Chương 28: Sự Cảm Thông
Bruno tìm thấy Samina trong một căn phòng mờ tối, nơi không khí đặc quánh mùi hôi của tử thi và tro cốt. Ánh sáng duy nhất trong phòng là bóng đèn sợi đốt treo trên trần, phát ra ánh sáng vàng nhợt nhạt, khiến mọi thứ trong phòng đều toát lên vẻ ảm đạm. Một bên phòng chất đầy những xác chết được liệm sơ sài bằng vải trắng, vết máu thấm qua những lớp vải thành những đốm loang lổ như những vết ố không thể tẩy rửa. Bên kia phòng là những chiếc kệ gỗ cũ kỹ, nơi các hộp giấy bìa được xếp ngay ngắn, mỗi hộp được thắt dây ruy băng và dán một cái tên. Những cái hộp nhỏ bé ấy đựng tro cốt của những người đã chết - những sinh mạng bị chiến tranh nuốt chửng và giờ chỉ còn lại trong hình hài của những hạt bụi. Căn phòng này từng là một kho chứa đồ, nhưng giờ đây đã bị biến thành nơi lưu trữ cái chết. Bruno đứng ở ngưỡng cửa, khẽ rùng mình khi cảm nhận được sự lạnh lẽo thấm vào da thịt mình, dù đang là mùa hè.
Anh khẽ gọi:
- Fräulein Samina.
Samina đang đứng trước kệ tủ, dáng vẻ trầm lặng như đang chiêm nghiệm một điều gì đó sâu xa. Cô không nghe thấy tiếng gọi đầu tiên của anh. Bruno gọi lại, lần này lớn hơn một chút:
- Fräulein Samina!
Cô giật mình quay lại, đôi mắt xanh dịu dàng hướng về anh và đôi môi hé nở một nụ cười nhẹ nhàng thường trực. Nụ cười ấy, dù trong bối cảnh u ám thế này, vẫn mang theo một sức sống kỳ lạ như bụi hoa trên đất cằn.
- Chào ông, Bruno. Ông vào đây làm gì thế, mein Herr?
Bruno bước vào phòng, vừa tiến gần hơn về phía cô vừa trả lời:
- Tôi đang đi tìm bà. Nhưng bà đang làm gì thế kia?
Samina vẫn đứng yên trước kệ tủ, đưa mắt nhìn những cái hộp giấy với vẻ lơ đãng.
- Đột nhiên tôi lại có cảm hứng để viết sách, Bruno ạ.
- Viết sách à? Về chủ đề gì thế?
- Về cuộc nổi dậy này. Những chiếc hộp tro cốt kia đã gợi cho tôi cảm hứng để viết về nó.
Bruno khẽ gật đầu, giọng anh thấp xuống, pha lẫn chút trầm ngâm:
- Là một quyển hồi ký, tôi đoán vậy? Bà sẽ viết dưới góc nhìn và trải nghiệm của mình?
- Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng nếu không viết lại, những câu chuyện này sẽ bị lãng quên.
Câu trả lời của cô như một cú đánh thẳng vào tâm trí Bruno. Anh không thể ngăn mình tự hỏi, liệu có phải chính những linh hồn của những người chết trong căn phòng này đang thì thầm vào tai cô và yêu cầu cô viết sách hay không? Ý nghĩ đó khiến Bruno cảm thấy lạnh sống lưng. Anh nhớ lại câu chuyện cũ về nhà thờ Thánh Paul ở Luân Đôn, rằng một kiến trúc sư đã xây dựng nên nhà thờ đó theo lời phán truyền của Chúa thông qua những con chim bồ câu. Bruno chưa bao giờ tin vào những câu chuyện kỳ bí như vậy, nhưng trong khoảnh khắc này, anh không thể không liên tưởng Samina với người kiến trúc sư ấy. Anh thầm nghĩ:
"Cô ấy giống hệt Hans, nhưng thẳng thắn và dễ hiểu hơn."
Samina đột ngột quay lại, đứng đối diện với anh. Cô thấp hơn anh một cái đầu, nhưng ánh mắt của cô lại có một sự kiên định và cương quyết hơn vẻ ngoài. Ở khoảng cách gần như vậy, Bruno nhận ra đôi mắt xanh của cô đẹp hơn bất kỳ điều gì anh từng thấy - sâu thẳm, êm dịu tựa như dòng sông Rhine đang chảy lặng lẽ qua những thung lũng thanh bình.
Cô lên tiếng, giọng nhẹ nhàng nhưng không giấu được chút do dự:
- Bruno, tôi có thể hỏi ông điều này được không?
Bruno gật đầu, nhưng mắt anh liếc nhìn về phía những chiếc xác liệm vải trắng ở góc phòng. Anh cảm thấy không thoải mái khi đứng quá gần cái chết.
- Tất nhiên, thưa bà. Nhưng... chúng ta có thể ra ngoài nói chuyện không? Tôi nghĩ nơi này không thích hợp.
- Không, tôi muốn riêng tư. Chúng ta có thể ngồi chỗ này, ở gần ánh sáng hơn một chút.
Cô chỉ về góc phòng ít nặng mùi hơn, nơi ánh sáng từ bóng đèn rọi xuống rõ ràng. Bruno miễn cưỡng đồng ý và giúp cô kéo hai chiếc ghế thấp lại gần nhau.
Khi cả hai đã ngồi xuống, Bruno lên tiếng trước, đôi tay anh đan vào nhau, cố giấu đi sự bồn chồn:
- Vậy bà muốn hỏi tôi điều gì thế?
Samina nhìn thẳng vào mắt anh, vẻ mặt cô nghiêm túc hơn thường lệ.
- Lần trước ông có kể về những người bạn thời trẻ của ông, và có nhắc đến một người tên là Hans...
Bruno bất giác nhíu mày khi nghe đến cái tên ấy. Cử chỉ nhỏ này không qua được mắt Samina. Cô tiếp tục, giọng chậm rãi nhưng không giấu được vẻ tò mò:
- Tên đầy đủ của anh ấy là Johannes Friedrich Wilhelm Prinz von Friedeburg, phải không?
Bruno im lặng trong một thoáng, rồi khẽ gật đầu.
- Đúng vậy. Nhưng làm sao bà biết cậu ấy?
Samina nghiêng đầu, nụ cười nhẹ trở lại trên môi cô.
- Tôi là người tình của anh ấy. Anh ấy gọi tôi là Fräulein Hildegard, cái tên mà anh ấy dùng để giới thiệu tôi với những người quen của anh ấy. Tôi đoán ông đã từng nghe qua rồi, đúng không?
Bruno khẽ hít một hơi sâu, cố giấu đi sự ngạc nhiên đang trào lên trong lòng mình.
- Ra là vậy. Thật là một thế giới nhỏ bé.
Dẫu vậy, một cảm giác thất vọng khó chịu vẫn len lỏi trong lòng Bruno. Trước đây, anh luôn nghĩ rằng Samina là một phụ nữ độc lập và chưa từng có quan hệ tình ái với bất kỳ người đàn ông nào. Anh đã hình dung cô như một kẻ lạc loài và bất cần, chấp nhận dấn thân vào cuộc nổi dậy này vì lý tưởng hoặc vì một lý do lớn lao nào đó vượt trên những mối quan hệ cá nhân thông thường. Nhưng sự thật lại khác. Người đàn ông mà cô từng yêu, người đã đặt bút danh cho cô chính là Johannes, người bạn cũ của anh. Câu chuyện này khiến mọi thứ trong tâm trí Bruno trở nên phức tạp hơn. Dù không còn ở đây, Johannes vẫn luôn là người đến trước, luôn là cái bóng không thể tránh khỏi.
Samina để ý đến vẻ mặt buồn bã của Bruno, nhẹ nhàng hỏi:
- Ông sao thế, Bruno?
Bruno giật mình, lập tức nở một nụ cười gượng gạo, cố che đi cảm xúc thật sự. Anh lắc đầu lia lịa.
- Không, tôi không sao. Bà nói tiếp đi, thưa bà.
Samina gật đầu, đôi mắt dịu dàng dõi theo anh một cách khó đoán. Cô hỏi tiếp:
- Vậy Hans, anh ấy đã đi máy bay về Đức rồi, phải không?
Bruno thả lỏng hai bàn tay đang đan vào nhau, chuyển sang nghịch chiếc nhẫn bạc ở ngón áp út trái trong sự bồn chồn. Anh trả lời sau một thoáng ngập ngừng:
- Hừm... Hans từng bàn kế hoạch đó với tôi. Có lẽ cậu ấy đã về Đức hơn một tháng trước rồi.
Samina nhíu mày, vẻ mặt cô lộ rõ sự hoài nghi.
- Ông có vẻ không chắc chắn lắm, Bruno.
- Ồ không, thưa bà. Tôi chắc chắn cậu ấy đã về Đức cùng một người bạn khác theo lệnh sơ tán từ văn phòng toàn quyền rồi.
Samina nhìn anh chằm chằm, như muốn đọc thấu những gì anh đang che giấu. Rồi cô hỏi, giọng trầm hơn:
- Vậy tại sao ông không đi cùng Hans?
Bruno hơi nghiêng người, khuôn mặt thoáng nét khó chịu. Anh đáp chậm rãi:
- Tôi có nhiệm vụ phải ở lại. Tôi và vài người khác được chỉ định thực hiện công tác bình định trên bầu trời Warszawa. Nhưng cuộc nổi dậy nổ ra sớm hơn dự kiến và chúng tôi bị tấn công bất ngờ ngay trong một buổi tập trận.
Samina im lặng, ánh mắt trở nên xa xăm như đang cố gắng hiểu được tâm tư của Bruno. Dường như cô cảm nhận được một sự chán nản hoặc vô cảm nào đó trong giọng nói của anh. Cô hiểu, khoảng cách giữa hai người bạn - một người được sơ tán về quê nhà an toàn, người kia bị mắc kẹt giữa hỗn loạn đã để lại những dấu vết sâu đậm trong tâm lý của Bruno. Có lẽ, sự xa cách này đã góp phần tạo nên sự lạnh lùng và bất cần mà anh đang thể hiện.
Một nụ cười nhẹ hiện lên trên môi Samina, cô nói, giọng đầy cảm kích:
- Cảm ơn ông, Bruno. Cảm ơn vì ông đã cho tôi biết điều này, và cũng vì ông đã đồng hành cùng tôi từ đầu cuộc chiến đến tận bây giờ.
Bruno mỉm cười, cảm thấy nhẹ nhõm hơn trước lời cảm ơn chân thành ấy. Anh nói với vẻ hài lòng:
- Tôi cũng muốn cảm ơn bà, Fräulein Samina, với lòng biết ơn sâu sắc. Bà là một người phụ nữ có trái tim nồng nhiệt và chân thành. Giờ thì tôi đã hiểu lý do bà tham gia cuộc nổi dậy này rồi. Bà muốn làm điều gì đó nhân đạo để chuộc tội cho dân tộc Đức, phải không?
Samina ngả người ra sau và tựa lưng vào ghế. Cử chỉ của cô nhẹ nhàng nhưng không kém phần suy tư, như một người đang trôi vào dòng ký ức hoặc chiêm nghiệm về một điều gì đó lớn lao hơn.
- Ông nói cứ như tôi là Chúa Jesus cứu chuộc nhân loại vậy. Tôi không nghĩ mục đích của mình khi tham gia cuộc nổi dậy này là để người Ba Lan thay đổi cái nhìn về người Đức đâu.
Bruno nghiêng người về phía trước, khuỷu tay tựa lên đầu gối, đôi mắt chăm chú dõi theo cô.
- Vậy mục đích thật sự của bà là gì?
Ánh mắt Samina chợt trở nên lấp lánh dưới ánh sáng vàng nhạt của căn phòng như chứa đựng một nguồn cảm xúc sâu sắc đang chờ được giải phóng. Cô trả lời, giọng nhiệt tình nhưng cũng không giấu được sự đau đáu:
- Vì hòa bình và tự do, hai điều mà chúng ta đều muốn nhưng lại quá khó để đạt được. Chúng không thể tồn tại nếu không có sự cảm thông và tinh thần đoàn kết của mọi người. Nếu chúng ta không biết cảm thông, thì thế giới này sẽ chỉ còn lại sự hận thù, chà đạp và hủy diệt.
Samina dừng lại một chút, đôi mắt cô nhìn thẳng vào Bruno như muốn truyền tải một thông điệp không lời. Rồi cô tiếp tục, giọng có chút nghẹn ngào:
- Nếu chúng ta không cảm thông cho những dân tộc bị áp bức như người Slav, người Romani, người da đen hay người Do Thái thì chẳng còn gì gọi là công lý hay hy vọng nữa. Hãy thử nghĩ mà xem, Bruno. Nếu một ngày nào đó, chính người Đức chúng ta cũng bị những dân tộc khác bài trừ, bị tước đoạt tự do và bị đẩy xuống tầng lớp thấp hèn như cách chúng ta đã làm với người Ba Lan... thì đó chẳng phải là một sự trả giá thích đáng sao?
Những lời nói của Samina lúc này vang lên tựa như bài giảng của một cô giáo tận tâm trong lớp học trung học, và Bruno thì chẳng khác nào một cậu học sinh đang ngồi chăm chú lắng nghe, mặc dù mỗi câu chữ ấy tựa như những mũi kim đâm sâu vào lòng tự trọng của anh. Bruno là một quân nhân, đã sống và hít thở trong môi trường quân sự hơn chín năm, nơi mà sự cảm thông và những giá trị nhân văn hầu như không có chỗ đứng. Nhưng dù muốn phủ nhận, anh biết rằng những điều Samina nói đều là sự thật. Nếu quân đội Đức hiện tại đang thất thế khắp châu Âu, nếu họ liên tục thua trận trước Liên Xô và Đồng Minh, thì có lẽ đây chính là hậu quả, một sự trừng phạt vì lòng ích kỷ, tham lam và tàn bạo của họ.
Bruno cúi đầu, ánh mắt hơi xa xăm, thở dài.
- Kẻ mạnh chà đạp kẻ yếu. Thế giới này luôn vận hành một cách đáng buồn như thế đấy, thưa bà.
Anh không muốn để lòng kiêu hãnh dân tộc của mình bị lung lay, cũng như không muốn để Samina nhìn thấu những suy nghĩ đang chất chứa trong anh. Nhưng Samina không hề để tâm đến sự phòng thủ đó. Cô vẫn giữ nụ cười nhẹ nhàng, ánh mắt như nhìn thẳng vào sâu thẳm tâm hồn anh, và nói với giọng hồi tưởng xa xăm:
- Hans cũng từng nói điều tương tự với tôi, nhưng anh ấy kín đáo hơn tôi nhiều. Anh ấy luôn cẩn trọng, luôn biết giữ lòng mình, trong khi tôi lại thích nói thẳng, có khi còn bất cẩn nữa.
Bruno gật đầu, mỉm cười gượng gạo.
- Vâng, cậu ấy vốn như vậy từ thời còn đi học rồi. Luôn khép kín và khó đoán, nhưng rất kiên định. Ngay cả khi đã gia nhập đảng, người ta vẫn không biết rằng cậu ấy thật sự căm ghét chế độ mà mình đang phục vụ.
Samina khẽ nghiêng đầu, ánh mắt lộ vẻ thấu hiểu.
- Anh ấy gọi đó là "thời kỳ độc hại", một thời đại mà con người buộc phải thích nghi với chất độc thấm dần vào máu thịt mình. Nhưng Hans thì khác. Anh ấy không phải là người cam chịu, mà là người biết chờ đợi. Anh ấy luôn tin rằng một thể chế độc tài và thiếu vắng sự dân chủ sẽ tự diệt vong. Theo anh ấy, chiến tranh và sự suy bại của chính quốc là cái giá mà nước Đức phải trả.
Bruno im lặng một lúc, đôi tay siết chặt lại, những suy nghĩ mâu thuẫn giằng xé trong đầu. Anh thầm nghĩ: Một sự bạc nhược và hèn nhát, chỉ biết ngồi yên chờ đợi như vậy liệu có đáng được xem trọng? Nhưng rồi, ý nghĩ ấy nhanh chóng tan biến. Anh nhận ra, đối với một người trầm lặng như Hans, đôi khi không hành động lại là cách duy nhất để sống sót, và có thể, đó cũng là cách đóng góp của anh ấy vào lịch sử.
Samina nhìn Bruno, dường như nhận ra sự đấu tranh nội tâm của anh. Cô nói:
- Ông có biết không, Bruno? Không phải tất cả những người chống lại cái ác đều cần phải vùng lên cầm súng hay dẫn đầu những cuộc nổi loạn. Có những người như Hans, họ chiến đấu bằng cách giữ vững phẩm giá của mình, bằng cách chờ đợi thời khắc thích hợp để cái ác tự phơi bày và tự hủy hoại chính nó.
Bruno ngước lên nhìn cô, vẻ mặt vẫn trầm ngâm, nhưng ánh mắt dường như có một tia sáng lóe lên. Anh hỏi, giọng thoáng chút mỉa mai nhưng cũng đầy tò mò:
- Bà tin rằng chỉ cần chờ đợi thì công lý sẽ tự đến sao? Thế giới này chưa bao giờ công bằng, Samina. Những kẻ mạnh sẽ luôn chà đạp kẻ yếu. Nếu không đứng lên, làm sao có được tự do?
Samina mỉm cười, nụ cười buồn bã nhưng lại chứa đựng một niềm tin mãnh liệt. Cô đáp:
- Tự do không bao giờ đến dễ dàng, Bruno, điều đó tôi biết rất rõ. Nhưng đứng lên không phải lúc nào cũng có nghĩa là cầm súng hay chiến đấu trong máu lửa. Đôi khi, đứng lên là giữ vững những giá trị nhân văn của mình và không để chúng bị tha hóa bởi thời cuộc. Ông nghĩ sao nếu nói rằng chính sự tử tế và lòng nhân ái cũng là một hình thức chiến đấu?
Bruno ngả người ra sau ghế và trầm ngâm suy nghĩ. Câu hỏi của Samina tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại đâm thẳng vào sâu thẳm tư tưởng của anh. Anh nhớ đến những gì mình đã trải qua, những cuộc chiến, những người lính ngã xuống, những mệnh lệnh lạnh lùng được đưa ra mà không mảy may đến sự sống chết của ai. Và anh tự hỏi, liệu có phải sự thiếu vắng những giá trị nhân văn ấy đã biến cuộc chiến này thành một vũng lầy của đau khổ và hủy diệt?
Dường như cảm nhận được sự dao động trong anh, Samina tiếp tục nói, giọng cô nhẹ nhàng và kiên định:
- Bruno, chiến tranh là điều kinh khủng nhất mà con người có thể tạo ra. Nhưng ngay cả trong chiến tranh, chúng ta vẫn có thể chọn cách để không đánh mất chính mình. Nếu ai cũng trở thành kẻ tàn nhẫn, thì sẽ chẳng còn gì để bảo vệ, chẳng còn gì để hy vọng. Ông có hiểu điều tôi muốn nói không?
Bruno nhìn cô, ánh mắt sâu thẳm như đang cố tìm kiếm một câu trả lời. Anh gật đầu chậm rãi, nhưng không nói gì thêm. Lần đầu tiên sau nhiều năm, anh cảm thấy những suy nghĩ cũ kỹ và niềm kiêu hãnh bất di bất dịch của mình đang bị thách thức bởi một thứ gì đó khác, sâu sắc hơn, nhân văn hơn.
Đột nhiên, cánh cửa gỗ mục nát của căn phòng bật tung, ánh sáng lờ mờ và làn gió lạnh từ hành lang bên ngoài cùng lúc ùa vào, thổi tung những tấm vải liệm xác treo trên giá. Katarzyna xuất hiện trong bộ dạng đầy mệt mỏi, chiếc tạp dề trắng trước ngực nhuốm đầy máu đỏ thẫm, không rõ là của ai. Mái tóc rối bù của cô dính bết mồ hôi, và đôi mắt lộ rõ vẻ hoảng loạn. Cô thở dốc, cố gắng giữ thăng bằng khi bước vào.
- Samina! Bruno! Chúng tôi cần hai người giúp sức ngay lập tức!
Dứt lời, cô ngã khuỵu xuống sàn nhà, đôi chân không còn đủ sức chống đỡ cơ thể sau nhiều giờ làm việc không ngừng nghỉ. Bruno lập tức đứng bật dậy, lao tới đỡ cô lên. Cánh tay rắn chắc của anh nhanh chóng vòng qua vai Katarzyna, nâng cô dậy một cách nhẹ nhàng.
Samina hoảng hốt chạy lại gần, ánh mắt lo lắng nhìn người bạn trước mặt.
- Có chuyện gì thế, chị Katarzyna?
Katarzyna ngẩng mặt lên, hơi thở nặng nhọc như muốn xé toạc lồng ngực. Cô cố lấy lại chút sức lực cuối cùng để nói:
- Có một tiểu đội lính xung kích và dân quân… Họ đi qua đường cống ngầm đến đây, nhưng bị quân Đức phục kích. Chúng quăng lựu đạn xuống cống. Một nửa tiểu đội bị thương rất nặng... Máu chảy quá nhiều. Chúng tôi không có đủ người để cứu họ...
Bruno nhíu mày, lẩm bẩm:
- Stielhandgranate… Bọn họ đã dùng lựu đạn cán gỗ sao? Thật là...
Katarzyna yếu ớt gật đầu, đôi mắt đầy sợ hãi và mệt mỏi. Bruno tiếp tục, giọng điềm tĩnh nhưng có chút khiếp đảm:
- Nếu thế thì đường ngầm đã không còn an toàn nữa. Chúng ta nên tạm thời ngừng sử dụng tuyến đó. Cũng may là chúng ta không di tản cùng chuyến với tiểu đội đó, nếu không...
Samina cắt ngang, giọng gấp gáp:
- Chúng ta cần ra ngoài giúp họ ngay lập tức!
---
Bruno và Samina vội vã rời khỏi phòng chứa xác, nơi mùi tử khí vẫn còn lưu lại trong không gian tù túng. Khi vừa lao ra hành lang, cả hai đồng thời đeo băng chữ thập đỏ vào cánh tay. Những bước chân gấp gáp vang vọng trong dãy hành lang chật hẹp, nơi ánh sáng yếu ớt từ những bóng đèn cũ kỹ chẳng đủ để xua đi bầu không khí nặng nề u ám. Trời đã giữa trưa, nhưng bầu trời Warszawa bị bao phủ bởi một màu xám chì nặng nề, báo hiệu một cơn giông dữ dội đang đe dọa. Hơi ẩm từ đất và không khí làm mọi thứ trở nên ngột ngạt hơn, như thể cả thành phố đang bị ép chặt dưới bàn tay của cái chết và sự hủy diệt.
Trên đường đi, hai người chia nhau công việc. Khi đến gần khu vực chờ dành cho những người bị thương, Samina gặp một bác sĩ lớn tuổi đang bận rộn chỉ đạo. Người đàn ông ấy bước tới, vội vã nói:
- Bà von Königstein, chúng tôi cần bà giúp ngay. Một ca phẫu thuật khó đang chờ và thiếu người hỗ trợ.
Samina ngừng lại, ánh mắt lóe lên sự lo lắng nhưng rồi cô gật đầu ngay không chút do dự. Cô nhìn Bruno và nói nhanh:
- Ông hãy tiếp tục tìm những người trong nhóm của mình đi. Tôi sẽ lo phần ở đây.
Bruno gật đầu, không nói gì thêm. Anh tiếp tục chạy qua những hành lang chật hẹp. Khi vừa ra đến cổng chính của tòa nhà, Bruno chạm mặt Roderyk. Anh ta đang lau vội đám nước cống bám trên áo khoác bằng một mảnh giẻ rách. Gương mặt anh ta đỏ bừng vì mệt mỏi và có phần cáu kỉnh. Vừa nhìn thấy Bruno, Roderyk đã lớn tiếng:
- Chết tiệt! Anh đã ở đâu suốt buổi sáng vậy?
Bruno chưa kịp mở miệng, Roderyk đã cắt ngang, giọng gay gắt:
- Thôi đừng nói gì hết! Mau ra ngoài giúp Simon và Wojciech đi! Bọn họ đang cần người khuân cáng. Tôi không có thời gian đâu.
Roderyk phẩy tay, quay đi và tiếp tục chạy, vừa chạy vừa vung tay mạnh đến mức những giọt nước cống bắn tung tóe, để lại một vệt ướt lầy lội trên nền đất. Bruno thoáng mỉm cười cay đắng, trong đầu vang lên suy nghĩ chua chát:
"Anh ta cũng giống mình thôi. Thứ cảm giác này chẳng khác nào đang tham gia vào một loại hình nghệ thuật kỳ dị của chiến tranh, nơi mà sự hỗn loạn và máu me là những mảnh ghép hoàn hảo nhất."
Ra đến sân trước, khung cảnh hỗn loạn đập ngay vào mắt Bruno. Những chiếc cáng tự chế được đặt ngổn ngang trên mặt đất lầy lội, nơi những người bị thương rên rỉ, kêu khóc trong đau đớn. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng chỉ đạo dồn dập từ các bác sĩ và tình nguyện viên tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp đinh tai nhức óc. Bruno liếc mắt về phía gốc cây gần đó, nơi Wojciech đang cố trấn an tinh thần những người lính may mắn sống sót từ đường cống.
Nhưng "may mắn" chỉ là một khái niệm tương đối. Có người còn nguyên vẹn, nhưng đa số đều bị thương nặng. Một người lính mất cánh tay phải, máu chảy ròng ròng xuống đất thành từng vũng đỏ sẫm. Một người khác cụt cả hai chân, khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn nhưng không thể phát ra tiếng kêu nào. Xa hơn một chút, Bruno thấy một thân hình cháy xém, đen sì đến mức không còn nhận ra đó là người hay bóng ma trỗi dậy từ lòng đất.
Giữa cảnh tượng kinh hoàng ấy, Bruno nghe thấy một tiếng gọi:
- Bruno, anh đây rồi! Thật tốt quá!
Simon đang vật lộn cố gắng nhấc một người lính già nặng nề lên cáng. Ông ta đã mất quá nhiều máu, phần bụng bị xé toạc để lộ ruột gan đỏ bầy nhầy, trông như một mớ thịt vụn. Không chút do dự, Bruno lao tới và giúp Simon nâng người lính lên.
Trong khi hai người cùng hợp sức nhấc cáng, Bruno hỏi:
- Có bao nhiêu người tới đây thế?
- Không rõ nữa, nhưng có lẽ khoảng vài chục, cả người già lẫn trẻ em!
Bruno nghiến răng, cảm thấy cơ bắp căng lên khi họ nhấc cáng lên khỏi mặt đất. Anh lẩm bẩm, ánh mắt quét qua cảnh tượng xung quanh:
- Mein Gott…
Họ khệ nệ đưa cáng vào khu vực phẫu thuật. Khi vừa đến nơi, một bác sĩ đang đứng bên bàn mổ vẫy tay gọi họ:
- Hai anh kia, nhanh lên! Đặt người này lên bàn!
Chiếc bàn phẫu thuật trông nhếch nhác như chiến trường. Những vết máu khô còn loang lổ khắp nơi, và cạnh đó là những mảnh thịt vụn, những bộ phận cơ thể đã bị cắt bỏ, vứt chỏng chơ trong một chiếc khay kim loại. Có vẻ như vừa có một ca phẫu thuật khẩn cấp trước đó. Simon và Bruno đặt người lính già lên bàn mổ. Ông ta quá nặng, phần bụng bị tổn thương nghiêm trọng khiến máu trào ra thêm khi họ di chuyển. Một cô y tá trẻ, đôi mắt đỏ hoe vì kiệt sức chạy đến hỗ trợ. Cả nhóm phải dùng toàn bộ sức lực mới có thể cố định được cơ thể của người lính trên bàn.
Tình hình vừa mới tạm ổn chưa lâu, Bruno lại nghe tiếng Simon réo gọi. Hơi thở còn chưa kịp ổn định, anh vội quay đầu nhìn, chỉ thấy Simon đang vật lộn với một người lính trẻ và dìu cậu ta bước đi tập tễnh. Simon vừa thở hổn hển vừa hét lớn:
- Bruno, không được nghỉ! Đi thôi, còn nhiều người cần chúng ta!
Bruno cắn răng, gạt đi sự mệt mỏi đang rã rời trên từng thớ cơ, chạy lại phía Simon để hỗ trợ. Nhưng khi vừa bước được vài bước, một giọng nói quen thuộc bất ngờ vang lên từ đám đông hỗn loạn:
- Herr Hausser! Ông làm gì ở đây thế?
Bruno khựng lại, đôi chân như bị chôn chặt xuống đất. Anh quay phắt lại, trái tim bất giác đập mạnh khi thấy một viên sĩ quan Đức quen thuộc đang đứng cách mình vài bước chân. Người đó không ai khác chính là Franz von Hardenberg, một người mà Bruno từng làm việc cùng trong bộ chỉ huy.
Bruno hỏi, giọng anh pha lẫn ngạc nhiên lẫn dè chừng:
- Herr von Hardenberg? Ông cũng ở đây sao?
Simon đang vội dìu người lính trẻ tiến đến, liếc nhìn cả hai với ánh mắt đầy thắc mắc.
- Franz, Bruno, hai người biết nhau à?
Bruno hắng giọng, cố giữ bình tĩnh:
- Chúng tôi có quan hệ xã giao thôi. Gặp nhau thường xuyên vì công việc...
Franz nheo mắt nhìn Bruno, một nụ cười mờ nhạt thoáng qua trên khuôn mặt anh ta.
- Vâng, thật không ngờ là gặp ông ở đây đấy, Herr Major.
Simon lập tức cắt ngang:
- Đừng đứng đó mà nói chuyện nữa! Làm xong việc đi rồi hẵng nói!
Lời nhắc nhở của Simon kéo Bruno về thực tại. Anh khẽ gật đầu với Franz trước khi quay lưng rời đi, cố gắng kìm nén một cảm giác kỳ lạ như phấn khích khi được gặp lại người quen, nhưng điều đó nhanh chóng tan biến. Trước mắt anh là sự điêu tàn, máu me và nỗi kinh hoàng đang hiện diện khắp nơi. Những gì anh từng xem là "nghệ thuật" - thứ mà anh cho là độc đáo trong trí tưởng tượng - giờ đây hiện hữu như một cơn ác mộng, ám ảnh hơn bất cứ điều gì anh từng nghĩ đến. Đây không phải là nghệ thuật, mà là một cuộc giết chóc hỗn loạn không luật lệ, không ý nghĩa.
Anh chạy tới gốc cây lớn gần sân chính, nơi có nhiều dáng người màu đen tụ tập. Không khí nồng nặc mùi máu tanh trộn lẫn với mùi thịt cháy khét và nước cống. Trên mặt đất, những vũng máu đọng lại lẫn bùn đen thành những hình thù méo mó, như thể chính chiến tranh đã vẽ nên bức tranh này bằng sự tàn bạo khủng khiếp. Anh đi ngang qua một người lính trẻ bị phạt mất sống mũi. Phần giữa khuôn mặt cậu ta chỉ còn lại một hốc trống, xung quanh là máu khô đóng cục. Cậu ta nằm bất động, đôi mắt nhắm nghiền, chỉ có cái băng trắng dày quấn quanh đầu là thứ duy nhất giữ lại hình hài con người. Bruno cúi xuống, chạm nhẹ vào cổ tay để tìm mạch đập, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng cậu ta đã không còn thở.
Kế đó, anh bắt gặp một cậu bé hướng đạo sinh, có lẽ chỉ mới khoảng mười tuổi. Cậu bé nằm trên mặt đất, chân trái gãy cong một cách quái dị, xương nhô ra khỏi da. Bruno cúi xuống, cố nhấc cậu lên cáng, nhưng tiếng la hét chói tai của cậu khiến anh giật mình. Đôi mắt cậu bé ngấn nước, gương mặt tái mét như một con búp bê sứ bị vỡ. Bruno nghiến răng, nhẹ nhàng đặt cậu lên cáng và thì thầm:
- Đừng sợ, nhóc. Sẽ ổn thôi...
Nhưng chính anh cũng không chắc mình có tin vào điều đó hay không.
Một tiếng hét nữa vang lên, chói lói và tuyệt vọng, kéo sự chú ý của Bruno về phía một nữ dân quân. Quần áo rách tả tơi, vai trần của cô bị cháy xém, lớp da bong tróc để lộ mảnh thịt đỏ rực và rỉ máu không ngừng. Cô gái co người lại khi thấy Bruno bước tới, đôi mắt mở to, tràn đầy sự khiếp sợ.
- Làm ơn... đừng giết tôi! Làm ơn...
Bruno khựng lại, choáng váng trước sự sợ hãi trong ánh mắt cô. Anh lúng túng giải thích:
- Xin lỗi... tôi chỉ muốn giúp...
Nhưng trước khi anh kịp nói hết câu, một cú tát bất ngờ giáng mạnh vào mặt anh. Người lính nữ bắn tỉa đứng gần đó, có lẽ là bạn của nữ dân quân, gầm lên phẫn nộ:
- Này! Anh không có mắt à? Biến đi!
Gương mặt cô đầy bùn đất, đôi mắt lóe lên tia nhìn sắc bén như muốn xé toạc anh ra. Bruno giơ tay lên, định nói gì đó, nhưng ánh mắt dữ dội kia khiến anh quyết định lặng lẽ cúi đầu, rồi bước lách qua họ. Lòng ngực anh dồn nén một cơn giận dữ và thất vọng.
"Mặc xác các người! Tôi đã muốn giúp mà!"
Anh lau đi vết bùn trên mặt, cảm giác lớp da sần sùi dính máu và bụi cát. Nhưng những gì anh vừa chứng kiến - nỗi sợ, cơn đau và sự mất mát - khiến cơn giận của anh nhanh chóng nhường chỗ cho một cảm giác trống rỗng đáng sợ.
Bruno bước đi trong cơn mê sảng của những ý nghĩ. Những khuôn mặt đen nhẻm vì bùn đất, đôi mắt trắng dã lờ đờ như hồn ma và những tiếng thở dốc đứt quãng... tất cả đều như ám ảnh anh, khắc sâu vào tâm trí anh như những vết cắt không bao giờ lành.
Anh dừng lại để quan sát một người lính cứu thương gần đó. Người này, với khuôn mặt đỏ lựng vì kiệt sức và chiếc áo trắng giờ đây nhuốm đầy máu đang gắng sức kéo một thi thể từ dưới lòng cống lên. Không phải để cứu sống, mà để mang đi chôn. Đôi tay anh ta run rẩy, nhưng ánh mắt lại trống rỗng như thể đã quen với những điều tàn nhẫn này.
Khắp nơi vang lên tiếng la hét, tiếng rên rỉ của những người đang vật lộn với nỗi đau thể xác. Xen lẫn vào đó là tiếng máy bay vẫn gầm rú từ xa, như lời nhắc nhở rằng cơn ác mộng này còn lâu mới kết thúc. Bàn tay Bruno siết chặt, đầu anh ong ong với hàng loạt suy nghĩ tiêu cực.
"Đây không phải là nghệ thuật. Đây là sự sụp đổ của nhân loại. Đây là địa ngục."
- Bruno...
Một giọng nói yếu ớt lại gọi tên Bruno giữa khung cảnh hỗn loạn. Nhưng giọng nói ấy, tuy nhỏ bé nhưng quen thuộc đến mức làm Bruno chợt khựng lại. Anh ngẩng đầu, đảo mắt tìm kiếm trong biển người lấm lem bùn đất và máu me, cảm giác hoang mang và sợ hãi dâng lên trong lồng ngực.
- Hans, cậu đang ở đây à?
Anh gọi to, giọng run rẩy, hy vọng tiếng nói của mình có thể tìm được người bạn mà anh đang nghĩ đến.
- Bruno, tôi ở đây!
Lần này, giọng nói đó vang lên rõ hơn, nhưng vẫn đầy yếu ớt, như thể bị chôn vùi dưới lớp bùn lầy của cuộc chiến. Bruno quay cuồng trong nỗi lo lắng đến mức mọi thứ xung quanh như chìm vào một màn đen. Tiếng khóc, tiếng thét và những âm thanh ồn ĩ xung quanh như bị bóp nghẹt bởi tiếng tim anh đập thình thịch trong tai.
Anh lao đi theo hướng của giọng nói, chạy vụt qua những bóng người đen đủi lấm lem bùn đất, những cơ thể nằm bất động hoặc đang vùng vẫy trong đau đớn. Nhưng mỗi bóng dáng anh nhìn thấy đều không phải là Hans. Đôi mắt xanh thân quen không hiện hữu, mái tóc vàng nhạt không đủ sáng giữa màu đen xám bao trùm. Bruno nhầm lẫn hết lần này đến lần khác, đôi vai quá rộng, chân quá thấp, khuôn mặt không đúng... Từng người, từng người, nhưng không ai là Hans.
- Johannes! Rốt cuộc cậu đang ở đâu vậy?
Giọng anh lạc đi, gần như vỡ òa. Nỗi tuyệt vọng dâng lên từng giây như một bàn tay vô hình đang bóp nghẹt lấy cổ anh. Mọi thứ quanh anh trở thành một bức tranh méo mó, đầy những hình dáng vặn vẹo bởi bùn đất và máu tươi. Bầu trời trên đầu anh càng lúc càng tối lại, như đồng cảm với nỗi đau của con người phía dưới. Một tiếng sấm rền vang, như báo hiệu một trận mưa lớn sắp trút xuống.
Khi một giọt nước mắt lăn dài trên má, Bruno chợt cảm nhận được một bàn tay nhỏ bé và lạnh buốt chạm vào ngón tay của anh. Anh giật mình quay lại. Đó là một cô bé chừng năm tuổi, đôi mắt xanh trong veo như nước suối, mái tóc vàng thắt thành hai bím xinh xắn và mặc một chiếc váy màu xanh đã nhuốm bùn đất. Đôi giày cô bé mang là của người lớn, quá rộng so với đôi chân nhỏ nhắn của em, khiến dáng đi lạch bạch như một chú chim non.
- Chú là Bruno phải không ạ? Bạn của chú đang tìm chú đấy!
Giọng em nhẹ nhàng nhưng chắc nịch, và bàn tay nhỏ bé của em nắm lấy tay Bruno, kéo anh đi. Như một thiên thần hộ mệnh, cô bé dẫn anh thoát khỏi vùng hỗn loạn đầy máu me, nơi anh như bị chôn vùi trong cơn lốc của cảm xúc. Bruno nhìn cô bé, không biết phải nói gì, chỉ lặng lẽ cảm ơn em trong đầu.
- Bruno...
Lại là tiếng gọi ấy, lần này gần và rõ hơn. Bruno lập tức nhìn về phía âm thanh, và anh thấy một dáng người lấm lem bùn đất, tựa vào bức hào đắp bằng bao cát ở phía xa.
- Hans...
Bruno lao đến, nhận ra ngay người bạn thân từ thời trẻ của mình. Johannes von Friedeburg - người bạn đã từng cùng anh trải qua những ngày tươi vui của thời trẻ, giờ đây ngồi bệt trên vỉa hè, lưng tựa vào lớp bao cát. Khuôn mặt Hans lấm lem bùn đất, những vệt máu khô trên trán và gò má càng khiến anh trông giống một bóng ma vừa bước ra từ trận chiến. Cánh tay phải của Hans quấn chặt băng trắng, nhưng máu vẫn rỉ qua, đỏ tươi và nhầy nhụa.
Bruno bật ra một tiếng thét, nửa giận dữ, nửa nghẹn ngào:
- Đồ ngốc, Johannes!
Hans mỉm cười yếu ớt, đôi môi tái nhợt run rẩy.
- Bruno… cuối cùng… cậu cũng đến…
Bruno cố gắng kìm nén những cảm xúc cá nhân đang trào dâng trong lồng ngực. Trước mắt anh lúc này, Hans không chỉ là người bạn cũ mà còn trở thành một nhiệm vụ khẩn cấp, một con người cần được anh cứu thoát khỏi sự đau đớn đang giày vò. Không chần chừ, Bruno cúi xuống, nhẹ nhàng kiểm tra thân thể của Hans. Đôi mắt anh dừng lại ở chân phải của bạn mình, nơi một vết cắt sâu đã xuyên qua lớp vải quần dài, để lộ phần thịt đỏ au, rỉ máu từng đợt và thấm đẫm xuống nền đất bẩn thỉu.
Hans nhìn thấy ánh mắt lo lắng của Bruno, vội vàng lên tiếng, giọng yếu ớt nhưng vẫn cố gắng giữ vẻ bình tĩnh:
- Cậu không cần làm thế đâu, Bruno… Tôi có thể tự đi được mà.
Bruno không đáp, chỉ lắc đầu dứt khoát. Anh cúi thấp người, đưa một tay vòng qua eo Hans, tay kia giữ chặt vai bạn mình, rồi đứng dậy bằng một cú gồng mình mạnh mẽ. Hans bật ra một tiếng rên nhỏ, thân người anh co rúm lại vì đau đớn. Cảm nhận được sự căng cứng và run rẩy của Hans, Bruno cảm thấy trái tim mình như bị bóp nghẹt. Đôi chân vốn vững chãi của anh giờ đây cũng như chùng xuống, dường như nỗi đau của Hans đã lây lan qua từng thớ cơ trên người anh.
- Cậu thật là hồ đồ, Hans ạ. Cậu định làm người hùng rơm à? Cậu ở lại cái thành phố quái quỷ này vào lúc này để làm gì chứ?
Bruno vừa nói vừa siết chặt hơn cánh tay của Hans quanh vai mình, từng bước chậm rãi tiến về phía tòa ngân hàng đổ nát. Lời nói của anh mang một chút giận dỗi như một cậu em trai đang trách móc người anh đã thất hứa với mình. Dù vậy, sâu trong ánh mắt của Bruno, một sự day dứt và xót xa không thể che giấu được.
Hans khẽ cười, một nụ cười méo mó vừa buồn bã vừa bất lực:
- Xin lỗi, Bruno. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định ở lại đây rồi… Tôi phải đi tìm một người bạn của tôi.
Bruno cau mày, nhưng không nói gì thêm. Anh chỉ tập trung dìu bạn mình đi từng bước, cố gắng giữ cho Hans không phải chịu quá nhiều đau đớn.
Phía sau họ, bé gái nhỏ nhắn với mái tóc vàng thắt bím nhanh chóng chạy theo. Em không nói lời nào, chỉ lặng lẽ bám chặt vào dây đeo của chiếc túi bị cũ kỹ trên lưng Hans, như sợ rằng nếu buông tay, em sẽ bị cuốn vào đám đông hỗn loạn và biến mất mãi mãi.
Trên đường đi, qua những lời kể đứt quãng từ Hans, Bruno mới biết thêm về cô bé. Tên em là Zofia Olszańska, vừa tròn sáu tuổi. Hans đã tìm thấy Zofia khi cô bé đang trú bom một mình trong một căn nhà bỏ hoang ở phố Kilińska. Mẹ em đã chết ngay trước mắt em trong một trận oanh tạc, còn cha em thì không rõ tung tích.
Hans đã bế em ra khỏi căn nhà ấy, bất chấp những nguy hiểm đang rình rập. Anh kể rằng lần đầu tiên nhìn thấy Zofia, cô bé chỉ ngồi lặng im trong góc nhà, đôi tay nhỏ nhắn ôm chặt một con búp bê rách nát, ánh mắt em trống rỗng như đã hoàn toàn mất đi hy vọng.
Hans nói, giọng nghẹn lại khi kể về khoảnh khắc đó:
- Tôi không thể để con bé ấy ở lại một mình. Cậu biết tôi mà, Bruno…
Bruno nhìn thoáng qua Zofia, thấy cô bé vẫn kiên nhẫn bước theo họ, đôi giày da to quá khổ khiến mỗi bước đi của em trông chập choạng, lảo đảo. Chiếc váy xanh dương của em đã rách tả tơi, bám đầy bùn đất và máu khô, nhưng em không hề than vãn hay khóc lóc. Zofia như một bóng dáng nhỏ nhoi nhưng kiên cường giữa thế giới hỗn loạn và đầy đau thương này.
Bruno thì thầm, giọng anh pha lẫn giữa sự trách móc và thương cảm:
- Hans, cậu đang tự giết mình vì lòng tốt đó.
Hans không trả lời, chỉ siết nhẹ tay Bruno như để cảm ơn.
Họ tiến từng bước chậm chạp qua đám đông, qua những người bị thương đang rên rỉ trên cáng, qua những bóng ma lấm lem bùn đất và máu. Tiếng la hét, tiếng khóc, và cả tiếng gào thét của những người đang hấp hối hòa lẫn với tiếng sấm ngày một gần. Bầu trời dường như đã cúi thấp hơn, chuẩn bị đổ xuống trận mưa lớn, rửa trôi đi phần nào sự hỗn loạn và đau thương đang bủa vây mọi người.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro