Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Phần 2: Vở đầu của bi kịch: 1. Lễ đính hôn

Phần 2

VỞ ĐẦU CỦA BI KỊCH

1. LỄ ĐÍNH HÔN

Như vậy là trong sáu tuần lễ tình hình chuyển dần theo chiều hướng khác hẳn. Như Raoul d' Avemy có linh tính từ đầu, hai bi kịch khác nhau xen lẫn vào nhau, hai con đường giao nhau ở một điểm chỉ do tình cờ. Một hôm, về phần mình, Raoul d' Avemy theo dõi một người mang những tập tiền, đến Vésinet và mua một biệt thự, dự định lấy trộm số tiền để bù vào tiền mua nhà và chi phí chuyển chỗ ở. Những hoạt động này tiến hành cùng lúc với Barthélemy và con trai, đang chuẩn bị tống tiền Raoul và lấy trộm những tập tiền cất giấu trong biệt thự Orangerie.

Cùng ngày ấy - và đây là điểm giao nhau giữa những con đường - một bi kịch hoàn toàn riêng biệt đang trên đường thực hiện, đưa Elisabeth Gaverel đến trước biệt thự Orangerie trong lúc Barthélemy vừa lấy trộm xong. Từ đó tất cả lẫn lộn vào nhau trong mối phức tạp của những bí ẩn.

"Ngày hôm nay, Raoul d' Avemy tự nhủ, những cái đó thật đơn giản và rõ ràng, ít nhất là đối với mình. Hai sự việc hoàn toàn biệt lập. Việc thứ hai (vụ Barthélemy tống tiền) đã giải quyết xong do cái chết của Barthélemy và Simon, do Thomas Le Bouc bị bắt và Faustine thú nhận. Việc đầu (vụ hai chị em Gaverel) vẫn còn tiếp tục chưa có một giải pháp hữu hiệu. Còn lại vấn đề Félicien mà hành động có vẻ dính líu từ việc này sang việc khác".

Anh suy tư lặp lại:

- Còn lại Félicien, đối tượng và điều kiện cần thiết của vụ tống tiền mà những kẻ tổ chức đã bị loại bỏ... nhân vật khả nghi, có vẻ lo lắng, bề ngoài lạnh lùng, thờ ơ mà những diễn biến của vụ Barthélemy để lại bí ẩn và mình chỉ có cơ may lột mặt nạ nếu gỡ rối được bi kịch của hai chị em Gaverel. Anh ta làm gì trong đó ? Anh ta là ai ? Người ta không tự sát mà không có lý do gì. Ở anh ta phải có điều gì đó khá mạnh để làm đảo lộn và đưa anh đến bờ cái chết ? Anh ta là ai ? Và muốn gì ở mình ?

Bây giờ mỗi lần vào thăm, anh xoi mói nhìn chàng trai ! Anh nóng vội muốn hỏi chuyện ! Cơn sốt lui rồi, Faustine đã thôi băng bó. Nhưng Félicien vẫn mỏi mệt như nguyên nhân dự định tự sát làm anh đau đớn mãi.

Một buổi sáng, Faustine vẫn ngủ trong xưởng vẽ, gọi Raoul ra nói riêng.

- Đêm rồi có người vào gặp anh ấy.

- Ai thế ?

- Tôi không rõ. Nghe tiếng động, tôi muốn vào nhưng cửa khoá. Họ thì thầm lâu với nhau, rồi người kia ra đi mà tôi không thể bắt gặp.

- Vậy là cô không có một dữ kiện nào ?

- Không.

- Thật đáng tiếc !

Dù sao những ngày sau đó Raoul nhận thấy kết quả của cuộc nói chuyện ban đêm ấy: Félicien không như trước nữa. Khuôn mặt bỗng có sắc thái mới. Anh cười, nói chuyện với Faustine, thậm chí muốn vẽ ảnh nàng và dự định làm việc trở lại.

Raoul không chần chừ nữa. Ba ngày sau, trong căn nhà chàng trai đang nghỉ, anh vào ngồi gần anh ta và bắt đầu:

- Tôi rất hài lòng thấy anh đã bình phục, Félicien, và hy vọng giữa chúng ta quan hệ vẫn tiếp tục như trước đây. Nhưng để mối quan hệ ấy thân mật hơn, chúng ta phải thẳng thắn nói chuyện với nhau. Thế này: quyết định của ông Rousselain để anh được miễn tố dựa vào những sự việc ông ta đã điều tra. Nhưng có những sự việc khác liên quan đặc biệt hơn đến anh và tôi.

Và anh hỏi, giọng dịu dàng thân mật hơn:

- Tại sao anh không nói với tôi, Félicien, anh được nuôi dưỡng ở một trang trại, do một bà nông dân phúc hậu ở Poitou ?

Chàng trai đỏ mặt lẩm bẩm:

- Người ta không dễ dàng thú nhận mình là một đứa con bị bỏ rơi...

- Nhưng... trước đó ?...

- Tôi không có một kỷ niệm gì. Mẹ nuôi tôi, người thực sự là mẹ tôi, đã chết mà không nói gì với tôi. Nhiều nhất là bà để lại cho tôi một số tiền mà một bà đã giao lại... Bà ấy hình như không phải mẹ tôi.

- Anh có nhớ, những năm sau này, một người đàn ông đến ở trong trang trại ?

- Có... một người bạn... một người bà con, tôi nghĩ thế...

- Ông ấy tên gì ?

- Tôi không bao giờ biết đúng tên, ít nhất cũng không nhớ.

- Ông ta là Barthélemy - Raoul khẳng định.

Félicien giật mình.

- Barthélemy ?... tên trộm ?... tên sát nhân ư ?...

- Đúng, bố của Simon Lorient. Từ lúc đó người ấy luôn theo dõi anh. Hắn biết anh làm gì ở Paris và mọi địa chỉ của anh. Cuối cùng chính hắn giới thiệu anh đến với tôi qua một người bạn của tôi.

Félicien có vẻ sợ hãi. Raoul không rời mắt khỏi anh, chú ý đến mọi cử chỉ và phản ứng, theo dõi những dấu hiệu nhỏ nhất.

- Tại sao ? - Chàng trai nói - Mục đích của ông ta là gì ?

- Tôi không rõ. Chắc chắn Barthélemy đưa anh vào đây với ý đồ nào đó và con trai ông ta, Simon Lorient đến để giúp anh thực hiện kế hoạch chống lại tôi. Nhưng ý đồ gì ? kế hoạch ra sao ? Tôi chưa phát hiện ra. Simon Lorient không ám chỉ gì với anh về việc đó à ?

- Không... Tôi chẳng hiểu gì về tất cả những việc đó.

- Tuy thế, riêng về anh, có định chỉ đến để làm việc trong nhà này không ?

- Tôi còn làm việc gì khác ở đây nữa ? - Félicien hỏi lại.

Raoul phấn khởi. Félicien đã nói thật. Anh không phải

đồng mưu trong vụ tống tiền và nếu có biết được gì anh cũng chẳng nói.

- Vấn đề khác, Félicien: Thomas Le Bouc tự kết tội mình, đúng không ? Là kẻ người ta thấy trên thuyền tối hôm xảy ra vụ giết người cướp của. Điều thú nhận ấy không làm anh ngạc nhiên ư ?

- Tại sao tôi phải ngạc nhiên - Félicien nói - vì chẳng phải tôi ? Vào giờ ấy tôi đã ngủ.

Lần này giọng nói không như trước. Ánh mắt lẩn tránh, không trung thực. Đôi gò má ửng hồng.

"Anh ta nói dối, Raoul nghĩ, và nếu nói dối điều này thì phần còn lại anh ta cũng nói dối".

Anh bước ngang dọc căn phòng, dẫm mạnh chân. Chàng trai rõ ràng đã dối trá. Một kẻ lừa bịp. Một ngày nào đó hắn sẽ đòi quyền lợi của đứa con trai và đe doạ như đồng bọn. Không kìm được nóng nảy, Raoul bước ra cửa. Félicien lên tiếng, giọng lo lắng:

- Thưa ông, ông không tin tôi... Tôi thấy rõ như vậy... Đối với ông tôi vẫn là kẻ đến tìm chiếc túi bạc bị lấy trộm và có lẽ đã đánh bị thương, giết chết đồng bọn Simon Lorient. Trong tình trạng ấy tôi đi khỏi đây là hơn.

- Không - Raoul tàn nhẫn nói - Trái lại tôi đề nghị anh ở lại cho đến khi giữa chúng ta có một sự thật không chối cãi được... Về mặt này hoặc mặt khác.

- Sự thật ấy đã được quan dự thẩm nêu lên.

Raoul kêu lên mãnh liệt:

- Quyết định của ông Rousselain không có ý nghĩa gì. Chỉ do những lời khai không đúng của Thomas Le Bouc mà tôi tìm được và cho tiền để anh ta nhận tội. Vai trò của anh từ đầu vẫn không giải thích được. Chưa một lúc nào tôi cảm thấy anh thành thực hoặc phản ứng đúng như bản chất con người. Những hành động nghiêm trọng nhất, dữ dội nhất anh giấu trong bóng tối. Ví dụ việc tự sát của anh chẳng hạn. Anh trở lại đây để từ biệt tôi, đúng không ? Và giải thích với tôi. Thế mà tôi thấy anh gần như hấp hối, súng ngắn cầm tay. Tại sao vậy ?

Félicien không trả lời càng làm Raoul điên tiết.

- Im lặng... luôn luôn im lặng... hay là những quanh co, lẩn tránh như đối với dự thẩm. Anh trả lời đi chứ ! Điều xa cách chúng ta là bức tường im lặng và dè chừng anh dựng lên giữa chúng ta. Anh hãy vứt những cái đó đi nếu muốn tôi tin anh ! Nếu không thì sao ? Tôi sẽ tìm tòi, nghi ngờ, giả thiết, tưởng tượng và nếu không đúng lỗi sẽ kết tội sai cho anh. Phải chăng anh muốn thế ?

Anh cầm lấy cánh tay chàng trai.

- Ở tuổi anh người ta giết nhau vì tình. Tôi đã làm một cuộc điều tra về thì giờ của anh, ngày anh định tự sát. Anh theo dõi từ xa Rolande Gaverel và Férôme Helmas, thấy họ ra ngoài, đi về phía hồ. Họ ngồi trên một chiếc ghế dài ở đảo. Anh đã thấy... Điều tôi thấy là họ có một tình cảm thân mật không ngờ. Anh hỏi người trông vườn có vẻ như không biết họ cùng ngồi với nhau hàng ngày như vậy. Một giờ sau đó anh cầm súng bắn vào mình. Đúng thế không ?

Mặt nhăn lại, Félicien lắng nghe. Raoul nói:

- Tôi tiếp tục. Rolande Gaverel không biết do đâu biết việc anh tự sát. Hoảng hốt, ban đêm cô ấy đến gặp anh khẩn cầu anh đừng chết và khẳng định những nghi ngờ của anh là không đúng. Những lời giải thích của cô ta đã thuyết phục được anh đến mức từ đêm đó anh cảm thấy sung sưứng và khỏi bệnh. Đúng thế chứ ?

Lần này hình như chàng trai không thể và không muốn thoái thác trước những câu hỏi gấp gáp như thế. Anh vẫn ngần ngại, ít nhất trong cách trả lời:

- Thưa ông, tôi chưa gặp lại Rolande Gaverel từ hôm xảy ra bi kịch và người đến gặp tôi đêm ấy không phải cô. Quan hệ bạn bè của tôi với Rolande không cho phép cô làm điều ấy. Hơn nữa cô đã có quyết định và báo tin cho tôi qua một người đầy tớ mang thư tới.

Bức thư ấy, Félicien đưa cho Raoul. Anh đọc và càng thêm ngạc nhiên:

Félicien,

Nỗi đau khổ đã gắn bó Férôme Helmas và tôi. Cùng khóc nhiều về Elisabeth khốn khổ, chúng tôi cảm thấy không có niềm an ủi nào khác phải luôn bên nhau trung thành với kỷ niệm về chị ấy. Tôi có cảm giác sâu sắc chính chị ấy làm cho chúng tôi gần lại với nhau và đề nghị xây dựng một tổ ấm ngay tại nơi chị ấy đã hạnh phúc và mơ ước được hạnh phúc hơn.

Tôi chưa biết lúc nào chúng tôi cưới nhau. Có cần nói với anh bao nhiêu vấn đề giữ tôi lại, rằng tôi sợ mình lầm lẫn và cho đến phút cuối nỗi sợ hãi đó làm tôi đắn đo ? Nhưng làm sao sống được bây giờ ? Tôi không đủ sức chịu đựng nỗi lẻ loi. Anh là người biết rõ chị ấy, Félicien, ngày mai anh hãy tới Clématites và nói với tôi rằng chính chị ấy chấp nhận. Rolande.

Raoul lẩm nhẩm đọc lại bức thư và thong thả gằn giọng:

- Cuộc phiêu lưu buồn cười thật ! Cô gái trẻ này có một cách trung thành với cô chị ! Félicien, hãy đến gặp và nâng đỡ cô ấy. Công việc ở đây không vội và anh cần mấy ngày nghỉ ngơi.

Sau một lúc suy nghĩ, anh cúi xuống nói với chàng trai:

- Tuy vậy không thể giấu anh một ý nghĩ: Sự thoả thuận

hứa hôn giữa hai người.

- Dĩ nhiên - Félicien ngạc nhiên nói - họ phải thoả thuận với nhau.

- Đúng, nhưng việc đó có trước đây không ?

- Trước đây ? Vào lúc nào ?

Từng tiếng một, Raoul buông ra câu ghê gớm này:

- Khi Elisabeth Gaverel còn sống.

- Có nghĩa là gì ?

- Có nghĩa là mưu mô giết Elisabeth Gaverel trước ngày cưới hai tháng rất lạ lùng.

Félicien có một cử chỉ rất bực kêu lên:

- À ! Thưa ông, giả thuyết của ông không thể có ! Tôi biết rõ cả hai cô, tôi biết tình thương yêu của Rolande đối với cô chị. Không, không, người ta không có quyền quy cho cô ấy một sự ô nhục như vậy.

- Tôi không quy tội. Tôi nêu lên một vấn đề người ta không thể không đặt ra.

- Tại sao không thể ?

- Vì bức thư này, Félicien. Trong những dòng chữ này có sự vô lương tâm đến thế !...

- Rolande là một người trung thực, cao quý.

- Rolande là một phụ nữ... một phụ nữ đáng yêu.

- Tôi chắc chắn cô ấy không quên.

- Không, nhưng cô ấy xây dựng gia đình trong những điều kiện không thể bất lợi cho cô - Raoul nói đùa.

Félicien đứng dậy, nghiêm trang:

- Xin ông đừng nói hơn nữa, thưa ông. Rolande ở trên mọi sự nghi ngờ...

Raoul đưa trả lại bức thư và đi mấy bước trên thảm cỏ. Anh có cảm giác với sự kiên trì người ta có thể len vào bản chất âm u kín đáo này và anh phân biệt được lúc nổi nóng, phản ứng; anh sắp gặng thêm thì nghe cổng mở.

- Mẹ kiếp - Anh lẩm nhẩm - Chánh thanh tra Goussot. Con chim báo điềm gở này mang điều gì đến cho chúng ta đây ?

Ông thanh tra tiến đến bồn cây chỗ hai người đứng, bắt tay Raoul. Anh vừa nói vừa cười:

- Thế nào ? Chúng tôi chưa xong việc với ông ư, thưa ông thanh tra ?

- Rồi chứ, rồi chứ - Goussot cãi lại với giọng đùa cợt không quen dùng - Chỉ có điều khi luật pháp cãi nhau với ai đó, dù sao vẫn giữ cho mình một quyền...

- Giám sát.

- Không, một quyền lưu ý thân thiện. Vì vậy, tiếp tục điều tra, tôi đến nắm tin tức người bệnh của chúng ta.

- Félicien Charles hoàn toàn khoẻ mạnh, đúng không, Félicien ?

- Càng hay! Càng hay ! - Goussot nói - Có tiếng đồn trong vùng nghe tiếng nổ, tự sát v.v... về điều này chúng tôi cũng nhận được một bức thư nặc danh, đánh máy. Tóm lại, những chuyện lăng nhăng tôi không tin chút nào. Một người vô tội đã được công bố sẽ không tự giết mình.

- Chắc chắn không.

- Ít nhất nếu anh ta không vô tội - Goussot gợi ý.

- Đấy là một vấn đề không ai tưởng được.

- Có đấy. Tôi được biết - bỏ qua cho những biện pháp của cảnh sát - ra khỏi nhà tù anh bạn trẻ của ông đã gọi điện...

- Cho tôi, thực vậy.

- Sau đó cho cô Rolande Gaverel xin phép gặp.

- Và sao ?

- Cô gái từ chối không gặp.

- Có nghĩa là ?

- Nghĩa là cô gái không nghĩ anh ta vô tội... Nếu không... Raoul giễu cợt: - Đấy là tất cả những gì rút ra từ cuộc điều tra, thưa ông thanh tra ?

- Đúng đấy.

- Nếu vậy..,

Anh chỉ cho ông con đường ra cổng. Goussot quay gót nhưng ngoảnh lại đối thủ:

- A ! Tôi quên. Người ta phát hiện ở phòng hành lý một nhà ga Paris chiếc va li của Simon Lorient và trong túi áo tôi thấy tấm danh thiếp này. Ông thấy đấy, mặt sau có sơ đồ tầng lầu một ngôi nhà đánh dấu chữ thập đỏ. Tầng lầu này là nơi bố Simon Lorient, bạn của Félicien Charles đã lấy trộm những tập tiền của ông Philippe Gaverel.

- Danh thiếp đề tên ai...?

- Félicien Charles.

Ông thanh tra chào hai người, xấc xược vừa rút lui vừa nói:

- Tài liệu phụ tôi chỉ ghi nhớ thôi. Nhưng có lẽ có một sự tiếp nối, đúng không ?

Raoul nhào ra, đuổi kịp ông ta ở cổng.

- Này, thưa ông thanh tra !

- Có gì cần phục vụ ông, thưa ông d' Avemy ?

- Không có gì. Đối với ông thôi. Ông thấy hai cột cổng này chứ ?

- Làm sao ?

- Tôi khuyên ông đừng bao giờ bước qua nữa.

- Thẻ cảnh sát của tôi...

- Thẻ của ông chỉ có giá trị nếu ông xử sự như một cảnh sát lịch sự, có giáo dục như các bạn ông chứ không như một thám tử chua cay và hận thù. Ông hiểu cho, xin chào !

Raoul trở lại chỗ Félicien. Suốt buổi hai người trao đổi, anh này không nao núng, không một lời. Anh bảo chàng trai:

- Anh đã khẳng định với tôi không gặp lại Rolande.

- Cô từ chối gặp tôi

- Và anh vẫn cho rằng mình không tự sát vì cô ấy ?

Chàng trai không trả lời. Raoul tiếp tục:

- Vấn đề khác: tấm danh thiếp ấy ?

- Một hôm, trước khi ông đến, Simon Lorient đã lấy ở đây.

- Còn sơ đồ biệt thự Orangerie ?

- Anh ấy tự vẽ lấy. Tôi không biết gì việc ấy.

- Tất cả,những cái đó làm cảnh sát nghi ngờ. Anh không lo lắng gì sao ?

- Thưa ông không. Người ta đã điều tra và không thấy những chứng cứ chống lại tôi. Không làm gì phạm pháp, tôi chẳng lo lắng gì.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro