10:Zone 14 của Stamford Bridge.
Tôi đến Stamford Bridge thật, vào mùa thu năm ấy.
Bố chuyển công tác từ Barcelona sang London, ông cũng đắn đo mãi chuyện có đưa mẹ con tôi đến đây không. Đến khi nhận được căn hộ mà công ty cung cấp, ông dứt khoát bắt mẹ con tôi đi làm giấy tờ passport đủ loại.
Căn hộ tôi ở nằm ở tầng hai mươi, nhìn thẳng ra sông Thames. Trong toà nhà này, dưới tầng hai có một triển lãm tư nhân rất tấp nập người ra vô, còn có hoạt động vẽ tranh hàng tuần, đó cũng là lý do bố đưa mẹ con tôi đến.
"Hoá ra bố sống sướng vậy à?"
Tôi nhìn phòng ngủ đã biến từ tầng trệt, cửa sổ sát đất mà Sky hay nhảy vào đã đổi thành phòng ngủ cửa sổ kính rộng rãi hướng về sông Thames. Giờ em mà muốn nhảy, chắc chỉ có nhảy dù.
"Không. Giữa Barcelona không có sông." Bố đáp.
Mẹ tôi "À" một tiếng rồi vui vẻ tung tăng đi xếp đồ.
Tôi không có tiệc chia tay, mọi chuyện diễn ra trong âm thầm lặng lẽ. Lúc máy bay chuẩn bị cất cánh, tôi nhắn tin vào nhóm chung: "Anh đi xem Chelsea đá đây, vé mùa, còn mua hẳn 2 mùa giải liên tục!"
Xong thì tháo sim, tắt điện thoại.
Em không nhắn tin cho tôi trên instagram, em chọn bỏ theo dõi rồi chặn tôi khỏi danh sách người theo dõi em. Tôi cũng lấy làm buồn cười, vừa buồn cười vừa có lỗi vì không biết đối xử với em sao cho đúng. Tôi mà bù lu bù loa chạy tới ôm chân em bảo "em cản anh đi, anh không muốn đi xem Chelsea đá đâu, anh thích vẽ tranh ở căn nhà bình thường của anh ở Thái Lan" thì cũng không được. Nếu không bù lu bù loa chạy đến trước mặt em, à thôi, tôi là đứa kiểu gì cũng sẽ khóc.
Tôi đi trong dứt khoát vì hai dòng tin nhắn thôi. Hai dòng tin nhắn có mình tôi biết.
Chuyện Somi nhắn tin tôi không kể lại với ai, vừa buồn vừa bối rối vì biết chuyện tôi vẽ em đã trở nên kì cục, tôi chỉ nhắn: "Xin lỗi, deadline gấp quá anh lại không biết vẽ gì."
Chuyện Dew nhắn tin tôi cũng không kể lại, tôi chỉ hỏi Dew menu của nhà hàng 3 sao Michelin kia. Em gửi cho tôi một tấm hình, tôi cảm thán: Đắt.
Dew (Cùng khoa): "Đương nhiên là đắt. Anh nghĩ mẹ em nấu xe em từ cái gì."
Nani: "Thôi được rồi, giờ anh đã biết xe cổ đắt hơn xe sang, radio cũ đắt hơn màn hình cảm ứng rồi."
Nani: "Thôi coi như anh cũng đắt giá.'
Dew (Cùng khoa): "Vâng, cỡ 5 triệu bath. Bao luôn phí trang trí theo ý muốn của Sky."
Tôi xem nhưng không trả lời.
Tôi đi vào mùa thu để kịp nhập học vào học viện mỹ thuật. Học viện bố đã dày công tìm kiếm, một trong số những nơi hiếm hoi chấp nhận kết quả bảo lưu từ Thái Lan mang sang để không phí hoài hai năm tôi ở Thái.
Học viện Swan không lớn, cũng không nhỏ. Khoá của chúng tôi có gần một trăm người đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau. Giáo sư đứng đầu viện là một người phụ nữ trung niên, bà có một cái tên rất hay: Meliora.
Tôi không quá bỡ ngỡ với ngày lễ nhập học. May mắn rằng tôi có một người bố phải ở nước ngoài suốt, tôi được cho học Tiếng Anh đầy đủ. Những bạn học ở đây cũng hoà đồng vui vẻ, tôi thật sự không có vấn đề gì.
Vấn đề duy nhất: Tôi nhớ em lắm.
Cái lắc tay Barcelona vô chủ được tôi chuyển thành móc chìa khoá. Đi đâu cũng phải mang theo, tuy nó vô chủ, nhưng tôi khi nào cũng liên tưởng tới một người khi nhìn thấy.
Tôi muốn xem Sky đang làm gì, lại nhớ ra mình đã tháo sim Thái Lan quăng đi rồi. Sim tôi xài giờ là sim của Anh, không gọi được. Muốn vào mạng xã hội, lại nhận ra mình bị chặn rồi, tôi nhờ một người bạn trong lớp tìm thử.
Bài đăng gần nhất, Sky đăng một cái bàn. Cái bàn tôi đã thấy trong tờ menu Satang gửi. Tôi đến buồn cười, em mang tôi đi bán, bán rồi đi ăn, ăn xong còn đăng lên mạng. Tôi cảm ơn bạn học, từ đó cũng không vào xem thêm dù có nhớ em thế nào.
Sau này Sky mới nói với tôi một chuyện: Em đổi bức tranh lấy một bữa ăn miễn phí vào sinh nhật em. Em muốn dắt tôi đi ăn, bù lại cái nhà hàng beefsteak cổ điển mà em trả không nổi một bữa thôi. Tôi đáp: Em đầy tiền.
Em cười cười, bảo: "Em đầy tiền, nhưng tiền của bố mẹ. Em không tiêu tiền của người khác cho người em thích."
"Anh tiêu suốt. Mua bông băng thuốc đỏ, mua vòng tay Barcelona, mua vé máy bay từ Anh về Thái, mua vé bay lại từ Thái sang Anh, mua cả vé triển lãm của hoạ sĩ trẻ Sky Wongravee."
"Kệ anh, em khác."
"Anh hối hận ghê." Tôi nói.
Đó là chuyện của rất lâu sau này, hình như là sau cả khi tôi dùng hết vé mùa của Chelsea. Còn tôi của mùa thu năm ấy, lại đem em người yêu quen mỗi gối ra gặp mỗi đêm. Nước mắt thấm tới lớp thứ bao nhiêu không nhớ, sang tuần sau gối trắng mốc meo bị mẹ chửi hết ngày.
Tôi bắt xe tới Stamford Bridge vào một ngày đẹp trời sau khi ở học viện về. Hôm ấy có một trận giao hữu. Tôi mua một chai nước, một bịch bỏng, mua cái mũ có logo rồi bỗng nhớ một logo khác, lững thững vào xem trận đấu. Tôi xem cả trận mà không có cảm giác gì. Xem xong tôi mới nhận ra, tôi chỉ mải mê phân tích bóng banh nếu Sky đá thôi.
Lúc bước ra khỏi Stamford Bridge, tôi bỗng muốn nhắn một tin:
"Zone 14 của Chelsea không tan hoang nữa, có cõi lòng anh thôi."
Cái tin nhắn vô chủ y như cái móc khoá của tôi vậy.
Tôi lại về nhà, căn nhà đẹp như trong bao giấc mộng. Có thang máy rộng rãi, có cửa sổ nhìn ra sông Thames, hoàng hôn còn chiếu thẳng vào phòng rất lãng mạn. Gì cũng có, mỗi em là không.
Sang hết mùa Đông, tôi cũng chấp nhận tôi đã xa khoa mỹ thuật ồn ào, đi cắm trại quên mang đèn kia rồi.
Mùa xuân thứ nhất, tôi lần đầu có người xin số điện thoại. Cậu bạn cùng tôi làm bài tập tranh phong cảnh ở Swan đã xin số tôi. Tôi cũng cho, bởi lý do cậu ấy đem ra là vì chúng tôi cần hợp tác để nhanh tốt nghiệp. Tối đến, cậu ấy nhắn tin cho tôi.
Finn (Cùng lớp): "Mai đi ăn với tôi không, nhà hàng St.192 ở cạnh học viện."
Daniel: "Có cảnh gì đâu mà vẽ."
Finn (Cùng lớp): "Đúng rồi. Tôi có nhắc gì đến chuyện vẽ đâu."
Daniel: "À".
Daniel: "Okay."
Lý do to hơn mục đích là như thế này đấy nhỉ?
Hôm sau, tôi cũng ăn diện rồi đi tới nhà hàng St.192 gì đó. Tôi ở Anh tính ra cũng được gần nửa năm rồi, nhưng chỉ ở nhà ăn cùng bố mẹ. Bố về mỗi ngày, tôi cũng thoát cảnh ăn mì tôm. Tôi cũng không có nhiều bạn, toàn là mối quan hệ xã giao. Học viện ở đây khác trường đại học, không có các môn đại cương, không có những lý thuyết nhỏ nhặt, chúng tôi mỗi môn đều sẽ đi thẳng vào thực hành.
"Lý thuyết chỉ là lý thuyết. Vẽ bằng tay, cảm nhận bằng tim. Hoạ sĩ vẽ tranh dựa trên cách họ cảm nhận cuộc sống, vẽ qua lăng kính riêng biệt, không có lý thuyết gì cả." Giáo sư Meliora đã nói thế.
Đa số, các bài vẽ đều cá nhân. Đây cũng là lần đầu tôi biết chuyện phải hợp tác với ai đó trong bức tranh của mình.
Finn đợi tôi ở cổng nhà hàng, cậu ấy là người Anh chính gốc, dáng dấp cao to vừa nhìn là thấy. Có một điều rất buồn cười, cậu ấy cũng là fan Chelsea.
"Bóng đá thì không liên quan tới mỹ thuật, nhỉ?"
Câu đầu tiên tôi hỏi sau khi ngồi xuống bàn.
Finn gật đầu.
"Thế mà tôi toàn gặp những người đang chìm đắm trong mỹ thuật lại lo bóng banh thôi."
Finn cắt một miếng beefsteak cho tôi, đặt vào dĩa, đáp: "Gặp toàn đàn ông chứ gì? Đàn ông ai chả xem bóng đá."
"Nhưng mà dạo này tôi thấy nó liên quan rồi."
Dạo này, là dạo mà tôi đã đi xem đều đặn mấy trận đấu mùa xuân của Chelsea.
"Hả?" Finn trợn tròn mắt.
"Ừ, tin được không? Để tôi nói cho cậu nghe. Hôm trước tôi đi coi trận Chelsea với Brighton, Enzo sút một quả đẹp lắm, mà việt vị mất."
"Thì liên quan gì đến mỹ thuật."
"Có, trong mỹ thuật cũng có việt vị, y chang việc cậu ghi bàn đẹp mà không được công nhận, vẽ tranh đẹp cũng có lúc không có ích gì."
"Vẽ cái gì mà lại thế?"
"Vẽ người có bồ."
Tôi nói xong rồi lại cắm đầu ăn, Finn bày ra vẻ mặt rất hỏi chấm, tôi cũng lười không giải thích gì thêm. Sau này, tôi còn tìm được mối liên hệ khác giữa mỹ thuật và bóng đá: Penalty.
"Xời, vẽ tranh cũng có lúc như đá penalty vậy."
"Lại nói vớ vẫn." Sky gõ đầu tôi.
"Thật mà. Có lúc vẽ tranh cũng y như penalty. Penalty sút vào thì thường, không vào thì thôi, coi như chết. Vẽ tranh cũng vậy á, có lúc vẽ đẹp thì thường, không vẽ thì chết." Tôi thao thao nói.
"Anh vẽ cái gì mà thế?"
"Vẽ bồ anh. Anh vẽ đẹp vậy người ta cũng không thèm để tâm, anh không vẽ thì người ta giận anh đến chết."
Đó là sau khi Sky tới thăm triển lãm của tôi, nhìn thấy bức tranh chân dung giờ đã đổi mẫu. Em còn không biết tôi vẽ mẹ tôi ngày trẻ, chưa gì đã bỏ về.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro