Q1 - Chương 4: Diện thánh
Lý Oánh ngồi trên xe ngựa, đôi mắt dõi theo hàng cây lẫn phố phường đông nghịt người dần lùi về sau. Chị âm thầm tìm kiếm hồi ức xưa, lẩm bẩm tên của từng nơi vụt ngang qua. Nhìn lên trời cao xanh thẳm, rồi trước mặt là cổng Đại Hưng rộng lớn, cao cả chục trượng.
Họ đã đến thành Thăng Long rồi.
Thành Thăng Long - một nơi mà không chỉ có chân mệnh thiên tử hay vương thân quốc thích cư ngụ.
Sử cũ triều Lý ghi chép, từ khi Lý Thái Tổ ban chiếu dời thiên đô về thành Đại La đã đổi tên nơi này thành Thăng Long. Thăng Long được xây trên đất Long Đỗ, dựng theo cấu trúc "Tam trùng thành quách". Cụ thể, theo chị nhớ, "Tam trùng thành quách" chính là có một thành mà có ba vòng bao bọc.
Vòng thành trong cùng nơi vua ở, gọi là Cấm thành. Vòng thành cách giữa nơi bao bọc vua và triều đình làm việc, nói cách khác là bao trọn cả Cấm thành, được gọi là Hoàng thành.
Hoàng thành có bốn cổng: Diệu Đức, Đại Hưng, Tưởng Phù, Quảng Phúc.
Cổng Bắc là Diệu Đức, nơi hướng ra sông Tô Lịch. Cổng Nam Đại Hưng, cổng Tây Quảng Phúc, không xa chính là chùa Diên Hựu và chợ Ngọc Hà. Cổng Đông, hay còn gọi là cổng Tưởng Phù, là nơi hướng ra khu phố buôn bán tấp nập, chợ Đông và đền Bạch Mã.
Vòng thành ngoài cùng bao bọc nơi ở quan thần, thái tử, hoàng tử, dân chúng, được gọi là Đại La thành. Vùng đất nằm giữa Hoàng thành và Đại La thành gọi là Kinh thành. Khu vực này xen kẽ đời sống sinh hoạt của muôn dân và các quý tộc.
Lý Oánh thở hắt ra, trái tim như có vật gì đè phải. Cảm giác quay về đây khiến sống mũi chị cay cay.
Quá lâu rồi, từ khi còn bé tí đến tận bây giờ chị vẫn nghĩ sẽ không có cơ hội vào cung nữa. Nhưng chuyện đời không biết có bao lần "nghĩ rằng" và "sẽ không". Tất cả chỉ cần hai chữ "duyên nợ" đều đủ làm sợi dây số mệnh ràng buộc một kiếp người.
Rồi chị nghe loáng thoáng tiếng quân lính bên ngoài kiếm tra xe ngựa. Nhận được ý chỉ triệu về kinh, bọn họ lập tức mở cổng.
Lý Oánh siết chặt góc áo, tự trấn an bản thân không có gì phải...
Lo lắng.
Đôi mắt thoáng lay động, chị như bừng tỉnh.
Chị đang lo lắng sao?
Từ khi chị bắt đầu hiểu chuyện, chị đã biết rằng tiền Thái hậu không ưa chị, năm lần bảy lượt làm khó mẫu hậu, không cho phép bà sinh chị ra. Sau khi chào đời, để tránh sự truy sát của bà, phụ hoàng phải để chị lánh đi nơi khác.
Nhưng tranh chấp xảy ra liên miên, dần dà, mọi người cũng quên mất còn có một trưởng công chúa.
Cứ thế chị trải qua những tháng ngày cô đơn, sống trong sự lãng quên của người đời. Cho đến khi hôn ước vào tay, Lý Oánh cũng vỡ lẽ.
Từ nhỏ đến lớn chị không mong cầu gì hơn ngoài tình thương của phụ mẫu, chỉ tiếc đời này chị không đủ phúc, ước mong ấy khó mà có được. Giờ đây rơi vào cảnh nước mất nhà tan, cha mẹ đã ly tán thì chị không còn gì để lo lắng cả.
Chị tự trấn an mình.
Ừ, không còn gì để lo lắng cả.
Về đây cũng chỉ một chút mà thôi. Không cần phải...
Lưu luyến.
"..."
Qua cổng Đại Hưng, trời bỗng tối sầm, mưa lách tách từng giọt rồi ào ạt như thác đổ.
Trần Liễu vén mành ra trước. Mưa át đi tất cả âm thanh nhưng sao lại nghe thấy tiếng y ôn tồn gọi chị:
"Ta đã tới lầu Phượng rồi thưa công chúa."
Lầu Phượng, hay Ngũ Phượng Tinh Lâu là cổng duy nhất để vào Cấm thành. Lầu được chạm khắc hình phượng thướt tha, trang trí thêm phần ở bờ nóc làm tăng thêm vẻ thanh thoát. Mưa đáp trên mái thành, du dương tạo nên âm thanh "lách tách" vui tai. Một cơn mưa đầu xuân, không khí vô cùng mát mẻ trong lành.
Trần Liễu đỡ chị xuống, người hầu cũng đã sẵn dù đưa họ vào cung.
Qua lầu Phượng sẽ đến điện Phụng Tiên, trên điện Phụng Tiên là lầu Chính Dương báo canh báo khắc. Sau điện Phụng Tiên là sân Rồng, là nơi diễn ra các yến tiệc linh đình. Trên sân Rồng có thềm Long Trì cho các quan vào chầu. Long Trì dẫn đến chính điện Thiên An làm nơi thiết triều, bên tả điện Tuyên Đức, bên hữu điện Thiên Phúc. Từ điện Thiên An bắc qua cầu Phượng Hoàng là điện Thiên Khánh - nơi vua vận hành chính sự ngày thường.
Hai người dừng chân ở điện Phụng Tiên rồi rẽ phải theo hành lang. Từ đây có thể thấy rõ điện bát giác Thiên Khánh, ngoảnh đầu lại có điện Trường Xuân nằm phía sau.
Điện Trường Xuân là tẩm điện của hoàng đế, phía trên dựng *Long Đồ các. Tòa điện sơn son, trên cột vẽ hình rồng uốn lượn, điểm thêm hạc và tiên nữ, ước chừng cao hơn cả chục ngàn thước. Dù là trong màn mưa vẫn không lấp được ánh đèn thắp rực cả điện.
Nhưng đây không phải chốn chị nên dừng chân, vì Trần Liễu vừa nói rằng hoàng hậu đã dời sang cung Thúy Hoa rồi. Thế là y kéo chị rẽ trái, thẳng một chút lại rẽ phải, trông hoa cả mắt. Rất nhanh đã đến cửa Diệu Đức.
"Sau cánh cửa này là cung Long Thụy, cung nữ đã chờ sẵn. Nàng cứ thay y phục đợi ta quay lại."
Trần Liễu xong việc liền rời đi tức khắc.
"..."
Trời như trở tối, mưa thêm rả rích. Bóng đen bao trùm Cấm thành, duy không thể dập tắt được ánh nến ấm áp trong điện Thiên Khánh.
"Phụ hoàng." - Trần Cảnh cung kính hành lễ với người ngồi bên bàn rồng trước mặt.
Trần Cảnh lên ngôi, tuổi còn nhỏ nên không thể đảm đương được chính sự. Dù đã phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ nhưng ông cho rằng bản thân không viết chữ, không thể nắm chính quyền. Vì thế thánh phụ Trần Cảnh là Trần Thừa tự xưng Thượng hoàng, tạm thay hắn cầm quyền quốc sự, nhiếp chính.
Thế nên người ngồi giữa điện Thiên Khánh hiện giờ chính là Thượng hoàng. Ông đang duyệt tấu chương nhưng vẫn đưa mắt lên nhìn hoàng đế nhỏ:
"Trần Liễu đã về rồi đấy."
Trần Cảnh bất ngờ:
"Anh vừa về ạ? Nhanh thế ạ?"
Ông cười, mí mắt cong lên vô cùng hiền hòa:
"Phủ Long Hưng xa xôi, nó chịu về đây đỡ đần cho ta thì tốt. Lát nữa con sai người sắp xếp cung Ly Minh, đón Phụng Càn Vương vào thành."
Trần Cảnh còn chưa kịp đáp, sau lưng đã vang lên tiếng đàn ông dõng dạc:
"Trần Liễu xin tham kiến phụ hoàng, tham kiến bệ hạ."
____________________
Chú thích:
Chùa Diên Hựu: hiện là chùa Một Cột.
Đất Long Đỗ: theo truyền thuyết, Cao Biền mộng thấy thần Long Đỗ khi đang đắp thành nên đặt tên nơi này là Long Đỗ. Vì vậy về sau sử sách còn gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.
Long Đồ các: có 4 tầng. Trên cùng và tầng tiếp xuống là vua ở, trị thiên hạ. Hai tầng dưới cũng dùng làm việc.
Toàn bộ cung đình, kiến trúc, cấu trúc thành Thăng Long dựa trên ĐVSKTT và bài viết "Quy hoạch Cấm thành Thăng Long thời Lý". Vì tư liệu chưa quá rõ ràng nên có thể còn sai sót.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro