Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

bao 28

Việt Nam làm chủ nhà Hội nghị ngoại trưởng Á - Âu

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu lần thứ 9 (FMM 9) sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 25 và 26/5, với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu chặt chẽ hơn nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các thách thức toàn cầu".

Hội nghị ngoại trưởng Á - Âu lần thứ 8 (FMM 8) tại Hamburg, tháng 5/2007. Ảnh: EU2007.

Sự kiện này là cơ hội để các nước thuộc Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) biết rõ hơn về chính sách đối ngoại rộng mở và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, đồng thời thể hiện sự đóng góp tích cực của nước ta cho tiến trình ASEM. Đây cũng hội nghị ngoại trưởng đầu tiên của ASEM kể từ khi diễn đàn mở rộng lên 45 thành viên tháng 10/2008.

Hội nghị FMM 9 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó là các thách thức trên quy mô toàn thế giới, đặc biệt là biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng ngày càng trở nên gay gắt, đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá FMM 9 tại Hà Nội là "một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế và quan hệ hợp tác Á - Âu, cơ hội quý báu để các bộ trưởng đến từ hai châu lục cùng xây dựng các biện pháp nhằm thắt chặt sự liên kết trong ASEM và đóng góp vào nỗ lực đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu và các thách thức khác".Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập và có đóng góp tích cực của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) kể từ khi diễn đàn ra đời tháng 3/1996. Việt Nam cũng là chủ nhà của Hội nghị cấp cao lần thứ 5 (ASEM 5) tháng 10/2004. Đây là một mốc quan trọng của ASEM sau khi mở rộng, đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về quan hệ kinh tế Á - Âu chặt chẽ hơn.

Các Hội nghị ngoại trưởng Á - Âu (gọi tắt là FMM) diễn ra hai năm một lần, là cầu nối giữa hai kỳ Hội nghị cấp cao ASEM. Hội nghị sắp tới tại Hà Nội có trọng trách thúc đẩy việc triển khai các quyết định của lãnh đạo hai châu lục tại Hội nghị cấp cao ASEM 7 (Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2008) và hướng tới Hội nghị cấp cao ASEM 8 (Brussels, Bỉ, năm 2010).

Ngoài hai ngày họp chính của FMM 9 còn có các hoạt động bên lề như Tọa đàm doanh nghiệp ASEM tại TP HCM ngày 6/5, Liên hoan phim ASEM tại Trung tâm chiếu phim quốc gia Hà Nội từ 15 đến 22/5 và các hoạt động do Quỹ Á-Âu (ASEF) tổ chức, như hội thảo các nhà báo và triển lãm ảnh của các nhiếp ảnh gia trẻ hai châu lục.

Tọa đàm doanh nghiệp ASEM là sự kiện quan trọng đầu tiên hướng đến hội nghị ngoại trưởng Á - Âu, mang chủ đề nóng hiện nay là "Tăng cường quan hệ kinh tế Á-Âu vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu". Đây là diễn đàn giao lưu trực tiếp giữa địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp và đại sứ các nước ASEM, nhằm xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại - đầu tư.

Cuộc tọa đàm tại TP HCM cũng là cơ hội để các địa phương và doanh nghiệp trong nước giới thiệu với cộng đồng quốc tế về tiềm năng, đặc thù và nhu cầu thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư của mình.

...................

Doanh nghiệp 'canh' thị trường để IPO

Tranh thủ lúc thị trường nóng lên thời gian qua, một số doanh nghiệp khởi động lại kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Song vẫn hiếm phiên chào bán thành công.

> Quỹ đầu tư không dám nghĩ tới lợi nhuận

Công ty Khai thác Chế biến khoáng sản xuất khẩu Khánh Hòa vừa đấu giá trên 2,7 triệu cổ phần tại sàn Hà Nội, song chỉ bán được 139.300 cổ phần, với giá đấu bình quân cao hơn giá khởi điểm chút ít. Tổng số nhà đầu tư đăng ký dừng lại ở 40 người, và không có nhà đầu tư tổ chức.

Công ty Giao nhận kho vận ngoại thương TP HCM (Vinatrans) chào bán trên 12,7 triệu cổ phần và bán được 379.500 cổ phần. Với Công ty Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký đấu giá, khiến cuộc đấu giá đã phải hủy bỏ vì không đủ điều kiện.

Phiên đấu giá có kết quả thành công hiếm hoi trong thời gian vừa qua là của Công ty Chứng khoán Vietinbank (VietinbankSC). Trên 5.500 nhà đầu tư, cả cá nhân và tổ chức, tham gia phiên đấu giá này, với khối lượng đăng ký mua cao hơn khối lượng đấu giá 39%. VietinbankSC bán được toàn bộ trên 19 triệu cổ phần.

Hiện Công ty gang thép Thái Nguyên cũng dự kiến chào bán 25,6 triệu cổ phần ra công chúng vào tháng 5 tới, với giá khởi điểm 10.100 đồng. Trong cùng tháng, Công ty chế tạo cơ điện Hà Nội cũng sẽ đưa ra đấu trên 8 triệu cổ phần. Tại sàn TP HCM, Công ty Nông sản Thực phẩm xuất khẩu Thành phố Cần Thơ (Mekonimex) cũng lên kế hoạch chào bán cổ phần. Hiện có 33 nhà đầu tư đăng ký mua 99.400 cổ phần của công ty này. Tính chung trên 2 sàn, trong tháng 3 và tháng 4, có 10 đợt IPO, trong khi trong những tháng cuối năm 2008 và 2 tháng đầu năm, chỉ lác đác vài đợt.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Phố Wall, cho rằng, tình hình thị trường thuận lợi trong 6 tuần qua đã giúp các doanh nghiệp khởi động lại kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng. Trong đó, có cả đơn vị trước đây chưa nộp đơn để thực hiện IPO, nay cũng lên kế hoạch chào bán cổ phần.

Việc VietinbankSC đấu giá thành công được đánh giá là không chỉ nhờ kết quả và triển vọng kinh doanh, mà cũng ở khả năng chọn thời điểm IPO. Bà Lan cho rằng, VietinbankSC, với kinh nghiệm hoạt động trong ngành chứng khoán, đã chọn được thời điểm tốt để IPO, khi tâm lý nhà đầu tư thuận lợi cho việc bán cổ phần.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán cũng cho rằng, thời điểm này có một số thông tin kinh tế khả quan hơn trước, thị trường có những phiên sôi động, song nhà đầu tư vẫn cân nhắc rất kỹ trước mỗi đợt IPO. Chỉ những cổ phiếu tốt và giá rẻ mới được nhiều nhà đầu tư mua vào. "Ngay cả trong trường hợp cổ phiếu tốt mà giá không hợp lý thì cũng khó mà bán được", ông này nhận định.

IPO của VietinbankSC thành công, nhưng giá đấu công bình quân chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm 245 đồng, đạt 10.455 đồng. Trước đó, vào cuối năm 2008, ngân hàng mẹ Vietinbank cũng bán được hết 53,6 triệu cổ phần, song giá đấu thành công bình quân chỉ là 20.265 đồng, cao hơn giá khởi điểm 265 đồng. Trong khi đó, Vietcombank, ngân hàng quốc doanh đầu tiên được cổ phần hóa, đã bán được cổ phần với giá đấu bình quân trên 100.000 đồng, dù thực hiện IPO trong thời điểm thị trường trên đà xuống dốc, vào cuối năm 2007.

Theo lãnh đạo công ty chứng khoán này, với nhận định thị trường trong trung hạn và dài hạn diễn biến tốt, vẫn có nhiều doanh nghiệp khởi động lại kế hoạch IPO. Nhưng các doanh nghiệp này cũng sẽ rất cân nhắc, để đảm bảo bán được "hàng".

..............

Giá vàng rơi theo chiều thẳng đứng

Giá vàng thế giới dần đi xuống trong ngày hôm qua và đột ngột lao dốc sáng nay. Thị trường vàng miếng trong nước có phiên giảm đầu tiên sau 4 ngày liên tiếp tăng, với mức trung bình 170.000 đồng mỗi lượng.

Giá thế giới xuống dốc theo chiều thẳng đứng đầu phiên giao dịch châu Á sáng nay (đường màu xanh lá cây). Ảnh: Kitco

Giá bắt đầu đi xuống từ phiên giao dịch chiều 27/4 tại New York, nhưng khó ai ngờ vàng rớt giá quá đến vậy. Đầu phiên giao dịch châu Á sáng nay, giá vàng mất 13 USD chỉ trong nháy mắt và có lúc xuống 892 USD mỗi ounce. Lúc 8h20, mỗi ounce giao dịch ở 898 USD, giảm 20 USD so với cách đây 24 giờ.

Quy ra tiền Việt, mỗi lượng vàng thế giới giảm 431.000 đồng và hiện chỉ còn 19,355 triệu đồng một lượng, tính theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương là 17.783 đồng mỗi USD.

Giá mở cửa của vàng miếng SJC tại TP HCM là 19,66 -19,72 triệu đồng mỗi lượng (mua vào - bán ra), giảm 170.000 đồng so với đầu ngày hôm qua. Giá niêm yết của hãng này tại Hà Nội là 19,66 - 19,74 triệu đồng, nhưng giá bán ra tại các cửa hàng phổ biến ở 19,76 triệu đồng lúc 9h. Vàng miếng Rồng Vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) giảm 190.000 đồng, ở mức 19,63 - 19,75 triệu đồng mỗi lượng (mua vào - bán ra).

Đây là phiên giảm giá đầu tiên của vàng sau những phiên tăng liên tiếp, trong bối cảnh có nhiều yếu tố có lợi cho thị trường kim loại quý. Thị trường chứng khoán ngày hôm qua tràn ngập sắc đỏ do lo ngại về dịch cúm lợn đang bùng phát tại Mexico và các nơi khác.

Nhiều nhà đầu tư đã kịp chốt lời trước khi vàng giảm sâu. Chị Hoàng Minh Lan, cửa hàng trưởng của SJC tại Hà Nội cho biết, xu hướng chính của các nhà đầu tư hôm qua là đem vàng đi bán ngay khi có dấu hiệu xuống giá. Tuy vậy, những người chưa kịp bán ra cũng không quá lo lắng vì theo giới đầu tư, giá có thể đi lên trong ngày hôm nay.

Một số quỹ dự trữ vàng tiếp tục mua vào khi giá xuống thấp. Ngày hôm qua, quỹ đầu tư Julius Baer Physical Gold ETF mua vào 5,11 tấn, tương đương với tăng 14,09%, nâng lượng dự trữ của quỹ lên mức kỷ lục mới là 41,39 tấn.

................

Vn-Index dè dặt tăng điểm

Phiên giao dịch sáng nay, bên nắm giữ cổ phiếu tỏ ra là người dẫn dắt thị trường. Họ nhanh chóng đổi chiến thuật từ bán sàn sang bán giá trần, sau khi có tín hiệu mua vào.

Sau một tuần chỉ số của sàn TP HCM liên tiếp đi xuống, phần lớn nhà đầu tư dự đoán thị trường sẽ giảm điểm trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Tâm lý này được thể hiện ngay từ đầu phiên giao dịch, khi lệnh bán ATO và bán giá sàn xuất hiện ở hầu hết chứng khoán.

Song tín hiệu tích cực lại xuất hiện ở bên mua, với nhiều lệnh mua ATO đối ứng, giúp nhiều mã khớp giá trần. Tuy vậy, lượng đặt mua ở mức thấp, nên khối lượng giao dịch chỉ đạt 5 triệu đơn vị, tương ứng 121 tỷ đồng. Vn-Index tăng 5,71 điểm (1,84%), lên mức 315,68 điểm.

Chỉ đợi chỉ số bật xanh, bên nắm giữ cổ phiếu tung ra hàng loạt lệnh bán với giá trên tham chiếu và giá trần. Những lệnh mua giá trần cũng nhanh chóng chuyển sang dưới tham chiếu. Lệnh bán với vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị cho thấy bên bán vẫn đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn và đang chờ cơ hội "đẩy" đi.

Trong khi đó, bên mua với lượng tiền mặt được các công ty chứng khoán đánh giá là dồi dào, chỉ sẵn sàng gom cổ phiếu giá thấp. Sức cầu càng về sau càng trở nên dè dặt trước lượng lệnh bán lớn. Đà tăng điểm của Vn-Index chậm lại trong 2 đợt khớp lệnh sau, và khối lượng giao dịch cũng không thể bứt phá.

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index đóng cửa tại 313,69 điểm, tăng 3,19 điểm (1,22%). Khối lượng giao dịch qua khớp lệnh đạt 20,7 triệu chứng khoán, giảm 28% so với phiên gần nhất, tương ứng 503,2 tỷ đồng.

Toàn thị trường có 79 mã tăng điểm, 70 chứng khoán đi xuống, và 31 mã giữ giá tham chiếu.

FPT là điểm nhấn của phiên, khi bật xanh với khối lượng khớp lệnh trên 742.000 cổ phiếu, lớn thứ năm thị trường. Trong khi đó, phần lớn blue-chip mất điểm, điển hình là SAM, với trên 2,84 triệu cổ phiếu khớp ở giá sàn, lớn nhất thị trường. Cổ phiếu của Công ty Cáp và Vật liệu Viễn thông đang được nhà đầu tư bán ra mạnh, sau những phiên tăng trần với dư mua bằng 0 trước đây. Dư mua của SAM trong phiên hôm nay rất nhỏ, ở giá sàn.

STB, HPG, REE cũng mất điểm, với khối lượng giao dịch lần lượt 2,8 triệu; 1,7 triệu và 795.500 cổ phiếu. Các mã nhỏ, như KHA, TTP, LGC, TRC, TS4... tiếp tục tăng điểm.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index giảm nhẹ 0,88 điểm (0,8%), xuống mức 109,32 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 17,4 triệu chứng khoán, trị giá 374,3 tỷ đồng.

...................

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #bao