Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 2

Bọn họ mỗi người đều có phòng riêng các thứ. Cả hai đều vào khoảng bảy chục tuổi, hay hơn nữa. Họ cũng khoái nhiều thứ- dĩ nhiên là theo kiểu lẩn thẩn. Tôi biết nói thế là láo, nhưng quả tình tôi không có ý láo. Tôi chỉ có ý là tôi thường nghĩ về ông già Spencer khá nhiều, và nếu bạn nghĩ về ổng quá nhiều bạn sẽ tự hỏi không hiểu ông ta còn sống để làm gì? Nghĩa là ổng đã lụ khụ quá rồi, suy sụp quá rồi, và ổng lại có một dáng điệu thật khủng khiếp. Trong lớp, mỗi khi ổng làm rớt cục phấn thì một thằng nào đó ngồi hàng đầu luôn phải đứng lên nhặt rồi trao cho ổng. Theo tôi thì điều đó thật kinh khủng. Nhưng nếu bạn chỉ nghĩ về ông ta vừa phải thôi, chứ không quá nhiều, thì bạn có thể nghĩ rằng ông cũng chưa đến nỗi nào tệ lắm. Chẳng hạn có một ngày Chủ nhật khi tôi và vài thằng khác đến nhà ổng để uống sô cô la nóng, ổng cho chúng tôi xem cái chăn cũ Navajo* mà ổng và bà Spencer đã mua của một người Da đỏ nào đó ở công viên Yellowstone*. Bạn cũng biết ngay là mua được nó ổng khoái lắm. Nghĩa là tôi muốn nói thế đó. Bạn cho rằng ai đó, ông Spencer chẳng hạn, là già khú đế rồi, thế nhưng họ vẫn khoái vô cùng vì đã mua được một cái chăn cũ.

Cửa ông già mở sẵn, nhưng tôi vẫn gõ như thường, chỉ vì phép lịch sự này nọ. Tôi có thể thấy ông ta đang ngồi ở đâu. Ổng đang ngồi trong một cái ghế da, toàn thân gói trọn trong cái chăn mà tôi vừa nói với bạn. Ổng nhìn về phía tôi khi tôi gõ cửa. Ổng la: "Ai đó? Caulfield à? Vào đây" Ổng luôn luôn la lớn ngoài giờ học. Một đôi khi làm bạn tiên đầu.

Ngay khi bước vào, tôi đã mang máng hối hận vì đã đến. Ổng đang đọc tờ Nguyệt san Atlantic, và khắp nơi đều có thuốc viên, thuốc nước đủ loại, tất cả đều sặc mùi thuốc. Quang cảnh đó thật khá chán chường. Tôi không mê những người ốm lắm, nói thật với bạn. Còn chán hơn nữa, ông già Spencer luôn luôn mặc một cái áo tắm cũ rách rưới thê thảm cứ như mặc từ hồi lọt lòng mẹ. Tôi thì lại không thích thấy những ông già cứ nện bộ đồ ngủ và áo tắm suốt ngày. Những cái ngực già nua hom hem cứ lòi ra. Và những cặp đùi. Nhất là đùi mấy ông già ở bãi bể và nơi khác, luôn luôn trông trắng bệch và chẳng lông lá gì ráo. "Chào thầy!" tôi nói. "Tôi đã được mảnh giấy thầy gửi. Cảm ơn thầy." Ổng viết cho tôi mảnh giấy bảo hãy ghé lại từ biệt ổng trước khi mùa nghỉ đến, bởi vì tôi sẽ không trở lại. "Lẽ ra thầy không phải viết như thế. Tôi cũng định đến chào thầy đấy chứ."

"Ngồi đấy, mãnh[ông mãnh: chỉ đứa con trai láu lỉnh, tinh quái]," ông Spencer nói. Ổng muốn nói tôi ngồi trên giường.

Tôi ngồi. "Thưa bệnh cúm của thầy ra sao?"

"Ối giời, nếu tôi thấy khá hơn chút nào thì chắc đã phải mới bác sĩ rồi." Chuyện đó làm ổng khoái tợn. Ổng bắt đầu cười rũ như một người điên. Rồi ổng ngồi ngay lại nói: "Sao cậu không xuống xem trận đấu? Tôi tưởng trận hôm nay lớn lắm mà?"

"Trận lớn thật, tôi có đó. Nhưng tôi vừa ở New York về cùng với đội đấu kiếm," tôi nói. Ối giời, cái giường ông già cứng như cục đá.

Ổng bắt đầu trở nên nghiêm trọng như đưa ma. Tôi biết trước vậy rồi. "Cậu sắp từ giã đấy à?" ổng nói.

"Vâng, thưa thầy. Chắc thế."

Ổng bắt đầu gật gật cái cổ cụt. Suốt đời bạn không bao giờ thấy người nào gật đầu nhiều như ông già Spencer cả. Bạn không bao giờ biết được ổng gật nhiều là vì ổng suy nghĩ gì hay chỉ do cái tật già lẩm cẩm của ông.

"Ông hiệu trưởng đã nói gì với cậu hở Caulfield? Tôi chắc cậu đã nói chuyện với ổng chút xíu rồi chứ?"

"Vâng, chính thế. Chúng tôi có nói chuyện. Tôi ở trong phòng giấy của ông ta chừng hai tiếng đồng hồ."

"Ổng nói gì với cậu?"

"Ồ... Nói rằng đời này là một cuộc đen đỏ các thứ, và nói chúng ta phải tuân luật lệ của cuộc chơi như thế nào. Ổng cũng khá tử tế. Nghĩa là ổng không cáu tiết lên hay gì gì cả. Ổng chỉ nhắc đi nhắc lại về chuyện đời là ván bài... các thứ. Thầy biết mà."

"Đúng thế, đời quả là một cuộc bài, cậu Caulfield. Đời quả là một cuộc bài mà người ta phải chơi theo đúng luật chơi."

"Phải, thưa thầy. Tôi biết. Tôi biết."

Ván bài, láo toét!Cũng còn tùy chứ. Nếu bạn ở về phía những kẻ may mắn thì cho đời là một ván bài cũng được đi. Tôi công nhận. Nhưng nếu bạn ở phía kia, phía không có kẻ nào may mắn, thì có gì là ván bài đâu? Không ván bài gì ráo. Đời nào." Ông hiệu trưởng đã viết thư cho phụ huynh cậu chưa?" ông già Spencer hỏi.

"Ổng nói ổng sẽ viết thư cho cha mẹ tôi vào ngày thứ Hai."

"Còn cậu, cậu đã báo tin về nhà chưa?"

"Thưa thầy, không. Tôi không viết, bởi vì có lẽ tôi sẽ gặp cha mẹ tôi đêm thứ Tư tới, khi tôi về nhà."

" Và theo ý cậu, khi hay tin cha mẹ cậu sẽ thế nào?"

"Ồ... họ sẽ hơi nổi xung một chốc. Chắc chắn như vậy. Trường này là trường học tôi đổi lần thứ bốn." Tôi lắc đầu. Tôi cũng rất thường lắc đầu. "Ối giời," tôi nói. Tôi cũng rất thường kêu trời. Phần vì tôi xài khá nhiều ngôn từ dịch hạch và phần vì một đôi khi tôi xử sự khá trẻ con so với tuổi của tôi. Lúc ấy tôi 16 tuổi, bây giờ tôi 17, song đôi khi tôi cư xử như chỉ chừng 13 tuổi. Điều ấy khá mỉa mai, vì cao gần một mét chín và tóc hóa râm. Tôi nói thật đấy. Một bên đầu- bên phải- tóc tôi đầy những sợi bạc. Từ bé tôi đã có những sợi tóc ấy rồi. Tuy thế tôi cũng còn cư xử đôi như khi tuổi mới 12. Ai cũng bảo thế, nhất là cha tôi. Điều đó cũng có phần đúng, nhưng không đúng hoàn toàn. Thiên hạ lúc nào cũng nghĩ chuyện gì cũng đúng hoàn toàn. Tôi cũng không thèm chấp làm quái gì, chỉ trừ phi thỉnh thoảng họ làm tôi ngấy tai khi bảo tôi cư xử đúng tuổi tác. Đôi khi tôi xử sự già hơn tuổi tôi bộn bề- thật đấy- nhưng thiên hạ không để ý. Thiên hạ không bao giờ để ý đến cái gì cả.

Ông già Spencer lại bắt đầu gật gật. Ổng cũng khởi sự[bắt đầu] moi mũi. Ổng giả vờ như ổng chỉ sờ vào mui thôi, nhưng kỳ thực là ổng đang cho cả ngón tay cái lớn bự của ổng vào trong ấy. Tôi chắc ổng nghĩ không hề gì bởi chỉ có tôi trong phòng. Tôi cũng không chấp, ngoại trừ rằng tôi chúa tởm khi thấy người nào moi mũi.

Đoạn ổng nói: "Tôi đã hân hạnh gặp song thân của cậu lúc họ nói chuyện với ông Thurmer vài tuần trước. Họ thật là quý hóa[ rất tốt]."

"Vâng, chính thế! Họ rất tử tế."

Quý hóa. Đấy là một từ tôi chúa ghét. Bộ tịch. Mỗi khi nghe nó là tôi muốn nôn ngay.

Thình lình ông già Spencer làm vẻ mặt như có gì hay lắm, điều gì vô cùng mới mẻ để nói với tôi. Ổng ngồi thẳng người dậy và hơi quay mình. Nhưng không có gì cả, tôi chỉ lầm. Ổng chỉ nhấc tờ Nguyệt san Atlantic lên khỏi đùi, cố ném nó lên giường, bên cạnh tôi. Ổng ném không trúng. Cái giường cách ổng có năm tấc, nhưng ổng vẫn ném trật như thường. Tôi đứng dậy nhặt nó để lên giường. Bỗng chốc lúc ấy tôi muốn ra khỏi phòng hơn bất cứ cái gì. Tôi có thể cảm thấy trước rằng tôi sắp phải nghe một bài giảng đạo khủng khiếp. Tôi cũng đếch sợ nó, nhưng tôi không thích vừa nghe giảng vừa ngửi mùi thuốc bệnh lại vừa nhìn ông già Spencer mặc đồ ngủ và khoác áo tắm, tất cả thứ ấy cùng một lúc. Quả tình là tôi không thích.

Và ổng bắt đầu thật. "Cậu làm sao thế, ông mãnh?" Ổng nói. Ổng có vẻ hơi cứng rắn nữa , so với thường nhật. "Cậu thi bao nhiêu môn kỳ này?"

"Năm, thưa thầy."

"Năm môn. Và cậu hỏng bao nhiêu môn?"

"Bốn." Tôi hơi dịch đích một tí trên giường. Đấy là chiếc giường cứng nhất tôi từng gặp trên đời." Về Anh văn thì tôi không hề gì," tôi nói, "bởi tôi đã học Beowulf và Lord Randal Con Ơi các thứ hồi còn ở trường Whooton. Nghĩa là tôi không phải học gì ráo về môn đó, ngoại trừ thỉnh thoảng phải làm luận thôi."

Ông già không buồn chú ý nghe gì cả. Ông chả bao giờ chú ý nghe bạn khi bạn đang nói điều gì. "Tôi đánh rớt cậu về môn sử là vì cậu tuyệt đối không biết một tí gì."

"Tôi hiểu, thưa thầy. Ối giời. tôi hiểu điều ấy lắm. Thầy không thể làm khác hơn."

"Tuyệt đối không biết một tí gì," ổng nói lại. Đó là một điều làm tôi tức chết đi được. Lặp lại một cái gì tới hai lần như vậy, sau khi mình đã công nhận nó ngay lần đầu rồi. Rồi ổng nói câu ấy ba lần: "Tuyệt đối không biết một tí gì. Tôi cũng không tin rằng cậu có giở sách ra chỉ một lần trong suốt khóa học. Cậu có giở đến không? Nói thật đi ông mãnh!"

"Thưa, tôi có xem sơ qua vài lần," tôi nói. Tôi không muốn làm mếch lòng ổng. Ổng say mê môn sử đến phát điên đi được.

"Cậu có xem sơ qua à?" ổng nói, rất cay độc.

"Cái... ối giời, cái bài thi của cậu ở đằng kia kìa, trên tủ áo của tôi. Nó nằm trên hết chồng bài thi ấy. Cậu mang nó lại đây giùm tôi."

Đó là một trò chơi bỉ ổi, nhưng tôi cũng cứ đi lấy tờ giấy lại cho ổng. Tôi không thể làm cái quái gì khác. Rồi tôi lại ngồi xuống trên chiếc giường xi măng của ổng. Ối giời, bạn không thể tưởng tượng được tôi hối hận đến mức nào vì đã ghé lại từ biệt ổng đâu.

Ổng bắt đầu cầm tờ giấy thi của tôi giơ cao ngang mày. "Chúng ta học về những người Ai Cập từ mồng bốn tháng Mười một đến mồng hai tháng Chạp. Cậu đã chọn đề tài này để viết trong phần đề tự chọn. Cậu có muốn nghe tôi đọc cậu đã viết những gì không?"

"Thưa thầy, không muốn lắm," tôi nói.

Nhưng ông ta vẫn cứ đọc. Bạn không thể nào can nổi một ông thầy khi họ muốn làm cái gì. Họ cứ tự do làm.

Người Ai Cập là một chủng tộc cổ thuộc nòi Caucasian sống ở miền Bắc Phi châu. Như chúng ta đều biết, châu này là lục địa lớn nhất ở Đông bán cầu.

Tôi phải ngồi lắng nghe thứ cứt đái đó. Quả thật đây là một trò hết sức bỉ ổi.

Ngày nay chúng ta rất chú ý đến những người Ai Cập vì nhiều lý do. Khoa học hiện giờ vẫn còn muốn biết người Ai Cập đã dùng những chất bí mật gì khi họ gói tử thi để cho mặt người chết trải qua nhiều thế kỷ vẫn không rữa. Bài toán nan giải rất thú vị này vẫn hoàn toàn là một thử thách lớn lao đối với khoa học tối tận ở thế kỷ hai mươi.

Ông già ngừng đọc và đặt bài thi của tôi xuống. Tôi vắt đầu hơi ghét ổng. "Bài luận của cậu- cứ gọi thế đi- bài luận của cậu chấm dứt ở đấy." Ổng nói bằng một giọng chế giễu hết sức cay độc. Bạn không thể ngờ được một ông gài như thế vẫn có thể nói mỉa như thường. "Tuy nhiên, cậu có viết cho tôi vài dòng ở cuối trang giấy," ổng nói.

"Tôi biết tôi có viết," tôi nói. Tôi nói nhanh vì tôi muốn bảo ổng thôi đi trước khi ổng bắt đầu đọc lớn cái đó lên. Nhưng bạn không bao giờ bảo ổng thôi được. Ổng nóng nhưng pháo hoa.

"Thầy Spencer thân mến (Ổng đọc lớn). Đấy là tất cả những gì tôi biết về Ai Cập. Tôi không thể nào chú ý về những người ấy lắm mặc dù những bài giảng của thầy hết sức hay. Tôi cũng không sao cả nếu thầy đánh trượt tôi, bởi vì tôi trượt hết các môn khác chỉ trừ môn Anh văn. Kính chào thầy, Holden Caulfield."

Ổng để tờ giấy dịch hạch của tôi xuống rồi nhìn tôi như thể ổng vừa mới sát phạt tôi trong một trận bóng bàn hay gì đó. Tôi nghĩ chắc tôi không bao giờ tha thứ ổng được về sự ổng đã đọc lớn cho tôi nghe những thứ ấy. Tôi, tôi cũng không nỡ đọc cho ổng nghe như thế nếu ổng đã viết vậy- nhất định là tôi không lòng dạ nào. Trước tiên, tôi viết cái đoạn mắc dịch ấy chỉ vì để cho ổng khỏi quá ân hận vì đã đánh trược tôi.

"Cậu có trách tôi đã đánh rớt cậy hay không, ông mãnh?"

"Ôi thầy, không! Nhất định là không," tôi nói. Ối giời, sao ổng không thôi gọi tôi là "ông mãnh" đi!

Đọc xong ổng ném tờ giấy thi của tôi qua giường. Nhưng ổng ném trật, lẽ tất nhiên. Tôi lại phải đứng lên nhặt rồi để lên trên tờ Nguyệt san Atlantic. Thật chán thấy mồ, cứ hai phút lại như vậy một lần.

"Nếu ở vào địa vị tôi, cậu sẽ làm thế nào?" ổng nói. "Nói thật đi ông mãnh."

Ấy, bạn cũng thấy được ông già quả thực khá áy náy về việc đã đánh trược tôi. Bởi thế tôi phải ba hoa một hồi. Tôi nói với ổng nào tôi là một thằng ngu, nào tôi cũng sẽ làm y hệt nếu ở vào địa vị ổng, nào phần đông học trò không hiểu được nỗi khó khăn mệt nhọc cảu một thầy giáo. Đại để như thế. Nhưng câu sáo đặc.

Tuy nhiên, điều tức cười là tôi vẫn nghĩ đến một chuyện gì khác trong khi đang hót như sáo. Nhà tôi ở New York, và tôi đang nghĩ về cái hồ ở công viên trung tâm, gần đường Nam Công Viên. Tôi đang tự hỏi không biết khi tôi về nhà trời có đông giá không, và nếu có thì những con vịt biến đi đằng nào. Tôi đang thắc mắc không biết những con vịt sẽ đi về đâu, khi nước hồ đóng thành băng hết. Tôi tự hỏi có thằng cha nào mang cam nhông lại đem chúng đi đến một vường thú hay gì không? Hay chúng chỉ bay đi là xong.

Kể ra tôi cũng ma. Nghĩa là tôi có thể vừa hót như sáo với ông già Spencer lại vừa nghĩ về những con vịt ấy cùng một lúc. Tức cười thật. Bạn không cần suy nghĩ nhiều khi nói chuyện với một thầy giáo. Tuy nhiên, bỗng chốc ông ta ngắt lời tôi trong khi tôi đang hót. Ổng luôn luôn ngắt lời.

"Cậu có cảm tưởng thế nào về tất cả các chuyện đó, ông mãnh? Tôi muốn biết lắm, rất muốn."

"Thầy muốn nòi về chuyện toi bị đuổi các thứ ạ?" tôi nói. Tôi thầm ước gì ổng che cái lồng ngực của ổng đi một chút. Nó không đẹp mắt tí nào.

"Nếu tôi không lầm, tôi tưởng rằng cậu cũng đã hơi vất vả ở trường Whootom và trường Elkton Hills?"

Ổng nói thế, không những mai mỉa mà còn có vẻ khả ố[đáng ghét] là đằng khác.

"Tôi không vất vả lắm ở Elkton Hills," tôi nói. "Tôi không bị đuổi hay gì hết. Tôi chỉ học thôi, gần như thế."

"Tại sao? Tôi có thể biết được không?"

"Tại sao, ồ! Chuyện ấy dài lắm, thưa thầy. Nghĩa là hơi rắc rối." Tôi không muốn đi vào toàn bộ câu chuyện với ổng. Vả lại ổng cũng không hiểu nổi. Không thuộc tầm hiểu biết của ổng. Một trong những lý do lớn nhất vì sao tôi rời trường Elkton Hills là vì, ở đấy xung quanh tôi chỉ toàn tụi bộ tịch. Đấy, lý do là thế đấy. Chẳng hạn ông già hiệu trưởng, ông Haas, đấy là thằng cha bộ tịch nhất tôi từng gặp trong đời. Còn bộ tịch gấp mười già Thurmer. Vào những ngày Chủ nhật chẳng hạn, lão Haas đi bắt tay phụ huynh của từng đứa khi họ lái xe đến trường. Lão ngọt như mái lùi. Trừ phi có thằng nào có phụ huynh quê mùa, ngớ ngẩn. Bạn phải thấy cách ổng đối đãi với cha mẹ thằng bạn cùng phòng với tôi. Nghĩa là nếu mẹ thằng nào hơi quá mập hay thật thà cục mịch[dáng người thô kệch, nặng nề] chẳng hạn, hay nếu cha thằng nào thắng bộ đồ vai rộng thùng thình và mang giày tồi tàn quê kệch chẳng hạn, thì ông già Haas sẽ chỉ bắt tay mà thôi và cười một nụ cười rất là bộ tịch rồi đến nói chuyện có đến nửa giờ với phụ huynh một thằng khác. Tôi không chịu nổi kiểu đó. Nó làm tôi cáu tiết. Nó làm tôi chán điên đi được. Tôi ghét cái trường dịch hạch Elkton Hills ấy.

Ông già Spencer lúc ấy hỏi tôi một điều gì đó, nhưng tôi không nghe. Tôi đang nghĩ về lão Haas. "Cái gì thầy?" tôi nói.

"Cậu có băn khoăn gì cụ thể vì phải rời Pencey không?"

"Ồ... cũng có. Chắc vậy. Nhưng không nhiều lắm. Dù gì cũng chưa. Tôi chắc chuyện đó chưa thấm vào người tôi. Phải hơi lâu một chút mới thấm vào người tôi được, cái gì cũng vậy. Bây giờ tôi chỉ nghĩ tới việc đi về nhà thứ Tư này. Tôi quả là một thằng ngu ngốc."

"Cậu tuyệt đối không quan tâm gì đến tương lai của cậu sao, ông mãnh?"

"Ồ, tôi cũng lo tương lai đấy chứ. Dĩ nhiên, tôi lo chứ." Tôi nghĩ gì về điều đó giây lát. "Nhưng không lo lắm, chắc thế. Chắc không lo lắm."

"Nhất định cậu sẽ lo," ông già nói," cậu sẽ lo, khi đã quá muộn."

Tôi không ưa nghe ổng nói vậy. Nó làm cho tôi có cảm tưởng tôi đã chết hay sao ấy. Rất đáng chán.

"Tôi chắc tôi sẽ lo," tôi nói.

"Tôi muốn nhét một ít lương tri vào cái đầu của cậu, ông mãnh. Tôi đang cố giúp cậu. Tôi cố giúp cậu nếu tôi có thể giúp được."

Ổng cũng đang cố gắng thật đấy. Nhưng cũng thấy rõ. Nhưng chỉ có điều tôi và ổng cách nhau quá xa vời đấy thôi.

"Tôi biết thầy cố lắm," tôi nói. "Cảm ơn thầy nhiều, thật đấy. Tôi cảm ơn thầy. Tôi rất cảm ơn."

Khi ấy tôi đứng dậy khỏi giường. Ối chào, có chết tôi cũng không thể nào ngồi thêm mười phút nữa." có điều là tôi phải đi ngay bây giờ. Tôi có ít đồ đạc để ở nhà thể thao và tôi phải đến lấy về. Thật đấy." Ổng nhìn lên tôi và lại gật gật, vẻ mặt rất nghiêm trang. Bỗng chốc tôi thấy thương hại ông già đáo để. Nhưng có điều là tôi không thể nào chần chừ ở đấy lâu hơn nữa, vì cái diệu tôi và ổng cách nhau trời vực như thế, và cái điệu ổng cứ ném trật mỗi lần ổng ném vật gì sang giường như thế, và cái điệu ổng mặc chiếc áo tấm thảm hại hở ngực như thế, rồi thì mùi thuốc cứ xông lên khắp nơi như thế. Tôi nói: "Ồ, thầy đừng lo cho tôi quá. Tôi nói thật đấy. Tôi không sao cả. Tôi chỉ đang trải qua một giai đoạn hơi oải đấy thôi. Ai cũng qua những giai đoạn này khác, có phải thế không?"

"Tôi không biết ông mãnh. Tôi không biết."

Tôi chúa ghét khi nghe ai trả lời kiểu đó." Chắc hẳn như vậy, họ đều phải trải qua những giai đoạn này khác," tôi nói. "Tôi nói thật đấy, thầy. Xin thầy đừng lo cho tôi quá," tôi đặt sẽ bàn tay lên vai ổng." Thầy nhá?" tôi nói.

"Cậu có muốn uống một cốc sô cô la nóng rồi đi không? Bà Spencer sẽ..."

"Ồ tôi thích lắm. Nhưng có điều là tôi phải đi ngay. Tôi đi đến nhà thể thao ngay. Cảm ơn thầy. Rất cảm ơn thầy."

Đoạn chúng tôi bắt tay các thứ. Dù sao tôi cũng buồn chết đi được.

"Tôi sẽ viết cho thầy vài dòng. Thôi nào, thầy ráng thuốc men đi cho chóng khỏi."

"Chúc cậu đi đường bình an, ông mãnh."

Sau khi tôi đã đóng cửa và ra đến phòng khách ổng còn la lớn theo câu gì đó, nhưng tôi không nghe rõ. Tôi chắc ổng la "Chúc may mắn". Tôi mong ổng không chúc cái câu khốn kiếp ấy. Tôi thì tôi không bao giờ la lên" Chúc may mắn!" với người nào cả. Nghe khủng khiếp tợn, cứ nghĩ mà xem. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro