gửi vào bệnh viện...
Nghĩ lại thật lạ, hóa ra không chỉ tôi có một người ba bội bạc, cũng không phải chỉ tôi biết đau đớn khi mất mẹ. Ít nhất tôi có anh trai, còn cậu bé ấy, không ai cả. Thật ra con người ai mà chẳng cho rằng mình khốn khổ nhất trên đời? Ấy là vì họ không biết đến những mảnh đời khác mà thôi.
Có lẽ tôi đã im lặng khá lâu, nên Nguyên Hải phải đánh động:
- Muốn cậu bé có một tuổi thơ trọn vẹn, không đồng nghĩa với việc kéo cậu ấy vào những trò nghịch ngợm.
- Ở tuổi của cậu bé ấy, là tuổi vui vẻ nhất của cuộc đời con người. Chúng ta chơi với nhau từ trận banh đá cùng, đánh nhau vì ăn gian, không có các mối quan hệ, không có công việc, không có rất nhiều thứ.
Nguyên Hải chau mày nhìn tôi rất lâu, chợt ồ lên:
- Thì ra não của Khánh My cũng biết phiền muộn, thực mới mẻ!
Tôi tức tối lườm hắn, tầm mắt lập tức bị thu hút bởi tiếng cười vang sảng khoái, tiềm thức vọng đến tiếng cười của nam sinh trong trẻo vang tận bầu trời xanh, cũng rất thích thú vì đã ghẹo được tôi. Hai hình ảnh nhập nhoạng đan xen, người trước mắt tôi dường như không còn là Jackson lãnh đạm tàn khốc, mà chính là Nguyên Hải, người khiến tôi dành cả thanh xuân để giẫm lên bước chân còn sót lại.
- Tận bây giờ tôi vẫn không tin anh trở về vì lời hứa với mẹ.
Tôi nói, Nguyên Hải ngừng cười:
- Tôi thiếu cảm giác tin tưởng đến thế ư?
Tôi lắc đầu, cười nhẹ đối diện mảnh ký ức về câu nói vô tình cuối cùng của hắn:
- Bởi vì anh trước giờ đều rất dứt khoát, nói bỏ là bỏ, nói không, thì tức là không có cuộc hội ngộ trùng phùng cảm động sướt mướt.
- Bây giờ tôi trở về, liệu cô có thể chấp nhận quãng thời gian mười năm đó hay không?
Tim giật thót lên kinh động, tôi ngẩng mặt đối diện ánh mắt tĩnh lặng như mặt nước. Xung quanh ồn ã âm thanh rè rè phát ra từ chiếc tivi đã cũ, tiếng vài ba bệnh nhân lớn tuổi trò chuyện, tuy vậy, tôi dường như nghe được cả hơi thở của Nguyên Hải. Tôi có thể cảm nhận rất nhiều thứ từ trong đôi mắt tưởng như tĩnh lặng của hắn, một chút xao động, trái tim nơi lồng ngực tôi quýnh quáng đập nhanh. Hắn dứt mắt quay đi, câu nói của hắn lẩn quẩn trong tâm tôi, rồi vụt đi mất như chưa hề xảy đến chuyện gì. Một lúc sau tôi mới hoàn hồn, bật cười mà đáp:
- Còn tùy.
- Tùy? – Nguyên Hải không hiểu.
- Nếu như mười năm đó chồng dùng để đàm phán việc tăng lương cho nhân viên, cho nhân viên nghỉ đông và nghỉ hè, nâng cấp suất ăn trưa...thì chồng yêu muốn vợ làm gì cũng nguyện ý.
Nguyên Hải giật bắn cả người, ném cho tôi cái nhìn khinh bỉ:
- Cô dẹp cái giọng điệu ấy đi, phát khiếp! - Hắn im lặng nhìn tôi cười hề hề một lúc - Bản chất của quá khứ là để nhớ, không phải để sống dậy.
Tôi cười buồn, hắn quay mặt lại:
- Kể đi.
- Kể gì cơ?
- Vì sao anh Khánh Huy lại chuyển nhà?
Tôi "à" một tiếng vỡ lẽ.
- Sau khi mẹ mất, tôi rất suy sụp nên ngày nào cũng chỉ chơi một mình. – Tôi nhớ lại ngọn ngành, chậm rãi nói – Tôi bị bắt nạt, các bạn nữ trong lớp kêu gọi mọi người tẩy chay tôi. Cũng suýt bị cưỡng bức một lần. Cũng may lúc đó anh hai đi ngang qua nên bọn họ chưa làm gì được. Sau đó anh hai biết được tôi bị cô lập, sợ tôi bị trầm cảm nên quyết tâm chuyển nhà để chữa trị tốt hơn. – Tôi cười tự hào – Nhưng hóa ra tôi sống vẫn tốt, không bị trầm cảm. Chỉ vậy thôi.
- Trầm cảm? – Hắn kinh ngạc.
Tôi gật đầu khẳng định, đột nhiên phì cười:
- Nếu bây giờ cho tôi quay lại cái thời không có một ai là bạn, chắc chắn sẽ tự cười vào mặt mình.
- Vì sao lúc đó không nói với tôi?
Nụ cười trên môi nhuốm màu buồn, tôi im lặng không đáp, Nguyên Hải tiếp tục gặng hỏi:
- Vì sao?
- Tôi cũng không hiểu tại sao. – Tôi cười guợng gạo – Có lẽ lúc đó tôi cho rằng anh không cần tôi nữa. Anh không còn đi chơi cùng tôi và Minh Khôi, anh luôn bận rộn. Tôi thực sự rất muốn gặp anh trước khi đi, nhưng Minh Khôi lại nói anh sắp đi London rồi, giống như...giống như thất tình vậy, tôi rất buồn, cho nên tôi cứ thế mà đi thôi.
Đôi mắt đen cố định nhìn tôi không thôi, cảm giác day dứt ngày một nặng nề, tôi vội quay đi. Nguyên Hải nhỏ giọng nói:
- Cô vẫn luôn cố gắng lấy lòng mọi người, nhưng tôi lại cho rằng, con người cô chỉ cần sống đúng với bản thân mình. Cô càng lịch sự khách sáo, đó càng không phải là cô.
- Anh thì biết gì. – Tôi tiện miệng – Lúc đó tôi chẳng còn ai cả, nên chỉ biết dựa vào lời dạy của anh hai mà lớn lên. Lúc học đại học, anh tôi bảo rằng không được gây rắc rối, thì tôi chăm ngoan học hành, cầm bằng cử nhân. Lúc lớn lên, bản thân tôi tự hiểu con người với nhau đáng sợ như thế nào, vì vậy cái thân cháu chủ tịch cũng không dám nói với ai cả. Bây giờ các đồng nghiệp đối với tôi như huynh đệ tốt, nhưng bây giờ vẫn sợ lỡ một ngày họ phát hiện ra, thì tôi sẽ bị cô lập nữa sao? Thực ra những người luôn sống đúng chính kiến của mình rất cô đơn, còn tôi chỉ muốn có bạn. Anh cũng vậy, anh dám nói anh không bao giờ cảm thấy đơn độc không?
Nguyên Hải từ nhỏ đã sống ở nhà bác Bình, tính tình già dặn, lạnh lùng nên không hề có một người bạn nào ngoài tôi và Minh Khôi, mà chính bản thân hắn cũng chẳng ham kết bạn, chỉ chuyên tâm học hành. Lớn lên hắn vẫn vậy, hành xử cẩn trọng không ai hiểu được, mà hắn cũng chẳng muốn chia sẻ cùng ai. Một mình lầm lầm lì lì, từ nhỏ đến lớn.
Nguyên Hải không muốn nói nữa, tôi cũng không buồn bắt chuyện. Hai chúng tôi ngồi đối mặt, mỗi người một hướng mắt khác nhau, tự chìm đắm vào suy nghĩ của riêng mình.
Vài ngày sau Nguyên Hải được xuất viện, cũng là ngày chúng tôi về thành phố. Trước khi đi, tôi muốn đi thăm mẹ một lần, Nguyên Hải liền nguyện ý đi cùng tôi. Đặt bó hoa xuống cạnh mộ mẹ, trong lòng tôi chộn rộn rất nhiều cảm xúc không nên lời, chỉ biết đứng nhìn mãi như vậy thôi.
- Con lại về rồi, mẹ ạ. Hôm nay mẹ có bị bà cô nào giành giật cái gì không? Mẹ đừng hiền lành như vậy, nếu cần, con sẽ giúp mẹ trả thù.
Tôi lầm bầm nói chuyện một lúc lâu, đoạn lau nước mắt mà rằng:
- Năm nay con rất ổn, tuy không phải làm nhiếp ảnh, lại phải bon chen với nhiều người, nhưng con cảm thấy ổn lắm mẹ ạ. Thôi, con về đây, năm sau con lại đến.
Nguyên Hải lẳng lặng thắp một nén hương, đứng nhìn một lúc rồi đi theo tôi.
- Cô ấy đã chịu cực khổ nhiều rồi, bây giờ đã được thanh thản.
Bất cứ khi nào nghe thấy lời an ủi của Nguyên Hải, tôi đều đỡ hơn nhiều.
- Tôi đã hứa, khi nào thành một nhiếp ảnh gia sẽ về chụp cho mẹ một tấm hình đẹp nhất. Nhưng có lẽ không thể thực hiện rồi.
Hắn nhẹ nhàng xoa đầu tôi, hắng giọng nói:
- Ít nhất cô đã có chồng, mẹ cô đỡ phải lo cô sau này không có ai thèm.
- Không có ai thèm thì tôi bám anh vậy, bắt anh chịu trách nhiệm.
Tôi nhăn răng cười hì hì, Nguyên Hải cũng cười mỉm đáp lại. Tôi về nhà tạm biệt họ hàng nhưng vẫn quyến luyến không muốn về. Về thành phố đồng nghĩa với việc tôi lại bị giam trong căn nhà của Nguyên Hải, chạy đua với công việc và những thành tích. Làm sao mà vui nổi đây?
- Năm sau con về. Anh hai, anh về sau nhé!
Nói xong tôi liền nín thở, đợi trận lôi đình đã dồn nén nhiều ngày của anh trai, trái lại, người nọ đang ngắm hoa đào chỉ thản nhiên xua tay:
- Trước khi có con, cấm về nữa!
Cái tốt là anh tôi hiểu rõ tính khí của tôi, không nổi giận, còn cái xấu...Tôi như chạm phải dây điện, ho khù khụ một lúc lâu trong tràng cười sảng khoái của mọi người.
- Cũng đâu phải lần đầu.
Nguyên Hải khoác vai tôi mờ ám, khẽ nháy mắt, tôi liền đón ý.
- Đông người thế này mà! – Tôi khẽ ngại ngùng.
- Thế là thế nào? Hai đứa đã làm gì? – Anh tôi hỏi tới tấp, không giấu nổi nét cuống quýt.
- Anh hai, tụi em là vợ chồng mà, chẳng phải anh đã nói như vậy sao?
Anh trai tôi rối trí đến mức lú lẫn, lắc đầu liên tục:
- Không được! Khánh My, trước 30 tuổi em không được lên giường của đàn ông!
Tôi bẹo mặt trêu anh trai, rồi lật đật chạy ra xe đã đỗ sẵn, tiếng cười của mọi người vẫn còn vang đến khi cửa xe khép lại. Qua ô cửa, tôi chợt nhìn thấy bà giúp việc hôm nào đang bê cây đi ra khỏi nhà dì Hai, hỏi:
- Chị ơi, chậu này để ở đâu?
- Để tạm vào trong nhà ấy, lát chúng ta tiến hành tỉa lá.
Tôi tròn mắt, bà ấy cũng nhận ra tôi trong xe, cười mỉm, tôi cười mừng rỡ, búng ngón tay cái ra hiệu:
- Cố lên!
Xe lục đục chạy một hồi lâu, Nguyên Hải thấy tôi im lặng liền thảng thốt:
- Cô lại đói nữa sao?! Cái con nhóc ham ăn này!
Tôi bực bội đưa nắm đấm, hắn vội nói:
- Chồng cô vừa mới đối đầu sinh tử trở về đấy, còn định làm gì thế kia? Ôi, số tôi thật bất hạnh mới gặp phải cô mà. Về nhà tôi nhất định gọi điện cho anh Huy...
- Á á, đừng! Được rồi, anh giỏi, não to, đẹp trai, rất giỏi.
Ánh mặt trời dần đổ bóng, những ruộng lúa nước chìm dần vào bóng tối, không gian tưởng chừng bao la vang vọng giọng cười của Nguyên Hải, Tôi phì cười, cũng cười theo hắn. Bầu trời xế chiều nhuốm màu đỏ cam cao rộng tĩnh mịch dường như chỉ còn lại chúng tôi, cùng với tiếng cười sảng khoái tươi vui.
Nhạc chuông điện thoại vang lên từ trong túi áo, tôi rút ra.
"Alo? Như à."
Mãi không có lời hồi đáp, không lẽ cô còn giận?
"My..."
"Tôi đây."
"Ba tôi mất rồi."
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro