bao 2.62
Hơn 170 câu chất vấn chờ Chính phủ
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà.
Trả lời VnExpress.net chiều 3/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có 171 chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi thành viên Chính phủ. Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và 7 bộ trưởng dự kiến đăng đàn.
Theo đề nghị của Chính phủ, 8 vị trả lời chất vấn là Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
Trong danh sách trên 4 bộ trưởng từng trả lời chất vấn tại kỳ họp trước là Tài chính, Công thương, Tài nguyên Môi trường, Y tế. Đây là kỳ họp thứ năm liên tiếp Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đăng đàn.
Trong số 171 câu hỏi chất vấn, có 7 câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Một số bộ nhận được nhiều chất vấn là Công thương (21) Lao động thương binh xã hội (16), Y tế (16)...
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 sẽ diễn ra 11-13/6.
Trong phiên họp Quốc hội này, các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là: Hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, dự án khai thác bô xit tại Tây Nguyên, Đề án đổi mới tài chính giáo dục và đào tạo...
................
Giáo viên phải chạy show vì học phí rẻ'
"Với mức học phí hiện nay, giáo viên nếu không có thu nhập ngoài, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng. Tôi cũng phải "chạy show" các tỉnh giống như... các ca sĩ", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào bày tỏ quan điểm về đề án học phí, sáng nay.
Mặc dù mới chỉ thảo luận ở tổ nhưng Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực giáo dục đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã giảm thời gian nghỉ giải lao để dành thời gian cho các phát biểu. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo và Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính của Bộ này cũng trực tiếp đến các tổ để lắng nghe, tiếp thu.
Sau 3 giờ tranh luận, quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ đề án vẫn chưa thống nhất. Nhiều ý kiến phản biện giữa các đại biểu diễn ra khá sôi động.
Đại biểu đoàn Hà Nội phát biểu đề án học phí. Ảnh: V.A.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch phân tích, theo cơ cấu chi tiêu, nếu thu nhập 100 đồng gia đình chi cho ăn ở 20 đồng thì tăng học phí không ảnh hưởng, nhưng nếu chi cho ăn ở 60 đồng thì ảnh hưởng lớn tới cuộc sống.
Theo ông Lịch, từ năm 1990 đến 2008, đầu tư cho giáo dục đã tăng hàng chục lần, trong khi GDP chỉ tăng 3 lần. "Điều xã hội quan tâm là chất lượng giáo dục có tương xứng với đầu tư hay không? Thực tế phụ huynh đóng rất nhiều khoản khác ngoài học phí. Bộ trưởng Giáo dục có cam kết rằng tăng học phí sẽ chấm dứt thu các khoản khác không? Tôi sẵn sàng đóng thêm mấy chục ngàn cho con em, nhưng phải chấm dứt các khoản khác", ông Lịch nói.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng, Bộ Giáo dục đang làm theo quy trình ngược, đáng lẽ phải làm chiến lược giáo dục trước, sau đó mới tính đến cơ chế tài chính. "Tôi cho rằng không nên có đề án này, cấp học phổ thông phải miễn thu học phí. Chúng ta đang thực hiện xã hội hoá giáo dục, nhiều trường đại học tư thục được mở ra đáp ứng nhu cầu học. Do đó, Bộ Giáo dục nên tập trung củng cố các trường đại học công lập để thu nạp nhân tài. Các trường này phải tạo cơ hội bình đẳng, con đại gia và con nhà nghèo đều có cơ hội như nhau".
"Ý kiến của tôi khác với đại biểu Trừng, tôi nghĩ rằng đổi mới cơ chế tài chính là cần thiết và cấp bách", đại biểu Huỳnh Thành Lập lên tiếng. Theo đại biểu này, đề án đã giải quyết được các vấn đề: ngân sách nhà nước dành cho giáo dục vẫn là chủ yếu; miễn học phí tiểu học, gia đình nghèo; giảm cho hộ cận nghèo, gia đình chính sách; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng cho người đi học, cho sinh viên vay tiền đi học; nhà nước khuyến khích người học giỏi bằng học bổng.
Từ thực tế hơn 30 năm giảng dạy, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, với mức học phí hiện nay, giáo viên, giảng viên nếu không có thu nhập ngoài, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng.
"Tôi cũng phải "chạy show" các trường, tỉnh ngoài giống như... ca sĩ. Một buổi giảng 3 giờ tại trường tôi (Học viện hành chính) chỉ được 120.000 đồng. Chúng ta không thể yêu cầu chất lượng đại học Việt Nam ngang với Mỹ khi học phí ngành y một năm của họ là 50.000 USD trong khi ở ta chỉ vài trăm USD", ông Đào nói.
Theo đại biểu này, mức trần học phí 180.000 đồng một tháng, cách đây hơn 10 năm có thể mua được một chỉ vàng nhưng nay giá một chỉ vàng đã hơn 2 triệu đồng. Học phí rẻ, lệ phí thi lại rẻ (30.000 đồng) nên nhiều sinh viên chưa có trách nhiệm học tập.
"Tôi xin hỏi, rẻ đi với chất lượng cao có phải là logic không. Tôi không kỳ vọng đề án tăng học phí sẽ nâng cao ngay chất lượng giáo dục nhưng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn của ngành. Đề án cũng không bỏ qua tính hỗ trợ đối với người nghèo", ông Đào nói.
Lên tiếng ngay sau đó, đại biểu Đặng Văn Khanh lại bày tỏ quan điểm ngược lại. Theo ông, đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục là cần thiết nhưng đưa ra lúc này là phản cảm khi mà sự lãng phí và tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn chưa giải quyết được.
"Đề án cho rằng học phí không quá 6% thu nhập của gia đình nhưng học phí và chi phí học tập khác nhau. Tại sao sách giáo khoa năm nào cũng phải mua mới, em không dùng được sách của anh. Anh Đào có nói là học phí đại học nước ngoài cao nhưng xin thưa toàn bộ chi phí như thư viện, sách... đã nằm trong học phí", đại biểu Khanh nói.
Theo ông Khanh, chủ trương của ngành là phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp nhưng theo đề án học phí đào tạo nghề, trung học chuyên nghiệp không giảm. "Nếu tiếp tục chính sách như vậy liệu có tiếp tục tình trạng thừa thầy thiếu thợ không?".
Hơn 2 triệu sinh viên sẽ chịu tác động của đề án học phí. Ảnh: Hoàng Hà.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến tỏ ý băn khoăn khi Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT chưa có đánh giá hiệu quả đầu tư cho giáo dục thời gian qua, do đó khó cơ sở để khẳng định tăng học phí đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục.
"Cần có lộ trình cụ thể cho việc tăng học phí, nếu tình trạng học sinh bỏ học tăng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu nhà nước. Chính phủ đặt ra thời điểm triển khai của đề án là 2009-2014, theo tôi nên lùi lại là 2010-2015, sau khi đánh giá lại hiệu quả đầu tư cho giáo dục", bà Tuyến nói.
Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định, sau khi tăng học phí, trách nhiệm chính về ngân sách đào tạo vẫn thuộc về nhà nước.
"Tôi không dám hứa là tăng học phí sẽ tăng được chất lượng đào tạo ngay. Tuy nhiên, không có chuyện sau khi có khung học phí mới các hiệu trưởng thích tăng bao nhiêu cũng được bởi Bộ đã có cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo để kiểm soát", ông Luận nói.
Hiện, cả nước có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên. Trong đó, khối đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm hơn 2 triệu.
................
Việt Nam xếp thứ 39 về mức độ an bình trên thế giới
New Zealand có số cừu là 40 triệu, nhiều gấp 10 lần số người. Ảnh: Telegraph.
Theo khảo sát toàn cầu về mức độ yên bình, Việt Nam đứng thứ 39 trên tổng số 144 nước, được đánh giá cao về sự thân thiện với người nước ngoài và nguy cơ xảy ra khủng bố thấp.
Chỉ số hòa bình toàn cầu (Global Peace Index), do Viện Hòa bình Kinh tế tại Australia phối hợp với Đơn vị tình báo kinh tế thực hiện - xếp hạng 144 quốc gia về mức độ yên bình - theo định nghĩa là không có bạo lực.
Chỉ số được đưa ra dựa trên 23 chỉ tiêu bao gồm ổn định chính trị, nguy cơ khủng bố, tỷ lệ giết người, khả năng xảy ra biểu tình bạo lực, tôn trọng nhân quyền, nội chiến, nhập khẩu vũ khí và liên quan tới chiến tranh nước ngoài.
Theo khảo sát năm nay, New Zealand - đất nước của 4 triệu người và 40 triệu con cừu, đã lật đổ ngôi vị của Iceland để trở thành đất nước thái bình nhất thế giới.
Iceland bị tụt xuống vị trí thứ 4 sau khi nước này xảy ra bạo loạn do vụ sụp đổ của hệ thống ngân hàng tại Reykjavik.
Sau New Zealand, Đan Mạch và Na Uy đứng vị trí thứ 2 và 3. Italy xếp thứ 36, thấp nhất trong các quốc gia châu Âu.
Mỹ đứng thứ 83 do liên quan tới các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, số tù nhân cao và việc sử dụng súng lan tràn. Tuy nhiên, vị trí này đã tăng 14 bậc so với năm ngoái. Iraq đứng cuối bảng liên tục trong 3 năm kể từ khi chỉ số này được đưa ra.
Bản báo cáo cho thấy sự suy thoái kinh tế, gia tăng nội chiến cũng như bất ổn trên chính trường trên toàn cầu đã làm bức tranh hòa bình trên thế giới bị nhuốm màu đen trong năm ngoái.
Giáo sư Kevin Clements tại Đại học Otago, New Zealand, nhận định: "Chỉ số này đã phản ánh rõ nét những quốc gia nào mọi người mong muốn ở nhất. Trong top 20 đều là những quốc gia nhỏ có nền kinh tế thịnh vượng và chính quyền không bị thối nát".
10 quốc gia an bình nhất: 1 New Zealand, 2 Đan Mạch, 3 Na Uy, 4 Iceland, 5 Áo, 6 Thụy Điển, 7 Nhật Bản, 8 Canada, 9 Phần Lan và Slovenia đồng hạng.
10 quốc gia ít bình ổn nhất: 1 Iraq, 2 Afghanistan, 3 Somalia, 4 Israel, 5 Sudan, 6 Cộng hòa dân chủ Congo, 7 Chad, 8 Pakistan, 9 Nga, 10 Zimbabwe.
...............
Từ tháng 7 mua vé máy bay được miễn thuế VAT
Các dịch vụ hàng không, tàu biển gồm giá vé, dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, soi chiếu an ninh, hợp đồng vận chuyển trên chặng quốc tế sẽ áp dụng thuế VAT 0% thay cho mức 5-10% hiện hành kể từ tháng 7 tới.
Quyết định miễn thuế VAT cho các dịch vụ hàng không hàng hải nhằm hỗ trợ cho hành khách tham gia các chuyến bay, vận tải biển... vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Theo quy định, các dịch vụ vận tải được áp dụng thuế suất 0% phải đáp ứng các điều kiện có hợp đồng vận chuyển hành khác, hành lý, hàng hóa phù hợp với quy định của luật pháp. Trong đó, hợp đồng vận chuyển hành khách là vé và có chứng từ thanh toán qua ngân hàng hoặc hóa đơn trực tiếp. Thuế suất VAT đối với dịch vụ này đang là 10%.
Ngoài ra, các dịch vụ hàng không được áp dụng thuế suất VAT 0% gồm có dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không; dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; đậu tàu bay; an ninh bảo vệ tàu bay; soi chiếu an ninh hành khách, hàng lý và hàng hóa; dịch vụ băng chuyền hành lý tại nhà ga; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ vận chuyển tổ lái, tiếp viên và hành khách trong khu vực sân đậu tàu bay... Thuế suất VAT đối với các dịch vụ này đang là 10%.
Thuế suất 0% này cũng được áp dụng với các dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế từ cảng hàng không Việt Nam. Dịch vụ lai dắt tàu biển; hoa tiêu; cứu hộ; cầu cảng, bến phao; bốc xếp; buộc cởi dây; đóng mở nắp hầm hàng; vệ sinh hầm tàu; kiểm đếm, giao nhận... trong lĩnh vực hàng hải.
Quyết định có hiệu lực sau 45 ngày đăng công báo, tức là vào ngày 16/7 tới.
Theo đánh giá của Cục Hàng không VN, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra và ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không thế giới trong đó có VN. Do vậy việc điều chỉnh chính sách thuế sẽ hỗ trợ một phần chi phí cho các hãng hàng không nói chung và hành khách nói riêng.
Hiện hầu hết các hãng không trong nước đều lỗ nặng trên chặng bay nội địa dù giá vé đã được "cởi trói" và mức trần đã nâng từ 1,5 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng cho vé hạng phổ thông. Hãng hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) dù có tiềm lực mạnh cũng chỉ công bố lợi nhuận vài chục tỷ đồng nhờ tiết giảm chi phí, nhiên liệu bay...
Hiệp hội Hàng không Quốc tế IATA cũng vừa dự báo hơn 200 thành viên của mình có nguy cơ lỗ 5 tỷ USD trong năm nay do nhu cầu đi lại bằng máy bay sụt giảm. Trong đó, các hãng hàng không thuộc khu vực châu Á được dự báo là thiệt hại nặng nề nhất.
................
Cân đối ngoại tệ sẽ khó khăn hơn
Xuất khẩu giảm mạnh, nhập siêu lớn, thu hút và FDI chưa thể tăng trở lại, vì vậy, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề cân đối ngoại tệ trong các tháng tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
> Ngân hàng bắt tay kìm lãi suất đôla
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều nay, cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư đều có báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm. Quan điểm của 2 bộ khá trùng khớp khi đề cập tới vấn đề cung cầu ngoại tệ.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 có dấu hiệu tăng lên so với tháng 4, nhưng kim ngạch nhập khẩu tháng 5 cũng đạt mức cao nhất so với 4 tháng trước. Xuất khẩu 5 tháng đạt 22,86 tỷ USD, giảm 6,8% và nếu loại trừ đá quý, kim loại quý (khoảng 2,6 tỷ USD) thì mức giảm lên đến 13,4%. Nhập siêu 5 tháng hiện ở mức tương đương 5% kim ngạch xuất khẩu và nếu không tính tới thành tích xuất khẩu vàng miếng, nhập siêu lên đến 18,4% kim ngạch xuất khẩu.
Từ nay tới cuối năm, kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu nhất là vật tư, thiết bị cho đầu tư và sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tăng trở lại. Trong khi đó, xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tăng nhiều. 5 tháng đầu năm lượng vốn FDI thực hiện chỉ đạt 2,8 tỷ USD, bằng 70,9% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký mới còn giảm mạnh hơn, chỉ đạt 2,7 tỷ USD, bằng 10,8% cùng kỳ.
Bộ Tài chính cùng chung quan điểm khi dự báo cán cân thanh toán năm 2009 vẫn còn nhiều khó khăn do suy giảm xuất khẩu và đầu tư. Kim ngạch nhập khẩu có xu hướng tăng nhanh hơn kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, thâm hụt thương mại dự báo sẽ gia tăng trong các tháng cuối năm. Tác động của dòng vốn ra trong năm 2009 đã bớt áp lực hơn năm 2008, tuy nhiên cũng cần phải đánh giá kỹ biến động thị trường.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giữ nguyên biên độ giao dịch tỷ giá hiện nay (cho phép các ngân hàng để giá giao dịch ở mức ± 5% so với tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày). Cơ quan này cũng đề nghị áp dụng các biện pháp kinh tế can thiệp thị trường ngoại hối như nghiệp vụ hoán đổi, mua bán kỳ hạn các loại ngoại tệ... để giúp các ngân hàng thương mại tránh tình trạng ứ đọng vốn ngoại tệ.
Nguy cơ tăng nóng tín dụng cũng là vấn đề được cả 2 bộ nhắc tới. Tăng trưởng tín dụng đang vượt qua tốc độ tăng huy động của các ngân hàng. Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 31/5 ước đạt hơn 1.800 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cuối năm ngoái. Tổng đầu tư cho nền kinh tế đến cuối tháng 5 ước đạt hơn 1.500 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cuối năm ngoái, trong đó tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 1.460 nghìn tỷ đồng tăng 14,9%. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND chiếm phần lớn, ước đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm 2008. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng ngoại tệ ước đạt 251,6 tỷ đồng, giảm 6,3%.
Trong khi đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng 13,6% so với cuối năm 2008. Riêng huy động vốn VND ước đạt 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4%. Huy động vốn bằng ngoại tệ ước đạt 330.000 tỷ đồng, tăng 4,7%.
Theo Bộ tài chính, cần lưu ý việc gia tăng dư nợ tín dụng và xu hướng các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền. Cơ quan này đề nghị nên tiếp tục duy trì các mức lãi suất cơ bản hiện tại song vẫn phải kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống dưới 30%. Lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam vẫn duy trì ở mức 7%. Trong khi đó, lãi suất huy động của nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước hiện trong khoảng 7,2-8% một năm, nhóm ngân hàng cổ phần 7,5-9%. Lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng hiện ở trên 10%.
..............
Các ông lớn ngân hàng bắt tay kìm lãi suất USD
Cả 5 ngân hàng quốc doanh đồng thuận giảm lãi suất và đưa ra mức trần để các bên tuân theo, với hy vọng phá băng trên thị trường ngoại hối hiện nay.
Kết thúc hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm nay tại Hà Nội, các ngân hàng quốc doanh chủ động đề xuất và thống nhất giảm lãi suất huy động đôla Mỹ xuống mức 1,5%. Trần lãi suất cho vay sẽ là 3%. Biểu lãi suất mới sẽ đồng loạt áp dụng trong toàn hệ thống các ngân hàng quốc doanh từ 1/6.
Lãi suất huy động đôla Mỹ của các ngân hàng quốc doanh hiện dao động từ 1,8% đến 2,5% đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay, sau đợt điều chỉnh giữa tháng này, cũng vẫn ở mức trên dưới 4%.
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu coi quyết định của các ngân hàng quốc doanh là tín hiệu tích cực đối với thị trường ngoại hối. "Họ làm như vậy tốt cho thị trường, giúp tháo gỡ nút thắt trong hoạt động cho vay ngoại tệ hiện nay và giảm bớt áp lực với tiền đồng", ông Giàu phân tích.
Lãi suất đôla sẽ giảm mạnh từ 1/6. Ảnh: Hoàng Hà
Hơn 2 tháng nay, thị trường ngoại tệ luôn trong thế căng thẳng. Các tổ chức có nguồn thu quyết găm giữ trên tài khoản, không bán cho ngân hàng với kỳ vọng giá đôla còn lên nữa và sợ nhỡ bán ra sau này cần không biết xoay sở ở đâu. Người dân có đôla cũng chỉ muốn gửi tiết kiệm, không muốn bán. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại, nhằm giải quyết tình trạng các doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, sử dụng ngoại tệ thế chấp để vay nội tệ. Đặc biệt, sẽ kiên quyết xử lý những vi phạm và lợi dụng chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất hiện nay.
Trong khi đó, doanh nghiệp có nhu cầu đôla nhập khẩu hàng hóa dịch vụ lại không muốn vay ngân hàng, vì sợ rủi ro tỷ giá. Không ít trường hợp tranh thủ lãi suất VND ở mức thấp, lại được ưu đãi, nên đã vay tiền đồng để đi mua gom đôla. Tâm lý đầu cơ, tích trữ đôla lan từ doanh nghiệp sang các nhà đầu tư cá nhân. Ngân hàng bị đẩy vào thế ứ thừa vốn đôla cho vay nhưng không ai vay, trong khi thiếu đôla để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh của khách hàng.
Tỷ giá đôla niêm yết tại các ngân hàng luôn kịch trần cho phép. Các ngân hàng đồng loạt niêm yết giá mua vào bằng giá bán ra, một dấu hiệu cho thấy rõ tình trạng căng thẳng nguồn cung. Các giao dịch mua bán hầu như không có, nếu có đều phải lách luật để áp dụng tỷ giá vượt trần cho phép.
"Hạ lãi suất đôla là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh thị trường hiện nay, nó giúp giảm mức sinh lời của đôla so với tiền đồng. Những người có ý định găm giữ đôla có thể phải thay đổi ý định", đại diện một ngân hàng quốc doanh phân tích.
Theo vị đại diện này, vài ngày gần đây thị trường bắt đầu phát tín hiệu tích cực, cho dù chưa rõ ràng lắm. Hoạt động mua gom đôla giảm dần, vài doanh nghiệp bắt đầu bán cho ngân hàng thay vì chỉ chăm chăm giữ trên tài khoản như trước.
Các ngân hàng bắt đầu nới biên độ giữa tỷ giá mua vào và bán ra. Giá bán của Vietcombank, BIDV chiều nay là 17.785 và mua vào 17.783 đồng ăn một đôla.
Thỏa thuận kìm lãi suất sau cuộc họp hôm nay mới có hiệu lực trong khối quốc doanh. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu kỳ vọng, các ngân hàng cổ phần vì sức ép sẽ phải làm theo, nếu không khách hàng doanh nghiệp sẽ kéo tới quốc doanh để vay vốn ngoại tệ.
Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cũng tán đồng ý tưởng kiềm chế lãi suất đôla. Tuy nhiên ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra quy định về mức trần lãi suất huy động đôla, bắt buộc tất cả các ngân hàng làm theo. Bởi các ngân hàng cổ phần vẫn có lý do để không thực hiện.
"Đặt một bài toán thế này, lãi suất cho vay của ngân hàng quốc doanh thấp sẽ hấp dẫn doanh nghiệp đến vay. Nhưng nếu lãi suất huy động thấp, họ sẽ lấy đâu vốn để cho vay, khi mà những người có tiền chạy sang cổ phần để gửi. Giả sử là tôi, tôi huy động lãi suất 2%, cao hơn một chút so với quốc doanh, nhưng cho vay tương đương, ở mức 3% hoặc cao hơn một chút. Tôi vẫn có lãi nếu đông khách hàng gửi tiền và đông đến vay", ông Hưởng phân tích. Lãi suất cho vay đôla ở LienVietBank hiện vào khoảng 4,5% một năm.
Ngân hàng Nhà nước để các ngân hàng quốc doanh đồng thuận vì ngại phải ra mệnh lệnh hành chính. Song theo ông Hưởng, mệnh lệnh hành chính có thể áp dụng trong trường hợp thị trường có vấn đề và mệnh lệnh đó tốt cho thị trường chung.
Quyết định kìm lãi suất của các ngân hàng quốc doanh khiến nhiều khách hàng không kịp trở tay. Cho dù nó có hiệu lực từ 1/6, và không áp dụng hồi tố với các hợp đồng gửi tiền trước thời điểm này, song những ai đang có ý định gửi tiết kiệm ngoại tệ mà chưa kịp thực hiện sẽ tiếc nuối.
...................
Paul Krugman: VN cần kiểm soát tài chính
Là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế quốc tế, Krugman tỏ ra đặc biệt thận trọng với tự do hoá thị trường vốn, và khuyên Việt Nam không nên vội vàng với quá trình này.
Dưới đây là bài viết của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Giáo sư kinh tế Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2008, đã có chuyến viếng thăm Việt Nam khoảng 48 tiếng đồng hồ, từ tối 20/5 đến trưa ngày 22/5/2009, tại TP HCM và Hà Nội, trong "chuyến hành trình 18 ngày vòng quanh thế giới" như ông đã viết trên blog của mình.
Nhìn chung, thời gian để ông diễn thuyết khi ở TP HCM là khá nhiều (cả ngày), nhưng trước độc giả rộng lớn và chủ yếu là báo chí và doanh nghiệp, dường như ông đã không đi sâu được vào những khía cạnh mà ông mạnh nhất, như vấn đề khủng hoảng kinh tế và thương mại quốc tế. Các câu hỏi liên quan đến thực tế Việt Nam đã làm ông bối rối, vì ông phải thú thực rằng ông không biết gì nhiều về Việt Nam.
Nửa buổi sáng buổi tọa đàm ở Hà Nội, thành phần chỉ gồm khoảng 30 nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế, và do chỉ ở dạng đối thoại mà không có diễn văn, nên chứa đựng hàm lượng thông tin khá cô đọng, phản ánh được khá rõ quan điểm của Krugman.
Những khuyến nghị cho Việt Nam
Khi được hỏi ba việc quan trọng nhất Việt Nam cần làm để lo liệu hậu khủng hoảng, Paul Krugman đưa ra các khuyến nghị như sau: 1) Đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ cập; 2) Đầu tư vào cơ sở hạ tầng; 3) Nâng cao kiểm soát và lành mạnh hoá hệ thống tài chính để tránh một cuộc khủng hoảng trong tương lai. Đây là những việc cần làm tốt để duy trì tăng trưởng tốt, và cũng để tránh đất nước sa vào cái bẫy thu nhập trung bình trong tương lai.
Krugman cũng tiếp tục ủng hộ mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu. Chỉ thông qua mô hình này, các ngành sản xuất trong nước mới có thể tiếp cận các thị trường to lớn trên thế giới. Chỉ dựa vào thị trường trong nước là không đủ. Ngay cả khi các mặt hàng hiện nay còn ở dạng thâm dụng lao động thì cũng cần kiên nhẫn và dịch chuyển dần dần lên các mặt hàng có công nghệ cao hơn, như trường hợp Hàn Quốc của những năm 1960. Ông nhấn mạnh rằng không nên quá sốt ruột mà ép thúc đẩy tăng trưởng quá nhanh, vì có thể sẽ mắc phải những sai lầm vì đầu tư quá nhiều vào một ngành nào đó.
Với tư cách một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, Krugman cho rằng Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế vì giá lương thực có thể sẽ tăng lên trong dài hạn do nhu cầu tiêu thụ lương thực ở dạng ngũ cốc lẫn thịt đều tăng, trong khi muốn tăng sản lượng thịt thì lại cần dùng ngũ cốc. Do đó, nhìn chung cầu về sản phẩm ngũ cốc sẽ giữ khuynh hướng tăng trong dài hạn, trong khi cung là hữu hạn nên rốt cuộc giá sẽ tăng.
Là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế quốc tế, Krugman tỏ ra đặc biệt thận trọng với sự tự do hoá thị trường vốn, và không do dự khi đưa ra lời khuyên rằng Việt Nam không nên vội vàng với quá trình này. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự di chuyển mạnh, dù ra hay vào, của các luồng vốn nước ngoài đều kéo theo những xáo động kinh tế lớn. Điều này càng đặc biệt thấy rõ ở các nền kinh tế mà GDP đầu người còn thấp hơn 10.000 USD. Ông cho rằng việc tự do hoá thị trường vốn cần được củng cố trước hết bằng sự trưởng thành và lớn mạnh của hệ thống ngân hàng tài chính trong nước.
Một vấn đề nữa cũng được thảo luận, liên quan đến ảnh hưởng của chính sách phá giá tiền tệ. Krugman vẫn trung thành với quan điểm đã nêu lên từ cách đây hơn 30 năm trong một bài nghiên cứu viết cùng Lance Taylor, rằng các nước có nợ nước ngoài lớn và thâm hụt thương mại cao sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực vì phá giá thay vì những ảnh hưởng tích cực như trong các phân tích kinh tế thông thường. Ông còn lưu ý rằng, so với 30 năm trước, thì giờ đây ảnh hưởng có vẻ còn mạnh hơn vì các nền kinh tế đang phát triển hiện có nợ nước ngoài lớn hơn trước đây.
Tình hình thế giới nói chung
Theo nhận định của Krugman thì cuộc khủng hoảng hiện nay có rất nhiều điểm giống với cuộc Đại khủng hoảng 1929 - 1933 nếu nhìn qua diễn biến của các thống kê vĩ mô như quỹ đạo đi xuống của tổng sản lượng công nghiệp, sự thu hẹp của thương mại toàn cầu, v.v... Do đó, ông tỏ ra lo lắng về thời gian của khủng hoảng vì theo cách so sánh trên, hiện nay thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của khủng hoảng, và vẫn đang tiếp tục hướng về đáy, mặc dù tốc độ đi xuống đang ngày càng chậm hơn (đến gần đáy hơn). Ông cũng lo ngại rằng hướng đi của khủng hoảng sẽ theo kiểu xuống nhanh phục hồi chậm (như logo của hãng đồ thể thao Nike), hay bi quan hơn là hình chữ L (như trường hợp suy thoái của Nhật Bản từ đầu thập niên 1990 tới nay).
Krugman lý luận rằng sự phục hồi sẽ tới chậm vì trước khủng hoảng, hàng hoá lâu bền đã được sản xuất ra quá mức cần thiết (đặc biệt trường hợp lượng nhà dân dụng được xây mới ở Mỹ), do đó, trong thời gian tới, sẽ không có nhiều nhu cầu mới trong lĩnh vực quan trọng này. Thêm vào đó, tiêu dùng của dân chúng sẽ không còn dễ dãi và tăng nhanh như trước nữa, vì sau khủng hoảng, người dân có khuynh hướng thận trọng hơn trước môi trường đầy bất trắc, mà kết quả là sẽ ưu tiên để dành hơn là tiêu pha.
Bài học lớn cho thế giới là bài học đã được Krugman cảnh báo lặp đi lặp lại từ lâu, là tinh thần mất cảnh giác với nguy cơ khủng hoảng. Những cuộc khủng hoảng ở Mỹ La tinh thập niên 1980, rồi khủng hoảng tiền tệ châu Á cuối thập niên 1990, là những lời cảnh báo cho cuộc khủng hoảng lớn ngày hôm nay, nhưng đã bị phớt lờ vì sự chủ quan không chỉ trong giới cầm quyền mà cả giới học thuật, những người luôn chủ quan cho rằng các cuộc khủng hoảng lớn đã bị chế ngự ở các nước phát triển, trung tâm văn minh và kinh tế thế giới. Khủng hoảng chỉ có thể xảy ra ở vùng rìa, ở những nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng "sổi" và hàm chứa đầy méo mó về thể chế và tư tưởng.
Giờ đây cuộc khủng hoảng đã nổ ra ngay tại nước Mỹ, và những bài học truyền thống từ cuộc Đại khủng hoảng vẫn còn nguyên giá trị, như là việc tăng cường giám sát tài chính, quy định chặt chẽ tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các thể chế tài chính, và không nên ảo tưởng rằng những sáng tạo tài chính mới có thể làm giảm rủi ro hệ thống.
Về chính sách kích cầu hiện nay ở các nước châu Âu và Mỹ, Krugman cho rằng, trước tình hình không có gì lạc quan về sự phục hồi của hai thành phần tổng cầu quan trọng như đã đề cập ở trên, Nhà nước cần can thiệp mạnh hơn nữa, và quy mô các gói kích thích hiện còn quá nhỏ. Krugman cho rằng chỉ có gói kích cầu ở Trung Quốc hiện nay là đáng kể, còn tất cả các gói kích cầu khác đều chưa đủ. Và vì nguy cơ suy thoái còn dài, nên thậm chí tình trạng giảm phát sẽ còn là một mối đe dọa.
Cho nên, cần mạnh tay kích cầu mà không sợ lạm phát. Cần lưu ý một chút ở đây, là có vẻ như cái mà Krugman gọi là "tất cả các gói kích cầu khác" thực chất là châu Âu và đặc biệt là ông muốn hướng tới Mỹ. Nhưng dường như báo chí Việt Nam đã hiểu rằng Việt Nam cũng nằm trong số đó, và ngay sau buổi tọa đàm ở TP. Hồ Chí Minh, một số báo đã chạy những hàng tít lớn cần tăng gấp đôi gói kích cầu như thể đó là lời khuyên của ông dành cho Việt Nam. Đây là một hiểu lầm mà khi Krugman biết thêm một chút về Việt Nam, hẳn ông sẽ hối tiếc.
Krugman cũng lưu ý phải có sự phối kết hợp chính sách kích thích giữa các nước, vì khi một nước kích cầu ồ ạt, họ cũng đồng thời kích cầu cho phần còn lại của thế giới thông qua nhập khẩu. Trong khi đó nợ quốc gia tăng thì chỉ mình nước đó gánh chịu. Vì vậy, nên có sự thảo luận chặt chẽ về kế hoạch chính sách giữa các nền kinh tế lớn.
Lập luận về ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, ông cho rằng kênh lan truyền chủ yếu thông qua sự suy giảm thương mại quốc tế. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự sản xuất thừa các sản phẩm hàng lâu bền, những nước xuất khẩu hàng tư bản truyền thống như Nhật hay Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, trong khi các nước xuất khẩu hàng tiêu dùng trước mắt và lương thực thực phẩm sẽ ít bị tổn thương hơn. Krugman giữ quan điểm rằng giá lương thực sẽ tăng lên trong dài hạn vì cầu dài hạn của ngành này vẫn tăng.
Khi được hỏi liệu mô hình phát triển hiện nay của các cường quốc có cần phải xem xét lại hay không, Krugman khẳng định rằng đây không phải là cuộc khủng hoảng về mô hình phát triển, mà chỉ là do sự thiếu thận trọng trong quản lý cấu trúc tài chính và những mất cân đối toàn cầu. Tuy nhiên, Krugman thừa nhận rằng mô hình phát triển dựa trên thị trường tự do cao độ của Mỹ, so với nền kinh tế thị trường có hướng xã hội ở châu Âu, sẽ tạo nên những cái giá đắt cho con người trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng. Lý do là vì sự sa thải nhân công diễn ra quá dễ dãi ở Mỹ trong khi hệ thống bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội lại không được tốt như ở châu Âu. Hậu quả lên con người sẽ là lâu dài, ông nhấn mạnh.
Trung Quốc và đồng nhân dân tệ
Trung Quốc là mối quan tâm lớn hiện nay của cả các nước lớn và các nước nhỏ, và Paul Krugman dành khá nhiều thời gian để thảo luận về các vấn đề liên quan đến nước này.
Ông cho rằng gói kích cầu của Trung Quốc là đủ lớn và sẽ có tác dụng hữu hiệu, nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế nước này đã bắt đầu phục hồi như các tuyên bố của giới lãnh đạo nước này. Ông cho rằng tuyên bố như thế là quá sớm, vì chưa có các dấu hiệu thực tế từ nền kinh tế ủng hộ cho nhận định đó. Krugman cũng lưu ý rằng gói kích cầu được tuyên bố là rất lớn, nhưng có thể được giải ngân lâu hơn một năm, nên cần phải nhìn vào thực tế đó nữa.
Trước mối quan tâm mà theo lời ông, đã gặp ở khắp nơi trong chuyến đi lần này, là sau cuộc khủng hoảng này, đồng nhân dân tệ có thể thay thế đồng USD của Mỹ hay không, Krugman khẳng định rằng điều ấy là không thể. Hình như để khán giả bớt cụt hứng, ông thêm rằng việc thay thế không phải là không thể xảy ra, nhưng nếu có, thì ông sẽ không được chứng kiến trong cuộc đời mình. Có hai lý do căn bản. Thứ nhất, đồng nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi, do đó chưa thể đóng vai trò như đồng tiền trung gian trong các giao dịch quốc tế. Thứ hai, mặc dù việc nền kinh tế Trung Quốc sẽ vươn lên hàng đầu thế giới chỉ là vấn đề thời gian, nhưng nếu quy đổi theo mức thị trường, thì còn mất nhiều chục năm nữa quy mô nền kinh tế nước này mới bằng được Mỹ. Vào thời điểm hiện nay, đồng nhân dân tệ còn thua xa đồng yen, chưa kể là đồng euro và USD. Thêm vào đó, ngay khi đã hội đủ hai yếu tố căn bản trên, đồng nhân dân tệ vẫn không dễ dàng truất ngôi đồng USD. Vì như kinh nghiệm lịch sử cho thấy, ngay từ năm 1880 đồng USD đã rất mạnh, nhưng phải đến năm 1935 nó mới có thể thay thế được đồng bảng Anh.
Krugman thừa nhận rằng trong dài hạn, Đông Á sẽ trở thành trung tâm kinh tế thế giới. Với sức mạnh của mình, Trung Quốc sẽ trỗi dậy như một nền kinh tế quan trọng bậc nhất, cho nên, sự gia tăng hợp tác kinh tế với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực cũng đều mang lại kết quả tích cực. Dường như Krugman nhấn mạnh quan điểm này để ủng hộ cho sự thúc đẩy thương mại giữa các nước lớn, trọng tâm là Mỹ, với Trung Quốc, thay vì nhìn nhận tiến trình một cách hoài nghi và quan ngại. Là một người ủng hộ thương mại tự do, hẳn ông không muốn có một cuộc chiến thương mại giữa các đại cường.
...............
Nhà đầu tư sàn vàng đua bán ra
Lệnh bán của nhà đầu tư trong nước tăng mạnh theo đà giảm của vàng thế giới. Những người lướt sóng ngắn cũng tỏ ra lo ngại khả năng vàng lặp lại kịch bản của hôm qua: giảm để tăng lại.
> Giá vàng bất ngờ giảm mạnh / Nhà đầu tư sàn vàng tăng mua khi giá lên cao
"Có vẻ vàng đang lặp lại kịch bản ngày hôm qua, giảm đầu phiên Châu Âu và cuối phiên Châu Á để sau đó điều chỉnh tăng trở lại", một số nhà phân tích đã đưa ra nhận định về hướng điều chỉnh giá vàng trong ngày 3/6.
Tại các sàn trong nước, tâm lý giới đầu tư vẫn hết sức thận trọng với hướng giá tăng khi vàng thế giới chưa bứt phá qua vùng 988 - 990 USD một ounce, mức được cho là cản vững về kỹ thuật.
Nhà đầu tư trên các sàn vàng đang chờ điểm tốt để bán ra. Ảnh: T.A
Ông Tân, một nhà đầu tư tại trung tâm giao dịch vàng VietA cho biết đang tìm thời điểm bán ra nhưng giá sàn liên tục giảm. Giá vàng tại sàn này chiều nay ở vào điểm thấp nhất trong ngày với 21,433 triệu đồng một lượng. So với mức giá cao nhất đạt được trong ngày, hiện giá sàn đã giảm 167.000 đồng một lượng.
Các nhà đầu tư cho biết đang kỳ vọng giá khớp sẽ tăng lại theo kịch bản ngày hôm qua. Đến 16h chiều nay, Trung tâm giao dịch vàng VietA đạt 52.580 lượng. Giá khớp thành công cao nhất ngày hôm nay tại sàn này là 21,6 triệu đồng một lượng.
Trung tâm giao dịch vàng Vi Na VJC đang giảm giá mạnh trở lại cùng vàng thế giới vào giữa phiên chiều nay. Hiện trung tâm này khớp lệnh quanh 21,079 triệu đồng. Giá khớp tiếp tục đà giảm. Mức giá cao nhất Vi Na VJC đạt được vào đầu giờ chiều nay là trên 21,1 triệu đồng.
Những diễn biến giá trên các sàn và trung tâm giao dịch vàng trong nước hiện nay vẫn theo sát vàng thế giới. Theo chia sẻ của giới đầu tư, phần lớn họ dõi theo biến động giá của vàng thế giới để đưa ra quyết định mua, bán.
Sàn vàng ACB đã giảm xuống mức thấp với giá khớp vào lúc 16h chiều nay chỉ còn 20,973 triệu đồng một lượng. Khối lượng chờ mua trên sàn này đang tăng lại so với khối lượng các lệnh chờ bán. Sàn vàng này vẫn duy trì mức giá thấp hơn 50.000 đồng một lượng so với vàng thế giới.
Các sàn và trung tâm giao dịch vàng khác cùng giảm về mức thấp trong ngày theo vàng thế giới, đà giảm này được tác động từ vàng thế giới cùng các trạng thái bán khi vàng thế giới không vượt qua được vùng giá cản 988 - 990 USD một ounce.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đóng cửa chiều nay lúc 17h với mức niêm yết vàng miếng SJC ở mức 21,42 - 21,5 triệu đồng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng một lượng so với vài phút trước đó.
Vàng miếng Thần Tài Sacombank (SBJ) tại hệ thống Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín sau nhiều lần đều chỉnh tăng giảm đã chốt ngày giao dịch ở mức giá 21,44 - 21,56 triệu đồng.
Giá vàng thế giới đã tăng 0,5% ngay đầu phiên Châu Á ngày hôm nay khi đồng USD tiếp tục mất giá so với những ngoại tệ chính khác trong rổ tiền tệ, thúc đẩy hoạt động mua vào của giới kinh doanh như một công cụ phòng ngừa cho sự yếu kém của đồng bạc xanh.
Vàng chạm mức cao nhất với 989 USD một ounce, tăng nhẹ so với mức đỉnh đạt được hồi đầu tuần qua là 988 USD. Sức tăng của vàng theo nhận định của giới chuyên gia là chưa bền khi thị trường được dự báo sẽ điều chỉnh giảm lại quanh vùng 984 USD một ounce. 17h chiều nay, vàng thế giới đang ở mức 890 USD một ounce.
...........
Phía sau sự phá sản của General Motors
Quy mô khổng lồ và sự phức tạp trong vụ phá sản GM khiến ngay cả người Mỹ cũng không hiểu hết. Câu hỏi phổ biến là việc bảo hành có bị ảnh hưởng và giá xe sẽ ra sao.
Hãng xe lớn thứ hai thế giới đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 1/6. New York Times đã mời Micheline Maynard, người từng viết những bài về công nghiệp ôtô cùng Ron Lieber, bình luận của tờ Your Money và Tara Siegel Bernard, phóng viên chuyên về mảng tài chính, trả lời độc giả.
General Motors không còn hoạt động kinh doanh?
Không! Tập đoàn này đang tái cấu trúc theo Điều 11 của Luật bảo vệ phá sản Mỹ. Luật cho phép các công ty bán tài sản của mình, cơ cấu lại nợ, hủy hợp đồng và đóng cửa các đơn vị. Tới khi nào công ty cảm thấy đủ điều kiện thoát khỏi tình trạng phá sản, họ có thể khôi phục dưới pháp nhân mới.
Thời gian đó là bao lâu?
Các quan chức cao cấp của Nhà Trắng cho rằng mất khoảng 60 đến 90 ngày. General Motors dự định áp dụng mục 363 trong luật để bán tài sản, thoát khỏi các nghĩa vụ pháp lý và cơ cấu lại nợ, nhằm tạo ra một phiên bản mới.
Hummer đã bị bán cho hãng xe Trung Quốc. Ảnh: AP.
Ngày 1/6, tòa cho phép Chrysler bán tài sản của mình cho Fiat chỉ một tháng sau khi hãng này nộp đơn xin bảo vệ phá sản. Phần còn lại của Chrysler vẫn nằm dưới quyền giám sát trong vài tuần nữa. Trường hợp của Chrysler khá đặc biệt. Thường thì trạng thái bị giám sát kéo dài lâu hơn.
Ai là người quyết định về các mẫu xe mới của GM?
Vẫn là họ. Nhưng Ban cố vấn của Tổng thống Obama vừa tuyên bố tiêu chuẩn môi trường hết sức nghiêm ngặt để khuyến khích các mẫu xe tiết kiệm xăng như hybrid và xe điện. Do đó, có thể hiểu GM sẽ chịu sự chi phối lớn từ các quan chức chính phủ.
Số phận các đại lý?
Điều 11 cho phép GM hủy các hợp đồng nhượng quyền thương mại với các đại lý. Theo kế hoạch, 1.100 đại lý sẽ bị loại trong vòng 18 tháng tới. Số lượng có thể còn nhiều hơn. Đại lý có thể đâm đơn kiện nhưng kết luận cuối cùng thuộc về thẩm phán. Trong thời gian chờ đợi, GM vẫn tiếp tục cung cấp xe.
Có sự khác biệt lớn nào giữa hai trường hợp GM và Chrysler?
Chrysler đạt được thỏa thuận bán tài sản cho Fiat trước khi nộp đơn phá sản. GM thì vẫn đang cơ cấu lại những gì mình có, gồm cả khoản tiền viện trợ của chính phủ. Bộ Tài chính Mỹ dự kiến rót cho GM 30 tỷ USD. Vì vậy, sự ràng buộc là rất lớn.
Tương lai của các công nhân?
Với các công nhân không nằm trong nghiệp đoàn ôtô Mỹ UAW, GM có thể yêu cầu tòa án giảm lương ngay lập tức. Công ty có thể sa thải và đóng cửa văn phòng giống như khi chưa nộp đơn.
Còn với các thành viên nghiệp đoàn hoặc các tổ chức có ảnh hưởng khác, trừ khi công ty yêu cầu tòa án chấm dứt hợp đồng thì họ mới phải nghỉ việc. Tuy nhiên, UAW đã đạt được thỏa thuận vào cuối tuần trước. "GM mới" sẽ vẫn duy trì hợp đồng.
Trợ cấp lương hưu và chăm sóc sức khỏe sẽ ra sao?
Nhà Trắng tuyên bố trong trường hợp doanh số tăng, các khoản trên sẽ được chuyển sang công ty mới và không có thay đổi. Về luật, GM có quyền yêu cầu tòa cắt lương hưu. Nếu trường hợp này xảy ra, người lao động được nhận một khoản tiền lương (nhỏ hơn nhiều) từ văn phòng việc làm liên bang.
GM cũng có thể cắt trợ cấp chăm sóc sức khỏe với những ai không phải là thành viên nghiệp đoàn.
Còn các nhà cung cấp phụ kiện?
Nhà Trắng cho biết hợp đồng với các nhà cung cấp vẫn được duy trì. Họ sẽ có những chương trình hỗ trợ đặc biệt. Tuy nhiên, về luật thì các hợp đồng này hoàn toàn có thể bị hủy.
Hạn bảo hành của xe vẫn được giữ nguyên?
Đúng. Bộ Tài chính khẳng định thời gian bảo hành cho khách hàng mua xe GM và Chrysler trong thời gian tái cấu trúc vẫn được giữ nguyên. GM còn khẳng định thực hiện đúng theo hợp đồng. Nếu bạn có xe Saturn hoặc một thương hiệu đã bị khai tử, việc bảo hành sẽ được tiến hành ở các đại lý GM khác, do công ty chỉ định.
Những cổ đông hiện thời của GM phải làm gì?
Nếu có, hãy bán càng nhanh càng tốt. Cổ phiếu GM không còn giao dịch trên sàn chứng khoản New York kể từ 2/6. Nếu có quá ít, đừng bận tâm. Những ai có giấy chứng nhận cổ phần có thể bán trên eBay. Bạn có thêm ít tiền khi ai đó muốn mua để sưu tập.
Giá xe sẽ thế nào?
Trị giá những chiếc xe gắn một trong các thương hiệu mà tập đoàn này nắm giữ sẽ xuống nhanh chóng. Mức độ xuống giá tùy thuộc dòng xe, năm sản xuất, điều kiện kinh tế trong tương lai và liệu công ty có đủ khả năng thoát khỏi trình trạng phá sản.
GM vẫn tiến hành các đợt thu hồi xe?
Thật điên rồ nếu họ không làm. Nhưng chúng ta không thể khẳng định được vào lúc này. Có quá nhiều câu hỏi đang đặt ra và GM chắc chắn không thể trả lời hết. Mọi quyết định giờ đây đang nằm trong tay tòa án. Hãy theo dõi tình hình thường xuyên để có được thông tin cần cho bạn.
..............
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro